1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Có nên phân biệt đối xử với từ Hán Việt?

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi Milou, 31/07/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Có nên phân biệt đối xử với từ Hán Việt?

    Có nên phân biệt đối xử với từ Hán Việt?

    Cần coi là từ Việt

    Trong sự giao lưu giữa các cộng đồng sử dụng ngôn ngữ khác nhau, việc mượn từ ngữ của nhau là việc hết sức bình thường. Vấn đề là mượn như thế nào để có thể bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của mình. Trong tiếng Việt, người ta đã chỉ ra khá nhiều từ mượn từ gốc Thái, Khmer... mà ta vẫn coi là thuần Việt. Với người bình thường, khó mà nhận ra gốc Pháp của các từ cốc, tách, xăm, lốp... Vì vậy gọi từ Hán Việt để phân biệt từ thuần Việt cũng chỉ nên coi là một "thủ pháp" trong học tập nghiên cứu. Chẳng nên quá "phân biệt đối xử" khi coi từ Hán Việt như nguyên nhân làm tiếng Việt giảm đi sự thuần nhất và trong sáng của nó.

    Ta đã có khá nhiều giải pháp hay khi mượn từ Hán Việt và khối từ này đã ngày càng Việt hóa cao. Cố nhiên ta phải phấn đấu cho tiếng Việt ngày càng phong phú, hay và đẹp hơn. Muốn thế, các nhà văn hóa, những người sử dụng ngôn ngữ nhiều phải góp phần sàng lọc các yếu tố tiêu cực trong các lớp từ, kể cả lớp từ mượn Hán Việt, mượn "quốc tế" hiện nay lẫn lớp từ được coi là thuần Việt. Bởi vì lớp từ nào cũng có những yếu tố tiêu cực cần sàng lọc cả.

    Những yếu tố Hán Việt "tiêu cực"

    Do "quen thuộc" về mặt ngữ âm nên nhiều khi gặp từ lạ trong tiếng Hán, các phiên dịch "ngại nghĩ" cứ phiên thẳng âm ra tiếng Việt mà không quan tâm ý nghĩa của nó trong tiếng Việt có phù hợp không. Vì vậy phân xưởng rèn từng có lúc được gọi là phân xưởng gia công áp lực. Ngành đường sắt sau năm 1954 có rất nhiều từ Hán Việt nặng nề; ngành giáo dục cũng dịch ra đủ các từ như giáo cụ trực quan, sĩ số hiện hữu, kiến tập, thực tập... Và bây giờ trên báo, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các từ nghiệp dĩ, biên mậu... Đó là căn bệnh mượn ẩu, mượn bừa, nhập lậu trong việc mượn từ Hán Việt.

    Chữa căn bệnh này cũng không khó. Trách nhiệm trước hết là ở các nhà phiên dịch tiếng Trung. Gặp các từ không quen thuộc, các vị hãy đề cao tinh thần trách nhiệm với ngôn ngữ dân tộc, vận dụng các cách mượn từ thông minh của dân tộc ta để xử lý. Hãy dịch ra các từ quen thuộc (thuần Việt hay từ tố Hán Việt quen thuộc) cho dễ hiểu. Kinh nghiệm tạo danh từ khoa học của các bậc đi trước như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và những người khác rất cần được học tập. Nếu cứ lười nhác thì các cụ đã dùng Précipiter hoặc trầm điện chứ chả cần tạo ra kết tủa, và ta cũng chẳng có cái từ rất "hóm hỉnh" là tá tràng nghe như "Hán Việt xịn" mà thật ra là "Hán Việt dởm" gồm tá là 12, tràng là ruột để dịch chữ duodénum (tiếng Hán dùng từ khác). Cũng như vậy, nếu chỉ dùng kiểu "phiên âm" thì làm gì ta có những tên gọi Việt Nam cho các cán bộ ngành y mà nếu viết ra chữ Hán thì người Trung Quốc cũng không hiểu được họ làm công việc gì: bác sĩ, hộ lý...

    Cố nhiên ngăn chặn các nguồn có khả năng "nhập lậu" là một mặt. Quan trọng nữa là "người tiêu dùng" cần có ý thức, không làm sang bằng cách dùng các từ có vẻ "bác học".

    Tuy nhiên, đã thận trọng với từ Hán Việt mượn ẩu, lại rất cần thận trọng khi muốn thay thế các từ Hán Việt đã quen thuộc. Các từ đã được cộng đồng chấp nhận, dùng quen trong đời sống đều là các từ cần mượn. Những từ "thuần Việt" có thể thay thế nó thường không đáp ứng được yêu cầu, hoặc là thiếu những nét nghĩa chuyên biệt, hoặc là không có được sắc thái cần có. Hãy xem vài trường hợp, quan sát không hoàn toàn đồng nghĩa với xem xét. Các từ thể thao như (chạy) việt dã, hậu vệ sao có thể thay bằng (chạy) vượt ruộng, giữ mặt sau; gia phong không thể thay bằng lệ nhà; phong trần không phải lúc nào cũng có thể thay bằng gió bụi!

    Thái độ sáng suốt ở đây là mượn cái gì cần mượn, Việt hóa tối đa khi có thể và không "dị ứng" với việc mượn từ. "Đóng cửa" là không nên và cũng không thể.

    Tôn trọng cuộc sống riêng của từ ngữ

    Từ ngữ có cuộc sống riêng của nó. Khi đã được cộng đồng sử dụng, chấp nhận, nó đi vào cuộc sống chung. Tùy theo khả năng hoạt động của nó, nó sẽ kết hợp với các yếu tố khác, từ ngữ khác để làm nảy sinh những nghĩa nhánh (phái sinh) và có thể tạo ra các sắc thái mới, các từ cùng họ thuận hay ngược chiều. Từ quả là một thí dụ. Ngoài hai nghĩa "trái cây" và "kết quả" mượn ở gốc Hán, nó đã có thêm các nghĩa nhánh chỉ có ở tiếng Việt: chỉ đơn vị, các vật có hình giống trái cây (quả cân, quả đấm) hay đồ đựng bằng gỗ hình hộp tròn có nhiều ngăn và có nắp (quả sơn)... và rồi nó có thêm những kết hợp mới: quả lừa, trúng quả...

    Cũng như vậy, từ Hán Việt, do đặc điểm ngoại lai của nó, rất dễ bị biến dạng. Cần tôn trọng các hình thức biến dạng về ngữ âm, ngữ nghĩa mà phần lớn giới bình dân đã dùng, đó thường là sự phát triển đúng các quy luật ngôn ngữ chứ không phải chỉ là do thiếu hiểu biết mà ra cả đâu! Cứ khư khư theo từ nguyên mà dùng ủy mĩ (ủy mị), đồi tệ (tồi tệ), a du (a dua), quá kích (quá khích) xem có buồn cười không! Không thể cố chấp mà bảo tử tế (tốt bụng) là "xem xét tỷ mỉ", lỗi lạc (có tài khác đời) là "trong sạch thẳng thắn", vô tình (không cố ý) là "không có tình" v.v.

    Từ những biến dạng xa dần nghĩa gốc, rất nhiều từ Hán Việt đã có một bộ mặt hoàn toàn xa lạ. Tồn tại đã đi qua bước trung gian vấn đề tồn tại, những cái tồn tại để đi tới một danh từ mới có nghĩa là "những khuyết điểm, yếu kém chưa được khắc phục"; cập nhật từ cái nghĩa đen là "kịp từng ngày" đã đi tới cái nghĩa bóng "theo sát từng ngày những cái mới của thời đại". Do đó, nói kiến thức cập nhật là sáng tạo từ mới theo hướng này.

    Từ chuyện chuyển nghĩa, cũng nên nói đến hiện tượng mất nghĩa của các từ tố. Trong các từ song tiết thuần Việt cũng đã có nhiều yếu tố bị mất nghĩa (mà phải nghiên cứu mãi mới truy ra): đường xá, tre pheo, gà qué, chợ búa... Từ mượn Hán Việt càng có nhiều lý do để mất nghĩa các từ tố của nó. Do tính cách tên riêng mà những yếu tố sơn, hà, giang... đã không còn giữ nguyên nghĩa trong Thái Sơn, Hoàng Hà, Trường Giang. Vì vậy nói "đi lên núi Thái Sơn", "qua sông Trường Giang" đâu phải là thừa! Nói như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, cái âm hưởng Việt nhiều khi cũng đòi hỏi tạo các từ gồm các yếu tố Hán Việt và thuần Việt đồng nghĩa như in ấn...

    Trong phạm vi bài báo, tôi chỉ xin được trao đổi sơ lược về khối từ Hán Việt rất lắm vấn đề cần khảo sát này và mong được sự quan tâm chung.

    Lê Xuân Mậu
    (Tạp chí Văn)



  2. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Từ Hán - Việt, những khía cạnh Việt hóa
    Trong bài viết trước, bài Dùng từ - những lỗi "tày đình" thường gặp (Nhân Dân điện tử, 17-4-2001), chúng tôi đã chỉ ra mấy trường hợp dùng từ bị sai lệch ngữ nghĩa hiện đang phổ biến mà phần lớn là từ Hán - Việt. Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng nêu lên con số thống kê: Hơn 60% từ vựng Việt Nam có nguồn gốc Hán. Vậy phải chăng ai giỏi chữ Hán thì dùng từ Hán - Việt đều xác đáng? Chưa hẳn!
    Mở đầu cuốn Hán - Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh viết: "Bỉ nhân khi mới nghiên cứu quốc văn, đã lấy sự không có từ điển làm điều rất khốn nạn...". Ngày nay, từ khiêm xưng bỉ nhân rất xa lạ với người Việt. Còn để diễn tả tình trạng lúng túng khó khăn, chẳng ai dùng từ khốn nạn cả. Bộ tiểu thuyết Les Misérables của Victor Hugo, trước kia cũng có người dịch là Những kẻ khốn nạn, về sau phải chỉnh sửa thành Những người khốn khổ. Bởi lẽ, khốn nạn trong từ Hán - Việt không còn giữ nguyên ý nghĩa gốc Hán là "khó khăn, khổ sở" mà đã biến nghĩa và đổi cả mầu sắc tu từ: "hèn mạt, đáng khinh".
    Cũng cần lưu ý rằng hàng loạt từ cực kỳ thông dụng mà không ít người cho rằng là từ thuần Việt, thực ra cũng mang gốc Hán: ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, thím, dì, áo, quần, bàn, ghế... Thế nhưng, ngôn ngữ Việt Nam không phải là ngôn ngữ Hán. Về căn bản, ngữ pháp Việt khác xa ngữ pháp Hán. Và trong quá trình vay mượn từ Hán, biến từ Hán thành từ Hán - Việt, dân tộc ta đã Việt hóa bằng nhiều cách.
    Trước tiên là Việt hóa về mặt ngữ âm: từ Hán chuyển thành từ Hán - Việt được đọc theo âm Việt (thường gọi là âm Hán - Việt) theo một hệ thống quy luật nhất định. Để nắm rõ vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo sách Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1979). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến sự Việt hóa gốc Hán về các mặt kết cấu, ý nghĩa và mầu sắc tu từ.
    Thay đổi kết cấu
    Từ Hán - Việt có nhiều thay đổi về mặt kết cấu nếu so với từ gốc Hán. Dễ thấy nhất là xu hướng rút gọn hàng loạt từ ghép thành từ đơn: văn (văn chương, văn học), chế (chế biến, chế tạo), lệnh (mệnh lệnh), đảm (đảm đương), hạn (kỳ hạn), hỗn (hỗn hào), điệu (yểu điệu), nghiệt (khắc nghiệt), v.v. Đã rút gọn thế rồi, người Việt lại phát triển thành từ ghép Việt Nam theo công thức: từ Việt + từ Hán. Theo đó, biết bao từ mới xuất hiện như: cảm mến, bao gồm, bày biện, bình bầu, biến đổi, bồi đắp, kỳ lạ, sống động...
    Ngay cả những từ ghép mang gốc Hán hoàn toàn, khi trở thành từ Hán - Việt thì đã chuyển hóa vị trí. Người Trung Quốc viết động dao, còn người Việt là dùng dao động. Thí dụ về sự chuyển hóa vị trí như thế có rất nhiều: náo nhiệt (Hán: nhiệt náo), di chuyển (chuyển di), tố cáo (cáo tố), phóng thích (thích phóng), tướng mạo (mạo tướng), cứu vãn (vãn cứu), quyền lợi (lợi quyền), tiến cử (cử tiến)... Dĩ nhiên, chẳng phải từ ghép nào cũng có thể thay đổi vị trí. Điều này thường xảy ra trong trường hợp từ ghép được cấu tạo bởi hai từ đơn âm đồng nghĩa.
    Lại có những từ ghép cũng hoàn toàn mang gốc Hán, song người Việt thay hẳn một yếu tố nào đấy để dùng riêng. Nếu Hán ngữ dùng hộ sĩ thì Việt Nam dùng hộ lý (ghi chú: trước kia ở Trung Quốc cũng có từ "hộ lý" nhưng dùng chỉ vị quan cấp dưới thay thế vị quan cấp trên để giải quyết công việc lúc quan cấp trên vắng mặt). Chúng ta dùng từ họa sĩ, song Trung Quốc dùng từ họa sư/họa công. Chúng ta dùng từ tường tận, song Trung Quốc dùng tường tế...
    Thậm chí, những kết cấu ngôn ngữ rất ổn định, rất bền vững là thành ngữ, thì cũng phải thay đổi lúc thành ngữ Hán trở thành thành ngữ Hán - Việt. Những từ nằm trong ngoặc đơn ở các thí dụ sau là gốc Hán: tác oai tác quái (tác uy tác phúc), khẩu Phật tâm xà (Phật khẩu xà tâm), du thủ du thực (du thủ hiếu nhàn), thập tử nhất sinh (cửu tử nhất sinh), an phận thủ thường (an phận thủ kỹ), thượng lộ bình an (nhất lộ bình an)...
    Thay đổi ngữ nghĩa
    Có thể nói rằng hầu hết từ ghép gốc Hán được nhân dân ta vay mượn thì đã thay đổi nghĩa hoặc ít hoặc nhiều. Với những từ ghép đa nghĩa, lắm khi chúng ta chỉ chọn một số ý nghĩa nào đấy mà thôi. Chẳng hạn từ phù phiếm, ta chỉ dùng nghĩa bóng (không thiết thực) mà không dùng nghĩa đen (ngồi thuyền dạo chơi). Hoặc từ bác sĩ thì gốc Hán gồm ba nghĩa: 1. Chỉ một chức quan được đặt ra từ đời Tần: ngũ kinh bác sĩ, quốc tử bác sĩ; 2. Chỉ người thành thạo một nghề gì: trà bác sĩ (người chuyên bán trà); 3. Chỉ học vị: Pháp học bác sĩ, y học bác sĩ. Thế nhưng, Việt Nam dùng từ bác sĩ với một nghĩa rất hẹp, chỉ người tốt nghiệp đại học y khoa (y học bác sĩ). Trong khi đó, tiếng Hán hiện đại lại có từ y sinh để chỉ thầy thuốc (bác sĩ).
    Nhiều trường hợp, khi vay mượn từ gốc Hán, người Việt chủ động phát triển thêm một vài nghĩa không có trong tiếng Hán. Từ Hán đinh ninh vốn có nghĩa "dặn dò", lúc trở thành từ Hán - Việt thì có thêm nghĩa mới là "yên trí". Hoặc từ bồi hồi vốn có nghĩa "đi đi lại lại", người Việt còn hiểu là "bồn chồn, lòng dạ không yên".
    Táo bạo nhất là cách thay đổi toàn diện ý nghĩa: hình thức vay mượn, song ý nghĩa lại khác hoàn toàn. Như khôi ngô, từ Hán có nghĩa "to lớn", còn từ Hán - Việt lại có nghĩa "thông minh". Hoặc mê ly, từ Hán có nghĩa "mơ hồ, không rõ", từ Hán - Việt có nghĩa "rất hay, rất hấp dẫn". Hoặc lẫm liệt, từ Hán có nghĩa là "rét mướt", từ Hán - Việt có nghĩa "oai phong". Với những trường hợp này, sự Việt hóa đã đạt đến mức triệt để.
    Thay đổi mầu sắc tu từ
    Thông thường, với hai từ đồng nghĩa (một từ Hán - Việt và một từ Việt), thì dùng từ Hán - Việt mang tính trịnh trọng hơn, hoặc văn hoa hơn. Thí dụ các cặp từ này: phụ nữ/đàn bà; nhi đồng/trẻ em; phu nhân/vợ; mẫu tử/mẹ con; trường thọ/sống lâu; từ trần/chết...
    Tuy nhiên, có những từ Hán - Việt lại mang mầu sắc tu từ trái ngược so với từ gốc Hán. Đáo để vốn có nghĩa "đến cùng", song trong ngôn ngữ Việt Nam lại là "riết róng, đanh đá". Thủ đoạn chỉ có nghĩa "phương pháp, kỹ pháp", song đối với chúng ta thì đây là từ chỉ "mưu mẹo, mánh khóe" theo nghĩa xấu. Dã tâm trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa "tham vọng", song biến thành từ Hán - Việt thì có nghĩa "lòng dạ hiểm độc". Trường hợp từ khốn nạn mà chúng tôi dẫn ở đầu bài này thì trong tiếng Hán chẳng mang sắc thái nào đặc biệt, nhưng với dân ta, đây lại là từ dùng để nhiếc móc, chửi rủa!
    Qua những điều vừa nêu, bạn đọc đủ thấy rằng: Từ gốc Hán được Việt hóa để trở thành từ Hán - Việt không còn là... từ Hán. Đề tài này nếu được khai triển dưới nhiều góc độ khác, chắc chắn sẽ đem lại vô số điều thú vị và hữu ích cho công cuộc "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".
    võ ngân vương
    (Tạp chí Tài hoa trẻ)

  3. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Từ Việt - Hán
    Võ Ngân Vương
    Từ chuyện múa rối
    Trong hai tháng 8 và 9-2001 vừa rồi, Đoàn Nghệ thuật Múa rối TP Hồ Chí Minh đã sang Mỹ biểu diễn liên tục 39 suất ở nhiều bang: Florida, Texas, New York... Suất diễn nào cũng hấp dẫn đông đảo khán giả. Vì sao?
    Khắp thế giới, đâu đâu cũng thấy múa rối. Song, đó là các loại rối tay, rối que, rối dây, rối dẹt, rối mềm, rối bóng... Duy Việt Nam cống hiến một loại múa rối cổ truyền cực kỳ tài hoa, độc đáo và riêng biệt : rối nước. Rối nước Việt Nam có vị trí trong "bản đồ xuất khẩu văn hóa" là vì vậy.
    Qua chuyên luận Nghệ thuật múa rối Việt Nam (NXB Văn Hóa, Hà Nội 1994), nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng khẳng định: "Múa rối nước, một môn nghệ thuật chỉ còn thấy ở nước ta". Nếu thế thì xưa kia, rối nước cũng từng tồn tại ở xứ khác ư? Một Hoa kiều đang sinh sống tại Chợ Lớn cho biết:
    - Múa rối, tiếng quan thoại là kuei lei, âm Hán -Việt là khôi lổi hoặc ổi lổi. Bên Trung Quốc, múa rối có nhiều loại, kể cả... rối nước. Tiếng quan thoại gọi shui kuei lei, tức thủy khôi lổi, chính là múa rối nước đó. Vậy phải chăng múa rối nước Việt Nam vốn du nhập từ Trung Quốc? Hiện tại thì khắp Trung Quốc chẳng còn thấy rối nước nữa.
    Giáo sư Trần Văn Khê đã lý giải chuyện này trong hồi ký của mình. Ông nhận xét rằng về ngôn ngữ, người Trung Quốc khi tạo ra một vật gì đều đặt cho nó một cái tên bằng tiếng Trung Quốc, nhưng nếu vật phẩm từ nước ngoài đem tới thì họ thường gọi tên theo lối phiên âm. Chẳng hạn kèn dăm-đôi có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, người Trung Quốc gọi nhạc khí ấy là suona - một cách phiên âm từ zourna của tiếng Thổ. Trên cơ sở đó, ông đặt vấn đề xem xét chữ kuei lei, tức khôi lổi chỉ con rối là tiếng Trung Quốc hay phiên âm. Ông viết : "Chữ khôi gồm chữ nhân đứng bên chữ quỹ (đúng ra là quỷ với dấu hỏi, nghĩa là ma quỷ - chú thích của tác giả), có thể tạm chấp nhận đó là "hội ý", tuy là hình dáng của người mà không phải người. Nhưng còn chữ lổi gồm chữ nhân đứng bên ba chữ điền, đó không phải tượng hình cũng không phải là hội ý, vậy đó có thể là một chữ phiên âm. Thế thì biết đâu chữ lổi chính là phiên âm từ chữ lối của Việt Nam ngày xưa, rồi thành ra rối sau này. Cũng giống như ngày nay chúng ta dùng chữ trời vốn là chữ blời ngày xưa...". Tiếp đến, Giáo sư Trần Văn Khê phân tích thêm một số nét đặc trưng mà chỉ múa rối nước Việt Nam mới có (về thủy đình, chú tễu, nhạc cụ, nhạc khí, làn điệu và cả yếu tố nước v.v...), rồi kết luận: "Tất cả những chuyện đó cho phép tôi kết luận rằng có thể chính chúng ta tạo ra múa rối nước, truyền từ đời này qua đời khác mãi tới bây giờ vẫn còn. Trong khi đó, bên Trung Quốc qua tới đời nhà Thanh thì múa rối nước đã mai một rồi. Vì vậy tôi tạm cho rằng múa rối nước là bộ môn nghệ thuật đặc biệt của Việt Nam".
    Thêm chuyện trầu cau
    Ngày nay, phong tục ăn trầu cau không còn phổ biến. Thế nhưng trong những nghi thức cúng bái tổ tiên, trong các "đại sự" như quan - hôn - tang - tế, quả cau với lá trầu luôn là lễ vật cần thiết. Đặc biệt với đám hỏi, đám cưới, nhất quyết không thể thiếu mâm cau - trầu -rượu. Tục lệ ấy tương truyền có vào thuở Hùng Vương. Theo Lĩnh Nam chích quái do Trần Thế Pháp biên soạn hồi thế kỷ XIV, sau này Nguyễn Đổng Chi ghi lại trong bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Tập 1 -NXB Khoa học Xã hội, 1976, tr.87) thế này :"Điều đáng chú ý là luật của nhà vua (Hùng Vương) bắt buộc trai gái khi kết hôn thế nào cũng phải tìm cho được ba món trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai, nhổ nhổ một tí để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt. Vì thế, từ đó dân Việt mới có tục ăn trầu".
    Sự tích kể về mối tình vô cùng éo le và cảm động giữa hai anh em ruột nhà họ Cao, (một tên Tân, một tên Lang), với cô gái họ Lưu. Kết cục Lang hóa đá vôi, Tân hóa cây cau và nàng họ Lưu hóa thành dây trầu quấn quít. Truyện đó, nhiều người đã biết. Người ta cũng biết rằng tân lang, tiếng Hán dùng để gọi cây cau, đồng âm với từ chỉ chàng trai mới lấy vợ tức chú rể. Còn phù lưu cũng là tiếng Hán dùng để gọi cây trầu không. Sở dĩ có cách đặt tên nhân vật trùng hợp như thế là do Trần Thế Pháp biên soạn Lĩnh Nam chích quái bằng chữ Hán; khoảng một thế kỷ sau thì Vũ Quỳnh và Kiều Phú lại hiệu đính, dĩ nhiên cũng bằng chữ Hán. Còn trước đấy rất lâu, truyện từng được dân gian lưu truyền và tên của ba nhân vật thì mỗi nơi một khác - như các dị bản đã sưu tầm được ở Nghệ An, Thừa Thiên, Quảng Nam... Điều đó có thể khẳng định là tục ăn trầu vốn xuất hiện trong cộng đồng người Việt từ xa xưa, trước khi bị người Hán tràn qua thống trị. Luận điểm này được củng cố vững chắc bởi các cứ liệu sinh thái học, khảo cổ học, dân tộc học và ngôn ngữ học lịch sử.
    Hàng loạt di chỉ được khai quật thời gian qua, nhất là các mộ thuyền từ xa xưa, đã cho thấy vết tích của tục lệ ăn trầu trong cư dân Việt cổ thông qua di cốt mà dễ thấy nhất là hàm răng cùng đồ tùy táng. Trong khi đó, các tộc người phương Bắc không có thói quen ăn trầu. Vậy cư dân Việt cổ gọi trầu là gì?
    Tương tự sự chuyển hóa ngữ âm b lời thành trời, danh từ trầu/giầu ngày nay nguyên là blầu/blàu thuở xa xưa. Tên gọi loài thực vật nhiệt đới này của cư dân Việt thuở ấy đã được người Hán tiếp thu và phiên âm, thoạt tiên là bồ lưu, dần trở thành phù lưu. Một làng cổ ở tỉnh Bắc Ninh nước ta từng nổi tiếng trồng trầu là làng Phù Lưu, tên nôm là làng Giầu.
    Cây cau, một loài thực vật xuất xứ ở Nam á, đã được người Trung Quốc di thực về trồng với số lượng rất ít, chủ yếu để làm cảnh. Như đã nêu, cây cau được ghi chứ Hán là tân lang, âm Bắc Kinh là bấn lãng, âm Quảng Đông là bánh loòng. Một vài tài liệu của Trung Quốc còn ghi chữ binh lang nhằm trỏ cây cau, mà âm Hán cổ là pin lang. Những từ đó đều mang nguồn gốc phương Nam.
    Tra cứu Từ điển từ Việt cổ do Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện biên soạn (NXB Văn hóa Thông tin 2001), sẽ thấy ông cha ta thuở xưa gọi cây cau là nang. Dấu vết từ cổ này hiện nay vẫn còn sót lại trong mo nang (= mo cau). Đối chiếu với một số ngôn ngữ cùng họ Nam á, cũng thấy âm nang tồn tại trong từ chỉ cây cau. Chẳng hạn tiếng Mường là nang, tiếng Ê-đê là Mnang.
    Đôi câu chuyện đang đề cập gợi ra hướng khả thi để phát hiện từ Việt Hán : trước mắt, hãy tìm những từ tiếng Hán dùng để gọi các "đặc sản" của đất phương Nam và xem thử những từ nào mang gốc gác tiếng Việt...
    Loạt tên cây cối
    Cây cau có tên khoa học Areca catechu L., thuộc họ Cau (Arecaceae). Areca là cách gọi cây cau của người ấn Độ và người Phinippines. Từ cau trong tiếng Việt cũng chính do phiên âm tắt từ areca ấy. Dần dần, từ cau thay thế một từ cổ là nang. Như chúng ta đã biết, từ binh lang / tân lang trong tiếng Hán vốn xuất xứ bởi từ nang kia của người Việt cổ.
    Cùng họ Cau, còn có cây báng, tên gọi khác là cây đoác. Cuống hoa báng chứa nhiều nước ngọt, có thể cho lên men rượu hoặc đem chưng cất thành đường. Do đó, người Pháp gọi cây báng là palmier à sucre. Lõi ruột thân cây báng chứa nhiều tinh bột dân vùng sơn cước, khai thác làm bột báng. Cho đến nửa cuối thế kỷ 20, người Rục ở rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Bình còn lấy bột báng làm lương thực chính. Lần lại quá khứ thì thấy cư dân Việt cổ trong giai đoạn văn hóa bầu bí cũng dùng bột báng làm thức ăn. Thuở đó, tiếng việt cổ gọi cây báng là klang.

    Được Milou sửa chữa / chuyển vào 05:22 ngày 31/07/2002
  4. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0

    Theo quy luật biến đổi phụ âm đầu kl > bl > b, ví như klan dần thành blan rồi ra bàn, từ klang cũng biến âm thành blang và cuối cùng trở nên báng. Người Hán đã di thực cây klang về phương Bắc trồng làm cảnh và phỏng theo người Việt mà gọi cây là quang lang.
    Có cây khác cũng thuộc họ Cau, được xem là một trong những "đặc sản" nổi tiếng ở khu vực nhiệt đới bao gồm Việt Nam, Campuchia, Thái-lan, Malaysia, lndonesia, Phinippines... Cây này rất khó phát triển ở phương Bắc vì không thích nghi nổi khí hậu giá rét. Đó là cây dừa âm Tày -Thái là da. Từ đó đã được nhập vào Trung Quốc. Quả dừa, tiếng Hán 1à da tử. Chữ da, âm Quảng Đông là dề, âm Bắc Kinh là dẻ. Chẳng hạn dầu dừa được người Hoa đọc dề dầu / dẻ diểu.
    Một cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cực kỳ quen thuộc khắp nước ta: cây chuối. Từ này, người Trung Quốc đọc chíu/chéo và viết bằng chữ tiêu có bộ thảo đầu. Chẳng khó khăn gì cũng thấy được mối liên hệ giữa các tên gọi cùng một sự vật của hai ngôn ngữ và có thể phán đoán được thứ tiếng nào đã ảnh hưởng đến thứ tiếng nào.
    Từ thượng cổ, cư dân Việt đã đào gừng lấy củ làm gia vị và làm thuốc. Tên củ gừng thuở ấy là keng. Người Hán nhận thấy đây là dược liệu quý, vị cay, tính ôn tác động lên ba kinh phế, tì và vị, chữa trị được nhiều chứng bệnh, nên nhập về phương Bắc và phỏng theo âm Việt cổ mà ghi chữ khương. Củ gừng khô là can phương, gừng tươi là sinh khương. Không chỉ nhập gừng, họ còn nhập cả lúa nước và mía từ Giao Chỉ. Sách Tề dân yếu thuật, một thư tịch cổ của Trung Quốc, còn cho biết như thế.
    Trong kỷ yếu Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông (Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1986), Trần Quốc Vượng chỉ ra: "Trung Quốc ở vùng trung lưu Hoàng Hà khí hậu khô và lạnh, lượng mưa thấp, nên người Hoa cổ chủ yếu dùng cây cao lương, kê và lúa mạch, lúa vùng khô gọi là tắc. Lưu vực Hoàng Hà không phải là vùng thích hợp với những đặc tính sinh thái của cây lúa vốn là thực vật ưa nước và cần nhiệt độ trung bình trên 13oC để phát dục. Vì vậy từ đạo (lúa) đọc là tạo trong tiếng Hán là một cách phiên âm từ khẩu trong tiếng Tày - Thái". Còn trong sách Tìm hiểu về tiếng Việt lịch sử (NXB Giáo dục 1993), Nguyễn Ngọc San khẳng định : "Từ đường trong tiếng Hán cũng bắt nguồn từ Giao Chỉ".
    Từ chỉ sự vật và con người
    Trước kia, người Hán ở phương Bắc gọi con sông là hà. Thí dụ: Hoàng Hà (Huanghe), Y Hà (Yinhe), Vĩnh Định Hà (Yondinghe). Về sau, họ có thêm từ giang để chỉ các dòng sông ở phía nam sông Trường giang (Chiangjiang). Phân tích chữ giang đó, sẽ thấy thanh phù công đi kèm bộ thủy. Như tác giả Dương Xuân Thượng đã trình bày, công cùng những biến âm kôn, khôông, trôn, krông... chính là cách gọi sông nước đặc trưng của các dân tộc phương Nam. Rõ ràng từ giang trong tiếng Hán đã "khởi nguồn từ sông trong tiếng Việt cổ hoặc các từ tương đương trong ngữ hệ Nam á xa xưa".
    Thứ vũ khí bắn tên của người phương Bắc và người phương Nam vốn cũng có những nét đại đồng tiểu dị. Hán tộc gọi là cung. Dân Việt gọi là ná. Tiếng Mường, Chứt, Cuối là na. Tiếng Khmer là sna. Tiếng Cơ ho là sana. So với cung, ná chứng tỏ nhiều ưu điểm hơn khi chiến đấu. Chẳng hạn ná có thể điểm xạ chính xác gấp nhiều lần, lại dễ dàng cài đặt theo chế độ tự động nhờ bộ phận gọi là "lẫy". Do đó, người Hán tìm trăm mưu nghìn kế để chiếm lĩnh kỹ thuật quân sự đặc sắc này. Sự thật lịch sử ấy chẳng những được phản ánh qua truyền thuyết "Rùa vàng" do dân ta lưu truyền tự bao đời, mà còn được ghi nhận trong thư tịch cổ của Trung Hoa như Giao Châu ngoại vực ký. Cái ná lọt vào tay người Hán và được gọi là no (vì âm a trong tiếng Hán bấy giờ mang tính tròn môi), viết thành chữ nỗ bằng cách ghép bộ cung với thanh phù nô. âm Hán -Việt nỗ dần dà lại được Việt hóa thành nỏ. Ví dụ: nỏ thần Kim Quy.Lưu ý rằng truyền thuyết liên quan nỏ thần Kim Quy về sau được các nhà nho chép vào sách vở bằng Hán ngữ, hình thức lẫn nội dung bị Hán hóa khá nhiều là điều không tránh khỏi. Hãy đọc kỹ đoạn đầu trong các sách giáo khoa ngày nay, cũng thấy được điều ấy : "An Dương Vương nước âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ phụ cầu hôn Mỵ Nương là con gái Hùng Vương, vua Hùng không gả cho, bèn mang oán...". Những thành quả nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đạt được suốt thời gian qua đã phủ nhận bao chi tiết trong đoạn vừa dẫn. Chẳng hạn nhân thân của Thục Phán. Từ đầu thế kỷ 20, soạn Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim đã bác bỏ cái thuyết Ba Thục là đất Tứ Xuyên bên Trung Quốc. Năm 1971 , tập 1 bộ Lịch sử Việt Nam do ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ đạo biên soạn đã được ấn hành, xác nhận rằng Thục Phán là một thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi nước ta, vốn là cư dân bản địa và thực chất cùng nòi Lạc Việt. Trên cơ sở khảo chứng công phu, Đinh Văn Nhật phát hiện cụ thể hơn đất phát tích của Thục Phán: đó là tỉnh Yên Bái. Phát hiện ấy được công bố năm 1976, đến nay vẫn được phần đông giới nghiên cứu tán đồng và bổ sung thêm chứng cứ. Hệ thống truyền thuyết sưu tập trên địa bàn rộng còn cung cấp xuất xứ của cột đá thề dựng ở núi Nghĩa Lĩnh: đó là di vật đánh dấu sự kiện Hùng Duệ Vương vì không có con trai nên truyền ngôi báu cho Thục Phán, chứ đôi bên chẳng diễn ra tranh chấp quyền bính. Các tác giả sách Thời đại Hùng Vương (NXB Khoa học Xã hội 1976) rút ra kết luận : Thục Phán là cư dân Việt bản địa, đã đoàn kết người âu Việt với người Lạc Việt thành một khối nhằm đập tan cuộc xâm lấn của quân Tần rồi lập nên quốc gia âu Lạc vào cuối năm 208 trước Công nguyên, kế tục sự nghiệp nước Văn Lang. Thực tế lịch sử là thế. Riêng xét trên bình diện ngữ học, đoạn đầu truyền thuyết An Dương Vương cũng tồn tại lắm điểm đáng suy nghĩ.
    Thục Phán có phải là nhân vật "họ Thục tên Phán" không ? Người Việt cổ không đặt họ tên như người Hán. Chữ Thục Phán chỉ là cách phiên âm từ tục phăn, vốn là cách gọi kẻ "mở đất mở mường" trong tiếng Tày - Thái cổ. Người ta cũng dễ dàng nhận thấy Hùng Vương và An Dương Vương là các danh xưng mà đời sau truy phong theo kiểu Hán. Dò tìm trong tiếng Tày, Thái, Mường, Xá, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã phục nguyên được danh hiệu vua Hùng. Hóa ra Hùng là phiên âm bởi khun/kun -từ chỉ thủ lĩnh một bộ tộc, một vùng đất thuở xưa. Còn Hùng Vương nguyên là pò khun, nghĩa là bố (pò = bố = vua) của các khun, là "thủ lĩnh của mọi thủ lĩnh". Các chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt lịch sử còn chỉ ra rằng Mỵ Nương, từ chỉ con gái vua Hùng, còn được người Hán ghi thành mễ nang.
    Đây là cách phiên âm từ mê nang, mệ nàng của cư dân phương Nam gọi con gái của các thủ lĩnh quý tộc. Và như thế, từ nương trong tiếng Hán (được viết bằng bộ nữ đi kèm thanh phù tương dùng để chỉ phái đẹp) vốn có nguồn gốc tiếng Việt từ nang / nàng xa xưa. Thí dụ: cô nương, người Hoa đọc là cúa lường / cúa niáng, còn người Việt quen gọi cô nàng.
    Đủ cơ sở khẳng định : thực sự có hệ thống từ Việt - Hán, tức từ Hán gốc Việt. Công việc cần xúc tiến là thống kê, phân loại và đào sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn những quy luật về "giao lưu" ngôn ngữ trong quá khứ lẫn hiện tại. Qua đó mọi người càng thêm yêu quý, thêm trân trọng tiếng Việt của chúng ta.
    Võ Ngân Vương
    (Tạp chí Tài hoa trẻ)

Chia sẻ trang này