1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

"Có phải là Tình Yêu ?" - Tự sáng tác mời các bác đọc chơi

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Masked, 20/02/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    "Có phải là Tình Yêu ?" - Tự sáng tác mời các bác đọc chơi

    Tác phẩm đầu tay, nhân dịp rỗi rãi thời gian thì viết cho đỡ buồn. Truyện có lẽ cũng còn rườm rà và còn nhiều chỗ em chưa thoả mãn lắm về cách dùng từ (căn bản vốn từ ít quá, xí hổ ). Cũng mạo muội post lên để các bác đọc và phê bình cho có thêm kinh nghiệm
  2. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    Có phải là Tình Yêu ?
     
    Tặng ba người?
     
    Ghi chú : Toàn bộ nội dung và nhân vật trong câu chuyện đều là hư cấu. Mọi sự trùng hợp về tình tiết hoặc nhân vật đều nằm ngoài ý muốn của tác giả.
    -----------------------------------------------
     
     
    « Trái tim có những lý lẽ riêng mà lý trí cũng không thể giải thích được »
     
     
     
      Hà Nội những ngày cuối hạ. Tiếng ve kêu râm ran cùng ánh nắng vàng rực rỡ như hòa theo niềm phấn khích và hồi hộp trong lòng Huy. Chỉ còn ba ngày nữa thôi là anh sẽ lên đường, lần đầu tiên anh sẽ sống xa gia đình, sẽ tự mình đối mặt với cuộc sống và sẽ phải chứng tỏ bản lĩnh của một chàng trai thực sự trưởng thành. Mười tám tuổi, người ta không còn là trẻ con nữa, hay ít ra thì cũng đã trở thành một công dân thực sự rồi. Nhưng mười tám tuổi có lẽ cũng hẵng còn non nớt lắm, chưa thể tự mình chiêm nghiệm hết những khó khăn sóng gió trong cuộc đời. Nhất là Huy, sinh ra trong một gia đình khá giả, từ nhỏ đã luôn nằm trong « vòng kiểm soát » của bố mẹ, chưa bao giờ phải lo nghĩ điều gì. Việc duy nhất bố mẹ muốn anh làm là học, học và học. « Có học thì mới nên người con ạ » - Huy vẫn nhớ những điều bố thường dặn - « thời bố mẹ thiệt thòi vì còn chiến tranh loạn lạc, bố luôn thấy tiếc vì phải nhập ngũ từ sớm nên không có cơ hội học hành cho đến nơi đến chốn. Nhà mình được như ngày hôm nay cũng là nhờ may mắn, là phúc đức ông bà tổ tiên để lại. Bố mẹ không bao giờ tiếc con điều gì, chỉ mong con học cho nên người. Thế hệ con bây giờ không có học thì có gặp may đến đâu cũng không mở mày mở mặt ra được, lúc nào cũng sẽ thua kém người khác thôi con ạ ».  Huy rất hiểu điều đó, anh luôn lấy việc học làm niềm đam mê, luôn luôn phấn đấu là học sinh giỏi, đứng trong top 5 của lớp, và giờ đây những nỗ lực của Huy được đền đáp khi anh xuất sắc vượt qua kì thi tuyển sinh đại học và giành được một suất học bổng đi Pháp.
      Paris sẽ thế nào nhỉ ? - Huy mơ màng tưởng tượng tới cuộc sống của mình tại đất nước xa xôi kia. Gia đình Huy tuy khá giả nhưng bố anh luôn bận rộn với việc làm ăn, còn anh cũng dành nhiều thời gian và tâm trí cho học hành nên chẳng mấy khi có dịp đi du lịch xa. Bản thân Huy, tuy hiểu biết nhiều thứ nhưng cũng chỉ là kiến thức sách vở, chưa bao giờ anh được bước chân ra khỏi biên giới Việt Nam. Vì thế trong lòng anh luôn có khát vọng được đi xa, để được tìm hiểu và khám phá những chân trời mới, để được mở rộng tầm mắt và hòa mình vào với nhịp sống của thế giới. Do vậy mà chuyến đi sắp tới thực sự có rất nhiều ý nghĩa đối với anh. Nhưng mặt khác, trong lòng Huy cũng trỗi nên một niềm lo lắng mơ hồ nào đó, lần đầu tiên xa gia đình, lại trong một khoảng thời gian dài mấy năm, anh chưa tương tượng được mình sẽ ra sao, liệu những khó khăn gì sẽ xảy đến. Chỉ biết rằng anh cảm thấy mình đã sẵn sàng, và nóng lòng muốn lên đường.
      Suốt cả tuần vừa rồi Huy đã đi chào hai bên gia đình nội ngoại, bạn bè cũng đã gặp gỡ chia tay xong cả rồi, anh muốn dành những ngày cuối cùng bên gia đình, một phần là để sắp xếp chuẩn bị cho xong xuôi, phần khác là để có thể chia sẻ nhiều hơn với bố mẹ trước khi bước vào cuộc sống tự lập nơi xứ người. Huy đang ngồi trong phòng vừa nghe nhạc vừa xếp lại mấy quyển sách vào vali thì bố Huy gõ cửa bước vào.
    - Mọi thứ đến đâu rồi con ? Những gì cần thiết thì chuẩn bị hết đi, từ giờ đến hôm đi xem có còn quên gì thì xếp vào sau.
    - Vâng, những thứ quan trọng thì mẹ cũng đã sắp xếp cả rồi, con chỉ xem lại đống sách xem có cuốn nào cần mang thêm không thôi.
    - Ừ, thế được rồi. Bố thấy con cũng có vẻ sắn sàng rồi, bố chỉ muốn dặn con chuyện này?
    - Gì thế bố ? - Huy ngạc nhiên không hiểu bố còn chuyện gì quan trọng mà chưa nói. Từ cả tháng nay anh đã trò chuyện cùng bố mẹ nhiều trước khi đi rồi. Huy ngồi yên chờ xem bố muốn dặn gì.
    - À, ờ, cũng không có gì quan trọng đâu, chỉ là bố thấy con cũng đã lớn rồi, lại chuẩn bị sống xa bố mẹ nữa, bố muốn nhắc con về chuyện tình cảm thôi.
    - Chuyện?tình cảm ? - Huy thực sự ngạc nhiên. Quả thực từ trước tới giờ mỗi khi bố con anh trò chuyện đều là về chuyện học của anh, chuyện công việc của bố, thậm chí chuyện thời sự quốc tế, chứ chưa bao giờ bố anh nhắc tới chủ đề này cả.
    - Ừ, con lớn rồi, cũng đến lúc bố phải nói chuyện này với con. Con không còn là trẻ con nữa, lại sắp sửa tự lập, sống xa gia đình, nhu cầu tình cảm sẽ là tự nhiên thôi. Bố mẹ không cấm con, mà cũng không thể cấm con được, bố chỉ dặn con rằng nếu con có bạn gái thì cũng phải biết giữ chừng mực, không được để quá đà, và nhất là đừng để bị phân tán khỏi chuyện học. Con phải biết là đi du học thì việc quan trọng nhất là học, mà học ở xứ người thì sẽ lại càng khó khăn hơn nữa. Bố mẹ muốn con phải thật tập trung, đừng xao nhãng, đừng để chuyện gì ảnh hưởng việc học của con.
    - Con hiểu rồi - Huy gật đầu, tủm tỉm cười. Hóa ra chuyện « tình cảm » mà bố muốn nói là chuyện này đây. Huy tự nhủ là bố lo xa quá, xưa nay đã bao giờ anh biết đến yêu đương gì đâu, một phần là cái lí do học muôn thuở, còn phần khác là do bố mẹ luôn quan tâm để ý, chưa bao giờ Huy cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Từ dạo cấp ba bọn con trai trong lớp đã bắt đầu dòm ngó, cưa cẩm lũ con gái trong lớp và cả lớp khác, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ Huy để ý tới mấy đứa đấy. Đối với anh, chuyện điểm số, chuyện nghe giảng, chép bài, học bài, trả bài?mới là quan trọng. Huy trả lời bố : Bố mẹ không cần lo nhiều đâu, con cũng ý thức được là sẽ phải học rất vất vả mà. Mới lại con cũng chưa nghĩ gì đến việc yêu đương cả, bố cứ yên tâm.
    - Con nghĩ được thế là tốt, đấy là bố dặn trước thế thôi. Con phải nghĩ đến tương lai của con, rồi còn phải làm gương cho em con nữa. Bố mẹ rất tin ở con, con đi học có khó khăn gì thì phải chịu khó trao đổi với bố mẹ, gửi thư thường xuyên để bố mẹ biết tình hình, có vấn đề gì sẽ cùng giải quyết.
    - Sẽ không có vấn đề gì đâu, con biết tự lo cho mình mà - Huy đáp lại, có phần phật ý. Cái phật ý của một cậu thanh niên mười tám tuổi vẫn còn bị coi như trẻ con. Bố mẹ đúng là lo cho anh thật nhưng dường có phần như hơi quá mức cần thiết, anh luôn xác định đi là sẽ khó khăn và anh chấp nhận những khó khăn đó, đâu cần phụ huynh lúc nào cũng kè kè bên cạnh hứng như hứng hoa.
      Vẻ không hài lòng nửa trẻ con nửa người lớn của Huy không qua được mắt bố anh. Ông biết nói như thế đã là đủ, và ông cũng muốn đặt niềm tin vào cậu con trai của mình. Huy luôn là đứa con ngoan, biết vâng lời bố mẹ, và kết quả học tập của Huy luôn là niềm tự hào của cả gia đình. Ông biết rằng Huy cũng đã đủ lớn để bước vào đời và cũng đến lúc ông không thể giữ mãi cậu trong tầm kiếm soát của mình được nữa. Thế nhưng lương tâm người cha luôn khiến ông cảm thấy canh cánh, việc Huy sẽ đi học xa như một bước ngoặt quá đột ngột mà ông chưa kịp chuẩn bị tinh thần đón nhận. Ông chợt nhận ra rằng cậu bé ngày nào của ông giờ đã lớn, và ông tôn trọng thế giới riêng của cậu, dù trong lòng luôn thấp thỏm không yên. Trước khi ra khỏi phòng Huy, ông chỉ để lại một câu :
    - Bố hiểu con nghĩ gì, bố chỉ mong con sẽ luôn chín chắn và suy nghĩ kĩ trước khi quyết định bất cứ điều gì. Thôi con dọn sách nốt đi, tối còn nghỉ ngơi.
     
    *****
     
    « Xin mời quý khách đi chuyến bay VN535 tới Paris khẩn trương hoàn tất thủ tục xuất cảnh và lên máy bay ». Sân bay đã nửa đêm mà vẫn nhộn nhạo người là người. Người đi học như Huy cũng nhiều, người đi lao động cũng có, người đi công tác cũng không thiếu. Rồi hành lý, rồi giấy tờ, rồi người đón người đưa?tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn độn, hối hả. Lần đầu tiên ra nước ngoài, niềm phấn khích trong ngực Huy cứ phập phồng, át đi mọi âm thanh lao xao xung quanh. Mọi thủ tục đã hoàn thành, chỉ vài phút nữa thôi là anh sẽ rời xa Hà Nội - thành phố thân thương nơi anh đã sinh ra và lớn lên, nơi anh đã trải qua cả tuổi thơ với bao kỉ niệm và hoài bão. Giờ đây trước mắt anh là một chân trời mới, một thử thách mới mà anh sẽ phải tự mình vượt qua. Huy không cần biết điều gì đang chờ đợi mình, anh chỉ biết rằng anh có đủ nhiệt huyết và tự tin để đón nhận tất cả. Anh thấy Paris hiện ra trước mắt mình, quyến rũ lạ lùng. Paris, kinh đô ánh sáng, thành phố của những ước mơ? Huy chỉ chợt bừng tỉnh khi nghe tiếng mẹ giục : « Loa gọi rồi kìa con, thôi đi vào phòng chờ đi ». Huy nhấc chiếc balô xách tay lên, quay lại ôm mọi người và nói lời tạm biệt. Bố chỉ nói ngắn gọn : « Nhớ những gì bố dặn nhé, thỉnh thoảng gửi thư về ». Mẹ thì thì thầm : « Đi xa rồi cố giữ gìn sức khỏe con nhé, mọi người đều nhớ con ». Còn đứa em gái học lớp mười thì « thực tế » hơn : « Anh Huy đi Paris là phải gửi quà về cho em đấy nhé, không được quên đâu đấy ». Huy mỉm cười đáp lại : « Được rồi công chúa ạ, chưa đi đã bị đòi quà rồi. Ở nhà phải nghe lời bố mẹ nghe chưa ! ».
      Phút chia tay diễn ra ngắn ngủi, nhưng không ai cần nói gì nhiều, bởi tự trong tim mỗi người đều hiểu chuyến đi này có ý nghĩa thế nào đối với Huy. Huy cũng đã dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự cùng bố mẹ rồi, vì vậy bây giờ mọi thứ đều ở trước mắt. Trước khi quay đi, Huy vẫn kịp thấy một giọt nước đọng trên mắt mẹ?
     
  3. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
    *****
     
      Trong máy bay dù có yên tĩnh hơn dưới sân bay thật nhưng vẫn đông quá là đông, mọi người lịch kịch chen giữa các hàng ghế, dáo dác tìm số ghế của mình. Huy tìm được chỗ, vừa ngồi xuống thì nghe có giọng con gái cất lên :
    - Xin lỗi anh, anh ngồi chỗ này đúng không ạ ?
      Huy ngẩng lên, thấy một cô gái người nhỏ nhắn, Huy đoán cũng tầm tuổi mình, xách theo một chiếc túi to và đang loay hoay tìm cách cất nó lên khoang để hàng. Cô gái rụt rè :
    - Phiền anh xếp hộ cái túi này lên được không ạ ? Khoang để hàng cao quá mà túi thì nặng?
    - À vâng, không có gì - Huy nói rồi đứng dậy đỡ chiếc túi và xếp lên. Cô gái cảm ơn rồi ngồi xuống ghế bên cạnh. Huy quay sang chào xã giao :
    - Chị, ờ?bạn cũng sang Pháp đi học hả ?
    Cô gái khẽ gật đầu, không nói gì thêm. Huy đành hỏi tiếp :
    - Bạn học năm thứ mấy rồi ?
    - Em mới học năm thứ nhất thôi.
    - Vậy hả, mình cũng mới học năm nhất. Không cần xưng em đâu, cứ gọi là bạn bè được rồi, thế bạn học ở đâu ?
    - Em học kinh tế ở trường Paris 10.
    - À thế hả, mình cũng ở ngay Paris thôi. Mà đã bảo không cần xưng em đâu mà.
    - Dạ, vâng, thế nào cũng được ạ.
      Huy thở dài ngao ngán. Đã bảo đừng xưng là em rồi thì lại chuyển sang dạ vâng, lũ con gái sao lúc nào cũng khó hiểu, nhiều chuyện ! Cô này chắc cũng đi lần đầu nên còn bỡ ngỡ. Mà mình cũng đi lần đầu, có thấy gì đâu. Đúng là con gái con trai khác nhau thật ! Huy vừa cài dây an toàn vừa tủm tỉm cười thầm, hai người không nói gì với nhau nữa vì đèn đã tắt và máy bay bắt đầu cất cánh.
      Bay được một lúc, chợt Huy tìm thấy trong chiếc balô xách tay của mình có tập thiếp chúc mừng của hội bạn cùng lớp hôm chia tay, suốt từ hôm đấy Huy chưa kịp đọc vì còn phải chuẩn bị sắp xếp hành lý. Huy giở từng chiếc ra đọc, mỗi đứa chúc một kiểu, dài có ngắn cũng có, từ nghiêm túc đến trêu đùa, thôi thì hầm bà lằng đủ loại :
      « Chúng iem hạnh fúc nắm vì bác nớp trưởng của chúng iem sắp sang Fáp roài, thế lào về bác í cũng sẽ mang cho chúng iem mỗi đứa một bộ cánh đúng chất Pazi để chúng iem có dịp mở mặt mở mày với xã hội? »
      « Nhất Huy rồi nhé, mình cũng mơ ước được đi Paris lắm nhưng khả năng hạn chế nên đành chấp nhận ở nhà thôi vậy. Chúc Huy sẽ mãi học giỏi, luôn vững vàng trước mọi sóng gió và chắc chắn sẽ thành đạt. Chỉ mong đến lúc đấy đừng quên bạn bè là được? »
      « Thật mừng là cậu đã đạt được ước mơ của mình. Sang bên đó cố học cho giỏi, để bọn Tây chúng nó thấy lớp trưởng của chúng mình ?~chất?T như thế nào? »
      « Huy ơi mày đi rồi tao sẽ nhớ mày lắm đấy, nhưng mà tao biết là mày sẽ không nhớ gì đến tao đâu. Đẹp giai như mày, lại học giỏi, thể nào cũng bị mấy con Tây nó khều mất. Cố mà chung thủy với Tổ quốc, lúc về mà mang theo con tóc vàng mắt xanh là tao không ưng đâu đấy? »
      Huy đọc thiếp mà cứ phải nín không dám cười vì nếu không cả máy bay sẽ quay lại nhìn mất. Những dòng thiếp ngộ nghĩnh đúng chất học trò làm Huy bồi hồi nhớ lại những năm tháng đã xa. Giờ đây tất cả đã lùi về quá khứ, và trở thành hành trang quan trọng để Huy tiếp tục đi tới, dù chỉ còn một mình nơi phương xa. Cái thiếp nhắc đến « tóc vàng mắt xanh » làm Huy không nín được bật cười thành tiếng, nó nhắc anh nhớ lại những lời bố dặn hôm trước, Huy thầm thắc mắc, sao mọi người cứ phải nghĩ đến chuyện đấy làm gì nhỉ, mình còn trẻ, còn vô tư thế này tội gì mà mua dây buộc mình. Trước giờ Huy vẫn luôn là một lớp trưởng mẫu mực, không chỉ học giỏi mà còn quan hệ với các bạn trong lớp một cách rất vô tư, bình đẳng, đúng mực. Mọi người yêu quý Huy cũng bởi cái sự vô tư ấy, Huy luôn tôn trọng nguời khác và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Giờ đây ngồi trong máy bay vừa hồi tưởng lại cái thuở học sinh vừa đi qua, vừa tưởng tượng tới cuộc sống ở châu Âu sắp tới, trong lòng Huy trộn lẫn những niềm cảm xúc khó tả, vừa man mác buồn lại vừa rạo rực chờ mong?
     
    *****
     
      Linh nhìn anh chàng bên cạnh cứ ngồi cười một mình làm cô cũng thấy buồn cười theo. Cô không rõ trong những tấm thiếp kia viết gì, nhưng cô đoán được rằng đó là những lời lẽ chân thành dành cho người mình yêu quý, có lẽ là của người yêu. Ừ đúng rồi, ngồi mơ màng rồi tủm tỉm cười một mình đích thị là nhớ người yêu rồi. Mà trông anh í thế kia?yêu cũng đáng? Con trai gì mà da trắng, mũi cao, mặt thì bầu bĩnh, mắt sáng, lại còn đeo kính cận trông rõ trí thức. Chỉ « trông mặt mà bắt hình dong » Linh cũng đoán được đấy là típ người học hành, con nhà tử tế, được đi du học thế này chắc cả nhà hắn mừng lắm. Mà Linh cũng không hiểu tại sao lúc nãy cô lại xưng « em » với hắn nữa, có lẽ tại cô thấy bối rối quá. Người ta thì trông trí thức đường hoàng thế kia, mình thì thấp bé nhẹ cân thế này, có cái túi cất cũng không nổi. Rồi thì học cùng năm nữa, mà học cũng năm thì có nghĩa là hơn Linh một tuổi, tại ngày xưa mẹ cô cho đi học sớm. Bình thường Linh xưng hô với bạn ở lớp rất thoải mái, chẳng ngại ngùng gì, thế mà tự dưng trước mặt anh chàng này cô lại « mất cân bằng » đến thế. Linh khẽ lắc đầu tủm tỉm cười, đúng là chẳng hiểu mình thế nào nữa. Cô không để ý rằng chính mình cũng đang « ngồi mơ màng rồi tủm tỉm cười một mình ».
      Chợt Linh giật mình bừng tỉnh, cô tự mắng mình : « Chán chưa, chưa gì đã mơ màng thế này rồi, thảo nào mẹ lo cũng phải ». Linh luôn tự ý thức được hoàn cảnh của mình, và tự bằng lòng với những gì mình có, cô tự nhủ rằng mình là người may mắn, vì thế phải biết trân trọng cơ hội và không bao giờ được vượt quá ranh giới của những gì cho phép. Xét về hình thức, Linh không phải người « xinh » mà chỉ « ưa nhìn ». Người thì bé nhỏ, điểm nhấn duy nhất trên khuôn mặt Linh là đôi mắt, đôi mắt tròn trong veo lúc nào cũng mơ màng, hàng mi cong dài và cặp lông mày lá liễu mảnh mai. Ai hay xem tướng số nhìn vào mắt Linh lại bảo mắt ấy là mắt khổ : « Mắt ngấn lệ thế này mai sau sẽ lụy vì tình đấy cháu ạ ». Linh chỉ cười không tin. Cô luôn tự cho mình may mắn, vì thế hoặc là sẽ chẳng khổ được vì số sinh ra đã gặp may rồi, hoặc nếu về sau có phải chịu khổ thì cũng là những gì ông trời đòi lại, âu cũng là lẽ công bằng thôi.
      Cả bố mẹ Linh đều làm công chức nhà nước lâu năm, lương không đến nõi ba cọc ba đồng nhưng cũng chẳng phải dư dả gì. Linh là con một, nhưng không bao giờ được bố mẹ chiều chuộng hay nâng niu quá đà. Bố Linh luôn dặn sống phải biết chừng biết mực, biết mình ở đâu, có thế thì mới không bao giờ phải hổ thẹn với ai, lúc nào cũng có thể ngẩng cao đầu. Còn mẹ Linh, sau khi sinh Linh bị tai biến không thể có con được nữa, bà dành hết tình thương cho cô con gái độc nhất. Bà dạy Linh từ cách đi cách đứng đến tác phong ăn nói, trả lời. Bà chủ trương « một điều nhịn là chín điều lành », luôn muốn con gái phải thùy mị, nhẹ nhàng, không được bỗ bã, chua ngoa. Điều duy nhất mà bà không thể thay đổi ở Linh đó là tính hay mơ mộng, đôi khi có phần thiếu thực tế. Nhưng bà tự nhủ « con gái thà mơ màng một chút còn hơn là đứa khô khan, cộc cằn », bà biết con gái viết nhật kí, làm thơ, viết văn nhưng bà tôn trọng thế giới riêng của Linh và không bao giờ tìm cách đọc những gì cô viết. Điều duy nhất mà bà luôn nhấn mạnh là « con gái phải hết sức giữ mình, đừng để sa vào cám dỗ, thời học sinh có thể mơ mộng đôi chút nhưng tuyệt đối đừng yêu sớm, có tâm tư tình cảm gì tâm sự với mẹ ngay ». Từ khi Linh bắt đầu bước vào tuổi dậy thì bà đã tâm sự hết sức thẳng thắn với cô về mọi vấn đề giới tính, tình cảm, do đó Linh rất ý thức về bản thân và rất hiểu nỗi quan tâm lo lắng của mẹ.
      Cấp hai Linh học chuyên văn, lên cấp ba cô muốn chuyển sang học ngoại ngữ, bố mẹ Linh đồng ý ngay vì « dù sao học ngoại ngữ cũng còn năng động, thực tế hơn học văn ». Điều kiện gia đình không cho phép đi học thêm nhiều nhưng Linh dường như có một năng khiếu bẩm sinh về các môn ngữ văn. Cô luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, giành được nhiều giải từ cấp trường đến cấp thành phố. Năm lớp 12 Linh thi được giải ba quốc gia môn tiếng Pháp, đồng nghĩa với một suất vào thẳng đại học, thế nhưng cô vẫn muốn thử vận may của mình bằng cách tham gia vào một cuộc phỏng vấn du học Pháp. Cô không tham vọng gì nhiều vì dù sao cũng biết mình đã vào được đại học, Linh chỉ muốn có thêm một cơ hội để rèn luyện và thử sức mình. Ngày nhận kết quả, Linh xếp hạng 11, còn danh sách nhận học bổng du học chỉ có 10 suất cho 10 người đầu tiên. Linh không thất vọng bởi cô đâu có hy vọng gì, giải ba quốc gia chỉ là thi viết còn phòng vấn là đối thoại trực tiếp, hơn nữa cơ hội đi học lại là ngành kinh tế và kĩ thuật, Linh không được chọn cũng là điều dễ hiểu. Cô vui vẻ chuẩn bị nhập học đại học.
     
  4. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0

    (gửi trùng) 
     
    Được masked sửa chữa / chuyển vào 22:48 ngày 20/02/2006
  5. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
      Thế nhưng Linh lại là người may mắn, và thần may mắn một lần nữa mỉm cười với cô. Ba tuần trước năm học mới cô nhận được giấy mời đến văn phòng du học để trao đổi về chuyện nhận học bổng. Nguyên do là có một trong số mười người được chọn ban đầu rút lui để đi học tại nơi khác, do đó Linh được xét lên thế chỗ. Cơ hội đến quá bất ngờ khiến gia đình Linh lúng túng. Đi hay không đi ? Đi thì là một dịp để mở rộng tầm mắt, học hỏi đông tây, nhưng đi cũng đồng nghĩa với việc phải tự lập, phải xa gia đình, hơn nữa Linh là con gái độc nhất và tài chính cũng là một vấn đề không nhỏ. Suất học bổng tuy lớn nhưng không thể bao hết mọi khoản ăn ở, sinh hoạt, đi lại, chỉ những khoản còn dôi ra thôi cũng có thể sẽ trở thành một gánh nặng đối với gia đình cán bộ như nhà Linh. Bố mẹ Linh để cô tự quyết định. Bố cô chỉ nói : « Con cũng học hết cấp ba, thành người lớn rồi, bố mẹ để con tự quyết định tương lai của con, con hãy suy nghĩ cho chín chắn trước khi trả lời ».
      Mười bảy tuổi, người ta là người lớn hay trẻ con đây ? Chưa bao giờ Linh lại phải đứng trước một quyết định khó khăn đến thế, một quyết định có thể thay đổi toàn bộ phần còn lại của cuộc đời cô. Cô thương cha mẹ sẽ lại phải vất vả lo cho mình, cô không biết mình sẽ ra sao khi không có mẹ ở cạnh bên, thế nhưng phần khác trong cô lại háo hức được đến với châu Âu, được đến với Paris thành phố mộng mơ, ước mơ sắp thành hiện thực rồi, đi hay không đi ? Và cuối cùng cô bé quyết định nghe theo tiếng hối thúc của trái tim mười bảy tuổi. Linh mơ màng nghĩ đến cảnh mình tung tăng trên những con đường của thủ đô hoa lệ, ngắm dòng sông Seine và lặng nghe lá vàng rơi. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ gợi nên trong cô niềm khao khát cháy bỏng được đi, đi, đi.
      Ngày tiễn Linh ra sân bay, giữa dòng người ồn ào đông đúc hai mẹ con Linh ôm nhau nước mắt giàn giụa. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng giờ phút chia tay vẫn thật khó khăn. Bố Linh chỉ lặng im không nói gì, có lẽ ông cũng chẳng biết nói gì nữa, ông tự trấn an mình rằng con ông đi học chứ đâu phải đi biệt giam, và dù ở đâu đi nữa ông tin rằng Linh vẫn sẽ là đứa con hiếu nghĩa, biết nghĩ tới mẹ cha, thế nhưng ông vẫn thấy chút gì đó hụt hẫng, bồn chồn. Vậy là từ nay mỗi lần đi làm về ông sẽ không còn thấy cô con gái tíu tít ra mở cổng đón bố nữa, sẽ không còn có những lúc ông gắt lên khó chịu vì « hai mẹ con thủ thỉ cứ như hai chị em », ngôi nhà của ông sẽ lạnh lẽo, vắng vẻ biết nhường nào. Mẹ Linh cũng chỉ biết thì thầm qua làn nước mắt : « Con đi nhớ giữ gìn con nhé, con gái một thân một mình mẹ lo lắm ». Linh cười đẫm lệ : « Con hiểu mẹ à, mẹ ở nhà cũng phải giữ gìn sức khỏe, mẹ đừng lo con biết phải làm gì mà ».
      Linh chia tay bố mẹ đi lên máy bay mà lòng cứ quyến luyến không rời, đi được mấy bước cô lại ngoái nhìn, thấy mẹ vẫn đứng đó vẫy tay chào, cô cũng vẫy tay chào lại. Bố Linh nhìn con gái xách chiếc túi nặng trĩu như lòng ông mà thở dài : « Con tôi lớn thật rồi ».
     
    *****
  6. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
      Mười hai giờ bay dài đằng đẵng cuối cùng cũng qua đi. Lần đầu đi xa như thế, Linh thấy trong người cứ nôn nao, cô chỉ ngồi tỉnh táo được một lúc ban đầu, nghĩ ngợi vẩn vơ rồi sau đấy thiếp đi lúc nào không hay. Mấy lần máy bay bật đèn thông báo đến bữa ăn cô cũng chỉ thức dậy chập chờn rồi lại ngủ tiếp. Lúc Linh thực sự tỉnh giấc thì Paris đã từ từ hiện ra trước mắt. Thành phố dường như hẵng còn chưa qua cơn ngái ngủ buổi sớm. Từ trên cao nhìn xuống, Linh thấy những con đường thẳng tắp như những dòng kẻ chạy xiên qua từng hàng cây, rồi những dãy nhà bất chợt hiện ra qua làn sương sớm, kì ảo như mời gọi, rồi cô còn thấy cả xe cộ nối đuôi nhau đi trên đường. Thủ đô nước Pháp đang dần tỉnh giấc, mặt trời đã nhô cao từ phía đằng xa, Linh thấy trong lòng ngập tràn niềm vui, cô đã thực sự được đến Paris, và nơi đây sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của cô. Điều gì đang chờ đợi cô ở Paris ? Linh không biết, cô chỉ cảm thấy một niềm hạnh phúc kì diệu, khó tả. Chợt Linh nghe tiếng gọi từ phía sau :
    - Xin lỗi, bạn gì này... -  Linh quay đầu lại, bắt gặp ánh mắt sáng lấp lánh của Kính Cận đang nhìn cô - Bạn không sao chứ, tại mình thấy bạn ngủ suốt cả chuyến bay, ăn cũng không, bạn có cần mình gọi tiếp viên không ?
    - À không, cảm ơn anh - Linh mỉm cười, một cảm giác nhẹ nhàng lan tỏa trong lòng, Kính Cận là người đầu tiên cô « gặp » ở Paris, cũng chưa hẳn là Paris, nhưng kể từ khi cô mở mắt và thấy thành phố cô yêu mến thì Kính Cận là người đầu tiên hỏi chuyện cô - Lần đầu tiên đi xa nên em hơi mệt, không sao đâu, uống chút nước là ổn thôi.
    - Vậy hả, không sao thì tốt. Mà mình đã bảo bạn đừng gọi mình là anh mà.
    - À ừ, đúng rồi, xin lỗi mình quên mất. Năm nay bạn bao nhiêu tuổi ?
    - Mười tám, giống bạn thôi - Kính Cận nhíu mày ngạc nhiên vì câu hỏi, anh nhớ rằng mình đã nói rằng học cùng năm với cô bé này rồi kia mà ?
    - Thật ra?mình mười bảy thôi, tại đi học sớm mà. Chưa đủ mười tám tuổi cũng thiệt thòi lắm, làm giấy tờ ở sứ quán mất nhiều thời gian hơn nhiều. Mà bạn sinh tháng mấy ?
    - Mình hả, tháng sáu.
    - Còn mình sinh tháng hai, lại kém một năm nữa, thôi cứ để mình gọi bạn là anh đi - Linh cũng thấy ngạc nhiên vì chính mình, không hiểu từ đâu cô lại có cái ý nghĩ kì lạ ấy ? Chuyện xưng hô cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ là trước giờ cô chưa bao giờ chịu « hạ mình » trước lũ bạn cùng lứa, thế mà với tên Kính Cận này, từ lúc hắn quan tâm hỏi thăm, cô bỗng dưng thấy mình như đứa trẻ con còn hắn thì già dặn quá. Ừ thì, cứ gọi anh xưng em đi, mất gì đâu, mà thực ra gọi như thế cũng chẳng sai mà.
    - Thì?tùy bạn thôi - Kính Cận có vẻ khó xử, nhưng chỉ trong phút chốc hắn lấy lại bình tĩnh, nở một nụ cười láu lỉnh - Mình thì chả sao, mình cũng có em gái mà, nghe gọi bằng anh quen rồi.
    - Thế hả, mà bạn, à anh tên gì em vẫn chưa biết.
    - Mình tên Huy, còn bạn ?
    - Em tên Linh. Đây có phải lần đầu anh đi Pháp không ?
    - Ừ, lần đầu nhưng mình cũng chưa thấy có gì lạ lẫm cả, còn chưa đặt chân lên Paris mà.
    - Paris - Linh quay đầu nhìn ra cửa sổ. Chỉ còn năm phút nữa là hạ cánh, máy bay đang hạ dần độ cao. Giờ đây cô có thể nhìn thấy rõ từng chiếc xe, thậm chí cả người đang đi bộ trên đường. Linh nói mà không biết cho mình hay cho Huy : Điều gì đang chờ ở Paris nhỉ ?
    - Đúng rồi, bạn sẽ ở đâu ? Mình ở luôn trong kí túc xá của trường, lát nữa sẽ có người đón từ sân bay.
    - Thật ra bọn em đi học bổng 10 đứa với nhau, ăn ở trường lo hết, lát nữa cũng sẽ có người đón ở sân bay luôn. Mấy đứa bạn em ngồi phía sau kia kìa, lúc đi ở sân bay đông quá nên không tìm được chỗ ngồi cạnh nhau.
      - Ồ, đi đông vậy thì vui quá còn gì. Mình chỉ ở có một mình thôi chưa biết sẽ ra sao.
    - Anh chỉ ở có một mình thôi à, thế thì buồn lắm nhỉ ? Anh có số điện thoại không, khi nào có dịp mình còn liên lạc.
    - Trời, mới đi lần đầu sao đã có số điện thoại, mình chỉ có địa chỉ mail thôi.
    - Hì hì, quên mất, mail cũng được, có gì để liên lạc là được rồi.
      Linh lục túi lấy ra quyển sổ con và cây bút, đưa cho Huy. Huy hí hoáy viết địa chỉ mail rồi đưa lại cho Linh, Huy viết xong gấp luôn lại nên Linh cũng chả kịp nhìn xem anh viết gì. Cô hỏi :
    - Để em cho anh địa chỉ của em luôn nhé ?
    - Thôi - Huy phẩy tay, lại cười láu lỉnh- Bạn cứ gửi cho mình thì mình sẽ có địa chỉ của bạn thôi, mình chả nhớ địa chỉ mail của ai bao giờ đâu.
      Máy bay đã đáp hẳn xuống sân bay, mọi người bắt đầu lục đục đứng dậy lấy hành lý. Như sực nhớ ra điều gì, Linh quay sang gọi Huy :
    - Anh, ờ? anh Huy này, phiền anh lấy giúp em cái túi ở trên được không ? Cảm ơn anh nhiều.
      Huy vươn tay đỡ chiếc túi từ ngăn đẩy hàng xuống, vờ nhăn mặt nhìn Linh :
    - Khiếp buôn gì mà nặng thế ?
    - Có mấy quyển sách thôi mà anh, mẹ em cứ bắt mang thêm mấy quyển dạy nữ công, rồi cách dùng thuốc nữa thành ra hơi nặng - Linh vừa nói vừa đưa tay ra đỡ chiếc túi từ tay Huy - Cảm ơn anh.
    - De rien - Huy thoáng cười.
      Lại cái điệu cười láu lỉnh ấy. Linh chợt nhận ra có một điều gì đó rất thu hút ở Huy mà ban đầu cô chỉ cảm thấy một cách mơ hồ, nhưng giờ đây đã rõ ràng hơn nhiều. Cô nhận thấy trong nét cười của Huy toát lên vẻ thông minh, sắc sảo nhưng không hề phô trương mà ngược lại rất thân thiện, đáng yêu. Cô bỗng hiểu vì sao mình muốn gọi Huy bằng anh, muốn gây một ấn tượng gì đó. Phản xạ ấy tự nhiên đến nỗi chính cô cũng không kịp kiểm soát. Giờ cô đã nhận ra, đó là tại cái điệu cười đáng ghét và ánh mắt sáng lấp lánh kia?
    - Sao thế ? Có thế thôi mà cũng không hiểu à ? Sang đến đất Pháp rồi nói tiếng Pháp đi là vừa chứ - Huy thấy Linh chợt đứng bần thần không nói gì nên anh tưởng cô không bắt kịp câu tiếng Pháp đơn giản anh vừa nói ra.
    - À?à?ừ - Linh lúng túng, mặt đỏ bừng, cô không nói thêm gì nữa, xách chiếc túi theo dòng nguời ra khỏi máy bay. Huy đi liền ngay sau nhưng cũng chỉ lặng im. Anh nhận ra vẻ lúng túng của cô nên muốn để cô yên tĩnh một chút. Phút yên lặng kéo Huy về với thực tế. Nước Pháp đã ở trước mặt rồi, giờ đây anh thực sự chỉ còn một mình và nóng lòng muốn khám phá chân trời mới đang mở ra trước mắt.
     
    *****
    Được masked sửa chữa / chuyển vào 22:49 ngày 20/02/2006
  7. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
      Ngôi trường Huy theo học là một trong những trường danh giá nhất Paris, tọa lạc ngay trung tâm thành phố. Có nằm mơ Huy cũng không tưởng tượng ra có ngày anh lại bước chân được vào một môi trường làm việc tuyệt vời đến thế. Từ ngoài nhìn vào khuôn viên truờng tương đối vuông vắn, có phần cổ kính, hòa cùng sắc thái chung của kiến trúc Paris. Nhưng phía bên trong trường dường như lại là một thế giới khác, sống động và đầy màu sắc, đối lập hẳn với vẻ trầm mặc lặng lẽ bên ngoài. Cả trường có bốn khu vực chính, khu giảng đường, khu phòng thí nghiệm và thư viện, khu căng-tin và kí túc xá, cuối cùng là khu sân bóng và bể bơi.
      Huy vô cùng hài lòng về điều kiện học tập và sinh hoạt tại ngôi trường mới. Phòng Huy ở kí túc xá tuy không rộng, cũng chẳng thể đầy đủ tiện nghi như phòng khách sạn, nhưng Huy cảm thấy ấm cúng và thoải mái. Những buổi học đầu tiên diễn ra tương đối trôi chảy, chủ yếu là để giáo viên và sinh viên làm quen lẫn nhau, giới thiệu chương trình học, gặp gỡ với các bạn cùng khóa. Ban đầu Huy cũng lo, không hiểu vốn tiếng Pháp của mình liệu có đủ sức để theo được các bài giảng và nói chuyện với bạn nước ngoài không. Học tiếng Pháp nhiều năm, nhưng học ở nhà và sang đến nước Pháp, tiếp xúc trực tiếp với người Pháp hàng ngày lại là hai việc hoàn toàn khác nhau. Muốn thực sự hòa mình vào với cuộc sống và văn hóa nước ngoài thì còn phải có một thời gian dài thích nghi và học hỏi. Ý thức được những khó khăn đó, Huy luôn tự bắt mình phải nỗ lực hết mình, anh nghe giảng một cách tập trung, ghi chép cẩn thận, sau mỗi bài học bao giờ Huy cũng dành thời gian ôn tập, ghi nhớ, có điều gì chưa hiểu anh đều chủ động hỏi giáo viên. Huy cảm thấy bước đầu hòa nhập được vào cuộc sống mới.
      Thư viện là một trong những niềm tự hào của sinh viên trường Huy. Lần đầu bước vào thư viện, Huy cứ ngỡ là mình vào nhầm một trung tâm nghiên cứu nào đó. Cả căn phòng rộng mênh mông với từng hàng giá sách chạy dọc hai bên tường, ở giữa là những dãy bàn dài để sinh viên ngồi đọc sách và tra cứu. Từ mỗi khung cửa sổ cao và rộng của thư viện nhìn ra có thể thấy một góc phố khác nhau của Paris, giống như những bức tranh sống động, vừa có vẻ gì thân thuộc lại vừa biến đổi sinh động một cách kì ảo. Thế nhưng ít khi Huy ngồi học trong thư viện, mỗi lần anh vào đó chỉ là để mượn sách, trả sách và lên net gửi thư về nhà. Huy không thể tập trung học trong không gian quá rộng, quá đông người ở thư viện. Từ hồi ở nhà anh đã có thói quen học trong yên tĩnh tuyệt đối, mỗi khi ở trường về là anh lại vào phòng riêng, đóng cửa học bài. Sang đến đây, dù điều kiện học rất thoải mái, đầy đủ nhưng Huy vẫn thích làm việc trong phòng riêng, trong không gian quen thuộc của mình.
      Mỗi tuần Huy đều gửi thư về nhà cho mẹ. Mẹ Huy kể rằng từ khi anh đi nhà cửa vắng vẻ hơn hẳn, mấy tuần đầu không nhìn thấy anh bà cứ cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó, nhưng sau đó cũng quen dần. Bà vẫn dặn Huy phải giữ gìn sức khỏe, tập trung vào học nhưng mặt khác cũng phải chịu khó giao lưu, thân thiện với bạn bè để lúc vui buồn khó khăn còn có người chia sẻ.
      Huy cảm thấy mình hòa nhập với các bạn Pháp một cách khá tự nhiên. Hàng ngày lên lớp học, rồi tối lại ăn cùng nhau trong căng-tin, trao đổi về bài vở, thỉnh thoảng có đứa còn bắt Huy đọc thơ hoặc hát bằng tiếng Việt, dù chẳng ai hiểu gì nhưng cả bọn đều vỗ tay, gật gù, ra vẻ đắc ý lắm. Huy chỉ thắc mắc một điều là mấy lần anh để ý nhưng trong trường hình như chẳng còn ai là người Việt ngoài anh. Thỉnh thoảng bắt gặp vài đứa sinh viên châu Á, nhưng hỏi ra thì toàn người Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Cũng đôi lần mấy đứa bạn trong lớp giới thiệu Huy đến chơi một vài gia đình người Việt mà chúng nó quen, nhưng Huy vẫn cảm thấy trong lòng có chút gì đó không thoải mái. Anh không có định kiến gì về Việt kiều, thậm chí anh biết họ còn rất vui khi được gặp anh, luôn nhắc anh rằng trong học tập sinh hoạt có vấn đề gì họ sẵn sàng giúp đỡ. Huy ghi nhận tấm lòng đó, nhưng anh tự tạo ra một khoảng cách nhất định và không muốn vượt qua. Những gia đình Huy gặp đều đã định cư ở đây từ lâu năm, con cái họ đa số trạc tuổi Huy hoặc hơn Huy một vài tuổi, có người đã đi làm ổn định và có gia đình. Có lẽ vì sự lâu năm, ổn định ấy mà Huy cảm giác cuộc sống của họ có phần nào hoặc quá sòng phẳng, lạnh lùng, hoặc đôi lúc trở nên lòe loẹt, phô trương. Huy không thể tìm lại cái cảm giác đầm ấm, thân thuộc như trong gia đình anh ngày trước. Dần dần Huy coi đó như một phần thử thách của cuộc sống tự lập và anh cũng vui vẻ chấp nhận.
     
    *****
  8. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
      Thời gian trôi thật nhanh, kể từ ngày Linh rơm rớm nước mắt chia tay bố mẹ ở sân bay đến nay đã tròn hai tháng. Linh có đủ thời gian để ổn định chuyện ăn ở, nhập học, làm quen với môi trường bạn bè mới. Chín đứa sang cùng đợt với Linh thì có đến bảy đứa chọn học ngành kĩ thuật nên không học ở Paris mà lại đón tàu đi xuống mấy thành phố phía Nam, hai đứa ở lại cùng trường với Linh thì đăng kí vào phân khoa Kinh tế-Quản trị, cuối cùng chỉ còn mỗi Linh ghi danh vào phân khoa Kinh tế-Ngoại ngữ. Phòng kí túc của Linh cũng vì thế mà ở một dãy nhà riêng, không cùng chỗ với hai đứa kia. Một mình, nhưng Linh không thấy buồn. Một phần là vì hàng ngày cô vẫn gặp hai đứa bạn kia trên giảng đường những lúc hai phân khoa cùng học chung môn Lịch sử kinh tế, phần khác là bởi cô cũng muốn giữ chút gì đó riêng tư, một thế giới mộng mơ cho riêng mình.
      Vốn có năng khiếu về ngoại ngữ, Linh không gặp nhiều khó khăn trong việc nghe giảng hay chép bài. Vì cô chọn phân khoa Ngoại ngữ nên ngoài môn tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc Linh còn phải học thêm một ngoại ngữ thứ hai nữa, cô quyết định học tiếng Tây Ban Nha. Linh tìm mua sách, mua băng về nhà tự học. Một mình đánh vật với ba ngoại ngữ nhưng Linh không thấy mệt mỏi, mà trái lại cô cảm giác vô cùng hứng thú. Học thêm một ngoại ngữ là biết thêm một nền văn hóa mới, là hiểu thêm một phần của thế giới mà trước kia cô chưa từng khám phá, là hòa mình vào với từng bước tiến của nhân loại. Tóm lại, những môn ngoại ngữ không phải vấn đề đối với Linh. Thế nhưng cái nửa còn lại của chương trình học - lĩnh vực kinh tế thực sự khiến cô bối rối. Dù ở nhà trước đây cô cũng vẫn là học sinh giỏi, nhưng thế mạnh của Linh thường thiên về mảng văn học - xã hội ; vì thế những môn học kiểu như Toán thống kê - xác suất, Lịch sử kinh tế, Phân tích thị trường? dường như không phải dành cho Linh. Không phải cô không thể học được, chỉ là cô tự đánh giá mình hơi « thiếu thực dụng » và không có được một « cái đầu lạnh » cần thiết của người làm kinh tế.
      Trường Linh học không nằm ngay trong Paris mà ở vùng ngoại ô, giống như phần lớn các trường đại học khác. Từ chỗ Linh vào trung tâm thành phố mất khoảng hai mươi phút đi tàu điện ngầm. Cuộc sống ở ngoại ô diễn ra tương đối trầm lặng, yên tĩnh, không sôi động và náo nhiệt như trên những đại lộ lớn của Paris. Hôm đầu đến đây Linh đã thấy hơi thất vọng, khi nghe tên trường mình có chữ Paris cô đã tưởng tượng đến cảnh hàng ngày có thể ôm sách vở đến ngồi học dưới chân tháp Eiffel , buổi tối sẽ thả bộ dọc bờ sông Seine, nghe thánh ca trong nhà thờ Đức bà? Nghĩ lại cô mới tự cười mình mơ mộng trẻ con quá, đi học chứ có phải đi du lịch đâu, mà trường đại học thì mấy trường được ở trung tâm thành phố, đến ở nhà còn như vậy nữa là, có vậy thôi mà cô cũng không nghĩ đến trước, cứ thả hồn lơ lửng trên chín tầng mây? Thế rồi Linh lại tự an ủi mình : « Thôi, dù gì thì Paris cũng liền chân đây rồi, chẳng đáng bao xa ; mới lại cái gì cũng thế, vừa phải thôi còn được lâu, cứ cả thèm có khi lại chóng chán? »
     
    *****
  9. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
      Lần đầu tự mình đi Paris, Linh không giấu nổi cảm giác vui mừng, hồi hộp. Paris ngày cuối thu trời xanh thăm thẳm không một gợn mây, ánh nắng vàng dìu dịu trải xuống từng con phố làm ánh lên nét quyến rũ ẩn hiện trong từng mái nhà, từng lối đi. Bỗng chốc đâu đây lại có cơn gió se sẽ thoảng qua, dịu dàng, nhẹ nhàng, mơn man làn tóc Linh, cuốn theo tâm hồn cô bay bổng lên không trung. Linh để kệ đôi chân mình cất bước, cô không biết mình đã đi bao lâu, đã qua bao nhiêu con đường, trong cô tràn ngập một niềm hạnh phúc vô bờ. Mỗi góc phố đi qua đều để lại cho Linh một ấn tượng riêng : này là một khung cửa sổ nhỏ xếp mấy chậu hoa lan tím biếc, trông như ngôi nhà cổ tích ; kia là mấy bức tượng thiên thần đang vẫy cánh, tay cầm cây đàn hạc như hòa theo khúc tự tình trong lòng Linh ; nữa là một vườn hoa thơ mộng, thảm cỏ xanh mướt, rực rỡ sắc hoa? Cảnh vật và con người như quyện vào làm một, đưa bước chân Linh mỗi lúc một nhịp nhàng hơn.
      Linh dừng bước trước một tòa nhà đồ sộ, kéo dài dọc cả một dãy phố. Cô ngước mắt, lẩm bẩm đọc : Đại học tổng hợp Paris. Ồ hóa ra chính là ngôi trường nổi tiếng mà cô nghe danh bấy lâu đây sao ? Vẻ bề thế, oai nghiêm của ngôi trường thực sự khiến Linh trầm trồ thán phục. Nằm ở ngay trung tâm Paris, trường Tổng hợp không chỉ nổi tiếng là một trung tâm giảng dạy có uy tín, lâu đời, mà còn bởi bản thân ngôi trường cũng là một công trình nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu của kiến trúc Tây Âu. Linh đưa mắt ngắm nhìn từng đường nét, từng chi tiết của tòa nhà, chợt ánh mắt cô dừng lại ở phía cổng trường, nơi có từng tốp sinh viên tan học đang túm tụm đứng nói chuyện, cười đùa. Ai như?Huy thì phải, Huy Kính Cận - cái anh chàng ngồi cạnh cô hôm đi máy bay sang đây?Bất chợt một cảm giác xao xuyến len lỏi trong lòng Linh.
      Từ cái hôm ấy ở trên máy bay, cô đã không thể giải thích được cái cảm xúc kì lạ khi đứng trước Huy. Ánh mắt ấy, nụ cười ấy, dáng người ấy?Linh dường như bị choáng ngợp khi ở cạnh Huy. Sau khi hai người chia tay ở sân bay, Linh cảm thấy như có chút gì đó hụt hẫng, tựa như đứa trẻ bị thất hứa một món đồ chơi. Nhưng rồi sau đó những chuyện nhập học, nghe giảng, chuẩn bị bài? cũng khiến Linh quên dần những giây phút xao động thoáng qua ấy. Cô coi đó là thứ tình cảm trẻ con, vu vơ, chợt đến rồi chợt đi, nhất là với người hay mơ mộng như cô thì lại càng chẳng có gì lạ. Chỉ là một lần gặp nhau, sau này chắc gì đã gặp lại, chút cảm xúc ban đầu thôi thì cứ giữ lại trong lòng, coi đó như một kỉ niệm, một ấn tượng đẹp dành cho một người bạn mới quen. Tự nhủ lòng mình như vậy, Linh cũng cảm thấy thoải mái, cô không còn thấy bồi hồi xao xuyến, hình ảnh anh bạn tinh quái kia cũng mờ dần trong tâm trí cô.
      Vậy mà giờ đây, ngay lúc này đây, vẫn gương mặt ấy, vẫn ánh mắt ấy, đang rành rành hiện hữu ngay trước mắt Linh. Cô không cảm thấy sẵn sàng cho một cuộc tái ngộ đột ngột như vậy. Huy vẫn đứng ở phía xa trò chuyện cùng mấy người bạn, chắc anh cũng chẳng biết rằng cô đang đứng ở đây, chỉ cách anh khoảng chục bước chân. Nhìn Huy trong bộ đồ sinh viên bùi bụi, quần bò áo phông xanh da trời, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, chợt những cảm xúc hôm nào lại ùa về trong Linh. Trái tim cô đập mạnh, cô không còn cảm thấy tay chân, cơ thể mình chuyển động nữa, gió cũng ngừng thổi, không gian như lặng im, chỉ bừng sáng lên cùng ánh mắt và nụ cười của Huy. Linh chẳng còn cảm giác gì khác ngoài tâm hồn mình lâng lâng bay bổng, nhẹ nhàng, dịu êm?
    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
      Hai câu thơ học từ hồi lớp 12 chợt hiện về trong tâm trí khiến Linh bật cười khúc khích. Ở đây chẳng có cô hàng xén răng đen nào cả, chỉ có gương mặt và nụ cười thiên thần của Huy khiến trời thu Paris như xanh hơn, nắng như vàng hơn và cuộc sống bỗng như đẹp hơn. Linh cứ đứng lặng ngắm Huy trò chuyện mà chẳng để ý đến điều gì khác, chẳng biết đến thời gian trôi đi. Chỉ đến khi Huy bắt tay chào tạm biệt mấy người bạn, rồi biến mất phía sau cánh cổng trường thì Linh mới giật mình bừng tỉnh, quay về với thực tế. Cô muốn chạy theo gọi Huy nhưng có vẻ đã quá muộn, Huy sẽ không thể nghe thấy cô. Mà hơn nữa cô sẽ nói chuyện gì với Huy đây ? Cô cũng chẳng biết, chỉ biết rằng cô muốn được ở gần Huy thêm chút nữa, được nhìn thấy anh, được nghe thấy anh.
      Suốt từ hôm tình cờ « gặp lại » Huy, thế giới của Linh chỉ toàn một màu hồng. Cô không định nghĩa nổi tình cảm cô dành cho Huy là thế nào nữa. Tình bạn ư ? Không phải, tình bạn bao giờ cũng vô tư, hồn nhiên, còn tình cảm mà cô dành cho Huy lại có gì đó mạnh mẽ hơn thế nhiều. Cô cảm thấy muốn ở bên cạnh Huy, cô nhớ mãi gương mặt bầu bĩnh, ánh mắt sáng ngời thông minh, nụ cười láu lỉnh đầy kiêu hãnh? Cảm xúc trong cô mạnh hơn cả chính bản thân cô, khiến cô không thể kìm nén nổi, đã có lúc Linh buột miệng gọi thằng bạn học cùng bằng tên Huy khiến nó trố mắt ngạc nhiên, còn cô thì lúng túng quay đi chỗ khác. Thế liệu có thể gọi tình cảm của cô là tình yêu được không ? Cũng không phải, bởi cô và Huy đâu có biết gì về nhau. Tình cờ ngồi cạnh nhau trên máy bay, cô biết anh tên là Huy, hơn cô một tuổi, sinh nhật tháng sáu, chấm hết. Không một dòng địa chỉ, không một chút thông tin nào khác. Chỉ đến hôm vừa rồi, cũng là tình cờ, cô mới biết Huy học ở ngôi trường nổi tiếng ấy, mà anh học gì trong đó, ngành nào, khoa nào, cô cũng chẳng biết luôn. Anh với cô dường như hai người xa lạ, vậy cớ gì mà cô lại có những cảm xúc mãnh liệt đến thế ? Linh không giải thích được. Lần đầu tiên trong đời cô trải qua thứ cảm xúc như vậy, cô không biết phải làm sao, cô không hiểu mình nên đón nhận hay chạy trốn.
  10. Masked

    Masked Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/08/2003
    Bài viết:
    47
    Đã được thích:
    0
      Linh không dám tâm sự chuyện này với mẹ bởi cô biết thế nào mẹ cô cũng sẽ không bằng lòng, bà đã chẳng từng dặn « con gái đừng yêu sớm » đấy sao, cô sợ mẹ sẽ lo lắng, cô không muốn mẹ phiền lòng. Chuyện của cô chẳng ra đâu vào đâu, cô cũng từng tự huyễn hoặc mình rằng rồi mọi chuyện sẽ lại như ban đầu thôi, rồi cô sẽ lại nguôi ngoai dần thôi. Nhưng không, nỗi nhớ Huy cứ gặm nhấm cô từng ngày, cô không sao thoát khỏi những cảm xúc của chính mình. Linh đành mang tâm sự của mình kể cho Trang, cô bạn cùng học. Linh không nói thẳng người cô thương nhớ là ai, chỉ lòng vòng để tìm cách hỏi ý kiến Trang :
    - Trang này, tao hỏi mày chuyện này được không ?
    - Chuyện gì thế ? - Trang nheo nheo mắt - Lại vấn đề tâm tư tình cảm hả ? Mày dạo này lạ lắm đấy nhé, lúc nào cũng vẩn vẩn vơ vơ, hôm trước thằng Tuấn nó còn bảo tao mày gọi nó bằng cái tên Huy nào đó nữa. Thôi, khai đi em, yêu rồi phải không ?
    - Ơ con này, yêu đương gì - Linh bối rối, cô không ngờ mình lại bị « bắt mạch » dễ dàng đến thế - Chỉ là?ờ?chỉ là?tao muốn hỏi?
    - Gớm chưa - Trang bĩu môi - Lại còn chối, cái điệu bộ gà mắc tóc của mày đích thị là yêu rồi. Muốn tư vấn thì khai ra đi, anh Huy là anh nào thế ?
    - Không, chỉ là? - Linh đỏ mặt - Tao cũng không biết phải nói thế nào nữa? Ừ?Liệu người ta có thể yêu khi không biết gì về nhau không nhỉ ?
    - Hả, mày hỏi gì tao không hiểu ? - Trang tròn mắt nhìn Linh - Ý mày là yêu tưởng tượng á ? Như thế gọi là bệnh tâm thần đấy mày biết không.
    - Thôi tao xin mày, tao chưa điên đâu. Ý tao là?liệu mày có thể yêu một người khi mà mày chẳng biết chút gì về người đó không ?
    - À à, hiều rồi, hóa ra Huy là thế đấy hả ? - Trang cười gian gian - Mày vòng vèo, úp mở quá làm tao cũng chẳng rõ chuyện của đôi lứa chúng mày thế nào, thế người ta có thích mày không ?
    - Làm sao mà thích được, Huy còn chẳng biết tao là ai - Giọng Linh buồn buồn.
    - Mày phức tạp nhỉ. Nếu là tao, không biết thì tao phải làm cho biết mới thôi. Quá đơn giản.
    - Tức là sao ?
    - Linh ơi mày ngây thơ quá, hay là tim mày to quá choán hết cả não rồi. Suy nghĩ xem, có cách nào làm cho người ta biết mày là ai không ? Chả lẽ mày cứ yêu thầm trong bóng tối thế à ? Phải nói ra thì người ta mới chú ý đến mày chứ ! Hoặc là gặp trực tiếp nói thẳng vào mặt, hoặc là gọi điện thoại thủ thỉ tâm tình, hay cùng lắm là gửi email mà trình bày hoàn cảnh. Cái thời làm con rùa nơi xó cửa qua rồi, bây giờ muốn thắng là phải tấn công !
      Lập luận hùng hồn của Trang làm Linh buồn cười quá mức. Đúng là con nhà nòi học kinh tế có khác, thực dụng đến phũ phàng. Linh biết Trang cố tình phóng đại, nói quá lên một chút để làm cô khuây khỏa, hơn nữa cô cũng đâu phải loại con gái sẵn sàng « tấn công », nhưng dù sao Trang cũng phần nào có lý. Linh không thể ôm tâm tư ngồi tơ tưởng một mình mãi được, sẽ chẳng dẫn đến đâu cả, đã đến lúc cô cần phải tìm cách nói chuyện với Huy, ít ra cũng là để giữ chút liên lạc gì đó. « Gặp trực tiếp » thì cô không dám, mỗi lần đứng trước Huy là tâm hồn cô lại bay bổng lên tận chín tầng mây, làm sao cô tập trung được vào những gì muốn nói. « Gọi điện thoại » cũng không được bởi cô không có số của Huy. Chỉ còn cách « gửi email » thôi. Ừ, sao Linh lại không nghĩ ra sớm hơn nhỉ, mà rõ ràng là cô có địa chỉ mail của Huy kia mà ? Quả thực cô đã quên bẵng cái chi tiết cỏn con ấy, hôm trên máy bay cô đã xin địa chỉ của Huy, ở trong một quyển sổ con nào đó. Từ hôm ấy đến giờ mải chuyện sắp xếp sinh hoạt, học hành, rồi thì tâm trí lại bị phân tán (cũng chỉ tại Huy !) nên cô chưa giở ra xem lại. Hôm đấy tan học, Linh vội vã lao về phòng, bới tung mấy ngăn tủ tìm quyển sổ nhỏ. Đó là quyển sổ lúc trước khi đi Linh ghi chép danh mục những thứ cần chuẩn bị, khi sang đến nơi rồi cũng chẳng mấy khi cô để ý đến nữa. Mất một lúc Linh mới tìm thấy nó lẫn trong một chồng mấy quyển sổ ghi chép khác, toàn những điều mẹ cô ghi chép cẩn thận, dặn dò kĩ lưỡng trước khi lên đường. Đây rồi ! Cô đã tìm thấy trang ghi địa chỉ của Huy. Chỉ một dòng chữ tròn trịa, thẳng tắp trên trang giấy cũng lại khiến trái tim cô bồi hồi tăng nhịp đập : minhhuy_tran@hotmail.com (« anh Huy », hehe).
     
    *****

Chia sẻ trang này