1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cổ trắng (Trần Hoài Thư)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Pho_vang_buon_lam, 30/05/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Cổ trắng (Trần Hoài Thư)

    Cõi đời ân lượng

    Lúc ấy, thời thịnh trị, dân điện toán được hưởng an lạc thái bình. Cuộc đời của họ chỉ quanh quẩn với một ngày 8 tiếng, với những dự án, những chương trình (program), qua những ngôn ngữ như Cobol, Pascal, C và những hệ thống điện toán với cỡ hoạt động trung bình như Unix [1] hoặc lớn hơn như VM, MVS chạy trên những mainframe [2] . Không hề nghe nói đến laptop, đến Windows 95, 98, 2000, NT, XP như hiện nay.

    Lúc ấy, mỗi công ty đều có một bộ phận riêng chuyên trách ngành điện toán. Lúc ấy, nghề nghiệp như programmer [3] , hay database administrator [4] hay system analyst [5] được xem là nghề nóng hổi, ăn khách, lương hậu. Thiên hạ rủ nhau chuyển sang ngành điện toán, hay chọn học điện toán. Các đại học thi nhau mở chương trình chuyên khoa, chuyên nghiệp, cử nhân, cao học, tiến sĩ về điện toán, tin học, kỹ sư software [6] ...

    Mở một tờ báo, thấy mục cần dân điện toán dầy dặc ê hề. Nhất là tờ báo phát hành vào ngày chủ nhật. Nhìn đến choáng ngợp.

    Có lẽ chính vì ra trường đúng thời điểm này, ông Nguyễn mới được người phụ trách tuyển người của công ty AT&T vào ngay trường phỏng vấn, mặc dù ông chưa thật sự tham dự lễ tốt nghiệp.

    Buổi sáng hôm ấy, bà Kathy ngồi đối diện với ông trong căn phòng đóng kín cửa. Bà nhìn tờ resumé, hỏi gia cảnh.

    Ông trả lời: ông có một vợ một con. Vượt biển qua Mỹ năm 1980. Vừa làm vừa học.

    "Ông làm gì?"

    "Vệ sinh phòng ốc. Janitor. Mỗi ngày làm 4 tiếng. Từ 6 PM đến 10 PM. Phụ trách hai tầng ngôi lầu. Chùi bàn chùi ghế, vệ sinh cầu tiêu nam nữ, đổ rác, hút bụi..."

    Bà Kathy chăm chú viết trên tờ giấy.

    "Ông đến từ Việt Nam?" Bà hỏi.

    "Thưa bà. Phải".

    "Ông làm nghề gì ở Việt Nam?"

    "Ði dạy học rồi bị động viên vào quân đội miền Nam Việt Nam. Trung đội trưởng bộ binh. Bị thương trận ba lần. Sau 1975, vào trại cải tạo 4 năm... Sau khi ra tù, làm nghề bán cà rem dạo..."

    Guơng mặt bà Kathy hơi đăm chiêu. Bà nhìn vào tờ resumé, rồi viết gì trong cuốn sổ tay, sau đó bà ta nói:

    "Trước hết, tôi xin được chúc mừng ông đã vượt qua những khó khăn để tốt nghiệp đại học. Riêng tờ resumé này, chúng tôi sẽ gởi đến các phòng ban của công ty chúng tôi. Nếu họ cần, chúng tôi sẽ thông báo cho ông biết, có thể qua điện thoại. Lúc ấy ông sẽ được mời đến để những người phụ trách trực tiếp phỏng vấn tại chỗ. Ông còn có câu hỏi gì không. "

    Ông Nguyễn trả lời không rồi đứng dậy từ giã bà Kathy. Khi bước ra ngoài, ông đã thấy vài đứa Mỹ đang ngồi đợi đến phiên. Ðiều ấy càng làm ông cảm thấy không lạc quan hay hy vọng bao nhiêu. Nhìn lại mình, ông có những điểm yếu rất khó lọt vào sơ kết, huống hồ gì bán kết hay chung kết. Thứ nhất là tuổi tác. Ông đã bước qua tuổi bốn mươi hai. Thứ hai là ngôn ngữ người. Miệng hàm ông đã quá cứng quá chai. Tiếng người thì chữ còn chữ mất. Làm sao ông có thể tranh đua cùng những người trẻ tuổi bản xứ đầy sinh lực và thông minh. Làm sao ông có thể đánh bạt họ khi trong tờ resumé của ông không có kinh nghiệm gì để tiếp trợ trừ kinh nghiệm làm vệ sinh phòng ốc, hay phục kích, phản phục kích, nhảy diều hâu, đột kích mật khu hay làm tù binh, chẳng dính líu gì đến nghề nghiệp hay kinh nghiệm đòi hỏi.

    Nhưng ông không buồn cũng chẳng bận tâm hay lo âu. Ông tự an ủi mình. Ðây là một cơ hội để ta có thể rút tỉa kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn khác, nếu có.

    Phải. Ông xem đây là bài học. Khi đứa con nít ra đời, nó chỉ khóc vài ba tiếng, và sau đó, cha mẹ dạy dỗ, trường học dạy dỗ, xã hội dạy dỗ. Ông đã được dạy dỗ, nhưng từ một quê hương khác. Bây giờ qua xứ người, ông phải bắt đầu từ con số không. Ông phải học tất cả. Tiếng người. Công việc người. Truyền thống người. Xã hội người. Phong tục người.

    Và giờ đây, ông đang học một bài học giá trị qua thực tế. Trong trường lớp, người ta dạy rằng trong lúc phỏng vấn, mình phải chứng tỏ mình rất thích công việc, hơn nữa phải chứng tỏ mình có khả năng hay ham thích học hỏi. Ví dụ AT&T, một hãng điện thoại, mình phải hỏi người phỏng vấn những câu hỏi liên quan đến telecommunication, network... Câu hỏi sẽ mang thiện cảm cho người phỏng vấn, bởi vì câu hỏi còn mang theo lòng ham muốn học hỏi về lãnh vực viễn thông. Ngoài ra, phải nhìn thẳng vào người đối diện để chứng tỏ mình tự tin. Ðó là những yếu tố cần thiết mà người phỏng vấn cần tìm ở bất kỳ một ứng viên nào cho hãng như năng lực, kiến thức và sự vươn lên.

    Nhưng thực tế miệng ông đã hoàn toàn câm. Ông là kẻ bị động. Ông chỉ mở miệng khi bà Kathy hỏi. Ông đã quên những điều chỉ dẫn cần thiết.

    Ông tự bảo lòng. Lần tới ông sẽ chuẩn bị chu đáo hơn.


    *


    Khoảng một tháng sau, không ngờ có một cú điện thoại gọi đến nhà ông. Khi ông về nhà, thằng con 9 tuổi kể lại có một bà muốn được nói chuyện với ba. Bà ta làm việc cho hãng AT&T.

    Ông gọi lại và gặp bà Kathy. Bà cho biết trong tuần đến ông sẽ nhận được giấy tờ. Có ba department muốn phỏng vấn. Ông sẽ được thông báo chi tiết ngày giờ và địa điểm.

    Ông lại nhắm mắt cảm tạ.

    Ông vẫn có thói quen như thế, để nói lên tâm trạng của mình trước một ân điển lớn.

    Không thể ngờ.
    Không thể ngờ như chuyện ông còn sống, để từ một con người chai cứng đức tin nay tin rằng, chỉ có bàn tay mầu nhiệm của ơn Trên mới đưa đẩy sắp đặt thân phận con người.
    Khi mình bất lực.
    Khi mình tuyệt vọng.
    Khi mình vô phương vùng vẫy.
    Như lúc buổi trưa mà đột nhiên trời tối sầm lại.
    Mặt trời đã bỏ trốn.
    Và gió lạ.
    Gió mang điềm dữ. Gió mang lệnh tuyên chiến. Gió báo giờ G.
    Những đám mây đen trồi ồ ạt trên đầu. Và xung quanh bao bọc là chớp. Một chớp cắt loé ở hướng Ðông thì một chớp khác loé lên ở hướng Tây, rồi hướng Nam, hướng Bắc...
    Rồi bốn bề chớp sáng thi nhau báo cáo tín hiệu. Rồi sấm lại rót vào thinh không những trận pháo ì ầm...
    Rồi nước ào vào khoang. Nước mỗi lúc mỗi dâng lên.
    Ðứa bé gái đứng ôm lấy mẹ,
    mẹ ơi con sợ
    mẹ ơi con sợ
    Hai vợ chồng trẻ thì ôm chặt cái can nước bằng nhựa.
    Trên boong gần buồng lái, cả gia đình ông chủ tàu qùy xuống đọc kinh...

    Ông khan cổ hò hét thanh niên tát nước.
    Bao nhiêu quần áo vải vóc có được mang ra đốt. Lửa ngọn ma trơi hiu hắt bị tạt bởi gió.
    Lửa bốc cùng khói dầu. Nhưng lửa cũng tắt rất nhanh như niềm hy vọng thoi thóp.
    Người ta mửa đến mật xanh mật vàng. Dưới khoang những chiếc đầu ngoi ngóp trên biển nước đen ngòm dầu cặn.
    Ông đứng nhìn xuống biển. Buồn thảm.
    Ông tủi thân bởi vì ông sinh làm người Việt Nam.
    Không có ai quanh ông.
    Vợ con quê nhà bạn bè bằng hữu, kẻ thương người ghét.
    Ông ứa nước mắt cho một kiếp người.

    Nhưng có những lượn sóng rất hiền, hiền như lưng của loài cá voi cứu khổ cứu nạn.
    Ðưa thuyền đi, nâng thuyền thăng bằng, hướng dẫn mũi thuyền tìm đến bến bờ.
    Biển không rẽ làm đôi mà biển ru người, ru thuyền, ru những đứa con của thời hồng thủy được tái sinh.
    Cái sống đã được sinh ra từ cái chết.
    Ông được tái sinh.
    Ông thâm tạ một cơn sóng hiền giữa trùng trùng sóng dữ.
    Ông thâm tạ khi tuyết rơi
    tuyết rơi trắng xóa, bít bùng
    và con ông chờ đợi ông già Noel mang đồ chơi chui vào phòng nửa khuya.
    Ông thâm tạ khi tiếng chim lạc loài vọng về.
    Tiếng kêu leng keng tươi vui của chiếc xe trolley dưới đường...
    Nhắm mắt,
    một chỗ dung thân sau những mùa tai biến...

    Và giờ đây, ông thêm một lần thâm tạ.

    Vợ ông cũng vậy.

    Nàng vái lia lịa cùng hư không

    Lạy Trời Lạy Phật lạy đấng Quyền Năng, cảm tạ Ngài...

    Không thể ngờ...


    *


    Ông Nguyễn ngủ không được. Niềm vui chưa hết thì nỗi lo lại bắt đầu. Hồi chiều, vợ ông phải tìm người quen mượn đỡ $50 cho ông làm lộ phí. Ông không có xe nên ông phải nhờ một người bạn trẻ chở dùm. Từ chỗ ông ở đến địa điểm phỏng vấn ít nhất phải hai tiếng đồng hồ. Minh là người tốt bụng. Minh xin nghỉ một ngày để giúp ông. Ngoài ra, Minh còn tặng ông một bộ đồ lớn. Minh nói bộ đồ này hên lắm. Lần nào mang nó, em đều gặp hên...

    Nhưng kích thước của áo quần thì quá rộng so với người của ông.

    Vợ ông đề nghị ra tiệm mua một bộ đồ.

    "Phải có một bộ đồ đàng hoàng. Trước sau gì mình cũng mua".

    Nàng bảo. Nàng nghĩ làm như chiếc áo sẽ làm tăng xác suất của sự thành công.

    Tất cả số tiền dành dụm, nàng vét hết.

    Rồi thì giày da, rồi thì cà vạt.

    Ông soi gương, thấy mình khác nào chú rể mới.

    Ông đã thay đổi lốt dạng. Ông đang đóng kịch. Ông đang chuẩn bị hoá trang để bước vào một thế giới khác.

    Không còn quần bao cát.

    Không còn áo vá.

    Không còn đi chân không.

    Không còn đêm đêm rảo từ phòng này sang phòng khác để lau chùi hút bụi, lau ống điện thoại, dọn nhà cầu nam nữ, đổ giấy đi cầu, băng vệ sinh phụ nữ.

    Vợ ông hít hà, trầm trồ.

    Tội nghiệp người vợ đáng thương.

    Rồi anh sẽ quan trạng về làng, võng anh đi trước võng nàng theo sau.

    Cho dù ở xứ này, quan trạng không có chỗ đứng.

    Ðôi khi tiến sĩ còn thất nghiệp dài dài.

    Minh kể lại những kinh nghiệm về phỏng vấn.

    "Khi họ mời anh đi ăn ở nhà hàng, nhớ là họ nhìn cách anh ăn uống đấy. Trong thế giới professional, mình phải chứng tỏ mình professional... Chậm rãi. Từ tốn. Nhớ là ở nhà hàng Mỹ, toàn là những thức ăn lạ. Con hầu bàn sẽ hỏi. Và mình sẽ rất lúng túng. Có khi mình không hiểu nó nói gì. Những người phỏng vấn sẽ đánh giá trình độ Anh ngữ của mình lúc này. Cách tốt nhất là nói trước với một người phỏng vấn. Tôi không rành về món ăn Mỹ. Xin làm ơn gọi dùm tôi. Hãy thật thà anh ạ. Nên nhớ là lúc nào họ cũng nhìn vào mình để đánh giá..."

    "Cám ơn em".

    Ðồng thì khuyên:

    "Ðừng lo anh à. Khi họ kêu mình đi phỏng vấn, nghĩa là họ đã nghĩ rằng mình có thể đảm nhiệm được vai trò mà họ cần. Anh không biết mỗi lần phỏng vấn như vậy, công ty phải tốn đủ thứ: Nào là tiền bao máy bay, tiền khách sạn, tiền ăn uống. Không phải một ngày, nhiều khi cả tuần lễ. Gắng trả lời những câu hỏi của họ. Không biết thì nói không biết. AT&T là một hãng rất lớn, có cả một trung tâm để huấn luyện nhân viên.
  2. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Ðồng tốt nghiệp đại học Drexel năm ngoái với hạng tối ưu và được AT&T thu nhận ngay sau khi ra trường. Ðồng còn trẻ, lại học giỏi, thông minh. Ðồng là hiện thân của lớp trẻ con cháu của những người tị nạn đầu tiên. Họ như những thân cây được vun trồng và nẩy mầm từ những vùng đất màu mỡ. Còn ông, dù đất đai có màu mỡ phì nhiêu, nhưng một khi cây đã già đã khô, nhựa đã sắp cạn, thì làm sao có thể bì với họ.
    Nhưng ít ra, những lời khuyên của Minh, Ðồng là những lời khuyên rất thực tế, khó có thể tìm trong sách vở hay những khoá học về nghệ thuật đi phỏng vấn.
    Theo như chương trình, ông phải có mặt lúc 11:30 để department đầu tiên mời đi ăn trưa, sau đó cuộc phỏng vấn sẽ được bắt đầu vào 1 giờ trưa. Ông sẽ về khách sạn để ngày hôm sau tiếp tục hai cuộc phỏng vấn khác.
    Minh nói: em biết rành lộ trình, em sẽ đến rước anh vào lúc 9 giờ rưỡi sáng.
    Minh đến trễ khoảng 15 phút. Mười lăm phút là cả một cơn ác mộng. Ông nhìn xuống đường. Vợ ông nhìn xuống đường. Bốn con mắt ngóng chờ người ân nhân. Không biết Minh còn nhớ đến buổi hẹn hay đã quên. Hay bị tai nạn, hay bị kẹt xe không chừng.
    Rõ ràng, không có gì bất hạnh cho bằng mình không thể làm chủ lấy mình.
    Rồi cuối cùng, chiếc xe của Minh cũng xuất hiện. Mừng quá. Minh bảo vì kẹt xe nhưng không sao. Em bảo đảm mình đến kịp. Anh chị cứ yên tâm.
    9 giờ 45 phút, xe khởi hành. Một giờ đầu, xe chạy êm xuôi. Bảng hiệu Welcome to New Jersey thấy hiện ra bên kia cầu. Chạy thêm được nửa tiếng, Minh bắt đầu bối rối. Ðến đây, mọi việc trái ngược. Hình như xe đã qua mặt exit từ lúc nào. Minh chạy ngược rồi chạy xuôi. Có khi lên cầu cao, tìm hoài exit, nhưng không thấy đâu. Chỉ toàn đồi núi.
    Rõ ràng Minh đã lạc. Bây giờ anh ta bất kể bảng cấm hay không bảng cấm, có khi đang chạy ngon lành trên xa lộ, lại quay đầu, chạy ngược lại. Có khi chạy vào một con lộ ngược chiều. May mà không gặp cảnh sát xa lộ. Bên cạnh, ông ôm tim ôm ngực. Thần trí căng thẳng. Ông tuyệt vọng và bất lực. Chỉ có kẻ ở trong cuộc mới hiểu rõ được hoàn cảnh của người trong cuộc. Có khi Minh ngừng xe lại bên đường, ghé vào một trạm xăng hỏi đường. Trong khi kim đồng hồ như hai lưỡi dao, càng lúc càng như cứa đau tim ông. Trễ rồi, Minh ơi. Ông đau đớn nói khi kim đồng hồ đã qua khỏi 11 giờ 30, giờ ấn định phải có mặt. Ði phỏng vấn kiểu này ai mà mướn. Thôi quay về đi. Anh không đi nữa đâu. Ông nói. Cái đau của ông như bừng vỡ. Hết rồi bao nhiêu mơ tưởng ao ước. Hết rồi những tháng những năm miệt mài đèn sách. Khi cơ hội đến thì không chụp. Rồi 12 giờ trưa, vẫn chưa thấy đâu. Rồi 12 giờ rưỡi. Rồi 12 giờ 45. Chắc họ đang sốt ruột, đang rủa thầm, hay đã bỏ đi ăn trưa rồi. Ông càng nhận ra cái lỗi lầm lớn nhất là mình không được nắm giữ định mệnh của mình. Cũng tại vì ông. Tại vì ông hết.
    Ðến gần 1 giờ, Minh mới tìm ra địa chỉ. Minh đậu xe nói: chúc anh gặp may mắn rồi phóng xe đi.
    Ông thì bước vào ngôi lầu. Lòng nặng trĩu.
    Ông biết ông đã bỏ mất một cơ hội ngàn vàng.
    Ông hỏi người phụ trách an ninh phòng ốc ở nhà khách. Y bảo chờ, y sẽ gọi điện thoại lên người phụ trách. Chừng 5 phút sau, một người đàn bà Mỹ cỡ 25 hay 26 tuổi xuống, giới thiệu là Debbie.
    Nàng không tỏ vẻ gì bất mãn. Trái lại nỗi vui mừng phản ánh trên gương mặt.
    Ông nói dối:
    "Tôi bị kẹt xe. Tôi rất ân hận".
    "Ðừng bận tâm. Kẹt xe là chuyện thường ở tiểu bang này. Chúng tôi rất thông cảm".
    Ông theo nàng lên lầu ba. Hình như mọi người đã chuẩn bị sẵn. Họ bắt tay ông rồi sau đó tất cả cùng kéo về nhà hàng danh tiếng nhất nhì ở địa phương. Họ không nhắc gì đến việc họ phải đợi hơn cả tiếng đồng hồ. Chỉ có ông là bứt rứt không yên. Làm sao biết trong đầu óc của họ nghĩ gì. Khi thời biểu phải thay đổi. 1 PM là giờ bắt đầu phỏng vấn, nhưng lúc này, cả bọn mới bắt đầu đi ăn trưa.
    *
    Bây giờ ông Nguyễn mới thật sự cảm thấy mệt. Ðầu óc ông nóng bỏng. Cổ họng khô đắng. Nhưng ông vẫn ngồi trước mặt người phỏng vấn. Anh ta cỡ ba mươi, còn ông thì bốn mươi hai. Ông đang ngóng đợi câu hỏi đầu tiên của anh ta. Không, anh không hỏi ông. Anh cười, tự giới thiệu, rồi mời ông đi rảo khắp department. Anh cắt nghĩa về dự án công trình, trình bày những thống kê đang nhảy múa trên màn ảnh computer. Ông cứ gật đầu. Bỗng nhiên anh ta quay lại hỏi ông: Ông có mấy cuộc phỏng vấn vừa qua? Ông trả lời hai. Hôm qua một và sáng này thêm một. Anh ta lại hỏi tiếp: Nếu cả ba department đều chọn ông thì ông chọn department nào? Ông ngẩn ngơ. Ðúng là một câu hỏi hắc ám. Ông bối rối, và cuối cùng phải thú thật: Tôi chẳng biết nữa. Anh ta cười lớn. Không biết anh ta đã tìm ở ông một điều gì để anh phải thú vị. Hồi ở năm cuối Ðại học, trường có mở một khóa học về nghệ thuật đi phỏng vấn dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp, và ông cũng học được nhiều điều. Chẳng hạn về cách ăn mặc, đi đứng, về cách hỏi hay trả lời đúng lúc, đúng chỗ, về cách nhìn thẳng vào đôi mắt người phỏng vấn để tỏ ra mình tự tin... Nhưng cái câu hỏi này quả thật ngoài ý muốn. Tự nhiên ông thương lấy ông. Ðến mãi tuổi này, ông vẫn bám theo nỗi buồn cơm áo. Ông nuốt nước bọt. Ông muốn buông xuôi.
    Rõ ràng ông đang chiến đấu và tự chiến đấu trong nỗi cô đơn đầy buồn bã. Bốn mươi hai tuổi. Ðã quá nửa đời người. Ðã chết lên sống xuống bao nhiêu lần trên chiến trường. Ðã ngỡ như nhắm mắt buông tay trong trại khổ sai. Ðã ngỡ như nằm trong lòng biển sâu. Bốn mươi hai. Ông đã sống còn đây, để có thể dừng mà nhìn lại cuộc đời của mình. Nhưng bây giờ, ông lại bắt đầu bằng tất cả, khởi đi từ một số zero. Người ta đang phán xét ông. Khả năng ông đang được đo lường đánh giá. Tiếng Mỹ, tiếng Anh của ông đang bị thử dò. Ngày xưa, ông ngạo mạn cùng tuổi trẻ. Ngày xưa ông bất cần, lột lon về phố. Thì bây giờ, trái lại, ông đang luống cuống đến tội tình. Tội tình như ngồi giữa bốn người của department thứ nhất trong một nhà hàng sang trọng nào đó. Tội tình khi phải tỏ ra lịch sự, cầm nĩa, muổng, dao, khăn lau trải lên hai bắp đùi cùng với những thức ăn xa lạ. Tội tình như buổi sáng nay, ngồi trong cafeteria với mấy chàng tuổi trẻ của department thứ hai. Chúng nói về football, touchdown. Chúng đùa cợt nhau. Thỉnh thoảng chúng liếc nhìn ông. Ly cà phê dù pha nhiều đường nhưng ông lại cảm thấy cay đắng vô tận. Ông đã cố dỗ dành ông, hãy ngửng cao đầu, hãy hãnh diện với cuộc chiến đấu của mình. Nhưng càng lúc ông càng cảm thấy khốn khổ. Hai bàn chân ông muốn cựa quậy. Miệng ông muốn nói cười. Nhưng ông lại im lìm như khúc gỗ. Hai vai ông như bị đè nặng bởi một khối đá tảng.
    Buổi chiều ông kêu tắc xi trở lại khách sạn. Thị trấn đã lên đèn. Những ngọn đèn pha từ khu buôn bán mờ nhạt dưới màn mưa giăng nhỏ. Ông ngồi trong xe, mệt lả. Ông già tài xế hỏi ông mày mới đến đây lần đầu. Ông trả lời phải. Ông già lại hỏi chắc mày có bà con ở đây. Ông nói không, ông đi phỏng vấn ở hãng AT&T. Ông già buột miệng: Vào được hãng đó là nhất. Rồi ông già bắt qua chuyện khác. Mày đến từ đâu? Ông trả lời Việt Nam, Nam Việt Nam. Ông già lặp lại: Việt Nam. Tao không muốn nghe cái tiếng đó nữa. Sau đó ông già im lặng, tiếp tục đốt thuốc. Hai ngọn đèn chọc thủng con đường đêm và đôi vai của ông già như chịu đựng một gánh nặng vô hình nào đó. Ông Nguyễn buột miệng hỏi rất bình tĩnh: Vì sao? Bây giờ ông già nhún vai: Vì Việt Nam của mày mà bao nhiêu thanh niên nước tao đã bị chết hay mất tích, trong đó có cả thằng con của tao, mày biết không? Nó nếu còn sống thì cũng như mày, có việc làm thơm như mày. Và có thể tao sẽ không còn làm cái nghề chó đẻ như thế này.
    Ông già tài xế hằn học nói. Ông Nguyễn im lặng. Không dễ gì trong một cuốc xe ông có thể kể hết cho ông về Việt Nam của ông, về bao nhiêu người đã hy sinh mà bây giờ chết vẫn chưa được yên ổn, về bao nhiêu người đang làm thân trâu ngựa ở trong các trại tù khắp xứ.
    *
    Ðêm đầu tiên ở khách sạn đã làm ông không ngủ được. Căn phòng quá rộng và bốn vách tường vôi trắng càng làm ông trăn trở. Ánh đèn dìu dịu, máy điều hoà không khí chạy đều đều, và chiếc giường đôi với tấm drap trắng mượt, hình như chỉ ấm cúng cho một cặp nam nữ qua đêm. Còn ông chỉ là một người Thượng mất buôn, mất bản. Ông bỗng nhớ đến một người con gái nào, xa xôi lắm, nhưng cũng yêu dấu lắm. Ông nhớ, bởi vì ông biết ở đấy còn có một người đến với ông, và tình nghĩa với ông. Bởi vì từ mặt trận trở về, ông vẫn còn được nếm những giọt lệ lo âu và hạnh phúc. Bởi vì những sợi tóc vướng trên giường để ông còn biết mình là đàn ông. Bây giờ ông là đàn ông, nhưng là đàn ông tị nạn, đứng trước phái đoàn đưa tay lên thề không tham gia vào đảng cộng sản, không buôn bán ma túy, không gây tội ác. Bây giờ ông là đàn ông cô liêu hiu hắt giữa chốn quê người, để hết người này đến người khác thẩm định trình độ, lời ăn tiếng nói. Bây giờ ông là đàn ông phải cúi đầu nghe ông già tài xế bản xứ nói về đất nước Việt Nam của mình.
    Ông mở đài HBO để giết thì giờ. Lại một cuốn phim về Việt Nam với địch quân nói tiếng Thái Lan và những chàng GI cao bồi làm Rambo tung hoành mật khu địch. Ông chịu không nổi, mặc chiếc áo lạnh, bước ra cõi đêm. Cơn mưa đã dứt, và sương mù giăng ngập cả thị trấn. Ông có thể nhận ra những hàng điện quang nhảy múa ở cái quán bên kia đường. Ông thèm được gọi những chai bia để trút hết, quên hết những nỗi buồn. Ông thèm thấy cô gái lẳng lơ có đôi mắt đen, đôi mắt than chì sau quày rượu mỗi lần ông từ mặt trận trở về. Ông đâu còn có cái quán rượu ấy nữa.
    Cuối cùng ông tìm đến quán cà phê mở 24 trên 24. Ông lại gặp ông già tài xế tắc xi. Dáng ông bất động như một pho tượng trong làn khói thuốc. Hay ông già đang nhớ đến thằng con đã chết trận ở Việt Nam.
  3. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    *
    Tuần lễ sau, ông nhận lá thư do bà Kathy ký, cho biết ông đã được department đầu tiên đồng ý thâu nhận.
    Chỉ có ân điển mới tạo lên phép lạ như vậy.
    Ông nhắm mắt, run sợ.
    Ông vẫn có thói quen như thế, kể từ sau lần vượt biển.
    Tại sao lại sau lần vượt biển?
    Bởi vì ông đã được cứu khỏi cuộc tự sát tập thể.
    Cuộc tự sát tự nguyện.
    Dịu dàng và buồn bã.
    Bất lực như ánh lửa thoi thóp sắp tắt dần
    kêu cứu lương tâm nhân loại
    Bởi vì biển không thấy chân trời
    bốn bề đen thẫm
    Chỉ có chớp sấm ì ầm
    chỉ có lù lù những ngọn sóng phủ đầu
    hất thuyền lên
    dập thuyền xuống
    tra khảo con vật tội tình
    Hết rồi nỗi kiêu ngạo
    Hết rồi con người là cây lau cây sậy
    nhưng là cây lau cây sậy biết suy nghĩ
    Thiên đàng ở đâu
    địa ngục nơi nào
    Chúng tôi là con cháu của Noé tiếp tục cuộc ra đi
    vượt biển chết
    *
    Ngày từ giã xóm slum, vợ ông thắp nhang khấn vái đất đai thổ thần để cảm tạ. Ðất đai ở đâu cũng là đất đai, cũng dính kết vào trời, và lẩn quất những đôi mắt của những đấng quyền năng siêu hình, vợ ông tin tưởng mãnh liệt như vậy. Nàng viện dẫn trường hợp ông, một tay sinh viên già duy nhất được hãng AT&T chọn trong hàng chục ứng viên tại trường. Anh phải tin anh à. Vâng, ông tin lắm. Bởi vậy, ông lạy, con ông cũng lạy. Ông biết ông khó có thể qua được vòng bán kết bởi vì yếu tố tuổi tác và ngôn ngữ. Và nhất là việc bắt cả nhóm phải chờ ông cả tiếng đồng hồ. Như vậy, tại sao ông vẫn có cơ hội mà bất cứ một sinh viên tốt nghiệp nào đều mơ ước. Rõ ràng, Ðấng Quyền Năng không bao giờ bỏ rơi những kẻ có lòng với Ngài. Ngài đóng cánh cửa này, Ngài chắn chiếc cửa sổ độc nhất bằng tấm ván ép dày đầy đinh chông, để mở cánh cửa khác tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn.
    Ngày cuối cùng, ông nhìn xuống lầu như muốn giữ tất cả hình ảnh của Logan một lần cuối cùng. Tấm ván đã được tháo ra. Ánh sáng đã theo vào phòng tắm lấy căn phòng thuê từ lâu mờ trong bóng tối. A, ông nhớ ra rồi. Cái bóng ông ở đằng sau khung cửa sổ trên lầu hai này. Cái bóng hôm qua trong căn phòng ít ánh sáng. Chiếc giường bố đặt bên cạnh vách tường. Chiếc bàn dùng làm bàn viết, học, khách. Cái sàn ván thông đánh màu verni vàng bóng. Và khung cửa sau nhà bếp nhỏ hẹp, để ông có thể nhìn qua nhà láng giềng, gọi nhau ơi ới bằng tiếng nước mình. Và lũ gián trong đêm. Và cả đám chuột lộng hành. Và những ngày tắt heat, hay những buổi heat mở tối đa khiến cửa sổ phải mở toang. Từ cõi nhỏ hẹp bần hàn đó, mấy năm, với giá tiền thuê rẻ mạt chưa hề tăng, gia đình ông đã sống, để nếm thế nào là giọt lệ đầu tiên của người tị nạn. Bạn bè ít ai dám bén mảng thăm viếng. Họ nghe Logan như nghe một điều gì đó hãi hùng. Khu đen. Khu drug. Xe bị đập cửa kính. Bánh bị đâm thủng ruột. Một người đàn bà tị nạn sắp bị hiếp. Vợ ông bị đập, xô mấy lần trong những buổi sáng sớm đón xe đến hãng. Ông bị đám thiếu niên rượt ngay sau khi vừa ló đầu lên miệng hầm subway. Tiệm tạp hoá Ðại Hàn dưới lầu ông thuê thỉnh thoảng nửa đêm bị phá cửa. Cảnh sát cảnh cáo ông đừng bận tâm lý do chủ tiệm đã có bảo hiểm lo lắng dùm. Ðó, Logan, hay Lò gan là như thế. Như thế, tại sao ông lại bâng khuâng như một kẻ đã gởi vào đầy nhiều kỷ niệm. Như thế, tại sao ông cứ nghĩ là chính nơi này là một phần trong đời sống của ông. Ðâu có gì để phải nhắc lại khi nhục nhằn, hoạn nạn, và những đám mây u ám một thời? Ðâu có gì để nói về một slum. Ðâu có gì để phải kể lại cái bóng ông một trưa nào trong ngôi nhà thờ Mỹ trong khu, khi ông phải nương cậy vào Ơn Trên để ban cho ông có đủ nghị lực. Lần đầu tiên ông đã đến nhà thờ, dù ông chưa bao giờ thuộc ngay cả một lời kinh căn bản nhất. Ông đã nhắm mắt. Cầu gì. Con ông thơ ngây nói về tên giáo viên người Ðại Hàn ******** bệnh hoạn phụ trách lớp ESL. Làm sao cho con ông được học một ngôi trường tốt hơn. Không ai hướng dẫn. Không ai chỉ bày. Không ai biết tiếng Anh, tiếng Mỹ lưu loát. Những người như thế đã không bao giờ ở nơi này. Cầu gì. Cho ông được một chút thông minh, để tiếp tục làm học trò già. Chiến tranh, tù tội, vượt biển, bao nhiêu ám ảnh, thảm kịch chất chồng đã cướp đi hết mớ kiến thức học vấn xa xưa rồi. Cho đôi mắt mờ yếu của ông được thấy rõ những giòng chữ thầy viết. Cho những lời giảng ông còn theo kịp, dù một đôi phần. Cầu ai bây giờ. Lấy ai an ủi, khuyến khích ? Hay chỉ là những cơn mơ mà vợ ông đã thêu dệt. Mơ ngày. Mơ đêm. Mơ một ngày gia đình có một chiếc xe, để nàng được đi đây đi đó, thăm bạn bè, hay chiêm ngưỡng phong cảnh. Mơ ngày ông ra trường, có một việc làm tốt. Và cả những giấc mơ thật đẹp của ngày xưa. Má, em, láng giềng, quê ngoại, những gương mặt thân yêu, những kỷ niệm thời con gái... Vâng, những cơn mơ tội nghiệp. Và gia đình ông đã nương nhờ bằng những cơn mơ như thế. Chỉ tội nghiệp cho con ông. Nó vẫn lớn lên, không tra vấn, than thở. Nó đi học một mình, trở về nhà một mình, không bạn bè lân láng. Ông phải kê cả ba hòn gạch, để nó có thể đứng ở trên đấy, mở khoá cánh cửa lầu thuê. Nó chiến đấu cũng như ba nó chiến đấu. Sáng ngày Giáng Sinh, nó mừng rỡ khoe cùng cha mẹ, là ông Già Noel tài quá ba mẹ ơi, ổng biết cả chiếc xe tự động mà con thích... Niềm vui của nó là ngồi trước chiếc truyền hình đen trắng để nhìn những Tom hay Jerry... Nó chưa hề nghe được tiếng dế mèn vào mùa hè hay được thấy cánh diều trên đồng cỏ như tuổi thơ của ông. Nó hẩm hiu cùng căn phòng, mà những cửa sổ trước và sau, ông đã đóng cả đinh 15 phân như những hàng chông. Không bạn nhỏ, không nội ngoại, không cả bầu trời xanh và cao để nhìn con diều xanh đỏ, để mong gió mỗi lúc mỗi nổi lên. Không đám mây bàng bạc trong bài văn của Thanh Tịnh vào tuổi học trò xa xưa. Nó có mặt ở đấy, côi cút. Ðôi khi nó ngủ quên, quên cả nghe điện thoại thăm chừng của ông làm ông phải cuống cuồng bỏ học trở lại nhà mà ***g ngực như vỡ bùng trong xe bus. Trời ơi, ông đã lén lút bỏ nó một mình bất hợp pháp. Học. Học có ích gì chứ. Ba cái chữ nghĩa, ông trạng, ông nghè có ích gì chứ. Rồi sau đó, ai lại đi mướn một tên học trò già? Ông làm sao chen đua cùng tuổi trẻ. Ông đã tự hỏi và yếu mềm để nghĩ đến một lần bỏ cuộc. Ông tự biết chữ Anh chữ Mỹ của ông. Ông cũng tự hiểu về bộ não của ông. Cái bán cầu đã bị đen đặc bởi bao nhiêu thảm kịch chập chùng. Không còn lấy một khoảnh nhỏ để in vào đấy chút kiến thức. Thêm đôi mắt yếu kém. Thêm cả cái cô đơn của một con ngựa mất hết đàn. Ông nói với vợ ông. Ông không còn muốn chiến đấu nữa. Nhưng nàng vẫn tiếp tục khuyến khích ông. Nàng vẫn tiếp tục mơ trong bóng tối của căn lầu thuê, thỉnh thoảng cửa bị phá tung và những dấu giày to tướng in đậm trên tấm drap trắng. Nàng tiếp tục bơm vào những điều tốt đẹp dù ông càng lúc càng mệt lả bởi những kỳ thi, và cái việc làm lau chùi nhà cửa buổi tối. Trong khi đó, con ông mỗi ngày đến ngôi trường mà vách thành vẽ sơn chằng chịt, để học với tay thầy Ðại Hàn ******** bệnh hoạn... Và cứ thế, hết năm này qua năm khác, hết nỗi chán nản này tiếp đến nỗi chán nản khác, cay đắng này đến nỗi cay đắng khác. Phải cay đắng lắm chứ. Cay đắng như những lần vào nhà vệ sinh phụ nữ, đặt cái xe đẩy chắn ở cửa ra vào và lục lạo từng chiếc băng vệ sinh. Cay đắng lắm chứ. Cay đắng như nỗi cô độc trùng trùng khi đứng đợi xe bus trong những đêm tuyết bão. Hay những cái nhìn đầy ngạo mạn, khinh bỉ từ những kẻ đồng hương. Dù vậy, bên cái thân phận hẩm hiu của kiếp đời tị nạn, vẫn còn có những tấm tình của những người trong cuộc. Họ cùng một xóm. Họ đã coi ông như người họ nể trọng. Họ mang những giấy tờ nhờ ông dịch nghĩa dùm. Ðôi khi họ mang cả report card để khoe cùng ông là con họ học giỏi. Em mới thưởng cho con em chiếc radio cassette. Tháng này, thầy phê toàn chữ đỏ không à. Em mừng quá. Ông nhớ cô Vân hàng xóm đã có lần nói với ông như thế. Nhưng khi nhìn vào tấm report, ông thấy điểm F. Tim ông như quặn thắt. Ông có nên nói với người mẹ tội nghiệp này về ý nghĩa của chữ F kia không.
    Ðấy, xóm slum của ông là thế.
    Và những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đã phải sống trong điều kiện như vậy.
    Ðể rồi, sau một thời gian, hết gia đình này sang gia đình khác dời đi như những người Mỹ đen đã rời, hay như đám Do Thái đã rời trước đó.
    Riêng gia đình ông phải mất đến bốn năm.
    Ngày cuối cùng với xóm slum, từ lầu hai của một chung cư , ông nhìn con đường Old York dưới màn tuyết trắng. Trên hàng dây điện, những con chim bồ câu đậu dài. Trời xám đục. Chiếc trolley chạy qua, bánh nghiến trên đường sắt. Như vậy, bốn năm cũng trôi qua. Ở đâu cũng có trời. Trong chiến tranh, trong tù tội, trên biển cả, và trong khu slum của vùng Logan này. Các ngài không bao giờ bỏ mình đâu. Lời an ủi của vợ ông, dù đúng hay không đúng, nhưng có một điều là cái slum này vẫn là nơi dung dưỡng ông và gia đình trong những năm tháng đầu tiên.
    [1]UNIX: một hệ thống vận hành (AT&T)
    [2]mainframe: dàn máy IBM có hệ thống vận hành cao (VM, VMS...)
    [3]programmer: thảo chương viên
    [4]database administrator: người quản trị kho dữ kiện
    [5]system analyst: phân tích viên hệ thống
    [6]software: nhu liệu
    Nguồn: Thư Ấn Quán xuất bản, 2003. Địa chỉ liên lạc: PO Box 58 South Bound Brook NJ 08880 USA, tranhoaithu@verizon.net
  4. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Ngày đầu với AT&T
    Thế là ông Nguyễn trở thành một phần tử trong một thành phần mà xã hội phong là "cổ trắng" (white collar).
    Ngày đầu tiên, ông được hướng dẫn đến các phòng ban để bắt tay những người đồng nghiệp.
    Họ là dân IT (Information Technology), tiếng tắt chỉ những kẻ làm việc trong ngành điện toán hay Tin học.
    Nhóm trưởng của ông là cô nàng Debbie. Và trưởng phòng là bà Denise. Những người trong nhóm là Tim, Pat, Peter, Alexandria, Mike, Minh Yang, Carol Ha. Mentor của ông tức người đặc trách hướng dẫn là Carol. Nhiệm vụ của người mentor là giúp đỡ người mới làm quen với môi trường mới, giải quyết hay giải đáp thắc mắc về những quyền lợi như học vấn, nghỉ phép, giảm giá điện thoại dành cho nhân viên...
    Ðây là AT&T, nơi tập trung những bộ óc của thế kỷ về ngành viễn thông, vệ tinh và cũng là nơi UNIX [1] được khai sinh trong một phòng lab bề bộn dụng cụ tại Murray Hill mà cha đẻ là Dennis Ritchie. Người ta nói theo truyền thống của AT&T, một khi làm việc với nó là làm suốt đời, có khi cha truyền con nối.
    Ngày đầu với AT&T. Tháng giêng tuyết giá vần vũ. Dưới lầu, bên kia bờ rào là xa lộ 287. Xe cộ dập dìu. Bầu trời xám đục không cụm mây. Những hàng dẻ sồi trơ cành trụi lá. Ai biết nỗi lo của ông không. Từ khi bước vào đời, ông chưa một lần cảm thấy lo cơm lo áo lo những hệ lụy của cuộc sống như vậy. Ði lính thì quá dễ. Có bằng Bán phần trở lên thì đi sĩ quan. Muốn từ chối ân huệ yêu nước, guồng máy cũng không cho phép. Rồi đi dạy cũng vậy. Ra trường khỏi nạp đơn, khỏi cần phỏng vấn. Rồi ở tù thì có kẻ khác lo hết cho mình. Bây giờ, một Tan Nguyen tên thật là Nguyễn văn Tân, đang bắt đầu giáp mặt với đời, lo cơm lo áo. Không thể làm một ẩn sĩ ở xứ sở này.
    Ngày đầu ông được giao một lô sách để đọc. Những tập tài liệu dày cộm bìa đỏ của IBM gọi là Red Book. Không hiểu phải ráng hiểu. Không ai có thể giúp mày. Tân ạ. Ðọc giữa tiếng máy chạy rầm rầm, giữa muôn ngàn chớp xanh chớp đỏ trên giàn máy điện toán, từ mainframe [2] xuống Unix. Ðọc và thực hành. Thấy phòng Lab người mà thương cho đất nước mình. Nơi này là trung tâm của một hệ thống gọi tên là PICS, Product Inventory Consolidated Systems [3] . Hệ thống điện toán này giúp những phần hành trách nhiệm của công ty biết về số lượng hàng hóa tồn kho, xuất kho, số lượng khách hàng đặt, kho nào còn, kho nào hết, kho nào dư kho nào thiếu để công ty có thể điều động số lượng cung ứng kịp thời.
    Mỗi đêm, các báo cáo từ khắp các tiểu bang sẽ được chuyển về trung tâm gồm giàn máy IBM OS 370, để máy thu thập tất cả những dữ kiện, sau đó, đúc kết thành những báo cáo hoặc cập nhật hoá số lượng tồn trữ hay xuất nhập của trên một trăm kho hàng khắp nước Mỹ.
    Những ngày đầu với AT&T. Ngày xưa, trung đội trưởng mới ra trường còn có trung đội phó thay mặt lo dùm. Bây giờ, ông là lính mới tò te, mà vũ khí chỉ là mớ kiến thức của bốn năm đại học. Ra trận, ông có bạn bè đồng đội, nhưng ở đây, ông chiến đấu cô đơn.
    Không ai có thể giúp ông được. Ông cũng không có thể nhờ ai giúp được. Gọi là team, có nghĩa là đội, trong đó, người ta ràng buộc với nhau, nương tựa lẫn nhau, vui buồn đều chia xẻ với nhau, tuy nhiên, thực tế thì khác. Ai cũng lo phần nấy. Và nếu có câu hỏi, thì chỉ là câu hỏi tổng quát. Chứ không ai có thì giờ để làm dùm hay ngồi đọc từng giòng để sửa chữa dùm.
    Khi nhận dự án từ nhóm trưởng, trước hết, ông được Debbie nói sơ qua về mục đích, yêu cầu, để ông có một khái niệm về công việc phải làm. Sau đó cô nàng trả lại cho ông vai chánh với thời hạn bao lâu phải hoàn thành. Ðó là lệnh hành quân không hơn không kém.
    Ông phải chiếm mục tiêu. Ông phải thanh toán chiến trường. Ông phải chiến thắng. Nếu không, ông là tên bại trận. Và dĩ nhiên, sẽ bị đào thải.
    Như vậy, ông cần phải cám ơn ngôi trường cũ.
    Phải cám ơn ông giáo sư về Information System mà sinh viên quen gọi là hung thần hay sát thủ đại hiệp. Không ai học ngành điện toán có thể chạy thoát được cái búa của ông ta. Bởi ông ta là giáo sư chánh của phân khoa điện toán. Ông gieo ác mộng cho đám sinh viên năm cuối.
    Ông chú trọng vào thực tế hơn là lý thuyết. Ông đặt ra những điều kiện khắc nghiệt cho dự án cuối năm.
    Ít khi thấy ông cười. Ở ông, toát ra vẻ kiêu hãnh. Ông Nguyễn nghe nói ngoài chức vụ giáo sư, ông còn là một consultant [4] cho một công ty lớn. Với ông, thật khó có thể lấy điểm cao. Ðược B là mừng hết lớn.
    Ông làm sinh viên bất mãn đến nỗi có tay đã vẽ hình một người đang tròng sợi dây thòng lọng vào cổ sinh viên với nụ cười thỏa chí trước văn phòng của ông ta.
    Bây giờ, ông Nguyễn mới cảm thấy cám ơn ông giáo sư này.
    Nhờ ông, mà dự án đầu tiên ông đã làm cho bà trưởng phòng ngạc nhiên không ít. Bà ta đã phê trên tấm giấy nhỏ kèm trên tập dự thảo:
    Tan: Công trình rất xuất sắc. Cám ơn Tan. Hãy tiếp tục làm tốt như vậy.
    Debbie: Chuẩn bị một buổi thuyết trình cho Tan.
    Lời phê của bà trưởng phòng, tức department chief, coi 4 nhóm dưới quyền, đã làm ông Nguyễn tá hỏa tam tinh. Dự án đầu chưa hết lo, thần trí chưa hết căng thẳng, giờ lại thêm một nỗi lo khác nữa. Lần này chắc chắn phải to lớn gấp trăm lần hơn. Tiếng Việt khi nói trước đám đông, ông còn nói lập bập, ấp úng không thành lời thành tiếng huống hồ tiếng Anh tiếng Mỹ.
    Như vậy, lại thêm một lần xông pha. Ông chưa kịp vui mừng để nói với vợ ông về niềm vui, giờ thì đầu óc cứ quẩn quanh ám ảnh hoài buổi thuyết trình sắp đến. Không phải người tham dự là những đồng nghiệp của ông, hay ít ra, cùng một ngôi lầu, trái lại, theo Debbie cho biết, còn có một số đại diện đến từ các nơi khác.
    Cứ thế, hết khó khăn này qua khó khăn khác tiếp tục chặn ngang cuộc hành trình cơm áo. Ông chẳng khác người lữ hành cô đơn, chiến đấu trong thầm lặng. Những đêm mệt lả trở về nhà, miệng đắng khô nhai miếng cơm vợ để dành mà buồn muốn khóc. Những giờ trước máy moi hết kiến thức, sử dụng hết phần não bộ để cố hoàn thành công việc. Không phải 8 tiếng đồng hồ là xong nhiệm vụ mà còn theo người về nhà bám mãi không rời trong trí não. Không phải rời hãng là phủi tay. Trái lại, không muốn nhớ cũng phải nhớ. Tại sao thử mãi mà lời giải vẫn sai. Phải dùng lệnh (command) nào để giải quyết. Hình như mình quên dấu chấm. Hình như mình thiếu ELSE sau IF. Nhưng để bù lại là niềm vui khi không nghe ai than phiền, hay gặp rắc rối. Cũng có đôi khi, vào nửa đêm có chuông điện thoại reng, báo cáo chương trình (program) bị thất bại, cần phải sửa gấp. Ông càng học nhiều điều mà nhà trường không bao giờ dạy, trong đó có lẽ có một điều tối kỵ là đừng bao giờ tách rời khỏi đám đông, trái lại phải hòa theo đám đông, đừng làm gì hơn, hoặc kém.
    Thật vậy, trước đây, ông cứ nghĩ là, để chứng tỏ mình có khả năng, ông làm nhanh, ông đánh nhanh, ông tiến chiếm mục tiêu nhanh.
    Một dự án kỳ hạn hoàn tất một tuần, thì chỉ ba ngày ông đã làm xong.
    Debbie trố mắt.
    Carol trố mắt.
    Mọi người trố mắt.
    Có kẻ lắc đầu.
    Vì phép lịch sự họ không dám nói thẳng.
    Ðể ông học được bài học đầu tiên.
    Bài học về team.
    Không những ở AT&T mà Lucent và GLOBAL IT, những công ty mà ông được may mắn làm việc.
    Người ta không thích đánh mạnh đánh mau.
    Người ta muốn từ từ thong thả.
    Mi mà nhanh thì ảnh hưởng cho những đồng nghiệp khác.
    Mi mà nhanh thì cả dự án chung bị hỗn loạn, sẽ không đúng theo dự trù.
    Bởi chúng ta cùng chung một team.
    Chúng ta cùng nương tựa lẫn nhau.
    Chúng ta chẳng khác chiếc xe
    mọi bộ phận phải ăn khớp.
    Trời ơi, ông đã phạm một lỗi mà ông không biết.
    Ông mới hiểu trong thế giới cổ trắng này có những điều rất phức tạp.
    Không phải giản dị như ông tưởng.
    Cuối đường
    Ðầu năm, thêm một nhân viên mới nữa được tuyển. Như vậy, tình trạng tài chánh của hãng chắc phải khả quan lắm và mọi người hy vọng trong tương lai sẽ không còn bị ám ảnh bởi cái búa layoff hay giảm-người như họ đã từng nghe từ những tin đồn đại. Cô nàng Karen dẫn người nhân viên mới đến từng phòng để giới thiệu. Vẫn là những câu nói xã giao lịch sự như thể thân tình từ lâu lắm: Ðây là Lisa, người bạn mới của chúng ta, đây là Tim, Ed, Mike, Elizabeth, Tan Nguyen... Hân hạnh, người nhân viên mới đưa tay bắt mỗi người. Mấy ma cũ cũng đáp lễ. Rất mừng được làm chung với bà. Vui mừng được có thêm một người bạn là bà. Ðến phiên Tân cũng vậy. Vẫn cái điệp khúc quen thuộc ngọt như đường phèn mà ông đã dùng mấy năm nay để chào mừng một người mới đến, để rồi sau đó mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy to nhỏ với nhau. Người nhân viên mới - Lisa - bắt chặt bàn tay Tân nói: Thank you so so much. Tân có thể nhận ra những vết son khô trên hai bờ môi của bà ta. Karen lại giới thiệu tiếp: Ðây là ông Tân, người sẽ hướng dẫn bà đấy. Có gì bà cứ cầu cứu ông. Lần này, bà Lisa càng tỏ ra lịch sự hơn bao giờ. Bà lại đưa tay bắt tay ông thêm một lần nữa: Thank you so so so much...
    Bà Lisa vào khoảng trên dưới 40, Tân đoán vậy. Dáng thấp, hơi mập. Gương mặt nhỏ, cằm nhọn choắt, với đôi mắt tô than quá đậm như hai con đỉa trâu nằm vắt ngang, cùng cặp môi mỏng. Nói tóm lại là sắc đẹp của bà ở dưới mức trung bình. Không ai có thể ngờ nỗi là ở con người ấy, là cả những bồ chữ nghĩa khoa bảng. Bà có một bằng Ph.D về giáo dục, làm nghề dạy học, bị layoff, và nhanh chân đổi nghề bằng cách trở lại trường lấy Cao học về Ðiện toán.
    Bà là một người Mỹ gốc Ý. Không chồng con. Hiện sống với bà mẹ già ở một khu ngoại ô bên Nữu ước. Mỗi ngày bà lái xe qua hầm Lincoln giữa hàng hàng chiếc xe nối đuôi dường như bất tận, đến hãng ít nhất phải một tiếng rưỡi đồng hồ.
    Ngày đầu tiên, bà được giao cho một việc làm rất dễ. Nhưng bà đã hé lộ sự thật về kiến thức của bà. Bà mang những tờ giấy đi hỏi từng người. Tại sao? Tại sao? Một lần, họ sẵn sàng chỉ dẫn tận tình. Hai lần hơi lơ là. Ba lần, chấm dứt. Bà tuyệt vọng trước cái công việc chưa tìm ra lời giải mà thời hạn đã cận kề. Mỗi đêm bà ở lại hãng tới một hai giờ sáng. Và bà chỉ còn một cách là bám víu vào Tân. Nhưng ông thì cũng không làm gì hơn. Ông không thể viết lại, thay lại hay sửa chữa toàn bộ những gì bà đã làm. Ông càng hiểu về con người thật của bà và lý do tại sao người ta lại mướn bà. Bởi vì bà nói quá hay. Bất cứ vấn đề gì bà cũng nói được, và nói có lý. Nhưng bây giờ, mọi người mới hiểu là bà chỉ biết nói mà không biết làm. Mà chủ chỉ cần người làm, không phải cần người nói. Họ bắt đầu xầm xì sau lưng bà. Trong các buổi họp, mỗi lần bà đứng dậy phát biểu, họ nhìn nhau nhún vai, lắc đầu. Dường như bà không bao giờ biết được những gì xảy ra xung quanh, bà cứ vẫn tiếp tục hỏi và nói. Bà muốn đóng góp cho tổ chức hay bà muốn chứng tỏ là kẻ học rộng bằng cấp cao. Bà viện dẫn sách vở kinh điển. Bà trích dẫn từ chương. Bà nói quên cả giờ nghỉ giải lao, bắt mọi người mệt lả theo bà. Rõ ràng bà là một tai ương không hơn không kém. Cuối cùng, cả nhóm dồn bà vào chân tường. Con Carol bắt đầu giao việc làm khó hơn nhưng thời hạn hoàn tất lại ngắn hơn. Nó gặp riêng ông cảnh cáo đừng giúp đỡ gì bà Lisa nữa. Khi nói, hàm răng nó nghiến lại, đôi mắt như long lên. Tân gật đầu hứa. Ông biết ông không thể tách rời khỏi tổ chức. Ông vừa thương vừa giận bà Lisa. Bà đã không theo bánh xe của guồng máy. Bà đi ngược lại. Và dĩ nhiên trước sau bà cũng phải bị đào thải. Rõ ràng con mồi đang bị vây bủa bởi những tay thợ săn tinh quái, nham hiểm. Cứ mỗi lần thấy bà, lòng ông lại đâm thương hại khôn tả. Ông nhớ lại những ngày tháng đầu tiên của ông tại hãng, ông cũng phải bơ vơ như thế. Ngôn ngữ, tuổi tác, màu da đã bắt ông đứng hẳn bên lề. Ông thấy như in cái nhíu mày của con Sylvia, nhóm trưởng, mỗi lần ông hỏi nó một câu hỏi. Ông cũng nhớ lại những đêm thức trắng để cố gắng hoàn thành công việc cho đúng với thời hạn giao nạp. Ông đã từng ngồi lặng trong phòng lab, để tủi thân cho một con ngựa lạc đàn. Phải, nếu nói về nỗi bơ vơ, thì ông phải bơ vơ gấp ngàn lần nỗi bơ vơ của bà Lisa này nữa. "Phải chiến đấu, bà Lisa". Ông muốn khuyến khích bà, muốn nói với bà về kinh nghiệm của ông. Nhưng ông không thể. Con ngựa đau một tàu nhịn cỏ. Ở đây, không có ai nhịn để nhìn nỗi đau của một người. Mà trái lại, là nỗi sung sướng hả hê..
    *
  5. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Bây giờ phòng Lab chỉ còn Tân. Người quét dọn phòng ốc đã đẩy chiếc xe rời phòng. Tiếng máy điều hòa rì rầm không ngưng nghỉ. Những giàn máy chớp đèn xanh đỏ. Những rừng dây cable chằng chịt trên vách tường. Chúng là huyết mạch của kỹ thuật gọi là distributed systems. Bởi chúng sẽ nối những modem cao tốc đến mười phương địa cầu để nhận và truyền bao nhiêu dữ kiện vô tri vô giác. Còn nữa. Còn những máy in, những máy điện toán cá nhân (PC), những máy UNIX đêm cũng như ngày không bao giờ tắt, ghi lại những đường đi nước bước của mọi sản phẩm của công ty trên khắp quả địa cầu. Thì Tân nghe tiếng động. Ông biết là bà Lisa. Ông rủa thầm: Lại con mẹ này nữa, rồi tiếp tục nhìn vào màn ảnh. Bà Lisa nói:
    ?oChào Tan. Tan chưa về sao?"
    Tân nghe giọng nhỏ nhẹ, thật tội nghiệp.
    ?oCon chó này quá cứng đầu, Lisa à.?
    ?oNhưng ông là chủ của nó rồi mà.?
    ?oNó không bao giờ chịu nghe tôi.?
    ?oThì trừng trị nó đi Tân.?
    Bà Lisa tinh nghịch nói. Ông cảm thấy mình hơi tàn nhẫn. Cái tàn nhẫn đối với kẻ bị thua cuộc. Dù muốn dù không, ông cũng là kẻ ăn nhờ ở đậu. Ông đến đây là do lòng thương hại của người bản xứ, trong đó, người đàn bà này là một phần tử.
    ?oLisa còn đến trường không??
    ?oVâng, Tôi vẫn còn đến trường. Tôi cũng học cái môn mà Tân đề nghị. Có diều ông thầy dạy chỉ biết lý thuyết suông...?
    ?oNhư vậy Lisa có thâu gặt được gì không??
    ?oCũng hơi hơi.?
    Bây giờ bà Lisa nhìn Tân, đôi mắt bà van lơn:
    ?oTôi có một điều muốn nói với Tân. Tân có muốn nghe tôi nói không??
    ?oVâng, Lisa cứ nói đi. Tôi đang nghe đây.?
    ?oTôi muốn nhờ Tân giúp tôi. Tôi sẽ trả tiền.?
    Tân đâm giận dữ.
    ?oLisa nghĩ sao mà nói như vậy. Dù sao tôi với Lisa là những người cùng nhóm...?
    ?oTôi xin lỗi Tân. Bởi tôi không có ai để giúp đỡ tôi trong lúc này.?
    ?oGiúp đỡ? Tôi giúp đỡ Lisa thì ai giúp đỡ tôi??
    Lisa không biết trở ngại tôi đã gặp còn to lớn gấp trăm ngàn lần bà gặp hôm nay nữa.
    Bà Lisa nhìn Tân với đôi mắt mờ lệ:
    ?oXin Tân đừng hiểu lầm tôi. Người Mỹ thường sống sòng phẳng.?
    Tân hơi chùng lòng. Sự thật là vậy. Ðông phương và Tây phương vẫn không bao giờ gặp nhau. Người Tây phương họ sống bằng lý trí nhiều hơn tình cảm. Bởi vậy hôm nay, người nghị sĩ Mỹ một thời là tù binh, đã là người tiền phong cổ xúy cho việc bang giao. Với ông ta, bây giờ là vai trò của đất nước ông, lá cờ của xứ sở ông, sức mạnh về kinh tế của Mỹ trong tương lai. Ðến đây, đôi vai của bà Lisa bật run.
    ?oTân hẳn biết cái dự án tôi vẫn chưa làm xong. Chắc tôi sẽ bị đuổi. Tôi muốn giữ cái việc làm này, nhưng không một ai cho tôi một cơ hội. Tôi bị bỏ rơi. Dù sao tôi vẫn là đàn bà...?
    Lời thổ lộ của bà là lời thổ lộ của kẻ bị thua cuộc. Từ chương kinh điển đôi khi không thể giúp đỡ gì thực tế. Bà Lisa đã thấy được sự thật. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Bà đang chới với bấu viú như một người đang cố tìm chiếc phao. Chiếc phao ấy là ông thầy dạy về ngôn ngữ điện toán Cobol ở một trường đại học cộng đồng. Nhưng ông thầy đã không thể giúp gì hơn. Và cuối cùng, chiếc phao là ông. Lúc này ông chỉ cần một cái nắm tay, một lời ngọt ngào, là ông có thể trở thành một gã đàn ông của bà ta. Nhưng ông đã chống cùng cơn cám dỗ. Lý trí cho ông biết về cái việc làm, mái nhà, chiếc xe, cho cả gia đình. Bởi vậy ông đã đứng dậy, giả vờ quên một cái gì đó, để tránh đôi mắt màu xanh mời mọc:
    ?oXin lỗi Lisa tôi cần phải trở về phòng. Có một vài thứ tôi cần tìm.?
    *
    Hai ngày hôm sau, Tân không còn thấy bà Lisa như thường lệ nữa. Khi qua phòng làm việc của bà, bảng tên vẫn còn gắn trên vách, nhưng trong phòng thì trống trơn. Con Karen nói là bà đã nhận giấy sa thải hôm qua. Mắt nó sáng lên, ánh một vẻ vui mừng. Hết rồi những lời xầm xì. Hết rồi những lời cảnh cáo. Từ đây ông yên tâm không còn bị săn đuổi nữa. Nhưng cớ sao ông lại buồn ghê gớm. Như thể ông đã bị mất mát một cái gì đó rất thân yêu. Ừ thì toán, thì đội ngũ, chúng ta phải nương tựa lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Ông cảm thấy mình như một kẻ đồng lõa vào một tội ác.
    Pho tượng biết suy nghĩ
    Trong một cõi gồm những kẻ làm việc bằng trí óc ấy, ông Nguyễn như một bóng hình không đậm nét, mờ nhạt giữa đám đông. Có lẽ tại vì tuổi tác của ông. Và cũng có lẽ vì ông đến từ phương trời lạ lẫm, nơi mà ngôn ngữ, truyền thống lễ giáo phong tục tập quán đều khác biệt, để ông khó có thể hoà đồng. Ông dửng dưng trước ngày sinh nhật của mình, khi người ta chúc mừng ông happy birthday to you. Ông không thích nghi với những buổi tiệc tùng do hãng hay nhóm tổ chức. Miệng ông câm khi họ bàn tán về thể thao hay thời tiết hay một show truyền hình quen thuộc. Có những lần cả nhóm kéo tới một nhà hàng để tiễn đưa một người trong nhóm có việc làm khác, hay nhân lễ Giáng Sinh v.v... ông ngồi bên cạnh họ không nói năng. Ông cảm thấy bứt rứt khi một đứa trong bọn lôi ra cái máy tính, tính số tiền mỗi người phải trả từng cent. Ðôi khi ông muốn góp vào một câu chuyện để chứng tỏ ông hoà đồng cùng đám đông, nhưng ông cảm thấy câu chuyện mình quá nhạt nhẽo, không gây cho họ chú ý. Rõ ràng ông là kẻ đứng bên lề. Ông là một cù lao cô độc. Ông là con hổ con beo mất rừng mất núi. Ông chỉ còn có căn phòng, bốn vách tường thấy bóng ông hẩm hiu.
    May mà ông có nỗi đam mê ở công việc mình làm. Ông thích điện toán. Ông xem việc làm của mình chẳng qua là tham dự vào một cuộc đấu trí có tiền thưởng không hơn không kém.
    Như vậy, ông đã sống sót qua 7 năm với nghề thảo chương viên (programmer) này.
    Ông hiểu rằng, dù ngôn ngữ điện toán có thay đổi cùng thời gian, nhưng qui luật điện toán vẫn là một. Vẫn là input, processing và output. Input là những dữ kiện mà ta có. Ta dùng ngôn ngữ điện toán (language [5] ) để viết, sau đó, máy sẽ chạy nhờ chương trình của ta để tạo thành output, tức kết quả mà khách hàng yêu cầu, hay ít ra có giá trị cho người khác...
    Bảy năm. Từ khi bắt đầu, dùng ngôn ngữ assembler, loại ngôn ngữ rắc rối, rườm rà nhất, hoàn toàn không thân mật cũng không English như IF or ELSE rồi đến Cobol, rồi C, rồi C++, rồi SHELL, rồi IMS, rồi CICS, rồi ISAM, Easytrieve rồi ABAP/4... Rồi mainframe, rồi Unix, rồi PC, rồi NT rồi SAP... Trời ơi ! Trời ơi, bao nhiêu ngôn ngữ ông phải để trong bộ bán cầu não, khi nó đã quá dày những hận thù, những rượu chè, đàn bà, súng đạn, những ngất ngư mê mệt của ngày tháng thanh xuân, của tù tội của vượt biển hãi hùng. Lại cộng thêm chữ Anh chữ Mỹ. Lại cộng thêm số điện thoại, số an sinh xã hội hay những password [6] của thẻ thiếu chịu, hay của cả chục hệ thống điện toán mà ông phụ trách... Như vậy, mà ông phải nhớ, không nhớ thì phải ráng. Ráng trong khi ngày càng lúc càng kéo bóng xế của đời người.
    Thật vậy, thử mổ xẻ phân tích tại sao tuổi già lại hay bị lãng trí, hoặc hay quên. Thử nhìn vào cái máy siêu điện toán, mỗi giây có thể thực hiện cả triệu phép tính, nhưng chắc gì nó lại không bị lỗi. Không phải vì nó tính sai, nhưng vì cặn bã còn sót, còn bám. Bởi vậy có một lệnh (command) tên "refresh" để hốt rác hốt bụi hốt những phế thải khỏi máy trước khi dùng. Bởi vậy có những lệnh (command) như INIT tức initialize để dọn bãi trước khi người programmer bắt tay vào những việc khác. Bởi vậy máy mới ít phạm lỗi hơn là máy cũ.
    Còn con người. Vẫn bộ não ấy. Vẫn trí óc ấy. Cứ nhét hoài, cứ dồn hoài cái gọi là cuộc đời, và biết bao nhiêu điều xảy ra khi hắn bắt đầu khóc mấy tiếng oa oa. Tức nước thì vỡ bờ. Ở đây không vỡ bờ mà làm chậm lụt, làm mất dần tinh tế thông minh.
    May mà con người còn có một ngôn ngữ khỏi cần phải học, phải nhớ, tự động phát ra khỏi cửa miệng, khỏi cần cắn lưỡi cắn răng khỏi cần nhăn trán suy nghĩ. Ðó là tiếng Mẹ đẻ của hắn.
    Nhưng mà hắn lại ít dùng, ông lại ít dùng. Có khi suốt cả ngày 8 tiếng đồng hồ, ông chưa nói ra một tiếng Việt. Có khi nói ra rồi lại giật mình. Tại sao mình lại dùng chữ Việt chứ. Hèn gì thằng Gary trố mắt ngạc nhiên. Có lẽ vì lịch sự nó không hỏi sorry I can''t understand what you were saying about... Ôi, tiếng Việt. Ông đã quên nó ban ngày, nhưng chiều về, hay ban đêm, ông nhớ nó, ông dùng nó, ông thì thầm, ông ru em, ông hát, ông say sưa kể trong điện thoại, ông cãi, ông la, ông đọc, ông cảm nhận... Nó có thể diển tả tâm sự của ông. Nó không phải để cái lưỡi vào giữa hai hàm răng cắn lại khi phát âm tiếng th. Nó thật giản dị dễ dàng như bài ca của Phạm Duy:
    Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...
    À ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời...
    Có ở trong hoàn cảnh của một kẻ bị mất tiếng nói, mới càng thấm thía được ý nghĩa của bài hát. Hắn cảm thấy mình thua thiệt hay không có chỗ đứng.
    Dường như các cấp lãnh đạo của công ty biết được niềm u uẩn của những nhân viên gốc thiểu số nên thường xuyên mở những khóa học về Diversity, tức dị biệt về chủng tộc, màu da trong một cộng đồng lớn. Họ bắt buộc mỗi nhân viên phải tham dự hai khoá: Diversity I và Diversity II.
    *
    ...
  6. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Phòng học quá rộng. Bốn góc được trang bị bằng 4 máy truyền hình cỡ bự. Ngoài phòng đã kê sẵn chiếc bàn dài phủ khăn trắng với cà phê, bánh ngọt điểm tâm. Các vị giảng sư đều được mướn từ những nhóm consultant danh tiếng chuyên về môn Diversity - dị biệt trong một tập thể đa chủng. Không biết họ có thể đánh tan những áng mây u ám trong tâm trí của ông hay không. Bởi vì mục đích của khoá học này không phải là tìm một lời giải cho vấn nạn: chia rẽ, phân ly, nghi kỵ từ ngưòi này qua người khác, tập thể này đối với tập thể khác, hay rộng hơn, giống dân này đối với giống dân khác hay sao?
    Ðầu tiên, vị giảng sư kêu mọi học viên viết tên họ trên tấm giấy dán lên ngực áo, và yêu cầu tự giới thiệu tên họ, kinh nghiệm, tại sao lại chọn môn này mà học... Lúc đó, một cô gái đã đến bên ông hỏi bằng tiếng Anh: xin lỗi có ai ngồi ở đây không? Ông ngờ ngợ cô gái ấy là người Việt Nam. Ông bảo không có ai hết, cô có thể ngồi. Mái tóc chớm vai, đôi mắt tô than, và một gương mặt thanh tú. Bây giờ cô gái viết tên trên tấm giấy nhỏ: Kim Nguyen.
    Thì ra cô gái là đồng hương với ông. Ông nghe niềm vui không đâu. Cô bạn học ơi, cô có biết tôi vui lắm không. Trưa nay tôi và cô sẽ ngồi ăn chung một bàn, và chúng ta sẽ cùng nói cho nhau nghe về nghề nghiệp, thú vui, hay có thể là văn chương, no nê tiếng xứ mình. Chúng ta hẳn phải thân thiết nương tựa nhau hơn, bởi vì trong số đông đảo, chỉ có hai đứa chúng ta thuộc thành phần thiểu số... Ngoài tình đồng hương, chúng ta còn có cả tình đồng nghiệp... Phải không cô bạn VN? Ðiều này khiến ông vui mừng để chào hỏi, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ: "Chào cô, cô làm ở bộ phận AT&T nào?". Nhưng người con gái đã trao cái nhìn ngạc nhiên đến nhói cả tim ông: "I am sorry, I don''t understand what you say". Trời ơi, ông tối tăm mày mặt. Câu trả lời như một chiếc gáo nước xối mạnh vào mặt ông. Mặt ông nóng bừng. Ông nói bằng tiếng Anh: "I am sorry too". Cổ họng của ông đắng, như nghẹn. Ông muốn rời lớp lập tức.
    Nhưng ông vẫn ngồi lại, bên cạnh cô gái, một người Việt Nam trăm phần trăm. Hai tên Việt Nam Kim Nguyen và Tan Nguyen vẫn được thấy rõ bên cạnh Elizabeth, Rich, Ed, Bob, Tina... Ông đã ngồi để đau đớn vì khoảng cách diệu vợi vô cùng của hai người. Không ai nói với ai một lời. Kể cả tiếng Mỹ. Kim chỉ nói với người bạn gái Mỹ bên trái nàng. Nàng nhún vai. Cười nói rất tự nhiên như một người Mỹ chánh gốc. Hay là nàng sợ cái tiếng Việt Nam, muốn xa lánh, chối bỏ. Hay nàng khinh rẻ một người đồng hương. Hay tại vì gia đình đã không dạy nàng, muốn con họ như một người bản xứ chánh gốc? Dù thế nào đi nữa, ông cũng cảm thấy một nỗi mất mát ghê gớm. Trời ơi, một bầy chim phân ly tứ tán, ngỡ bây giờ tụ đàn, để che chở thương yêu nhau, nhưng hình như lại càng xa cách nhau hơn bao giờ. Người lớn thì phân rẽ, con cháu thì bỏ cội rễ như lời ca ảo não của ai qua bài thơ phổ nhạc của Hà Huyền Chi: "Ðứng đây ngắm xuống bầy con. Lơ là tiếng Việt để yêu ngôn ngữ người..." Ông đã nhủ thầm là hãy cố quên, cố xem đây là một lớp học như mọi lớp học khác mà ông có mặt, và người bên cạnh như một người Mỹ xa lạ nào đó, nhưng cuối cùng ông nghe vị cay đắng thấm tê đầu lưỡi. Ông đưa mắt nhìn quanh cố tìm một chỗ ngồi khác. Không còn chỗ nào trống...
    *
    ... Ông thầy Mỹ đen ngước đôi kính gọng vàng nhìn đám học trò đủ hạng tuổi, hạng nghề, nam cũng như nữ, chào, tự giới thiệu, rồi nói:
    "Ở bốn góc phòng có treo bốn tấm giấy lớn. Góc phía mặt tôi dành cho những ai cảm thấy đến với khoá học này như là tù nhân (prisoner). Ðằng góc trái, là dành cho quí vị nào muốn xem khoá học này là người đi nghỉ phép (vacationer)... Góc phía phải sau tôi là chỗ dành cho những ai nghĩ rằng sẽ tìm được vài điều hữu ích gì đó qua ngày học hôm nay, nghĩa là người muốn khám phá điều gì (explorer). Nào, quí vị nghĩ gì buổi học hôm nay, quí vị cứ đến chỗ tấm giấy định sẵn, thảo luận tại sao, rồi viết lên trên giấy. Quí vị có mười lăm phút thảo luận..."
    Ông trố mắt xem cuộc chơi. Xem thử 40 người đàn ông đàn bà, thanh niên thiếu nữ, nhân viên cấp cao, hay cấp thấp, nghĩ gì về cái chữ Diversity. Bài Diversity I đã dạy cho học viên hiểu về cái độc hại của sự phân rẽ qua những ví dụ về stereotype, tức là những thành kiến mà sắc dân này đối với sắc dân kia, nhóm người này đối với nhóm người khác, già đối với trẻ, trẻ đối với già, đàn ông đối với đàn bà và ngược lại, đen đối với trắng, trắng đối với đen hoặc đối với da vàng. Học viên đã tự do viết những tiếng lóng, lời tục, lời xấu, ác ý. Họ viết gì về Việt Nam? Học giỏi. Lái xe không biết luật. Ăn bám. Ký sinh. Họ viết gì về đen. Thể thao. Lười. Ðẻ con nhiều để lãnh trợ cấp. Họ viết gì về trắng. Thông minh. Bóc lột. Tham lam vô đáy. Họ nói gì về người già? Ðè đám trẻ. Lương cao nhưng làm việc không năng suất... Như vậy làm sao lại gom tất cả sức lực của tập thể để trở thành một sức mạnh chung ở cái xứ tạp chủng như xứ Mỹ này? Bài học đưa cái kết luận: Chỉ có cách là phải lột bỏ những thành kiến ra khỏi máu huyết. Và cuối cùng, cách giải quyết có vẻ như con trẻ. Từng người một xé, chà đạp trên tờ giấy không thương xót. Cả hội trường rộn lên tiếng đạp, tiếng xé, tiếng cười. Mấy tay trẻ háo thắng, hết làm tội tình tờ giấy này, chạy đến tờ giấy khác, hành hạ tiếp.
    Giờ đây, bài học Diversity II này đã không họ bắt họ chà đạp, phỉ nhổ, mà trái lại, giúp cho họ nhận thức được sự độc hại của thành kiến qua kinh nghiệm bản thân. Ông nóng lòng tìm hiểu. Ông cố gắng mở lớn đôi mắt, căng đôi tai. Cả phòng học bừng lên rộn ràng bởi sự chọn lựa. Nhóm tù nhân là nhóm được học viên chọn đông đảo nhất. Kim là người trong nhóm ấy. Thì ra cái học vẫn là một cực hình cho mọi người. Kế đến là nhóm nghỉ phép. Còn ông, ông chọn nhóm thứ ba, tức là nhóm dành cho những kẻ muốn tìm một lời giải ở khoá học. Vâng, ông muốn lắm. Lòng ông bây giờ cũng ngổn ngang lắm. Có những điều mà cả những ông thầy tài giỏi bậc nhất cũng không thể hiểu nổi ở một người Việt Nam này. Khi chọn, ông đã đau khổ liếc mắt nhìn người con gái đồng hương. Em là tù nhân còn tôi là kẻ đi tìm. Vâng, tôi đi tìm đây. Tại sao ngay cả hai người cùng màu da, cùng tiếng nói lại không nhìn mặt nhau, lại coi nhau là hai kẻ xa lạ? Tại sao? Tại sao? Ông đã đứng yên bên tấm giấy, mà tiêu đề viết bằng mực xanh: Explorer. Ông phải nói gì đây cùng ba người học viên xa lạ. Tại sao? Tay điều hợp viên được bầu, hỏi từng người. Ðến phiên ông, ông nói, tại vì tôi muốn tìm hiểu tại sao. Một bà học viên khác: Tôi cũng vậy. Tôi muốn tìm cái lời giải trong một tập thể hỗn độn này.
    *
    Bây giờ từng nhóm một xách ghế ra giữa phòng. Ông giảng sư ngồi ở giữa, hỏi ý kiến từng người về nhóm chọn lựa và yêu cầu học viên giới thiệu về mình, thêm một đôi lời về kinh nghiệm dị biệt trong đời sống họ. Tiếng cười nói hay gay gắt vang động. Tại sao tao cảm thấy là tù nhân tội đồ khi đi học khoá này? Bởi vì tao chán phải nghe hoài cái điệp khúc kỳ thị, trắng với đen, đen với trắng. Vâng, tao là trắng. Người ta bảo tao là sắc dân được ưu đãi, là white male, nhưng tao được ưu đãi cái gì? Mệt óc lắm rồi. Một tay đàn ông giận dữ phát biểu. Tiếng vỗ tay tiếp theo. Vâng, tao cứ phải nhét trong đầu những điều tao không muốn nghe, như vậy tao không phải là tù nhân sao? Một người khác phát biểu. Một người trong nhóm nghỉ phép có ý kiến: "Tôi thì muốn bỏ quên trăm cú điện thoại đến điên khùng..." Cứ thế mỗi người đều phải nói lên ý nghĩ của mình. Còn ông thì sao. Ông phải nói gì để gọi là góp vào cái kinh nghiệm của một nền dị biệt đau lòng của lịch sử từng xảy ra trên đất nước ông. Việt Nam xa cách. Việt Nam mấy mươi năm đánh nhau, chém giết, Việt Nam Trịnh Nguyễn phân tranh, vua chúa hàng trăm ngàn cung phi mỹ nữ, cung cấm giả dối lường gạt vẫn nằm yên dưới bóng đêm ma quái, và Việt Nam ngay trong phòng học này hai người không nhận ra nhau, xa lạ, sững sờ... Nhắm mắt lại, cầu Trời, cái câu hỏi đen đặc như vết máu bầm được một liều tiên dược. Giữa phòng, cuộc thảo luận góp ý vẫn sôi nổi. Thì ra mỗi người vẫn là một cù lao, vẫn là một thái cực. Huống hồ là một tập thể, hay nói rộng ra, là một dân tộc. Bởi vậy, hãng mới trả một số tiền quá lớn cho giảng sư, bao tiền sách vở, ăn ngủ miễn phí, bắt nhân viên phải học. Họ đã hiểu, sự thành công hay thất bại của một công ty trên ba trăm ngàn người, tùy thuộc vào sự chia rẽ hay kết đoàn. Họ muốn ba trăm ngàn người là ba trăm ngàn người lính, cùng trong bộ đồng phục, và sắc cờ không hơn không kém.
    Ðến lượt nhóm "Explorer" xách ghế vào giữa phòng. Bốn chiếc ghế lẻ loi. Mấy mươi người còn lại ở xung quanh phòng đang nhìn vào. Lại một câu hỏi thường lệ của ông giảng sư: Tại sao quí vị lại thích explorer. Mỗi người phát biểu. Ðến phiên ông. Thưa các bạn, tôi đến từ Việt Nam, miền Nam Việt Nam, ở đó dị biệt đã hành hạ chúng tôi, dân tộc chúng tôi. Tư bản. Xã hội. Cộng sản. Tự do. Trên triệu người tuổi trẻ chết cũng vì Diversity. Không ai chịu nghe, chịu san sẻ, tha thứ, hay cảm thông. Không ai chịu nhận lỗi của mình, mà trái lại họ cứ nghĩ họ là đúng, và bắt người khác phải tuân phục... Ông muốn trút tất cả những uẩn ức nhưng ông không thể nói nên lời. Bao nhiêu vấn nạn của người Việt lưu vong. Sự xa cách buồn thảm của thế hệ này và thế hệ khác, những nhân danh, những lừa mị, những bôi nhọ, những bóng quạ bóng dơi. Những người ngày xưa hèn mạt, sợ chết, lòn cúi, chưa bao giờ biết mặt trận là gì, cái chết là gì, những kẻ ở đằng sau để mà chạy trước... Họ bây giờ lại thêm một lần hô hào... Và nếu ai đi khác đường lối của họ, là họ lập tức phun ra những nọc độc... Ðể con ông sợ khi phải nhắc đến Việt Nam. "Ba à, sao con thấy người Việt mình chửi nhau quá hả ba?" Thằng con của ông có lần đã hỏi ông như thế. Nó nói tiếp: "Ðến đâu con cũng thấy họ chửi". Ông đau khổ, lòng rối bời. Ông nghẹn lời. Ðâu có ích gì để mấy chục người bản xứ này nghe và có cái nhìn không tốt đối với đồng bào ông... Cuối cùng ông chỉ biết khẩn cầu: Please. Give me a solution.
    Cả phòng im phăng phắc. Sự thật đã khiến họ động lòng, hay chính cái kinh nghiệm của cá nhân ông, đã khiến họ bừng thức dậy bởi cái khốc hại của Diversity - cái khác biệt cố chấp của con người. Ông giảng viên thở phào, sau đó nói với ông:
    "Như vậy là ông tìm đến khoá học này để chữa bịnh?"
    "Vâng, tôi là một bệnh nhân".
    Ông nhìn đăm đăm về phía người con gái.
  7. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Như vậy, một ngày trôi qua, và khoá học chấm dứt sau khi cả 40 người cùng nhau phát biểu cảm nghĩ về khoá học cùng những điều gặt hái được trong lớp. Tuy vậy, mấy ai quyến luyến với ai. Học để mà học. Ai cũng nghĩ là tù tội thì học để làm gì. Rồi cuối cùng bảng tên đã được bốc ra khỏi ngực áo. Riêng ông cảm thấy như thoát nạn. Ông nghĩ ông vừa trải qua một ngày cực hình đau đớn. Ông ôm cả chồng tài liệu ra ngoài bãi đậu xe, chạy như trốn một ám ảnh. Kim thì đang nói chuyện điện thoại. Tóc nàng đen xõa xuống bờ vai, đôi mắt tô than, dáng dấp nhỏ bé như một người xa xưa. Nhưng, trong tâm hồn nàng, tất cả con người của Việt Nam có lẽ đã mất. Có phải vậy không?
    Nancy
    ... Như vậy, Nancy đã bỏ đi. Bỏ đi một cách lạnh lùng, không thương xót. Nancy, người thiếu nữ tóc vàng, đôi mắt xanh màu da trời mùa hạ. Nancy của những năm tháng, ngồi bên kia phòng làm việc, làm mỗi buổi sáng ông phải uống thêm một cốc cà phê để nhấp thêm những niềm vui nho nhỏ. Nancy của những buổi mai, đứng dựa vào khung cửa kính, để nắng vàng làm lung linh trên gương mắt xinh đẹp lạ thường. Nancy của những buổi trưa, giờ ăn, ngồi trước mặt trong cafeteria, để ông phải say thêm hai bờ môi xinh. Và Nancy của những buổi chiều về muộn, cùng nhau bù đầu về một dự án chưa được giải quyết, để ông hiểu thêm về những cam khổ chia nhau... Nancy của những ngày đầu tiên để ông dìu dẫn, từ một dự án dễ đến dự án khó, giúp nàng tự tin cùng thế giới gọi là cổ trắng IT. Nancy với tiếng cười rộn ràng khi ông kể những câu chuyện khôi hài, để ông thấy lại niềm vui tuổi trẻ. Cũng căn phòng này ông thấy nàng mỗi ngày, bên kia bên này, bờ vai thon mềm, tấm lưng cúi trên bàn làm việc, hay những lúc nàng say mê trước những game trên màn ảnh computer. Nancy với mỗi buổi sáng khi bước vào phòng, ông càng nhận ra chiếc áo mới, chiếc quần mới, mái tóc vừa cắt, và sau đó là những lời khoe của nàng. Và Nancy với những ngày thứ sáu, cùng những dự tính cho cuối tuần cùng những lời chúc mừng. Nancy và ông đã có biết bao nhiêu kỷ niệm trong suốt sáu năm trời như thế. Như vậy, làm sao nàng lại bỏ đi một cách đành đoạn, tàn nhẫn, chẳng nói cả một lời từ biệt với ông như thế này. Tại sao. Vâng ông biết. Bởi vì xã hội này khuyến khích họ như vậy. Hãy chụp bắt những cơ hội. Hãy nhìn về tương lai, bỏ quên quá khứ. Ðừng bận tâm về tiếng trung thành. Ðừng hàng ngũ. Ðừng kỷ niệm. Xứ sở này chỉ biết tranh đấu. Ðể tự tồn.
    Ông đứng áp mặt vào khung cửa kính. Dưới kia là bãi đậu xe mênh mông, sau đó là xa lộ 287, dập dìu xe cộ. Cánh rừng sau đó, một màu xanh thẫm bạt trùng. Ðàn ngỗng trời đậm cánh đen thẫm giữa bầu trời trắng sữa. Trời ơi, ngay cả con vật vẫn còn biết dìu dắt nhau, nương cậy nhau, tìm đàn, tìm đồng loại. Còn ông, như một kẻ lẻ loi nhất của thế giới này. Ông đã mất bạn bè, đồng đội, hàng ngũ. Ông đã mất đất nước quê hương. May mà chỉ còn mỗi một Nancy để bầu bạn, thì bây giờ nàng lại bỏ ông. Không hiểu sao, ông thầm thì: Nancy, I miss you.
    Hôm nay, ngày đầu tuần, ngày mà cả bọn thường hay kể những trận football đại học hay football chuyên nghiệp vào ngày thứ bảy hay chúa nhật hôm trước, từng người một đã vào phòng sếp lớn, để nhận phong thơ. Ai cũng biết những gì sắp sửa. Tương lai có vẻ u ám. Nhà. Xe. Bảo hiểm. Tiền học phí cho con. Mất việc có nghĩa là mất hết.
    Cả hành lang bây giờ vắng tênh, chẳng một tiếng nói cười như thường lệ. Họ chắc cũng như ông đang ngồi trước bàn viết với những câu hỏi. Chắc họ sẽ cân nhắc, đo lường, tính toán, và đôi khi mong mỏi những thằng bạn của họ sẽ trở thành những kẻ không may mắn. Chắc họ sẽ mong ước, bạn bè của họ mới là nạn nhân. Vâng, mười năm nay, ông đã chứng kiến bao nhiêu người bỏ đi, và bao nhiêu người được đổi đến. Ông cũng đã dự biết bao nhiêu buổi tiệc từ giã, đã ký trên nhiều tấm cạt chúc mừng, đã bắt tay bao nhiêu người không quên nói may mắn. Quả thật vậy không. Trong một bài học gì đó mà ông không thể nhớ tên, bà giảng sư nói rằng trung bình trong đời của một người Mỹ đã có đến 20 lần thay đổi nghề, và đã bị nhiều người phản đối. Ông không đồng ý với bà ta bởi vì mười năm nay, ông vẫn có mỗi một công việc này để bám trụ. Nhưng ông đồng ý với bà, ở lời giải thích, rằng đừng nghĩ là mình trở nên quan trọng hay cần thiết cho tổ chức. Ðừng dậm chân tại chỗ. Phải lợi dụng cơ hội để tiến lên. Sẵn sàng rời bỏ hãng, không cần bịn rịn. Ðến đây, ông nhớ ra rồi, ông có hỏi bà ta như vậy làm sao nhân viên thợ thuyền lại sống chết cho hãng. Làm sao mỗi người trở nên một công cụ sản xuất đắc lực? Ðám học viên nhìn ông có lẽ nghĩ ông là tay ngốc nhất thế gian này. Vâng, ông đã ngốc rồi. Ông sẽ không bao giờ hỏi những câu hỏi như thế nữa đâu. Ông cũng biết rồi đây, không ngạc nhiên, thêm vài người nữa bỏ đi. Và thêm vài phòng trống trải trơ trọi, còn sót lại tấm bảng tên gắn ngoài tấm vách chắn. Rồi mọi thứ vẫn quen thuộc. Không kỷ niệm. Không vui, không buồn. Không tình nghĩa. Không đồng đội. Không luyến lưu.
    Tờ báo ngày đang nằm trên bàn. Ông đọc lướt trang đầu. Một tin có vẻ khôi hài nhưng cay đắng được đăng bằng tiêu đề lớn. Môt vụ đuổi bắt trên con đường liên bang 95 giữa nhân viên công lực và một tay lái xe truck liều lĩnh. Và cuối cùng tay tài xế đầu hàng sau khi cảnh sát hứa sẽ cho một ổ sandwich cùng thuốc lá. Lý lịch của tên trộm xe này là một kẻ vô gia cư, nguyên là một computer programmer [7] bị thất nghiệp và bị vợ bỏ. Ông đọc và nghẹn. Sự thật quả như vậy sao. Làm gì lại bi thảm đến độ phải ăn trộm cả xe truck, và sau đó phải thúc thủ bằng một miếng bánh mì và một điếu thuốc. Thì ra, áo cơm vẫn là một thảm kịch. Nó đã biến con người trở nên một tù nhân. Một tù nhân không có nhà tù.
    *
    Những ngày cuối năm trôi qua quá ảm đạm. Những chuẩn bị quen thuộc cho một mùa Lễ, mùa Chúc tụng đã không còn nữa. Vắng đi những viền kim tuyến, những chậu hoa màu đỏ, những cây thông xanh, hay cả những lời chúc tụng rộn ràng. Vắng đi cái bầu không khí xôn xao từ tiếng nhạc Noel quen thuộc. Vắng đi hình ảnh của những chiếc thiệp Giáng sinh được treo la liệt trên vách phòng hay những tiếng còi hú rộn ràng từ con tàu xe lửa mà ông già Bill hằng năm mang đến để giúp vui trong dịp Noel. Liệu những kẻ mang danh IT giống như những ốc đã rỉ, những bộ máy đã cũ, những ngôn ngữ điện toán đã bị đào thải như assembler, machine language, hay như những cái chip đã bỏ vào sọt rác như cái chip 8086 xa xưa. Cơm áo. Ông cắn răng không dám nghĩ, nhưng phải nghĩ. Cả nước Mỹ, mọi đài truyền hình, mọi báo chí đều nhắc nhở đến vụ layoff khủng khiếp, bằng những tin tức hàng đầu. Stock tăng lên vùn vụt. Một đằng vỗ tay vui mừng và một đằng đau theo vết cứa. Ðó là business. Ðó là nước Mỹ. Vua chúa không phải là tổng thống, thống đốc, bí thư mà là boss. Chỉ có boss mới cho nhà cao cửa rộng, xe đẹp, con học trường tốt. Boss mà không muốn thì tất cả mất hết.
    *
    Buổi chiều, ông trở lại nhà. Có nên nói về phong bì và cái ân huệ của hãng cho vợ ông hay là nín câm. Mùa thu đã sắp tàn, trên những lớp lá khô càng lúc càng phủ đầy sân nhà. Mở nắp thùng thơ. Một phong bì gởi từ quê nhà. Hà Tiên. Chữ viết mềm. Mở ra. Thư của người nào, thoáng gặp trong cuộc đời. Mắt nhắm lại, ông biết lòng ông đang chạnh lại.
    Lá thư như thế này:
    Ông ơi, ông còn nhớ ngày xưa, ông và bạn bè ông ra bờ sông ở chợ Tròn vác gạo hay không? Hôm ấy ông nhờ tôi cất giùm bài thơ ông làm trong trại cải tạo. Sau đó, tôi không còn biết tin tức của ông ở đâu nữa. Bây giờ biết ông đang ở xứ Mỹ, tôi rất vui mừng mà không còn bâng khuâng nữa. Ðây là bài thơ ông viết cách đây mười tám năm, tôi xin gởi hoàn về chủ của nó:
    Người em chợ Tròn
    Chuyến đò nào đưa em về trong mưa
    Tôi mang đôi mắt em theo dòng kinh xám
    Tôi nói một mình, tôi chỉ còn em
    Chỉ còn em, có nghĩa là lòng tôi nhỏ lệ
    ừ thì đò đưa người xa khuất rừng lau
    Rồi tôi sẽ về cùng đầm dạ trạch
    Em còn mang cho tôi chiếc khăn sọc rằn
    Vướng thêm sợi tóc dài bỏ sót
    Sợi tóc mấy năm em ******** nhân
    Khi em theo tôi một thời lận đận
    Khi nhớ nhung theo con nước đầu sông
    Khi đêm ngày viết đầy những trang nhật ký
    Khi yêu tôi, em trở thành thua lỗ
    Bắt chước ca dao, hái nụ khổ đau
    *
    Mắt ông cay nồng. Thì ra giữa lúc ông đang mệt lả cùng miếng cơm manh áo, giữa cõi người, nơi mà tự do, dân chủ, giàu sang thịnh vượng được ca ngợi là bậc nhất hoàn cầu, nhưng ông vẫn không thể tìm ra một cõi tình nghĩa chân thật, nỗi ân cần dịu dàng như ông đã gặp trên quê hương ông. Ở đó là con tim, như con tim của một người con gái nào đã âm thầm theo ông qua giòng lận đận và mãi đến bây giờ. Ở đó, trong cõi hoạn nạn chập chùng, dù sao ông cũng còn vẫn tìm được nụ hoa quí. Hạnh phúc là gì. Nếu không phải bên ta có những đôi mắt theo ta, cảm thông với ta, vui buồn vì ta? Hạnh phúc là gì, khi bên đời ta vẫn còn có những người vì ta mà hy sinh, chịu đựng, hái nụ khổ đau?
    Trang giấy ngày xưa dù vàng ối, cũ mèm, chữ của ông cũng vậy, cũng nghiêng ngửa trong hơi thở hụt hẫng và sợ hãi âu lo nhưng nó vẫn còn được giữ gìn qua bao nhiêu chập chùng của lịch sử. Chỉ có ông là quá đỗi vô tình. Ông đã quên những nụ bông tươi đẹp nhất, quí giá nhất, để chạy đuổi theo đến mê mệt, hụt hơi hai tiếng áo cơm này đến buồn muốn khóc.
    [1]UNIX: một hệ thống vận hành (AT&T)
    [2]mainframe: dàn máy IBM có hệ thống vận hành cao (VM, VMS...)
    [3]system: hệ thống điện toán
    [4]consultant: chuyên viên đặc biệt làm việc trên căn bản hợp đồng
    [5]language: ngôn ngữ điện toán
    [6]password: bí số, mật số
    [7]programmer: thảo chương viên
    Nguồn: Thư Ấn Quán xuất bản, 2003. Địa chỉ liên lạc: PO Box 58 South Bound Brook NJ 08880 USA, http://thuanquan.com, tranhoaithu@verizon.net
  8. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Outsourcing
    Rồi đùng một cái, vào năm 1995, outsourcing xuất hiện.
    Outsourcing là dịch vụ về điện toán, tin học mà một hãng cung cấp cho một hãng khác. Từ dịch vụ có tầm cỡ dài hạn như dịch vụ mà GLOBAL IT ký hợp đồng với XEROX, Avaya, AT&T v.v... đến những dịch vụ nhỏ, ngắn hạn, tạm thời như những agency thầu chuyên cung cấp contractor hay consultant [1] ...
    Outsourcing là một phương thuốc thần dược, giúp công ty tiết kiệm tiền bạc để công ty có thể tập trung nhiều hơn vào vai trò sản xuất.
    Người ta nói vậy. Chủ nói vậy. Kinh tế gia, hành chánh quản trị nói vậy. Ở đâu cũng nói đến outsourcing. Hãng lớn hãng nhỏ đua nhau thành lập cho outsourcing vì outsourcing tất cả cho outsourcing. Ai là cha đẻ của outsourcing, không cần biết. Chỉ biết kể từ đây thân phận của dân IT [2] bị đe dọa ít nhiều. Bóng nó như bóng đại bàng. Lần đầu tiên họ mới thấy rằng nghề nghiệp IT của họ không còn vững bền nữa. Bằng chứng họ là kẻ thặng thừa, được mang ra buôn bán. Họ sẽ được một công ty mới mua, để làm nhiệm vụ cũ. Họ phải chấp nhận những gì mà công ty mới đặt ra cho họ.
    *
    Một ngày tháng 8, một nhóm manager của hãng mới đã đến ngay nơi làm việc để phỏng vấn những người tình nguyện qua hãng mới. Nói là phỏng vấn nhưng thật ra đó chỉ là thủ tục dành cho một sự chuyển tiếp. Họ cần những người cũ, ít ra trong lúc này, lúc mà nhiều kẻ rường cột đã cao bay xa chạy. Riêng toán của ông Nguyễn gồm 5 người thì 4 người đã nhảy qua chỗ khác.
    Ông đã trả lời người phỏng vấn tại sao ông lại đồng ý ở lại làm việc với hãng mới trong khi hầu hết những người thuộc nhóm ông đã từ chối. "Tôi không muốn thay đổi. Tôi rất sợ phải viết lại resumé."
    Phải, ông không còn muốn tranh đua nữa. Tuổi tác ông đã cao. Ông rất sợ sự thay đổi. Ông cầu an. Ông giao đời ông cho số mệnh.
    Trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu, ông càng hiểu rằng, cuộc đời là cả một sự sắp đặt kỳ diệu bất ngờ. Kỳ diệu bất ngờ như chuyện gia đình ông bỗng nhiên có mặt tại đất nước này. "Cứ nhắm mắt đến đâu thì đến" hay "Có phần không cần gì lo". Ông nghĩ như vậy, mà lòng cảm thấy bình an.
    Trong số hai mươi mốt người của phòng ban (department) cũ, chỉ có 10 người đồng ý chuyển tiếp sang hãng mới theo chương trình outsourcing. Bob, người thâm niên nhất, và có chức vụ cao nhất được cử làm trưởng phòng.
    Ngày đầu tiên, phòng ốc đìu hiu vắng lặng.
    Cấp trên cho biết nay mai sẽ bổ sung đầy đủ cấp số. Ðừng lo.
    Như vậy, hết rồi những ngày tháng huy hoàng. Cái thời dân IT được cưng chiều, được dành ngôi vị, được săn đón niềm nở. Cái thời mà người sinh viên thuộc ngành điện toán vừa tốt nghiệp đã được nhiều công ty ưu ái mời mọc. Cái thời khi một công ty có tầm cỡ nhận vào, hắn cảm thấy là cả một vinh dự được trở thành một phần tử. Cái thời tiệc tùng được tổ chức liên miên. Mỗi năm, người nhân viên phải được yêu cầu tối thiểu phải dành 15 ngày học hành huấn luyện. Học gì cũng được. Học ở đâu cũng được. Ði học là đi phép. Không cần thi cử mà cuối khoá được phát bằng tốt nghiệp. Hãng đài thọ hoàn toàn. Cái thời những buổi trưa cả bọn rủ nhau ăn nhà hàng. Tiếng cười nói rộn ràng, niềm vui phản ánh trên mặt. Cái thời lương bổng, tiền thưởng, phép tắc, quyền lợi hậu hĩnh.
    Bây giờ đàn chim đã bay đi tan tác. Ai ai cũng lo phần riêng.
    Những chiếc máy computer giờ không còn chủ, giữa bàn chơ vơ.
    Những tấm bảng trắng treo trên vách còn sót lại những hàng chữ quên chùi.
    Ngày nào, hành lang nghe rộn rịp bước giày. Căn phòng dành cho những cuộc họp hành lúc nào cũng vang động tiếng người. Bây giờ thì im ắng như bãi nghĩa trang.
    *
    Ngay ngày đầu tiên là đại nạn. Khách hàng gọi điện thoại về tổng hành dinh than phiền tại sao họ không nhận những dữ kiện như thường lệ. Bà sếp lớn gọi điện thoại xuống Bob. Bob nghĩ rằng lão có thể giải quyết được bèn lên máy. Khi sửa xong, thay vì hệ thống điện toán tốt đẹp hơn, lại càng hỗn loạn hơn. Hệ thống bị xáo trộn. Nền dữ kiện (data base) bị hư hại. Thân chủ không còn kiểm soát được những dữ kiện như xuất kho, vận chuyển, cập nhật số lượng tồn trữ. Thân chủ phẫn nộ. Những cú điện thoại cứ đổ về dồn dập văn phòng Bob. Mọi yêu cầu đặt hàng bị đình chỉ. Hết điện thoại này reng reng thì điện thoại khác reng reng. Toàn là những nhân vật lớn. Chỉ có lệnh và lệnh.
    Lúc ấy vào 10 giờ đêm. Bob gọi điện thoại về nhà ông Nguyễn, bảo hãy khẩn cấp vào sở. Ðến nơi, ông Nguyễn thấy mặt lão tái mét, đang trả lời điện thoại. Ông hiểu là tình trạng đang nguy ngập. Lão bịt ống điện thoại, và nói với ông Nguyễn:
    "Bà Monica".
    Bà Monica là sếp lớn, coi nguyên cả mấy trăm dân IT. Việc bà ta có mặt đủ biết biến cố này quan trọng đến dường nào.
    Lão kể lại sự việc. Ông Nguyễn không biết gì hơn là nghe. Hệ thống bị hỏng do thằng Smith phụ trách. Nhưng hắn đã nhảy qua một hãng điện thoại từ lâu. Ngạch của hắn là Distinguished Staff Member, ngạch cao nhất của chuyên viên.
    Ông hỏi:
    "Sao không gọi hỏi thằng Smith?"
    "Không thể liên lạc với nó. Nó không để điện thoại lại". Bob nhún vai. Ðôi mắt Bob thất thần ảm đạm, đủ biết lão đã trải qua những giờ phút căng thẳng tột cùng.
    Ông Nguyễn cảm thấy thương hại tay sếp. Bob đang bấu víu vào ông, bởi vì trong đám người dưới quyền, chỉ một mình ông mới là một IT thâm niên nhất. Ông hiểu tình trạng thật khó khăn, không thể giải quyết trong một hai tiếng đồng hồ. Trước đây, hệ thống điện toán này có đến 5 người phụ trách, nối kết với hơn 100 máy đặt khắp nước Mỹ. Bây giờ chỉ còn có một mình ông.
    Ông lặng lẽ quay về phòng mình. Ông không thể từ chối hay viện dẫn cách này hay cách khác để từ chối.
    Riêng Bob, lão đã chụp ông như chụp được con mồi. Lão gọi bà Monica cho biết ông là người phụ trách hệ thống, là kẻ chịu trách nhiệm. Lão còn cho số điện thoại của ông. Nhưng lão dấu về việc lão sửa bậy. Sau đó lão dông.
    *
    Suốt cả đêm còn lại, ông Nguyễn phải vật lộn cùng những dữ kiện, cùng những menu, cùng những file chuyển vận. Vất vả lắm bởi vì trước đây, ông chỉ phụ trách một phần của hệ thống điện toán. Ông không quen thuộc với toàn bộ.
    Bây giờ ông như một vị bác sĩ chẩn bệnh. Nhưng vị bác sĩ còn có những tin tức từ bệnh nhân để định bịnh, còn ông thì không có gì hết. Nếu có chăng là cái gia tài tai vạ mà thằng Smith để lại. Ông biết hắn là tay rất nham hiểm. Những chương trình hắn viết rất khó hiểu. Hắn hay dùng những công thức, những áp dụng toán học hoặc machine language [3] , assembly language lỗi thời cũ mèm để bỏ vào trong chương trình. Có lẽ hắn muốn chứng tỏ hắn là một Distinguished Staff Member cũng nên.
    Ngoài ra, không phải riêng một mình hắn mà còn có biết bao tay thầu khác nhúng tay vào rồi bỏ đi. Mỗi đứa có một cách làm việc riêng, cách nhìn riêng, kỹ thuật riêng. Có kẻ làm xong thì cẩn thận chú thích, nhưng có kẻ không một lời giải nghĩa. Mà cho dù có viết tên tuổi hẳn hoi, thì tác giả cũng đã bỏ đi rồi, làm sao liên lạc với hắn giữa cõi vô cùng?
    Trên lý thuyết, người thảo chương viên phải tuân hành theo những qui tắc mà hãng đòi hỏi khi viết hay sửa đổi một chương trình. Hắn phải ghi rõ ngày và tên hắn khi hắn thay đổi một hàng hay một chữ. Hắn phải giải thích tại sao hắn thay đổi. Hay phải đúc kết tài liệu để giúp cho những kẻ khác sau này dễ dàng làm việc hơn. Tuy nhiên thực tế thì khác. Mạnh ai nấy làm. Miễn là khách hàng thoả mãn, là cấp trên hài lòng... Chẳng ai cần thắc mắc hay than phiền về những chương trình của kẻ khác. Họ ngại bị đụng chạm hay mất lòng bạn đồng nghiệp. Ðể rồi kẻ đến sau phải thừa hưởng một gia tài đầy tai ách. Như thằng Smith đã giao lại cho ông đêm nay.


  9. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    *
    Có tiếng reng reng của chuông điện thoại. Lại bà Monica.
    Bà hỏi thăm chừng. Bà kêu Tan, tên ruột của ông Nguyễn.
    "Tan có thể cho tôi biết bao lâu mình có thể giải quyết xong?"
    Ông trả lời không tin tưởng bao nhiêu:
    "Tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Bà hẳn biết người quen thuộc với hệ thống điện toán này đã rời công ty".
    "Tôi biết. Tôi biết".
    Bà chứng tỏ bà đã hiểu sự việc. Cũng như hiểu tất cả nỗi khó khăn của người thuộc cấp. Giọng nói của bà đầy thông cảm. Việc một người chỉ huy cao cấp như bà, người đứng đầu của bộ phận IT, đêm nay, đang thức cùng người thuộc cấp, hiểu và thông cảm, đã làm lòng ông ấm lại.
    Trong đêm về sáng, dưới ánh đèn nhiều nến, một mình ông soi bóng trước chiếc máy computer. Ông tập trung trí não, moi hết kiến thức, gỡ rối từng nút một. Tại sao? Tại sao? Ông kiên nhẫn mò mẫm. Những chương trình chằng chịt. Ông test từng dòng, từng phần, từng chương trình. Mắt ông mờ. Ðến hai giờ sáng thì tia sáng mới loé. Cái gút đầu tiên được gỡ. Ông muốn hét lớn, là ông đã thấy được ánh sáng rồi. Ông đã thắng rồi. Ông đã sắp chiếm được mục tiêu rồi.
    Ông say sưa nhìn kết quả. Cuối cùng ta tìm mi, dẫu mi có chạy đàng trời ta cũng kiếm được mi.
    Ông lại kiểm chứng thêm một lần nữa. Những con số hiền lành tuân phục hiện ra trên màn ảnh. Những gì mà ông chờ đợi như phép lạ bây giờ thật sự xuất hiện. Lòng ông cũng lâng lâng. Bây giờ ông có cảm tưởng như một vị tướng thắng trận. Còn hơn thế nữa. Bởi vì vị tướng kia còn có quân, còn ông thì đơn độc một mình.
    Ông bà tổ tiên ông dạy răn làm người phải tập tính khiêm nhường. Nhưng lúc này ông nghĩ là ông có quyền kiêu hãnh. Chính nhờ ông, phải, nhờ ông, đêm nay, hệ thống lại trở lại bình thường, các người trong bộ phận IT sẽ thở phào, và sếp Bob ngày mai sẽ tha hồ kể công. Họ làm sao biết trong đêm về sáng, chỉ có một căn phòng còn để đèn sáng giữa một ngôi lầu tắt đèn, có một kẻ chiến đấu cô đơn.
    Thật vậy, từ ngày qua Mỹ, ông đã phải chiến đấu thật lẻ loi, đến trường, mang theo một con tim rướm máu. Quê hương mất, ngôn ngữ cũng mất, bạn bè đồng đội cũng mất. Sách vở ngàn vạn trang nhưng không phải đầy những dòng kiến thức mà đôi khi đầy nỗi buồn của một người tị nạn. Rồi ra trường được một hãng có tầm cỡ mướn, ông lại càng cô đơn hơn. Người cựu chiến binh với ba lần bị thương trận ấy, cũng có một tiểu đội nhưng gồm Ấn Độ, Tàu, Mỹ trắng, Mỹ đen, mà mỗi đứa là một cù lao. Ông nhớ có lần ông gây sự với thằng Smith, trưởng nhóm của ông khi nó hỏi ông giết bao nhiêu người rồi. Ông nhớ lại thằng Mike, dốt hơn ai, nhưng cứ chứng tỏ là mình giỏi, chuyên môn lấy điểm cấp trên. Trong cõi người ấy, ông phải âm thầm chiến đấu để sống còn. Không biết phải tìm cách biết. Không hiểu phải tìm cách hiểu. Phải chứng tỏ cùng chúng là dân tộc ông không dốt, và cũng không hèn. Ông đã bỏ tiền bạc để mua sách vở đọc thêm. Ông đã đến trường để tiếp tục con đường học vấn. Ðêm đêm ông đã nán ở lại trong thư viện hãng cho đến khuya để nghiền ngẫm nghiên cứu. Bóng ông cùng với bóng chiếc đèn bàn, và những trang sách dưới cặp mắt mỏi. Phải chiến đấu. Niềm tự ái dân tộc cùng chất lính tráng trong máu là hai yếu tố giúp ông tiến lên, vượt qua những thử thách.
    Bây giờ toán (team) cũ đã tan tác, chẳng có gì để mà luyến tiếc. Thêm một toán mới lại bắt đầu.
    Trong đời làm công của ông, ông đã tham dự bao nhiêu toán như thế. Nhưng có ai để ông còn mang theo một hình ảnh mà gìn giữ ? mà bồi hồi, mà yêu dấu ?
    Không có ai cả. Những người làm việc chung, có người quá lâu hơn mười năm, nhưng cuối cùng, có ai mang theo bên mình những người bạn một thời để mà gìn giữ. Hay chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt bên đời.
    Ông gọi cho bà Monica báo tin mừng.
    Ở đầu dây, bà Monica reo lên:
    "Congratulation. You are a super hero!"
    Không biết bà có xem ông là anh hùng siêu đẳng hay không. Xứ này người ta khen tụng nhau quá mức. You are great. You are wonderful. I owe you a lunch! Thanks one million. Nhưng thực tế lại là chuyện khác. Có phải vậy không ?
    Có điều, ông cảm thấy mình đã trút một gánh nặng như khối đá nặng ngàn cân.
    *
    Hôm nay Bob dẫn một tay IT mới vừa tuyển đến phòng ông Nguyễn để giới thiệu nhân viên mới. Ðây là Alex. Một thành viên mới của toán chúng ta. Ông Nguyễn bắt tay Alex chào mừng.
    Bob nói tiếp:
    "Alex có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Hy vọng Alex sẽ giúp chúng ta rất nhiều".
    Alex 27 tuổi, nguời gốc Nga. Có vợ Mỹ. Qua Mỹ theo diện di dân. Cả thân hình nó phốp pháp, tròn trịa, gương mặt đầy thịt và phảng phất nét trẻ con. Ðôi mắt híp lại. Môi mỏng. Không thể ngờ là nó đã có hai đứa con. Nhìn mặt cứ tưởng nó vào khoảng 22, 23 tuổi là cùng.
    Nó được tuyển chọn như là một chuyên viên với ngạch senior. Ông Nguyễn mừng thầm. Ít ra trong buổi giao thời này, sự có mặt của một IT nhiều kinh nghiệm là điều rất cần thiết.
    Thú thật, ông Nguyễn rất có thành kiến với những tay gốc Nga mà ông làm việc chung. Trước đây, ông đã chung đụng với một tay Nga khi ông được giao nhiệm vụ test lại những chương trình của những người trong nhóm development. Tay Nga này ăn nói rất hay, miệng lưỡi rất ngọt. Khi nghe hắn nói thì cứ tưởng hắn là một chuyên viên giàu kinh nghiệm chuyên môn, rộng rãi kiến thức. Nhưng thật ra, nói là một chuyện, mà làm lại là một chuyện khác. Ít khi những chương trình hắn viết đạt được yêu cầu hay mục đích mong muốn. Và mỗi lần ông gặp hắn để chỉ cho hắn xem kết quả sai trái ấy, là hắn lại năn nỉ ông đừng báo cáo lên cấp trên, để hắn sửa chữa lại. Tính tình của tay Nga này thật kỳ lạ. Không hiểu trái tim của hắn thế nào chứ cửa miệng thì luôn luôn chất chứa nọc độc và những điều xấu xa đê tiện. Luôn luôn nhắc chuyện ******** và tự hào hắn là một cao thủ.
    *
    Ngày đầu tiên, Alex đã gặp ông, như thể chứng tỏ hắn am tường mọi chuyện:
    "Ông có lưu những chương trình của ông hay không. Ông cần tôi giúp gì không ?"
    Qua câu hỏi, ông Nguyễn biết là hắn không biết gì về nhiệm vụ căn bản của một bộ phận điện toán. Programmer, operator, administrator v.v...
    Người Programmer không làm nhiệm vụ sao lưu (backup). Nhiệm vụ này được thực hiện tự động bởi hệ thống hay operator... Ông nói:
    "Tao cần mày giúp tao lôi lại những chương trình bị mất vào ngày hôm qua".
    Nhưng ông đợi hoài mà không thấy kết quả. Hắn lơ. Ông gọi điện thoại, giục. Hắn xin lỗi. Ông lại đợi. Không thấy nó trả lời. Ông điên tức. Ông rủa thầm, lại thêm một thằng đểu giả.
    Sự có mặt của Alex là cả một tai họa. Hệ thống lại một phen ngưng hoạt động. Lại một phen Bob bị xài xể. Trời ơi, không hiểu Bob đã dùng tiêu chuẩn nào để chọn người. Thường thường trong một hãng lớn, công việc phỏng vấn phải cần hai hoặc ba chuyên viên có kinh nghiệm, phải dựa theo những điều chỉ dẫn đã soạn sẵn, chú trọng vào kinh nghiệm, tác phong, sự ứng xử. Nếu một người trong bọn không đồng ý thì coi như ứng viên không được chọn. Ðiều này chứng tỏ sự chọn người rất cẩn trọng.
    Nhưng ở đây, tiêu chuẩn này đã không còn được áp dụng. Hay tại quen biết. Hay là những hàng chữ đánh bóng quảng cáo trên tờ resumé?
    Phải. Có ai dám khẳng định một trăm tờ resumé là một trăm tờ khai nói thật thà hay không. Ai cũng biết là không, nhưng họ vẫn xem tờ resumé như một bản văn căn bản để lựa người. Người ta đọc vào, và sẽ hỏi câu hỏi.
    Rồi đến vai trò của cái lưỡi. Nó giữ phần hành quan trọng nhất mà người ta đòi hỏi: Communication. Nói. Tán. Ca mình. Bốc lấy mình. Một nói thành một trăm. Chao ơi, cái lưỡi. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Ðúng quá đi.
    Phải cái lưỡi. Chính cái lưỡi đã làm những kẻ gốc thiểu số đến từ các phương trời khác phải chịu phần thua lỗ. Vì English của mày là English chắp vá. Là English for second language. Là accent English. Là loại English tồi... Cái lưỡi đã làm một đàng dễ dàng cắm cờ vinh quang và một đàng làm chết bỏ... Nếu có tranh được là tranh sự cam khổ, là sự khó khăn, và những lời cám ơn phù phiếm quá đáng như : Great. You are so great, so wonderful. I owe you a lunch... Thanks one million...
    Còn phần thưởng thì dành cho kẻ khác.
    Thôi, đành chịu vậy.
    Thân phận của người nhờ cậy tình thương của nước Mỹ. Ðược gia nhập vào hàng ngũ này quả là quá may mắn rồi. Còn đòi hỏi gì nữa. Có phải vậy không ?
    *
  10. Pho_vang_buon_lam

    Pho_vang_buon_lam Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    345
    Đã được thích:
    19
    Alex đã lộ nguyên hình. Lại thêm một lần chứng tỏ tiếng nói hay resumé chỉ che đậy bên trong những điều đôi khi khoác lác, một nói thành mười. Hậu qua là hắn bị xuống chức. Từ bậc 8 hắn bị giáng xuống 7. Và ít hôm sau, lại bị hạ xuống bậc 6, tức là bậc dành cho tên lính IT cấp bậc thấp nhất. Dù vậy, người ta vẫn còn nghĩ tình với hắn, không nỡ đuổi. Ít lâu sau, Alex tự động bỏ việc. Không hiểu hắn đi đâu.
    Còn Bob cũng bị gạt ra ngoài chức vụ chỉ huy. Lão bị những người trong nhóm kêu ca khiếu nại, về vấn đề thăng thưởng không công bằng. Và chuyện lão mướn thằng Alex như ngòi thuốc nổ châm vào những kẻ thuộc quyền. Bà Monica đã được báo cáo. Một nguời manager khác đến thay Bob. Ông ta coi một nhóm đông đảo gồm hai tiểu bang New Jersey và Kansas. Thỉnh thoảng ông ghé ngôi lầu vài ngày để làm việc với nhân viên tại chỗ. Còn những ngày khác, ông làm việc với họ qua điện thoại, điện thư hay videoconference.
    Bây giờ công ty khuyến khích nhân viên làm việc tại gia. Tức là home office. Kẻ làm công được phát computer và modem, và bắt thêm một đường dây điện thoại.
    Công ty sẽ tiết kiệm tiền thuê, mướn phòng ốc, tiền điện nước, hay tiền bảo trì, dọn dẹp vệ sinh... Còn kẻ làm công thì được dịp săn sóc nhà cửa coi sóc con cái. Cả hai đều có lợi. Có phải vậy không?
    Buổi giao thời đã khiến công việc của ông Nguyễn trở nên bận rộn hơn bao giờ. Ông được phong là toán trưởng, dù toán chỉ có một mình ông và Ed - một tay Mỹ trắng chuyên trách về production support của hệ thống DPICS trong khi trước đây ít nhất là 5 người phụ trách. Ed làm việc tại nhà, ở tận Arizona. Trong khi ông làm việc tại New Jersey. Chiếc xe chạy lại bình thường. Càng ngày càng ít thấy lời than phiền hay thắc mắc của khách hàng. Biển trở lại lặng yên sau những ngày nổi sóng.
    Người đồng hương
    Khi vừa bước ra khỏi thang máy, ông thấy cô. Ông thấy cô hiu hắt buồn so. Ðôi mắt cô đỏ hoe. Có lẽ cô đã khóc. Ông hoảng. Không biết cô ra sao. Ông đến bên cô hỏi: Cháu có chuyện gì ? Cô ngước đôi mắt ràn rụa: Cháu không có chuyện gì hết. Ông cầm lấy tay cô, xiết chặt. Ở đây chỉ có chú và cháu. Cháu cứ nói đi. Có gì không. Cháu có cần chú giúp đỡ gì không? Cô bật khóc. Rồi cô mếu máo: Con Madi nó làm nhục cháu. Cháu muốn nghỉ việc, chú ơi.
    Lòng ông đau xót đứt đoạn. Bởi ông cũng đã trải qua những gì mà cô đang trải qua bây giờ. Ông đã hiểu rõ thế nào là những giọt lệ mà cô đang nhỏ xuống. Ông cũng đã hiểu được thế nào là nỗi cô đơn của một người bị hắt hủi, bị tủi nhục giữa chợ người. Ðó là những thử thách cay đắng nhất của một kẻ mất đất nước quê hương, tiếng nói. Ðối với một người đàn ông chai sạn như ông, ông còn cảm thấy đau, huống gì đối với một người phụ nữ như cô. Ông nhớ đến cái nhún vai của con Tina, hay cái nhíu mày của con nhỏ gốc Tàu mang tên Mỹ Christine... Ông nhớ đến những thử thách đầu tiên khi ông từ giã trường đại học để bước vào đời. Cũng những giọt lệ thấm lạnh cõi lòng, cũng là những phẫn nộ, và ý nghĩ bỏ cuộc như cô bây giờ. Ông ước bây giờ ông sẽ ôm lấy cô, che chở cô, thầm thì cùng cô, dịu dàng an ủi cô. Ông muốn để nước mắt của cô thấm lạnh má của ông. Nơi cõi người, mênh mông vô cùng, xa lạ vô cùng, đâu phải dễ dàng tìm được một niềm cảm thông của hai kẻ đồng hương. Ông cảm thấy thương hại cô. Tại sao cô lại khóc ngất, đôi vai cô bật run. Tại sao cô lại đứng một mình thui thủi ở một xó góc. Nói với ai, tâm sự với ai để trút hết nỗi lòng. Ông đề nghị ra ngoài sân. Cô gật đầu đồng ý. Hai người bước trên lối sỏi, hai bên là những bụi hoa huệ vàng, hoa cẩm chướng màu đỏ tím. Cô bắt đầu kể lể:
    ?oSáng nay cháu hỏi con Madi về việc làm, nó cau mày: Mày hỏi nhiều quá. Tao không muốn trả lời nữa. Hãy ráng mà tìm hiểu lấy. Nhưng chú biết, cháu không biết cháu phải hỏi. Nếu cháu biết thì cháu hỏi nó làm gì.?
    ?oCháu biết tại sao không. Nó nghĩ cháu đến để cướp nồi cơm của nó. Nó muốn chứng tỏ sự có mặt của nó là cần thiết. Người ta phải cần nó...?
    "Nhưng đó là lệnh của cấp trên.?
    "Ðành rằng vậy. Nhưng đối với nó, việc ấy là một sỉ nhục. Cháu nghĩ lại xem: Một công việc từ lâu nó bỏ vào đấy bao nhiêu công lao, tự nhiên một ngày có một kẻ đến bảo, mày hãy bàn giao việc lại cho tao. Nhưng trước khi bàn giao, mày hãy huấn luyện tao để tao làm quen với công việc. Con Madi là một con rất ngang ngạnh. Chú làm việc chung với nó rất lâu, chú biết rõ tính tình của nó.?
    ?oCháu cũng biết vậy. Nhưng cháu không còn cách gì hơn.?
    ?oCháu là người mới, cháu chưa biết. Có những điều mình không thể ngờ mà chúng lại đến. Nếu không can đảm phấn đấu, mình sẽ bỏ cuộc. Trước đây có bà Lisa cũng gặp trường hợp như cháu bây giờ. Cháu muốn nghe không... Chú sẽ kể lại để cháu hiểu thế nào là sự thật về một tập thể mà xã hội này phong là "cổ trắng"...?
    Ông nói với cô như một kẻ đi trước có kinh nghiệm. Nước mắt của cô cũng là những cay đắng chua chát mà ông đã nếm phải trước đây.
    Phải, trước đây, ông còn gặp những khó khăn bội phần mà cô đã gặp. Khó khăn vì tuổi tác. Khó khăn vì không phải riêng gặp một người như Madi, mà còn nhiều người như Madi. Ông bước vào trong thế giới gọi là "chuyên nghiệp", "cổ trắng" cô đơn lắm. Ngày ấy, ông không có ai để cầu cứu khi ông có một vấn đề, hay gặp phải một vấn nạn nghề nghiệp. Lần đầu tiên hỏi họ, họ sẽ niềm nở chỉ dẫn tận tình. Lần thứ hai thì họ bắt đầu trả lời nhát gừng. Lần thứ ba thì gương mặt họ sa sầm xuống. Rồi họ sẽ bảo nhau tại sao boss lại đi mướn một kẻ chỉ biết hỏi...
    Chú hiểu lắm. Cháu muốn công việc được giải quyết mau chóng. Cháu muốn chu toàn trách nhiệm mà cấp trên giao phó. Cháu sợ bị mất việc làm.
    Tiếng chim hót líu lo. Nắng thắm vàng trên lối đi. Cô cúi đầu không nói. Xem chừng cô đã nghe lời khuyên của ông. Cô vuốt lại những sợi tóc bay xõa trên vầng trán.
    Trời nắng. Bóng hai người soi trên lối đi. Tôi sẽ giúp em. Sẽ giúp cô. Nơi này thật xa lạ với chúng ta. Không phải là chỗ để chúng ta có mặt như những người bản xứ. Nơi này là bãi chiến trường. Chúng ta phải chiến đấu và phải chiến thắng.
    Cô bước đi bên ông, bé nhỏ để ông phải tha thiết cùng trái tim mình. Cháu ơi, cháu đừng buồn. Nơi này, bông hoa Ðông phương rất quí hiếm. Bông hoa Việt Nam lại càng quí hiếm hơn bội phần. Nơi này, khó lắm để thấy lại một hình bóng của Huế Sài Gòn Cần Thơ, của em tan trường về của em đội nón lá của em đến thăm anh một chiều mưa của mưa Sai gon và mưa Thủ Ðức... của trăm ngàn ngày vạn ức ngày mờ mịt tuyết giá lạnh lẽo cành khô cổ thụ chim trời đã bỏ mà bay về phương Nam. Nơi này cả một ngôi lầu rộng lớn mênh mông, toàn là mắt xanh da trắng, thỉnh thoảng lạc loài da đen da vàng... Nơi này tôi đã nương tựa cho qua thời cơm áo, mà cửa phòng nhốt tôi cùng lũi lầm thui thủi, tôi nhìn tôi, mà ô hay tôi là Mỹ hay là Việt Nam... Nơi này khó lắm để cùng nhau ngồi chung một buổi ăn trưa, để chia xẻ cho nhau bao nhiêu chuyện về Việt Nam trong khi ở dưới kia, bên kia rừng thưa là xa lộ dập dìu xe cộ... Và tiếng Việt trơn tru, thả dàn, bất tận, no nê, không uốn lưỡi, không ngậm răng, không tìm chữ, không you, he, she, I... Chú ơi, chú nè, cháu ơi, cháu nè, đôi bạn già trẻ như hai cái bóng âm thầm. Cám ơn cháu, cám ơn cô. Cô như con chim tự đâu bay lại đậu trong ngôi lầu tám tầng. Cô hót líu lo. Chỉ cho tôi nghe. Và tôi thầm thì, to nhỏ, để cô vui giữa cõi đời hung hiểm.
    Thôi đừng buồn nữa. Có gì thì hãy tìm chú.
    Tìm tôi. Tìm trái tim tìm nước mắt tìm ngày tháng hiu quạnh hắt hiu.
    Tìm nhau để nương tựa, chia xẻ nỗi vui nỗi buồn.
    Tìm nhau, tha thiết không phải mười ngón đan nhau, mà tấm lòng đau như nhau.
    Gió lạnh. Cô run. Mùa xuân vẫn còn lạnh. Thôi chúng ta vào đi. Hai người cùng vào lại thang máy. Lầu năm. Ðừng buồn. Chú sẽ cố gắng. Có gì hãy gọi chú.
    Cám ơn chú.
    Toán
    Chúng ta là một đội. Ðội giữ vai trò quan trọng đến nỗi trong các bản tự kiểm hàng năm, ai cũng phải tự hỏi và tự trả lời. Từ ông CEO lương mấy triệu đô la, đến tay làm công lương mấy chục ngàn. Vẫn là những câu hỏi và trả lời. Có sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp khi họ cần ngươi hay không. Có tôn trọng văn hoá tập quán phong tục của đồng nghiệp hay không. Có xem toán như gia đình hay không.
    Năm nào ông Nguyễn cũng làm chừng ấy bài tự kiểm. Năm trước để dành cho năm sau. Lôi ra dùng lại khoẻ ru. Như bản tự kiểm trong trại cải tạo mà ông đã làm. Chừng nấy hàng khai báo, bắt bao nhiêu con gà, heo, giết bao nhiêu bò trâu của nhân dân, càn bao nhiêu làng xóm. Thành thật ăn năn hối cải để sớm về sum họp với gia đình. Dù hai hoàn cảnh khác biệt, nhưng những trang tự kiểm vẫn là nhìn vào cá nhân tự mình đánh giá. Nhưng những trang tự kiểm hôm qua soi lấy thân phận của kẻ bại trận. Trái lại những trang hôm nay là mang theo tiền thưởng, tiền lương tăng bao nhiêu phần trăm. Mười mấy năm như vậy, ông đã làm chừng nấy bản tự kiểm. Và năm nào sếp lúc cũng luôn luôn nói You are the valuable asset of our company. Thanks for your contribution to our company trong buổi sếp gọi ông đến phòng cho biết lương tiền, bonus thăng thưởng hằng năm. Rồi sếp hỏi câu hỏi cuối cùng:
    "Ông có ý kiến hay câu hỏi gì không?"
    "Không".
    Ông trả lời không. Bởi vì ông cảm thấy đời ông đã quá đầy đủ. Ông may mắn hơn rất nhiều người, những bạn bè, những người thân, và những người cùng một thế hệ. Ðược sống ở đất nước này quả là một điều may mắn. Và chen chân vào thế giới gọi là chuyên viên hay cổ trắng thì càng may mắn hơn. Bởi vậy, ông không màng nhìn lên hay nhìn quanh, không khiếu nại hay thắc mắc. Mặc nàng Elizabeth, làm sau ông, nguyên là kẻ được ông huấn luyện và hướng dẫn, đã được thăng lên trước ông một bậc. Mặc thằng Mike được bổ nhiệm làm manager. Mặc những xầm xì to nhỏ xung quanh về những vụ lên quan lên chức. Mặc có kẻ đến nhắc ông tại sao lại không khiếu nại. Ông chỉ nói cám ơn nhưng trong lòng ông, ông gởi lời cám ơn lên một Ðấng quyền năng đã cho ông quá nhiều ân điển. Ông cũng giật mình khi nhớ lại những bạn bè của ông nằm dưới chân ông, trong những tư thế khác nhau. Ðứa nằm ngửa, đứa nằm sấp, đứa chồm lên, đứa thanh thản như nằm nhìn mây trời. Ông giật mình tại sao ông lại còn sống sót. Ông giật mình giữa đêm hôm khi ông thấy lại những con sóng lớn lù lù tiến về phía ông. Ông giật mình khi tình cờ rờ lại vết sẹo trên ngực. Ông giật mình, đói, trời ơi, cái đói hành khiến ông quên cả nhơ bẩn, vồ chụp bát cơm chó ở bên nền nhà của trung đoàn E10 Bắc Việt khi ông làm thân trâu ngựa. Giật mình và rồi cảm tạ. Càng giật mình ông càng cảm tạ bổng lộc của Trời.
    Phải, quá nhiều ân điển bổng lộc ban xuống ông và gia đình ông. Từ dưới đáy vực, ông không bao giờ mơ tưởng đến một ngày có mặt cùng những người bản xứ, chia xẻ với họ nỗi vui nỗi buồn, làm việc chung với họ, đóng góp kiến thức của mình vào công việc chung. Từ một cõi lầm than của một tên ra khỏi trại cải tạo, chiếc chuông đồng leng keng cùng với thùng cà rem xuôi ngược, trời nắng cũng như trời mưa, hôm nay ông đã khoác vào bộ áo quần chỉnh tề, cà vạt áo vét, giày da, để trở thành một con người khác. Rồi tự do, cơm áo, tương lai, ông đang được hưởng, gia đình ông, con cháu ông đang được hưởng. Quá dư dật. Quá tràn trề. Nhiều khi hai vợ chồng ông lái xe giữa lòng đất người, hai bên là rừng hoa, rừng lá, vợ ông tự dưng nhắm mắt. Nàng cảm tạ Ơn Trên. Và tự dưng lòng ông như mềm yếu lại. Ông nói với vợ ông: Mình không ngờ một ngày ở xứ này. Kỳ diệu. Thật kỳ diệu. Ơn Trên đã cho chúng ta nhiều quá.
    Elizabeth, chúc mừng cô nhé. Cô lên chức, nhưng cô là một người đồng nghiệp tốt lòng. Cô giục tôi khiếu nại. Nghe tôi, Tan: Phải khiếu nại.. Ngày xưa lão Mike ngâm bọn mình. Bây giờ lão ấy đã đi rồi. Thú thật với Tan, nhờ tôi khiếu nại mà ông Alan mới mở hồ sơ... Nhớ khiếu nại nhé.
    Nàng Elizabeth đã thương tình giục ông khiếu nại lên cấp trên.
    "Cám ơn Elizabeth. Nhưng thú thật, tôi không cần. Lên chức, lên phận cũng vậy mà thôi. Tôi nghĩ tôi đã có quá nhiều rồi. Cô biết trại tù ở Việt Nam không. Ðói. Ðói mà phải làm, làm chết bỏ. Làm như con trâu con ngựa. Khi ấy tôi thèm, thèm đến chảy nước miếng. Một miếng thịt nhỏ, một cục đường, một lát mỡ. Cô biết tôi còn mơ gì không? Thở. Ðủ rồi. Bây giờ, tôi đã có tất cả... Tôi không cần mơ gì khác."
    "Nhưng ông xứng đáng".
    "Tôi chỉ làm nhiệm vụ của tôi".
    "Tôi luôn luôn nhớ đến ơn ông. Khi tôi là một sinh viên thực tập, ông đã hướng dẫn tôi".
    "Tôi phải cám ơn cô, Elizabeth. Ít ra, cô còn biết được điều đó giữa lúc người ta quay mặt".
    [1]consultant: chuyên viên đặc biệt làm việc trên căn bản hợp đồng
    [2]IT: Chữ tắt của Information Technologies - Kỹ thuật Tin Học hay ngành Tin Học
    [3]language: ngôn ngữ điện toán
    Nguồn: Thư Ấn Quán xuất bản, 2003. Địa chỉ liên lạc: PO Box 58 South Bound Brook NJ 08880 USA, http://thuanquan.com, tranhoaithu@verizon.net

Chia sẻ trang này