1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Con cái chúng ta giỏi thật! Aziz Nesin

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi despi, 22/02/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hãy yêu nước
     
    Ankara 14.1.1964
    Acmét thân mến,
    Bạn hỏi tôi hè này có về Istanbun chơi không ư ? Vì chưa làm đủ thời gian ở nhà máy mới nên ba tôi chưa có quyền nghỉ phép năm. Ba tôi muốn cho mẹ tôi và mấy chị em vẫn về Istanbun nghỉ hè độ một tháng. Nhưng cũng không có gì chắc chắn đâu, vì mẹ tôi chưa quyết định gì cả. Mẹ tôi chẳng muốn chúng tôi đi đâu lại thiếu ba cùng đi. Ba tôi sẽ xoay sở ra sao với việc ăn uống, giặt giũ nếu ông ở nhà một mình ? ... Nếu cuối cùng mẹ tôi vẫn quyết định cho chúng tôi về Istanbun thì chúng tôi sẽ ở nhà cô tôi. Và tất nhiên khi đó tôi sẽ đến thăm bạn và các bạn cũ khác.
    Mấy hôm trước tôi đã làm một chuyện động trời. Tôi không thể nào không kể trò nghịch ngợm này cho bạn được. Mentin cũng biết khá rõ câu chuyện, vì nó gần như một đồ đệ, luôn theo sát tôi mà. Thôi, tôi kể nhé!
    Chủ nhật trước, chúng tôi về chơi nhà ông bà nội. Ông bà ở một khu cách nhà tôi khá xa. Ông tôi cao tuổi nên không thể ở nhà quá cao với nhiều bậc thang. Sau khi tìm mãi mà không được chỗ nào vừa ý ở tầng trệt, ông bà tôi đến ở một căn hộ lầu một. Nơi đó, tuy phải leo thang một chút nhưng được cái thoáng mát và sạch sẽ. Bà tôi hay nói như thế với ba mẹ tôi. Lên nhà ông bà tôi phải leo mười tám bậc thang. Tôi không đếm đâu nhé, thế mà vẫn biết rất rõ, vì ông nội tôi thường nói với mọi người : " Tôi vẫn trèo được mười tám bậc thang mà chưa thấy mệt. Dấu hiệu của sức khỏe còn tốt đây" . Bạn sẽ rõ tại sao tôi phải nói tỉ mỉ về cái cầu thang như thế. May mà ông bà tôi không ở mấy tầng cao hơn nữa. Nếu thế thì thế nào các báo cũng có dịp viết về một tai họa lớn xảy ra ở nhà ông bà tôi hôm chủ nhật.
    Chị tôi ở nhà vì phải tiếp các bạn đến chơi. Từ sáng sớm, ba mẹ tôi, Mentin và tôi đã đáp xe buýt đến nhà ông bà nội. Bà tôi chuẩn bị cho chúng tôi bao nhiêu là thức ăn và các loại bánh kẹo rất ngon ... Dùng bữa trưa xong, theo thường lệ, ông nội và ba tôi hay ngồi nói chuyện bên tách cà phê. Tôi cũng sán đến gần, vì tôi rất thích nghe ông nội và ba tôi nói chuyện chính trị. Trong phòng khách không có ai khác ngoài ba chúng tôi. Tôi giả bộ xem báo, nhưng thực tình để hoàn toàn tâm trí vào cuộc nói chuyện của người lớn.
    Ông nội tôi mê tình hình chính trị lắm. Cứ lúc nào có hai người, ông và ba tôi, là y như rằng ông bàn đến tình hình đất nước. Sau bữa ăn và có tách cà phê thì ba tôi không thể thoát khỏi một cuộc thẩm vấn về các vấn đề trọng đại của đất nước và cả thế giới. Duy chỉ có một điều là bao giờ cũng xảy ra chuyện tức cười và chính cái đó hấp dẫn tôi... Nội tôi rất hay ngủ gật. Có khi mới cầm đến tách cà phê, ông nội tôi đã chuẩn bị ngủ rồi. Tuy nhiên trước khi ngáy, ông tôi vẫn còn kịp hỏi ba tôi một câu chính trị nào đó. Ba tôi chưa kịp trả lời gì thì ông tôi đã ngủ rồi. Thấy vậy, ba tôi im lặng nhưng vẫn ngồi tại chỗ. Bởi vì ông nội gục thật đấy, nhưng chợt choàng tỉnh rất nhanh, có khi vì chính tiếng ngáy của ông thôi.
    Dậy một cái là ông hỏi ngay ba tôi:
    - Ờ, mà sau đó thì sao?
    Nếu không có mặt ba tôi tại đó là ông nội tôi giận dỗi, vì thế, dù ông có ngủ gà ngủ gật, ba tôi cũng không dám ra khỏi phòng khách. Mỗi lần choàng tỉnh dậy, ông tôi lại hỏi:
    - Chúng ta đang nói đến đâu rồi?
    Ba tôi phải nhớ thật chính xác câu chuyện đang dừng ở chỗ nào để trả lời cho được. Có khi nội tôi phản đối khi ba trả lời xong :
    - Không, không phải chỗ đó ... Ba đang nói chuyện khác kia! Chúng ta đang nói về việc gì nhỉ ? - Ông tôi muốn biết chính xác cơ.
    Vì vậy, đôi khi hai người tranh luận sôi nổi. Còn tôi thì rất khoái chí, vì các cuộc nói chuyện kiểu đó rất buồn cười. Ba tôi có lẽ chẳng thích thú gì lắm nhưng phải chiều ý ông nội tôi.
    - Này, sao nữa ?
    Ba tôi lại tiếp tục câu chuyện đang nói dở chừng, nhưng chưa được hai câu thì ông tôi lại ngủ ... Cứ như vậy hàng tiếng đồng hồ. Sau đó hoặc ông nội tôi tỉnh ngủ hẳn để thảo luận chính trị sôi nổi hoặc ông dựa đầu vào thành ghế và ngủ thẳng một mạch. Ông tôi thường gọi giấc ngủ gà ngủ gật là một chút nghỉ ngơi. Ngay cả lúc ngủ say, đôi khi ông tôi vẫn như thức và bảo ba tôi :
    - Con cứ nói tiếp đi, ba nghe ...
    Thật là không thể nào chịu đựng được, nhưng ba tôi vẫn kiên nhẫn chiều theo, vì ba rất kính trọng ông nội. Bạn không biết chứ ba tôi có lúc đã từng là sĩ quan trong đơn vị của ông nội tôi đấy. Chẳng có gì là lạ, khi đã về hưu khá lâu rồi, ông vẫn được mọi người kính nể như lúc còn là đại tá đương nhiệm.
    Chủ nhật vừa rồi, ăn trưa xong, mỗi người trong một chiếc ghế bành đối diện nhau, ba tôi và ông nội vừa uống cà phê vừa bàn luận đủ chuyện. Bắt đầu, ông nội tôi đặt câu hỏi :
    - Có gì mới không ? Anh thấy tình hình đất nước ra sao ?
    Ba tôi định trả lời thì ông tôi đã ngáy khò khò. Sau một cái gật đầu mạnh xuống ngực, ông choàng tỉnh dậy và hỏi ba tôi tiếp :
    - Thế cũng được. Vậy trong tình hình đó thì người Đức sẽ phản ứng ra sao ?
    Từ nãy, trong câu chuyện có nói gì đến người Đức đâu nhỉ ? Nhưng ba tôi lại nói tiếp rất lịch sự như câu chuyện từ nãy vẫn nói về người Đức vậy.
    - Vâng, vâng, người Đức đã phát triển rất nhanh ba ạ! Bởi vì họ ...
    Nhưng ba tôi chưa kịp nói cho hết câu thì nội tôi đã ngủ rồi. Ba tôi im lặng và xem báo tiếp. Tự nhiên ông tôi giật mình tỉnh giấc :
    - Con nói sao ? Người Mỹ sẽ làm gì trong tình huống đó ?
    Tôi giấu mình sau tờ báo, cố nín cười. Còn ba tôi thì lại nói chuyện rất nghiêm chỉnh :
    - Người Mỹ ấy à ? Ba xem, quân đội Mỹ rất ...
    Hai người cứ như thế mà tiếp tục câu chuyện. Ông tôi có lúc nhắc đến tên một nhà lãnh đạo quốc gia nào đó mà bạn chẳng biết ở xứ nào nữa ...
    - Thế còn Giáo hoàng thì sao ? Cần phải lưu tâm đến ý kiến của cả Giáo hoàng nữa đấy.
    - Giáo hoàng ấy à ... Ba phải biết là mọi người đều cho rằng Giáo hoàng ...
    Sau đó, hình như ông nội tôi không buồn ngủ nữa. Hai người tranh luận sôi nổi về tương lai phát triển của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nội cho rằng nước Thổ sẽ phát triển dựa trên công cuộc xuất khẩu mạnh mẽ các sản phẩm công nghiệp. Ông tôi nói nhiều lắm, có lúc người nổi cáu thật sự :
    - Nhưng không thể làm như ta đã làm trong việc xuất khẩu ốc sên ... anh biết ốc sên chứ ... ốc sên ...
    Ông nội nhắc lại vài lần chữ ốc sên và lại thiếp đi. Ba tôi với lấy tờ báo định đọc tiếp thì ... Hấp! Ông tôi lại thức dậy rồi :
    - Chúng ta đang nói về gì nhỉ ?
    - Về ốc sên ba ạ.
    - Ốc sên nào ?
    - Ốc sên của ta ấy ... loại để xuất khẩu ...
    - À, à ... chúng ta đang nói về xuất khẩu ốc sên ... Đúng, chúng ta không thể phát triển kinh tế chỉ dựa vào nguồn xuất khẩu ốc sên mà thôi. Cần phải tìm thêm các sản phẩm khác để xuất khẩu ... thuốc lá, bông ... đậu phọng ... lương thực ... Đó là những sản phẩm truyền thống của ta ...
    Và ông lại ngủ gật. Lúc tỉnh dậy, ông nói :
    - Chúng ta dừng lại ở đâu nhỉ ?
    - Ba đang nói về các sản phẩm truyền thống ...
    Giữa lúc đó có người bấm chuông ngoài cửa. Tôi chạy ra mở và thấy một ông đứng tuổi, ăn mặc lịch sự. Ông ấy hỏi nội tôi. Tôi thưa là nội có nhà và chạy vào báo cho nội biết có khách. Ông tôi ra cửa, vồn vã chào người mới đến :
    - Xin mời vào nhà, xin mời ông. Ngọn gió nào đưa ông tới nhà chúng tôi thế?
    Ông khách đưa cho tôi một hộp kẹo sô-cô-la rất lớn có buộc dải băng diêm dúa. Mấy người lớn trở vào phòng khách, còn tôi mang hộp kẹo vào cho bà nội. Mentin, sau bữa ăn biến đi đâu mất, lúc này lại thấy xuất hiện cạnh bà tôi. Tôi mở hộp : cả một hộp lớn toàn sô-cô-la bọc hạt dẻ ngọt, là loại kẹo cao cấp rất ngon mà tôi thích vô cùng.
    Tôi ngờ ngợ nhận ra ông khách ngay từ lúc mở cửa, nhưng chưa chắc chắn. Vì thế, sau khi được bà cho ăn kẹo xong, tôi lại trở vào phòng khách, ngồi xa xa một chút để nghe chuyện. Tôi nghĩ mãi không ra đã quen ông khách ấy ở đâu. Chợt nghe tiếng ông nói, tôi nhận ra liền. Bây giờ tôi nói cho bạn biết ông ấy là ai, chắc chắn bạn cũng sẽ nhớ ra ngay thôi. Năm ngoái, nhân dịp Quốc khánh, có một ông nhà báo đến trường mình nói về nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ phải không ? Đó, chính ông nhà báo ấy đến nhà ông tôi chủ nhật vừa qua. Ông ta có một đứa cháu gái học lớp hai ở trường ta đấy mà. Thực ra cũng chỉ vì đứa cháu mà ông ta đến nói chuyện ở trường ta đấy thôi. Đó là một nhà báo nổi tiếng của nước ta đấy nhé! Hôm ấy đến trường, ông hiệu trưởng cứ loanh quanh bên ông ta, tỏ vẻ rất kính trọng. Tôi còn nhớ như in lời hùng biện của ông nhà báo ngày hôm đó " Các em, chúng ta phải yêu nước ! Hãy yêu quý tổ quốc của chúng ta ... Các em phải tìm hiểu thật kỹ đất nước này và yêu nó. Khi lớn lên, các em hãy đến làm việc tại những vùng xa xôi hẻo lánh còn nghèo nàn lạc hậu. Các em nhớ đi đến từng bản làng còn khó khăn, nghèo đói. Hãy làm việc hăng say tại những nơi còn tối tăm, lạc hậu. Nước Cộng hòa của chúng ta trao sứ mệnh vinh quang đó cho các em!" Giọng nói ngọt ngào mà rất hùng tráng của ông ấy còn văng vẳng bên tai tôi : " Chính các em là những sứ giả đem ánh sáng văn minh đến các miền xa xôi, lạc hậu của đất nước, Tại những nơi đó đang cần vốn văn hóa, khoa học của các em" . Nghe ông ta nói, tôi đã cảm động xiết bao.
  2. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Không kìm được, tôi vội nói với khách :
    - Cháu nhận ra ông rồi! Năm ngoái ông đã đến trường cháu ở Istanbun nói chuyện.
    - Đúng rồi, đúng rồi. Tôi có đứa cháu học ở đó.
    Sau đó tôi lảng ra để nghe cái ông có giọng nói ngọt lịm như mật ong nói chuyện. Nhưng Acmét thân mến, nếu bạn biết sau đó ra sao thì ... Tôi đã mất hết cả cảm tình với ông ta. Nguyên do là thế này : Nhà báo nổi tiếng có một người con trai, học xong đại học sư phạm và trở thành nhà giáo. Anh ta được phân công về dạy học ở một làng quê hẻo lánh vùng Anatolia. Người thành phố làm sao mà sống được ở cái vùng chẳng có một tí tiện nghi nào ấy. Hơn nữa anh ta lại mới cưới vợ, một cô gái Mỹ đàng hoàng. Không thể mang người vợ trẻ, đẹp lại là người ngoại quốc đến cái vùng xa xôi hoang dã ấy được. Ông nhà báo đã chạy vạy khắp nơi, nhờ cậy tất cả bạn bè, người quen có chức có quyền và cuối cùng đã chuyển được cho anh con trai về làm việc ở một trường học ở ngay Istanbun. Nhưng trường đó vẫn còn xa nhà quá. Anh con trai đi làm còn khó khăn, vất vả. Thế mà gần ngay nhà ông, cách mấy bước chân lại có mấy trường học rất tốt, đầy đủ tiện nghi ... Vì vậy ông nhà báo lại phải ra tay vận động một lần nữa để anh con trai có thể về một trường nào đó gần nhà. Một người bạn của ông nội tôi có thẩm quyền giải quyết vấn đề, nên vừa đến Ankara, nhà báo vội đến thăm ông nội tôi ngay. Nếu ông nội tôi chỉ nói với ông bạn một câu thôi, công việc coi như chắc chắn là xong. Không biết có thật thế không hay ông ta tâng bốc ông nội tôi để được giúp đỡ. Nghe ông ta nói hết câu chuyện, máu trong người tôi như sôi lên. Biết chắc sẽ bị coi là hỗn láo với người lớn, song tôi vẫn không nhịn được, vội hỏi xen vào giữa câu chuyện.
    - Nhưng thưa ông, thế thì lấy ai đem ánh sáng văn minh đến cho những vùng đất xa xôi hẻo lánh còn lạc hậu của đất nước ạ ?
    Cũng vô tình mà tôi đã nhắc lại câu nói của ông nhà báo hôm đến trường. Hoặc không hiểu, hoặc làm ra vẻ không hiểu, ông ta nói :
    - Cháu bảo gì hả cháu gái ? - Ông ấy nói bằng giọng ngọt ngào như mía lùi.
    Ba tôi nghiêm giọng đuổi tôi ra ngoài :
    - Nào, con đi bưng cà phê lại đây cho ba, nhanh lên!
    Mang cà phê cho ba người xong, tôi đi ra ngoài ngay vì chẳng muốn nghe ông nhà báo nói nữa. Tôi vào nhà tắm xem lại đống quần áo bà tôi đang ngâm, định giặt giúp bà. Tôi chợt nghĩ ra một trò tinh quái. Tôi lấy mấy miếng xà bông vất vào bình nước nóng. Xà bông tan nhanh trong nước thành một chất nhờn nhờn, sền sệt. Không để ai nhìn thấy, tôi rón rén ra khỏi buồng tắm, mang theo bình nước xà bông và đổ lên các bậc thang đi xuống sân. Để khỏi bị ngã, tôi đổ từ từ, từ các bậc thang thấp nhất dần dần lên cao. Tôi dàn đều thứ nước trơn nhẫy ấy ra khắp mặt từng bậc một, chợt nhìn lên, tôi thấy Mentin đang chú ý đứng xem. Nó ngạc nhiên hỏi to :
    - Chị làm gì thế ? Rửa cầu thang đấy à ?
    - Suỵt! Rồi em sẽ thấy. Nhưng đừng có nói gì với ai nhé!
    Sợ người nhà vô tình bị ngã, chúng tôi đứng chơi ở ngay đầu cầu thang để canh chừng, trước cánh cửa mở.
    Cuối cùng, ông khách đã quyết định về. Ông vừa đứng dậy, tôi và Mentin đã lẩn vội vào nhà. Ba tôi và ông nội tiễn khách ra tận cửa. Họ bắt tay nhau :
    - Chào các vị, tạm biệt !
    - Chào ông ...
    - Khi có kết quả, mong ông báo ngay cho tôi được biết ạ. Xin cám ơn ông ...
    Chưa nói xong câu cám ơn, chân nhà báo đã trượt đi. Để giữ thăng bằng, ông ấy nhảy hết chân nọ đến chân kia. Ông nội và ba tôi không nhìn thấy vì đã quay vào nhà, nhưng ông tôi bảo ba tôi giọng thắc mắc :
    - Thằng cha này nó xuống thang gác mới kỳ chứ! Cứ như là hắn nhảy valse ấy.
    Nghe vậy tôi liền nói một cách độc địa :
    - Có lẽ ông ấy nhảy lên sung sướng vì việc của con ông ấy sẽ được giúp đỡ đấy !
    Tôi chỉ nói thế rồi im tịt. Để xem tình hình diễn biến ra sao, tôi nháy Mentin đi ra ban-công nhìn xuống sân. Chúng tôi thấy hai cái chân duỗi dài trên ngưỡng cửa nhà. Xe riêng của nhà báo đợi ông ta ngay trong sân. Chợt tài xế giật mình, vội xuống xe, chạy lại xốc nhà báo lên và dìu vào trong xe. Chiếc xe chạy vội đi, còn tôi thì phải tất tả đi rửa cầu thang lập tức. Mentin cũng phụ giúp tôi, gớm nó cười mới khiếp chứ. Tôi tin là nó chẳng mách lại chuyện này cho ai biết. Nhưng sau đó thì tôi lại sợ. Lỡ ông nhà báo ngã bể sọ ra thì sao ?
    Tuy nhiên tôi đã thoát nạn khá dễ dàng. Mấy ngày sau không thấy ai nói gì đến chuyện đó. Tôi thở phào nhẹ nhõm ...
    Cũng trưa hôm đó, ngay khi xe của ông khách về rồi và tôi đã rửa cầu thang xong, tôi lại trở lại phòng khách. Ông tôi đang ngủ gà ngủ gật, còn ba tôi thì ngồi ghế bành trước mặt ông và đọc báo. Sau khi gật mấy cái rất mạnh, ông tôi tỉnh dậy :
    - Chúng ta đang nói gì nhỉ?
    Có lẽ ba tôi đã chán ngán :
    - Chúng ta chẳng nói gì cả! Trước đây ba có nói gì đâu ?
    - Ừ, ba không nói gì thật. Nhưng này, chuyện chiến tranh hạt nhân sẽ ra sao nhỉ ? Con nhận định thế nào về vấn đề này ? - Ông chợt phấn chấn vì tìm ra một đề tài mới.
    Ba tôi sau khi giải thích qua loa và đưa ra vài ý kiến riêng, vội hỏi ông tôi xem ông khách vừa tới nhà là ai.
    Ông nội tôi cũng có vẻ chán ngán :
    - Nói làm gì đến cái đồ quỷ ấy. Đó là cái thứ chạy vạy, luồn lọt khắp nơi để đạt tới một mục đích nhỏ nhặt nào đó ...
    Khi ấy tôi đánh bạo xen vào :
    - Nhưng ông ơi, rồi ông lại sẽ giúp con trai ông ta chứ ?
    - Cháu gái ạ, biết làm sao được, ông đã trót hứa với người ta rồi mà ...
    Sau đó ông tôi dựa vào thành ghế và ngủ rất say sưa. Ba tôi rón rén ra khỏi phòng khách.
    Thư trước bạn kêu là bạn đã viết quá dài. Bạn xem thư này tôi còn viết dài hơn ấy chứ.
    Gởi lời chào tất cả.
    Bạn thân
    Zeynep
    Tái bút : Năm ngoái nghe nhà báo nổi tiếng diễn thuyết hay quá, tôi đã khóc vì cảm động. Nhưng bạn phải biết rằng từ nay trở đi, nghe bất cứ ai nói như vậy, tôi sẽ không khóc nữa đâu, bạn ạ.
  3. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Nhà trường và gia đình
     
    Ankara 24.1.1964
    Acmét thân mến,
    Tôi vừa nhận được thư của bạn viết ngày 20/1. Hôm qua trường tôi tiêm chủng phòng đậu mùa nên hôm nay chúng tôi được nghỉ học. Ngồi trong phòng riêng đọc thư bạn nhưng tôi vẫn cười to quá, làm mẹ tôi nghe thấy và mắng cho một trận :
    - Cái gì mà mày cười một mình thế hả con khùng này ?
    Tôi nói lý do là đọc thư của bạn. Mẹ tôi vào phòng hỏi :
    - Đâu, cho mẹ xem nó viết gì đó ?
    Tôi đọc cho mẹ cùng nghe lá thư từ đầu đến cuối. Mẹ tôi cũng buồn cười lắm, hai mẹ con cười vang cả nhà.
    Bây giờ đến lượt tôi. Từ lâu tôi đã định kể cho bạn nghe về những cuộc họp Hội Phụ Huynh Học Sinh ở trường tôi. Hôm nay có thời giờ tôi sẽ kể chi tiết cuộc gặp gỡ thú vị giữa thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Chỗ tiêm chủng khiến tôi hơi bị sốt một tí nhưng không sao.
    Mấy ngày trước đây, ở trường tôi, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cuộc họp với cha mẹ học sinh.
    Đó là cuộc họp thường kỳ hàng tháng của Hội Phụ Huynh Học Sinh. Tôi là một trong số các học sinh được cử ra để đón tiếp những người đến dự họp. Chúng tôi có tất cả năm đứa, ba gái và hai trai, đều là học sinh ở Khối 5. Tôi được nghe hết từ đầu đến cuối những chuyện người ta bàn tán trong cuộc họp ấy. Vì nó rất thú vị nên tôi sẽ kể để bạn được nghe cùng.
    Thật ra chúng tôi không được dự họp và đáng lẽ cũng không được nghe vì đó là chuyện của người lớn. Sau khi các đại biểu ngồi vào ghế, bọn học sinh chúng tôi phải ra ngoài hết. Nhưng chúng tôi lại không được về mà phải chờ ngoài hành lang để cuối buổi họp còn phải phục vụ nước giải khát và bánh ngọt cho các đại biểu. Trong giờ nghỉ phải mời nước trà để mọi người cùng uống nữa.
    Cuộc họp khá đông, hội trường chật ních người và rất nóng nực. Chỉ hơi người thôi cũng đủ chết ngộp lên rồi. Vì thế người ta phải mở toang hết cả cửa sổ và cửa lớn ra cho thoáng. Vậy nên dù ngồi ngoài hàng lang, chúng tôi cũng nghe được hết trong hội trường họp bàn chuyện gì.
    Đầu tiên, thầy hiệu trưởng phát biểu. Ông nói, lúc đầu coi mềm mỏng nhẹ nhàng, nhưng càng về sau càng mạnh mẽ, sôi nổi. Thầy nhận xét rằng có một số vị cha mẹ học sinh thiếu sự chú ý đến con cái, số khác thì quan tâm quá ít đến sự học tập của các em, hầu như họ khoán trắng tất cả cho thầy cô và nhà trường. Thật ra, việc học tập của học sinh bắt đầu ngay từ ở nhà kia, cha mẹ phải kiểm tra, xem xét bài vở của con cái chứ không nên chỉ đợi khi đến trường họp mới hỏi các thầy cô xem chúng học hành ra sao.
    Mọi người rất tán thành ý kiến ấy. Được thể, thầy liền dẫn chứng ngay cho cử tọa thấy sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của bản thân thầy :
    - Vâng, chính tôi cũng còn có một đứa con trai đang học trung học. Vì công việc ở trường này mà tôi chẳng có chút thời giờ rảnh rỗi nào để chạy đến trường nó, để quan tâm đến việc học tập của con trai tôi. Trường trung học nơi con tôi học cứ gởi giấy cho tôi liên tiếp rằng : " Ông hãy đến trường, chúng ta sẽ thảo luận ..." Thế mà tôi chẳng có lúc nào để mà đến được ...
    Cứ như vậy thầy xoáy sâu vào khía cạnh tế nhị của vấn đề cần quan tâm nhiều hơn nữa đến tình hình học tập của con cái.
    Sau đó bà hội trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh đề nghị các đại biểu cho ý kiến, thắc mắc của họ về nhà trường, về các thầy cô, về sự giáo dục, v.v...
    Ngay lập tức, có một ông lên phát biểu ý kiến. Ông ta nhất quyết cho rằng con ông bị điểm kém trong môn Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một điều vô lý, không thể chấp nhận được.
    - Thế là thế nào, thưa các vị, tại sao thầy giáo lại có thể hạ bút cho con tôi điểm kém môn Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ?
    Thầy giáo chủ nhiệm lớp có học sinh đó hỏi ngay tại sao ông bố không chấp nhận con mình bị điểm kém. Ông ấy trả lời nghe rất khó hiểu, lời lẽ ý tứ không rõ ràng, rành mạch gì cả. Một câu của ông ấy bắt đầu bằng "thì hiện tại" của động từ, tiếp tục bằng "quá khứ" và kết thúc ở "thì tương lai" [1] ... Đại khái ông nói thế này :
    - Vâng, không thể được, thưa thầy. Tiếng Pháp hay Tiếng Anh thì đã đành. Lúc ấy tôi đồng ý là thầy cho điểm thấp tức là cháu nó dốt. Có thể như vậy là công bằng. Nhưng thầy lại cho nó điểm kém chính ở môn Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Không được! Thế không công bằng chút nào cả! ... Nếu con tôi là người nước khác vì nó không biết tiếng Thổ, tất nhiên nó phải bị điểm kém. Đằng này cháu nó là con tôi, có nghĩa là một đứa trẻ Thổ Nhĩ Kỳ, biết tiếng Thổ. Sao nó lại bị điểm kém? ... Tiếng mẹ đẻ của nó là tiếng Thổ Nhĩ Kỳ kia mà. Tôi không bảo thầy phải cho nó điểm thật tốt hay giỏi ... Nhưng mỗi trẻ Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất cũng phải được điểm khá ở môn tiếng Thổ chứ ... Con tôi nói tiếng Thổ, tôi đang hiểu nó, mẹ nó đã hiểu nó ... bạn bè nó sẽ hiểu nó, tất cả mọi người sẽ hiểu nó ... thế thì thầy là thầy giáo, thầy cũng phải đang hiểu nó chứ ... ít nhất cháu nó cũng phải được điểm tốt mới công bằng.
    Thầy giáo dạy lớp con ông ấy nói :
    - Xin lỗi, tôi chưa hiểu rõ ông lắm. Ông, ... ông muốn nói rằng vì cháu là một đứa trẻ Thổ Nhĩ Kỳ và vì tiếng mẹ đẻ của nó là tiếng Thổ nên phải cho nó ít nhất là điểm khá phải không ạ ?
    - Vâng, đúng, đúng ạ. Đó là điều tôi muốn trình bày với quý vị ... Tất cả mọi người hiểu con tôi nói thì thầy giáo cũng phải hiểu chứ!
    - Vậy ông hiểu ý con ông ?
    - Tất nhiên ...
    - Thế con ông có hiểu ý ông muốn nói không ?
    - Nó cần phải hiểu ...
    Hội trường ầm ĩ cả lên vì có mấy người cùng tham gia tranh luận với ông bố kỳ cục ấy. Cuối cùng thầy hiệu trưởng phải xen vào mới làm ông ấy tạm yên.
    Một ông bố khác xin phát biểu ý kiến, Ông này kể là con ông hỏi nhiều vấn đề trong chương trình học của nó và ông không trả lời được. Cuối cùng ông chất vấn cử tọa :
    - Tại sao tôi không biết ? Các vị hãy giải thích cho tôi rõ xem nào. Tại sao tôi không biết những cái đó ?
    Đầu tiên mọi người ngớ ra, không hiểu sao ông ta lại nổi cáu như thế, Khi ông ta tiếp tục tự hỏi " Sao người ta lại dạy con tôi nhiều kiến thức mà tôi không biết thế?" Lúc đó mọi người mới hiểu là ông kêu ca chương trình học của trường phổ thông quá nặng.
    - Tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học, ấy thế mà tôi lại không trả lời được các câu hỏi trong chương trình sơ cấp. Như thế các cháu nhỏ của chúng ta làm sao mà chịu nổi chương trình học nặng nề như vậy ?
    Một bà mẹ trả lời ngay thắc mắc cho ông đó. Bà này ngược lại cho rằng chương trình học tập của học sinh quá ít, người ta dạy cho các em quá ít kiến thức.
    - Cái gì tôi hỏi con tôi cũng không biết. Thí dụ hôm trước đi ăn ở nhà hàng, con gái tôi nhìn thấy một ông dùng tăm để xỉa răng, nó liền hỏi tôi " Ông ấy làm gì thế hả mẹ? Ông ta cầm cái gì thế ?" Thế đấy, các vị ạ, nó không biết cái tăm là gì và để làm gì. Tôi nghĩ rằng, đáng lẽ nhà trường phải dạy cho học sinh lớp bốn biết về cái tăm chứ!
    Thầy hiệu trưởng phải đứng lên giải thích rằng chương trình học tập là thống nhất trong cả nước và do Bộ Giáo dục soạn thảo, nhà trường không có quyền thay đổi. Nhưng bà mẹ cô học sinh lớp bốn không chịu :
    - Chúng ta ỷ lại quá nhiều vào Nhà nước ... Tôi nghĩ rằng chuyện có cần dạy cho con cái chúng ta biết cái tăm là cái gì, chẳng cần đến Bộ Giáo dục phải quyết định.
    Nhiều lúc tôi đã có ý nghĩ là trong hội trường, người ta đùa cợt nhiều hơn là bàn bạc nghiêm chỉnh. Nhưng bạn cứ nhìn mặt các đại biểu mà xem, chẳng ai có vẻ gì là muốn đùa cợt cả.



    [1] Trong tiếng Thổ, thường ở một câu, động từ không thay đổi "thì" lung tung như vậy. Tác giả có ý muốn nhấn mạnh cái dốt ngữ pháp tiếng mẹ đẻ của ông này.
  4. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Lớp tôi có một bạn tên là Murat, tính tình rất kỳ cục. Mỗi lần thầy gọi :
    - Em đứng lên.
    Là y như rằng nó phải hỏi lại :
    - Ai ạ ?
    - Em !
    - Thưa thầy, em ấy à ?
    - Phải, em. Tôi nói với em.
    - Với em ấy à ?
    Ngay cả lúc thầy gọi hẳn tên nó ra, Murat vẫn ngơ ngơ ngác ngác. Cuối cùng, sốt ruột quá, thầy giáo không giữ được bình tĩnh, quát tướng lên :
    - Thế thì ai đứng trước mặt tôi hả Murat ? Tôi nói với em chứ nói với ai nữa đây ?
    Nghe vậy, Murat ngoảnh lại đằng sau và nhìn lên tường như tìm người đang nói chuyện với thầy giáo. Nhìn cảnh đó không ai nhịn được cười, ngay cả thầy giáo đang cáu cũng phải phì cười.
    Tại cuộc họp hôm ấy có một ông xin phát biểu ý kiến, về sau tôi biết đó chính là ba của Murat.
    - Đề nghị cho phép tôi ... Tôi muốn bày tỏ một số ý kiến với quý vị ...
    Bà chủ tịch Hội đang điều khiển cuộc họp, nhã nhặn mời ông ta :
    - Vâng, xin mời. Chúng tôi nghe ông.
    Nghe thế, ông ta hỏi lại :
    - Tôi ấy à ?
    - Không phải ông muốn nói ư ?
    - Ai ạ ?
    - Ông ...
    - Tôi ấy à ?
    - Vâng, đúng rồi. Xin mời ông phát biểu ý kiến.
    Giống hệt như điệu bộ của Murat, ông ta để một tay lên ngực và vẫn hỏi lại :
    - Tôi ấy à ?
    Sốt ruột quá, một ông đứng dậy nói :
    - Không phải ông, tôi nói ...
    Trong hội trường, bật lên những tiếng cười. Nhưng rồi ông bố của Murat cũng phát biểu ý kiến. Ông ta không vừa ý chuyện học sinh đá banh trong trường. Ông cho rằng vì bóng đá mà con ông không chịu học hành gì cả. Thầy hiệu trưởng có vẻ chú ý đến ý kiến đó.
    - Con trai ông đang học lớp nào thế ?
    Có vẻ như lại bắt đầu một cuộc đối thoại không bao giờ dứt :
    - Của tôi ấy à ?
    - Vâng, con trai ông.
    Ông ta suy nghĩ một lát :
    - Cháu nó học trường này.
    - Số báo danh của cháu là bao nhiêu ?
    - Số gì ạ ?
    Bên dưới có người nói " Số giày của ngài ấy!" . Người khác đế thêm " Số áo sơ mi của ngài bao nhiêu ?" Người ta cười ồ lên ... Ông ta chẳng biết số báo danh của cậu con trai là bao nhiêu. Sau khi nghe ông tả hình dạng, tên họ của nó, người ta mới hiểu đó là Murat, học lớp tôi.
    Một ông khác lên phát biểu ý kiến. Ông ấy nói nhiều đến nỗi khó mà hiểu được ông ta muốn nói gì. Bắt đầu ông ta vào đề như sau :
    - Nước Thổ Nhĩ Kỳ có thể phát triển mạnh nhờ ngành nuôi ong ...
    Chúng tôi ngây ra chẳng hiểu việc nuôi ong thì dính dáng gì tới cuộc họp Hội Phụ Huynh Học Sinh ? Ông ta tâm sự rằng đã đọc bao nhiêu là sách nói về con ong và việc nuôi ong. Sau đó ông ta bắt đầu nói về loài ong. Nhưng rất lạ là những điều ông nói ra chỉ là những hiểu biết rất thông thường, ai cũng đã biết :
    - Ong là một động vật nhỏ, có cánh, biết bay. Chúng biết làm ra mật và tích trữ lại. Mật ong rất có ích cho con người vì rất giá trị. Có thể dùng mật ong để ăn sáng, làm bánh hoặc ăn kèm ở các bữa ăn khác trong ngày ... Có đến mấy loại mật ong ...
    Sau khi nói con cà con kê chán về mật, ông ta chuyển sang nói về con ong :
    - Có mấy loại ong trong tổ : ong chúa đẻ trứng, ong thợ làm mật ...
    Ngồi dưới, thính giả đã có vẻ chán ngấy. Nhiều người tỏ thái độ phản ứng công khai " Ôi trời ơi là trời ! Thế này thì đến bao giờ ?" , " Ôi, mệt quá!" . Cuối cùng không nhịn được, ông hiệu trưởng phải xen vào :
    - Ông cho biết bọn ong sẽ ra sao ?
    - Sẽ ra sao ư ? Thì chúng làm mật chứ sao ?
    - Thế mật ong thì sao ?
    - Còn sao nữa ! A vâng, tôi xin trình bày. Tất cả phụ thuộc ...
    Ông ta lại thuyết trình tràng giang đại hải. Nhưng ông hiệu trưởng vội vã giải thích :
    - Là tôi muốn hỏi ông chúng tôi sẽ làm gì với ong, với mật ở đây, ở trường này kia ạ ?
    Có lẽ ông ta chỉ đợi có thế :
    - Vâng, thì đó chính là vấn đề tôi muốn trình bày với quý vị. Lúc trước có một vị đã nói rất đúng rằng chúng ta phải dạy cho con cái những kiến thức có ích cho cuộc sống của chúng sau này. Điều đó rất chí lý ạ! ... Thí dụ con trai tôi đã được dạy tổng các góc trong một tam giác là 180o chứ không phải 700o hay 5000o thì có ích lợi gì nào ? ... Tôi xin mạn phép hỏi quý vị : chúng ta đã ngần này tuổi đầu rồi, từ bé đến giờ đã ai hỏi chúng ta xem tổng các góc trong một tam giác là bao nhiêu chưa ? Và thưa quý vị, đã ai trong chúng ta dùng những kiến thức kiểu đó để kiếm ra một cắc bạc nào chưa ? Chính vì thế mà tôi muốn bộ óc non nớt của các cháu đừng bị nhét đầy vào đó những kiến thức vô bổ kiểu tổng các góc là bao nhiêu, đường phân giác là gì .. v.v... Tốt hơn hết, hãy dạy cho con cái chúng ta những điều có ích như việc nuôi ong chẳng hạn ... Trong trường học phải có các tổ ong ! Nước Thổ Nhĩ Kỳ chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ chỉ cần dựa vào ngành nuôi ong mà thôi. Bởi vì như tôi đã nói ở trên, ong không giống các gia súc khác như cừu hay bò. Muốn có sữa bò, ta phải cho nó ăn cỏ, rơm. Ong cho ta mật, chúng ta chẳng phải cho nó ăn gì, nó biết tự đi kiếm lấy. Ong làm việc cho ta không công, nó cho mật mà chẳng đòi ta cái gì cả ...
    Một ông khác tham gia tranh luận :
    - Vâng, ông nói phải. Nhưng trong thành phố bị ô nhiễm thế này thì không thể nuôi ong được. Ông nhìn xem, khói của các nhà máy tuôn ra không ngừng suốt ngày đêm, đến người còn khó sống nữa là loài ong. Thêm vào đó chúng ta chớ quên rằng ong cho sản phẩm sáp, mật rất phụ thuộc vào môi trường mà chúng sống. Như vậy, nếu ở trong thành phố này mà ta nuôi được ong thì ong chẳng cho ta mật được, vì làm gì có cây cỏ hoa lá. Có lẽ chúng sẽ cho ta bụi khói và dầu nhờn cũng nên ...
    Cử tọa nhiệt liệt ủng hộ ông này. Tuy nhiên, ông ta cũng không chịu kém trong việc đưa ra sáng kiến, ông ta có ý kiến riêng của ông ta chứ :
    - Tôi có một đề nghị khác, xin các vị tham khảo. Chúng ta không nuôi ong mà hãy để các cháu nuôi gà. Đúng vậy ! Các vị đừng chê gà. Nuôi gà rất dễ dàng và kinh tế lắm các vị ạ. Con cái chúng ta phải được học kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Nhiều nước đã tiến bộ vượt bực nhờ chăn nuôi gà đấy!
    Đến lúc đó, ông hiệu trưởng phải có ý kiến :
    - Thưa các vị, như tôi đã trình bày lúc trước, chúng ta không thể nuôi ong hay nuôi gà, mà cũng chẳng nuôi cừu hay bò ở trong trường được. Chương trình học của học sinh do Bộ Giáo dục soạn thảo. Chúng ta không có quyền quyết định ở đây. Con cái các vị đang học ở một trường phổ thông tiểu học chứ không phải ở một trại chăn nuôi hay một cái gì khác ...
    Một bà béo nói chen vào, cắt ngang lời thầy hiệu trưởng :
    - Có lẽ chúng ta đã lạc đề nhiều quá rồi. Trên cương vị là Uỷ viên Hội đồng Hội Phụ Huynh Học sinh, tôi đề nghị chúng ta hãy quan tâm hơn nữa đến các trẻ em nghèo ngay trong trường. Các cháu đang rất cần sự giúp đỡ về vật chất như : giấy, mực, sách vở... Để có tiền bạc giúp các em, chúng ta bàn xem nên mở một cuộc xổ số hay một buổi tối vui văn nghệ có bán vé ?
    Sau một hồi thảo luận, cãi vã dài, người ta đi đến quyết định sẽ tổ chức một tối văn nghệ. Rồi người ta quyên góp tiền mà thành lập một ban tổ chức cho tối văn nghệ " Vì các trẻ em nghèo cần giúp đỡ" .
    Cuối cùng cha mẹ học sinh quay lấy các thầy cô thành từng nhóm để hỏi han việc học tập của con cái họ. Chúng tôi mang nước giải khát và bánh ngọt vào mời các đại biểu dự họp.
    Hôm đó tôi đã được một buổi giải trí đã đời. Giá mà tôi được có mặt ở tất cả các cuộc họp như vậy thì hay biết mấy! Nếu ở trường bạn, người ta cũng tổ chức các cuộc họp Hội Phụ Huynh HS thì bạn hãy ráng nghe xem nhé, chắc chắn bạn sẽ được cười no bụng đấy.
    Hôm ấy, mẹ tôi cũng đi họp. Khi về nhà, tôi hỏi mẹ :
    - Sao mẹ không phát biểu ý kiến hả mẹ ?
    - Ôi, cần gì ? Người ta bàn lung tung, đủ thứ ...
    - Lúc đó mẹ có muốn nói không ?
    - Con tưởng mẹ không biết nói sao ? Tất nhiên mẹ cũng định tham gia thảo luận một vấn đề nào đó. Nhưng nào có ai cho mẹ nói đâu.
    Đấy, thế là tôi lại viết dài quá rồi !
    Bạn nhắc Mine hộ tôi là nó còn nợ tôi đấy nhé. Nó vẫn chưa trả lời lá thư trước của tôi. Chúc bạn những điều tốt lành nhất.
    Bạn thân mến Zeynep
  5. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Em yêu quý
     
    Ankara 3.2.1964
    Acmét thân mến,
    Rất cảm ơn bạn về bức thư ngày 30-1 của bạn. Tôi đã nhận được lá thư đó đúng ngày đầu kỳ nghỉ tháng Hai [1]. Đọc nó tôi đã cười nhiều đến nỗi nước mắt chảy ràn rụa.
    Trước đấy, ở nhà tôi, bà chị gái đã từng được coi là một " thần đồng" . Tuy nhiên, ít lâu sau ba mẹ tôi đã nhận ra rằng hiện tượng " thần đồng" chẳng liên quan gì tới chị tôi. Lòng khao khát có một thiên tài trong gia đình đã tàn lụi theo năm tháng. Vì thế tôi và Mentin được ba mẹ để cho yên thân không bị coi là các " kỳ quan thế giới" .
    Đọc thư bạn, tôi lại nhớ lúc chị tôi đang được ba mẹ coi như là một " thần đồng" . Hồi đó, tôi chưa đi học và Mentin thì chưa sinh. Mỗi buổi tối, đi làm về tuy mệt, ba tôi vẫn bù đầu dạy tiếng Pháp cho chị tôi. Mặc dù đã cố gắng hết mức, ba tôi vẫn không thu được chút xíu kết quả nào. Cả một tuần chị tôi cũng không học thuộc được một đoạn thơ ngắn. Tôi tuy không phải học nhưng vì cứ chơi quanh quẩn gần đó mà lại thuộc làu làu đoạn thơ ấy lúc nào không hay. Từ đó tới nay đã bao nhiêu năm mà tôi vẫn còn nhớ như in những câu thơ đó:
    Le berger et son chien
    J'''' aime mon chien, un bon gardien
    Qui mange peu et travaille bien
    (Người chăn cừu và con chó
    Tôi yêu chú chó, trợ thủ đắc lực của tôi
    Chú ăn ít mà lại làm nhiều)
    Thực ra tôi chẳng biết đoạn thơ này nói gì nhưng nghe mãi thành ra thuộc, thế thôi. Thế mà chị tôi thì không thể nào thuộc được. Ba tôi đọc đi đọc lại rất to và nhiều lần đến nỗi không những mẹ tôi mà cả bà hàng xóm cũng đã thuộc đoạn thơ tiếng Pháp ấy. Thế mà chị tôi thì lại chẳng nhớ, chị ấy đọc lên nghe cứ như người nói tiếng Tàu :
    " Sien min, biyen mon tiyen"
    Một hôm, có nhà sư phạm là bạn ba tôi đã từng đi nghiên cứu ở Châu Mỹ về, thấy ba tôi cố gắng dạy chị tôi không thành công bèn khuyên :
    - Học ngoại ngữ là môn rất đặc biệt, đòi hỏi khả năng. Anh không nên ép buộc cháu cứ phải học tiếng Pháp. Khi còn ở Paris, tôi đã thấy có những kẻ ở nước Pháp cả năm trời mà chẳng thèm học chút xíu tiếng Pháp nào. Ngược lại, có những người Pháp tìm đến các quán cà phê để học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của những người hầu bàn. Một số người có khiếu học tiếng nước ngoài, còn số khác lại có biệt tài dạy người ngoại quốc học tiếng mẹ đẻ của mình. Có khi cháu gái của anh thuộc loại người thứ hai thì sao ? ... Mỗi đứa trẻ có một khả năng nào đó tiềm tàng trong người nó như một cái mầm cây chưa nhú. Trước tiên ta phải phát hiện mầm cây ấy đã, sau đó mới đến công việc chăm bón cho nó lớn lên ...
    Theo lời khuyên đó, ba tôi chuyển sang cho chị tôi học đàn violon để tìm cái mầm tài năng còn giấu kín. Tiếc thay cái mầm vẫn không chịu ló ra qua các giờ học nhạc. Bà giáo dạy đàn violon chán nản nói :
    - Con bé có cái giọng mới khiếp chứ ... đến làm điếc tai người nghe chứ không vừa. Hoc nhạc mà nó chẳng phân biệt được cái nốt nhạc " đô" hay " si" gì cả ... Cô bé lẫn lộn cả tiếng kẹt cửa và tiếng đàn violon thì thật là quá thể ...
    Chị tôi đúng là như thế đấy ! Có khi vô tình người nhà làm bể cái ly trong bếp thì chị ấy lại chạy ra mở cửa vì tưởng lầm khách đến gõ cửa.
    Với đôi tai âm nhạc như thế thì học đàn hát làm sao được ? Hồi chị còn học cùng trường tôi, có lần tôi nghe cô giáo dạy nhạc kêu lên :
    - Thôi, cô bé ơi, có lẽ em đừng hát trong dàn đồng ca nữa, nếu không các bạn em sẽ hát sai hết cả ...
    Chị tôi đã hát sai lại quá to làm mọi người hát theo.
    Ba mẹ tôi cho chị chuyển sang hội họa. Nhưng vô ích, ba mẹ tôi cũng không tìm thấy tài năng vẽ trong con người chị. Chị ấy được chuyển sang học múa ba-lê. Lần này những bài học múa ba-lê có lẽ có tác dụng thực tế rõ nhất. Trước khi đi học múa, chị tôi rất hay đụng chạm đồ vật trong nhà khi chị đi lại trong nhà. Sau lớp múa ba-lê, cái bàn, cái ghế và các đồ vật khác không bị chị tôi động đến nữa.
    Đúng là ba mẹ tôi đã cố gắng hết mình để tìm cái mầm tài năng ẩn giấu quá kỹ trong chị tôi. Vì không có chút kết quả nào nên cả hai đều chán nản. Khốn khổ vì chạy vạy mệt nhọc, ba tôi thở dài nói với mẹ tôi :
    - Thôi, hãy để xem sao đã. Bây giờ cứ để con nó học cho hết phổ thông ...
    Đến trường, chị tôi cứ tàng tàng học hai năm một lớp. Đến năm thứ hai ở trường trung học, có nguy cơ chị tôi phải học đúp hai lần, nghĩa là phải học tới ba năm một lớp. Không muốn phá vỡ truyền thống đã giữ từ bé nên chị tôi bỏ trường luôn không chịu đi học nữa. Mẹ tôi tự an ủi :
    - Như vậy nghĩa là con gái tôi có khiếu nội trợ ...
    Đó là cơ hội cuối cùng để chị tôi bộc lộ năng khiếu ... Tuy nhiên ngay cả lần thử thách này, chị tôi cũng không qua khỏi. Mà chính mẹ tôi không cho chị qua kỳ thi chứ ai. Nhưng đúng là chị tôi không có khiếu bếp núc thật. Thức ăn nấu dở đã đành, chị tôi còn làm lộn xộn hết cả đồ ăn trong bếp. Chị tôi chỉ cần hí hoáy trong bếp độ 5 - 10 phút là chẳng một đồ vật nào ở nguyên chỗ cũ. Đến nỗi cuối cùng mẹ tôi cấm không cho chị bén mảng vào chỗ nấu nướng của mẹ nữa.
    Sau cùng, mẹ tôi dẫn chị đến cho một chuyên gia tâm lý xem xét. Ông ta kêu lên :
    - Trời ơi, các người làm gì cô bé thế này. Hết thử thách này tới thử thách khác, khiến nó bị thui hết cả mọi khả năng. Thật đáng tiếc ! Tốt nhất, các người nên để cho nó yên thân.
    Từ đó trở đi, chị tôi được yên thật. Ba mẹ tôi không còn thúc ép gì chị nữa. Và cũng nhờ thế mà chị tôi có tiến bộ rất nhiều.
    Tôi và Mentin được ba mẹ phó mặc "cho trời" . Ba mẹ tôi quả là đã quá mệt mỏi khi đi tìm tài năng của chị tôi, lại thêm chán nản vì liên tiếp thất bại nên chẳng còn thiết tìm tòi gì ở tôi và Mentin nữa. Nếu ba mẹ tôi chịu khó để tâm đến Mentin, tôi tin rằng sẽ tìm được gì đó ở nó cũng nên. Bởi vì tôi thấy Mentin bị máy móc lôi cuốn một cách đặc biệt. Nói chung nó thích tất cả các loại máy móc trong nhà tôi. Nó đã làm hỏng dần dần từ máy thu thanh, máy giặt đến máy cạo râu, máy ảnh của ba tôi ... Có lần Mentin đã tháo một bánh xe nhỏ trong đồng hồ treo tường để vào cái máy quay dĩa hay một cái ốc ở máy may để ráp vào cái máy ghi âm ... và còn nhiều chuyện tháo ráp lạ lùng khác. Ba tôi gọi những tìm tòi đó là những " trò ngớ ngẩn" , những nghịch phá tai hại ... Nhưng tôi thì tôi hiểu Mentin làm tất cả những trò đó với hi vọng sẽ phát minh ra một loại máy hoàn toàn mới. Tiếc thay chẳng có ai giảng giải và hướng dẫn cho nó ...
    Về mặt "kỳ quan" thì ở khu nhà tôi cũng không thiếu. Ngay bên hàng xóm, một người bạn của ba tôi cũng có một "thần đồng" tên gọi là Nurten. "Thần đồng" này nổi tiếng trong lãnh vực ăn uống. Nếu có cuộc thi ăn uống nào tổ chức cho trẻ con, chắc nó phải chiếm giải nhất. Chỉ một bữa, mình nó ăn đã nhiều hơn cả nhà tôi năm người cộng lại, ấy thế mà mẹ nó vẫn luôn than vãn :
    - Chẳng biết làm sao, mấy ngày này cháu Nurten nhà tôi biếng ăn quá!
    Rồi mẹ nó ra sức tẩm bổ, cho nó uống thuốc kích thích tiêu hóa, ngon miệng và đủ các loại vitamin, dầu cá để "cho cháu ăn được nhiều" . Con bé Nurten ngày càng béo tròn ra, trông nó giống hệt một cây cải bắp. Trời! Đôi chân nó mới ghê chứ! Thế mà ba nó thì trái ngược hẳn lại, ông ấy mỏng như một cái bánh tráng ấy ...
    Đôi khi ba mẹ Nurten cần đi đâu đó, nó liền bị gởi sang nhà tôi. Trái lại ba mẹ tôi nếu muốn đi xem phim hoặc giải trí gì đó thì Mentin lại phải sang chơi bên nhà Nurten. Ba tôi không muốn để nó ở nhà vì nó hay hí hoáy nghịch radio hoặc tủ lạnh, mà tôi thì nào có cấm được nó ... Nó cứ khẩn khoản, nài nỉ hoài :
    - Chị cứ để em ráp thử xem. Em lắp một cái đồng hồ trên nồi áp suất để coi lúc nào thức ăn sẽ chín.
    Mãi tôi cũng mềm lòng và đồng ý. Và thế nào Mentin cũng sẽ làm hư hỏng một đồ vật gì đó.
    Tối hôm nay, ba mẹ và chị tôi đi xem phim nên tôi và Mentin phải sang chơi bên nhà Nurten. Ba đứa chúng tôi cùng nhau chơi trong phòng Nurten. Tôi đọc chuyện cổ tích cho Mentin và Nurten nghe rồi chúng tôi lại chơi xúc xắc. Cứ như thế, rất vui suốt buổi tối. Chợt Nurten kêu khát nước và chạy đi tìm nước uống. Lúc trở lại, nó gọi chúng tôi một cách vội vã :
    - Chị với Mentin lại mà xem, ba mẹ em đang cãi nhau, lại mà xem nhanh lên chị!
    - Em gặp ba mẹ đang cãi lộn à ?
    - Thế này chị ạ! Em sang phòng khách tìm nước uống, khi trông thấy em, mẹ nói với ba "Anh thân yêu" , "Anh yêu quý" hay những câu thân mật khác. Nghe thế là em biết liền. Mỗi lần ba mẹ cãi nhau, thấy mặt em là lập tức hai người đổi cách xưng hô với nhau thành "thân yêu" , "quý mến" để khỏi ảnh hưởng xấu đến em. Em biết chắc chắn lúc này ba mẹ em đang cãi nhau đấy. Nào, chị lại mà xem ...
    - Thôi, chị về đây. Ba mẹ chị chắc cũng xem phim về rồi. - Không muốn hưởng ứng lời mời mọc của Nurten nên tôi mới nói vậy.
    Trước khi về, tôi phải vào chào ba mẹ của Nurten. Vào phòng khách, tôi đã chứng kiến một cảnh rất tức cười. Nếu biết trước như vậy, chắc tôi sẽ không vào đó. Nhưng đã lỡ bước chân qua cửa rồi không thể quay ra được. Ba của Nurten đã nhìn thấy tôi. Dưới chân ông là mảnh vụn của một cái bình vỡ. Mẹ của Nurten đang cau có, còn ba nó có một vết xước như bị ai cào trên má.
    Trông thấy tôi, bỗng nhiên ông ấy nói với vợ :
    - Em thân mến, nhặt giùm anh cái bình vỡ đó lên. Anh lỡ tay đánh rơi ...
    Mẹ Nurten giật mình :
    - Sao, con nó vào à ? - Bà ấy hơi quay đầu lại. Không thấy Nurten mà lại nhìn thấy tôi, bà ấy mắng cho tôi một trận - Tại sao cháu vào không gõ cửa? Bác đã nói bao nhiêu lần là vào phòng phải gõ cửa kia mà.
    Rồi bà ấy âu yếm nói với chồng đang nhăn nhó vì đau :
    - Anh yêu quý, em pha cho anh một tách cà phê nhé!
    - Ừ, em thân yêu ... Cho vừa vừa đường thôi nhé, tình yêu của anh ... em đáng yêu quá!
    Một chiếc dép của mẹ Nurten chẳng hiểu sao lại nằm trên ghế bành, gần ngay chỗ ông chồng. Nurten đứng ngoài cửa nói vào :
    - Mẹ ơi, chị Zeynep và Mentin chào ba mẹ để đi về đấy, mẹ ạ ...
    Ba Nurten đưa tay lên ôm má, mặt còn hơi nhăn nhó vì đau đớn, vờ ngạc nhiên nói :
    - Không biết tại sao tôi lại trượt chân, bị ngã ...
    Chúng tôi đi vội về nhà.
    Bây giờ thì Mentin đã ngủ rồi. Còn tôi ngồi viết thư trả lời cho bạn. Tôi đã nghe tiếng ba tôi ho, cả nhà đi xem phim về rồi.
    Tôi hi vọng mùa hè này chúng ta sẽ gặp nhau. Chúc bạn mọi sự tốt lành.
    Thân mến
    Zeynep




    [1] Kỳ nghỉ tháng Hai là kỳ nghỉ Đông của học sinh Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là lúc kết thúc học kỳ I của năm học.
  6. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Khi nhà có khách​
    Istanbun 10.2.1964
    Bạn thân mến,
    Khi đọc thư bạn đến đoạn tả sự việc xảy ra bên nhà hàng xóm, tôi thấy mừng là chúng tôi sống trong một căn hộ chỉ có ba phòng nhỏ. Chúng tôi có nhìn và nghe thấy hết chuyện xảy ra trong nhà. Vì thế tôi hiểu tại sao trong nhà tôi không có những việc buồn cười mà bạn chứng kiến bên nhà ông hàng xóm chỗ bạn. Tuy nhiên, đôi khi tôi phải mục kích những cảnh đặc biệt như đã xảy ra hôm chủ nhật vừa qua ... Tôi sẽ kể chi tiết cho bạn nghe nhé!
    Từ thứ năm tuần trước, ba tôi đã thông báo cho mọi người rằng đến chủ nhật này ông chủ nhà máy nơi ba làm việc sẽ đến thăm nhà và dùng cơm với chúng tôi. Lúc đầu tôi không chú ý lắm đến chuyện đó, vì tôi biết quá rõ là ba tôi không thích ông chủ một tí nào. Không lúc nào ba tôi không nói xấu ông ta. Khi nói về ông chủ, mặt ba tôi đanh lại, miệng bật ra những lời cay độc ...
    Tôi tò mò hỏi chuyện mẹ tôi về ông khách :
    - Ông ta làm cái quái gì ở nhà mình hả mẹ ?
    Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên :
    - Sao con lại nói thế hả ? Chính ông chủ thân hành đến chơi nhà ta cơ mà ...
    - Nhưng ba con đâu có thích gì ông ta.
    - Điều quan trọng là ông chủ thích ba con ...
    - Sao thế ạ ?
    - Con không biết chứ, ba con vừa được bầu là đại diện của anh em công nhân trong công đoàn toàn nhà máy đấy. Lúc này ba con rất có ảnh hưởng trong công nhân nhà máy. Vì thế ông chủ mới phải đến thăm nhà ta.
    Tôi sốt ruột muốn tận mắt nhìn xem ông chủ mặt mũi ra sao mà ba tôi nhắc nhiều đến như vậy. Cứ như lời ba tôi nói thì ông ta chắc giống như một người khổng lồ hoặc như một quái vật ghê gớm lắm.
    Từ hôm đó, trong nhà tôi bắt đầu có những sự chuẩn bị rất gắt gao. Một buổi tối, đi làm về đã mệt lử rồi mà ba tôi còn quét vôi, sửa sang lại phòng khách. Vừa làm, ba tôi vừa không ngớt lời nguyền rủa ông chủ nhà máy thậm tệ. Tôi ngạc nhiên hỏi ba tôi :
    - Chỉ có ông chủ đến chơi mà ba phải sửa phòng khách ư ?
    Ba tôi chua chát trả lời, nhưng lại có vẻ hơi ngượng ngập :
    - Vì ông chủ đến chơi ư ? - Ba tôi hỏi lại và tự nhiên ông cáu tiết, ném mạnh cái chổi quét vôi đang cầm vào cái xô, làm vôi bắn lên tung tóe.
    Lúc sau ba tôi nói :
    - Con tưởng ba quét vôi vì ông ta ư ? ... Con không thấy các bức tường đã dơ bẩn lắm rồi hay sao ?
    Mẹ tôi tất tả đi mượn thêm ly, chén, dĩa bên hàng xóm. Chưa yên tâm, mẹ tôi còn lùng kiếm cho bằng được một cái khăn trải bàn trắng tinh. Từ thứ bảy, mẹ đã đi mua đồ ăn trữ sẵn trong tủ lạnh. Nhìn bao nhiêu thức ăn ngon lành mẹ mua, tôi nghĩ chắc mẹ phải làm một bữa tiệc rất thịnh soạn.
    Ngày chủ nhật ấy, ba tôi thức dậy từ tờ mờ sáng. Dậy sớm thế là một việc lạ, bởi vì lệ thường ba tôi hay có thói quen ngày chủ nhật thức dậy rất muộn. Tôi hỏi ba :
    - Ông khách đến nhà ta sớm thế hả ba ?
    - Mày tưởng tao dậy sớm để đợi ông ta ư ? Còn lâu con ạ ! - Ba tôi tức mình mắng tôi một trận.
    Nhưng sau khi ăn sáng xong, ba tôi đã ra cửa sổ ngồi và ngóng đợi ông khách quý. Độ mươi, mười lăm phút, ba tôi lại đứng lên, đi lại qua các phòng và cáu kỉnh nói với mẹ tôi :
    - Không biết thằng cha ấy chết dấp chết dúi ở đâu mà mãi không thấy tới ...
    Mẹ tôi đã nấu nướng xong và dọn bàn ăn. Tất tả chạy đi chạy lại, lúc trong bếp, lúc vào phòng khách, mẹ tôi lo lắng xem xét tất cả đã thật đẹp đẽ ổn thỏa chưa.
    Có lúc, khi ba tôi đang vừa đi đi lại lại trong nhà vừa rủa ông chủ không tiếc lời, chợt có tiếng còi xe hơi ngay trước cửa nhà. Ba tôi giật nảy người như bị điện giật hối hả giục mẹ tôi :
    - Nhanh lên ... Ông ấy đến đấy ... Mở cửa ra, làm gì mà đứng ngây người ra thế ?
    Ba tôi chạy ra cửa sổ, nhoài hẳn người ra ngoài để nhìn xuống đường phố. Mẹ tôi cuống cả lên vì bị ba tôi giục giã, tất tưởi ra mở cửa, nhưng bên ngoài làm gì có ai đâu. Thế là được một phen đón hụt !
    A, suýt nữa thì tôi quên một điều quan trọng : Từ khi được tin có khách, mấy ngày liền mẹ tôi dạy Fatos, em gái tôi cung cách xử sự khi nhà có khách. Có điều mẹ tôi luôn tìm cách dạy Fatos trước mặt tôi và cố ý nói lớn để tôi cũng nghe được.
    Sáng hôm ấy, sau khi nấu nướng xong và chuẩn bị đâu vào đấy, mẹ tôi mặc cho Fatos một cái áo đầm mới, rất đẹp, bắt nó ngồi trước mặt và mẹ tôi nhắc lại bài học đã dạy mấy hôm rồi. Mẹ tôi vừa nói với Fatos vừa vẫn liếc mắt canh chừng xem tôi còn chú ý nghe không :
    - Con gái yêu của mẹ, đừng hờn khi khách đến chơi nhà ta nhé! Trước mặt khách, con đừng cho tay vào miệng, dơ bẩn nghe con. Đồ ăn đã rớt ra bàn hoặc rơi xuống sàn, tuyệt đối không được nhặt lên ăn. Con hiểu chưa, đừng có quên đấy nhé ! Khi ho con phải lấy tay che miệng lại. Lúc ăn đừng có cho đồ ăn đầy miệng, nhai nhồm nhoàm xấu lắm ... Phải ăn từng miếng nhỏ này ... Nhai chậm rãi này ... ừ, đúng rồi con ạ. A quên, mẹ dặn thêm con đừng có nói "ừ" hay "hứ" trước mặt khách ...
    Fatos nghe khá chăm chú, cuối cùng nó hỏi :
    - Thế thì con phải nói thế nào hả mẹ ?
    - Con phải nói "Thưa ông, vâng", "Thưa mẹ, không ạ" hay những câu lịch sự khác.
    Mặc dù thấy tôi vẫn chăm chú nghe, mẹ tôi vẫn có vẻ chưa thật yên tâm lắm, bà gọi tôi lại và dặn thêm :
    - Con này, khi khách đến nhà, mỗi lần mở miệng muốn nói gì, dù ngắn, con cũng phải bắt đầu bằng câu "Kính thưa ông" ... cuối câu bao giờ cũng nói "thưa ông" nhé ! Làm thế cho nó lịch sự.
    Bên phòng bên, ba tôi đứng cạnh cửa sổ, dán mắt xuống đường phố, sốt ruột đợi ông chủ đến và không ngớt rủa ông ta bằng những lời cay độc. Đột nhiên ba tôi nhảy dựng lên như bị ong đốt :
    - Ông ấy đến rồi! - Và ba tôi tất tả chạy ra mở cửa.
    Phía cửa ra vào, tôi nghe giọng ba tôi đón chào rất lịch sự :
    - Kính chào ông ... chúng tôi đợi ông đã lâu, sốt ruột quá ạ ... Xin mời ông vào nhà, mời ông!
    Tôi cùng Fatos ra cửa chào khách. Ba tôi đang bận treo áo choàng của ông chủ lên mắc. Ông ta không phải là một người khổng lồ hay quái vật như tôi đã tưởng. Đó là một ông dáng người nhỏ nhắn, tính tình vui vẻ ... Về sau tôi mới hiểu vì sao ba tôi chửi rủa ông ta và vẫn đón tiếp ông ta rất nồng hậu.
    Fatos hôn tay ông chủ, còn tôi thì trân trọng bắt tay ông. Ba tôi nhìn thấy và không bỏ qua hành vi khiếm nhã của tôi :
    - Hôn tay ông chủ đi con !
    Thế là tôi bị bắt buộc làm một việc mà tôi không muốn một chút nào.
  7. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hai người kéo nhau vào đi-văng nói chuyện. Một lát sau mẹ tôi xuất hiện với giọng nói ngọt ngào và nụ cười xã giao nở trên môi :
    - Xin mời ông chủ dùng cơm với gia đình chúng tôi ạ.
    Ông chủ trả lời hơi có vẻ đùa cợt :
    - Ồ, xin quý bà chớ bận tâm! Tôi không định làm phiền gia đình chuyện ăn uống...
    Bạn thử nghĩ mà xem, nếu thật vậy thì tai hại biết bao ? Mẹ tôi đã lo lắng, chạy vạy mấy ngày liền, mất ăn mất ngủ để lo bữa tiệc đãi ông chủ, thế mà ông ấy lại không dùng thì có chết không ? Nhưng chuyện đời đâu có dễ thế nhỉ. Ba tôi gần như xốc nách kéo ông ta đến bàn ăn.
    Không khí khẩn trương, tất bật, ảnh hưởng cả đến tôi. Ba tôi ra lệnh :
    - Rót rượu vào các cốc đi con.
    Đầu óc rối tinh, rối mù, không tập trung được nên tôi rót mãi đến nỗi rượu tràn cả ra ngoài. Ba tôi sa sầm nét mặt :
    - Cái thằng hậu đậu, chẳng làm việc gì nên thân. Rót có mấy cốc rượu cũng không xong ...
    Vơ vội khăn lau, ba tôi bắt đầu lau lia lịa, khốn khổ, vì quá vội vàng nên ba tôi gạt tay phải, làm đổ dĩa xà lách trộn dầu dấm tung tóe ra bàn. Mẹ tôi vội vàng xin lỗi :
    - Trời, xin ông chủ thứ lỗi cho, áo ông có bị dây bẩn không ạ ? Xin ông cẩn thận...
    Rồi dĩa súp của Fatos lại đổ. Mẹ tôi mắng nó một câu, nhưng Fatos cãi lại giọng như muốn khóc :
    - Tại tay mẹ chạm vào dĩa của con chứ ... - Rồi nó òa lên khóc thật to.
    Ba tôi nổi khùng, mắng mẹ tôi :
    - Tôi đã dặn là phải dọn một bàn khác cho lũ trẻ ăn riêng ra cơ mà ...
    Mẹ tôi thì thầm với Fatos :
    - Im đi con ! Đừng có khóc trước mặt khách xấu lắm ...
    Cả nhà nghe thấy câu nói thầm của mẹ tôi. Em tôi nín khóc nhưng nó vẫn vừa ăn vừa nức nở.
    Sau món súp, đến món thịt bò bít-tết. Ông khách lịch sự chìa cái dĩa của mình ra để mẹ tôi tiếp cho một miếng thịt bò to tướng. Chưa yên tâm, mẹ tôi còn muốn rưới thêm nước sốt, nhưng ông chủ vì còn mãi tiếp chuyện ba tôi nên kéo cái dĩa về phía mình, thế là mẹ tôi cho cả muỗng nước sốt thịt vào dĩa bánh ngọt để ăn tráng miệng. Lập tức mẹ tôi rối rít xin lỗi :
    - Trời ơi, tôi làm thế này ? Xin ông thứ lỗi cho ...
    Vì mất tự nhiên nên bữa ăn cứ rối mù cả lên, chẳng ai không lúng túng. Định lấy muối, ba tôi lại đi dốc hạt tiêu vào thức ăn. Nhận ra sai lầm, ba tôi gắt ầm lên :
    - Đồ khỉ, không biết lọ muối đâu !
    Giật mình lo sợ, đáng lẽ đưa lọ muối, mẹ tôi lại đưa lọ tương ớt cho ba tôi. May mà nhìn thấy lọ muối ngay trước mặt, tôi liền đưa cho ba. Đang cáu, ba tôi xóc quá mạnh làm nút bật ra, thế là cả một đống muối trút vào dĩa thức ăn của ba. Mọi người chẳng còn biết nói sao nữa. Trong tình thế gay cấn đó, không biết làm sao, mẹ tôi lại đột ngột hỏi ông khách :
    - Thưa ông, ông có khỏe không ạ ?
    Bị bất ngờ, ông khách không hiểu gì cả :
    - Bà bảo sao ạ ? ... - Ông ta hỏi lại.
    - Tôi hỏi thức ăn có ngon không ạ ? ... Ông có vừa ý không ?
    - Ô, còn phải nói. Ngon tuyệt, thưa bà.
    Khi đó, em tôi không chịu để mọi người quên nó :
    - Mẹ, con bị vướng cái gì trong cổ ấy mẹ ạ ..
    Mẹ tôi phải một tay vỗ lưng, tay kia cho nó uống nước để miếng thức ăn đang hóc trôi xuống cổ nó. Ba tôi ngứa mắt vì tôi cầm dao tay trái, cố gắng dạy tôi cách cầm dao bằng tay phải. Tôi cũng chú ý làm theo ba, nhưng vẫn lóng ngóng không sao sử dụng con dao cho thuần thục được ... Ba tôi thấy cần phải làm mẫu cho tôi thấy rõ hơn, nhưng con dao của ba ấn mạnh vào khúc xương mà ba định róc thịt đến nỗi nó bay vèo ra khỏi dĩa và rơi vào giữa dĩa cam gần ông khách, làm ông này bị một mẻ sợ ...
    Như vậy tôi là người ít bị hỏi nhất trong bữa cơm ngày hôm đó. Tuy nhiều thức ăn ngon lành, song vì không thoải mái nên tôi ăn chẳng thấy thú vị gì. Khi bữa ăn kết thúc, mọi người đứng dậy, tôi thở phào thoát nạn.
    Đến khi uống cà phê, chắc ông khách nghĩ cần quan tâm đến tôi nên ông ta hỏi :
    - Cháu học lớp mấy rồi, hả cậu bé ?
    - Kính thưa, cháu học lớp Năm, thưa ông ...
    Tôi chú ý nhìn xem ba mẹ có vừa ý với cách trả lời khách của tôi không. Hai người có vẻ thỏa mãn với câu trả lời trịnh trọng với đầy đủ " kính thưa" của tôi.
    - Cháu bao nhiêu tuổi ?
    - Kính thưa, cháu được 11 tuổi, thưa ông ...
    - Lớn lên cháu muốn làm gì ?
    - Kính thưa, cháu muốn làm nhà văn ạ, thưa ông ...
    - Hoan hô ! ...
    Thế là xong, tôi im vì ông chủ không hỏi nữa. Mẹ tôi nói thầm gì đó, và ra dấu về phía ông chủ. Tôi chẳng hiểu gì cả, vì chỉ thấy đôi môi mẹ mấp máy. Mãi sau mới biết mẹ tôi bảo cảm ơn ông chủ. Nhưng ông ấy đã quay sang nói chuyện với ba tôi rồi. Đợi cho ông nói xong câu chuyện tôi liền thưa :
    - Kính thưa, cháu cảm ơn ông, thưa ông ...
    Không hiểu ý nghĩa câu cám ơn muộn màng của tôi, ông chủ ngây ra một lúc, sau đó ông bảo tôi :
    - Không có gì ...
    Trong một lá thơ tôi có viết rằng Fatos, em gái tôi là một " kỳ quan đặc biệt" . Hôm đó phải công nhận nó cũng rất xứng đáng với danh hiệu đó.
    Khi mẹ tôi thu dọn bàn ăn, sơ ý để rơi một trái chuối xuống sàn, Fatos nhặt lên và giảng giải :
    - Mẹ ơi, có phải khi đồ ăn rơi xuống đất thì không được ăn trước mặt khách phải không mẹ ? Con để lên đây, khi nào ông khách về, con mới được ăn. Như thế mới lịch sự... - Nó nói rành rọt và để trái chuối lên bàn.
    Ba tôi không muốn để ông khách nghe thấy tiếng Fatos nên cố gắng ho át đi đến nỗi đỏ mặt tía tai. Fatos lập tức chứng minh khả năng tiếp thu " bài giảng lịch sự" của mẹ tôi dạy nó :
    - Này ba, trước mặt khách, nếu ho phải che miệng lại cho lịch sự, mẹ bảo thế mà !
    Ba tôi tức điên người, nhưng cần phải cố gắng mỉm cười nhẹ nhàng hỏi nó :
    - Ê, con gái ba nói gì ?
    Nhưng Fatos cũng không bỏ qua câu đó :
    - Trước mặt khách, ba đừng có nói "Ê" . Mẹ bảo như thế là hỗn láo đấy.
    Ba tôi bực lắm nhưng cũng phải cười trừ.
    Một lát sau ông khách cáo từ ra về. Ba mẹ tôi trịnh trọng tiễn ông đến tận xe, đợi ông ra về rồi mới lên nhà. Lập tức ba tôi mắng cho hai anh em một trận :
    - Thật là xấu hổ với chúng mày !
    Mẹ tôi cũng đay nghiến :
    - Mẹ dạy các con ăn nói thế ư ?
    Em Fatos của tôi chẳng chịu, nó cãi :
    - Trước mặt khách, con có ăn nhồm nhoàm đâu, con có nói "Ê" đâu ...
    Chẳng ai được yên ổn trong ngày hôm đó.
    Bạn Zeynep thân mến, tôi gởi kèm theo thư này bức ảnh cả lớp chúng tôi chụp chung hôm trước. Trong ảnh bạn sẽ được nhìn thấy thầy giáo mới của chúng tôi. Thầy ấy đến thì bạn đã đi Ankara rồi.
    Chúc bạn nhiều sức khỏe và tiến bộ.
    Thân mến
    Acmét
  8. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Thật đáng hổ thẹn!
     
    Ankara 16.2.1964
    Acmét thân mến,
    Không thể tả hết nỗi vui mừng của tôi khi nhận được bức ảnh lớp cũ bạn gởi cho. Tôi nhận ra được hết bạn bè hồi trước ... Cô bé đứng gần bạn là Mine chứ gì ? Khó nhận ra được vì nó bị Huseyin che khuất gần nửa mặt. Hình như Yasa đã trèo lên vai Chengis thì phải, hai ông tướng nghịch ngợm quá! Còn Nese theo lệ thường, bao giờ cũng chiếm giữ những chỗ trên hàng đầu ... Trời, tôi thích cái ảnh quá chừng! Xem ảnh mà tưởng như được gặp lại hết bạn bè ở Istanbun. Chỉ có Đemir là tôi không tìm ra, mặc dù đã cố căng mắt ra mà nhìn. Tôi đoán nó vắng mặt hôm chụp ảnh, phải không bạn ? Thầy giáo mới của lớp già hơn tôi vẫn tưởng tượng qua các lá thư của bạn.
    Đáp lại nhiệt tình của bạn, tôi cũng xin gởi tặng bạn một tấm ảnh chụp chung với Mentin theo lá thư này. Đó là ảnh một bác hàng xóm chụp giùm chị em tôi nhân ngày sinh nhật của Mentin.
    Mấy ngày nay tôi buồn rầu quá bạn ạ, mà cũng giận mọi người nữa. Chẳng hiểu sao tôi đâm mang tiếng là cóp bài trong giờ kiểm tra. Mà tôi thì chưa hề làm chuyện đó, bạn xem có bực không cơ chứ. Tôi sẽ kể đầu đuôi cho bạn nghe ..
    Một hành động rất dễ làm thầy giáo tôi giận dữ là người này "cóp" bài của người kia. Nhiều lần thầy đã giảng giải cho chúng tôi cái xấu xa của việc làm đó : "Chép bài của người khác là ăn cắp thành quả lao động của bạn mình. Cóp được bài không có nghĩa là thông minh, nhanh trí gì mà ngược lại chính là gian xảo, dối trá đối với thầy, với bạn". Ba tôi cũng thường khuyên răn mấy chị em tôi : "Cóp bài là rất đáng hổ thẹn, hơn nữa đó là việc làm rất xấu xa, không phải lừa dối ai khác, người cóp bài đã lừa dối chính bản thân mình" . Phải thú thực những lời khuyên đó rất có tác dụng đối với tôi, giúp tôi khắc phục một số lần cám dỗ nào đó. Cho tới khi ...
    Bây giờ bạn hãy nghe tôi kể tiếp chuyện. Có lần tôi đã viết cho bạn là ba tôi có mấy người bạn học cùng lớp, hiện nay là hàng xóm, láng giềng của gia đình tôi. Những lúc rỗi rãi nghỉ ngơi, có dịp gần nhau, tụ tập đông đủ cả mấy người là y như rằng họ nhắc lại những kỷ niệm hồi còn đi học. Những câu chuyện cũ ở trường, ở lớp gây cho ba tôi và các bạn của ông sự thích thú đặc biệt. Trong một buổi tối gần đây, khi ông nội tôi đến chơi nhà, may mắn có đông đủ bạn bè của ba tôi cũng tới chơi. Chuyện này, chuyện khác chán rồi thế nào cũng đến những chuyện những năm còn đi học. Ba của Nurten, cái con bé béo tròn như cây bắp cải ấy, hồi tưởng lại chuyện cũ với giọng khoái chí :
    - Có lần trong lúc đi thi, chúng mình đã găm được một mảnh giấy có ghi bài giải toán lên lưng thầy giáo toán tên là Kentos Sabri nhỉ, các anh còn nhớ không ... Thật là những ngày vui tuyệt diệu! .. - Ông ấy thở dài vẻ luyến tiếc tuổi đến trường.
    Vợ của ông ấy cũng có mặt, có vẻ tò mò muốn biết thêm chi tiết, bèn đề nghị:
    - Sự thể ra sao, anh kể lại cho mọi người nghe đi ?
    - Ông Kentos hồi đó là một giáo viên dạy toán rất nghiêm khắc của chúng tôi. Ông rất tự hào rằng trong giờ của ông, học sinh không bao giờ dám cóp bài. Bởi vì đọc xong đầu đề là ông lập tức đi dạo lòng vòng trong lớp, hết chỗ này đến chỗ kia nhìn học sinh nên không ai có thì giờ mà cóp bài cả. Ông hay nói "Tôi muốn xem mặt cậu nào dám làm việc đó trong giờ toán của tôi". Thế mà trong một kỳ thi toán cuối năm, có một cậu bạn ...
    Ba tôi chợt nhớ ra, lớn tiếng xen vào :
    - Hình như cậu ta tên là Necđét Marsic phải không ?
    - Đúng rồi, cậu ta đấy. Hiện nay Marsic là đại sứ ở Pháp thì phải. Hà, đó là một học sinh thông minh nhanh trí và cũng đầu têu nhiều trò tinh nghịch. Hôm đó chẳng biết làm thế nào mà anh ta đính được mảnh giấy anh đã giải bài toán thi lên lưng áo ông thầy giáo nổi tiếng là nghiêm khắc của trường. Học sinh trong lớp vớ được dịp may ấy, chép vội vàng lời giải đến rất đúng lúc ấy. Nhưng ông thầy Sabri lại chẳng chịu đứng yên một chỗ nào, mà cứ đi đi lại lại khắp nơi, thành ra khó mà chép được hoàn chỉnh. Học sinh cũng khá ranh mà, chúng cứ thay nhau giả vờ hỏi thầy mỗi đứa một câu nào đó để giữ chân thầy lại lâu lâu một chút cho đứa khác chép. Riêng tôi rất sốt ruột, vì mãi thầy chẳng đến chỗ tôi gì cả. Tôi liền nghĩ ra một kế nhỏ. Tôi hí hoáy cúi xuống ngăn bàn như đang giở sách cóp bài ... Thầy nhìn thấy ngay hành động đáng nghi của tôi, bèn đến gần và ngồi ngay cạnh đó để theo dõi một lúc khá lâu. Tôi có thừa thì giờ để chép bài toán đã được giải sẵn không thiếu một dấu phẩy ... Người nào chép xong liền nộp bài và ra chơi ngay. Khi chuông báo hết giờ reo lên, cũng là lúc những học sinh cuối cùng nộp bài kiểm thi ...
    Khi có một đứa nhắc, chúng tôi mới giật mình nhớ ra là đã quên không gỡ lại mảnh giấy trên lưng áo thầy. Còn thầy Sabri thì thu xong các bài thi và mang cả vào phòng nghỉ của các giáo viên không hay biết tí gì. Về sau sự việc bại lộ, nhưng không thể nào tìm ra thủ phạm đã làm trò quỷ quái đó, vì tất cả chúng tôi đã quyết ngậm miệng. Tuy ông Sabri là một người nghiêm khắc, nhưng cả lớp đồng thanh xin lỗi nên cuối cùng ông cũng đã chấp thuận và bài thi đó chúng tôi phải làm lại ...
    Một ông khách nhắc lại kỷ niệm khác :
    - Các anh hãy nhớ lại xem chúng ta đã làm gì trong các giờ của thầy Kasap Osman ...
    Đó là chuyện về một ông giáo dạy sử. Đến giờ kiểm tra viết, ông này cứ ngồi lì trên bàn và dán mắt vào các học sinh, chẳng chịu đọc sách hay làm gì cả. Mắt ông giương to như hai ngọn đèn pha ấy, đố anh nào ngồi các bàn đầu bàn dám chép bài. Những học sinh ở các bàn cuối lớp thì lại có thể công khai "cóp" bài bằng cách mở sách để vào lưng các bạn ngồi bàn trước. Điều đó giải thích tại sao các học sinh ngồi cuối lớp hay được điểm tốt về môn sử ...
    Đến lượt ba tôi cũng hào hứng tham gia :
    - Này, có ai còn nhớ chuyện chúng mình phá phách trong giờ kiểm tra hóa của thầy Natij Zew không?
    - A, chuyện dùng bọ xít (nguyên văn "musa" là một loại côn trùng có cánh cứng to bằng ngón tay cái, không có ở nước ta) để cóp bài chứ gì? Chẳng ai quên được đâu. -Mấy người bạn của ba tôi kêu lên.
    Thầy Natij Zew có tật cận thị nặng. Dù đã đeo đôi kính rất dày, ông cũng không nhìn rõ những vật cách xa vài mét. Thế nhưng ông lại rất khó tính trong khi cho điểm các bài kiểm tra. Lần thi kiểm tra học kỳ môn hóa năm ấy, có học sinh đã bắt 5, 6 con bọ xít để dành trong một bao diêm mang vào lớp. Sau khi thầy ra đề bài, một học sinh giỏi hóa đã giải hoàn chỉnh bài làm và viết vào các băng giấy rồi buộc vào chân các con bọ. Khi được thả ra, do sức nặng của các băng giấy, các chú bọ xít không bay xa được mà bay chuyền từng đoạn ngắn. Như vậy, hầu như tất cả những ai muốn " cóp" bài đều làm được. Thật là quá dễ dàng cái công việc tóm bắt một chú bọ xít có băng giấy buộc ở chân. Sau khi chép xong, bạn lại thả ra cho người khác chép tiếp. Mọi người đang mải mê làm công việc thích thú ấy thì cửa lớp xịch mở, thầy hiệu trưởng vào lớp kiểm tra việc học tập và thi cử của học sinh. Một chú bọ láo toét, không nể nang gì ông hiệu trưởng, lượn mấy vòng rồi đậu ngay trước mặt ông ...
    Mentin sốt ruột quá, vội vàng hỏi ba tôi :
    - Rồi sao ông hiệu trưởng có nói gì không ba ?
    Như còn xúc động trước sự kiện đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, ba tôi trả lời :
    - Có một học sinh suýt nữa thì bị đuổi vì thầy hiệu trưởng bắt được đang chép bài ... khó khăn lắm cậu ta mới được tha thứ, nhưng vẫn bị cảnh cáo ...
    Ba tôi nói thêm :
    - Cuối cùng anh ta vẫn thoát nạn... Các anh có biết không, bây giờ anh ta là giáo sư đại học đấy.
    Một ông khách ý chừng thấy cần lịch sự mời ông nội tôi tham gia câu chuyện nên đã đề nghị :
    - Thưa bác, khi bác còn là học sinh, ở trường bác người ta có "cóp" bài không ạ ?
    Ông nội tôi nghiêm chỉnh trả lời :
    - Ồ, là học sinh, ai chẳng có một lần phải chép bài trong đời mình... - Rồi ông tôi kể cho cả nhà nghe chuyện xảy ra ở kỳ thi vấn đáp môn hóa. Ông tôi nhớ kỳ thi đó thầy giáo cho vào phòng thi lần lượt ba người một để chuẩn bị. Cùng vào với ông nội tôi có một người bạn vốn lười học nên chẳng biết gì cả. Học sinh đó bắt được câu hỏi "Cần bao nhiêu năng lượng để đun sôi bình nước ... lít từ ... 0oC lên 100oC và bốc hơi ...". Thầy giáo hỏi mãi không được nên cáu, đi đi lại lại trong lớp. Tranh thủ thời khắc đó, ông kia cầu cứu các bạn. Ông tôi đang tính toán giùm thì ông thầy đã mang để lên bàn một bình nước và hỏi :
    - Đây, bình này muốn đun lên cần bao nhiêu năng lượng ?
    Ông học sinh im như thóc, chẳng nói gì. Tranh thủ lúc thầy quay đi, ông tôi viết vào giấy và giơ lên cho anh bạn "Khoảng một ngựa" . Thầy giáo hỏi :
    - Tôi hỏi em bình này chứa gì ? Có gì trong này ?
    Ông bạn của ông nội tôi trả lời tỉnh bơ :
    - Thưa thầy một con ngựa ạ! [1]
    Tôi suy nghĩ khá nhiều về các câu chuyện mọi người kể tối hôm đó. Hôm sau, tranh thủ lúc thầy giáo đang vui vẻ, tôi quyết định hỏi cả thầy về chuyện đó. Chúng tôi tập chơi bóng ném ở sân trường, giờ giải lao, thầy cũng ngồi xệp giữa chúng tôi. Tranh thủ dịp may hiếm có, tôi liền hỏi thẳng :
    - Thưa thầy, đã có lần nào thầy "cóp" bài chưa ạ?
    Bị tôi hỏi bất ngờ, không kịp suy nghĩ thầy nói :
    - Có chứ ... à mà quên, lần đó là cả lớp thầy chép bài ... Một anh bạn trong lớp học bài kỹ hơn đã làm xong rất nhanh bài kiểm tra. Khi ra ngoài, anh ta đã viết các câu trả lời lên một tấm bìa cứng lớn và giơ cao lên ngang cửa sổ. Trong lớp mọi người chỉ việc nhìn ra và chép vào giấy. Tuy nhiên phải giữ sao cho thầy giáo không biết được ... - Thầy giáo tôi kể một cách thích thú kỷ niệm ấy.
     
  9. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hôm sau chúng tôi có bài kiểm tra kiến thức khoa học thường thức.
    Ngồi cạnh tôi là Murat ở bên trái và Turkan ở bên phải. Thư trước tôi đã viết qua cho bạn về Murat. Đó là cậu bạn khi thầy gọi "Em đứng dậy!" , nó lại hỏi "Em ấy à ?". Murat học đúp lại từ năm trước. Bạn cùng học với nó đã lên lớp 7 cả, thế mà nó thì... Murat không phải là đứa lười biếng nhưng bài vở không chịu vào đầu nó. Bình thường thì nó cũng là một đứa bạn tốt.
    Còn Turkan là học sinh khá, có nhiều điểm tốt nhưng chả hiểu sao hôm đó lại không học bài. Thế là cả hai đứa đều đòi tôi viết cho chúng những mẩu giấy ... Tôi bảo chúng nó :
    - Viết giấy cho cả hai cậu cũng được nhưng sợ không đủ thời giờ, tốt hơn hết để tớ nhắc miệng.
    Các câu hỏi thầy ra cho chúng tôi như sau :
    1. Làm thế nào để phòng ngừa các bệnh ngoài da cho trẻ em ?
    2. Em hãy nói về các bệnh thông thường của trẻ em và cách phòng tránh các bệnh đó.
    3. Em hiểu thế nào về tác dụng của các trò chơi và đồ chơi ?
    4. Biện pháp roi vọt trong giáo dục có tác dụng không ?
    Tối hôm trước và cả sáng hôm đó tôi đã học bài rất thuộc. Tôi còn nhớ cả số trang có bài học đó nữa kia. Nhìn thấy quyển " Khoa học thường thức" trước mặt Turkan, tôi liền nhắc cả hai đứa :
    - Này, các cậu mở trang 50 ra đi ... Các trang 50, 51, 52 là bài học trả lời các câu hỏi thầy giáo cho đấy.
    Tôi bắt đầu làm bài thì nghe Murat hốt hoảng gọi :
    - Zeynep, cậu nói dối, ở trang 50 làm gì có ...
    - Sao vậy ? - Tôi thì thầm hỏi lại.
    - Trang 50 chỉ có bài về rừng nhiệt đới thôi ...
    - Thì giở tiếp trang sau đi !
    - Mình giở tiếp rồi ... Sau đó là bài nói về các loại than : than đá, than bùn ...
    Tôi xem quyển sách Murat thì đâu có phải là " khoa học thường thức" . Chẳng hiểu sao nó lại giở quyển " Tìm hiểu thiên nhiên" ra.
    - Ơ, đâu phải quyển này. Mở quyển " Khoa học thường thức" ra cơ mà. - Tôi thì thầm bảo nó.
    Murat tìm thấy quyển "Khoa học thường thức" và bắt đầu cắm cổ chép, không kịp thở. Tôi cũng vội làm bài không chú ý gì đến nó nữa. Turkan và Murat làm xong bài và nộp thầy trước cả tôi. Lúc tôi làm xong và ra ngoài. Murat bảo tôi:
    - Cậu biết không ? Sách của tớ không có trang 50, 51, 52.
    - Sao lại không ? Dứt khoát là có.
    - Tớ thề là không có đâu. Từ trang 48 đã đến trang 63 kia mà.
    Nó vào lớp lấy quyển sách của nó đưa cho tôi xem. Tôi giở ra và xem rất kỹ. Đúng thật ! Các bài học thầy kiểm tra không có trong sách của nó. Các trang số 33 đến 48 đã lặp lại hai lần. Đó là lỗi của nhà in, lúc đóng sách ...
    Khi đã rõ rồi, tôi tò mò hỏi Murat :
    - Nhưng tớ vẫn thấy cậu viết ghê lắm mà. Cậu đã làm gì, hả Murat ?
    - Tớ chép hết cả trang 48 chứ còn làm gì nữa. - Nó trả lời tỉnh bơ.
    Mấy hôm sau, thầy trả bài và đọc điểm. Tôi và Turkan đều được điểm rất tốt. Sau đó thầy nói :
    - Bây giờ tôi sẽ đọc bài làm của Murat cho các em nghe thử. Các em chú ý nhé! Câu hỏi thứ nhất "Làm thế nào để phòng ngừa bệnh ngoài da cho trẻ em?" Trả lời "Để cho bền, sạch và đẹp lâu, cần phải giặt kỹ và là (ủi) ở nhiệt độ thích hợp, nếu bị dây bẩn".
    Không ai nhịn được cười. Nhưng thầy giáo xua tay :
    - Im lặng! Các em nghe tiếp câu khác. Murat trả lời câu hỏi về cách phòng ngừa các bệnh thông thường trẻ em như sau : "Chúng ta phải phơi nắng và chải thường xuyên. Khi đã sạch có thể treo lên mắc áo hoặc bỏ vào trong tủ. Nếu mùa lạnh đã hết, có thể gói lại và bỏ vào trong va li. Trường hợp bị bẩn nhiều quá phải giặt bằng nước nóng với xà phòng và treo lên dây phơi cho khô" .
    Cả lớp cười bò ra, nhiều đứa cười chảy cả nước mắt nước mũi. Murat xấu hổ quá, nó nói như muốn khóc:
    - Nhưng ... thưa thầy, em chép trong sách ra cơ mà ...
    Thầy giáo rõ ràng đã biết, bảo nó :
    - Tôi biết là em chép ở trong sách rồi. Chỉ có điều em đã chép lầm! Câu hỏi ở bài "Chăm sóc trẻ em" thì em lại chép sang bài "Giữ gìn quần áo" .
    - Thưa thầy, Zeynep bảo em thế ạ.
    Thầy giáo nhìn tôi rất ngạc nhiên :
    - Thế ra là em nói cho bạn chép sai bài cơ đấy ?
    Tôi không thể chối cãi được sự thật :
    - Thưa thầy, em chỉ nhắc bạn ấy câu trả lời nằm ở trang nào trong sách thôi ạ.
    Xem sách của Murat, thầy giáo hiểu ngay tại sao có sự lầm lẫn. Tuy nhiên ông ấy vẫn không tha cho tôi :
    - Tôi bắt buộc phải thông báo cho cha mẹ em về chuyện này ...
    Mẹ tôi được mời đến trường để nghe hết sự việc tôi đã làm. Đó là lỗi xúi bạn "cóp" bài trong giờ kiểm tra.
    Trời! Thế là suốt buổi tối hôm đó, cả nhà phê phán tôi. Ba tôi mắng gay gắt :
    - Xấu hổ, xấu hổ quá con gái ơi ...
    May quá, tôi lại được ông nội bênh vực :
    - Thôi để yên cho con bé học. Nó có chép bài đâu. Nó chỉ nhắc đứa khác thôi mà. Để cho nó yên nào.
    Mẹ tôi chưa chịu :
    - Thì cũng vậy cả chứ gì ?
    - Nào, nào ... Chúng bay có đứa nào không "cóp" bài khi còn đi học không, hả ? - Ông tôi vặn lại.
    Mentin ra vẻ thông minh, nói góp :
    - Thì các thầy giáo có bắt được ba mẹ "cóp" đâu.
    Thế đấy, tôi biết làm sao được. Tự nhiên bị mang tiếng ... Tôi rất bực. Nhưng tức nhất vẫn bị Mentin trêu chọc : "Ê, xấu hổ quá! Thật đáng hổ thẹn! Cóp bài mà lại để bị tóm ... xấu hổ quá!" .
    Rất mong thư bạn. Tôi dừng lời chúc bạn khỏe mạnh và học hành tiến bộ.
    Zeynep



    [1] Tác giả dùng lối chơi chữ ở đây. Người bạn nhắc năng lượng để đun sôi nước là một sức ngựa, anh lười hiểu lầm là một con ngựa .
  10. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Tình cảnh gia đình
     
    Istanbun 26.2.1964
    Zeynep thân mến,
    Cám ơn bạn đã gởi cho tôi tấm ảnh. Hồi này Mentin trông lớn hẳn ra, có vẻ đàng hoàng lắm.
    Tôi rất thông cảm về những chuyện đã xảy ra với bạn trong tuần qua. Rõ ràng là muốn giúp bạn lại thành ra mang tội. Dù vẫn thương hại Murat nhưng tôi cũng bực với nó.
    Bạn còn nhớ Huseyin không ? Với nó cũng có những chuyện dở khóc dở cười. Nó cũng làm nhiều bạn trong lớp tôi buồn cười như Murat của các bạn. Tuy nhiên Huseyin không đổ lỗi của mình cho ai cả. Bạn cũng đã từng biết nó đấy, đó là một đứa bạn tốt. Trong một lá thư tôi đã có lần kể rằng Huseyin, thà chịu đau một mình chứ không thưa thầy để tố cáo đứa bạn xô đẩy làm nó ngã từ trên ngọn cây xuống.
    Khi trước còn ở Istanbun, bạn đã đến nhà Huseyin chơi chưa ? Gia đình nó sống ở một khu ngoại ô nhỏ và khá tồi tệ. Mà ngay cả khi chưa đến nhà nó, chắc bạn cũng thấy nó là một đứa trẻ con nhà nghèo.
    Lâu lâu tôi cũng có đến nhà nó chơi và vì thế tôi biết khá rõ về hoàn cảnh gia đình sa sút mà nó đang phải chịu đựng. Nhà Huseyin có tới bảy người mà tất cả phải sống chen chúc trong một căn phòng nhỏ xíu. Hoặc vì nhà cửa quá chật chội, hoặc vì tiền nong kiếm được quá hạn chế, trong nhà nó ít khi có sự hòa thuận, vui vẻ. Từ khi hai đứa kết bạn với nhau, Huseyin hay kể những chuyện cãi vã, xích mích thường xuyên trong gia đình nó cho tôi nghe. Tôi cũng sẵn lòng chia sẻ những nỗi buồn khổ với nó. Đôi lúc tôi còn phải khuyên giải, động viên nó vượt qua những khó khăn vật chất và tinh thần.
    Buổi sáng đến trường mà thấy mắt nó đỏ mọng là tôi biết ngay cả đêm trước nó đã khóc rất nhiều. Thường ít khi tôi thấy nó cười đùa vui vẻ, mà nó hay có vẻ buồn và suy nghĩ.
    Gần đây, một buổi sáng, tôi lại thấy nó đến trường, mắt còn đỏ hoe. Để mọi người khỏi thấy nó đã khóc, Huseyin len lén đến thẳng chỗ ngồi và chẳng chuyện trò gì với ai. Ngay tôi cũng chẳng kịp hỏi nó câu nào, chuông báo bắt đầu giờ học đã điểm.
    Hôm đó trong giờ học tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, thầy giáo giảng cho chúng tôi về "Các biến cách của danh từ" . Thầy giáo hỏi cả lớp danh từ gồm có các cách gì. Chúng tôi đồng thanh đọc thật to : "Danh cách, tặng cách, thuộc cách, đối cách, xưng cách" .
    Sau đó thầy gọi Đemir đứng dậy đọc một câu chuyện ngắn nhan đề "Ngôi nhà có cửa sổ bằng vàng" . Có lẽ bạn cũng biết câu chuyện này, nó ở trong sách tập đọc ấy ... Trong khu rừng kia có một gia đình nghèo khổ, sống qua ngày đoạn tháng. Họ có một cô gái nhỏ, lúc nào cũng muốn trở nên giàu có. Hàng ngày ngắm nhìn về phương xa, cô bé thấy một ngôi nhà xinh xắn. Buổi chiều về, những cánh cửa sổ của ngôi nhà phía xa sáng lên một màu vàng rực rỡ, rất đẹp. Cô bé nhà nghèo thường ao ước được đến tận nơi xem ngôi nhà có cửa sổ làm bằng vàng ấy. Một hôm cô bé quyết định trốn nhà đi xem cho biết. Cô ta đi, đi mãi và đến tận tối mịt mới đến được ngôi nhà có cửa sổ bằng vàng. Quá mệt mỏi vì chặng đường dài, khi đến nơi, cô bé ngủ thiếp đi chẳng kịp xem ngôi nhà kỳ lạ ấy. Sáng hôm sau, khi cô bé tỉnh dậy nhìn về phương đông, cô lại thấy một ngôi nhà khác có những cánh cửa sổ ánh lên vàng chói. Dưới ánh bình minh, ngôi nhà phía xa thật rực rỡ, đẹp vô cùng, còn ngôi nhà chỗ cô đang đứng rất bình thường như trăm ngàn các ngôi nhà khác, chẳng có tí vàng nào. Cô đã hiểu ra rằng các tia nắng mặt trời chiếu vào kính cửa sổ làm chúng ánh lên như vàng. Ngôi nhà ở phía mặt trời mọc chính là ngôi nhà của gia đình cô ....
    Sau khi Đemir đọc xong câu truyện, thầy hỏi chúng tôi :
    - Câu truyện có ý nghĩa như thế nào ?
    Không ai trả lời nên chính thầy giải thích :
    - Mỗi người chúng ta nên vừa lòng với những gì mà mình đang có. Trong cuộc sống, nhiều khi ta hành động giống như cô bé trong truyện ... Như thế gọi là "đứng núi này trông núi nọ" . Nhưng chỉ có sau khi xa cách một cái gì đó từng thân thích với ta, rồi ta mới biết giá trị thật sự của nó, lúc bấy giờ ta mới biết đánh giá nó. Như vậy, đẹp hơn hết thảy vẫn là ngôi nhà yêu quý của ta!
    Tiếp đó thầy đọc một câu trong truyện có danh từ "nhà" và bắt đầu hỏi về ngữ pháp :
    - Em Huseyin, danh từ "nhà" trong câu này thế nào ?
    Huseyin từ đầu giờ học vẫn ngồi yên lặng ở bàn cuối lớp, chìm đắm trong đau khổ riêng. Bị gọi bất ngờ, nó bối rối đứng dậy, ngơ ngác chẳng biết nói gì. Thầy giáo nhắc lại câu hỏi :
    - Tôi hỏi em "nhà" ra sao ?
    Cậu bé tưởng thầy giáo quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của mình, trả lời mà nước mắt rưng rưng :
    - Thưa thầy, không tốt lắm ạ ...
    Thầy giáo chưa hiểu ý nó, vẫn vặn hỏi về ngữ pháp :
    - Thầy hỏi em "nhà" ra sao ? Nó ở trong tình trạng nào [1] ? Hãy nói cho thầy rõ.
    Huseyin vẫn tiếp tục nghĩ là thầy quan tâm đến nó, nhưng có lẽ nó không muốn nói về tình cảnh nhà túng bấn trước cả lớp, vì thế giọng nó như muốn khóc :
    - Tình trạng nhà không tốt lắm ạ, thưa thầy không tốt tí nào.
    Thầy giáo vẫn cố gắng hỏi tiếp :
    - Tình trạng nào mà không tốt ? Em nói rõ ra xem nào.
    - Ở nhà em chẳng có lúc nào tốt ạ ... Mà ngày hôm nay thì lại càng tồi tệ, càng xấu hơn ...
    Chắc chỉ có mình tôi hiểu ý Huseyin muốn nói gì. Các bạn khác tưởng Huseyin nói lộn nên chúng nó cười.
    - Tại sao không tốt hả em ?
    Huseyin không làm sao được, đành nói lộ ra tí chút :
    - Bởi vì ... bởi vì ... - giọng nó rung rung, khó khăn lắm nó mới nói thêm - bởi vì chủ nhà đuổi cả nhà em ra ngoài đường ... bởi vì ba mẹ em không còn gì để trả tiền thuê nhà nữa ...
    Trong lớp chả biết có đứa nào đó cười lên hô hố. Huseyin bối rối ngồi xuống, nó lấy hai tay ôm đầu buồn bã. Từ "nhà" mà thầy hỏi nằm ở trong câu "Khi cô bé nhìn thấy ngôi nhà với các cửa sổ vàng ..."
    - Đemir, em nói xem "nhà" trong câu này ở cách nào ?
    - Thưa thầy, thuộc cách ạ.
    Thầy lại quay về phía Huseyin hỏi :
    - "Nhà" ở cách nào, Huseyin ?
    Có lẽ vẫn bị cảnh nhà ám ảnh nên nó trả lời :
    - Có thể sẽ tốt ạ.
    Cả lớp cười rộ lên. Vô tình thầy giáo tôi lại đổ dầu vào lửa :
    - Em nói xem "nhà" ở đây có thể có mấy cách, nào ?
    - Thưa đôi khi tốt, nhưng lúc khác thì xấu ạ.
    Tôi biết là ở nhà Huseyin chẳng có lúc nào có thể cho là tốt cả. Mãi về sau, thầy giáo mới hiểu Huseyin muốn nói về việc gì. Thầy vội vàng nói qua chuyện khác. Rồi cuối cùng ông kết luận :
    - Tóm lại, ngôi nhà tốt nhất, đáng yêu nhất vẫn là ngôi nhà của chúng ta, nơi chúng ta sống. Biết giá trị của nó là điều cần thiết với mỗi người.
    Khi tan học, trên đường về nhà, tôi cố an ủi, khuyến khích Huseyin. Tình trạng của nó thật đáng thương !
    Thời tiết Ankara hồi này ra sao hả bạn ? Chỗ chúng tôi ở, trời đã trở nên rất lạnh. Hôm qua đã có một ít tuyết rơi, nhưng những bông tuyết tan khá nhanh nên trời càng giá rét hơn. Tình trạng nhà của chúng tôi hiện nay còn khá tốt. Lò sưởi ở phòng khách và phòng tôi không được nóng lắm nên cũng hơi bị lạnh. Tuy thế vẫn còn hơn ...... Nhà bạn thế nào ?
    Mong thư của bạn.
    Bạn không quên
    Acmét



    [1] Trong truyện này, tác giả chơi chữ : "caz" vừa có nghĩa là "tình trạng, hoàn cảnh", vừa có nghĩa là "cách" của danh từ về mặt ngữ pháp.

Chia sẻ trang này