1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

CQ - 88

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi dongadoan, 03/10/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Đêm hôm sau, vào quãng 10 giờ tàu 671 đã tới được khu vực tàu 701. Thuyền trưởng Nguyễn Đình Cúc và các thuỷ thủ bơi vào đảo, căng dây cho anh em trên 701 lần theo bơi ra tàu trong đêm tối mênh mông. Thuyền trưởng Hà Văn Thái cùng bốn thuỷ thủ gồm các đồng chí Đỗ QUang Hoà, Nguyễn Tiến Lừng, Trần Văn Bôn và Nguyễn Văn Phuc (báo vụ) tình nguyện chốt lại trên con tàu bây giờ đã trở thành một chiếc lô cốt, trở thành bia chủ quyền trên đảo Đá Lớn.
    Đây là một trận đánh thực sự tuy không phải nổ súng, chấp nhận đương đầu với sóng gió, với đêm tối và đại dương có nghĩa là các anh đã sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh thân mình. Vào những giây phút quyết định lao tàu lên đảo, tính mạng của mười lăm con người đã thực sự treo lên đầu sợi tóc. Cơ may thành công không phải là nhiều. Nhưng các anh đã thành công, sự thành công ấy không chỉ là kết quả của lòng dũng cảm, trí thông minh, sự dạn dày sóng gió và kinh nghiệm đương đầu với hiểm nghèo trên đại dương, mà trong đó còn có cả sự may mắn.
    Tàu 701 và tàu 671 đã được tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba và được đề nghị tuyên dương là những đơn vị anh hùng. Tổ quốc đã đánh giá đúng lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng hy sinh của các anh.
    Vào những ngày cả nước vui vẻ đón xuân thì các anh đã trải qua cuộc chiến đấu một mất một còn ấy. Sau khi đồng đội rời đảo trở về tàu 671, trên đảo còn năm người tình nguyện trụ lại. Họ lấy con tàu làm điểm tựa, sẵn sàng chấp nhận chiến đấu nếu địch đổ bộ lên đảo. Khi triều xuống, đảo nổi lên, cả con tàu nằm trơ trên bãi đá, khi triều lên cả đảo chìm trong sóng nước, con tàu chỉ còn lại cabin chỉ huy không ngập nước. Thuyền trưởng Hà Văn Thái và các chiến sỹ của anh đã ăn, ngủ, sinh hoạt trên cái cabin chật hẹp đó. Và cũng như mọi người dân Việt Nam trên khắp đất nước, họ cũng chuẩn bị đón xuân. Cả tàu còn lại một con gà. Thái quyết định để dành cho bữa liên hoan đón giao thừa. Nhưng rủi thay, chiều ba mươi tết, những người lính dũng cảm của chúng ta đã run tay khi cắt tiết chú gà duy nhất ấy. Tay dao vừa rơi ra, chú gà liền vùng dậy và... chồm xuống biển. SÓng lập tức vồ lấy và cuốn ra khơilàm vật hiến tế thần biển anh linh. Năm chiến sỹ ngơ ngác nhìn nhau, không nói lên lời.
    Đã gần đến giờ giao thừa. Biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân và thuyền trưởng Cúc cùng thủy thủ ủa hai con tàu đang chuẩn bị bữa liên hoan đạm bạc của mình trên tàu 671 thì bỗng nghe có tiéng gọi... từ dưới biển, rồi bên mạn tàu nhô lên một cái đầu ướt rượt. "Trời ơi Bôn! Cậu bơi ra đây làm gì thế?" - Biên đội trưởng Tân hốt hoảng kêu lên anh nghĩ có chuyện gì xảy ra trên đảo. Thuỷ thủ Trần Văn Bôn vừa thở vừa trình bày lý do cuộc mạo hiểm của mình: Gà bay mất, anh em trên đảo không có gì liên hoan đón giao thừa nên... Nhìn ra mặt biển đêm tối đen, ầm ì sóng dữ. Biên đội trưởng xúc động không nói lên lời, không nỡ phê bình quở trách chiến sỹ của mình. Anh vội bảo anh em lấy hai gói kẹo, một chai rượu và... một thẻ hương trao cho Bôn và dặn: "Từ giờ trở đi tuyệt đối không được bơi ra tàu trong đêm tối như thế này nữa nhé!".
  2. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Bôn trở lại đảo vào lúc sắp giao thừa. Thuyền trưởng Hà Văn Thái trịnh trọng đốt mấy nén hương. Mọi người đều im lặng và không ai bảo ai, đều lặng lẽ quay về hướng đất liền.
    Tôi không dám hỏi các anh xem vào giờ khắc thiêng liêng ấy, giữa biển khơi mênh mông các anh đã nghĩ gì. VÌ tôi tin rằng, không ai có thể diễn tả được tình cảm của họ trong giờ khắc ấy. Còn chúng ta, cũng xin đừng suy diễn. Bởi nếu suy diễn sẽ lập tức dẫn đến những khái niệm sáo rỗng, tầm thường. Nếu có thể được, mỗi chúng ta hãy thử dùng trí tưởng tượng để hình dung hoàn cảnh của các anh lúc ấy, và hãy thử dũng cảm (dù chỉ là trong tưởng tượng) tự đặt mình vào khung cảnh ấy. nếu cuộc "trắc nghiệm" ấy thành công hẳn chúng ta sẽ đi đến một kết quả duy nhất, trong ta sẽ nảy sinh lòng biết ơn và một đôi chút hổ thẹn nếu đã có lúc chúng ta sống tầm thường.
    BẰNG MỒ HÔI VÀ MÁU
    Chủ quyền lãnh thổ của một đất nước được khẳng định không phải bằng nước bọt của các chính khách nhiều tham vọng cũng không phải chỉ bằng những cuộc "xâm lăng hoạ đồ" như những người cầm quyền ở đâu đó xưa nay vẫn làm. CHủ quyền lãnh thổ của một đất nước bao giờ cũng phải được khẳng định bằng mồ hôi và máu thông qua quá trình khai khẩn, chinh phục thiên nhiên đối với các vùng lãnh thổ do dân tộc đó phát hiện và tiến hành từng bước việc quản lý theo cơ cấu Nhà nước.
    Dân tộc ta đã khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa bằng con đường đó. Từ rất xa xưa, những đoàn thuyền chiến của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng đã nhiều lần chiến thắng sóng dữ để tới những quần đảo san hô này mặc dù lúc đó Hoàng Sa và Trường Sa chưa có một "thần dân" nào. Đây, không phải là một cuộc "du ngoạn" của các tướng lĩnh, mà đó là những cuộc tầun du được thực hiện thường xuyên theo chiếu chỉ của các nhà vua để cài chắc thêm phên dậu nước nhà. Để thực hiện thành công những cuộc tuần thám như vậy, những người lính thuỷ Việt Nam từ thuở xa xưa đã phải vượt qua biết bao nhiêu gian khổ hy sinh. Ta cũng biết rằng, dưới các triều đại phong kiến, sinh mạng của một người lính chẳng bõ để các nhà chép sử ghi vào sử sách. Đối với họ, lịch sử là lịch sử của những ông hoàng bà chúa, của các triều đại kế tiếp nhau. Tuy vậy các nhà sử gia phong kiến vẫn buộc phải ghi lại trong sử sách tên một viên cai đội đã từng chỉ huy một đội tuần tiễu đã tiến hành thành công cuộc tuần thám của họ trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đó là viên cai đội Phạm Quang Ảnh. Đội Ảnh đã thực hiện cuộc tuần binh của mình vào năm 1815. Chắc chắn đây không phải là người lính Trường Sa đầu tiên của thuỷ quân Việt Nam. Trước đội Ảnh, đã có biết bao nhiêu người lính vô danh đã đổ mồ hôi và máu cho sự nghiệp bảo vệ và khai khẩn những vùng đất mới của Tổ quốc.
  3. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân hôm nay rất tự hào vè những người đồng đội đã đi tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trên đại dương ấy. Nhưng, ở đây tôi không định viết một luận văn lịch sử mà chỉ muốn nhắc lại rằng chúng ta cần phải thừa kế như thế nào một "tầm nhìn xa" như vậy về chiến lược phòng thủ Tổ quốc của cha ông chúng ta. Ở vào thời đại chúng ta, Trường Sa đã trở nên vô cùng thân thuộc và gần gũi. Trên quần đảo đã có một hòn đảo mang tên một thuyền trường của hải quân nhân dân, đó là thuyền trưởng Phan Vinh, người đã từng chỉ huy một con tàu không số đưa vũ khí vào miền Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước và đã hy sinh tại hòn đảo này. Con đường mòn trên biển mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được cả nước biết tới và đã nổi tiếng trên thế giới, một chặng trên con "đường mòn" ấy là quần đảo Trường Sa. Thiết tưởng, riêng điều đó cũng đủ bảo đảm tính chất hợp pháp về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trên vùng biển và hải đảo này rồi, đã là đoạn đường mòn thì còn có gì xa lạ?
    Biết bao nhiêu mồ hôi và máu của các thế hệ người VIệt Nam đã đổ vì quần đảo thân yêu này? Hôm nay kẻ thù lại dẫn xác tới đoạn đường mòn thân yêu của đất nước ta, và như một tất yếu, màu và mồ hôi lại thêm một lần tuôn chảy.
    Đợt công tác ngắn ngủi và gấp gáp vừa qua đã giúp tôi nhìn nhận ra nhiều điều mới mẻ. Trong đó có cả những điều tưởng như đang bị lãng quên, đang dần mòn mỏi trong cuộc sống vất vả và dung tục của ngày hôm nay. Tôi đã cố gắng đến được một vài đơn vị đã đổ nhiều mồ hôi và xương máu nhất trong những tháng vừa qua để thêm một lần khẳng định lại chủ quyền đất nước đối với quần đảo Trường Sa, một trong những đơn vị như vậy là đoàn công binh Sông Mã, một đơn vị đã được tuyên dương anh hùng năm 1975 vì những chiến công mà đoàn đã lập được trong những năm đánh Mỹ.
    Trong chiến dịch mang tên "Chủ quyền 88", những người lính thợ của đoàn công binh Sông Mã đóng một vai trò xứng đáng vơi truyền thống của mình. Họ là những người lính thợ, có nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng những công trình sinh hoạt và chiến đấu cho những đơn vị bảo vệ đảo, lấy lao động sáng tạo làm phương tiện chủ yếu để công hiến cho Tổ quốc. Nhưng khi kẻ thù xuất hiện, những người lính thợ ấy, lập tức trở thành lính chiến, họ đã chiến đấu dũng cảm như bất kỳ một người lính nào trước kẻ thù mạnh hơn gấp bội. Gương chiến đấu của người chiến sĩ công binh trẻ tuổi Nguyễn Văn Lanh trong ngày 14 tháng 3 trên đảo Gạc Ma là một ví dụ điển hình. Khi tôi đến đơn vị thì Nguyễn Văn Lanh vẫn còn nằm điều trị tại quân y viện. Nhưng tôi đã gặp được nhiều đồng đội của anh, những người đã cùng anh đứng đối mặt với kẻ thù để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Họ đã kể về những hành động của anh một cách chân thực, giản dị như kể về những công việc quai búa đóng cọc, dựng nhà vậy. Hầu như ai cũng bắt đầu bằng một câu giản dị "hôm đó cúng tôi đi trên tàu 604 ra làm nhà cho anh em mình trên đảo Gạc Ma...".
  4. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Họ đi làm nhà, đúng thế. Trên tàu 604 có hai đội công binh do hai đồng chí Trần Văn Phong và Nguyễn Sĩ Minh chỉ huy. Khi họ đang dùng xuồng chở vật liệu vào đảo thì đối phương từ ba chiếc tàu chiến kéo tới ào ạt đổ bộ lên. Thấy đối phương đổ quân lên đảo quá đông, một đồng chí chỉ huy trên tàu hô lớn: "Đồng chí nào bơi giỏi hãy bơi vào hỗ trợ cho anh em giữ đảo, bảo vệ cờ". Hàng loạt chiến sĩ công binh đang trên tàu đã lao xuống biển bơi vào đảo phối hợp với số anh em công binh đang chở vật liệu và tổ chốt do thiếu uý Trần Văn Phương chỉ huy. Cuộc vật lộn đã thực sự bắt đầu. Chưa có lệnh của cấp trên, các chiến sĩ của chúng ta kiên trì chưa dùng súng mà chỉ dùng tay không để chống trả, quây thành một vòng tròn, xây lưng với nhau để bảo cệ lá cờ Tổ quốc.
    Nhưng... họ đã nổ súng. Cùng một lúc chúng nổ súng vào các chiến sĩ ta trên đảo và dùng đại bác cỡ lớn bắn vào ba tàu vận tải của ta: tàu 604 neo cạnh đảo Gạc Ma, tàu 505 neo cạnh đảo Cô Lin và tàu 605 neo cạnh đảo Lan Đao. Tàu 604 bị thương nặng, chìm tại chỗ, tàu 605 bốc cháy, tàu 505 cũng bị trúng đạn nhưng thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Lễ đã kịp thời ra lệnh kéo neo cho tàu lao lên bãi cạn của đảo Cô Lin.
    Tất cả các thuỷ thủ và anh em công binh còn lại trên tàu 604 đã hy sinh và mất tích.
    Máu đã đổ như vậy đó. Nhiều tình tiết về sự kiện này đã được kể lại trên các báo. Trong khi đó các tàu chiến của đối phương thường xuyên vây hãm khu tàu đắm, ngăn trở các tàu cứu hộ Việt Nam vào làm nhiệm vụ. Tuy vậy, tàu 671, một tàu vận tải nhỏ của hải quân, đã từng có mặt trong đoàn tàu không số trong những năm kháng chiến chống Mỹ vẫn tìm cách vượt qua được vòng đai phong toả của tàu chiến của đối phương vào được đảo Cô Lin để đưa các chiến sĩ bị thương về đảo Sinh Tồn cấp cứu. Đó cũng là một hành động anh hùng. Bởi vì chỉ cần một viên đạn đại bác từ các tàu chiến kia bắn tới là con tàu nhỏ nhoi đó sẽ chịu chung số phận với tàu 604. Sau này, khi gặp lại tàu 671, tôi hơi bất ngờ vì sự nhỏ bé của nó so với những con tàu đi biển xa. Sức chở theo thiết kế của nó cũng chỉ có 50 tấn. Đó là loại tàu được thiết kế riêng cho đoàn tàu không số để có thể luồn lách trong các kinh rạch, các cửa sông của Nam Bộ trước mũi những đội giang thuyền của Mỹ - nguỵ. Điều thứ hai khiến tôi ngạc nhiên là đội thuỷ thủ của tàu quá trẻ, thuyền trưởng, thượng uý Nguyễn Đình Cúc mới hơn ba mươi tuổi. Vậy mà chính anh, đêm 28 tết Mậu Thìn vừa qua đã chỉ huy con tàu của mình cùng với tàu 701 lao lên giữ đảo Đá Lớn. Phải là một con người đi biển tài giỏi và dũng cảm mới thực hiện thành công được nhiệm vụ khó khăn đó và đưa con tàu trở về an toàn. Tôi bỗng so sánh cái dáng vẻ hiền lành, khiêm tốn của anh với những tay thuyền trưởng tàu Viễn Dương khụng khiệng điệu đàng, tiêu tiền như rác và cũng khinh người như rác mà tôi đã được gặp một vài lần.
  5. honglian

    honglian Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/07/2008
    Bài viết:
    1.023
    Đã được thích:
    14
    @xin lỗi em có một bài cắt mạch liên tục bài của bác Triumf
    Do lỗi kỹ thuật
    Tài liệu của TQ về vụ này có một số điều đáng lưu ý:
    1-Trạng thái căng thẳng đã tăng từ trước trận chiến
    2-Tổng cộng TQ có 15 tàu trong khu vực này
    3-Mọi động tĩnh của quân ta tình báo TQ đã nắm rất chặt
    4-TQ đổ thừa ta bắn trước
    5-Trên đảo Gạc ma có 58 quân địch 43 quân ta
  6. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Bỗng dưng tôi băn khoăn tự hỏi, không lẽ những người tốt cứ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ chiến đấu và hy sinh, nhưng cũng cứ lặng lẽ mà chịu đựng thiệt thòi? Tiện thể tôi cũng xin kể luôn đến trường hợp của một thuyền trưởng tài ba khác, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thủy, thượng úy chỉ huy con tàu tiếp nước 931. Hầu như Thủy và đồng đội của anh phải đi biển liên tục. Nhiệm vụ của anh là mang nước ngọt, dòng sữa của đất liền, tới cho tất cả các đảo chìm và đảo nổi, tất cả những con tàu neo đậu ngoài các đảo. Trong những tháng vừa qua chiếc tàu chở nước của Nguyễn Xuân Thủy là tàu chịu nhiều căng thẳng nhất, vì các anh phải đi lại nhiều, trên tất cả các luồng lạch của quần đảo, lần nào cũng bị tàu của đối phương chặn đường dọa dẫm, nhiều lần chúng cho tàu cặp sát mạn tàu 931, chĩa tất cả các loại súng pháo sang rồi gọi loa dọa dẫm. Nhưng chưa lần nào tàu 931 chịu lùi bước. Nếu hỏi bất kỳ một thuyền trưởng nào của hải quân, bất kỳ một chiến sĩ cán bộ nào trên các đảo ngoài Trường Sa rằng, con tàu nào được họ yêu mến, mong đợi nhất thì họ sẽ trả lời đó là 931. Các thuyền trưởng nhất định sẽ công nhận thuyền trưởng tàu 931 là thuyền trưởng đi biển nhiều nhất, thuộc luồng lạch và dũng cảm nhất. Nếu lấy Thủy ra mà so sánh với các thuyền trưởnn tàu buôn dân sự ta sẽ thấy vô cùng tự hào vì quân đội ta có được những thuyền trưởng giỏi như vậy, nhưng năm nay anh mới có 36 tuổi, quân đội còn sử dụng được anh ít nhất là mươi năm nữa. Nhưng chúng ta cũng lấy làm buồn khi phải thừa nhận rằng, quân đội nuôi những thuyền trưởng với một chế độ quá chật hẹp. Em trai Thủy cũng là chiến sĩ hải quân đang phục vụ trên tàu 513 ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn - một gia đình có hai anh em trai đang ở Trường Sa. Vậy cha mẹ, gia đình họ sống ra sao? Thiết tưởng chúng ta cũng nên ngoái nhìn về "hậu phương thân yêu" của họ một chút. Bố Nguyễn Xuân Thủy cũng là thương binh, hiện đang điều dưỡng và nghỉ ngơi ở Hải Phòng, mẹ Thủy sống một mình ở Thanh Hóa với tuổi già sức yếu, hai anh em thì lênh đênh trên biển, chưa kịp "buông neo" ở đâu để mẹ có con dâu mà nhờ cậy. Mẹ già một mình một bóng nơi quê nhà. Trước tết vừa qua, mẹ đi quét lá khô về nấu cám, không may trong đống lá có lẫn một viên đạn lép. Khi gặp lửa, viên đạn nổ tung, mẹ bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hai anh em nhận được bức điện báo tin dữ khi chiến dịch đang ở vào giai đoạn căng thẳng, vì thế không anh nào có thể về để phụng dưỡng mẹ được. Biết mẹ ở nhà đang vô cùng thiếu thốn nên sau một chuyến đi biển về, Nguyễn Xuân Thủy vừa day dứt vừa tạm ứng lương được một khoản tiền hơn chục ngàn bạc gửi về cho mẹ để mẹ thêm tiền mà thuốc thang, bồi dưỡng. Ba tháng sau Thủy nhận được thư mẹ báo tin rằng, mẹ đã nhận được giấy báo từ lâu, nhưng ba bốn lần ra bưu điện đều được trả lời là chưa có tiền mặt. Mẹ khuyên anh nếu có tiền thì đừng gửi về cho mẹ qua bưu điện nữa, mẹ tuổi già sức yếu không thể cứ chống gậy đi mà đòi tiền suốt ngày này qua ngày khác được. Nghe những chuyện đại loại như thế về hậu phương của người lính, nghĩ thật buồn. Nhưng ngay trong quân đội chúng ta cũng chưa biết quý trọng nhau, chưa biết tạo ra sự công bằng và đấu tranh để giành lấy quyền lợi chân chính và xứng đáng với mồ hôi và xương máu của người lính thì ta còn biết oán trách ai?
  7. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Bây giờ chúng ta hãy trở lại với các chiến sĩ đoàn công binh Sông Mã để hiểu người lính của chúng ta đã lao động và cống hiến cho Tổ quốc như thế nào?
    Trong danh sách 74 người mất tích thì riêng đoàn công binh Sông Mã đã có 32 cán bộ và chiến sĩ. Một tổn thất như vậy không phải là nhỏ đối với một đơn vị công binh, những người vốn tự coi mình là lính thợ. Chiều ngày 16-3 tin anh em hy sinh và mất tích trên biển đã chính thức được thông báo. Đối với anh em chiến sĩ trẻ, chưa từng trải qua chiến đấu, thì đây là một cú "sốc" lớn. Đảng ủy và ban chỉ huy đoàn đã tỏ ra băn khoăn, lo lắng không ít về tinh thần và tư tưởng của bộ đội. Nhưng sự lo xa của những người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã nhanh chóng được giải đáp. Ngay buổi chiều hôm đó, hai đội công binh được lệnh tiếp tục ra đảo. Tất cả các chiến sĩ được phân công đều vui vẻ lên đường, không một ai từ chối nhiệm vụ, không một ai do dự băn khoăn. Ai cũng biết đồng đội của họ vừa hy sinh, ai cũng biết rằng, rất có thể khi ra khơi họ sẽ đụng độ với tàu chiến đối phương. Nếu chúng điên khùng nổ súng thì họ chỉ có mỗi một con đường quyết tử. Vì thể buổi tiễn đưa anh em ra biển chiều 16-3 có màu sắc, không khí của một buổi tiễn đưa các chiến sĩ cảm tử quân năm xưa. Ban chỉ huy đoàn đều ra bến cảng tiễn anh em ra đi. Bắt tay nhau, kẻ ở người đi vẫn hẹn ngày trở lại, nhưng trong thâm tâm ai cũng nghĩ tới khả năng họ không còn được nhìn thấy nhau nữa. Ngồi trên xe ô tô trên đường ra cảng, các chiến sĩ trẻ vẫn hát vang bài hát "Vì nhân dân quên mình", bài hát đã xưa cũ nhưng trong khung cảnh này bỗng lại thấy thiêng liêng, khiến những người chỉ huy tóc đã bạc cũng phải rưng rưng nước mắt. Dân tộc ta có lẽ vẫn còn vượng, vẫn còn hào khí vì sau tất cả mọi điều, chúng ta vẫn còn giữ được ngọn lửa thiêng liêng trong lòng đối với Tổ quốc, và vẫn còn những thế hệ, những người trai trẻ sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Nếu để thế hệ ấy mất lòng tin, nếu để thế hệ ấy buồn nản mỗi khi nghĩ đến những bất công của xã hội, nếu để thế hệ ấy cảm thấy mình bị bạc đãi, để cuối cùng thế hệ ấy nghĩ rằng những hy sinh của mình trở nên vô ích, thì Tổ quốc và nhân dân sẽ phải trả giá. Có một số người thuộc thế hệ những người lính đánh Mỹ, lớp cha anh họ đã buộc phải nghĩ như vậy sau mười năm giải phóng do những sơ hở và sai lầm của bộ máy hành chính quan liêu bao cấp. Điều đó cần được báo động để tạo nên sự tin tưởng của mỗi người cầm súng. Những người chiến sĩ trẻ sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy và gian nan hôm nay không phải không biết tới những thực tế đáng buồn đó, không có một thủ đoạn chính trị nào có thể bịt được mắt họ. Nhưng, họ vẫn vui vẻ ra đi, vì họ vẫn còn niềm tin và điều quan trọng hơn, họ vẫn còn nghĩ tới quyền lợi và danh dự của dân tộc.
    Khi đơn vị sắp xuống tàu thì có một sự cố. Những người chỉ huy đã phát hiện được bốn chiến sĩ không có tên trong danh sách ra đảo lần này nhưng vẫn khoác ba lô đi theo đơn vị. Đó là các chiến sĩ: Nguyễn Viết Khánh, Phan Thành Chung, Nguyễn Thanh Hùng, Phạm Ngọc Anh. Sau một hồi "làm công tác tư tưởng" những người chỉ huy mới giải thích được cho ba chiến sĩ "thông cảm", mà quay trở về doanh trại. Một người trong số bốn anh chàng "xé rào" ấy đã gặp may, đó là Nguyễn Viết Khánh. Anh được đi thay cho một đồng chí đã bị đau chân nhưng vẫn ỉm đi, không báo cáo đơn vị trước khi đi biển. Anh chàng "láu cá" này đã buộc phải trở về đơn vị.
  8. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Kể chuyện này vào giữa năm 1988, tôi cứ băn khoăn tự hỏi mình, liệu người ta có tin vào những điều tốt đẹp như vậy hay không? Liệu có bao nhiêu người khi đọc những dòng trên đây sẽ mỉm cười và buông một câu: "Ôi, mấy cái thằng dở hơi! Nếu đi Tây đi Tàu gì thì còn có lý. Chứ tình nguyện, nhảy vào cái nơi nước sôi lửa bỏng như thế thì thật... hấp!". Và tôi cũng lo khi viết chuyện thực này ra, khéo có người bảo tôi: "Lại tô hồng!". Hồi đánh Mỹ, khi cả nước một lòng, Nam Bắc đều sục sôi, những chuyện đại loại như lấy máu viết đơn xin đi chiến đấu, bỏ đá vào túi cho đủ cân để được đi bộ đội và khóc như trẻ con khi bị bỏ lại trong hậu cứ trong khi đơn vị đi chiến đấu... đã từng là điều dễ hiểu và quen thuộc. Nhưng ngày nay... khi cuộc sống ở phía sau người lính đang ngổn ngang trăm mối, khi người ta đang hàng ngày tính lời bằng "cây" bằng "chỉ", khi người ta đang chạy đôn chạy đáo hết cửa này đến cửa kia để chen chân cho được một suất đi lao động ở nước ngoài; khi những "ông bự" đang xây biệt thự và tìm cách tuồn những cậu ấm cô chiêu vào những chỗ thơm trong biên chế nhà nước... thì hành động của bốn chiến sĩ trẻ trên đây quả là những sự lạ lùng đối với họ. Nhưng đối với người lính chúng ta thì đó là điều dễ hiểu, điều thuận chiều, điều đã từng làm nên phấm chất và vinh quang của "Anh bộ đội *****" và Anh giải phóng quân năm xưa, và đó cũng là thực chất của tinh thần dân tộc ta.
    Bây giờ tôi muốn kể về lao động trên biển cả của những người lính. Trước khi kể về điều này, tôi muốn nhắc lại rằng, chúng ta đang sống trong thời đại "ăn đấu làm khoán". Đã có lúc chúng ta nói đến khoán sản phẩm trong lao động như biểu hiện của sự công bằng xã hội, như một phát minh, như một chìa khóa vàng. Theo cơ chế quản lý này, người lao động có được quyền quyết định tương đối về sự hưởng thụ của mình trong lao động. Đó chính là văn minh, là tiến bộ, hơn hẳn cái thời còn quản lý bằng cái kẻng và bằng những cuộc họp bình công chấm điểm. Bây giờ ai làm ra sản phẩm nhiều, vượt khoán nhiều thì sẽ được hưởng nhiều. Chúng ta hoan hô chế độ khoán! Vì nó đề cao vai trò của người lao động chân chính, nó bớt đi được ảo tưởng về tinh thần tự giác trong lao động mà chúng ta vẫn tưởng rằng chúng ta đã trang bị xong xuôi cho mỗi người lao động trên toàn quốc.
    Bộ đội cũng có chế độ khoán, nhưng không phải làm nhiều thì hưởng nhiều; mà làm nhiều làm nhanh làm tốt là để... làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, tốt hơn nữa vì lợi ích của Tổ quốc. Khái niệm khoán trong các đơn vị quân đội chỉ có nghĩa là giao nhiệm vụ có định mức thời gian ngặt nghèo (dĩ nhiên ở đây tôi không nói tới các đơn vị làm kinh tế trong quân đội và các xí nghiệp quốc phòng). Theo quy định của cấp trên, đến ngày ấy, tháng ấy, đơn vị anh phải hoàn thành công việc. Nếu vượt thời gian thì rất hoan nghênh (có thể kèm theo một cái bằng khen), còn nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể nhận một cú kỷ luật, nhẹ nhàng cũng phê bình khiển trách. Đơn giản như vậy thôi. Nếu cấp trên hào hiệp thì sau một đợt lao động vượt khoán, có thể ra lệnh cho hậu cần ngả một con lợn để lính làm một bữa tươi tỉnh. Sau đó... lại lên đường. Cố nhiên, đã vượt định mức khoán rồi thì chớ có tụt lại, phải cố mà vượt nữa, vượt nữa.
    Trong những ngày tháng sôi sục vừa qua, do đối phương mở chiến dịch lấn chiếm các đảo trong quần đảo Trường Sa của ta, nên ta phải lập tức tăng cường rào dậu (dĩ nhiên nếu ta tích cực rào dậu từ trước thì hơn là mất bò mới lo làm chuồng). Do đó, nhu cầu bảo đảm nhà ở và các công trình phòng thủ trên các đảo bỗng tăng vụt lên. Gánh nặng đó, trước hết chất lên vai những người lính công binh hải quân.
  9. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Nói đến đảo trên quần đảo Trường Sa có nghĩa là nói đến cả ba loại đảo: đảo đá nổi, đảo nửa chìm nửa nổi (nghĩa là những đảo có nhô lên chút đỉnh khi thủy triều xuống thấp nhất), và đảo chìm, nghĩa là ngay cả khi thủy triều xuống ở mức thấp nhất cũng không nhô lên được khỏi mặt sóng. Với các đảo nổi thì mọi việc đơn giản hơn nhiều, nhưng với hai loại đảo còn lại, nhất là các đảo chìm thì việc xây dựng các công trình sinh hoạt và chiến đấu cho bộ đội trở nên vô cùng khó khăn. Với một đất nước tiềm lực kinh tế thấp kém và trình độ kỹ thuật lạc hậu như nước ta thì khó khăn trở nên gấp bội. Người ta thiết kế riêng những ngôi nhà dành cho những đảo chìm, lính ta vẫn gọi nôm na là "nhà cao cẳng", nghĩa là nó có nguồn gốc xuất thân từ cái chòi kéo vó bè! Tất cả mọi cấu kiện của ngôi nhà đã được gia công sẵn từ đất liền, rồi chất lên tàu, mang ra đảo. Công binh có nhiệm vụ dựng nó lên. Nói một câu như vậy nghe thật ngon lành, nhưng trên thực tế để dựng được một ngôi nhà như vậy giữa mênh mông đại dương, với sóng gió, với giá lạnh mùa đông và nắng lửa mùa hè, với điều kiện ăn uống sinh hoạt kham khổ và với sự đe dọa thường xuyên của những chiếc tàu chiến của đối phương luôn lởn vởn ngoài khơi, không phải là chuyện dễ dàng gì.
    Trước hết là việc vận chuyển vật liệu ra đảo, mỗi ngôi nhà như vậy có tổng trọng lượng tới hàng trăm tấn với gần hai chục cây cột xi măng có trọng lượng khoảng sáu trăm cân mỗi cột, ngoài ra còn có vài chục chiếc dầm gỗ có trọng lượng cũng gần như vậy thêm nữa còn có vài chục cấu kiện sắt thép khác. Nếu dùng các loại tàu có sức chở 50 tấn thì phải vài chiếc gắng sức mới chở hết vật liệu cho một ngôi nhà kiểu này. Khi ra đảo, các chiến sĩ công binh đều phải dùng xuồng để chuyển tải tất cả khối lượng vật liệu đó lên đảo, cự ly chuyển tải có khi hàng ngàn mét. Thông thường họ đều phải chăng dây nối cố định giữa tàu và đảo rồi lần theo dây mà kéo xuồng chở vật liệu. Sóng yên biển lặng còn dễ, sóng to gió lớn thì thật vô cùng gian khổ, đánh vật với sóng gió để chuyển được cái đống vật liệu đó lên đảo đã hết hơi rồi. Vậy mà cần phải dựng cái đống sắt thép xi măng, gỗ... ấy lên thành nhà, làm sao cho nó đủ sức chống chọi với sóng gió đại dương. Mỗi chân cột phải đào thật sâu, dựng những chiếc cột bê tông, rồi tìm cách đổ bê tông cố định chân cột (mỗi ngôi nhà đều có nhiều cột như vậy). Sau khi dựng cột cố định bằng bê tông rồi thì bắt đầu đưa các dầm gỗ lên tạo ra bộ khung nhà, sau đó tiến hành chống néo gia cường để tạo độ giằng giữa những chiếc cột. Tiếp đó là giai đoạn lát sàn và làm phần mái.
    Một khối lượng công việc to lớn và nặng nhọc như vậy mà thường xuyên phải thi công trong điều kiện dầm mình dưới nước biển thì vô cùng gian khổ và khó khăn. Các bạn đọc của tôi hẳn nhiều người đã được hưởng cái thú tắm biển. Thú vị thật đấy! Nhưng với điều kiện chỉ tắm vài chục phút rồi lên bờ, đi tắm lại bằng nước ngọt, sau đó làm một li nước giải khát. Chứ không phải là dầm nước biển cả ngày, cả tuần, cả tháng mà không thể xa xỉ đến mức dùng nước ngọt mà tắm sau một ngày dầm nước biển. Nước ngọt trên đại dương quý như máu, sức mang của tàu có hạn, phải dùng tiết kiệm đến mức tối đa, thông thường các thuyền trưởng là người trực tiếp quản lý két nước ngọt. Đấy, chúng ta hãy thử dùng trí tưởng tượng của mình mà hình dung ra khung cảnh lao động của những người lính trên biển cả; để tạm thời quên đi những gian lao của cuộc sống trên đất liền, trong những ngày tháng này; bởi vì dù có khó khăn, thiếu thốn đến đâu, cuộc sống và lao động của chúng ta trên đất liền cũng còn lâu mới có thể so sánh được với những lao động của những người lính trên quần đảo Trường Sa.
  10. Triumf

    Triumf GDQP Moderator

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    5.563
    Đã được thích:
    4.861
    Một ngôi nhà như tôi vừa phác hoạ trên đây, trong những ngày tháng vừa qua được cấp trên khoán cho công binh theo công thức: 1 nhà dùng 35 người, phải hoàn thành trong 20 ngày. Đó là một định mức đã được các cơ quan lập kế hoạch tính toán theo tinh thần tranh thủ thời gian tối đa, tưởng không còn kẽ hở nào để đẩy nhanh tiến độ lên được nữa. Ban chỉ huy đoàn Sông Mã cũng lo sốt vó về chỉ tiêu này và đã làm mọi việc để có thể thực hiện được chỉ tiêu thời gian do trên quy định. Vì trong lúc đối phương đang tăng cường lấn chiếm như thế này "thời gian chính là lực lượng"...
    Đội công binh do trung uý Hà Quốc Vinh chỉ huy được giao nhiệm vụ làm ngôi nhà đầu tiên trên đảo Đá Lát, một hòn đảo chìm. Vinh và đồng đội của anh ra biển trong đợt gió mừa đông - bắc, trời rét đậm, sóng to. Đứng trước hòn đảo chìm trong sóng nước, trước thời tiết khắc nghiệt như vậy không mấy ai tin rằng các anh có thể vượt được thời gian. Nhưng bất chấp giá buốt, bất chấp sóng dữ và sự đe doạ thường xuyên của tàu chiến đối phương, các anh đã hoàn thành ngôi nhà đầu tiên trong vòng 12 ngày. Cả đoàn công binh Sông Mã xôn xao trước tin ấy. Thế là đã có cơ sở mà tin rằng có thể hoàn thành được nhiệm vụ theo yêu cầu ngặt nghèo về thời gian của cấp trên rồi. Nhưng... chỉ ít ngày sau, kỷ lục này của đội công binh Hà Quốc Vĩnh đã bị đơn vị bạn phá. Một đội công binh của đoàn 31 đã rút chỉ tiêu thời gian xuống còn 7 ngày. Bảy ngày để làm một công trình như vậy trên biển thì thật quá sức tưởng tượng! Biết tin này, Hà Quốc Vinh vô cùng băn khoăn, không phải vì cay cú mà vì anh cảm thấy hình như trong quy trình lao động của mình còn có những khâu chưa thật hợp lý. Anh vùi đầu vào tính toán lại, anh đã tìm ra những "kẽ hở". Và, anh nóng lòng chờ dịp "phục thù". Ngày 5-4-1988 Hà Quốc Vinh lại được lệnh dẫn đội công binh của anh ra làm nhà trên đảo Thuyền Chài, cũng một đảo chìm. Anh đã báo cáo phương án của mình với chỉ huy và... xin rút bớt đi sáu người, chỉ cần đưa 29 người ra biển. Sợ anh phiêu lưu, Ban chỉ huy yêu cầu anh trình bày rõ hơn phương án của mình. Sau khi nghe xong, Ban chỉ huy đoàn đã chấp nhận phương án đó. Bởi vì nếu rút được đi sáu người là một phương án tối ưu rồi, thêm một người ra biển là thêm bao nhiêu khó khăn về ăn, ở, bảo đảm sinh hoạt. Khi tiễn các anh ra biển, Ban chỉ huy đoàn chỉ yêu cầu các anh cố giữ tiến độ cũ. Với hai mươi chín người mà thời gian thi công vẫn chỉ 12 ngày đã là một thắng lợi lớn rồi. Vinh cũng hứa như vậy, nhưng thâm tâm anh đã tính toán khác.
    Ít ngày sau, tin đội công binh của Hà Quốc Vinh hoàn thành ngôi nhà cao chân trên đảo Thuyền Chài trong vòng... năm ngày đã khiến mọi người, từ chiến sĩ đến tư lệnh quân chủng ngơ ngác vì ngạc nhiên. Từ Sở chỉ huy, các đồng chí chỉ huy quân chủng lập tức điện ra, yêu cầu đơn vị bảo vệ đảo kiểm tra lại chất lượng ngôi nhà do đội công binh của Hà Quốc Vinh vừa bàn giao. Cho đến khi đích thân đồng chí Lê Trình, thiếu tá, tham mưu phó đơn vị giữ đảo điện về xác nhận lại một lần nữa chất lượng của công trình, mọi người mới hoàn toàn tin rằng các chiến sĩ công binh lại lập thêm một kỳ tích nữa trong lao động.

Chia sẻ trang này