1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cravat ...theo dòng lịch sử...

Chủ đề trong 'Làm đẹp' bởi DrSlump, 06/05/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. DrSlump

    DrSlump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/10/2001
    Bài viết:
    1.360
    Đã được thích:
    0
    Cravat ...theo dòng lịch sử...

    Thật khó mà tưởng tượng ra một nhân vật quan trọng xuất hiện trước công chúng lại thiếu cà vạt. Những buổi tiệc tùng hay lễ nghi, cà vạt trở thành vật bất ly thân của đàn ông, còn với nhiều binh chủng, cà vạt là phụ tùng không thể thiếu được cho lễ phục. Nhưng trước khi tạo ra được cái dải vải hoa hòe hoa sói này, nhân loại đã có khá nhiều cuộc mày mò thử nghiệm. Cà vạt - khởi thủy - chỉ là dải lụa quấn cổ, rồi có khi kiêm luôn chức năng của...khăn tay. Cà vạt cũng nhiều phen bị xem là vật trang sức của những phường trên bộc trong dâu , là hiện thân của dân đá cá lăn dưa, mà cũng vài thế kỷ là vật ưa chuộng của vua chúa Châu Âu. Đeo cà vạt ngày nay không phải là chuyện gì to tát, thế mà trước đây, việc này làm giảm ghê gớm quỹ thời gian của những quý ông đỏm dáng.

    Năm 1974, trong một buổi đào xới, một số công nhân Trung Quốc tình cờ khám phá ngôi mộ Tần Thủy Hoàng. Nhờ khám phá này, chính các học giả uyên bác Trung Quốc mới hiểu ra rằng còn lắm chuyện kỳ lạ ngày xưa, trong đó có "cà vạt" của binh lính. Khoảng 7.500 tượng binh lính bằng đất nung được dựng quanh lăng mộ, như một hình thức tận trung đến chết. Điều đặc biệt là quanh cổ mỗi pho tượng đều có một khăn lụa được thắt nơ cẩn thận. Những sử gia phương Tây sẵn sàng công nhận loại nơ lụa này hao hao cà vạt của cựu lục địa khi xưa, và rõ là nó cũng xứng danh vật trang sức. Những pho tượng này có niên đại khoảng năm 221 trước Công nguyên. Nhưng vào năm 16 trước Công nguyên, hàng triệu cuộn lụa đã được Trung Hoa dành riêng cho việc may cà vạt cho binh sĩ, vừa là một kiểu binh phục, vừa thêm đẹp mắt. Nhưng cái gì thuộc về thẩm mỹ thì khó ngôn cùng lý tận, thành thử, nhiều triều đại khác của xứ sở đông dân này xem cà vạt là vật ẻo lả, đầy nữ tính, giảm nhuệ khí, thậm chí tô đen hình ảnh "da ngựa bọc thây". Cho nên, cà vạt lụa lại lâm vào thế bị ghẻ lạnh. Nhưng Tần Thủy Hoàng không nghĩ thế: những đội cận vệ của ông lại được đặc ân đeo nơ lụa, y như ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas. Không một nhà nghiên cứu nào dám khẳng định rằng ngoài đội cấm quân, binh lính đời Tần có đeo nơ lụa không. Một trong những học giả chuyên về y phục là Sarah Bibbings cũng chưa dám nói gì về cà vạt của Trung Hoa, chỉ dám dè dặt mà rằng nơ lụa ở xứ này có thể là một trong những hình thức "phụ tùng quanh cổ" xa xưa nhất.


    Thế nhưng binh sĩ La Mã xưa cũng từng quấn khăn quanh cổ, dường như phân chia giai tầng hẳn hoi qua vật này. Chẳng hạn ai quấn khăn xanh là "binh nhì dơ dèm cùi bắp", khăn vàng là "hạ sĩ quan", còn khăn đỏ là tướng lĩnh, được quyền họp bàn với César đại đế. Một trong những bức phù điêu nổi tiếng về y phục La Mã (năm 113) về binh đoàn Trajan cho thấy rõ điều này. Trước khi khám phá lăng mộ Tần Thủy Hoàng, người ta cho rằng cà vạt xuất xứ từ La Mã. Thậm chí, người ta còn tán ra rằng quân La Mã thoạt tiên chỉ quấn khăn cho ấm cổ (gọi là focalium). Chữ này bắt nguồn từ chữ fauces (cổ họng).Về sau, lại có thêm khăn sudarium nghĩa là một loại khăn tay. Nhiều sử gia tin rằng loại khăn này chẳng qua là biến thái của những xâu đá quý hay vò sò ốc quanh cổ dân Ai Cập. Các nhà nhân chủng học cũng đồng ý thế khi tìm hiểu cội nguồn văn minh của những bộ tộc Nam Mỹ, Châu Phi, Nam Dương... Bao giờ cũng vậy, khăn cổ luôn là vật chia giai cấp trong cả xã hội và quân đội dù thuộc bất kỳ miền đất nào. Những nơi khỉ ho cò gáy hay những vùng sở hữu một nền văn minh rực rỡ đều lấy khăn cổ làm thước đo giá trị con người. Hàng cùng đinh chỉ thắt khăn xoàng, thậm chí "trần trụi", còn hạng danh gia vọng tộc hay dũng sĩ mới có quyền thắt khăn lụa, khăn tơ. Màu khăn cũng là tiêu chuẩn phân định thứ bậc, rõ nhất là khăn đỏ dành riêng cho thiên tử hay quan lại cấp lớn. Nô lệ thì đừng bao giờ mơ tưởng việc đeo khăn, cũng như thời Trung Cổ, người lùn phải tránh xa vật này. Không hiểu do đâu mà người lùn rất bị khinh khi, bị xem là thân hữu của Satan, nên ai dám đeo khăn trong khi chiều cao cơ thể quá khiêm tốn sẽ bị chém. Người lùn cũng bị cho là có chỉ số thông minh thấp, mắt mũi kèm nhèm, gàn dở, nên không được quyền đeo cà vạt. Vả chăng, đến tận những năm 60 của thế kỷ 20, châu Âu vẫn cho rằng cà vạt không phải là vật trang sức của người lùn. Trung Hoa từng có câu "oải nhân khán trưòng" (người lùn xem hát - chả biết trên sân khấu có gì, chỉ nghe người ta kể lại), để khinh khi người lùn. Sự coi rẻ này gắn liền với "nền văn minh trang điểm" trong đó có khăn lụa cổ. Tôn giáo về sau cũng nhờ khăn cổ (dài đến quá vai, hoặc dài đến độ phải quấn quanh vai) để chứng tỏ quyền uy của tu sĩ, giám mục, giáo sĩ. Tăng lữ một thời là tầng lớp đầy uy lực, và cái khăn cổ chính là dấu hiệu rõ nét. Các nhà sư Tây Tạng một thời cũng "cravater" hẳn hoi, y như nhiều tu sĩ của cực lục địa.
    (....còn tiếp...)


    You are just one person in a whole world, but for me, you are my whole world
    Tu as une personne seulement dans le monde, mais tu as mon grand monde pour moi
    Viva 1980F
  2. mylord

    mylord Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    20
    Đã được thích:
    0
    Bác Slump ơi, cho cháu hỏi một năm bác đeo cà vạt mấy lầm mà bác viết hay thế.
  3. cutie_beautie_sushie

    cutie_beautie_sushie Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/12/2001
    Bài viết:
    2.122
    Đã được thích:
    0
    lâu lắm mới thấy bạn già phát biểu được một bài ra hồn nhể? :-p j/k. Đọc thấy cũng okie lắm.......Thank you
    ~ It is not the mountain we conquer but ourselves ~
  4. DrSlump

    DrSlump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/10/2001
    Bài viết:
    1.360
    Đã được thích:
    0
    Với người Tây Tạng, vào dịp hôn lễ, chỉ có các nhà sư hay pháp sư mới có quyền đeo kata (dải lụa hay dải vải) quanh cổ. Thế kỷ 16 được xem là một cuộc "đại tẩy rửa y phục" tại Châu Âu, trong đó tất nhiên có cà vạt. Nhiều loại y phục hay phụ tùng một thời oanh liệt bỗng bị hất hủi. Pháp và Anh là hai nơi cho cái cổ áo to ra theo trường phái ấn tượng, theo đúng nghĩa đen là càng to càng tốt, càng rộng càng xinh. Tại Flandres rồi tại Venise, cổ áo được viền tua ren trông hoa cả mắt. Tại một số quốc gia, người ta lại chuộng cổ áo thật nhỏ gọn, để tôn bật cái cà vạt quanh cổ. Khái niệm "ton sur ton" (khái niệm này là gì, bác nào biết nói cho tớ với? ) thời đó chưa có, nên người ta chọn những màu chọi nhau như nước với lửa, chẳng hạn cổ áo xanh lè đi với cà vạt đỏ choé. Vui Louis 13 từng tuyển mộ một đội lính đánh thuê người Croatie. Những người này thường quấn khăn quanh cổ, trông vừa đẹp vừa hùng. Một số nhà từ nguyên học cho rằng chữ cravate xuất xứ từ Croatie. Ngay lập tức, cà vạt ngoại lai này làm Pháp mê như điếu đổ. Chất liệu vải và màu sắc của cà vạt này cũng được tận dụng để chia rõ đâu là vua chúa, đâu là quan văn quan võ và đâu là lính. Mà lính thì cũng có dăm bảy loại lính, có lính vào sinh ra tử, xem cái chết nhẹ tợ lông hồng, cũng có thứ lính kiểng chỉ giỏi tán gái và tán phét, hay có loại lính "quạt mo" cho quan lại, chả nên cơm cháo gì. Cà vạt Croatie thừa sức phân biệt đâu ra đấy, y như Ý một thời dùng cà vạt màu cam để chỉ những "tiến sĩ giấy", chữ nghĩa không đầy cái lá mít. Theo Sarah, cà vạt là một trong những vật mang nhiều ý nghĩa hoạt kê nhất mà ít ai ngờ, chẳng hạn mau xanh đậm chỉ nhân tài về hưu non, màu vàng chỉ những mụ nạ dòng chuyên ngồi lê đôi mách, màu tím chỉ người lùn trèo cao, màu đỏ chỉ những người có chân tài thực học trong lâu đài (he he...các bác nam đọc đến đoạn này đừng liếc vội xuống cà vạt của mình, rồi chạy ngay ra ngoài mua cà vạt đỏ chóe vào thay nhá ) Đến thế kỷ 17, cà vạt chính thức được Châu Âu xem như phụ tùng cho lễ phục. Thời Phục Hưng được xem như giai đoạn khai sinh cho chiếc cà vạt hiện đại, trong khuôn khổ làm dáng quá sức để biểu thị giàu sang. Đàn ông thời Phục Hưng thường khệnh khạng, chải chuối thành ra cà vạt lại chễm chệ trên cổ họ, như kiểu "A còng, Nokia" bây giờ. Vua Louis và đám cận thần rách việc muốn "cả Châu Âu phải quay về điện Versailles mà trầm trồ", nên nặn óc cho ra những kiểu cà vạt kỳ khôi nhất, sang đâu chả thấy, chỉ thấy quê một cục. Mà khốn khổ, những loại cà vạt này không rẻ, bằng thu nhập cả năm ròng của nông dân. Những loại cà vạt "hoang đàng chi địa" nhất Châu Âu đã ra đời từ Pháp trong mong muốn "ngoảnh cổ lại nhìn" như thế.
    Cũng còn may, Đức vua Mặt trời có nghĩ đôi chút về cái sự hòa hợp trong y phục, nên ngài suy tư khá lâu để cho ra một số kiểu cà vạt "tàm tạm". Trở về từ cuộc lưu đày biệt xứ, vua Chales đệ nhị của Anh đem theo trong hành lý một mớ cà vạt kiểu Louis 14. Chính ngài du nhập mốt thắt cà vạt vào xứ sở sương mù, gây tranh cãi toé lửa. Những kẻ ác khẩu cho rằng không nên đề cao văn hóa Pháp, vì chỉ có Anh mới là thượng thặng. Nhưng chả bao lâu sau, những bộ óc thủ cựu và hẹp hòi nhất tại Anh phải nhìn nhận là cà vạt góp phần tạo thêm vẻ sang trọng cho đàn ông, miễn là biết cách chế tạo và biết cách đeo để đừng làm phường tuồng cho thiên hạ. Horace Walpole là một trong những người cấp tiến nhất và tung hô cà vạt nhất, đã tổ chức một buổi dạ tiệc toàn thực khách Pháp. Ông cũng đeo một cái cà vạt cho hợp gu, nhưng ông bạn nối khố Grinling Gibbons thì lại dè bỉu đến độ đeo một cà vạt bằng gỗ để chơi khăm bạn vàng. Nhưng nếu Gibbons là "mạt cưa" thì đám thực khách Pháp cũng "mướp đắng" ra trò: họ tẩy chay nhân vật này và xem là "phường nhà mùa" đích thực. Bị solo suốt buổi tiệc, Gibbons đành ra về trong mối hận nghìn thu.
    (....còn tiếp...)
    You are just one person in a whole world, but for me, you are my whole world
    Tu as une personne seulement dans le monde, mais tu as mon grand monde pour moi
    Viva 1980F
  5. CAP

    CAP Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    05/12/2001
    Bài viết:
    403
    Đã được thích:
    1
    Riêng với DrSlump thì bảng giá thắt cavat như sau (tên này không bít thắt ,phải nhờ người ta thắt hộ) :
    1. lần đầu = 20.000 VND
    2. lần thứ 2 = 15.000 VND
    3. lần thứ 3 = 10.000 VND
    4.khuyến mãi những lần tiếp theo = 5000 VND/lần
    5.thắt mà Dr ngồi bên cạnh nhìn ké (học lỏm) :50.000
    6.Dậy thắt (có lý thuyết và thực hành trên cavat xịn):100.000 VND/khoá (học lần 2 giảm 50%)
    SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO PHÁP LUẬT
    CAP. in 1980 Club
  6. DrSlump

    DrSlump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/10/2001
    Bài viết:
    1.360
    Đã được thích:
    0
    Từ đây là cả một nỗi đoạn trường cho các kiểu nơ nút và cho những cuộc đấu khẩu cũng như bút chiến. Nơ cà vạt là đề tài cho giới văn nghệ sĩ chửi nhau như bắt gà, rồi là chuyện trà dư tửu hậu cho tao nhân mặc khách cũng như là việc giết thì giờ của "đũa mốc chòi mâm son". Thi hào Voltaire từng viết rằng cái sự thắt cà vạt là cả một khổ hình cho đấng mày râu, vì nó nhiêu khê và phiền phức quá thể. Mỗi sáng, nếu quan lại Trung Hoa cân đai áo mão vào chầu thiên tử thì quan lại châu Âu phát sốt lên vì nơ cà vạt. Nơ cà vạt kiểu Steinkerque là loại nơ dành cho lớp trung lưu, cả phụ nữ. Thành thử, muốn được xem là "vượng phu ích tử", phụ nữ phải nằm lòng cách thắt nơ cà vạt, để chồng đỡ bực . Những tầng lớp ăn trên ngồi trốc thì có gia nô hay nàng hầu thắt hộ, vừa nhẹ nợ vừa sang cả. Cà vạt một thời có cả lỗ, để người ta dắt đuôi nó vào một cái cúc áo cho đỡ vướng. Châu Âu từng trăm khổ nghìn sở khi cà vạt chấm vào tô súp hay vướng phải lọ muối, vừa bất lịch sự, vừa dở khóc dở cười. Sau này, cà vạt có lỗ mới hạ hồi, nhường chỗ cho kiểu nhét đuôi vào khe hở giữa hai khuy áo. Bắc Mỹ là một trong những nơi chán kiểu nơ nút quý tộc nhất, nên ra sức giản lược, chỉ một lần thắt duy nhất thay vì xỏ qua xoắn lại. Có thể không đẹp, nhưng không phải trả giá!
    Nhưng cái gì phải đến cũng đến, giới nhà binh chính là giới than thân trách phận nhiều nhất khi phải đeo cà vạt. Nó chả được tích sự gì, lại vướng víu, xoay trở khó khăn, trong khi ra sa trường, chậm chạp là theo ông bà ông vải. Rốt cuộc, quên phắt cái câu "quân lệnh như sơn", một số binh sĩ Pháp tự ý tẩy chay cà vạt, vừa nhẹ cổ, vừa có cơ may không ăn đạn oan. Nhưng ba bảy hăm mốt ngày, những kẻ nhờn phép nước này bị trừng trị thẳng cánh, nên đâu lại hoàn đấy. Chính giới sĩ quan nhàn hạ lại chế ra thêm một kiểu hành xác mới: cổ cồn dựng đứng và kẹp yếu hầu như gông cùm. Nhưng phải công tâm mà rằng loại cổ áo này giúp cà vạt "nổi" hẳn, giúp những ai theo binh nghiệp có vẻ "râu hùm, hàm én, mày ngài" hơn hẳn. Nhưng chưa kịp được điểm son, loại cổ áo này lại bị chế biến thê thảm bằng cách gắn lông bờm ngựa lên cho sang! Con ngựa, dù ở Đông hay Tây, cũng là hiện thân của binh nghiệp anh dũng, nên cà vạt lông ngựa bổng trở thành vật bất ly thân cho những ai kinh qua khói lửa. Những binh sĩ từ biệt vợ con với tâm sự "cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" cũng đeo cà vạt lông ngựa. Rồi lại một sai lầm lớn khi người ta chế ra loại cổ cồn luồn kim loại cho đẹp. Đẹp đâu chưa thấy, chỉ biết là tỷ lệ quân nhân bị thương nơi cổ là hơi nhiều, đặc biệt khi giáp lá cà.
    (...còn tiếp...)
    You are just one person in a whole world, but for me, you are my whole world
    Tu as une personne seulement dans le monde, mais tu as mon grand monde pour moi
    Viva 1980F
  7. DrSlump

    DrSlump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/10/2001
    Bài viết:
    1.360
    Đã được thích:
    0
    Sau một thời gian ngần ngừ, rốt cuộc, các nhà thiết kế cũng cải tiến cà vạt, nhưng chỉ mềm hơn, còn dài và rắc rối tơ vò thì vẫn như cũ, thậm chí dài hơn. Có những cà vạt bằng mousseline dài đến 2 mét, quấn quanh cổ cả mấy vòng, sau đó kết thúc trước ngực bằng một cái nơ to đùng. Những nhà nghèo cũng cố sắm cho được một cái cà vạt bằng cách dùng khăn tay thắt nơ nhì nhằng! Nhưng điều phi lý nhất đã diễn ra giữa hai phe cà vạt đen và cà vạt trắng. Lớp thanh niên thích thắt cà vạt đen, còn những bậc cha chú lại chỉ dùng cà vạt trắng. Cuộc chiến "hắc bạch đạo" kéo dài nhì nhằng đến tận thế kỷ 19. Lớp trẻ cho rằng cà vạt đen mới là sự cấp tiến, còn cà vạt trắng chỉ là trò cổ hủ, trong khi lớp già lại xốn mắt với cà vạt đen và cho rằng như thế là vong bản, khi sư nghịch tổ. Đầu thế kỷ 19, cả một tầng lớp trung lưu thuộc nước Anh không hiểu mình thuộc vị trí nào trong xã hội, đâm ngơ ngác cả về cách ăn cách nói. Cà vạt cũng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như vậy, lúc thì xênh xang võng đào, lúc rúc ra gầm cầu góc chợ. Rốt cuộc, Anh nghĩ ra một bộ veston, gồm áo đuôi tôm đen, quần dài, áo gilet và sơ mi, cà vạt. Thật ra, trước đó khá lâu, một người đàn ông đỏm dáng đã nghĩ ra bộ đồ lề này: George Bryan Brummel. George có biệt danh "The Beau", đủ biết õng ẹo và chải chuốt nhường nào. Loại y phục của anh ta làm hài lòng mọi tầng lớp từ trên chí dưới, làm anh bạn vong niên (sau này là vua George 4) khoái chí tử. Rồi chẳng bao lâu, cái từ dandy ra đời từ quân đội, để chỉ những anh chàng ăn mặc hợp mốt, cực kỳ chải chuối, nhưng thiếu nam tính trậm trọng! Thời kỳ mà cà vạt được Anh xem trọng là thế kỷ 19, khi mỗi ngày, người ta phải thắt đến 3 cà vạt cho "đúng điệu". Chưa hết, riêng cái nơ cho cà vạt đã ******** làm tội người ta không ít: nó phải được làm bằng tơ lụa cực mềm và nhẹ, không phải đơn giản như ngày nay. Tóm lại, bản thân cà vạt đã có "phụ tùng"! Và chẳng bao lâu sau, cũng như mắt kính, cái cà vạt trở thành vật của trí thức, của những anh muốn ôm hết mấy bồ chữ trong thiên hạ.
    (...còn tiếp...)
    You are just one person in a whole world, but for me, you are my whole world
    Tu as une personne seulement dans le monde, mais tu as mon grand monde pour moi
    Viva 1980F
  8. DrSlump

    DrSlump Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    10/10/2001
    Bài viết:
    1.360
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo và hết)
    Giới văn nghệ sĩ, cả mấy anh lái sách hạng bét cũng vội choang dăm cái cà vạt để ra vẻ thông kim bác cổ, mà quên rằng mình chỉ là con rối. toàn châu Âu lâm vào đại dịch hào nhoáng này suốt thế kỷ 19. 16 bài học thắt cà vạt ra đời, phục vụ mọi kiểu đua đòi hợm hĩnh và quái đản nhất. Ở Pháp, văn hào Balzac có một ông bạn từ thời để chỏm mang tên Emile Marc de Saint Hilaire, chính ông này viết hẳn một "kiệt tác" dạy đời về vô số kiểu thắt nơ chỉnh nút và buồn cười thay, lời bạt của kiệt tác này do chính Balzac viết. Trong đó, có đoạn: "...Cà vạt không chỉ là một biện pháp phòng chống cảm cúm, ho hen, dị ứng, đau răng (!) mà còn là một kiểu trang điểm thanh lịch, nói lên trình độ của người sử dụng, cho ta biết rõ đâu là con người thực tài, đâu là kẻ giả danh trí thức. Bản thân tôi từng bị cà vạt đánh lừa và phải tỏ ra rất cẩn thận khi xét người qua cà vạt...". Thi hào Byron bị mang tiếng là phát minh ra kiểu nơ con ****, nhưng phúc thay, trong thực tế, ông chả khi nào dan díu với cà vạt. Nhiều văn nghệ sĩ thoáng đạt đã ghét cà vạt như xúc đất đổ đi, quyết để cái cổ được thong thả và nhẹ nhõm. Ngược lại, ông bán trà Thomas Lipton (ông tổ của danh trà Lipton ngày nay) lại là người thích đùa với nơ cà vạt, nên đã cho ra nhiều kiểu nơ con ****. Đầu thế kỷ 20, một số địa phương bắt đầu đem cả chuyện chữ nghĩa vào cà vạt, chẳng hạn họ gọi nó là régate, ascot và nơ con ****. Gọi gì thì gọi, cà vạt vẫn cứ là cà vạt, thậm chí là vật ưa thích của phụ nữ, nhưng chỉ là các cô son rỗi, nữ sinh thời dung dăng dung dẻ. Nạ dòng hay bà lão rụng răng mà đeo cà vạt dễ bị cho là hâm. Khi đi xem kịch, người ta đua nhau diện cà vạt. Rồi khi phong trào thể dục thể thao bùng lên, những Xuân tóc đỏ đua nhau vào sân quần hay chạy đua, cà vạt làm thiên hạ phát bẳn vì vừa vướng vừa cản trở chức năng hô hấp. Trước Đệ nhất Thế chiến, cà vạt vẫn to bản như tạp dề, che gần kín cả ngực, nên những ông chiều cao khiêm tốn không dám đeo nó, vì e làm trò cho thiên hạ. Kiểu nơ Ascot ra đời, được xem là đơn giản nhất và thuận lợi nhất cho một cây kim kẹp. Trước đây, giới quý tộc nửa mùa thường đính cả ngọc trai lên cà vạt, nhưng sau Đệ nhất Thế chiến, cà vạt vẫn làm đàn ông bực mình vì hay nhàu nát, xoắn như lò xo, vừa mất thẩm mỹ, vừa nhọc công ủi đi ủi lại. Một chủ tiệm cà vạt ở New York - ông Jesse Langsdort - đã nghĩ ra kiểu cà vạt 3 mảnh, dễ thắt, chắc và đẹp hơn, để sau khi thắt, nó vẫn giữ được hình dạng nguyên thủy. Nhờ phát minh này mà Jesse phất như diều vì được "cấp bằng phát minh". Cả thế giới dùng cà vạt 3 mẩu thay cho cà vạt một dải như xưa.
    Lần hồi, khi rảnh rỗi, người ta mới hoàn hồn sau bao cuộc bể dâu và tìm cho ra cội nguồn của cái chữ cravate. Như đã nói, lắm người cho rằng đội quân đánh thuê người Croatie của vua Louis 14 đã khai sinh cho chữ cravate. Nhưng cần biết là học giả Eustache Deschamps (1340 - 1407) đã dùng chữ Cravate rồi. Đi xa hơn, nhà điêu khắc Cesare Vecellio đã viết hẳn một quyển sách, trong đó có nhắc chữ cravatta để chỉ những binh sĩ La Mã thắt nơ quanh cổ! Vậy caravate xuất phát từ đâu? Người Đức gọi cà vạt là Krawatte, Tây Ban Nha là Corbata, Hungary gọi Kravat, Ý gọi là Gravata và Thụy Điển gọi Kravatt. Từa tựa nhau cả, vậy nguồn gốc chung từ đâu? Cà vạt đi sâu vào chuyện ngôn ngữ, như người Pháp có thành ngữ "giấu mặt sau cà vạt" để chỉ những người ăn tham uống tục, chỉ biết cắm mặt mà ăn. Rồi một thời, chả biết ai đã nghĩ ra một câu cực hay: "Hãy cho tôi biết anh thắt cà vạt gì, tôi sẽ cho anh biết anh là ai". Câu này giống kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" vậy. Cà vạt đi vào ngôn ngữ chỉ vì bản thân nó mang những thông điệp rất đáng chú ý. Thành ra, tận những năm 30 của thế kỷ 20, cà vạt đen và cà vạt trắng vẫn bị nghi kỵ, hay nói nôm na là khó dùng. Thập niên 70 là giai đoạn mà cà vạt trắng được ưa chuộng, nhưng lại là của giới ăn chơi đàng điếm, giới phong lưu hết mực nhưng thiếu thành thật. Cà vạt màu trắng ngày xưa là của các cụ, nhưng thời hiện đại, chả cụ nào dám dùng, vì nó là biểu tượng của một nhân vật sở khanh, hay chí ít là kẻ vụ lợi, hay toan tính hại người. Cà vạt trắng trên áo sậm thoạt trông thì nổi, nhưng có vẻ mang ý nghĩa xấu. Người ta thích cà vạt sậm trên áo nhạt hơn, nhất là áo trắng. Rồi khi các nhà tạo mẫu hiểu rằng chuyện ton sur ton là quan trọng thì cà vạt được quyền hòa hợp với áo quần, thậm chí là thông tin cho biết chủ nhân của nó có gu ăn mặc hay không, hay chỉ là kẻ đua đòi. Cà vạt sau này trở thành một đề tài bất tận cho những designer thứ thiệt, nó cụt đi nhưng duyên dáng, cho nữ quân nhân, mang màu sậm cho hải quân và góp phần tạo vẻ hùng dũng cho những bộ lễ phục sĩ quan. Cuối cùng, cà vạt trở thành vật bất ly thân tại một số quốc gia, trong khi tại một số khu vực, nó chỉ được dành cho những dịp lễ lớn, long trọng, chẳng hạn đám cưới hay lễ tốt nghiệp. Nhưng tại Phương Tây, khó hình dung được một nguyên thủ quốc gia không cà vạt lại lên truyền hình. Cà vạt đã đi qua lịch sử như vậy....
    (Hết)
    You are just one person in a whole world, but for me, you are my whole world.
    Tu es juste une personne dans le monde entier mais tu es le monde pour moi.
    Viva 1980F

Chia sẻ trang này