Cúm gà ở Thái Bình Khi bão cúm chưa mang họa về làng quê Thái Bình... 15:56'' 31/01/2004 (GMT+7) (VietNamNet) - Gà vẫn thả rong ven thôn Dũng Thượng, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, cách thị xã (TX) Thái Bình 7km. Gà vẫn cục quác trong ***g bày bán ngoài chợ và thịt gà vẫn thơm ngon đãi khách nhà nọ. Dân trong thôn hồn nhiên: "Gà nhà tôi nuôi khoẻ, ở đây chưa có dịch"! Trong khi đó, Thái Bình đã có 12 ổ dịch và các đội tiêu huỷ gia cầm đang làm việc "quên chết"... Thợ mổ vẫn "điếc" giữa ổ dịch Chợ TX Thái Bình nay chỉ còn bày bán thịt lợn, thịt bò. Tin dữ về cái chết "vì cúm gà" của 3 anh em ruột gia đình thầy giáo Hùng ở phường Đề Thám, TX Thái Bình khiến nhiều người dân ở tỉnh lỵ Thái Bình chết lặng vì lo. Thầy Hùng là giáo viên còn trẻ của trường Phú Xuân, mới cưới vợ. Hai tuần trước Tết, thầy bỗng lên cơn sốt, hai em gái của thầy cũng thấy rậm rực khó ở. Sau đó, họ đã tử vong tại một bệnh viện ở Hà Nội và được thiêu xác luôn. Đến giờ phút này của dịch cúm gà, các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa có kết luận khoa học về cơ chế lây truyền của virus H5N1 gây nên dịch gia cầm và cả cúm týp A ở người. Có người nói anh em nhà thầy nhiễm bệnh do mổ thịt gà cúm. Người khác cho rằng thầy Hùng đã chuốc hoạ từ nguồn dịch ở Hà Tây từ hôm thầy đi Sơn Tây mời bè bạn về dự đám cưới... Bán kính ổ dịch từ nhà thầy Hùng dường như quét gọn khu trung tâm TX Thái Bình. Thế là các chốt ngăn chặn vận chuyển gia cầm đã cấp tốc thành lập tứ phía. Loa phường thông báo chuyện cúm gà, tổ dân phố họp phổ biến liên tục các thông tin về đại dịch, về cách phòng ngừa. Cán bộ phường đến từng nhà kiểm tra việc nuôi gia cầm lẻ và buộc tiêu huỷ lập tức cả những con gà còn sống khoẻ. Nhân lực của Chi Cục Thú y tỉnh, Sở Y tế, Công an rải đi kiểm tra tình hình, ém người tại các chợ, các đầu mối để nghiêm cấm hoạt động buôn bán gà. Gà, vịt, ngan đã bất xuất, bất nhập. Đúng là khi quần nát các chợ thị xã, tôi không thấy một ai bán gà, ngan hay vịt. Mấy chị hàng thịt ở chợ Đề Thám (chợ gà nổi tiếng của thị xã) nói: "Nửa tháng nay nghiêm lắm, ai bán gà sẽ bị thu liền, chợ chỉ còn thịt bò, thịt lợn". Chợ Bo và chợ cầu Kiến Xương cũng vắng tanh hàng gia cầm. Nhưng tôi vẫn được một chị hàng thịt phím đường tìm vào lò (nhà Lan - Hát) chuyên mổ gà hàng chợ. Bà chủ đon đả: "Anh lấy mấy con? Gà mổ rồi nhé? Muốn mua gà sống để cúng thì phải hẹn trưa nay. Dạo này bị cấm, chị chẳng dám mang ra chợ...". Chị này bồi tiếp: "Cúm gà ấy à? Ôi dào, nó bị tụ huyết trùng rồi chết chứ cúm gì!". Té ra, ngay tại thị xã - trung tâm nguy hiểm của vùng dịch - vẫn có "cầu" sướng món thịt gà nên lò này cứ "cung". Tôi hẹn rồi thoái lui. Kể lại chuyện này với anh Đặng Đức Riểu, chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh mà tôi chưa hết sợ: nhà mổ Lan Hát chỉ cách ổ dịch chết người ở phường Đề Thám (nhà thầy giáo Hùng) vài trăm mét! Anh Riểu nói: Lực lượng kiểm tra mỏng nên kiểm soát khó hết chốn. "Chúng tôi quên chết trong cuộc chiến cúm gà, nhưng..." Tính đến sáng nay 31/1, Thái Bình đã tiêu huỷ gần 7.000 gia cầm tại 12 ổ dịch. Cả tỉnh chỉ còn lại hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải chưa có dấu hiệu dịch. Tại cuộc họp khẩn cấp báo cáo tình hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, các trưởng phòng Nông nghiệp huyện thay nhau nói lên những bức xúc trước nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương. Vùng có dịch phải tiêu huỷ gà thì kêu gào hỗ trợ thiệt thòi cho chủ trại. Vùng chưa có dịch thì e không cầm cự được lâu nữa, do giao thông cầu phà, đường xá nay thoáng hơn trước. Nơi khác thì kêu thiếu cả vôi bột rắc hố chôn gà do vừa ngoài Tết, các lò vôi không hoạt động. Huyện này cuống lên vì không thuê được người đào hố chôn gia cầm, người ta sợ chết là phải. Huyện kia lại không tìm được nơi chôn. Huyện nọ lại nghi ngờ gia cầm chết do dịch tả, do tụ huyết trùng, do thời tiết quá lạnh chứ không phải... "hát lăm e lờ một"! Có thể nói Chi Cục Thú y tỉnh Thái Bình là đơn vị xung kích trong cuộc chiến với cúm gà. Ngay từ ngày đầu phát hiện dịch lạ, Chi Cục đã có báo cáo tình hình về UBND tỉnh rất cụ thể, cũng như nhanh chóng đưa ra phương án phong toả những ổ dịch, đồng thời gửi bệnh phẩm về Viện Thú y quốc gia để giám định. Chi Cục cử cán bộ về các trang trại và hộ dân yêu cầu đẩm bảo các điều kiện sống cho gia cầm, như cho ăn tăng dinh dưỡng, sưỏi ấm, thắp điện suốt đêm, che chắn gió lùa, phun dịch nhằm tăng sức đề kháng cho gia cầm. Anh Riểu cho biết: Thái Bình huy động lực lượng liên ngành Y tế, Công an, Thú y, QLTT và cả học sinh trung cấp Y vào cuộc đối phó dịch. Nơi tiêu huỷ, chôn gia cầm được thực hiện ngay tại khu vực các trại nuôi (trại thường đặt ở các cánh đồng rộng) theo quy trình: đào hố sâu khoảng 2m, chất gia cầm vào rồi tẩm xăng đốt, cuối cùng rắc vôi bột và đắp đất lên, sau đó phun hoá chất Cloramin B cả khu tiêu huỷ. Nhưng Thái Bình cũng như nhiều địa phương trong cả nước đang thiếu mọi thứ trong cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Người có tài sản phải huỷ thì xót xa, đau đớn. Người có nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh thì gặp muôn khó khăn. Anh Riểu kể: Đã có những chủ trại xót quá mà phản đối khá rắn, nhất quyết không thừa nhận dịch và đương nhiên bằng mọi cách từ chối tiêu huỷ. (Theo lệnh, nơi nào phát hiện gia cầm ốm thì lập tức tiêu huỷ cả đàn, kể cả những con còn sống khoẻ.) Anh em phải ra sức tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch đối với cộng đồng... Một cán bộ kỹ thuật của Chi Cục bức xúc: "Chúng tôi thiếu hỗ trợ kinh phí nghiêm trọng, bảo hộ và trang thiết bị phục vụ tiêu huỷ lại không có. Làm sao có thể đảm bảo tính mạng cho anh em đi làm nhiệm vụ khi họ chỉ có chiếc áo blu trắng và chiếc khẩu trang? Chúng tôi cũng không có vắc-xin phòng dịch cho anh em. Chi Cục trưởng đã nghĩ ra cách dùng bao ni-lông (thường để đựng hàng vặt) làm bao tay, buộc bao chân, làm mũ trùm đầu để xông vào trại bắt gà mang tiêu huỷ. Ấy vậy mà những bao ni-lông này còn phải vay của một số cửa hàng tư nhân. Chưa hết, họ còn phải vay thuốc phòng dịch của các cửa hàng thuốc thực vật ở thị xã để mang đến cho các trại, vay xăng cho xe chạy... Thế đấy, Nhà nước lại đi vay Tư nhân trong một cuộc "đại chiến" mà trách nhiệm không của riêng ai! Chúng tôi sẵn sàng quên chết vì cúm gà, vậy mà...". Nhìn những đàn gà mỡ màng, khoẻ mạnh ở xã Bình Định, huyện Kiến Xương (ở đây, khoảng 50 hộ nuôi theo kiểu trang trại), tôi cùng chung lo lắng với cán bộ Chi Cục: Chỉ có thể chiều mai thôi, những đàn gà này có thể bỗng lăn ra chết như ở những nơi khác! Ấy là chuyện ở thị xã và tại những trang trại lớn. Còn ở các làng quê? Một làng quê Thái Bình: hồn nhiên giữa bão cúm Tôi tìm về một làng: Dũng Thượng, xã Dũng Nghĩa ở huyện Vũ Thư, cách TX Thái Bình chẳng bao xa. Thôn còn nghèo, làm nông nghiệp thuần tuý. Dọc kênh ven đường về thôn, những đàn vịt thả rong thoải mái bơi lội kiếm mồi. Ven nhà ai, gà cục tác từng đàn đủng đỉnh bới móc... Anh Thưởng (người trong thôn, nhà nuôi gà lẻ theo kiểu truyền thống) nói: "Ở đây có dịch gì đâu, gà trong thôn cũng có chết vài con do tụ huyết trùng nhưng thỉnh thoảng thôi, nhà tớ vẫn mổ thịt gà ăn bình thường, gà nuôi ăn thóc khoẻ thế, sao đâu? Thả rong ven đồng thoải mái". Tôi hỏi anh có theo dõi chuyện dịch cúm gà, cúm A đang được TV, đài, báo tuyên truyền mấy hôm nay, anh Thưởng hồn nhiên: "Biết chứ! Nhưng ở đây xa vùng dịch, dịch bao giờ về hẵng hay"!!! Nhà ông Hiểu ở giữa thôn thì còn "hồn nhiên" hơn: "Gà nhà tôi chẳng bao giờ nhốt, cũng chưa bao giờ bị dịch gì. Hôm qua, người làng đến hỏi mua mấy con trống thịt nhưng tôi không bán vì để dành cho thằng Hai (SV ĐH Hàng Hải, Hải Phòng) bữa thịt ngày mai cho nó về trường sau khi ăn Tết ở quê. Con nữa, sẽ cho nó mang xuống dưới làm quà. Dạo này, dịch cúm nhiều người ghê; chỉ có gà quê mới yên tâm". Nói rồi, ông dẫn tôi ra vườn nhà coi mấy con trống mái khá đậm cân đang đứng, nằm bên gốc chanh: "Ngày kia tôi sửa cái bếp, sẽ thịt 2 con trống này". Chợ Dũng Nghĩa vẫn có gà bày bán tuy có ít hơn mọi khi. Thôn xã cũng có tuyên truyền về cúm gà nhưng ôi, nói đến dịch SARS ghê gớm chết người họ còn mơ hồ, bảo dịch cúm gà "kinh" hơn dịch SARS thì e lạ tai, bởi "con gà mà giết được người cơ à?"! Có chăng họ biết sợ AIDS hoặc si-đa thôi, vì cơ chế lây truyền thế nào họ đã rõ. Quả như anh Riểu nói, kiểm soát dịch bệnh ở các vùng nông thôn là vô cùng khó khăn. Ngoài việc các đơn vị chức năng cần được hỗ trợ khẩn cấp về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, rõ ràng công tác tuyên truyền nhận thức trong nhân dân về dịch bệnh càng phải đặt lên hàng đầu trong cuộc chiến này! (Thái Bình, ngày cuối tháng 1/2004) Tùng Duy
Ở chỗ khác em không rõ.Nhưng về quê ăn tết(quê em ở Kiến Xương) vẫn ăn gà bình thường.Nhưng em không phải là người thích thịt gà,có thì ăn cho nên cũng chỉ gắp có miếng,nói chung là ăn ít.He he Thường thì gà bị bệnh là gà Công nghiệp(nuôi lấy thịt) và gà Tam Hoàng(nuôi lấy trứng).Đó là những con gà có sức đề kháng và khả năng chịu đựng thấp.Còn trường hợp những gà nuôi lẻ tẻ(thường gọi là gà ta) thì khả năng mắc bệnh thấp hơn.Cũng vì lý do tại sao trường hợp nhiều trẻ em mắc bệnh này vì khả năng đề kháng của họ chưa đạt đến mức độ hoàn chỉnh. Khi virut chui vào người thì sẽ có cuộc chiến tranh nảy lửa giữa bạn và virut.Chiến thắng thuộc về kẻ mạnh,nếu bạn chiến thắng thì tất nhiên không có chuyện gì xảy ra,còn nếu bạn thua thì tất nhiên điều khủng khiếp sẽ xảy ra.Với cúm thường thì mất 1 tuần dặt dẹo không làm được gì cả.Còn với cúm gà thì không biết đến bao giờ v.v.... Nói về vấn đề cách tổ chức tiêu diệt đàn gà ở tỉnh,em không bàn luận gì thêm,nó rõ quá rồi.Dù sao cũng hiểu cho người nông dân,đâu phải dễ dàng gì phá cả tài sản kiếm cơm của mình.Tuyên truyền sẽ phải chiếm vai trò quan trọng trước nhất,thứ sẽ là đền bù. Thị xã vẫn yên bình trước dịch cúm,có cái đã cấm buôn bán gà vịt trong thị xã.Nhưng rồi mọi người sẽ quen thôi.Hy vọng qua đợt rét đậm vừa rồi dịch cúm sẽ nhanh chóng dập tắt. Do Not Give Up
Em đọc 1 bài ở báo Lao động thấy có nói 1 gia đình 2 mẹ con bị nhiễm bệnh ( ở đâu em ko nhớ rõ, hình như Thái Bình or Hà Nam gì đó ). Đứa con gái ( 10 tuổi ) có trực tiếp làm gà. Vậy mà cả tháng sau mới phát bệnh. Đứa con vào viện 3 ngày thì chết. Sau đó người mẹ cũng đưa vào viện và cũng đi. Thế nên nếu có làm gà rồi mà bây h chưa bị làm sao thì cũng ko phải ko lo đâu nhé.... Why does my heart go on beating....