1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cùng xem và cảm nhận tranh Bửu Chỉ

Chủ đề trong 'Huế' bởi duongphuongbay, 17/03/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Cùng xem và cảm nhận tranh Bửu Chỉ

    Hôm nay có người bà con đem qua tặng 2 quyển Nghiên cứu Huế dày cộp, in ấn trang nhã, nội dung phong phú, nhiều bài viết có giá trị, đặc biệt là bìa sách đều sử dụng tranh Bửu Chỉ trông rất đẹp. Vội vàng lên mạng tìm hiểu về người hoạ sĩ Huế tài hoa này, thế là search ra được khối thông tin hay, chia sẻ cùng mọi người.

    Hoạ sĩ Bửu Chỉ sinh ngày 8 tháng 10 năm 1948 tại Huế. Tốt nghiệp đại học luật khoa Huế, tự học để trở thành họa sĩ. Năm 1972 đến 1975, anh bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên, học sinh; năm 1983 đến 1988, là uỷ viên BCH Hội Nghệ sĩ tạo hình VN. Bửu Chỉ có tác phẩm trong Viện bảo tàng Mỹ thuật VN và Singapore, cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân của châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 1988, anh triển lãm tại Paris, năm 1994 tại Hong Kong.

    Hốt nhiên, Ông xanh bí ẩn, trớ trêu và cay nghiệt nào đó đột ngột bẻ gãy sự sống một người con ưu tú của xứ Huế, con người tài hoa, đầy tâm huyết với cuộc đời, đất nước và nghệ thuật : họa sĩ Bửu Chỉ, ở tuổi 54, lúc tài năng đang độ phát sáng, sung mãn, hứa hẹn một loạt tác phẩm chín muồi vẻ đẹp lộng lẫy, chạy đua với thời gian, hư không và vĩnh cửu. (Họa sĩ Bửu Chỉ đã trút hơi thở cuối cùng ngày 14.12, sau một cơn huyết áp cao đột ngột.)

    Hiến dâng trọn đời cho hội họa như một thứ nghiệp chướng và như một cách thế chọn lựa để tồn tại giữa cõi Đời, cũng là một cách thế để suy tưởng, phát biểu với nó bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt của đường nét, màu sắc, và cũng để có thể mưu sinh, sống độc lập, đồng thời bảo vệ quyền tự do sáng tác trước các nhãn quan hẹp hòi về nghệ thuật. Đam mê và miệt mài, sống mãnh liệt, để vẽ và vẽ trong cô đơn như một gã tù khổ sai đi tìm vẻ đẹp vĩnh hằng : Thế giới tranh của Bửu Chỉ (gần 300 bức như anh đã tổng kết với tôi, tháng Năm rồi) đa dạng và độc đáo, u ám và rực rỡ. Đôi khi yên bình và thanh thản như một lời kêu gọi bằng an, đôi khi kinh khủng như một cơn ác mộng, đôi khi lại có vẻ như giễu cợt về trò chơi lớn của cuộc đời (trong các tranh "Mặt nạ" và "Xiếc"). Đôi khi bị hút vào những ám ảnh về thời gian qua mau và hủy diệt sự tồn tại của kiếp người. Đôi khi như một nỗi khát vọng đớn đau, bất lực. Đôi khi như một tiếng kêu thảng thốt về bi kịch của con người : nỗi buồn và quyền hy vọng.

    Tranh của anh đi tới tận cùng bản thể sâu thẳm của chính anh, và đi tới nó cũng là chạm tới cội rễ uyên nguyên của con người, trong thân phận giữa vũ trụ vô cùng, và sự phù du, của chính nó.

    Mỗi bức tranh của anh , dù vẽ gì, bố cục ra sao, sử dụng gam màu gì cũng đều toát lên chất suy tưởng về thân phận người giữa cuộc thế (trong chiến tranh, bạo lực, nhỏ nhen, thù hận, nghi kỵ...) và giữa vũ trụ với những ám ảnh và khát vọng, về sự sống và cái chết, hạnh phúc và khổ đau, hữu hạn và vô cùng.

    Chất thơ và chất triết lý hòa quyện thành một, nhuần nhuyễn trong tranh anh. Có thể nói mỗi bức tranh của Bửu Chỉ là một bài thơ, dù nhỏ hay lớn cũng chất chứa các sắc màu của tâm trạng đầy bị kịch của chính anh và kiếp người, nhưng cũng lại tràn đầy vẻ đẹp u hoài, mơ mộng, hy vọng.

    Trong giai đoạn cuối của cuộc đời sáng tác (10 năm gần đây) anh vẽ bằng một thứ linh giác, một thứ huyễn tưởng tâm linh phóng vọt từ vô thức sâu thẳm của bản thể. Bửu Chỉ vẽ như xuất thần, như được nhập cảm từ một cõi chiêm bao nào đó. Tranh của anh lúc này có vẻ như một bài thơ siêu thực, nhưng chính trong cách thế chọn lựa hình thức lạ lùng độc đáo đó để thể hiện, nó lại gợi biết bao nhiêu ý nghĩa chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và phận người.

    ***

    Bửu Chỉ thường nêu một thắc mắc với tôi về một nhận xét trực cảm lạ lùng của Trịnh Công Sơn : " Bửu Chỉ nằng nặng. Hình như là rất nặng nữa. Sự nặng nhẹ của cuộc đời này biết lấy một tình huống nào để đo lường đây." (Viết về Bửu Chỉ, SH số 159, tháng 5/2002).

    Tôi đã nói với anh rằng TCS viết trong lúc so sánh với cảm quan nghệ thuật của Văn Cao và của chính TCS. Thanh thoát và nhẹ nhàng phiêu bồng như không là chính Văn Cao, đi xiếc trên dây giữa trọng lực với đời và kiếp người, và lãng đãng sương khói với cõi thiên thai vĩnh cửu là TCS. Còn anh, Bửu Chỉ, cảm quan nghệ thuật của anh rất nặng với bi kịch phận người và trần gian rợn bóng mênh mông này. Bửu Chỉ hình như gật gù. Nhưng nói thế, cả ba đều nặng kiếp nhân sinh, có điều là Bửu Chỉ nặng hơn mà thôi.

    ***

    Thế giới tranh Bửu Chỉ đẹp ở cách thể hiện độc đáo các hình thể, những hình tượng rất riêng mà chính anh chiêm nghiệm, khám phá ra. Anh có các "tứ" hình thể độc đáo : Một con ngựa đá trổ hoa, một hình người dang tay như tượng Chúa Giê su bị đóng đinh trong một quả trứng hay là trái đất giữa một màu xanh thẳm của vũ trụ mênh mông, chấm điểm bởi nhật nguyệt vàng, đỏ nhỏ nhoi. Một ám dụ về kiếp người giữa không gian và thời gian vô cùng tận. Đôi bàn tay vươn dài, xương xẩu che con mắt với một khuôn mặt kinh hoàng ló ra đàng sau : con mắt ngước nhìn cõi nhân gian thảng thốt của anh.

    Vẻ đẹp của tranh anh chính là vẻ đẹp " tạo hình ". Các hình thể này được vẽ bằng những nét dứt khoát, chắc, rõ. Xem bức tranh " Con mắt nhân gian " của anh mới vẽ, hay các bức " Níu lấy thời gian ", " Mong manh và bình yên ", các bức tranh về nhạc sĩ TCS, bức về nhạc sĩ Phạm Duy... đều có thể khẳng định trực cảm đó.

    Các hình thể này gắn bó trọn vẹn và nổi bật nhờ cách sử dụng và phối màu rất riêng thuộc cá tính " nặng và nóng " của anh. Anh thường dùng các gam màu nóng trong thế tương phản, đối lập để làm nổi bật các hình thể và để thể hiện các sắc thái tâm trạng. Thành thử tranh anh có vẻ đẹp rực rỡ của cuộc truy hoan các sắc màu, qua đó, dựng nên hình tượng triết lý tranh. Tuy nhiên cái vẻ u hoài, đau đớn cứ toát ra qua trò chơi của ngôn ngữ sắc màu lộng lẫy đó. Bố cục của tranh anh thường rất chặt, hài hòa nhưng thoáng. Các hình thể được chạm khắc vào một không gian rộng hoặc cao. Anh có trực cảm nhạy bén về một trật tự kết cấu hài hòa theo kiểu anh.

    Xem anh vẽ tranh, khi có độ chênh vênh hoặc hụt hẫng nào đó về phối màu hoặc tương quan giữa hình thể và không gian tranh, anh thường nghĩ ngợi trăn trở để cho thêm một vệt màu, một hình ảnh nhỏ, thế là tất cả các yếu tố xộc xệch đó lại đi vào thế giới trật tự của cái đẹp - không thừa, không thêm được nữa.

    Phong cách anh có ưu thế sử dụng các mảng, khối, vệt màu nặng, dầy. Có lẽ kỹ thuật sử dụng màu này của Cézanne đã đi vào vô thức sáng tạo của anh từ thời trẻ. Do đó, tranh của anh không có vẻ đẹp lung linh bằng nghệ thuật " chấm điểm " (pointillisme) sử dụng gam xanh lơ chủ đạo của Hoàng Đăng Nhuận, hoặc vẻ đẹp mơ màng sương khói kiểu Chagall với các vết màu thoáng, mỏng, nhẹ và các hình thể thanh thoát, mờ ảo của tranh Đinh Cường, là những bạn họa sĩ thường cùng triển lãm với anh. Nhưng tranh anh có vẻ đẹp khác, vẻ rực rỡ của sắc màu và hình thể đập mạnh đầy chất suy tưởng triết lý, linh giác, ám tượng mà lại rất nên thơ.

    ***

    Ám ảnh mãnh liệt và đau đớn trong tranh của anh, và cũng là linh cảm của anh trước phận số của chính mình là khuôn mặt khắc nghiệt và tàn bạo của thời gian đối với thân phận hữu hạn mong manh của kiếp người và kiếp nghệ sĩ : mà cái chết là dấu chấm hết to lớn, bí ẩn, uy nghi.

    Hình tượng chiếc đồng hồ nhiều dáng vẻ với các con số La Mã cứng cỏi đứng thì thầm về cõi hư không, về sự trôi chảy mất mát, tiêu hao sự sống, trở thành một mô típ chủ đạo trong một loạt tranh anh.

    Cái góc quán cà phê Thiên Đường heo hút và trơ trọi bên giòng sông Hương thầm lặng, nơi anh hay ngồi buổi sớm trầm tư cho một ý tưởng, một cách thể hiện tranh, hay sôi nổi trò chuyện, tâm sự, tranh luận với bạn bè về cuộc sống, nghệ thuật và thời cuộc, giờ đã mãi mãi vĩnh biệt anh.

    Không gian vô cùng tận của vũ trụ, nơi nhật nguyệt mang mang soi tỏ, ở trong đó con người vừa nhỏ bé, vừa kỳ vĩ, nhỏ bé trong thân phận và kỳ vĩ trong khát vọng và suy tưởng muốn ôm choàng tất cả sự sống và nỗi đau - nỗi sầu muộn và niềm hy vọng kiếp nhân sinh, hóa thân thành sự đam mê sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật như là sự chống trả với bước đi tàn bạo của thời gian.

    Giờ đây, chính con người trong không gian đó là hình ảnh anh trong chiếc nôi lớn của vũ trụ và cũng là nấm mồ cho một kiếp tài hoa.

    Chỉ còn sức sống và vẻ đẹp, buồn vui, và hy vọng trong những bức tranh đầy suy tưởng triết lý và linh giác của anh là còn sống mãi với thời gian.

    Âu đó cũng là cách thế tồn tại của người nghệ sĩ trong trò chơi lớn của cuộc đời mà có lẽ với độ lùi của thời gian sau cái chết của anh càng dài bao nhiêu thì người ta mới có thể đánh giá đầy đủ hơn vóc dáng kỳ vĩ của một kiếp nghệ sĩ tài hoa.

    Trần Hoàng Phố (Viết trong những ngày tang BC)
    Huế, 17/12/2002



    TO BE OR NOT TO BE
  2. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    MỘT SỐ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA ÔNG
    [​IMG]
    Nô lệ thời gian (Slave of Time)-199 1- Oil on canvas-30 x 36 cm
    [​IMG]
    Khuôn mặt (Face)-1994-Oil on cardboard -70 x 52 cm
    [​IMG]
    Heure Bleue-1995-Oil on canvas -90 x 90 cm
    [​IMG]
    Green Face-1994-Oil on cardboard -70 x 52 cm
    Xem thêm tại: http://www.asiart.com/BuuChiText.htm

    TO BE OR NOT TO BE
  3. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    BỬU CHỈ VÀ BÈ BẠN
    Tôi phát biểu về Trịnh Công Sơn và những ca khúc phản chiến của anh
    BỬU CHỈ

    [​IMG] (Chân dung TCS-tranh BC)
    Lúc 12 giờ 45, ngày 01 tháng 4 năm 2001, Trịnh Công Sơn đã ra đi. Trái tim nhân ái và nhạy cảm ấy đã ngừng đập; bộ óc đầy mỹ cảm và sáng tạo ấy đã thôi vận động. Anh đã để lại cho bạn bè và những người hâm mĩ anh một nỗi tiếc thương vô hạn. Một sự mất mát lớn, một khoảng trống không gì bù đắp nỗi cho nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Một nhạc sĩ nỗi tiếng cùng thời đã nhìn nhận một cách vô tư rằng Trịnh Công Sơn là người viết tình ca hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Nói về sự ra đi của anh, những người mến mộ còn ở lại cái cõi trần ai này đã bày tỏ bằng nhiều cách với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng nói bằng cách gì và với ý nghĩa nào thì cũng không thể làm vơi đi được nỗi đau thương và mất mát ấy. Rõ ràng là có một sự biến mất về hình hài vật chất mà cha mẹ anh đã tạo nên anh. Quy luật tự nhiên của vũ trụ vô tình vốn hữu sinh thì hữu diệt, hữu hình thì hữu hoại. Nhưng mà thật ra anh vẫn ở lại, ở lại mãi mãi với nền âm nhạc, với nền văn minh và văn hóa nước nhà. Cả một đời lao động sáng tạo cật lực anh đã góp được vào trong sự nghiệp nghệ thuật chung của cả nước hơn 600 ca khúc. Một sự nghiệp đồ sộ. Và đây chính là cái phương tiện, cái quyền năng đã giúp anh chống lại định mệnh. Cái định mệnh của đời người vốn khắc nghiệt và độc ác đã chưa từng bao giờ cho phép ai sống đến tận cùng niềm vui và nỗi khát vọng sống như chính mình mong muốn.
    Đối với cộng đồng xã hội, một khi anh nằm xuống, anh đã thanh thỏa hết mọi "trái khoản" một cách sòng phẳng với trần gian. Một đời mình anh đã làm hết mọi điều mà anh mong muốn, và đã ra đi đúng lúc. Còn tất cả những gì mà anh đã để lại cuộc đời nó sẽ cứ tồn tại một cách hiển nhiên và minh bạch. Không có gì đáng trách và cũng không có gì phải hồ nghi cả.
    Thiên tài ư? Anh đâu cần cái hư danh ấy. Anh là anh, chính điều này mới lớn lao. Vã lại, chính hậu thế vốn rộng lòng và trong sáng hơn đương thời sẽ quyết định điều này. Nhưng dù gì thì gì, đấy vẫn là hư danh. Cái hư danh khiến cho những con người đầy tham vọng sẽ vật lộn, tranh giành nhau một cách đau khổ. Mà thật ra chưa khi nào, dù một lần anh đã thầm ước mơ đến cái tên gọi đầy sân hận đó.
    Nhân cách của anh? Tôi sẽ trả lời rằng Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ đầy nhân cách. Còn lớn hay nhỏ ư? So với ai? - Người đời vốn hay chấp về hình tướng, mà hình tướng thì thường làm cho con người mê.
    Tôi nói nhân cách của Trịnh Công Sơn nó đầy đủ ở trong thái độ nghệ thuật của anh. Thái độ nghệ thuật này luôn nhất quán ở trong sáng tạo nghệ thuật của mình mà chưa hề khi nào vong thân hay thóai hóa biến chất cho đến phút cuối cùng. Khẳng định về một điều như thế đối với một người đang còn sống thật khó. Nhưng đối với một người đã nằm xuống ta sẽ không còn phải lo sợ rằng họ còn có thể tốt hay có thể xấu, còn có thể đúng hay có thể sai, xứng đáng hoặc không xứng đáng nữa.
    Một con đường dẫn nhập vòng quanh như vậy đối với tôi là cần thiết, để dọn đường vào vấn đề mà tôi đã tự đặt ra cho mình: Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của anh. Trong quá trình trình bày vấn đề này, tôi sẽ cố gắng làm toát ra cái tài năng và nhân cách hiếm có đó nổi bật lên trên cái bối cảnh Việt Nam máu và nước mắt, khói lửa và nổi kinh hoàng trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt thời bấy giờ. Một cuộc chiến tranh mang tính tất yếu lịch sử của một dân tộc bị áp bức; nhưng sự chọn lựa và quyết tâm ấy đã không ít đau thương. Và Trịnh Công Sơn đã xuất hiện trong bối cảnh đó như lương tâm của một con người mang trái tim nhân ái nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói.
    Tôi sẽ không nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn với tư cách một nhà phê bình văn học về lời nhạc, cũng như không phải trong tư cách của một nhà nghiên cứu âm nhạc đối với nghệ thuật âm thanh của anh. Mà với tư cách của một người chứng, sống cùng thời và từng sinh hoạt với anh, tôi sẽ nói về thái độ dấn thân bằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong công cuộc vận động hòa bình cho đất nước đầy tuyệt vọng; nhưng cũng đầy ý nghĩa và giá trị nhân bản đó. Nghĩa là nói về một Trịnh Công Sơn nghệ sĩ đích thực, một con dân nước Việt mang tình yêu chân thực đối với quê hương vào cuộc. Khẳng định anh trong ý nghĩa này là khẳng định chính sự đóng góp của anh vào trong những giá trị văn hóa, văn minh của cả nước. Một Việt Nam luôn xây dựng trên nền tảng con người và hòa bình.
    Thế nào là nhạc phản chiến, và phản chiến như thế nào?
    Phản chiến ở đây là bày tỏ thái độ của mình không tán thành chiến tranh, và sự không tán thành này có nghĩa là một sự đồng cảm, chia xẻ với những con người đang phải gánh chịu những nỗi mất mát, đau thương trong chiến tranh. Đồng cảm mà không đứng ở ngoài, đứng ở một bên; mà đứng ở cái thế chung cùng một phận, một định mệnh. Sơn không nhân danh một "isme" nào cả; cũng như không chủ trương chống lại một "isme" nào cả. Hoặc có chăng là anh nhân danh cái gọi là "humanisme", xu hướng nhân bản. Mà thật ra cũng chỉ là một cách gọi đấy thôi. Nói cho cùng, đó là tất cả những gì mình cảm xúc, tất cả những gì vang vọng trong tâm khảm của mình từ một thực tại máu xương như thế của đồng bào thì mình nói ngay ra. Nói không do dự, nói như một lời khẩn báo. Đỗ Phủ ngày xưa ở bên Tàu làm thơ bày tỏ sự xót thương đối với hàng vạn con đỏ đang bị dìm trong máu lửa chiến tranh mà người đời sau cho rằng ông có tinh thần chống chiến tranh là vậy. Thật ra ông chỉ muốn nói lên niềm xúc động sâu xa của mình đối với thời thế, mà ở bên sau cái nỗi niềm này không tiềm chứa một ý thức, một tinh thần cơ hội nào.
    Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả là làm theo mệnh lệnh của con tim mình, một con tim thương đời, thương người, để nói lên tiếng nói của con tim đó đối với quê hương, dân tộc một cách trung thực và chân thành. Và một khi anh đã vĩnh viễn nằm xuống yên nghỉ thì câu khẳng định này đã trở nên hùng hồn hơn.
    Ta sẽ thấy mệnh lệnh của trái tim này đi xuyên suốt trong tất cả các sáng tác thuộc dòng nhạc phản chiến này của anh. Trước hết ta có thể tạm sơ lược về con đường sáng tác các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn như sau:
    - Ý thức phản chiến trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đã manh nha vào những năm 1965, 1966. Trong giai đoạn này anh đã cho ra đời tập ca khúc Ca khúc Trịnh Công Sơn (Thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận) do An Tiêm xuất bản 1966. Sau đó phát triển dần trong tập Ca khúc da vàng vào cuối 1966 và đầu 1967, tập Kinh Việt Nam năm 1968, tất cả đều do anh tự ấn hành lấy. Cùng với những cuộc xuống đường rầm rộ của thanh niên, sinh viên, học sinh ở đô thị miền nam Việt Nam chống Mỹ và chế độ cũ đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, anh đã cho xuất bản tập ca khúc Ta phải thấy mặt trời vào năm 1970 (Tự ấn hành dưới cái tên Nhà xuất bản Nhân Bản). Năm 1972, khi tình hình chiến sự ở miền nam Việt Nam ngày càng leo thang đến độ khốc liệt nhất, anh đã cho ra đời tiếp tập Phụ khúc da vàng (Tự ấn hành dưới cái tên Nhà xuất bản Nhân Bản). Đây là tập cuối cùng của dòng nhạc phản chiến của anh. Tổng kết tất cả gồm 5 tập, với 58 ca khúc, chưa kể những bài rời được sáng tác ngay trong những cuộc xuống đường cùng thanh niên, sinh viên, học sinh Huế.
    So với những tình khúc mà Trịnh Công Sơn đã sáng tác được trong suốt cuộc đời mình cho đến lúc qua đời, số lượng của những ca khúc phản chiến tương đối ít. Nhưng chính những ca khúc này đã làm cho danh tiếng của anh sáng lên một cách chói lọi. Phải nói là độc sáng. Và chính trong cái vầng hào quang làm nền này, tình khúc của Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng giá cho đến hôm nay và mai sau. Chính những ca khúc phản chiến thời bấy giờ đã chắp cánh cho danh tiếng của anh bay ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Nơi xứ sở này anh đã từng có những "Đĩa Vàng". Và lưu danh trong bộ tự điển Bách Khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde.
    Thật vậy, vào những năm 58, 59, 61, 62, những tình khúc như Ướt mi, Thương một người, Nhìn những mùa thu đi, Biển nhớ v.v... đã bắt đầu nổi tiếng trong những phòng trà ca nhạc ở miền Nam. Nhưng phải chờ đến những năm 65, 66, 67 khi tiếng hát của Trịnh Công Sơn cất lên trong các giảng đường Đại Học Sài Gòn và Huế, trước hàng ngàn sinh viên học sinh cuồng nhiệt, với những ca khúc trong các tập Ca khúc Trịnh Công Sơn và Ca khúc Da vàng, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một hiện tượng. Hiện tượng Trịnh Công Sơn.
    Những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được chép để chuyền tay, được in ra băng cassette, hoặc băng từ loại lớn, còn gọi là băng Akai... Nghĩa là mọi hình thức phổ biến, phương tiện phổ biến đều được tận dụng. Người ta nghe nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn trong quán cà phê, người ta nghe trong những cuộc sinh hoạt tập thể của thanh niên, thậm chí người ta nghe trong khuê phòng và nghe ở cả những tiền đồn heo hút...
    Dàn trải trên nón một điệu Blue buồn đau và uất nghẹn, với nhịp hát kể Recitativo, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vút lên:
    "... Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
    ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
    còn có ai không còn người, ôi nhân loại mặt trời
    và em tôi này đôi môi xin thương người
    ôi nhân loại mặt trời trong tôi..."

    (Xin mặt trời ngủ yên - ca khúc Trịnh Công Sơn)
    Và,
    "...Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng
    Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong
    Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cổi bao năm
    Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong"

    (Nước mắt cho quê hương - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
    Rồi,
    "Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn. Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn. Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân..."
    (Ca dao mẹ - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
    (còn nữa)

    TO BE OR NOT TO BE
  4. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    (tiếp) Hay từ một hiện thực vừa mới xảy ra trong thành phố:
    [​IMG] "Ghế đá công viên dời ra đường phố. Người già co ro chiều thiu thiu ngủ. Người già co ro buồn nghe tiếng nổ. Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi..."
    (Người già em bé- Ca khúc Trịnh Công Sơn)
    Và với Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn v..v... Tiếng hát Trịnh Công Sơn như một sợi dây vô hình đã nhanh chóng nối kết những tâm trạng riêng, những số phận riêng của người dân đô thị miền Nam vào trong một tâm trạng chung, một số phận chung. Tâm trạng và số phận này là gì? Đó là tâm trạng và số phận của những con người Việt Nam đã từng bị lừa, họ là nạn nhân của bạo lực vô minh, mà niềm tin và hy vọng của họ đã trải qua bao lần bể dâu. Đối với họ, mọi khát vọng, mọi dự phóng đều là hư vô. Họ đang vẫy vùng trong một cảnh sống đầy máu xương, mất mát tang tóc của một cuộc chiến tranh phi lý mà lối thoát chưa một lần thấy lóe sáng ở cuối con đường hầm cuộc đời tăm tối đó.
    Tôi cho rằng, bằng một khả năng cảm nhận sắc bén bẩm sinh anh đã dễ dàng biến những cảm nhận riêng của mình thành của chung. Bằng một phương cách biểu hiện rất khéo do ở chỗ sử dụng những ẩn dụ, những hình tượng rất mới, anh đã gây được những ấn tượng mạnh cho người nghe, và đặc biệt khi cần phải đối kháng với một thực tại mà anh không thể nào vãn hồi được, anh dựng một thần thoại. Nhờ thế mà tiếng nói của anh dễ dàng lọt vào lòng người, và dễ dàng được đồng cảm.
    "Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
    Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
    Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm...
    Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi
    Người ngồi đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
    Nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay."

    (Phúc âm buồn - Ca khúc Trịnh Công Sơn)
    Bằng một định hướng, cũng như một phương pháp sáng tác như đã được trình bày ở trên, Trịnh Công Sơn đi vào giai đoạn "Ca khúc da vàng". Ở đây, những cảm nhận về quê hương và thân phận đã trở nên mãnh liệt hơn, quặn thắt hơn và đôi khi dẫn đến sự phẩn nộ. Từ Ngày dài trên quê hương, Người con gái Việt Nam, Đại bác ru đêm cho đến Tôi sẽ đi thăm, Tình ca người mất trí, Hãy nói giùm tôi, Gia tài của mẹ... đã nói lên điều đó.
    Ta hãy nghe:
    "Người nô lệ da vàng ngủ quên ngủ quên trong căn nhà nhỏ đèn thắp thì mờ ngủ quên quên đã bao năm ngủ quên không thấy quê hương. Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dỉn ta bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do..."
    (Đi tìm quê hương- Ca khúc Da vàng)
    "Hãy sống giùm tôi hãy nói giùm tôi hãy thở giùm tôi thịt da này dành cho thù hận cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên..."
    (Hãy nói giùm tôi - Ca khúc Da vàng)
    Tiếng hát đã tạo nên những hiệu quả trong đời sống xã hội thật sự. Nó đã làm cho một số không ít thanh niên nhìn ra cái bản chất phi nhân và tàn bạo của cuộc chiến khiến họ đi đến hành động trốn lính hay đào ngũ. Dưới con mắt của những người cầm quyền thuộc chế độ cũ Sơn là một kẻ phá hoại tinh thần chiến đấu của anh em binh sĩ.
    Ở miền Nam lúc bấy giờ cường độ của cuộc chiến càng lúc càng gia tăng. Người Mỹ ra sức cũng cố chế độ cũ và đẩy mạnh cuộc chiến. Chiến tranh càng lan tràn khắp nơi một cách khốc liệt. Năm 1968, với cuộc tổng công kích xuân Mậu Thân, nhiều thành phố ở trên khắp miền Nam đã trở thành bãi chiến trường. "Con người trong tôi" của Trịnh Công Sơn lại tiếp tục lên tiếng mỗi lúc một khẩn thiết hơn:
    "Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng
    Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co
    Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa
    Trên giáo đường thành phố trên thềm nhà hoang vu..."

    (Bài ca dành cho những xác người - Ca khúc da vàng 2)
    Và trong cái cảnh tượng trần gian là một lò sát sinh đó, đã có những người mẹ, những người chị đã lâm vào trong một trạng thái tâm thần bệnh lý:
    "...Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh chị vỗ tay hoan hô hòa bình người vỗ tay cho thêm thù hận người vỗ tay xa dần ăn năn."
    (Hát trên những xác người - Ca khúc da vàng 2)
    Và sau đó nhiều năm, người dân ở trong các thành phố miền Nam vẫn tiếp tục chịu đựng những cuộc nỗ mìn, những trận pháo kích gây thương vong không ít cho đám dân lành vô tội. Ngày ngày không dứt tiếng súng tiếng bom. Và hằn đêm trong ánh hỏa châu vàng vọt ghê rợn, người dân thành phố nín thở, nơm nớp đợi chờ những điều không may có thể xảy đến cho mình. Mỗi ngày, từ chiến tuyến những chiếc quan tài phủ cờ được đưa về thành phố, trên đầu những trẻ mồ côi, những góa phụ, khăn tang cứ bay như phướng.
    Từ 1968 cho đến những năm 1969, 1970, 1971, thỉnh thoảng người ta lại nghe phong thanh đâu đó về một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Rồi tất cả lại tắt ngấm. Người dân Việt khát khao hòa bình như kẻ đi trong sa mạc khát đến cháy bỏng cổ họng mà ốc đảo xanh tươi hiện ra trước mặt mình chỉ là những ảo ảnh. Cuộc chiến khốc liệt cư tiếp diễn. Phong trào đấu tranh hòa bình Việt Nam ở các đô thị lại bùng lên mãnh liệt. Đặt biệt là phong trào thanh niên sinh viên học sinh, bây giờ lập trường đã kiên định: Mỹ cút, ngụy nhào, hòa bình đến. Tôi, kẻ viết bài này, đã quyết định, đã chọn lựa đứng vào phong trào đó. Nhưng chọn lựa nào cũng có những đau đớn. Tôi phải đứng về phía dân tộc theo cách của tôi. Để có hòa bình thì dân tộc phải có quyền tự quyết, mà quyền tự quyết thì phải đấu tranh mà dành lấy chứ chẳng ai cho. Nhưng càng đấu tranh thì càng chồng chất đau thương. Những kẻ dễ quên thì dễ sống, còn tôi thì không thể quên điều này. Và phải nói một cách thành thật rằng chính những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong những năm đầu tiên đã đánh thức trong tôi tình tự dân tộc, sau đó thì tôi chọn một thế đứng quyết liệt hơn, âu cũng là do tánh khí riêng của mình. Nhưng về sau tôi vẫn thường tiếp tục hát những ca khúc phản chiến của anh. Vì tôi thấy nó mang lại cho đầu óc mình sự "mát mẻ", khi mà mình không thể thường xuyên chịu đựng mãi một sự căng thẳng sắt máu. Và đôi khi nó cũng khiến cho mình mơ mộng về một nền hòa bình có thể thế này mà không phải thế kia... Đó là con đường tự do đi đến hòa bình mà không phải đỗ máu. Tôi sợ máu!
    Trịnh Công Sơn trong giai đoạn cực đoan này thì sao? - Vẫn trung thành với con đường mà tự anh đã vạch ra từ trước, anh tiếp tục đi, đi theo tiếng gọi của dân tộc mà anh đã nghe thấy theo cách của mình. Có khi anh đi một cách mạnh dạn hơn, và anh kêu gọi, anh hô hào. Và tinh thần của anh, tùy mỗi hoàn cảnh khác nhau mà hy vọng, hào hứng hay tuyệt vọng... hoặc ngược lại. Kết quả là hai tập ca khúc kế tiếp nhau ra đời Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1970) (anh tự ấn hành dưới tên NXB Nhân Bản). Ở giai đoạn này anh cùng xuống đường với thanh niên, sinh viên, học sinh. Anh hát:
    "Nơi đây tôi chờ.
    Nơi kia anh chờ.
    Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ.
    Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu.
    Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù...
    ... Chờ tin mừng sông chờ núi cũng chờ mong
    Chờ trên vừng tráng mẹ thắp lên bình minh
    Chờ khô nước mắt chờ đá reo ca
    Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
    Chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thường vỡ bờ
    .
    (Chờ nhìn quê hương sáng chói - Kinh Việt Nam)
    Hay:
    "Rừng núi dang tay nối lại biển xa
    Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà..."

    (Nối vòng tay lớn - Kinh Việt Nam)
    Hoặc:
    "Ta bước bước đi, bước bước hoài, trên quê hương dấu yêu này. Còn bao nhiêu người nhìn nhau hôm nay.
    Đôi mắt bóng tôi trái tim nghi ngại còn ai quanh đây
    chưa góp tiếng nói chưa nối lại nắm tay..."

    (Chưa mòn giấc mơ - Ta phải thấy mặt trời)
    Và:
    "Huế - Sài Gòn - Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa. Huế - Sài Gòn - Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ. Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau..."
    (Huế - Sài Gòn - Hà Nội - Ta phải thấy mặt trời)
    Sang đến năm 1972, cục diện chiến tranh trên tòan miền nam vô cùng ác liệt, một cuộc "Việt Nam hóa chiến tranh" dưới mắt người Mỹ. Bằng con đường phản chiến lấy trái tim nhân ái mà giải quyết mọi điều, trên cơ sở tình tự dân tộc, Trịnh Công Sơn thì đã mệt nhoài, và tuyệt vọng. Anh cho ra đời tập ca khúc Phụ khúc da vàng, mà anh đã cho rằng đáng lẽ không nên viết. Đây là tập ca khúc cuối cùng của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.
    Anh hát để kết thúc cho một nỗ lực vô vọng của chính mình:
    "...Đường anh em sao đi hoài không tới
    Đường văn minh xương cao cùng với núi
    Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối
    Trái đau thương cho con mới ra đời..."

    (Hãy nhìn lại - Phụ khúc da vàng)
    Sau 1975, có một sự im lặng đè nặng lên những ca khúc phản chiến từng một thời nỗi tiếng lẫy lừng của anh. Và chính anh cũng giữ sự im lặng cho đến ngày qua đời.
    Nếu hôm nay ta nhìn nhận và đánh giá cao những tình khúc của anh, chúng ta không thể nào bỏ qua được những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Vì chính những ca khúc này đã tạo cho anh có được một tầm cỡ như ngày nay, cho dù những tình khúc của anh vốn đã rất tài hoa.
    Có người sẽ cho rằng không phải nói đến những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn nữa, vì chữ thời đã qua rồi. Nghĩa là không còn thời tính nữa. Cũng có người sẽ góp ý thêm rằng các ca khúc phản chiến của anh vốn lừng khừng, dễ dãi, nếu không muốn nói là ngây thơ, hoặc thiếu logique lịch sử, chính trị hay là cái gì đó...
    Tôi thì cho rằng, đến ngày nay, qua những trò dâu bể của cuộc thế, thời tính của những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn còn. Nó còn trong ý nghĩa của tiếng nói lương tâm và nhân ái. Qua tác phẩm của mình chưa từng ai nói dến lương tâm và lòng nhân ái đậm đà như anh. Tiếng nói này còn phải luôn luôn được tôn trọng trước khi ta bắt tay vào một công việc, mà công việc đó sẽ có ảnh hưởng trên hàng vạn, hàng triệu sinh linh.
    Con đường anh đã chọn và anh đã đi suốt cuộc đời mình là một con đường không dễ chọn. Nếu từ thời điểm hôm nay để nhìn lại thời bấy giờ thì rõ ràng là anh đã đi giữa hai lằn đạn. Mà bất kỳ khi nào một viên đạn từ một hướng nào đó có thể kết liễu cuộc đời anh. Anh có lý của riêng anh. Là một nghệ sĩ chân chính, anh đã chọn cái logique của quả tim, và bằng trực giác nghệ thuật anh đã dựng nên sự nghiệp của mình. Đừng bắt anh phải làm chính trị, cũng đừng bắt anh, làm một "con buôn thời thế". Anh sẽ không dại gì đầu cơ, cũng như đầu tư tài năng và tâm huyết của mình cho một cuộc chơi ngắn hạn như vậy, mà kết cục thua lỗ là một điều tất nhiên. Anh chỉ biết sống và rung cảm bằng một quả tim trung thực, và dùng tài năng của mình để nói lên điều mà con tim muốn nói. Vì anh là Trịnh Công Sơn, một nghệ sĩ lớn, một nghệ sĩ của mọi người, và sống giữa mọi người. Chính sự ngưỡng mộ của mọi người đối với anh lúc anh còn sống, và đoàn người đông đảo tiển đưa anh lúc anh qua đời đã nói lên rằng trong sứ mệnh nghệ thuật đối với dân tộc anh đã thành công.
    Trong những ca khúc phản chiến anh còn để lại, phản chiến chẳng qua là một cách gọi, đừng chấp, vẫn có nhiều ca khúc có thể hát đơn hay đồng ca vào thời bấy giờ.
    Hãy tiếp tục hát lên những khúc hát về lương tâm và lòng nhân ái của anh. Vì hơn bao giờ hết, hôm nay chúng ta vẫn đang cần đến lương tâm, lòng nhân ái cho những việc lớn lẫn việc nhỏ. Và chúng ta đừng bao giờ nhìn về bi kịch con người bằng một cái nhìn đơn giản.
    Vỹ Dạ, 25-4-2001
    Bửu Chỉ


    TO BE OR NOT TO BE
  5. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề
    Đặng Tiến
    Đầu tơ mối nhợ một bức tranh Bửu Chỉ - động cơ khởi thảo họa phẩm - thường là một ý tưởng. Ví dụ thường gặp : khái niệm thời gian.
    Vẽ thời gian là việc khó, thậm chí không thể làm. Nếu xem thời gian như một khái niệm thì không thể vẽ, vì nó trừu tượng ; nếu xem thời gian như một cảm giác cụ thể, thì cũng không vẽ được, vì không thể tách mình ra khỏi thời gian để vẽ lên nó. Muốn gợi ý thời gian, người xưa mượn những hiện tượng thiên nhiên : màu quan san nhuộm cảnh rừng thu, hoàng hôn bảng lảng trời chiều?
    Bửu Chỉ, hiện đại và cụ thể hơn, vẽ ngay cái đồng hồ với kim dài kim ngắn chạy quanh mười hai con số. Có khi có cả hình người trơ xương treo cổ trên kim đồng hồ nằm ngang, như một cột tử hình. Vì khởi thủy và tận cùng của ý thức thời gian là cái chết. Và sống là tự hủy dài dài. Trong cõi vô thủy vô chung, con người sẽ không khái niệm được thời gian.
    Có thể tìm ở tranh Bửu Chỉ nhiều ví dụ khác, có khi cả một truyện kể, hay một tiểu luận cấu trúc trong một bức tranh. Nhưng đây không phải là nội dung của tác phẩm, hiểu theo nghĩa quy ước, theo thành kiến, đối lập nội dung với hình thức. Sự đối lập này vô nghĩa, ngày nay không còn được thừa nhận trong lý thuyết. Trong thực tế, nhiều người vẫn cứ đành hanh : vẽ cái gì ? tại sao cái này, cái kia ? ...
    Người đặt câu hỏi như thế, có khi cho rằng tranh Bửu Chỉ minh họa một ý tưởng. Sự thật không phải vậy, vì mục đích của tác giả không phải là ý tưởng. Họa sĩ vẽ là để vẽ, để hoàn thành một tác phẩm bằng cách phối trí đường nét, hình thể màu sắc và sắc độ. Mục đích là thể hiện một khoảnh khắc trong đời mình ; một mảng sống , một mảnh đời được ném lên khung vải, thế thôi.
    Mỗi họa sĩ có cách hành xử riêng. Các họa sĩ hiện đại, như Trịnh Cung, Nguyễn Trung hiện nay chẳng hạn, thấy cái mình vẽ. Bửu Chỉ vẽ cái mình thấy, thấy bằng mắt, bằng hồi tưởng, suy tưởng hay hoang tưởng. Bằng trực thị, linh thị hay huyễn thị.
    [​IMG] Ý tưởng, trong tranh Bửu Chỉ, không phải là cứu cánh. Nó chỉ là khởi điểm, là phương tiện để họa sĩ thực hành một bức tranh. Nó ngang hàng với cái cọ, ống màu, khung vải. Do đó, không thể nói tác phẩm Bửu Chỉ là tranh minh họa, hay là " tranh đố ". Cũng không nên đồng hóa tranh Bửu Chỉ với trường phái Biểu Tượng hay Tượng Trưng (Symbolisme) thịnh hành ở Tây Âu cuối thế kỷ 19, dù kẻ liên tài có người liên tưởng.
    Từng bức tranh, hay từng giai đoạn sáng tác của Bửu Chỉ, có thể nhắc đến môn phái nọ, chưởng phái kia. Nhưng trong toàn bộ, tranh Bửu Chỉ đăm đăm một kỷ cương duy nhất, là Trường Phái Bửu Chỉ.
    Khi cực chẳng đã, phải sử dụng thành kiến nội dung-hình thức, thì có thể xem ý tưởng, hay chủ đề, ví dụ thời gian trong tranh Bửu Chỉ, là hình thức , còn toàn bộ bức tranh, đẹp hay xấu, buồn hay vui, hài hòa hay lỏng lẻo? mới là nội dung.
    Bức tranh đẹp, thường nói lên cái gì với người xem. Nhưng " cái gì " ấy không phải là một ý tưởng ngoài bức tranh, dù có được đưa vào tranh, như là thời gian, tinh thần chiến đấu, v.v.. . " Cái gì " đó là cảm giác tổng thể đi từ vật chất của bức tranh đến tinh thần người xem, không kinh qua thao tác thị thực. Mua một bức tranh mục đồng không có nghĩa là mua trâu.
    Bửu Chỉ yêu đời và nghệ thuật, trong nghĩa : đời và nghệ thuật là một. Anh ký thác hết mình vào cây cọ. Cây cọ chuyển vận tâm huyết vào nền vải, trong một lối vẽ riêng biệt - không phải là minh họa - mà có người thích hay không thích.
    Phải yêu và tin tưởng cuộc sống mới xả thân cho hội họa như Bửu Chỉ. Nhưng tranh anh thường buồn : những mong manh, đổ vỡ, lìa tan, chết chóc. Những điếu thuốc tàn tro tắt lửa. Con cá trơ xương vẫn còn trõm lơ đôi mắt. Chim vui đâu, cây đã gãy lìa cành (*) . Những bất hạnh hóa thân thành cái đẹp và nguồn vui. Tác phẩm nghệ thuật là dấu chân con người vượt qua khỏi định mệnh.
    Bửu Chỉ vẽ như người khác đánh cờ. Anh bày ra bàn cờ, đối thủ là khung vải trắng. Được thua là giá bức tranh.
    Bửu Chỉ vẽ như người khác đánh trống, màu sắc nhảy múa rộn ràng trên khung vải, như trên mặt trống, bên tang trống.
    Tranh Bửu Chỉ có bức ngon lành như cái bánh gâteau ; cũng có bức thảm đạm như tha ma.
    Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
    Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè
    Nhớ hồi tượng mã, pháo xe,
    Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non
    .
    (ca dao)
    Có bạn, hăm hở mở bàn cờ, dù biết trước rằng sẽ lại là ván cờ huề.
    Cờ huề mà vẫn hăm hở, thậm chí sân si.
    Đám quê mùa chúng tôi gọi cờ huề ấy là tình bạn.
    Nhà nho xưa dường như có người gọi là : ta với ta.
    Đặng Tiến
    Orleans, Toussaint 2002
    (*) Huy Cận


    TO BE OR NOT TO BE
  6. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    Cho mãi đến đầu thập niên bảy mươi, tên tuổi Bửu Chỉ (1948-2002) mới đến với tôi trong vùng chiến khu Thừa Thiên Huế với các tranh bút sắt dùng làm bìa các đặc san Đất Lành (Sinh viên Luật Khoa Huế ,Tháng 3/1969), Tin Tưởng (Đoàn SVPT Huế, Số 1, Phật Đản 2515, 1971), Đất Nước Ta (Đoàn Công tác xã hội SVHS Huế, 1971). Qua năm 1972, được xem tấm ảnh Bửu Chỉ nhỏ thó đội mũ nồi nghiêng như Ché Guevara đứng vẽ tranh biếm hoạ chống Mỹ trên tường Morin (Đại học Văn khoa Huế), anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ ra Bửu Chỉ là học trò cũ của anh ở trường Quốc Học Huế. Không thể ngờ con người Hoàng tộc nhỏ thó ấy lại có thể vẽ những bức biếm hoạ đấu tranh mạnh mẽ đến như thế ! Không lâu sau đó, chúng tôi lại được tin Bửu Chỉ cùng với một người bạn cũng vừa tốt nghiệp Đại học Luật khoa Huế là Nguyễn Duy Hiền bị bắt, chúng tôi rất xúc động. Thành ủy Huế bí mật vận động sinh viên học sinh Huế đấu tranh đòi thả Bửu Chỉ Nguyễn Duy Hiền, đồng thời chỉ đạo những người cầm bút giải phóng chúng tôi viết bài gởi Đài Phát thanh Giải phóng và báo chí Hà Nội tố cáo chính quyền Sài Gòn bắt bớ giam cầm những sinh viên yêu nước vô tội.
    Cùng xuất thân phong trào tranh đấu, với sự cảm phục nhau sẵn có, ngày thống nhất đất nước (1975), tôi gặp Bửu Chỉ lần đầu mà như gặp lại một người bạn cũ như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Tôn Thất Văn...Rồi từ ấy, chúng tôi cùng hoạt động văn nghệ Bình Trị Thiên, cộng tác với tạp chí Sông Hương, cùng phụ trách Hội Văn Nghệ Thành phố Huế (1988-1900)...trong một thời gian dài. Giữa chúng tôi, người nào cũng có cá tính, đôi khi cực đoan, cho nên nhiều lúc xảy ra chuyện đập bàn đập ghế cãi nhau tưởng chừng như không bao giờ còn nhìn mặt nhau nữa. Nhưng rồi đâu lại vào đó, giữa chúng tôi ?obuồn ít hơn vui?, lại chơi với nhau. Vào đầu những năm Tám mươi, có lần tôi đã cao hứng ?oliều mạng? viết bài giới thiệu hoạ sĩ Bửu Chỉ trên Báo Ảnh Việt Nam. Đáp lại, Bửu Chỉ là người vẽ bìa cuốn sách Triều Nguyễn và Huế xưa đầu tiên của tôi (Hương Giang Cố Sự, 1986) và một số đầu sách khác do tôi biên soạn sau đó.
    Trong đám bạn bè vong niên của tôi, Bửu Chỉ là người có tính cách đặc biệt nhất. Cái tính cách mà ai cũng nhận thấy nơi Bửu Chỉ là ?ochướng?, ?ongạo?, ?ocực đoan?, và đôi khi ?otáo bạo?. Đối với những người không có cá tính, không có bản lĩnh, hay a-dua, thiếu trung thực Bửu Chỉ dứt khoát ?okhông chơi?. Mà đã ?okhông chơi? là tỏ thái độ rõ ràng chứ không úp mở, màu mè để đánh lừa người khác. Bửu Chỉ là một Hoàng tộc, cháu 5 đời của vua Minh Mạng, nhưng anh ít khi tham gia các lễ lạt của Nguyễn Phước tộc, của Phủ Tuy Lý. Năm rồi (2002) không thấy Bửu Chỉ tham dự lễ kỵ vua Thế Tổ nhân 200 năm đặt niên hiệu Gia Long, tôi hỏi lý do, Chỉ bảo :?oChuyện triều Nguyễn đã qua rồi, tôi không muốn gặp một số người tư cách rất kém mà xun xoe con vua cháu chúa, chướng lắm!? Thái độ cực đoan của Bửu Chỉ đã làm cho nhiều bà con trong Hoàng tộc không hài lòng. Đối với Hoàng tộc mà còn như thế, cho nên xã hội khó tìm được sự chan hoà nơi anh.
    Tôi làm nhà vừa xong, Bửu Chỉ lên thăm. Thấy cái phòng khách đẹp mà các bức tường chung quanh đang để trống, Bửu Chỉ chỉ vào bức tường chính giữa nhà và bảo tôi: ?oÔng dành cho tôi bức tường nầy, tôi sẽ mừng nhà mới của ông một bức tranh đã triển lãm ở Hồng Kông rất thích hợp với con người nghiên cứu Huế của ông nhưng với điều kiện ông không được treo thêm bất cứ tranh của ai trong cái phòng khách nầy nữa?. Thật là chuyện bất ngờ đối với tôi, tôi đồng ý. Mấy hôm sau bức Người Mang Dáng Cổ Thành ?ongự? lên phòng khách nhà tôi. Các con tôi rất quý bức tranh của Bửu Chỉ nhưng không biết đã có một ?ocam kết? giữa tôi và Bửu Chỉ như thế nên chúng đã treo thêm ở phòng khách một tranh của Điềm Phùng Thị tặng tôi từ hồi bà mới ở Pháp về. Lên chơi, thấy có thêm bức tranh của bà Điềm (ông Bửu Điềm cùng một cụ cố với Bửu Chỉ), Bửu Chỉ không dám phản đối nhưng giận tôi đã không giữ lời hứa. Tôi phải giải thích mãi anh mới chịu bỏ qua.
    Bửu Chỉ xuất thân trong một gia đình giỏi Pháp ngữ. Thân mẫu của hoạ sĩ là bà giáo Nguyễn Thị Trâm (1906) - người từng dịch truyện Kiều sang Pháp ngữ, dạy tiếng Pháp cho Bửu Chỉ từ khi Chỉ mới nói bập bẹ. Chỉ là em thứ 14 trong gia đình (em út), các anh chị của Chỉ cũng đều giỏi Pháp ngữ. Nhờ giỏi Pháp ngữ, Bửu Chỉ đã đọc được các sách hội hoạ thế giới trong tủ sách nghệ thuật của thân sinh - cụ Ưng Thuyên (1900), nên anh có kiến thức về hội hoạ khá vững, nhiều hoạ sĩ cùng lứa tuổi khó đuổi kịp anh. Từ hồi học Tiểu học ở trường Thế Dạ và trường Trung học Quốc Học, học môn sinh vật, Bửu Chỉ vẽ rất đẹp. Lớn lên nghiên cứu các trường phái cổ điển (classicisme), tả thực (réalisme), siêu thực (suréalisme), tượng trưng (symbolisme), lập thể (cubisme), ấn tượng (impressionnisme), các môn phái Flammand, Florence, Padoue.v.v. Bửu Chỉ biết mình đứng ở đâu và phải làm gì để tạo ra ?otrường phái Bửu Chỉ? riêng cho mình. Và, Bửu Chỉ không chỉ nghiên cứu hội hoạ, anh còn say mê đọc sách chính trị, đọc Kinh Dịch, và cuối đời còn nghiền ngẫm sách Phật. Trong tranh của Bửu Chỉ sau nầy ta thấy có mặt trời xuất hiện cùng với mặt trăng, màu đỏ đi bên cạnh màu đen. Đó là biểu tượng của âm dương trong Kinh Dịch. Và, không chỉ chuyện sách vở, Bửu Chỉ rất nhạy bén trước các vấn đề thời sự chính trị trong và ngoài nước. Là một nghệ sĩ, rất đam mê, dục tính mạnh, nhưng trong các cuộc hội thảo, các cuộc họp, bao giờ Bửu Chỉ cũng trình bày ý tưởng của mình một cách hùng biện (éloquence), khúc chiết và trí tuệ. Bửu Chỉ ít viết, mỗi khi cần phải viết thì anh viết như một người cầm bút thực thụ, văn hay, ý tưởng mới và dũng cảm. Bài Về Trịnh Công Sơn Và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh của Bửu Chỉ đăng trong sách Trịnh Công Sơn (1939-2001) Cuộc Đời Âm Nhạc, Thơ, Hội Hoạ và Suy Tưởng (Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2001) là một tiểu luận (essai) rất được bạn đọc quan tâm. Qua tiểu luận nầy Bửu Chỉ đưa ra ý niệm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là tiếng nói của lương tâm. Ngày nay dù chiến tranh đã đi qua hơn ¼ thế kỷ rồi, ?o...chúng ta vẫn đang cần đến lương tâm, lòng nhân ái cho những việc lớn lẫn việc nhỏ. Và chúng ta đừng bao giờ nhìn về bi kịch con người bằng một cái nhìn đơn giản.? (Sđd. tr. 26).
    Tôi không rành hội hoạ, tôi nhìn Bửu Chỉ dưới con mắt của người cầm bút. Chơi với Bửu Chỉ tôi có cảm giác anh vẽ theo luận đề. Tức là ý tưởng có trước và anh tìm hình tượng và màu sắc để vẽ ý tưởng ấy thành tranh. Ý tưởng thời tranh đấu vẽ bằng bút sắt mực đen là người dân bị áp bức vùng lên phá vỡ gông xiềng, đòi cơm áo, hoà bình, độc lập. Lúc tài năng chín muồi trong hoà bình với chất liệu màu dầu anh nghĩ về thân phận làm người hữu hạn trong cái vô hạn của không gian và thời gian. Anh hình dung đến những ngóc ngách phức tạp của thân phận làm người. Con người mong manh, sinh ra và mất đi rồi lại hoá kiếp. Trên thân tượng đá già cỗi nứt nẻ nẩy sinh những chùm hoa ngũ sắc xinh đẹp (Ngựa Đá), bức cổ thành khép chặt quá khứ đong đưa chiếc quả lắc đồng hồ, mang cả dĩ vãng đi vào tương lai (Người Mang Dáng Cổ Thành). Con người không thể tránh được vực thẳm của hủy diệt. Nhưng cái vực thẳm hủy diệt của Bửu Chỉ chịu ảnh hưởng của đạo Phật nên không bi đát như triết học hiện sinh (existentialisme) của Albert Camus, của Jean P.Sartre. Dưới cái vực thẳm của số phận đôi khi loé lên một chấm son là vầng dương hy vọng. Và không chỉ có hủy diệt, Bửu Chỉ còn có một số lượng tranh thể hiện ý tưởng sinh thành rất lớn. Nhiều người cứ nghĩ đó là tranh nuy (nu), tranh loả thể khiêu dâm. Có lần tôi nghe Bửu Chỉ trao đổi với một nhạc sĩ rằng : ?oĐối với nhà Phật, ham muốn là tội lỗi, nhưng nghệ thuật mà hết ham muốn thì coi như kết thúc. Con người phải chịu tội ham muốn để còn tồn tại.? Bức tranh cuối cùng của một đời tài hoa, Bửu Chỉ vẽ con dê dành cho năm Quý Mùi. Bửu Chỉ bảo tôi : ?oCon dê hơi *** một chút mà gấm hoa, sự thịnh vượng của đất nước sẽ sinh sôi căng đầy như bầu sữa mẹ vậy?.
    Những ý tưởng về Bửu Chỉ trong tôi - một người xem tranh không chuyên, có thể đúng và cũng có thể không đúng với Bửu Chỉ. Nhưng mỗi lần tôi nghĩ về sự nghiệp nghệ thuật của Bửu Chỉ tôi thấy sang trọng, chân thật, có nhiều tính người, khiến cho tôi ham sống nhưng bình thản trước sự đổi thay, hủy diệt.
    Gác Thọ Lộc, đầu năm 2003

    TO BE OR NOT TO BE
  7. taisaolaithe

    taisaolaithe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2003
    Bài viết:
    929
    Đã được thích:
    0
    Hay lắm, sao không qua post bài bên box Mỹ thuật hả bạn? bên ấy còn nhiều bài về chủ đề này hay lắm.Nếu qua còn lạ nước lạ cái thì cứ bảo là em của chị TSLT nhé, hí hí
    *********
    Tại sao giữa cuộc đời nàyĐã mang lại cho ta quá nhiều đau khổ và bất hạnhTại sao giữa cuộc đời nàyĐã mang lại cho ta quá nhiều niềm vui và hạnh phúcĐôi khi ta khóc Đôi khi ta cườiĐó chính là cuộc sống !
     
  8. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Chủ đề nào có liên quan đến Huế thì post vô đây luôn, đơn giản thế thôi mà, dân Mỹ Thuật muốn tìm hiểu thì phải cắp cặp vào Box Huế nhá, hê hê!!!

    TO BE OR NOT TO BE
  9. taisaolaithe

    taisaolaithe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/12/2003
    Bài viết:
    929
    Đã được thích:
    0
    Thế à, hí hí, hay nhờ, để hôm nào có thời gian TSLT này post vài cái link bên Box Mỹ thuật sang đây luôn nhé
    Đùa vậy thôi, chứ ý của TSLT đang muốn quảng cáo mời mọi người sang Box Mỹ thuật chơi đấy mà

    *********
    Tại sao giữa cuộc đời nàyĐã mang lại cho ta quá nhiều đau khổ và bất hạnhTại sao giữa cuộc đời nàyĐã mang lại cho ta quá nhiều niềm vui và hạnh phúcĐôi khi ta khóc Đôi khi ta cườiĐó chính là cuộc sống !
     
  10. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Bửu Chỉ, người mới trăm năm Lê Minh Hà

    Trưa ấy,
    Hà Nội,
    phố Mã Mây.
    Tôi đi lang thang trong phòng tranh Bửu Chỉ. Tôi, một cô giáo vừa rời đại học. Lũ học trò kém cô bảy tám tuổi túm tụm bên ngoài phòng tranh, dưới nắng thì thầm những chuyện gỉ chuyện gì của tuổi mười bảy mười tám, cái tuổi mà tôi vừa xa đi. Nhưng luôn có cảm giác là xa, xa lắm.
    Hà Nội trưa ấy vẫn thỉnh thoảng ran lên mệt mỏi một tiếng ve dài. Nhưng phố đã chơm chớm những ngón chân thu nắng.
    Hà Nội nhọc nhằn và dịu dàng.
    Thư của bạn bè Bửu Chỉ bay mười phương. Những dòng buồn. Bàng hoàng.
    Bửu Chỉ trăm năm ở tuổi năm tư.
    Vậy là khi đó Bửu Chỉ mới ba chín. Tôi bây giờ.
    Nhưng lúc đó tôi gọi Bửu Chỉ là chú. Không phải vì thói đỏng đảnh hay rụt rè của một tuổi con gái. Cũng không phải vì Bửu Chỉ nổi tiếng và gọi chú là để phân cấp tiếng tăm.
    Tôi có cảm giác nhỏ bé, qúa đỗi nhỏ bé, buồn vì nhỏ bé đến thế trước người đàn ông nhỏ bé đó.
    Mà nắng ngoài kia thì mênh mang, không lời.
    Có cái duyên gì không mà khi đó giữa bao nhiêu người Hà Nội đang im lặng di chuyển giữa phòng tranh Bửu Chỉ lại dừng bước bên tôi. Và chúng tôi đã nói bao nhiêu là chuyện. Cái giọng Huế bình thản về những ngày Thừa Phủ của Bửu Chỉ giữa trưa Hà Nội ấn tượng đến bây giờ, nơi này, đang lạnh và buồn như đâm như cắt. Và những ấp iu trong một cánh diều Bửu Chỉ thả lên bầu trời khố tải. Và tình yêu bụng tròn giống loài. Rực mà đạm, mà bền trên nền nâu nghèo cực.
    Bạn thân Bửu Chỉ, anh Đặng Tiến hôm qua hỏi tôi từ Paris: Bao tải thật ấy à? Vâng anh ạ. Bao tải thật. Khố tải, đúng chữ của Nguyễn Tuân. Những ngày Hà Nội thiếu, khắp nơi thiếu. Những ngày mà cửa hàng gạo thông báo gạo về, bán cữ, bán cữ thôi. Những ngày mà, nếu có tin ấy, thì dù có đam mê đến mấy, ý thức trách nhiệm cao đến mấy cũng phải xung phong đi xếp hàng mua gạo nếu người nhà công việc thúc bách hơn mình. Những sợi đay nâu, thô, xen vài ba sợi trắng nhờ và tự dưng dù khác thế lại gợi nhớ điệp Đông Hồ. Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận đã nhấn vào cái nền dân tộc một thời ấy bao nhiêu đam mê và táo bạo. Vành trăng non mấp máy, cái gạt tàn im hơi Hoàng Đăng Nhuận. Bàn tay vươn trong lao Thừa Phủ, cánh diều mang khát vọng trẻ thơ bay, những bụng tròn ấp ủ chuẩn bị hoài thai tình yêu Bửu Chỉ. Và phòng tranh: trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật Hà nội, âm âm nắng sáng bên ngoài, khẽ khàng những tiếng chân đi.
    Hà Nội thiếu mà vẫn đủ.
    Bửu Chỉ chấp nhận hết sức thoải mái cái cách xưng hô có lẽ là kì quặc nếu ở miền trong của tôi. Tôi di động theo Bửu Chỉ. Vũ điệu chậm của một câu chuyện nhiều khoảng ngừng, xen Trịnh Công Sơn. Bửu Chỉ kể tôi nghe đã vẽ thế nào giữa khám Chí Hòa, đã hát nỗi tuyệt vọng và khao khát của bạn mình thế nào trên những ngày tháng đó. Không một lời về những gian nan để từ đó đột hiện cái ý tưởng biến khố tải thành toan. Tôi biết vì sao tôi thấy mình bé nhỏ trước Bửu Chỉ. Dù một tuổi thơ không dễ dàng, dù một đời sinh viên vất vả, dù những cọ xát bất lực với đời thường cực nhọc, tôi, chúng tôi, đến tuổi ấy rồi vẫn chưa bao giờ tự quyết cuộc đời mình, chưa bao giờ thật sống, chưa bao giờ dấn mình cho những quyết định dứt khoát và quyết liệt. Nhưng khao khát vẫn ngời lên giữa những ngày đang sống mờ mờ nhạt nhạt. Như cánh diều Bửu Chỉ vẩy vào trời.
    Khi ấy, Bửu Chỉ bằng tuổi tôi bây giờ. Nhưng cô gái ngoài hai mươi là tôi lúc đó sững sờ vì những ngày tháng đã qua của Bửu Chỉ, vì những trăn trở có tên của anh khác với chúng tôi biết bao nhiêu, vì những khao khát của anh cũng khác với chúng tôi bao nhiêu. Liệu có ai không một lần khao khát trong đời? Liệu có mấy ai không để cho khao khát của mình sống chết mặc xác? Chưa nói gì đến sự làm thăng hoa được những khát khao riêng.
    Những khoảng ngừng trong câu chuyện của Bửu Chỉ là những khoảng hiện Trịnh Công Sơn. ít nhất là khi ấy tôi chưa từng nghe ai hát Trịnh Công Sơn như thế. Giọng Huế, nhỏ, thỉnh thoảng mất hút đâu giữa chừng câu chuyện. Với tôi, Trịnh Công Sơn là những ngày tháng đó, là Khánh Ly nghe đi nghe lại bao lần, là Bửu Chỉ một lần không bao giờ gặp lại. Tôi có một Hà Nội để yêu, Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ là một phần của Hà Nội ấy.
    Bửu Chỉ nói tôi ghi cảm tưởng. Tôi đã từ chối và đã hứa về viết thư kể cảm tưởng của tôi sau khi rời phòng tranh, và sẽ gửi qua nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm mà Bửu Chỉ bảo là cháu gọi bằng cậu. Tôi đã thất hứa.
    Thay vào thư là một bài viết dài, một bài thơ. Không bao giờ tôi gửi. Bảo thảo vẫn nằm đâu đó trong bao nhiêu giấy tờ sách vở tôi để lại. '' Tranh khố tải lung linh màu sắc - Bụng tròn giống loài - Trăn trở đất và nước - Tình yêu hoài thai...'' Tại sao tôi không gửi? Vâng, có lẽ vẫn là vì như thế. Vì cảm giác mình không thể hiểu hết được anh. Mà nghệ thuật cần biết bao sự tri âm. ''...Hoạ sĩ lang thang trong phòng tranh - Tôi không biết anh bằng bước chậm của đời mình - Đã qua bao tình yêu và nỗi khổ.''Và cũng lại còn một ngần ngại: Liệu anh có nhớ một trưa HàNội ấy, liệu anh có nhớ một người con gái Hà Nội còn rất trẻ mà đã ngạc nhiên thấy mình thôi không còn hăm hở, nên đã kinh ngạc dừng chân trước những cánh diều anh, đã nghe anh thầm thì nhạc Trịnh. Đã nghe tiếng anh cười rất nhẹ về những ngày tù ngục. Bao nhiêu đổi thay từ bấy đến giờ. Nhà tôi không còn ở nơi cũ. Bao nhiêu trang viết không bao giờ gửi của tôi ngày ấy liệu có còn sau những mùa mưa phùn ẩm ướt? Mà thôi. Giấy sẽ mục. Chữ sẽ mòn. Sống trên đời cần có một thôi. Tấm lòng. Cho gió cuốn.
    Chú Bửu Chỉ! Bây giờ chúng cháu xin gọi chú là anh.
    19.12.2002
    Limburg (Đức)

    TO BE OR NOT TO BE

Chia sẻ trang này