1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cuộc phưu lưu của chú lính chì dũng cảm (Bút ký của Coldman)

Chủ đề trong '7X - Chi hội Hà Nội' bởi Sweet_fa, 08/03/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    10 GIỜ Ở TORINO-ITALIA
    Thứ 6 ngày 20/5 năm 2005, Juventus đã giành ngôi vô địch giải vô địch Italia mùa bóng 2004/2004. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ, A.C Milan đã bị cầm hoà trên sân của Palermo vào chiều thứ 6 và không cần phải thi đấu, Juventus đã vô địch. Đây là đội bóng có nhiều người hâm mộ nhất trên thế giới. Tại hầu hết các quốc gia, người ta đều tổ chức các câu lạc bộ những người hâm mộ Juventus. Ở Grenoble, cũng có một câu lạc bộ như vậy. Mỗi khi Juventus thi đấu trên sân nhà ở thành phố Torino những trận quan trọng, câu lạc bộ lại tổ chức chuyến xe cổ vũ, đưa cổ động viên sang với đội bóng của mình. Trận đấu quan trọng trên sân nhà gần đây nhất của Juventus là gặp Liverpool trong khuôn khổ lượt về cúp Champion Leage, các tờ áp phích kêu gọi cổ vũ cho Juventus được dán khắp nơi ở Grenoble. Tôi không thích Juventus nên tôi không tham gia câu lạc bộ này. Nhưng thành phố có đội Juventus ?" thành phố Torino làm tôi rất ấn tượng.
    Đó là một thành phố nằm phía Tây của chỏm phía Bắc Italia và là nơi có các trụ sở công nghiệp quan trọng của hãng sãn xuất ô tô Fiat. Trước khi đi đến Torino, tôi tưởng tượng đó là một thành phố nhỏ bé, hiện đại và cùng lắm chỉ như thành phố Grenoble mà tôi đang ở. Tôi mua vé đi đến Torino với mục đích là đi đến một thành phố của Italia để có thể gọi là ?otừng đến Italia?. Trong thâm tâm, tôi nghĩ sẽ chỉ thực sự đến Italia khi ta đến được Rome, Venice, Milan hay Napoli... Cái tên Torino thậm chí là không nổi tiếng so với đội bóng ruột của nó Juventus, hoặc thậm chí là so với tên đội bóng đang chơi ở hạng thấp hơn Torino từng chơi ở giải ngoại hạng Italia mấy mùa bóng trước.
    Xe bus sẽ đi từ Grenoble đến Torino từ 6giờ sáng và sẽ đến nơi vào lúc 9h30. Tôi ngồi cạnh một bà lão tóc đã bạc trắng, đi lại chậm chạp. Bà tên là Marie Beneli và không có con cái. Họ của bà, Beneli, là một cái tên Italia và là họ của chồng bà. Vì thế, bà có thể nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Italia. Tôi ngồi ở ghế sát cửa sổ, còn bà ngồi ghế cạnh lối đi. Tôi giúp bà đóng chiếc đai an toàn trên ô tô và từ đó, việc làm quen của tôi với bà diễn ra nhanh hơn và tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà. Hôm đó, tôi dậy sớm và đi ra chỗ hẹn. Có vài người có mặt ở đó từ trước và xe bus thì chưa đến. Tôi tìm chỗ để chiếc xe đạp và thấy một nơi dành riêng để khoá xe đạp. Nhưng tôi rất lo vì ngay bên cạnh đấy, có đến 3 cái xe đạp khác, cái thì mất yên xe, cái thì mất bánh trước, cái thì mất bánh sau. Hy vọng, số phận cái xe đạp của tôi sẽ không quá hẩm hiu đến vậy. Tôi đi rút tiền để mang đi vì sợ rằng nếu rút tiền ở Ý, tôi sẽ phải trả một số khoản thu nào đó. Một lúc sau, xe bus đến. Tôi là người đầu tiên hỏi lái xe xem đó có phải là chuyến đi đến Turin hay không. Nhân tiện, tôi hỏi lái xe xem tôi có thể mang xe đạp mang theo hay không? Lái xe giải thích là lúc về, có thể sẽ có rất nhiều đồ đạc được mua từ Torino chất vào trong xe (vì tên chuyến đi này là ?oMarché de Turin? ?" Phiên chợ Torino mà). Tôi giả vờ hỏi lại cho rõ, thì anh lái xe không nói gì thêm, chỉ bảo ?oc?Test bon? (được có thể mang theo xe). Thế đấy, đôi khi tiếng Pháp kém cũng có lợi và trong trường hợp của tôi, anh lái xe không muốn giải thích dài dòng nên đã đồng ý ngay lập tức. Tôi mừng quá, cám ơn và chạy đi lấy xe. Anh lái xe giúp tôi cho cái xe vào ngăn để hàng của xe bus. Thế là ổn, ngày mới bắt đầu đã gặp may mắn.
  2. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    Khoảng cách từ Grenoble đến Torino là khoảng 250km. Hai thành phố này thuộc địa phận dãy núi Alpe nên đường đi trải qua nhiều núi đồi, nhưng không khúc khuỷ, quanh co như ở Việt Nam. Toàn bộ đường đi là đường cao tốc băng băng với rất nhiều cầu vượt giữa các đường cao tốc giao nhau. Dãy núi Alpe nằm chắn giữa hai thành phố và vì vậy, về mặt logic, cần phải vượt qua dãy núi này trước khi đến được Torino. Nhưng giải pháp giao thông ở đây là xuyên thủng dãy Alpe mà đi. Lúc đầu, ô tô đi xuyên qua những quả núi nhỏ, đường hầm ngắn. Dần dần, đường hầm dài ra và ngọn núi cao nhất có bề dày ở thân của nó đến hơn chục km. Ô tô phải đi mất một lúc lâu mới ra được đường hầm này. Và phía trước mắt, chính là nước Ý: con hầm chính là cầu nối giữa nước Pháp và nước Ý. Cảnh quan ở đây không khác nhiều so với ở nước Pháp, ngoại trừ cách thức vượt qua những đỉnh núi. Đoạn đường ở Pháp, đường cao tốc được xây dựa trên nền núi, tức là dựa vào thế núi để xây nên những con đường. Nhưng ở Ý, ra khỏi đường hầm khi xe ở lưng chừng núi, và có đường hầm tiếp theo ở lưng chừng một ngọn núi khác. Vậy nên, giữa hai cái đường hầm này, người ta dựng nên những cây cầu rất cao mà hai đầu cầu chính là lối ra của các đường hầm. Một điểm đặc biệt nữa ở Ý là người ta thường xây hai cầu song song nhau cho hai chiều xe, mỗi chiều 2 làn đường. Có thể người ta tính toán thấy cầu rất cao nên chỉ thích hợp tải trọng cho 1 làn đường. Cũng có thể, điều đó phụ thuộc vào địa chất của vùng núi: chỉ có thể đào được đường hầm có chiều rộng hai làn xe mà thôi. Cũng có thể, người ta đã xây dựng từ trước 1 làn đường và sau này mở rộng ra thêm một làn đường nữa. Có một điều rất thú vị ở chỗ, nước Pháp có lẽ là nước đào hầm giỏi nhất thế giới. Đường hầm đi qua eo biển Manche để thông với nước Anh là một ví dụ. Nay, tôi lại thấy đường hầm thông với nước Ý, một con hầm rất dài. Chính người Pháp đã tạo nên những đường hầm cho tàu chạy qua đèo Hải Vân và họ cũng đang giúp chúng ta xây dựng đường bộ thông qua con đèo này. Ngược lại, người Ý có vẻ thích làm cầu. Những cây cầu làm thành con đường cao tốc nối từ Pháp sang chỉ là một ví dụ: khi đến Torino, tôi thấy rất nhiều nhà máy, khu kiến trúc được xây dựng trên các đoạn sông.
    Xe ô tô đưa chúng tôi đi vào khu vực bến đỗ, là một công viên nằm ngay sát trung tâm thành phố. Anh lái xe phát một số bản đồ cho hành khách. Tôi được ưu tiên tờ bản đồ cuối cùng vì tôi là người châu Á duy nhất trên xe, cho dù tôi có hơi chậm chân đến gần anh lái xe để chìa tay ra. Việc đầu tiên cần phải làm là phải xác định được mình đang ở đâu trên bản đồ và hướng đông là hướng nào. Tôi nhanh chóng xác định được phương hướng nhờ vào ánh mặt trời lúc đó đang rất đẹp và rực rỡ. Nhưng đang ở chỗ nào thì đúng là khó, khi mà tôi đã đạp xe được một đoạn, và anh lái xe thì đã lẩn đi đâu mất. Tôi hỏi một cô gái Ý đang dắt chó đi vệ sinh gần đó, bằng tiếng Anh. Cô này trả lời bằng tiếng Anh, nhưng hơi kém, phần lớn là các từ Ý mà tôi chả thể nào hiểu được. Thực ra, việc tôi xác định xem mình đang ở đâu vào lúc đó chỉ có ý nghĩa ở chỗ, nếu tôi bị lạc ở một chỗ khác, tôi có thể chỉ vào bản đồ và hỏi đường để đi về chứ vào lúc đó, tôi vẫn chưa thuộc đông tây nam bắc nên chưa thể định hình về đường đi lối lại ở trong đầu. Việc hỏi đường ở Torino rất khó khăn, những người ở Torino không nói tiếng Anh nhiều và họ cũng không nói tiếng Pháp nhiều. Khi tôi đi trên đường, gặp một người nào đó thì tôi sẽ gặp hoặc là một người Torino, hoặc là một người du lịch đến từ thành phố khác của Italia hay từ nước khác. Nhưng phần lớn những người du lịch tại Torino hôm đó là những người Ý. Trong số những người tôi gặp và hỏi đường, toàn là người Ý (nên theo quy luật phân bố xác suất, phần lớn là người Ý ;-) ) mà trong đó có cả những người du lịch (là những người đi bộ, vẻ mặt háo hức, tìm tòi, đi theo đoàn hoặc đi theo đôi, đi theo gia đình...) và những người địa phương (là những người đi lại thảnh thơi vì hôm đó là thứ 7, chậm chạp làm những việc thư giãn ?" như cho chó đi vệ sinh,...). Tôi hỏi đường khoảng 10 lần, lúc mới đến nhiều hơn, càng về chiều càng ít hỏi vì khi đó tôi đã có cảm giác về đường đi ở đây rồi. Tự dưng thế nào, tôi mò ngay đến cổng một trường đại học (có biển đề Università di ... tôi quên mất) và ở đây, tôi hỏi đường 3 sinh viên. Câu đầu tiên là cười và nói ?omy english is not very good...? và sau đó chuyển sang tiếng Ý, có dùng tay để minh hoạ. Nếu tôi chuyển sang tiếng Pháp thì họ cũng không hiểu (mà tôi cũng bị nhầm ;-)). Rốt cuộc, tôi cũng đến được nơi mình cần đến. Những người Ý có lẽ đúng là không lịch sự được bằng người Pháp (người Pháp vốn có tiếng như thế mà) vì chẳng hạn một người ở Torino vấp vào chân bạn một cái, việc người ta sẽ làm đầu tiên là xem xem chân của người ta có sao không, và sau đó, thậm chí là không thèm nói ?okuzo mi? (Excuse me) mà đi thẳng. Trong khi đó, ở Pháp, dù bạn đá vào chân người ta, và chưa kịp ?oPardon? thì người ta đã nói như thế với bạn. Có lần có một cô Ý đi xe đạp trên vỉa hè va vào tôi lúc đó đang đi bộ, cô này chỉ cười mà không ?okuzo mi?. Trước đấy, tôi hỏi xin phép chụp ảnh một cảnh sát Ý đang đứng trước một lâu đài và trong bộ quân phục. Ông này cười và ?oOK, OK?, rất thích thú vì được quan tâm. Tôi chụp xong ?othank you?, cho ông này xem ảnh nhưng cũng không thấy một nửa lời ?ocám ơn?. Về mặt ngôn ngữ mà nói, ở Việt Nam, hai ngôn ngữ châu Âu được coi là thịnh hành nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp. Nhưng khi sang đến Pháp, tôi thấy tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha cũng được sử dụng rất nhiều. Tôi ít gặp những người nói tiếng Đức, nhưng có lẽ, theo tôi, tiếng Đức có ảnh hưởng nhiều hơn ở Đông Âu!???
  3. 209

    209 Moderator 1981 Gà HN

    Tham gia ngày:
    04/03/2003
    Bài viết:
    1.163
    Đã được thích:
    2
    Ghê vật ạ . Dây dài tới tận Pháp chạy đâu cho thoát .....
    tiếp tiếp .
  4. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    ...........
    Lại nói đến cảnh sát, tôi thấy ở Torino, cảnh sát ở khắp nơi. Ông cảnh sát tôi vừa kể làm nhiệm vụ đứng trước cửa lâu đài và hoàn toàn không phải đứng gác. Bên cạnh ông này là một chiếc xe mô tô có chữ ?oPolizzia di Municipal? (đại loại như thế). Phía bên kia cánh cửa cũng có một ông cảnh sát giống hệt. Trên các đường phố, tôi thường bắt gặp những cảnh sát, thường là hai người một nhóm đi làm nhiệm vụ. Thỉnh thoảng thấy họ ghi hoá đơn phạt đối với lái xe của những xe đậu tại nơi cấm hoặc dừng quá lâu. Torino là một thành phố du lịch, họ có các khu phố dành cho người đi bộ được quy định theo thời gian: hôm nay cấm ôtô, mai ô tô lại có thể đi vào. Vì vậy, nhiều người vi phạm cũng phải. Tôi thì chưa thấy nạn trộm cướp trên đường phố Torino, nhưng đã nghe nhiều về cái gọi là ?osự nguy hiểm đối với phụ nữ? ở Ý nói chung. Chả là mấy cô Hàn Quốc gần phòng tôi, khi kể về du lịch ở Ý, thường nói với tôi rằng họ được cảnh báo về điều này trước khi đi đến Rome, Naples hay Venise. Cũng có thể hôm đó có nhiều cảnh sát là vì tối hôm trước Juventus đã vô địch nhờ A.C Milan hoà trên sân của Palermo và việc cổ động viên Juventus ăn mừng là không tránh khỏi. Và từ nay cho tới khi Juventus chính thức nhận cúp, cảnh sát sẽ phải dàn trải để giữ trật tự vì sự cuồng nhiệt của các Fan hâm mộ. Dẫu sao thì đối với tôi, Torino là một thành phố yên bình, không có gì đáng ngại.
    Torino trước kia từng là kinh đô của vương quốc Savoy (tiếng Pháp là Savoie) trải rộng từ phía đông nước Pháp sang vùng phía Tây nước Ý. Ở Pháp hiện nay vẫn còn vùng Haut-Savoie chính là nơi có thị trấn Chamonix của đỉnh Mont Blanc cao nhất châu Âu. Vương quốc này còn bao gồm một số thành phố khác như Annecy, Chambery của Pháp, Geneve của Thuỵ Sĩ và Torino của Ý. Lịch sử của châu Âu có nhiều biến động và thay đổi về mặt địa lí. Mỗi thành phố đều là lãnh địa của các vua chúa phong kiến. Dần dần, các vua chúa thôn tính lẫn nhau để hợp thành các quốc gia mới nhưng vẫn có phần độc lập nào đó cho từng thành phố. Sự tồn tại của các quốc gia nhỏ bé như Monaco, Luxembourg hay Andora là những ví dụ còn sót lại cho đến tận bây giờ về các lãnh địa phong kiến. Biên giới giữa các quốc gia Châu Âu tuy là được hoạch định rõ ràng nhưng số phận của chúng rất mong manh và có thể bị thay đổi. Châu Âu bị chi phối bởi các thế lực khác nhau và chiến tranh giữa các thế lực để phân chia quyền lợi, tầm ảnh hưởng diễn ra rất thường xuyên trong lịch sử mà trong đó, hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai là những bằng chứng mới nhất. Châu Âu đang dần tiến đến một lãnh địa chung và thống nhất. Nếu Hiến pháp châu Âu được thông qua, toàn châu Âu sẽ giống như một quốc gia và điều đó có thể ngăn những cuộc chiến tranh trong tương lai, cũng như có thể làm tăng sức mạnh của châu Âu trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.
    Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về lịch sử châu Âu, còn rất nhiều điều để nói về châu Âu và các thành phố của nó. Tôi sẽ để dành chúng vào một dịp khác... Trở lại với Torino, tôi thực sự bất ngờ khi đến thành phố này. Như đã nói ở đoạn đầu, tôi đến Torino để có cái danh nghĩa ?ođã đến nước Ý?. Nhưng Torino mang lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn thế. Ở đây có các lâu đài, có những thắng cảnh tuyệt đẹp. Hầu hết các lâu đài quan trọng từ khi Torino là kinh đô đều được giữ lại. Đường phố của Torino được quy hoạch từ hàng trăm năm nay như những ô vuông trên bàn cờ theo đúng nghĩa và rất khó để có thể lạc được. Toà thị chính và Sở cảnh sát được đặt ở trung tâm thành phố.
    Phải nói thêm một chút về khái niệm gọi là Trung tâm thành phố. Ở Hà Nội của chúng ta, đâu là trung tâm thành phố? Hồ Gươm? Nhà hát lớn? Hay phố tràng tiền? Hay vườn hoa Lý Thái Tổ (Vườn hoa Indira Gandhi cũ)? Hay là toàn bộ tổng thể đó mới là Trung tâm thành phố? Ở Thành Phố Hồ Chí Minh nữa? Chợ lớn? Dinh Thống Nhất?... Không ai có thể trả lời chính xác được. Ở Torino, Trung tâm thành phố là một quảng trường mà ở giữa có hai cung điện gọi là Madam Palace. Hai cung điện này được xây dựng cho các bà quả phụ của hai công tước có vai trò quan trọng của kinh đô Savoy. Một trong hai cung điện bị bỏ dở (đang xây dở dang) vì một trong hai bà quả phụ đi đến một nơi khác và việc xây cung điện dành cho bà dừng lại ngay lập tức. Cả hai toà lâu đài này được xây dựng hết sức cầu kì. Các hoa văn ở mặt trước, các cánh cửa và các hoa văn trên các tượng đài xung quanh được trang trí rất tinh tế, giàu xúc cảm. Bốn phía bao quanh hai toà lâu đài là một không gian rộng lớn và phần lớn ngày nay được dùng làm khu vực phố đi bộ. Kết thúc khoảng không gian, nhìn từ phía cung điện là bốn dãy nhà bao quanh bốn hướng. Các dãy nhà này được xây thấp hơn so với cung điện và cũng được trang trí hoa văn cực kì tinh xảo. Dãy phía đông là nơi đặt toà thị chính của thành phố, phía Bắc là Sở cảnh sát, hai mặt còn lại được dùng vào việc thương mại, dịch vụ. Trước khi đi từ cung điện vào đến khu vực làm việc của mỗi dãy nhà, cần phải đi qua một hành lang với các cột trụ được chạm khắc tinh tế. Trên hành lang này, người đi bộ và xe đạp có thể đi lại. Ở chính giữa hai hướng Đông và Tây có hai đại lộ chính dẫn đến cung điện. Ngoài ra, ở các góc Đông-Bắc, Đông Nam, Tây Nam cũng có những con đường đến trung tâm, nhưng nhỏ hơn. Vào thời gian này, Torino đang được sửa chữa rất nhiều. Nhiều toà lâu đài, nhiều viện bảo tàng đang được tu sửa. Cung điện ở Trung tâm cũng đang được tu sửa, giàn giáo khắp nơi. Mặt phía Bắc, ngay bên cạnh Sở Cảnh sát có một cung điện nữa (nơi tôi đã chụp ảnh viên cảnh sát) cũng đang được tu sửa, nhưng nhìn cái ảnh chụp bên ngoài, có thể thấy cái cửa đang được tu sửa của nó cũng rất đẹp.
    ........
  5. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    ........

    Điều duy nhất khiến tôi háo hức trước khi đến Torino (tức là khi tôi chưa hiểu gì về Torino) là Bảo tàng Ai cập ở đây. Đó là bảo tàng Ai cập lớn thứ hai trên thế giới, cái lớn nhất thì tất nhiên là ở Cairo-Ai Cập. Napoleon, hồi đó coi cả châu Âu như nhà của mình, đã xây dựng một bảo tàng như thế ở Torino và mang những thứ mà đoàn quân viễn chinh của mình gặt hái được ở Ai cập về đây. Đúng là tôi đã không phải thất vọng! Phải có đến một chục cái xác ướp ở trong bảo tàng này. Có những cái xác ướp vẫn còn được quấn băng kín người. Có cái thì hở đầu để lộ ra tóc đen và khuân mặt phụ nữ màu đen. Tôi không chắc đấy là người da đen vì có thể trong quá trình ướp xác, da mặt đã bị đen đi. Trong một tủ kính khác, người ta đặt một xác ướp đã bỏ bớt lớp băng quanh người. Thật tuyệt vời! Sau hàng ngàn năm, người đàn ông mà tôi thấy vẫn còn nguyên hàm răng, còn nguyên da thịt, còn nguyên móng tay. Đến đoạn dưới bụng thì người ta vẫn để băng quấn quanh như nguyên bản nên tôi không nhìn thấy tình trạng bảo quản ở chỗ đấy như thế nào. Tất nhiên, da thịt của người này không còn tươi nữa, tất cả đã khô hết lại rồi. Da trên người thì trắng, nhưng da mặt thì đen. Có lẽ trên mặt có nhiều bộ phận nhạy cảm nên người ta phải dùng tiểu xảo nào đó phải làm đổi màu da mặt thì mới có thể giữ nguyên dạng. Tôi cảm thấy rất thú vị. Ở bảo tàng Louvre - Paris, tôi đã từng nhìn thấy xác ướp, một chiếc duy nhất nhưng lại quấn chặt băng. Tôi tưởng nhìn thấy được như thế đã là quá nhiều, nhưng ở đây, thành phố Torino này, một Mummie ?ocởi mở hơn? bị lột gần hết băng quấn làm tôi rất phấn khích. Tôi chụp liền ba bốn cái ảnh. Và dường như như thế vẫn chưa đủ nên tôi quay cả một đoạn phim. Tôi cũng không quên trà trộn vào một đoàn du lịch Pháp để lắng nghe cô thuyết minh người Ý của bảo tàng giảng giải bằng tiếng Pháp. Có vài điều thú vị mà tôi nghe và hiểu được như xác ướp cởi bỏ băng quấn đó là của một người sống ở ven Địa Trung Hải, có chức vụ gì đó (tôi nghe không thủng) trong quân đội. Một quý cô người Pháp hỏi là làm sao có thể phát hiện được điều đó, cô thuyết minh nói rằng, điều đó có thể biết được thông qua tư thế nằm của xác ướp và hướng đón ánh mặt trời từ trong lăng mộ!?? Ngoài ra, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để giữ xác ướp không bị phân huỷ trong bảo tàng, cô thuyết minh nói rằng bảo tàng vẫn thường định kì vệ sinh xác ướp. Còn vệ sinh như thế nào thì tôi không hiểu... Nhưng như thế vẫn chưa hết, bảo tàng Ai Cập ở đây còn mang lại cho tôi nhiều hơn thế. Tôi được xem các mẫu vật thu được từ các mộ của các Pharaon. Một trong mẫu vật làm tôi quan tâm nhất là cái đầu còn sót lại của một ông Pharaon nào đó (tôi không nhớ tên). Cái đầu này đã lìa khỏi thân và thân không có ở trong phòng. Ông vua này có vẻ đã hói đầu, chỉ còn vài ba sợi tóc. Nhưng lông mũi rất rậm. Vẻ mặt, mặc dù da thịt đã khô, trong vẫn có vẻ rất quyết đoán. Tất nhiên là mắt nhắm nghiền và tôi vẫn tò mò không hiểu mắt ướp sau hàng ngàn năm thì trông như thế nào!!! Sang một phòng khác, tôi được xem mô hình bên trong của một kim tự tháp. Nơi đặt xác ướp của Pharaon là một phòng rất rộng và nằm sâu dưới lòng đất. Để đi từ cửa kim tự tháp đến được căn phòng này, cần phải qua 3 lần đi bậc thang với các độ phức tạp khác nhau. Và trong căn phòng đặt xác ướp, hệ thống lấy ánh sáng của các vì sao được tính toán rất kĩ càng. Trên một số khung ảnh treo trên tường của phòng trong bảo tàng, có các tờ giấy của người Ai Cập, mà theo các bản chú thích tiếng Anh hoặc Pháp, thì đó là những giấy tờ cực kì quan trọng nói về cách thức đã được dùng để ướp xác và bố trí ánh sáng và chúng được để ở nơi đặt xác ướp.
    .........
  6. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    ..........

    Trẻ con ở Torino rõ là sướng, chúng ngay từ bé đã được đi vào bảo tàng Ai Cập và có người hướng dẫn hẳn hoi. Tôi còn nhớ, khi tôi học cấp 2 hoặc cấp 3, nhà trường cũng tổ chức đi thăm quan viện Bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Cách mạng hay quân đội. Nhưng những lần đi như thế đều không có ai thuyết minh cả, mà nếu có thì cũng có quá đông học sinh để mà nghe thấy chị thuyết minh nói gì. Vả lại, cái từ ?ođi xem bảo tàng? với tôi hồi đó dường như dùng để chỉ những trò vô bổ vì nói chung không có cái gì hấp dẫn. Bọn trẻ mà tôi gặp trong bảo tàng Ai Cập hôm đó ngồi nghe rất chăm chú. Chúng rất quan tâm đến những thứ mà chúng đang xem. Và đặc biệt, chúng cũng rất say sưa... ngắm xác ướp mà không hề sợ sệt và cũng không ai ngăn cản chúng cả.
    Tôi mãn nguyện rời Bảo tàng Ai cập và tính tới chuyện đi chợ. Dù sao chuyến xe bus này cũng có tên là ?oMarché de Turin? nên đi chợ là để tìm ra cái lí của người tổ chức chuyến đi. Thông thường, ở các thành phố ở Châu Âu, cứ vào sáng chủ nhật, hoặc thứ bảy lại có những phiên chợ giống hệt như chợ ở Việt Nam và chuyên bán những thứ đặc biệt: ví dụ như đặc sản địa phương hoặc đồ hạ giá, hoặc đồ second hand... Ở Grenoble, cứ vào sáng chủ nhật hàng tuần lại có một phiên chợ bán những hàng đã qua sử dụng, giống hệt chợ giời ở Phố Huế (có cả những đồ ăn cắp được bày bán). Còn ở Annecy mà tôi đã đi 2 tuần trước, thì sáng chủ nhật có phiên chợ bán những đồ đặc sản địa phương của vùng Savoie.
    Hôm đó ở Turin, chợ mà tôi gặp giống như một cái chợ điển hình nào đó ở Việt Nam. Quần áo bày bán la liệt và toàn là đồ may sẵn. Và trớ trêu thay, phải đến một nửa số người bán các hàng hoá may mặc là những người Trung Quốc. Họ bán quần áo, giày dép, đồng hồ... và thường giá rất rẻ. Tôi rất bất ngờ vì điều này! Không thấy bóng dáng của người Nhật, không có bóng dáng người Hàn Quốc. Chỉ có người Tàu mà thôi.
    Xét một cách tổng thể, nước Ý ở châu Âu rất đắt đỏ và có thể so với nước Nhật ở Châu Á. Sẽ không có gì ngạc nhiên lắm nếu ta bắt gặp những người Nhật kinh doanh tại Ý, mà cụ thể là tại Rome, Venice... (những nơi đắt đỏ nhất nước Ý). Ở Pháp chẳng hạn, ngược lại, có rất ít các cửa hàng của người Nhật, mà phần lớn là của người Trung Quốc. Thậm chí, nếu bên ngoài các cửa hàng này có đề chữ Việt thì chủ của nó cũng có thể là người Trung Quốc. Ở Grenoble, tình hình cũng giống như thế.
    Nhưng ở Turino, toàn bộ các quầy hàng của người Đông Á đều là quầy hàng Trung Quốc. Dân số của họ quá lớn nên có lẽ, họ có mặt ở bất kì thành phố nào trên thế giới! Dạo này, tivi Pháp hay đưa tin về sự ?oxâm lăng? của hàng may mặc Trung Quốc vào thị trường Châu Âu. Chúng rất rẻ và đang làm tê liệt ngành may mặc châu Âu. Điều này xẩy ra khi Trung Quốc vào WTO và các hạn ngạch về dệt may vào Châu Âu bị dỡ bỏ.
    Tại một góc chợ khác, tôi thấy dường như một góc chợ Đồng Xuân đang hiện diện nơi đây. Đó là khu vực bán chim cảnh, cây cảnh và rau quả. Khi bước vào đây, mùi cám cho chim ăn lan toả khắp khu vực, giống hệt như ở chợ Đồng Xuân. Cần phải nói rằng, điều kiện vệ sinh ở chợ này không được tốt. Ở các chợ kiểu này mà tôi từng đi qua ở Pháp, rác rưởi được vứt đúng chỗ và người dân có vẻ có ý thức hơn về vấn đề vệ sinh. Còn ở đây, rác ở đầy dưới chân...
    Tại một góc chợ, tôi thấy mọi người đang tập trung thành vòng tròn có vẻ như đang xem gì đó. Tôi lại gần thì thấy người ta đang diễn kịch, một vở kịch hài nào đó ngay phía trước 3 thùng rác mà trên mỗi thùng, có khẩu hiệu ?oHãy bỏ phiếu Đồng ý cho Hiến Pháp châu Âu?. Tôi không hiểu nội dung vì nó bằng tiếng Ý nhưng thấy khán giả có vẻ hoan hô nhiệt liệt. Đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp người ta diễn kịch ở chợ, thường thi tôi chỉ thấy các ban nhạc đường phố hoặc nghệ sĩ solo đường phố mà thôi!
    Ở một góc chợ khác, tôi thấy những người Arap bày bán giày dép, điện thoại di động với giá rất rẻ. Có thể đó là những đồ ăn trộm! Cách bày biện hàng hoá ở khu vực này cũng khác: thay vì có sạp hàng tử tế, những người bán hàng ở đây chỉ đặt hàng hoá trên những tấm nilôn và trải xuống dưới đất, giá cả không ghi rõ ràng. Hàng hoá của họ thường không có theo lô, ví dụ họ chỉ có một đôi giày thuộc một kiểu nào đó. Nhưng khu vực này rất đông người mua, có thể vì hàng hoá ở đây rẻ hơn những khu vực khác.
    Khu vực bán thuỷ sản được tách biệt ra khỏi chợ chính bằng một đường phố to, có giải phân cách ở giữa. Chắc có lẽ mùi của các sản phẩm này làm người ta quyết định tách riêng nó ra như thế... Chợ rất rộng, trải qua mấy con phố liền và tôi bắt đầu thấy mỏi chân!
    ...............
  7. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    .............

    Tôi quyết định quay lại chỗ khoá xe đạp và hỏi đường đi đến sân vận động Delle Alpi của đội Juventus. Người ta bảo tôi, sân cách đó khoảng 10km. Và thế là tôi thay đổi ý định vì không còn nhiều thời gian để đến đó và quay lại kịp giờ xe bus khởi hành. Thay vào đó, tôi đi ra phía bờ sông Pô, nằm ở phía Đông thành phố. Đây là con sông nhỏ chỉ cỡ lớn hơn sông Tô lịch ở Hà Nội một chút. Tôi thấy kiểu thành phố ở đây giống như ở Việt Nam: thành phố có một con sông ở phía Đông. Hà Nội có sông Hồng ở phía Đông, nhưng hơi khác vì sông Hồng quá rộng và hung dữ. Nhưng như Đà Nẵng với sông Hàn, Thành phố Hồ Chí Minh với sông Sài Gòn, ta có thể thấy được sự tương tự. Phía bờ phía đông của dòng sông, người ta không đặt bảng quảng cáo nào giống như ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Dọc theo dòng sông Pô là cả một công viên rất lớn, nhiều cây cối, cỏ mọc xanh rì và có cái tên rất lãng mạn là ?oParco del Valentino? - một địa điểm cho các đôi lứa. Phía bên kia dòng sông, nơi thay cho các biển quảng cáo là các biệt thự sang trọng hoặc các khu vườn rộng lớn. Có vài ba cái cầu bắc qua sông và thường có dạng như thế này: đầu cầu bên thành phố là đầu mút của một đại lộ rộng lớn, đi qua cầu sang bên kia sông và đi thẳng một đoạn sẽ đến cánh cổng của một biệt thự và tất nhiên, cái cổng này nằm ở vị trí chính giữa. Điều này giống như ta đứng ở đầu Hồ Gươm của phố Tràng Tiền và ngắm Nhà Hát lớn vậy! Rất đẹp, rất ấn tượng!!!
    ...........
  8. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    .........

    Chuyến đi Torino kết thúc vào 5h chiều và chúng tôi lên xe quay về Grenoble. Nhưng trước đó, xe sẽ dừng lại ở Susa (Tên tiếng Pháp là Suze)- một thị trấn nhỏ nằm ở biên giới Pháp ?" Ý . Trong thị trấn này, người ta chuyên bán các sản phẩm đặc sản địa phương: bánh mì, rượu (bao gồm rượu vang, rượu hoa quả...). Anh lái xe dẫn những người trên xe đi vào một cửa hàng quen để mua hàng. Chủ cửa hàng đón tiếp rất niềm nở. Họ bày sẵn các loại rượu và các loại bánh trên bàn và mời mọi người nếm thử. Tôi lợi dụng lúc đó, chén đủ các loại bánh mì, uống thử đủ các loại rượu từ 12o đến 45o. Rượu của họ có mùi thơm rất đặc trưng. Trước khi đến Torino, tôi đã đi đến thành phố Voiron gần Grenoble để thăm một làng sản xuất rượu nổi tiếng thế giới ?" Chartreuse (loại này chưa có ở VN, nhưng đã có mặt ở khoảng 80 nước trên thế giới). Rượu Chartreuse được sản xuất dựa trên hương vị thảo mộc của vùng Isere (thủ phủ là Grenoble). Còn ở đây, rượu được sản xuất dựa trên hương vị của hoa quả địa phương và có mùi vị khác hẳn. Tôi cảm thấy rất thích thú, nhưng thật khó để mô tả cái vị mà tôi nếm được... Một bà người Pháp ngồi trên hàng ghế trên tôi trên xe bus nói với tôi rằng, rượu ở đây giá rẻ hơn rất nhiều so với mua ở Grenoble, hay ở Pháp. Nghĩa là, ở Pháp, người ta cũng bán nhiều loại rượu này, nhưng giá cao hơn và những người Pháp trong chuyến xe hôm đó (tức là ngoài tôi ra ;-) ) đã mua rất nhiều rượu ở đây mang về.
    Xe chỉ dừng lại một giờ đồng hồ ở Susa để rồi tiếp sau đó chui vào đường hầm về Pháp. Dọc đường, xe có ghé lại một điểm dừng chân trên đường đi để hành khách ăn tối và cũng để giải quyết nhu cầu vệ sinh. Điều này làm tôi liên tưởng đến đoạn quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng mà tôi hay đi nhất. Xe ô tô thường dừng lại ở Hải Dương tại một nhà hàng bánh đậu xanh nào đó theo một hợp đồng riêng giữa lái xe và chủ quán, có đi có lại. Tôi không rõ các lái xe ở Pháp có làm như thế hay không nhưng tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý. Thứ nhất, các điểm nghỉ giải lao cả lúc đi và lúc về (là hai điểm khác nhau) đều nằm trên đất Pháp. Các điểm này đều là những đầu mối giao thông của nhiều đường cao tốc khác nhau, hệ thống cầu vượt phức tạp. Tại đây, một số các dịch vụ tối thiểu sẽ được phục vụ với giá cả rất cao. Cả một đoạn đường dài toàn núi, không có nhà dân trong bán kính 5km từ đường cao tốc nên những điểm như thế này rõ ràng là cần thiết. Ở đây, người ta có thể ăn nhẹ, mua bản đồ, vệ sinh... Lái xe có thể mua xăng, sửa chữa ô tô nếu cần. Giá dịch vụ ở đây rất đắt thường cao gấp 2 đến 3 lần so với ở một thành phố hoặc thị trấn. Tôi không thấy anh lái xe thì thầm hoặc nháy mắt gì với chủ quán, cũng như anh ta không được phục vụ miễn phí dịch vụ như ở Việt Nam. Thứ hai, khi xe đến thị trấn Susa, chính anh lái xe lại là người dẫn đường cho hành khách vào một cửa hàng nằm sâu trong một con phố mà phía đầu phố, người ta có thể nhìn thấy những cửa hàng tương tự. Tôi còn bắt gặp anh lái xe trao đổi gì đó với chủ cửa hàng và có vẻ như một địa chỉ quen thuộc của lái xe. Nếu giải thích một cách vô tư nhất, có thể anh lái xe muốn chỉ cho hành khách đến cửa hàng độc đáo nhất vì ở đây chúng tôi còn được uống thử rượu, ăn thử bánh. Nhưng cũng có thể như thế là không đúng và tôi chưa xác minh được bản chất của sự việc. Bản thân tôi thì thấy rằng cửa hàng ở Susa rất tuyệt vì tôi được nếm nhiều thứ. Còn các điểm tạm dừng trên đất Pháp cũng hợp lí vì khi đó tôi cũng cần đi xuống ô tô thư giãn một chút và cũng có nhu cầu đi vệ sinh...
  9. Sweet_fa

    Sweet_fa Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/06/2001
    Bài viết:
    1.201
    Đã được thích:
    1
    .......

    Lại nói thêm về bà lão Marie ngồi bên cạnh tôi. Bà đi Torino để chơi nhưng sức khoẻ yếu nên đến buổi trưa là đã tìm về chiếc ghế đá trong công viên nơi đỗ xe bus và cứ ngồi đấy đến chiều cho tới lúc xe rời Torino. Có rất nhiều những người như bà Marie ở Pháp: có chồng nhưng không muốn có con và khi về già thì cuộc sống tương đối đơn độc. Sau vài lần tôi giúp bà đóng khoá đai an toàn trên xe bus, bà lão thốt lên ?otao cần một đứa trẻ tuổi như mày? (dịch như thế này hơi thô thiển một tẹo, nhưng mà kể ra tiếng Pháp nó kém, đại từ của nó không được phong phú như tiếng Việt). Tôi nói chuyện với bà lão một lúc, làm bà rất vui. Bà cho tôi địa chỉ để khi nào rảnh, tôi sẽ đến chơi và thực hành tiếng Pháp. (Tôi tự thấy trình độ tiếng Pháp của mình đã tốt hơn một chút và cần phải nâng cao hơn nữa bằng cách nói chuyện với các bà già ;-) ). Bà kể là hàng ngày vẫn tự nấu ăn cho mình, các món ăn Pháp và Ý. Tôi nói hy vọng sẽ học được cách nấu ăn với mì Spaghetti theo đúng kiểu Ý của bà. Bà có vẻ phấn khởi ra mặt. Khi ngồi trên xe, bà nói chuyện với một bà già khác ở hàng ghế trên, luôn miệng nức nở ?obạn đường một ngày của tôi, nó tốt bụng lắm?. Tôi chen vào ?otôi chỉ làm giống như một người Việt Nam bình thường vẫn hay làm thôi?. Bà Pháp ở hàng ghế trên chộp lấy ngay và nói với tôi rằng, mẹ bà là người Việt Nam từng ở Sài Gòn, mà bây giờ người ta gọi là thành phố Hồ Chí Minh phải không... Cách đây vài tuần, sau ngày 30/4, đài truyền hình Pháp có nói về chiến tranh Việt Nam, về những người ra đi... Tôi xác nhận và nói sang chuyện khác...
    Cuối cùng thì xe bus về đến Grenoble lúc 10 giờ tối. Tôi lôi xe đạp từ gầm xe ra và thong thả đạp về nhà. Tối thứ 7 ở đây 10 giờ đã vắng người. Có lẽ người ta đang tập trung trong các sàn nhảy, trong các rạp hát... Còn tôi thì rất mệt và có thể ngủ ngay đi được. Tôi vốn thích nước Ý, cũng như nước Tây Ban Nha. Hôm nay, dù chỉ chưa đầy 10 tiếng đồng hồ trên đất Ý, nhưng tôi đã rất thoả mãn. Hy vọng có những lần sau...
    HẾT
    Còn đây là hình ảnh minh hoạ: http://pg.photos.yahoo.com/ph/pmhai/album?.dir=b48d&.src=ph&store=&prodid=&.done=http%3a//pg.photos.yahoo.com/ph/pmhai/my_photos
  10. zazu

    zazu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/05/2001
    Bài viết:
    1.736
    Đã được thích:
    0
    Đọc bài này lại có cảm giác nhớ Paris, tôi có cảm giác, người Pháp có cái gì đó giống người Việt nam, phong cách Pháp và Việt nam có gì đó tương đồng, ấy thế nên ta không thấy cô đơn mà ngược lại, có cái gì đó thân thuộc như ở nhà vậy. Những thời gian ở tại Đức hoặc tại các nơi khác, tôi mới thấy rõ sự khác biệt này. Trong những thời gian ở Paris, nhất là những lúc đi bộ dọc sông Seine hoặc đứng trên những cây cầu ở đây, tôi lại tưởng tượng trong đầu những giai điệu bài la vie en rose, tiếng Arcordion da diết, nghe là cảm nhận ngay được cái không khí Paris cổ kính.
    Quả là bác Cold có những cảm nhận và quan sát hết sức tinh tế, đọc bài của bác chẳng khác gì đang bước đi cùng bác tại Paris. Tuy nhiên có thể thấy ấn tượng khá mạnh với bác là giá cả ;) cũng phải thôi vì thói quen đầu tiên khi mua cái gì là đổi ra tiền Việt để mà ...sót, ở hồi lâu rồi bác sẽ quen và không làm cái chuyện vô bổ đó nữa :)
    Đọc đến đoạn bác nói mình là người LÀO, bất giác bật cười vì nghĩ rằng, có lẽ khi đó bác nhớ đến anh Lí-mà nhà Max. Cũng vui, tuy rằng người Lào có lẽ không trắng trẻo như bác, có lẽ bác nên nhận mình là người Mông cổ thì hợp hơn chăng :)).
    Ok, chúc bác Cold có một chuyến đi vui vẻ.
    Bảo trọng.
    zazu !

Chia sẻ trang này