1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cuộc thi Truyện ngắn... 1.200 chữ của báo TTO

Chủ đề trong 'Văn học' bởi hoangvan09, 02/04/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1.200: Nhớ đá
    TT - 1. Làng tôi cách Hà Nội độ một giờ đồng hồ ngồi quay lưng lại với "phố thị cung quăng", vậy mà người xóm mạc còn nệ cổ ghê lắm.
    Nhưng đấy cũng là cái may, chả thế mà nơi chôn nhau cắt rốn của tôi trở nên vinh hạnh thành ngôi làng cổ đầu tiên (và đến giờ vẫn là duy nhất) của nước nhà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là biểu trưng cho văn minh nghìn năm ở đồng bằng sông Hồng...
    Vật liệu làm nên những giá trị của những kiến trúc cổ trong làng chính là đá ong - thứ đá bao đời nay vẫn được xem là dấu hiệu của sự cằn cỗi, khốn khó. Đất chó ăn đá gà ăn sỏi, vốn là cụm từ dùng để chỉ đất bán sơn địa quê tôi.
    Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ. Và, giờ đây, ai ngờ người ta tôn vinh làng cổ đá ong đến độ mấy lão nông tri điền phải cười khậc khậc, bảo: ?oGớm đá ong già khọm, nhiều như quân Nguyên ngày trước, ai cũng muốn móc bỏ nó lên đổ tí thịt lấy ngoài dộc vào để giồng màu cứu đói.
    Hóa ra bây giờ người Hà Nội với lị người Tây nó đâm ra quí cái giống ấy thế! Cứ bới đá ong lên cho người ta tẩn mẩn quay tivi, lăn lê bò toài chụp ảnh chụp iếc, có khi lại trúng hơn giồng màu ấy, nhỉ??.
    Anh em tôi ba thằng mang ngót chục cái sẹo tướng ở đầu và tứ chi, toàn là do ngã hố đào đá ong trong vườn nhà.
    2. Tôi lên mười, bố mới gọi lão Măng đến đánh đá xây nhà. Cứ bới lớp sỏi kết cứng quèo tãi khắp khu vườn tạp lên là y rằng đã sờ thấy những tảng đá ong ốp sẵn như bộ khiên giáp sẫm màu của quả đất ở sẵn bên dưới rồi. Cả xứ Đoài quê tôi hình như phủ toàn đá ong kiểu ấy.
    Lão Măng điều khiển một cái thó đánh đá cán dài, bằng thép, lưỡi hoắm vào hình đuôi én. Lão kiên nhẫn khoét bốn cái rãnh sâu hình viên đá tảng xây nhà rồi bẩy, gọt roàn roạt suốt ngày này qua ngày khác.
    Từng viên đá ong vàng ruộm hiện ra. Đá ong mới đánh rất thơm. Viên đá vừa ra khỏi lòng đất mẹ còn lơ ngơ, tinh khôi, óng vàng như chị ong vang. Trông ngon lành như một miếng bỏng gạo tẩm mật mía ép vuông vắn ngoài chợ Mía. Lão Măng đánh đá say mê. Mặt lão hăm hia ngắm vào chiếc lưỡi thó hình đuôi én.
    Lão Măng đánh nửa năm thì nhà tôi đủ đá ong xây nhà, tường bao, và đủ thứ công trình phụ khác. Số còn lại bố vung tay, cho lão Măng tất. Lão bảo chỗ ấy phải xây được bốn cái biệt thự nữa. Lão cười, răng to như răng ngựa, trắng lóa và vẩu hết cỡ. Khi cười cũng như khi hì hụi đánh đá, răng lão chỉ chìa ra có nhõn hai chiếc lấp ló như răng thỏ.
    3. Cho đến bây giờ, ở cái tuổi tam thập, đã đi nhiều nơi, tôi vẫn chưa thấy ai khỏe được như lão Măng. Cứ đánh đá là lão ở trần, oánh bộ cộc te tua (vốn là cái quần dài cắt bỏ ống), cơ bắp lão chả bằng ông Lý Đức trên tivi nhưng trông nó thật và săn hơn nhiều.
    Mấy chục năm, nghề của lão là đánh đá, bổ củi và đánh gốc cây to thuê. Cái làng bán sơn địa này thực chất là một vỉa đá ong lớn và già nua, bấy lâu nay do một tay lão đánh tất! Bố tôi bảo: ?oLão Măng cộc là Thạch Sanh cái thế đấy, có lẽ đến Thái Thượng lão quân ở trên giời mà có thuê đánh gốc cây lái cấm ở vườn địa đàng có lẽ lão chơi một buổi thì cũng xong!?.
    Cứ vài tuần lão Măng lại lấy dao cắt bỏ một cục sần chai ở gan bàn tay. Những cục u chai có khi to tròn như quả trứng gà ri. Lão cắt thịt mình một cách nhâm nhi, từ tốn.
    Thịt lên chai cắt bỏ không đau nhưng phải cắt từ từ, từng lát một kẻo rất ghê răng! Mẹ tôi ngày nào cũng châm một ngọn đèn đặt ở gốc mít cho lão Măng hút thuốc lào lúc nghỉ. Ngọn đèn đã lom dom (cho đỡ tốn dầu), lại cháy giữa ban ngày nên chẳng bao giờ tôi trông thấy ngọn lửa của nó.
    Nhưng khi lão Măng tẩn mẩn đem từng lát thịt u chai thái lát trên tay mình ra hơ trên đầu chao đèn thì miếng thịt lập tức đen úa như cảnh hóa vàng ngày giỗ kỵ. Mùi thịt người khét lẹt khắp khu vườn. Bố tôi trông thấy, thở dài:
    - Lão Măng này lóc thịt mình ra nướng. Như yêu tinh ấy!
    Lão cười khậc khậc, đôi răng thỏ chìa thẳng tắp vào mặt tôi:
    - Thịt tớ nướng thấy thơm, thế là người tử tế!
    Suốt ngày vuốt cây thó lưỡi hình đuôi én, cán bằng nghiến thì còn gì là tay nữa? Chân lão di di theo lưỡi thó để căn gọt lối xẻ từng lát đá ong một, bóc nó lên. Có lần lão bị khật lưỡi thó vào chân, mất toi ngón cái. Một lần khác, lão bị một chồng đá ong xô đổ, đè nát ba ngón tay. Từ bấy, người làng Đoài gọi lão là Măng ?ocộc?.
    4. Làng tôi giờ ngày càng phởn phơ giàu. Người ta thi nhau xây nhà lầu, mặc xác các nhà khoa học và mấy ông nệ cổ kêu gào bảo vệ các nếp nhà và màu Việt cổ đá ong. Cũng chả ai còn đất để mà đánh đá, mà có cho không đá ong cũng chả ai thèm xây nữa.
    Người ta đốt gạch phì phì ở chân đê, nhà nào chả bêtông cốt thép, thế là lão Măng mất nghề. Lão đã chuyển sang đi trèo cau và trèo bồ kết thuê.
    Bố gọi điện bảo làng đang đồn lão Măng đói quá đi ăn trộm khoai tây bị bảo vệ đồng Bường bắn tên vào ổ bụng, nằm cả tháng rồi, về được thì về.
    Lão Măng nằm tiếng hờ khe khẽ, mảnh chăn bông không vỏ cáu bẩn dinh dính. Thấy tôi, lão hộc lên, cái cười khậc khậc, răng thỏ trắng lóa: ?oChết thế đếch nào được. Cái thó nó gỉ quá, trời sáng trăng, tao ra ngoài dộc Kiêng đánh đá chơi cho đỡ nhớ đấy mà. Thằng Vạn lác nó canh ao nên vác nỏ bắn nhầm ấy!?.
    Tôi ngồi quay lưng lại với làng, về phố, độ tuần sau thì được tin lão chết. Lão không biết rằng tôi cũng nhớ đá ong lắm.
    ĐỖ DOÃN HOÀNG
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Đúng vậy, mấy truyện tham gia cuộc thi này có lẽ chỉ dc gọi là tản văn thôi. Tôi nghĩ là phải viết dài hơn 1 chút thì mới thành truyện ngắn dc. Trừ phi bạn là người viết truyện ngắn thành thần.
    Về truyện ngắn, tôi thấy Maupasant đúng là bậc thầy. Có ai đồng ý với tôi không?
  3. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    đọc cả 3 truyện (or tản văn) chưa thấy được cái nào hay :(
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1.200: Phép lạ
    TT - Bạn tôi gọi điện, giọng nghiêm trọng: Kiếm gấp giùm một người giúp việc nữ đứng tuổi, có năng khiếu săn sóc người già. Cho ai? Cho ông bà già, ông già bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối, đau đớn lắm, bao nhiêu người giúp việc thuê làm chỉ vài tuần là hoặc ông già đuổi, hoặc người ta bỏ việc vì tính khí cáu bẳn của ông già.
    Giới thiệu đến người thứ 41 bạn tôi mới ưng ý. Vâng, siêu sao ôsin mà tôi giới thiệu là một người phụ nữ đẫy đà, có đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Nàng khoảng 40 xuân xanh, chưa từng lấy chồng.
    Một tuần sau khi đưa nàng vào chăm sóc ông già bạn tôi, tôi nhận được điện thoại của bạn gọi đến, giọng vui như chim sáo. Này nhé, tuyệt vời! Cả mấy tháng nay đêm nào ông già cũng đau đớn không ngủ được, các loại thuốc giảm đau gần như không còn tác dụng.
    Vậy mà từ khi có nàng, ông già vừa rên lên khe khẽ, lập tức nàng đến đỡ đầu ông già lên, áp sát vào lòng mình, nơi có đôi gò bồng đảo phốp pháp mềm hơn gối lông ngỗng, ấm áp hơn nắng ban mai, lại thêm những tiếng đập thổn thức đều đặn của trái tim tràn nhựa sống, bàn tay nàng mềm mại vừa xoa nhẹ hai bên thái dương ông vừa hỏi giọng du dương:
    - Ông ơi, ông nhìn lên bức tranh kia kìa, có đẹp không ông? Con hát ru cho ông dễ ngủ nghe!
    - Ừ! Khẽ thôi!
    Và thế là nàng hát, hát thật khẽ, thật nhẹ, thật hay. Và ông già ngủ thiếp đi một mạch cho đến sáng.
    Này nhé, bấy lâu nay, lúc nào ông cũng gắt gỏng chuyện người ta cứ ép ông ăn ăn uống uống. Cuộc sống đối với ông như vậy là đã quá đủ rồi. Vậy mà nàng cứ bưng chén xúp đến, nhoẻn một nụ cười thật mộc mạc dễ thương với ông, lấy cái khăn ướt lau khắp mặt cho ông, đưa bàn tay mềm mại xoa nhẹ lên khắp bụng ông nói thì thầm:
    - Ông ơi, bụng lại xẹp hết cả rồi, cho vào tí xúp ông nhá!
    Ông lại nhìn nàng như muốn bật cười vì tính hay dụ dỗ ông của nàng:
    - Ừ!
    - Tí thôi í mà, con nấu cho ông đấy, ngon lắm!
    Và cứ thế, đút cho ông một muỗng, nàng lại nói một câu, vuốt lên bụng ông mấy cái. Ăn xong nàng lại còn nghiêng tai áp sát xuống bụng ông, nói thì thầm:
    - Bụng ơi, đủ chưa? Cố mà nghiền kỹ cho ông nha! Cố mà đánh nhau với mấy thằng ma cô cho nó chết hết đi cho ông mau hết bệnh nha!
    Thế là ông lại cười, cười to nữa là đằng khác.
    Này nhé! Mỗi lần lau rửa chỗ vết mổ, lau rửa cái của quí của ông, bàn tay nàng cứ như diễn viên múa chèo ấy, nâng nhẹ lên, lấy bông gòn nhúng nước ấm, lau cẩn thận như sợ chạm phải kíp mìn nổ, vừa lau vừa nhìn ông cười duyên hỏi:
    - Ông ơi, con lau cho ông, ông có thấy dễ chịu không? Lau cho nó sạch sẽ, thoáng mát ông nha!
    Ông lại nhìn nàng, ánh nhìn đầy vẻ biết ơn, ánh nhìn tràn ngập niềm vui sướng, thích thú. Trong đáy mắt ông có điều gì đó mới mẻ.
    Phải nói, nghe chuyện của nàng, mũi tôi phình to hết cỡ.
    Không đầy một tháng sau, bạn tôi lại gọi điện thoại lúc nửa đêm, giọng hốt hoảng, cầu cứu, hỏi địa chỉ và điện thoại liên lạc với nàng. Tôi ngơ ngác: nàng đang chăm sóc ông bà già mà? Không! Bà già đuổi nàng đi cả tuần nay rồi. Tại sao? Bà già ghen! Này nhé, không ghen sao được! Lúc đầu tìm được người chăm ông tuyệt vời thế bà mừng lắm, giao khoán trắng cho nàng chăm ông, bà lên lầu ngủ thẳng giấc.
    Sau vài ngày, bà mới để ý thấy ông dạo này là lạ thế nào ấy. Này nhé, lâu lắm rồi không thấy ông cười, vậy mà mấy tuần nay cứ thấy ông cười nói vui vẻ! Này nhé, da dẻ ông cứ như là có sắc hồng ấy! Này nhé, chẳng thấy ông rên la đau đớn vật vã nữa!
    Bà giành chén xúp trên tay nàng để ngồi xuống cạnh giường ông, cũng nhẹ nhàng đưa muỗng xúp vào miệng ông. Khó nhọc lắm ông mới há miệng ra, thức ăn chưa kịp đụng lưỡi ông đã nhăn mặt, nhè ra cả gối, mắng bà là cho cả ký muối vô chén xúp hả? Này nhé, tối đến, bà bảo nàng lên gác vào giường bà mà ngủ cho ngon giấc, để bà ngủ trong phòng nàng. Nàng tròn xoe mắt ngạc nhiên thưa cả tuần nay nàng có ngủ trong cái phòng dành riêng cho nàng đâu! Thế mày ngủ ở đâu? Dạ con ngủ luôn bên cạnh ông cho tiện, để ông trở mình là con xoa cho ông ngay. Thế là ba máu sáu cơn, bà đuổi nàng cuốn xéo khỏi nhà ngay lập tức.
    Khổ nỗi, suốt một tuần rồi, không có nàng, ông cứ nằm yên, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, thực hiện khẩu hiệu ba không: không nói! không ăn! không ngủ!
    Cuộc họp đại gia đình ngay lập tức được tổ chức để biểu quyết áp đảo bà già là phải chiều lòng ông già trong những ngày cuối cùng sống trên cõi đời này. Bà già ấm ức lắm, nhưng đành gọi các con lại để nói rằng mẹ nghĩ kỹ rồi. Thôi thì cứ gọi cái con đó lại đi, để ba con được nhẹ nhàng sung sướng trước khi ra đi!
    Tôi đã phải vất vả mới truy tìm lại được nàng. Tôi tất tả, háo hức, đưa nàng trở lại nhà ông bà già bạn tôi. Tôi có cảm giác như mình đang thay Chúa Trời đưa nước thánh diệu kỳ đến ban cho một người đàn ông đang đau đớn vì bệnh tật trong những ngày cuối cùng, bớt đau đớn vật vã.
    Nhưng không, muộn rồi, ông già vừa ra đi. Người ta phải vuốt mắt ông mãi ông mới chịu thôi không nhìn trân trân lên trần nhà để tìm kiếm phép lạ nữa.
    Truyện ngắn của CHÂU THỔ
  5. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    Quái, sao vào tuoitreonline thấy truyện Phép lạ biến đâu mất tích 0_o
    Vết thương
    TT - Tôi nhớ hoài bản sơ yếu lý lịch mà Phúc viết năm em mười hai tuổi. Ở dòng nơi sinh em ghi: dưới gốc bàng. Tôi nhớ vẻ mặt trong vắt của em khi phụng phịu: ?oThiệt vậy mà, anh Hai quên rồi sao??.
    Không, có chết tôi cũng không quên buổi sớm hôm ấy, khi tôi và má nuôi nhìn thấy Phúc ở dưới gốc cây, xung quanh lá khô rơi đầy. Người ta túm em trong bọc vải đẫm sương, người em đã tím, em không khóc nữa nhưng dường như đã khóc rất nhiều, môi em khô rốc, bợt bạt.
    Khuôn mặt nhòe nhoẹt máu, một bên mắt em đã bị chuột gặm nham nhở. Tôi - bảy - tuổi khóc điếng, hình dung mình cũng đã từng nằm dưới gốc cây nào đó, cùng kiến, chuột và bóng đêm. Hôm má nuôi ôm tôi lên cũng giống như bây giờ, gói em trong tay, bà hơi trùng trình, lảo đảo, nom em nhỏ nhoi như trái bí, trái bầu nhưng mang sức nặng của một sinh linh.
    Chúng tôi mang em về Sương, về ngôi nhà nhỏ chênh vênh trên khu vườn chôn chi chít những tiểu sành - những hòn máu bị vứt bỏ mà má nuôi tôi nhặt từ bệnh viện. Tôi lẳng lặng xách dao dọn một khoảng cỏ, chuẩn bị tấm vải và cái quách nhỏ. Nhưng thật lạ lùng, em vẫn sống, tiếc là chỉ còn một mắt. Lần đầu tiên má nuôi tôi tin có kỳ tích trên đời.
    Vẫn những buổi chiều lên, vẫn khu vườn hiu hắt, những giọt máu chưa thành hình không đủ để hóa linh hồn, chỉ vật vờ những ngọn khói mỏng xiêu xiêu. Nhưng từ khi có Phúc, có tiếng cười giòn tan vắt vẻo trên tàng cây, khói cũng bớt khóc than. Để hình dung ra mình đã lớn như thế nào, tôi nhìn Phúc lớn.
    Nhưng khó hi vọng được nhìn thấy mình, vì Phúc khác biệt tôi. Phúc không thèm nhớ mình là đứa bé bị ruồng bỏ đã đành, vết thương - hốc mắt trống phập phồng trên gương mặt, em cũng chẳng để ý. Phúc hay đòi má nuôi tôi kể lại ngày lượm được em, để lấy làm sung sướng, ra vẻ kinh ngạc, ngỏn ngoẻn: ?oVậy mà con sống, ngộ thiệt?. Thời gian đi qua Phúc có vẻ nhẹ nhàng.
    Tôi thì không. Tôi thường buồn bã, chờ đợi, ham muốn điều gì đó không rõ ràng. Vài bóng người lạ mặt lảng vảng trong vườn khói của má nuôi tôi cũng làm tôi hi vọng và tuyệt vọng. Chẳng có ai tìm mình.
    Có lần bắt gặp một người phụ nữ ngồi than khóc bên cạnh một ngọn khói nhỏ, tôi ôm mấy gộc củi ra sân, bửa như điên dại. Ước gì mình cũng hóa khói... Nghe vẳng trong nhà tiếng Phúc nói với má: ?oAnh Hai đang khóc??. Khi chỉ có hai chúng tôi, Phúc tần ngần hỏi nhỏ: ?oCó má thương mình không đủ sao anh Hai??.
    Với Phúc sống là đủ, có người nuôi cưu mang là đủ, có một con mắt nhìn đời cũng đủ. Đi đường, thấy bất cứ đám tang nào, em cũng bỏ dép ghé vào, thắp mấy cây nhang, lạy ba lạy. Thấy tôi ra vẻ ngạc nhiên, em thầm thì: ?oBiết đâu họ là cha má mình...?.
    Em có thể điềm nhiên chơi dưới gốc cây bàng năm cũ, vừa ngó nghiêng vừa nói: ?oĐể em kiếm con chuột hỏi nó coi tha con mắt em đâu??. Rồi thấy tôi ngồi đằng xa, mướt mồ hôi, mặt cắm xuống đất, em rón rén lại, chìa trái bàng khô ra:
    - Anh Hai, coi con mắt em rớt ở đây nè, chà, nó cũ mèm rồi.
    Con mắt còn lại lấp loáng ánh cười.
    Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ ước gì mắt Phúc có cả đôi. Nó sẽ làm cho khuôn mặt em xinh đẹp hơn, cho cái cảm giác chông chênh ở em không còn nữa. Và quan trọng, ở Phúc không còn dấu tích bị bỏ rơi. Của em và của tôi.
    Ý nghĩ ấy ngày càng vây lấy tôi như con rắn đói điên cuồng quấn mồi. Tôi thôi học theo má nuôi làm công việc quét dọn trong bệnh viện. Đồng lương ít ỏi, tôi bỏ bệnh viện đi làm thợ hồ. Nhiều bữa gạch cắt tay đổ máu, thấy em chắc lưỡi hít hà, tôi cười:
    - Đứt chút đỉnh nhằm nhò gì. Miễn là có tiền làm mắt giả cho em...
    Phúc cúi đầu, đang thoăn thoắt quấn vải bó tay tôi bỗng chậm rãi, đắn đo. Tôi lại bỏ việc ở công trường, bởi quần quật bốn tháng trời cũng chưa đủ chi phí cho ca phẫu thuật. Người quen giới thiệu một chỗ bưng bê ở nhà hàng thị xã. Bà chủ tốt bụng hay biểu vào phòng, nhờ đấm bóp, cho thêm tiền. Bắt gặp cái ánh nhìn rất ướt của bà, lòng tôi lạnh ngắt lạnh ngơ. Tôi chợt nhận ra, buột miệng nói ?oChết cha??, mình chỉ nóng bừng khi đứng trước Phúc. Em không còn đơn thuần là đứa em gái nhỏ. Điều đó làm tôi càng nôn nóng. Thật hạnh phúc khi nhìn thẳng vào em, ôm ghì em trong tay mà không bị ám ảnh bởi gốc cây, con chuột...
    - Anh làm tháng nữa là đủ tiền...
    Má nuôi tôi rầy: ?oCái thằng, lải nhải hoài chỉ chuyện đó?. Phúc không nói gì, ngồi trước thau giặt đồ to tướng, tay vò miết chiếc áo tôi còn vương vất mùi dầu thơm của người chủ nhà hàng. Dường như em lại lặng đi? Tôi không hiểu cái lặng đi đó, không hiểu sao nhắc tới chuyện mắt, Phúc không giấu được buồn.
    Phúc lẳng lặng bỏ đi, không trở lại. Má nuôi tôi nói chính tôi đã đẩy Phúc đi. Tôi chạy ra ngã ba Sương, vô vọng ngó những con đường chạy hun hút đằng phía chân trời.
    Những ngọn khói không còn vật vờ than thở nữa, chúng nhận ra làm người cũng chẳng sướng gì khi phải chịu đựng những nỗi đau. Chúng an phận khói? Chúng để mặc tôi rấm rứt với cách trả lời bằng câm lặng của Phúc.
    Rằng Phúc cũng đau, nhưng em không tránh né bởi quay về hướng nào thì trên mặt em cũng còn vết, nên em tự giẫm bừa lên đó, để chỗ đau chai sạn. Rằng em tuyệt vọng khi cố gắng kiệt sức mà chỉ thấy khiếm khuyết của mình hằn vết sâu nhói trong mắt tôi?
    Tôi thường đem củi ra bửa đến khuya, đến kiệt sức, vì nhớ Phúc. Thật kỳ lạ, trong cái nhớ quay quắt đó, tôi không mảy may nghĩ về vết thương, trong tôi long lanh nụ cười trong vắt của Phúc, giọng nói giòn tan của Phúc.
    Và mắt của Phúc không bao giờ lầm lũi cúi nhìn, không nề hà chuyện mình có đủ đôi hay không, mắt em luôn lấp lánh sáng, hay háy nguýt, ứ đầy những hờn giận, thương yêu...
    Truyện ngắn (1.199 chữ) của NGUYỄN NGỌC TƯ
  6. pinksubmarine

    pinksubmarine Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/06/2004
    Bài viết:
    212
    Đã được thích:
    0
    Cái truyện ngắn Vết thương của NNT này hình như không phải là truyện dự thi.
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    uh tớ ko thấy truyện ngắn của NNT tham gia dự thi. Và vẫn thấy truyện ngắn Phép Lạ trên TTO đấy chứ?
  8. hungdao1

    hungdao1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/01/2006
    Bài viết:
    249
    Đã được thích:
    0
    xóa
  9. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    Bạn ạ, quy định của cuộc thi Truyện ngắn... 1200 là tác phẩm dự thi chưa từng được đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào, kể cả trên net, kể cả blog cá nhân. Nếu bạn muốn dự thi có lẽ nên... del bài viết đi
    Tuy nhiên cũng muốn nhận xét: quá cực đoan và phiến diện.
    1 chi tiết nhỏ: chẳng có ai dẫm chân lên ống kim tiêm đâu ạ :-ss ặc ặc nhân vật Mai của bạn quả là liều mình như chẳng có...
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1200 chữ: Lòng nhân
    TT - Đã bao lần bước chân Nguyên ngập ngừng do dự trước cánh cửa khép hờ của căn nhà xiêu vẹo, nhỏ bé nằm sau bức tường rào của ngôi trường mình đang dạy học.
    Cứ mỗi lần Nguyên nghe tiếng khóc của đứa bé ré lên trong đêm khuya là mỗi lần Nguyên lại thao thức không sao ngủ được. Cô trăn trở lắng nghe và thầm cầu mong cho đứa bé mau nín khóc.
    Chẳng hiểu sao tiếng khóc của đứa bé cứ cứa vào tâm hồn cô. Giường bên, Vân - cô giáo dạy toán - bỗng thức giấc vì tiếng khóc của đứa trẻ. Cô ấy trở mình càu nhàu: ?oKhóc, khóc hoài. Nửa đêm, nửa hôm không cho người ta ngủ nữa...?.
    Nguyên bỗng cảm thấy tức cười khi nhìn Vân. Cô giáo trẻ chưa kịp cằn nhằn hết câu thì đã thiếp ngủ đi ngon lành. Bất giác, Nguyên ưu tư vì tiếng thở dài của mình. Khi người ta còn ở độ tuổi ?ohăm? thì mọi chuyện đều thật đẹp. Còn Nguyên đã bước sang tuổi ?obăm? và sắp sang hàng ?obốn? thì mọi chuyện lại khác hẳn. Một tiếng cười bâng quơ của trẻ, một tiếng khóc, một câu nói ngộ nghĩnh... cũng đủ đẩy vào lòng cô nỗi buồn âm thầm lặng lẽ về duyên phận lỡ làng của mình.
    Tiếng khóc của đứa trẻ gieo vào lòng cô bao dấu hỏi tại sao? Những dấu hỏi từng thôi thúc bàn chân cô mỗi lần đi qua căn nhà ấy phải bước chậm lại và liếc mắt vào trong tìm lời giải đáp. Đó là một căn nhà, hay nói chính xác hơn đó là một túp lều, mái lợp bằng lá, cất trên một cái hầm nuôi cá tra...
    Chủ nhân của ngôi nhà ấy là một bà già trên 70 tuổi sống bằng nghề bắt cua, mò hến hoặc ngắt lá lục bình bán. Đã bao lần Nguyên mua của bà cụ mấy bó rau lang, cân hến luộc... và cô thành người thân quen với bà cụ.
    Đứa bé ấy là cháu cố ngoại của bà cụ. Mẹ của nó đã bỏ xứ ra đi từ sau cái lần lỡ bước sa chân vào cạm bẫy của mối tình đầu. Bà ngoại của đứa bé đã mất sau lần sinh mẹ nó. Thế là số phận run rủi, bà cố già sắp giã từ cõi đời phải lặp lại những lời ru đã từng ru bà ngoại, ru mẹ của nó thuở nào cho nó nghe bây giờ...
    Chẳng hiểu sao, khi biết được sự thật ấy, bữa nào Nguyên cũng âm thầm lắng nghe tiếng nói bi bô của đứa bé gái và quan sát nó. Đó là đứa bé gái với túm tóc rối, vàng hoe, trần truồng với làn da đen mốc thếch, bẩn thỉu. Duy chỉ có cặp mắt của nó thì thật lạ. Một cặp mắt đen, dài, óng mượt và buồn mênh mông, thăm thẳm.
    Lần đầu tiên gặp nó, Nguyên đã phải sững sờ trước cặp mắt đó. Ở trẻ thơ, thường là có những đôi mắt ngây thơ, lanh lợi, còn ở đứa bé này mắt nó lại ngơ ngác và buồn đến tội nghiệp. Nguyên thường gặp nó ngồi một mình trong túp lều trống vắng, mắt nhìn ra đường, im lặng. Nó cứ ngồi như vậy không hề khóc, tay cầm củ khoai lang lạnh ngắt mặc cho ruồi bu. Nguyên cảm thấy như đứa bé đã hóa thành một bà già với túm tóc lơ thơ vàng hoe. Ngay cả những khi Nguyên đem cho nó cục kẹo hay bộ quần áo, cặp mắt của con bé vẫn ngơ ngác, câm lặng.
    Có lẽ hồi còn nằm nôi, nó đã khóc quá nhiều rồi và bây giờ nước mắt đọng cả lại thành nỗi buồn mênh mông đó chăng? Nhưng những lần nó khóc thì Nguyên lại cảm thấy xót xa tê tái cả lòng. Thường vào những buổi chiều, khi bóng hoàng hôn chập choạng trong căn nhà nhỏ, lúc bà cụ già đang ráng cắt những chiếc lá lục bình để mai kịp buổi chợ thì con bé ôm lấy cây cột tràm giữa nhà khóc dấm dúi. Tiếng khóc nho nhỏ nhưng thống thiết và tê tái: ?oMá ơi, má ơi...?.
    Nguyên bước vào nhà ôm chầm lấy nó và không ngăn được nước mắt. Cô vào nhà đốt đèn và bới chén cơm nguội với những con hến lạnh ngắt cho nó. Phải chăng mới ba bốn tuổi đầu, bé Hạnh (tên con bé) đã cảm nhận được tất cả nỗi bất hạnh của hoàn cảnh một cách bản năng. Đã có lần, hội phụ nữ xã và bà con quyên góp tiền giúp đỡ hai bà cháu, nhưng sự giúp đỡ đó chỉ là sự giúp đỡ tạm thời. Dường như cái nghèo, bất hạnh là số phận của gia đình nhỏ bé này.
    Hôm qua, sự bất hạnh lại đổ ập xuống đời con bé một lần nữa. Bà cụ già nuôi bé Hạnh đã chết vì hụt chân ở hầm cá khi hái lục bình. Một lần nữa, hội phụ nữ và mọi người ghé vai vào lo việc đám tang. Chỉ còn con bé với vành khăn trắng nhỏ xíu trên đầu. Đôi mắt lặng lẽ như vết dao cứa vào lòng người.
    Sau đám tang, mọi người bàn bạc đến số phận con bé. Họ hàng thân thuộc của nó chẳng còn ai. Ai sẽ là chỗ cho con bé nương tựa? Đã có người xin nó về làm con nuôi nhưng không hiểu sao mặc cho người lớn bàn bạc, con bé cứ bám lấy vạt áo của Nguyên như bám lấy sợi dây thân ái mà cảm nhận ngây thơ trong nó nhận được.
    Đâu phải đợi đến bây giờ, khi bàn tay nhỏ xíu của nó níu lấy áo mình, Nguyên mới nghĩ đến việc xin con bé về nuôi. Nguyên đã từng trằn trọc, suy nghĩ, đắn đo trước dự định và hoàn cảnh của mình. Nguyên chưa có gia đình. Bây giờ, nuôi con bé, mọi người sẽ nghĩ gì?
    Nhưng kìa, đôi mắt của con bé cứ chăm chăm nhìn Nguyên như một sự van xin, hi vọng... Trời ơi, đôi mắt ấy đong đầy bất hạnh mà khuôn mặt nó vẫn lặng lẽ... Nỡ nào Nguyên lại dập tắt đi tia hi vọng mỏng manh bé nhỏ trong đôi mắt đó để cho sự bất hạnh chồng chất thêm vào đôi mắt ưu buồn này. Và suốt cuộc đời, mình có thể nào quên được đôi mắt của nó nếu như...
    Nguyên run run đứng dậy trình bày lý do xin nhận bé Hạnh làm con nuôi của mình...
    HOÀNG MAI QUYÊN

Chia sẻ trang này