1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cuộc thi Truyện ngắn... 1.200 chữ của báo TTO

Chủ đề trong 'Văn học' bởi hoangvan09, 02/04/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. storylover

    storylover Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/03/2006
    Bài viết:
    90
    Đã được thích:
    0
    Bạn nào biết cho mình hỏi thể lệ thi thế này tức là một người được gửi bao nhiêu truyện ngắn, một truyện hay là gửi bao nhiêu truyện dự thi cũng được?
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Tớ nghĩ là ko có giới hạn đâu, bạn gửi nhiều cũng dc.
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1200: Bụi trần gian
    TT - Vào thời khắc của mình, khi mà thân thể đã được tẩy gội sạch sẽ, trong lúc nằm lơ ngơ chờ đợi trong một trạng thái dễ chịu hiếm hoi, ông già lại bị đánh thức bởi một hạt bụi mềm như tro tàn từ một rặng cây nào đó.
    Một ngày thu, vị ẩn sĩ quay về nơi trú ẩn của mình sau những rặng cây, ông bắt gặp trong căn chòi màu đất một thằng bé đang cuộn tròn bên bếp, mình quấn một cái khăn cũ. Nó đã nằm đó suốt mùa hè, lả đi vì đói, hai cánh tay khẳng khiu vùi trong tro lạnh. Mùa thu qua đi rất nhanh. Thằng bé được hồi sinh bằng một món cháo rất loãng của vị ẩn sĩ. Nó sống yên ổn hết mùa đông dưới sự che chở của ân nhân mà năm mươi năm sau, trong lúc phủi một hạt bụi bám trên nếp đại phục, nó đã nghĩ tới ông với nỗi buồn thắt lòng.
    Thằng bé siêng năng và kiên nhẫn phi thường. Những buổi mai tinh mơ, khi vị ẩn sĩ còn chìm đắm trong cơn nhập định, nó một mình tha thẩn dưới những cành khô đang thay lá. Nó chăm chú quan sát từng nhánh cây, hốc lá, sau đó đánh dấu cẩn thận bằng một viên đá. Ngày nọ, thằng bé mang về đặt trước cửa chòi một cái túi đựng đầy mật ong. Chuyện gì? Vị sư già nhướng đôi mày bạc. Tại sao con lại làm thế? Thằng bé lạnh lùng nhìn ân nhân, mặt của nó méo xệch bởi những vết ong đốt: con chỉ lấy lại những gì lũ ong có được do ăn cắp.
    Khi những chùm hoa phù dung cuối cùng rụng xuống mái hiên màu đất, thằng bé bắt đầu rung động bởi những ảo giác thường tìm tới nó mỗi đêm từ xa thẳm chân trời, ở bờ bên kia con sông, nơi luôn bị che lấp bởi rặng cây. Thế giới ở đó lạ lùng và quyến rũ tới mức một đôi lần nó đã khóc nấc lên trong giấc mơ. Một đêm, vị ẩn sĩ gọi nó đến.
    Ông chỉ cho nó một cái ghế vừa mới làm từ những cây trâm bầu tươi. Ngồi xuống, ta sẽ cho con nghe. Vị ẩn sĩ lấy ra một cây sáo bốn lỗ. Cây sáo cũng vừa mới chuốt, sắc nhựa chưa sẫm màu. Thằng bé ngồi lên ghế. Ban đầu nó cảm thấy đau buốt, nhưng khi tiếng sáo cất lên, hồn nó đột nhiên nhẹ hẫng. Tiếng sáo đưa nó băng qua bãi đồng nước lơ thơ những cành khô. Ở đó, nơi xa thẳm chân trời, có một con sông màu xám đang giận dữ trèo qua những ghềnh đá và những ngư thuyền đang run rẩy trên bọt sóng.
    Ở đó, nó bắt gặp vô số xác chết của gia súc đang trôi, vô số thiếu nữ đang ngồi với những giọt nước mắt đọng trên má. Cuối cùng là vô số những chiến binh què cụt đang rối rít xua rắn trên bãi sông bằng những khúc gậy ngắn. Thằng bé bật dậy. Máu từ những vết thủng do gai trâm bầu ở mông và đùi nhỏ xuống từng giọt. Con hiểu thầy muốn con phải làm gì. Ẩn sĩ dịu dàng nhìn nó: tại sao con lại nói với ta điều đó? Bởi vì con không thể làm được như thầy, thằng bé lắc đầu, tiếng sáo của thầy chưa cho con thấy được niềm vui của người chiến thắng.
    Mùa xuân thứ hai, thứ ba, rồi thứ mười trôi qua, thằng bé vẫn sống bình yên với ân nhân của nó trong căn chòi màu đất. Lúc này nó đã trở thành một chàng trai với bao nhiêu dục vọng tràn ứ trong cơ thể. Trong lúc đó, vị ẩn sĩ ngày càng mỏi mòn trên con đường khổ hạnh. Ông không còn tự chuyển động được nữa trên đôi chân của mình.
    Rồi một mùa xuân nữa trôi qua, thằng bé đã kết xong một chiếc bè nhỏ bằng những súc gỗ lấy từ rặng cây. Nó quyết định vượt qua bãi đồng nước. Vào thời điểm này, tất cả tri thức mà nó có được về cái nơi xa thẳm chân trời đều chỉ mới là những cảm giác. Phải đến gần năm mươi năm sau nó mới biết được cái thế giới đó không đẹp như ảo ảnh.
    Một ngày tàn xuân, giữa cơn hấp hối, vị ẩn sĩ gọi thằng bé: này con, thời khắc của ta đã đến. Ta muốn nghe con nói về những gì con đang nung nấu. Thằng bé quì sụp xuống: thầy ơi, con sẽ đi tìm điều mà thầy chưa cho con nhìn thấy.
    Vị ẩn sĩ thở dài: thôi con đi đi, và đừng bao giờ quên sinh tử chính là mối ô nhục lớn nhất của đời người. Thằng bé lẳng lặng lui ra ngoài. Khi nó trở vào, căn chòi đã nồng nặc tử khí. Bên ngoài, những rặng cây đang chìm trong biển lửa. Nó đứng rất lâu trước ân nhân. Đó là lần đầu tiên trong đời nó tận mắt nhìn thấy cái chết, nhưng không thấy nỗi ô nhục nào cả.
    Năm mươi năm sau, có một lần ký ức mờ nhạt của thằng bé ngày xưa chợt bùng lên trong một lần tình cờ phát hiện một hạt bụi bám trên nếp đại phục. Kỷ niệm dù thoáng qua, nhưng đủ để nó buồn thắt lòng. Đó cũng là cơn phiền muộn duy nhất trong suốt những năm tháng tìm kiếm niềm vui trong thế giới ảo ảnh của nó.
    Lúc này, nó đang là người chiến thắng. Nó đã tự chặt đứt một ngón tay sau khi đốt trụi rặng cây và dặn lòng phải quên tất cả những lời vị ẩn sĩ đã nói với nó trong cơn hấp hối. Nó đã cố gắng rất nhiều và rất lâu để quên đi món cháo đã cứu sống đời nó, mặc dù nó không thấy có nỗi ô nhục nào trong những hạt gạo bần hàn đó cả.
    Khi thời khắc đã đến, với thân thể đã được tẩy gội sạch sẽ, ông già không phải trải qua cơn hấp hối nào hết. Ông đầu hàng tử thần rất nhanh trước nụ cười hài lòng của một tên vô danh tiểu tốt, kẻ mà ông đã hết lòng cưu mang trong suốt cuộc đời tìm kiếm chiến thắng của mình.
    Truyện ngắn (1.104 chữ) của ĐỖ PHƯỚC TIẾN
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1.200: Xa xa, một ngôi nhà...
    TT - Một sáng sạch. Tía nói: - Con tắm rửa, đi chơi với tía. Thuở ấy, với sự hiểu biết, trong vòng đời đóng gói ở cái làng nhỏ, bóng dáng tía tôi lừng lững, được đi chơi với ổng là điều lớn lao lúc đó tôi không bao giờ mơ.
    Những cuộc đi chơi của tía qua những lời kể thành cổ tích tuyệt diệu, nó xa với cuộc sống mới nẩy mầm trong tôi.
    Mẹ dắt ra sàn nước, tước xơ dừa bắt đầu kỳ từ kẽ chân, nếu lần khác tôi khóc ầm ĩ, lần này tôi cắn răng dù miếng xơ dừa đôi lần cuốn tóc đau nhói.
    Chải xong bộ tóc rễ tre kiểu bảy ba, má tôi nắm vai phải đẩy tôi vừa tầm, bà nghiêng đầu ngắm nghía hồi lâu, buồn buồn nói:
    - Nòi phong tình, không thua!
    Đêm qua mưa lớn. 40 năm sau, tôi hiểu buổi sáng đẹp nhất chính là buổi sáng vừa trải đêm mưa gió tơi bời.
    Bầu trời trong vắt.
    - Sạch rồi, con theo ổng qua ông giáo H. đi.
    Tôi lên nhà trên, tía tôi ngắm dáng trước tủ kiếng, ông phùng một bên má cạo mặt.
    Sân trước, qua đêm, hoa cau rụng trắng, rụng đầy cái vại sành dưới gốc. Nắng tươi phết vàng trước ngõ.
    Mùi đất no nước gặp nắng sớm bốc hăng hăng, chen hương cau dìu dịu. Ai cũng lâng lâng trong buổi sáng rất mới, tôi bâng khuâng bước đến lượm một hoa cau không biết để làm gì. Trong hàng ba, má tôi nói với ai tôi không biết:
    - Hoa cau rụng nhiều quá!
    Miệng cái vại sành chứa nửa nắng, lóng lánh hương cau.
    - Vườn cau bà ngoại. Đêm qua biết ra sao?
    Lại loáng thoáng tiếng má tôi hỏi ai, tôi không biết. Tôi theo tía bước xuống ghe có trải chiếu và ngồi sau. Anh Sáu tôi cho ghe chạy theo lòng sông nhỏ, qua những đoạn hồng, đằng sau anh nói vói:
    - Mưa đêm, bông ô môi rụng đặc sông.
    Đẹp. Tôi thò tay vớt từng vốc; bông ô môi, giữa những cánh hồng tươi, nhụy xanh cong cong. Tôi lặt cánh, còn những cái nhụy. Tía tôi từ lúc xuống ghe không nói lời nào, ông nghiêm nghị hồn thả thẳng đằng trước.
    Ngồi không, tôi buồn lấy hai cái nhụy hoa đá gà, móc từng đôi giật mạnh xem cái nào ăn, cái nào thua, chơi gần hết đống hoa vớt.
    Qua nhiều khúc uốn, bỗng tía tôi ngoái đầu ra sau nói không không:
    - Qua cây quao bên phải đằng trước, ghé lại.
    Bây giờ, mặt trời độ một sào. Anh Sáu tôi cho ghe chạy rề rề rồi tắt máy, cặp vào cây cầu bến. Nắng theo trớn sóng xao động, sóng sánh đầy. Anh chậm rãi bước lại trước lấy sào cắm.
    Tía tôi đứng dậy kéo hai vạt áo nói:
    - Thằng M. coi ghe, thằng K. theo tía.
    Trước mặt. Nắng trải khu vườn trắng lốm đốm, có tiếng ?ocúc - cù - cu - cúc? nhẹ rơi trong mái lá đơn sơ giữa vườn, hình như tiếng gáy vang lên từ ba cây cau sau ngôi nhà.
    Gần hàng dâm bụt, cái gì khiến tía tôi ngập ngừng bước, vẻ tự tin hằng ngày không còn, một lần nữa tía tôi đứng lại đưa tay sửa cổ áo và so hai vạt, và kéo cho thẳng dù nó đã thẳng. Quả trong lúc đó tía tôi lúng túng thật, điệu bộ lo ngại của ổng khiến tôi hoang mang cực độ.
    Đoạn đường, cây cầu bến đến cửa ngôi nhà chỉ vài bước. Sao hồi xưa hai tía con tôi quá gian nan, quá khó khăn để vượt qua.
    Từ phía sau, tôi im lìm bước theo cái bóng khép nép của tía. Cái bóng quay lại, đưa tôi cái nón cối, bỗng dưng nỗi lo sợ mơ hồ khiến tôi ôm nó khư khư. Cái bóng lần nữa đưa cánh tay dài ngoẵng bò sát mặt đất rồi trồi lên gõ vào cánh cửa bằng tre ?ocộc, cộc?. Tía tôi quay lại kéo tôi vào sát lưng, thì thầm:
    - Con đứng đây chơi, đợi tía một chút, rồi về.
    Tôi nghe lời, nép vào cánh cửa tò mò căng mắt. Trong nhà, tía tôi đang ngồi ngang với một ông già, tướng tá nhỏ hơn tía tôi một chút. Hai ông đang mời trà, sau là ghế nghi vài cuốn sách vàng ô ố, cạnh cửa sổ bên phải có kệ để những chồng báo cũ chữ nghĩa đặc nghẹt.
    Tôi ngoài cửa, thấy báo liền lén vào và lẳng lặng giở từng tờ lên coi. Đang ngồi nói chuyện, tía tôi lật đật đi lại nắm bàn tay tôi, còn tay kia ông lẹ làng xếp những tờ báo lại ngay ngắn, chồng thành những xấp như cũ.
    - Đừng phá cái thằng... - Tía nghiêm khắc.
    - Anh Năm.
    Ông chủ nhà đĩnh đạc bước tới. Ông đưa tay vuốt tóc tôi nói:
    - Biết đọc hả. Coi đi cháu. Có nhiều chuyện lạ, chuyện hay ở trong này. Anh Năm để cháu coi.
    Tía tôi cương quyết lôi tôi ra ngoài cửa, chỗ cũ, ôn tồn dặn:
    - Con đứng đây chơi, đợi tía chút nữa, rồi về.
    Tôi u buồn nhìn lên mái nhà, một cái ***g, một chú cu cườm, hồi sáng tôi tưởng ở trên ngọn ba cây cau, đang đeo lốm đốm hột cườm quanh cái đầu xám nâu, đang xù lên gáy.
    - Cúc - cù - cu - cúc.
    Từ ngày ấy.
    Không biết tại sao thường vào buổi sáng, thường vào buổi trưa, buổi chiều nào đẹp, tôi trốn cả nhà leo tận ngọn cây me già sau nhà để nhìn cho xa, tận bên kia sông Cái Lớn.
    Tôi hoài thấy trong mù mù xa tít đó, lờ mờ một lớp sương khói mảnh khảnh phía sau thường ẩn hiện một án thư và một xấp báo cũ. Những cái như sương khói cao xa, mù mù xa tít đó, nó lừng lững bước vào các giấc mơ của tôi một thời tuổi nhỏ.
    Ôi! Sự lúng túng, sự khép nép của tía hồi đó...
    Truyện ngắn 1.051 chữ của PHẠM TRUNG KHÂU
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1200: Giữa trùng khơi...
    TT - Dạo đó, tôi đâm ra ngán ngẩm mọi thứ. Có những ngày phải đi làm, tôi vẫn nằm ườn trên giường, bất động, cho đến lúc toàn thân tê rần mới nhổm người lên.
    Tôi là nhà phân phối sản phẩm, nếu bớt văn hoa đi thì tôi là người bán dạo cho một công ty mỹ phẩm nước ngoài chưa có tiếng tăm nhiều ở VN.
    Cũng không hiểu tôi làm việc thế nào nhưng tôi có tên trong danh sách những nhân viên hiệu quả, được đi nghỉ mát ở Nha Trang. Tôi đồng ý đi, như một cách chống lại thứ axit chán nản mà tôi cảm giác rằng nó đang từ từ ăn mòn tôi.
    Đêm đầu tiên ở Nha Trang, cả đoàn cùng ăn tối, sau đó về phòng. Tôi cùng Phi, Lưu để nguyên áo quần, nằm chèo queo trên giường, không nói gì cùng nhau. Tivi mặc sức chuyển từ bộ phim vụ án sang ?ochỉ có thể là Heineken?, từ ?osữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? sang tin Mỹ có điệp viên cài trong mạng lưới Al-Qaeda...
    Tôi không nghe hết, chỉ loáng thoáng có những âm thanh nhảy tọt vào tai tôi. Nhưng tôi ngờ rằng nếu không có tiếng động thì cả ba sẽ điên lên mất. Phi đứng dậy: ?oRa biển chơi!?. Tôi và Lưu cũng nhổm người theo. Khi đi cùng nhau, tôi có cảm giác rất rõ ràng rằng ?oba chúng tôi đi cùng nhau?. Cảm giác ấy, đối với tôi lúc này, như một thứ sữa mẹ tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
    Khi chúng tôi bước xuống tiền sảnh, Vân, Thủy đã ngồi ở đó. Cả hai bảo rằng họ đã ngồi đây từ lúc ăn cơm tối về và bỗng dưng chẳng buồn nhấc chân lên nữa. Thế là năm người gởi chìa khóa phòng cho tiếp tân, đi ra biển. Số 5 là số lẻ.
    Khách sạn cách biển một khoảng khá xa. Con đường chúng tôi đi tối đen và không một bóng người. Không rõ mấy giờ. Trước khi đi, chúng tôi quên cả thời gian. Đối với tôi, đó là một đêm kỳ lạ đến khó quên trong đời. Dường như cả Nha Trang đã ngủ hết rồi. Phi ngửa mặt lên trời gào thật to: ?oDậy đi!?. Chúng tôi chờ một tiếng quát, một ánh đèn hay một tiếng chó sủa cũng được. Nhưng không một tiếng động nào.
    Bãi biển đây rồi. Quán cà phê ven bờ đã đóng cửa. Chúng tôi chỉ còn cách đi dọc bãi cát mênh mông. Tiếng sóng biển trầm trầm, độc một âm điệu đến nỗi chính nó cũng hòa vào lặng thinh. Âm thanh của những con sóng bạt ngàn và lữ thứ có khác gì vĩnh cửu lặng im. Đi trên cát, tôi chợt hoài nghi phải chăng mình đang đi trên sa mạc.
    Một sa mạc mênh mang nước mà khát cháy âm thanh. Phi đột ngột dừng lại: ?oĐốt lửa không??. Tôi nhớ mang máng có một người bạn bảo rằng không thể đốt lửa trên bãi biển vì các tàu ngoài khơi sẽ tưởng lầm đấy là tín hiệu. Lửa? Phải! Lửa sẽ là tiếng hú gọi bầy đàn, sẽ là tiếng kêu thét: ?odậy đi? của cả năm người chúng tôi. Lửa sẽ gọi những con tàu, những người bảo vệ biển.
    Chúng tôi tìm được một cái sọt đã hư, móc card ra làm mồi châm lửa. Và ngọn lửa yếu đuối bừng lên. ?oMúa Hơ - mông đi!? - Vân lắc mông mình bên lửa. Váy Vân mỏng và ánh lửa soi sáng cả nội y. Thủy nhảy múa, uốn éo. Áo trễ ra, ngực tròn núng nính. Phi móc cả những tờ giấy bạc ra làm mồi lửa.
    Tràng cười của Phi đầy kích động. Tràng cười ấy nhắc tôi nhớ rằng trước ngày đi Nha Trang, Phi bảo rằng Phi sẽ bỏ việc. Có cảm giác chúng tôi đã vất vào ngọn lửa này tất cả, tiền bạc, ý thức, thời gian, những nguyên tắc của xã hội... Không có con tàu nào vào bờ, không có người bảo vệ nào nhắc nhở.
    Lửa tàn. Lúc này, xung quanh mù mịt hệt chúng tôi bị nuốt vào bao tử khổng lồ của một con quái vật. Sực nhớ đến ánh đèn flash, tôi rút máy hình ra, chụp bốn người còn lại để tất cả được nhìn một ánh sáng nhỏ nhoi.
    Rồi chúng tôi rời biển. Chúng tôi nằm lăn giữa đường phố Nha Trang, cùng rú lên cười khi một chiếc Dream lao đến. Anh tài xế lách người qua chúng tôi và chửi váng lên. Khoảnh khắc ánh đèn xe rọi vào mắt, chúng tôi cảm thấy mình như một đàn thiêu thân lao đến lửa.
    Cuối cùng thì chúng tôi cũng trở về. Ngày hôm sau, chúng tôi theo đoàn đi ngắm đảo Yến, rồi lên thuyền đáy bằng ngắm san hô cùng sinh vật biển. Tất cả đều tề chỉnh, như chưa từng có đêm thác loạn đã qua. San hô sống lay động còn san hô chết cứng đờ người. Có một nghĩa trang lặng thầm, bát ngát dưới đại dương. Xong, chúng tôi ghé hòn Tằm tắm biển. Ở đó, chúng tôi gặp một con bé cứ loay hoay quanh những con sóng, tìm một sợi dây chuyền có lẽ đã bị cuốn đến trùng khơi.
    Sau chuyến đi chơi, chúng tôi trở về làm việc vào ngày thứ hai. Ngày thứ ba, tôi đọc báo, nhận ngay ra người trong ảnh là Phi. Phi đã nằm giữa đại lộ Sài Gòn. Tài xế xe tải không nhìn thấy Phi. Khi khám nghiệm tử thi, người ta kết luận người chết không uống rượu hoặc dùng bất cứ một loại thuốc kích thích nào.
    Có lẽ khi xe tải lao đến, Phi đã được nghe tiếng động cơ xe và được nhìn thấy ánh đèn trong cuộc đời tối tăm, nín lặng của mình. Không ai hiểu vì sao Phi tự tử, nhưng tràng cười điên dại trên bãi biển Nha Trang đêm nào cho tôi một lý do...
    Có lúc tôi ước rằng đêm ấy, người bảo vệ biển quát nạt Phi, một con chó nào đó tru lên đáp lời Phi gọi. Nếu mọi việc diễn ra như thế thì có thể Phi sẽ không chết. Tôi run rẩy lật sang trang báo khác rồi bần thần trước một tin khoa học: một giọt nước có thể cắt được cả kim cương...
    Bốn người chúng tôi vẫn là những ?onhân viên làm việc hiệu quả?, gặp nhau thường hơn lúc trước. Số bốn là số chẵn. Bức hình tôi chụp chỉ có độc một ngọn lửa leo lét và màn đêm, không có hình người...Tôi bỗng nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ của mình, quyến luyến từng gương mặt thiết thân. Liệu tôi có giống con bé ở hòn Tằm ngẩn ngơ tìm sợi dây chuyền giữa biển?
    Truyện ngắn 1.184 chữ của PHƯƠNG TRINH
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nhà văn Nguyên Ngọc: 1.200 chữ và 100m
    TT - Có người hỏi: ?oTại sao lại bày ra cuộc thi truyện ngắn 1.200 chữ, văn chương thì phải để cho người ta tùy hứng chứ, sao lại bắt buộc??. Lại có người hỏi: ?oHạn chế như thế làm sao viết cho có văn??.
    Nghe vậy, tôi nghĩ đến các cuộc thi chạy: có thi chạy marathon mấy chục kilômet, có thi chạy 5.000m, thi chạy 1.000m và thi chạy nước rút 100m. Mỗi loại tất phải có chiến thuật riêng, thích hợp.
    Marathon mà bứt ngay lúc đầu là toi, phải thật bền, thật đều và chọn đúng thời điểm tăng tốc. 1.000m, 5.000m hẳn cũng phải có chiến thuật được nghiên cứu rất kỹ càng.
    Và có lẽ khó nhất, cao nhất, căng nhất là thi 100m, đòi hỏi chiến thuật cực giỏi không phải từng chặng mà từng bước, ngay từ cái bật tung người lên xuất phát, bước thứ hai, thứ ba... cho đến cái chúi đầu lao về phía trước của bước cuối cùng. Sai một bước là hỏng hết cả.
    Thi truyện ngắn 1.200 chữ là chạy nước rút 100m. Phải chặt đến từng từ. Mỗi từ phải cố chứa cho đầy, dồn nén năng lượng, có sức vang cho bằng 100, thậm chí 1.000 từ ở truyện dài marathon. Và người giỏi là dồn nén đến vậy mà vẫn không tạo cảm giác cố tình, cố gắng quá sức, vẫn cứ tự nhiên, dễ dàng như không.
    Và đấy chính là ?ovăn?.
    Đọc nhiều truyện dự thi các bạn gửi đến vừa qua, có cảm giác các bạn thi 100m theo lối chạy marathon, nhẩn nha, phí phạm quá nhiều từ.
    Anton Chekhov nói: ?oTạc một khuôn mặt lên tảng đá, là tước đi khỏi tảng đá ấy tất cả những gì không phải là khuôn mặt?. Nghệ thuật viết là nghệ thuật tước đi chứ không phải thêm vào.
    Chúng ta chờ những truyện ngắn được ?otước đi? như vậy, mà vẫn tự nhiên, thoải mái như không.
    NGUYÊN NGỌC
  7. vu_anh_tien

    vu_anh_tien Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    46
    Đã được thích:
    0
    Có lẽ chưa bao giờ HÀ NỘI lại nóng như bây giờ ,cái nóng như làm cho nhưng quán bia đông hơn ,nhưng bể tắn như lêm người ,cái nóng như làm cho con đường như chật hep hơn .Cả thế giới đang nóng lên có lẽ vì thế mà HÀ NỘI mình cũng đang nóng lên chăng .Hôm nay cơn mưa bất chợt đổ xuống ,cai nóng tan biến đi đâu mất HÀ NỘI lại chở về với chính mình thành phố vẫn đông đúc nhộn nhịp nhưng con đường thì lại như rông ra mọi người không phải nghĩ tới mùa đông nưa .Va toi lại thấy mình đang ở giưa thủ đo
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Hêhê đây là truyện cưc ngắn hả bác?
  9. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1.200 chữ
    Những bông lúa chín phạt tôi
    TT - Những bông lúa chín trĩu nặng quệt quất quật quờ vào má mặt mắt tôi.
    Tôi nhắm nghiền đôi mắt lại.
    Con cá quẫy mơ hồ ao làng.
    Mây trắng lang thang mãi phía bờ tre.
    Tôi nhắm mắt lại.
    Một ngày một tuần một tháng một năm.
    Mười năm hai mươi năm ba mươi năm bốn mươi năm
    Sáu bảy chục năm vẫn con cá quẫy, vẫn mây lang thang
    Những bông lúa chín phạt tôi.
    ***
    Tôi trông em, tôi cõng em xấp xểnh đường làng.
    Đường ngang nhà tôi ngược mãi lên núi.
    Lâu lâu tôi thấy một người đàn ông mù gánh gánh củi đi xuống chợ, bước chân xấp xơ, đòn gánh quạng quơ, ông mù nhưng lúc nào cũng cười.
    Lâu lâu từ trên núi có những kẻ mình trần như nhộng ghẻ chốc mọc đầy chạy xuống đồng bằng, chạy như ma đuổi, chúng tôi gọi họ là ?ochim-la?.
    Một tên ?ochim-la? chạy như chằm vào chúng tôi.
    Tôi cõng em chạy đi, chạy mãi, nắng chiều như vàng mãi, bờ ruộng như dài mãi, rồi tôi cõng em nhào xuống ruộng, những bông lúa chín quệt quất quật quờ vào má mặt mắt tôi.
    - ?oEm đau! Em sợ!?.
    ***
    Em sợ khiếp vía, đêm đó em đổ bệnh, người nóng như một lò than, em tiêu chảy, ba mẹ tôi thay nhau ẵm em đi ra cây cầu bắc qua mương trước nhà.
    - ?oKhát... khát... khát quá. Uống nước... Cho con uống nước!?.
    Rang chút gạo, nấu chút cháo; em uống chút nước cháo; mắt vẫn nhắm nghiền, miệng kêu thảm thiết:
    - ?oKhát... khát quá... Uống nước!?.
    Tôi chạy ra ảng múc một gáo uống chạy vào; ba tôi dang tay táng mạnh vào gáy tôi một cái, tôi lăn quay.
    Tôi nhắm mắt lại vẫn nghe em kêu khát.
    ***
    Trên ngọn đồi đó, em nằm với đất sỏi cỏ cây; mãi mãi ba tuổi rưỡi.
    Bảy tuổi, một bữa những con cá vàng trong bể tự dưng lăn ra chết, tôi nghi thủ phạm chính là khách rượu của mẹ tôi đã búng tàn thuốc vào; tôi lăn ra khóc ầm.
    Mẹ nhìn tôi, ánh mắt lạnh, khinh bỉ:
    - ?o******, con cá báu lắm hả? Em mày chết mày không khóc lấy một tiếng, còn con cá chết thì mày khóc như chết cha, chết mẹ?.
    Em chết anh không khóc; một con cá chết anh khóc.
    Một con ******** anh khóc; em chết anh không khóc.
    Em chết anh không khóc; người anh yêu phụ bạc anh, anh khóc.
    Bị mất việc, anh khóc. Em chết, anh không khóc.
    Em chết anh không khóc. Kẹt xe, anh khóc.
    Em chết anh không khóc.
    ***
    Ba mươi tuổi, một buổi tảo mộ, tôi nhìn thẳng vào mặt ba mẹ tôi:
    - ?oEm chết là vì sự cố chấp của ba mẹ. Đáng lẽ em không chết nếu được uống nước!?.
    Anh đi xuống chân đồi rồi mà ba mẹ vẫn còn ngồi trên đó.
    Rồi, ba mẹ đã nằm đó bên em.
    Anh đã nói được một câu trả đũa trả thù, nhưng lời nói anh ác như một mũi tên tẩm độc.
    Và, em ơi, anh đã nói gì với em?!
    Không có một lời nào; anh không nhớ một lời nào anh đã nói cùng em; anh cõng em đi chơi, nhưng anh không nói một câu gì; em nói em đau, em sợ; anh cũng không nói một câu gì; em kêu khát quá, cho uống nước đi; anh nghe nhưng cũng không nói một câu gì.
    Anh biết em thích những viên bi ve sặc sỡ, anh đã đi sục sạo mọi xó xỉnh; anh chờ qua xuân, hạ, thu, đông; sau những cơn mưa dài rả rích của mùa đông, đâu đó trên những con đường làng chợt lú lên một viên bi ve đẹp tuyệt.
    Anh mang những viên bi ve chạy về cho em; nhưng anh vẫn không nói gì với em.
    Anh biết em thích cá lia thia, anh đội nắng lội ruộng đi bắt; anh chờ qua ngày gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ; đợi đến lúc cây lúa trổ đòng, anh tìm bọt cá trắng phau nu nhọn để bắt cho được con cá sắc màu đậm đà, rực rỡ nhất mang về cho em.
    Nhưng anh vẫn không nói với em câu nào.
    Anh biết em thích uống nước giếng, anh chế ra một cái gàu bé tí bằng cái lon nhựa; anh ráng dậy thiệt sớm, lúc nắng chưa lên, rêu chưa bung, bụi chưa rớt, để múc cho em một lon nước ngon để dành.
    Em vui lắm; nhưng anh vẫn không nói với em câu nào.
    Tôi câm lặng trong âm u tù mù quê chốn; người nhà quê chẳng dạy con trẻ biết nói năng; ngôn ngữ là kho tàng mà tôi phải tìm kiếm; tìm kiếm cả một đời người vẫn ú ớ u ơ; rồi quên hết thảy chỉ còn nhớ những ngọn roi bông lúa chín.
    ***
    May mắn, tôi về kịp mùa lúa chín.
    May mắn, chiều vàng, gió nồm.
    May mắn, bờ ruộng một khoảnh cỏ thơm tôi dụi người.
    Những bông lúa chín phạt tôi.
    Truyện ngắn 891 chữ của TRẦN NHÃ THỤY
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn 1200: Em bé đã ngủ, rất bình yên!
    Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
    TT - Đó là một ngày mưa dầm dề. Đường phố ngập chìm trong nước. Những chiếc xe máy thỉnh thoảng lại tóe nước vào mặt người đi bộ trên đường. Mẹ tôi cũng là một người đi bộ. Mẹ tôi đang mang tôi trong lòng.
    Mẹ tôi đi bộ nặng nhọc vì tôi cứ chòi đạp trong bụng mẹ. Tôi muốn ra ngoài lắm rồi. Đêm qua, tôi nằm mơ thấy tôi được ra ngoài. Một thế giới lung linh sắc màu! Tôi mơ thấy mẹ tôi mỉm cười hiền từ và ôm tôi vào lòng trong khi nước mắt mẹ rơi. Tôi mơ thấy mẹ vạch chiếc áo bà ba sờn cũ và chìa vú cho tôi bú. Tôi ngấu nghiến bầu vú thơm mát của mẹ. Nhưng mà bây giờ tôi vẫn còn trong bụng mẹ, tối om om và rất chán. Thỉnh thoảng, mẹ tôi lại giật mình vì bị ai đó phóng xe vút nhanh qua làm tóe nước vào mẹ.
    - Ầm.
    Tôi cảm nhận được một chuyển động rất mạnh. Có lẽ mẹ tôi bị ngã xuống đường. Có tiếng xe phóng vút đi. Tôi hoang mang quá. Chuyện gì xảy ra thế này? Tôi há miệng kêu: ?oMẹ ơi, mẹ ơi? nhưng mẹ tôi đâu có nghe tôi kêu. Có tiếng chân chạy rầm rập. Có người nói nhỏ: ?oTội nghiệp quá?. Có người lớn tiếng: ?oQuân trời đánh, đụng người ta té mà chạy đi luôn?. Rồi có tiếng xe. Rồi im lặng, chỉ còn tiếng bước chân rất khẽ. Một giọng nói trầm đục:
    - Xét nghiệm máu trước, cần vô máu.
    Giọng người khác gắt gỏng hơn:
    - Họ có tiền không? Máu rất đắt, quĩ máu dành cho bệnh nhân nghèo hết rồi!
    Giọng người lớn tuổi hơn nghe trầm đục:
    - Hết thì xin thêm, cứ xét nghiệm đã. Không lẽ cho người ta chết? Nếu không thể xin thêm thì lấy máu của tôi. Máu của tôi là máu O có thể cho hết mọi nhóm máu.
    Tiếng dép loẹt xoẹt. Một giọng nhỏ hơn cằn nhằn:
    - Nói thì được, làm có dễ đâu. Thủ tục rắc rối hàng trăm thứ?
    Tất cả chìm vào im lặng. Tiếng dép loẹt xoẹt lần này có phần nhanh nhẹn hơn. Một giọng nói gần như là đắc thắng:
    - Em đã nói, không cần vô máu nữa mà.
    Im lặng.
    Tôi gào lên trong bụng mẹ: ?oCứu mẹ con đi mà, cứu mẹ con đi mà. Con van xin các cô bác?.
    Im lặng.
    Rồi rất lâu sau mới có tiếng rất khẽ:
    - Còn đứa con?
    - Chắc cũng bị luôn rồi.
    Im lặng. Một lúc lâu sau.
    - Thôi, còn nước còn tát, cứ cho cô ấy sinh con đi. Biết đâu may không nhiễm!
    Im lặng. Tôi gào lên trong bụng mẹ: ?oCứu mẹ con đi, ông ơi, cứu đi??. Tôi thắc mắc tại sao họ không cứu mẹ tôi, tại sao giọng nói đục trầm tốt bụng kia không cãi lại cái giọng chanh chua độc ác đó.
    Im lặng kéo dài. Họ đưa mẹ tôi đi đâu đó.
    - Đứa nhỏ dễ thương quá.
    - Tội nghiệp, chết rồi.
    Tôi giật mình, tôi đã ra ngoài rồi à? Không, thế giới này không đẹp gì cả. Một màu trắng toát bao trùm, lạnh lẽo nữa. Những ánh mắt nhìn tôi cũng lạnh lẽo nữa. Duy nhất có một bà mặc đồ trắng có đeo miếng đen đen gần cổ nhìn tôi với ánh mắt xót thương. Tôi gào lên: ?oKhông, con còn sống?. Nhưng họ không nghe. Chắc tại tôi nói nhỏ quá. Họ gói tôi vào trong miếng trắng trắng, lạnh toát, rồi lại bỏ tôi vào một nơi cũng trắng toát, lạnh lẽo.
    Im lặng rất lâu.
    Một bàn tay mở những thứ trắng toát đó, lôi tôi ra. A! Một ông già! Ánh mắt ông hiền từ quá. Giống ánh mắt của mẹ tôi trong tưởng tượng của tôi quá. À, mẹ tôi đâu rồi nhỉ? Từ lúc sinh ra đến giờ, tôi không gặp mẹ tôi. Tôi muốn gặp mẹ tôi quá. Mẹ ơi, mẹ ơi! Tôi khóc. Ối, mặt tôi nóng nóng. Nước mắt của tôi đấy mà.
    Người đàn ông đang bồng tôi trên tay giật mình.
    - Còn sống!
    Ông xót thương nhìn tôi, rồi đem tôi ra trước ánh sáng. Tôi thấy ấm hơn nhiều. Ông đem tôi đi đâu đó, bước qua những hành lang dài và hẹp. Tiếng người nói ồn ào.
    - Thưa bác sĩ, đứa bé này vẫn chưa chết.
    Im lặng.
    Chỉ có im lặng.
    Rất lâu sau.
    - Anh có biết mẹ nó bị AIDS không? Nó cũng có nguy cơ đó.
    Im lặng, rất lâu sau. Có giọng nói run run:
    - Không sao, tôi quen rồi.
    - Thôi, gọi điện qua bên nhà trẻ Mân Côi, nói với các bà xơ là có một em bé có mẹ bị AIDS bên này.
    Giọng nói đục trầm nghe rất quen, tôi mở mắt nhìn người nói. Người ấy có đôi mắt rất hiền, giống mắt mẹ tôi trong tưởng tượng của tôi.
    ?
    Tôi về với các bà xơ, nằm chung với mấy bạn trong một cái giường nhỏ, chật chội. Tôi vẫn chưa được gặp mẹ của mình. Mẹ tôi đang ở đâu? Họ có cứu mẹ tôi không? Tôi vẫn tin ông bác sĩ có đôi mắt rất hiền ấy sẽ cứu mẹ tôi. Giờ thì tôi biết ông đó là bác sĩ rồi vì tôi nhớ có lần mẹ tôi nằm khóc một mình rồi nói với tôi giá mẹ có tiền, mẹ sẽ đi bác sĩ khám coi tôi có bị làm sao không. Tôi đói quá. Mấy bà xơ cho tôi uống sữa. Nhưng tôi muốn gặp mẹ tôi, tôi không muốn uống sữa. Ít nhất, tôi phải được gặp mẹ tôi một lần chứ!
    ***
    - Ave Maria, cầu xin Người ban phước cho đứa bé này.
    Hai đứa nhỏ xíu, mắt xoe tròn long lanh nhìn nấm mộ bé xinh đang phủ đầy những bông hoa hồng trắng. Đứa lớn hơn nói với đứa nhỏ:
    - Thôi, mình vào nhà nguyện đi, để cho em bé ngủ.
    - Em bé ngủ hả anh?
    - Ừ, em bé ngủ. Các mẹ nói nếu mình ngoan ngoãn, mình cũng sẽ được ngủ yên như em bé vậy.
    Những đóa hồng trắng cứ trơ ra, không chịu tỏa hương thơm. Nhưng, không hề gì. Vì em bé đã ngủ, rất bình yên!
    Truyện ngắn 1.075 chữ của TRẦN THỊ HỒNG HẠNH

Chia sẻ trang này