1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi thosan, 18/06/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên Việt - Mỹ năm 1832

    Theo "Minh Mệnh chính yếu" (Quốc sử quán triều Nguyễn thì tháng 11-1832 - Nhâm Thìn, sứ thần của Mỹ là Edmund Roberts đã đến dâng quốc thư của Tổng thống Andrew Jackson đề nghị thông hiếu với Đại Nam. Trên đường đi, sứ đoàn gặp bão và dạt vào bờ biển Phú Yên. Nơi đặt dấu ấn cho sự kiện ban giao này ngày nay thuộc về cùng vịnh Xuân Đài (Sông Cầu - Phú Yên). Tuy lần thương thuyết ấy không đạt mục đích nhưng sự kiện này rất đáng chú ý nếu nhìn lại vấn đề trong bối cảnh của thời đại bấy giờ.

    Từ thế kỷ XVII, nước Việt Nam phong kiến không chỉ giao thiệp với "Thiên triều phương Bắc" hay các nước "man di phương Nam" mà còn bắt đầu tiếp xúc với các thương lái phương Tây. Ngoại thương Việt Nam bắt đầu sầm uất, tàu buôn của các nước Tây Au đã đếm làm ăn và đánh giá rất cao tiềm năng, lợi ích của thị trường Việt Nam. Trong tác phẩm "Motes sur la Cochinchine" (Ghi chép về cochinchine), Cordier đã nhận định :"Từ bờ biển của xứ này chỉ cần có 3 ngày vượt biển là tới Macao, Philipines, Bornéo, Btavia,... Nếu quốc gia nào đạt được thương điểm trên con đường của tất cả các tàu bè đi Trung Quốc sẽ có được cái lợi vô cùng lớn là trong trường hợp có chiến tranh đóng chẹn lối đi đến tất cả mọi nơi đó thì nước ấy sẽ độc chiếm cả nền buôn bán với Trung Quốc và các đảo kia". Mặc dù tiến hành giao thương như vậy nhưng từ rất sớm, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã nắm được tình hình các đề quốc phương Tây (như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nhạ..) xâm chiếm thuộc địa ở các nước đã có quan hệ tương đối lâu với Việt Nam là Indonesia, Malaysia... Tình hình ấy buộc phong kiến Việt Nam e ngại quan hệ, dù không ngăn được hoàn toàn qui luật phát triển kinh tế, nhưng họ cũng đã tìm cách hạn chế, ít ra là bằng việc qui định tàu nước ngoài chỉ được cập cảng, buôn bán ở một số thương cảng xa kinh thành (Hội An, Trà úc, Gia Định, Nước Mặm). Năm 1803, thương lái Anh là Robert xin mở thương điếm buôn bán ở Trà Sơn (Quảng Nam) nhưng nhiều lần bị vua Gia Long từ chối. Đến năm 1808, người Anh cho 10 chiếc tàu chiến ngược dòng sông Hồng định uy hiếp Hà Nội nhưng đã bị đánh bại, phải tháo chạy. Nước Pháp là quốc gia được hưởng nhiều ưu dãi hơn cả trong số các nước tư bản đến làm ăn ở Việt Nam, vua Gia Long đã miễn thuế cho cả 2 tàu Larose, Henry và mua của họ 10.117 khẩu súng. Thế nhưng cũng chính vua Gia Long, tháng 6 năm Đinh Sửu (1817) đã cương quyết từ chối khi thuyền trưởng tài Cybéle là Kergariou tuân lệnh vua Louis XVIII đến Việt Nam đòi thi hành hiệp ước Versailles (trong đó quan trọng nhất là việc buộc ta phải cắt đất nhường cảng Đà Nẵng, đảo Côn Lôn cho Pháp và để họ tự do buôn bán trên toàn cõi Việt Nam). Sự nghi kỵ những người dị chủng bắt đầu rõ ràng hơn khi Nhà nước phong kiến Việt Nam thấy rằng họ ngày càng muốn được đi lại tự do hơn, rộng rãi hơn trên đất nước mình.

    Năm 1820, vua Gia Long mất. Trước khi chết, vị vua này vẫn không quên dặn dò nguy cơ từ những kẻ dị chủng. Đến năm 1824, Bougainville, chỉ huy chiến hạm Pháp, lại mang quốc thư của Louis XVIII xin buôn bán nhưng vua Minh Mạng không nhận thư, bởi khi ấy đã nghe được tin người Anh mới xâm chiếm Miến Điện (người Anh sau bị vua Minh Mạng cấm cư trú, làm nhà trên đất Việt Nam). Điểm lại bối cảnh lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và thế giới phương Tây như vậy để thấy rằng việc Mỹ và Việt Nam không xác lập được quan hệ ngoại giao vào thời điểm ấy (1832) là hoàn toàn không khó lý giải lắm.

    Với Mỹ, từ tháng 1-1819 đến tháng 8-1820 đã có các tàu Franklin, Marmion do John White làm chủ đến mua hàng ở Gia Định và sau đó còn ra cả Hội An và suốt một dải đất trước đó thuộc Đàng Trong. Năm 1819 cùng với Pháp, người Mỹ chiếm được lòng tin của vua Gia Long khi đạt được hợp đồng cung cấp một số lượng lớn pháo, súng, và binh phục cho quân đội, sau đó còn được cung cấp nhiều bản vẽ rất chi tiết về các cỡ cung (theo "Voyage en Cochinchine - Chuyến đi Đàng Trong" của John White). Vào thời điểm ấy, Mỹ chỉ một con sói trẻ" trong lĩnh vực ngoại thương thế giới (Mỹ chỉ mới lập quốc từ năm 1776), nhưng khác với những "con sói già" như Anh, Pháp, Hà Lan,... chỉ sau một thời gian ngắn, người Mỹ đã hiểu khá tường tận về Việt Nam, những điều mà người Anh, Pháp mất hơn nửa thế kỷ mới có. Theo Thành Thế Vỹ trong "Ngoại thương Việt Nam hồi thể kỷ XIX" thì chỉ ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc với thị trường Việt Nam, John White đã nắm được các mánh khéo buôn bán, neo giá, chờ giá, những tiểu xảo tìm cách trốn thuế, giảm chi phí... Trong khi tìm cách mua được nhiều đường với giá rẻ nhất, John White đã vờ chuẩn bị cho thuyền ra khơi để thương nhân Việt Nam phải bán tống bán thảo hàng hoá vì sợ khê đọng. Cũng trong chuyến đi ấy, tay thương lái Mỹ này đã quan sát, ghi nhận nhiều chi tiết khá tinh tế như cứ mỗi tạ đường mua ở Việt Nam sẽ rẻ hơn so với mua ở Java (Indonesia) tới 1 đôla. Tơ lụa ở đây (Việt Nam) rẻ và nhiều đến mức dân dã ăn mặc rất tươm tất, những bộ quần áo sang trọng ấy được người ta mặc cả vào nhưng lúc thường nhật. Người Mỹ khát khao được mua gạo ở Việt Nam nhưng rất sợ vì luật cấm xuất khẩu gạo được thi hành rất gắt gao, nghiêm ngặt. Thương lái Mỹ được đánh giá là những kẻ tuy đến sau nhưng căn cơ, giữ miếng rất kín, dùng nhiều thủ đoạn tinh ma trong mua bán. Nhưng dù vậy vẫn qua mặt được vua quan nhà Nguyễn bởi họ đã có quá nhiều kinh nghiệm buôn bán với thương nhân phương Tây.

    Những thông tin ấy chắc chắn đã được John White cũng như nhiều thương lái Mỹ khác thông báo đầy đủ về bản quốc. Nhưng cũng phải đến năm 1832 Chính phủ Mỹ mới quyết định nhảy vào tìm phần bánh tương xứng ở thị trường Việt Nam. Sách Minh Mệnh chính yếu, Thiên Nhu viễn chép: "Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) Quốc gia Nhã Di Lý (Mỹ) sai sứ thần dâng quốc thư yêu cầu thông hiếu với Việt Nam. Thuyền của sư bị bão dạt vào vùng duyên hải tỉnh Phú Yên, nhà vua hay tin liền cử quan Viên ngoại là Nguyễn Tri Phương tới nơi cập vận. Sứ bộ trả lời là họ chỉ muốn giao hiếu thông thương mà thôi. Về việc này, nhà vua dụ các quan nội các rằng: "Chúng nói từ xa tìm tới, bản ý là qui thuận. Triều đình ta với tinh thần mềm dẻo quí mến người quí mềm người phương xa, không tiếc gì mà không dụng nạp họ. Tuy nhiên họ mới tới lần đầu, các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiếu chưa được am tường, có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho nước họ biết nếu muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt nhưng phải tuân theo những qui định đã có từ trước tới nay. Từ nay nếu có thuyền tới, thì cho phép được ghé vào cửa Đà Nẵng, Trà Sơn úc, bỏ neo tại đó, chứ không được tự ý lên bờ! Đó là ý cảnh giác phòng gian nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậy".

    Như vậy, lần đầu xúc tiến đặt quan hệ ngoại giao mà Mỹ là phía chủ động đã không thành công. Vua Minh Mạng phải giữ kẽ như vậy thật ra không phải là vô cớ. Sử sách còn ghi lại rất rõ ràng năm 1826, thuyền buôn của nước Anh gặp bão dạt vào Bình Thuận, vua ta sai cấp gạo nước cứu tế, nhưng vẫn xuống chỉ bảo rằng: "Nước Anh Cát Lợi là một cuốc gia được coi là cực thịnh nhưng sâu hiểm, quỷ quyệt vô cùng, hễ đi tới đâu là sinh chuyện với người ta đến đó. Chúng ta cần xử lý khéo léo không để người nước họ đi lại tự do". Năm 1833, quan Thương bạc ở Đà Nẵng lại phát hiện thuyền buôn của Pháp là Xadi đem vàng giả ra bán... Năm 1834 quan trấn thủ ở Trấn Sơn Úc lại phát hiện thuyền buôn của Anh có ý định buôn bán trái phép rất nhiều vũ khí... Những thông tin tiêu cục xảy ra liên tục như vậy đã làm triều đình nhà Nguyễn càng thêm e ngại những kẻ dị chủng đến từ phương Tây. Vì lẽ đó mà đến năm 1835 rồi năm 1850, nhiều lần Mỹ tha thiết đạt quan hệ bang giao (nên nhớ rằng đến lúc ấy công nhận quốc tế cũng không phải là khó hiểu) triều đình nhà Nguyễn vẫn khước từ và chỉ đồng ý ở mức độ vô cùng đơn giản.

    Đến năm 1858 khi thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng quyết tâm đô hộ nước ta và những sự kiện đau buồn của dân tộc tiếp theo sau đó đã cắt đứt các cơ hội phát triển ngoại giao của Việt Nam mãi đến khi chúng ta giành được độc lập (1945). Không ít thì nhiều, những bài học ngày xưa vẫn ánh lên những giá trị quí báu mà mỗi khi nhìn lại ta vẫn phát hiện thêm những ý tưởng mới có thể áp dụng vào thực tại.
  2. thosan

    thosan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/06/2003
    Bài viết:
    914
    Đã được thích:
    0
    Ngay từ năm 1832, phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ do Edmund Roberts đã trình quốc thư của tổng thống Mỹ Andrew Jackson lên vua Minh Mạng. Bốn năm sau, Roberts quay lại Việt Nam nhằm ký một hiệp ước thương mại. Dù có được thiện chí của vua Minh Mạng, song do Roberts bị bệnh đột ngột nên việc ký hiệp ước thời đó đã không thành.
    Cần nhắc lại chuyện người Mỹ đã tiếp xúc với Việt Nam tự bao giờ. Qua thư tịch, từ tháng 7-1787, ông Thomas Jefferson trong thời gian làm Công sứ Hoa Kỳ ở Paris đã chú ý đến sáu giống lúa ở Việt Nam (Đàng Trong) vì nó trắng đẹp, ăn ngon và năng suất cao (1). Một năm sau, gặp phái bộ Pigneau de Béhaine ở điện Versailles, Thomas Jefferson được Hoàng tử Cảnh hứa sẽ gửi những mẫu lúa ấy cho Hoa Kỳ. Có thể xem đây là cuộc tiếp xúc Việt - Mỹ đầu tiên. Về sau, vì bận chiến tranh với phong trào Tây Sơn, Hoàng tử Cảnh không thực hiện được lời hứa ấy. Ba mươi năm sau (1817), một người Mỹ tên là John White (2) (theo tiếng Hán Việt là Hôn Viết) tiếp tục thực hiện ý muốn của Thomas Jefferson đến Sài Gòn trong ba tháng, tiếp xúc nhiều lần với quan lại và dân chúng Việt Nam. Ngày rời Sài Gòn, John White đã mua một ít lụa, đường và một thuyền gạo... nhưng trên đường về chẳng may gạo bị mọt và các loạt sâu bọ ngũ cốc ăn hỏng cả (3). John White đã ghi lại cuộc hành trình đến Việt Nam trong cuốn A Voyage to Cochin-China (Hành trình qua Nam Việt) - cuốn bút ký được các nhà sử học Việt - Mỹ rất quan tâm.
    Cuộc tiếp xúc Thomas Jefferson và Hoàng tử Cảnh tuy có nhiều thuận lợi nhưng chưa chính thức. Cuộc tiếp xúc Mỹ - Việt chính thức đầu tiên diễn ra vào năm Minh Mạng thứ 13. Phái bộ ngoại giao của Mỹ lúc ấy do ông Edmund Roberts cầm đầu với quốc thư của Tổng thống Jackson. Phái bộ đi tàu Pea****, đến đậu tại Vũng Lấm, vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên vào cuối năm 1832. Edmund Roberts gặp được Tuần Vũ tỉnh Phú Yên và trình bày ý muốn của nước Mỹ muốn giao hảo với nước Việt. Tuần Vũ tâu lên vua Minh Mạng và được nhà vua đồng ý đón tiếp.
    Ý kiến của vua Minh Mạng được ghi rõ trong Minh Mạng chính yếu (quyển thứ 25, tr.27a và 27b) như sau: Bản dịch: Quốc gia Nhã-Di-Lý sai sứ thần tới dâng quốc thư yêu cầu thông hiếu với Việt Nam. Thuyền của sứ bộ bị sóng dạt ghé vào vùng duyên hải tỉnh Phú Yên.
    Nhà vua hay tin, liền sai quan viên ngoại là Nguyễn Tri Phương tới nơi cật vấn. Sứ bộ trả lời là nước họ chỉ muốn giao hiếu thông thương mà thôi.
    Về việc này, nhà vua dụ các quan Nội các rằng:
    - Người ta từ xa tìm tới, bản ý là cung thuận. Triều đình ta với tinh thần mềm dẻo quý mến người phương xa, không tiếc gì mà không dung nạp họ. Tuy nhiên, họ mới tới lần đầu các chi tiết lễ nghi về ngoại giao thông hiếu, chưa được am tường; có thể sai quan Thương bạc viết tư văn thông báo cho nước họ biết, nếu muốn thông thương mậu dịch với nước ta, ta cũng không cự tuyệt, nhưng phải tuân theo những hiến định đã có từ trước tới nay.
    Từ nay nếu có thương thuyền tới, thì cho phép được ghé vào cửa Đà Nẵng, Trà-Sơn-úc, bỏ neo tại đó, chứ không được tự ý lên bộ. Đó là ý cảnh giác phòng gian nằm trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của ta vậý (4).
    Thái độ của Minh Mạng thể hiện rõ chủ trương cởi mở, cụ thể, chặt chẽ của một nước.
    Về sự kiện này, bộ sử biên niên của triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 86, ghi vào tháng 11 năm Nhân Thìn (1832) rằng:
    "Quốc trưởng nước Nhã-Di-Lý (nước này ở Tây dương, hoặc gọi là Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma-Ly-Căn, hoặc gọi là Anh-cát-lợi mới đều là biệt hiệu nước ấy) Sai bọn bề tôi là Nghĩa-Đức-Môn La Bách Đại, Uý-Đức-Giai-Tâm-Gia (tên hai người (5) đem quốc thư xin thông thương thuyền ở cửa Vụng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, tự vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc, và hỏi lý do đến đây làm gì. Họ nói: "Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương". Nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức.
    Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: "Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay, nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật rồi giao thư cho họ mà bảo họ đi". (Bản dịch của Viện Sử học, Sđd, tập XI, tr.231).
    Nội dung lá thư "có nhiều chỗ không hợp thể thức" như thế nào, xin trích nguyên văn: Andrew Jackson, Tổng thống Hợp chủng quốc Mỹ.
    Thư của tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng.
    Kính gửi Đại quý hữu...
    Thư này sẽ dâng lên Hoàng thượng do Edmund Roberts, một công dân danh vọng của Hợp chủng quốc. Ông này đã được bổ nhiệm chức Đặc ủy viên của Chính phủ chúng tôi để thương thuyết với Hoàng thượng những vấn đề quan yếu.
    Tôi trân trọng xin Hoàng thượng che chở đương sự trong khi thừa hành nhiệm vụ đã được giao phó và xin cho đương sự được đối đãi tử tế. Tôi tin cậy hoàn toàn những điều mà đương sự sẽ đề đạt lên Hoàng thượng nhất là tình thân hữu hoàn toàn với tất cả thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng thượng.
    Tôi cầu xin Đức Chúa Trời luôn luôn phò hộ Đại quý hữu.
    Để chứng minh các điều nói trên, tôi cho kiềm quốc ấn của Hợp chủng quốc trên bản tài liệu này. Lập với bản ấn tại thành Hoa Thịnh Đốn, ngày ba mươi mốt (31) tháng Giêng dương lịch 1832 và là năm thứ năm mươi sáu của nền độc lập Hợp chủng quốc.
    Andrew Jackson
    Thừa lệnh Tổng thống:
    edw, livingston
    Quốc Vụ Khanh. (6)
    Lý do vua Minh Mạng không tiếp phái bộ Hoa Kỳ chỉ vì lá thư của Tổng thống Mỹ "... có nhiều chỗ không hợp thể thức". Những chỗ không hợp thể thức đó có lẽ là trong bức thư có một khoảng trống chưa điền rõ tên Hoàng đế (Minh Mạng) và tên nước Việt Nam (7). Một ông vua uy nghiêm, tự trọng, nguyên tắc như vua Minh Mạng không thể nhận một cái quốc thư không đề tên nước được nhận như thế. Sự thiếu sót này một phần do phái bộ Edmund Roberts và một phần do hai nhà ngoại giao Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức không giúp đỡ cho họ trước khi họ đệ trình lên vua Minh Mạng (8). Như vậy việc quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt đầu tiên không thành chính vì những người thừa hành của hai nước chứ không phải vì vua Minh Mạng hẹp hòi, cự tuyệt mọi quan hệ với người Tây phương.
    Rời Việt Nam, tàu Pea**** qua neo tại cửa sông Ménam vào ngày 18-2-1833 và được triều đình Thái-lan đón tiếp rất linh đình. Bốn năm sau (1836), Edmund Roberts lại được chính phủ Hoa Kỳ giao nhiệm vụ đi tàu Pea**** trở lại Việt Nam để ký một hiệp ước thương mại (9). Người trưởng tàu Pea**** là đại úy Hải quân ẸP.Kennedy.
    Sự kiện Edmund Roberts trở lại Việt Nam lần thứ hai được Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 168, trang 3 chép như sau:
    Tháng 4 năm Bính Dần niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Ma-Ly-Căn.
    Tỉnh thần Quảng Nam tâu: Có sứ thuyền nước Ma-Ly-Căn đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng Quảng Nam, nói có quốc thư cầu thông đạt, xin vào chầu. Quan tỉnh đem việc tâu lên. Vua hỏi thị lang Bộ Hộ Đào Trí Phú rằng: - Xem tình ý lời lẽ của họ tỏ ra cung thuận, vậy có nên nhận hay không? Trí Phú thưa: - Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng. Thần tưởng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò ý họ đến.
    Thị lang Nội các Hoàng Quýnh tâu nói: Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi. Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau. Người xưa đóng cửa ải Ngọc quan tạ tuyệt Tây vực, thực là chước hay chống cự Nhung địch.
    Vua nói:
    - Họ xa cách trùng dương trên 4 vạn dặm, sao lại cự tuyệt, chẳng hóa ra tỏ cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?
    (Vua) liền sai Đào Trí Phú cùng với Thị lang Bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương bạc, đến tận nơi ủy lạo thăm hỏi. Khi đến nơi, viên thuyền trưởng nói là bị ốm, không tiếp kiến được. Ta sai thông ngôn đến thăm: họ cũng sai người đáp lễ. Rồi ngay ngày ấy, giương buồm kéo đi. Bọn Trí Phú đem việc tâu lên và nói:
    - Chợt đến chợt đi thật không có lễ nghĩa.
    Vua phê bảo rằng:
    - Họ đến, ta không ngăn. Họ đi, ta không đuổi theo. Lễ phép văn minh có trách gì man di cõi ngoài (10).
    Đoạn sử này một lần nữa thể hiện rõ ý kiến sáng suốt của vua Minh Mạng. Nhà vua đã gạt bỏ ý kiến bảo thủ "bế quan tỏa cảng" của quan Thị lang Nội các Hoàng Quýnh và sai Đào Trí Phú và Lê Bá Tú thực hiện chính sách giao hiếu với Hoa Kỳ của ông. Không may khi đoàn ngoại giao ta đến gặp thì trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh nặng không tiếp được. Đoàn ta cử thông ngôn đến thăm và phái bộ Mỹ đáp lại bằng cách cử người đến gặp đoàn Việt Nam để cảm ơn. Ngay sau đó thì phái đoàn Mỹ rời Việt Nam một cách vội vã. Việc ngoại giao không thành, những quan lại bảo thủ được một phen lên mặt mỉa mai.
    Việc quan hệ Việt - Mỹ lần thứ hai không thành vì trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh và phải rời Đà Nẵng gấp chứ không phải vì bất cứ một lý do nào về phía vua Minh Mạng. Nhà vua đã không biết được tin trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh nặng và đã mất sau đó (ngày 12-6-1836). Việc tàu Pea**** phải đưa phái bộ Edmund Roberts rời Đà Nẵng ngay đã được đại úy trưởng tàu ẸP.Kennedy nói rõ trong một cáo trình gởi cho Bộ trưởng Hải quân Pháp sau đây:
    Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Đà Nẵng, nhưng vì chứng bệnh quá nặng của ông Roberts, chúng tôi không làm gì được ở đây cả, và chúng tôi phải rời hải cảng ấy vào ngày 21-5.
    Quan hệ Việt - Mỹ là một công tác hoàn toàn mới. Về chủ trương chung không có điều gì có thể chê trách được vua Minh Mạng. Sở dĩ việc ấy không thành là vì cấp thực hiện. Cuộc tiếp xúc lần đầu (1832), do khả năng ngoại giao hạn chế của Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức. Lần gặp gỡ thứ hai (1836) gặp phải sự "bàn lui" của Hoàng Quýnh nhưng vua Minh Mạng đã vượt qua bằng cách sai Đào Trí Phú và Lê Bá Tú thay thế. Việc không thành chính vì bệnh tình đột ngột của người cầm đầu phái bộ Hoa Kỳ. Nếu Edmund Roberts không ngã bệnh thì Hiệp ước thương mại Mỹ - Việt đã có thể ra đời cách đây 164 (1836-2000) năm
    Hello,anh sờ tí sao em không đồng ý!!!! (Lionel Richie)

Chia sẻ trang này