Dã Tràng Ca / Nốt nhạc Nhở ông Nguyễn Đắc Xuân và bạn hữu, một Trường ca của TC Sơn víât năm 1964, tưởng thất lạc, đã tìm lại được (xem bài viết phía dưới) Cũng có thể xem tại http://www.hue.vnn.vn/amnhac/news/2002/thang1/tin8.htm Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ huy ban hợp xướng trình diễn trường ca Dã Tràng nhân lễ tốt nghiệp của giáo sinh Quy Nhơn năm 1964 u?c tigerlily s?a ch?a / chuy?n vo 17:14 ngy 01/07/2003
Dã Tràng Ca - Phát hiện lần đầu được công bố Nguyễn Đắc Xuân Sau ngày TCS giã từ cõi tạm (1-4-2001), họa sĩ Đinh Cường từ Virginia (Hoa Kỳ) gởi cho tôi bài hồi ức hết sức cảm động về "Tình bạn hồi sinh cơn hôn mê" - tình bạn suốt cuộc đời giữa họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong bài hồi ức ấy, Đinh Cường cho biết: "Thời Qui Nhơn này của Sơn phải kể đến "Trường ca Tiếng hát Dã Tràng", mùa hè năm 1964, trong lễ ra trường. Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn đã chép tặng tôi (Đinh Cường) mấy trang bản trường ca này. Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được". Khi được hỏi về thời gian nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học Sư phạm Qui Nhơn, nhiều người bạn học cùng lớp, cùng khóa hoặc cùng trường với anh cũng nhắc đến "Dã Tràng ca" và ai cũng tiếc cho bài ca ấy đã thất lạc. Các bạn của TCS cả quyết với tôi rằng: "Dã Tràng ca" là trường ca đầu tiên của TCS, ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng cả cuộc đời sáng tác của anh sau này!". Thế là tôi lên đường tìm kiếm.
Tìm được Trường ca "Dã Tràng" của Trịnh Công Sơn --Nguyễn Đắc Xuân-- 1. Đi tìm Dã tràng ca Tôi không thể hiểu được vì sao một tác phẩm quan trọng đến thế mà Trịnh Công Sơn lại không muốn nhắc đến và trong di cảo của anh cũng không thấy lưu! Phải chăng đây là một bí ẩn? Điều khó hiểu ấy đã kích thích óc thích khám phá của tôi. Tôi quyết tâm đi tìm trường ca Dã Tràng Tôi vào Qui Nhơn hỏi chuyện, nhưng ở Qui Nhơn không ai còn biết Dã Tràng ca. Tôi vào Nha Trang, qua Trần Thanh Vệ (con trai của nhà thơ Thanh Tịnh) và Bảo Chân (phóng viên đại diện báo Lao Động tại Khánh Hòa), tôi gặp được nhạc sĩ Phan Văn Bình ở Phước Tân. Văn Bình học một lớp (1962 - 1964), ở cùng một nhà tro, cùng hoạt động âm nhạc với Trịnh Công Sơn tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Văn Bình và Trịnh Công Sơn có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Được Trịnh Công Sơn hướng dẫn, Văn Bình hát "Dã Tràng ca" rất đạt. Nhờ thế đến năm 1973, Văn Bình chỉ huy sinh viên dựng lại Dã Tràng ca nhân lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Đại học Cộng đồng Duyên Hải (Nha Trang). Tác giả Trịnh Công Sơn được mời làm khách danh dự của buổi trình diễn ấy cùng với các bạn của anh là nhà dịch thuật Bửu Ý, họa sĩ Đinh Cường, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. Điều đáng tiếc là cho đến nay, Văn Bình cũng không có bản "Dã Tràng ca" nào trong tay cả. Sau khi gặp tôi ở Nha Trang, Văn Bình đã lao vào việc giúp tôi tìm "Dã Tràng ca". Văn Bình không tìm được bài hát mà chúng tôi đang tìm, nhưng may sao, anh lại tìm được tấm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mặc veston đứng trên bục điều khiển ban đại hợp xướng của Trường Sư phạm Qui Nhơn trình diễn trường ca "Dã Tràng" trong lễ tốt nghiệp của trường khóa 1 năm 1964. Từ khi có tấm ảnh Trịnh Công Sơn chỉ huy ban đại hợp xướng, ý muốn tìm cho được bản "Dã Tràng ca" trở nên thôi thúc hơn trong tôi. Tôi gặp người anh bà con là nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm (thầy giáo dạy nhạc tại trung tâm Văn thể mỹ - Huế) - nguyên là giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn khóa 3, nhờ bằng cách mời những giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn còn thuộc "Dã Tràng Ca" họp mặt , hát, thu cassette rồi ghi lại (solfège). Những cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn đang sống ở Huế còn thuộc "Dã Tràng Ca" là các thầy cô giáo Trương Văn Thanh (trong ban nhạc Thanh Sơn Hải), Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Văn Xa, Lê Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Sâm... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm cho biết hàng năm các cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn đều có họp mặt và luôn nhớ đến "Dã Tràng ca" nhưng vì thấy tác giả không còn muốn nhắc đến giai đoạn anh học sư phạm và hoàn cảnh nào anh đã sáng tác nên những bài Biển nhớ, Lời buồn thánh, Dã Tràng ca v.v... tại Qui Nhơn, nên dù họ rất thích nhạc Trịnh Công Sơn, tự hào đất Huế đã sản sinh ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng họ cũng không muốn bị hiểu lầm là "thấy sang bắt quàng làm họ". Bây giờ Trịnh Công Sơn đã qua đời, các bạn ấy sẵn sàng giúp tôi ghi lại "Dã Tràng ca". Không ngờ, gặp nhau trong một tiệc cưới, khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm cho biết đang chuẩn bị mời những người còn thuộc "Dã Tràng ca" hát để ghi lại cho tôi, anh Nguyễn Hồ - nguyên học cùng lớp, cùng khóa với Trịnh Công Sơn rất vui vẻ báo tin: - Cần gì ghi, hồi tập hát "Dã Tràng ca" ở Qui Nhơn các bạn có ghi cho mình một bản, hiện nay bà xã mình vẫn còn giữ! Ôi thú vị làm sao! Chuyện tưởng phải đi một ngàn bước, không ngờ mới khởi hành đã đến đích. Có người bảo tôi: "Có lẽ Trịnh Công Sơn muốn giao ông làm việc này nên ông mới được phù hộ may mắn đến như vậy!". Nếu đó là sự thật thì hân hạnh cho tôi biết mấy. 2. Bài hát thơ về thân phận dã tràng, sự đau khổ và tìm chốn nương náu ở tình yêu Như chúng ta đã biết, Trịnh Công Sơn xuất thân trong một gia đình khá giả. Không may, cụ thân sinh mất sớm, thân mẫu anh không đủ sức chống đỡ sự suy sụp tình cảm và kinh tế của gia đình. Đến đầu những năm sáu mươi, gia đình anh rơi vào hoàn cảnh rất bi đát. Chuyện học hành của các em anh bị nghẽn tắc, gian phố lớn ở Ngã Giữa (đường Phan Bội Châu) - nơi buôn bán, làm ăn phải đổi chủ, cả gia đình qua thuê một căn hộ nhỏ hẹp ở trước nhà thờ Phú Cam để ở. Lúc này Trịnh Công Sơn đã bắt đầu yêu, yêu những người con gái khuê các ở Huế như Ph. Th; B. D. v.v... Hoàn cảnh gia đình của anh sa sút như thế làm sao anh có thể đạt được tình yêu? Bản thân Trịnh Công Sơn còn bị đe dọa "động viên" nữa. Anh rời Huế vào Qui Nhơn học sư phạm như một giải pháp vừa để tránh chuyện đi lính, vừa kiếm sống cho bản thân. Tất cả những thứ ấy tác động mạnh lên tình cảm của chàng trai 23 tuổi Trịnh Công Sơn. Để tìm một nguồn vui, tìm một lối thoát cho tinh thần, nằm ở nhà trọ trong tiếng sóng biển Qui Nhơn rì rào, Trịnh Công Sơn đọc Albert Camus (1913 - 1960) - một triết gia hiện sinh vừa được giải Nobel (1957). Anh thích nhất là tập Le Mythe de Sisyphe. Cuốn thảo luận nói về sự phi lý (l'abusurde) của anh chàng Sisyphe bị khổ sai hàng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho đá lăn xuống vực rồi sau đó lại cố sức đẩy lên rồi lại thả tay. Tất cả sự nỗ lực ấy không có ý nghĩ gì hết, giống như công dã tràng xe cát rồi bị sóng cuốn hết. Hoàn cảnh gia đình anh cũng thế. Cụ thân sinh nỗ lực xây dựng lên một gia đình khá giả rồi ông bị tai nạn chết một cách phi lý kéo theo sự sụp đổ của gia đình... cũng hết sức phi lý. Anh vào Sư phạm Qui Nhơn như một dấn thân có tính tình thế. Thanh niên Qui Nhơn lúc ấy chưa hiểu anh và những người bạn từ Huế vào, họ đã vô tình có nhiều hành vi thô bạo đối với anh. Anh bị xô đẩy vào một nỗi bi thảm vô vọng đến rã rời. Cũng trong thời gian này, Trịnh Công Sơn hay tìm cách giải buồn bằng chơi các loại dân ca, thánh ca, các bài nhạc theo điệu Blue của người da đen ở châu Mỹ như bài Sometimes, bài Ave Maria. Phong cách các bài nhạc này có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn sau này. Giữa lúc ấy, trường sư phạm yêu cầu anh soạn một trường ca để đánh dấu lễ tốt nghiệp đầu tiên của trường. Anh không thể từ chối nên trường ca Dã Tràng đã ra đời. "Dã Tràng ca" chép gần đầy 7 trang A4, gồm có hai phần với 13 đoản khúc. 3. "Dã Tràng ca" dự báo tài năng âm nhạc họ Trịnh Trường ca Dã Tràng về hình thức là một bài hát thơ dài, thể hiện đầy đủ nhất phong cách ca nhạc Trịnh Công Sơn. Về ý tưởng, do hoàn cảnh thực tế gia đình, do ảnh hưởng của Phật giáo mà anh hấp thụ từ nhỏ và do sách báo, âm nhạc ngoại quốc xâm nhập vào miền Nam Việt Nam lúc ấy, tư tưởng Trịnh Công Sơn trong "Dã Tràng ca" nhuốm màu triết lý về thân phận làm người. Kiếp người chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau. Về sau, anh phát triển thêm, con người muốn bớt khổ đau phải có nhau vì ngay cả "sỏi đá cũng cần có nhau". Nhạc sĩ Văn Bình cho rằng: "Dã Tràng ca là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường". Trịnh Công Sơn viết "Dã Tràng ca" trong giai đoạn sa sút nhất về tình thần và vật chất. Những người hiểu về hoàn cảnh bi đát, vô vọng của Trịnh Công Sơn lúc đó thì mới hiểu được "Dã Tràng ca". Còn những người không hiểu sẽ không thích, mà còn có thể cho rằng Trịnh Công Sơn bi quan, yếu đuối. Có lẽ vì thế mà Trịnh Công Sơn không muốn nhắc đến giai đoạn Qui Nhơn với "Dã Tràng ca" để tránh sự hiểu lầm. Trịnh Công Sơn cố quên nhưng bạn bè anh, những người muốn hiểu đích thực hành trình âm nhạc trong cuộc đời âm nhạc tài hoa của anh thì vẫn cố tìm cho được để nhớ. Gác Thọ Lộc, 30 - 12 - 2001 Nguồn : dactrung.com
Huyền thoại SisypheAlbert Camus Các vị thần linh đã xử phạt Sisyphe phải không ngừng vần một tảng đá lên đỉnh một quả núi để từ đó tảng đá lại tự mình lăn xuống. Họ phần nào có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng. Theo Homère, Sisyphe là người khôn ngoan nhất và thận trọng nhất trong số người trần. Tuy nhiên theo một truyền thuyết khác thì ông ta có thiên hướng theo nghề kẻ cướp. Tôi không thấy ở đây có gì mâu thuẫn cả. Các ý kiến tỏ ra khác nhau về những nguyên do khiến ông phải trở thành kẻ dã tràng dưới âm phủ. Trước tiên người ta trách ông về thái độ có phần quá trớn đối với thần linh. Ông đã để lộ các bí mật của họ. Egine, con gái của Asope, bị thần Jupiter (tức thần Zeus) bắt cóc. Cha nàng ngạc nhiên về sự mất tích này và đã than phiền với Sisyphe. Ông này, vì biết được chuyện bắt cóc, đã đề nghị với Asope là sẽ cho ông ta biết tung tích con gái nếu ông ta cung cấp nước cho thành Corinthos của ông. Ông cần phúc lành của nước mà không sợ sự trừng phạt của thần linh. Xuống dưới âm phủ ông đã bị trừng phạt vì chuyện đó. Homère còn kể cho chúng ta nghe rằng Sisyphe là người đã xích chân thần Chết lại. Pluto (thần Diêm Vương) không chịu nổi cái cảnh vương quốc của mình trở nên hoang vắng và im lặng. Ông phái gấp thần Chiến Tranh đi giải thoát thần Chết khỏi tay kẻ chiến thắng. Người ta còn kể rằng khi sắp chết, Sisyphe đã bất cẩn muốn thử thách tình yêu của vợ mình. Ông ra lệnh cho vợ không mai táng ông mà vứt xác của ông ra giữa nơi công cộng. Sisyphe thác xuống nơi âm phủ. Và tại đây cảm thấy tức tối vì một sự vâng lời quá trái ngược với tình yêu con người của vợ mình như vậy, Sisyphe đã xin được Pluto cho phép ông quay về dương thế để trừng phạt vợ mình. Nhưng khi ông quay lại được và nhìn thấy bộ mặt của thế giới này, được nếm trải nước uống và ánh nắng mặt trời, được nếm trải những viên đá nóng và nước biển, thì ông không muốn quay trở về với địa ngục tối tăm nữa. Lệnh triệu hồi của thần linh cùng những cơn tức giận và cảnh cáo cũng chẳng lay chuyển được ông. Các vị thần linh đã phải ra lệnh bắt ông. Thần Mercure (tức thần Hermes trong thần thoại Hy Lạp) xuống tận nơi tóm lấy cổ áo ông, tước mất mọi niềm vui của ông để buộc ông về âm phủ, nơi tảng đá trừng phạt ông đang đợi sẵn. Người ta đã hiểu từ lâu rằng Sisyphe là một nhân vật phi lý. Ông tỏ ra phi lý bởi cả những nỗi đam mê lẫn nỗi nhục hình của ông. Thái độ coi thường thần linh của ông, lòng căm thù cái chết và niềm ham mê cuộc sống của ông đã khiến cho ông phaỉ chịu cái nhục hình khó tả như vậy, cái nhục hình bắt con người ra sức làm mà chẳng làm xong đựoc việc gì. Đó là cái giá phải trả cho những nỗi đam mê trần thế của ông. Người ta không nói gì cho chúng ta biết về cuộc sống của Sisyphe dưới âm phủ. Huyền thoại được làm ra là để cho trí tưởng tượng tạo cho chúng có sinh khí. Đối với ông, người ta chỉ tưởng tượng thấy toàn bộ nỗ lực của một cơ thể căng ra để nhấc cái tảng đá khổng lồ rồi vần nó lên cái dốc núi mà ông đã phải đi lên đi xuống đến hàng trăm lần; người ta chỉ tưởng tượng thấy một bộ mặt co rúm lại, một bên má áp chặt vào tảng đá, một bên vai dính đầy đất sét, một bàn chân chặn tảng đá, sự lấy lại sức của cánh tay, sự bám chắc đầy nhân tính của hai bàn tay dính đầy đất. Sau cái nỗ lực kéo dài được đo bằng khoảng không gian không có giới hạn và bằng khoảng thời gian không có độ sâu ấy, thì ông đã đạt được tới đích. Khi ấy Sisyphe lại đứng nhìn tảng đá lăn xuống chỉ trong chốc lát trở về với cái thế giới bên dưới để rồi từ đó ông sẽ lại phải vần nó lên đỉnh núi. Ông lại bước xuống chân núi dưới đồng bằng. Chính trong thời gian được nghỉ ngơi khi quay trở xuống chân núi này là lúc làm cho tôi quan tâm đến Sisyphe. Một bộ mặt khó nhọc rất giống với đất đá mà chính nó cũng đã trở thành đá mất rồi! Tôi nhìn thấy con người ấy quay trờ xuống với một bước đi nặng nề nhưng bình thản để đến với nỗi nhục hình mà ông sẽ không biết bao giờ kết thúc. Cái thời điểm này cũng giống như một thời điểm để hít thở cà nó thuộc về ông cũng chắc chắn như nỗi bất hạnh của ông, cái thời điểm đó là thời điểm của ý thức. Tại mỗi thời điểm như vậy, khi mà ông rời đỉnh núi để dần dần lún sây vào hang ổ của các vị thần linh, ông đã vượt cao hơn số phận của ông. Ông tỏ ra mạnh hơn tảng đá của ông. Sở dĩ cái huyền thoại này mang tính bi kịch là vì nhân vật của nó là một người có ý thức. Quả thực nỗi khó nhọc của ông sẽ là ở chỗ nào, khi mà cứ mỗi bước chân ông lại được nâng đỡ bởi niềm tin và hy vọng thành công? Người công nhân ngày nay, suốt tháng ngày trong cuộc đời của mình, luôn phải làm việcvới cùng một nhiệm vụ và cái số phận đó cũng chẳng kém phần phi lý. Nhưng nó chỉ tỏ ra bi kịch trong những giât phút hiếm hoi khi người công nhân trở nên có ý thức. Sisyphe, người vô sản của thần linh, bất lực và nổi loạn, biết rõ tất cả mức độ của thân phận khốn khổ của mình: chính nó là điều làm ông nghĩ đến khi ông quay xuống núi. Sự sáng suổt của ông làm ông đau khổ đã cùng lúc làm tiêu tan thắng lợi của ông. Không có số phận nào mà không vượt qua được bằng sự khinh bỉ. Nếu như sự xuống núi được diễn ra trong đau khổ ở một số ngày như vậy, thì nó cũng có thể được diễn ra trong niềm vui. Từ nà không phải là thái quá. Tôi vẫn còn hình dung ra Sisyphe đã quay trở xuống với tảng đá của mình, và nỗi đau của ông đã xuất hiện ngay từ ban đầu. Khi những hình ảnh của cuộc sống trần gian bám quá chặt vào kỷ niệm, khi tiếng gọi của hạnh phúc trở nên quá nặng nề, thì sẽ xảy ra một điều là nỗi buồn thức dậy trong trái tim con người: đó là thắng lợi của tảng đá, là chính bản thân tảng đá. Tình cảnh cô đơn tuyệt vọng vô hạn tỏ ra quá nặng nề. Đó là những đêm mà chúng ta đã trải qua tại khu vườn Gethsémani (khu vườn ở gần thành Jerusalem, nơi chúa Jesus bị bắt giữ). Nhưng những chân lý nặng nề được tiêu tan vì được nhận ra. Cụ thể, Oepide ban đầu đã tuân theo số mệnh mà khong biết. Từ lúc ông biết được sự thật thì bi kịch của ông mới bắt đầu. Nhưng cùng lúc đó, trong hoàn cảnh bị mù loà và tuyệt vọng, ông nhận ra rằng sơi dây liên hệ duy nhất gắn bó ông với thế gian chính là bàn tay trong trắng của một người con gái. Khi ấy có một câu nói quá mức vang lên: ?oBất chấp bấy nhiêu thử thách, cái tuổi tác đã cao của tôi cùng với tâm hồn cao thượng của tôi cho phép tôi cho rằng mọi cái đều tố đẹp.? Như vậy là Oedipe của Sophocle, cũng như Kirilov của Dostoievsski, cho chúng ta cái công thức về sự thắng lợi mang tính phi lý. Tư tưởng thông thái thời thượng cổ đã theo kịp với chủ nghĩa anh hùng thời hiện đại. Người ta không phát hiện cái phi lý mà không muốn thử viết một cuốn sách nào đó về niềm hạnh phúc. ?oThế nào, bằng những con đường chật hẹp như thế sao??? Nhưng trên đời chỉ có một thế gian. Hạnh phúc và phi lý là hai đứa con của cùng một thế gian. Chúng khong thể tách rời nhau. Sẽ là sai lầm nếu nói rằng hạnh phúc dĩ nhiên sinh ra từ sự phát hiện mang tính phi lý. Cũng có lúc cảm giác phi lý nảy sinh từ hạnh phúc. ?oTôi cho rằng mọi cái đều tốt đẹp?, Oepide đã nói như vậy và câu nói này là thiêng liêng. Nó vang lên trong cái thế giới dữ tợn và hữu hạn của con người. Nó cho ta biết rằng mọi cái đều đang không bị và chưa bị cạn kiệt. Nó xua đuổi khỏi thế giới này một vị thần đã gia nhập với sự không vừa lòng và với thị hiếu về những nỗi đau vô ích. Nó biến số phận thành một vụ việc của con người, là việc cần được giải quyết giữa con người với nhau. Toàn bộ niềm vui lặng lẽ của Sisyphe là ở đó. Số phận của ông là thuộc về ông. Tảng đá của ông là việc của ông. Cũng vậy, con người phi lý, khi anh ta lặng ngắm nỗi khổ đau của mình, thì anh ta khiến cho mọi thần tượng phải im lặng. Trong cái thế giới bỗng nhiên trở nên im ắng, thì hàng nghìn giọng nói nhỏ bé với lòng thán phục thế gian lại cất lên. Như những tiếng gọi vô thức và bí ẩn, như những lời mời của mọi khuôn mặt, chúng là mặt trái cần thiết và là cái giá của thắng lợi. Không có ánh nắng nào không có bóng tối, và chúng ta cần phải biết bóng đêm. Con người phi lý nói ?ocó? và nỗ lực của anh ta sẽ không biết nghỉ nữa. Nếu như có một số phận cá nhân, thì lại không hề có số mệnh cao cấphoặc ít nhất chỉ có một số mệnh như thế mà con người phi lý cho rằng nó mang tính định mệnh và đáng khinh miệt. Đối với những người khác, anh ta được coi là người biết cách làm chủ thời gian sống của mình. Vào đúng cái giây phút tinh tế mà khi đó con người quay trở về với cuộc sống của mình, thì Sisyphe, trong khi trở về với tảng đá của ông, ông đã lặng ngắm cái chuỗi hành động không có sự liên hệ gắn bó với nhau và là cái đã trở thành số phận của ông, do ông tạo ra, được kết nối dưới cái nhìn ký ức của ông và chẳng bao lâu sẽ được đóng dấu bằng cái chết của ông. Như vậy là, với niềm tin về nguồn gốc hoàn toàn nhân tính của tất cả những gì là nhân tính, và như một người mù khát khao muốn nhìn và biết rằng bóng đêm sẽ không bao giờ chấm dứt, ông vẫn luôn luôn cất bước. Tảng đá vẫn được vần lên núi. Thôi tôi cứ để cho Sisyphe ở dưới chân núi! Ông sẽ vẫn luôn luôn tìm thấy được tảng đá của mình. Nhưng Sisyphe dạy cho ta tính trung thực cao thượng có khả năng phủ nhận thần linh và nâng cao đá tảng. Cả ông ta cũng cho rằng mọi cái đều tốt đẹp. Đối với ông, cái thế giới từ nay không còn có chủ nhân này chẳng tỏ ra cằn cỗi cũng chẳng tỏ ra tầm phào. Mỗi một viên đá tảng, mỗt một ánh sáng lấp lánh của quả núi ngập đầy bóng đêm ấy, tất cả đều làm thành một thế giới chỉ dành riêng cho ông. Bản thân cuộc vật lộn để vần tảng đá lên đỉnh núi cũng đủ làm viên mãn một trái tim con người. Cần phải hình dung Sisyphe là người hạnh phúc. Nguyễn Văn Dân dịch từ nguyên bản tiếng Pháp (A.Camus, Le Mythe de Sisyphe, Ed. Gallimard, Paris, 1942) All the rivers run into the sea; yet the sea is not full: unto the place from whence the rivers come, thither they return again. (ECCLESIASTES) lys