1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đặc sản Miền Tây ! -Chỉ post món ăn, xin đừng bàn luận.

Chủ đề trong 'Miền Tây' bởi meoden2611, 25/12/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    Khô cá lìm kìm
    [​IMG]
    (Thanh Dũng -báo Thanh Niên)


    "Má ơi con vịt chết chìm
    Con thò tay vớt, cá lìm kìm cắn tay"
    Thực chất cá lìm kìm hiền khô, chỉ tại vì ngày xưa cá nhiều quá, lội đặc lừ sông rạch, nhảy xuống sông quơ tay quơ chân là đụng cá nên ông bà ta mới nghêu ngao chơi thành câu ca trứ danh.
    Cá lìm kìm là loài cá kỳ lạ ở sông rạch, con to nhất bằng đầu ngón tay cái người lớn, thân mình suôn đuột dài trên 10 phân, mang cái mỏ dài ngoằng như cây kẹp nên cá lìm kìm lúc nào cũng nổi phiêu diêu trên mặt nước. Gặp người chúng trốn lặn thì vài phút sau lại lờ khờ trồi đầu lên. Vì chẳng giấu được mình như bao loài cá khác nên cá lìm kìm thành trò chơi cho trẻ con đuổi xúc bằng lưới bằng rổ. Những ngày cá lìm kìm xuất hiện bầy bầy trên sông, dân quê giải trí bằng trò câu cá lìm kìm, mồi câu là các trái cây có gai nhọn. Móc vào lưỡi thảy xuống là cá há mỏ đớp liền, người ta cứ thế ung dung gỡ cá.
    Cá lìm kìm thường xuất hiện vào tháng 11 âm lịch, ngày xưa cá nhiều vô kể nên dân quê bắt cá phơi khô dành ăn qua ngày, cá lìm kìm có thể nấu canh nhưng ăn chẳng ngon bằng cá kho, khứa cá từng khúc nhỏ đem kho với nước mắm cá linh, bỏ thêm ớt cay, tiêu vào thì mùi vị cá béo ngậy còn ngon hơn cá thiểu, cá lòng tong kho. Còn khô lìm kìm thì đem nướng nhắm cùng với dưa leo, mắm ớt là số một. Hiện nay khô cá lìm kìm giá 1 ký vài chục ngàn đồng nhưng chẳng đủ bán cho những người nhớ vị xưa.
  2. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0

    Chả cá sơn

    [​IMG]
    (Thanh Trang -báo Thanh Niên)​


    Cá sơn mắc vào lú
    Mưa đầu mùa. Lũ cá sơn mát mình bèn rủ nhau tung tăng theo nước từ sông cái đi vào đầm vuông tôm. Nước rong xổ vuông. Tôi theo má ra cống đổ lú. Lú nặng trịch, kéo lên đầy tôm, tép, cá, cua. Lại có cả một bầy cá sơn dính trắng lú.
    Má lắc đầu: thôi rồi, cá sơn đi kiểu này thì mấy lú sau sẽ ít tôm cho coi. Một bầy cá đâu có dưới 2 - 3 kg, ngồi gỡ mệt xỉu luôn!
    Cá sơn màu trắng, to bằng ngón tay và có gai trên lưng nên khi mắc vào lưới rất khó gỡ. Cá sơn rẻ tiền, ăn ít ngon bằng các loại cá khác nên các chủ đầm vuông thường mua về làm mồi cho cua. Với người nghèo, người biết sống tiết kiệm, hơn hết là biết trân trọng món quà thiên nhiên ban tặng thì chính loại cá này đã góp phần làm cho bữa cơm gia đình thêm phong phú. Cá ít, có thể kho khô mặn, rắc tiêu. Cá nhiều đem cắt đầu làm mắm chua hoặc muối phơi khô sau đó chiên giòn ăn với cơm nóng. Món ngon nhất là làm chả, song phải mất rất nhiều thời gian.
    Người duy nhất trong nhà tôi có đủ kiên nhẫn làm món chả cá sơn là chị Tư. Bí quyết làm cá nhanh của chị là dùng dao thật bén đánh vảy, róc thịt hai bên mình cá. Ngồi gần nửa tiếng đồng hồ mới làm xong 1kg cá sơn để lấy được hơn 100 gr thịt cá. Cách chế biến rất đơn giản: cho chút muối, tiêu, hành, bột ngọt vào quết đều đến khi thịt cá có độ dai. Thịt cá sơn không dai bằng cá thác lác, trước khi chiên nên vò thành viên thì chả mới ngon. Chả cá sơn ăn có vị ngon giòn đặc trưng, không lẫn lộn với bất cứ loại chả cá nào.
    Nước rong xổ vuông. Tôi không được cùng má đi đổ lú. Ba lên thăm con gái. Giỏ xách đầy tôm, cua. Lại có cả một bịch chả cá sơn được chiên sẵn. Đó là món quà của chị Tư gửãi theo vì chị biết tôi thèm ăn đã lâu rồi. Bốc một viên chả cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Chợt chùng lòng. Tôi mường tượng ra hình ảnh chị nhỏ nhắn, còm nhom. Chị đội nón lá, ngồi trên sàn lãn nước ròng rã mấy tiếng đồng hồ, róc thịt từng con cá. Chợt thấy thương.
  3. meoden2611

    meoden2611 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/11/2006
    Bài viết:
    932
    Đã được thích:
    0
    CHUỘT NẤU CANH CHUA
    Nói đến miền Tây mà ko nhắc đến chuột thì cũng là 1 thiếu sót hơi bị lớn, mặc dù từ Nam tới Bắc chuột đều hiện diện và có nơi mật độ phân bố của họ hàng nhà này rất cao nhưng riêng với miền Tây thì ai ở hoặc đến thăm mà chưa nếm thử món này thì mất hết 1/2 cuộc đời
    Thịt chuột rất ngon, tính hiền, ko độc, hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ chuột người ta có thể chế biến ra rất nhiều món ăn như : xào sã ớt, rôti (khìa), muối chiên, nướng ...Nhưng độc chiê nhất có lẽ là món chuột nấu canh chua .
    Chuột sau khi làm sạch ( chặt bỏ đầu, lột da, bỏ ruột nhưng vẫn giữ lại gan, tim. ) để cho ráo nước, sau đó chiên sơ cho hơi vàng và lớp ngoài hơi dòn.
    Nước đun sôi sau đó bỏ chuột vào ( giữ nguyên cả con, ko chặt nhỏ ) sau khi chuột chín thì bỏ các loại vật liệu nấu canh chua vào và cho thêm me chua, sau đó nêm nếm giống như món canh chua mà ta thường nấu trong các bữa ăn hàng ngày, tuỳ theo vật liệu của từng nhà mà thêm bớt các thứ, thường thì tận dụng các loại cây ,rau ,củ trong vườn nhà mà nấu món canh này, có nhà nấu bằng măng tre, nhà thì nấu bằng ghém chuối ( là cây chuối non xắt ra thật mỏng), nhà thì nấu bằng bắp chuối, có nhà thì lại nấu giống như là nấu canh chua thông thường. Nhưng đảm bảo 1 điều là cho dù nấu với thứ gì đi nữa thì canh chua chuột ăn rất ngon, phải nói là ngon cực kỳ !
    Sau khi nấu chín thì vớt chuột ( nguyên con ) ra, xé nhỏ, bỏ xương đi, sau đó cho thịt chuột đã xé nhỏ vào lại nồi canh. Lúc này chỉ còn mỗi việc là thưởng thức thành quả mà ta vừa làm nữa mà thui, có được thêm chén nước mắm Phú Quốc và 1/2 lít rượu nếp nữa thì " Mát trời ông địa "
  4. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    [url="http://netcenter.com.vn/if/I_Detail.aspx?I=4&C=1&P=17985" ] Mùa cá sát [/url]

    [​IMG]
    Cá sát thuộc nhóm cá trắng xuất hiện nhiều ở sông Tiền sông Hậu, thân cá thon dài, trắng toát từ đầu cho đến đuôi. Cá sát có quanh năm nhưng xuất hiện nhiều nhất vẫn là vào tháng 9 cho đến tháng 3 âm lịch năm sau.
    Cá sát rất háu ăn và đôi khi đói quá chúng bạo gan kéo sát bờ ăn tấm cám, tro gạo người ta đổ dưới sông. Lúc này người ta vãi chài hay lấy vợt hớt đã thấy từng bóng trắng toát thảy lưng tưng.
    Nay cá rất hiếm, phải ngồi gò lưng câu từng con. Mồi bén cá sát gồm trùn đỏ, dế trũi ủ, cá linh ủ... móc vào lưỡi câu thảy xa bờ chừng chục mét, cá sát đánh hơi mồi béo bơi tới liền. Cá háu ăn nhưng ăn câu... từ tốn, nó rỉa mồi từng miếng một cách nhẹ nhàng chứ không ghì mồi thô bạo như cá lăng, cá vồ. Những tay câu non kinh nghiệm thảy câu thấy dây câu rung lăn tăn nhưng giựt hoài chẳng dính, ấy là đâu phải cá sát rỉa mồi, toàn do cá lòng tong, cá thiểu tới phá cắn dây câu thôi. Lúc cá rỉa người ta giựt dây câu theo đường xéo là lưỡi câu móc trúng phóc ngay hàm cá. Kéo cá lên phải bắt cho lẹ không thì cá nhảy soi sói vướng ngạnh đâm trúng tay là nhức thấu xương.
    Cá sát lớn nhất cũng khoảng 400gr/con. Câu cá sát vui nhất là dính được nhiều cá sát ốc, cùng loài cá sát nhưng sát ốc to hơn và khỏe hơn cá sát, chúng có rất ít ở sông rạch và nấu món canh chua rất ngon. Tùy theo kích cỡ mà người ta phân ra làm các món chiên, kho hay nướng. Thường cá sát nhỏ như cá chốt dùng kho tiêu, kho quẹt hay ướp muối chiên tươi. Cá nhỏ ăn không sợ mắc xương, vị béo ngon miệng tẩm vị mặn của muối, cay nồng của ớt lăn tăn đầu lưỡi khiến ta cứ lùa cá non vào miệng nhai rau ráu, nếu có miếng cơm cháy hay dọn thêm tô canh chua, canh rau thì quả sướng miệng theo cái gu con nhà nông. Cá lớn nướng than có màu vàng ươm ăn chung với các rau diếp cá, rau răm..., nếu thích thì kho tương kèm với rau muống bào. Hồi xưa những lúc giá rét, dân quê thường hay ăn cá kho, đêm tối trời lạnh căm căm, uống chén nước mắm dằn bụng cho ấm rồi đi chài cá sát. Vãi được mấy chài dính cá đem về làm sạch, chặt đầu cá bỏ đi rồi đem kho tộ ăn đỡ đói. Cá sát kho tộ "sát" cơm vô ngần, vị cay của ớt bốc lên, tép mỡ béo bắt lửa cháy xèo xèo trộn chung với vị ngọt của cá khiến ta không dừng được. Cá sát kho tộ ăn ngay lúc nóng mới ngon.
    Chỉ tiếc là món ngon trên sông ngày càng hiếm đi. Trên sông vắng bóng người câu thì tất nhiên đến bận mâm đũa bày lên lại làm người ta nhớ đến và thèm được ăn con cá đồng, cá sông như thuở nào.
  5. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    [red]Bồn bồn [/red]


    [​IMG]

    Bồn bồn là loại thực phẩm lạ miệng, xuất xứ từ xứ "đồng chua nước mặn" Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây là loại cây cùng dòng họ với lát, thân được ghép lại từ những lá bẹ dẹp và dài, cao ngang đầu người, mọc từng đám ở những trũng đất ít phèn trong rừng U Minh.
    Để trở thành món ăn, đơn giản nhất, người ta sử dụng phần gốc non (củ hũ) của bồn bồn, rửa sạch, trụng nước sôi, ngâm trong vịm với nước vo gạo pha chút muối chừng 3 ngày là đã có được dưa bồn bồn. Khi mở vung đậy vịm ra, một hương vị đặc trưng dân dã, hòa trong mùi nồng nồng thơm của cỏ lác ruộng đồng bay thoảng vào khứu giác.
    Những cọng dưa phần gốc có màu tim tím ấy tạo cảm giác giòn mềm khi ăn. Và vị chua dịu của bồn bồn kích thích dịch vị. Dưa bồn bồn chấm nước tương, nước cá kho, thịt kho giúp những gia đình nghèo có được bữa cơm ngon. Là thức ăn bình dị, rẻ tiền nên dưa bồn bồn luôn là thức ăn chính của những gia đình có thu nhập thấp.
    Với những người khá giả thì dưa bồn bồn ngoài việc làm thức ăn phụ, còn được chế biến chung với các loại thực phẩm khác: xào tép, thịt heo, thịt bò, cá - những thức ăn pha chế tuy đơn giản bằng bồn bồn tươi hoặc dưa bồn bồn cũng đều đem lại sự ngon miệng cho thực khách. Bồn bồn còn được dùng để nấu canh chua. Vị chua của bồn bồn vốn đã thơm ngon lại càng thơm ngon và ngọt khi nấu với cá ngác, cá rô.
    Đã từng ăn canh chua cá bông lau, cá ba sa, cá dứa nấu với me tươi hoặc me muối, ta đã không thể không buột miệng khen ngon. Thì khi các loại cá này được nấu với bồn bồn, dứt khoát nồi canh chua đó sẽ trở thành "nỗi nhớ" mãi mãi cho những ai đã từng "lỡ" một lần ăn!
  6. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0

    Chẳng biết có phải xuất xứ từ cái cách tráng của bánh-mỗi lần vá bột đổ vào chảo phát ra tiếng xèo mà có tên là bánh xèo không?
    Chứ bây giờ bánh xèo đã trở thành một trong những thứ bánh mang tính đặc trưng của vùng quê Nam Bộ và được ưa thích tại nhiều nơi, cả ở thủ đô Hà Nội.
    Ðể được cái bánh xèo cho khéo là cả một nghệ thuật. Một vá bột hòa lỏng (chừng nửa chén cơm) để làm áo bánh. Lượng bột chỉ đủ để bạn cầm hai quai chảo tráng đều một lớp như người ta tráng trứng vậy.
    Sau đó cho nhân vào. Nhân bánh gồm tôm, thịt heo đã được xào chín, giá sống, củ sắn (củ đậu), một ít đậu xanh đã hấp chín. Canh lửa sao cho bánh vàng đều, gấp bánh lại thành hình bán nguyệt trước khi lấy ra. Bánh có mầu đặc trưng là sắc vàng của nghệ, thêm vị béo, hương thơm của nước cốt dừa, mép ngoài của bánh mỏng và giòn.
    Bánh xèo còn hấp dẫn thực khách bởi cách ăn của nó. Cái để lại dấu ấn cho bữa ăn bánh xèo chính là các loại lá để... gói bánh. Từ cái vị chát chát, chua chua của đọt xoài non, đến cái mùi hăng hăng của lá cách, cải xanh, dấp cá, rau thơm,... ăn bánh xèo đúng điệu phải là ăn gói:
    Trải những chiếc lá non lên bàn tay, bỏ vào một chút bánh kèm nhân, cuộn lại chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt... cứ nhẩn nha nhai mà tận hưởng cái mùi vị của cây trái vườn nhà. Ðể rồi mỗi khi nhìn thấy một loại lá cây nào đó lại chợt thèm bữa bánh xèo, hay nhớ cái thú ngồi chờ từng cái bánh xèo xuất chảo thơm phức.
    Ở nhà quê, mỗi lần đổ bánh xèo là dịp được nghe các bà, các cô dạy khéo cho các cô gái vừa mới lớn. Bởi cái duyên thôn nữ không thể thiếu sự khéo léo trong công việc bếp núc. Và bánh xèo đúng điệu còn phải có một chút... khéo tay nữa.
  7. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    Bánh xèo hột gà nhân nấm mối
    [​IMG]

    Mùa nấm mối, mẹ tôi thường làm bánh xèo cho chúng tôi ăn. Bánh xèo nhân nấm mối thêm ít hột gà ăn mới béo.
    Nấm mối là do con mối cho meo từ dưới đất chui lên, nên người ta gọi là nấm mối. Tháng năm, tháng sáu, khi mưa xuống đất gò cao thấm ướt nấm xé đất chui lên rất nhiều.
    Nhổ đem về cạo đất rửa sạch, nấm nhỏ để nguyên, lớn thì xắt làm hai đem ngâm nước để ít muối, một lúc rửa sạch vớt ra để vào rổ cho ráo nước, bắc chảo lên bếp khử mỡ tỏi cho nóng rồi trút vào xèo cho vừa chín, thêm gia vị như muối, mắm, tiêu, hành, nêm cho vừa ăn nhắc xuống trút vào tô. Môn ngọt tước vỏ, xắt mỏng, xéo theo chiều dài của môn cho có hình dáng đẹp dễ nhìn rồi cho vào thau.
    Bột gạo xay nhuyễn pha nước loãng đủ độ để bánh không khô, không nhão, cho thêm hành xắt nhỏ, chút muối, chút mầu, mầu vàng của trái dành dành hái từ ngoài vườn đem vắt nước. Đặc biệt bánh xèo ngon béo phải cho thêm lòng đỏ hột gà pha chung với bột, như vậy bánh xèo sẽ có mầu sắc và hương vị béo thơm hơn.
    Ăn bánh xèo phải chấm nước mắm chanh ớt, đường, chút bột ngọt. Hương vị bánh xèo đã ngon, nhưng ăn không đúng cách thì kém phần thú vị.
    Ăn bánh xèo kiểu này mới thấy gần gũi đồng quê từ tai nấm, cọng môn, rau, chanh, ớt đều ở ngoài vườn vừa mới hái còn tươi rói xanh non, cái giòn của nấm, cay nồng của ớt, chua của chanh, beo béo của hột gà, mùi thơm bánh xèo, chát chát, chua chua của "đọt xộp, đọt xoài".
    Bánh xèo hột gà nhân nấm mối khác hơn bánh xèo nhân thịt.

  8. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    Cái vị muối sả mằn mặn, the the cay nhẹ lùa với từng miếng cơm gạo quê, nghe cứ ngọt lừ trong miệng, nhai càng kỹ thì càng có cơ hội để thưởng thức hương vị ngạt ngào thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi...
    Có một buổi nào đó, với cái vốn ?ovăn hóa ẩm thực?, ta bỗng chợt hồi tưởng một món nồng nàn, bản sắc mà không kém hiện đại, ấy là một bữa cơm ?orằng chay thì hẳn là chay?: Chả cần đến vị nước mắm thường ngày mà lại cảm thấy ngon hơn hẳn thịt thà mỹ vị. Bữa ăn chỉ đơn giản thế này: cơm - muối sả hoặc muối é - canh tập tàng, không thêm không bớt. Vườn nhà quê, vài bụi sả và các loại rau tập tàng linh tinh thì lúc nào cũng sẵn, chỉ cần làm siêng xách rổ vơ túi bụi một lát là có thể nấu một bung canh ngút khói và đâm được một tô muối sả nức mũi.
    Nói về cơm, nếu là gạo lúa rẫy, lúa mới thì càng tuyệt. Nấu bếp ga, nồi điện cũng chả sao nhưng nếu nấu bằng nồi đất hoặc gang chụm bằng củi, vần than có một lớp cháy ở đáy nồi thì đúng là... thơm phức. Riêng cơm vừa chín tới mà ăn với muối sả thì cũng đủ thấy đời... lên hương. Người nhà quê ăn uống ít tưởng chừng qua quýt nhưng không kém ý vị, lắm khi làm nhiều kẻ giàu sang thị thành phải phát thèm. Có người hẳn sẽ cho tôi là hoài cổ nhưng quả thật, chuyện ăn uống mà càng thủ công theo truyền thống ông bà và nguyên vật liệu càng sinh thái thì ăn càng ngon miệng.
    Nói về muối sả, muối é thì lại càng dễ. Chỉ việc dùng muối hột hoặc muối hầm giã nhuyễn chung với củ sả, lá é trắng thế là xong! Sả phải chọn củ tươi, vừa ra vườn nhổ vào, lá é cũng vậy, lột lấy phần củ sả rồi cắt lát mỏng theo chiều ngang để giã chung mau quyện với muối, ai ăn cay thì thêm trái ớt xanh (loại ớt sim, ớt rừng thì càng nồng đượm). Dù còn đang giã nhưng bụng nghe đã cồn cào. Chén muối sả giã xong có màu tím nhạt, thoảng một mùi hương của đất vườn, có thể làm tứa nước bọt bất cứ ai đã quá quen với thức ăn nhà hàng... có ?osao?!
    Nói về canh tập tàng thì lại quá đơn sơ. Bởi đây chỉ là canh rau suông nấu với muối hay có thể cho thêm chút bột ngọt. Rau tập tàng tức là rau lộn xộn các thứ như: má, muống, dền, bát, sam, mồng tơi, cải xanh, cải rổ, đọt khổ qua, bông giờ... Tất tần tật thứ rau gì ăn được và tùy mùa, tùy vùng, chẳng câu nệ phải đầy phải đủ. Nhưng phải là rau tươi, rau sạch (không phun thuốc trừ sâu). Chỉ việc bắc nồi nước đun sôi rồi bỏ vào rau tập tàng đã nhặt bằng tay nguyên từng khúc thân, chiếc lá rửa sạch, nêm nếm vừa ăn là nhắc nồi bày ra mâm. Cái ngon của canh rau tập tàng thì chắc nhiều người cũng đã ghiền, đây lại là rau nấu mộc với muối nên cái thơm ngon của hương vị trời đất rau vườn lại càng được tôn triệt để, ?ocanh tập tàng ngon, con tập tàng khôn? mà lị!
    Đôi khi, cơm nóng gạo lúa mới mà ăn với muối sả, canh tập tàng bốc khói thì cảm thấy như... tiên ở trên trời! Cái vị muối sả mằn mặn, the the cay nhẹ lùa với từng miếng cơm gạo quê, nghe cứ ngọt lừ trong miệng, nhai càng kỹ thì càng có cơ hội để thưởng thức hương vị ngạt ngào thấm vào tận chân răng, đầu lưỡi, lâng lâng đến từng lỗ chân lông, thớ thịt... Chưa kịp lịm đi vì muối sả, ta ?ochơi? tiếp một bát canh tập tàng đầy mập, húp xì soạt cho mồ hôi chảy lòng ròng thì mới tan nổi cái nóng giữa hạ, bớt đi cái lạnh mùa đông... Phải nói, lâu lâu mà ăn thứ cơm muối-canh suông kiểu thế này, nếu? ?oquá chén? thì có thể kềnh bụng đến tức thở đấy!.
  9. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    [red] Ô môi trái ngọt
    [/red]

    Ngồi mộng du trên xuồng máy lướt dài theo sông Vàm Cỏ Tây rồi rẽ tùy thích vào các kênh rạch chằng chịt là bắt gặp liền màu hoa đào rực rỡ trên những cây ô môi trầm lặng nghiêng ngả trong mây gió nồng nàn tưởng như đang sống trong những ngày đầu xuân xứ Bắc.
    Không đâu, đây là miền Tây Nam Bộ vào giữa mùa xuân, nét giống nhau bởi cùng đất nước chung. Khác nhau chỉ là những rặng ô môi, cư dân sống hai bên bờ kênh từ lâu đã trồng ô môi để ăn trái, lấy gỗ dựng nhà, lấy cành làm củi.
    Hoa ô môi mảnh mai, sắc hồng như đào phai Hà Nội. Gặp mùa hoa nở rộ, bờ kênh ửng đỏ, rực rỡ như sắc cờ phủ kín hai bên, gợi nhớ gợi thương như chờ đón ai về.
    Trái ô môi thon thả hồn nhiên, vỏ màu nâu sẫm có đường gân nổi ôm tròn từng khía và chạy dài hai bên từ cuống xuống đuôi rắn chắc như gỗ đập chạm nhau chan chát không vỡ.
    Ô môi già chín vừa hái xong có mùi ngai ngái chẳng mấy khi ăn liền mà phải đem về bỏ dưới nền nhà cho héo khô mà càng để lâu càng tăng phẩm chất, có thể đến hết năm. Đến khi đó, ruột trái ô môi càng thanh ngọt tỏa mùi thơm đặc trưng ngan ngát khắp nhà.
    Cây ô môi sống gần như hoang dã nhưng chẳng dễ tính chút nào nên chỉ nở hoa kết trái vào giữa mùa xuân như chọn ngày chọn tháng để sinh nở.
    Loại cây đại mộc này chỉ thích nghi với thổ nhưỡng ẩm ướt nên thân to gốc lớn, rễ bám sâu lòng đất, ôm chặt lấy bờ không cho lở. Chẳng phải chỉ miền Nam mới có ô môi mà miền Trung cũng sẵn nên trái ô môi còn gọi là quả Bồ Cạp.
    Cây trái ô môi thật đắc dụng đối với các vùng thôn dã, nơi sâu xa hẻo lánh. Khi trái ô môi được dân làng sắp thành từng bó xếp lên ghe thuyền chở lên thành phố bán buôn cho các chủ vựa trái cây thì càng rõ ô môi đã là nguồn sinh sống trong những ngày nông nhàn ít thu nhập.
    Mà trái ô môi cũng là thần dược, dùng ngâm rượu trị các chứng bệnh nhức mỏi xương cốt, tiêu chảy, kiết lỵ. Trong dân gian còn kể cho nhau nghe huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp thuở nào.
    Vào năm xưa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nạn hồng thủy. Cô gái chẳng may bị nước cuốn trôi. Tuy đuối sức nhưng cô vẫn cố bám chặt lấy cành cây ven bờ đến phút cuối cùng định mệnh để gửi lại phần xác và hồn oan nơi quê có ông bà cha mẹ. Làn tóc đen dài của cô như trái ô môi, còn đôi môi gò má vẫn hồng đó chính là sắc màu hoa ô môi nở giữa mùa xuân.
    Đó là sự tích ô môi ngày trước, còn bây giờ trong các quán nhỏ bên đường, trước cửa trường làng trong quán cóc, ô môi được chặt thành từng khúc ngắn lôi cuốn các cô cậu học trò thích ăn vụng trong lớp.
    Còn các bà má nông thôn khi ăn trầu xong thường ăn thêm một miếng ô môi để làm sạch họng tiêu đờm và xoa dịu môi miệng bị bỏng rát bởi chất nóng gắt của vôi và cau lúc miếng trầu còn nhai dở. Còn các bợm nhậu, khi chẳng may quá chén, ăn ô môi chắc chắn được tỉnh táo trong cơn say xỉn.
    Trái ô môi gọt vỏ xong, trong ruột ô môi bỗng hiện màu nâu cà phê đẹp mắt, cơm bột mịn màng đưa vào miệng tan nhanh theo vị giác bởi ngọt lịm như mật ong, đậm đặc hương đồng cỏ nội của một loài cây trái lắm tính kỳ lạ, thừa thãi cảm giác đưa tới từ vùng mênh mông sông nước.
    Trong ruột ô môi rất nhiều hột sắp thành chuỗi dài đều đặn theo hình trái, trắng tròn tựa khuy áo. Hột ô môi sau khi ngâm vào nước lấy vỏ ngoài ra, bỏ bớt cái mầm xanh tựa ngòi hạt sen ở chính giữa, cơm trắng ô môi nhai ăn vừa giòn vừa béo cứ như hạt sen tươi, mà không phải, chỉ là một thú vị lầm lẫn thôi?
    Ô môi trái ngọt miền sông nước nghe cứ như tên cô gái đẹp vùng quê, một lần nhìn thấy một lần xốn xang. Còn được nếm náp ư? Chỉ cần thử xem một lần là nhớ mãi?

  10. meoCara

    meoCara Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/12/2006
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    Cây trái miền Nam

    [​IMG]
    Hầu hết các chị ở nông thôn Nam Bộ, từ làng này đến làng kia, đến huyện rồi tỉnh và cả ở thành phố Hồ Chí Minh lúc nào cũng có nguời buôn bán trái cây. Tùy mùa, tùy lúc nào cũng có thứ này thứ kia, nhưng quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có chuối, chanh ớt.
    Ngày tết, các chợ lớn, chợ nhỏ đều có khu gọi là ?ochợ trái cây? bán la liệt hàng núi dưa hấu, hàng đống bưởi Biên Hòa, hàng quầy cam, sạp quít và hàng dây dài những buồng chuối treo lủng lẳng quả xanh, quả chín chưa pha ra từng nải.
    Nói là chợ trái cây thực ra vẫn chưa xứng với số lượng khổng lồ vơi rồi lại đầy ngay cứ như một rừng cây quả nhiệt đới giữa lòng thành phố ấy là chưa kể đến những núi dứa chín chiếm hết cả hai bên lề đường kéo dài hàng vài ba trăm thước trên trục đường Đồng Nai ?" Vũng Tàu, Đồng Nai ?" Sài Gòn, mùi dừa ngan ngát đưa hương làm ?othơm? cả một vùng trời.
    Người xứ lạnh phương Tây lần đầu tới Việt Nam cứ sững sờ trước thiên đường quả lạ xứ nóng tới mức ngạc nhiên say mê rồi vội tìm kiếm mua ăn đến no nê.
    Trái cây Nam Bộ có từ vị ngọt đến vị chua và cay luôn là món thông dụng của mọi nhà, mọi người. Hầu hết các hộ ở nông thôn hay ngoại ô thành phố đều có trồng vài ba khóm chuối, vài cây ăn trái để ăn và đem bán. Người ở đô thị không có đất trồng vườn thì tuỳ người, tiền ít đến mùa mua dăm trái, khá hơn mua cả chục, cả giỏ để ăn dần là rất bình thường.
    Nam Bộ ở vùng cận nhiệt đới, đất ruộng phần lớn là chất phù sa, nhiều nơi có nước ngọt quanh năm nên hợp với nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng như bưởi Biên Hòa, cam Cái Bè, mận Trung Lương, vú sữa Lò Rèn, măng cụt Cái Mơn, Lái Thiêu, Long Thành, dưa hấu Gò Công, Trà Vinh, Tây Ninh, thơm Cà Mau?
    Đó là do công lao nhiều thế hệ. Người Nam Bộ có ít nhiều kinh nghiệm về trồng cây ăn trái, biết dựa vào đặc điểm của địa phương mình về đất, nước, giống. Cho nên hình thành các ?olõm vườn? lớn có, nhỏ có ở khắp mọi nơi tạo ra các loại đặc sản hoa quả nói trên.
    Ngôn ngữ trong giới nhà vườn rất đa dạng. Riêng tên gọi trái cây có thêm trái tráng, trái trăng, hoa quả, rồi sinh trái, ra trái, sai trái, xấu trái, tốt trái, lớn trái, nhỏ trái, đều trái, trái dài, trái tròn, trái đẹp, trái non, trái già, trái quá lứa, trái đúng lứa, trái sớm, trái muộn, trái sai, trái oằn, trái đèo, trái đẹt, trái điếc, trái giàu, trái nghèo, trái chiêng (trái lần đầu), trái hằng niên?
    Ấy là chưa nói đến trái xanh, trái chín, trái rụng, trái nẫu, trái thơm, trái thúi, trái sót, trái mập, trái còi, trái to đùng, trái bé xíu.
    Sang việc mua bán, nhà vườn lấy chục làm đơn vị. Có nơi một chục không phải là 10 như miền Bắc mà là 12, 14 hay 15, 16, 17 thậm chí đến 20 trái một chục. Đó là nét sinh hoạt kinh tế thị trường đã có từ lâu? để làm sức mạnh cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.
    Ngày trước cũng như bây giờ, trên thị trường trái cây thường có mặt các loại quả nước ngoài như cam, táo, lê, nho hồng, xá lị, chà và nhưng trong những ngày tết thì dưa hấu, bưởi, chuối, cam, thơm vẫn là sản phẩm đồng bào ưa chuộng, bởi chúng luôn mang đậm hương vị tết miền Nam.
    [​IMG]

Chia sẻ trang này