1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

[Đại Hội VI] Hợp tuyển văn học box Du lịch 2011.

Chủ đề trong 'Kho tư liệu của Box Du lịch' bởi xttran23, 03/09/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. imemun

    imemun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/11/2009
    Bài viết:
    27
    Đã được thích:
    0
    DẤU CHÂN ĐỊA ĐÀNG


    Cuộc đời này dù ngắn, nỗi nhớ quá dài…
    Hạnh phúc nào mà lại chẳng hư hao?
    Những dấu chân đi tìm hạnh phúc, đi theo nỗi nhớ đến bất kỳ nơi đâu, để con đường dài tưởng chừng như vô tận…

    Với tôi, hạnh phúc thật giản đơn, chẳng cầu kỳ như khi tôi chọn 1 cái áo mới. Theo thời gian, cái tôi gọi là Hạnh phúc cũng dần thay đổi. Người ta hay đặt ra những tiêu chuẩn, những yêu cầu này nọ và khi đạt được nó thì người ta mới cho mình là Hạnh phúc. Khi cuộc sống càng ngột ngạt thì Hạnh phúc lại càng khó nắm bắt. Từ bao giờ, hạnh phúc của tôi được đong đếm bằng những Dấu chân để lại trên mỗi con đường tôi đi. Hạnh phúc gắn liền với sự xê dịch, dù ở dạng nào đi chăng nữa.

    Tôi của những năm còn đi học, 1 con bé gầy nhom, có thể nói là nhút nhát, quãng đường di chuyển xa lắm cũng chỉ từ quê lên trường. Thời đấy, du lịch là 1 từ quá xa xỉ đối với cuộc sống sinh viên chật vật của tôi. Những ngày mới ra trường, tôi tự do và sống bằng sức lao động của mình, dư dả và thoải mái hơn. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc hưởng thụ và refresh bản thân khi áp lực của một người đang trưởng thành ngày một lớn. Tôi chẳng gọi sự xê dịch là đam mê hay cái gì đại loại như thế. Tôi chỉ cảm thấy mình thực sự tồn tại khi xê dịch. Tôi như tìm thấy tôi của những ngày xưa cũ, được sống với đúng bản ngã của mình, dù là dưới 1 lớp vỏ bọc hoàn hảo hay trần trụi giữa nắng, gió và mây trời. Nơi những miền đất lạ, tôi thấy lòng mình thanh thản đến lạ lùng.

    Tôi đi tìm hạnh phúc…

    Đã có những thời điểm tôi hoàn toàn mất phương hướng, tôi cho mình là kẻ bất hạnh, thậm chí có những lúc tôi hận đời. Sau những thất bại trong cuộc sống, trong chuyện tình cảm, tôi dường như muốn buông xuôi tất cả. Và tôi đi tìm quên nơi những miền xa lạ, nơi chưa-từng-tồn-tại-tôi-của-ngày-cũ. Tôi không rõ mình tìm thấy những gì. Tôi chỉ tìm thấy rằng, mình ko thực sự thảm hại như mình nghĩ. Tôi tìm thấy những người kém may mắn hơn mình, tôi tìm thấy niềm hi vọng trong đôi mắt thơ ngây của những em bé người dân tộc gùi đá ở chân cột cờ Lũng Cú. Tôi tìm thấy niềm tin của con người khi đứng trước thiên nhiên khắc nghiệt, tôi tìm thấy niềm hạnh phúc giản dị của cô gái H’Mông trong bộ quần áo mới. Và, tôi soi lại mình…

    Tôi đi… vì nỗi nhớ quá dài

    Tôi nhớ cái lần đầu tiên đi phượt, chuyến đi mà theo người ta gọi là hành xác. Tôi đã trải qua 1 đêm dài lạnh lẽo giữa đồi chè, tôi ngủ trên nền đất ẩm ướt, dưới làn sương dầy đặc, ấy vậy mà đêm ấy tôi lại ngủ ngon, giấc ngủ không quá dài nhưng không hề mộng mị như những đêm ngủ trong chăn ấm ở nhà. Đón tôi vào buổi sáng hôm ấy là bầu không khí trong lành, là ánh nắng buổi sớm dịu nhẹ. Tôi đứng trên cao, phóng tầm mắt ra xung quanh ngút ngàn, lơ đễnh nhìn nắng sớm dát vàng lên những thảm lụa xanh mướt mát. Tôi không nhớ lúc đó trong lòng mình nghĩ gì, phải chăng là một sự bình yên tuyệt đối, phải chăng là tôi tạm thời quên đi cái không khí ngột ngạt ở thành phố nơi tôi đang chạy trốn, để khi trở về tôi đã mang trong lòng một nỗi nhớ và biết rằng mình sẽ trở lại nơi đây nhiều lần nữa

    Nỗi nhớ đưa tôi về miền đất cằn cỗi mà nhựa sống vẫn tuôn trào. Miền đất đó, chưa đi hết đã biết mình sẽ nhớ. Chưa về đã biết mình còn phải quay lại. Tôi nhớ những con đường ngoằn nghèo đầy cá tính, góc cạnh nhưng vẫn mềm mại, duyên dáng. Những con đường dù xấu hay đẹp đều mang trong mình những tâm trạng khác nhau, cũng giống như những kẻ lang bạt chúng tôi, mỗi người đều giữ cho mình những cảm xúc riêng, không hẳn là giống nhau. Tôi thích những gì đa diện như thế.

    Nỗi nhớ đưa tôi đến với mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, nỗi nhớ kể cho tôi nghe về những con người bình dị, nghe tiếng xưng hô "con - cô", "con - chú" tự nhiên như hơi thở, lòng cảm thấy ấm áp lạ thường. Một nụ cười với những người xa lạ dễ dàng đến ngạc nhiên, lời hứa hẹn sẽ quay trở lại tự nguyện thốt lên từ đáy trái tim. Đôi khi, một sự gặp gỡ tình cờ cũng là một cái duyên trong cuộc đời.

    Có những đêm, trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ hồ nhớ về những con đường mà tôi đã đi qua. Tôi mơ thấy mình đang đứng ở nơi lưng chừng núi, một mình, đơn độc, dù cho chuyến đi nào tôi cũng có những người bạn đồng hành. Tôi đứng đó, giữa một bên là núi, một bên là vực, xung quanh tôi làn sương mỏng mờ nhạt thả trôi. Lạnh! Thật lạ, tôi không thấy mình sợ hãi, chỉ thấy đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Tôi nghĩ về những thất bại của mình, tôi nghĩ về sự kỳ vọng của bố mẹ, tôi nghĩ về những người đã làm tôi đau... Ai đó đã nói rằng, hạnh phúc không phải là đích đến, mà là những trải nghiệm trên mỗi con đường chúng ta đi. Dẫu đó là những con đường láng mịn hay xấu xí, con đường đầy gió và bụi. Nhưng cứ đi miết đến cuối cuộc hành trình sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đã trải qua, hiểu và cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng ta trên những chặng đường dài.

    Tôi là thế, cứ quay cuồng trên con đường đi tìm hạnh phúc. Con đường dài và rộng. Tôi nhìn thấy bóng của chính mình đổ dài trên những con đường xa tít tắp, mải miết…
  2. IG_Shit

    IG_Shit Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/06/2003
    Bài viết:
    2.201
    Đã được thích:
    1
    Uầy, có bài trên Tuyển tập là được nhận quà à, sao mấy năm trước a có bài mà chả thấy động tĩnh gì nhỉ [r23)]

    Thôi thế cho a đăng ký quả "Bản tụng ca Tình Yêu bên hồ Mạc" để kỷ niệm dịp quay lại Cúc Phương nhá. Coi như là món quà tặng cho các đôi lứa đã có những phút giây sung sướng thăng hoa tại ĐH lần 4, nhỉ [r32)]
  3. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    Đi tứ xứ rồi, có ngày trở về để "Phượt" Hà Nôi, để yêu hơn mảnh đất này.


    Có đám mây mùa hạ, vắt nửa mình sang thu

    Bất chợt sau cơn mưa ồn ã cuống cuồng cuối chiều, vệt nắng hửng vội vàng tươi tắn trên những con phố và cơn gió vô tình đuổi bắt đám lá phượng vàng mảnh mai. Bất chợt, mùa sang. Bất chợt, thu về!

    Tháng 7, những cơn mưa cuối chiều cứ vội đến rồi vội đi ngay. Không giống như những cơn mưa giông của mùa hạ, những trận bão với gió và mưa quật đám cây cối nghiêng ngả, bầu trời cứ sũng nước, sầm sì nơi cuối chân trời. Mưa thối đất thối trời. Mưa làm muốt những hàng cây trơ trụi khẳng khiu vì cái nắng hè oi ả. Ngoài chợ, đã thấy vắng bóng những trái sấu xanh tự lúc nào. Các bà các chị đã gửi chút quà của mùa hè Hà Nội vào miền Nam xa xôi từ những ngày đầu hè. Trên những cánh đồng xanh mát, những hạt lúa đã ngậm đòng, hương lúa đã thơm ngát trên mọi ngả đường. Những hạt cốm xanh thơm trong chiếc lá sen, vắt mảnh một gốc rạ óng ả. Gánh quà quê sớm có mặt trong mỗi con ngõ, trên đôi vai tần tảo gánh gồng của các chị hàng chợ sớm khuya.

    Chiều nay, các bà các mẹ trở về nhà sớm hơn thường lệ. Tháng 7, những ngày ông Ngâu bà Ngâu gặp được nhau, nước mắt cứ mừng mừng tủi tủi, nước mưa cũng theo thế mà tầm tã đêm ngày. Tháng Ngâu, không có việc gì lớn làm trong cái tháng mưa gió sụt sùi này. Mọi việc, để chờ qua tháng mưa tháng gió mới tiến hành. Mưa cứ trút đêm ngày. Thành phố ngập trong những cơn mưa không ngừng. Rằm tháng 7, mâm cúng ngoài sân đã sắp xếp đâu vào đấy. Mẹ thắp nén nhang, lầm rầm khấn vái cho ngày Vu Lan - ngày xá tội vong nhân, tha thứ tội lỗi để những linh hồn dưới cõi âm được siêu thoát về nơi cực lạc.

    Tan những cơn mưa tháng 7, bầu trời trong trẻo đến lạ thường. Một màu xanh bất tận trải dài trên nền trời, cứ như thể có đứa trẻ nào vô tình thích tô màu tranh, làm một vệt màu từ đầu này sang đến tận đầu kia của bầu trời. Trời lại xanh, nắng lại vàng như mật trên các con phố. Mùa sấu đi qua, mùa hoa sữa âm thầm ghé qua. Bất chợt một buổi tối đi bên anh trên con phố quen, hương hoa sữa dìu dịu đầu phố nhẹ nhàng đáp xuống đôi vai gầy. Se sẽ rung mình vì lạnh. Đêm tĩnh. Nghe rõ tiếng gió và tiếng sương đêm len lén lướt qua phố. Sương đã xuống, con đường lúc mờ lúc tỏ dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn khuya. Hương hoa sữa, hương ngọc lan, hương dạ hương làm đêm đặc quánh, sâu thẳm, hun hút. Tưởng như vạn vật đều quánh lại trong sương đêm. Ánh đèn le lói hắt qua cánh cửa sổ khép hờ. Đôi chim sâu rung rúc đôi cánh, gục đầu vào nhau mà ngủ. Đôi cánh nhỏ ẩm sương đêm. Tiếng nhạc dập dìu, tình tứ. Một bản nhạc trữ tình, sâu lắng. Hà Nội của những ngày mới hiện đại dường dừng lại nơi cánh cửa sổ bên ngoài. Một chiếc lá vàng thảng thốt lìa cành, rơi “tõm” trong không gian tĩnh mịch.

    Thời tiết đã lạnh vào mỗi buổi sớm và khi đêm về. Ngày thu lao xao nắng, đêm thu lao xao gió. Nắng khẽ khàng hơn. Lặng nghe trong gió, có thấy tiếng rao xao động cuối con đường? Có thấy tiếng gió đùa đám lá vàng chạy trên phố, tiếng nắng rổn rang rạo rực. Hàng bưởi đung đưa những trái chín, hương ổi thơm trong gió và trái thị đã có mặt trong phiên chợ chiều nay. Nhanh lắm, những chiếc bánh nướng bánh dẻo đã bắt đầu bày bán trong những chiếc tủ kính lấp lánh. Phố hàng Mã lại ngập tràn màu sắc của đèn ông sao, đèn Táo quân, của mũ miện công chúa, mặt nạ, trống cơm. Lũ trẻ lại tíu tít nắm tay nhau rước đèn trông trăng. Mâm cỗ lại chất đầy ổi, hồng, na, bưởi. Đàn lợn bánh nướng nằm lim dim mắt trong chiếc rọ xinh xinh. Chú chó bưởi vẫy vẫy đôi tai hồng. Trung thu đầu tiên của bé, tùng tùng rinh rinh! Rinh rinh tùng tùng!

    Thu đến nhanh rồi đi nhanh. Có khi chưa kịp biết thu sang, mùa đông đã sầm sập sau lưng. Thu khiến kẻ si tình lãng đãng. Khiến kẻ khô khan cũng cảm thấy mình “tình” hơn. Nắng cứ hanh hao! Gió cứ xôn xao! Hoa cúc vàng rung rinh trong nắng thu, sau lưng xe người kẻ chợ. Hàng cơm nguội đã chuyển sắc. Hồ Tây mênh mang trong màn sương đêm kì ảo. Đám hoa sen kiêu ngạo của mùa hè giờ giấu mình rũ cánh. Đấy là thu đã sang, đấy là mùa đã tới. Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa luân chuyển. Thu mang theo vẻ đẹp rực rỡ, mang theo cả nét buồn man mác. Kẻ đa tình chiều nay ngồi nán lại bên khung cửa sổ mùa thu, nghe tiếng nắng nhảy nhót trên song sắt, nghe tiếng gió vồn vã rối bời mái tóc, nghe giọt cafe chậm rãi thả hồn nơi đáy cốc, ánh mắt đong đầy những nhớ thương.

    Rồi mùa sẽ sang!
  4. LastWalkman

    LastWalkman Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/02/2008
    Bài viết:
    4.483
    Đã được thích:
    7
    Để khuyến khích chất lượng Hợp tuyển thôi anh.
    Cái bản tụng ca của anh có vẻ thai nghén 2, 3 năm nay vẫn chưa ra đời à :D
  5. IG_Shit

    IG_Shit Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/06/2003
    Bài viết:
    2.201
    Đã được thích:
    1
    Thằng này chít mắt à, năm đấy về cái là a đăng ngay rồi. Còn nhớ hôm đi tổng kết cả bọn nhà Hoa Hồng, có một chú e cứ ra cám ơn a suốt, tâm đắc lắm, bảo ko ngờ chuyện bọn e năm đấy bác cũng viết ra được. Thấy nói năm đấy bị sét đánh bên hồ Mạc, giờ ko khéo tụi nó lấy nhau, con chắc cũng phải được hơn tuổi rồi í chứ [r24)]

    Để a về tìm lại rồi pót lên, chả nhớ vứt đâu rồi [:D][:D]
  6. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Ừ ,cái Bản tụng ca của chú Sít ổn đấy. Gì thì cũng là mốc đánh dấu 1 kỳ ĐH hoành tráng của box DL .
  7. IG_Shit

    IG_Shit Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/06/2003
    Bài viết:
    2.201
    Đã được thích:
    1
    Hí hí anh già đã bảo thì nhất định tối nay e mò về lục lại quả Tụng ca í để post lên [r2)]
    Ku Thành, e gà, e Rosy năm nay lại cho a có cơ hội lên Tuyển nhé [r32)]
  8. LastWalkman

    LastWalkman Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/02/2008
    Bài viết:
    4.483
    Đã được thích:
    7
    Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 st1\:-*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}
    Simacai nở hoa

    Khác với chuyến đi điểm danh và vạch dấu những miền đất lạ, hành trình bốn ngày lên đỉnh cao thứ hai của đất nước này là một trải nghiệm khó quên.

    Chuyến đi bắt đầu
    Chuyến xe ậm ạch từ thung sâu Lào Cai bắt đầu chuyển mình để đưa đoàn khách cả Ta, cả Tây lên với những triền cao Tây Bắc khi ngày mới vừa bắt đầu. Lái xe là một người đàn ông đã cũ (tôi thích gọi thế khi nhìn vào khuôn mặt nhăn nheo và bộ quần áo nhàu nhĩ, dày cộp như trấn thủ của ông) nhưng nói được đến ba ngôn ngữ bồi. Đánh mạnh vô lăng làm bánh xe chao kin kít, bác xế quay lại làm dấu với đôi vợ chồng người Thụy Điển:
    - Bắc Hà, two you, two hundreds thousand Dong.
    Ông Tây Balô tròn mắt, í ới mặc cả. Nhưng tất cả đều vô hiệu khi gặp cái lắc đầu kiên định của người đàn ông Việt. Chột dạ, chúng tôi mau mải giở vội tấm bản đồ dò đường lên Bắc Hà: 60km = 200.000 đồng. Lầm bầm tự nhẩm, chuyến hành trình lên Simacai của chúng tôi dài những 100 cây số, đường lại khó đi, chắc cũng mất kha khá. Nhưng thật may, hình như những bác xế Lào Cai chỉ quen “chém đẹp” du khách nước ngoài mà thôi. Còn với người Việt – Mông mình thì giá lại rất hữu nghị: 80.000 đồng cho hai người trên một cung đường ruột ngựa đo bằng bốn giờ xe chạy.
    Thế là vừa thở phào nhẹ nhõm, vừa thấy áy náy vô cùng với những vị khách Tây cứ ngoắc ngoắc mình lại mà bảo, đại ý: Các bạn có thể viết về những du khách bị phân biệt đối xử như chúng tôi này.
    Cung đường ô tô của những người phụ nữ Mông váy đỏ
    Xe chạy được một tiếng thì bắt đầu chạm ngõ đất người Mông. Chuyến ô tô đầu tiên trong ngày là cơ hội để những thương lái người dân tộc ôm theo những sản vật của mình lên Cán Cấu cho kịp chợ phiên nên chỉ một lúc đã thấy chật ních từng đoàn người Mông tay cắp chặt con lợn đen bụng phệ. Nhìn họ ôm lợn chặt hơn cả ôm con (người Mông chỉ có thói quen ôm lợn, còn con cái thì địu ở sau lưng) những du khách lạ mắt cười hồn nhiên, thi nhau chụp ảnh.
    Thế đấy. Những người quen ngắm cuộc sống Tây Bắc này từ điểm nhìn lạ lẫm sẽ chỉ hiểu họ đến thế thôi. Mấy ai biết đằng sau đấy là cả những đắng cay và khổ đau không dứt được. Ôm lợn chặt hơn ôm con, nghĩa là ngay từ bé xíu, cuộc đời của những em bé người Mông đã bị mặc định gắn vào những buổi chợ, những cuộc mặc cả, những bán mua và cái nhìn soi mói của người lạ mặt. Nghĩa là, trong suy nghĩ giản đơn của họ, số phận con người cũng như cỏ cây, loài vật. Chỉ đến thế mà thôi.
    Chuyến xe bỗng chốc ồn ào hẳn lên bởi hàng chục chiếc váy xòe hoa đỏ của người Mèo lưng núi, những gương mặt nhăn nheo gần như tạc tượng. Mùi khói thuốc nồng nồng, phảng phất hương chàm ngai ngái khiến người quen đi xe dưới xuôi phải mở tung hết cửa. Chiếc ô tô vẫn ung dung băng trên cung đường của mình.
    Bác xế cho biết, từ năm năm trở lại đây, người Mông mới biết đến việc ngồi ôtô lên Cán Cấu chứ trước đó chỉ cần thoáng nhìn thấy bóng xe chạy tới là họ sợ hãi tránh xa. Và cứ thế, như thể muốn thi gan với cái lạnh cắt thịt da miền sơn cước, chỉ bằng chân trần và váy đỏ, những dáng người đàn bà cứ lầm lụi bước đi. Khi đó, với họ tiền đi ôtô một lần bằng cả một tháng làm lụng vất vả trên rẫy vậy.
    Cô bạn bên cạnh nghe xong câu chuyện, tròn xoe mắt, quay sang thủ thỉ: “Họ đi ôtô như mình đi máy bay ấy nhỉ?”.
    Bài ca bất tận của núi đá tai mèo
    Xe ậm ạch, dỗi hờn bò chầm chậm lên đỉnh Si, thả dần mấy tay Tây ba lô dọc đường đi và đón thêm “khách quen” người Mông với thứ tiếng nói lảnh lót như chim hót.
    Qua Bắc Hà, xe chỉ còn người Kinh và bắt đầu chạm vào cái mù khơi đầu tiên của đá núi. Tai người ù đặc đi và tầm nhìn hạn chế còn chừng 2m trong sương.
    Trên tấm địa đồ xứ miền Tây hiếm hoi tìm được, Sapa với Phanxipăng đứng kiêu hãnh một phía của Lào Cai như đỉnh đầu anh cả. Còn Simacai, thấp hơn một chút – đỉnh cao thứ hai Đông Dương thì mù sương và cô đơn đến nao lòng. Chắc cũng vì lẽ đó mà Si đem lại cảm giác huyền bí và xa xôi hơn vạn lần so với Sapa “du lịch”.
    Để bắt đầu hành trình lên Si, du khách phải xuất phát từ “cái rốn” Lào Cai. Cung đường đi dốc đứng và lê thê. Khác với mật độ dày đặc hai phút một chuyến xe đi Sapa cùng các bác tài nói tiếng Tây như gió, một ngày, để lên Si chỉ có ba chuyến ô tô kềnh càng với những người lái xe trông như dân tộc.
    Chúng tôi đến đây vào mùa đông. Từng cung đường bẻ ngoặt trong sương mù, cheo leo như đi trong truyện cổ. Cửa kính mờ mờ hơi sương. Thỉnh thoảng gặp chút nắng le lói rọi xuống thung sâu một mảnh nhỏ màu cam, ánh qua lớp sương mờ tạo nên những chân cầu vồng bắc từ bên này đường nhựa sang tận bên kia đường đất. Cây cầu huyền thoại của thiên nhiên tự thân nó đã nối nhịp hai nền văn hóa: người Kinh mình với đường dài có cây số chỉ và người Mông với chân trần đo đường đất.
    Càng lúc, chiếc xe càng trở nên khó nhọc khi leo qua những triền núi cong mà tên mảnh đất nghe như miền viễn xứ: Pha Long, Cán Cấu, Tả Chư Phìn,… qua những lũng không sâu lắm bạt ngàn màu hoa đào núi sớm nở. Cảm giác đi trên con đường một bên là vách núi đá đen dựng đứng, bên kia là bạt ngàn hoa và thung sâu thật lạ.
    Phiên chợ truyền thuyết
    Lên Si vào đúng phiên chợ cuối tuần, chúng tôi được chứng kiến một Tây Bắc nở hoa bằng những váy xanh áo đỏ, thứ xôi nếp màu mè mà miền xuôi không thể có.
    Chợ Si mở vào tờ mờ sáng. Khi mặt đất vẫn đầy sương và giá, đồng bào Mông, Dao và Hoa bỗng cùng một lúc tứa ra từ những quả đồi vắng, đi lại nói cười nói rổn rảng. Nhiều khi ra chợ sớm không để bán mua mà chỉ thỏa cái thú ngắm nhìn người ta bầy hàng và cảm nhận về sự khác biệt của đồng bằng và miền núi, của Si thấp và Sapa cao.
    Người dân tộc bày những gùi hàng theo khu riêng biệt: lợn và trâu ở mé Đông; vải vóc, thổ cẩm ở trung tâm và những món ăn miền Tây ở mạn Bắc. Sau 4 giờ sáng, chợ bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Vào chợ sẽ rất khó để chen ra, phần vì người quá đông, phần vì du khách cũng không muốn đi vì nào hương, nào sắc, nào tình cứ vảng vất níu chân. Váy hoa Mông nặng và dày biến cả khu chợ Si thành núi hoa, chợ hoa với từng đời hoa riêng biệt.
    Leo trong cảm giác lung bung ấy thêm hai tiếng thì vào hẳn đến Si. Người mệt bã, chúng tôi lật đật xách đồ vào nhà của những giáo viên vùng cao cắm bản.
    Nỗi buồn con chữ
    Chúng tôi bắt chuyện:
    - Lúc ở chân núi, em có gặp lũ trẻ Mông không có quần áo mặc. Hỏi có đi học không, chúng bảo đã nghỉ lâu rồi vì không có gạo nộp. Hỏi có biết viết tên mình không, các em cũng lắc…
    Các cô bảo đó là mặt trái của cái gọi là lớp học dân nuôi trên mạn ngược. Dân nuôi được mấy hồi khi gạo ăn còn không đủ bữa. Cái chữ đến được mấy hồi khi đá núi, mây mù cứ luẩn quẩn lấp đầy tầm mắt người Mông.
    Cô Cẩm, giáo viên cắm bản 20 năm trỏ lên đỉnh đá đen biên giới nghèn nghẹn nói rằng: “Học sinh ở đây cứ như con thú rừng. Học năm này, mình lại sợ năm sau chúng bỏ đi. Ăn uống chỉ có rau và ngô cứng. Cái chữ gieo vào đầu rồi, nảy lên rồi cũng sẽ tuột hết ra khi hết gạo”.
    Chúng tôi bỗng thấy mình vô tâm tận cùng khi leo lên Si để tìm một – chỉ một thôi – trái tim Đankô cháy cho người Mông biết chữ. Bởi ở đó thật ra còn có cả một làng Đankô, một thế hệ Đankô mang tuổi trẻ đánh đu cùng sương mù Tây Bắc.
    6 giờ chiều.
    Cưỡi xe máy chồm chồm vào Bản Mế. Điện không đến nơi nên khắp cả quả đồi chỉ thấy đèn dầu lấp lóe. Trường Sín Chéng 1, nằm giữa khu đất trống. Trong căn phòng tênh hênh không cửa, lại một câu chuyện khác khiến những người trẻ miền xuôi giật thót.
    - Các chị ở đây hình như không biết đến tình yêu đúng nghĩa.
    Đôi mắt sâu thăm thẳm của cô giáo Yên Bái chùng xuống như màn sương lạnh buốt. Giáo viên cắm bản, nghĩa là mấy năm không về quê một đợt, nghĩa là cheo veo mãi cùng đá tai mèo và trẻ Mông. Những mối tình của tuổi trẻ không thể kiên gan cùng năm tháng và đá cao, núi lạnh. Họ cứ già đi cùng con chữ, cùng đôi mắt đăm đắm khôn nguôi của mình.
    Đốt một ngọn lửa trong đêm. Nhà có khách, không ai ngủ được, các cô đều trở dậy, kể rất nhiều về tình yêu của mình.
    Những người phụ nữ đang ngồi trước mặt chúng tôi, rất thật. Cả câu chuyện của cô cũng vậy. Nhưng sao cảm giác về sự tồn tại của họ lai cứ mờ dần đi. Bất giác tôi thấy sợ, rằng họ sẽ chìm sâu sau lớp sương mù của núi rừng và thời gian, sẽ vĩnh viễn bị lãng quên…
    Tôi lại nghĩ về Tô Thị, về 12 bến nước của đời người con gái, về những gì nữa mà tôi không còn nhớ nổi. Nhưng chừng ấy đã quá đủ để nỗi buồn con chữ triền cao thấm lạnh hơn cái rét 5độ C mạn ngược…
    Simacai – nhìn ngược
    Chiếc xe lắc lư dữ dội. Con đường vào Simacai đã lùi xa sau lưng hệt như một sợi chỉ uốn éo giăng mình qua núi. Chúng tôi đã bước ra khỏi biển sương mù ấy, nhưng cái nắng ngọt của vùng thung lũng nên thơ này vẫn không đủ ấm để hong khô được màn sương đang giăng đầy trong mắt. Tây Bắc này còn có biết bao nhiêu nàng Tô Thị?

    Chuyến tàu đêm từ phố Lu lăn mình về Hà Nội. Nhiều người thở phào vì sẽ lại được lướt mạng, xem phim và giam mình trong lòng phố. Chúng tôi lại nghĩ rất nhiều về những câu chuyện đã trải qua. Tây Bắc quyến rũ bởi nó mang trong mình những điều bí ẩn. Không chỉ đẹp với cảnh núi non hùng vĩ rợp mắt người mà còn bởi những câu chuyện tình không ai cắt nghĩa được. Chỉ biết rằng khi soi mình vào đó ta chợt lặng người khi nhận ra một tình yêu quá lớn. Họ đã hy sinh rất nhiều cho nhau và cho cả những người khác nữa.


    Ladycat
  9. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0
    NGHÌN NGÀY ÁO LÍNH...

    Lính tuổi quân-Dân tuổi đời!

    Nếu tính cả 2 tuổi đó thì tôi còn đều quá non trẻ bởi chặng đường đi được mới chỉ là chưa đầy 30 năm tuổi đời và hơn 4 năm tuổi quân. Nghề nghiệp cũng là duyên số, ngày còn nhỏ ở nhà, thi thoảng buổi tối nghe rầm rập ngoài đường chạy ra xem, thấy cả trăm chú bộ đội đang vội vã hành quân dã ngoại đi qua, tôi tò mò, lạ lẫm và cảm thấy khâm phục các chú rất nhiều. Chẳng kể trời mưa trời nắng, ngày hay đêm, cứ khoảng 1 tháng lại thấy các chú bộ đội của T82 (Trung đoàn Chủ lực của Quân khu 2 bảo vệ 6 tỉnh Tây Băc và cơ động 6 tỉnh Bắc Lào) chỉnh tề đội ngũ đi qua. Chú nào cũng ba lô nặng trĩu, súng lớn, súng bé, chăn màn, nồi niêu, xong chảo...thật hùng dũng và oai phong! Lớn hơn chút nữa, tôi được vào trong T82 giao lưu cùng các chú bộ đội khi nhà trường kết nghĩa với đơn vị. Đi qua cánh cổng sắt uy nghi, ngước mắt lên nhìn chú vệ binh cầm súng nghiêm ngắn, chỉnh tề tôi thấy run vì sợ và ngợp...Ông bà tôi là bộ đội chống Pháp ở Điện Biên Phủ nên thi thoảng cũng kể cho tôi nghe những câu chuyện thời chiến tranh thật hào hùng bi tráng. Ngày ông ngoại chưa mất, mỗi khi có dịp chở ông xuống nhà mấy ông bạn cựu chiến binh chơi, tôi cảm động lắm. Hơn 80 tuổi rồi, ai cũng già, yếu nhưng tình cảm, lý tưởng sống của những người lính, người đồng đội năm xưa vẫn y nguyên...Tuổi thơ đi qua, cho đến tận khi học hết đại học tôi cũng có nhiều kỷ niệm và ấn tượng về bộ đội nhưng trong tâm thức chưa hề có suy nghĩ đến ngày nào đó mình cũng trở thành một người lính...

    Thế rồi cuộc sống dẫn đưa, tôi đến với bộ quần áo lính cũng tình cờ và nhanh chóng! Kể từ ngày đầu tiên (7-4-2008) bước chân qua cánh cống của Trường Quân chính Quân khu Thủ đô ( đóng tại Sơn Tây-Hà Nội) cho đến bây giờ cũng đã tròn 3 năm. Hơn nghìn ngày áo lính quả thật là quá ít ỏi và non kém nhưng cũng đã bồi đắp cho tôi thêm nhiều hành trang, bản lĩnh cũng như những kỷ niệm và tình cảm của bộ đội ở mỗi miền đặt chân qua! Đó là những ngày lang thang đi bộ, dầm mưa cả tuần trời trong mưa bão khắp huyện Bát Xát - Lào Cai cùng bộ đội T82, biên phòng Lào Cai, Đoàn KTQP 345 khi cơn bão số 4-2008 đi qua gây lũ quét trôi tan thôn Tùng Chỉn... Đó là những đêm ăn lương khô, đi xuồng vật lộn với lũ trong bão số 6 -2008 cùng bộ đội Lạng Sợn để cứu dân khi nước nhấn chìm thành phố....Đó là khi chìm nổi giữa mênh mông sông nước Hoàng Long cùng bộ đội Trung đoàn xe tăng 202 bảo vệ đê Lạc Khoái; Đó là khi gồng mình trong bùn lầy cùng biên phòng Lai Châu để đưa người dân khỏi vùng lở đất ở Tung Qua Lìn - Phong Thổ; Đó là khi ngồi máy bay trực thăng cùng bộ đội không quân bay khắp 5 tỉnh miền trung để cứu dân và tiếp tế lương thực trong bão số 9-2009; Đó là khi bỏ dở đêm giao thừa cùng bộ đội T82 ở Điện Biên để chuyển trạng thái đi chữa cháy rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn; Đó là khi tê tái trong sương giá cùng biên phòng Lào Cai đi khắp Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai ... giúp bà con chống rét trong những ngày miền bắc đại hàn...Không chỉ khi thiên tai, thảm họa mà ngay trong buổi an bình tôi lại được cùng ăn, cùng ở với bộ đội khắp các đồn biên phòng, các đoàn kinh tế, các đơn vị chủ lực của miền biên giới phía bắc. Từ Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...đến Trường Sa thân yêu, ở nơi đâu các anh cũng vậy, vững vàng, kiên trung mà khiêm tốn, giản dị vô cùng.!

    Cuộc đời còn nhiều biến thiên không biến trước, nhưng những ngày mặc áo lính cầm bút lang thang khắp miền đất nước đã cho tôi thật nhiều điều quý giá! Xin chia sẻ và cảm ơn những đồng đội, đồng chí, anh em bộ đội đã cùng gặp nhau trên quãng đường quân, đường đời! Mong mọi sự tốt lành đến với tất cả mọi người!
  10. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0
    1

Chia sẻ trang này