1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đàm luận về sự tự do

Chủ đề trong 'Tâm Lý Học' bởi tuonghoangnam4488, 22/03/2019.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tuonghoangnam4488

    tuonghoangnam4488 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2014
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    12
    Tự do là gì? Bạn hãy vẽ bất cứ thứ gì lên một trang giấy, thử vẽ thứ gì đó thật nguy hiểm như một con quỷ chẳng hạn. Trang giấy nhắc cho bạn nhớ rằng con quỷ kia chỉ là một hình vẽ và nó không thể làm hại bạn. Bạn tự do với nó. Vậy thì khi nào bạn sẽ tự do được với thế giới này? Tất nhiên là khi cả thế giới này đều nằm trên một trang giấy nào đó. Từng có khái niệm vật lý rất giống với “trang giấy” của thế giới như khái niệm về môi trường ether, nơi mà mọi hoạt động vật lý diễn ra trên đó. Lý thuyết dây (tơ trời) của vật lý học hiện đại cũng ám chỉ về trang giấy này. Dù trang giấy của thế giới có là cái gì đi chăng nữa thì để tự do được với mọi mối nguy trong cái thế giới này, bạn phải bám víu được vào cái trang giấy ấy.

    Nếu tồn tại trang giấy của thế giới, vậy mọi thứ có phải đều chỉ là các tác phẩm nghệ thuật, kể cả các nguyên tắc vật lý hay không? Giữa 2 điểm bất kỳ trong không gian luôn tồn tại tiềm ẩn một đoạn thẳng. Dù bạn có vẽ đoạn thẳng nối 2 điểm này ra hay không thì sự tồn tại của đoạn thẳng này vẫn là một sự tất yếu. Các quy luật, nguyên tắc vật lý cũng như những đoạn thẳng này, đã luôn tiềm ẩn sẵn trong không gian vũ trụ bao la này rồi. Nếu bạn vẽ 2 đoạn thẳng song song với nhau nhưng trái chiều với nhau thì chúng ta có 2 quy luật vật lý trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau. Có những đoạn thẳng xuất hiện trước, đoạn thẳng xuất hiện sau, và những quy luật cũng thế. Bạn không nhìn thấy một quy luật nhưng không có nghĩa là quy luật đó không tồn tại. Nó luôn ở đó, là đoạn thẳng tiềm ẩn giữa 2 điểm. Chính niềm tin và nỗ lực hành động của bạn làm cho đoạn thẳng này chính thức được vẽ ra, làm cho quy luật đó chính thức xuất hiện. Vậy phát minh của một nhà khoa học thì có lẽ cũng giống như một họa sĩ sáng tác ra một bức tranh mà thôi. Như Picasso từng nói: “Mọi thứ bạn tưởng tượng ra được đều là sự thật”.

    Nếu quy luật cũng chỉ là tác phẩm nghệ thuật, vậy có Chúa và thần linh chi phối cuộc sống của chúng ta không? Mọi thứ bạn tưởng tượng ra được đều là sự thật. Vậy bạn cứ thử tưởng tượng ra các vị thần ấy xem. Nếu sản phẩm tưởng tượng của bạn càng hợp lý thì khả năng các vị thần ấy có thật càng cao. Một người họa sĩ cần bao nhiêu đồ nghề để vẽ một bức tranh: giấy, bút vẽ, màu, và tất nhiên có thể cần cả cục tẩy nếu anh ta vẽ tranh chì. Hãy thử nhân cách hóa tất cả những đồ nghề vẽ này lên, bạn sẽ thấy họ tượng trưng cho các loại thần linh có thể tồn tại, và đang chi phối cuộc sống của chúng ta. Bút vẽ chính là Đấng Sáng Tạo (The Creator), một vị thần rất quen thuộc. Cục tẩy là Thần Hủy Diệt (The Destructor). Tôi nghĩ hai vị thần này đều là đàn ông còn trang giấy thì sẽ giống một vị nữ thần. Nếu bạn nhân cách hóa cục tẩy và cây bút lên, bạn sẽ thấy cây bút sẽ yêu hình vẽ của mình trên trang giấy, còn cục tẩy thì chỉ yêu chính trang giấy trắng trinh nguyên, và coi tác phẩm của cây bút là vô nghĩa. Màu vẽ thì có thể là các vị thần chịu sự cai quản của Đấng Sáng Tạo, phụ trách từng khía cạnh đặc thù khác nhau trong cuộc sống của con người. Và cuối cùng, trang giấy sẽ là Đấng Tự Do (The Libertier). Có lẽ công việc của Đấng Tự Do là bảo vệ, nhưng không giống như cái cách con người chúng ta quan niệm về sự bảo vệ.

    Bạn nhìn xung quanh là có thể thấy sự hiện diện rõ mồn một của sự sáng tạo và sự hủy diệt, nên nếu bảo rằng có sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo và Thần Hủy Diệt thì là hợp lý. Nhưng bạn có thấy có sự bảo vệ rõ ràng nào dành cho chúng ta không. Không hề! Các thần linh hiện ra bảo vệ con người chúng ta chỉ là truyền thuyết, là mong ước. Toàn là chúng ta phải tự lực cánh sinh chống chọi đấy chứ. Nếu không thì Trịnh Công Sơn đã chẳng than trong bài hát “Này em có nhớ” rằng “Chúa đã bỏ loài người. Phật cũng bỏ loài người”. Cho nên, tôi không nghĩ rằng có Thần Bảo Vệ. Nhưng sự bảo vệ là xuất phát từ lòng trắc ẩn, cái mà con người chúng ta có, chẳng lẽ thần linh lại không có. Vậy có lẽ sự bảo vệ mang tính thần thánh là có thật nhưng chúng ta nên thay đổi cách nghĩ về sự bảo vệ. Nếu mọi thứ trên thế giới này đều chỉ là hình vẽ trên trang giấy, thì kể cả cái gọi là sức mạnh cũng vậy. Để làm hại được người khác, bạn phải có sức mạnh lớn hơn người đó. Châu chấu chẳng thể bắt nạt được bánh xe. Và để bảo vệ một nạn nhân, bạn lại phải có sức mạnh lớn hơn kẻ thủ ác. Như tôi đã nói, nếu bạn nhận biết và bám víu được vào trang giấy, thì những hình vẽ trên trang giấy không thể làm hại bạn, và bạn tự do trước những hình vẽ đó. Nếu sức mạnh là hình vẽ trên trang giấy thì bạn cũng hoàn toàn có thể tự do trước sức mạnh. Sức mạnh chỉ là hư ảo. Lý do bạn sợ sức mạnh là bởi chính bạn cũng là hình vẽ trên trang giấy. Bạn hiện giờ không tự do. Bản thân bạn chẳng có sức mạnh và cũng chẳng cần sức mạnh. Một khi bạn đã bám víu được vào trang giấy và tự do được với sức mạnh, không có gì có thể làm hại bạn cả. Vậy có lẽ điều mà Đấng Tự Do sẽ làm để bảo vệ chúng ta đó là dìu dắt chúng ta đi đến gần với sự tự do. Sức mạnh là không có thật, nhưng sự tự do là có. Chính sự tự do sẽ vô hiệu hóa mọi loại sức mạnh trên đời đối với bạn.

    Chính xác thì làm thế nào để gần hơn với sự tự do? Sự tự do cũng có thể hiểu giống như sự giải thoát khỏi nỗi đau, nỗi khổ sở. Và sự giải thoát này là một quá trình gồm nhiều giai đoạn. Hãy tưởng tượng bạn đang bị kẹt trong một ngôi nhà và lối thoát ra ngoài chỉ là một cái khe khá hẹp. Để thoát ra, bạn sẽ phải cố gắng đưa từng phần cơ thể của bạn ra trước một cách lần lượt. Đầu tiên là đưa một chân qua cái khe đó, rồi đến một cánh tay của bạn, sau đó lách dần người ra khỏi ngôi nhà qua cái khe hẹp đó. Như vậy, để giải thoát bản thân ra khỏi nỗi thống khổ và được tự do, bạn không được coi bản thân như một khối duy nhất mà phải ý thức được bạn gồm có nhiêu phần, và bạn phải đưa phần nào ra trước. Phần đã tự do sẽ tạo thuận lợi để giải thoát phần chưa được tự do. Một cá nhân sẽ gồm 2 phần chính là phần thân xác và phần tâm trí. Tâm trí linh hoạt hơn thân xác nên ta giải thoát phần tâm trí trước rồi đến phần thân xác. Tâm trí lại cũng nên được chia thành nhiều phần với các chức năng chuyên biệt cũng giống như thể xác. Một cách cơ bản, có thể chia tâm trí thành 3 phần: bản năng (instict), ý thức (consciousness), và tiềm thức (subconsciousness). Phần bản năng là phần đặc nhất của tâm trí, phụ trách sản sinh và bài tiết, hình thành phản xạ và thói quen. Tiềm thức là phần loãng nhất của tâm trí, cũng là phần linh hoạt nhất, phụ trách nhận thức trừu tượng, thích nghi, đóng vai trò dìu dắt, hướng dẫn. Tiềm thức có thể coi như phần bộ não của tâm trí với các chức năng tư duy trừu tượng như liên tưởng, trí tưởng tượng, trực giác, đóng vai trò lưu trữ thông tin dài hạn. Phần ý thức, có độ đặc trung bình, thì đóng vai trò tuần hoàn, hô hấp, giống như cơ quan tim, phổi của thể xác. Ý thức phụ trách lưu trữ ngắn hạn thông tin, nhận thức cụ thể bằng ngôn từ, tư duy phân tích, trao đổi thông tin cụ thể một cách liên tục giữa môi trường bên trong và bên ngoài tâm trí, cũng như tuần hoàn thông tin lên xuống giữa tiềm thức và bản năng.

    Phần tiềm thức là phần tự do nhất bởi tính linh hoạt của nó. Nó quá vô hình, trừu tượng nên không thể bị bế tắc dưới bất kỳ hình thức nào, ngược lại với phần bản năng vốn cứng nhắc. Do đó, phần bản năng là phần được giải thoát sau cùng. Quá trình giải thoát sẽ bắt đầu với phần ý thức trước. Ý thức tự do rồi thì giải phóng bản năng sẽ dễ dàng hơn. Phần tiềm thức của mọi người đều đã tự do, nhưng phần này của tâm trí lại có điểm yếu là khả năng tương tác yếu. Một nhà thông thái biết mọi thứ nhưng nói không ai nghe cả. Đầu tiên, bạn phải giúp tiềm thức nâng cao khả năng tương tác với phần ý thức. Hẳn có những lúc một ý tưởng đột ngột xuất hiện trong đầu bạn và bạn cảm thấy phải diễn giải nó ra cho rõ ràng, cho dù lúc đó có đang là giữa đêm, phải không? Thế nhưng nhiều khi bạn đặt câu hỏi và muốn có câu trả lời ngay lập tức thì lại chẳng có ngay câu trả lời. Kết quả làm việc của phần tiềm thức sớm muộn cuối cùng cũng được truyền tới cho phần ý thức. Phần tiềm thức thường đã hiểu ngay lập tức mọi vấn đề và có ngay câu trả lời. Cái khâu mất nhiều thời gian ở đây không phải là xác định câu trả lời mà là khâu truyền đạt câu trả lời. Nếu bạn biết ít tiếng Anh thì khi nói chuyện với một người Anh hay Mỹ, người đó phải mất nhiều thời gian để diễn đạt cho bạn hiểu ý của anh ta/cô ta. Còn nếu bạn nói tiếng Anh như máy thì người nước ngoài đó nói đến đâu bạn hiểu đến đó ngay. Vậy để ý thức có thể hiểu ngay tiềm thức muốn nói gì, ý thức buộc phải học ngôn ngữ mà tiềm thức sử dụng.

    Trước hết, bạn phải để ý thức của bạn hoạt động đúng chức năng của nó là tim, phổi, đừng bắt nó phải làm bộ não nữa. Ý thức phụ trách tư duy phân tích nên chúng ta thường cố gắng tích lũy và xử lý thông tin ở phần ý thức. Nhưng điều này vốn ngược với chức năng thực sự của phần ý thức. Bạn hình dung nếu tim và phổi của bạn bị nhồi nhét, tắc nghẽn thì cơ thể của bạn sẽ sinh bệnh và yếu đi. Do dùng sai chức năng của phần ý thức mà càng già, bạn càng lú lẫn. Ý thức hãy đóng vai trò trung gian, lưu chuyển, tuần hoàn thông tin. Ý thức diễn đạt lại thành lời những vấn đề ở bản năng và phiên dịch lại thành lời những liên tưởng và trực giác ở phần tiềm thức. Để hiểu và phiên dịch tốt lại thông tin ở tiềm thức, ý thức của bạn phải “đi du học” một chuyến ở thế giới của nhận thức trừu tượng, thế giới của liên tưởng, trí tưởng tượng.

    Ngôn từ chia làm 2 lớp nghĩa là lớp nghĩa khế ước và lớp nghĩa liên tưởng. Theo nguyên lý tảng băng trôi, nghĩa khế ước là phần cụ thể, phần nổi, chiếm 30% nghĩa của từ, còn nghĩa liên tưởng là phần trừu tượng, phần chìm, chiếm 70% nghĩa của từ. Điều đó có nghĩa là tác động của lời nói đến tâm lý của chính bạn và người khác sẽ chủ yếu là tác động của liên tưởng chứ không phải của ý nghĩa bề mặt của từ. Vậy bạn cần tìm cách quản lý liên tưởng chứ không phải là tìm cách quản lý logic. Logic giống như những đồ vật mà bạn có thể sắp xếp một cách gọn ghẽ vào tủ, còn liên tưởng giống như những hợp chất hóa học được hòa tan vào nhau trong một bình dung dịch. Quản lý liên tưởng là bạn dùng những ống nghiệm để pha chế, tách và hòa các hỗn hợp dung dịch này vào với nhau để có được hợp chất bạn muốn. Sự quản lý này được diễn ra một cách tự động ở phần tiềm thức. Và tiềm thức sử dụng ngôn ngữ số học, toán học để quản lý liên tưởng chứ không phải ngôn ngữ lời. Bạn hình dung ngôn ngữ lời giống như những chiếc bình đặc, có lớp men tráng ở bên ngoài, khiến bạn không thể quan sát được nội dung ở bên trong. Còn ngôn ngữ số, toán học thì giống như những ống nghiệm thủy tinh, vốn trong suốt và giúp bạn thấy rõ được chất ở bên trong và các hoạt động của chất đó. Do đó, cái ngôn ngữ mà ý thức cần học là ngôn ngữ toán học.

    Tất nhiên, ý thức chỉ cần làm phiên dịch, chứ không phải làm nhà khoa học như tiềm thức, nên không cần phải học quá siêu môn toán. Bạn chỉ cần để ý thức có sử dụng ngôn ngữ toán là được. Và ý thức cũng sử dụng ngôn ngữ toán với chức năng phiên dịch chứ không phải là tính toán. Hiểu nôm na là bạn hãy dịch xem một con số sẽ có thể nghĩa là gì bằng ngôn ngữ lời, và ngược lại, một từ ngữ thì có thể tương ứng với con số nào. Hãy chứa đựng và pha chế các liên tưởng của bạn bằng ngôn ngữ toán học nhiều vào. Bản thân mỗi đơn vị, đại lượng, phép tính toán học vốn chẳng có ý nghĩa sẵn nào, giống như một ống thủy tinh trống rỗng vậy. Chính vì mang tính hư vô như vậy nên ngôn ngữ toán mới không kích thích cảm xúc nhiều. Nhưng tính hư không này lại cực kỳ có lợi cho việc quan sát, nhận thức. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn hãy chia ý niệm làm 2 loại, một loại mang giá trị 0, một loại mang giá trị 1. Đây là 2 con số duy nhất mà máy tính hiểu. Sau đó, lần lượt sắp xếp các khái niệm vào một trong hai loại này. Số 0 ở đây được hiểu như bộ máy chính phủ, còn số 1 là thường dân. Do đó, việc lựa chọn sắp xếp các khái niệm vào ngăn số 0 sẽ mang tính quan trọng như thể việc bầu cử vậy. Với 2 khái niệm mâu thuẫn nhau, bạn có thể xếp một khái niệm vào ngăn số 0, một khái niệm vào ngăn số 1. Ví dụ: số 0 là ánh sáng, số 1 là bóng tối. Nhưng cũng có nhiều khái niệm mâu thuẫn lại cùng bỏ vào ngăn số 1. Ví dụ: số 1 là thắng, số 1 là thua, số 0 là không thua. Vấn đề sắp xếp như thế nào là đúng, thế nào là sai không quan trọng. Khi ý thức cố gắng thực hiện việc sắp xếp liên tưởng này thì sẽ dần nghe hiểu được tiềm thức nhanh hơn. Về sau, mỗi lần bạn đặt một câu hỏi, trong tâm trí bạn liền xuất hiện câu trả lời ngay.

    Ngoài ra, ý thức cũng cần có một ý niệm trung tâm để tạo ra lực hướng tâm. Vì mọi chuyển động tuần hoàn đều cần xoay quanh một cái trung tâm nào đó. Cái ý niệm nằm ở cốt lõi, trung tâm này phải cơ bản và mang tính linh hoạt. Có 2 ý niệm cốt lõi mà bạn có thể sử dụng là nguyên lý âm dương và nguyên lý phồn thực. Nguyên lý âm dương là để định hướng bằng ngôn ngữ toán học. Bằng nguyên lý âm dương, tiềm thức có thể giúp ý thức xác định được các sự kiện ở một địa điểm hay một thời điểm nhất định với xác xuất đúng rất cao, cũng như rất có ý nghĩa trong phong thủy xây dựng. Nguyên lý phồn thực là để định hướng bằng cảm xúc. Bằng nguyên lý phồn thực, tiềm thức có thể hướng dẫn ý thức nâng cao khả năng thích nghi, tùy cơ ứng biến và tự sản sinh sinh lực, phục hồi tinh thần. Tiềm thức sẽ tự động nói cho ý thức sâu hơn về những điều này sau khi ý thức đã hiểu được tiềm thức tốt hơn.

    Mỗi lần vấn đề xuất hiện, ở bản năng của bạn sẽ xuất hiện cảm giác căng thẳng, sợ hãi, ức chế. Bản năng sẽ đặt câu hỏi và ý thức sẽ chịu trách nhiệm trả lời câu hỏi đó. Tuy nhiên, câu hỏi của bản năng có thể không phải là câu hỏi đúng. Nó không đánh trúng được trọng tâm vấn đề. Một vấn đề cũng giống như một võ sĩ. Võ sĩ nào cũng có điểm yếu của mình, như Asin có cái gót chân phản chủ vậy. Bản năng thường nhìn vào nắm đấm đang bay tới, nhưng để hạ gục kẻ địch, bạn phải nhìn vào điểm yếu của hắn cơ. Tiềm thức quan sát tầm rộng, ý thức phân tích tầm sâu. Tiềm thức miêu tả bức tranh tổng thể, rồi từ đó xác định giúp ý thức vấn đề đúng cần giải quyết, câu hỏi đúng cần trả lời. Một câu trả lời đúng cho một câu hỏi sai sẽ chẳng có tác dụng bằng đặt được một câu hỏi đúng. Nếu bạn là thầy giáo, bạn sẽ thấy một học sinh hiểu bài sẽ đặt câu hỏi đúng trọng tâm hơn một học sinh không hiểu bài. Có thể hình dung việc phân tích cũng giống như việc đào kho báu dưới lòng đất. Bạn biết rằng không phải chỗ nào dưới lòng đất cũng có kho báu. Nếu cứ đâm đầu đào bừa thì chỉ tốn sức, tốn thời gian chứ chẳng được gì. Hãy để tiềm thức chỉ cho ý thức chỗ cần đào rồi ý thức mới đào sâu thì sẽ có hiệu quả ngay.
    (Còn nữa)

Chia sẻ trang này