1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đàn Bầu linh hồn của dân tộc Việt

Chủ đề trong 'Nhạc cụ - Kỹ thuật' bởi roseblue, 06/04/2017.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. roseblue

    roseblue Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/11/2014
    Bài viết:
    75
    Đã được thích:
    0
    Trải qua hàng ngàn năm lịch sử để hai chữ “Việt Nam” hiên ngang sánh vai với các cường quốc năm châu. Và cũng từng ấy năm, cây đàn Bầu với những âm hưởng “tích tịch tình tang” du dương, trầm lắng vẫn luôn tồn tại trong huyết mạch dân tộc, lặng lẽ âm thầm thôi nhưng thật vĩ đại, bao la như chính linh hồn của bản sắc văn hóa Việt. Đàn Bầu được ví như một kiệt tác độc nhất, là “tinh cốt” của một dân tộc phi thường.

    Thuở hàn vi, cây Đàn Bầu đã gắn liền với nghệ thuật hát Xẩm – một loại hình ca hát dân gian độc đáo của người Việt khiếm thị ở Bắc Bộ. Lúc bấy giờ, cây đàn thể hiện vai trò của mình trong việc đệm hát hoặc độc tấu. Về sau, Đàn Bầu không chỉ đóng khung trong nghệ thuật hát Xẩm mà đã được các nghệ sĩ sử dụng trong nhiều hình thức nghệ thuật ca hát cổ truyền khác như: sân khấu Tuồng, sân khấu Chèo, sân khấu Múa rối nước, Ca nhạc thính phòng Huế, Đờn ca Tài tử, sân khấu Cải Lương và trong hòa tấu với các nhạc cụ dân tộc khác.

    Thời nhà Lý, Đàn Bầu được dùng để đệm cho người hát xẩm, làm thanh bồi cho các khúc ca dân dã của nam thanh nữ tú tuổi tâm tình, của người già khắc khổ trong chuyến hành hương cuộc đời gian nan, của trẻ em hồn nhiên với tuổi thơ đầy bươn chải. Lời ca tiếng nhạc ngân lên như chính khúc tơ lòng, thánh thót nhưng ai oán, thở than, đầy trầm tư cho kiếp dân quê đói nghèo lam lũ - những "Làn thảm" của chèo; "Bèo dạt mây trôi" của quan họ; "Nam ai" xứ Huế...; và vị ngọt ngào của những điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị "Hoa thơm **** lượn"; lại cả khi vui nhộn yêu đời với "Trống cơm", "Con gà rừng"... Cuộc sống sinh hoạt của người làng quê xưa, luôn có sự tồn tại của cây đa, giếng nước, sân đình, những bụi tre già, cánh đồng lúa và đâu đó có cả những giọt đàn bầu.

    [​IMG]

    Tuy vậy, lịch sử ra đời và rong ruổi của cây Đàn Bầu truân chuyên theo năm tháng. Mặc dù từ thời Lý, Đàn Bầu đã vô cùng phổ biến trong tầng lớp chúng dân nhưng đến năm 1892, Đàn Bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để đệm đàn cho một số bộ phận vương quan. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Vua Thành Thái – một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc - đã yêu tiếng đàn Bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam, lúc đó Đàn Bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt: tranh - tỳ - nhị - nguyệt - bầu, giữ vai trò là nhạc khí không thể thiếu - với chức năng hòa tấu - trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc.

    Từ giữa thế kỷ XX đến nay, cùng với sự chuyển mình của đất nước, Đàn Bầu đã có sự thay đổi đáng kể từ hình dáng đến chất liệu làm đàn; từ tác phẩm đến cách thức trình diễn, kỹ năng chơi đàn, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức âm nhạc của con người Việt Nam hiện đại. Vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, với việc các đoàn văn công được thành lập, nhiều nghệ nhân chơi Đàn Bầu đã bắt đầu phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát và ngâm thơ. Và đặc biệt, bước ngoặt lớn đối với số phận cây Đàn Bầu là từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) - cái nôi của nền âm nhạc chuyên nghiệp ra đời năm 1956 - đã đưa Đàn Bầu vào giảng dạy chính thức làm cho Đàn Bầu thực sự được “đổi đời”. Việc mở đường ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu và viết các tác phẩm cho Đàn Bầu một cách dễ dàng hơn. Từ đây ngoài các chiếu xẩm, Đàn Bầu không thể thiếu vắng trong các buổi biểu diễn phục vụ người lao động sản xuất, bộ đội, dân công trên tuyến đầu Tổ quốc, trên làn sóng Đài phát thanh và trên các sân khấu lớn, nhỏ ở trong, ngoài nước. Có thể kể ra một số tác phẩm tiêu biểu viết cho Đàn Bầu của các nhạc sĩ, nghệ sĩ mang đậm hồn dân tộc như: Cung đàn đất nước (Xuân Khải), Vì miền Nam (Huy Thục), Thoáng quê (Thanh Tâm) hay Câu hát mẹ ru (Phú Quang) v.v…
    Bên cạnh đó, trong đời sống âm nhạc hiện đại ngày nay, Đàn Bầu không chỉ thu mình vẻn vẹn trong những thể loại âm nhạc truyền thống mà còn vươn mình ra hòa nhập với âm nhạc đương đại khi kết hợp cùng với Dàn nhạc Giao hưởng để thể hiện rất thành công các tác phẩm thính phòng hay thậm chí ca khúc nhạc nhẹ trong và ngoài nước như: Bản Giao hưởng thơ của nhạc sĩ Nguyễn Xinh, Ouverture của nhạc sĩ Trọng Bằng, Sóng nhất nguyên của Nguyễn Thiện Đạo, hay tác phẩm “Ave Maria” của Fr. Schubert,...

    Cây Đàn Bầu xưa tuy ít có mặt trong dàn nhạc Cung Đình, nhưng trong chốn dân gian vẫn là người bạn thân tình của thôn xóm và luôn có mặt trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người lao động Việt Nam. Đàn Bầu luôn tạo được cho mình sức sống mãnh liệt, phi thường và ngày càng khẳng định vị thế đặc biệt trong đời sống âm nhạc ngày nay cả trong nước cũng như toàn thế giới. Qua muôn trùng sóng gió lịch sử, Đàn Bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho sự sinh động của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

    Khi nhắc tới đàn Bầu là nhắc tới một cây đàn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Có thể nói, Đàn Bầu như là hiện thân của đất nước và dân tộc Việt Nam. “Giọt đàn bầu” mềm mại, thon thả như hình dáng đất nước; “Thanh âm đàn bầu” da diết, sâu lắng như hành trình bôn ba đầy thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước; “Âm điệu đàn bầu” như tiếng nói thâm trầm, giàu ngữ điệu của con người Việt Nam chân phương, đằm thắm. Từ một nhạc cụ dân gian cấu trúc đơn sơ, cây Đàn Bầu đã chiếm một vị trí độc tôn trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc và trong tâm hồn mỗi người con Việt.

Chia sẻ trang này