1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Dang Thai Son 's Klavier-Konzert in Stuttgart (22.02.02) & Frankfurt (23.02.02), Germany

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi Minh@, 21/02/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Minh@

    Minh@ Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    08/07/2001
    Bài viết:
    279
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]

    Đặng Thái Sơn,
    hai thập niên sau khi đoạt giải Chopin.

    Như qúi vị độc giả đã rõ, Đặng Thái Sơn là người Á Châu đầu tiên đoạt giải Dương cầm thế giới Chopin, và các giải đặc biệt khác như: Concerto, Mazurka, Polonaise... kỳ thứ 10 tại Balan, năm 1980, khi anh mới 22 tuổi. Giải Dương cầm Chopin có từ năm 1927, và cứ 5 năm thi một lần. Những cuộc thi Piano: Chopin (Balan), Leeds (Anh), Queen Élisabeth (Bỉ), Tchaikovski (Nga), Van Cliburn (Mỹ), là những giải Dương cầm quan trọng nhất trên thế giới. Thấm thoát mà đã hơn 20 năm người nghệ sĩ tài hoa của Việt nam dành được vinh dự này. Nhân dịp Đặng Thái Sơn sắp đến Đức quốc (Frankfurt, và Stuttgart) trình tấu, do Hội văn hóa Đức Việt mời, chúng tôi xin gởi đến qúi vị, và nhất là những người am điệu bài phỏng vấn sau đây.

    Phạm Trung Chính (PTC): ĐặngThái Sơn có thể cho biết về kỳ thi năm 1980: Tất cả bao nhiêu thí sinh ghi danh, số được tham dự, điều kiện như thế nào, và phải qua bao nhiêu vòng thi?
    Đặng Thái Sơn (ĐTS): Kỳ thi năm 1980 có tất cả 220 người ghi danh, 180 được chọn, 140 đến dự. Cuc thi có tất cả 4 vòng, sau vòng 1 còn lại 42 thí sinh, 15 vào được vòng 3, đến chung kết thì còn lại 7 người. Hồi đó muốn dự thi phải có thư giới thiệu của trường, hoặc thầy dậy nhạc.

    PTC: Trong cuộc thi Sơn đã đàn những tác phẩm nào, và phải chuẩn bị trong bao lâu?
    ĐTS: Phải đàn tất cả mọi thể loại của Chopin như: Étude, Mazurka, Nocturne, Prélude, Polonaise, Scherzo, Sonate, Valse, và Concerto để đàn chung với dàn nhạc. Thời gian từ khi nộp đơn cho dến lúc thi là một năm rưỡi, do đó mình chuẩn bị cũng khoảng cùng thời gian như vậy.

    PTC: Sơn đã đến với nhạc Chopin như thế nào, ai là người đàn nhạc Chopin gây ấn tượng nhiều nhất khiến Sơn yêu thích sáng-tác-gia này?
    ĐTS: Trong thời gian đi tản cư, những đêm thanh vắng, tĩnh mịch mình được nghe thân mẫu đàn những bài Mazurkas, Nocturnes...Từ đó nét nhạc của Chopin đã đi vào tâm hồn. Và đặc biệt là năm 1970 mẹ của Sơn được mời tham dự cuộc thi Chopin, với tư cách thính gỉa danh dự, khi về mang theo sách, và đĩa nhạc. Lần đầu tiên trong đời mình được nghe Martha Argerich đàn bài Concerto số 1, cách trình tấu đã gây ấn tượng rất xâu xa. Và có lẽ nhạc của Chopin nhẹ nhàng, thơ mộng, trữ tình ... cho nên hợp với thể dạng của mình.

    PTC: Nhiều bình luận gia âm nhạc gọi là trường phái Nga, khi nhắc đến các Danh cầm xuất thân từ những Nhạc viện của Nga, Sơn có thể cho biết về trường phái này, và sự khác biệt với các trường phái khác, nếu có?
    ĐTS: Trường phái Nga đã đào tạo ra rất nhiều Danh cầm như: Anton Rubinstein, S. Rachmaninov, V. Horowitz, S. Richter, E. Gilels... . Nhạc cổ điển đã du nhập vào Nga từ thế kỷ thứ 19, do đó trường phái Nga rất đồ sộ, vững vàng về kỹ thuật, sở trường về cách trình tấu nhạc Lãng-mạn, và nhất là lối đàn như hát.
    Trường phái Pháp thì thiên về tinh tế, đẹp, bóng bẩy, và tri hơn về nhạc Baroque, Cổ điển ( xin hiểu là loại nhạc của thế kỷ thứ 18).
    Riêng ở Mỹ, những Dương cầm thủ ngày xưa cũng thừa hưởng gia tài của trường phái Nga, vì Rachmaninov, Horowitz đã di-tản sang Hoa-kỳ sau năm 1917.

    PTC: Có rất nhiều người thắc mắc, là: Tại sao sau khi đoạt giải Chopin Sơn lại trở về Nhạc viện Tchaikovsky tiếp tục học, mà không nhận nhiều Hợp-đồng đi biểu diễn?
    ĐTS: Mình sang học ở Nhạc viện Tchaikovsky năm 1977, đến khi được giải Chopin mới tròn 3 năm, Sơn nhận thấy là muốn xây dựng mt nền tảng vững bền cho tương lai, vì nghề biểu diễn là cả đời, do đó mình đã trở lại học cho đến năm 1986.

    PTC: Xin cho biết cảm tưởng sau 21 năm đoạt giải thưởng, và những kỷ niệm vui, buồn trong những lần đi trình tấu.
    ĐTS: Tháng 10 năm ngoái, mình được mời làm dự thính viên danh dự cho cuc thi Chopin, khung cảnh ấy làm Sơn bùi ngùi khó tả. Nghe những người đi sau đàn, mình thấy mt sự thay đổi thế hệ. Hai mươi năm trước Á châu chưa có nhiều thí sinh tham dự. Sau hai mươi năm các thí sinh Á châu đã thống trị cuộc thi. Kỳ thi vừa qua là một người Trung-hoa đoạt giải nhất, nhì là Á căn đình, thứ 3 là Nga. Tuy nhiên người hạng nhất năm nay không được các giải đặc biệt như: Concerto, Mazurka, Polonaise... .
    Vui, buồn khi đi biểu diễn ( cười..) Sống cái nghề làm dâu trăm họ này thật là khó. Mọi người khi thấy Sơn ra sân khấu lúc nào cũng tươi vui, ngỡ là sung sướng lắm, thật ra miệng cười, lòng rơi nước mắt. Đi lưu diễn giờ giấc thay đổi, mệt cách mấy cũng phải đàn, nhiều khi bị cảm-sốt, không còn cảm hứng vẫn phải lên sân khấu, chẳng cáo bệnh như đi làm bình thường được, đàn hay thì được khen, dở thì bị chê.

    PTC: Cách trình tấu Chopin của Sơn có khác gì hơn, so với 20 năm trước, và nếu khác thì như thế nào?
    ĐTS: Khác nhiều lắm, ngày xưa mình đàn theo cảm tính, với một tâm hồn ngây thơ, trong trắng. Bây giờ già hơn, thích đi về chiều sâu, và mình giữ được quân bình giữa tình cảm, và lý trí trong ngón đàn.

    PTC: Sau Chopin, sáng-tác-gia nào Sơn đàn nhiều nhất, tại sao?
    ĐTS: Nói chung thì mình đàn hầu hết những nhà soạn nhạc thuộc trường phái Lãng-mạn, tuy nhiên, Sơn rất thích những tác phẩm của các sáng tác gia người Pháp: Debussy, Fauré, Franck, Ravel...Bởi vì mình cũng chịu ảnh hưởng trường phái Pháp rất nhiều, phát xuất từ thân mẫu, vì mẹ của Sơn thuc trường phái Pháp. Ngoài ra mình cũng có học với một Danh cầm người Pháp, bà Yvonne Lefébure, vì vậy những nhà phê bình nói mình đàn thành công loại nhạc này, tuy nhiên nhạc Nga cũng chiếm một vị trí quan trọng trong nhạc-mục biểu diễn của mình.

    PTC: Được biết anh sắp đi Âu-châu lưu diễn, và sẽ trình tấu tại Đức. Xin anh cho biết là sẽ đàn những tác giả nào?
    ĐTS: Trong dip ghé Đức tôi sẽ biểu diễn ở Stuttgart ngày 22 tháng 2, Frankfurt ngày 23 tháng 2, và sẽ đàn những Tác phẩm của: Debussy, Liszt, Chopin, Mompou, và Ravel.

    PTC: Mười một năm trước Chính có hỏi Sơn: Sao không đàn những sáng tác gia cận đại, Sơn trả lời: Mình cổ lắm thành ra chỉ thích nhạc Cổ thôi. Tuy nhiên trong những chương trình biểu diễn năm nay của Sơn mình thấy có Mompou, một sáng tác gia cận đại, phải chăng có sự thay đổi lớn nơi Sơn?
    ĐTS: (Cười)Thay đổi là luật tự nhiên, triết lý chuyển động, có thay đổi cũng là chuyện bình thường trong đời sống.

    PTC: Tại sao lại chọn Mompou, mà không chọn Satie, Szymanovsky, Boulez?
    ĐTS: Sơn chọn Mompou, thứ nhất vì ông cũng thuộc trường phái Pháp. Ông từng theo học sáng tác ở Nhạc viện Paris. Tiếp đến mình thích mầu sắc nhạc, sức cuồng nhiệt kiểu Tây-ban-nha (Mompou người Tay-ban-nha), lối hòa thanh đơn sơ. Và nhất là ông cũng yêu thích Chopin, ông đã viết những biến tấu (Variations) dựa trên một Prélude cung La Trưởng của Chopin.

    PTC: Với một tác phẩm mới, Sơn tập-luyện như thế nào? Từ sơ khởi cho đến khi đi trình tấu?
    ĐTS: Từ thị-tấu trở đi, thông thường được chia làm 4 giai đoạn:
    1- Đàn chậm để dò nốt, nhìn tổng quát về âm-nhạc-tính của bài, ý muốn đàn như thế nào.
    2- Quyết định đàn kiểu nào. Bắt đầu tập tỉ mỉ, chi tiết, và làm hoàn thiện.
    3- Đối với một số Dương cầm thủ, thì đây là lúc học thuc lòng, riêng Sơn thì từ giai đoạn 2 mình đã học thuộc lòng rồi.
    4- Đàn thử trọn bài cho bạn bè, hoặc thầy khoảng 5, 6 lần mới trình làng. Tuy nhiên cũng có một số bài mình thấy dễ thì lại khó đạt được hồn nhạc, cho nên đôi khi mình phải bỏ một số tác phẩm đã biểu diễn rồi, để chừng 10 năm sau mới tập lại. Một vài tác phẩm thấy khó thì lại dễ, thí dụ bài Sonata số 6 của Prokofiev khi mình mới tập Giáo sư Bashkirov nói là bài này không hợp với thể-dạng của mình, vậy mà cuối cùng mình lại tập thành công, và bây giờ Tác phẩm này nằm trong nhạc mục biểu diễn của mình.

    PTC: Sơn thích đàn Piano hiệu nào nhất?
    ĐTS: Cũng như đại đa số các Dương cầm thủ khác, mình thích đàn hiệu Steinway, bởi vì hiệu đàn này có nhiều sức mạnh, âm thanh đẹp, và làm được nhiều mầu sắc. Có nghĩa là nó hoàn hảo hơn những hiệu đàn khác.

    PTC: Có hy vọng một Đặng Thái Sơn thứ hai cho Việt nam?
    ĐTS: Sơn nghĩ là phải có Chính ạ, vì người Việt chúng mình rất giỏi, nhưng còn phải gặp Thầy dìu dắt, thì mới thành công. Cổ nhân có câu:"Không Thầy đố mày làm nên".

    PTC: Sơn có tâm sự gì cùng các bạn trẻ đang theo học Dương cầm?
    ĐTS: Thứ nhất, cùng các bạn đang học chuyên nghiệp. Sơn rất thông cảm, vì theo học Nhạc là một hy sinh lớn lao cho những bậc làm cha mẹ, vì rất tốn kém, và không mấy chắc chắn cho tương lai, nhưng bù lại thì được một món qùa tinh thần to tát. Riêng với các bạn học như là nghề phụ, giải trí, thì là một điều đáng qúi, vì các bạn sẽ hiểu Âm-nhạc hơn, để thưởng thức được cái hay, đẹp của âm-nhạc. Mình ước mong có nhiều người Việt.nam học Nhạc.

    PTC: Xin cám ơn Sơn đã giành cho buổi phỏng vấn này.
    ĐTS: Cảm ơn Chính, Sơn mong được gặp đông đảo bà con Việt-nam trong hai đêm trình tấu tại Stuttgart, và Frankfurt.

    Bad Vibel, tháng 1 năm 2002.
    Phạm Trung Chính.
  2. Minh@

    Minh@ Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    08/07/2001
    Bài viết:
    279
    Đã được thích:
    0

Chia sẻ trang này