Đầu tư vào Nghệ An- Hà Tĩnh Chào các bạn xứ Nghệ Công ty của mình chuyên sản xuất VLXD ở phía Nam, hiện công ty mình dự định xây 1 nhà máy sản xuất VLXD tại vùng Nghệ An hoặc Hà Tĩnh để có thể nhận hàng từ Lào, sản xuất xuất khẩu và phục vụ cho thị trường phía bắc. Mình mong muốn được nghe người bãn xứ nói về mình. 1. Về điều kiện tự nhiên (địa chất, thổ nhưỡng, thời tiết, thủy văn..), văn hoá, xã hội. nếu có những báo cáo thì càng hay. 2. Các KCN của khu vực. Địa chỉ, quy mô, ngành nghề 3. Các cảng biển: đặc biệt về lưu lượng tàu xuất nhập vì điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành vận chuyển xuất bằng đường biển. Nếu không khả thi về cảng biển thì chắc là sẽ không dám đầu tư vào vùng này. Cám ơn các bạn
Chào bác Jasmine, Có lẽ là do chưa thực sự quan tâm đúng mức nên beer không có nhiều thông tin về tình hình kinh tế xã hội hiện nay của NA-HT, nhưng beer rất quan tâm đến những dự án góp phần phát triển kinh tế ở tỉnh nhà Rất vui là NA/HT lọt vào tầm ngắm đầu tư của các bác, vậy đâu là những yếu tố ban đầu đưa NA/HT vào dự định của công ty mình? Được bitter_beer sửa chữa / chuyển vào 13:49 ngày 28/07/2006
Beer có một số thông tin về cảng biển tại Hà Tĩnh để bác tham khảo nhé: Ở Hà Tĩnh hiện có 2 cảng: cảng Xuân Hải (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và cảng Vũng Áng (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Thông tin về cảng Vũng Áng: ** Vị trí địa lý: - xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh - Cách đèo ngang 25km - Cách quốc lộ 1A 09 km - Cách Bãi Vọt 80 km, TP Vinh 120 km - Về mỏ sắt Thạch Khê 60 km **Năng lực/năng suất xếp dỡ: Bến cảng số 1 được khởi công xây dựng năm 1999 (giai đoạn 1), đến tháng 6 năm 2001 đã chính thức đi vào khai thác. Bến thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 15.000 DWT vào làm hàng Có 4 ca trong ngày làm việc 24/24h với mức xếp dỡ hàng hoá: - Hàng bao: 1.500 tấn/ngày - Hàng rời: 2.000 đến 7.500 tấn/ngày - Hàng bách hoá: 2.500 tấn/ngày Theo dự kiến thì đến cuối năm 2007 sẽ hoàn thành xây dựng giai đoạn 2 với năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000 DWT **Lưu lượng tàu xuất nhập trong những năm gần đây: chưa cập nhật số liệu () Liên quan đến cảng Vũng Áng còn có những thông tin sau đây: Quyết định thành lập khu kinh tế Cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh Ngày 03/4/2006, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ?oVề việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh?. Theo đó, Cảng Vũng Áng trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Các dự án đầu tư và khu kinh tế Vũng Áng được hưởng các ưu đãi đặc biệt như: - Tất cả các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào KKT Vũng Áng được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo; được hưởng các ưu đãi về các loại thuế khác áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư, các luật thuế khác và các ưu đãi khác theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. - Các dự án đầu tư sản xuất trong KKT Vũng Áng của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu trong 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm phải nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được. - Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) làm việc tại KKT Vũng Áng Cảng Xuân Hải chỉ tiếp nhận tàu từ 1500 tấn trở xuống. Bác có thể tham khảo thêm thông tin về cảng biển tại Hà Tĩnh tại trang web Cảng Hà Tĩnh Được bitter_beer sửa chữa / chuyển vào 15:23 ngày 28/07/2006
Trích từ trang "Công nghiệp Việt Nam" Hà Tĩnh - quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2010 ...Tỉnh định hướng hình thành và phát triển 4 khu công nghiệp: - Khu công nghiệp cảng biển Vũng Áng (huyện Kỳ Anh) với quy mô diện tích phát triển đến năm 2020 là 3.825 ha, bao gồm cả khu cảng, khu công nghiệp và khu dân dụng; các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển là luyện cán thép, đóng và sửa chữa tàu thuyền, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, công nghiệp địa phương; - Khu công nghiệp Gia Lách (huyện Nghi Xuân) với quy mô 300 ha; các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển là dệt may, giày da, điện - điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng; - Khu công nghiệp thị xã Hồng Lĩnh, Hạ Vàng với diện tích 250 ha, ưu tiên phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản. - Khu công nghiệp thị xã Hà Tĩnh (thị xã Hà Tĩnh) gắn với khai thác mỏ sắt Thạch Khê và quy hoạch phát triển, nâng cấp thị xã Hà Tĩnh lên thành phố. ... Được bitter_beer sửa chữa / chuyển vào 15:36 ngày 28/07/2006
Cám ơn bác Beer nhiều lắm Đây là giai đoạn nghiên cứu khả thi về địa điểm cho dự án. Thông tin của bác giúp mình chuẩn bị trước khi ra ngoài đó để khảo sát trực tiếp các KCN và cảng biển. Mấy ngaỳ nay mình tìm kiếm trên mạng về Hà Tĩnh mà chưa có gì, may quá có bác giúp. Cám ơn bác nhiêù.
Tôi là người ở Hà Tĩnh Theo tôi công trình cảng Vũng Áng nhìn thì lớn thật Nhưng việc phát triển rất khó khăn. Tôi cũng không đặt nhiều niềm tin vào công trình này lắm
Hôm trước beer định post đoạn trích này luôn mà mạng bị lỗi, hy vọng những thông tin này giúp bác phần nào hiểu thêm về Hà Tĩnh Trích từ trang "Công nghiệp" Công nghiệp Hà Tĩnh - Thực trạng và triển vọng Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Hà Tĩnh có thế mạnh ở cả 3 vùng sinh thái: biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Nói đến tiềm năng để phát triển công nghiệp của tỉnh, trước hết phải nói đến mỏ quặng sắt Thạch Khê và sự phong phú đa dạng về TNKS. Mỏ quặng sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, hàm lượng sắt trên 60,8% là mỏ quặng có chất lượng tốt và lớn nhất Việt Nam. Ngoài quặng sắt, trên địa bàn còn titan, mangan, vàng, thiếc, than, nước khoáng, vật liệu xây dựng... Sa khoáng titan trữ lượng trên 5 triệu tấn, hàm lượng TiO2 trên 52% phân bổ dọc theo bờ biển từ Nghi Xuân vào đến Kỳ Anh; các sản phẩm sơ chế gồm Ilmenite, Zircon, Rutin... đang là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh trong mấy năm nay. Các loại khoáng sản còn lại đang được Tỉnh chỉ đạo tổ chức khai thác, chế biến ở qui mô phù hợp có hiệu quả. Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, trữ lượng cá, tôm, mực vùng lộng hàng trăm ngàn tấn. Trên địa bàn tỉnh có 6 ngàn ha đất đầm bãi ven bờ, 12 ngàn ha ao hồ, mặt nước, Tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản phục vụ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và phát huy ưu thế của sinh thái biển trong việc tổ chức các dịch vụ: tắm, nghỉ dưỡng, du lịch... Trên địa bàn tỉnh hiện có một số điểm du lịch, nghỉ dưỡng tốt như Thiên Cầm, Xuân Thành, Hoành Sơn, Chân Tiên... Rừng và đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh có diện tích lớn (chiếm 41% diện tích đất tự nhiên), độ che phủ cao (>40%), có nhiều loại động thực vật quí hiếm, trữ lượng gỗ trên 2 triệu m3. Mấy năm gần đây, Tỉnh chỉ đạo tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển các loại cây lấy gỗ, thông, cao su, chè... phục vụ chế biến và xuất khẩu. Nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn, bên kia là nước bạn Lào, trước mặt là biển Đông, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam... là đầu mối của nhiều tuyến giao thông liên quốc gia: Quốc lộ 8A, quốc lộ 12A, cảng biển Vũng áng... Cảng biển nước sâu Vũng áng gắn với KCN Vũng áng, tàu tải trọng lớn (trên 5 vạn tấn) vào ra thuận lợi, Tỉnh đang tổ chức khai thác có hiệu quả. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương cộng với sự nỗ lực cố gắng của Tỉnh nên đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh đã phát triển đáng kể: 100% đường bộ Tỉnh quản lý, hệ thống đường liên thôn, liên xã cơ bản được rải nhựa, bê tông... 100% số xã, 97,8% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất của các ngành GD - ĐT, Y tế, VH, Bưu chính Viễn thông... đang từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trên địa bàn Tỉnh có một hệ thống lưới điện đồng bộ cả cao áp, trung áp và hạ áp với 1 TBT 3 x 145 MVA 500/220-110 KV, 1 TBT 125 MVA 220/110-35KV, 5TBT cân điện áp 110KV/35-22KV và hàng ngàn trạm biến thế khu vực, đảm bảo cấp điện liên tục, lâu dài cho phát triển KT - XH của Tỉnh và vùng. ... HĐND, UBND Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho đầu tư phát triển (Chỉ thị 19, các Quyết định: 2323, 2380, 2632...), tổ chức nhiều diễn đàn thu hút đầu tư từ bên ngoài... nên tình hình CN - TTCN có chuyển biến tích cực: Giai đoạn 2001 - 2004 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21%, năm sau cao hơn năm trước và tăng dần trên cả 3 khu vực: QD, NQD, FDI. Năm 2003 tăng 20,9% so với 2002, năm 2004 tăng 26% so với 2003. Một số KCN cụm công nghiệp làng nghề được hình thành: KCN Vũng áng, KCN Gia Lách, cụm Công nghiệp Thị xã Hà Tĩnh, các cụm Công nghiệp, Làng nghề: Thái Yên, Trường Sơn (Đức Thọ), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Thạch Đồng (TX Hà Tĩnh)... Nhiều dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến: Bia (CHLB Đức), chế biến đá (Italia), chế biến Zircon siêu mịn (Tây Ban Nha), chế biến thủy sản đông lạnh (Nhật Bản); 5 doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - 2000, ISO 14001, HARC, EIC, một số sản phẩm đã được nhận giải Vàng ở các hội chợ quốc gia, quốc tế: Bia, nước khoáng, titan... Từ 2001 đến 2004 có 55 dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 1400 tỷ đồng. Hoạt động KHCN, sáng kiến làm lợi trong các doanh nghiệp sôi nổi, hiệu quả; đã có nhiều đóng góp trong tăng trưởng phát triển của ngành, có nhiều công trình mang lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng. Quan trọng hơn là hàng năm, ngành đã đóng góp gần 30% tổng thu Ngân sách nội tỉnh, giải quyết việc làm cho trên 55.000 lao động (kể cả khu vực chuyên doanh và kiêm doanh). ... Đoàn Minh Tâm (hic, bài cáo cáo này dài cả km, đúng là... báo cáo)
Bác có thể xem thêm thông tin về các cảng ở Hà Tĩnh cũng như Nghệ An ở trang Hiệp hội cảng biển Việt Nam, ở đây có cả thông tin về lượng hàng hoá thông qua ở các cảng, xuất, nhập, nội địa...