1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

DE L'ESPRIT DES LOIS = VẠN PHÁP TINH LÝ (par Montesquieu)

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi Constancy, 16/11/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển IV​
    II. Nền giáo dục ở trong các chính thể quân chủ
    Trong các chính thể quân chủ, không phải là tại các nhà học công cộng, trong đó người ta dậy dỗ các thiếu nhi mà sự giáo dục trọng yếu được người ta ban bố; sự giáo dục thực ra chỉ bắt đầu từ khi người ta bước vào trường đời. Tại đó có nhà trường dạy ta cái mà người ta gọi là danh dự, vị thầy học vạn vật phải hướng dẫn chúng ta tại khắp mọi nơi.
    Tại đó người ta luôn luôn thấy và nghe nói tới ba sự vật: "cần phải có một sự cao quý nào đó ở trong các đạo đức, một sự ngay thực nào đó ở trong các phong tục, một sự lễ phép nào đó ở trong các cử chỉ".
    Các đạo đức mà người ta chỉ cho chúng ta thấy ở trường đời là cái gì mà người ta phải đối xử với ngay chính mình hơn là người ta phải đối xử với các người khác; các đạo đức không phải là cái gì lôi kéo chúng ta về phía các người đồng quốc, cũng không phải là cái gì phân biệt chúng ta với các người ấy.
    ở trường đời, người ta không xét đoán những hành động của các người đời coi như là tốt, nhưng mà người ta xét đoán các hành động ấy coi như là đẹp; người ta không xét đoán những hành động của các người đời coi như là công bằng, nhưng mà người ta xét đoán các hành động ấy coi như là cao quý; người ta không xét đoán những hành động của các người đời coi như là hợp lý, nhưng mà người ta xét đoán các hành động ấy coi như là hi thường.
    Khi mà danh dự có thể tìm thấy ở đấy một sự vật nào cao quý, danh dự sẽ là hoặc vị thẩm phán khiến cho sự vật nào cao quý, danh dự sẽ là hoặc vị thẩm phán khiến cho sự vật ấy được hợp pháp hóa hoặc ngụy biện gia biện chính cho sự vật ấy
    Danh dự cho phép được phong nhã đối với các phụ nữ khi mà danh dự liên kết với ý niệm về tình cảm của tâm hồn hay với ý niệm chinh phục; và đó là lý do xác thực khiến cho các phong tục không được thuần khiết ở trong những chính thể quân chủ bằng ở trong những chính thể cộng hòa.
    Danh dự cho phép được dùng mưu kế khi mà danh dự kết hợp với ý niệm về sự cao thượng của tinh thần hay với ý niệm về sự trọng đại của các vông việc, như là ở trong khoa chính trị mà các mưu gian không xúc phạm tới danh dự.
    Danh dự chỉ bênh vực sự xiểm nịnh khi mà sự xiểm nịnh được phân cách với ý niệm một sản nghiệp lớn và chỉ kết hợp với ý thức về sự đê hèn của chính sự xiểm nịnh.
    Về các phong tục, tôi đã nói rằng nền giáo dục của các chính thể quân chủ phải có một sự ngay thực nào đó đối với vấn đề này. Vậy thì người ta muốn được thấy sự thực ở trong các bài diễn văn. Nhưng mà phải chăng người ta muốn như vậy là vì lòng yêu chuộng sự thực? không phải thế chút nào cả. Người ta muốn như thế, bởi vì một người quen nói sự thực có vẻ mạnh bạo và tự do. Thực tế, một người như vậy hình như là chỉ lệ thuộc vào các sự vật chứ không vào cách một người khác tiếp nhận các sự vật ấy.
    Ðó là cái khiến cho nếu ở trong trường đời, người ta khuyến cáo thử ngay thực đó bao nhiêu thì người ta lại khinh bỉ sự ngay thực của dân chúng bấy nhiêu, sự ngay thực của dân chủ mà đối tượng là sự thực và sự giản dị.
    Sau hết, ở trong các chính thể quân chủ, nền giáo dục đòi hỏi một sự lễ phép nào đó trong các cử chỉ. Các người đời, sinh ra để chung sống với nhau, cũng đã được sinh ra để làm vui lòng nhau; và kẻ nào mà không giữ lễ, làm chướng mắt tất cả các người cùng sống với y, sẽ tự giảm giá đến nỗi y không thể làm được một điều thiện hảo nào nữa.
    Nhưng mà không phải do một nguồn gốc thuần khiết như thế mà sự lễ phép thường thường xuất sứ. Sự lễ phép phát sinh từ ý muốn nổi tiếng hơn người. Chúng ta lễ phép là do sự kiêu ngạo: chúng ta cảm thấy tự phụ vì đã có những cử chỉ chứng minh rằng chúng ta không phải là những kẻ đê tiện và chúng ta đã không sống cùng với thứ người mà vẫn bị bỏ rơi trong mọi thời đại.
    Trong các chính thể quân chủ, sự lễ phép đã nhập tịch tại triều đình(1). Một người quá ư to lớn(2) khiến cho tất cả các người khác bé nhỏ. Do đó có sự tôn kính mà người ta phải có đối với tất cả mọi người; do đó phát sinh sự lễ phép khiến cho các người lễ phép cũng như các người được đối xử theo lễ phép đều được đẹp lòng, bởi vì sự lễ phép khiến cho hiểu rằng người ta thuộc triều đình hay là người ta xứng đáng để được dự vào triều chính.
    Phong thái của triều đình tức là rời bỏ sự hùng tráng của chính mình để có một sự hùng tráng mượn của người khác(3). Sự hùng tráng mượn ấy khiến cho một triều thần đẹp lòng hơn là sự hùng tráng của chính y. Nó phát sinh ra một sự khiêm nhượng hùng vĩ nào đó, sự khiêm nhượng này tỏa rãa, nhưng mà sự kiêu ngạo của sự khiêm nhượng ấy lại giảm bớt lần dần tùy theo chỗ nười ta ở gần hay ở xa căn nguyên của sự hùng tráng kể trên.
    ở triều đình, người ta thấy trong mọi sự vật một sự phong vận nhẹ nhàng phát sinh từ sự xử dụng liên tiếp những thứ thừa thãi do một tài sản lớn, do sự biến hóa của các khoái lạc và nhất là sự khoái lạc ấylàm cho ta chán nản do sự các thị hiếu rất nhiều và hỗn đồng, các thị hiếu này, nếu khiến cho ta thích thú, luôn luôn được tiếp nhận nơi triều đình.
    Nền giáo dục hướng về tất cả các sự vật ấy để tạo nên con người mà người ta gọi là quân tử(1) người này có đủ các đức tính và đạo đức mà người ta đòi hỏi ở trong chính thể kể trên.
    ở đó, danh dự xen vào mọi nơi, tham gia vào mọi cách suy nghĩ và mọi cảm giác, và còn chỉ huy cả những nguyên tắc.
    Cái danh dự lạ lùng ấy khiến cho các đạo đức chỉ là những cái gì mà danh dự muốn còn và những cái gì theo ý muốn của danh dự ấy; danh dự, tự ý mình, đặt những quy tắc cho tất cả những cái gì mà chúng ta đã được lệnh phải làm; danh dự nới rộng hay thu hẹp các bổn phận của chúng tùy theo thị hiếu của danh dự, các bổn phận của chúng ta mà nguồn gốc ở trong tôn giáo, ở trong chính trị hay ở trong luân lý.
    Trong chính thể quân chủ không có cái gì bằng sự tuân theo các ý muốn của nhà vua mà các luật pháp, tôn giáo và danh dự ra lịnh cho chúng ta phải vâng theo; nhưng mà danh dự ấy bảo ta rằng nhà vua không nên bao giờ ra lệnh cho chúng ta làm một hành động gì nó làm ô danh chúng ta, bởi vì hành động ấy sẽ khiến cho chúng ta không thể có năng lực để phụng sự nhà vu nữa.
    ------------
    (1) Người quân tử theo định nghĩa của thế kỷ thứ XVII.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  2. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Crilon(2) từ chối không chịu ám sát công tước De Guise, nhưng thách vua Henri đệ tam giao đấu với y. Sau ngày Saint Barthélémy, vua Charles đệ cửu viết thư cho các tổng trấn ra lệnh tàn sát các tân giáo đồ; Tử tước d''Orle, tổng trấn Bayonne trả lời nhà vua như sau: "Tâu Hoàng thượng, trong số dân cư và(1) binh sĩ, tôi chỉ tìm thấy những công dân tốt, những binh lính can đảm, mà không tìm được một đao phủ thủ: bởi vậy, cho nên các người ấy và tôi van xin Hoàng thượng dùng cánh tay và đời sốn của chúng tôi vào những việc có thể làm được". Tâm hồn cao quý và quảng đại ấy coi một sự hèn nhát như là một điều không thể làm được.
    Danh dự không ra lệnh gì hơn cho quý tộc là phụng sự nhà vua tại chiến trường. Thực thế đó là chức nghiệp cao quý, bởi vì những may rủi, những thắng lợi và ngay cả đến những tai họa của nó đều đưa tới sự cao cả. Nhưng khi mà danh dự buộc phải theo luật lệ ấy, danh dự lại muốn là trọng tài; và nếu danh dự không được đẹp lòng, danh dự đòi hỏi hay cho phép người ta rút lui.
    Danh dự muốn rằng người ta có thể, không phân biệt ai cả, mưu cầu hay từ chối các chức nghiệp; danh dự coi sự tự do ấy hơn cả sự giàu có.
    Như vậy, danh dự có những quy tắc tối cao mà nền giáo dục bó buộc phải tuân theo(2). Những quy tắc chính yếu là chúng ta có thể đếm xỉa đến tài sản của chúng ta, nhưng tuyệt đối cấm chúng ta không được đếm xỉa đến sinh mệnh của chúng ta.
    Quy tắc thứ hai là một khi chúng ta đã được đặt vào một địa vị, chúng ta không được làm cái gì hay cam chịu cái gì khiến cho thấy rằng chúng ta cư xử như là ở dưới ngay chính địa vị ấy.
    Quy tắc thứ ba là những sự vật, mà danh dự cấm đoán, được cấm đoán một cách nghiêm khắc hơn, khi mà các luật pháp không giúp sức vào việc bài xích các sự vật ấy; và các sự vật, mà danh dự đòi hỏi, được đòi hỏi mạnh mẽ hơn khi mà các luật pháp không yêu cầu các sự vật này.
    --------
    (2) Crillon là chiến hữu của vua Henri đệ tứ (1543-1615)
    (1) Xin xem cuốn "thế giới sử" (Histoire universelle) của Agripp d''Aubigné (chú thích của Montesquieu)
    (2) ở đây người ta nói tới cái gì hiện hữu chứ không nói tới cái gì phải như thế; danh dự là một thành kiến mà tôn giáo kiếm cách lúc thì làm chỗ tiêu diệt đi lúc thì quy định (Chú thích mà Montesquieu thêm vào cuốn "Vạn Pháp Tinh Lý" sau khi cuốn này đã được xuất bản lần đầu tiên.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  3. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    V. Nền giáo dục ở trong chính thể cộng hòa
    ở trong chính thể cộng hòa, người ta cần đến tất cả hiệu năng của nền giáo dục. Sự kinh sợ các chính thể độc tài tự nó phát sinh ra giữa những sự hăm dọa và những hình phạt; danh dự của các chính thể quân chủ được các thị dục giúp đỡ, rồi lại đến lượt chính danh dự giúp đỡ các thị dục ấy; nhưng mà đạo đức chính trị là một sự hy sinh thân mình và đó luôn luôn là một điều rất khó chịu.
    Người ta có thể định nghĩa đạo đức ấy là lòng yêu chuộng luật pháp và tổ quốc. Lòng yêu chuộng ấy đòi hỏi một sự ưa thích liên tục lợi ích chung hơn là lợi ích của chính mình và phát sinh ra tất cả các đạo đức đặc biệt; các đạo đức này chỉ là sự ưa thích nói trên.
    Lòng yêu chuộng ấy đặc biệt hiện hữu ở trong các chính thể dân chủ(1). Chỉ trong những chính thể ấy, chính quyền được giao phó cho mỗi công dân. Mà chính quyền thì cũng như mọi vật ở trên đời; muốn giữ lấy chính quyền thì phải yêu chuộng nó.
    Người ta không bao giờ nghe nói rằng các vị vua chúa không yêu chuộng chính thể quân chủ và các nhà chuyên chế thù ghét sự độc tài.
    Như vậy, mọi sự đều tùy thuộc việc thiết lập nên lòng yêu chuộng ấy ở trong cộng hòa quốc và nền giáo dục cần lưu ý đến việc khuyên người ta nên yêu chuộng luật pháp và đạo đức. Nhưng mà để cho các con trẻ có thể có được lòng yêu chuộng kể trên, có một cách chắc chắn: đó là cần rằng chính các người cha cũng có lòng yêu chuộng này.
    Thường thường người ta có toàn quyền dạy dỗ các con của người ta cho chúng rõ những điều hiểu biết của mình: người ta lại có toàn quyền hơn nữa khi truyền lại cho các con những thị dục của mình.
    Nếu điều đó không xẩy ra, đó là vì tại cái gì đã được tạo nên trong gia đình đã bị những cảm giác ngoại lai tiêu diệt.
    Không phải là dân chúng mới sinh ra đời đã suy đồi, dân chúng chỉ hư hỏng nếu các người thành nhân đã đồi bại.
    -----
    (1) Ðó là theo ý nghĩ và lời nói của các nhân vật trong cuộc cách mạng 1783 tại Pháp.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  4. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    QUYỂN V ​
    II. Thế nào là đạo đức ở trong chính thể chính trị(1)
    Trong một nước cộng hòa, đạo đức là một sự vật rất giản dị; đó là lòng yêu nền cộng hòa; đó là một tình cảm chứ không phải là một chuỗi tri thức; chính khách kém nhất cũng có thể có tình cảm ấy như là chính khách trọng yếu nhất. Một khi mà dân chúng đã có những kỷ cương tốt, dân chúng tôn trọng những kỷ cương ấy lâu hơn là những người mà người ta gọi là quân tử(2). Rất hiếm là trường hợp mà sự suy đồi khởi đầu từ dân chúng. Dân chúng thường hay, do tính cách triết trung của sự thông minh của dân chúng, mà có lòng quyến luyến mạnh mẽ đối với cá gì đã được thiết lập.
    Lòng ái quốc đưa đến sự thuần phong và sự thuần phong dẫn tới lòng ái quốc. Chúng ta càng thỏa mãn các thị dục riêng biệt của chúng ta ít được chừng nào thì chúng ta càng tuân theo các thị dục chung hơn được chừng nấy. Tại sao các tu sĩ lại yêu mến dòng của các tu sĩ ấy nhiều như thế? Ðó chính là ở chỗ các tu sĩ không thể chịu đựng được dòng của các y. Quy tắc của dòng khiến cho các tu sĩ không có tất cả những sự vật mà các thị dục thường hay dựa vào: như vậy chỉ còn lại có lòng say mê chính quy tắc ấy, khiến cho các tu sĩ ưu phiền; quy tắc càng khắc khổ tức là giảm bớt các thị dục lại càng khiến cho những thị dục mà quy tắc còn để lại mạnh mẽ thêm lên.
    -----------
    (1) ở đây, chính thể cộng hòa như là Montesquieu đã nói tới ở cuối cùng chương I quyển V. Từ ngữ này thực là bất ngờ; nhiều nhà phê bình nghĩ rằng đây chỉ là một sự lầm lẫn và ý Mentesquieu là muốn nói: "Chính thể bình dân". Nhưng từ ngũ vẫn có giá trị nếu người ta định nghĩa chính thể chính trị như là chính thể trong đó các công dân nắm giữ chính quyền.
    (2) Quân tử: Theo nghĩa những chữ này hồi thế kỷ XVII.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  5. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    III. Thế nào là lòng yêu mến nền cộng hòa trong chính thể dân chủ
    Lòng yêu mến nền cộng hòa, trong một chính thể dân chủ, là lòng yêu mến dân chủ; lòng yêu mến dân chủ là lòng yêu mến sự bình đẳng(3).
    Lòng yêu mến dân chủ lại còn là lòng yêu mến sự đạm bạc(4). Mỗi người trong chính thể dân chủ phải được hưởng cùng một thứ hạnh phúc, và cùng những thứ quyền lợi, phải nếm cùng những thứ lạc thú và có cùng những mối hy vọng, những điều này chỉ có thể được do sự đạm bạc chung.
    Lòng yêu mến sự bình đẳng trong một chính thể dân chủ giới hạn sự tham vọng vào ước vọng duy nhất, vào hạnh phúc duy nhất là giúp ích cho tổ quốc nhiều hơn là các công dân khác. Không phải tất cả đều giúp việc tổ quốc như nhau; nhưng mà tất cả đều phải giúp việc cho tổ quốc. Sinh ra đời, người ta nợ tổ quốc rất nhiều đến đỗi không bao giờ trả nợ được(1).
    Như vậy, những sự cách biệt sinh ra trong tổ quốc do nguyên tắc bình đẳng, ngay cả khi tổ quốc có vẻ mất hẳn những sự cách biệt ấy do những công việc may mắn hay do những tài năng cao cả.
    Lòng yêu mến sự đạm bạc giới hạn ước vọng có của cải vào chỗ lưu ý để có đủ cái cần thiết cho gia đình mình và cả cái thừa thãi cho tổ quốc mình. Những của cải khiến cho có một quyền lực mà một công dân không thể sử dụng ngay cho chính mình; bởi vì như thế y sẽ không bình đẳng. Của cỉa khiến cho có những khoái lạc mà công dân ấy không được hưởng: bởi vì như thế của cải sẽ nghịch với bình đẳng.
    Bởi vậy những chính thể dân chủ thiện hảo, một khi đã thiết lập sự đạm bạc trong các gia đình, đã mở rộng cửa cho những việc chi tiêu của công quỹ, như là ở Nhã Ðiển và ở La Mã(2). Như thế sự huy hoàng và sự tiêu pha rộng rãi do chính bản chất cả sự đạm bạc mà ra; và cũng như là tôn giáo buộc người ta phải có những bàn tay trong sạch để dâng lễ vật lên các thần minh, các luật pháp muốn rằng phong tục đạm bạc để người ta có thể hiến của cải cho tổ quốc.
    Lương tri và hạnh phúc củ các cá nhân phần nhiều là ở sự họ có những tài năng và của cải vừa phải.Một cộng hòa quốc trong đó có các luật pháp đã tạo nên nhiều người thuộc giới trung lưu, gồm có những người khôn ngoan và sẽ được cai trị một cách khôn ngoan; một cộng hòa quốc gồm có những người sung sướng sẽ rất sung sướng.
    ------------
    (3) Bình đẳng không những về quyền lợi, mà nhất là bình đẳng về nghĩa vụ.
    (4) ý tưởng này là một ý tưởng của thời xưa chứ không phải của thời nay.
    (1) Montesquieu trình bày ở đây một ý tưởng.
    (2) Những luật pháp hạn chế sự tiêu pha phong phú hạn chế việc chi tiêu trong các gia đình và nhà nước tổ chức những nơi giải trí công cộng.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  6. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    XII. Tính cách ưu tú của chính thể quân chủ
    Không nên tìm kiếm sự cao thượng trong những chính thể độc tài; nhà vua sẽ không ban phát ở trong những chính thể ấy một sự cao cả mà chính nhà vua cũng không có; chính nhà vua cũng không có sự vinh quang(1).
    Chính trong những chính thể quân chủ mà người ta thấy ở xung quanh nhà vua, các quần thần tiếp nhận những ánh vinh quang của nhà vua; tại đó, mỗi người, như vậy, được hưởng một khoảng rộng lớn và có thể hành xử những đạo đức khiến cho tâm hồn không phải có được sự độc lập, mà có được sự cao thượng.
    XIII. ý niệm độc tài
    Khi những dân mọi rợi xứ Louisianc muốn có quả ăn, họ đốn cây ngay ở dưới gốc và hái quả.
    Chính thể độc tài là như thế đó(2).
    ---------
    (1) Montesquieu sẽ dùng một biểu tượng ngay ở dưới: Ðó cũng như là những ánh quang vinh ở xung quanh đầu các vị thánh và Thượng đế.
    (2) Hình ảnh này, trước và ngay cả sau Montesquieu hay được người ta dùng.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  7. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển VI​
    XVII. Sự tra khảo hay là sự thẩm vấn các phạm nhân
    Bởi vì người đời đều độc ác, luật pháp buộc phải coi họ như là tốt nhiều hơn là như thực sự. Chẳng hạn lời khai của hai nhân chứng đủ để khiến cho có thể trừng trị được mọi trọng tội. Luật pháp tin ở nhân chứng coi như là họ nói ở miệng ra chỉ có sự thực. Người ta xét xử rằng mọi đứa hài nhi nào được thai nghé trong thời kỳ hôn nhân thì là con chính thức; luật pháp tin ở người mẹ, như là người mẹ chính là sự trinh tiết hiện thân. Nhưng mà sự tra khảo các phạm nhân không phải là một trường hợp miễn cưỡng như những trường hợp kể trên. Ngày nay chúng ta thấy một nước văn minh(3) bãi bỏ sự tra khảo các phạm nhân mà không có hại gì cả. Vậy thì theo bản chất của nó, sự tra khảo không cần thiết(1).
    Nhiều người giỏi giang và nhiều thiên tài xuất chúng đã viết để phản đối tập tục ấy khiến cho tôi không giám nói gì sau các người đó nữa(2). Tôi sắp sửa nói rằng sự tra khảo có thể thích hợp với những chính thể độc tài trong đó mọi cái gì khiến cho người ta sợ hãi phù hợp với những động lực của chính thể, tôi sắp nói những kẻ nô lệ thời các người Hi Lạp và thời các người La Mã... Nhưng mà tôi lại nghe thấy tiếng nói của thiên nhiên phản đối tôi.
    ---------------
    (3) Nước Anh Cát Lợi (chú thích của Montesquieu)
    (1) Các công dân ở Nhã Ðiển không thể bị tra khảo được (Lysias Orat in Agorat) trừ trường hợp phạm tội khi quân. Người ta chỉ tra khảo 30 ngày sau khi hình phạt đã được tuyên (Curius Fortunatus Rhetor. Scol. Quyển II) không có sự thẩm vấn dự bị. Còn đối với người La Mã, theo đạo luật 3 và 4 adbg. Juliam Majest, thì dòng dõi, tước vị, chức vụ dân quân có đủ bảo đảm để khiến cho phạm nhân khỏi bị tra khảo, trừ trường hợp phạm tội khi quân. Các luật lệ của người Wisigoths đã hạn chế sự tra khảo một cách khôn khéo (chú thích của Montesquieu).
    (2) Thực ra chỉ có các luật gia như là Pierre Ayrault vào hồi cuối thế kỷ thứ XVI, hay các nghị sĩ như ông Cố vấn Augusti Nicolas vào hồi cuối thế kỷ thứ XVII là đã ngờ vực sự ích lợi của sự tra khảo. Nhưng tácphẩm của các người này không được phổ biến trong quảng đại quần chúng. Vì thế cho nên người ta có thể ngạc nhiên khi thấy Montesquieu không nghiên cứu vấn đề kỹ lưỡng hơn. Phải đợi tới Beccaria (1764), với tác phẩm "khái luận về các khinh tội và các hình hạt" (Traité des Délits et des peines), và Voltaire (1760) thì dư luận mới xúc động vì vấn đề này.
    Được constancy sửa chữa / chuyển vào 11:22 ngày 22/11/2003
  8. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển VII​
    I. Sự xa xỉ
    Sự xa xỉ luôn luôn tương xứng với sự giàu nghèo bất đồng. Nếu trong một quốc gia, các của cải được phân chia đồng đều, thì sẽ không có xa xỉ; bởi vì sự xa xỉ chỉ căn cứ vào các tiện nghi mà ngườita có do sự làm việc của các người khác.
    Muốn cho các của cải được phân chia đồng đều, cần rằng luật pháp chỉ ban cho mỗi người cái cần thiết về vật chất mà thôi. Nếu người ta có thừa, kẻ này sẽ tiêu pha đi, kẻ kia sẽ mua thêm, vãe có sự bất bình đẳng.
    Hãy giả thiết rằng cái cần thiết về vật chất bằng một con số nào đó, sự xa xỉ của những người chỉ có đủ dùng sẽ bằng con số không; người nào có gấp hai sẽ xa xỉ bằng con số một; người nào có tài sản gấp hai tài sản của người nói trên sẽ xa xỉ bằng con số ba; khi người ta lại có của cải gấp hai nữa, thì sự xa xỉ bằng con số bảy; như vậy vì lẽ tài sản của tư nhân kế tiếp vẫn luôn luôn được giả thiết như là gấp đôi tài sản của người trước, sự xa xỉ sẽ tăng gấp đôi cộng thêm một, theo cấp số 0, 1, 3, 7, 15, 31, 63, 127.
    Trong chính thể cộng hòa do Platon quan niệm(1), người ta có thể tính đúng sự xa xỉ. Có bốn suất thuế được thiết lập. Suất thứ nhất chính là giới hạn cuối cùng cho các người nghèo khổ; suất thứ hai gấp đôi, suất thứ ba gấp ba, suất thứ tư gấp bốn lần suất thứ nhất. Trong suất thứ nhất, sự xa xỉ tính bằng con số không: sự xa xỉ được tính bằng con số một trong suất thứ hai, bằng con số hai trong suất thứ ba, bằng con số bốn trong suất thứ tư và nó tiến như vậy theo tỷ lệ toán học.
    So sánh xa xỉ của mọi dân tộc, thì thấy rằng trong mỗi quốc gia sự xa xỉ tuân theo phức tỷ của sự bất bình đẳng giữa tài sản của các công dân, và của sự bất bình đẳng giữa các của cải của mỗi quốc gia. ở Ba Lan, chẳng hạn, giàu nghèo rất là bất đồng, nhưng mà tổng kết lại thì vẫn nghèo khiến cho không có sự xa xỉ bằng ở trong một quốc gia giầu hơn.
    Sự xa xỉ lại tương xứng với trình độ rộng lớn của các thành phố và nhất là của thủ đô; như thế, sự xa xỉ tuân theo phức tỷ của các của cải của quốc gia, căn cứ bất bình đẳng giữa các tài sản của tư nhân và của nhân số mà người ta tụ tập lại một vài nơi.
    Càng nhiều người cùng ở một chỗ với nhau, họ càng trở nên kiêu căng và đâm ra có ý muốn cho người ta để ý tới mình bằng những điều nhỏ nhặt(2). Nếu số người lớn đến nỗi mà phần đông không quen biết nhau, thì ý muốn cho người khác lưu ý tới mình lại gấp đôi, vì có nhiều hy vọng thành công hơn. Sự xa xỉ khiến cho có hy vọng ấy; mỗi người đều ăn mặc theo như địa vị ở trên địa vị của mình. Nhưng mà vì mọi người đều muốn cho mình khác biệt với người khác, mọi sự đều trở nên đồng đều và không ai khác ai nữa. Vì lẽ mọi người đều muốn người khác chú ý nhìn mình, không ai chú ý đến ai nữa.
    Do đó kết quả là tạo nên một tình trạng khó chịu cho mọi người. Những kẻ thạo về một nghề nghiệp nào đó tha hồ đánh giá nghệ thuật của họ; các kẻ có tài năng kém hơn cũng bắt chước họ; sẽ không có sự điều hòa giữa các nhu cầu và phương tiện nữa. Khi tôi bị buộc phải tranh tụng, cần rằng tôi phải có thể có đủ tiền trả công một luật sư; khi tôi bị đau yếu, cần rằng tôi phải có một y sĩ chữa bệnh cho tôi.
    Có vai người suy nghĩ rằng tụ tập nhiều dân số tại một thủ đô, người ta sẽ khiến cho nền thương mãi giảm bớt, bởi vì các người sẽ không ở cách xa nhau. Tôi không tin là như vậy; khi người ta ở chung với nhau, người ta càng có thêm ước vọng, có thêm nhu cầu, có thêm thị hiếu.
    ------------
    (1) Suất thế thứ nhất liên quan đến số đất thừa hưởng và Platon không muốn rằng người ta có thể có gấp ba số đất thừa hưởng, trong số các tài sản khác. Xin xem cuốn "Lois" quyển IV (chú thích của Montesquieu). Thực thế Platon quan niệm một cộng hòa quốc trong đó tất cả các công dân đều mỗi người được thừa hưởng một khoảnh đất bằng nhau. Nhưng mà ông không tán thành một sự bình đẳng hoàn toàn trong xã hội vì ông chủ trương phân chia xã hội ra làm bốn loại công dân, mà trong bốn loại ấy, hạng người giàu nhất sẽ giàu gấp bốn lần hạng nghèo nhất.
    (2) Theo tác giả "ngụ ngôn về các con Ong" (Fable de abeilles) quyển I, trang 133 ở trong một thành phố lớn, người ta ăn mặc không xứng với địa vị của mình, ăn mặc quá sang để cho đa số trọng vọng người ta hơn. Ðó là một lạc thú đối với một tâm hồn hèn yếu, một lạc thú lớn bằng sự thích thú của người ta khi đạt được ước vọng của mình (chú thích của Montesquieu) Mandeville xuất bản tại Luân Ðôn vào năm 1706 một ngụ ngôn châm biếm bằng thơ nhan đề "Tổ ong kêu vo vo" (La Ruche bourdonante) ngụ ngôn này được dịch sang tiếng Pháp vào năm1740 và bài dịch nhan đề là ngụ ngôn về các con ong. Trong ngụ ngôn này tác giả kể chuyện một tổ ong trước kia luôn luôn rất thịnh vượng khi mà các con ong tuân theo linh tính của chính nó, sau đã suy sụp khi mà các con ong tuân theo một nền đạo đức khắc khổ. Người ta có thể kết luận là sự cường thịnh của một xã hội không đi đôi với đạo đức.
    Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ - Vô duyên đối diện bất tương phùng
  9. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển VIII​
    II. Sự hư hỏng của nguyên tắc dân chủ
    Nguyên tắc dân chủ sẽ hư hỏng không phải chỉ trong trường hợp người ta mất tinh thần bình đẳng, mà còn cả trong trường hợp người ta có tinh thần bình đẳng quá độ, và mỗi người đều muốn bình đẳng với những người mà họ đã chọn lựa để chỉ huy họ. Như thế, dân chúng, không thể chịu đựng quyền lực mà dân chúng đã giao phó cho các người cầm quyền dân chúng muốn làm lấy tất cả mọi việc, bàn cãi thay thế nguyên lão nghị viện, hành pháp thay thế các nhà cầm quyền và tước quyền của tất cả các thẩm phán. Không thể có đạo đức trong cộng hòa quốc nữa. Dân chúng muốn giữ việc cầm quyền chính: người ta sẽ không tôn trọng các nhà cầm quyền nữa. Các cuộc thảo luận cả nguyên lão nghị viện không còn có giá trị nữa, người ta không kính nể các nguyên lão nghị viện nữa và như vậy không kính nể các người già lão nữa. Người ta đã không kính trọng các vị lão thành thì(1) người ta sẽ không kính trọng các vị phụ chấp nữa; vợ sẽ không tôn kính chồng nữa và tớ sẽ không phục tòng thầy nữa. Tất cả mọi người sẽ ưa thích sự vô kỷ luật ấy. Sự chỉ huy sẽ khiến cho mọi người khó chịu, buồn nản cũng như là sự vâng lời. Các đàn bà, trẻ con, nô lệ sẽ không phục tòng ai nữa. Sẽ không có thuần phong, sẽ không có sự ưa chuộng trật tự, sau hết sẽ không có đạo đức.
    Trong cuốn "Bữa tiệc lớn"(2) Xénophon đã miêu tả một cách rất tự nhiên một cộng hòa quốc trong đó dân chúng đã lạm dụng sự bình đẳng.Mỗi một người dự tiệc đều cắt nghĩa tại sao y lại mãn nguyện. Charmides nói: "Tôi mãn nguyện vì rằng tôi nghèo. Khi trước tôi giàu có, tôi phải chiều chuộng những kẻ chuyên nghề vu cáo vì tôi biết rằng họ làm hại được tôi nhiều hơn là(3) tôi làm hại được họ chính thể cộng hòa luôn luôn đòi hỏi tôi nộp thêm tiền; tôi không thể vắng nhà được. Từ khi tôi trở nên nghèo khổ, tôi có uy quyền; không ai hăm dọa tôi, tôi lại hăm dọa các người khác; tôi có thể muốn đi, muốn ở tùy ý. Các người giàu có đã đứng dậy và nhường bước cho tôi. Tôi là một vị vua chúa, trước kia tôi là một kẻ nô lệ; trước kia, tôi phải nộp thuế cho chính thể cộng hòa, ngày nay chính thể cộng hòa nuôi tôi tôi không sợ mất mát gì nữa, tôi có hy vọng thủ đắc nữa".
    Dân chúng phải chịu tai họa ấy khi mà những kẻ đã được dân chúng tín nhiệm, vì muốn giấu giếm sự đồi bại của họ, tìm cách làm bại hoại dân chúng. Ðể cho dân chúng không nhìn thấy tham vọng của họ, họ chỉ nói với dân chúng về sự vĩ đại của dân chúng; để cho dân chúng không thấy rõ lòng tham lam của họ, họ luôn luôn chiều chuộng lọng tham lam của dân chúng.
    Sự đồi bại sẽ tăng gia trong đám các người khiến cho các người khác bại hoại và sẽ tăng gia trong đám các người đã bị bại hoại. Dân chúng sẽ tự phân chia tất cả của công và vì dân chúng kết hợp việc quản trị việc công với sự lười biếng của dân chúng, dân chúng sẽ muốn kết hợp những sự vui chơi của sự xa xỉ với sự nghèo nàn của dân chúng. Nhưng mà dân chúng đã lười biếng và xa xỉ thì chỉ có công khố là có thể là mục tiêu của dân chúng.
    Không nên ngạc nhiên nếu người ta thấy đánh đổi lá hiếu để lấy tiền. Người ta không thể cho dân chúng nhiều mà không lấy lại của dân chúng nhiều hơn nữa; nhưng mà để lấy lại của dân chúng, phải lật đổ chính thể. Dân chúng càng có vẻ có nhiều lợi lộc do sự tự do của dân chúng, dân chúng càng tới lúc phải mất sự tự do của mình. Sẽ có những nhà độc tài nhỏ có tất cả các tính xấu của một nhà độc tài duy nhất. Chẳng bao lâu nữa người ta sẽ không chịu đựng nổi cái gì còn lại là tự do; một nhà độc tài duy nhất nổi lên; và dân chúng sẽ mất cả, cho đến cả những lợi lộc mà dân chúng có do sự đồi bại của mình.
    Như vậy chính thể dân chủ phải tránh hai cái thái quá: tinh thần bất bình đẳng nó đưa tới chính thể quý tộc hay là chính thể do một người và tinh thần tối bình đẳng nó đưa đến sự độc tài của một người cũng như là sự dộc tài của một người sẽ kết thúc bằng sự xâm lược...
    III. Tinh thần tối bình đẳng
    Trời xa trái đất bao nhiêu thì tinh thần bình đẳng thực sự cũng xa tinh thần tối bình đẳng bấy nhiêu. Tinh thần bình đẳng thực sự không phải là làm thế nào để cho mọi người đều chỉ huy, hay không ai bị chỉ huy cả, nhưng mà tinh thần ấy là tuân lệnh và chỉ huy những người bình đẳng với mình. Tinh thần ấy tức là không kiếm cách không có thầy, nhưng tức là chỉ có những người bình đẳng làm thầy mình.
    Trong trạng thái thiên nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng; nhưng mà họ không thể giữ nguyên tình trạng ấy. Xã hội khiến cho họ mất sự bình đẳng và họ chỉ trở nên bình đẳng lại là do luật pháp.
    Ðó là sự khác biệt giữa chính thể dân chủ được quy định và chính thể dân chủ không được quy định, chẳng hạn trong chính thể thứ nhất, người ta chỉ bình đẳng vì là công dân, còn trong chính thể kia, người ta chỉ bình đẳng vì là công dân, còn trong chính thể kia, người ta lại còn bình đẳng vì là nhà cầm quyền, là thẩm quyền, là cha, là chồng, là thầy.
    Vị trí tự nhiên của đạo đức là ở gần tự do; nhưng mà vị trí ấy không ở gần sự tự do cực độ cũng như là không ở gần sự nô lệ.
    To be or Not To be !
  10. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển X​
    II. Chiến tranh
    Ðời sống của các quốc gia cũng như đời sống của các người đời. Các người đời có quyền chém giết trong trường hợp tự vệ tự nhiên; các quốc gia có quyền tác chiến để tư bảo vệ.
    Trong trường hợp tự vệ tự nhiên, tôi có quyền chém giết vì đời sống của tôi là của tôi, cũng như là đời sống của kẻ tấn công tôi là của kẻ ấy: trường hợp một quốc gia tác chiến cũng vậy bởi vì sự tự bảo vệ của quốc gia ấy cũng chính đáng như mọi sự tự bảo vệ khác.
    Giữa những công dân, quyền tự vệ tự nhiên không đem theo sự cần thiết phải tấn công. Ðáng lẽ tấn công, các công dân chỉ việc cầu trợ các tòa án. Như vậy, họ chỉ có thể sử dụng quyền tự vệ ấy trong những trường hợp nhất thời mà người ta sẽ bị nguy hại nếu ngươì ta chờ đợi sự cứu trợ của luật pháp. Nhưng mà giữa những xã hội, quyền tự vệ tự nhiên có khi đưa đến sự cần thiết phải tấn công, khi mà một dân tộc nhận thấy rằng một cuộc hòa bình lâu dài hơn sẽ khiến cho một dân tộc khác có thể tiêu diệt mình được, và khi mà chỉ có sự tấn công lúc đó là phương tiện duy nhất để ngăn chặn sự tiêu diệt này(1).
    Do đó các xã hội nhỏ thường có quyền tác chiến nhiều hơn là các xã hội lớn, vì rằng các xã hội ấy thường ở trong trường hợp sợ bị tiêu diệt.
    Quyền tác chiến như vậy phải sinh tử sự, cần thiết và lẽ công bằng cứng nhắc. Nếu những người hướng dẫn lương tâm của các vị vua chúa hay chủ tọa các viện cơ mật của các vị ấy không bằng vào đó, mọi sự đều nguy hại; và khi mà người ta căn cứ vào những nguyên tắc độc đoán về vinh quang, lễ nghi, lợi ích, thì máu sẽ chảy tràn ngập cả trái đất.
    Xin người ta hãy đừng nói tới, nhất là sự vinh quang của nhà vua; sự vinh quang của nhà vua sẽ khiến cho ông ấy kiêu ngạo; đó là một thị dục chứ không phải là một quyền lợi chính đáng.
    Thực ra thì tiếng tăm về sự hùng mạnh của nhà vua sẽ khiến cho quốc gia mạnh hơn lên: nhưng mà tiếng tăm về sự công minh của nhà vua càng khiến cho quốc gia mạnh hơn lên.
    To be or Not To be !

Chia sẻ trang này