1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

DE L'ESPRIT DES LOIS = VẠN PHÁP TINH LÝ (par Montesquieu)

Chủ đề trong 'Khoa học Pháp lý' bởi Constancy, 16/11/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XI​
    II. Các định nghĩa gán cho những tiếng "tự do"
    Không có những tiếng nào mà đã được người ta gán cho nhiều nghĩa, mà đã xúc động các tâm trí bằng nhiều cách, như là những tiếng tự do. Có người cho rằng những tiếng ấy có nghĩa là sự truất ngôi dễ dàng một kẻ mà trước kia họ đã giao phó cho một quyền hành độc đoán; có người khác lại cho rằng đó là năng quyền bầu cử người mà họ sẽ phải tuân lệnh; có người khác nữa chủ trương rằng đó là quyền được võ trang và có thể bạo động: có người thì cho là đó là đặc quyền được do một người đồng quốc hay do luật pháp của chính họ cai trị. Một dân tộc nào đó(1) trong một thời gian lâu dài đã cho là tự do là tập tục để râu dài. Có người đã gán những tiếng tự do cho một hình thức chính thể và đã loại bỏ các hình thức khác. Những kẻ đã nếm mùi chính thể cộng hòa cho là tự do chỉ có với chính thể này; những kẻ đã được hưởng thụ chính thể quân chủ cho là tự do chỉ có với chính thể ấy(1).
    Sau hết, mỗi người gọi là tự do chính thể nào phù hợp với tập quán hay xu hướng của mình; và vì lẽ trong một cộng hòa quốc, người ta không có luôn luôn ở trrước mắt, một cách hiện diện, những kẻ đã làm lợi khí cho những tai họa mà người ta ca thán, vả lại chính các luật pháp cũng có vẻ rõ rệt hơn ở trong một cộng hòa quốc, người ta thường cho là tự do chỉ có trong những cộng hòa quốc và người ta đã loại trừ tự do ra khỏi các chính thể quân chủ. Sau nữa, vì ở trong các chính thể dân chủ, dân chúng có vẻ muốn cái gì thì làm cái nấy, người ta đã cho là chỉ có tự do ở trong các loại chính thể này và người ta đã lầm lẫn quyền hành của dân chúng với tự do của dân chúng.
    III. Thế nào là tự do
    Thực ra thì trong những chính thể dân chủ, dân chúng có vẻ muốn cái gì thì làm cái nấy; nhưng mà tự do chính trị không phải là làm cái gì mà người ta muốn. Trong một quốc gia, tức là trong một xã hội có luật pháp, sự tự do chỉ là có thể làm cái mà người ta phải muốn, và không bị bó buộc phải làm cái mà người ta không phải muốn(2).
    Phải nên ghi vào trong trí óc thế nào độc lập và thế nào là độc lập và thế nào là tự do. Tự do là quyền làm tất cả cái gì mà luật pháp cho phép; và nếu một công dân có thể làm cái mà luật pháp cấm, công dân ấy sẽ không có tự do bởi vì các người khác cũng sẽ có quyền đó.
    To be or Not To be !
  2. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    VI. Hiến pháp nước Anh Cát Lợi
    Trong mỗi quốc gia có ba thứ quyền: quyền lập pháp, quyền hành xử những cái gì thuộc quốc tế công pháp và quyền hành xử những cái gì thuộc luật dân sự(3).
    Với quyền thứ nhất, nhà vua hay nhà cầm quyền làm những luật pháp cho một thời gian hay một cách vĩnh viễn và sửa đổi hay hủy bỏ những luật pháp đã được làm. Với quyền thứ hai, nhà vua hay nhà cầm quyền nghị hòa hay khai chiến, phái hay tiếp các sứ thần, thiết lập sự an ninh, đề phòng sự xâm lược. Với quyền thứ ba, nhà vua hay nhà cầm quyền trừng phạt các tội phạm hay phân xử những vụ tranh chấp giữa các tư nhân. Người ta sẽ gọi quyền sau cùng này là quyền xử đoán và quyền kia một cách giản dị là quyền hành pháp của quốc gia.
    Tự do chính trị của một công dân là sự bình tĩnh của tinh thần do ý niệm mà mỗi người có về sự an ninh của mình; và để cho người ta có được tự do ấy, cầu rằng chính thể phải như thế nào để khiến cho một công dân không thể sợ hãi một công dân khác(1).
    Khi mà tại chính một người hay tại chính một tập đoàn các nhà cầm quyền, quyền lập pháp được sáp nhập vào với quyền hành pháp, thì sẽ không có tự do chút nào; bởi vì người ta có thể e sợ rằng chính nhà vua ấy hay chính nguyên lão nghị viện ấy làm những luật pháp độc đoán để đem thi hành một cách độc đoán.
    Sự không có chút tự do nào nếu quyền xét xử không được phân biệt đối với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp được sáp nhập vào quyền lập pháp, quyền đối với đời sống và tự do của công dân sẽ độc đoán, bởi vì thẩm phán sẽ là nhà lập pháp. Nếu quyền tư pháp được sáp nhập vào quyền hành pháp, thẩm phán sẽ có sức mạnh của một kẻ áp bức.
    Mọi thứ sẽ bị mất cả nếu chính một người, hay chính một tập đoàn các thân hào hay các quy tộc hay bình dân, hành xử cả ba quyền ấy: quyền làm luật, quyền thi hành các quyết nghị chung và quyền xét xử các tội phạm hay các vụ tranh chấp giữa các tư nhân.
    Trong phần đông các vương quốc ở Âu Châu, chính thể thực ôn hòa(1) bởi vì nhà vua nắm giữ hai quyền trên và để cho các thần dân hành xử quyền thứ ba. ở Thổ Nhĩ Kỳ, ba quyền đó đều hợp nhất nơi nhà vua, và có một sự chuyên chế ghê gớm.
    Trong các cộng hòa quốc ở ý Ðại Lợi mà ba quyền ấy được hợp nhất, ít có tự do hơn là ở trong các chính thể quân chủ của chúng ta. Vì vậy, để có thể tự duy trì được, chính thể đã phải cần dùng tới những phương tiện cũng hung bạo như là chính thể ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng chứng là chế độ các Quốc Pháp quan(2) và chế độ hộp thư trong đó mỗi kẻ vu cáo có thể, lúc nào cũng được, bỏ thư tố cáo người khác.
    Hãy xem xét coi tình trạng một công dân trong các cộng hòa quốc ấy có thể như thế nào. Cùng một tập đoàn các nhà cầm quyền đứng về phương diện là cơ quan hành pháp, lại có tất cả quyền lực mà tập đoàn ấy đã tự ban cho mình là cơ quan lập pháp. Tập đoàn ấy có thể phá hại quốc gia do những ý chí chung của nó, và vì tập đoàn ấy còn có quyền xét xử, nó có thể tiêu diệt mỗi công dân do những ý chí riêng biệt của nó.
    Tất cả quyền lực trong các cộng hòa quốc nói trên chỉ là một, và mặc dầu không có một sự tráng lệ nào về bề ngoài phát giác ra một vị vua chúa độc tài, mỗi lúc, người ta đều cảm thấy sự độc tài ấy.
    Vì vậy cho nên các vị vua chúa nào muốn trở thành độc tài luôn luôn khởi đầu bằng việc tóm thâu nơi cá nhân của các vị vua chúa ấy tất cả mọi quyền hành, và nhiều vị vua ở Âu Châu, bằng cách tóm thâu tất cả những chức vụ quan trọng trong nước.
    Tôi tưởng rằng chính thể quý tộc thế tập thuần túy của các cộng hòa quốc tại ý Ðại Lợi chính ra không đáp ứng với nền độc tài ở á Châu. Có khi số đông các nhà cầm quyền làm cho chính quyền được ôn hòa hơn; tất cả các nhà quý phái không luôn luôn theo đuổi cùng mục đích; người ta lập thành nhiều tòa án, các tòa án này làm hòa dịu lẫn nhau. Chẳng hạn, ở Venise, đại hội đồng có quyền lập pháp "prégadi"(1) có quyền hành pháp; các tòa án "quaranties"(2) có quyền xét xử.
    Nhưng tai hại thay, các tòa án ấy tuy khác nhau lại gồm có những phán quan ở trong một đoàn thể; như vậy, tóm lại chỉ có một quyền hành.
    Quyền xét xử không nên giao cho một nguyên lão nghị viện thường trực, quyền ấy, phải được hành xử do những người do dân chúng mà ra;(3) trong những khoảng thời gian nào trong một năm, theo thủ tục do luật pháp quy định, những người này họp lại thành một tòa án mà nhiệm kỳ chỉ là khoảng thời gian cần thiết.
    Như thế, quyền xét xử, một quyền rất ghê gớm ở xã hội các người đời, vì không dính líu vào một địa vị nào hay vào một chức nghiệp nào, sẽ trở nên, nói như vậy cũng được, vô hình và vô hiệu.
    Người ta không luôn luôn có trước mắt những thẩm phán và người ta e sự chức vụ pháp quan, chứ không phải e sợ các pháp quan.
    Trong các vụ án hình sự lớn, cần cho phạm nhân, đồng thời với luật pháp, được lựa chọn các thẩm phán; hay ít ra phạm nhân cũng có thể hồi tị một số rất lớn để cho những thẩm phán còn lại có thể được coi như là đã do phạm nhân lựa chọn.
    Hai quyền lực kia (4) có thể giao cho những người thừa hành(5) hay cho những cơ quan thường trực (6) vì các quyền ấy không được sử dụng đối với một cá nhân nào, một quyền chỉ là ý chí chung cả quốc gia, quyền kia chỉ là sự chấp hành ý chí chung ấy.
    Nhưng nếu các tòa án không nên cố định thì các án văn lại phải nhất định đến nỗi các án văn ấy chỉ là một bản văn chính xác của luật pháp. Nếu các án văn chỉ là ý kiến riêng của thẩm phán, người ta sẽ sống trong xã hội mà không biết đích xác những khế ước do người ta ký kết.
    Các thẩm phán cần phải cùng địa vị với bị cáo hay là những người đồng đẳng với y để cho trí óc của y không có ý nghĩa là y đã rơi vào trong tay của những kẻ sẵn sàng bạo động với y(1).
    Nếu quyền lập pháp để cho quyền hành pháp có quyền bỏ tù những công dân có thể bảo đảm cho tính hạnh của mình, sẽ không còn có tự do, trừ khi những công dân ấy đã bị bắt để trả lời, vô kỳ hạn, về một tội phạm mà luật pháp đã khiến cho trở nên quan hệ: trong trường hợp ấy, những công dân nói trên thực ra là tự do, vì lẽ các y chỉ phục tòng có uy quyền của luật pháp(2).
    Nhưng mà nếu quyền lập pháp tin tưởng rằng đương ở vào một tình thế nguy hiểm, vì có một cuộc âm mưu nào chống lại quốc gia, hay có một cuộc tư thông với những kẻ ngoại thù, quyền lập pháp có thể, trong một thời gian ngắn và có giới hạn, cho phép quyền hành pháp bắt bớ những công dân bị tình nghi, những công dân này như thế sẽ chỉ mất tự do trong một thời gian để giữ mãi sự tự do ấy(3).
    Và đó là phương tiện hợp lý duy nhất để thay thế chính quyền chuyên chế của các Thượng pháp quan(4) và để thay thế các quốc pháp quan ở Venise, các người sau này cũng độc tài.
    Vì rằng trong một quốc gia tự do, một người mà được xem như là có một tâm hồn tự do phải được tự mình cai trị mình; dân chúng họp thành tập đoàn cần phải có quyền lập pháp. Nhưng mà điều đó không thể thực hiện được ở trong các nước lớn, và rất bất tiện ở các nước nhỏ; cần rằng dân chúng sẽ do các người đại diện(1) của dân chúng làm tất cả cái gì mà dân chúng không thể tự mình làm lấy.
    Người ta biết rõ những nhu cầu của thành phố của mình hơn là biết rõ những nhu cầu của các thành phố khác; và người ta xét đoán năng lực cả những người láng giềng của mình dễ hơn là xét đoán năng lực của những đồng bào khác. Vậy thì các nhân viên của cơ quan lập pháp không nên phải do tập đoàn quốc gia mà ra, một cách tổng quát; nhưng trong mỗi nơi chính yếu, xét ra rất thích đáng là dân cư lựa chọn lấy một người đại diện(2).
    Ưu thế của các người đại diện là họ có thể bàn cãi các công việc. Dân chúng không thích hợp để làm việc ấy: đó là một trong những khuyết điểm lớn của chính thể dân chủ(3).
    Không cần thiết rằng các người đại diện, đã nhận được ở những người đã lựa chọn họ một huấn luyện tổng quát, lại còn nhận được ở những người ấy một huấn lệnh riêng biệt cho mỗi việc, như là ở trong các nghị hội ở nước Ðức(4). Thực ra, như thế, thì tiếng nói của các nghị sĩ sẽ là sự biểu thị của tiếng nói của quốc gia hơn, nhưng mà điều này sẽ đưa tới những sự dài dòng vô hạn, khiến cho mỗi một nghị sĩ là chủ của cả người khác và trong những trường hợp cấp bách, tất cả sức mạnh của quốc gia có thể bị hãm lại vì một sự bất thường.
    Như ông Sidney(5) đã nói rất đúng, khi mà các nghị sĩ đại diện cho một tập đoàn dân chúng như ở Hòa Lan, họ phải báo cáo những việc họ làm cho những người đã ủy quyền cho họ: như ở Anh Cát Lợi, khi mà họ được các thị trấn bầu ra thì lại khác.
    Tất cả các công dân, trong mọi các khu, phải có quyền bỏ phiếu để chọn người đại diện, chỉ trừ ra những kẻ nào ở trong một tình trạng thấp kém quá đến nỗi họ phải được coi như là không có ý chí riêng biệt.
    Có một khuyết điểm ở phần đông các cộng hòa quốc thời xưa: đó là quyền của dân chúng được có những quyết định tích cực, những quyết định này đòi hỏi một sự thi hành nào đó mà dân chúng hoàn toàn làm nổi. Dân chúng chỉ nên gia nhập chính thể để lựa chọn các đại diện của mình, cái đó vừa tầm dân chúng. Bởi vì nếu có ít người biết được mức độ chính xác của năng lực của các người, dầu sao mỗi người có thể biết, mộ cách tổng quát, rằng nười mà mình đã lựa chọn sáng suốt hơn phần đông các kẻ khác.
    Cơ quan đại diện cũng không nên được lựa chọn để đưa ra một quyết định tích cực, điều mà cơ quan ấy không làm một cách hoàn hảo được, cơ quan ấy phải được chọn lựa để làm luật hay để xem xét coi người ta có thi hành đúng những luật lệ mà cơ quan ấy đã làm không, điều mà cơ quan ấy có thể làm một cách hoàn hảo, điều mà chỉ có cơ quan ấy là có thể làm một cách hoàn hảo.
    Trong một quốc gia, luôn luôn có những người siêu quần vì dòng dõi, của cải hay danh vọng; nếu họ bị trộn lẫn vào trong đám dân chúng, nếu họ cũng chỉ có một phiếu bầu như các kẻ khác, sự tự do chung sẽ là sự nô lệ hóa đối với họ và họ sẽ không thấy có ích lợi gì để bênh vực sự tự do, bởi vì hần lớn các quyết định sẽ chống lại họ. Phần của họ tham gia vào công việc lập pháp như vậy phải tương xứng với các quyền lợi khác mà họ có trong quốc gia: điều đó sẽ xẩy ra nếu họ họp thành một đoàn thể có quyền cản trở các kế hoạch của dân chúng cũng như là dân chúng có quyền cản trở các kế hoạch của họ(1).
    Như vậy, quyền lập pháp sẽ được giao phó vừa cho đoàn thể các quý tộc vừa cho đoàn thể được lựa chọn để đại diện cho dân chúng, hai đoàn thể này, mỗi đoàn thể sẽ có nghị viện để bàn cãi riêng biệt và sẽ có những mục tiêu và quyền lợi khác nhau.
    Trong ba quyền mà chúng tôi vừa nói, quyền xét xử như thế không có tính cách tích cực. Chỉ còn lại hai quyền và vì hai quyền ấy cần có một quyền quy định để dung hòa hai quyền, phần tử của cơ quan lập pháp gồm những quý tộc có thể làm công việc ấy.
    Ðoàn thể các quý tộc phải được thế tập. Trước hết, do bản chất của nó, đoàn thể này như thế; vả lại, đoàn thể ấy cần phải có quyền lợi lớn để duy trì đặc quyền của mình, tự những đặc quyền ấy đã có tính cách khả ố và ở trong một quốc gia tự do, những đặc quyền đó luôn luôn bị đe dọa.
    Nhưng mà vì lẽ một quyền thế tập có thể xui khiến ta chỉ tuân theo các quyền lợi của mình mà lãng quên quyền lợi của dân chúng, cần rằng trong những sự vật mà người ta có một quyền lợi tố cao để làm hư hỏng quyền nói trên, chẳng hạn trong những luật lệ liên quan đến việc thâu tiền, quyền thế tập chỉ được tham gia quyền lập pháp bằng cách ngăn cản, chứ không phải bằng cách quy định(1).
    Theo tôi, năng quyền quy định là quyền tự mình ra lệnh hay quyền sửa chữa mệnh lệnh của một người khác. Theo tôi năng quyền ngăn cản là quyền khiến cho quyết định của người khác trở nên vô hiệu: đó là quyền của bảo dân quan ở cổ La Mã(2). Và mặc dầu kẻ có năng quyền ngăn cản cũng có thể có quyền chuẩn y, như thế, sự chuẩn chấp ấy chỉ là lời công bố không sử dụng năng quyền ngăn cản và phát sinh từ năng quyền này.
    Quyền hành pháp phải ở trong tay một vị vua chúa, bởi vì bộ phận này của chính thể, lúc nào cũng cần đến một hành động tức thời, sẽ được quản trị một cách hữu hiệu do một người hơn là do nhiều người; trong khi trái lại cái gì thuộc về quyền lập pháp sẽ được quy định một cách hoàn hảo do nhiều người hơn là do một người.
    Nếu không có vua chúa, mà quyền hành pháp được giao phó cho một số người rút từ cơ quan lập pháp ra thì sẽ không có tự do, bởi vì hai quyền sẽ hợp nhất, số người nói trên có khi và có thể tham gia vào quyền này cũng như vào quyền kia.
    Nếu cơ quan lập pháp không được triệu tập sau một thời gian quá lâu, sẽ không có tự do. Bởi vì hai sự kiện sẽ xẩy ra, hoặc sẽ không có quyết định của cơ quan lập pháp và quốc gia sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, hoặc quyền hành pháp sẽ ra những quyết định ấy và sẽ trở nên chuyên chế.
    Cơ quan lập pháp luôn luôn nhóm họp là điều vô ích. Sẽ bất tiện cho các đại diện, vả lại như thế sẽ làm bận rộn quá nhiều quyền hành pháp lúc đó sẽ không nghĩ tới việc chấp hành, mà chỉ nghĩ tới việc bênh vực các đặc quyền cùng quyền thi hành của mình.
    Hơn nữa, nếu cơ quan lập pháp nhóm họp một cách liên tiếp, một việc có thể xẩy ra là người ta chỉ thay thế các nghị sĩ mới vào chỗ các nghị sĩ cũ đã qua đời; và trong trường hợp ấy, nếu cơ quan lập pháp bị hư hỏng thì vô phương cứu chữa.
    Nếu nhiều cơ quan lập pháp kế tiếp nhau, dân chúng có một dư luận không hay đối với cơ quan lập pháp hiện thời sẽ có lý để đem hết hy vọng vào cơ quan lập pháp tới sau. Nhưng mà nếu luôn luôn chỉ có một cơ quan lập pháp mãi, dân chúng một khi thấy cơ quan ấy bị hư hỏng sẽ không còn tin tưởng vào các luật pháp của cơ quan âý nữa; dân chúng sẽ trở nên dữ tợn hay là thờ ơ.
    Được constancy sửa chữa / chuyển vào 09:53 ngày 06/12/2003
  3. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Cơ quan lập pháp không nên tự mình triệu tập lấy mình, bởi vì một cơ quan chỉ được coi như là có ý chí một khi đã được triệu tập; và nếu toàn thể cơ quan lập pháp không nhóm họp lại, người ta sẽ không thể nói rõ phần nào đích thực là cơ quan lập pháp, phần đã nhóm họp hay là phần không nhóm họp. Nếu cơ quan lập pháp có quyền tự triển hạn(1), việc có thể xẩy ra là cơ quan này không bao giờ tự triển hạn, việc ấy rất nguy hiểm trong trường hợp cơ quan lập pháp muốn mưu hại quyền hành pháp. Vả lại, có những thời gian thuận tiện hơn cho việc triệu tập cơ quan lập pháp; như vậy, cần rằng quyền hành pháp quy định kỳ hạn và thời gian nhóm họp của các nghị hội cho phù hợp với tình thế mà quyền hành pháp biết rõ(2).
    Nếu quyền hành pháp không thể ngăn cản những kế hoạch của cơ quan lập pháp, cơ quan này sẽ trở nên độc tài: bởi vì cơ quan đó sẽ tự ban cho mình tất cả quyền hành mà cơ quan ấy có thể quan niệm được và sẽ tiêu diệt tất cả các quyền khác.
    Nhưng mà trái lại quyền lập pháp không nên có năng lực ngăn cản quyền hành pháp. Bởi vì do bản chất của nó, sự chấp hành có những giới hạn; giới hạn sự chấp hành là điều vô ích; hơn nữa, quyền hành pháp luôn luôn được thi hành đối với những sự vật nhất thời. Và quyền hành của các báo dân quan ở La Mã có khuyết điểm vì không những quyền ấy chỉ ngăn cản quyền lạap pháp, lại còn ngăn cản cả quyền hành pháp, điều đó là nguyên nhân của những tai họa lớn.
    Nhưng mà nếu ở trong một quốc gia tự do, quyền lập pháp không nên có quyền ngăn cản quyền hành pháp, quyền ấy được có và phải có năng lực xem xét coi những luật pháp mà quyền ấy đã làm ra đã được thi hành như thế nào, và đó là ưu điểm của chính thể này đối với chính thể ở Crète và ở Lacédémone, trong hai chính thể vừa nói, các thượng pháp quan(3) không phải báo cáo về công việc quản trị của họ.
    Nhưng mà dầu năng quyền xem xét ấy ra sao đi nữa, cơ quan lập pháp không nên có quyền xét đoán cá nhân và tính hạnh của người chấp hành. Cá nhân của người ấy bất khả xâm phạm, bởi vì cần thiết cho quốc gia để khiến cho cơ quan lập pháp không trở nên chuyên chế; một khi người ấy bị tố cáo hay bị xét xử, sẽ không còn có tự do nữa.
    Trong trường hợp này, quốc gia sẽ không là một nước theo chính thể quân chủ, mà là một cộng hòa quốc không tự do. Nhưng mà vì người chấp hành không thể nào thi hành sai nếu không có những cố vấn tàn ác, những cố vấn này, với tư cách là những bộ trưởng, thì thù ghét các luật pháp, mặc dầu, với tư cách là người, thì họ được luật pháp ưu đãi, và có thể tìm kiếm ra họ và trừng trị họ(1). Và đó là ưu điểm của chính thể này đối với chính thể ở Gnide, trong đó luật pháp không cho phép truy tố các "amimones" dân chúng không có quyền buộc phải giải thích những sự bất công mà dân chúng đã chịu đựng.
    Mặc dầu, nói chung, thì quyền xét xử không nên kết hợp với một phần tử nào của quyền lập pháp, nhưng có ba ngoại lệ căn cứ vào quyền lợi riêng biệt của kẻ bị xét xử.
    Các kẻ quyền quý luôn luôn ghen tị và nếu họ bị dân chúng xét xử, họ có thể bị lâm vào cơn nguy hiểm và sẽ không được hưởng đặc quyền mà mọi công dân trong một quốc gia tự do đều có đặc quyền được do các người đồng đẳng xét xử. Vậy thì các người thuộc quý tộc phải được truy tố, không phải trước những tòa án thông thường của quốc gia, mà trước phầ tử cơ quan lập pháp gồm có những quý tộc(2).
    Có thể xẩy ra việc luật pháp sáng suốt, lại vừa mù quáng, và trong vài trường hợp, trở nên khắc nghiệt quá. Nhưng mà các thẩm phán trong nước, như chúng ta đã nói, chỉ là những vật vô tri không thể làm dịu bớt sức mạnh hay sự khắc nghiệt của luật pháp. Như vậy, chính phần tử cơ quan lập pháp mà trong một dịp khác, như chúng ta vừa nói, đã là một toà án cần thiết, trong dịp này lại còn là một tòa án cần thiết nữa; uy quyền tuyệt đối của phần tử ấy sẽ làm dịu bớt luật pháp để cho chính luật pháp được tốt hơn lên, mà xét xử một cách bớt khắc nghiệt hơn là luật pháp(1).
    Có thể xẩy ra trường hợp một công dân nào đó, trong việc điều hành công vụ, vi phạm quyền lợi của dân chúng và phạm những trọng tội mà các thẩm phán tại chức không thể hoặc không muốn trừng trị. Nhưng mà, nói chung, quyền lập pháp không thể xét xử; và trong trường hợp đặc biệt này lại càng không xét xử được lắm, vì trong trường hợp này, quyền lập pháp đại diện cho phần tử sở quan là dân chúng. Quyền lập pháp như thế chỉ có thể là quyền công cáo. Nhưng mà quyền lập pháp sẽ tố cáo trước cơ quan nào? Quyền lập pháp có thể hạ mình đến trước các tòa án luật định thấp kém hơn quyền lập pháp được không? Vả lại, các tòa án này gồm có những người cũng là đại diện cho dân chúng như là quyền lập pháp, và các người ấy phải chăng sẽ bị lôi cuốn vì uy thế của một công cáo viên vĩ đại như thế không? để giữ phẩm cách cho dân chúng và an ninh cho cá nhân, phần tử lập pháp của dân chúng cần phải tố cáo ở trước phần tử lập pháp của các quý tộc, phần tử này không đồng quyền lợi và đồng thị dục với phần tử lập pháp của dân chúng(2).
    Ðó là ưu điểm của chính thể kể trên đối với phần đông các cộng hòa quốc thuở xưa trong đó có sự lan quyền nầy là dân chúng vừa là thẩm phán vừa là công cáo viên.
    Quyền hành pháp, như chúng tôi đã nói, phải tham gia việc lập pháp bằng khả năng ngăn cản, bằng không, nó sẽ bị lột mất hết quyền hành. Nhưng mà nếu quyền lập pháp tham gia việc chấp hành, quyền lập pháp sẽ cũng bị hủy diệt.
    Nếu nhà vua tham gia việc lập pháp với năng quyền quy định, sẽ không còn có tự do nữa. Nhưng mà tuy vậy vì lẽ nhà vua cần tham gia việc lập pháp để tự bảo vệ, cần rằng nhà vua phải tham gia bằng năng quyền ngăn cản(1).
    Duyên cớ khiến cho chính thể thay đổi ở La Mã là tại vì Nguyên lão nghị viện có một phần quyền hành pháp và các nhà cầm quyền phần kia, cả hai đều không có năng quyền ngăn cản như là dân chúng.
    Vậy thì đây là tổ chức căn bản của chính thể mà chúng ta đương nói tới. Cơ quan lập pháp trong chính thể ấy gồm có hai phần, phần này ràng buộc phần kia do năng quyền ngăn cản hỗ tương. Cả hai phần sẽ bị quyền hành pháp ràng buộc và quyền hành pháp sẽ bị quyền lập pháp ràng buộc.
    Ba quyền này phải cấu thành một trạng thái nghỉ ngơi hay một trạng thái bất động. Nhưng mà vì sự chuyển vận cần thiết của các sự vật, ba quyền ấy bị buộc phải tiến tới, cả ba đều cùng phải tiến tới.
    Quyền hành pháp chỉ tham gia quyền lập pháp bằng năng lực ngăn cản, không thể tham gia cuộc bàn cãi về các công việc. Cũng không cần quyền hành pháp đề nghị, bởi vì quyền ấy có thể luôn luôn không chuẩn chấp các quyết nghị, và bác bỏ những quyết định liên quan tới những đề nghị mà quyền ấy muốn rằng người ta đừng thi hành.
    Trong vài cộng hòa quốc thuở xưa, trong đó dân chúng hợp thành tập đoàn bàn cãi các công việc, dĩ nhien là quyền hành pháp đề nghị các công việc và tranh luận với dân chúng về các công việc ấy: nếu không trong các quyết nghị sẽ có một sự hỗn độn lạ lùng.
    Nếu quyền pháp quyết định về việc thâu công ngân bằng một cách khác chứ không phải với sự ưng thuận của dân chúng, sẽ không còn có tự do nữa, bởi vì quyền hành pháp sẽ trở thành quyền lập pháp mà lại về điểm quan hệ nhất trong quyền lập phaps.
    Nếu quyền lập pháp quyết định, không phải từ năm này qua năm kia, mà một cách vĩnh viễn, về việc thâu công ngân, rất có thể quyền lập pháp sẽ mất tự do, bởi vì quyền hành pháp sẽ không tùy thuộc quyền lập pháp nữa; và khi mà người ta luôn luôn có quyền hành ấy, thì do mình hay do người khác mà mình có quyền hành ấy, việc đó không quan hệ mấy. Trong trường hợp quyền lập pháp quyết định, không phải từ năm này qua năm kia, mà một cách vĩnh viễn, về hải lục quân, mà quyền lập pháp phải giao phó cho quyền hành pháp, thì cũng thế.
    Ðể cho kẻ chấp hành không thể áp bức, cần rằng các đạo quân mà người ta giao phó cho quyền ấy ở dân chúng mà ra, và cùng một tinh thần với dân chúng, như là xưa kia ở La Mã cho đến thời đại của Marius(1). Và muốn được như vậy, chỉ có hai cách: hoặc những kẻ mà người ta cho đăng vào quân đội có đủ tiền của để có thể bảo đảm tính hạnh của họ đối với các công dân khác, và họ chỉ nhập ngũ trong thời hạn một năm mà thôi, như là ở La Mã xưa kia; hoặc, nếu người ta có một quân đội thường trực, trong đó các binh lính là một trong những phần tử đê tiện nhất của quốc gia, cần rằng quyền lập pháp có thể giải tán quân đội này ngay lập tức khi quyền lập pháp muốn như thée; và cần rằng binh lính ăn ở với các công dân, và không có doanh sở riêng biệt, trại hay đồn lũy.
    Một khi quân đội đã được tổ chức, quân đội không nên tùy thuộc trực tiếp cơ quan lập pháp, mà phải tùy thuộc quyền hành pháp và như thế là vì theo bản chất của sự vật, quân đội là để hành động, chứ không phải là để bàn luận.
    Theo cách suy nghĩ của người đời, người ta trọng sự can đảm hơn là sự nhút nhát, sự hoạt động hơn là sự khôn ngoan; sức mạnh hơn là lời khuyến cáo. Quân đội sẽ luôn luôn khinh bỉ một nguyên lão nghị viện, mà chỉ trọng các sĩ quan. Quân đội sẽ không tôn trọng những lệnh của một cơ quan gồm có những người mà quân đội cho là nhút nhát và do đó không xứng đáng để chỉ huy quân đội. Như vậy một khi mà quân đội chỉ tùy thuộc cơ quan lập pháp, chính thể sẽ trở thành chính thể quân sự(1) và nếu có kết quả trái ngược với sự kiện ở trên, đó là hậu quả của vài trường hợp bất thường; đó là tại vì quân đội trong chính thể ấy luôn luôn bị phân tán; đó là tại vì quân đội gồm có nhiều sư đoàn, mỗi sư đoàn tùy thuộc một tỉnh riêng biệt; đó là tại vì các thủ đô là những thành trì tốt quá, có thể tự vệ được chỉ do vị trí của các thủ đô ấy, và không có quân đội.
    Nước Hòa Lan còn có an ninh hơn là thành phố Venise; quân đội mà nổi loạn thì nước ấy làm cho quân đội bị ngập lụt và bị chết đói. Quân đội không thể có ở trong những thành phố có thể nuôi dưỡng quân đội; binh lương ấy chỉ là có trong nhất thời vậy.
    Nếu trong trường hợp quân đội bị cơ quan lập pháp chỉ huy mà có những tình thế đặc biệt ngăn cản không cho chính thể trở thành một chính thể quân sự, người ta sẽ gặp những sự bất lợi khác; trong hai điều, một là quân đội tiêu diệt chính phủ, hai là chính phủ khiến cho quân đội yếu đi.
    Và sự suy yếu này của quân đội sẽ có một nguyên nhân rất tai hại: sự suy yếu ấy phát sinh từ sự suy yếu của chính thể.
    Nếu ta đọc tác phẩm đáng kính phục của Tacite nói về "Phong tục của các người Nhật nhĩ man" người ta sẽ thấy là người Anh đã rút ý niệm chính thể chính trị của họ ở các người Nhật nhĩ man. Hệ thống tốt đẹp ấy, người ta đã tìm thấy nó được ở trên các đồ gỗ(2).
    Vì tất cả các vật có tính cách nhân sự đều có một kết cục, quốc gia mà chúng ta đương nói tới sẽ mất tự do và sẽ tiêu diệt. La Mã, Lacédémone và Cartbage đã tiêu diệt. Chính thể sẽ tiêu diệt khi quyền lập pháp hư hỏng hơn quyền hành pháp.
    Xét xem các người dân nước Anh hiện nay có được hưởng tự do ấy hay không, không phải là việc của tôi. Tôi chỉ cần nói là tự do ấy đã được luật pháp thiết lập nên và tôi không tìm kiếm hơn nữa.
    Không phải như thế là tôi có ý muốn hạ giá các chính thể khác hay nói rằng sự tự do chính trị cực độ ấy làm cho những kẻ chỉ có một sự tự do vừa phải tủi nhục. Làm sao mà tôi nói như thế được tôi là người tin tưởng rằng ngay chính sự hợp pháp thái quá cũng không luôn luôn đáng được ước mong và các người đời luôn luôn ưa thích sự trung dung hơn là sự cực đoan?
    Arrington(1) trong cuốn "Océana" cũng có khảo sát xem tổ chức của một quốc gia có thể đạt tới điểm nào là tột bực của sự tự do. Nhưng mà về Arrington, người ta có thể nói rằng ông chỉ tìm kiếm sự tự do ấy, và ông đã xây cất thành phố Chalcé-doine trong khi trước mắt ông là bờ biển của thành phố Byzance(2).
    To be or Not To be !
  4. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XIII​
    XVII. Sự tăng gia quân đội
    Một chứng bệnh mới đã lan tràn tại Âu Châu; các vị vua chúa đã mắc phải chứng bệnh ấy và đã duy trì một số hỗn độn quân lính. Chứng bệnh này tăng gia và cố nhiên là trở nên truyền nhiễm; bởi vì một khi mà một số quốc gia tăng quân đội, các quốc gia khác đột nhiên cũng tăng gia quân đội của họ đến nỗi do đó người ta chỉ tiến tới sự đổ vỡ chung. Mỗi vị vua chúa duy trì tất cả các đạo quân mà ông có thể có được trong trường hợp dân chúng trong nước ông ở trong cơn nguy biến có thể bị tàn sát hết; và tình trạng cố gắng của mọi người để chống lại mọi người, người ta gọi nó là hòa bình. Bởi vậy(1) cho nên Âu Châu tàn phá đến nỗi các tư nhân, mà ở vào tình trạng ba cường quốc phong phú nhất (2) trong phần này của thế giới, sẽ không có gì để đủ sinh sống. Chúng ta nghèo khổ, mặc dầu có những của cải và buôn bán với khắp thế giới; và chẳng bao lâu, vì chỉ có binh lính, chúng ta sẽ chỉ có binh lính và chúng ta sẽ như là các người Tartares(3).
    Các vị vua chúa lớn, không những chỉ kiếm cách mua chuộc quân đội của các vị vua chúa nhỏ, lại còn tìm cách mua chuộc đồng minh ở khắp nơi, nghĩa là tìm cách luôn luôn tiêu tiền.
    Kết quả của một tình trạng như thế là sự tăng gia thuế khóa một cách bất tuyệt và, đón trước tất cả những phương cứu chữa sau này, người ta không căn cứ vào các lợi tức nữa, người ta đánh giặc với số vốn của mình. Không nên sửng sốt nếu thấy các quốc gia cầm số vốn liếng ngay trong thời bình và, để khuynh quốc bại sản, sử dụng những phương tiện mà các quốc gia ấygọi là bất thường, những phương tiện bất thường đến nỗi một lương gia tử đệ hư hỏng hết sức cũng không tưởng tượng nổi những phương tiện ấy.
    XX. Những kẻ trưng thuế(4)
    Mọi sự đều tiêu tan hết nếu nghề nghiệp có lợi của những kẻ trưng thuế vì kiếm được nhiều của cải vẫn còn là một nghề nghiệp được trọng vọng. Ðiểm đó có thể tốt ở trong các quốc gia độc tài, trong đó chức nghiệp trưng thuế thường thường là một phần trong số các chức vụ của chính các vị tổng trấn. Ðiều đó không tốt nếu là ở trong một cộng hòa quốc và một điều tương tự đã tiêu diệt cộng hòa La Mã. ở trong chính thể quân chủ, điều ấy cũng không phải là tốt hơn vì không có gì trái với tinh thần chính thể này hơn là thế. Trong các chính thể khác, người ta cũng ghê tởm chức nghiệp ấy; người ta mất cả sự tôn trọng danh dự(1) những phương tiện chậm chạp và tự nhiên để khiến cho người ta lưu ý tới mình không hiệu nghiệm nữa và chính thể bị xâm phạm ngay ở trong nguyên tắc của chính thể.
    Về những thời trước, người ta đã thấy những kẻ làm giàu một cách vô liêm sỉ; đó là một trong những tai họa của trận chién tranh năm mươi năm; nhưng mà lúc đó người ta coi những tài sản ấy là đáng khinh, nay chúng ta lại thán phục nó.
    Mỗi một nghề nghiệp có một số phận. Số phận của những kẻ thâu thuế là có nhiều của cải và phần thưởng của những của cải ấy chính là những của cải ấy. Vinh quang và danh dự là số phận của giới quý tộc chỉ biết, chỉ trông, chỉ cảm thấy có danh dự và vinh quang là tài sản thực. Số phận của các vị bộ trưởng và các vị thẩm phán là được tôn kính và được trọng vọng, các vị bộ trưởng và thẩm phán này chỉ làm việc sau khi đã làm việc, và luôn luôn đêm ngày canh chừng cho hạnh phúc của đế quốc.
    To be or Not To be !
  5. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XIV​
    I. Khái niệm
    Nếu thực ra đặc tính của tinh thần và thị dục của tâm hồn rất là khác nhau ở dưới mỗi một khí hậu, các luật pháp phải có tính cách tương đối, đối với sự khác biệt giữa các thị dục cũng như đối với sự khác biệt giữa các cá nhân tính.
    ở các nơi có khí hậu khác nhau, các người khác nhau chừng nào:
    Không khí rét lạnh (2) khiến cho dầu các thớ (3) ngoài cùng của thân thể chúng ta co lại; điều đó tăng gia động lực của những thớ ấy và giúp cho máu từ ngoài cùng trở về quả tim. Không khí rét làm cho các thớ ấy ngắn lại(1) và như vậy lại khiến cho các thớ ấy mạnh mẽ thêm lên. Trái lại không khí nóng nực khiến cho đầu các thớ trùng ra và dài ra; như thế, khiến cho các thớ bớt mạnh mẽ và giảm bớt động lực của những thớ ấy.
    Vậy thì người ta có nhiều khí lực hơn ở dưới những khí hậu rét lạnh. Sự hoạt động của quả tim và sự phản ứng của những đầu các thớ dễ dàng hơn, các chất nước trong thân thể được quân bình hơn, máu chảy về phía quả tim đúng mực hơn và ngược lại, quả tim mạnh hơn. Sức mạnh được tăng gia ấy có nhiều hậu quả; tỉ dụ, người ta tin tưởng ở mình nhiều hơn, nghĩa là can đảm hơn lên; người ta biết rõ ưu thế của mình hơn, nghĩa là bớt lòng mong muốn trả thù; người ta quan niệm sự an ninh của mình rõ rệt hơn nghĩa là ngay thẳng hơn, bớt ngờ vực, bớt chính trị và mưu mô hơn. Sau hết, điều đó khiến cho người ta có những cá tính cá biệt. Hãy đặt một người vào một nơi nóng và bưng kín, quả tim của người ấy sẽ suy nhược rất nhiều vì những lýdo mà tôi vừa kể trên. Nếu trong trường hợp này, ta đề nghị cho người ấy làm một cái gì táo bạo, tôi tin tưởng rằng người ấy sẽ rất ít lòng sẵn sàng để làm việc đó, sự yếu đuối hiện thời của người ấy sẽ khiến cho tâm hồn người ấy chán nản: người ấy sợ hãi tất cả mọi thứ, bởi vì người ấy sẽ cảm thấy rằng người ấy không thể làm gì nổi. Các dân tộc ở những xứ nóng nhút nhát như là những người già cả; các dân tộc ở những xứ rét can đảm như là những thanh niên. Nếu chúng ta chú ý tới những trận chiến tranh vừa qua(2) mà chúng ta được chứng kiến rõ hơn, và trong đó chúng ta có thể nhận thấy một vài hậu quả nhẹ nhàng không thể nhận thấy ở nơi xa, chúng ta sẽ thấy rằng các dân tộc ở phương bắc chuyển sang các xứ ở phương Nam(3) đã không có ở đấy những hành động đẹp đẽ bằng những hành động của những đồng bào của họ, những đồng bào này chiến đấu dưới khí hậu của xứ sở đã có đầy đủ lòng can đảm.
    Sức mạnh của những thứo của các dân tộc ở phương Bắc khiến cho cả nước trấp thô sơ nhất cũng đều được rút ra từ các đồ ăn. Do đó có hai kết quả: một là các phần của dưỡng trấp(1) hay là của nước lâm ba(2), vì lan rộng trên một bề mặt lớn, thích hợp hơn để được tra vào các thớ và để nuôi dưỡng các thớ ấy; hai là, vì lẽ các phần của dưỡng trấp và của nước làm ba thô sơ, các phần ấy ít thích hợp hơn để khiến cho thần kinh dịch được tinh tế một phần nào. Các dân tộc ấy như vậy sẽ có những thể xác to lớn, nhưng ít được nhanh nhẹn.
    Các thần kinh hệ do từ tất cả các nơi chạy tới các thớ thịt trong da của chúng ta, mỗi một thần kinh hệ tỏa ra thành một mớ thần kinh hệ. Thường thường, thì không phải tất cả thần kinh hệ bị rung chuyển, chỉ có một phần cực kỳ nhỏ bé bị rung chuyển. Trong các xứ nóng, thớ của da trùng rãn, các đầu mối của thần kinh hệ tỏa ra và dễ chịu ảnh hưởng ngay cả của một sự động chạm nhẹ của những vật yếu đuối hơn hết. Trong các xứ rét, thớ da ép lại và các núm thịt bị đè ép; các núm thịt nhỏ(3) như vậy bị tê liệt; óc chỉ cảm thấy một cảm giác nào rất mạnh mẽ, lay chuyển tất cả thần kinh hệ. Nhưng mà trí tưởng tượng, vị giác, sự hoạt bát tùy thuộc một số vô hạn lượng các cảm giác giác nhỏ.
    (Sau đó Montesquieu nói về những điều mà ông đã quan sat, với kính hiển vi, trên những lưỡi cừu bị rét làm đông lại, rồi lại được làm tan nước đông đi).
    Trong các xứ rét, người ta sẽ cảm thấy khoái lạc rất ít; người ta sẽ cảm thấy khoái lạc nhiều hơn ở những xứ thuộc về ôn đới; người ta sẽ cảm thấy khoái lạc đến cực độ ở những xứ nóng. Vì lẽ người ta phân biệt các khí hậu theo các độ vĩ tuyến, có thể nói là người ta phân biệt các khí hậu do các độ của cảm giác(4).
    To be or Not To be !
  6. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XV​
    V. Việc nô lệ hóa các người da đen(1)
    Nếu tôi phải bênh vực quyền của chúng ta được nô lệ hóa các người da đen thì đây là những điều mà tôi sẽ nói:
    Các dân tộc ở Âu Châu một khi đã tiêu diệt những dân tộc ở Mỹ Châu nô lệ hóa những dân tộc ở Phi Châu để dùng họ khai khẩn rất nhiều đất đai như thế.
    Giá đường sẽ rất đắt nếu người ta không dùng các nô lệ để trồng cây sinh ra đường.
    Những nô lệ mà chúng ta đề cập tới, đen từ đầu tới chân; và mũi họ tẹt gần như là không thể nào ái ngại cho họ được.
    Người ta không thể nghĩ rằng Thượng đế là một đấng rất khôn ngoan lại có thể đặt một tâm hồn, nhất là một tâm hồn tốt ở trong một thể xác đen tuyền...
    Người ta có thể xét đoán màu da căn cứ vào màu tóc; đối với dân xứ Ai Cập, là những triết gia ưu tú nhất thế giới, màu tóc rất là quan hệ, đến nỗi họ giết chết tất cả các người có màu tóc đỏ hoe mà họ bắt được.
    Một bằng chứng rằng các người da đen không biết lẽ phải là việc họ quý một chiếc vòng đeo cổ bằng thủy tinh hơn là vàng mà vàng lại rất quan hệ ở các nước văn minh.
    Không thể nào chúng ta lại giả thiết rằng những kẻ ấy là những người được, bởi vì nếu chúng ta giả thiết rằng họ là người, có thể tưởng rằng ngay chính chúng ta, chúng ta cũng không phải là người theo Cơ đốc Giáo.
    Những đầu óc nông cạn đã phóng đại sự bất công của người ta đối với dân Phi Châu. Bởi vì nếu sự bất công ấy đúng như các đầu óc ấy vẫn nói, tại sao các vị vua chúa ở Âu Châu vẫn thường ký kết với nhau nhiều hiệp ước vô lợi ích, lại không có ý nghĩ ký kết một hiệp ước chung để cổ động cho lòng từ bi và lòng trắc ẩn?
    To be or Not To be !
  7. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XX
    V. Những dân tộc có một nền thương mại kinh tế
    Marseille là nơi cư ẩn cần thiết giữa một biển cả nối tiếng; Marseille, nơi mà gió to bãi biển, vị trí của bờ biển truyền cho người ta phải đậu lại bến, vốn được các người đi biển lai vãng. Ðất đai của Marseille không được phì nhiêu đã khiến cho các công dân phải có một nền thương mại kinh tế(1). Họ cần phải cần mẫn để thay thế cho thiên nhiên đã lẩn tránh họ; họ cần phải công bình để sống giữa các nước man rợ đã khiến cho họ được thịnh vượng; họ cần phải ôn hòa để cho chính thể của họ được luôn luôn yên ổn; sau hết, họ cần phải có những tập quán đạm bạc để có thể luôn luôn sống được với một nền thương mại mà họ có thể duy trì một cách chắc chắn trong trường hợp nền thương mại này không cho họ lợi lộc như trước nữa.
    ở nơi nào mà có sự bạo lực và sự phiền nhiễu là người ta thấy phát sinh ra nền thương mại kinh tế, lúc đó mọi người bị buộc phải trốn tránh ở trong các đầm ao, trên các hòn đảo, dưới đáy biển và ngay cả trên những mỏm đá ngoài biển.
    Các thành phố Tyr, Venise và các thành phố ở Hòa Lan được thiết lập nên là vì thế; những kẻ trốn tránh tìm thấy an ninh ở đây. Họ cần phải sinh sống; họ kiếm đồ nuôi dưỡng họ ở khắp hoàn cầu.
    To be or Not To be !
  8. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XXIII​
    XXIX. Các bệnh viện
    Một người không phải là nghèo khổ, bởi vì không có gì hết, nhưng mà nghèo khổ là tại vì không làm việc. Kẻ không có chút tài sản nào mà làm việc cũng không phong lưu như là kẻ có lợi tức tới trăm đồng tiền, mà không làm việc. Kẻ không có gì hết và có một nghề nghiệp, không nghèo hơn kẻ có mười mẫu đất của chính y và phải làm việc để sinh sống. Người thợ đã để lại cho các con một di sản là nghề nghiệp của mình, đã để cho các con của mình một tài sản sẽ được nhân lên gấp nhiều lần tùy theo số các con. Trường hợp kẻ có mười mẫu đất để sinh sống và đem chia cho các con không như thế.
    ở những xứ sống về thương mại, trong đó nhiều người chỉ có nghề nghiệp tài sản, Quốc gia thường phải chu cấp cho các người già lão, các người đau yếu và các trẻ mồ côi. Một quốc gia văn minh sinh sống do chính tài sản là các nghề nghiệp; quốc gia ấy giao phó cho những kẻ này những công việc mà họ có thể làm được; quốc gia ấy dạy dỗ cho các kẻ kia biết làm việc, đó cũng đã là một công việc rồi(1).
    Quốc gia không đầy đủ nghĩa vụ khi chỉ bố thí cho một người đã ở trần truồng tại ngoài đường, quốc gia có bổn phận cung cấp cho tất cả các công dân một đời sống an toàn, thức ăn, y phục xứng hợp với một lối sống không hại cho sức khỏe.
    Hoàng đế Aureng-Zeb(2) để trả lời một kẻ hỏi ông tại sao đã không xây cất những bệnh viện, có nói rằng: "tôi sẽ khiến cho đế quốc của tôi giàu có đến nỗi không cần đến các bệnh viện nữa". Ðáng lẽ, ông phải nói: "Tôi khởi đầu làm cho đế quốc của tôi giàu có, rồi tôi sẽ xây cất những bệnh viện".
    Của cải của một quốc gia là do ở sự hoạt động rất nhiều. Không thể nào trong một số lớn các ngành thương mại như thế, mà luôn luôn có một ngành suy sụp và do các thợ thuyền trong ngành này ở trong một tình trạng thiếu thốn nhất thời.
    Chính lúc đó quốc gia cần tổ chức việc cứu trợ ngay để giữ cho dân chúng khỏi đói khổ và tránh cho dân chúng khỏi nổi loạn: trong trường hợp ấy, cần có những bệnh viện(1) hoặc một tổ chức tương đương để có thể đề phòng tình cảnh khốn cùng ấy.
    Nhưng mà lúc quốc gia nghèo khổ, sự khốn cùng chung sẽ phát sinh ra sự nghèo nàn của cá nhân và như vậy sự nghèo khôr của cá nhân tức là sự nghèo khổ chung. Tất cả các bệnh viện trên thế giới, không thể chữa cho khỏi được sự nghèo khổ của cá nhân; trái lại tinh thần lười biếng mà các bệnh viện ấy gây nên càng tăng gia sự nghèo khổ chung và do đó tăng gia sự nghèo khổ của cá nhân.
    Vua Henri đệ Bát(2) vì muốn cải tổ Giáo hội ở Anh Cát Lợi đã tiêu diệt các tu sĩ, một đoàn thể đã lười biếng lại còn khuyến khích sự lười biếng của những kẻ khác bởi cớ họ thi hành chính sách hiếu khách khiến cho một số vô hạn lượng các người ăn không rồi ngồi, quý phái và trưởng giả, suốt đời chạy từ tu viện này sang tu viện kia. Nhà vua còn bãi bỏ các bệnh viện trong đó có các kẻ thuộc phái bình dân có thể sinh sống cũng như là các nhà quý phái có thể sinh sống trong các tu viện. Từ khi có những sự thay đổi ấy, dân Anh Cát Lợi có tinh thần thương mại và kỹ nghệ.
    ở La Mã, các bệnh viện khiến cho mọi người phong lưu chỉ trừ có những người làm việc, những người có kỹ nghệ, những người theo đuổi các nghệ thuật, những người có đất đai, những người làm thương mại.
    Tôi đã nói rằng các nước giàu có cần có những bệnh viện bởi vì ở đó giàu có thường gặp hằng nghìn tai họa, nhưng mà người ta cảm thấy là những sự cứu trợ tạm thời còn hơn là những cơ sở vĩnh viễn. Tai họa chỉ là nhất thời: như vậy cần có những sự cứu trợ cùng một tính chất và có thể áp dụng cho tai họa đặc biệt.
    To be or Not To be !
  9. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XXIV​
    I. Các tôn giáo nói chung
    Như là người ta có thể xét xem trong bóng tối có khoảng nào là ít tối tăm hơn và trong số các vực thẳm, vực nào ít sâu hơn, người ta có thể tìm kiếm trong số các tôn giáo giả tạo, tôn giáo nào là phù hợp hơn với sự lợi ích của xã hội, tôn giáo nào có thể giúp cho hạnh phúc các người ở đời này, mặc dầu không có hậu quả là dẫn dắt các người tới chân hạnh phúc ở đời kia.
    Vậy thì tôi sẽ xem xét các tôn giáo trên thế giới căn cứ vào sự lợi ích mà tôn giáo có thể giúp cho người ở trong tình trạng dân sự, hoặc là tôi nói tới, tôn giáo mà gốc rễ ở trên trời(1) hoặc là tôi nói tôn giáo mà gốc rễ ở dưới đất(2).
    Vì trong tác phẩm này, tôi không hề là một nhà thần học, mà chỉ là một văn gia chính trị, trong cách suy nghĩ của một người đời, có thể có những điều không hoàn toàn đúng, những điều ấy đã không được tôi quan niệm trong mối tương quan của nó với những sự thực tối thượng.
    Ðối với tôn giáo thực sự, tôi chỉ cần có ít trí óc vô tư và thấy rằng không bao giờ tôi chủ trương buộc quyền lợi của tôn giáo phải nhường bước cho quyền lơị chính trị, mà tôi chủ trương liên kết những quyền lợi này: mà, muốn liên kết những quyền lợi ấy thì cần phải hiểu rõ nó.
    Cơ đốc giáo ra lệnh cho các người đời phải thương yêu lẫn nhau, có lẽ muốn rằng mỗi dân tộc đều có những luật pháp chính trị và luật pháp dân sự tốt hơn hết, bởi vì sau cơ đốc giáo, luật pháp là tài sản lớn nhất mà các người đời có thể ban cho người khác và tiếp nhận của người khác.
    II. nghịch thuyết của Bayle
    Ô. Bayle muốn chứng minh rằng vô thần tốt hơn là sùng bái ngẫu(3) tượng: nghĩa là nói một cách khác, không theo tôn giáo nào ít nguy hiểm hơn là theo một tà giá. Ông nói: "Tôi thích người ta bảo rằng tôi không tồn tại hơn là người ta nói tôi là một người ác độc". Ðó chỉ là một lời ngụy biện căn cứ vào sự kiện: tin tưởng rằng một người nào đó tồn tại không có chút ích lợi nào cho nhân loại, trái lại, tin tưởng rằng Thượng đế tồn tại rất là có ích. ý niệm chúng ta độc lập là kết quả của ý niệm Thượng đế không tồn tại; hay là, nếu chúng ta không thể có ý niệm ấy thì theo sau có ngay ý niệm chúng ta phản kháng. Nói rằng tôn giáo không là một duyên cớ ức chế, bởi vì tôn giáo không luôn luôn ngăn cản điều xấu, tức là nói rằng các luật lệ dân sự cũng là một duyên cớ ức chế(1). Thu góp vào trong một tác phẩm lớn một danh sách giải về những tai họa mà tôn giáo đã phát sinh, mà không làm như vậy đối với những cái hay của tôn giáo, là lý luận không đúng về tôn giáo. Nếu tôi muốn kể lại tất cả các tai họa mà các luật lệ dân sự, chính thể quân chủ, chính thể Cộng Hòa, đã phát sinh ra trên thế giới, tôi sẽ nói những điều ghê gớm. Khi mà việc các thần dân có một tôn giáo là điều vô ích, thì việc các Vua chúa có một tôn giáo không phải là điều vô ích và cái hãm duy nhất đối với những người không e sợ các luật lệ của người đời phải được trắng xóa những bọt.
    Một vị vua chúa mà yêu thích tôn giáo và e sợ tôn giáo là một con sư tử chịu hàng phục trước bàn tay vuốt ve nó hay trước tiếng nói khiến cho nó dịu hiền; kẻ nào e sợ tôn giáo và thù ghét tôn giáo như là những con thú rừng cắn sợi dây xích ngăn cản không cho chúng vồ những người qua lại: kẻ không hề có tôn giáo là con vật ghê gớm chỉ cảm thấy được tự do khi nào được cấu xé và ăn sống nuốt tơi.
    Vấn đề không phải là nên biết một người nào hay một dân tộc nào không nên có tôn giáo thì hơn là lạm dụng tôn giáo mà người ấy hay dân tộc ấy đương theo; mà là nên biết rằng một vài khi lạm dụng tôn giáo hay không có tôn giáo nào hết cho các người đời, trong hai điều đó, đâu là ít tai hại hơn.
    Ðể giảm bớt cái ghê tởm của chủ nghĩa vô thần, người ta đã đổ lỗi cho sự sùng bái ngẫu tượng. Không đúng rằng khi các người xưa lập bàn thờ cúng tế một thói xấu, như thế có nghĩa là họ yêu thích thói xấu ấy: trái lại như thế có nghĩa là họ thù ghét thói xấu ấy. Khi các người dân xứ Lacédéone xây dựng một đền thờ cái "Sợ" như thế không có nghĩa là quốc gia hiếu chiến ấy cầu xin cái "Sợ" xâm chiếm tâm hồn dân xứ Lacédémone trong những trận chiến tranh. Có những thần minh mà người ta cầu xin dừng khuyến khích phạm tội, có những thần minh khác mà người ta cầu xin cho tránh khỏi phạm tội.
    V. Rằng thiên chúa giáo thích hợp với một chính thể quân chủ hơn(1) và cơ đốc tân giáo thích ứng với một cộng hòa quốc hơn
    Khi một xuất sinh và được thành lập ở trong một quốc gia, tôn giáo ấy thường tuân theo kế hoạch của chính thể tại nơi mà tôn giáo ấy được thiết lập: bởi vì những người tiếp nhận tôn giáo ấy và khiến cho tôn giáo ấy được tiếp nhận không có những ý tưởng nào về tổ chức chính trị khác với ý tưởng của quốc gia trong đó các người ấy đã ra đời(2).
    Khi mà cách đây hai thế kỷ, cơ đốc giáo bị phân chia tai hại ra làm thiên chúa giáo và cơ đốc tân giáo, các dân tộc ở phương Bắc theo cơ đốc tân giáo và các dân tộc ở phương Nam vẫn theo thiên chúa giáo.
    Ðó là tại vì các dân tộc ở phương Bắc có và luôn luôn sẽ có một tinh thần độc lập và tự do mà các dân tộc ở phương Nam(3) không có, và một đạo giáo mà không hề có một giáo chủ hữu hình thích hợp với sự độc lập của khí hậu hơn là môTòa án đạo giáo có giáo chủ.
    Ngay trong những nước mà cơ đốc tân giáo được thiết lập, có những cuộc cách mạng trên bình diện chính thể chính trị. Luther đã khiến cho các vị vua chúa lớn theo ông và không thể cho các vị ấy nếm mùi một quyền lực thuộc về giáo hội không có một địa vị ưu việt theo bề ngoài; và Calvin đã khiến cho các dân tộc sinh sống trong những cộng hòa quốc hay những trưởng giả sống một cách lu mờ dưới những chính thể quân chủ theo ông có thể không thiết lập những địa vị ưu đẳng và những tước vị(1).
    Mỗi tôn giáo ấy có thể tưởng mình là hoàn toàn hơn hết: giáo phái Calvin tự cho là phù hợp với lời nói của Chúa Gia-tô Cơ đốc hơn là giáo phái Luther tự cho là phù hợp với những hành động của các thánh tông đồ hơn.
    To be or Not To be !
  10. Constancy

    Constancy Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    2.620
    Đã được thích:
    0
    Quyển XXIV​
    X. Môn phái khắc kỷ
    Các môn phái triết học của các người thời xưa có thể được coi như alf những thứ tôn giáo. Không có môn phái nào mà những nguyên tắc xứng đáng với người đời và thích hợp để tạo thành những thiện nhân hơn là môn phái khắc kỷ; và nếu trong một lúc, tôi có thể thôi không nghĩ rằng tôi là giáo đồ Cơ đốc, tôi không thể nào tự ngăn cản không họ rằng việc môn phái Zénon(2) bị tiêu diệt là một trong những tai họa của nhân loại.
    Môn phái ấy chỉ thái quá đối với những sự vật trong đó có cái gì là vĩ đại: lòng khinh thị các khoái lạc và sự đau đớn.
    Chỉ có môn pahí ấy là biết tạo thành những công dân; chỉ có môn phái ấy là tạo thành những vĩ nhân; chỉ có môn phái ấy là tạo thành những đại hoàng đế.
    Trong chốc lát, hãy loại trừ ra những sự thực đã được biểu lộ; hãy tìm kiếm trong thiên nhiên và anh sẽ không thấy vật gì vĩ đại hơn những nhân vật thuộc giòng họ Antonins;(3) kể cả Julien,(4) (một sự tán thành cưỡng ép như vậy không khiến tôi trở nên một kẻ đồng lõa trong sự hội giáo của Julien), không, sau Julien, không còn vị vua chúa nào xứng đáng để cai trị các người đời hơn.
    Trong khi các khắc kỷ gia coi các của cải, quyền thế của người đời, sự đau đớn, các nỗi buồn phiền, các lạc thú như là vật hư không, họ chỉ bận rộn vì việc hành động cho hạnh phúc của các người đời, chỉ bận rộn thi hành các bổn phận của xã hội. Hình như là họ coi tinh thần ấy, mà họ tin tưởng là ở ngay trong chính họ, như là một thứ thiên mệnh tốt đương canh chừng nhân loại.
    Sinh ra cho xã hội, họ tin tưởng rằng số mệnh họ là làm việc cho xã hội: vì phần thưởng cho ho đều ở tất cả ngay trong chính họ họ càng không phải là gánh nặng cho xã hội; vì lẽ họ sung sướng chỉ lo triết lý của chính họ, hình như là chỉ hạnh phúc của các người khác là có thể tăng gia hạnh phúc của họ.
    Quyển XXV​
    IX. Lòng khoan dung về tôn giáo
    ở đây chúng ta là những chính trị gia chứ không phải là những nhà thần học; và ngay đối với các nhà thần học, khoan dung đối với một tôn giáo và tán thành tôn giáo ấy rất là khác nhau.
    Khi mà luật pháp một quốc gia tưởng rằng nên chịu đựng nhiều tôn giáo, các luật pháp ấy phải bó buộc các tôn giáo phải khoan dung lẫn nhau. Mọi tôn giáo bị ức chế sẽ trở nên ức chế, đó là một nguyên tắc: bởi vì một khi do sự ngẫu nhiên nào đó, tôn giáo ấy thoát khỏi sự áp bức, tôn giáo ấy sẽ tấn công tôn giáo đã ức chế tôn giáo ấy, coi nó như là một quyền chuyên chế, chứ không phải là một tôn giáo.
    Vậy thì rất cần ích rằng các luật pháp buộc các tôn giao không những không được quấy rối quốc gia, mà lại còn không được quấy rối lẫn nhau. Một công dân không phải là tôn trọng luật pháp khi không quấy rối quốc gia, công dân ấy còn phải không quấy rối bất cứ một công dân nào khác.
    X. Tiếp tục bàn luận về vấn đề nói trên
    Vì chỉ có tôn giáo hẹp lượng là cố gắng để tự truyền bá ở nơi khác, bởi có một tôn giáo mà có thể bao dung các tôn giáo khác không bao giờ nghĩ đến việc ấy, khi mà quốc gia ưng thuận tôn giáo đã được thiết lập trong nước thì luật lệ tốt tức là luật lệ cấm việc thiết lập(1) một tôn giáo khác.
    Vậy thì đó là nguyên tắc căn bản của những luật pháp chính trị liên quan đến tôn giáo. Khi mà người ta có thể tự ý tiếp nhận một tôn giáo mới hay không tiếp nhận tôn giáo ấy trong một quốc gia, không nên thiết lập tôn giáo ấy trong quốc gia đó; khi tôn giáo ấy đã được thiết lập, cần phải bao dung nó.
    XIII. Lời can gián rất khiêm tốn đệ trình các pháp quan ở Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha(2)
    Việc một thiếu nữ người Do Thái bị đốt sống ở Lisbonne vì bị hỏa hình(3) đã khiến cho tác phẩm nhỏ bé này được viết nên và theo tôi tưởng, thì đó là tác phẩm vô ích nhất đã được viết. Khi mà người ta muốn chứng minh những sự vật rõ rệt như thế, chắc chắn là người ta không khiến cho ai tin cả.
    Tác giả tuyên bố là mặc dầu là người Do Thái, tác giả vẫn kính trọng Cơ Ðốc giáo và yêu chuộng tôn giáo này, lòng yêu chuộng ấy đủ để khiến cho các vị vua chúa không theo Cơ đốc giáo không có duyên cớ thích đáng để ngược đãi Cơ đốc giáo.
    Tác giả ấy bảo các pháp quan rằng: "Các ông phàn nàn rằng Hoàng đế nước Nhật Bản hỏa thiêu tất cả các giáo đồ Cơ đốc giáo ở nước Nhật, nhưng mà vị vua chúa ấy sẽ trả lời: chúng tôi đối xử với các ông, các ông mà sự tín ngưỡng không giống sự tín ngưỡng của chúng tôi, cũng như là cách thức các ông đối xử với những kẻ không có một tấm lòng tín ngưỡng y như lòng tín ngưỡng của các ông; các ông chỉ nên ca thán về sự đớn hèn của các ông, khiến cho các ông không thể tiêu diệt chúng tôi và khiến cho chúng tôi tiêu diệt các ông.
    "Nhưng mà nên thú thực rằng các ông ác độc hơn vị Hoàng đế ấy nhiều. Các ông giết chết chúng tôi, chúng tôi là những người mà sự tín ngưỡng chỉ là sự tín ngưỡng của các ông bởi vì chúng tôi không tín ngưỡng tất cả cái gì các ông tín ngưỡng. Chúng tôi theo một đạo giáo mà chính các ông biết rõ là xưa kia được Thượng đế mến chuộng; chúng tôi nghĩ rằng hiện nay tôn giáo ấy vẫn còn được Thượng đế yêu quý và các ông nghĩ rằng Thượng đế không yêu quý tôn giáo ấy nữa; và bởi vì các ông xét đoán như vậy cho nên các ông dùng sắt lửa tra tấn những kẻ lầm lẫn, mặc dầu sự lầm lẫn ấy là tin tưởng rằng Thượng đế vẫn còn yêu dấu cái gì Thượng đế đã yêu dấu, và đáng được tha thứ.
    Nếu các ông độc ác đối với chúng tôi, các ông lại còn độc ác hơn đối với các con của chúng tôi; các ông hỏa thiêu con của chúng tôi, bởi vì chúng nó tuân theo các lời khuyến khích của những người mà luật pháp thiên nhiên và các luật pháp của tất cả các dân tộc đã dạy chúng nó phaỉ kính trọng như là những thần minh(1).
    Các ông tự làm cho ông mất cái lợi khí mà các ông đã có đối với Hồi giáo. Khi mà các người Hồi giáo tự kiêu về con số các tín đồ của đạo giáo này, các ông bảo họ rằng sở dĩ tôn giáo của họ bành trướng là vì họ sử dụng các đồ bằng sắt: tại sao các ông lại truyền bá đạo giáo của các ông bằng lửa? Khi các ông muốn chúng tôi lại với các ông, chúng tôi phản kháng các ông bằng một nguồn gốc(1) mà chính các ông cũng tự hào là do đó mà ra, các ông trả lời chúng tôi rằng tôn giáo của các ông mới nhưng nó thần bí; và các ông chứng minh như thế bởi vì tôn giáo của các ông đã bành trướng do sự ngược đãi các người vô tín ngưỡng và do máu chảy của các người tuẫn đạo; nhưng mà ngày hôm nay các ông đã làm công việc của(2) Dioclétien và các ông buộc chúng tôi làm công việc của các ông.
    Chúng tôi van xin các ông, không phải vì Thượng đế tối thượng mà chúng ta, cac sông và chúng tôi, cùng phụng sự, mà vì chúa Cơ đốc mà các ông đã cho chúng tôi hay rằng Ngài đã thác sinh dưới hình người đời để nêu những gương mà các ông có thể theo được; chúng tôi van xin các ông hành động đối với chúng tôi cũng như Ngài sẽ hành động nếu Ngài còn ở trên trái đất. Các ông muốn cho chúng tôi là những giáo đồ Cơ đốc giáo mà các ông lại không muốn là những giáo đồ của tôn giáo ấy?
    "Nhưng mà nếu các ông không muốn là những giáo đồ Cơ đốc giáo thì ít ra, các ông hãy là những người: các ông hãy đối xử với chúng tôi như là trong trường hợp các ông chỉ có những ánh sáng yếu ớt của công lý mà thiên nhiên đã ban cho các ông và không có một tôn giáo để hướng dẫn các ông và một sự thiên khải để soi sáng cho các ông.
    "Nếu trời đã yêu mến các ông đến nỗi cho các ông nhìn thấy sự thực, trời đã ban cho các ông một ân huệ lớn; nhưng mà phải chăng các người con đã được thừa hưởng di sản của người cha nên thù ghét những người con không được thừa hưởng gia tài?
    "Rằng nếu các ông đã biết được sự thực ấy, xin các ông đừng giấu giếm chúng tôi bằng cách các ông đề nghị sự thực ấy với chúng tôi. Ðặc tính của sự thực là sự thực thắng thế trong mọi tâm hồn và trí óc, chứ không phải là sự thực thắng thế trong mọi tâm hồn và trí óc, chứ không phải là sự bất lực mà các ông đã tự thú nhận, khi các ông muốn buộc chúng tôi chấp nhận sự thực ấy bằng những cực hình.
    "Nếu các ông biết điều, các ông không nên giết chết chúng tôi, bởi vì chúng tôi không muốn đánh lừa các ông. Nếu chúa Cơ đốc của các ông là con của Thượng đế, chúng tôi hy vọng rằng Ngài sẽ ban thưởng cho chúng tôi vì đã không muốn súc phạm đến những phép mầu nhiệm của Ngài; và chúng tôi tin tưởng rằng Thượng đế mà chúng ta phụng sự, các ông cũng như chúng tôi, sẽ không trừng phạt chúng tôi, bởi cớ chúng tôi đã chịu chết vì một tôn giáo mà xưa kia Thượng đế đã ban cho chúng tôi bởi vì chúng tôi tin tưởng rằng Thượng đế lại còn ban tôn giáo ấy cho chúng tôi nữa.
    "Các ông sinh sống trong một thời đại mà ánh sáng của thiên nhiên sáng rực hơn lúc nào hết, mà khoa triết học đã soi sáng mọi trí óc, mà đạo đức của Thánh kinh đã được hiểu rõ hơn, mà uy quyền riêng biệt của các người đời, người này đối với người kia, quyền lực của một lương tâm đối với một lương tama khác, đã được xác định rõ rệt hơn. Vậy nếu các ông không từ bỏ các thành kiến cũ của các ông, những thành kiến ấy, nếu các ông không để ys tới nó, sẽ là những thị dục của các ông, thì phải thú nhận rằng các ông bất khả sửa chữa, các ông không thể hiểu rõ chân lý và không thể có một chút học thức nào và một nước mà giao phó quyền hành cho những người như các ông sẽ hết sức khốn khổ.
    Các ông có muốn rằng chúng vạch rõ tư tưởng của các ông một cách tự nhiên hay không?
    Các ông, thực ra, coi chúng tôi như những kẻ thù của các ông hơn là những kẻ thù của tôn giáo của các ông; bởi vì nếu các ông yêu mến tôn giáo ấy, các ông sẽ không để nó bị hư hỏng vì một sự ngu dốt thô kệch như thế.
    "Chúng tôi cần phải báo trước cho các ông biết một điều này: đó là nếu sau này trong đám hậu thế có kẻ nào dám nói rằng vào thời đại mà chúng ta hiện sống, các dân tộc ở Âu Châu rất văn minh, người ta sẽ viện tỉ dụ của các ông để chứng minh rằng các dân tộc ấy dã man và cảm tưởng của ngưoừi ta sẽ có đối với các ông sẽ là người ta bôi xấu thời đại của các ông và thù ghét các người đồng thoừi với các ông.
    To be or Not To be !

Chia sẻ trang này