1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

**** đêm

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi pathros, 13/11/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Rồi tôi lớn lên, xa mẹ cha đi học ở một trường nghệ thuật. Tôi được ca hát thoải mái theo ý nguyện từ lúc còn thơ. Một ngày bất hạnh, tôi nhận được tin cha mẹ cùng mất vì tai nạn giao thông. Tôi không còn ai thân thích ngoài dì tôi và đứa em gái út. Sau cơn choáng ngất, tôi nhờ người đánh điện cho dì, báo lại sự tình rồi nhào lên chuyến tàu chợ về quê. Tôi hớt hải chạy đến bệnh viện, nhưng không còn được thấy mặt bố mẹ nữa. Tôi cùng em Hiền ra ngôi mộ đôi, nơi cơ quan và bệnh viện đã chôn cất bố mẹ từ hai hôm trước, ngồi mãi cho đến tối mịt. Tôi không biết phải nhờ cậy ai trong lúc chưa có công ăn việc làm, lại phải nuôi đứa em gái vừa tròn mười tuổi. Họ hàng bố tôi ở tận biên giới phía Bắc, tôi chỉ mới đôi lần về quê cha. Ông bà nội không còn, tôi thật sự bối rối trước biến cố đau thương này.
    Và dì tôi trở về, đúng lúc tôi đang cần một sự giúp đỡ. Dì bảo tôi để dì thu dọn nhà cửa. Dì lục tìm tất cả các ngăn tủ những giấy tờ liên quan đến căn nhà nhưng không thấy. Ngày hôm sau, ông Chánh án của thị xã đến, mở bản chúc thư bà đã gởi cho ông từ nhiều năm nay. Bà để lại căn nhà cho chị em tôi khi tôi tròn 18 tuổi. Dì tôi bật khóc. Tôi chợt hiểu thì ra dì về đây không phải vì xót xa trước cái chết của cha mẹ tôi hay ân hận vì đã đối xử tàn tệ với bà ngoại. Dì trở về với hy vọng được sở hữu căn nhà này. Khi ông ấy về rồi, dì tháo tất cả bằng ghi công, huân chương của ông bà xuống, gỡ ra và cuốn thành một cuộn. Dì mang theo người cùng với các loại giấy tờ khác. Căn nhà trở nên trống vắng lạ lùng...
    "Cháu còn đi học. Để dì nuôi em Hiền cho". Dì tôi nói rồi ra đi, mang theo em Hiền, bất chấp lời phản đối của tôi. Theo lời dì, tôi ở lại cho thuê căn nhà rồi ra Hà nội tìm dì và em gái. Em Hiền mừng rú lên, bắt tôi đưa đi dạo quanh nhà. Em kể với tôi em chưa được đi học. Em nấu ăn, rửa bát, trông con cho dì. Em khóc, đòi tôi cho em đi theo. Tôi thật sự uất ức nhưng cũng thật bất lực. Làm sao tôi đem em theo được khi đang là sinh viên, lại thường xuyên đi thực tập nhiều nơi, chỗ ở không ổn định? Tôi dẫn em quay về, định bụng ngày mai sẽ xin với dì cho em Hiền đi học. Thời gian rảnh, em sẽ giúp dì làm việc nhà. Tôi mải mê suy nghĩ., không nhận ra rằng đêm đã về khuya.
    Chú, dì và hai con đã ngủ trên chiếc giường đôi kê gần cửa sổ. Tôi và em Hiền nằm ở chiếc giường một kê ở góc nhà. Đêm hè nóng nực, lại không có quạt, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Bên kia căn phòng, hai chiếc quạt, một lớn một bé cùng chĩa vào chiếc giường đôi cạnh cửa sổ. Em Hiền cựa mình. Tôi lùa tay vào tóc em. Mồ hôi và bụi đất kết thành đám, dính chặt vào nhớp nháp. Tôi ngồi dậy, đến bên chiếc bàn, quay cái quạt nhỏ lại phía em Hiền. Chú dì và hai em đã ngủ say rồi, không phiền phức gì đâu. Tôi nghĩ thế nhưng một lúc sau bỗng giật thót mình vì em Hưng, con trai dì đã tỉnh giấc. Nó đạp mạnh chân và dì tôi thức dậy, phát hiện ra tôi đã xoay chiếc quạt nhỏ đi. Thế là dì tôi rít lên. Dì đay nghiến:
    - Cái thứ người cá nhân chủ nghĩa! Chỉ biết có mình!
    Cả nhà thức dậy, dì vẫn không thôi nhiếc móc. Chú tôi hình như cũng quá quen với tính dì, không nói tiếng nào. Tôi cảm giận cơn giận trong lòng mình bùng lên như cái lần dì sang hàng xóm, lu loa kể lể chuyện bất hòa của gia đình mình. Tôi dằn giọng:
    - Bố mẹ cháu mới chết mà dì đã đối xử với chúng cháu như thế! Dì mới là người chỉ biết có mình!
    Cái Hậu, con gái út của dì lúc đó mới chín tuổi, nhảy xổ vào tôi:
    - Mày dám cãi nhau với mẹ tao à?
    Chú tôi can nó ra. Tôi nằm xuống giường, ôm chặt em Hiền vào lòng, nước mắt tôi giàn dụa, ướt đẫm cả tóc em. Hôm sau, mặc cho chú tôi khuyên can, tôi nhất định đưa em Hiền về quê, bỏ dở khóa học. Chúng tôi về ở tạm tại một góc căn nhà đã cho thuê nhờ sự hảo tâm của người thuê nhà. Tôi đan len, bán thuốc lá trước thềm nhà nuôi em Hiền ăn học. Rồi em lớn lên, thi đậu vào Nhạc viện. Niềm vui lớn nhất của tôi là nghe em hát qua chiếc máy ghi âm em mua tặng tôi cùng cuốn băng thi tốt nghiệp khoa trung cấp thanh nhạc của em.
    Tôi mãn nguyện với những gì mình đã làm được cho em Hiền, con chim sơn ca bé bỏng của tôi. Em đã thay tôi bay đi khắp các phương trời tôi hằng ao ước. Mãi đến khi lấy chồng tôi vẫn còn một nỗi day dứt khôn nguôi là không giữ được kỷ vật gì về ông bà ngoại, ngay cả đến một bức ảnh của hai người. Tôi muốn đặt ảnh ông bà lên bàn thờ để mỗi lần thắp hương, tôi lại được ngắm nhìn những người thân yêu mà tôi kính trọng. Khi các con trai tôi đã lớn, nhân dịp tiễn con ra Hà Nội học, vợ chồng tôi đến thăm dì, với hy vọng sẽ xin được một tấm ảnh nhỏ của ông bà ngoại.
    Dì tôi ở trong khu biệt thự mới xây. Dì đã nghỉ hưu. Theo lời chỉ dẫn của các thầy cô trong trường, chúng tôi phải tìm cả một ngày mới ra nơi dì ở. Các con dì đều đã đi làm cả, chỉ còn dì ngồi ở nhà giữ cháu. Dì đón chúng tôi với vẻ mặt không buồn cũng không vui. Tôi xin phép dì thắp hương cho ông bà ngoại và bước vào gian thờ, nơi đặt hai bức ảnh lớn. Ông ngoại tôi nhìn nghiêng, người mà cả tôi lẫn dì đều chưa một lần gặp mặt. Còn bà ngoại tôi nhìn thẳng với ánh mắt buồn, nghiêm nghị. Tôi ngắm mãi khuôn mặt kính yêu đã khắc trọn vào tim tôi. Nhiều lần tôi đã tiếc mình không phải là họa sĩ để có thể vẽ lại khuôn mặt ông bà ngoại, không phải phiền đến dì tôi.
    Nghe tôi trình bày ý nguyện, dì hẹn đến lần sau "sẽ tìm xem còn sót lại tấm ảnh nào nữa không?". Không nhận thấy nỗi thất vọng của tôi, dì say sưa kể : "Các con dì đều được học bổng đi nước ngoài nhờ năng lực, phẩm cách và lý lịch tốt". Tôi hiểu trong những chuyến du học đó có phần đóng góp máu xương và công sức của ông bà tôi, những người đã chết đi mà không được nhìn mặt con gái út. Dì tôi, người chưa bao giờ thắp một nén hương trên mộ mẹ mình đang kể lể rất tự hào về những đứa con. Chúng có biết những gì mà mẹ chúng từng hành xử với bà ngoại không? Khi dì tôi trở về với đất, liệu chúng có lặp lại với dì những điều dì đã làm với bà, với những người thân nếu chúng biết rõ sự thật?
    Chúng tôi từ biệt dì. Tôi nhìn lại phòng khách lần cuối, nơi treo những tấm bằng Tổ Quốc ghi công và Huân chương Kháng chiến. Những tấm bằng dì tôi đã gỡ từ bức tường nhà bà ngoại, đem về đây để làm rạng danh cho cái gia đình nhỏ của dì. Tôi cầu mong bà ngoại tha thứ cho dì tôi, đứa con gái út mang tên hoa Ngọc Lan, một loài hoa thơm ngát, thanh cao mà bà hằng yêu quý lúc sinh thời.
    P.T.T.L
  2. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    HƯƠNG BƯỞI
    Phan Thị Thu Loan

    Đoàn làm phim ca nhạc truyền hình tới Quảng Trị thì trời đổ mưa lớn. Gió lạnh tràn về, nhiệt độ xuống dưới 15 độ. Rét như cắt ruột. Cả đoàn nhìn trời ngao ngán. Riêng Lanh - trưởng đoàn kiêm chủ nhiệm phim - là người lo lắng nhất. ?o Mưa mãi thế này, ăn dầm nằm dề cả tuần là chết như chơi. Kinh phí làm phim khoán trọn cả rồi. Không khéo thì tay trắng!?.
    Tuần trước, khi họ đi tìm địa điểm quay, trời còn khá đẹp. Chiếc xe Toyota 15 chỗ ngồi đưa chủ nhiệm và đạo diễn bon bon trên khúc đường dốc quanh co của Nông trường Cồn Tiên Dốc Miếu tới Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Rừng cao su hai bên đường trải dài xanh ngút ngát. Bạch đàn liễu trổ những chùm hoa vàng trên nền trời xanh thắm. Họ không thể hình dung ra chiến trường khốc liệt năm nào giữa khung cảnh nên thơ của ngày hôm ấy. Thế nhưng cảm giác này đã biến mất khi trước mắt họ hiển hiện một rừng bia mộ dày đặc của Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
    Cả mấy triền đồi đầy những ngôi mộ nằm san sát nhau được chia thành nhiều cụm theo từng địa điểm chiến trường. Phương - đạo diễn phim và Lanh - chủ nhiệm, cầm trong tay những bó nhang lớn, đi lên đồi. Trong khói hương nhạt nhoà, trời chiều chuyển dần sang màu tím. Phương tìm ngôi mộ có tấm bia ghi tên một nữ liệt sĩ quê quán phù hợp với nhân vật chính trong phim. Chị đốt một nén nhang nhỏ thắp trên nấm mộ, thầm khấn vong linh của người đã khuất hãy phù hộ chị cùng đoàn làm phim thành công như mong muốn. Trong thâm tâm Phương thật sự xúc động...
    - Xong chưa Phương? Mau lên, còn nhiều việc lắm đấy nhé!
    Giọng Lanh vang lên, cắt đứt dòng suy tưởng của Phương. Chị im lặng đứng lên và theo anh xuống đồi, nơi chiếc xe của Đài truyền hình đang đợi họ.
    Sau đó, được người bảo vệ Nghĩa trang chỉ dẫn, họ tìm ra một số cảnh quay quan trọng cho bộ phim. Đó là con đường đất đỏ chạy quanh sườn núi, đầy những vết lốp xe tải. Vách ta luy còn nham nhở vệt cào bới của máy xúc. Con đường đang được mở rộng trước khi trải nhựa. Có những đoạn xe khó vào, công nhân phải đào đất bằng tay. Gần Nghĩa trang có một con suối nước chảy cuồn cuộn, đục ngầu trong mùa mưa lũ. Bãi sỏi ven suối dưới bóng những lùm cây xanh rì rất thích hợp với việc dựng lán cho tiểu đội nữ thanh niên xung phong. Tuyệt vời nhất là gần đó có một cây cầu gỗ lớn bắc qua khe núi, cỏ lau mọc đầy quanh chân cầu và ngang sườn đèo, phất phơ theo từng cơn gió.
    Phương mừng rỡ. Với linh cảm của người trong nghề, chị hiểu rằng đây là những bối cảnh rất thích hợp cho bộ phim. Chúng lại không cách nhau quá xa, thuận tiện cho việc di chuyển diễn viên và máy quay. Họ hồ hởi ra về. Riêng Phương nghĩ, không biết người con gái dưới nấm mộ kia có phù hộ cho chị không khi họ mau chóng chọn được những địa điểm quay phim rất khó tìm ra ở những nơi khác?
    Sau khi đã thống nhất với Ban quản lý Nghĩa trang về lịch làm việc trong tuần tới, Phương và Lanh lên xe chạy về thị xã. Theo kế hoach, chiều nay họ sẽ gặp Phùng, trưởng đoàn ca kịch của tỉnh để bàn việc chọn diễn viên, thuê trang phục và xe ca .
    - À, xin chào! Mời các anh chị vào đây! Vất vả, vất vả quá hầy!
    Phùng xởi lởi đón họ với vẻ ngọt ngào. Anh từng là diễn viên rồi được cử đi học đạo diễn. Và bây giờ, khi đã nắm một đoàn kịch trong tay, anh vẫn không rời sàn diễn. ?oNó nhiễm vào máu rồi, cái nghề diễn ấy mà? anh giải thích khi người ta ái ngại hỏi anh, có ôm đồm quá không khi mà thi thoảng đoàn mới được dựng một vở, và những diễn viên kỳ cựu cũng chờ mỏi mắt mới có một vai.
    - Vâng, vâng, cám ơn anh. Công việc lút đầu nên chúng tôi về hơi trễ. May mà anh vẫn đợi. Quý hoá quá!
    Lanh nhanh nhẹn trả lời và liếc nhìn Phương. Chị mỉm cười gật đầu chào Phùng nhưng có vẻ trầm ngâm, không hào hứng lắm. ?oHay là cô ta mệt? Kể ra thì chuyến đi cũng dài, nhưng phải cố gắng lên chứ! ?o Lanh bực bội nghĩ thầm. Trước lúc lên xe anh đã dặn Phương :
    - Cô là ?o mỳ chính cánh ?o của cả đoàn đấy. Phải phát huy thế mạnh của mình lên, khi giao dịch với các nơi mình mới có nhiều lợi thế!.
    - Nói hơi quá đấy nhé. Em có phải diễn viên đâu mà là ?o mỳ chính cánh ?o!
    Phương hiểu hàm ý trong câu nói của Lanh. Chị phát chán lên với cái mà Lanh gọi là ?olợi thế?. Với Lanh, vừa là trưởng đoàn lại kiêm chủ nhiệm, lợi thế ở đây tính bằng những khoản tiền mà Lanh chắt bóp được trong các cuộc giao dịch. Hợp đồng với diễn viên, thuê phục trang, đạo cụ, xe cộ... khối khoản mà Lanh nghĩ sẽ sinh lợi nếu được lòng anh chàng nghệ sĩ kiêm quản lý kia.
    Rồi cuộc trao đổi diễn ra nhanh gọn vì Lanh đã có ý đồ của mình. Sau một vài câu chào hỏi xã giao, Lanh nói:
    - Có lẽ cũng muộn rồi, còn cô Phương cũng khá mệt. Chúng tôi mời anh đi ăn chút gì đó nhẹ nhàng rồi ta bàn tiếp nhé.
    - Tôi thì không sao, nhưng nếu chị Phương mệt thì ta đi hầy!
    Phùng nhận lời ngay như đã quá quen với những cuộc giao dịch thế này. Họ tìm một nhà hàng trong thị xã để ăn chiều. Và cuộc bàn bạc lại tiếp tục trong tiếng bật bia, tiếng bát đũa khua và tiếng nhai thức ăn của họ.
    Tối hôm ấy Lanh và Phùng còn rủ Phương đi chơi một vòng quanh thị xã, nhưng Phương từ chối, lấy cớ vì đi đường mệt. ?o Họ có vẻ hợp nhau. Để họ đi riêng còn tiện bàn công việc?, Phương thầm nghĩ. Từ lâu chị đã không ưa Lanh, một anh chàng láu cá, cơ hội và trơn tuột như một con rắn. Nếu như không phải anh ta đã biên tập chương trình này và phân công chị làm đạo diễn thì chị sẽ kiếm cớ từ chối không đi chung với Lanh. Chị thích kịch bản phim do một nhà văn trẻ viết. Những ca khúc rất hay trong phim là của một nhạc sĩ tên tuổi chị mà có cảm tình. Nhất là đề tài về những nữ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh khiến chị xúc động. Chị sẽ gạt đi những gì không vừa ý để làm tốt bộ phim. Với ý nghĩ ấy Phương thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn...Những ấn tượng đậm nét trong ngày cứ lởn vởn quanh giấc mơ của chị.
    Hôm sau Phương gặp số diễn viên mà Phùng đã chọn. Họ đều trẻ trung, xinh đẹp nhưng Phương chưa tìm ra người đảm nhận vai chính. Thương Thương, nữ diễn viên chủ chốt của Đoàn mà Phùng đặt nhiều hy vọng hoá ra lại trái hẳn với hình dung của Phương. Cô ẻo lả cả trong dáng đi và giọng nói, có lẽ chỉ thích hợp với các vai nữ sinh thành phố. Xem ra Phùng có vẻ chiều chuộng cô ta lắm. Các vai phụ thì tạm ổn vì các diễn viên trẻ mới vào Đoàn hãy còn vẻ chân chất đáng yêu mà Phương nghĩ rằng thích hợp với các vai nữ thanh niên xung phong thời ấy.
    Chị cùng Lanh ra về sau khi đã hẹn công bố danh sách diễn viên được chọn vào sáng mai. Chị cần có thời gian để suy nghĩ và nhất là để tìm cho ra một cô gái đóng vai tiểu đội trưởng.
    Trong hình dung của chị, cô gái ấy phải có vẻ đẹp mạnh khoẻ, hồn nhiên và kiên nghị. Phương chợt nghĩ đến cô gái nằm dưới mộ. Qua tấm bia Phương biết cô ấy hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. ?o Cô gái ấy hẳn phải xinh xắn lắm?, Phương thầm nghĩ và chạnh lòng thương cảm.
    ..................
    Được pathros sửa chữa / chuyển vào 18:56 ngày 18/12/2006
  3. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Chiều ấy Phương và Lanh còn gặp gỡ nhiều diễn viên nghiệp dư của tỉnh để chọn các vai bộ đội. Chị mải miết nhìn từng gương mặt háo hức của các cô gái trẻ trong đoàn văn công tỉnh đội để tìm kiếm một nét tương đồng với mong muốn của chị. Nhưng Phương đã thất vọng. Họ quay về nhà khách Uỷ ban mà vẫn chưa tìm được nữ diễn viên chính. Lanh bắt đầu sốt ruột:
    - Kỹ vừa vừa thôi, tôi thấy nhiều cô cũng được đấy chứ! - Lanh thốt lên khi họ vừa bước vào xe.
    - Em đã cố công tìm rồi. Chưa có ai đạt cả - Phương trả lời.
    - Thế còn Thương Thương thì sao? Cô ấy khá lắm đấy. Ông Phùng đảm bảo rồi mà.
    - Có thể cô ấy rất khá, nhưng trong một vai khác kia. Vai này thì... không hợp.- Phương cố lựa một từ nhẹ nhàng.
    - Nếu không tìm ra được diễn viên chính thì không thể bấm máy trong tuần tới như kế hoạch đâu!
    - Thì đành vậy. Có lẽ mình quay vào phía Nam tìm thêm ...
    - Cô làm thế thì giết tôi không bằng! - Lanh cắt ngang câu nói của Phương.
    - Ơ hay! Sao anh lại nói thế? Phương ngạc nhiên trước thái độ của Lanh.
    - Mọi việc đã đâu vào đấy cả. Chỉ còn mỗi chuyện này mà phải hoãn ngày quay! Đợi đến lúc cô tìm ra diễn viên thì mọi sự thay đổi hết. Thế thì chết tôi chứ còn gì!
    Phương im lặng. Chị không muốn tranh cãi với Lanh. Là trưởng đoàn, anh ta lo lắng cũng phải, nhưng cứ chọn bừa thì Phương không thể. Cậu Tiến lái xe liếc nhìn vào gương hậu, thấy mặt Lanh như phồng lên trong cơn tức giận. Cậu cười thầm, nhớ lại cuộc đi chơi tối qua. Phùng và Lanh bảo Tiến lái xe đến một quán Karaoke khá tươi mát. Hai tay ôm hai em, Lanh ca lạc cả giọng. Phùng ngồi im, nghe Lanh và các cô tiếp viên thi nhau hát. Phùng khẽ nói vào tai Tiến: ?oCác em hát thua xa Thương Thương của mình. Không tin hôm nào mình mời cô ấy dến hát cho cậu nghe?. Tiến cầm micrô, mới hát được một đoạn bài tủ ?oEm ơi Hà Nội phố ?o thì tiếng nhạc phụt tắt. Lanh cầm cái điều khiển giả vờ lúng túng:
    - Ây, ấy, bấm lộn nút stop mất rồi.
    Tiến chờ đợi, nhưng Lanh không bấm trả lại bài ?o Em ơi Hà Nội phố? mà chuyển sang bài ?oMưa tháng sáu ?o và bảo Phùng:
    - Nghe các em ở đây mách rằng anh Phùng hát bài này hay lắm. Xin mời anh!
    Tiến cố nén cơn bực, ngồi nghe Phùng hát. Phùng hát hay thật. Rất có giọng. Diễn viên có khác. Nhưng có lẽ vì bài hát não nề hợp với chất ca kịch của anh...Trong khi Phùng hát, Lanh liên tục ?olàm việc?. Nếu có treo giải Bàn tay vàng thì Lanh đáng được trao giải nhất!
    Đêm hôm ấy Phương trằn trọc khó ngủ. Chuyện hồi chiều cứ trăn trở trong đầu chị. Phương không lạ gì thói trơ tráo của Lanh nhưng cái cách mà Lanh can thiệp vào công việc của chị thật thô bạo. Chưa chọn được diễn viên đã lên lịch bấm máy, đưa chị vào tình thế rất khó xử. ?oKhông, mình không thể nhượng bộ. Cứ phải chọn được người vừa ý đã. Không thể để Lanh giật dây trong chuyện này?.
    Đột nhiên hình ảnh những nấm mộ bạt ngàn trên sườn đồi lại hiện ra trong óc chị. Trong màn đêm tĩnh lặng, khuôn mặt một người con gái rõ dần lên trước mắt Phương như được tách ra từ bóng tối. Vai mang khẩu súng trường, bộ bà ba đen giản dị, hai bím tóc tết gọn buông ngang vai, khuôn mặt đẹp rắn rỏi nhưng dịu hiền, cô gái nhìn chị với đôi mắt trong sáng. Phương bàng hoàng tự hỏi mình mơ hay tỉnh. Chị mở bừng mắt, cô gái đã hoà vào bóng đêm, chỉ có tiếng dế rả rích nhắc rằng chị vẫn thức.
    Sáng hôm sau Lanh và Phương trở lại Đoàn để thông báo kết quả chọn diễn viên. Để tránh những mặc cảm cho những người không được chọn, Phương chỉ báo trực tiếp cho Phùng. Anh không vui khi biết Thương Thương nằm ngoài danh sách. Nhưng không sao. Phùng sẽ giành cho em một vai diễn tuyệt vời trong vở mới!
    Trong khi Phùng và Lanh đang bàn về kinh phí làm phim, Phương lơ đãng nhìn ra ngoài và chợt thấy một cô gái lướt qua khung cửa sổ. Chị giật nảy mình như vừa có một dòng điện chạy qua người. Bước vội ra cửa chị nhìn thấy một bóng áo đen với đôi bím tóc. Chị gọi theo:
    - Em ơi! Em gái ơi!
    Cô gái dừng lại rồi quay về phía chị, Phương tưởng mình hoa mắt: người đứng trước mặt Phương giống hệt cô gái chị đã thấy đêm qua nhưng sống động hơn. Làn da nâu mịn màng và đôi môi gọn ghẽ tạo cho khuôn mặt cô có một nét kiên định lạ lùng. Phương hỏi:
    - Em có phải là diễn viên trong đoàn không?
    - Dạ phải.
    - Thế sao hôm họp diễn viên chị không gặp em nhỉ?
    - Dạ, em về quê, em mới lên sáng ni mà. - Giọng Quảng Trị đậm đà làm Phương thích thú.
    - Em có thích đóng phim không?
    - Dạ, em ưng lắm. Nhưng sợ nỏ đóng được mô.
    - Được. - Phương nói như đinh đóng cột. Em diễn thử chị xem một tiểu phẩm nhé. Nhưng vào đây đã nào!
    Phương nắm lấy tay cô gái dắt vào phòng. Phùng và Lanh hơi bất ngờ trước sự xuất hiện của cô gái. Phùng cười xoà:
    - Mi hả Luyến? Trời ơi, tau quên mất, không giới thiệu mi với đạo diễn chứ. - Quay sang Phương anh bảo:
    - Cháu họ tui đó. Hắn mới vô đoàn được hơn năm. Chưa dám giao vai nặng mô.
    Sau đó Phương đã thử khả năng diễn xuất của Luyến. Chị rất hài lòng. Chị đề nghị Lanh chi khoản bồi dưỡng đúng công sức diễn viên vì chị biết rằng khá vất vả. Lanh đồng ý ngay: ?oTiếc làm sao được, cháu ông Phùng kia mà!?
    Phần thời gian còn lại trong ngày chị phân vai cho từng diễn viên, giao kịch bản và băng cát xét cho họ học thuộc bài hát của mình. Chị phân tích lý lịch, tính cách từng vai diễn rồi kết luận:
    - Phim ca nhạc có cốt truyện đòi hỏi diễn viên vừa diễn hành động, diễn tâm trạng như phim truyện lại vừa phải hát theo lời của ca sĩ. Làm sao để hai việc đó được hài hoà, tự nhiên? Các em hãy coi những lời hát ấy là phần tự sự, tâm tình của nhân vật, chứ không phải là đối thoại như trong kịch. Có ai chưa rõ không nào?
    - Rõ cả rồi ạ. - Luyến cùng các cô gái vui vẻ trả lời. Họ thích công việc mới mẻ này. Và nhất là các cô sẽ được thấy mình trong phim, điều mà sân khấu không thể làm được.
    Phương và Lanh quay về Đài, chuẩn bị tiếp những công việc cuối cùng với hoạ sĩ, quay phim, kỹ thuật... Và bây giờ cả đoàn đã có mặt tại Quảng Trị để chuẩn bị khởi quay. Vậy mà thời tiết lại rất xấu. Vừa mưa vừa lạnh. Áp thấp nhiệt đới vừa đi qua thì không khí lạnh tràn về. Mưa tầm tã suốt hai ngày. Lanh nóng ruột, sinh ra cáu bẳn. Hết điện thoại lên Ban quản lý Nghĩa trang lại gọi đến tỉnh đội, rồi Đoàn ca kịch để báo hoãn lịch quay. Riêng Phương vẫn tranh thủ gặp diễn viên để kiểm tra phần lời ca xem họ đã thuộc chưa và làm việc với quay phim về từng trường đoạn trong kịch bản phân cảnh.
    ...............
  4. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Đến sáng ngày thứ ba, trời vẫn mưa không ngớt. Lanh không chờ nữa mà quyết định xuất phát. Từ chỗ nhà khách đến Nghĩa trang Trường sơn còn gần 40 cây số. Lanh hy vọng thời tiết ở đó sẽ tốt hơn. Anh đề nghị Phương chỉ đưa theo một hai diễn viên chính để quay những cảnh lẻ, phòng khi không quay được thì đỡ tiền chi phí ăn trưa và bồi dưỡng cho tốp diễn phụ.
    Đến nơi, Lanh mừng rỡ thấy trời hửng lên, chỉ còn lất phất mưa bụi. Họ tìm lại sườn đồi và con suối hôm trước để quay vài phân đoạn hồi tưởng của nhân vật. Tốp mỹ thuật tranh thủ dựng lán bên bờ suối. Phương kiểm tra lần cuối khâu hoá trang, phục trang của diễn viên, chị cùng quay phim chọn nơi đặt máy, và yêu cầu Luyến diễn thử. Cô vào vai khá ngọt. Những cận cảnh rất ấn tượng. Phương nhìn vào thiết bị kiểm tra Monitor thấy vừa ý, chị ra lệnh bấm máy.
    Ngày hôm đó trời nhiều lúc ngớt mưa. Lanh hài lòng với khối lượng công việc đã làm được. Nhưng trong bữa ăn trưa đã xảy ra một việc nhỏ làm bầu không khí trong đoàn trở nên nặng nề. Số là ở đây hầu như không có hàng quán gì, ngoài một cái tủ nhỏ đựng hương đèn và ba thứ lặt vặt của một gia đình bày bán cạnh Nghĩa trang. Lanh đã nắm được tình hình từ trước. Anh mua một bao bánh mỳ và vài hộp thịt xay ở thị xã mang lên.
    Khẩu phần buổi trưa là một ổ bánh và lát thịt xay mỏng. Phương nhìn Luyến hơi ái ngại. Trời lạnh, làm việc cật lực nhưng ăn uống thế này liệu chịu được mấy ngày? Phương thì đã quen chuyện đi quay ngoại cảnh, trễ bữa hay kham khổ là chuyện thường, nhưng với diễn viên thì không ổn. Nghĩ thế nhưng chị im lặng, chưa tiện nói. Cuối bữa ăn, Lanh chợt nhớ thùng nước còn để ngoài xe. Mưa bây giờ lại nặng hạt, không mang vào được. Bà bán hàng đem ra két nước khoáng, hy vọng bán được vài chai. Đám khách này chỉ vào quán nhờ bàn ghế mà chưa mua giùm bà một thứ gì. Luyến vô tư cầm chai nước lên mở, rót ra mấy ly. Thấy thế, nhóm quay phim và kỹ thuật cũng vô tư uống. Khi thanh toán tiền Lanh sầm mặt. Ra đến xe anh bảo: ?oMọi người nhớ cảnh giác với nước khoáng ở đây nhé. Dưới thị xã bán có bốn ngàn. Lên đây những năm ngàn đấy!?. Phương thấy Luyến mỉm cười. Chị phát ngượng chưa kịp nói gì thì Lanh tiếp tục: ?oNước trà tôi đã chuẩn bị trong xe rồi. Ai khát thì nhớ uống trước khi vào quán nhé!?.
    Buổi chiều về đến thị xã, nhớ lời dặn của Lanh, mọi người uống nước trước khi ăn bữa tối. Mấy cô tiếp thị bia và nước ngọt nhanh nhảu mang hàng ra mời tốp khách nom sáng giá, đi xe đời mới có gắn nhãn Đài truyền hình. Khi mấy lon nước vừa đặt xuống bàn thì Lanh gọi cô tiếp viên lại và gần như giật lấy lon nước từ tay Luyến rồi bảo: ?oChúng tôi đã uống rồi. Chỉ cần ăn thôi. Cô cất hết đi nhé!?. Tâm, anh diễn viên đóng cặp với Luyến thấy vậy bảo: ?oChị cứ để lại đi. Tôi thanh toán!?. Rồi anh bật nắp lon rót ra ly cho Luyến. Cô đỏ mặt ấp úng: ?o Em nỏ quen uống trà. Uống vô em mất ngủ...?. Phương và cả kíp quay ngượng ngùng không ai nói câu nào, ăn vội cho xong bữa.
    Chở Luyến và Tâm về rồi, chỉ còn anh em trong đoàn phim, Phương nói với Lanh:
    - Anh xem lại tiêu chuẩn ăn uống của anh em thế nào để có sức mà làm dài ngày. Chứ như hôm nay thì họ ốm mất anh ạ.
    - Tiêu chuẩn thì đấy. Quy định công tác phí hai mươi ngàn một ngày. Ba bữa ăn, tính làm sao đủ.
    Lanh độp lại ngay.
    - Cứ như bữa trưa hôm nay thì làm sao hết tiêu chuẩn được.
    Một kỹ thuật viên thủng thẳng nói. Anh không thuộc Phòng mà Lanh phụ trách nên chẳng ngại gì mà không vặn lại.
    - Mỗi bữa mỗi khác chứ. Xảy nhà ra thất nghiệp. Các cậu lạ gì? - Lanh nói lảng.
    - Nhưng tôi nghe nói, công tác phí ở miền núi là bốn mươi ngàn chứ không phải hai mươi đâu. - Lại một người khác lên tiếng. Lanh làm vẻ ngạc nhiên:
    - Thế à? Thế thì tốt quá rồi. Nhưng mà nói thật nhé. Tài vụ chưa thanh toán thì không có gì chắc chắn đâu. Tiền chưa ăn vẫn còn đó. Cũng là của anh em thôi. Cứ ăn trong hai mươi ngàn đã. Nếu được bốn mươi ngàn thì anh em nhận lại sau khi về nhà. Mất đi đâu mà sợ!
    Lanh đáp trơn tuột và nghĩ thầm:? Gì thì gì, cứ phải nắm cái cán đã?.
    - Tôi chỉ sợ anh em không đủ sức mà làm phim. Nhất là diễn viên. - Phương nói. Mọi người ồn ào tán đồng. Ai nấy đều khó chịu trước chuyện Luyến và Tâm trong bữa ăn chiều. Lanh đấu dịu:
    - Thôi được rồi. Sẽ rút kinh nghiệm. Thực ra, tôi muốn cuối đợt diễn viên nhận được nhiều tiền hơn. Ăn uống hết cả, lấy đâu mà trả thù lao cho họ!
    Câu chuyện tạm dừng lại ở đó. Kíp quay mệt mỏi, về đến nhà khách là lăn ra ngủ như chết. Riêng Lanh, đêm nay trằn trọc mãi. Anh bực bội vì Phương đã khơi ra câu chuyện buổi tối.? Cô Phương này thật là bất trị, khó ưa. Chuyên gây rắc rối! Nếu cô ta không bới chuyện ra thì đã ai dám nói nào? Ngặt cái không có cô ta không được. Thôi kệ, làm xong phim này, nếu đạt giải cao thì mình cũng có lợi đấy.? Lanh nghĩ đến cái ghế trưởng ban đang thầm ao ước. ?oPhải gây được tiếng vang trong chuyên môn một chút mới dễ lên?. Lanh tự nhủ rồi ngủ thiếp đi...
    ... Khi Lanh đang còn là giáo viên thỉnh giảng môn nhạc lý cho các trường phổ thông thì Phương đã là một đạo diễn có tên tuổi trong ngành. Hồi mới về Đài, Lanh hay nhìn Phương với ánh mắt suồng sã rồi cợt nhả: ?oTrông em mướt rượt quá nhỉ!??. Phương rất bực nhưng không nói gì. Chị ghét cả những lúc Lanh giả lả khen phim của chị. ?oCó một cái gì đó không thật trong cách cư xử của Lanh?. Phương nghĩ vậy. Linh cảm của chị không lầm.
    Khi Lanh lên chức phó ban rồi, anh ta bắt bẻ chị từng cảnh quay, từng động tác máy, mặc dù về trình độ nghề nghiệp, Lanh chưa đáng bậc đàn em của Phương. Trước khi về Đài, Lanh phụ trách công đoàn trong một xí nghiệp mây tre đan xuất khẩu, nhưng đi đâu cũng nhận mình là giám đốc. Rồi anh ta mua nhà gần khu tập thể truyền hình và xin chuyển công tác về Đài. Mơ ước được đảm trách Ban Văn nghệ, Lanh bắt đầu viết nhạc.?o Phải nổi bật về chuyên môn mới dễ lọt mắt lãnh đạo?, Lanh nghĩ. Anh ta kết hợp khả năng âm nhạc của mình với cái ký ức mây tre lá thành bài hát có những 5 từ ?ophạch, phạch, phạch, phạch, phạch (!)? ở cuối bài để diễn tả chú gà trống đang đập cánh gáy. Kể thì nghe ra cũng giống tiếng cái quạt lá ở xí nghiệp Lanh đã sản xuất đấy!
    Rồi Lanh vận dụng hết khả năng lấy lòng lãnh đạo và phát động phong trào ?othi hát karaoke? trong cơ quan để phô diễn năng lực nghệ thuật của mình! Sở dĩ Lanh chọn việc ấy vì Lanh vốn là cao thủ trong làng ?ohát không mỏi miệng bằng mỏi tay? này. Cuối cùng thì Lanh cũng ngoi lên được chức phó ban. ?oChó ngáp phải ruồi!?, nhiều người xì xầm. Lanh nghe được nhưng không ngán. Cái ghế trưởng ban còn trống như cái hũ mật treo lơ lửng, trêu ngươi trước mắt Lanh. ?o Phải nhanh chóng chiếm lấy, nếu không thì cơ hội sẽ trôi qua?. Đấy là lý do chính để Lanh biên tập phim Hương bưởi, một chương trình nghiêm túc trong đợt này. Kiêm luôn chủ nhiệm và là trưởng đoàn nữa, Lanh cố gắng vận dụng tối đa việc kết hợp lợi ích kinh tế với ước mơ thăng tiến của mình...
    ..........
  5. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Sáng hôm sau, Lanh cho đón toàn bộ diễn viên đến hiện trường. ?oTrời đang còn tốt, phải quay ngay những đoạn đông người. Mưa xuống là hỏng chuyện!?, Lanh tự nhủ. Anh chỉ hợp đồng với bộ đội biên phòng một ngày hôm nay thôi.
    Không may cho Lanh, Phương vừa dàn tập cho diễn viên xong thì trời sầm sập đổ mưa. ?oThế có chết người ta không!? Lanh cau có lẩm bẩm :?o Làm phiên phiến đi thì xong rồi, đằng này cô ta lại cứ bắt tập kỹ. Khỉ thật!? Lanh liếc xéo Phương với nỗi ác cảm không giấu diếm.
    Phương ngẩng nhìn trời, suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định vẫn quay. ?oHành quân trong cơn mưa. Càng tăng thêm sức nặng của trường đoạn!?. Nghe Phương nói vậy, Lanh mừng rỡ... May quá! Lanh không bực bội với Phương nữa. Anh xông xáo, chạy lui, chạy tới, điều lái xe quay về thị xã mua cơm hộp cho mọi người, mặc dù bao mỳ ăn liền Lanh mua sẵn đã để trong thùng xe.
    Phương mặc áo mưa đứng chỉ đạo cảnh quay, vẫn thấy cái lạnh buốt giá thấm qua lần vải nylon dày. Bộ đội chỉ được mặc quân phục mỏng, mưa vài phút là ướt hết. Nghĩ vậy nên Phương dặn dò quay phim và kỹ thuật thật cặn kẽ để cố gắng ?omột đúp ăn ngay?. Tiếng nhạc vang lên theo khẩu lệnh của Phương, chị phất mạnh tay. Đoàn quân rùng rùng vượt qua cầu, vừa đi vừa hát: ?o Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn...?o. Nhìn gương mặt quả cảm của những người lính dưới làn mưa loang rộng dần trên đầu tóc, áo quần của họ, Phương cố nén xúc động để hô khẩu lệnh cho chính xác, ngắn gọn. Hết các góc độ và cỡ cảnh toàn, trung, cận của trường đoạn thì cả đoàn quân đã ướt đẫm từ đầu đến chân.
    Họ ùa vào lán, xem lại đoạn phim vừa quay. Tiếng cười sảng khoái vang lên khi họ nhận ra mình và đồng đội trên màn hình, quên mất những hàm răng đang đánh vào nhau lập cập. Khi chính trị viên trung đội yêu cầu thay phục trang để diễn tiếp, ai nấy đều tiếc rẻ nhin đoạn phim còn chiếu dở trên monitor. Phương cùng kíp quay còn phải kiểm tra nốt. Họ thật sự vui mừng khi đoạn phim quay rất tốt. Hình ảnh những người lính dưới làn mưa lạnh gợi nên không khí hào hùng của một thời xa vắng mà nhiều người trong số họ chỉ biết qua sách vở hay phim ảnh. Phương đứng ngoài trời nhìn vào màn hình. Chị không cần giấu những giọt nước mắt của mình, mưa tạt vào mặt chị đã xoá nhoà tất cả...
    Những ngày sau đó trời lúc tạnh lúc mưa, nhưng công việc vẫn tiến hành khá tốt. Luyến và Tâm cùng kíp nữ diễn viên làm việc rất nhiệt tình. Họ nhớ mãi ngày quay phim tại Nghĩa trang Trường Sơn. Tâm hoá trang thành một cựu chiến binh đã luống tuổi với mái đầu chớm bạc, quay lại Nghiã trang thăm người yêu - nữ tiểu đội trưởng năm xưa. Tay cầm chùm hoa bưởi trắng, Tâm đi dọc con đường san sát những nấm mộ, đến nơi có tấm bia ghi tên người con gái hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi, anh cúi đầu trân trọng đặt chùm hoa. Tâm cảm thấy nao nao. Hoa bưởi trắng thơm thanh khiết là biểu tượng cho các cô gái thanh niên xung phong trẻ trong phim. Lời bài hát thiết tha vang lên trong không gian im ắng của Nghĩa trang khiến cả đoàn làm phim xúc động:
    ?o... Em ngã xuống, máu hoà vào sỏi đá
    Nâng bước chân anh trên đường hành quân xa.
    Em ngã xuống hoá thân thành cây cỏ
    Làm vòm lá ngụy trang giữa chiến trường nắng gió.
    Đường Trường Sơn đong đưa cánh võng
    Ru em, ru em lời ngọt ngào.
    Rừng Trường Sơn rì rào khúc hát
    Ru em tình quê hương...
    Em là bông hoa bưởi, trinh trắng tuổi đôi mươi
    Em là hương hoa bưởi, toả ngát giữa Trường Sơn
    Trường Sơn!...?o. *
    Tâm rưng rưng lệ. Mặt anh sắt lại trong nỗi đau không lời. Phương nhìn vào màn hình, cận cảnh Tâm hiện lên đầy xúc cảm. Phương ra hiệu cho người quay phim. Máy từ từ lia khuôn mặt người cựu chiến binh sang chùm hoa bưởi trên nấm mộ. Mưa rơi rơi trên từng cánh hoa như những giọt nước mắt. Cảnh quay rất đạt. Phương thầm cám ơn Tâm và người con gái không quen biết đang nằm dưới mộ.
    Gió lạnh ào ào thổi qua núi đồi, mưa bay lất phất. Chiều đã muộn, đoàn làm phim chuẩn bị ra về. Phương ngoảnh lại nhìn ngôi mộ lần cuối. Chị giật thót mình. Bó nhang chị vừa thắp bỗng loé sáng rồi cháy rực lên. Phương đứng sững, nhìn ngọn lửa le lói trên Nghĩa trang trong ánh hoàng hôn. Chính hình ảnh ấy đã gợi cho Phương một ý tưởng dựng phim độc đáo: Mình sẽ để cảnh tiểu đội nữ thanh niên xung phong sát vai nhau tiến thẳng về phía trước, chồng mờ với ngọn lửa bập bùng. Ngọn lửa từ bầu nhiệt huyết của những người anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Đây sẽ là một trong những phân đoạn gây nhiều xúc cảm của bộ phim...
    Đêm đã khuya mà Phương còn trằn trọc mãi. Công việc đã kết thúc. Mai là ngày cuối cùng của đoàn ở Quảng Trị. Chị vẫn chưa tranh thủ được để về thăm quê. Hạn cuối để hoàn thành bộ phim đang đến gần mà phần hậu kỳ công phu đòi hỏi rất nhiều thời gian. Lanh đề nghị chị về Đài ngay cùng với đoàn. Thôi đành để khi khác vậy. Dù sao đó cũng là việc riêng của mình. Phương nghĩ đến Luyến, đến Tâm và những ngày làm phim đầy vất vả nhưng rất nhiều kỷ niệm. Chị thiếp đi với một nụ cười trên môi.
    Sáng hôm sau Phương cùng Lanh đi chia tay diễn viên và các đơn vị đã giúp đỡ họ trong những ngày qua. Điều làm Phương bối rối nhất là khi chị cùng Lanh đến Tỉnh đội gặp bộ đội và các nữ diễn viên không chuyên. Họ ở hai dãy lán đối diện nhau. Sau khi chào hỏi xong, Lanh rút ra ba trăm ngàn đưa cho cô gái ngồi gần nhất:
    - Xin gửi các em, gọi là có chút bồi dưỡng. Thông cảm nhé. Phục vụ là chính mà.
    - Vâng, bọn em xin cám ơn anh chị.
    Phương ngây người không biết nói gì. Năm ngày đêm làm việc cật lực trong gió mưa và giá lạnh của sáu cô gái chỉ đáng công chừng đó sao? Nhưng nỗi bất bình của Phương chưa dừng lại. Đến chỗ rẽ sang dãy lán của nam, Lanh bảo: ?oHay thôi, ta đừng vào nữa. Chi phí tốn kém quá?.
    Nói rồi Lanh đổi hướng, đi thẳng ra cổng doanh trại. Phương khó xử quá đỗi. Chị không có quyền can thiệp vào khâu hạch toán kinh tế của bộ phim. Đó là công việc của chủ nhiệm. Lanh vốn đã không ưa gì chị, lại nêu chuyện chi phí này kia tốn kém, nên chị đành im lặng ra về. Trong thâm tâm chị tự nhủ ?okhông bao giờ mình nhận làm phim cùng anh ta nữa?.
    Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Khi thanh toán cho anh em trong kíp làm phim, Lanh cũng viện đủ thứ lý do, cuối cùng tiêu chuẩn của mỗi người cũng bị cắt bớt hơn mười ngàn một ngày. Lanh đưa ra một bảng tính toán rất khôn khéo. Có lẽ trong đoàn phim chỉ có Phương hiểu được bản chất thật sự của Lanh. Nhưng chị đã im lặng, ngại đôi co những chuyện tiền nong. Lanh đã biết lợi dụng nhược điểm này ở chị. Mãi về sau này mỗi khi nghĩ đến chuyện ấy, Phương vẫn còn ân hận là đã không vạch mặt Lanh trước mọi người...
    ................
  6. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Liên hoan truyền hình năm ấy, Phương không được tham dự. Lanh đã phân công cho chị một việc khác ở Đài, còn Lanh mang phim Hương bưởi đi dự thi. Phương biết tin phim đạt Huy chương Vàng qua một người bạn. Lanh viện lý do điện thoại tốn kém để không báo tin vui này cho chị.
    Khi công việc vừa kết thúc, Phương xin phép giám đốc cho chị được đi dự lễ trao giải. Chị muốn chia vui với Lanh và mọi người. Ra đến Liên hoan, Phương sửng sốt khi gặp vẻ lạnh nhạt của Lanh. Anh ta ăn mặc chải chuốt, đầu tóc bóng nhẫy, xức nước hoa thơm lựng, xăm xăm tiến về khu vực dành cho đại biểu chính thức. Đi lướt qua Phương, Lanh khẽ gật đầu chào như một kẻ quen biết qua đường, chứ không phải với một đồng nghiệp đã từng đổ tâm huyết để anh được đứng trên bục, vinh dự nhận giải thưởng hôm nay.
    Phương cùng chồng lẳng lặng quay ra cửa khi lễ trao giải vừa bắt đầu. Chị không muốn Lanh nghĩ rằng chị ra đây để tranh giành quyền nhận giải thưởng. Chồng chị dường như cũng hiểu tâm trạng của vợ. Anh im lặng với vẻ cảm thông.
    Họ về đến nhà thì trời gần tối. Phương cảm thấy trái tim đang thổn thức của mình dịu lại. Những dư âm cay đắng vừa qua như đã lùi vào dĩ vãng. Không, chị làm việc đâu phải vì những kẻ như Lanh! Cuộc đời vẫn còn có Luyến, có Tâm, có những cô gái và những chàng trai đã từng tham gia trong phim Hương bưởi và nhiều phim khác về cuộc chiến tranh vệ quốc mà chị từng dàn dựng. Và còn khán giả màn ảnh nhỏ, những người sẽ hiểu chị, cùng chia sẻ buồn vui với những chương trình truyền hình mà chị cùng đồng nghiệp nâng niu sáng tạo nên.
    Phương chợt nghĩ đến những nấm mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đâu đây trong vườn thoảng lên một mùi thơm thanh khiết, hệt như hương hoa bưởi trên nấm mộ người con gái không quen, nay đã trở nên thân thiết với lòng chị ./.

    P.T.T.L.
    * Bài hát Hương bưởi Trường sơn. Thơ của Thu Lý. Phổ nhạc: Lê Anh.

  7. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    LÁ ĐỎ
    Anh tặng cho em màu lá đỏ
    Xuân tặng cho mình bản tình ca...
    Không biết có phải vì màu đỏ thắm đặc biệt của chiếc lá mà Duyên đã nhận ra nó giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cây trong một chiều hoàng hôn trên núi? Những đường gân màu nâu nhạt giống hệt mạch máu viền quanh chiếc lá có hình trái tim và óng mượt như nhung. Duyên muốn với lấy nó, nhưng chiếc lá lại nằm trên ngọn cây mọc chìa ra ngoài vực thẳm. Cầm quay lại, hoảng hốt gọi:
    - Duyên, làm gì thế?
    - Em muốn hái chiếc lá. Anh nhìn kìa!
    Theo tay Duyên chỉ, Cầm nhìn thấy chiếc lá kỳ lạ ấy. Anh reo lên:
    - Lá đỏ! Để anh hái cho.
    Cầm nắm lấy thân cây chỉ cao hơn đầu người và kéo nó về phía mình. Đến lượt Duyên hét thất thanh:
    - Cẩn thận. Khéo ngã đấy!
    Cầm đã hái được chiếc lá. Ngọn cây anh vừa buông tay đã bật ngược trở lại phía dòng suối ngay trên miệng vực. Hú vía!
    Duyên nâng niu chiếc lá trên lòng bàn tay mình, nhận ra lớp lông tơ mịn màng phủ trên mặt lá, hỏi Cầm:
    - Cái lá đẹp thật anh nhỉ? Không biết lá cây gì?
    - Thì mình cứ gọi nó là Lá đỏ.
    - Mà sao chỉ có một cái lá trên ngọn cây màu đỏ, còn lại đều xanh cả! Em thấy chưa?
    - Ừ nhỉ! Lạ thật đấy. Em sẽ cất thật kỹ chiếc lá này, anh nhé?
    Duyên ép chiếc lá ấy vào cuốn sổ nhật ký mà cô đã kỳ công ghi chép. Nhiều năm sau này, Duyên còn mở ra xem. Chiếc lá không bay màu như những loại hoa lá ép khác mà có phần sậm lại, chuyển sang màu đỏ thẫm. Duyên coi đó là biểu tượng tình yêu giữa hai người. Mối tình có phần lãng mạn, lạc lõng giữa thời sinh viên đói khổ.
    Ngày ấy, Duyên cùng lớp sinh viên trường Văn hóa nghệ thuật lên một nông trường vùng núi để thực tập cuối khóa. Còn Cầm là kiến trúc sư, lên thiết kế quy hoạch cho nông trường. Công trình của anh đang được hoàn thiện, chờ ban giám đốc phê duyệt. Chỉ ít hôm nữa là anh trở về thành phố. Cả một tháng liền trước đó họ ở hai phòng kế bên tại nông trường bộ, vậy mà không hề quen biết gì nhau.
    Cầm thường xuyên đi xuống Phú Trung để vẽ kiểu nhà cho một khu dân cư mới, cuối tuần anh mới quay về để hoàn thiện đồ án. Duyên hầu như không hay biết gì về sự có mặt của anh vì mỗi chủ nhật được nghỉ, cô lại theo xe đò xuống Tam Kỳ thăm mấy người bạn giáo viên. Chỉ có Hoa, bạn cùng phòng với Duyên là biết rõ lịch trình của Cầm. Hoa thường lia đôi mắt lúng liếng, sắc như dao cau về phía Cầm mỗi khi có việc đi ngang phòng anh. Khung cửa sổ bằng tre ở phòng Cầm thường mở rộng. Vốn xuất thân từ miền núi phía Bắc, anh rất thích ngắm nhìn cảnh đồi dứa, đồi chè bạt ngàn ngoài kia.
    Các cô gái nông trường đi làm về thường ghé lại cho anh vài trái dứa, một đặc ân đối với chàng kiến trúc sư trẻ, đang là niềm mơ ước khó với tới của các cô. Chẳng riêng gì họ, Hoa cũng đang ngấp nghé anh chàng.
    Hoa biết mình có nhiều lợi thế : hát hay, múa đẹp, học vấn cao hơn. Khuôn mặt bầu bĩnh với đôi mắt lá dăm của Hoa đã từng làm nghiêng ngả nhiều chàng trai. Có một chàng người Huế không nén nổi lòng mình đã liều mạng quỳ gối trước mặt Hoa để tỏ bày tâm sự. Sự kiện này đã diễn ra trước mặt cả lớp ngay trong giờ giải lao!
    Hoa đinh ninh Cầm không thể nào hờ hững trước cô được. Với Hoa, Cầm cũng chỉ là một trong số nhiều chàng trai mà Hoa thích chinh phục để thử sức quyến rũ...
    Duyên thì trái lại, luôn mặc cảm với vẻ ngoài không mấy hấp dẫn của mình. Theo Duyên, con trai thường chỉ thích những cô gái đầy đặn, có khuôn mặt dễ thương, đầu óc có bã đậu một tý cũng được. Cô lại không thuộc típ người ấy nên không hề ảo tưởng về sắc đẹp của bản thân. Cô chờ đợi một chàng trai khác thường, biết đánh giá và coi trọng con người thật của mình.
    Nhưng hỡi ơi, ở cái thời củi quế gạo châu này, tìm đâu ra một chàng trai như thế chứ? Bởi vậy, dẫu đã hai mươi lăm, Duyên vẫn không vội vã rơi vào những mối tình thoáng đến thoáng đi như nhiều bạn bè cùng lớp.
    Trong khóa học, cô quen thân với một người bạn trai đã gần ba năm. Họ chưa hề nói với nhau một lời yêu nào dẫu đã bao nhiêu lần cùng dạo chơi trên phố biển, nơi những cặp tình nhân hôn nhau nồng nàn dưới ánh trăng, bên những gốc phi lao.
    Duyên biết anh ấy đã yêu mình qua nét mặt đau khổ của chàng mỗi lần chia tay, nhưng Duyên chỉ xem anh là bạn, bởi trong mắt Duyên, anh quá yếu đuối, không thể là người mà Duyên gởi gắm tình yêu. Cái ngày mà anh lấy hết can đảm, ấp úng tỏ tình với Duyên thì tình bạn của họ cũng chấm dứt. Duyên không thể dối lừa anh được và đã nói thật lòng mình.
    Sau lần ấy anh không đến lớp tìm Duyên nữa. Duyên buồn lắm nhưng không ân hận. Cô hiểu rằng điều ấy tất phải xảy ra...
    ..............
  8. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Chiều chủ nhật này xe đò lên nông trường hơi muộn, Duyên ăn cơm một mình giữa phòng ăn tập thể rộng mênh mông. Bữa cơm đạm bạc thời bao cấp có thêm món muối vừng thơm phức rang với sả và thịt bò băm nhỏ - món quà quý của đám bạn ở thị xã gói cho Duyên trưa nay. Đang ngon miệng, Duyên nhận thấy một chàng trai cũng đang ngồi ăn một mình ở phòng kế bên.
    Thoáng nhìn, Duyên tưởng người đó là cán bộ nông trường đã có lần cùng dự bữa với lớp cô. "Thức ăn chẳng có gì, thật khó nuốt", Duyên nghĩ. Cô sẻ đôi bát muối vừng, bưng qua mời anh nhưng chẳng dám nói năng gì. Duyên ngại đám con gái đang luộc khoai dưới bếp để ý. Đặt chiếc bát xuống bàn, cô gật đầu chào anh rồi quay đi.
    Cầm ngạc nhiên vì sự quan tâm đột xuất này và chợt nhận ra đó là cô gái thường chơi ghi ta cổ điển ở chung phòng với Hoa.
    Ở cô, có điều gì đó khác lạ khiến Cầm phải chú ý: Cô có vẻ mặt hơi buồn, tiếng đàn của cô lại càng buồn hơn khiến Cầm thêm nhớ nhà mỗi khi nghỉ lại phòng bên cạnh. Chắc cô cũng không ngờ mình là người đã khiến cho Cầm nhiều đêm khó ngủ. Cầm để ý thấy cô gái có đôi mắt to khá đẹp dưới vầng trán cao thanh tú.
    Nhiều lần cùng Hoa đi ngang qua phòng Cầm nhưng ánh mắt cô cứ dõi đi tận đâu, hình như không biết đến sự có mặt của anh. Rồi một lần Cầm đã đánh bạo theo chân cô vào phòng truyền thống, nơi treo những bức tranh mà cậu Thanh, họa sĩ của lớp vẽ cảnh nông trường. Trong khi nói chuyện cùng Thanh cô nhận ra Cầm là người thứ ba có mặt. Chỉ có thế thôi, không còn gì nữa.
    Điều đó làm cho Cầm càng tò mò, muốn tìm hiểu kỹ hơn về cô. Hỏi Hoa, Hoa chỉ cười trừ rồi nói lảng sang chuyện khác. Hoa không muốn Cầm chú ý đến ai ngoài mình. Thế là Cầm đành nén nỗi tò mò, miễn cưỡng cầm vài củ khoai luộc còn nóng hổi mà Hoa vừa dúi cho.
    Cầm quay người bỏ đi, không nhận thấy vẻ bực bội từ đôi mắt chợt sầm xuống của Hoa. "Đồ cù lần!", Hoa lẩm bẩm trong miệng, nhưng không từ bỏ ý định mồi chài Cầm, vì trong thâm tâm, Hoa cay cú bởi sự bất cần của anh đối với mình. Điều đó càng làm Hoa thêm quyết tâm trong việc chinh phục Cầm, chàng trai đầu tiên tỏ ra hờ hững trước nhan sắc của Hoa...
    Nhận ra Duyên, Cầm đứng dậy, bưng bát cơm sang bàn cô, cùng ngồi ăn. Trái với suy đoán của Cầm, Duyên không có vẻ gì e ngại hay bối rối, cô nói chuyện với Cầm khá tự nhiên. Sau bữa ăn họ cùng ra con suối nhỏ sau nhà rửa tay. Dòng nước trong vắt chảy nhẹ dưới tán cây soi rõ bóng hai người. Giữa khung cảnh êm đềm ấy, Cầm thấy lòng mình nhẹ nhõm, vui vẻ khác thường. Họ thật sự thân nhau từ hôm ấy.
    Biết Cầm quý mến Duyên, Hoa giận lắm nhưng vẫn cố chiều lòng Cầm hơn trước. Hoa chủ động rủ Cầm đi chơi buổi tối. Anh vụng về tìm cớ từ chối. Nhiều lần như thế làm Hoa thấy bẽ mặt, càng cay cú với Duyên. Trái với ý định ban đầu, càng ngày Hoa càng bị Cầm thu hút, điều mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra đối với cô. Hoa quyết định làm một việc táo bạo chưa từng có để chiếm được Cầm.
    Tối hôm ấy Hoa đã tìm được cơ hội khi Duyên đi may phục trang cho Đội văn nghệ của nông trường. Đêm biểu diễn tổng kết cuối đợt thực tập đang đến gần nhưng Hoa cáo mệt bỏ buổi tập hát. Mọi người đi lên Hội trường cả, chỉ có Hoa ở nhà.
    Phòng bên cạnh, Cầm đang miệt mài trên bản vẽ, lâu lâu lại hát lên vài câu ra chiều cao hứng lắm. Hoa dỏng tai lên nghe ngóng, miệng nở nụ cười đắc ý. "Để rồi xem, có khủng khỉnh mãi được không?". Trong ánh sáng xanh lè của ngọn đèn măng xông treo trên xà nhà, Hoa đã chuẩn bị kỹ càng và nóng lòng chờ đợi...
    Tiếng hát trầm trầm của Cầm chợt ngưng lại. Tiếng chân Cầm bước mạnh rồi lại ngập ngừng, như đang suy nghĩ. "Quái lạ cái anh chàng này, người thì thanh mảnh mà bước đi lại thình thịch, chẳng nhẹ nhàng chút nào". Hoa như con mèo rình chuột lắng nghe từng âm thanh để đoán xem con mồi đang ở đâu?
    "Làm gì thì làm, chẳng thoát nổi tay đây đâu!", Hoa nghĩ, thích thú nhấm nháp kế hoạch của mình. Có tiếng rót nước ở phòng bên. "Đang lấy lại can đảm đấy, thế nào cũng sang tìm cái Duyên cho mà xem". Rồi tiếng cửa kèn kẹt vọng sang. "Đấy, biết ngay mà, mình phải hành động thôi!".
    Tiếng gõ cửa vang lên, Hoa trút vội chiếc áo đã bật nút, ném xuống giường, quay lưng ra cửa, miệng kêu: "Vào đi!" Cùng với tiếng cửa mở Hoa xoay người lại, nói rất tự nhiên: "Duyên đấy à?" và phô bày ra trước mắt Cầm bộ ngực đầy đặn với hai chiếc núm ngả màu nâu sẫm.
    Cầm choáng người. Hoa bù lu bù loa: "Ấy chết, sao anh lại...?" Rồi Hoa vơ vội chiếc áo trên giường, làm bộ e thẹn xoay người lại, xỏ tay vào. Cô cười thầm, nghĩ đến vẻ mặt trắng bệch của anh chàng: "Tội nghiệp, chắc mới được mục sở thị lần đầu!".
    Khép vội tà áo, Hoa quay ra cửa. Cầm đã bỏ về. "Không sao! Bây giờ mình sẽ sang phòng chàng, sẽ trách móc chàng vì sao lại vô ý thế?! Mình cứ tưởng là cái Duyên đã về, thế thôi! Điều thú vị nhất bây giờ mới bắt đầu..." Hoa vẽ nhanh lên mặt nét giận hờn, nũng nịu và cả quyết bước sang phòng Cầm.
    Hoa gõ cánh cửa khép hờ và chờ đợi. Im lặng. Hoa sốt ruột đẩy nhẹ. Ánh sáng trong phòng soi tỏ bản vẽ trên bàn và chiếc giường trống không. Cầm đi đâu mà không kịp đóng cửa?
    Trong khoảnh khắc ấy, Hoa thấy nỗi ghen tức, ấm ức trào lên cổ. Cô xăm xăm bước về ngôi nhà phía sau Hội trường, nơi Duyên may áo cho đội văn nghệ. "Thế nào cũng hẹn nhau đến đấy cho mà xem!". Hoa cũng chẳng biết sẽ nói gì khi gặp Cầm ở đó? Nhưng đôi chân cô cứ rảo bước.
    Dừng lại cách căn nhà vài chục thước, Hoa nhìn rõ Duyên đang ngồi ráp áo, bên cạnh Duyên không phải là Cầm mà là Dung, cô giáo dạy trẻ của nông trường, rất thân với Duyên. "Cầm đi đâu nhỉ?", Hoa bực bội nghĩ. "Hay là... anh chàng đi tắm? Phải rồi! Gặp những lúc nóng đầu đột ngột thế này đàn ông thường đi tắm...
    Nhưng trời khuya rồi, chờ đến bao giờ?!" Hoa rảo bước ra suối, hy vọng gặp được Cầm. "Mình chỉ còn cơ hội này nữa thôi. Tháng này mình đã mất kinh rồi. Cũng chỉ tại cái lần lỡ làng với Nhị Khanh. Thằng ca sĩ tệ bạc, đã quất ngựa truy phong! Nếu không bắt được Cầm thì mình chỉ còn nước phải phá thôi". Hoa cay đắng nghĩ...
    ................
  9. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Trái với dự đoán của Hoa, Cầm đang ở Hội trường xem văn nghệ. Anh có ý tìm Duyên nhưng không thấy. Nghĩ lại chuyện vừa nãy, Cầm thấy vừa bực vừa buồn cười. "Tại mình hấp tấp quá, thế nào mai cũng bị Hoa trách thậm trách tệ cho mà xem". Với bản tính hồn hậu của người dân miền núi anh nghĩ cái sai thuộc về mình. "Chắc Hoa tưởng mình là Duyên. Nhưng lạ... Mình đã gõ cửa rồi kia mà. Chả lẽ hai cô ấy lúc vào phòng của chính họ cũng gõ cửa à?"
    ... Cầm nghĩ ngợi quanh quẩn một hồi rồi nhăn mặt : "Mà sao ngực Hoa sệ thế? Núm vú lại đen sì. Xấu quá!" Cầm tự nhiên thấy khó chịu y như cái lần chở cô bạn đồng nghiệp đi phố cách đây vài năm, cô nàng cứ tỳ mạnh bộ ngực to mềm như đôi bánh dày lên lưng Cầm làm Cầm vừa nhột vừa bực bội. Không phải là Cầm không hiểu ý nhưng đường đông như kiến, lo đạp xe đã mệt phờ, làm cái kiểu này có mà tông vào thiên hạ! Sau lần đấy Cầm không nhận lời chở cô nàng nữa, mặc cho nàng đã trả công Cầm bằng một bữa ăn khá thịnh soạn. Cầm mơ tưởng người con gái mình yêu phải dịu dàng, kín đáo nhưng thông minh, sâu sắc chứ típ người như Hoa và cô bạn đồng nghiệp nọ thì các vàng Cầm cũng xin chào thua.
    Dạo vừa lên đây, Cầm đã để ý đến Liễu, cô gái xinh nhất trong đội văn nghệ nông trường. Liễu mỏng mảnh như một nữ sinh được cha mẹ cưng chiều. Không hiểu sao cô ấy lại bỏ thành phố lên cái xứ đèo heo hút gió này? Cầm thắc mắc muốn tìm hiểu lý do.
    Một tối nọ, biết cô bạn cùng phòng Liễu đã về quê, Cầm định gõ cửa vào nói chuyện. Nhưng từ trong phòng Liễu có tiếng động rất lạ vẳng ra làm Cầm đột nhiên đứng sững lại. Cứ y như có hai đô vật đang vào xới. Tiếng thở hổn hển, tiếng thì thào đứt đoạn... làm Cầm nóng bừng cả hai tai. Sợ có người bắt quả tang mình đang nghe trộm, Cầm trở về phòng nhưng mắt thì cứ hướng về phía ấy. Đêm đã khuya lắm, Cầm mới thấy một bóng đàn ông từ phòng Liễu lẻn ra ngoài, đi vội về dãy lán của nam công nhân.
    Hôm sau, Cầm cố ý giáp mặt Liễu trong lúc ăn sáng, và ngạc nhiên thấy Liễu nói cười vui vẻ, vẫn đẹp một cách ngây thơ, trong trắng như một cô gái đồng trinh.
    Từ ngày ấy Cầm nghi ngại những cô gái đẹp, nhất là những cô đẹp rực rỡ, nổi bật giữa đám đông. "Họ là những bông hồng, tuy đẹp nhưng đầy gai sắc. Chạm vào là bật máu như chơi!" Không biết từ bao giờ Cầm bị bọn con ******* là đồ cù lần bởi cứ e ngại tránh né những pha tấn công trực diện của các cô.
    Kể ra thì Cầm cũng thuộc loại đẹp trai, có nước da người vùng núi mịn màng, sáng sủa, chưa kể đến sống mũi cao, đôi môi gọn ghẽ và hai lúm đồng tiền thật sâu (thế mới chết gái!).
    Nhìn Liễu đang uốn éo thân mình theo điệu múa giữa các cô gái nông trường xinh như mộng, Cầm bất giác thở dài, chợt nghĩ đến Duyên. Cô biến đi đâu nhỉ? Tự nhiên Cầm thấy nóng ruột, lo lắng về Duyên quá. Duyên đi đâu cả buổi mà không nói gì với Cầm, cũng chẳng lên tập văn nghệ! Giá như không có cái chuyện khôi hài tối hôm nay với Hoa thì Cầm đã vẽ gần xong mẫu nhà mới rồi. "Bây giờ mà quay về phòng thế nào cũng bị cô ta trách cứ. Thôi, đi dạo một vòng rồi về ngủ, mai vẽ tiếp".
    Cầm đưa chân thong thả trên con đường nhỏ dẫn về phía sau hội trường. Chợt nhận ra Duyên đang miệt mài đạp chiếc máy khâu cũ kỹ trong phòng truyền thống, Cầm định gọi tên cô nhưng kịp dừng lại. Cầm ngắm nhìn dáng vẻ cặm cụi của Duyên, trong lòng dâng lên niềm thương mến. Đã mấy hôm nay, cứ mỗi lần nghĩ đến Duyên là Cầm lại thấy tim mình nhoi nhói. Cầm đã yêu Duyên mất rồi! Duyên có vẻ đẹp kín đáo và thông tuệ. Cô không hề làm dáng mà vẫn cuốn hút được Cầm bằng nụ cười đôn hậu và đôi mắt nâu mở to trong trẻo.
    Cầm sẽ còn đứng ngắm Duyên mãi nếu như cô không bất chợt nhìn thấy Cầm. Duyên bước ra ngỡ ngàng: Cầm đã đến đây từ bao giờ nhỉ? Cầm cười, rủ cô đi dạo. Và bây giờ họ đang bước trên con đường dẫn lên dốc núi, nơi Cầm hay dừng lại ngắm nhìn cảnh nông trường trước khi rẽ sang lối về Phú Trung.
    Suối ánh sáng vàng từ trên không trung chảy tràn xuống sườn đồi: đêm nay trăng vừa tròn mười sáu. Trời mùa xuân về khuya se lạnh nhưng người họ nóng bừng bởi trái tim cả hai cùng loạn nhịp. Vì vừa leo dốc hay vì hồi hộp cũng chẳng biết nữa...
    Từ trên sườn đồi cao nhìn xuống, một hồ nước lăn tăn gợn sóng vàng sẽ mãi mãi đi vào ký ức của Cầm và Duyên. Họ ngồi nghỉ dưới bóng cây Kơ nia thật cao vừa ra lộc mới, cành cây khắc lên bầu trời những nét phác họa khỏe khoắn, thanh xuân.
    Cầm ủ những ngón tay nhỏ nhắn của Duyên trong bàn tay ấm nóng của mình và thốt ra những lời nói rời rạc mà chỉ có Duyên mới hiểu hết ý nghĩa. Rồi họ đứng dậy, thong thả đi lên đỉnh đồi. Ở đây họ đã ngỡ ngàng trao nhau nụ hôn đầu ngây ngất, thoảng hương gió đại ngàn. Trong niềm hứng khởi bồng bột họ nắm tay nhau chạy xuống sườn dốc, khắp người đẫm ánh trăng mùa xuân cho đến khi mệt gần đứt hơi mới dừng lại, vừa thở vừa phá lên cười. Tiếng cười vọng thật xa trong đêm rằm tĩnh lặng mênh mông...
    Khi người ta thật lòng yêu thì không thể giấu ai được, nhất là với bạn cùng phòng! Hoa biết ngay là Cầm đã đi dạo với Duyên đêm hôm ấy. Hoa trăn trở trong bóng tối cho đến khi Duyên quay trở về. Cửa vừa mở, Hoa ngồi ngay dậy, vặn to ngọn đèn, nhìn soi mói vào mặt Duyên khiến cô ngạc nhiên vì ánh mắt tò mò ấy. Không cần hỏi câu nào Hoa đã biết ngay mọi chuyện. Khuôn mặt Duyên rạng ngời, được rọi chiếu bởi ánh sáng của một tâm hồn đang yêu say đắm. Nhìn Duyên mỉm cười, Hoa đanh mặt lại. Cô im lặng nằm xuống, suy nghĩ rất lung.
    ...........
  10. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Không chỉ mình Hoa khó ngủ, đêm nay Duyên cũng thao thức mãi. Ánh trăng... rừng cây... hồ nước... con đường... ánh mắt Cầm... bàn tay ấm áp... nụ hôn đầu nồng nàn... tất cả như hiện lên trước mắt Duyên. Hạnh phúc sao mà giản dị, thân thương quá! Cầm đang ở bên cạnh Duyên đấy, chỉ cách một bức vách tre thôi. Người con trai mới hôm nào còn xa lạ với Duyên nay đã trở nên xiết bao gần gũi. Người ấy sẽ là bạn đời của Duyên, sẽ che chở cho Duyên trong suốt cả cuộc đời!
    Duyên lâng lâng vui sướng, thiếp đi trong giấc mơ ngọt ngào. Duyên đâu có ngờ đúng lúc ấy Hoa đã tìm ra một kế để trả thù, để hạ nhục cô trước mặt Cầm và tất thảy mọi người!
    Đêm biểu diễn Văn nghệ ở sân khấu ngoài trời diễn ra suôn sẻ. Cầm đứng nhìn các cô gái nông trường mặc những bộ áo bà ba Duyên đã may rất khéo, hát múa thật sôi nổi. Ngoài số công nhân của các đội, dân làng quanh đấy cũng nườm nượp kéo nhau về xem. Duyên cùng cả lớp đang tất bật ở hậu trường, lo hóa trang cho diễn viên và kiểm tra trang phục. Khi tiết mục cuối cùng chấm dứt, tiếng chào tạm biệt khán giả vang lên trong loa phóng thanh thì bên cánh gà, Hoa đang nức nở khóc.
    Mọi người xúm lại: Hoa mất một bông hồng cài áo bằng bạc, món quà quý mà bố Hoa đã đem về từ nước Nga xa xôi. Hoa không dám để ở phòng vì cửa nẻo sơ sài quá. Cứ nghĩ bỏ vào túi áo, đem theo người cho chắc, nào ngờ bị ai lấy mất rồi!
    Cả đội văn nghệ và lãnh đạo nông trường đang hào hứng vì thành công của đêm biểu diễn bỗng như bị dội gáo nước lạnh. Ông giám đốc, bình thường vẫn vui vẻ hồn hậu như một người cha bỗng tức uất lên, bèn ra lệnh khám xét tất cả túi xách, đồ dùng cá nhân, kể cả áo quần của các nông trường viên. Không thấy bông hồng bạc có giá trị bằng cả năm học bổng của sinh viên ở đâu cả!...
    Xấu hổ và bực bội trước sự việc hi hữu này, thầy chủ nhiệm lớp cũng yêu cầu mọi học viên của mình lộn trái túi áo, túi quần. Các giỏ đồ hóa trang và phục trang biểu diễn của họ cũng bị cán bộ lớp lục soát.
    Khi Cầm cùng với Dung, cô giáo dạy trẻ của nông trường chạy vào hậu trường tìm Duyên thì Cầm không tin ở mắt mình: Duyên đứng giữa đám đông diễn viên và bạn học, mặt mày biến sắc. Hoa dốc ngược chiếc túi xách của Duyên. Giữa các đồ dùng hàng ngày, một vật gì óng ánh rơi ra. Hoa vồ lấy rồi giơ lên: Một bông hồng bằng bạc được chế tác rất tinh vi!
    Mọi người ồ lên, kinh ngạc. Hoa khóc lóc, than thở rằng Duyên nỡ phản bội tình bạn của cô như thế! Tiếng kể lể của Hoa dội lên, át cả tiếng xì xào phẫn nộ. Gặp ánh mắt hoảng loạn của Duyên, Cầm đau đớn, lặng lẽ quay người bỏ đi. Duyên sững sờ chết lặng. Tất cả mọi con mắt đều nhìn Duyên khinh bỉ. Duyên ôm mặt khuỵu xuống, lắp bắp không thành tiếng.
    Không một ai tin cô! Sự việc rành rành như thế, còn cãi làm sao được! Rồi Duyên gượng đứng lên, bước đi... Mọi người rẽ ra, không ai muốn chạm vào người cô, một con người từ nay sẽ được gọi tên là "đồ ăn cắp"!
    Không thể nào diễn tả được nỗi đau đớn của Duyên. Cô bước đi như một kẻ mộng du. Đôi chân tự nhiên dẫn Duyên lên đồi, nơi mấy hôm trước, Cầm và Duyên còn xiết bao hạnh phúc. Nghĩ đến Cầm, Duyên muốn chết đi cho đỡ nhục nhã. Ánh mắt đau đớn của Cầm, Duyên làm sao quên được!
    Trong nỗi tủi hổ cực độ, Duyên vẫn hiểu rằng chính Hoa đã sắp xếp tất cả. Hoa đã ghen tức với Duyên, đã trả thù Duyên thật hèn hạ. Nhưng Hoa làm điều đó vào lúc nào? Tối hôm nay Duyên còn lấy thỏi son trong túi xách ra, tô môi cho Dung, nếu có bông hồng thì Duyên phải thấy chứ! Duyên trào nước mắt. Tim cô như ứa máu trong nỗi đau tê dại. Duyên đâu ngờ mình bận rộn đến nỗi không nhận ra Hoa nhanh nhẹn lướt qua người cô, bỏ vào túi xách của cô vật gì đó, rồi lảng ra xa. Trong lúc mọi người tất tả đi lại, va quệt vào nhau, hành động của Hoa không bị ai phát hiện, chỉ trừ một người...
    Người ấy chính là Dung! Tưởng Hoa trả lại Duyên thỏi son vừa mượn nên Dung không để ý. Mãi đến khi Duyên đã bỏ đi, và Hoa cười thầm đắc chí thì Dung sực nhớ ra. Dung bàng hoàng, phẫn uất hét vào mặt Hoa: "Quân độc địa! Ngậm máu phun người! Sao mày nỡ làm như vậy chứ?..." Mọi người kinh ngạc trố mắt nhìn Dung, cô giáo xưa nay vốn hiền lành là thế.
    Dung nghẹn ngào kể : "Nó đã vu vạ cho Duyên! Nó bỏ bông hồng vào túi Duyên. Chính mắt tôi nhìn thấy!" Dung vừa nói xong, Hoa hàm hồ mắng chửi Dung không tiếc lời nhưng chẳng ai đứng lại nghe Hoa cả. Họ kéo Dung đi dọn dẹp sân khấu, mặc cho Hoa đứng sững bên cánh gà với bông hồng bạc trong tay!
    ..........

Chia sẻ trang này