1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

**** đêm

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi pathros, 13/11/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Cầm đứng lặng bên sườn dốc, thấy rất rõ Duyên đi lướt qua mình nhưng không hề nhận ra anh. Nét mặt cực kỳ đau khổ của Duyên khiến Cầm hoang mang. Chẳng lẽ Duyên là người xấu xa như vậy?
    Không! Từ trong thâm tâm, Cầm không tin điều đó, nhất là việc này lại dính tới Hoa. Cầm nhớ lại những gì Hoa đã làm để quyến rũ anh. Giờ đây thì Cầm hiểu ra tất cả khi xâu chuỗi toàn bộ sự việc. Hoa đã ghen với Duyên! Đã tìm mọi cách để hại Duyên! Cầm nhớ lại tia mắt thâm hiểm như con rắn độc của Hoa phóng vào Duyên sau cái đêm Cầm tỏ tình với cô. Cầm chạy theo hướng Duyên vừa đi. "Duyên ơi! Anh đã hiểu cả rồi. Em đừng đau khổ như thế nữa"!
    Duyên đang bước tới gần hồ nước. Cầm cố sức chạy thật nhanh, nhưng không kịp nữa rồi... Duyên đã bắt đầu trẫm mình xuống làn nước lạnh.
    "Duyên!!! Đừng làm thế! Anh tin em! Anh tin em mà Duyên!" Tiếng Cầm vang lên, phá vỡ không gian im lặng. Một con chim ăn đêm giật mình bay vụt lên, cất tiếng kêu não nề, ai oán.
    Duyên nghe rõ tiếng gọi của Cầm mà cứ ngỡ mình đang mê sảng. Tiếng gọi ấy đã khiến Duyên dừng lại. Khi Cầm nhảy xuống nước, ôm ghì lấy Duyên, cô mới biết đây là sự thật. Duyên lả người trong tay Cầm, ngất lịm đi...
    Hôm sau, một cuộc họp khẩn cấp giữa ban giám đốc và thầy chủ nhiệm cùng với Hoa và Dung đã diễn ra. Biên bản ghi rõ hình thức kỷ luật mà cuộc họp đề nghị với Ban giám hiệu nhà trường: "Buộc Hoa thôi học. Không cho thi tốt nghiệp". Hoa lẳng lặng rời nông trường ngay chiều hôm ấy. Không một ai ra tiễn cô, kể cả anh chàng người Huế đã từng một lần quỳ gối dưới chân cô!
    Duyên đã qua cơn sốc với sự chăm sóc của Cầm và mọi người. Những ngày cuối cùng ở nông trường, Cầm và Duyên còn dạo chơi trên sườn núi nhiều lần nữa. Vào một chiều hoàng hôn màu tím, họ đã tìm thấy chiếc lá đỏ duy nhất trên thân cây gần bờ vực...
    ... Chiếc lá ấy hiện vẫn còn, nó được ép trong những trang nhật ký của mẹ tôi, và đã ngả màu nâu với ngần ấy thời gian. Tôi đọc câu chuyện tình yêu của cha mẹ vào một ngày đau buồn, ấy là khi mẹ tôi vừa khuất bóng. Phút lâm chung, bà ra hiệu cho tôi lại gần và cố hết sức trao cho tôi cuốn sổ nhỏ đã bạc màu với những dòng mực tím còn loang những giọt nước mắt.
    Cha tôi đã qua đời trước đó một năm vì bạo bệnh. Từ lúc ấy, cuốn sổ nhỏ này không bao giờ rời khỏi đầu giường mẹ. Khi còn sống, cha mẹ tôi đã phiền lòng vì tôi có quá nhiều bạn gái mà chẳng biết nên dừng lại ở cô nào. Đến khi tôi quen Thảo thì cha tôi vui hẳn lên. Người bảo tôi: "Thảo rất giống mẹ con thời còn trẻ!".
    Tôi đã theo lời kể trong cuốn nhật ký để tìm về miền rừng yêu dấu của cha mẹ, nhưng chẳng còn thấy hồ nước và cây Kơ nia ấy nữa. Dân làng kể rằng, rừng cây đã bị chặt mất và hạn hán nhiều năm đã thiêu cạn lòng hồ. Tôi chỉ còn hy vọng gặp được chiếc lá đỏ ở ngọn cây kề miệng vực, phía trên dòng suối. Một ngày nào đó, tôi sẽ cùng Thảo trèo lên dốc núi và tôi sẽ hái chiếc lá ấy để tặng Thảo của tôi...
    P.T.T.L.
    Được pathros sửa chữa / chuyển vào 18:34 ngày 25/12/2006
  2. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    ĐÀ LẠT MỘNG MƠ
    Phan Thị Thu Loan
    Họ quyết định chuyến đi Đà Lạt thật chóng vánh, gần như một sự tình cờ.
    Buổi sáng ấy, chị nằm trên giường, nghe loáng thoáng bản tin truyền hình về Hội hoa xuân kỷ niệm 100 năm Đà Lạt. Thế là chị nhỏm dậy, đòi đi ngay. Anh lưỡng lự: chị bị nhức răng và đau đầu mấy hôm nay. Nhưng chị tha thiết quá. Chị cam đoan là mình đã đỡ rất nhiều. Họ có ba ngày nghỉ. Hai ngày trên đường, chỉ còn một ngày ở Đà Lạt! Như thế có bõ công không? Chị nài nỉ rồi làm mặt giận. Cuối cùng anh tặc lưỡi gật đầu, nhấc điện thoại gọi cho cậu tài xế. Tâm vừa về thăm nhà đêm qua. Trong lúc đợi chuyến xe buýt chở Tâm từ ngoại thành về, họ nhanh chóng xếp vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào hai va ly nhỏ.
    - Anh đừng quên cái máy ảnh đấy!
    - Có đây! Em đã mang theo thuốc uống chưa?
    - Dạ rồi.
    Họ cuống quýt sửa soạn. Cứ như là hai đứa trẻ được đi xa lần đầu. Mà cũng có phần đúng. Đã lâu lắm họ chưa có dịp đi chơi cùng nhau. Có cả ngàn lý do khiến cho hai vợ chồng trạc tứ tuần này bỏ lỡ nhiều chuyến đi đã định sẵn. Và Đà Lạt vẫn là một địa danh chị chưa hề đặt chân tới. Trong đời mình, chị đã đi khá nhiều nơi. Duy chỉ có Đà Lạt thì cứ mỗi lần định đi lại có một chuyện gì trục trặc... Bởi thế, Đà Lạt - thành phố ngàn hoa - luôn là miền đất hứa với chị. Mà chị lại rất yêu hoa.
    Chị thường bảo với chồng: "Hoa và sách là những người bạn không bao giờ phản bội!" Nhà chị trồng đủ loại hoa, ở bất cứ chỗ nào trồng được. Căn nhà mặt phố không có nhiều đất trống nhưng cả ban công và sân thượng, quanh bể nước đều có những chậu hoa. Từ những loại hoa thường gặp như hồng, cúc, mai, lan đến các loại ít gặp như cẩm tú cầu, păng xê, forget me not... và những loại hoa không - biết - tên khác được chị đem về trồng trong những chiếc chậu bày la liệt quanh nhà. Chị tự tay chăm sóc những chậu hoa ấy. Chúng chiếm khá nhiều thời gian của chị.
    Những lần chị vắng nhà, chúng khô héo đi vì anh thường quên tưới. Những lần ấy chị lại giận anh, mắng yêu anh là "vô tích sự". Mỗi dịp sinh nhật, lễ, Tết, món quà chị thích được anh tặng nhất là hoa, sách và những tấm thiệp mừng. Chị nâng niu cắm hoa vào chiếc bình quý, xếp sách vào tủ và cất những tấm thiệp vào cái hộp thật xinh. Chị chuẩn bị cho tuổi về già. Chị sẽ dành thời gian rảnh rỗi để nhâm nhi những hoài niệm. Lúc ấy, những cuốn sách, những tấm thiệp này sẽ nhắc cho chị nhiều ngày đáng nhớ. Chị sẽ lần theo những dòng chữ trên đấy để mà bâng khuâng, hồi tưởng...
    Gần bảy giờ sáng họ lên đường. Chiếc Mazda màu lục đậm len lỏi giữa dòng xe khách, xe tải cồng kềnh trên quốc lộ 1. Anh ngồi cạnh chị trên băng ghế sau, họ phấn khích nhìn ra đồng lúa xanh rờn điểm đôi cánh cò chấp chới. Chị lắc nhẹ tay anh:
    - Anh này! Gần đến Tết rồi đấy.
    - Ừ nhỉ! Còn vài tuần nữa thôi...
    - Nghe nói Đà Lạt mùa này lạnh nhưng không mưa. Tiết trời tuyệt lắm hả anh?
    - Đúng! Mùa này có nhiều hoa đẹp. Chuẩn bị cho Tết mà. Em tha hồ mà ngắm!
    Chị vui hẳn lên. Còn gần cả tháng nữa mới đến Tết nhưng mùa xuân dường như đã thấp thoáng đâu đây. Lâu lắm rồi chị mới có cảm giác thơ thới như sáng hôm nay. Những chuyến đi khác, chị luôn ngủ gật trên xe vì mệt mỏi. Lúc tỉnh táo thì lại lo toan công việc đến mệt phờ cả người. Anh nhìn vẻ mặt tươi tắn của chị, thấy hài lòng đã quyết định ra đi. Anh nắm lấy bàn tay chị và chị nhìn anh, mỉm cười.
    Chị nhớ lại ngày họ làm đám cưới. Lễ cưới của họ cũng diễn ra trước Tết vài tuần. Mới đó mà đã hai chục mùa xuân đi qua. Bây giờ có cố mấy, chị cũng không thể nhớ tách bạch họ đã trải qua chừng ấy cái Tết như thế nào? Duy chỉ có một lần chị không thể nào quên...
    Đó là khi chị đang có mang đứa con đầu lòng. Sắp sinh con mà anh chị không có lấy một khoản tiền dự trữ nào cho cái dịp trọng đại ấy, dù là ít ỏi. Tháng lương của thời bao cấp chưa đủ cho những chi tiêu tối thiểu, nói gì đến việc để dành! Gia đình đôi bên đều nghèo rớt, lại đông con, không thể trông mong gì. Chị mừng quýnh lên khi được phân công bán một tủ kem cho công đoàn trong dịp Tết tại Hội chợ Xuân. Mặc dù có thai gần bảy tháng, chị vẫn xin được bán hai ca, nghĩa là mười sáu tiếng một ngày!
    Bán kem trông thế mà không đơn giản. Chị và cô em gái ngồi dưới một cây dù bạt với cái tủ đầy ắp những que kem đủ màu. Ngẩng lên, cúi xuống cả ngày dưới cái nắng miền Trung cũng khá mỏi mệt. Người đi Hội chợ đông nghịt. Họ chen chúc, xô đẩy nhau, mong mua được những món đồ cần thiết cho dịp Tết. Ngày ấy hàng hóa còn khan hiếm lắm. Các quầy mậu dịch ghim hàng lại, đến Tết mới chịu bung ra. Càng đông đúc càng nóng nực, người ta đổ xô đến tủ kem. Vòng trong vòng ngoài đầy những cánh tay chìa vào hối thúc. Hai chị em, kẻ thối tiền, người trao kem, cuống cả lên mà vẫn không kịp bán. Nhầm lẫn một cái là đi đời cả ngày công!
    Căng thẳng quá nên đến ngày hai chín Tết thì cô em xin rút lui để về quê thăm bố. Thật ra thì cô thấy tủi thân. Người ta áo đỏ quần xanh lao xao đi sắm Tết. Còn mình, là một cô giáo hẳn hoi mà chường mặt ra đây cả mười ngày Hội chợ thì ngại quá chừng!
    ..................
  3. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Cô em về quê rồi, còn lại mình chị với cái tủ và cây dù. Chưa kể tới cái bụng lặc lè thỉnh thoảng lại nhói lên vì cái thai quẫy đạp. Vậy mà chị vẫn cắn răng ngồi bán, không hề than thân trách phận câu nào. Có được công việc mà kiếm thêm ít tiền cho kỳ sinh nở là may lắm! Dù cho cả ngày không hề được ngả lưng, chị vẫn vui trong bụng.
    Ngày hai bữa, anh nấu nướng rồi bới cơm cho chị trong chiếc cặp ***g. Những món ăn đạm bạc, qua bàn tay chế biến vụng về của anh, chị vẫn thấy ngon. Tuy thế cũng chỉ dám ăn vừa đủ, còn dành tiền mà sinh con! Ăn xong chị giục anh mang cặp ***g về, tranh thủ mà nghỉ ngơi một lát. Anh là kỹ sư, cũng nên giữ mặt với khách hàng. Còn chị, chỉ là một nhân viên hành chính, ngồi thế chứ ngồi nữa cũng chẳng sao! Muốn đỡ đần cho vợ nhưng nghe chị phân tích thế, anh thấy cũng phải, liền xách giỏ ra về. Còn chị lại ngẩng lên, cúi xuống, vừa giao kem và thối tiền, lại vừa chú ý tập trung để khỏi nhầm lẫn...
    Hết ca đêm, chị về đến căn phòng tập thể mười hai mét vuông thì đã hơn mười giờ. Đếm lại số tiền trong túi, chị cân đối với số kem bán được trong ngày để sáng mai còn bàn giao cho kế toán công đoàn. Xong việc thì đã gần nửa đêm. Lúc ấy chị mới đi tắm và ngả người xuống giường. Bên cạnh chị, anh ngáy pho pho như một người vô tư lự.
    Bây giờ chị mới thấy mỏi mệt rã rời, lưng đau nhức nhối. Chị thèm được một bàn tay day day dọc sống lưng mình cho đỡ mỏi nhưng anh đã ngủ say rồi. Chị không muốn anh phải thức giấc. Đang cố dỗ giấc ngủ thì bụng chị quặn lên. "Thằng cu" lại nghịch ngợm rồi đấy! Chị vẫn gọi cái thai như thế. "Quẫy đạp mạnh như nó chắc chắn là con trai". Chị đoán thế chứ thực ra vẫn mong đứa đầu là con gái. Nó sẽ đỡ đần đôi chút cho mẹ và trông nom em nó sau này. "Tội nghiệp con tôi, vất vả từ trong trứng! Mẹ thương con lắm, cu Tý của mẹ có biết không?" Chị mỉm cười, nựng con trong ý nghĩ rồi ngủ thiếp đi.
    Sau mười ngày cật lực bán hàng, chị được trả số tiền kha khá. Hơn cả hai tháng lương! Cũng bõ công vất vả. Chị yên lòng nghĩ đến ngày sinh con, anh chị đã có chút của để dành phòng khi bất trắc. Cái đêm chị trở dạ, anh không hề hay biết. Cũng bởi thương chồng, muốn để anh yên giấc, chị lại cắn răng chịu những cơn đau quắn ruột, gần sáng mới gọi anh dậy, đưa chị vào bệnh viện.
    Trên chiếc xe đạp cọc cạch, chị cố nén những cơn đau chốc chốc lại cuộn lên. Cảm giác thôn thốn rất khó chịu nơi bụng dưới làm chị cứ oằn mình, bíu chặt lấy anh. Chị sợ ngã. Đến được bệnh viện rồi, chị thở ra nhẹ nhõm. Nhưng khám thai xong, bác sĩ bảo chị mới mở được ba phân, chắc còn lâu mới đẻ. Đến tận đêm rồi qua sáng hôm sau, chị vật lộn với những cơn đau xé ruột nhưng vẫn chưa sinh được.
    Thời gian trôi đi dài như vô tận. Sức chị yếu dần, bác sĩ quyết định đưa chị lên bàn mổ. Và chị đẻ con trai thật. Nhưng do uống kháng sinh nhiều sau ca phẫu thuật, chị mất sữa. Bệnh viện cấp phiếu cho chị mua năm lon sữa đặc Thống nhất có đường. Cho con uống hết chỗ sữa ấy rồi, anh chị đành nuôi bộ thằng cu bằng sữa bột. Thế là món tiền quý báu dành dụm được sau bao nhiêu vất vả, hết sạch trong một thời gian ngắn ...
    Dòng hồi ức của chị bị cắt ngang khi chiếc xe dừng lại trước một nhà hàng ven biển Sa Huỳnh. Đã gần giữa trưa. Chị bỗng thấy cồn cào vì đói.
    - Ở đây có nhiều món ăn từ hải sản rất tươi chị ạ.- Cậu Tâm, tài xế nói.
    - Ôi thế à? Tôi thích đồ biển lắm! - Chị vui vẻ đáp.
    Và họ bước xuống xe, nhanh nhảu tiến vào quán. Bàn ăn la liệt những cá hấp, mực chiên, nghêu nướng... nhưng chị thích nhất là món tôm bạc lột vỏ rim với mắm đường. Răng vẫn còn đau nên chị ăn rất chậm, thỉnh thoảng lại xoa má xuýt xoa. Anh nhìn chị với ánh mắt lo lắng rồi gắp cho chị một khúc cá thu trắng nuột. Thứ cá này thằng con lớn nhà chị rất mê. Bây giờ nó đã vào đại học. Học mãi tận Hà nội, làm gì có cá thu mà ăn! Ý nghĩ của chị lại quay trở về với hình ảnh đứa con trai đầu lòng mà chị rất đỗi yêu thương ...
    Hồi ấy mới sinh con hai tháng, chị đã phải đi làm. Đứa bé đem gởi cho nhà trẻ. Mùa đông năm ấy rét cắt da. Tã lót lại chẳng có nhiều. Có hôm đi đón con, chị thấy nó nằm trần truồng trên chiếu, lạnh cóng cả người. "Hết tã thay rồi!" - Cô nuôi trẻ bảo. Chị chảy nước mắt, thương con đứt ruột. Đi trẻ được hai tháng thì thằng bé gầy sọp người vì viêm họng, viêm phế quản. Anh chị lại phải dồn hết chút lương còm để mua thuốc cho con. Ba năm liền như thế, nhiều lúc chị tưởng nó không qua khỏi.
    Những lần ngắm con ngủ, chị quặn thắt cả ruột gan: "Thằng bé gầy gò, xanh xao quá. Mẹ có tội gì mà con phải khổ thế con ơi?" Chị tự dằn vặt mình, nước mắt rơi lã chã.
    Cũng may trong những ngày gian nan ấy, anh rất thương chị, thương con. Anh không ngần ngại giặt tã lót cho thằng bé, hay bế con cho chị làm việc nhà. Thằng bé tuy gầy còm nhưng khá tinh nhanh. Hai tháng rưỡi cu cậu đã toét miệng cười khanh khách khi anh chơi "ú òa" với nó. Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò như con người ta. Nó còn đặc biệt hiếu động, chòi đạp cả ngày và ít quấy khóc, trừ những lúc ốm đau.
    Trong khó khăn người ta dễ hiểu lòng nhau. Những ngày nghèo khổ ấy chị cảm thấy hạnh phúc được hy sinh cho chồng con. Anh cũng rất mực yêu thương chị. Họ quyết tâm tìm mọi cách để thoát khỏi đói nghèo, để các con sau này sẽ không phải cực khổ như cha mẹ chúng. Anh đạp xe đi các huyện ngoại thành trong những ngày nghỉ để kiếm thêm việc làm. Nắng buổi trưa cháy da, anh vẫn rong ruổi trên đường. Đêm đến, một tay anh ôm con, một tay vẽ các kiểu máy suốt lúa, máy cào cỏ để cho chị đi trông xe đạp, đi soát vé xem phim ở Hội trường Công đoàn. Mấy năm sau anh chị mới mua được một chiếc Yamaha cũ kỹ mà họ vẫn thường gọi đùa là "Già mà ham". Cũng đỡ được đôi phần vất vả. Nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
    Đứa con thứ hai ra đời, họ vẫn đầu tắt mặt tối mới kiếm đủ miếng ăn. Mãi đến thời mở cửa, anh chị mới có cơ hội để mở mày mở mặt. Anh nhận được nhiều đơn đặt hàng chế tạo máy, còn chị sắm được chiếc vi tính cũ bằng tiền về hưu non. Mượn bạn bè thêm mấy triệu bạc để mua thêm dàn máy photo copi, chị mạnh dạn thuê mặt bằng mở tiệm đánh văn bản. Công việc ngày càng nhiều, chị trả được số tiền vay, thuê thêm nhân công mới làm xuể.
    Với món tiền tích lũy được sau hai năm, họ tìm mua một khoảnh đất khá rộng ở tận ngoại thành, ven bờ biển. "Khi anh về hưu, mình sẽ xây một căn nhà nhỏ và sống thanh nhàn ở đó. Tiệm Photo này sẽ để lại cho các con ". Ước mơ của chị chỉ gói gọn như thế .
    ...................
  4. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Nào ngờ thời cuộc xoay vần. Anh chị bỗng giàu lên nhanh chóng: Vài năm sau, mảnh đất ma chê quỷ hờn ấy lại nằm trong bản đồ quy hoạch một khu du lịch lớn. Quanh đấy người ta ào ào xây nhà hàng, khách sạn phục vụ khách nước ngoài.
    Anh chị bán mảnh đất ấy cho một Việt kiều và nhượng lại căn hộ tập thể cho người quen. Họ mua được căn nhà ba tầng trên mặt tiền con phố lớn và mở thêm cửa hàng bán đồ điện lạnh. Làm ăn phát đạt, họ mua xe hơi, thuê lái xe, mướn thêm người làm. Anh bây giờ đã là giám đốc một công ty tư vấn kỹ thuật, thường xuyên giao dịch, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài. Họ đã là những ông bà chủ. Trong giấc mơ đổi đời cháy bỏng nhất, họ cũng không bao giờ dám mong ước được như ngày nay...
    Sau bữa cơm trưa họ tiếp tục lên đường. Anh hơi bối rối thấy chị đột nhiên trầm lặng. "Cô ấy mệt hay vì..." Anh nghĩ đến cô tiếp viên ở nhà hàng ban nãy. Một cô gái có khuôn mặt non choẹt nhưng khá dạn dĩ. Cô ta cười tít mắt, xoắn lấy anh mà mời bia Heineken, trong khi anh chỉ gọi nước suối. Chả lẽ ngồi cả ngày bên chị mà lại nồng nặc mùi bia! Anh lắc đầu từ chối. Cô ta vẫn cứ sán lại bên anh, ngọt ngào nài nỉ. Chị đã hơi sầm mặt. Cậu Tâm lái xe xua tay lia lịa. Cô gái đưa cặp mắt sắc như dao cau lườm Tâm, rồi ngoay ngoảy bỏ đi. Chị giục giã:
    - Ăn nhanh mà lên đường, không thì chẳng kịp dự hội hoa đâu!
    - Em xong rồi đây.
    Tâm rót mời chị một chén trà đặc sánh rồi đi ra mở cửa xe.
    Chị uống vội chén nước, thanh toán tiền ăn. Thấy thế, anh cũng đứng lên. Cô gái tiếp viên ném theo hai người một cái nhìn khinh khỉnh. Chị thở dài, nghĩ đến khúc ngoặt gập ghềnh trong cuộc đời của họ. Đoạn đời ấy cũng có dáng dấp một nữ tiếp viên, xinh đẹp gấp mấy bóng hồng ban nãy!
    Phải, ngày ấy họ đã giàu lên nhưng không còn hạnh phúc như xưa. Công việc lút đầu đã làm anh mệt mỏi, không còn thời gian quan tâm nhiều đến chị. Những lúc rời công sở, anh còn bận tiếp khách, nhậu nhẹt với đối tác đến tận khuya. Chị đợi anh hàng ngày, hàng tháng, hàng năm mà vẫn không có lúc nào anh dứt ra khỏi công việc và bạn bè để cùng chị đi chơi một chuyến. Lắm lúc chị muốn quên hết những tháng ngày bất tận, bù đầu vào kiếm tiền để trở về cái thời nghèo khổ, tuy phải chạy ăn từng bữa, nhưng mặn nồng bên nhau.
    Chị cằn nhằn, rên rẩm anh. Kết quả là anh càng đến bàn nhậu nhiều hơn trước với các "bạn hiền", bên những két bia lăn lóc và những cô tiếp thị, tiếp viên tươi như hoa, luôn rót vào tai anh những lời tâng bốc ngọt như đường phèn, khác hẳn với bà vợ dạo này đâm ra khó chịu, hay càu nhàu của anh.
    Các con họ hình như cũng biết mẹ cha lục đục. Chúng thấy cha say nhiều hơn và mẹ cũng khóc nhiều hơn. Hai đứa buồn rầu, học sút hẳn đi. Chị lo lắng quá. Thằng lớn năm nay thi đại học, con gái út thi vào lớp mười. Thế mà anh hầu như phó mặc chuyện dạy dỗ con cái cho chị, tối ngày "dzô, dzô!" ở những quán bia.
    Cái ngày chị tình cờ biết tin anh cặp bồ với một cô tiếp viên là một ngày khủng khiếp. Chị phải đóng cửa hàng, đi nằm viện cả tuần vì rối loạn nhịp tim. Các con chị thay phiên nhau vào bệnh viện săn sóc mẹ. Còn anh lúc ấy đang đi tham quan ở Tây Âu theo lời mời của một công ty ngoại quốc. Khi trở về, anh ngạc nhiên thấy chị gầy sọp đi và các con nhìn anh bằng ánh mắt ghẻ lạnh, tủi hờn.
    Nhưng anh đâu dễ chấp nhận để vợ con phán xét lầm lỗi của mình! Anh vùi lấp sự nghi ngờ của chị bằng những lời hoa mỹ. Trong thâm tâm, anh cũng thấy mình đáng khinh bỉ, nhưng cái tự ái đàn ông đã ngăn anh thú thật với vợ con. Và thế là anh càng trượt sâu vào mối quan hệ nguy hiểm ấy, ngụy biện rằng đó là cứu cánh để giải tỏa mình khỏi không khí nặng nề của gia đình.
    Hai đứa con lần lượt trượt cả đại học và lớp mười. Anh vẫn chưa tỉnh ngộ. Cho đến một ngày, bị một cái tát chí mạng của cuộc đời giáng xuống, anh mới hiểu ra rằng những người thân yêu nhất đời mình không ai khác hơn là vợ và các con anh...
    Ngày ấy đúng là anh đã mê một cô gái tiếp viên vừa rời ghế nhà trường. Cô ta có vẻ mặt con nhà lành, không hay cười cợt với khách hàng như những cô bạn đồng nghiệp khác. Chính cái nét nhu mì ấy làm anh mềm lòng, để ý đến cô. Sau nhiều lần ghé quán, anh đã trở thành thực khách rất thân quen. Trong một buổi dạo chơi, cô đã tâm sự với anh về gia cảnh của mình. Không hiểu cảnh nhà cô bi đát thế nào, nhưng anh đã hào hiệp hứa hẹn sẽ giúp đỡ cô thoát khỏi con đường đau khổ từ tiếp thị đến tiếp viên và từ tiếp viên đến tiếp khách - vốn là những chặng đường vẫn thường tiếp nối với nhau!
    Không thể cắt xén những món tiền công khai lâu nay vẫn đem về cho vợ, anh bèn tạo ra những tài khoản bí mật của riêng mình từ tiền tiếp khách, tiền công tác phí và cuối cùng là những khoản khai khống bất tận để bòn rút quỹ công. Khi cái quán bia ôm của cô gái có vẻ mặt hiền lành ấy khai trương thì số tiền anh thụt két đã lên đến gần nửa tỷ.
    Hành tung đáng ngờ của anh từ lâu đã được kế toán trưởng tiếp tay để nhận được phần công khá bẫm. Nhưng cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Tin đồn cơ quan sắp bị thanh tra khiến cả hai hoảng hốt. Đến bây giờ anh mới thấy bí, đến gặp người tình để vay nóng khoản lợi nhuận đáng kể từ khi mở quán.
    Nhưng cô gái có khuôn mặt khả ái đó đã từ chối thẳng: "Lời lãi chẳng có bao nhiêu. Anh muốn đòi em bán luôn quán hay sao? Chưa thấy ai keo bẩn như anh! Tặng bồ rồi muối mặt giả bộ đến vay... Còn lâu! Hứ!" Anh sững sờ, bấy giờ mới nhận ra bản chất lưu manh ẩn đằng sau khuôn mặt xinh đẹp. Anh tát vào cái mặt lâu nay vẫn cười cợt ngọt xớt với mình rồi bỏ đi.
    ...............
  5. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Chiều hôm đó về đến nhà, anh ngạc nhiên thấy mắt chị đỏ mọng, mặt sưng húp. Hỏi gì chị cũng làm thinh, không nói. "Đã thế thì mặc kệ! Đang bực bội đủ chuyện, còn giở trò gì nữa đây?"
    Anh bỏ vào cơ quan ở cả tuần, bàn tới bàn lui với kế toán trưởng cách hợp thức hóa chứng từ để che mắt thanh tra. Nhưng cậu ta lắc đầu: "Họ moi ngay ra thôi, anh ạ. Phải kiếm đâu đó mà bù vào két đã. Rồi tính sau!". Đang lo quắn ruột thì chiều thứ bảy anh nhận được điện thoại của chị:
    - Anh về nhà có việc gấp!
    - Việc gì? Đang bận đủ thứ chuyện đây. Không về được!
    - Anh chỉ về ký vào đơn ly dị, rồi sẽ được thoải mái mà lo công việc. Không ai làm phiền anh nữa đâu!
    Chị dập máy. Anh đành phải quay về. Không biết có chuyện gì mà căng thế? Vừa về đến nhà, nhìn quanh không thấy bọn trẻ, anh lên giọng phủ đầu:
    - Sao không để cho tôi được yên? Lúc nào cũng gây chuyện! Muốn li dỵ thì đưa đơn đây! Tôi ký ngay!
    - Anh đọc cái này đi đã!
    Chị đưa ra một tờ giấy. Tưởng đơn ly dị anh giằng lấy, toan xé đi, bỗng nhận ra đó là một lá thư! Vừa đọc dòng đầu tiên anh đã ngớ người ra... Thư của anh gởi cho Bích Hường! Anh nhớ cô ả quá chừng trong những ngày đi tham quan ngoại quốc. Lá thư tràn đầy lời lẽ âu yếm, nhắc nhở về những cuộc mây mưa lãng mạn giữa hai người...
    Mặt anh đỏ tía lên rồi lại tái mét đi. Cô Hường này quá đáng thật! Anh sực nhớ đến cái tát vào mặt cô ả. Chỉ một phút nóng giận anh đã phải nhận hậu quả này đây! Anh ấp úng :
    - Anh ... là thằng khốn nạn! Hãy nguyền rủa anh đi!...
    - Anh có nghĩ đến các con không? Anh không thương vợ thì cũng phải thương con chứ!
    Giọng chị nghẹn ngào. Nỗi đau làm tim chị quặn thắt. Anh ngồi trước mặt chị, đầu cúi gằm. Trước đây, khi chị căn vặn anh về những lời đồn đại, anh đã chối bay chối biến. Bây giờ thì mọi sự đã rõ ràng! Chị bỏ vào buồng, thổn thức khóc. Khi đọc xong lá thư này chị đã đôi lần nghĩ đến chuyện tự tử. Nhưng nhớ đến các con, chị lại cố dằn lòng chịu đựng. Nếu chị chết, chúng nó sẽ không gượng dậy nổi! Lâu nay cả hai đứa đều đã chuyên tâm vào việc học sau cú trượt ngã ở các kỳ thi... Còn chị - một người vợ bị bỏ quên, bị phản bội - đã cắn răng nuốt nỗi hờn ghen, dành mọi sự quan tâm cho con cái. Nhưng đêm đến, khi các con đang say ngủ sau những buổi học thêm vất vả, chị lại cảm thấy nỗi cô đơn đặc quánh vây lấy mình. Đêm nào chị cũng thức chờ anh rồi vật vã khóc lóc đến khuya...
    Quá nửa đêm anh vẫn không về! Để giết thì giờ, chị tần ngần giở cuốn an bum ... Những bức ảnh chụp hai vợ chồng thời hạnh phúc đang cười thật tươi làm chị thêm đau đớn. Trong cơn tuyệt vọng chị xé nát tất cả những bức ảnh, rồi tiếp đến là những lá thư khi họ còn yêu nhau thắm thiết. Lòng kiêu hãnh bị tổn thương đau đớn, chị muốn ly dị, muốn bỏ mặc người chồng phụ bạc trong nỗi ê chề, nhục nhã...
    Sau cơn uất hận chị chợt nhớ đến những tháng ngày cơ cực mà đầm ấm xưa kia. Anh đã yêu chị da diết đến mức nào! Chị có lỗi lầm gì mà anh lại thay lòng đổi dạ? Rồi chị hiểu mình đã quá vô tâm. Chị mải lo làm giàu, chẳng quản đầu tắt mặt tối để con cái sau này đỡ khổ. Nhưng ngay bây giờ, chúng đã quá khổ vì cha mẹ bất hòa. Anh ít quan tâm đến chị và con cái, còn chị thì chỉ biết khóc lóc, kêu than.
    Tại sao chị không tạo ra cảnh sum họp đầm ấm cùng chồng con với tiếng cười vui vẻ? Họ đâu có thiếu điều kiện để làm được như thế? Trái lại, chị thường xuyên đầu độc bầu không khí gia đình bằng những câu càu nhàu bất tận. Chính điều ấy đã đẩy anh xa chị... Chị không nhắc đến lá đơn li dỵ nữa. Chị tự hứa rằng sẽ tha thứ cho anh...
    Đang miên man trong những ý nghĩ buồn bã chị bỗng giật mình khi anh vỗ nhẹ vào tay chị:
    - Đến Phan Rang rồi. Mình dừng lại ăn chiều rồi chuẩn bị lên đèo em nhé?
    - Vâng, ăn đỡ chút gì rồi đi ngay anh ạ. Em lo không kịp dự Hội hoa đâu! - Chị vội vã đáp.
    - Phải đấy! Đi ngay mới kịp anh chị ạ.- Tâm vui vẻ đồng tình.
    - Đúng là :"Yêu hoa nên phải đánh đường tìm hoa!"
    Anh cười trêu vợ, cố làm cho chị vui. Nhưng rồi lại tự trách mình vì câu đùa đa nghĩa ấy. Chẳng biết chị có vận vào chuyện cũ của anh không? Từ trưa đến giờ chị cứ lơ đãng thế nào! Không được thoải mái như buổi sáng. Không biết tại đi đường mệt hay còn vì chuyện gì khác nữa? Gần đây, anh vẫn hay lo lắng mỗi khi thấy chị buồn rầu...
    Họ vội vã lên đường ngay sau khi ăn uống qua loa. Chiếc xe bắt đầu leo dốc. Nắng chiều tuy đã nhạt vẫn soi rõ những bụi cây dại ven đường. Phóng tầm mắt tìm hoa cúc quỳ, loài hoa dại thường mọc bạt ngàn trên sườn núi, chị chờ đợi được chiêm ngưỡng biển hoa vàng rực, đung đưa trong ngọn gió xuân.
    Nhưng vẫn chỉ có những hàng me trôi ngược hướng chiếc xe. " Phải lên gần thác Prenn mới có loài hoa ấy", anh nói khi thấy chị háo hức dõi mắt nhìn lên ngọn đồi trước mặt...
    Tâm trạng phấn khích dần trở lại với chị khi họ đến gần thành phố của ngàn hoa. Bây giờ chị đã thong thả hơn, có thời gian dành cho những chuyến đi. Chỉ còn phụ thuộc vào thì giờ rỗi của chồng. Chị đã sang lại cửa hàng điện lạnh cho một người quen. Lúc phải làm việc ấy chị thấy ruột mình đau như cắt. Bao nhiêu công lao gây dựng bỗng chốc trắng tay! Chị nhớ lại cái ngày phải chạy ngay cho ra nửa tỷ để trang trải nợ nần cho anh. Nếu không thì... chắc anh phải vào tù!
    Việc ấy xảy ra ngay sau khi chị biết chuyện anh thay lòng đổi dạ! Còn gì đau hơn nữa đối với một người vợ khi phải trả hộ cho chồng món tiền anh đã phung phí với tình nhân! Nhưng chị có thể làm gì khác được? Chị vẫn cứ thương anh cho dù anh đã phản bội mình!
    Chị không sao quên được những ngày đã từng chia ngọt sẻ bùi với anh cho dù đã xé, đã đốt tất cả những bức ảnh, những lá thư chứa chan kỷ niệm. Giá như xóa được những năm tháng ấy trong tim, trong óc chị?! Muốn như vậy chỉ còn cách tự hủy hoại mình! Chết đi thì dễ, nhưng còn các con? Chị không thể giải thoát cho riêng mình. Tình mẫu tử là sợi dây thiêng liêng đã neo chị ở lại chốn trần gian...
    ...............
  6. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Trước khi đoàn thanh tra đến, anh cuống quýt tìm tới tất cả người quen để hỏi mượn tiền. Những người "bạn hiền" đã từng thức thâu đêm cùng anh quanh bàn nhậu bỗng chốc trở nên rất "hoàn cảnh", không thể giúp được gì! Họ đã tìm mọi cớ để từ chối. Thậm chí còn dặn con cái bảo là mình đi vắng, nếu có ai xưng tên như thế gọi điện tới nhà.
    Bên cạnh anh chẳng còn một đồng minh nào! Kể cả cậu Phó giám đốc thường ngày vẫn xoa tay vâng dạ rất ngọt ngào. Anh hậm hực nhớ lại ánh mắt hả hê, sắc như dao của cậu ta lia vào mình lần gặp gần đây nhất!
    Chỉ có một người cứu được anh thì anh đã phản bội rồi! Anh rộc người đi, mắt trũng sâu. Cuối cùng, ê chề và khổ não, anh hỏi kế toán trưởng xem còn cách nào gỡ gạc được chăng? Anh hỏi thế nhưng lòng không hy vọng. "Chắc mình không thoát khỏi vụ này..." Nhưng thật ngạc nhiên, kế toán trưởng cho anh biết mọi việc đều ổn cả!
    - Cậu đã cứu đời anh! Anh sẽ tìm cách hoàn lại cho cậu. -Anh cảm kích thốt lên. - Nhưng... cậu đào đâu ra nửa tỷ để hoàn quỹ ?
    - Em đâu có làm được gì. Chị đã giúp anh số tiền ấy đấy!
    - Chị nào? - Anh giật thót người.
    - Vợ anh chứ còn ai! Chị ấy đã biết cả...
    - Cậu kể hết cho bà ấy nghe rồi chứ gì? Ai bảo cậu làm thế hả?
    Mặt anh đanh lại. Cậu ta vội vã thanh minh :
    - Dạ không! Chính chị gọi em đến hỏi có chuyện gì mà dạo này anh lo lắng thế? Em còn giấu quanh thì chị bảo: "Nghe đồn thanh tra sắp về. Hay là ... Có chuyện gì khuất tất thì nói thật, chị sẽ giúp cho".
    - Trời ơi! Sao cậu chẳng nói gì với tôi cả?
    - Chị dặn em đừng cho anh biết. Chị ngại anh không bằng lòng. Nhưng sự thể đã thế này... - Kế toán trưởng khẽ khàng thưa, sợ anh phật ý.
    - Thôi, được rồi. Cậu lo chuẩn bị đón thanh tra đi!
    Kế toán trưởng vội vã đi ra. Anh ngồi đờ đẫn, thương vợ con và ân hận đến rã rời. Tại sao anh có thể làm khổ chị đến mức ấy? Vợ anh - người đàn bà suốt đời tận tụy, cả khi đau đẻ cũng không muốn làm kinh động giấc ngủ của chồng! Vậy mà anh đã trả lại cho chị toàn những đớn đau, thất vọng...
    Anh lao về nhà, quyết tâm ngăn cản chị. Không! Anh không muốn chị phải cưu mang mình. Hãy để anh đi tù! May ra như thế anh mới chuộc lại được lỗi lầm với chị và các con!
    Vừa về đến nhà, anh đã ngớ người. Cửa hàng điện lạnh toàn người lạ đứng bán. Thế là ván đã đóng thuyền! Còn làm gì được nữa? Chị đón anh ở cửa phòng, an ủi chồng:
    - Em cho họ thuê luôn cả mặt bằng. Từ nay mình sẽ nhàn nhã hơn. Chỉ còn phải trông nom tiệm Photo. Anh đừng lo lắng gì nữa nhé!
    - Anh có tội với em, với các con...
    Khóe mắt anh cay sè. Không nén được nữa, anh bật khóc. Chị cầm lấy tay chồng:
    - Cả em cũng có lỗi mà... Thôi, đừng tự dằn vặt nữa anh ạ!
    - Hãy tha thứ cho anh! Hãy tha thứ...- Anh thổn thức mãi.
    Chị gục đầu xuống vai anh, nước mắt chị cũng trào ra, không sao ngăn lại được.
    Từ ngày ấy, họ dường như thông cảm với nhau hơn qua quãng đời biến động. Sau cơn hoạn nạn, anh hiểu rằng không ai thương mình bằng vợ và các con. Nhờ đức hy sinh của chị, gia đình anh đã vượt qua khúc ngoặt hiểm nghèo...
    Trời gần tối. Thác Prenn hiện ra trước mắt họ như một dải lụa buông xuống lưng chừng núi. Trong ánh hoàng hôn, từng vạt hoa cúc quỳ vàng rực đua nhau nở khắp sườn đồi. Chị reo lên:
    - Ôi, anh nhìn kìa. Đẹp quá!
    - Lên trên kia còn nhiều hơn em ạ. - Anh vui vẻ tiếp lời.
    Rừng thông cao vút trải dài theo con đường dẫn về Đà Lạt. Càng đến gần Thành phố, chị càng háo hức. Bao nhiêu hồi ức vui buồn trong một ngày đường vất vả đã lắng dịu đi. Lòng chị rộn lên khi thấy ngay trên lối vào, biểu tượng của Thành phố được tạo hình bằng những giỏ hoa tươi thắm.
    Chị muốn đến ngay Khu Hội chợ! Họ dừng lại trên một bãi cỏ rộng, nơi hàng chục chiếc xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy với đủ loài hoa đang chờ sẵn. Đà Lạt hào phóng tặng cho du khách một Hội hoa xuân tưng bừng màu sắc. Các chú ngựa bụng thon, ức nở kéo theo mình những vườn hoa di động rung rinh. Mọi người trầm trồ kinh ngạc khi một đoàn thiếu nữ xinh tuơi xuất hiện với những chiếc quang gánh phủ đầy hoa hồng, hoa huệ. Tiếp đến là những người con gái huyền bí của núi rừng Tây Nguyên, cổ đeo những tràng hoa cúc lướt qua. Cuối cùng là đoàn nữ sinh trong tà áo dài trắng muốt, làm nền cho những bó hoa đỏ, hồng, vàng, tím ... nổi bật lên trong những đôi tay trinh nữ.
    Bữa tiệc hoa này làm no nê thị giác du khách yêu mến thiên nhiên. Họ ngây ngất, ngỡ ngàng trước sự phong phú sắc màu mà đất trời đã ban tặng cho cao nguyên Đà Lạt.
    Ngày hôm sau, anh đưa chị vào khu triển lãm trên bờ hồ Xuân Hương. Lần đầu tiên chị được chiêm ngưỡng nhiều loại lan quý hiếm và bao loài hoa chưa biết tên khác. Suốt ngày hôm đó chị vui tươi và nhanh nhẹn như một thiếu nữ đương xuân. Họ đi thăm dinh Bảo Đại, Trúc Lâm thiền viện và Thung lũng Tình yêu.
    Trong ánh hoàng hôn bảng lảng, mặt hồ miên man sương khói. Đưa mắt nhìn quanh thấy vắng người, anh kéo vợ lại gần, nhẹ nhàng đặt lên môi chị một chiếc hôn. Giữa không gian tĩnh lặng của buổi chiều mộng mơ Đà Lạt, chị nhắm mắt, ngả đầu tựa vào vai anh. Như thời họ còn son trẻ...
    P.T.T.L.
  7. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    THỢ ?oCẮTÓC?
    Phan Thị Thu Loan
    Nắng hè chiếu gắt. Da đầu tôi ngứa ran. Tóc mai dài rợp cổ. Tôi liếc nhanh vào gương chiếu hậu. Mình sắp hóa khỉ rồi. Chỉ dăm tháng thất tình mà đã tàn tạ thế!
    Ngẩng đầu lên, chiếc biển ?oCắtóc? đỏ chóe với mỗi một chữ T đập ngay vào mắt. Cắt tóc hay cắt óc đây? Viết cái bảng hiệu còn chưa xong, làm ăn nỗi gì! Nghĩ vậy nhưng đột nhiên tôi phanh xe, dừng lại. Vì tò mò hay chán chường mà tôi chọn hiệu cắt tóc nhàu nhĩ, tồi tàn này? Cũng chẳng biết nữa.
    Trông thấy con xe @ tổ bố dừng trước cửa, chủ hiệu ngoảnh ra nhìn, cái mặt non choẹt nghệt như ngỗng đực. Có lẽ lần đầu thằng oắt có khách sộp như tôi. Nó nhúc nhắc bước ra. Trời đất! Còn xi cà que nữa mới chán chứ! Tôi xoay người định bỏ đi, bỗng bắt gặp trong gương một đôi mắt thất vọng não nề.
    Tôi chùng cả người, ngồi phịch xuống cái ghế dựa duy nhất trong hiệu.
    Năm tháng trước bị nàng cho rớt đài, tôi cũng có cái nhìn tuyệt vọng như thế. Nhưng nàng chẳng chùng người, ngồi phịch vào lòng tôi sau những dỗi hờn như xưa. Nàng bỏ đi thẳng, không hề ngoái đầu lại. Tôi lang thang khắp các vũ trường, khách sạn. Để cho nàng một nhát dao hay chí ít cũng là vài cái tát. Nhưng tôi lại nghiến răng, tay nắm chặt con dao nhọn sắc đút trong túi quần, lặng lẽ nhìn nàng ghì siết tên trọc phú đáng chết kia trong điệu slow lơi lả.
    Rồi hắn cùng nàng bước ra cửa. Chiếc Limouse đời mới lướt đi, mang theo tình yêu cùng nỗi căm hận của tôi. Rút tay khỏi túi, tôi tá hỏa thấy máu chảy đầm đìa trong lòng tay, nhỏ giọt xuống sàn đá lạnh.
    Thằng nhóc hỏi tôi thích kiểu gì? Đầu đinh hay mái tỉa? Tôi nhướng mắt, cụt lủn: ?oTùy!?. Liếc nhanh vào mặt tôi, nó thoăn thoắt tay lược tay kéo. Chán nản, tôi nhắm nghiền mắt. Mặc nó làm gì thì làm. Đến cả trả thù tôi còn không thiết, huống hồ tóc với tai! Cắt hỏng thì cạo trọc luôn. Càng sành điệu.
    Tôi lơ mơ buồn ngủ. Thằng oắt chẳng nói năng gì. Khi nó rút chiếc khăn choàng quanh cổ ra, tôi mới chợt tỉnh. Ngơ ngác nhìn. Trong gương, một khuôn mặt bô trai nhìn lại tôi, mái tóc xõa tự nhiên rất đẹp mắt.
    Thằng quỷ con này có khiếu đấy. Hạ cố nhìn vào mặt nó, tôi rút tờ trăm nghìn ra, bảo. ?oCho mày cả!?. Tôi đứng dậy, bước ra cửa. Vẫn chưa hết ngạc nhiên.
    Vừa trèo lên cái @ ?ogiống hệt con lợn ỉ của dân nhà quê? như nàng từng chê, tôi giật mình vì bị thằng nhóc níu lấy áo. Nó giơ ra nắm tiền lẻ: ?oAnh cầm lấy đi. Hết mười lăm nghìn thôi?. Tôi xua tay: ?oĐã bảo cho mày cả. Điếc à? Mày cắt được đấy!?. Thằng dở hơi nhét tiền vào túi tôi, khăng khăng: ?oEm không lấy đâu. Lần sau anh quay lại nhớ!?. Tôi bực mình, gắt: ?oDẹp! Sĩ diện!? rồi rồ ga phóng thẳng.
    Đã định không quay lại, nhưng khi tóc đã dài, tôi vẫn đến cửa hiệu tồi tàn ấy.
    Thằng nhóc đón tôi với ánh mắt thân thiện nhưng vẫn kiệm lời. Cắt tóc xong, tôi gắt gỏng: ?o Thụt mất lưỡi rồi à? Sao không í ới gì thế!?. Nó mỉm cười hồn hậu. ?oEm biết anh không nhận ra em??. Tôi tròn mắt. ?oCái gì? Tao mà quen với mày á??. ?oVâng. Anh với em cùng xã. Em là Tân què bán vé số ở làng Đông. Anh nhớ ra chưa??.
    Trong trí tôi hiện lên thằng Tân què với đôi chân bị liệt. Nó lết bằng tay với mông từ làng ra tận ga tàu bán vé số. Mỗi lần gặp Tân dọc đường, tôi đá đít nó một phát rõ đau rồi mới chịu mua hộ cho tấm vé. Nó cười nhăn nhở, còn rối rít cám ơn. Không thèm giận tôi vì trò đùa quái ác. Rồi một dạo không thấy Tân ra ga. Cũng không gặp nó ở làng. Không ngờ nó cũng bỏ lên phố làm ăn cơ đấy. Tôi nhìn thằng nhóc. Nhận ra nét quen thuộc của Tân. Tôi gặng hỏi:
    - Sao mày khỏi liệt chân, lại đi được như có phép thần vậy? - Nó nhìn tôi, cười khì :
    - Em phải mổ đến năm lần mới được thế này đấy chứ.
    - Mày nhiều tiền thế cơ à?
    - Anh biết em làm gì có tiền. Em được Làng trẻ em ở đây nhận nuôi và chữa cho đấy.
    - Tài thật. Thế làm sao mày biết mà xin vào đấy được? - Nó lại cười, nhe hai hàm răng trắng ởn:
    - Anh muốn nghe thì lần sau em kể cho. Bây giờ em phải đi dạy nghề cho bọn trẻ trong Làng.
    Ái chà. Thằng oắt này oai đấy. Lại còn có đứa tôn nó làm thầy?! Tự dưng thấy mình kém thớ. Nó hơn tôi ở chỗ có việc làm. Tuy không cao sang, nhưng cũng đủ kiếm miếng ăn. Tôi sẵn tiền nhưng chẳng có nghề ngỗng gì. Miệng ăn núi lở. Mẹ tôi bảo thế. Mà nào có ăn không! Còn bao gái, chơi bời nữa chứ. Trắng tay ngày nào chưa biết? Tôi tự ái, gắt gỏng:
    - Không kể thì thôi. Đếch cần!
    - Nhưng chuyện của em có liên quan đến anh đấy.
    Nó dắt chiếc xe cà tàng ra, điềm nhiên leo lên đạp đi. Bỏ lại tôi đứng như trời trồng trước cửa.
    Điên cả người. Nhưng tôi không đợi tóc mọc dài, sáng hôm sau đã thò mặt vào cái hiệu khốn khổ đó.
    Tân mời tôi ngồi xuống ghế, rồi không đợi hỏi, nó kể về những ngày đã qua bằng cái giọng đều đều, nhỏ nhẹ. Giọng nói của một đứa trẻ sớm ưu tư như người lớn. Bố mẹ Tân chết đã lâu, chỉ còn bà ngoại loà mắt ở cùng hai anh em. Nó bị liệt từ khi lên tám. Tàn tật thế mà vẫn kiếm được tiền nuôi bà và em. Dĩ nhiên là trầy trật, bữa đói bữa no. Không như tôi. Lớn xác hơn nó gần chục tuổi mà chỉ biết lông bông giữa chợ đời.
    Sực nhớ đến cái ngày đầy biến cố cách đây dăm năm.
    Hôm đó tôi ngồi nhậu cùng lũ bạn ở gần ga. Đang nẫu người vì cái tin trượt đại học. Tôi nốc bia liên miên. Lòng mờ mịt. Tương lai bỗng dưng khép chặt trước mắt. Thằng bạn thân nhất thi đậu, vui vẻ nói cười. Tự nhiên thấy ghét nó, tôi vằn mắt gây sự. ?oHừ. Học tài thi phận. Giỏi giang gì mà hí hố??. Nó ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi quay mặt đi, ra chiều không thèm chấp. Tôi thấy mất mặt càng tức tối, chửi đổng thêm mấy câu.
    Cuộc thù tạc suýt nữa thành ẩu đả. Thằng thứ ba làm trọng tài mãi không xong, bèn đánh lạc hướng chúng tôi bằng cách thình lình rút trong túi ra mấy tấm vé số. Nó tặng cho chúng tôi mỗi đứa một vé rồi vội vã trả tiền bia, lủi thẳng.
    Tôi và thằng bạn thân ngồi đực ra. Ngượng ngập không muốn nhìn nhau. Vừa định đứng lên thì một bà già bán vé số tiến lại, cất giọng mời chào. Thằng bạn phe phẩy tấm vé lấy cớ đuổi bà lão đi. Tôi nhìn tờ vé số của mình thấy đã quá giờ so kết quả, bèn vẫy bà đứng lại. Bà lão lập cập mãi mới moi được tập foto nhàu nhò từ trong bị cói ra, đưa cho tôi. ?oChú sáng mắt, dò giùm cho bà với.?. Mù dở còn đi bán vé số! Tôi lầu bầu không thành tiếng. Tay lơ đãng giở từng tờ giấy chi chít những con số.
    Tôi bỗng run lẩy bẩy. Mắt hoa lên. Dãy số mờ hẳn đi. Tôi lóng ngóng chìa tập giấy cho thằng bạn. Nó nhìn ngơ ngác rồi cắm mắt vào tờ vé số của mình. ?oTrúng rồi. Trúng to rồi!?. Nó vỗ bàn, ré lên. Bà lão ghếch tai nghe, mặt sáng rỡ: ?oHả? Chú trúng số rồi à? Bao nhiêu vậy??. Tôi lấy lại bình tĩnh, lừ mắt nhìn thằng kia. Nhanh tay, nó móc trong túi ra mấy chục nghìn, đưa cho bà, rồi kéo tay tôi định vù.
    Xung quanh chúng tôi một đám khách nhậu xe ôm đã kịp xúm lại. ?oĐi đâu vội vã thế các chú em?? Một tay nom dáng anh chị lên tiếng. ?oTrúng bao nhiêu thì công bố lên cho tụi này chia vui với chứ!?. Lơ ngơ chưa kịp nói năng gì thì chúng tôi đã bị vây quanh. Thằng to con nhất bọn tóm tay hai đứa tôi nhìn kỹ từng dãy số. Cuối cùng hắn hét toáng lên: ?oSướng quá! Hai thằng cùng sê ri. Cộng lại tròn một tỷ!?. Nơm nớp sợ bị giật bay tấm vé, tôi giằng tay ra, đút ngay vào túi quần. Vòng tròn người càng siết chặt lại. Thằng bạn tôi mặt cắt không còn hột máu.
    ................
  8. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Tình thế đang nguy nan thì bà già chợt ré lên: ?oMấy chú xê ra! Mất hết vé số của tôi rồi!?. Bà bị kẹt giữa đám đông. Cái bị vé số rơi xuống đất.
    Tiếng hét thất thanh của bà khiến bọn rỗi hơi kia ngẩn ra vài giây. Nhanh như cắt, tôi nắm tay thằng bạn, phá vòng vây, chạy ào ra chiếc xe tắc xi đậu gần đó, đập cửa rầm rầm. Tay tài xế đang lim dim ngủ choàng tỉnh, nhấn nút điện. Chúng tôi giật cửa xe ra chui vội vào. Vừa lúc bọn nọ cũng lầm lì tiến đến. Tôi cuống quýt giục tài xế chạy cho nhanh. Hơi ngơ ngác nhưng cuối cùng anh ta cũng nổ máy phóng đi. Ngoái đầu lại, tôi thấy bà già đang vật vã, vừa khóc vừa lượm đám vé số tung toé vương vãi.
    Có được món tiền lớn bất ngờ, tôi trải qua những ngày dở cười, dở khóc. Cái thằng tặng chúng tôi hai chiếc vé số bị sang chấn thần kinh, phải đi nằm viện. Còn tôi bị cả người thân lẫn người quen săn đuổi, đòi chia tiền, đòi chiêu đãi. Mẹ tôi không chịu nổi áp lực đó, bảo tôi chuyển ra thành phố học nghề. Rồi mở cửa hiệu mà lập thân. Tôi lặng lẽ rời quê vào một đêm tối trời. Y như một tên ăn trộm.
    Sẵn có tiền, tôi thuê nhà tầng, sắm con @, tập tành ăn chơi. Không thiết gì đến việc học nghề hay mở hiệu. Mỗi lần về quê, lại nói dối mẹ sắp học xong khóa chuyên gia vi tính. Mới vài năm, tôi đã xài gần hết số tiền kếch xù. Giờ túi sắp cạn, tôi không hào phóng được như trước. Những người tình một thời nồng nàn, dần trở nên băng giá. Nàng là người đàn bà cuối cùng trôi qua đời tôi.
    Thật không ngờ ngày tôi gặp hên, có được trong tay năm trăm triệu thì thằng Tân lâm vào cảnh khốn cùng. Em nó bị u cuống phổi, phải đi cấp cứu. Mải lo cho em, nó không đi bán vé số được. ?oNếu có đủ tiền để mổ thì em gái em không chết??. Nó nghẹn giọng. Hai con mắt đỏ hoe. Tôi chẳng biết nói gì. Chỉ trân trân nhìn nó.
    Năm tôi chen chân ra thành phố thì thằng Tân cũng rời khỏi quê. Nó được Làng trẻ em mồ côi nhận nuôi, dạy nghề và chữa trị. Trải qua nhiều cuộc xét nghiệm rồi mổ xẻ hết sức đớn đau, nhưng viễn cảnh được bước đi bằng đôi chân của chính mình khiến nó chịu đựng được tất thảy. Nghe nó kể tôi thấy đời mình thật may mắn. Điều tôi dễ dàng có được đối với nó lại quá nhọc nhằn. Tôi đang đi bằng đôi chân lành lặn nhưng chúng sẽ dẫn tôi về đâu? Cuộc chung đụng đêm qua với một nam ca sĩ chợt nhoáng lên trong óc. Tôi cứng người xấu hổ. Hận đàn bà, tôi đã rơi vào vòng xoáy của những cuộc tình đồng giới. Tôi đang chìm xuống tận đáy sâu của bệnh hoạn, đớn hèn.
    Chợt nhớ lại lời Tân, tôi băn khoăn hỏi:
    - Chuyện của mày có liên quan gì đến tao đâu?
    - Có chứ. Bà ngoại em bị cướp cả mớ vé số ở ngoài quán khi giúp anh dò kết quả...
    - Hả?! Bà mày đấy à?
    Tôi sững người. Nhớ lại cảnh bà lão vật vã lượm lại mớ vé số. Ai đó đã cố tình giật rơi cái bị của bà.
    - Mất có nhiều không?
    - Mất gần trăm vé.
    - Là? gần năm trăm nghìn? - Tôi nghe giọng mình hơi khản.
    - Vâng. Số tiền đó là cả gia tài ?đối với nhà em.
    Tôi đằng hắng, trách nó.
    - Sao mày không tới nói với tao?
    - Bà giấu không cho em biết. Khi đó em đang ở bệnh viện ?
    - Rồi sau? làm thế nào?
    Nó ngồi im. Tôi sốt ruột:
    - Lại thụt lưỡi rồi hả?
    - Anh im đi!
    Mắt Tân nhìn tôi toé lửa. Ơ hay. Thằng oắt này cục tính thật kìa. Nó cố dằn cơn tức giận một hồi lâu. Rồi bật khóc:
    - Bà em? uất quá. Lại sợ em phải đền nên?
    Tôi không gặng hỏi. Chợt nhớ ra một việc đau lòng.
    Tối hôm sau ngày trúng số, mẹ bảo có một bà cụ già đến tìm tôi. Nhìn qua cửa sổ tầng hai, tôi nhận ra bà lão hôm qua đứng đợi trước cổng. Tôi bực mình gắt gỏng: ?oLại đến vòi vĩnh thêm chứ gì? Mẹ ra bảo con không có ở nhà!?.
    Bà cụ nghe mẹ tôi nói xong, gục đầu xuống một thoáng rồi chậm rãi bước đi. Lưng bà dường như còng hơn hôm qua. Tôi chẳng quan tâm. Bà ấy chỉ cho tôi dò kết quả chứ có bán tấm vé đó đâu mà chực đòi công! Hôm qua đã kiếm được mấy chục rồi còn gì?
    Tôi ngồi thừ ra. Tân vơ góc khăn choàng quệt nước mắt:
    - Bà em nhờ người viết thư nói rõ chuyện mất vé số? rồi bỏ làng đi ? Đến giờ vẫn không biết sống chết thế nào!
    - Trời ơi! Giá mà?
    Nếu chỉ có một mình, tôi đã tự vả vào mặt cả chục cái. Nhưng tôi vội quay đi. Không dám nhìn Tân. Lòng hy vọng bà cụ không kể hết mọi việc?
    Tôi tìm người bán con @, lấy cái Dream Thái. Số tiền còn lại tôi cất kỹ. Đợi ngày Tân về quê tảo mộ, tôi mới tìm gặp chủ nhà điều đình. Rồi kêu người đến, khiêng hết đồ đạc trong hiệu ra ngoài. Sơn sửa lại toàn bộ nội thất. Thay ghế dựa, tủ đồ nghề bằng những món mới toanh. Dẹp luôn cái biển hiệu ?oCắtóc?. Rồi thuê kẻ một hàng chữ nhũ vàng: ?oMinh Tân Đệ nhất kéo?!
    Cửa hiệu tồi tàn như nàng Lọ Lem thoắt cái biến thành công chúa. Với tay nghề của Tân, thế nào chả đông khách.
    Tân trở về, mặt lại đực ra như ngỗng. Nó hỏi dồn:
    - Sao anh làm thế?
    - Giúp nhau tí chút, có gì đâu.
    Nó cảm động nhìn tôi:
    - Rồi em sẽ trả lại vốn cho anh.
    - Vớ vẩn!
    Tôi cưỡi lên ?oGiấc mơ?, phóng thẳng đến trung tâm dạy vi tính. Khoá học đến ngày khai giảng rồi. Nhất định phải trở thành kỹ thuật viên tin học như đã hứa với mẹ tôi nhiều năm trước.
    P.T.T.L.

    Được pathros sửa chữa / chuyển vào 18:20 ngày 10/01/2007
  9. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    DÃ TRÀNG XE CÁT
    Phan Thị Thu Loan
    Dã tràng xe cát biển Đông
    Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì
    (Ca dao)
    Bây giờ thì hắn nằm đây, trong căn phòng nhỏ tại khách sạn Rừng Đêm và đang muốn chết. Hắn nghĩ đến người vợ hai tàn nhẫn đã đưa hắn đến nông nỗi này sau bao nhiêu yêu chiều hắn dành cho ả. Cơn say đêm nay đã rũ sạch vẻ chịu chơi thường ngày khỏi bộ mặt lì lợm của hắn. Không! Ở đây thì hắn không cần phải đóng kịch với ai nữa. Hắn có thể nghiến răng, đấm ngực, bứt tóc và khóc rống lên. Hơn năm tỷ bạc nợ nần chẳng thể khiến hắn lâm vào tình trạng tuyệt vọng này ngoại trừ thói tệ bạc của ả. Giờ đây thì hắn hiểu mình còn say mê ả bao nhiêu! Gặp nhau trong vũ trường của vợ chồng hắn, ngày ấy ả chỉ là một vũ nữ đang tìm việc, còn hắn đã nếm thử nhiều trái cấm trứ danh trong số gái nhảy của vũ trường này trước khi cưới vợ, đúng ra là trước khi được vợ cưới.

    Vợ hắn, một người đàn bà có học thức hẳn hoi, nhưng ghen thì khủng khiếp. Hắn chịu đựng bà vợ sư tử vì gia tài kếch xù của mụ, bụng bảo dạ trước sau cũng chuồn nếu vớ được khoản nào đó thật bẫm. Hắn muốn tự mình lập nghiệp, không muốn nấp dưới cái bóng quá rậm rạp trong làng kinh doanh giải trí của mụ vợ. Lúc đó hắn tha hồ lựa chọn em nào bắt mắt nhất trong đám **** của mình, khỏi sợ ai trả hận.
    Đúng ra thì hắn phải chịu ơn vợ rất nhiều vì đã vớt hắn lên từ dưới đáy bần cùng, khi hắn còn là một phụ hồ đẹp trai nhưng đói rách. Ngày ấy, hắn đã được chủ nhân căn nhà lộng lẫy tại mặt tiền con phố lớn là vợ hắn bây giờ để ý đến bởi vóc dáng vâm váp và khuôn mặt điển trai cùng nước da nâu rám rất đàn ông. Bà đâm ra phải lòng anh chàng phụ hồ trẻ tuổi mới từ miệt vườn lên, đến nỗi sau khi căn nhà được xây xong, đã bí mật thưởng riêng anh ta một khoản tiền lớn khiến anh chàng mụ mẫm cả người, sẵn sàng phục vụ bà suốt một đêm dài. Mặc dù bà ta già hơn hắn có đến cả chục tuổi.
    Vết trượt đầu đời của hắn là như thế. Hắn không phải làm phụ hồ nữa mà đường hoàng trú ngụ tại một căn phòng tươm tất bà chủ đã thuê bao, được bà sắm cho nhiều áo quần khá mốt và sướng nhất là trong túi hắn đã rủng rỉnh tiền. Có tiền rồi hắn đâm đổ đốn, bắt đầu nhòm ngó những bóng hồng xinh đẹp, tươi mơn mởn, không tàn úa sớm như bà chủ giàu có mà vô độ. Với linh cảm đặc biệt của người đàn bà giàu kinh nghiệm tình trường, bà ta biết hắn đã không chung tình với mình qua cái vẻ uể oải cố giấu mỗi lần được bà gọi đến. Bà căm tức soi mói và ngấu nghiến hắn suốt đêm, làm cho hắn hầu như không còn sức lực để ham muốn thêm ai khác nữa. Hắn cảm nhận được nỗi nhục nhã của một người tự bán mình và trong lòng hắn mơ hồ trồi lên ý định phản kháng.
    Một buổi sáng nọ, hắn tuyên bố mình phải về quê, không muốn sống dựa vào người khác. Hoảng hốt bà bảo hắn rằng, hắn có thể là ông chủ, không phải sống dựa vào ai. Hắn sẽ cùng bà sở hữu căn nhà tráng lệ này cùng một vũ trường sang trọng bậc nhất đô thành nếu như bà cưới hắn. Đừng tưởng là bà điên rồ. Không, bà đã tính kỹ lắm! Hắn còn trẻ, lại khỏe, vẫn được đám công nhân gọi đểu là "Linh đồ sộ!". Hắn hoàn toàn thỏa mãn được bà, một người đàn bà có học, đã từng lăn lóc khắp chốn ăn chơi nhưng vẫn chưa gặp ai vừa ý. "Cứ cho hắn cảm giác làm ông chủ, hắn sẽ biết ơn mình, sẽ phục vụ hết lòng, mình cũng có cơ để quản chặt hắn hơn, nếu sau này không cần đến nữa, thì ly dị! Bồi thường chút ít thấm vào đâu..."
    Từng học nghề kinh doanh giải trí ở một nước phương Tây, bà khâm phục những ngôi sao màn bạc thay chồng như thay áo."Chính bởi họ có tiền, nên họ thực sự được tự do". Bà nghĩ thế và đã bao năm nay bà thể hiện phương châm sống này, nó đã đem lại cho bà bao nhiêu là lạc thú.
    Hắn cũng như những người đàn ông trước đó đã rơi vào cạm bẫy tình và tiền của bà. Hắn sướng rơn nghĩ đến viễn cảnh được sở hữu cả một nửa căn nhà và vũ trường danh tiếng. Dễ gì một bước thành ông chủ! Mà đổi lại hắn nào có mất gì, chỉ phải chịu khó chiều lòng bà một tý. Bù lại hắn có thể bờm xơm ở nơi khác, với ai mà hắn muốn. "Có tiền thì mua tiên cũng được". Hắn hí hửng nghĩ thế. Nhưng hắn đã bé cái lầm.
    Máu Hoạn Thư của bà làm hắn thất kinh. Từ ngày cái đám cưới xa hoa bậc nhất Sài Thành diễn ra, hắn được thoải mái tiêu tiền, chỉ riêng cái khoản léng phéng kia thì bà cấm tiệt! Luôn luôn có các đệ tử của bà theo dõi hắn và hắn hiểu rằng mình sẽ thành món giò sống nếu có ý định lừa bà. Với cái đầu tuy ngờ nghệch, hắn cũng hiểu ra rằng mình đã sai lầm, chỉ còn nước chờ đợi đến khi bà chán hắn và thả cho hắn được tự do với một món tiền lớn đã được thỏa thuận trước.
    Đúng vào lúc hắn đang sa lầy trong tấm mạng của mụ vợ- nhện cái -giăng ra thì Vân xuất hiện tại vũ trường của vợ chồng hắn. Vân đẹp kiêu sa. Dáng nàng uốn lượn nhẹ nhàng trong các vũ điệu cổ điển khiến khách chơi mê đắm. Còn hắn thật sự bị hút hồn. Như đám ruộng lâu ngày nắng hạn, hắn mơ một cơn mưa tình ái thật lòng, mà Vân là đám mây trĩu nặng trên đời hắn. Hắn đâm ra lãng mạn đột xuất, thói phù du đã học được từ cuộc sống vũ trường. Hắn hào hứng khoác những vòng hoa cam có giá cả trăm ngàn đồng vào cổ Vân sau mỗi vũ điệu xuất thần. Ấy cũng là nghĩa vụ hàng đêm của hắn đối với mọi vũ nữ để khuyến mãi và câu khách nhưng riêng với Vân hắn gởi gắm bao nhiêu cảm tình trong ánh mắt bỏng rát. Vân biết ông chủ si mê mình nhưng với sự khôn ngoan của một con cáo thành tinh, cô không dại gì trêu vào bà chủ. Bà chỉ nhận thấy ở cô nét hờ hững kiêu sa của một giai nhân lỡ bước chứ không còn gì khác. Bà hài lòng lắm.
    Vân là ngôi sao tài vận của đời bà. Từ ngày có Vân, vũ trường trở nên đông nghịt. Bà thưởng tiền cho cô, ngọt ngào bẹo má cô, cử chỉ bề trên thân mật nhất của bà đối với đám vũ nữ.
    ..................
  10. pathros

    pathros Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/02/2006
    Bài viết:
    99
    Đã được thích:
    0
    Trái với vẻ ngoài lạnh nhạt của mình, Vân đang tìm mọi cách để chài Linh. Hắn quả là một con mồi đáng bỏ công săn bắt, cho dù có hơi thiếu thước so với Vân. Vừa đẹp trai lại vừa giàu có, trẻ hơn vợ đến cả chục tuổi, thoáng nhìn qua Vân đã hiểu ngay tình thế của hắn. Trước khi đến đây, Vân đã nắm được đầu đuôi tình sử của hai người. Cô không lạ gì thói cả thèm chóng chán của bà chủ, biết rằng trước sau gì bà ta cũng sẽ thay ngựa giữa dòng. Vấn đề là phải xuất hiện đúng lúc và rút ngắn thời gian của cái quá trình tất yếu đó. Để rồi khi hắn vừa được tự do là Vân đã nắm ngay được hắn cùng một tài khoản kếch xù.
    Với hắn thì dễ thôi. Chỉ một thời gian ngắn Vân đã khiến Linh say đắm đến mức sẵn sàng cùng cô đi tới chân trời góc biển. Còn Vân? Chắc chắn Vân không sẵn lòng rời bỏ nơi đây nếu túi hắn rỗng không. Hắn lại phải nén lòng chờ đợi.
    Đúng lúc ấy thì trong đám khách làng chơi xuất hiện một chàng Việt kiều, phong độ còn hơn Linh gấp bội. Chàng có dáng người cân đối, cử chỉ nhã nhặn, lại cao hơn Linh gần một cái đầu. Điên ruột nhất là chàng ta cứ bám theo Vân gần như suốt buổi, và mỗi lần vũ điệu kết thúc thì chàng lại tặng ngay cho Vân những tràng hoa hồng vàng rực. Vân cứ việc đến quầy mà đổi lấy cả xấp tiền Đô. Đám vũ nữ ghen ***g lên nhưng chẳng dám kiếm chuyện với Vân vì cô là người bà chủ cưng chiều nhất.
    Nhưng cũng chính vì chàng mà bà ta mất khách. Đám đàn ông say mê Vân không cạnh tranh nổi đã vắng dần. Vân hầu như không nhảy với ai khác mà chỉ với chàng thôi. Đến nước này thì bà chủ phải ra tay bởi con ngựa hay đã thành con ngựa chứng. Linh được lệnh nhảy đôi với Vân. Sau khi đã hổn hển xiết chặt lấy cô trong điệu Slow lơi lả, hắn đã tặng cho Vân số vòng hoa hồng gấp rưỡi vị khách hào hoa kia. Nhưng hắn chỉ được nhảy với cô một hai điệu, theo ý bà chủ cô còn phải nhảy với những người khách khác. Vân đành chấp nhận, nếu không muốn mất việc làm béo bở.
    Sàn nhảy này hội tụ những đại gia giàu có, được bảo kê chắc chắn bởi cả hai đội quân hợp pháp và bất hợp pháp! Chàng công tử kia vẫn đến nhưng chỉ ngồi chờ Vân mà không để cô nào bén mảng lại bàn mình. Bà chủ thấy thương tình, sợ khách mất vui bèn tô trát mặt mày thật kỹ lưỡng, đeo chuỗi hạt kim cương lóng lánh, diện một chiếc váy dạ hội xẻ tà đến tận đùi non, đi qua đi lại trước bàn chàng vài lần rồi nhẹ nhàng ngồi xuống hỏi han. Lạ cái là chàng không tỏ vẻ bất bình, lại ý nhị mỉm cười với bà chủ.
    Rồi chàng dìu bà ra sàn nhảy. Trước bao con mắt ngỡ ngàng, chàng và bà xoay tít trong điệu Van xơ. Mọi đôi khác đều lùi vào trong để tỏ lòng tôn kính sự xuất hiện của nữ chủ nhân và họ thật sự thán phục những bước nhảy điệu nghệ của bà. Cặp đùi dài đi đôi tất Italia lộ ra theo bước nhảy, trong ánh sáng chớp chớp lòa lòa và tiếng nhạc du dương, trông bà chủ cũng xuân tình lắm chứ! Tiếng vỗ tay náo nhiệt dội lên khi vũ điệu của hai người kết thúc.
    Rồi sàn nhảy như được tiếp thêm sinh khí mới, nhiều đôi tràn ra, quay cuồng trong điệu Lambada, một điệu nhảy rất thịnh hành lúc bấy giờ. Ai nấy đều hân hoan, nhưng vui sướng nhất có lẽ là ông bà chủ bởi họ đều mãn nguyện với sự kiện tối nay.
    Từ hôm ấy khách chơi còn đông hơn trước. Họ đến vì Vân đã đành mà còn để chiêm ngưỡng đôi nhảy đẹp nhất là chàng trai hào hoa và bà chủ vũ trường. Họ không ngớt bàn tán đến một vụ xì căng đan tình ái mà hai người sẽ là nhân vật chính. Họ đâu có ngờ rằng mọi việc đều đã được Vân và chàng trai nọ - vốn là người anh họ xa của cô - dàn dựng trước.
    Cuối cùng thì nồi nào cũng vào vung nấy. Bà chủ cưới người anh họ của Vân, còn Vân thì đã có "Linh đồ sộ". Xem ra thì món tiền bồi thường của bà cho Linh chưa được như lời hứa, nhưng Linh đã sướng mê đi rồi. Riêng Vân còn được người anh họ bảo đảm sẽ chu cấp một tài khoản đáng kể khi đã cắm rễ sâu vào cái gia tài đang ngày một phình ra như bột được ủ men vì các khoản thu lợi bất chính ngoài vụ nhảy nhót, như thuốc lắc và đường dây *******.
    Có được một tài sản lớn trong thời gian ngắn, Vân và Linh hào hứng bàn tính chuyện tương lai. Họ không có thì giờ dành cho cái việc lãng mạn không đâu là làm đám cưới. Linh thuê ngay một phòng ở khách sạn sang trọng nhất thành phố và được biết ngay cảm giác tột đỉnh sung sướng khi ******** với một cô gái sành điệu như Vân.
    Sau khi nhận được số tiền người anh họ chuyển cho, Vân cùng Linh mở một vũ trường lớn, cạnh tranh ác liệt với người vợ - bà chủ cũ của mình. Cuộc đua không tiền khoáng hậu này đã dẫn đến một vụ ẩu đả ầm ĩ mà kết quả là cả hai vũ trường bị buộc phải đóng cửa một thời gian. Chỉ có một cây cầu, hai con dê không chịu nhường nhau, đã lăn tòm xuống suối, huống hồ đây có tới bốn con! Bởi thế Vân và Linh đành lùi lại, chuyển sang hướng khác.
    Ký ức thợ nề đầy mặc cảm đã khơi gợi cho Linh ước vọng làm ông chủ. Linh bỏ tiền ra mua một tấm bằng kỹ sư xây dựng và lập ra công ty thầu khoán tư nhân mà hắn làm giám đốc, còn Vân trở thành chủ tịch hội đồng quản trị. "Oai và sạch sẽ hơn cái vũ trường khốn nạn đó nhiều!" Vân và Linh bảo nhau thế và bắt tay vào công cuộc "xây dựng cơ bản", góp phần vào nền kinh tế đương đại nhiều thành phần nhưng cũng nhiều bất trắc!
    Nhờ sắc đẹp nghiêng thành của vợ, ngay từ đầu hắn đã kiếm được vài hợp đồng béo bở. Với cái vốn văn hóa chưa hết phổ thông, hắn phải thuê quân sư kinh tế và kỹ thuật để giúp mình. Rồi hắn nhận ra những người hắn đã thuê gây khá nhiều rắc rối. Bởi lẽ họ sợ phải nhận hậu quả nếu xây dối làm ẩu, mà lợi nhuận phần lớn lại thuộc về vợ chồng Linh. Họ không dễ dàng chấp thuận sử dụng những vật tư kém chất lượng, thiếu số lượng, vốn là cơ sở của số lãi to mà Linh - Vân muốn có. Kết quả là hắn đuổi việc phần lớn những người có lương tâm nghề nghiệp, chỉ giữ lại những kẻ đầu trâu mặt ngựa, chuyên lấy mánh khóe lừa đảo làm đầu.
    Một vài năm sau, số vốn của vợ chồng hắn lớn dần. Vân ra sức chiều chồng bằng kinh nghiệm của nhiều năm buôn bán "vốn tự có" khiến cho hắn thấy mình quá mãn nguyện. Hắn để Vân đứng tên toàn bộ tài khỏan sau khi nàng sinh hạ cho hắn một thằng con. "Cuộc đời ta đã lên hương", hắn nghĩ vậy và càng thêm yêu vợ, dù rằng sau khi sinh nở, Vân đẫy đà hơn, không còn cái vóc dáng thanh mảnh từng làm hắn chết mê chết mệt nữa.
    .....................

Chia sẻ trang này