1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ðặng Thái Sơn: Tôi đến với cuộc thi Chopin vì tôi yêu nhạc Chopin

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi nguyenthanhchuong, 05/06/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. nguyenthanhchuong

    nguyenthanhchuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/05/2003
    Bài viết:
    176
    Đã được thích:
    0
    Ðặng Thái Sơn: Tôi đến với cuộc thi Chopin vì tôi yêu nhạc Chopin

    Ðặng Thái Sơn:
    "Tôi đến với cuộc thi Chopin vì tôi yêu nhạc Chopin"

    Trần Thuận

    Trần Thuận (TT): Khi học nhạc ở Nga, anh đã học với một người thầy được coi là một trong những người thầy piano nổi tiếng nhất thế giới. Qua nhiều năm học với ông, anh có thể cho biết ông là người như thế nào? Ông có triết lý gì khác thường về âm nhạc và phương pháp giảng dạy không?

    Ðặng Thái Sơn (ÐTS): Khi tôi học bên Nga thì không phải học với một thầy. Người thầy đầu tiên tôi được học là ông Isaac Katz . Tôi học với ông ta được 6 tháng tại Hà Nội. Thời đó thường hay có các chuyên gia người Nga sang Việt Nam về nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có ông Isaac Katz phụ trách về bộ môn âm nhạc cổ điển Tây phương. Ông Isaac Katz truyền đạt cho tôi nhiều về mặt chuyên môn cũng như có tiếng nói đến Bộ Văn Hóa trong nước vì thời đó việc du học nước ngoài chưa được dễ dàng. Nhờ tiếng nói của ông ta tôi có cơ hội sang Nga du học. Suốt 5 năm đại học tại nhạc viện Quốc Gia Tchaikovsky - Moscow, tôi được học với người thầy thứ hai tên là Vladimir Natanson. Ông Vladimir Natanson là người chăm sóc và nhận định cho tôi đường hướng đúng để đi đến thắng lợi ở cuộc thi Chopin năm 1980. Sau khi hoàn tất khóa học 5 năm, tôi được học thêm 3 năm chuyên nghành về piano performance [trình diễn piano] và được hướng dẫn bởi người thầy thứ ba tên là Dmitri Bashkirov. Tóm lại, tôi được học với ba người thầy, mỗi người thầy có những sở thích và đường lối khác nhau thích hợp cho tôi trong mỗi giai đoạn phát triển. Ông Isaac Katz đã phát hiện tôi và tạo điều kiện cho tôi ra nước ngoài học, nhờ như vậy tôi thành đạt một cách rất là chuyên nghiệp. Chính ông ta đã tạo cho tôi lòng tin là mình có thể trở thành người hoàn thiện và xác định mình là ai. Ông Vladimir Natanson truyền đạt cho tôi tất cả các lý thuyết cơ bản cần thiết cho một người chơi đàn piano chuyên nghiệp cần có ở mức độ cao. Ông giúp cho tôi phát triển một cách triệt để và độc đáo. Ông là người còn rơi rớt lại thuộc về trường phái Nga vào thời kỳ đó. Tôi xin nói thêm, trường phái Nga có sự khác biệt với trường phái Liên Xô. Trường phái Nga có từ thời Horowitz, Rubinstein, Rachmaninov và có một thế rất mạnh về tính cách lãng mạn. Ông thứ ba là Dmitri Bashkirov, ông này chuyên về biểu diễn piano, có cái nhìn rất sắc bén và còn là một người có đầu óc đạo diễn giỏi. Ông biết kết hợp giữa trình diễn và dàn dựng chương trình.

    TT: Anh là người Á châu đầu tiên thắng giải Chopin, một trong vài giải trình diễn piano cao quí nhất trên thế giới. Là một thí sinh đại diện cho Việt Nam, một nước nhỏ và nghèo, anh có ý nghĩ và cảm xúc gì khi bước vào phòng thi? Thái độ của các thí sinh khác đối với anh trước và sau khi thắng giải như thế nào?

    ÐTS: Tôi xin nói sơ qua về cuộc thi Chopin. Cuộc thi Chopin là 1 trong 5 cuộc thi quốc tế lớn nhất thế giới, bốn cuộc thi còn lại gồm có cuộc thi Van Cliburn ở Texas - Mỹ, cuộc thi nữ hoàng Elizabeth ở Bruxelles - Bỉ, cuộc thi Tchaikovsky ở Moscow - Nga, và cuộc thi ở Leeds - Anh. Nếu mình đạt được thắng lợi ở các cuộc thi này thì mình có được bằng cấp rất là cao quí để đi trình diễn. Bây giờ trên thế giới có nhiều cuộc thi, nếu tính những cuộc thi lớn và nhỏ thì cũng ngót tới 100 cái hàng năm và giá trị của mỗi cuộc thi khác nhau. Mỗi thí sinh ở trình độ nào sẽ dự thi vào cuộc thi tương xứng. Trở lại với cuộc thi Chopin 1980, cuộc thi đến với tôi một cách hết sức đột ngột. Trước kỳ thi này tôi chưa có kinh nghiệm gì về các cuộc thi quốc tế, thậm chí chưa có recital [buổi trình diễn độc tấu] hay chưa đánh chung với dàn nhạc. Tôi chỉ là một cậu sinh viên. Tôi đến với cuộc thi Chopin vì tôi yêu nhạc Chopin và muốn thử vận tại cuộc thi này, như là thi thử vậy! Tôi không nghĩ là mình sẽ có thành đạt gì trong cuộc thi này vì tôi biết rằng cuộc thi này rất khó và sự cạnh tranh rất cao. Cuộc thi Chopin năm đó gồm có 36 nước, trong đó có khoảng 100 thí sinh và phần lớn đã từng đoạt các giải quốc tế. Có các đoàn rất mạnh như Mỹ, tiếp theo là Nhật, Pháp, và nhiều nước khác.

    Khi tôi bước vào phòng thi, người ta chẳng biết tôi là ai và tôi cũng chẳng có một trách nhiệm gì với bản thân mình, không có gì để gọi là mất cả! Ðối với những người đoạt giải và có tiếng tăm rồi thì có sự khác nhiều hơn về mặt thần kinh. Ðó là nguyên nhân gây ra sự hồi hộp. Cuộc thi ấy là lần đầu tiên tôi được thi trong một căn phòng rất lộng lẫy giữa công chúng, nên đâm ra tôi rất lấy làm phấn khởi và vui. Cái vui cũng là một yếu tố góp phần vào sự thành công của tôi. Theo tôi có mấy yếu tố dẫn đến sự thành công của tôi: Thứ nhứt là vững về thần kinh, không bị mai một. Thường người ta ở nhà đánh được 100% thì vào phòng thi giỏi lắm chỉ đánh được 80-90%, do bị hồi hộp làm mất mát đi. Ngược lại, trường hợp tôi thì không bị hồi hộp nên khi đánh diễn đạt được một cách tối đa. Thứ hai là vì tôi lần đầu tiên được biểu diễn trước công chúng nên tôi đánh rất là "fresh" và có nhiều cảm xúc làm rung động người nghe mạnh mẽ, mà người ta có thể gọi là đánh theo nhà nghề. Thứ ba có thể là do yếu tố bất ngờ là tôi là người Việt Nam và người ta xem Việt Nam là một nước ở đâu đâu vì lần đầu tiên Việt Nam tham dự. Khi tôi đến cuộc thi Chopin thì không có cảnh của một ai giống như tôi vướng vào. Người ta thì chẳng có ai đi xe lửa, mọi người đáp máy bay và có người nhà và bạn bè bu đầy cả khách sạn. Còn tôi thì không có tiền, chỉ đủ tiền mua vé xe lửa và ngủ qua đêm trên tàu nhà ga nên đâm ra mệt mỏi vào ngày hôm sau. Khi đến địa điểm thi thì cũng chẳng có ai đưa đón gì cả và cũng chẳng quen biết một ai. Ðiều may mắn hôm đó là khách sạn nằm gần phòng thi nên tôi vác va-li đi bộ đến phòng thi. Lúc đó cũng là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. Vì cuộc sống lúc ấy được mọi người sắp đặt nên khi ra ngoài một mình thì tôi rất ngỡ ngàng. Thêm vào đó là tôi chưa bao giờ dự thi về piano nên chẳng có quần áo để biểu diễn. Trong ba vòng đầu của cuộc thi, tôi chỉ mặc bộ quần áo bình thường. Khi được vào vòng 4 thì tôi mới hốt hoảng vì phải thi chung với dàn nhạc có tính cách long trọng. Chỉ còn 2 ngày đến ngày thi, tôi vội vã cầu cứu ban tổ chức tìm cho một bộ đồ. Hơn nữa hồi đó tôi gầy nên không có áo quần nào vừa tôi. Cuối cùng người ta liên lạc được một tiệm may và đặt bộ áo quần cho tôi trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Ðó là cảnh tôi đi thi, tôi đi lủi thủi chỉ có một mình. Người đầu tiên tôi gặp là cô người Nhật tên Kanako và cô ta chào tôi bằng một câu tiếng Anh "hello". Lúc đó tiếng Anh của tôi chưa biết nhiều. Trước khi đi thi độ một tuần, tôi chỉ học vài câu chào buổi sáng, chào buổi chiều gì đó thôi. Sau khi tôi được vào các vòng trong thì các báo chí bắt đầu đến hỏi thăm và phỏng vấn tôi.


    TT: Trước khi dự thi giải Chopin 1980, nhạc Chopin có phải là sở trường của anh không?

    ÐTS: Trước khi dự cuộc thi giải Chopin thì tôi không có chuyên đàn về nhạc Chopin, nhưng học thì được học đầy đủ. Mẹ tôi có một dịp tốt vào năm 1970 được đi tham quan cuộc thi Chopin và mang về nhà nhiều nhạc, đĩa và sách Chopin. Tôi rất yêu nhạc Chopin khi còn nhỏ. Âm nhạc Chopin đến với tôi một cách hết sức tình cờ, và những đòi hỏi về nhạc Chopin rất gần gũi với khả năng của tôi.

    TT: Kiến thức về lịch sử, truyền thống và cấu trúc của âm nhạc Tây phương quan trọng như thế nào đối với một người chuyên trình diễn piano. Theo anh thì học sinh piano ở Việt Nam có được hướng dẫn đúng mức về vấn đề này không?

    ÐTS: Âm nhạc cổ điển Tây phương nằm trong truyền thống châu Âu bao gồm văn hóa, triết lý tổng hợp vào nhau vì thế đối với người á Ðông khó hòa nhập, nhứt là thời trước việc giao lưu văn hóa khó khăn. Bây giờ những giao lưu về thông tin càng sát lại gần nhau, nên việc nghiên cứu về âm nhạc Tây phương khá dễ dàng hơn. Trong âm nhạc không phải học nhiều, "cầy bừa nhiều" là nó ra. Thực ra vấn đề thành công có tính chất bẩm sinh. Trong nhóm 10 người đều đánh giỏi cả, nhưng lại có người có tiếng tăm, có những người lại âm thầm hơn. Thêm một mặt nữa là thời buổi hiện đại ngày nay ngoài khả năng mình làm ra, còn có vấn đề biết làm marketing. Ðiều này nghe phi âm nhạc, phi nghệ thuật nhưng nó là một đóng góp rất quan trọng.

    Việt Nam thời chiến tranh, âm nhạc Tây phương còn rất là thô sơ và ấu trĩ. Ngoài sự khác biệt về văn hóa với Tây phương còn có sự khác biệt về vật chất như đàn, đĩa hát, sách nhạc và cách bảo quản nhạc cụ. Bây giờ tôi thấy có sự thay đổi rất nhiều. ở nhạc viện giờ có một số người nước ngoài sang giảng dạy. Năm ngoái có cả dàn nhạc Philadelphia sang trình diễn tại Việt Nam. Một số thầy Việt Nam tốt nghiệp tại Nga hay Ðông Âu về giảng dạy tại nhạc viện - tất nhiên không thể đòi hỏi một cách sâu sắc như các thầy giáo Tây phương. Nhưng dù sao vẫn còn nhiều hạn chế, tôi nghĩ cái khó khăn nhất hiện nay là làm sao gây một đời sống ham mê âm nhạc thực sự. Bây giờ cuộc sống làm cho mình bị tương phản, chẳng hạn như các sinh viên mãi mê đi kiếm tiền như chơi piano tại các quán bar. Xét về mặt lâu dài thì không có lợi cho một người biểu diễn piano. Thời tôi tuy nghèo nhưng mọi người xem âm nhạc như một món ăn tinh thần không thể thiếu được. Tuy nhiên thời gian gần đây, có một niềm vui mà tôi xem rất quan trọng là một em Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế giành cho lứa tuổi phổ thông tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 10/1999. Em tên là Phương, 17 tuổi và học tại nhạc viện Hà Nội. Chúng ta khẳng định ít nhiều là chúng ta có thể đào tạo tài năng trẻ trong nước. Ngay bản thân của tôi khi trả lời phóng vấn cũng nghĩ là muốn thành công phải ra nước ngoài học. Riêng em Phương, tôi biết em từ năm em 11 tuổi và theo dõi em khi có dịp về nước; tôi thấy em có nhiều tiến triển tốt. Ðó là lần đầu tiên một em ở Việt Nam thắng giải quốc tế, có thể gọi là "made in Vietnam."

    TT: Người Việt Nam lớn lên trong một nền văn hóa có tính cách bảo thủ và một truyền thống giáo dục khuôn khổ và kỷ luật. Vì nhạc Mozart mang hình thức và nhiều yếu tố cân xứng, trong khi nhạc Chopin đòi hỏi người chơi dùng nhiều trí tưởng tượng và sự diễn tả cảm xúc mạnh mẽ hơn, anh có nghĩ là người Việt Nam có khuynh hướng chơi nhạc Mozart dễ dàng hơn nhạc Chopin không?

    ÐTS: Tôi nghĩ vấn đề này hơi khó diễn tả. Trong xã hội có những người này bảo thủ, có những người kia thích tự do hơn. Vì thế có loại người hợp với Mozart, và có loại người hợp với Chopin. Nhạc Mozart có thể gần gũi với người á Ðông vì chất nhạc tinh tế, nhưng cũng có cái khó là phải hiểu sâu đậm văn hóa Tây phương. Theo tôi, cái cảm xúc của người Việt Nam thơ mộng. Âm nhạc Việt Nam thì giai điệu là rất quan trọng, ngay từ cái đàn bầu chỉ có một dây đâu thể nào nói chuyện thành harmony [hòa điệu] được, chỉ nói melody [giai điệu]. Người Việt Nam có một nhạy cảm ghê gớm với giai điệu, thì tính cách đó gần với chất thơ và lãng mạn của nhạc Chopin hơn là tính cân đối của nhạc Mozart. Trong tính cách cân đối thì quan hệ thể hiện sự tinh tế trong nhạc Mozart đòi hỏi người chơi phải có khái niệm về kiến trúc và hoàn thiện tuyệt đối, thì đấy là cái khó cho người Việt Nam.

    TT: Khán giả Mỹ, châu Âu và Việt Nam khác nhau và giống nhau như thế nào?

    ÐTS: Tôi vẫn thích trình diễn nhất là bên châu Âu, có lẽ vì bên ấy là cái gốc của âm nhạc cổ điển Tây phương. Người nghe rất cảm kích và cái gu cũng rất khác so với bên Mỹ. Bên Mỹ thì đòi hỏi phải hấp dẫn hơn, phải sôi nổi và thu hút hơn. Khi biểu diễn cho người Á Ðông thì tôi phải chọn bài cẩn thận vì người Á Ðông sức nghe thấp hơn so với người Tây phương. Những bản nhạc độ 40-45 phút, dài lê thê, rầm rộ thì người á Ðông khó nghe; trong khi đó người châu Âu thích thú và thưởng thức hơn. Việc vỗ tay cũng khác: ở Nam Âu, Pháp thì sự vỗ tay rất rầm rộ và la ó, trong khi đó ở các nước Bắc Âu thì không có. ở khán giả sự vỗ tay ở mỗi người có khác nhau, vì thế khó có thể nói thái độ thưởng thức của khán giả. Bên Mỹ phòng trình diễn khá lớn có thể chứa 2000-3000 người. Còn bên châu Âu, về những làng quê nhỏ thì phòng có khoảng độ vài ba chục người nhưng người nghe như nuốt từng lời nhạc. Ðiều này trông rất thú vị, không cần những phòng có qui mô lớn.

    TT: Ngoài việc trình diễn nhạc của những tác giả khác, anh có tự sáng tác và tự trình diễn nhạc của chính anh không?

    ÐTS: Về nhạc cổ điển Tây phương, càng ngày có sự chia nhánh. Nhiều người chuyên đánh nhạc và có những người chuyên sáng tác nhạc. Tôi chuyên về biểu diễn.

    TT: Bước qua thế kỷ 21, anh thấy viễn tượng của âm nhạc cổ điển như thế nào?

    ÐTS: Vấn đề này không cần nói đến thế kỷ 21 mà cuối thế kỷ 20 đã có sự thay đổi rất nhiều. Âm nhạc là một trong những nghệ thuật của con người. Càng ngày càng có nhiều nghệ thuật khác nên khán giả yêu thích nhạc cổ điển ngày càng hẹp lại. Có nhiều nơi bị khủng hoảng, dàn nhạc bị lỗ lã nhiều, có nhiều dàn nhạc phải đóng cửa, người mới học nhạc ra gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nơi để trình diễn. Trong thế kỷ 21 càng ngày càng có sự thay đổi về thái độ đối với âm nhạc. Người ta có thể ngồi ở nhà xem nhạc trên T.V. hay trên Internet, không cần phải đến những phòng trình diễn để nghe nhạc. Bây giờ thì có hai luồng: Luồng thì nói là con người càng ngày càng cô độc vì việc làm nên cần có âm nhạc tạo nên communication. Luồng thứ hai chọn giải trí tại gia. Cho dù kỹ thuật có hiện đại cách mấy thì âm thanh không thể nào bằng âm thanh thật như trong các phòng biểu diễn.

    TT: Là một người Việt Nam thành công trong lãnh vực âm nhạc cổ điển Tây phương, anh có hoài bão và những dự định gì trong tương lai?

    ÐTS: Tôi đã và đang mở rộng nhạc trình diễn. Ngoài nhạc Chopin là nhạc sở trường của tôi, tổi cảm thấy cần phải thay đổi cách đánh như thế nào để người nghe tán thưởng và công nhận. Tiếp theo tôi cũng từng bước hoàn thiện về khả năng giảng dạy; cách đây 10 năm tôi đã tham gia giảng dạy rồi. Hiện nay tôi đang giảng dạy tại trường Kunitachi, Tokyo - Nhật. Nếu có dịp về nước tôi tham gia giảng dạy tại nhạc viện Hà Nội và SàiGòn. Ngoài ra tôi bắt đầu tham gia trong ban giám khảo của các cuộc thi.
  2. Lonelymanus

    Lonelymanus Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/11/2002
    Bài viết:
    1.556
    Đã được thích:
    0
    Tôi có 3 dịp được nghe pianist Đặng Thái Sơn biểu diễn , lần thứ 1 thì còn bé quá , chưa cảm nhận được gì ... lần thứ 2 thì cách đây cũng trên chục năm rồi , lúc đấy thấy Đặng Thái Sơn biểu diễn rất tuyệt vời , đầy cảm xúc , có lẽ hình ảnh giật hẳn người khỏi ghế đàn khi kết thúc chương là 1 hình ảnh đẹp nhất mà tôi được thấy (lúc đấy anh vẫn còn trẻ) . Lần thứ 3 thì khác , sau rất nhiều năm mới trở lại , buổi biểu diễn của anh trở nên quá cứng nhắc , phải công nhận kỹ thuật của anh vẫn điêu luyện , nhưng tất cả chỉ như 1 cái máy , cảm xúc hình như biến đâu mất ... một vài điều xì xầm của những người trong nghề , hình như anh xem thường trình độ cảm nhận âm nhạc của người Vn ... tôi cũng hơi bị thất vọng vì điều đó ... Có thể trong âm nhạc mỗi người có một kiểu cảm nhận riêng , có thể tôi chưa đủ trình độ nhưng hy vọng sẽ được xem các buổi diễn với tâm hồn Đặng Thái Sơn ...

    Lonelymanus

Chia sẻ trang này