1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ðời Sống Loài Rắn

Chủ đề trong 'Công nghệ Sinh học' bởi Milou, 24/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Ðời Sống Loài Rắn

    Thư Sinh



    Rắn là một loại động vật mình dài, có vẩy bao quanh và không có chân. Ðể di chuyển, rắn dùng bụng của mình trườn đi trên đất. Mắt của rắn được che bằng một cái vẩy trong suốt vì vậy mắt không có mí chớp lên chớp xuống như các loại động vật có mí mắt khác. Và cũng vì vậy mà mắt rắn lúc nào cũng mở, không bao giờ nhắm. Lưỡi của rắn nhỏ và dài, và bị xẻ đôi ra. Lưỡi rắn thường thụt ra thụt vào để ngửi. Mùi vị được đưa lưỡi đưa vào một cơ quan cảm nhận trong miệng.

    Rắn thuộc loại động vật bò sát. Loại bò sát thì bao gồm các động vật như cá sấu, rắn mối, thằn lằn, và cả loài rùa. Vì thuộc loại bò sát nên rắn chế ngự nhiệt độ trong người bằng cách nằm phơi ngoài nắng để tăng nhiệt độ, hay ẩn mình trong bóng mát để làm giảm nhiệt độ trong người; không như các loại động vật có vú và chim là loại động vật có những cơ quan điều khiển và chế ngự nhiệt độ trong người.

    Các nhà khoa học đã trình bầy những dữ kiện cho thấy rắn được tiến hóa từ loại thằn lằn rắn mối cách đây khoảng 100 triệu năm. Rắn nhìn giống thằn lằn hơn là các loại bò sát khác. Nhưng không giống như loại thằn lằn, rắn không có chân, không có mí mắt và không có lỗ tai. Xương sọ và vẩy rắn nhìn cũng khác, không giống như của các loại thằn lằn rắn mối. Bởi vì cách cấu trúc đặc biệt mắt của rắn khiến người ta nghĩ là rắn được tiến hóa từ một loại thằn lằn sống ở các hang dưới đất. Sự kiện rắn không có chân cũng được cho là phát xuất từ giai đoạn này.

    Rắn có mặt hầu như tất cả các nơi trên trái đất. Chúng sống ở các bãi sa mạc, rừng rậm, biển, suối và hồ. Có loại sống trên mặt đất, có loại sống dưới mặt đất, có loại sống trên cây và có loại sống hầu như ở dưới nước. Chỉ có một số ít nơi trên trái đất là không có rắn, đó là những nơi lạnh lẽo quanh năm. Không có một con rắn nào sống ở hai cực của trái đất hay ở những đỉnh núi cao lạnh lẽo. Các đảo thường cũng không có rắn bao gồm cả Ái Nhĩ Lan và Tân Tây Lan.

    Có khoảng 2700 loại rắn, đa số sống ở các miền nhiệt đới. Loại rắn lớn nhất là loại trăn Anaconda sống ở vùng nam Mỹ Châu và loại trăn gió (python) sống ở Á Châu. Chúng có thể tăng trưởng, dài đến 9 mét! Loại rắn nhỏ nhất là loại rắn mù Braminy, loại này có mắt nhưng bị những cái vẩy ở đầu che kín đi. Loại rắn mù có lẽ chỉ có thể phân biệt được trời tối và trời sáng mà thôi.

    Rắn có loại có nọc độc, chúng có hai chiếc răng nanh rỗng ở hàm trên và tiêm nọc độc qua hai chiếc răng nanh này khi cắn. Có khoảng 270 loại rắn chứa nọc độc gây hại hoặc chết người. Khoảng 25 loại thường gây chết người là loại rắn hổ mang ở Á Châu, loại rắn đen Mamba sống trên cây ở Phi Châu, và loại rắn nâu Taipan sống ở Úc.

    Một số các dữ kiện về rắn:

    Loại nhỏ nhất là loại rắn mù Bramity sống ở vùng nhiệt đới, dài khoảng 15 phân (cm). Mắt nhỏ bị che bởi các vẩy ở đầu.

    Loại rắn Gaboon Phi Châu đã có lần nhịn, không ăn tới 2 năm rưỡi trong một sở thú. Rắn trong sở thú thường nhịn không ăn từ 6 tháng đến 3 năm.

    Loại rắn nhanh nhất có lẽ là loại rắn đen Mamba ở Phi Châu. Chúng có thể di chuyển với vận tốc 11 cây số giờ trong một khoảng đường ngắn.

    Loại trăn Ball Phi Châu thường cuộn mình thành một trái banh với chiếc đầu dấu ở giữa. Một hình thức tự vệ của rắn mà nhiều loại khác cũng làm y như vậy.

    Loại trăn Xanh (Green Tree) có mầu nâu hay vàng khi mới nở và trở thành mầu xanh khi lớn lên. Loại này sống ở New Guinea.

    Loại rắn Hổ Phun (Spitting Cobra) sống ở Phi Châu có thể phun nọc độc xa đến 2.5 mét. Chúng nhắm đôi mắt đối thủ để phun nọc độc vào. Khi con vật nào bị phun trúng sẽ cảm thấy mắt nóng bỏng, đau đớn và có thể bị mù.

    Có người sợ và rất ghét rắn bởi vì sợ nọc độc của chúng và ghê tởm hình dạng của chúng. Trong lịch sử của nhân loại, rắn thường là đề tài của những câu chuyện thần bí và dị đoan. Sự sợ hãi rắn là do thiếu kiến thức về rắn. Ða số các loại rắn không gây nguy hại gì cho con người mà trái lại chúng nó còn giúp trong vấn đề chế ngự loại chuột và các loại thuộc họ hàng nhà chuột như sóc v.v...

    Có người nuôi rắn như con vật trong nhà. Tuy nhiên rắn không được tinh khôn và rất khó dậy. Ða số chúng thường ẩn, dấu mình và có loại rất khó nuôi vì cách ăn uống không được bình thường của chúng.



    Thân Rắn



    Thân của loài rắn có nhiều hình dáng khác nhau. Tỷ như loại Gaboon ở Phi Châu chẳng hạn, có một cái thân to dầy; trong khi đó loại rắn sống trên cây thì thân lại dài và mỏng nhỏ như các cành cây leo.

    Hầu hết hình thù và kích thước của thân rắn đực và rắn cái không khác nhau lắm. Tuy nhiên có một số loại thì con cái to lớn hơn con đực. Có loại con đực lớn hơn con cái. Có một loại rắn, con cái và con đực nhìn rất khác nhau đó là loại rắn Langaha ở Madagascar. Loại rắn đực Langaha có cái mõm (mũi và miệng) hình nón, trong khi đó, mõm của con cái thì lại dài và nhìn giống như chiếc lá thích (maple).

    Mầu Sắc Và Vẩy Rắn: Thân của rắn được bọc bởi những chiếc vẩy khô, có thể trơn và phẳng lì hay xếp lớp. Ða số các loại rắn, vẩy ở bụng chúng là một hàng to từ miệng xuống tới đuôi. Vẩy ở hai bên cạnh và trên lưng thì thay đổi theo kích thước và hình dáng tùy theo những loại khác nhau.

    Da của rắn có hai lớp. Lớp da bên trong bao gồm những tế bào còn đang phát triển và sinh sản. Những tế bào nào bị chết sẽ bị đẩy ra phía bên ngoài bởi những tế bào mới. Những tế bào chết tạo nên một lớp da bên ngoài. Qua thời gian, rắn thay lớp da bên ngoài vì nó đã bị mòn đi.

    Tiến trình thay đổi lớp da ngoài được gọi là "lột da". Trước khi lột da, rắn trở nên ít hoạt động hơn bình thường. Mắt rắn trở nên đục mờ và trong trẻo trở lại ngay trước khi lột da. Trước hết da rắn bị bong, lỏng ở miệng và đầu qua cách cọ vào những chỗ nhám. Sau đó rắn vận mình bò ra khỏi lớp da cũ.

    Bao lâu rắn mới lột da thì còn tùy thuộc vào tuổi và khả năng hoạt động của từng con. Một con rắn trẻ lột da nhiều lần hơn là một con rắn già. Rắn sống ở miền nhiệt đới năng động nhiều hơn là loại sống ở miền lạnh hơn, và vì vậy chúng lột da thường hơn. Nhiều con trăn sống ở miền nhiệt đới lột da 6 lần hay nhiều hơn trong một năm. Ngược lại, một số rắn rung chuông sống ở Bắc Mỹ Châu lột da độ hai hay ba lần trong một năm là cùng. Một khúc đuôi mới của con rắn rung chuông được dài thêm mỗi lần chúng lột da.

    Mầu sắc của loài rắn phát xuất từ những tế bào đặc biệt mãi sâu dưới lớp da. Tuy nhiên một số mầu được thấy là do sự phản chiếu của ánh sáng trên những lớp vẩy.

    Ða số mầu sắc của rắn phù hợp với môi trường sống chung quanh của nó. Thí dụ như loại Copperhead sống ở Bắc Mỹ Châu có những vòng mầu nâu lẫn vào với mầu của những chiếc lá khô trên mặt đất của những khu rừng mà nó sống. Có loại rắn mầu sắc rực rỡ như loại rắn Paradise sống ở trên cây vùng Ðông Nam Á có những chấm đỏ tươi. Có vài trường hợp, rắn cùng loại nhưng lại có mầu sắc trang trí khác nhau. Thí dụ như loại rắn King (vua) ở California có mầu đen và những vòng khoăn trắng trên thân, nhưng có con lại có những đường trắng kéo theo chiều dài của thân đến đuôi. Có một số loại rắn đất có những dấu vết mầu sắc đủ loại. Một số mầu nâu với những vòng đỏ, nhưng lại có những con chỉ có vòng đỏ ngay cổ mà thôi. Có con có một vệt đỏ kéo dài tới giữa lưng, và có con chỉ toàn một mầu nâu mà chẳng có một vết mầu nào khác cả.

    Bộ Xương Rắn: Ðược chia là 3 phần chính là (1) sọ rắn, (2) xương sống, và (3) xương sườn. Có một số ít các loài rắn như rắn mù, loại trăn sống vùng Nam Mỹ Châu, và loại trăn sống vùng Á Châu có những vết tích các cơ quan còn sót lại như chân hay xương hông. Vết tích các cơ quan còn sót lại (vestige) là phần còn sót của một bộ phận nào đó của cơ thể mà động vật đó đã bị mất sau khi trải qua thời gian tiến hóa. Rắn còn những vết tích còn lại của các cơ quan như chân hay xương hông cho thấy chúng có liên hệ rất gần với loài thằn lằn.

    Xương Sọ: Những mảnh xương sọ của rắn được nối với nhau một cách lỏng lẻo nhưng bộ óc thì hoàn toàn được bao bọc bởi bộ xương sọ.

    Trong hầu hết các loại rắn, xương hàm dưới được nối ở cằm bằng một cơ thịt đàn hồi. Những chiếc xương này có thể được kéo dài ra một cách thật rộng. Xương hàm dưới được nối với xương hàm trên một cách lỏng lẻo. Những xương hàm trên và xương miệng được nối với nhau, và nối với xương sọ không được chặt lắm. và vì vậy hai hàm của miệng rắn có thể dời một cách riêng biệt. Có vài chiếc xương của hàm trên và hàm dưới lại có răng chỉa vào phía bên trong họng. Loại răng này không thích hợp để nhai nên rắn phải nuốt chửng những con mồi. Ða số các loài rắn, chúng nuốt chửng những con mồi hãy còn sống.

    Vì do cách cấu tạo đặc biệt của chiếc hàm khiến đa số các loài rắn có thể mở miệng thật rộng để nuốt một con vật to hơn chiếc đầu của chúng. Có nhiều con trăn vùng Á Châu có thể nuốt một con vật nặng hơn 45 kg. Ðể nuốt một con vật, rắn di chuyển từng hàm một về phía trước, trong khi đó những chiếc răng của rắn đâm sâu vào con mồi không cho chúng chạy thoát, cùng lúc đó miệng và cuống họng chúng tiết ra rất nhiều nước miếng để có thể nuốt con mồi được dễ dàng hơn!

    Có nhiều trường hợp, rắn mất hơn 30 phút để nuốt con mồi. Chúng có một đặc điểm khiến khí quản không bị chặn khi miệng và họng đang bị ứ đầy, đặc điểm đó là khí quản của chúng có thể bị đẩy ra ngoài, qua cả lưỡi, để thở khi đang nuốt mồi.

    Xương sống của rắn: Tùy vào từng loại rắn, xương sống của rắn có thể có từ 150 cái cho đến 430 cái, tương đối là rất nhiều. Những chỗ xương nối rất mạnh và dẻo dai khiến chúng có thể cử động nhiều cách, kể cả việc cuộn tròn người thành như một chiếc banh.

    Xương Sườn: một cặp xương sườn được dính vào mỗi một chiếc xương sống trước chiếc đuôi. Những chiếc xương sườn này không có nối vào nhau vì vậy chúng có thể chuyển động dời ra phía ngoài. Sau khi nuốt một con mồi nào đó, những chiếc xương sườn này được dãn ra vì sự căng phồng của bao tử.

    Cơ Thịt: Có khoảng 24 cơ bắp thịt nối với mỗi chiếc xương sống và xương sườn của rắn. Những cơ thịt nối liền chiếc xương sống này với chiếc kia, và nối xương sống với xương sườn, cũng như nối những chiếc xương sườn với các vẩy. Rắn sử dụng những cơ thịt này để di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác.

    Nội Tạng: Phổi, gan và những cơ quan quan trọng khác của rắn có hình thù dài và nhỏ. Ða số các loại rắn chỉ có một lá phổi, mặc dù rất nhiều loại rắn có chứng tích của một lá phổi thứ hai ở một thời xa xưa. Những cơ quan có một đôi như cặp thận và đôi buồng trứng (cơ quan sinh dục của giống cái) hay đôi tinh hoàn (cơ quan sinh dục của giống đực) được đặt mỗi bên thân một trái. Mỗi cặp này được xếp đặt ở vị trí chéo cánh sẻ từ trước đến sau. Ở những động vật khác, chúng được xếp ngang với nhau.

    Trong hầu hết các loại rắn, hệ thống tiêu hóa, bao gồm bao tử và ruột, được cấu tạo một cách đặc biệt để tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm. Bao tử có thể dãn to ra một cách lạ thường. Trong khi đó, ruột tiết ra chất enzymes dùng để tiêu hóa, làm tan rã thực phẩm khiến cơ thể có thể hấp thụ. Rắn có thể tiêu hóa nguyên tất cả người của một con mồi, ngoại trừ lông và tóc. Xương có thể được tiêu hóa hoàn toàn trong vòng 72 tiếng. Các chất cặn dư được đẩy tới một chỗ trong thân của rắn, gọi là "cloaca" và được bài tiết ra ngoài qua một lỗ gọi là "vent". Cloaca cũng là nơi chứa những chất thải ra từ hai buồng trứng. Ở cả đực lẫn cái, vent là nơi cuối cùng của thân và là điểm bắt đầu của đuôi.

    Các Cơ Quan Cảm Nhận: Rắn không có những cơ quan thị giác và thính giác sắc sảo. Chúng hoàn toàn dựa vào những cơ quan cảm nhận đặc biệt cung cấp cho chúng những dữ kiện về môi trường xung quanh.

    Rắn có một mắt ở mỗi bên mặt cho chúng một tầm nhìn rất rộng lớn. Mắt rắn được che chở bởi những chiếc vẩy trong suốt bao bọc. Những chiếc vẩy bao mắt này được thay đổi mỗi lần lột xác. Rắn có thể thấy những vật di động, nhưng chúng không thể tập trung vào một điểm nào đó và chỉ có thể nhìn thấy ở một khoảng gần.

    Rắn không có lỗ tai. Tuy nhiên chúng có nội nhĩ và có thể nghe giới hạn một số âm thanh trong không khí. Một số các xương đầu của rắn tiếp nhận những làn sóng âm thanh và chuyển chúng xuống nội nhĩ.

    Lưỡi rắn chỉ có một vài chồi vị giác (taste buds). Lưỡi rắn được dùng với một cơ quan dùng để ngửi gọi là cơ quan Jacobson. Cơ quan Jacobson cùng với lỗ mũi đã tạo nên một khứu giác sắc sảo cho rắn. Cơ quan Jacobson bao gồm hai túi trống nhỏ ở trên nướu miệng của rắn. Hai chiếc túi trống nhỏ này nà nơi chứa những giây thần kinh rất nhậy cảm với các mùi vị. Rắn thè lưỡi ra ngoài để liếm những hạt tử mùi vị trong không khí, trên đất v.v... khi thụt vào trong miệng, những hạt tử này được đưa vào trong túi Jacobson. Cơ quan này đã khiến rắn có thể ngửi, theo con đường để tìm săn những con mồi. Cũng vậy, mấy con rắn đực tìm kiếm rắn cái bằng lưỡi và cơ quan Jacobson của nó.

    Có một số loại rắn có những lỗ nhỏ đặc biệt, rất nhậy cảm với hơi nóng. Loại rắn Pit Viper có hai lỗ này, mỗi bên mặt có một lỗ ở khoảng giữa mắt và mũi. Vài loại trăn Nam Mỹ và Á Châu có nhiều những lỗ nhỏ này ở viền môi trên, những chiếc lỗ nhỏ này giúp cho rắn biết chính xác địa điểm của những con vật qua hơi nóng trong người chúng tỏa ra. Vì vậy, rắn có thể tấn công những con mồi một cách chính xác ngay cả trong bóng tối. Loại rắn có những chiếc lỗ này có thể phân biệt được sự thay đổi của khoảng nửa độ (0.5 C) của môi trường ở gần đầu của nó.

    Răng Nanh Và Hạch Ðộc: Chỉ có những loại rắn độc có răng nanh và những hạch độc. Hạch độc được biến hóa từ hạch nước miếng. Rắn độc cắn nạn nhân của chúng bằng răng nanh và chích nọc độc vào nơi bị thương. Phần chính, chúng dùng răng nanh và nọc độc để săn mồi. Enzymes ở trong nọc độc cũng giúp cho tiến trình tiêu hóa con mồi được dễ dàng và nhanh hơn.

    Vài loại rắn có răng cửa trước là răng nanh, tuy nhiên cũng có loại dùng răng bên trong như răng nanh. Nhưng hầu hết các loại rắn độc có răng nanh là răng cửa trước. Hai chiếc răng gần cửa miệng nhất ở hàm trên là những chiếc răng nanh rỗng. Những chiếc răng nanh này giống như những chiếc kim chích và có thể mọc nhiều lần, khi bị gẫy, trong một năm. Một ống nhỏ nối liền chiếc răng nanh với hạch độc ở hàm trên của miệng rắn để chuyển nọc độc từ hạch đến răng.

    Răng nanh có sự khác biệt giữa hai loại rắn độc chính, đó là loại "viper" và loại "elapids". Viper bao gồm copperhead và rattlesnake (rắn rung chuông) có răng nanh dài và di động được. Khi không dùng đến, răng nanh được xếp vào một mảng thịt ở trên nướu miệng. Khi tấn công, những chiếc răng nanh này được dương ra. Elapid bao gồm loại rắn hổ (cobra) và rắn đỏ (coral snake) có nanh ngắn và cố định. Rắn biển có răng nanh giống như loại elapid. Có vài loại rắn có tới ba chiếc răng nanh cong ở hàm trên phía đàng sau miệng. Hầu hết các loại rắn 3 răng nanh này thì không gây nguy hiểm lắm cho con người, vì chúng không thể bơm nọc độc một cách nhanh chóng vào những loại động vật lớn.



    Hạch độc của rắn sản xuất một số các enzymes và những chất liệu có thể gây thiệt mạng. Sau khi rắn cắn con mồi, một số các enzymes này bắt đầu tiêu hóa con vật ngay cả trước khi rắn nuốt mồi. Tuy nhiên, rắn thường đợi cho con mồi chết hẳn mới bắt đầu nuốt.

    Ngoài enzymes, hầu như nọc độc của rắn chứa 2 loại độc, đó là neurotoxins và haemotoxins. Neurotoxin gây hại đến hệ thống thần kinh. Nó làm khó thở, nuốt khó khăn, và làm đứng tim. Haemotoxin gây hư hại cho mạch máu và các mô của cơ thể. Loại rắn biển có nọc độc khác, thường ảnh hưởng trực tiếp tới các bắp thịt trong cơ thể.

    Khó có thể phân biệt giữa loại rắn độc và loại rắn không độc. Người ta phải nhận biết một là những đặc điểm của từng loại, hai là xem rắn có răng nanh hay không.



    Cách Sống Của Rắn



    Rất khó mà quan sát rắn trong một môi trường thiên nhiên, vì chúng trốn và dấu mình hầu như toàn thời gian. Người ta biết rất ít về cách sống của nhiều loại rắn. Những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về rắn và các loại bò sát, chỉ có tài liệu nghiên cứu về một số vài loại rắn mà thôi. Nói chung, lối sống của loài rắn gồm những phần chính như sống một mình khi săn mồi, đa số hoạt động ban ngày, có những loại hoạt động ban đêm. Rắn đôi khi nằm yên trong một khoảng thời gian dài bởi vì khí hậu lạnh hay nóng, hay khan hiếm thực phẩm. Một vài loại chỉ ở trong một khoảng giới hạn chu vi. Thí dụ như loại rắn rung chuông ở cánh đồng cho thấy con đực bò, tìm xục trong khoảng 1.2 cây số đường kính, trong khi đó con cái chỉ lùng xục trong khoảng giới hạn 0.27 cây số đường kính.

    Cách Bò: Rắn thường đưọc thấy như là rất nhanh nhẹ trên mặt đất. Nhưng thật ra chúng di chuyển rất chậm khi so sánh với các loại thú vật khác. Loại rắn Garter, trăn và một vài loại khác di chuyển với vận tốc 1.5 cây số giờ. Loại nhanh nhất được ghi nhận là loại rắn đen Mamba ở Phi Châu di chuyển với vận tốc 11 cây số giờ trong một đoạn đường ngắn, trong khi đó con người có thể chạy từ 16 tới 24 cây số giờ trong một khoảng đường ngắn.

    Rắn di động theo bốn cách chính, đó là (1) đi như làn sóng nhấp nhô, (2) đi thẳng, (3) đi nhịp nhàng (concertina), và (4) đi ngang. Tuy nhiên cũng có một vài loại rắn di chuyển không theo 4 lối bình thường này.

    Ði như làn sóng nhấp nhô là lối di chuyển thường thấy nhất trong loài rắn. Rắn vận chuyển những bắp thịt để tạo thành một chuỗi làn sóng theo đường hoành độ từ đầu đến đuôi. Mỗi vòng này của thân rắn dùng sức đẩy ngược lại những điểm tựa như cây cối, đá hay các mặt nhám. Theo cách thức này, thân rắn sẽ được đẩy tới phía trước.

    Ði thẳng hay còn được gọi là bò hay trườn. Rắn dùng cách thức này để leo cây hay hay di động dưới nhừng hang dưới mặt đất. Nhiều loại rắn thân lớn như loài trăn thường dùng cách thức này để di chuyển trên mặt đất. Khi dùng cách di chuyển này, rắn co dãn một số các bắp thịt nhất định để đẩy những vẩy dưới bụng về phía trước. Những viền mặt sau của những vẩy này sẽ vướng vào những chỗ nhám trên mặt đất hay các vỏ cây, rắn lúc đó sẽ co lại một số bắp thịt nhất định khác trên thân để tạo ra lực đẩy những chiếc vẩy đang vướng trên mặt nhám về phía trước khiến cả thân rắn di chuyển theo.

    Loại rắn bắt chuột và những loại trèo cây có những chiếc vẩy bụng đặc biệt thích hợp với lối di chuyển thẳng này. Những viền xung quanh vẩy hình vuông và vướng, hay bấu vào những mặt nhám hoặc vỏ cây rất dễ dàng.

    Lối đi nhịp nhàng thường được dùng bởi những loài rắn leo cây hay di chuyển trên những mặt phẳng trơn bóng. Rắn chuyển động phần thân trước đi về phía trước và cuốn tròn phần thân trước lại, tạo thành điểm tựa ở đây, sau đó rắn kéo phần thân dưới lại và cuộn tròn phần thân dưới lại ở đây để tạo thành điểm tựa kế tiếp cho phần thân trên di chuyển tới phía trước.

    Ði ngang là cách đi chính của một số rắn sống ở những khu vực cát hoặc đất bở. Những loại rắn dùng cách di chuyển này là loại như sidewinder ở Bắc Mỹ Châu, carpet viper và horned viper ở Phi Châu. Khi dùng cách đi ngang, đầu và đuôi của rắn được dùng làm điểm tựa, sau đó rắn nhấc cả thân mình đưa ngang qua và dùng thân làm điểm tựa để đưa đầu và đuôi theo.

    Sinh Sản: Tất cả các loài rắn sinh sản theo cách ********, có nghĩa tinh trùng của rắn đực sẽ vào trứng của rắn cái để tạo thai. Rắn đực có một cặp ********* gọi là "hemipenes". Cặp ********* này nằm bên trong đuôi và có thể được đẩy ra ngoài qua lỗ vent như đã nói ở trên. Khi ********, rắn đực cuốn đuôi nằm dưới rắn cái và đưa cặp ********* vào khoảng trống cloaca của rắn cái và tiết tinh trùng ra ở đây. Tinh trùng của rắn đực có thể sống trong cloaca của rắn cái từ nhiều tháng tới hơn một năm. Vì vậy trứng của rắn cái có thể được tạo thai một thời gian rất lâu sau khi ********. Sau khi ********, rắn đực và rắn cái bỏ nhau đi mỗi con một hướng mà không ở chung với nhau như một số các động vật khác.

    Ở những vùng có mùa hè và mùa đông rõ ràng thì rắn thường ******** vào mùa xuân hay mùa thu. Ở những vùng nhiệt đới, chúng có thể ******** bất cứ lúc nào, không kể thời gian.

    Ða số các loài rắn đẻ trứng. Rắn cái thường đẻ trứng ở những lỗ nông, những cây mục, trong bọng cây, hoặc những nơi tương tự như thế. Ðôi khi có cả trăm con rắn cái đẻ cùng một chỗ. Số lượng trứng đẻ tuỳ thuộc nhiều vào loại rắn nào. Ða số các loại rắn đẻ khoảng 6 tới 30 trứng mỗi lần. Những con trăn lớn thường thì đẻ khoảng 50 trứng mỗi lần, nhưng đôi khi chúng có lần đẻ tới 100 trứng.

    Ða số các rắn cái bỏ tổ đi nơi khác sau khi đẻ. Tuy nhiên có một số ít, bao gồm cả loại trăn Ấn Ðộ và rắn hổ mang, sẽ nằm cuộn mình trên tổ để bảo vệ trứng sau khi đẻ. Loại trăn lớn là loại rắn duy nhất ấp trứng của nó. Con trăn cái nằm cuộn người cuốn quanh trứng và vận chuyển các bắp thịt để tạo ra nhiệt giữ cho trứng được ấm khi trời trở lạnh. Nó có thể tạo nên một môi trường với khoảng 29 độ C để giữ cho trứng được ấm khi chờ trứng nở. Vỏ trứng rắn thuộc loại dai chắc và có thể dãn to ra khi rắn con phát triển lớn dần lên bên trong. Trứng rắn thông thường nở từ khoảng 2 tới 4 tuần. Khi trứng có thể nở, rắn con sẽ dùng một chiếc răng đặc biệt ở hàm trên để cắn vỏ trứng ra. Chiếc răng này rụng ngay sau khi rắn con chui ra khỏi vỏ.

    Khoảng một phần năm (1/5) loại rắn sinh con. Thời gian mang thai của loại này khoảng 2 hay 3 tháng. Có loại đẻ cả trăm con một lúc, nhưng đa số đẻ ít hơn nhiều. Những con rắn con ngay sau khi đẻ phải tự sống lấy. Chúng phát triển rất nhanh, có loại tới tuổi trưởng thành (có nghĩa đã có khả năng sinh sản) trong vòng chỉ có một năm. Những loại khác, chúng trưởng thành trong vòng khoảng 2 tới 4 năm. Hầu hết các loại rắn tiếp tục tăng trưởng sau khi đã trưởng thành.

    Ðiều Nhiệt Thân Thể: Nhiệt độ cơ thể rắn thay đổi tùy thuộc vào nhiệt độ của môi trường xung quanh chúng. Tuy thế, nhiệt độ cơ thể rắn phải được giữ ở một khoảng nhất định, không sẽ chết. Hầu hết các loại rắn hoạt động hữu hiệu khi thân thể chúng được giữ nhiệt độ ở khoảng 20 độ tới 35 độ C. Chúng sẽ trở nên bất động nếu nhiệt độ cơ thể dưới 4 độ C. Tuy nhiên chúng sẽ chết nếu nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C.

    Rắn giữ nhiệt độ cơ thể của chúng bằng cách di chuyển đến nơi ấm hơn hoặc mát hơn. Ða số chúng nằm phơi nắng để tăng nhiệt độ trong thân thể. Rắn sống dưới mặt đất sẽ di chuyển đến nơi đất ấm. Chúng trốn nắng bằng cách ẩn mình trong những bụi cỏ, khúc gỗ hay những tảng đá. Có vài loại rắn ở vùng nhiệt đới sẽ nghỉ, nằm yên, ít hoạt động trong khoảng thời gian nóng nhất của năm.

    Rắn sống ở vùng lạnh sẽ kiếm chỗ để ngủ, không hoạt động, để tránh bị đông đá. Vào mùa đông, chúng trốn trong những hang động, lỗ dưới mặt đất hay những nơi không bị đông đá. Hầu hết những vùng trên thế giới, rắn được an toàn không bị đông đá nếu chúng trốn, ẩn sâu khoảng 90 phân (90cm) dưới mặt đất. Trong thời gian ngưng hoạt động, nhiệt độ cơ thể của rắn khi đó sẽ ở khoảng 4 tới 5 độ C.

    Cả hàng trăm loại rắn khác loại có thể nằm im không hoạt động ở cùng một chỗ nếu nơi trốn ẩn thích hợp không có nhiều. Vào mùa thu hay mùa xuân, người ta có thể thấy chúng đang phơi mình dưới nắng gần nơi chúng ẩn suốt mùa đông.

    Săn Mồi: Ða số các loại rắn ăn chim, cá, ếch nhái, thằn lằn, và những loại động vật có vú nhỏ như thỏ và chuột. Vài loại rắn gồm cả loại rắn hổ mang ở Á Châu và loại rắn vua (king snake) ở vùng Bắc Mỹ Châu ăn cả những loài rắn khác.

    Nhiều loại rắn có khả năng kiếm ăn một cách đặc biệt. Thí dụ như có vài loại chỉ chuyên ăn ốc. Răng và hàm dưới của chúng được cấu tạo một cách đặc biệt để kéo ốc ra khỏi vỏ. Những con rắn Chỉ (Thread), giống như loại rắn mù, có một chiếc miệng nhỏ và chỉ ăn những con mối. Chúng hút tất cả những chất chứa trong bụng những con mối này và bỏ, không ăn phần khó tiêu hóa còn lại. Có những loại rắn ăn trứng có những cái gai dài bên trong cuống họng trên cái cổ xương sống. Sau khi nuốt trái trứng, vỏ trứng sẽ bị chọc thủng bởi những chiếc gai nhọn này và bị bóp vỡ bởi sự co dãn của các bắp thịt. Những chất bổ dưỡng bên trong trái trứng chui tuột vào cuống họng, nhưng vỏ trứng thì bị giữ lại bởi những chiếc gai nhọn nơi cột xương sống và được rắn phun ra ngoài.

    Rắn bắt mồi bằng nhiều cách. Chúng có thể nằm rình trong bụi, theo dõi con mồi hay đuổi theo nó. Khi rắn tấn công, nó phóng mình lao vào con mồi với một cái miệng há rộng. Khoảng cách hữu hiệu mà rắn tấn công ở trong khoảng 1/2 tới 2/3 so với chiều dài thân của rắn.

    Hầu hết các loại rắn nuốt con mồi hãy còn sống. Tuy nhiên loại rắn độc thì đợi cho tới khi con mồi ngấm độc chết rồi mới nuốt. Loại rắn xiết mồi (constrictor) cũng xiết chết mồi rồi mới nuốt. Rắn xiết mồi thì gồm có loại trăn ở Nam Mỹ Châu, rắn trâu (bull snake), rắn vua (king snake), trăn Á Châu, và loại rắn bắt chuột (rat snake). Loại rắn xiết mồi cuốn hai, ba vòng quanh thân thể con mồi và co rút các bắp thịt lại để xiết con mồi. Một số người tin là rắn xiết mồi giết con mồi của nó bằng cách xiết gẫy xương và bóp bể những cơ quan, bộ phận bên trong thân thể của con mồi. Thật ra, rắn xiết mồi giết con mồi của nó bằng cách xiết cho đến khi chết ngạt.

    Sau khi ăn, rắn có thể nằm phơi nắng. Những tia nắng ấm sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể của nó khiến sự tiêu hóa trở nên nhanh chóng hơn. Sau một lần ăn, rắn có thể không cần phải ăn cho trong một thời gian lâu dài. Rắn nuôi ở sở thú và các phòng thí nghiệm có thể không ăn trong nhiều tháng. Những con rắn lớn như trăn Nam Mỹ và trăn Á Châu thường thì không ăn trong khoảng hơn một năm. Ngay cả những con rắn nhỏ, đôi khi không ăn trong khoảng thời gian 6 tới 12 tháng.

    Rắn có thể sống mà không cần ăn trong thời thời gian lâu dài bởi những lý do sau. Không như các thú vật máu nóng, rắn không cần nhiều năng lượng thực phẩm để giữ nhiệt độ trong người. Rắn có thể nằm yên không hoạt động trong thời gian lâu vì vậy dùng rất ít năng lượng của cơ thể. Hơn thế nữa rắn có thêm những mô tế bào để trữ mỡ. Trong thời gian nhịn đói, cơ thể chúng tiêu thụ những năng lượng mỡ dự trữ này.

    Phương Pháp Chống Ðỡ Kẻ Thù: Có rất nhiều loại thú vật ăn rắn. Những loại này bao gồm loại chim lớn Bustard, chim ưng; loại có vú như con mongoose và heo; và những loại rắn khác như rắn hổ mang và rắn vua.

    Rắn có nhiều cách tự vệ với kẻ thù. Nhiều loại có mầu sắc thích nghi với môi trường xung quanh để ẩn mình, che dấu. Nếu bị tấn công, rắn sẽ tẩu thoát bằng cách trốn chạy dưới các hang động dưới đất, ao hồ hay những chỗ mà kẻ thù chúng không thể đuổi theo. Có loại rắn "đuôi chận" ở miền nam Á Châu có thể bịt đường vào hang của chúng. Chúng có một cái đuôi to và ngắn mà nó dùng để chèn lỗ vào.

    Rất nhiều loại rắn tạo ra tiếng kêu để dọa khi kẻ thù tới gần. Một số loại có thể phát ra những tiếng kêu lớn bằng cách đẩy khí ra từ phổi. Loại rắn rung chuông tạo ra những tiếng kêu vù vù bằng cách rung chiếc đuôi của nó. Loại rắn vẩy cưa (saw-scale) Phi Châu tạo ra tiếng xoàn xoạt như xẻ gỗ bằng cách cọ những cái vẩy vào với nhau.

    Có vài loại rắn thay hình đổi dạng để dọa kẻ thù. Thí dụ như rắn hổ mang nghểnh cổ cao lên và dương rộng xương sườn chỗ cổ thành một cái mang lớn. Loại rắn mũi heo (hognose) ở Bắc Mỹ, loại rắn mầu chàm (indigo), và một vài loại khác phùng xương sườn chỗ cổ và căng phổi cho to ra để chúng nhìn lớn hơn và hung dữ hơn. Rất nhiều loại thú ăn rắn lại không bao giờ ăn rắn đã chết! Vì vậy một số loài rắn giả vờ chết để trốn chạy, thí dụ như những con rắn mũi heo ở Bắc Mỹ nổi tiếng với thủ thuật vờ chết đó. Loại trăn bóng Phi Châu thì tự vệ bằng cách cuốn tròn mình như trái banh và dấu đầu ở giữa. Tự vệ kiểu này thì cũng được các loại rắn khác dùng như loại rắn đất ở Bắc Mỹ, trăn su (rubber boas) v.v...

    Một số loại rắn không độc nhưng lại nhìn giống như rắn độc vì vậy chúng có lợi điểm dọa những kẻ thù sợ các loài rắn độc. Ðôi khi chúng còn làm bộ giống y như những con rắn độc ấy nữa. Thí dụ như loại rắn vua và loại rắn bắt chuột rung chiếc đuôi trong những đám lá khô nghe giống như con rắn rung chuông đang rung đuôi! Có vài loại rắn không độc ở Phi Châu cũng làm bộ cọ vẩy vào với nhau để tạo ra âm thanh giống như loại rắn vẩy cưa thường làm. Một vài loại rắn không độc ở Á Châu cũng làm bộ phùng mang lên như rắn hổ mang để dọa kẻ thù. Nếu tất cả những tự vệ đều thất bại, rắn sẽ tấn công và cắn kẻ thù. Một miếng cắn của con rắn độc là một vũ khí rất lợi hại. Tuy thế, rắn vẫn có thể bị tạt hay cắn chết trước khi nọc độc phát tác với kẻ thù. Loại rắn hổ phun (spitting cobra) Phi Châu đã tự bảo vệ thêm bằng cách nó có thể phun nọc độc vào mắt kẻ thù trong khoảng cách xa 2 mét tới 2.5 mét. Nọc độc tạo ra sự đau đớn ngay lập tức, cùng với cảm giác nóng buốt và có thể bị mù. Loại rắn xiết cũng có thể trở thành nguy hiểm với kẻ thù của chúng. Chúng có thể cuốn và xiết kẻ thù đến chết ngạt như chúng từng làm với các con mồi.

    Rắn Cùng Loại Ðánh Lẫn Nhau: Trong một số loại rắn, những con rắn đực trưởng thành đôi khi đánh lẫn nhau. Thông thường chúng nâng người lên, cuốn lẫn nhau và cố đẩy nhau xuống. Chúng tiếp tục đánh cho tới khi một con chịu thua và bò đi chỗ khác. Thường thì loại rắn viper đánh nhau như vậy, nhưng loại rắn khác nhỏ và không độc như loại rắn đất ở Bắc Mỹ và loại rắn trơn Âu Châu cũng đánh nhau như vậy.

    Cho tới nay, các nhà chuyên môn về rắn vẫn không biết chắc chắn vì lý do gì khiến rắn cùng loại đánh lẫn nhau. Tuy nhiên hầu như những trận đánh lộn thường xẩy ra trong mùa sinh sản. Có lẽ tranh nhau để giao tình hay thống trị một khu vực kiếm ăn là nguyên nhân của những sự đánh nhau này.

    Tuổi Thọ: Các nhà chuyên môn về rắn không rõ là rắn sống được bao lâu ở ngoài trời thiên nhiên. Nhưng trong sở thú thì đa số không sống quá 15 năm, một số nhỏ sống tới 20 năm và vài con sống hơn 30 năm.



    Phân Loại Rắn



    Có khoảng 2700 loại rắn. Chúng được phân loại ra làm nhiều tộc (family) dựa trên những đặc điểm của bộ xương của chúng. Những nhà chuyên môn về rắn phân loại rắn ra làm 12 tộc. Những tên thông dụng cho các tộc này là: (1) rắn không độc (colubrids), (2) rắn mù (blind snakes), (3) rắn mù sơ khai (primitive blind snakes), (4) rắn chỉ (thread snakes), (5) boids, (6) rắn độc nanh ngắn (elapids), (7) rắn biển (sea snakes), (8) rắn độc nanh dài (vipers), (9) rắn đuôi chận (shield-tailed snakes), (10) rắn ống (pipe snakes), (11) rắn nắng (sunbeam snakes), và (12) rắn vòi voi (elephant trunk snakes).

    Rắn Không Ðộc (Colubrids - Colubridae): tổng cộng khoảng 2000 loại. Chiếm khoảng 2/3 của tất cả loài rắn. Tộc này bao gồm hầu hết các loại rắn không độc như là loại rắn garter ở Bắc Mỹ và loại rắn bắt chuột. Tộc này cũng có nhiều loại rắn độc, răng nanh bên trong. Tuy nhiên chỉ có một số rất ít cái loại rắn nanh bên trong như rắn chim Phi Châu và loại rắn xanh lớn (boomslang) Phi Châu là nguy hiểm cho con người mà thôi.

    Rắn Mù (Blind Snakes - Typhlopidae): gồm khoảng 200 loại. Chúng sống ở những hang dưới mặt đất và ăn hầu như toàn kiến và mối. Rắn mù nhìn giống như những con giun đất, có vài loại dài tới 90 phân (cm). Mắt của chúng được bọc bởi vây ở đầu. Hầu hết các loại rắn mù này sống ở vùng nhiệt đới và ôn đới.

    Rắn Mù Sơ Khai (Primitive Blind Snakes - Anomalepiddae): nhỏ như những con giun đất, sống trên những lá khô rớt trên mặt đất ở những khu rừng rậm vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ. Chúng ăn những con côn trùng nhỏ và giun. Chúng có liên hệ rất gần với tộc rắn mù và có khoảng 20 loại.

    Rắn Chỉ (Thread Snakes - Leptotyphlopidae): có khoảng 50 loại. Chúng liên hệ rất gần với tộc rắn mù và cách sống cũng giống nhau. Ðiểm khác biệt chính giữa hai tộc là rắn mù chỉ có răng ở hàm trên, trong khi đó rắn Chỉ chỉ có răng ở hàm dưới. Rắn Chỉ sống ở Phi Châu, miền nam Á Châu, tây nam Bắc Mỹ Châu, và vùng nhiệt đới Trung Mỹ và Nam Mỹ.

    Rắn Lớn (Boids - Boidae): gồm loại rắn lớn nhất như trăn Nam Mỹ (anaconda), trăn Á Châu (python), và trăn nhiệt đới (boas). Tộc này có khoảng 100 loại, hầu hết có một thân rất to lớn. Tuy nhiên một vài loại chỉ dài khoảng 90 phân (90 cm). Hầu hết các loại trăn lớn này đều có vết tích của các cơn quan chân còn lại. Ða số chúng sống ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Tùy vào loại nào, chúng sống trên cây, trên đất hay dưới nước.

    Rắn Ðộc Răng Nanh Ngắn (Elapids - Elapidae): gồm khoảng 200 loại rắn độc. Tất cả đều có nanh ngắn và cố định. Loại rắn độc nanh ngắn này không có sống ở Âu Châu, và loại rắn đỏ (coral snakes) là loại duy nhất trong tộc được thấy sống ở Bắc Mỹ Châu và Nam Mỹ Châu. Rắn độc nanh ngắn sống rất nhiều ở Úc Ðại Lợi, gồm rắn đen Úc (Australian black snakes), rắn sọc đen (death adder), rắn nâu to lớn (taipan), và rắn cọp (tiger snakes). Rắn hổ mang của Phi Châu và Á Châu, rắn vòng mầu (kraits) ở vùng Ðông Nam Á, và rắn đen Mamba Phi Châu cũng thuộc loại rắn độc nanh ngắn. Ða số chúng sống trên đất.

    Rắn Biển (Sea Snakes - Hydrophiidae): gồm khoảng 50 tới 60 loại. Chúng liên hệ với tộc rắn độc nanh ngắn. Ða số chúng dài khoảng 90 tới 120 phân (cm). Tất cả các loại đều có một thân mình dẹp.

    Hầu hết rắn biển sống ở vùng nhiệt đới của Ấn Ðộ Dương và Thái Bình Dương. Chúng sống dọc bờ duyên hải và rất hiếm khi thấy ở mực nước sâu khoảng 46 mét. Thỉnh thoảng, người ta thấy một nhóm rắn biển tụ lại ở ngoài xa. Theo các nhà khoa học thì chúng họp đoàn chẳng qua là do dòng nước biển đưa đẩy đến mà thôi. Chưa ai thấy loại rắn biển này sống ở vùng biển Ðại Tây Dương, Ðịa Trung Hải và Hồng Hải (Red Sea).

    Ða số rắn biển sinh con, nhưng một số nhỏ vào bờ đẻ trứng.

    Rắn Ðộc Nanh Dài (Vipers - Viperidae): có cặp răng nanh dài ở phía trước của hàm trên. Khi hàm trên chuyển xoay khiến rắn độc nanh dài có thể di chuyển răng nanh của nó ra trước hay ra sau.

    Nanh của tộc này dài hơn nanh của tộc nanh ngắn rất nhiều. Loại rắn xanh (gaboon) Phi Châu có răng nanh dài nhất trong tộc này. Chúng có thể dài tới 5 phân (cm).

    Rắn độc nanh dài có thể chia thành 2 nhóm - rắn độc nanh dài có lỗ (pit vipers) và rắn độc nanh dài không lỗ (true vipers). Loại có lỗ là loại có cơ quan lỗ giữa mắt và mũi. Loại có lỗ có khoảng 100 loại khác nhau và chúng sống trên tất cả các lục địa ngoại trừ Antartica và Úc Châu. Chúng gồm rắn copperhead sống ở Bắc Mỹ Châu, rắn rung chuông, và loại rắn nước moccasins. Loại rắn không lỗ gồm khoảng 50 loại sống ở Phi Châu, Á Châu, và Âu Châu. Loại không lỗ gồm loại rắn xanh nanh dài và loại loại Âu Châu (European) nanh dài.

    Rắn Ðuôi Chận (Shield Tailed Snakes - Uropeltidae): gồm khoảng 45 loại sống ở những lỗ hang, tất cả loài này sống ở Tích Lan và Nam Ấn Ðộ. Chúng có một cái mõm rất nhọn, một cái đuôi to và ngắn và những chiếc vẩy bóng trơn. Hầu hết chúng sống ở những khu rừng ẩm thấp trên núi.

    Rắn -ng (Pipe Snakes - Aniliidae): có khoảng 12 loại sống ở những hang lỗ dưới đất. Chúng có một thân hình lớn và một chiếc đuôi ngắn. Chúng dài khoảng 90 phân (cm) và sống ở phía nam Á Châu và Nam Mỹ.

    Rắn Nắng (Sunbeam Snakes - Xenopeltidae): chỉ có một loại, sống ở vùng Ðông Nam Á. Chúng có những chiếc vẩy rất bóng bẩy và phản chiếu khi nắng rọi vào. Chúng thường sống ở dưới những cây gỗ hay những tảng đá, hoặc dưới những hang lỗ dưới đất ban ngày và ra ngoài khi trời tối.

    Rắn Vòi Voi (Elephant Trunk Snakes - Acrochordidae): có hai loại, chúng có một thân lớn và da nhăn nheo. Chúng có thể dài tới 2.5 mét và thường bị săn để lột da. Chúng sống ở những con sông và vùng duyên hải miền nam Á Châu, miền bắc Úc Châu và những quần đảo miền nam Thái Bình Dương.



    Sự Ðóng Góp Của Rắn



    Ðiểm quan trọng là sự hiện hữu của rắn là một thành phần của môi sinh và đóng góp vào việc giữ cân bằng môi trường sống thiên nhiên này. Nhân loại cũng được hưởng nhiều điều tốt từ rắn như các nhà nông được rắn giúp qua việc săn bắt chuột đỡ bị chúng phá hại mùa màng. Ở một vài quốc gia, người ta ăn cả thịt rắn. Da của những con trăn, hay rắn vòi voi được lột để làm các món vật dụng như ví, dây nịt, xách tay v.v... cũng vì vậy mà một số rắn đã bị liệt vào danh sách sắp bị tuyệt chủng. Nhiều quốc gia đã nhận thức được điều nguy hại đó và đã ra luật cấm săn giết chúng.

    Nọc của rắn cũng rất thực dụng trong lãnh vực y khoa và nghiên cứu. Thuốc khử độc (antivenin), được dùng để chữa trị khi bị rắn cắn, được bào chế từ huyết thanh (serum) của ngựa đã được cho chích nọc độc rắn. Một số các loại thuốc trị đau cũng đã được bào chế từ neurotoxins trong các nọc độc này. Những nhà nghiên cứu dùng những enzymes cực mạnh trong nọc độc để tách rời những chất đạm (protein) phức tạp hầu có thể nghiên cứu và học hỏi.

    Nói chung, rắn có rất nhiều ở khắp nơi trên thế giới, nhưng con người đã gây tử vong rất cao cho một số loại qua sự săn bắn thái quá và giết hại chúng một cách bừa bãi. Người ta cũng gây tổn hại cho rắn qua cách phá rừng để trồng cấy, xây cất v.v... Một số các loại đang sắp sửa bị diệt chủng bởi con người như loại trăn Ấn Ðộ, trăn Jamaica, loại rắn garter ở San Francisco v.v...






    <:3)~~ <:3)~~ <:3)~~

Chia sẻ trang này