1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đi Quảng Ninh ...ngắm núi nhé !

Chủ đề trong 'Kho tư liệu của Box Du lịch' bởi binhlieu, 29/03/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. binhlieu

    binhlieu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/03/2006
    Bài viết:
    163
    Đã được thích:
    0
    Đi Quảng Ninh ...ngắm núi nhé !

    Chào mừng bạn đến Bình liêu , Quảng Ninh .

    Bình Liêu là huyện miền núi ở cực bắc của tỉnh, cách thành phố Hạ Long 130km, cách thị trấn Tiên Yên 40km, phía bắc có 48,2 km, đường biên giới giáp Trung Quốc, phía đông giáp huyện Hải Hà, phía tây giáp huyện Ðình Lập, tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp huyện Tiên Yên. Bình liêu có diện tích tự nhiên 47.138 ha, địa hình núi non trùng điệp. Phía đông có nhiều dãy núi cao, cao nhất là ngọn Cao Xiêm 1333m, Núi Cao Ba Lanh cao 1050m. Bình Liêu có rất nhiều suối, phần lớn suối đổ về sông Tiên Yên. Trên đất Bình Liêu, Sông Tiên Yên là đoạn thượng nguồn, lưu lượng bình quân 21m3/s, lòng sông dốc, nhiều ghềnh, mùa cạn có thể lội qua ở nhiều đoạn, mùa mưa lũ dâng rất nhanh, chảy dữ dội. Ðất nông nghiệp rất hẹp, hơn 7000ha, trong đó hơn 4000ha là đồi có thể chăn thả đại gia súc. Ðất cấy lúa trồng hoa màu chỉ có 1644ha chủ yếu là ruộng bậc thang và những thung lũng chân núi, những bãi bồi ven sông. Ðất rừng rất rộng 28.818ha, trong đó có hơn 8000 ha đất rừng tự nhiên nhưng lâm sản đã nghèo kiệt quệ. Bình liêu không xa biển lắm nhưng do lớp núi cao che chắn nên chịu nhiều hơn ảnh hưởng của lục địa. Mùa đông kéo dài, nhiều ngày dưới 40 và hay có sương mù, độ ẩm cao, lượng mưa hàng năm khoảng 2400mm.
    Về giao thông, đi lại vận chuyển chỉ có đường bộ. Ðường 18C từ Tiên Yên lên chạy dọc huyện men theo thung lũng sông Tiên Yên và tận cùng ở Cửa khẩu Hoành Mô. Nay đã trải nhựa dài 50 km, là trục giao thông chính của huyện. Từ trục này có lối rẽ vào các xã, song với những xã xa như Húc Ðộng, Ðồng Văn vẫn là "đường lâm nghiệp" đi lại rất khó khăn. Bình Liêu còn có nhiều tài nguyên chưa được khai thác. Sông Tiên Yên và nhiều chỉ lưu là nguồn thuỷ năng lớn. Hiện nay đã có đập lấy nước canh tác và làm thuỷ điện nhỏ, nhiều chỗ bà con chặn suối nuôi cá có hiệu quả. Trong lòng đất Bình Liêu có nhiều quặng quí hiếm như vàng ở Bản Ngải, quặng chì kẽm ở Ngàn Phe song hàm lượng thấp. Riêng nguyên liệu chịu lửa alumin có một trường quặng lớn gồm ba thân quặng chính tổng trữ lượng ước tính 35 triệu tấn.ở phía bắc huyện có mỏ đá grannit aplit chưa được khai thác. Bình Liêu có một thế mạnh là có cửa khẩu Hoành Mô ( bên kia thị trấn Ðồng Tông, có đường đập qua sông Ca Long, đoạn thượng nguồn Ca Long này bình thường chỉ là dòng suối cạn giữa bãi đá cuội). Từ năm 1990, cửa khẩu mở lại, hàng hoá từ nội địa đôi bên giao lưu ngày một tăng. Ngoài nguồn thu thuế, hoạt động của Cửa Khẩu đã tạo thêm bước phát triển thương mại và dịch vụ huyện.
    Từ những đặc điểm trên, Bình Liêu có khả năng phát triển Kinh tế đa dạng. Trước hết là đất đai, Bình Liêu đã sớm đổi mới giống lúa và mùa vụ, mỗi năm sản xuất gần 10.000 tấn lương thực quy thóc. Từ chỗ thiếu ăn, mấy năm qua Bình Liêu đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, bình quân lương thực đầu người vào loại cao nhất nhì tỉnh. Trồng rừng được đẩy mạnh, các giống cây rất thích hợp với đất đai, khí hậu ở Bình Liêu như hồi, quế, trẩu, đặc biệt là hồi quế đang được phục hồi và tăng nhanh diện tích trồng. Việc chăn nuôi đại gia súc, trước hết là Trâu, bò đã được chú ý nhưng số lượng còn ít. Bình Liêu có chợ ở thị trấn huyện lỵ họp hàng ngày, thường đông vào chủ nhật. Số người buôn bán và các nghề dịch vụ đã tăng, bộ mặt thị trấn đã thành phố xá, không buồn vắng như mấy năm trước.
    Về dân cư, Bình Liêu đa dân tộc, dân số trên 26.000 người gồm 5 dân tộc chính: đông nhất là người Tày: 58, 4%, Dao: 25,6%, Sán Chay: 15,4%, Kinh: 3,7%, Hoa: 0,3%. Bình Liêu là huyện đồng bào Tày đông nhất tỉnh. Xã nào trong huyện cũng gồm người nhiều dân tộc. Hiện nay, Bình Liêu có 8 đơn vị hành chính gồm thị trấn Bình Liêu và 7 xã : Tình Húc, Vô Ngại, Ðồng Tâm, Húc Ðộng, Hoành Mô, Ðồng Văn, Lục Hồn.
    lịch sử văn hoá Bình liêu
    Xưa Bình Liêu thuộc châu Tiên Yên. Ngày 16/12/1919, phủ toàn quyền Pháp ra nghị định tách hai tổng Bình Liêu và Vô Ngạn của châu Tiên Yên lập thành châu Bình Liêu thuộc phủ Hải Ninh, trong đạo quan binh thứ nhất, sau là tỉnh Hải Ninh. Ðồng bào các dân tộc Bình Liêu có truyền thống đánh giặc, giữ nước từ lâu đời. Trên đỉnh núi Cao Ba Lanh giáp biên giới có những hòn đá rất kỳ lạ, gõ vào hòn đá này lại nghe tiếng vang ở các hòn đá khác. Có truyền thuyết về những "hòn đá thần" có tiếng vang làm quân giặc khiếp sợ. Lại có truyện người dũng sĩ cưỡi ngựa đánh giặc nay còn ghi dấu ấn ở nhiều địa danh như: Bãi Dáo, Mạ Trạt và truyện về giống tre mọc ngược do lời thề của người dũng sĩ khi chống gậy dừng chân. Sử sách còn ghi chép lại những trận đuổi giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang. Trong thời Pháp thuộc, từ đồn Bình Liêu, viên đội người Tày Thàm Cam Sláy, thường gọi là Ðội Sáng, đã tổ chức binh sỹ làm binh biến, được nhân dân hưởng ứng, nghĩa quân ra vùng rừng núi phía đông, căn cứ mở rộng đến các vùng núi phía bắc Hà Cối và vùng núi PanNai của Móng Cái. Lực lượng đông dần lên tới vài trăm người, đã nhiều lần tập kích cả đồn Hà Cối và uy hiếp Móng Cái. Cuộc khởi nghĩa kéo dài 2 năm chấn động cả vùng đông bắc. Từ cuối năm 1917 đến cuối năm 1919 mới chịu thất bại. Ðến cách mạng Tháng Tám, nhân dân Bình Liêu và cả binh lính đồn Bình Liêu khi không còn sĩ quan Nhật chỉ huy, đã nô nức đón chào *********. Tháng 11/1945, Bình Liêu thành lập chính quyền cách mạng. Giữa năm 1946, bọn việt cách theo chân quân Tưởng tràn vào Bình Liêu và đầu năm 1947 quân Pháp quay lại chiếm đóng. Nhân dân Bình Liêu kiên cường kháng chiến . Bình Liêu hoàn toàn giải phóng và trở thành căn cứ kháng chiến của tỉnh Hải Ninh. Các cơ quan đầu não của tỉnh từ đây tiến về các huyện đẩy mạnh chiến tranh du kích.
    Về văn hoá, Bình Liêu có tập quán văn hoá và nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc của nhiều dân tộc. Ðồng bào không theo tôn giáo nào, cả huyện không có chùa, nhà thờ, có mấy ngôi đình nhỏ thờ thành hoàng, các gia đình và các dòng họ chỉ thờ cúng tổ tiên. Sinh hoạt văn hoá xưa kia tập trung nhất là hội au- pò của người Tày và người Sán Chay. Những ngày hội, nam thanh nữ tú từ các bản kéo về thị trấn huyện lị, gặp gỡ tâm tình, hát đối đáp bằng các làn điệu dân ca. Người Tày có các điệu Sli, tì Háu, then, người Sán chỉ có hát xoong co và thường dùng đôi bạn gặp nhau suốt 16 ngày. Trong ngày hội au-pò và những ngày đầu xuân ở bản làng còn có chơi đàn tính, ném còn, chơi gụ. Bình liêu có phong cảnh núi tươi đẹp, cánh đồng bậc thang, rừng hồi quế thơm ngát, hoa sở nở trắng, suối reo. Ðặc sắc nhất là thác Khe Vằn ở Húc Ðộng. Thác cao hàng trăm mét, theo ba tầng vách núi đổ xuống trắng xoá giữa cỏ cây chen đá..Những phiến đá thần ở Cao BA Lanh vừa huyền bí vừa gợi vẻ thiêng liêng khi du khách ở tầm cao trên ngàn mét, mây bay la đà, nhìn bao quát cả một vùng biển với con sông biên giới uốn lượn giữa đôi bờ thanh bình. Bình Liêu đang vượt lên thoát khỏi ngèo đói và giữ gìn bản sắc dân tộc cùng với giữ vững từng tấc đất. Nay xã nào cũng có trường học, huyện có một trường phổ thông trung học và một trường dân tộc nội trú .
    Đưa lên bởi VN Dương
    vingocduong@yahoo.com
  2. vuthanhminh

    vuthanhminh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    22/02/2002
    Bài viết:
    4.150
    Đã được thích:
    0
    Tự hoà ta quê hương Quảng Ninh quá!
    Tớ nhớ hồi trước ở Hạ Long, theo bà bác đi BL, đến cái bản của người Dao chữa bịnh. Đến lúc về nó bắt vác cả một con heo về HL. hic...nghĩ lại vui thật !

Chia sẻ trang này