1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

đi tìm thương nhớ

Chủ đề trong '7X Đà Nẵng' bởi nguoicuoicung, 08/03/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Ở ngoài đình, năm nào cũng vậy, giống như mọi nơi khác những trò vui chơi giải trí , thực chất là cờ bạc bịp xuất hiện. Món quay mâm đặt ô có từ hàng chục năm nay do các tay bịp bợm giang hồ điều khiển, trẻ con xúm xít vào chơi, lắt nhắt vài ba nghìn cũng đủ cho kẻ tổ chức vớ bẫm vài trăm như không.
    Làng nghèo xơ xác, đất cằn cỗi , rặt thứ đất sét dùng làm gạch. Người ta bán đất cho các lò gạch khai thác, thế là xuất hiện những vực do hố thấu tạo lên, sâu hàng mét. Đám rước phải lắt léo lắm mới đi qua con đường nham nhở đang khai thác đất ấy. Cái kiệu rước ông thánh hoàng làng xiêu vẹo theo mỗi bước chân đang bước thấp, bước cao trên đống đất lổn nhổn tạo thành gò đống, tiếng thanh la, não bạt và trống cũng bị ngắt nhịp gián đoạn. Người cầm thanh la phải nhìn đường mà đi, ông đánh trống lùi lại đằng sau cái trống do hai người khiêng đang lắc lư. Đám trẻ dắt díu nhau thành một con rắn khoang nhiều màu xanh đỏ tím vàng bởi quần áo mới tạo thành.
    Ngày hội qua đi nhanh, không khí vắng lặng trở lại. Người làm trên phố lóc cóc hành trang giã từ quê hương đi thực hiện công cuộc mưu sinh, những đứa trẻ sắp lớn nhìn theo với con mắt ước ao, thèm khát. Trên con đường đất vào làng, hơn hai mươi năm rồi chưa tu sửa gì cả, những hạt mưa xuân làm đất nhão nhoét, đi như đánh vật, toàn ổ gà, ổ trâu lồi lõm .Ông cụ hôm qua quần trắng áo dài đen , khăn lượt nay bận áo bộ đội bạc màu, xắn quần lội xuống ao vớt bèo về nuôi lợn. Những đứa trẻ con dốc hết tiền tiết kiệm, mừng tuổi cho thứ nước xiro ngòn ngọt màu đỏ chót do đường hoá học và phẩm màu hay trò chơi có thưởng giờ cầm que gậy đầu buộc mảnh giẻ thất thểu đi lùa đàn vịt.
    Năm này qua năm khác, sự thay đổi chỉ có chăng ở mode quần áo của những người trên thành phố trở về. Nhưng thái độ thì vẫn vậy, vẫn một màu nhầu nhĩ, lo toan.
  2. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Dân làng khát khao câu, Đất có thời dân có vận. Họ trông chờ vào một phép màu thiêng liêng. Ví dụ như đường Quốc lộ bỗng nhiên được nhà nước mở ngang qua đây. hay bên cạnh làng chỗ mảnh đất cho khai thác đất đóng gạch ấy trở thành một nhà máy liên doanh với nước tư bản, một khu công nghiệp hay vui chơi giải trí. Lúc tôi đứng trên đỉnh núi Cổng trời ở Hà giang, mơ ước nước mắt mẹ tôi không rỏ xuống lá trầu cánh phượng, tiếng kinh không lay lắt giữa canh khuya, không giật mình khi nghe tiếng gió đập vào cánh cửa mà ngỡ con mình về gọi cổng. Tôi hiểu thế nào là ước mơ như câu hát
    Ước mong nhiều đời chỉ bấy nhiêu
    Vì mong ước trắng như mây chiều
    Tủi riêng người năm năm tháng tháng
    Mong chờ ánh xuân sang
    Ngờ đâu xuân cứ đi.
    Những mơ ước của dân làng ngoại tôi được nuôi dưỡng bởi những tin đồn tận đâu, có tốp người nào túi tiếc lỉnh kỉnh, vác cái thước đo đứng đầu nọ, đầu kia ngắm, vài chiếc ô tô con chui ra mấy ông béo bự chỉ trỏ. Là tin đồn lại được thổi phồng lên, cảm tưởng là dúng thật rồi, rõ ràng quá rồi, như hai công hai bằng bốn vậy. Rồi lại chưng hửng, kẻ lạc quan nhất bảo kiên quyết cho rằng, đầu năm họ sẽ làm một khu công nghiệp, người còn lại bám vào niềm tin ấy để ngăn chặn ý muốn thoát ly đang thôi thúc dữ dội trong lòng
    Những thửa ruộng canh tác lâu đời, đất bạc màu, bón phân hoá học, đất càng bạc và rắn lại, những ngọn lúa thì con gái không mượt mà như nơi khác, chúng úa hết ở đầu ngọn.
    Tôi đi trên mảnh đất cằn đã nuôi sống mẹ tôi, tần ngần đứng trước thửa ruộng mà mẹ đã đổ mồ hôi giữa cái nắng tháng 6, hồi nhỏ tôi đọc thơ Trần Đăng Khoa đến đoạn
    Những trưa tháng sáu
    Nước như ai nấu
    Chết cả cá cờ
    Cua ngoi lên bờ
    Mẹ em xuống cấy
    Lúc đó, tôi thấy mắt mẹ thẫn thờ , mẹ bảo tôi đọc lại lần nữa, hẳn mẹ tôi nhớ quê , nhớ bà tôi, nhớ cánh đồng đất bạc phếch màu, nhớ đụn rạ, luỹ tre ,bụi duối, bờ ao.
    Tôi nhìn thửa ruộng và hỏi mình. Tại sao từ nhỏ đến giờ, tôi sống với nhiều ước mơ. Nhưng chưa có lần nào tôi hỏi mình, mẹ mình ước mơ gì nhỉ ?
  3. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Hôm nọ mẹ tôi cầm về tờ giấy a4 ép platic. Mẹ tôi lẩm nhẩm mua cái khung kính, tôi hỏi tờ gì, hoá ra đó là tờ giấy mừng thọ mẹ 70 của Hội phụ nữ phường. Tôi cầm tờ giấy ngang mặt và đọc thấy thời gian trôi đi trên đó, mái tóc của mẹ tôi đã bạc trắng rất nhiều. Tôi nhớ hồi nhỏ mẹ tôi thường ôm tôi và thằng em phải và hát
    Mẹ gà ấp ủ
    Hai chú gà con
    Ru ngủ cho tròn
    Gà con ngon giấc
    Đôi khi đứng trước mẹ tôi, tôi vẫn nghĩ mình còn nhỏ như hồi đó. Thỉnh thoảng lại ước mơ được gối lên tay mẹ tôi ngủ như hồi nào, nhất là những lúc tôi phải toan tính những việc căng thẳng, hay tuyệt vọng vì điều gì không làm nổi.
    Hôm qua vợ chồng em tôi cãi nhau, mẹ tôi lánh sang nhà hàng xóm gọi nhờ điện bảo tôi về. Mẹ tôi bảo dạo này đêm nào vợ chồng nó cũng cãi nhau, mẹ không thể nào ngủ nổi. Tôi cố nén cơn giận bốc trong đầu và sự mệt mỏi do nhiều công việc dồn dập bước vào nhà. Em trai tôi đang mắng vợ, còn vợ nó đang cãi lại cũng chẳng kém lời, đứa cháu gái 8 tuổi đang nhìn bát cơm đang ăn , đầu nó cúi gằm, tưởng thấp tí nữa thì mặt nó chạm vào những hạt cơm. Lý do cãi nhau có lẽ cũng bắt đầu từ tôi, em trai tôi bảo rằng vợ nó đối xử với nó như con vật, rằng vợ nó mua bát phở về, đặt trước mặt nó bảo, đấy ăn đi. Nó cảm thấy nhục nhã không chịu nổi. Tôi nhìn em trai mình nói, nó cố vươn người ra xa nhất ở mức cuối cùng của cái xích sắt ở cổ chân. Giọng nó ngẹn đi vì uất ức
    - Tôi bị xích thế này, muốn ăn gì cũng phải đợi nó, có đêm tôi đói, bảo nó ra mua gói nó bao giờ này thì ăn làm gì, ngủ đi là hết đói, anh xem tôi có còn là con người không?
    Tôi xích em mình gần hai năm nay, sau một trận đòn khốc liệt, lúc nó xỉu đi, tôi mở tủ lạnh lấy hai khay đá đập vào xô nước và dội lên người em mình lúc trời đang rét căm căm, những cục đá to sót lại tôi nhặt twngf vốc nhét vào trong ngực áo làm nó tỉnh lại , tôi nện thêm vài cú đấm vào đầu nó. Khi tôi đánh nó, tôi cảm tưởng đang đánh mình, đánh vào ngwưòi bố mình, và mẹ mình nữa, sau đó tôi khóc tức tưởi và đi mua xích để xích nó lại.
    Tôi đến nhà em dâu hứa hẹn toàn điều tốt đẹp, tôi cam chắc rằng em tôi sau khi hết cơn ma tuý sẽ trở thành người hiền lành, tôi vay tiền để sửa sang lại cửa nhà cho em dâu mở hiệu may. Rôì tôi ra đi khắp nơi để kiém sống, tôi không muốn về để em dâu tôi có lý do nói rằng tôi cầm chìa khoá vả lại tôi muốn để cho vợ chồng em tôi được thoải mái nữa. Thỉnh thaỏng tôi về nhà một hai tiếng, mẹ tôi có vẻ mừng lắm, nhất là hôm nào tôi ngủ lại nhà, trời nóng mẹ tôi xách quạt đến chỗ tôi, trời lạnh mẹ lấy chăn ấm, mẹ không dấu vẻ an tâm ra mặt khi tôi ở nhà. Nhưng tôi vẫn lang thang, nhà tôi không rộng lắm mà lại dành một gian để làm cửa hiệu may. Trong không gian chật chội đó, tôi ngại sự có mặt của mình làm ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng em tôi
  4. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Em dâu tôi nghĩ rằng tôi vẫn bênh nó như mọi khi, thường thi trong mọi cuộc cãi nhau với em trai tôi, tôi thường bênh em dâu và bắt em trai mình phải im. Nhưng lần này thì chính tôi cũng không giữ được bình tĩnh. Tôi bảo em dâu
    - Mày quá đáng thật, dù sao nó cũng là chồng mày. Anh đánh nó, chửi nó , nhưng chưa bao giờ anh đối xử nó như vậy.
    Em trai tôi không nói nữa, em dâu khóc thút thít nói
    - Anh xem, người ta đi lấy chồng, chồng người ta chẳng tài giỏi gì. Nhưng dù đi xe ôm hay đạp xích lô vẫn còn dáng chồng, em có việc gì bên ngoại, ngày giỗ Tết đều thui thủi mang con về, ai cũng hỏi mà chẳng biết nói sao.
    Tôi không nói đuwọc gì nữa, đã có lần tôi bảo em dâu hãy coi như đó là số phận . Và tôi hứa sẽ hạn chế những thiệt thòi cho nó đến mức thấp nhất. Tôi đã làm được phần là em trai tôi không còn tự do để cào cấu, đặt đồ, xoay tiền, tôi đã để cho em dâu cửa hàng làm ăn kiếm sống. Nhưng cuộc sống của mỗi con người có nhiều cái mà người kách không thể làm thay được và đồng tiền không mua được. Tôi ngồi ven Hồ Tây , trên cái ghế đá lạnh ngắt ở giữa cây bằng lăng và cây phượng, trước mặt là chùa Trấn Quốc có hàng dừa hay cau gì đó sát mép nước, gió ở hồ lạnh ngắt. Tôi nghĩ về việc thi công hai trăm mét biển bạt ở Hà Tây đang sắp đến thời hạn hoàn thành, tôi nghĩ về mẹ tôi đã bị tôi lấy đi mấy ngàn đêm không ngủ , thấp thỏm chờ tôi, tôi thấy em trai mình ăn cơm với vợ, con mà cái xích phi 8 loảng xoảng dưới chân, tôi nhớ hôm thằng X31 đến nhà, nó bảo nhìn đứa bé học bài bên cạnh bố nó đang bị xích mà chụp được kiểu ảnh mới là đặc biệt. Lời nó vô tình nhưng tôi xót xa lắm
  5. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    70 năm mà mẹ tôi đã sống có bao nhiêu thời gian mẹ tôi được nở nụ cười. Và bao nhiêu lần mẹ tôi dấu lệ, nước mắt của tôi còn chảy được, nhưng nước mắt của mẹ tôi đã khô từ lâu. Lần cuối cho đến nay tôi thấy mẹ tôi khóc đã hơn 10 năm, vào cái ngày ở cuối con đường đầy đá sỏi. Trước đó ngày bố tôi mất đi, tôi cũng không thấy mẹ tôi khóc, phần nước mắt dành cho bố tôi mẹ đã dùng xong từ lâu rồi, dùng trong những lúc gặp bố tôi sau hàng song sắt hay những lần bố tôi ho, máu bắn vào tường thành từng vạt đỏ thắm.
    Tôi vừa đưa mẹ đi đến nhà bà bạn ngủ, bà bạn mà có con là người bác sĩ đã cứu em tôi trong cơn hiểm nghèo không một đồng lót tay, thậm chí còn bỏ tiền mình ra. Đêm nay bốc mộ bác ấy, người bạn già từ thưở con gái của mẹ tôi vài tiếng nữa là sang áo, ngoài kia trời đang mưa, trời mỗi lúc một lạnh hơn.
    Niềm thương nhớ lớn nhất của tôi vẫn còn đau đáu hàng ngày nhìn một thằng con lang bạt và một thằng con luẩn quẩn trong vòng xiềng xích.
    Thứ nhất ăn xa
    Thứ nhì chầu mỏ
    Trong giống gà, một đàn gà con, gà mẹ quý nhất con gà hay đi kiếm ăn xa và con gà chỉ quanh trước mỏ gà mẹ.
    Đêm nay tôi sẽ đi lang thang, nhưng hạt mưa và cơn gió lạnh sẽ làm tôi thấy mình đang sống, mặc kệ những việc ngày mai. Tôi không nghĩ gì nữa, tôi chỉ muốn đi trong mưa thôi, bây giờ tôi cũng không muốn về đâu cả. Đường ngoài kia bóng nhoáng vì nước, chốc mới có một xe đi qua, càng tốt, tôi muốn đi trên con đường chỉ có hạt mưa và ánh đèn đường vàng ệch không có ai ngoài tôi, con đường dài và càng rộng.
    Con đường nào êm ả nhất cho mẹ tôi đi ở tuổi 70
    Thương nhớ ơi hời! thương nhớ ơi
    Sông xa từng lớp, lớp mưa dài
  6. mot_thoi_de_mat

    mot_thoi_de_mat Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    23/10/2003
    Bài viết:
    109
    Đã được thích:
    0
    Cổ vũ bác một post .
    Sao hôm nay không về HP ?
    Người ta chỉ biết là mình mất khi chẳng còn lại gì , đấy cũng là lúc con người ta muốn sống nhất , sống để biết mình còn lại nhiều .
  7. NguaBatKham_HN

    NguaBatKham_HN Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    25/02/2003
    Bài viết:
    375
    Đã được thích:
    0
    Một thằng con lang bạt, đọc những dòng này chợt nhìn thấy mình trong đó, mình chỉ vài năm về trước thôi. Thật kỳ lạ, lang bạt với những niềm thương nhớ trong lòng, thương nhớ hời ơi...
    Đã bao đêm đi một mình, không nhớ nổi, những con đường cả lạ và quen, nhưng mảnh đất cả xa lẫn gần, tất cả đều nhạt nhoà và xa xôi...
    Những cơn mưa, tôi ghét những cơn mưa, ghét từ thời thơ ấu. Những cơn mưa làm cả nhà tôi mất ngủ. Mái nhà dột nát, nước mưa lạnh buốt nhỏ vào mặt tôi, nước mưa nhỏ vào trang vở của chị. Bố tôi lại cặm cụi đi giăng những mảnh áo mưa, mẹ tôi đi đặt từng cái xô chậu để hứng nước, chị tôi thắp đèn tìm giẻ khô lau cái chiếu bị ướt, còn tôi ngồi co ro trách ông trời mưa to thế. Thương nhớ ơi... Dẫu sao, khi ấy, tâm hồn vẫn bình yên hơn...
    ------------------------
    Cười trong cuồng điên...
  8. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Đôi mắt người Sơn Tây
    U uẩn chiều lưu lạc
    Buồn viễn xứ không nguôi
    Buồn viễn xứ không khuây.
    Mấy hôm nay tôi dẫn em trai mình đi khắp xứ Đoài. trời Đoài mây bảng lảng , không khí trong lành và thoáng đãng, man mác trong tôi câu thơ
    Tôi nhớ thôn Đoài mây trắng lắm
    Em có bao giờ thương nhớ thương.
    Hôm tôi mở xích cho em trai đi theo mình, tôi đã suy nghĩ đến cạn kiệt cả đêm. Mẹ tôi nhìn theo anh em tôi đi, ánh mắt vừa lo âu vừa mừng rỡ. Hàng xóm ai cũng hỏi han ân cần, họ khuyên nhủ em tôi rất chân tình.Đưa em trai hoà nhập vào cuộc sống, tôi không dám chắc là thành công. Nhưng đó là cái tôi phải làm . Sẽ rất khó khăn, tôi vừa làm việc vừa trông chừng em mình, vừa hướng dẫn nó những thao tác đầu tiên trong công việc và từng câu nói với khách hàng. Nó đã 30, mọi cái đều phải tế nhị.
    Công việc của tôi nặng nề và gấp rút. Buổi đêm hai thái dương tôi cứ rần rật và đầu nhức nhối vì mọi thứ, hai bả vai tôi tê buốt. Tôi không kể cho mẹ tôi nghe đâu, tôi chưa hề bao giờ để cho mẹ tôi biết những gì tôi phải chịu đựng. Bao giờ trước mẹ, tôi luôn giữ nụ cười và sự sung mãn. Lần này cũng vậy, mấy hôm nữa tôi sẽ cùng với em trai tôi với về với vẻ hân hoan. Lạy giời nó đừng kể gì về công việc, từ bé nó chớm làm việc gì đã kể lể như xây núi Thái sơn . Tôi muốn mẹ tôi nghĩ rằng tôi làm việc nhàn nhã lắm, hãy để cho mẹ nghĩ vậy để mẹ yên lòng.
  9. Cobalt

    Cobalt Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    06/12/2002
    Bài viết:
    630
    Đã được thích:
    0
    Vài lời với Anh H một chút nhỉ ?
    Đọc những gì anh viết về Mẹ , những tình cảm anh dành cho Mẹ sao thấy yếu đuối ( đấy là cảm nhận của em thôi ) thế mà .....
    Mẹ_ là người thương anh nhiều đến vậy , là người mà đã mất hàng ngàn đêm vì anh và chắc chắn cũng sẽ là người muốn anh hạnh phúc , nhàn nhã , bình an . Vậy đáng lẽ ra Mẹ phải là người mà biết những gì mà con trai Mẹ đang trăn trở , những gì mà con trai Mẹ đang làm chứ anh . Và như vậy anh cũng thấy nhẹ lòng hơn cơ mà , khi nói được những lo lắng của anh về điều gì cũng được dù cho rất nhỏ nhặt là khi đó anh đã thoát ra được chính mình , thoát ra được những gì mà anh đang cố giấu . Nói với Mẹ chắc là cách tốt nhất và như vậy Mẹ và anh cũng sẽ gần nhau hơn rất nhiều phải không anh ?
    Trả lại Mẹ hàng ngàn đêm suy nghĩ bàng cách đó được đấy anh nhỉ ???
    Lời của một Nhóc con nhỏ tuổi hơn anh nhiều nhưng tự dưng muốn viết nên .... anh không bằng lòng cũng ... kệ anh .
    Một đêm nhớ, nhớ ra ta...vô hình
  10. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Chiều Sơn tây, trước mặt tôi là dãy Ba Vì mờ mờ trong làn sương chiều lan toả. Sương giăng khắp nơi, những cánh đồng rộng nhìn no nê con mắt. Không như Hà Nội bụi đầy đường, người xe chật ních, nhà cửa san sát. Sơn Tây không khí khá trong lành, tôi hít thật sâu những làn không khí trong sạch chưa bị nhuốm khói xe.
    Những khu phố trong thị xã còn in dáng dấp của một thị trấn thời Pháp, thanh bình, yên ả không náo động. Vài nhà trồng hoa giấy trước cửa, những chùm hoa giấy màu tím hồng trang điểm cho con phố mềm mại và thơ mộng. Ở khu thành cổ, con hào chứa nước bao quanh còn nguyên vẹn, đi trên chiếc cầu qua hào đến cổng thành cổ xưa, cây si già bao bọc rễ khắp cổng thành như muốn nhắn nhủ người đời lưu giữ một di tích lịch sử lâu đời.
    Công việc của tôi đã hòm hòm, tôi đã cầm được 10 chữ ký xác nhận hoàn thành công việc trong 11 điểm rải rác từ Phúc Thọ lên đến Ba vì. Cô gái người Sơn Tây chủ nhà định rủ tôi đi dự đám cưới bạn cô ấy, tôi muốn đi xem đám cưới ở đây như thế nào , những đám cưới ở vùng quê thường có không khí của một ngày vui hơn ở thành phố. Đám cưới thành phố mang tính thủ tục và phép xã giao, mọi người đến dự , đưa phong bì và về. Cười một kiểu, nói một kiểu, đầy khuôn sáo cứng nhắc, kể cả lời của chủ hôn cũng vậy. Những đám cưới ở vùng quê thực sự là ngày hội, người ta rủ nhau đi làm giúp từ hôm trước, đám con trai cử người khéo tay vẽ trang trí, cắt hình cây dừa , đôi trai gái, chim bồ câu, đám con gái tay áo xắn cao, tất bật mổ gà, vặt lông, thái su hào làm nộm. Các bà già thì ngồi têm trầu, những ông cụ chỉnh sửa ban thờ. Đàn ông trung niên thì quát luôn miệng , kê bàn ghế chỗ này, dọn đống rác chỗ kia.
    Nhưng rút cục thì tôi cũng không đi được vì nhiều lẽ, ánh mắt cô gái cô vẻ buồn. Tối nay tôi về Hà Nội, bà mẹ giữ tôi lại ăn cơm với nhà bà tối nay để chia tay. Thật là những mến khách, tôi không thể ở lại được, tôi ra về những tấm lòng của những bà mẹ, ông bố , cô gái người Sơn Tây còn đọng lại ngọt ngào trong tôi

Chia sẻ trang này