1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

đi tìm thương nhớ

Chủ đề trong '7X Đà Nẵng' bởi nguoicuoicung, 08/03/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Khi những ngọn mạ trong cánh ruộng nằm dưới thung lũng bắt đầu bén rễ lên màu xanh non . Loại hoa dại có năm cánh màu trắng nhuỵ vàng đang lác đác rụng cánh, người dân ở đây bảo , khi nào loài hoa này rụng cánh, mùa xuân sẽ đến. Trên hàng dây điện được căng trên mấy thân cây, lũ én đuôi dài lướt thướt đậu đen kịt, cái đuôi dài thoắt cái vểnh lên, thoắt cái hạ xuống như phim hoạt hình. Người ta vào rừng để lấy lá về gói bánh, phụ nữ thì đốt rơm lấy tro, ngâm nước tro, ngâm gạo để làm bánh. Bánh tro ở đây họ để nguyên cả hạt gạo không xay lọc mịn như bánh tro dưới xuôi, chấm với mật ong rừng. Cũng bánh chưng xanh, hũ kiệu , hành. Những câu đối đỏ viết bằng tiếng quốc ngữ, in trên giấy bán ở phiên chợ rất đắt hàng. Đa phần họ mua về lấy cái màu sắc Tết chứ ít người hiểu hoàn chỉnh ý tứ của vế đối.
    Chiều 30 khi những làn khói từ mái nhà lợp bằng các miếng gỗ len lỏi toả vào không trung, trên rặng núi trùng trùng , điệp điệp chạy dài ngút mắt sương , mây mù ngùn ngụt. Tiếng gà bị bắt để thịt kêu quang quác. Cô gái người dân tộc trùm cái khăn vuông mới có thêu riềm đỏ ngồi vấn cái xà cạp ở bắp chân chuẩn bị cho tối đón xuân, hai má bầu bĩnh, ửng hồng cúi mặt dấu nụ cười bẽn lẽn vì đang nghĩ đến điều gì làm cô thẹn.
    Hắn nhìn mùa xuân đang đến trên mảnh đất heo hút này, ở nhà mẹ hắn đang làm gì. Hồi bố còn sống, mẹ đãi đỗ, vo gạo để bố gói bánh. Hắn ngồi xem bố gói bánh, rồi bố hắn sẽ bớt ít gạo, đỗ thịt để gói cho hắn một cái bánh nhỏ. Trước hôm 30 , mẹ hắn cọ rửa nhà, đánh bóng cái sập gụ và tủ chè, hắn bê cái đỉnh đồng xuống sân, lấy cát kỳ cọ đến khi nước đồng đỏ au, bóng loáng. Bố hắn cứ đùa trêu là con sư tử trên nắp đỉnh đồng bằng vàng, bán đi cả đời ăn không hết. Hắn cứ nghĩ là thật nên lúc cọ con sư tử rất nhẹ nhàng. Lúc xem bố gói bánh chăm chú, bố hắn bảo " con phải học để mai kia bố mát còn gói được, chứ ngày Tết mà đi thuê gói thì mất hẳn vị tết đi "
    Bây giờ không còn bố, mẹ sẽ mua bánh chưng ngoài chợ, mẹ già yếu, chắc chỉ đủ sức lau dọn ban thờ. Thế nào mẹ hắn cũng khóc vì nhớ hắn, ngay lúc này khi mà hắn ngồi vật vờ trên hòn đá xanh ven đường đất , sỏi lổm ngổm. Hắn lấy mảnh đá sắc đầu, vạch xuống đất câu thơ vừa nghĩ
    Con sẽ về thôi mẹ thương ơi
    Dầu cho cách trở một phương trời
    Hôm nay lỡ bước đời lưu lạc
    Trăm đắng phần con, vạn xót lòng người
    Con sẽ về thôi mẹ thương ơi
    Để bữa chiều nay rộn tiếng cười
    Mẹ nấu canh gì sao ngon thế
    Dền, mướp hay là ngót, mùng tơi
    Con sẽ về thôi mẹ thương ơi
    Gian nan mới thấu hiểu lòng người
    Ở đây vách núi đầy sương giá
    Sao bằng tiếng mẹ thưở ầu ơi
    Bao giờ mình sẽ về ? Hắn đã hỏi câu này hàng trăm ngàn lần, trong chiều thu cây nứa vàng thành từng vạt trên sườn núi, trong đêm đông giá buốt tiếng cú mèo rít thê lương, ai oán. Trong những sớm mùa xuân lũ chim hót ríu rít, đuổi nhau chao chác trên trời...
    Câu trả lời nằm sâu trong đất, hay đang bay trên tầng khí quyển, chẳng biết, nhưng điều biết chắc là có lúc hắn sẽ về cho dẫu là bao mùa xuân đi nữa

  2. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Lúc gian khó,hắn tự nhủ rằng mình sẽ vượt qua vì ngày mai tươi sáng hơn. Sau này khi đã qua những ngày ấy, mỗi khi gặp khó khăn hẵn lại lên dây cót , chẳng sao cả, mình đã sống những lúc khó khăn hơn bây giờ.
    Con người vốn dĩ luôn tìm cho mình một nguồn an ủi hay động viên nào để vượt qua khó khăn. Và lấy chính mình ra làm hy vọng cho mình tốt hơn là lấy người khác. Như thế sẽ chẳng bao giờ thất vọng, chẳng bao giờ mất niềm tin vào người khác.
    Cô bạn Anh hùng xa lo chắc đã sang Tàu rồi. Không biết sang đấy có mò được vào đây không. Nếu có thì thỉnh thoảng làm vài bài em gái nhé.
  3. dongsuoi

    dongsuoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/06/2003
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Những bài viết quá hay. Cũng muốn viết 1 cái gì đó cho bớt cái cảnh độc thoại độc diễn này mà chưa thể. Nhưng độc diễn cũng có cái hay của nó, 1 cách viết, 1 giọng văn, những câu chuyện ... Chợt mỉm cười và thầm bái phục cho cái ý tưởng sẽ độc diễn tới 200 trang mới thôi. Liệu có bao giờ mình làm được như thế này không nhỉ ?
    [blue]Bao giờ thong thả lên chơi Nguyệt - Nhớ hái cho xin nắm Lá Đa[/size=3][/blue]
  4. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Cái ngõ nhỏ ngoằn ngèo, bà béo lấy ông chồng làm công nhân lái cẩu trong một gian nhà chiều dài 5 m, chiều ngang 2,5m, cơi được cái gác xép, hai vợ chồng đẻ một lúc 7 đứa con, ban tối chúng nằm la liệt tưởng như không còn chỗ đặt chân. Chúng túa xua ra đường làm đủ mọi thứ. Bà béo xôi lạc buổi sáng, buổi chiều bán ốc mút, tối bán bánh rán. Đứa lớn nhất là con gái, nó khá đảm đang và tháo vát, nó hơn tôi hai tuổi. Nó thôi học lúc nào tôi không rõ, mẹ nó sắm cho nó một cái mẹt hàng quà văt, hàng ngày nó lê la ở các cổng trường học bán cho bọn trẻ con. Tiền nó thu về toàn tiền bằng nhôm, mỗi lần có bọn trẻ con gọi, nó bê mẹt hàng chạy đến, tiền xu trong túi cài kim băng kêu xủng xoẻng . Bọn tôi gọi nó là con Hạnh xèng, thằng em kế nó bằng tuổi tôi gọi là Phúc Trố , Phúc Trố được bố mua cho cái bơm xe đạp đứng đầu đường. Lúc bơm xe, cái cần bơm kéo đến tận cỏ nó, nó nhảy vọt lên lấy cả người đè cái cần xuống, mỗi lần như vậy là được một hơi, mỗi cái lốp bét cũng phải mươi lần nhảy như vậy. Có thằng bằng tuổi bọn tôi là An con nhà Bính, thằng An Bính mẹ làm cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm ở chợ Hàng Bè, bố nó lái xe com mang ca cho công an. An Bính thực sự là hung thần của bọn tôi, nó ngang nhiên cướp đồ chơi, lấy cái bơm xe đạp của thằng Phúc Trố hút nước cống rồi phun tung toé. Bố mẹ tôi là dân chạy ngoài, nên tôi sợ nó lắm. Đến thằng Phúc có bố làm nhà nước mà còn sợ nó nữa là tôi. Một lần mẹ tôi mau được tấm phiếu của ai đó, bảo tôi ra cửa hàng mẹ thằng An mua thịt, đúng hôm không có thịt chỉ có lòng, mẹ thằng An thấy tôi liền bán cho toàn là phổi với tiết. Mẹ tôi hỏi ai bán, tôi trả lời, mẹ tôi không nói gì nữa, đem phổi kho nhạt, còn tiết thì luộc.
    Tôi cả thằng Phúc chơi thân với nhau, bọn tôi nhảy tàu điện đi xuống chỗ nhà máy Cao- Xá -Lá. Chỗ ấy nhiều nha máy, lắm người đi xe đạp, cứ chặn ở Ngã Tư Sở là có khối người bơm xe. Tôi phải kêu gọi mãi Phúc mới dám vác bơm bỏ cái chỗ đầu ngõ đi. Một hôm bọn tôi kiếm được cũng khá, hai thằng quyết định mua một cây kiếm nhựa của Sài Gòn làm. Cây kiếm có hẳn cái vỏ màu vàng, có con rồng nổi. Chúng tôi thay nhau cầm ngắm ngiá và múa. Đến tối mang ra chỗ bốt điện khoe với bọn trẻ hàng xóm, thằng An bính bắt Phúc đưa nó xem, rồi nó cầm đi thẳng về nhà. Phúc im re, còn tôi chạy theo thằng An xin lại. Tôi trình bày cây kiếm là do hai thằng chung nhau , bơm xe có tiền mua được. Thằng An chửi tôi, rồi tiện tay nó rút luôn cây kiếm mà tôi cũng đổ mồ hôi ,chật vật mới mua nổi chém cho tôi một nhát vào đầu. Tôi không dám lầu bầu nữa, chẳng dám bám theo. Hôm sau tôi nhặt được thanh gỗ , bèn vót thành hình cây kiếm. Tôi chặt hai đoạn tre ngắn buộc ngang chỗ tay cầm để phân chia lưỡi kiếm và chuôi kiếm.Lại lấy phấn vàng tô lên, thế là tôi cũng vẫn có cây kiếm để chơi. Tối đến lại ra bốt điện , gặp thằng An Bính, nó giật lấy cái kiếm gỗ của tôi, xem một lúc, nó bảo kiếm giả, nó chúc mũi kiếm xuống đất rồi lấy chân dận mạnh. Cây kiếm gỗ gẫy làm đôi. Tôi nhặt đoạn gãy đằng đầu lên, đột ngột đâm mạnh vào bụng nó. Tôi không bao giờ nghĩ mình dám làm như vậy với nó. Trong nhà bố mẹ tôi gọi tôi là thằng đồng cô vì tôi hay chơi đồ hàng với bọn con gái. Thằng An bị đâm vào bụng ngã ngửa, tôi đạp vào người nó mấy cái nữa, rồi cúi xuống dấm vào mặt nó túi bụi. Người lớn kéo tôi ra, thằng An máu mồm đỏ loè. Nó chạy về nàh một lúc thì bố nó dẫn nó đến nhà tôi, trước mặt bố mẹ tôi, tôi chưa kịp trình bày gì, bố nó tát tôi một cái như sét đánh làm tôi ngã quay lơ. Mẹ tôi ôm tôi vào lòng. Bố thằng An chỉ mặt bố mẹ tôi bảo không dạy được con thì liệu hồn. Bố mẹ tôi im thin thít, lát sau bố con nó về, bố tôi lôi tôi ra vụt cho một trận vì chơi với con nhà ấy. Tôi đau vì đòn bố đánh, nhưng tôi thấy bất công quá, tôi có chơi với nó đâu. Nhưng người lớn còn bận tối mắt tối mũi vì cơm gạo, họ không có thời gian để nghe tôi thanh minh.
  5. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Một lần mẹ sai tôi ra bách hoá 12 Bờ Hồ, cái chỗ có toàn nhà cao tầng Hàm cá mập bây giờ mua bấc cho bếp dầu. Tôi mua bấc xong leo lên tầng 2. Trên đó bán đồ chơi trẻ em. Có rất nhiều bóng, bóng nhựa màu xanh đỏ, vằn vện và cả bóng cao su to. Nhất là đôi vợt đánh bóng bàn và cầu lông. Trông chúng thật xinh xắn. Nhưng cái vợt bóng bát loại có gai trên mặt bằng kếp xanh rẻ hơn loại dày cộp mặt mịn. Bọn tôi ở nhà chỉ đủ tiền mua quả bóng bàn, lấy hè đường làm bàn. Dựng mấy viên gạch làm lưới, còn vợt là những cái bảng đen. Đánh cả ngày không chán, cũng tính séc đâu ra đấy. Mỗi khi quả bóng bị bẹp, tất nhiên là nó hay bẹp, vì cái vợt bằng bảng học sinh vỡ lòng chứ không phải là cái vợt dán lớp cao su. Chúng tôi thả quả bóng vào nước sôi, lát sau chỗ bẹp phồng lên, nhưng vẫn còn hằn cái vết bẹp. Mỗi lần đánh ,bóng nhảy tưng tưng rồi bất chợt ngoặt ngang, ngoặt dọc không biết đường nào mà lần.
    Tôi nhìn hồi lâu để thoả mãn con mắt rồi đi xuống dưới, ngang qua cái đám đông xếp hàng chờ mua len. Bỗng một cô có cái túi xách to kéo tôi lại bảo.
    - Cháu ơi, cháu đứng vào đây xếp hàng mau len cho cô, mua xong cô sẽ cho cháu tiền.
    Tiền, gì chứ tiền là cái tôi rất quan tâm, vì có tiền sẽ mua được đồ chơi, cá chọi hay làm được cái bánh dày kẹp giò chả ở đầu chợ Hàng Bè mà mỗi lần đi qua nhìn bày ngồn ngộn thấy nước bọt ứa ầm ầm. Tôi gật đầu ngay, không bỏ lỡ cơ hội.
    Hàng người nhích dần lên, người mua được xong đi ra ai cũng lau mồ hôi, thờ phào. Rồi họ ngắm nghía kỹ càng cái cuộn len trước khi cho vào túi xách. Cô chủ thuê tôi thỉnh thoảng ngoài đầu lại nhìn tôi cười động viên. Trông cô rất hiền lành, cô mặc cái áo cánh pha sơ mi. Bây giờ tôi gọi nó là áo cánh pha sơ mi, chứ hồi ấy tôi chả biết gọi nó là gì, cái quần lụa đen. Hầu hềt các bà các cô đều mặc nhu vậy. Nói chung thì cô không ghê gớm như đài báo hay mô tả về bọn gian thương, phe phẩy , đầu cơ tích trữ. Không phải vì tiền mà cô ấy trả cho tôi mà tôi nghĩ tốt cô ấy, quả thực cô ấy tử tế hơn lão tổ trưởng dân phố suốt ngày rình rập xem nhà hàng xóm ăn cơm với gì, khách khứa vào nhà làm gì, bọn trẻ con nhà nào hôm nay ra mậu dịch hoa quả ( gọi là hoa quả chứ toàn bán rau muống , bí đao mà thôi) thụt được quả bí , mớ rau. Động một tí là lão ấy họp tổ dân phố, rồi phê phán nhà này thế nọ, nhà kia thế kia. Nhà nào bị lão ấy nói, cứ phải cúi mặt vâng dạ và xin nhận khuyết điểm, hứa hẹn sửa chữa, mọi người sợ lão hơn cả bậc đẻ ra mình, lão ấy có những cái mảnh giấy dài gang tay, rộng khoảng mười phân, đoạn cuối cắt chéo góc thành hình đuôi cá. Đấy là cái giấy chứng nhận vệ sinh gia đình dán trước cửa loại tốt, loại khá, loại trung bình . Lão lùng sục vào bất cứ nhà nào, chúi mũi vào tận chuồng xí hai ngăn, mở chạn ngó, giở vung nhìn để kiểm tra vệ sinh. Và chính lão ấy hay bắt mọi người tối ngồi họp để lão đọc báo phê phán , vạch mặt bọn gian thương, thủ đoạn nhan hiểm lũng đoạn thị trường, hút máu hút mủ của nhân dân.
    Sắp đến lượt tôi, cô phe ấy đưa cho tôi tiền. Tôi vươn người lên cái mặt bàn kính đưa tiền cho cô mậu dịch viên nhận lấy ba cuộn len. Cô phe chờ bên ngoài nhận xong ba cuộn len, cho tôi số tiền đủ mua đến hai cái bánh dầy kẹp giò hay 3 con cá chọi.
    Mấy hôm sau tôi vật vờ ở chỗ đó đợi cô phe ,nhưng không thấy. Một hôm tôi gặo cô đầu ngõ, cô ấy vẫn nhận ra tôi. Tôi hỏi cô không mua hàng ở mậu dịch nữa à? Cô lắc đầu , cô ấy bảo. Bây giờ cô mua luôn của mấy cô mậu dịch viên, hàng nhiều hơn mà đỡ vất vả. Cô dắt xe đi vào cái số nhà rất đông hộ, lát sau đi ra, đằng sau cái xe đạp Pha Vô Lít là một bọc to kín mít. Tôi chợt nghĩ đến nhà ông tổ trưởng dân phố trong số nhà đó và vợ ông là nhân viên mậu dịch ở của hàng 12 Bờ Hồ
  6. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Em Dòng Suối xỏ xiên anh hay sao ? Hôm ấy anh lỡ miệng nói vậy, chứ làm sao mà viết được 200 trang. Anh định chỉ 20 trang là chào vĩnh biệt cái topic nhảm nhí này thôi. Còn để thời gian đi kiếm tiền lo cho vợ con sau này đã.
    Bỗng dưng một tối, cả ngõ xôn xao hướng về phía nhà thằng An Bính. Tôi chạy len lỏi vào giữa đám đông, thấy có nhiều công an, và cả xe ô tô nữa. Lão tổ trưởng dân phố đứng cạnh chú công an hộ tịch nhìn những người công an đang khệ nệ bê từng đống lốp xe đạp từ nhà thằng An Bính ra. Họ vần những khuân làm lốp bằng gang, tay quay , giá ép lực lên xe ô tô. Kiểu này là khám nhà rồi, cái này thì tôi nhìn qua đoán được ngay, vì nhà tôi tính ra đến lúc đó cũng bị khám ba bốn lần. Cứ công an hộ tịch, tổ trưởng dân phố, một vị công chức về hưu đứng giữa nhà, xung quanh là công an, không phải là khám nhà, bắt người thì là cái gì nữa. Mấy vị mà tôi quen mặt kia là những người làm chứng. Cái ngõ này như những cái ngõ khác của Hà Nội thôi, bình thường là bạn bè, qua lại thân nhau lắm. Nhưng khi chính quyền động vào nhà nào, thì nhà kia mặt lạnh tanh đứng ra làm chứng ông hàng xóm tri kỷ ngay. Dạo bố tôi sản xuất đồ nhựa , mấy người hàng xóm thỉnh thoảng sang vay hàng rá gạo hay mớ tiền, rồi họ lờ đi và bản thân bố tôi cũng lờ đi. Bố đôi khi thấy bà hàng xóm kêu khổ còn dúi cho mấy tờ một đồng đỏ chót nữa. Thế mà từ khi bố tôi bị bắt đi, những người ấy thấy chúng tôi còn bĩu môi khinh bỉ là con nhà không có người dạy. Về sau , tôi nghĩ đến câu này thấy đúng thật, tôi là con nhà không ai dạy, vì người thân sinh ra tôi, cần dạy tôi thì lại được nhà nước cho vào tù để dạy về hành chính, về sản xuất, kinh doanh rồi còn đâu. Nhỡ khi lúc đó có ai dạy tôi thì không biết bây giờ tôi thế nào nhỉ? Tôi sẽ ngồi trong nhà hàng K a Rao Ke ôm mấy cô tiếp viên sinh năm 85 hay 86 da trắng hồng hào sờ cái gì cũng rắn đanh, nốc Heneken thưởng thức lạc thú ở đời chứ không đau đầu nghĩ cách xoay tiền hay rách việc ngồi viết linh tinh ở TTVN này.
    Thì ra ông Bính làm lốp rởm, kèm theo cái tội ăn cắp điện. Mọi khi ông ấy oai lắm, vì ông ấy lái xe com mang ca cho công an, lại có ông em họ nào đấy cũng làm công an. Chả thế mà bố mẹ tôi sợ ông ấy chết khiếp. Tôi nhìn thấy ông ấy bị còng tay, cầm cái bút khum khum ký vào biên bản, rồi cúi đầu ngượng ngâp bước lên xe. Mọi sự căm thù của tôi với ông ý biến mất khi bóng người ông ấy khuất sau cánh của ô tô, cả cái tát mạnh hôm nào làm tôi quay như con niềng niễng, sưng cả nửa mặt mấy hôm liền không còn nữa. Ông ấy cũng đi như bố tôi mà.
    Tôi và thằng An trở nên thân với nhau, nó học cùng tôi từ vỡ lòng cho đến năm lớp ba. Nó bị đúp , tôi nhớ câu văn bất hủ của nó trong bài tập làm văn tả con mèo
    Mèo nhà em đậu trên sân phượng
    Hay câu trả lời khi kể tác dụng của trời mưa
    Trời mưa có ích lợi cầm chổi quen sân cho sạch
    Tuy không học cùng, nhưng khi về nhà chơi gì tôi cũng chơi cùng nó. Một hôm nó và tôi trèo cây bàng ở trước cửa tổ phục vụ bán nước sôi của phường. Bị chú công an khu đó gọi xuống, chú ấy hỏi tôi con nhà ai, sau đó hỏi thằng An con nhà ai. Khi thằng An trả lời dứt, chú ấy chỉ mặt nó nghiến răng
    - tao bảo cho mày biết, ****** còn ở trong tù đấy
    Xong chú tống cổ cả hai thằng vào nhà kho của công an phường. An Bính nhìn chú công an khép nép, nó khóc như ri. Chú công an quát im rồi sập mạnh cửa.
    Trong nhà kho chúng tôi thấy có bộ bàn ghế và những ấm chén, chắc của bà hàng nước nào bị tịch thu. Một dãy lọ trống không, duy nhất có một lọ đựng bột, tôi thò tay vào đống bột ấy khoắng thử, thế nào rút ra được ba cái kẹo bột. Thằng An thấy cái kẹo hết nước mắt ngay, nó đút tọt một cái vào mồm nhai rau ráu. ăn kẹo xong bọn tôi ngồi tính xem bao giờ được thả, tôi bảo là cùng lắm là đến tối, bọn tôi đoán họ sẽ mách gia đình, báo cho nhà trường. Tôi thì chả sợ gì mấy chuyện ấy, mẹ tôi không đánh tôi bao giờ, còn nhà trường có không cho tôi học càng tốt. Tôi thích ở nhà để đi xếp hàng thuê hoặc bơm xe đạp có tiền hơn, thằng An không sợ nữa, cũng phải thôi, vì bây giờ nó cũng là con nhà không có người dạy như tôi
  7. dongsuoi

    dongsuoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/06/2003
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hì hì ... Bác nguoicuoicung cứ nhầm nhọt thế nào. Gan em làm gì to bằng trời mà dám xỏ xiên bác. Mà em có lỡ dại làm thế chắc bác cũng chả để em yên.
    Thôi, bác đang có hứng thì bác cứ viết tiếp cho em theo hầu đọc bài bác với. Bác viết hay lắm.
    [blue]Bao giờ thong thả lên chơi Nguyệt - Nhớ hái cho xin nắm Lá Đa[/size=3][/blue]
  8. nore

    nore Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/01/2002
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    Đọc mấy bài gần đây của bác Nguoicuoicung, Nore lại nhớ tới năm ngoái đi làm xe buýt, có 1 ông gì cũng luống tuổi, chừng hơn 40 gì đó chuyên môn kể chuyện ngày xưa, chuyện thời bao cấp, mua gạo, mua dầu, mua tem phiếu thực phẩm... làm mấy đứa như Nore cứ há hốc mồm ra nghe.
    Mà sao bác lại chỉ định đến 20 trang thôi hả bác? Ý định 200 trang của bác thật là ... dũng cảm! Độc thoại thế này có cái hay với người đọc vì luôn được theo 1 mạch. Thú thật, em đọc như đọc truyện ấy.
    P/S : Bác nguoicuoicung chưa kể chuyện cháu Hiệp ra viện thế nào.
    Trời xanh thế... Đời xanh thế...
  9. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Đối diện với tôi là nhà thằng Thế hâm, nó bằng tuổi tôi. Lạ thật ,cái năm chúng tôi sinh ra là thời kỳ bom Mỹ đánh phá Hà nội ác liệt nhất. Thế mà cái lứa chúng tôi vẫn nhiều mới lạ chứ. Thế hâm hiền lành một cách đần độn, bọn tôi kháo nhau rằng hồi nhỏ nó không biết nói, mẹ nó cho nó nuốt đầu cá trê sống nên nó mới nói được như bây giờ. Thế hâm cao dong dỏng, mắt trố lờ đờ, hàng tóc mai mọc lung tung. Nhà nó là ở là một ngôi nhà to từ thời Pháp để lại, vì bố nó là cán bộ tiểu khu Hàng Tre nên được hưởng căn nhà đó của một gia đình tư sản đã vào Nam năm 54. Ngôi nhà 3 tầng khá cao, nó thường cho bọn tôi lên sân thượng để nhìn những dãy núi mờ mờ phía xa, dãy Tam Đảo trong mỗi chiều thu , ít mây, trời trong vắt, nắng dịu dễ nhìn thấy nhất, rặng núi mờ mờ đầy vẻ huyền bí do câu truyện Sơn tinh, Thuỷ Tinh hay thần Tản viên. Trên sân thượng này tôi kể cho các bạn mình câu truyện về một người thợ mộc được vời lên xây đền thờ trên đỉnh núi Tả viên, ngọn núi thắt quả bồng mà dân gian lưu truyền rằng chưa ai bao giờ đặt chân lên đó. Người thợ mộc được vời lên xây đền thờ khi ra về được rất nhiều vàng bạc kèm theo một lời dặn không được tiết lộ diều gì nơi đây, vị thần cho ông ta nuốt một cái lá nhịn như cây kim. Khi trở về làng mạc , nhiều năm sau ông ta không nhịn được đã kể về những hoa thơm, cỏ lạ cảnh vật nơi huyền bí đó. Kể xong ông ta chết tức thì, người khâm liệm thấy ở cổ ông ta bị xuyên thủng bởi một chiếc lá nhọn.
    Bọn trẻ nhìn về phía ngọn núi với lòng thành kính pha đôi chút sợ hãi. Trước khi kể câu chuyện naỳ, tôi vớ được một nắm lá thông, và vì nhìn thấy nắm lá thông tôi mới nghĩ đến việc kể cho các bạn câu chuyện này. Tôi ngắt lá thông nhọn hoắt đó ra những mẩu nhỏ , ngắn hơn cây kim bảo từng thằng nuốt, tôi nuốt cái đầu tên làm gương. Kèm theo lời dặn, thằng nào không nuốt thì xuống dưới bị ma vật hộc máu chết luôn, thằng nào nuốt thì bao giờ kể với ai mới bị chết. Đám bạn tôi đều nuốt cả. Khi nuốt lá thông hết xong, mấy đứa đều lộ vẻ lo lắng.
    Thế hâm đá bóng rất hay, nó là tiền vệ có những quả rê bóng rất khéo léo, còn thằng Phúc mi là tiền đạo cắm, tôi và An bính làm hậu vệ. Một hôm sau trận đá bóng, thằng Phúc mách tôi là thằng Thế đã kể chuyện núi Tản cho con Hương lác nghe. Tôi bóp cổ thằng Thế và bảo mày sẽ chết vì dám lộ chuyện của thần linh. Thằng Thế cười hềnh hệch, nó bảo bố nó nói, làm gì có thần linh. Tôi ức lắm, bảo sẽ không bao giờ kể chuyện gì cho nó. Lời đe doạ này làm nó hoảng, nó vội vàng xin lỗi và và hứa sẽ lấy xâu táo ở hàng bà nội nó cho tôi ( Bà nó bán quà vặt, lấy cái que tre xâu mươi quả táo lại bán cho trẻ con).
    Tôi ham đọc truyện, ngay từ năm lớp 2 ( chúng tôi học lớp vỡ lòng đầu tiên, rồi mới đến lớp 1, lớp 2) tôi đã nghiền xong gần hết tất cả các loại chuyện cổ tích như Ê Đê, Xơ dăng, Tày Nùng, Dao và Kho tàng cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, tiếp đến là truyện An Đéc Xen, Bêlôrutxia, thần thoại Hy Lạp, Nghìn lẻ một đêm.
    Buổi tối mất điện, bọn trẻ tụ tập ở bốt điện đầu ngõ nghe tôi kể chuyện. Đứa nào làm tôi phật ý, tôi sẽ bảo cả bọn đuổi nó ra không cho nghe. Tất cả lũ sẽ xúm vào đuổi đứa đó đi. Ngoài ra nhà đứa nào có gì ăn dược đều mang ra làm quà bồi dưỡng cho tôi như mẩu bánh đa, quả quít hay thỏi bánh dẻo không nhân nặn tròn hình ống như ngón tay
  10. nguoicuoicung

    nguoicuoicung Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/07/2002
    Bài viết:
    1.459
    Đã được thích:
    0
    Đầu năm nay, một tối lác đác mưa phùn,khi Hà Nội vừa hưởng xong không khí đón xuân , trên bàn thờ khối nhà vẫn còn dư vị Tết qua những cặp bánh chưng xanh, quả phật thủ và nải chuối , hộp mứt đặt trên bàn thờ. Tôi vừa đến cửa nhà thì thấy nhà trước cửa xôn xao người nói, bàn tán. Dựng xe tôi ngó vào nhà thằng Thế , gặp chị Bình nhà nó mếu máo bảo tôi,
    H.. ơi , thằng Thế mất rồi, em đèo chị vào viện mặc quần áo cho nó.
    Tôi đèo chị Bình vào bệnh viện, vợ thằng Thế đang ôm con khóc lả người đi, anh nó nhìn tôi nức nở
    H.. ơi nó đi rồi, em vào với nó đi.
    Tôi vào căn buồng vô trùng bằng tấm áo Blu mà cô y tá đưa cho, thằng bạn tôi nằm yên lặng, người nó vẫn mềm và nóng do cái máy tiếp hơi gì đó luồn vào mũi thổi phập phồng , mắt nó vẩn mở và đục hơn khi nó còn sống.
    Tôi và anh chị nó đưa nó về nhà , trong tiếng gào xé ruột , ai oán của vợ nó. Khi đặt nó lên chiếc phản mà những người ở nhà đã dọn sẵn, cô y tá đi cùng xe ô tô làm nhiệm vụ bóp bóng rút cái vòi trong lỗ mũi nó ra, chao ôi, cái vòi cắm mới sâu làm sao. Nó sâu đến vài gang tay tôi vậy. Ai đó bê chậu nước và cái khăn đặt dưới chân phản bảo tôi lau cho nó, người nào dục nhanh tay kẻo xác nó cứng lại. Tôi nhanh chóng cởi hết quần áo và lau người cho nó, rồi nhanh nhẹn mặc lấy dây gồng hết sức thít buộc bụng nó lại, mặc quần áo và xỏ tất, lúc xỏ găng tay cho Thế, tôi nhận thấy các ngón tay đã cứng dần, nó nhùng nhằng trong cái găng. Tôi thầm thì gọi
    Thế ơi ! tao đang mặc quần áo cho mày đây, để yên tao mặc cho, đi găng vào cho đỡ lạnh.
    Hình như các ngón tay trở nên dể luồn hơn, xỏ găng xong, tôi thấy vuốt mắt cho nó. Rồi lấy lược chải mái tóc bết chặt thành đường rẽ ngôi, tôi bảo chị nó tìm thỏi son . Tôi lấy son cẩn thận tô lên đôi môi nhợt trắng của Thế một màu hồng tươi trước khi nhét vào miệng nó mấy đồng xu trả tiền đò khi qua suối vàng.
    Khói hương nghi ngút cay xè mắt, khi đờ giấy bản đậy lên mặt nó, tôi thấy hai khoé mắt nó trào ra hai giọt nước, tôi lau đi và vỗ nhẹ lên vai nó mà chẳng nói gì.
    Trước đó vài năm mẹ nó thấy tôi về ngõ bảo;
    Mày chả bù cho thằng Thế nhà tao tí nào, nó dại lắm, chả biết cái gì.
    Tôi suýt nữa thì chắp tay lạy mẹ nó, tôi ca rằng;
    Con xin bác, khôn ngoan lắm thì oan trái nhiều, ai cũng bảo con khôn ngoan, lanh lợi. Mà bác nhìn con từ hồi cởi truồng đến giờ có lúc nào sướng đâu, thằng Thế nhà bác đâu phải bụi đời, vạ vật, biệt xứ như con, đâu phải .... Cứ như nó lại sướng, động cái gì cũng có người lo cho.
    Mẹ nó gật đầu
    Ừ , cái số mỗi người nó vậy thì biết nói làm sao được, mày có đứa nào giới thiệu cho nó với.
    Tôi tỉnh bơ, mặt phớt đời bảo mẹ nó
    Bác đưa 200 đây, để con dẫn nó đi
    Nghe câu ấy, mẹ nó trợn mắt ngạc nhiên
    - Giới thiệu thì cần gì tiền ?
    Tôi ôn tồn giảng giải cặn kẽ lý do
    - Như này bác ạ, thằng Thế nhà ta chưa tiếp xúc kiểu tình cảm với bạn gái bao giờ, chô nên cứ gặp cô nào mà bảo nói chuyện kiểu ấy ấy là nó ngượng. Đấy chị Bình đưa đến cho nó mấy cô, nó cứ chón biệt rồi bảo chị ấy là vớ vẩn đúng không bác ?
    Mẹ nó;
    - ừ đúng vậy, thằng này nó dát lắm
    Tôi vỗ đùi một cái rõ mạnh như tìm ra chân lý
    - Đấy bác thấy chưa, bây giờ muốn nó bạo dạn tiếp xúc cô nào, bác phải đưa tiền cho con dẫn nó đi tập huấn. Tập huấn xong rồi, nó sẽ thấy bạo dạn, không ngớp nữa, nó sẽ máu lên, nhỡ khi còn tấn công trước nữa chứ lại.
    Mẹ nó không nhịn được mắng tôi
    - Cha ******, vớ va vớ vẩn.
    Rồi sau đấy ít lâu, nhờ cái cậu bán sổ xố trước cửa nhà nó mai mối với con cháu ở quê. Nhà Thế tổ chức đám cưới nhanh như điện cho nó, báo hại tôi phải làm chân phục dịch cho thằng chú rể đù đờ xuống tận Nam Hà. Mấy hôm sau ngày cưới, tôi hỏi ấy nhau thế nào. cậu chàng vô tư kể hết rồi còn nhận xét
    - Tôi biết gì đâu, con kia nó hướng dẫn cho tôi hết

Chia sẻ trang này