1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

[Đi và viết] Lính và những chuyến đi...

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi GiangQD, 12/01/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0
    Kỳ 4: Vượt thác trở về



    Nơi con thác giữ nụ cười em lại

    Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình
    Tóc em đó như mùa màng gặt hái
    Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh…
    (TMH)


    Sáng sớm ngày cuối năm ấy, đám lữ khách rạo rực xuống thuyền với tâm hồn phơi phới mong ngóng được chiêm nghiệm nơi dòng Đà giang nhập tịch vào mảnh đất hình chữ S. Bầu trời cao xanh ngắt, mặt nước xanh màu ngọc bích soi bóng cánh rừng già đầu nguồn thăm thẳm. Những tia nắng mặt trời lấp lánh, nhảy nhót, phản chiếu trên mặt sóng tung bọt trắng xóa lên bờ thạch trận muôn hình kỳ thú được nước bào tạc qua cả ngàn năm….

    Nơi sông Đà vặn mình rung núi…

    Dòng sông vẫn cuộn chảy mặc cho đám du mục có mặt dưới bến với mỗi người một vẻ. Phượt cụ Du Gìa đã chuẩn bị cho cuộc viễn thủy này từ lâu nên xem bộ khá phấn khởi, tự tin. Gương mặt chữ điền bạc phếch vì nắng gió bụi trần của lão được ngụy trang khéo léo bởi cặp kính đen (nghe đâu là kính xịn) che đi đôi mắt thâm quầng, nham nhở vết chân chim do tác động của tuổi tác và nhiều đêm đổ rượu triền miên... Lão thuyền trưởng dày dặn “Tình xuồng” vẫn trầm tư, tập trung và suy tính như vậy cả 30 năm nay mỗi khi đặt chân xuống thuyền hạ thủy Đà giang. Quang già (võ sư Akido) dáng người nhỏ thó, mái tóc muối tiêu dường như ngày càng nhiều muối, ít tiêu loay hoay ôm cái túi máy ảnh to quá khổ và bộ ấm trà giữ nhiệt xuống thuyền với mong ước thật giản đơn là sẽ ngồi thưởng trà, hút thuốc rồi gẩy tàn thuốc, nhổ bã chè ở tận thượng nguồn dòng sông kỳ vỹ ấy. Thật là một giấc mơ bình dị của vị võ sư đã qua cái ngưỡng “tri thiên mệnh” tới nửa thập kỷ rồi. Hai tay “thợ ảnh dạo” Hải ĐT và Thành Jonh vừa khấp khởi vừa lo lắng cùng đống máy móc trị giá cả mấy chục ngàn Mỹ Kim. Có lẽ với nhị gia nhiếp ảnh này, đây là cơ hội hiếm hoi, quý báu để sử dụng đám đồ nghề đắt giá, để nheo mắt tới mờ mịt, ngắm tới mỏi cố, bấm đến tê tay cho những khoảnh khắc tuyệt đẹp ở miền đất tận cùng biên viễn này. Còn lại tay nhà báo quân đội có vẻ nhởn nhơ, chẳng biết hắn suy nghĩ gì nữa. Phải chăng hắn sung sướng được vượt Đà giang cùng những người anh em thân tình, được trải nghiệm một sự khám phá đặc biệt nhưng cũng suy nghĩ miên man về 2 người đồng nghiệp ở Đài PTTH Lai Châu và Xưởng phim Quân đội đã hy sinh khi tác nghiệp tại dòng sông ấy năm xưa…

    Tăng bo trên sóng

    Chiếc xuồng sắt tự chế gắn máy của đám thợ khai thác vàng được “Tình xuồng” huy động trông có vẻ hầm hố nhưng lại yếu đuối bởi khối động cơ uống dầu èo ọt công suất thấp. Có lẽ chiếc máy Diesel này thích hợp với việc dùng nổ bỏng ngô cho trẻ con hơn là đeo vào chiến thuyền để cưỡi sóng ngược Đà giang. Sau hồi khởi động phạch phạch cả chục phút, thuyền bắt đầu lướt nhẹ trên mặt nước sông xanh in bóng mây trời. Chúng tôi chui qua dưới cầu treo Kẻng Mỏ, không gian mở ra rộng bao la, gió sông thổi mát lạnh tâm hồn người lữ khách. Từ dưới lòng sông ngước mắt lên, chỉ thấy thấp thoáng trên cầu có lá cỏ đỏ sao vàng đang bay phấp phới. Xa xa mờ ảo có bóng dáng nhỏ bé của ngài trạm trưởng Trịnh Thế Gia đứng vịn vào thành cầu, ưu tư, lo lắng dõi mắt nhìn theo những kẻ ham chơi đang liều mình rong ruổi dưới sông hung dữ kia…Những mét nước đầu tiên nhẹ nhàng, thong thả, ai nấy đua nhau rút súng ống ra bắn “toạch, toạch” từ G10 thanh thoát của Du Gìa tới Nikon của Quang Gìa, Canon hoành tráng của hai nghệ sĩ…Hai bên bờ sông phủ xanh thẳm màu rừng già nguyên sinh, cánh rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu là lá chắn, là nguồn sống nuôi dưỡng, bảo vệ dòng sông và cuộc sống của hàng nghìn người mưu sinh với nó…Những cây cổ thủ cao ngất, rêu mốc, xù xì tỏa bóng xuống bên dưới là đám cây thấp, cây bụi, cây leo quấn quanh chằng chịt, ẩn hiện đâu đó có màu sắc sặc sỡ của một khóm lan rừng, một chùm hoa dại làm cho khung cảnh trở nên liêu trai, xưa cũ…

    Những đợt sóng nước đầu tiên của thác Kẻng Cớn làm con thuyền nhao lên rồi dập xuống khiến đoàn người chợt giật mình, bám chắc vào mạn vì nhớ ra rằng ta đang cưỡi lên sóng thác của dòng sông hung dữ bậc nhất Đông Dương. Tình “xuồng” tuy không cầm lái nhưng là người chỉ huy thuyền vẫn không quên quát lớn anh em chú ý, giữ chặt thuyền, dừng chụp ảnh khi qua thác…Tới thác Kẻng Mỏ (thác đầu tiên của sông Đà bên VN), có vẻ như sức lực của con thuyền không còn đủ để đưa người qua tới bên kia nên đành dừng lại. Chúng tôi tấp vào một bãi đá ven bờ có muôn vạn dáng hình, diện mạo lạ kỳ, bí ẩn. Trong lúc chờ “Tình xuồng” tìm phương án vượt thác, đám lữ khác tranh thủ khám phá những vách đá dị dạng, trơn bóng được nước sông gọt giũa qua bao mùa mưa nắng. Vốn chữ nghĩa ít ỏi của tôi chẳng đủ để miêu tả và khắc họa được những hình thù, kiểu cách mà Đà Giang đã tạo tạc lên đá bởi chúng quá lạ lẫm và trừu tượng. Hay có khi đó cũng là một thứ ngôn ngữ của tự nhiên, là câu chuyện tâm tình từ ngàn đời giữa dòng sông và núi đá mà có lẽ chỉ Đà giang mới hiểu nổi…

    Thật tình cờ và bất ngờ, giữa lúc buồn ngủ lại gặp chiếu manh. Trong khi đang loay hoay toan tính tìm cách vượt thác Kẻng Mỏ thì bỗng có mấy tay ngư phủ TQ mon men oánh cá trộm trên sông đi qua. Ngay lập tức thổ dân “Tình xuồng” phát sóng ngắn, bắt liên lạc với hai ông trên thuyền, yêu cầu dừng lại tra hỏi. Thỏa thuận cuối cùng được đặt ra là “thuyền cá TQ” sẽ chở mấy ông du lịch VN lên tới mốc 17.1 nếu không sẽ bắt chúng mày vì tội qua VN trục lợi thủy sản trái phép. Hai tay lái thuyền TQ cũng thật thà khai báo bằng thứ ngôn ngữ địa phương “su hào, củ cải, chiên xù, tái lăn,…” gì đó được dịch đại ý ra rằng: “thuyền em chở được nhưng hết dầu, các bác đợi ở đây để em phi về “bển” đổ dầu rồi quay lại đón…”. Qủa là bậc quân tử giữ lời, sau hồi đợi chờ tới ngót 1 giờ đồng hồ (có lẽ bọn này phi về tận Bắc Kinh để tiếp nhiên liệu), chiếc thuyền cá nước bạn ào ào phi tới đón chúng tôi vượt thác Kẻng Mỏ…9 con người (6 anh em, Tình xuồng và 2 lái thuyền TQ) quyết tâm lên thuyền. Khác với thuyền trước, chiếc này là chỉ to ngang chừng 80cm, dài khoảng 7 mét nhưng máy móc khủng hơn nên dư sức cưỡi sóng. Mới ngồi lên chưa đi mà thuyền đã chòng chành do chở quá đông, ai nấy đều căng thẳng pha chút sợ hãi nghĩ tới đoạn phía trước. “Tình xuồng” hoa tiêu cùng ông bạn ngoại quốc giữ máy phía đầu vừa điều khiển vừa không ngừng la hét anh em ngồi im, ngồi im…Lão Du Gia nhăn mặt quát tháo mấy tay thợ ảnh dừng ngay việc chụp chẹt nếu không muốn cả lũ xuống thủy cung du lịch…Để chắc ăn lão dặn anh em kỹ tới mức: “ko thằng nào được xì hơi lúc vượt thác nếu không lật thuyền là toi hết”…

    Cột mốc 17.1

    Cuối cùng, sau những giờ phút hồi hộp, lo âu, chúng tôi đặt chân tới bãi đá thượng nguồn dòng sông Đà hoang sơ, thơ mộng. Miên man dưới chân là hàng triệu viên đá cuội có đủ hình thù, màu sắc đặc biệt như chưa từng được thấy ở đâu. Quãng đường đi bộ lên mốc 17.1 bị gián đoạn bởi tất cả đều tranh thủ tháo tất, cởi mũ, bỏ khăn để buộc đá mang về. Sau khi leo qua đám cây bụi rậm rạp, đám du mục chạm tay vào tấm đá hoa cương mát mát lạnh được chạm dòng chữ Việt Nam – 17.1 – 2001. Cảm xúc bồi hồi khó tả.

    “Tình xuồng” thoáng một nụ cười mãn nguyện vì đưa được anh em tới mốc. Lão Du Gìa thảnh thơi phóng cặp mắt đeo kính đen ngòm nhìn sang phía nước bạn, đoạn rút một điếu Vina châm lửa, rít một hơi thật dài rồi chụm miệng nhả khói (chắc định nhả chữ “sông Đà” mà ko được). Võ sư Akido Quang Gìa nhẹ nhàng cởi túi xách lấy ấm trà giữ nhiệt trút vô nắp thưởng một ngụm nóng ran, thoáng trong hơi gió sông nghe thấy một tiếng “khà” thật thoải mái của kẻ lữ hành ngót 60 tuổi đời. Nhị gia nhiếp ảnh vẫn đang thi đấu tài năng bằng mọi góc độ, các loại súng mang theo, thỉnh thoảng lại dừng chụp nhìn vào màn hình, ngắm tác phẩm của mình rồi tự cười sung sướng... Ông nhà thơ Long Waves vội vã rút chiếc bút dạ kim thủ sẵn trong áo, cầm viên đá sông Đà lên ký đánh “roẹt roẹt” rồi vừa loay hoay giấu dưới bệ cột mốc vừa khẳng khái nói: “Lần sau nếu đứa nào lên đây mà ko cầm được viên đá ta giấu chỗ này thì coi như chưa đến…”. Tay nhà báo quân đội thẫn thờ một chút rồi bất chợt đứng nghiêm, dập gót giầy cộp một cái, đoạn đưa tay lên nghiêm ngắn chào theo kiểu nhà binh ở nơi cột mốc thiêng liêng này…Bất chợt trong đầu hắn vang lên câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

    Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển
    Để lòng em tìm lại thuở ban đầu
    Em đứng đó mây ven trời vô kể
    Để suốt đời anh mắc nợ với Lai Châu…

    Hết !


    ! [​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]




    [​IMG]


    [​IMG][​IMG]
    [​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
  2. ngogialinh

    ngogialinh Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/05/2007
    Bài viết:
    1.113
    Đã được thích:
    8
    Tôi nhận ra anh bạn Dugia rồi. Lâu ngày không gặp.
  3. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0

    XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ...



    Con biết không về thì mẹ chờ, em trông
    Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
    Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
    Không lẽ riêng mình êm ấm
    Mẹ ơi con xuân này vắng nhà….

    Ngày cùng, tháng tận. Xuân mới đã sang. Mọi người, mọi nhà mong quây quần, sum họp đón Tết yên vui, hạnh phúc. Mấy bữa nay, bạn bè, người thân gặp nhau ai cũng hỏi: “khi nào về tết”, “được nghỉ lâu không?”, “thưởng tết nhiều chứ?”…Lại nghe người nọ khoe nghỉ tết chục ngày, kẻ kia nói thưởng tết chục triệu, trăm triệu…Phố phường tấp nập, hàng hóa ngổn ngang, rượu bia tràn trề…Chưa tới chính Tết mà đã nghe người người hẹn nhau đi du lịch, rủ nhau đi hội hè, mua sắm tơi bời…Xuân sang, Tết đến đem niềm vui, sung túc, hạnh phúc cho nhiều nhà, muôn người…

    Có ai biết những ngày này có hàng trăm nghìn người lính vẫn căng sức, gồng mình hy sinh mọi ham muốn, tình yêu, những thú vui cuộc đời và giây phút đoàn tụ bên gia đình. Các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học…năm này nghỉ Tết 9 ngày còn với các đơn vị bộ đội khối chiến đấu phải trực 14 ngày với 90% quân số. Hàng vạn người lính chủ lực, biên phòng, ra đa, phòng không, không quân…vẫn đang dầm mình trong sương giá vùng cao, nắng cháy miền trung, nam bộ để canh đất, giữ trời, bảo vệ nhân dân. Hàng nghìn người lính hải quân đang lênh đênh trên tàu trực, nhà giàn, đảo chìm, đảo nổi, căng mắt, căng tim, căng óc, hứng sóng, đỡ gió, trông biển, quản thềm lục địa, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia…Mới nghe thông báo lại thấy chạnh lòng, chế độ thưởng tết với bộ đội khối chiến đấu như các anh chỉ là 100 nghìn – 350 nghìn đồng, có lẽ chẳng đủ để về nhà mua cho các con 2 bộ quần áo đón tết…Dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, những người lính ấy vẫn kiên trung, sắc son và hy sinh vô cùng cho một cuộc sống bình yên, tốt đẹp.

    Chẳng có gì để chia sẻ với các anh! Chỉ xin gửi đến mọi người câu chuyện hình ảnh về những người đồng đội của tôi vẫn đang làm nhiệm vụ ngoài kia…như một lời chúc xuân an lành, hạnh phúc!

    Ba năm trấn thủ lưu đồn
    Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
    Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
    Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.

    [​IMG]




    [​IMG]
    [​IMG]

    những người lính chủ lực của T82, Quân khu 2 bảo vệ 6 tỉnh Tây Bắc
    [​IMG]

    sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi, mọi nhiệm vụ
    [​IMG]

    yêu súng như con
    [​IMG]

    băng giá hay hiểm nguy không cản bước chân các anh
    [​IMG]
    [​IMG]

    đồn là nhà, biên giới là quê hương ...
    [​IMG]

    vượt sông đến với dân
    [​IMG]

    trực tàu phóng lôi tên lửa Vùng 3 Hải Quân
    [​IMG]

    làm nhiệm vụ trên Tàu TiTan Lữ đoàn 125 anh hùng
    [​IMG]

    thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm
    [​IMG]

    máy trưởng Tàu TiTan kiểm tra buồng máy động cơ công suất lớn nhất của hải quân VN 16000CV
    [​IMG]

    đảo chìm
    [​IMG]

    biển ầm ào, con sóng dữ dội đánh vào bờ kè đá. Người lính hải quân nhỏ bé vẫn hiên ngang trước biển bao la. trước mắt anh là trùng khơi xa tít tắp, trong tim anh là quê hương...
    [​IMG]

    biển là nhà, đảo là quê hương ...
    [​IMG]

    bên tháp 12l7 canh trời, canh đảo Sinh Tồn
    [​IMG]

    luyện tập trên đảo Song Tử Tây
    [​IMG]

    nụ cười người lính trẻ bên trạm gác đảo Trường Sa Lớn ngày biển động
    [​IMG]

    tàu ở Trường Sa
    [​IMG]
    [​IMG]

    phút đời thường
    [​IMG]

    làm đồ ăn
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Cậu bé sau này có trở thành một người lính hải quân bảo vệ Trường Sa...?
  4. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0

    NỖI ĐAU BOM MÌN...



    37 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, hàng trăm nghìn tấn bom, mìn, vật nổ vẫn ẩn chìm trong lòng đất đã gây tử vong cho hơn 42.000 người và gần 63.000 người khác bị thương, 20 % diện tích cả nước vẫn ô nhiễm bởi bom đạn chiến tranh…Cả hệ thống chính trị, các tổ chức phi chính phủ và người dân đã chung tay với mọi nỗ lực để rà phá, tiêu hủy bom, mìn còn sót lại nhưng đó vẫn là một “cuộc chiến” vô cùng cam go và dài hơi khi mà có những địa phương như tỉnh Quảng Trị được dự đoán sẽ cần ngót 170 năm nữa để làm sạch đất đai…



    Bom vẫn nổ giữa ngày hòa bình…



    Những ngày đầu xuân năm 2012, chúng tôi theo chân bộ đội công binh đi thực tế tình hình thực hiện Chương trình 504 của Chính phủ tại các tỉnh miền Trung. (Quyết định 504 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-4-2010 phê duyệt Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 là một kế hoạch hành động mạnh mẽ và cụ thể…). Có mặt tại thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thương (53 tuổi), một nạn nhân của bom mìn từ cách đây 34 năm. Năm 1978, cậu học sinh lớp 8 Nguyễn Văn Thương đi tham gia trồng cây trong lễ phát động của nhà trường đã cuốc phải mìn và từ đó mất đi bàn tay trái và một con mắt cùng với vô số mảnh kim loại găm giữ trong người…Suốt 1/3 thế kỷ qua, ông Thương mang thương tật đó và cố gắng làm lụng để cùng vợ mưu sinh nuôi 3 người con khôn lớn… Cuộc sống thật vất vả với người nông dân không còn đủ cơ thể vẹn nguyên và mỗi tháng chỉ có 180 nghìn đồng tiền trợ cấp cho người tàn tật…Theo ông Trần Đức A, Chủ tịch xã Thế Long thì toàn xã rộng hơn 2.750 héc-ta thì trước đây đã từng có tới 12 đầu mối đơn vị quân sự của Mỹ-Ngụy chiếm đóng, cùng với bom đạn rải từ máy may khiến cho cơ bản bề mặt đất của xã đều bị ô nhiễm…



    Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Ngãi cho biết rằng, từ năm 1975 đến 2006 toàn tỉnh đã có gần 1.400 người chết và hơn 1.500 người bị thương do tai nạn bom mìn (bình quân mỗi năm 41 người chết, 50 người bị thương). Gần 40% diện tích tỉnh Quảng Ngãi, tương đương hơn 232.450 héc-ta bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, trong đó hơn 97% số xã bị nhiễm bom phá và bom bi là một trong số những chủng loại gây nổ nguy hiểm nhất. Còn với tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo Đại tá Trần Đình Phòng, phụ trách Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, hơn 170.400 hec-ta (chiếm 35%) với 97% số xã của tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Trong đó tỷ lệ ô nhiễm cao nhất là huyện A Lưới với hơn 64.800 hec-ta, chiếm gần ½ diện tích ô nhiễm toàn tỉnh.



    Quảng Trị trắng bom mìn…



    Đứng trước tấm bản đồ ném bom của Mỹ ở tỉnh Quảng Trị chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi nhận thấy gần như toàn bộ diện tích của tỉnh bị nhấn chìm trong trong chấm biểu thị bom. Tôi còn nhớ lời một đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nói cách đây vài năm rằng, tỉnh Quảng Trị là địa phương trắng về bom, mìn, vật nổ và toàn bộ 15 cen-ti-mét bề mặt đất trên cùng của Quảng Trị đều được làm lại từ bom, đạn…Trung tá Lê Mạnh Hùng, Trưởng ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh) cho biết, trong chiến trang, Mỹ thiết lập hàng rào điện tử tại Quảng Trị với đủ các loại mìn, pháo, đạn và đã hủy diệt 435/446 ngôi làng (chỉ còn sót lại 11 ngôi làng) của toàn tỉnh. Trong trận đánh Khe Sanh, Mỹ đã thực hiện hơn 8.000 chuyến bay thả hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại… Chỉ riêng trong 81 ngày đêm ác liệt giữ thành cổ Quảng Trị, mỗi ngày mảnh đất bé nhỏ này đã hứng chịu đến 4.000 tấn bom và hàng nghìn quả đại bác, đạn pháo. Trong thời gian đó, Mỹ đã ném xuống Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn, có sức công phá tương đương 7 lần quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hi-rô-si-ma của Nhật Bản.



    Theo kết quả điều tra từ năm 1975 đến 2010, tỉnh Quảng Trị đã có gần 2.700 người chết, hơn 4.600 người bị thương (chiếm 1,1% dân số tỉnh) do tai nạn bom, mìn, vật nổ và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Trong đó, giai đoạn 5 năm đầu sau chiến tranh (1975 – 1979) số vụ tai nạn bom mìn chiếm tới hơn 46% với 3.200 vụ. Tại Quảng Trị 100% xã phường, thị trấn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Ngay sau khi chiến trang kết thúc, chính quyền địa phương đã mở chiến dịch tháo gỡ bom mìn trên toàn tỉnh, huy động tới gần 3.000 người tham gia rà phá trên diện tích khoảng 7 triệu mét vuông, thảo gỡ và phá hủy hơn 113.200 quả bom, mìn các loại. Tuy nhiên đây là cuộc chiến đấu sinh gian khổ khi mà có những thời điểm mỗi ngày hy sinh từ 15-17 người…



    Điều tra tới năm 2008 vẫn còn gần 400.000 héc-ta/461.300 hec-ta bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Theo Trung tá Lê Mạnh Hùng, nếu tiến hành với tốc độ rà phá như 3 năm gần đây, mỗi năm khoảng 2.300-2.500 héc-ta (mỗi héc-ta tốn khoảng 30 triệu đồng) thì tỉnh Quảng Trị cần tới 165 năm và 11.550 tỉ đồng để làm sạch toàn bộ đất đai…





    Nỗi đau không vẹn nguyên



    Tại thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi gặp ông Nguyễn Tài (67 tuổi) đang vác cuốc từ ngoài đồng về. Người đàn ông xứ Quảng ngót đến tuổi “xưa nay hiếm” có dáng đi không thẳng được vì một bên là chiếc chân giả gắn tới đầu gối. Ông Tài bị đạp phải mìn tháng 4-1977 khi đang phục vụ đội rà phá bom mìn tại địa phương. Ông nói rằng, vụ nổ hôm đó khiến 3 người chết, 7 người bị thương và ông vẫn còn may mắn khi chỉ mất một chân và bị một số mảnh đạn găm vào cơ thể…Sau tai nạn, mặc dù khuyết tật nhưng ông Tài vẫn nỗ lực, vượt lên số phận để làm lụng nuôi 7 người con ăn học, trưởng thành. Bây giờ dù không còn trẻ nhưng ông vẫn ngày ngày đi làm đồng, chăn nuôi bò, heo để có tiền cho 2 người con đang học đại học và lớp 12…



    Đến thị trấn Krông Kla, huyện Đắc Krông, Quảng Trị, chúng tôi tới gia đình anh Hồ Văn Nguyên (dân tộc Vân Kiều), một nạn nhân tử vong các hđây 3 năm vì đi làm rẫy cuốc phải mìn. Anh Nguyên mất đi để lại người vợ và năm đứa con cùng bố mẹ già 80 tuổi. Gánh nặng gia đình trút cả lên đôi vai chị Hồ Thị Xuân vợ anh khi chị phải tần tảo làm đủ mọi việc mà vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và cho các con tấm áo quần lành lặn… Hay có những hoàn cảnh khác như anh Võ Đức Quốc, 50 tuổi, xóm Phú Hạ, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tai nạn bom mìn khi làm vườn năm 1986. Khi ấy chàng trai trẻ Võ Đức Quốc vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê tham gia sản xuất vậy mà vụ nổ đã khiến anh cụt chân phải, tay phải, mù mắt phải và bị thần kinh từ đó đến nay. Mấy chục năm qua anh Quốc sống trong tình trạng hoang dại, không kiểm soát hành vi để mẹ già và các chị gái phải khổ sở trông nom, nuôi dưỡng…



    Hơn 30 năm qua, Chính phủ, Bộ Quốc phòng cùng nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân đã tham gia tích cực việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Nhưng thực tế số lượng bom đạn còn sót lại sau chiến tranh là hàng trăm nghìn tấn, nằm rải rác trên mọi địa hình ở tất cả các tỉnh, thành phố của cả nước. Diện tích ô nhiễm bom mìn lên đến 66.000 km2, trong đó có tới 4,3.000 km2 phải bỏ hoang do ô nhiễm nặng. Phần diện tích đất đai được làm sạch chỉ là một phần rất nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, với nguồn lực hiện có, Việt Nam phải mất hàng trăm năm nữa và tiêu tốn khoảng 10 tỉ USD mới có thể dọn sạch bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Chúng ta sẽ cần sự quyết liệt, đầu tư hơn nữa của Chính phủ, sự chung tay của mọi tổ chức, cá nhân và đặc biệt chính là sự nâng cao nhận thức của mỗi người dân để bảo vệ bản thân và gia đình để không còn phải nghe những tiếng bom nổ giữa thời bình…



    [​IMG]

    [​IMG]vợ chồng già người Vân Kiều đau xót mất đi người con trai độc nhất vì bom mìn

    [​IMG]hiểm họa trong lòng đất[​IMG]người đàn ông này mất chân, tay, mắt và bị thần kinh vì bom mìn[​IMG]34 năm trước, tại đây ông Thương đã mất một tay và một con mắt...
    [​IMG]

    gần 70 tuổi, ông Tài vẫn ngày ngày ra đồng mưu sinh với chiếc chân giả

    [​IMG]

    [​IMG]trước giờ lên đường

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]cẩn trọng từng động tác

    [​IMG]
    tìm thấy rồi
    [​IMG]
    [​IMG]đưa về nơi cất giữ
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]hàng về
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    [​IMG]

    niềm vui người lính trẻ khi tìm thấy 1 quả đạn M79

    [​IMG]chàng trai Quảng Trị 19 tuổi mất 1 tay nhưng vẫn nuôi giấc mộng họa sĩ tại trường nghệ thuật Huế

    [​IMG]

  5. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0

    PỜ HÙNG SANG...



    Tôi đã đi Mường Nhé-Sín Thầu cả thảy 6 lần, chưa từng đến mốc số 0, đã viết về Tết cơm mới, về bác Pờ Xì Tài, về chú Pờ Dần Sinh, về anh Sừng Sừng Khai, về Đồn BP 317, 405…Nhưng hôm nay tôi muốn viết một người Hà Nhì ko kém phần đặc biệt: Hắn là Pờ Hùng Sang !


    Hội ngộ



    8 năm trước, tôi còn đang là Hội trưởng Hội đồng hương của sinh viên Lai Châu học tại Phân viên Báo chí Tuyên truyền. Hà Nội một ngày thu tháng 9, tôi gặp hắn, một gã thanh niên to con, rắn chắc như cây rừng, đá núi (khi đó hắn mới khoảng 75kg), gương mặt đậm chất núi cao, mây mù nhưng ánh mắt và thần thái thì rất đỗi hiền lành, ngây ngô…Hắn là Pờ Hùng Sang, người dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Kho Khừ, Sín Thầu, Mường Tè, Lai Châu (sau này là Mường Nhé-Điện Biên), sinh viên năm thứ nhất lớp báo chí của Phân viện (đi học theo diện cử tuyển)… Thực sự khi đó tôi chưa hề đến Sín Thầu mà chỉ biết về dòng họ Pờ và cộng đồng người Hà Nhì nơi đây qua bút ký Ngã ba biên giới và Nơi đầu nguồn sông Đà của Đại tá, Nhà báo Nguyễn Như Phong viết năm 1984…


    Có một điều khi đó tôi biết mà hắn ko biết là mọi giấy tờ của hắn ghi sn 1985 nhưng theo như Nhà báo Nguyễn Như Phong viết thì lại khác. Năm 1984 sau khi đi bộ 400 km từ thị xã Lai Châu cũ vào tới Sín Thầu (khi đó phải đi vòng qua huyện lỵ Mường Tè, qua dốc Tà Tổng và cảng Pác Ma thượng nguồn sông Đà), ông Phong là nhà báo đầu tiên ở miền xuôi đặt chân tới miền biên viễn xa xôi nhất đất nước này. Ấn tượng đầu tiên của ông Phong chính là khi gặp bà Sừng Kim Thu (mẹ Pờ Hùng Sang) đang bế đứa con nhỏ đứng trước hiên nhà ở bản Tả Kho Khừ, cậu bé đó chính là Pờ Hùng Sang (như vậy hắn phải sn 1984). Ông có tả lại rằng, ông sững người như gặp phải bức tường đá trước vẻ đẹp của bà Sừng Kim Thu. Khi đó 2 chị em Sừng Kim Thu, Sừng Kim Hoa được mệnh danh là những người đàn bà đẹp nhất miền ngã ba biên giới…và đều được những người lính biên phòng đặt tên (AHLLVT Tô Minh Điến)…Ngày đó ông Phong đã kết nghĩa anh em với con voi rừng Pờ Xì Tài và nhận đỡ đầu cho cậu bé Pờ Hùng Sang…Và hắn cũng là người con cả duy nhất trong nhà được đặt tên theo tiếng phổ thông còn lại 4 người em là Pờ Pù Dòng, Pờ Hừ Gía, Pờ Pò Xá và Pờ Mì De…





    Hắn đặc biệt. Có lẽ với nhiều người hắn chẳng có gì đặc biệt nhưng với tôi thì có. Khi gặp tôi, hắn đã có 3 năm sống ở Hà Nội (học cấp 3 tại Trường Thiếu sinh quân Trần Quốc Tuấn) nhưng cái chất núi, chất rừng như đỉnh Pu Si Lung, như dòng Mo Phí vẫn còn y nguyên…Nếu tôi ko kể, chắc ít bạn bè, thầy cô ở Phân viện ngày ấy biết và tin về tuổi thơ, về cuộc sống của hắn ở nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Huyện Mường Tè những năm 90 chẳng khác nào một khu tự trị khi mọi con đường đến với bản làng đều là đi bộ hoặc bằng máy bay trực thăng. Pờ Hùng Sang 8 tuổi bắt đầu đi học lớp 1 ở tận ngoài thị trấn huyện. Chặng đường lối rừng, dốc núi, ghềnh sông đó dài tới 147km mà phải đi bộ. Có lẽ với nhiều trẻ em thành thị học tới cấp 3 rồi bố mẹ vẫn phải đưa đón hàng ngày nhưng với Hùng Sang thì khác. Đứa trẻ Hà Nhì ấy đi bộ ngót 150km đường rừng mất cả tuần trời chỉ để ra tới lớp học…Hắn kể rằng trước khi đi học, Apa – Bố chỉ dặn đi theo lối mòn này, đường ngựa kia, gặp voi tránh sao, gặp hổ né thế nào…(Mường Tè 20 năm trước voi, hổ là chuyện thường tình đến nỗi hắn bảo thịt hổ thì em ăn nhiều rồi ko nhớ nổi, thịt voi thì ăn vài lần nhưng chán lắm…). Khi tôi hỏi hắn sao chú có thể đi được như vậy thì hắn trả lời thật hồn nhiên rằng: “ Cũng mệt lắm anh ạ nhưng ko đi ko được, làm gì có chỗ nào mà học nữa đâu. Muốn học thì phải đi thôi, đời bố em còn đi bộ 400km ra tận thị xã Lai Châu để học cơ…”.Ngày hắn về Phân viện báo chí, thầy chủ nhiệm khoa có nói với chúng tôi rằng: “Chỉ riêng việc Hùng Sang về tới HN đã là một kỳ tích rồi, cậu ấy học ra sao chưa quan trọng. Và đừng ai so sánh bất cứ điều gì với cậu ấy, hãy nghĩ tới quãng đường cậu ấy vượt qua trong chừng ấy năm để đến trường…”. Hắn đã xa nhà từ năm 8 tuổi, 17 năm ko được đón Tết Hồ Sự Trà. Tới 2008 hắn mới được về quê ăn tết của người Hà Nhì.



    Hắn thật thà. Những ngày ở KTX, tôi với hắn đi đâu cũng có nhau. Hắn thật thà tới mức mỗi lần hắn đi chơi cùng tôi xuống phòng nữ, tôi phải dặn trước hắn đủ điều mà vẫn ko ăn thua. Lúc tôi đang thao thao bất tuyệt về chuyện trên trời dưới bể nào đó, các em nữ sinh cứ gọi là mắt tròn mắt dẹt há mồm để nghe thì hắn nhảy vào tương một câu xanh rờn: “ Ớ, ông Giang nói thế ko phải đâu, ông lại nói phét rồi. Nó là như thế này, thế này…cơ”. Ôi trời ơi, mày giết anh đi còn hơn Sang ơi, đây là lần thứ bao nhiêu mày dội nước lạnh vào người anh rồi…hix. Vì cái tính thật thà ấy, mà bọn sinh viên gọi hắn là Pờ Sang củ chuối. Chẳng vậy mà có mấy ông nhà báo đàn anh chơi với hắn, mời hắn đến nhà chơi mà phải dặn tôi là: “Chú nhớ kiểm soát thằng Sang nhé, ở nhà có vợ anh, nó cứ bô bô khai hết ra thì toi. Chừng nào thấy nó định phun cái gì ra, thì chú đá nó nhé…”. Rồi lại có chuyện ông nhà báo nọ viết về quê hắn đoạn: “ Trời mưa to, gió lớn thổi tung tấm tôn che trường học bay vù vù cắm thằng vào thân cây Xà Cừ, người đu lên ko rơi…” Đang bữa rượu tới tuần vui, hắn buông 1 câu giữa đám đông rằng: “Anh nói sai rồi, quê em làm quái gì có cây Xà Cừ nào…” ha ha. Hay có đoạn viết: “Lúc chia tay tôi bên dòng Mo Phí, ông Pờ Dần Sinh cứ ôm lấy tôi mà khóc…”. Hăn gân cổ lên cãi: “ Làm quái gì có chuyện đó, bố em không bao giờ khóc…”


    Hắn khỏe. Như mọi người đàn ông trong dòng họ Pờ, phải công nhận hắn khỏe. Hồi ở KTX nhiều lúc đùa với hắn mà mình thì đau ê ẩm cả người, còn hắn thì cứ nhe nhởn chẳng làm sao. Nửa đêm uống rượu dưới sân KTX say mèm, hắn đứng dậy vác 2 thằng lên hai vai đi thẳng lên tầng 5 ném uỵch vào phòng rồi chạy xuống hỏi: “ Có ai uống tiếp không?. Đi đá bóng, bóng lăn hết biên rồi mà hắn vẫn chạy thêm cả nửa sân nữa rồi cười nói: “Đang đà, em chạy luôn một thể, dừng lại mệt…” Hix. Mấy năm học ở trường, hắn và ông bạn Phon Vi Lay người Lào luôn tranh nhau cái vụ nhất nhì trò vật tay. Tay hắn khỏe mới có đoạn năm học mới chuyển đồ giúp phòng nữ, hắn cởi trần, mồ hôi ướt đẫm, ôm cái thùng các-tông to đùng dán băng dính kín xé toang ra làm đôi…trước mắt đám bạn gái. Có cô bé sau này thì thầm với tôi: Trời lúc nhìn a Sang xé thùng mà em chỉ ước được lấy anh ấy... Ngày đi chuyển nhà hộ ông cậu tôi, 2 cậu cháu hì hục khiêng cái ghế đơn của bộ khảm trai Đồng Kỵ ra đầu ngõ mà thở ko ra hơi. Quay lại thấy hắn vác 1 tay cả cái ghế dài trên vai đi phăng phăng rồi cười rõ tươi hỏi: còn cái gì bê nữa không anh…? Hú hồn…



    Hắn chân thành. Hắn chân thành tới mức ai nhờ gì hắn cũng giúp. Có đứa con gái trời ơi đất hỡi quen vòng vèo qua cả chục thằng bạn nhờ hắn chở ra bến xe về nhà hay đưa đi đâu đó hắn cũng lọ mọ xuống mượn xe tôi để chở. Có mấy ông phượt quen rơi, quen vãi ở tận đâu đâu lên Sín Thầu gọi cho hắn nhờ cho ăn chỗ ngủ hắn cũng giúp… Mùa hè năm thứ 2 đại học hắn đi mất 4 ngày mới về tới nhà. Một tuần sau hắn gọi điện khoe: “Anh ơi, năm nay em về tự ý giết 1 trâu, ko cần hỏi ý bố. Em để gác bếp, hè xuống anh em mình uống rượu…” Hix, chú thật đáng hâm mộ, anh ở nhà mổ con gà còn phải hỏi mẹ vậy mà chú tự ý thịt 1 trâu ko cần hỏi…Nói là làm. Năm học mới hắn gùi một ba lô thịt trâu khô với chục lít rượu ngô xuống HN, đám sinh viên cứ gọi là say cả chấy…Ngày tôi dẫn hơn 2 chục người bạn lên ăn tết Hà Nhì lần thứ 3. Sín thầu chen chúc mấy trăm mạng ko có chỗ ăn ngủ chỉ riêng đoàn chúng tôi được nghỉ ngơi đàng hoàng trong nhà khách ủy ban mới vì hắn “canh” từ cả tháng trời đợi tôi lên. Đêm ngã ba biên giới ma mị, rượu say mềm, cả đoàn ngủ say tít. Nửa đêm tôi mò dậy thấy lục đục dưới bếp, ánh lửa bập bùng. Xuống nơi thấy hắn đang ngồi đun nước đổ ra ấm cho nguội. Tôi hỏi thì hắn nói, em sợ các anh uống rượu đêm khát nước, em đun sẵn nước để đó…Năm Cuối năm 2011 hắn xuống HN học tiếp. Nhận kế hoạch đi trước có 2 ngày, hắn phi xe máy như bay từ huyện về nhà, thịt một con trâu, thức 2 đêm bên bếp lửa để hun khô thịt mang về xuôi các các anh, các bạn nhậu…



    Còn nhiều chuyện tôi sẽ kể về hắn nhưng hãy để bữa rượu nào đó có hắn. Nếu ai gặp và chơi với hắn rồi hãy trân trọng, hắn là một người bạn núi rừng thực sự, đúng nghĩa. Hắn bảo tôi rằng, anh là "A cố" - người anh thì sẽ mãi là anh của em...



    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]






    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]



    ông Pờ Dần Sinh ngày còn làm việc trong trụ sở tạm bợ UBND xã Sín Thầu

    [​IMG]

    [​IMG]bao nhiêu dân phượt đã đến, ăn, ngủ tại ngôi nhà này...
  6. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0


    Nhớ Tây Bắc...!





    Tây Bắc ư ? Có riêng gì Tây Bắc
    Khi lòng ta đã hóa những con tàu
    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
    Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu…

    (Chế Lan Viên)

    Quá nửa năm rồi nó không đi Tây Bắc. Giam chân ở Đà Nẵng hoa lệ mà mắt cứ ngóng ngược về phương Bắc xa xôi. Xa đó nghìn dặm là núi cao, mây mù, là rừng xanh, dốc thẳm, là Đà giang cuộn sóng, là ngút ngàn sương giăng…Có một nỗi nhớ bâng khuâng trong lòng kẻ lữ hành xa quê luôn ngóng vợi về miền đất nơi nó sinh ra và lớn lên như thế…

    Mỗi ngày mở FB hay TTVNOL thấy nhà nhà, người người bàn tán, mời gọi, vẽ cung, up ảnh tơi bời về Tây Bắc lại làm nỗi nhớ ấy khắc khoải, day dứt hơn bội phần. Nó rời Tây Bắc đã 10 năm về Thủ đô để cầu tiến sự học hành và mưu sinh vật vã nhưng tình yêu và đam mê với Tây Bắc thì vẫn chưa vơi giảm chút nào mà vẫn cứ nhân lên qua mỗi chuyến đi, mỗi câu chuyện về miền đất, con người, cuộc sống ở xứ sở Thái Mèo ấy…

    20 năm trước, mùa hè năm 1992 - lần đầu tiên nó rời cái thung lũng nhỏ bé giữa bốn bề núi dựng, rừng vây, sông chặn…Bản Xá, Lai Châu để về thăm Hà Nội. Đường Tây Bắc ngày ấy gian nan và quá sức chịu đựng với một đứa trẻ còn đang học tiểu học. 600km “dốc lên, vực xuống”, 3 ngày đường mệt nhọc với 2 chặng nghỉ Tuần Giáo, Sơn La…để thằng bé vùng cao đặt chân tới Thủ đô sầm uất. Ngày ấy Hà Nội trong mắt nó thật choáng ngợp, rộng lớn, phồn hoa và náo nhiệt vô cùng…khác xa với thị xã bé nhỏ, nghèo nàn, hoang dại nằm khuất sau muôn trùng núi, ngàn dặm sông của nó ở trên kia…Những Lăng Bác, Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Hồ Tây, Vườn Bách Thú, Kem Tràng Tiền …đã in sâu vào đầu óc ngây ngô của nó như những ấn tượng đẹp đẽ, xa xỉ về một giấc mơ của đứa bé vùng cao đã trở thành sự thật. 10 năm sau nữa, nó lại rời núi, bỏ rừng về Hà Nội nhưng lần này là về hẳn để sinh sống và đua tranh…Giữa những ngày bộn bề, mỏi mệt ở chốn nhà lầu, xe hơi ấy, nó lại tranh thủ mọi lúc, mọi khi có thể để vượt núi, băng ngàn để được về với núi rừng Tây Bắc…

    Nó lại nhớ những ngày trưa nắng chang chang lang thang cùng lũ bạn học người Thái tha thẩn khắp cánh đồng Bản Xá để chăn trâu, bắt cá, thả diều…. Nhớ những chiều tha thẩn bên dòng Nậm Na xanh ngắt để vùng vẫy, tung tăng. Nhớ những lần đạp xe mệt nhoài lên Đồi Cao, Cầu Hang Tôm, Chi Luông, Đường 6…Nhớ những năm học cấp 3 ngang ngược với chiếc xe Cub 82 đã theo nó khắp các cung đường Mường Lay, Mường Chà, Tuần Giáo, Sơn La, Mường Phăng, Điện Biên Đông…Nhớ những đêm đi chọc sàn người Thái, bắt vợ người Mông với đám bạn học mà chạy bán sống bán chết…Nó có thật nhiều điều để nhớ về tuổi thơ sinh ra và lớn lên ở Khu tự trị Thái Mèo xưa ấy…

    Nó đi Tây Bắc không hẳn vì một cột mốc kỳ vĩ nào cần đánh dấu, cũng chẳng ham đỉnh đèo cao vợi giữa biển mây trắng mênh mang hay bạt ngàn hoa đào, hoa ban, hoa cải…rực rỡ để chụp ảnh …Nó đi để cảm nhận cuộc sống, để chia sẻ với đồng bào, đồng đội đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ biên cương. Nó đi để say những đêm xòe đổ rượu, để nhớ những cái ôm da diết đêm vùng cao buốt giá, để bắt tay thật chặt những người anh em bằng hữu, để nóng bừng bên bếp lửa nhà sàn nhấp chén rượu ngô cháy cổ và nghe những câu chuyện huyền sử vùng cao đầy ma mị của già làng, trưởng bản, để tận mắt thấy những vất vả, gian nan của người lính biên phòng chân đi mòn dốc đá…Và rồi nó đi để nó muốn trở thành một người kể chuyện. Nó muốn nghe mọi thứ, cảm mọi điều để nó viết, nó kể, nó truyền lửa cho bạn bè, đồng đội, cho mọi người hiểu thêm, yêu thêm quê hương nó: Tây Bắc...Và dù sau này có không đi, không viết, không kể nữa thì có lẽ nó cũng để lại cho người thân một dấu ấn nhỏ bé nào đó về Tây Bắc...

    [​IMG]
    Đằng sau con đèo Ô Qúy Hồ là một phần quê hương của nó...

    [​IMG]

    Ngã ba sông Đà -Nậm Na mùa hè 2000 (một trong những chuyến "phượt" đầu tiên với cung Điện Biên Phủ - Lai Châu 200km khứ hồi, trong đó 100km là đường cấp phối...)

    [​IMG]

    Em Cub 82 biến 27F1 - 0226 này đã theo nó qua bao cung đường
    vùng cao những ngày học cấp 3 ngang ngược...

    [​IMG]

    Hết xăng trên đèo Hồng Thu Mán hè 2005

    [​IMG]

    Mùa hè 2005, nó đã làm leader cho gần 2 chục đứa bạn lớp đại học đi cung Sơn La-Điện Biên-Lai Châu-Sa Pa...đáng nhớ trong đời

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    trên đỉnh Pha Đin với bọn quỷ lớp đại học


    [​IMG]

    Phong Thổ một ngày hè

    [​IMG]
    [​IMG]

    hồ Pa Khoang

    [​IMG]

    Ô Qúy Hồ hè 2004

    [​IMG]
    [​IMG]

    đèo Lũng Lô 2004

    [​IMG]

    Cầu Hang Tôm 2004

    [​IMG]

    Trạm Tôn mùa mưa 2006 với anh kiểm lâm đẹp trai

    [​IMG]

    Mẹ con trên đường leo Fan...

    [​IMG]

    Nơi thức dậy núi đã đầy trong mắt

    [​IMG]

    Đỗ Quyên trên Hoàng Liên Sơn

    [​IMG]

    Địa lan

    [​IMG]

    Đào rừng bung nở trên đèo Giang Ma

  7. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0

    BIỂN NÀY LÀ CỦA TA, ĐẢO NÀY LÀ CỦA TA


    Hôm nay 14-3, cách đây 24 năm về trước, kẻ thù ngang nhiên nổ súng đánh chiếm đảo của ta trên vùng biển Trường Sa. Xin được gửi topic này như lời tri ân với những người đồng đội đã hy sinh, nằm lại đó để bảo vệ biển đảo quê hương....


    Chúng tôi đã có mặt tại vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. tại những nơi, cách đây hơn 20 năm về trước, các đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của các lực lượng tàu chiến Hải quân “Nước ngoài”, và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thân yêu của của Tổ quốc. Chúng tôi xúc động tưởng nhớ, thương tiếc các đồng chí đã nằm lại với biển khơi suốt hơn 20 năm qua. Bầu trời biển đảo Trường Sa từ nắng to bao giờ cũng chuyển mưa rào khi làm lễ thả hoa tưởng nhớ các anh! Năm nào cũng vậy!


    Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988 “Nước ngoài” đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu quân sự đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm cho tình hình ở đây thêm căng thẳng, phức tạp.
    Chấp hành nghiêm lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, của Quân đội và Quân chủng, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim; tự kiềm chế, giữ vững đối sách, không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển, vì lợi ích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Song, bất chấp lẽ phải Nước Ngoài đã ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của ta.


    Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là cán bộ, chiến sỹ Tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 và những tập thể kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, nêu cao phẩm giá, khí phách Việt Nam với khẩu hiệu chủ quyền Tổ quốc là trên hết.
    Đó là Anh hùng liệt sỹ Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Còn rất nhiều những tấm gương sáng ngời về sự hy sinh cao đẹp của các đồng chí mà chúng tôi không thể nói hết.


    Những nơi này, 78 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng thêm, đẹp thêm phẩm chất “Bộ đội *****” - Người chiến sỹ Hải quân. Tô thắm truyền thống vẻ vang, hào hùng của Quân chủng.

    Tại thềm lục địa phía Nam, hơn 20 năm qua, kể từ ngày Nhà nước ta thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam Mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước đã thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện để các đồng chí thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước do thiên nhiên hung dữ, khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn nơi mà các cán bộ, chiến sỹ Hải quân, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 171 - Vùng 2; là những người con ưu tú của các tỉnh, thành trong cả nước, đã tự nguyện gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, bao hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, các đồng chí đã chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh tính mạng của bản thân để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.


    Tiêu biểu, là tấm gương của Trung úy - Trạm trưởng Bùi Văn Bổng, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chỉ huy về Chính trị Nhà giàn Phúc Tần trong khi bị bão cuốn trôi trên biển, sóng to, gió lớn. Song anh vẫn nêu cao vai trò lãnh đạo của người Bí thư chi bộ, động viên đồng đội chống chọi với sóng giữ của đại dương. Trong khi cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho đồng đội để rồi mãi mãi ở lại với biển khơi vào chiều ngày 5/12/1990.

    Đó là hành động cao đẹp của Liệt sĩ Đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1999, được lệnh của trên, anh đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời Trạm xuống tàu theo phương án, còn mình và đảng viên Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người và rời nhà giàn sau cùng. Nhưng, bão gió đại dương đã cướp đi tính mạng của các anh. Riêng đồng chí Nguyễn Văn An ra đi đã để lại người vợ hiền và đứa con nhỏ mới sinh chưa kịp biết mặt cha.

    Đó là tấm gương cao đẹp của Liệt sĩ - Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn bị đổ, anh đã gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” không một chút ưu tư, suy tính để rồi mãi mãi nằm lại với biển khơi; và những tấm gương dũng cảm của các đồng chí cán bộ thuyền như: Thượng uý Phạm Tảo, Đại uý Nguyễn Văn Tư, Trung uý Lê Tiến Cường và các đồng chí: Thượng uý Ngô Sỹ Nga - Máy trưởng, chiến sỹ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh.... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm tìm kiếm, cứu vớt đồng đội và đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Còn biết bao tấm gương cao đẹp của các đồng chí mà hôm nay chúng ta chưa nói hết được.
    Mặc dù Quân chủng Hải quân đã làm hết sức mình, nhưng do hoàn cảnh, đến nay còn nhiều đồng chí vẫn đang phải nằm lại với biển khơi, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố. Các đồng chí là những người tạm gác riêng tư, bất chấp nguy hiểm, chung sức, chung lòng, giữ vững ý chí, quyết tâm chiến đấu và đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
    Các anh ra đi để lại một nỗi đau thương vô hạn trong lòng mọi người, biết bao người mẹ, người cha, người vợ, người con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa mong đón các anh về!

    Hoàng Trường Giang ghi từ tàu TiTan trên vùng biển Trường Sa, tháng 3-2011

    [​IMG]



    chuẩn bị lễ thả hoa trên biển
    [​IMG]
    [​IMG]

    trời nắng to khi bắt đầu
    [​IMG]



    nước mắt bắt đầu rơi
    [​IMG]



    Mưa cũng dần nặng hạt
    [​IMG]



    nhòe đi trong mưa
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]



    tri ân đồng đội
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]



    Gửi các anh tờ tiền mang về từ K9, lăng đầu tiên của Bác Hồ
  8. dauhong

    dauhong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/08/2006
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Xa Lai Châu đã quá lâu rồi, nhớ mà không về được. Cảm ơn các bạn có những bức ảnh đẹp về Lai Châu. Cả ngày hôm nay mình chỉ ngồi search và đọc về LC. Hãy post nhiều ảnh về Lai Châu (hiện nay là Mường Lay) đi. Mình cũng như các bạn, tình cảm dành cho Lai Châu là không thể tả hết, 20 năm với rất nhiều kỷ niệm, gắn bó và thăng trầm. Rất tiếc mình chưa làm gì được cho LC cả, ít ra là đưa hình ảnh của nó đến tim những người con đã sinh ra và lớn lên tại mảnh đất ấy. Giờ đây giữa Hà Nội phồn hoa, đô thị ồn ào mà thấy trong lòng mình vẫn một Lai Châu thật gần gũi và thật thân thương. Hẹn một ngày gần nhất sẽ trở lại!
  9. GiangQD

    GiangQD Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/07/2010
    Bài viết:
    224
    Đã được thích:
    0


    TẠM BIỆT KHU 5...












    Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
    (Chế Lan Viên)

    Sáng nay nhận được thông báo của thủ trưởng rằng, chuẩn bị tinh thần cuối tháng rút quân về Hà Nội, đơn vị sẽ cử đồng chí khác vào thay thế…Vậy là chuẩn bị về nhà, một cảm giác khó tả…Cũng đã có lúc nó mong được về vậy mà đến khi sắp rời đi lại thấy xốn xang gì đó. Vậy mới càng thấm thía lời thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”…

    Nửa năm – 6 tháng không phải là dài nhưng cũng đã để lại cho nó những dấu ấn khó quên về mảnh đất con người khu 5 kiên trung, hiền hậu này…Nó sẽ nhớ ngã tư quân đoàn (nơi đơn vị ở đó), nhớ mấy khẩu thần công trước cửa Bộ Tư lệnh quân khu 5, nhớ sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thuận Phước, biển Mỹ Khê, Cửa Đại, Hội An, dòng Thu Bồn, núi Trà My…Nó nhớ những con đường thênh thang, sạch sẽ ở Đà Nẵng, những phố phường khang trang, những khu du lịch không có người ăn xin, những ngã tư yên ả không có cảnh sát giao thông, những ngôi nhà của đồng bào Vân Kiều, Ca Dong, Cơ Tu ở miền núi Nam Giang, Đông Giang…dù tuềnh toàng, đơn sơ nhưng trước cửa luôn gắn tấm biển với dòng chữ đỏ chói: Không có gì quý hơn độc lập tự do / Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh…Nó sẽ nhớ những nụ cười thân thiện, gần gũi chân thành của con người nơi đây luôn hiển hiện ở bất cứ đâu. Nó sẽ nhớ những đồng chí, đồng đội, bạn bè đã cùng chia sẻ công việc và cuộc sống trong những ngày xa nhà. Nó sẽ nhớ những nơi đã đi qua, những người nó đã gặp để lắng nghe để rồi kể câu chuyện về họ…

    Chắc còn 1 tuần nữa nó sẽ rời Đà Nẵng, sẽ còn hẹn quay trở lại để đi tiếp những nẻo đường dang dở…Mọi sự hẹn hò trong cuộc đời đều rất chông chênh, nhất là với nghề báo…Chẳng biết khi trở lại cảnh cũ, người xưa, chuyện đó có còn…Xin gửi note này như một lời chào với khu 5!





    [​IMG]



    Với bác Phan Diễn, (quê Điện Bàn, Quảng Nam), nguyên UV BCT, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, một cựu quan đại thần đầu triều đã ngoài 75 tuổi, khi rời chốn quan trường đỉnh cao vẫn ngày tháng lặn lội khắp nơi để vận động tài trợ cho 14 tỉnh duyên hải miền Trung xây trường học, trạm y tế, nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai, trồng rừng chắn bão…
    [​IMG]



    gặp lại thủ trưởng cũ sau 1 năm tháp tùng ông đi Campuchia, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Anh hùng LLVTND, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn nguyên cái ôm chặt và cái bắt tay nồng ấm của người xứ Quảng. Một thượng tướng vẫn hồ hởi rút bao thuốc đưa ra mời trung úy thật chân tình…


    [​IMG]



    Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Xế (85 tuổi), nguyên là trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn Vận tải biển cảm tử 248 (Liên khu 5) hoạt động trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1950, ông chỉ huy thuyền chở hàng vào cho Uỷ ban kháng chiến Bình Thuận. Trên đường đi tàu gặp bão vỡ tan, các đồng chí hy sinh, ông Xế đã ôm thùng hàng đặc biệt (trong đó có 4kg vàng và 2 triệu tiền Đông Dương) bơi lênh đênh trên biển mấy ngày để vào đất liền bàn giao cho hậu cứ…Với những công lao trong đội hình Tiểu đoàn cảm tử ngày ấy, ông đã đợi tới 60 năm sau (năm 2010) để được nhận danh hiệu Anh hùng....


    [​IMG]



    Đó là được gặp cụ Huỳnh Ba (86) tuổi, người thủy thủy cuối cùng còn sống trên chuyến tàu gỗ tàu tiên của đoàn tàu không số với đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến tàu gỗ đầu tiên của Tập đoàn đánh cá sông Gianh đi từ Quảng Bình vào nam với 6 đồng chí, trong đó cụ Huỳnh Ba là bí thư chi bộ. Chuyến đi không thành, chiến sĩ Huỳnh Ba bị địch bắt đày ải 14 năm trời nhưng vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng kiên trung…Và con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền hoại đã bắt đầu mở ra như thế…


    [​IMG]



    Ngồi nghe Thiếu tướng Tình báo Trần Tiến Cung (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục 2) kể câu chuyện oai hùng về khu 5, về ngành tình báo, về những người chiến sĩ sống quên bản thân mình với những câu chuyện sống để dạ, chết mang đi...


    [​IMG]



    với Ama Trang và cựu sĩ quan dù Võ Thành Tuất
    [​IMG]



    Ama Trang – Phạm Thành Hân với cuộc đời như cuốn sử thi về chàng trai xứ Quảng đi theo cách mạng, theo Bác Hồ từ năm 14 tuổi. Vì đi hoạt động cách mạng mà ông phải tự tay viết đơn ly hôn vợ mình dù còn yêu vô cùng. Điều cảm động nhất là suốt 57 năm qua, từ 1954 tới tận hôm nay ông vẫn luôn mang theo bên mình tấm hình cuả vợ (dù bà đã mấ mấy chục năm) như một điều vô cùng thiêng liêng, quý giá. 85 tuổi rồi, đi qua bom đạn hai cuộc chiến tranh, không nao núng, run sợ trước kẻ thù, trung kiên với Tổ quốc và nhân dân nhưng ông lại rơi nước mắt khi nhắc về bà…
    [​IMG]



    Đó là cựu sĩ quan dù Võ Thành Tuất (80 tuổi), một người lính kiên trung đã qua 2 cuộc chiến tranh và cả mặt trận Lào với vết thương 41% do mảnh đạn tại chiến trường Khe Sanh. Năm 1966 trước khi vào chiến trường, ông và bà Đỗ Thị Sự (bà ở đoàn Văn công Hà Bắc rất đẹp) yêu nhau nhưng gia đình không đồng ý cho cưới do bà chưa đủ tuổi, hai người đã cùng nhau viết một BẢNG CAM KẾT đợi nhau về và giữ nó suốt 50 năm qua…
    [​IMG]



    Đó là sự chân thật đến mộc mạc, người ngư dân miền biển Cửa Đại Nguyễn Cường đã dũng cảm quên mình lao vào sóng dữ cứu được 10 người trong cơn bão tố. Rồi đến khi được động viên, khen thưởng anh lại thấy ái ngại, trăn trở, muốn chia sẻ với bà con, hàng xóm của mình. Có lẽ bản chất tốt đẹp, lòng dũng cảm, sự hướng thiện, khiêm nhường, đức hy sinh…của anh là những phẩm chất truyền thống, lâu đời được giữ gìn bồi đắp, nuôi dưỡng như dòng sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang cùng nhập vào nhau đổ dồn ra Cửa Đại…
    [​IMG]



    Ông già Hội An, Trần Văn Thuận 80 tuổi đã hơn 30 năm chèo đò trên dòng sông Hoài. Ông bị thương mất một chân và găm 2 mảnh đạn trong người trong trận chiến giữ phòng tuyến sông Lô năm 1972 khi Mỹ ném bom…Trở về quê hương ông lại nhọc nhằn mưu sinh với con đò gỗ để nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Ông luôn cười và kể những câu chuyện lịch sử về Hội An quê ông thật say sưa với tâm niệm: Tôi đi chèo đò trên sông Hoài, hoài là hoài thương, chắc chắn du khách đến đây rồi về sẽ còn thương, còn nhớ về phố Hội…
    [​IMG]



    niềm vui hàng ngày của ông Thuận là các cháu mang cơm nước ra bến đò cho ông...
    [​IMG]



    nụ cười xứ Quảng
    [​IMG]



    Với trung đoàn trưởng không quân E954 (F372) trước giờ bay tìm kiếm đồng đội mất tích
    [​IMG]



    Trước cửa nhà cụ Huỳnh ở Tiên Phước, Quảng Nam
    [​IMG]

    Bắc Trà My một ngày nắng
    biển ĐN một ngày mưa...
    [​IMG]

    trên Lữ phóng lôi tên lửa Vùng 3 Hải Quân
  10. nguyenthientu

    nguyenthientu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/05/2004
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    1
    Những bài viết của Giang Meo thật tuyệt. Quá tuyệt đi mất.

Chia sẻ trang này