1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Điện Biên Phủ và những điều chưa biết - Phần 1

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi vaxiliep, 30/03/2006.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vaxiliep

    vaxiliep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/03/2006
    Bài viết:
    1.180
    Đã được thích:
    2
    Ra trận lần đầu
    Ngày 13-3-1954 quân ta mở màn chiến dịch, tiến công tiêu diệt đồi Him Lam 1, tiền tiêu quan trọng của phân khu 1 ở phía bắc của quân địch.
    Cũng đêm hôm đó, tiểu đoàn 394 chúng tôi được lệnh kéo pháo vào chiến đấu, vượt đường 42 và vượt qua suối Thác Bay kéo qua bãi lầy men theo sườn núi Phu Pha Xông quanh co nhiều dốc, vực thẳm, đường rất hẹp lại trơn lầy. Xe pháo cứ ì ạch, mỗi giờ không đi nổi 1km. Trời rất tối nhưng sợ lộ không bật đèn. Chúng tôi có sáng kiến cử 2 đồng chí khoác tấm vải trắng đi hai bên đầu xe làm tiêu. Phải hết sức thận trọng, nếu sơ suất một tý là tất cả lao xuống vực thẳm.
    Một đêm đầy gian khổ, lo lắng 7-8 giờ sáng xe pháo còn cồng kềnh trên mặt ruộng bản Tâu. Nguy hiểm rồi. Máy bay trinh sát của địch đã phát hiện được chúng tôi. Nó thả liền mấy quả đạn khói báo có mục tiêu. Lập tức các cơ pháo từ đồi Độc Lập và Mường Thanh bắn ra tới tấp. Đạn pháo nổ xung quanh chúng tôi. Đồng chí Tuyết, đại đội trưởng đại đội 829 động viên mọi người hãy bình tĩnh, dũng cảm, đưa nhanh pháo vào trận địa.
    Lúc này, một khẩu pháo, một xe đạn đang bị lửa bén cháy. Mặc dù đạn pháo địch nổ xung quanh, mọi người nhảy lên xe phân tán hết các hòm đạn và dập lửa cứu xe pháo. Mấy đồng chí bị thương nhưng vẫn không rời trận địa.
    Tiểu đoàn chúng tôi chiếm lĩnh trận địa dưới làn bom đạn địch, kéo pháo vào sát đồi Độc Lập 400m, bảo vệ bộ binh ta tiến công tiêu diệt địch.
    Trong 3 ngày đầu chiến dịch, quân ta đã đánh chiếm 3 cứ điểm quan trọng ở phía bắc: đồi Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Quân địch điên cuồng huy động hàng trăm máy bay các loại phối hợp cùng các loại pháo đánh phá rất ác liệt vào các trận địa của tiểu đoàn 394. Chúng cho nhiều tốp đến từ nhiều hướng ở độ cao nhiều tầng liên tục đánh phá. Cây cối xung quanh bị phạt sạch, khói của bom đạn và bụi của đất cát làm tối lại cả vùng trời.
    Trên trận địa của các đại đội, chiến sĩ ta vẫn vững vàng trên mâm pháo, rất kiên cường chiến đấu với máy bay địch. Đạn pháo cao xạ của ta ở các hướng vun vút bay lên đan thành lưới lửa. Mới có 3 ngày đầu pháo cao xạ của ta đã bắn rơi 4 máy bay địch trong đó có một chiếc B26 do đại đội 827 bắn rơi. Phải chiến đấu liên tục, nòng pháo quá nóng, cháy hết lá ngụy trang và bị giãn nở không kịp thay nòng dự bị. Các đồng chí nuôi quân dũng cảm đem cơm dưới làn bom đạn pháo của địch tới từng khẩu đội đưa cho mỗi người một nắm cơm mà vẫn không kịp ăn.
    Ngày 17-3-1954 các trận chiến đấu diễn ra quyết liệt nhất. Đại đội 827 của tiểu đoàn 394 bị trúng hai quả bom vào trận địa, hỏng mất 2 khẩu pháo. Song, đau buồn hơn là đồng chí Dương Bá Xanh, đại đội trưởng, đồng chí Bùi Văn Phú, đại đội phó và một số đồng chí khác bị hy sinh. Toàn tiểu đoàn vô cùng thương nhớ, ai cũng ứa nước mắt, quyết tâm chiến đấu đến cùng, còn một người, một viên đạn, một khẩu pháo cũng chiến đấu để trả thù cho đồng đội.
    Bây giờ đã là cuối tháng 4-1954. Thời gian càng về cuối lại càng quyết liệt hơn. Thời tiết thay đổi đã có mưa gió làm cản trở đến cuộc vận động chiến đấu. Các hầm hào đều có nước, chúng tôi phải luôn cơ động kéo pháo di chuyển trận địa về phía Tây và tiến sát sân bay Mường Thanh bảo vệ bộ binh ta phát triển vào sâu trung tâm, thít chặt vòng vây tiến công tiêu diệt địch.
    Tiểu đoàn 394 chúng tôi hợp đồng chiến đấu cùng các đơn vị pháo binh và tiểu đoàn pháo cao xạ 383 của anh Vũ Thanh Giang ở phía đông nam, tạo thành thế cánh cung khống chế vùng trời Điện Biên, không cho chúng bay thấp bắn phá và thả dù như trước.
    Không quân địch rất hoảng sợ lưới lửa của pháo cao xạ ta. Lúc này chúng đã bị bắn rơi gần 50 chiếc máy bay đủ các loại. Quân địch ở dưới mặt đất chỉ trông chờ vào sự tiếp tế của cầu hàng không, giờ đây đã tuyệt vọng.
    Quân Pháp đã thả xuống Điện Biên 30 ngàn chiếc dù, nhưng lọt vào tay bộ đội ta hơn 20 ngàn chiếc. Trong đợt 2 của chiến dịch, các đơn vị pháo cao xạ các tiểu đoàn 394, 383 và 381 tham gia chiến đấu bám sát bảo vệ bộ binh ta tiếp cận trong lòng chảo Điện Biên Phủ, liên tục bắn rơi máy bay của địch, có ngày bắn rơi 3 chiếc liền.
    Quân địch thất bại nặng nề cả ở hai mặt trận dưới mặt đất và trên không. Chúng cay cú điên cuồng huy động mọi lực lượng của chiến trường Đông Dương lên đánh phá rất ác liệt suốt ngày đêm để lấy lại tinh thần cho quân quan của chúng ở Điện Biên Phủ. Ngày 25-4-1954, quân địch gần đến ngày tận số còn dã man ném bom giết hại 444 người đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em đang tập trung ở bản Noong Nhai. Bộ đội ta trên toàn mặt trận lại càng căm thù quân giặc dã man, quyết tâm chiến đấu đến cùng tiêu diệt hết quân địch ở Điện Biên Phủ để trả thù cho đồng bào và đồng đội.
    Tiểu đoàn 394 pháo cao xạ không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, kiên cường chiến đấu suốt 56 ngày đêm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các trận địa pháo binh đơn vị bạn và các đơn vị bộ binh của ta, ngoan cường chiến đấu đã bắn rơi hơn 10 máy bay của địch. Đặc biệt là ngày 12-4-1954, đại đội 828 bắn đứt đôi chiếc pháo đài bay B24 đầu rơi cách thân 500m tại rừng Tông Khao. Tiếp đó, ngày 18-4, đại đội 829 lại bắn rơi chiếc pháo đài bay B24 thứ hai của địch.
    Ra trận lần đầu ở chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo phòng không cao xạ của đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay các loại và bắn bị thương hơn 100 chiếc khác của địch.
  2. vaxiliep

    vaxiliep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/03/2006
    Bài viết:
    1.180
    Đã được thích:
    2
    Anh hùng Phùng Văn Khầu kể lại trận đấu pháo trên đồi E
    Cùng với những dãy núi phía đông sát đồi A1, đồi E, và những dãy núi phía Bắc và Đông Bắc hình thành một cánh cung vây hãm địch ngay dưới chân đồi. Địch bắt đầu nhận ra "chiếc thòng lọng thép" đã thít kề "cổ". Nhưng lực lượng của chúng lúc này, kể cả bản thân tập đoàn cứ điểm và sự chi viện tiếp ứng của địch còn rất mạnh. Chúng điên cuồng tổ chức phản kích quyết liệt trên các mũi, các hướng tiến công phía Đông và Bắc. Đây là giai đoạn ta và địch giành giật từng tấc đất, từng đoạn hào, từng mỏm đồi.
    Ở hướng Đông, trên đồi A1 địch có hệ thống lô cốt hầm ngầm kiên cố rất lợi hại, làm bàn đạp để chuyển quân và vũ khí bí mật phản kích lại ta (hầm này sau ta phải dùng bộc phá hàng tấn mới tiêu diệt được).
    Ở hướng Đông Bắc dưới chân đồi E là trận địa pháo 4 khẩu "105" của địch, được tổ chức tăng cường thành cụm hỏa lực mạnh. Từ đây chúng dùng hỏa lực chi viện cho các mũi phản kích, bắn chặn các hướng tiến công của ta.
    Phải tiêu diệt bằng được trận địa pháo lợi hại này, bảo vệ bằng được đồi E, đó là chỉ thị, là mệnh lệnh của mặt trận, là quyết tâm của mỗi người, của đại đội pháo binh 755 chúng tôi. Khẩu đội sơn pháo 75 do tôi làm khẩu đội trưởng đặt ngay trên đỉnh đồi E bắn thẳng xuống trận địa pháo địch dưới chân đồi. Chúng cũng tập trung tìm cách tiêu diệt bằng được "đối phương". Hai bên nhìn rõ nhau, ngắm thẳng nòng pháo bắn trực tiếp, vì cự ly cách nhau chỉ hơn 200 mét. Ta có lợi thế ở trên cao, nhưng địch lại có trận địa được cấu trúc kiên cố từ trước. Và lợi hại hơn, chúng còn có máy bay đánh phá dữ dội, kết hợp với xe tăng, bộ binh, từng đợt, từng đợt phản kích quyết liệt, nhằm tiêu diệt trận địa pháo, chiếm lại đồi E, chặn đứng mũi tiến công của ta.
    Để hạn chế thương vong và bảo vệ pháo chiến đấu, ta dùng nhiều bao cát xếp đầy, lấp kín cửa hầm trận địa, chỉ để một lỗ đủ lọt nòng pháo đã nạp đạn và ngắm sẵn mục tiêu. Khi không bắn, lỗ này cũng phải dùng bao cát chắn, để che kín phía trước. Đồng thời phải thay đổi "lỗ bắn" luôn, để địch khó phát hiện. Khi chiến đấu cả khẩu đội phải hiệp đồng chặt chẽ, khi bắn để tránh địch "phản pháo" phải thật nhanh chóng, chớp nhoáng lật bao cát che đầu nòng, giật cò bắn rồi lập tức đậy bao cát lại.
    Hơn 20 ngày đêm chiến đấu một mất, một còn với địch để bảo vệ đồi E, để chi viện cho bộ binh và bộ đội đào hầm hào, đánh vây lấn, ba khẩu pháo của đại đội thì 2 bị hỏng, pháo thủ phần lớn đã bị thương và hy sinh, chỉ còn lại khẩu đội tôi. Tiếp sau một trận đánh ác liệt kéo dài, cả khẩu đội lại bị thương và hy sinh, chỉ còn lại mình tôi trong tình trạng, bị sức ép của bom, đạn nhiều lần. Trận địa bị bom đạn vùi lấp. Phía trước là địch, phía sau máy bay và pháo binh của chúng liên tục đánh phá con đường hào duy nhất nối trận địa đi qua thung lũng yên ngựa về hậu cứ, ngăn chặn việc chi viện tiếp tế cho trận địa. Không có liên lạc, không thấy đơn vị bổ sung quân số chiến đấu. Anh em thương binh, liệt sĩ cũng không chuyển được về tuyến sau. Đường dây liên lạc bị cắt đứt cả với sở chỉ huy và các đơn vị bạn xung quanh.
    Trước tình hình ấy, có giây phút tôi cũng hoang mang, lúng túng, nhưng rồi nhìn thấy đồng đội hy sinh, và bất chợt tôi nghĩ tới tấm huân chương Chiến công và chiếc huy hiệu Bác Hồ gửi tặng cho tôi trong đợt 1 chiến dịch, sau trận tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi E, tôi bình tĩnh lại, thấy mình có thêm nghị lực. Và rồi thực tế khắc nghiệt lúc bấy giờ buộc tôi phải nghĩ ngay tới điều chủ yếu: hoặc là tiếp tục chiến đấu cho dù có phải hy sinh, hoặc là để địch tiêu diệt mình? Chính cái giây phút "hiểm nghèo" ấy đã đưa tôi đến quyết định: "Một mình một pháo cũng đánh". Tôi nghĩ: Nếu mình tiếp tục chiến đấu, địch sẽ không biết khẩu đội đã bị cô lập và chỉ có một người. Tôi chăm sóc thương binh, đưa liệt sĩ vào ngách hầm bên trong, củng cố lại cửa hầm, xếp lại bao cát, thử làm các thao tác bắn một mình, và làm thêm một vài "lỗ bắn" dự bị. Bây giờ còn có một mình, tôi tự xác định "không được ngủ" và kiên trì "phục" theo dõi địch suốt ngày đêm không một phút lơi lỏng. Hễ địch "sơ hở" hoặc bắn phá là tôi bắn tiêu diệt. Kết cục một mình một pháo, tôi đã tiêu diệt hoàn toàn trận địa pháo "105" của địch, góp phần cùng đơn vị đánh tan các mũi phản kích của chúng, tiến tới tổng công kích giải phóng Điện Biên".
    Mặt trời đã đứng bóng, anh hùng Phùng Văn Khầu ngừng kể. Nhiều người còn muốn hỏi, muốn biết thêm về anh từ sau chiến thắng Điện Biên và gia đình anh hiện tại. Loạt mưa bóng mây qua nhanh, hơi đất bốc lên càng nóng, mồ hôi từng giọt, từng giọt lăn tròn trên khuôn mặt hồng tươi của anh. Anh xin để dịp khác, phần vì thời gian đã muộn, phần anh không muốn nói nhiều về mình.
  3. vaxiliep

    vaxiliep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/03/2006
    Bài viết:
    1.180
    Đã được thích:
    2
    Cuộc đọ sức đầu tiên
    Ngày 13-3-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn nhưng từ ngày 20-11-1953 đã có một đơn vị nổ súng đánh ngay vào đội hình của quân Pháp khi chúng bắt đầu nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh. Đó là tiểu đoàn 910, thuộc trung đoàn 148 trực thuộc Quân khu Tây Bắc. Cụ thể tiểu đoàn 910 có 4 đại đội, 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến. Vị trí của các đại đội như sau: Tiểu đoàn bộ và đại đội 220 ở bản Nông Pết, đại đội 221 ở bản Cò Mỵ, đại đội 225 và 634 ở bản Hồng Lếch.
    Sau nhiều lần thả biệt kích thăm dò lực lượng ta, ngày 20-11-1953 địch bắt đầu nhảy dù với đội hình lớn xuống Điện Biên Phủ. Trong hai ngày 20, 21-11 địch đã thả xuống tới 4 tiểu đoàn. Trước đó mấy ngày máy bay trinh sát của địch liên tục lượn vòng trên bầu trời Điện Biên. 8 giờ sáng ngày 20-11, sau nhiều vòng lượn của máy bay trinh sát (moran) thì máy bay cường kích (Hen-cát-Spít phai-Kingcobra) xuất hiện và oanh tạc trực tiếp xuống các bãi chuẩn bị nhảy dù. Khoảng 10 giờ các toán máy bay Đakota, 3 chiếc một lừng lững bay vào và bắt đầu đổ quân xuống. Dù của chúng chủ yếu là dù trắng, có một số dù hoa và một ít là dù đỏ. Khi đổ quân các loại máy bay công kích vẫn tiếp tục oanh kích các khu vực xung quanh bãi nhảy dù, kể cả bắn đạn giấy vào sát đội hình của chúng để uy hiếp quân ta. Khi máy bay trinh sát địch xuất hiện nhiều, chỉ huy tiểu đoàn 910 phán đoán có nhiều khả năng địch nhảy dù nên đã lệnh cho các đại đội di chuyển ra vị trí và nếu thấy quân nhảy dù thì tự động nổ súng đánh địch, không cần chờ lệnh và cứ hướng địch mà đánh, lấy tiếng súng làm mệnh lệnh hiệp đồng. Như dự kiến khi các cánh dù trắng đỏ của địch vừa bung ra, các mũi tiến công của ta cũng bắt đầu nổ súng, các loại tiểu liên, trung liên, đại liên, súng trường đều bắn vào quân địch khi chúng còn đang lơ lửng trên không. Bộ đội vừa bắn vừa vận động áp sát đánh các lực lượng đã tiếp đất, không cho chúng sắp xếp, chấn chỉnh đội hình.
    Các đại đội 221-220 đã nổ súng đánh địch đầu tiên và tiến công rất dũng mãnh. Đại đội 225 do ngỡ ngàng lúc đầu nên vận động ra chậm một chút nhưng vẫn đánh được địch. Đại đội 634 (trợ chiến) chậm hơn nên kết quả đánh địch khi chúng đang đổ quân có hạn chế nhưng khi chúng đã tiếp đất thì đại liên, cối 82, ĐKZ 57 lại bắn rất tốt vào đội hình đứng chân chưa vững của chúng.
    Trận đánh diễn ra quyết liệt từ khoảng 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Các loại hỏa lực từ trên không và mặt đất của địch (của những bộ phận đã củng cố được đội hình) đều bắn dữ dội vào các mũi tiến công của ta. Sau khi đánh địch còn lơ lửng trên không và mới tiếp đất, các đại đội đã chuyển sang tiến công vào các tốp, các cụm quân địch đã gom được đội hình. Khoảng 4 giờ chiều thì trận đánh kết thúc, bộ đội ta thu dọn chiến trường và lui quân về phía sau. Kết quả trận đánh ta ước tính địch chết và bị thương khoảng 200 tên. Sau này các tài liệu của địch xác nhận khoảng 300 tên.
    Sau trận đánh này, tiểu đoàn 910 cùng với các đơn vị khác của trung đoàn 148 chuyển sang bao vây, quấy rối, đánh tỉa, đánh lẻ quân địch.
  4. fanlong74

    fanlong74 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/06/2002
    Bài viết:
    346
    Đã được thích:
    0
    Ngày 20/11/1953, tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 tại ĐBP trong chiến dịch Castor
    [​IMG]
    Ngày 20/11/1953, Các KIA và WIA của quân đội Pháp trong ngày đầu tiên của chiến dịch Castor
    [​IMG]
    Sĩ quan liên lạc quân đội Pháp tại ĐBP, khoảng 22-27/11/1953
    [​IMG]
    Chúc vui, cố lên nhé :)
  5. mytam81

    mytam81 Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    29/07/2005
    Bài viết:
    178
    Đã được thích:
    0
    Hai lần 174 đánh đồi A1, đường dây điện thoại liên lạc với sở chỉ huy đại đoàn 316 đều bị đứt, lần đầu làm ta tấn công muộn 30 phút thương vong nhiều, cũng may mà lần sau giờ nổ súng đã được phổ biến xuống trung đoàn.
    Mình nghi ngờ rằng lúc đó hàng ngũ của ta bị cài gián điệp, ko phải vô tình mà hai lần đánh cứ điểm A1 quan trọng nhất đều bị đứt dây điện thoại như thế.
  6. hasinhat

    hasinhat Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    04/04/2005
    Bài viết:
    673
    Đã được thích:
    430
    Nói chung, sách Tây về ĐBP thì em vẫn đánh giá cao E.Bergot với J.Pouget nhất. Có lẽ 2 lão này từng trực tiếp dự trận nên viết vẫn chân thực hơn đám sử gia sau này. Điều đặc biệt là chính 2 lão lại ít viết về mấy cái "biển người" nhất
    *****************************************************
    Tiện đây, em xin trích 1 đoạn trong "ĐBP, 170 ngày đêm bị vây hãm - Erwan Bergot":
    "...Mặt trời đã mọc từ từ. Ở sườn đồi phía Đông Elliane 2, trung sĩ Preignon vẫn tiếp tục chiến đấu. Ông đã vứt bỏ khẩu 57 bị hết đạn, trở thành vật vô ích từ lâu....Nhưng súng trường kô thiếu, cả súng Pháp lẫn súng do TQ chế tạo. Vấn đề là chọn đạn cho thích hợp với từng loại. Hơn nữa Preignon còn có 1 số súng dự trữ. Ông đã nhặt được 1 khẩu AK-47 của 1 bộ đội bị thương, đang hấp hối...." tr.383.
    Đây là 1 trong những điều chưa biết về ĐBP (ít nhất là với em!).
    Theo Lịch sử Sư đoàn 308 Quân tiên phong tập 2, thì Sư đoàn chủ lực giàu truyền thống nhất của QDND cho đến đầu những năm 1960 mới được "thay thế vũ khí mới hàng loạt cho bộ đội...làm tăng hoả lực chiến đấu...".
    Vậy thì khẩu AK47 kia chắc là vô tình rơi ra từ 1 chiếc máy bay nào đấy của ông LX bay qua bay lại trên bầu trời ĐBP xem đánh nhau???
    Liệu có phải lỗi dịch hay lỗi sắp chữ kô ạ?
    Được hasinhat sửa chữa / chuyển vào 15:37 ngày 01/05/2006
  7. panzerlehr

    panzerlehr Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2004
    Bài viết:
    935
    Đã được thích:
    0
    Để đánh đồi A-1, ta chỉ có 1 đường tấn công duy nhất từ chân đồi cháy lên. Cái này bọn tây cũng biết hơn nữa A-1 là vị trí quan trọng số 1 trong hệ thống phòng thủ của ĐBP cho nên bọn nó yểm trở pháo binh tối đa vào khu này cũng như khu ngay đằng sau để phá rối đội hình xung kích của ta. Chính vì thế lần nào tấn công, đường dây điện thoại với tuyến sau đều bị pháo cắt đứt hết, đơn vị tấn công thường phải tấn công một mình không có yểm trợ trực tiếp của đại đoàn.
    Em có nghe mấy cựu chiến binh kể lại rằng lúc này cách duy nhất để liên lạc giữa đơn vị là những những người giao liên, mà giao liên là phải chạy thật nhanh dưới bom đạn địch để kịp mang tin tức đến nơi. Chính vì thế mà phía giao liên hi sinh cũng rất là nhiều.
  8. chiangshan

    chiangshan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/02/2003
    Bài viết:
    5.574
    Đã được thích:
    12
    Sạn thì ở đâu mà chả có hả bác. Đánh giá là nói chung về tinh thần, nội dung chứ soi kĩ thì chả quyển nào không mắc lỗi cả
    Em nhớ hình như cái đoạn nói về trận ta đào địa đạo ngầm để chiếm 206 (Hughette 1), lão Bergot còn tả là quân ta mặc đồ đen chui từ dưới đất lên, tràn ngập sở chỉ huy cứ điểm. Nghe cứ như bộ đội ta là Ninja vậy
  9. vaxiliep

    vaxiliep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/03/2006
    Bài viết:
    1.180
    Đã được thích:
    2
    Thu nhặt dù ở Điện Biên
    Trong suốt thời gian chiếm đóng, địch thả hàng vạn dù xuống Điện Biên Phủ. Sau khi cao xạ 37 ly của ta xuất hiện và trận địa bao vây của ta thít dần lại, máy bay địch buộc phải bay cao, việc thả dù trở nên kém chính xác, dù bay tản mạn khắp nơi, một phần không nhỏ rơi vào khu vực trận địa của ta.
    Cả địch và ta đều tổ chức đi thu nhặt hàng tiếp tế thả dù xuống. Ở các đồn phía đông, việc tiếp tế khó khăn nên địch đi thu các thùng rơi gần đồn, sau đến các dù ở xa hơn, tức gần về phía ta. Ta tổ chức bắn tỉa để ngăn chặn chúng đi nhặt dù. Việc bắn tỉa rất hiệu quả, riêng tiểu đoàn tôi cũng hạ được vài chục tên. Địch sợ không dám cho lính Tây đi làm việc này mà đẩy lao công người Việt đi làm. Ta có bắn vào những người này không, đó là vấn đề phải suy tính vì đây là những đồng bào của ta bị bắt giữ từ đồng bằng lên để phục vụ quân Pháp. Không bắn thì địch thu được hàng.
    Chúng tôi chủ trương bắn dọa để cảnh cáo làm cho đám lao công có cơ để không đi làm. Bẵng đi được vài ngày, địch lại buộc lao công đi nhặt, chúng tôi cho tổ bắn tỉa vào các thùng tiếp tế kể cả các thùng đã vác trên vai. Nhưng địch rất xảo quyệt, biết bộ đội ta không bắn đồng bào của mình nên vẫn thúc lao công đi thu hàng. Chúng tôi không có cách nào khác là phải cho mấy tay thiện xạ bắn bị thương vào chân một vài lao công mới chấm dứt được việc lao công bị đẩy ra lấy hàng.
    Về phía ta, chúng tôi rất tích cực đi thu nhặt dù để bổ sung tiếp tế cho ta. Ở gần trận địa ta thì nhặt ban ngày, ở gần đồn địch thì lấy ban đêm. Ta cũng định thứ tự ưu tiên cho việc thu nhặt: trước hết lấy các vũ khí đạn dược cần cho tác chiến như đạn pháo 105, đạn cối 81, 120 ly..., rồi đến các thùng thực phẩm và nhu yếu phẩm khác.
    Địch thả dù cả các loại bao cát để làm lô cốt và ụ súng; chiến sĩ ta phòng thủ trên đồi Cháy cạnh đồi A1 cũng thu được vô số bao cát về đắp công sự của mình. Một lần tôi kiểm tra thấy một bao có đề chữ ?osucre? nghĩa là đường, tôi nói anh em lấy lưỡi lê chọc ra xem thì quả là đường trắng. Suýt nữa thì bỏ phí của quý, thế là đơn vị có đường ăn dồi dào một thời gian!
    Có thời gian giữa hai đợt chiến đấu, nước rửa cực kỳ khan hiếm, mặt mũi chân tay rất bẩn, người hôi hám rất khó chịu; khi ăn cơm, phải xé vải dù bọc tay để cầm cơm nắm, đêm cũng phải lấy vải dù lau chân trước khi ngủ. Giữa lúc khó khăn đó thì nhặt được một dù toàn cây nước đá, thế là chia cho nhau, đập ra để rửa mặt mũi chân tay, thậm chí để tắm rửa. Sau đó mới pha nước chanh, nước cam, cà phê đá.
    Có lần chúng tôi thu được một dù toàn rau tươi: xà lách, húng Láng, hành tỏi, kinh giới, tía tô... Thật thú vị khi cả tháng không được ăn rau xanh, nay được địch tiếp tế cho ăn thoải mái vài bữa liền! Tôi vốn dân làng Mọc gần làng Láng (Hà Nội), khi ngồi thưởng thức món rau từ quê hương mà thấy nhớ nhà đến thế và ước vọng toàn thắng trở về quê lại càng da diết.
    Lần khác chúng tôi thu được một thùng toàn sách báo trong đó có một gói của vợ Đờ Cát gửi cho chồng, gồm 2 tiểu thuyết và một phong thư. Tôi báo cáo lên trên, ít lâu sau có chỉ thị báo bằng bộ đàm (radiophonie) cho Pháp bảo Đờ Cát cử người mang cờ trắng ra chân đồi chúng tôi nhận. Quả nhiên chỉ sau một thời gian lính Pháp đã đến chỗ hẹn, thực hiện đúng quy định và nhận được gói quà.
  10. vaxiliep

    vaxiliep Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/03/2006
    Bài viết:
    1.180
    Đã được thích:
    2
    Cứu đồng bào bị máy bay Pháp tàn sát ở Noọng Nhai
    Đêm về sáng, sương mù nặng hạt, trời lành lạnh, ở trận địa, bộ đội bắt đầu dậy chuẩn bị chiến đấu. Trong bản Noọng Nhai, trẻ con và các ông bà già còn ngủ ngon, chỉ có những anh chàng gà trống được thiên nhiên giao phó đua nhau cất tiếng gáy vang báo hiệu trời sắp sáng. Trên trời, chiếc máy bay ?obà già? của Pháp mò lên rất sớm, bay vo vo trong mây mù dọc đường 41, lượn vòng tròn trên bầu trời bản Noọng Nhai và ở trên trận địa của ta. Liền sau đó, máy bay khu trục của địch kéo đến. Từ xa vọng lại tiếng ù ù như tiếng cối xay lúa, rồi ào ào như cơn mưa rào bất chợt đổ về, rồi ầm ầm như thác nước từ trên cao giội xuống, tiếp đến những tiếng rít xé trời khủng khiếp, rung chuyển mặt đất.
    Chúng thả liên tiếp hết đợt này đến đợt khác từng chùm bom nổ như sét đánh đùng đùng, đoàng đoàng... đinh tai nhức óc. Dân bản chạy tán loạn la hét thất thanh, kêu khóc thảm thiết. Máy bay của Pháp tiếp tục nã từng tràng dài súng máy vào ông bà già và trẻ con.
    Ở trận địa, còi báo động rúc liên tục, chuông điện thoại réo leng keng hết đợt này đến đợt khác. Các chiến sĩ đã vào vị trí chiến đấu bắn máy bay địch và ở tư thế sẵn sàng đánh bộ binh. Ở bản Noọng Nhai, từng đám lửa đỏ quạch, màu da cam, bùng lên ngùn ngụt. Những đám khói đen đặc cuồn cuộn vừa lan rộng vừa bốc lên cao như những đám mây, cơn giông ùn ùn phủ kín bản Noọng Nhai. Tiếng súng cao xạ, súng máy trọng liên của ta bắn trả râm ran.
    Được lệnh của tiểu đoàn, Trần Cửu phải ở lại trận địa chỉ huy một phần lực lượng sẵn sàng đánh địch từ Hồng Cúm nống ra. Lê Sương cùng Đào Tuyên chỉ huy toàn bộ lực lượng còn lại phối hợp với các đơn vị bạn cùng vào Noọng Nhai cứu dân. Một bộ phận do Lê Sương chỉ huy. Bộ phận khác do Đào Tuyên. Mỗi bộ phận chia thành nhiều tốp nhỏ vượt qua các đám lửa lao vào các ngôi nhà sàn đã đổ sập, úp sụp. Các chiến sĩ khiêng, cõng vác, dìu... những người bị thương ra suối khô để băng bó cấp cứu, đưa những thi hài cháy đen hoặc những thi hài bị bom xé, máu me đầm đìa ra dưới những lùm cây ven suối và phủ lên những mảnh vải dù trắng.
    Sau một hồi nghe báo cáo tình hình cứu chữa, thương vong của chiến sĩ và bà con dân tộc, Trần Cửu bình tĩnh nói lại nhận định và chỉ thị của trung đoàn:
    - Hôm nay, rất ít khả năng địch nống ra, vì vậy mỗi đơn vị chỉ để lại một lực lượng nhỏ sẵn sàng chiến đấu, còn tập trung lực lượng cứu đồng bào bản Noọng Nhai.
    Trong một nhà sàn đổ ụp đang bốc cháy có tiếng trẻ em khóc thét. Trần Cửu, Đào Tuyên chạy vòng quanh nhưng không tìm được cửa vào. Mái nhà lá cọ quá dày, không hy vọng dỡ mái mà nhảy xuống được. Đầu nhà, một tấm phên cháy tung ra một khoảng trống nhỏ. Trần Cửu, Đào Tuyên cùng chui vào đám khói dày đặc. Trần Cửu đạp chân chạm vào một người. Anh vội bế xốc ra ngoài. Một cháu bé bị ngạt khói, người nhũn. Trần Cửu đưa cháu bé ra chỗ thoáng hà hơi cấp cứu, gọi to để tốp y tá, y sĩ của trung đoàn lên đưa cháu về phía sau. Bất giác, Đào Tuyên như nhớ tới những lời mĩ miều của nhà cầm quyền Pháp, nào là bình đẳng, bác ái, nhân đạo, nào là khai phá văn minh? Nhưng lại đem bom và đại bác giết chết hàng trăm người già và trẻ em nơi rừng núi xa xôi ở bản Noọng Nhai miền Tây Bắc này. Mải nghĩ, anh vấp ngã, hất Tùng xuống đất, cháu bé người dân tộc thiểu số được đại đội trưởng Trần Cửu cứu thoát trong ngôi nhà sàn cháy rụi lúc trước cũng ngã theo. Đào Tuyên nhổm dậy nâng Tùng và cháu bé đứng lên. Chính trị viên Tuyên xuýt xoa xin lỗi liên lạc Tùng:
    - Xin lỗi em, xin lỗi em, anh vừa đi vừa mải nghĩ.
    Anh quay sang xin lỗi cháu bé. Tùng tỉnh hơn thấy có thể tự đi được, nhất định không cho chính trị viên cõng. Tùng nghĩ, cháu bé còn đi được nữa là mình-thanh niên-người lớn! Lê Sương vẫn còn mệt, chưa đi, chưa nói được. Trần Cửu cố gắng cõng Lê Sương đi nhanh đến tổ cấp cứu để có thuốc tiêm trợ sức.
    Cháu bé như sợ chú bộ đội bỏ mình bơ vơ nên cứ bám chặt lấy ống quần của Đào Tuyên. Đi được một lúc, nó bắt đầu khóc sụt sịt, rồi khóc nấc lên, nước mắt, nước mũi giàn giụa. Đào Tuyên nghĩ: có lẽ chỉ có bọn quỷ sứ mới không biết xót thương trẻ em. Quân giặc thì giết trẻ con không chùn tay. Nhân đạo của quân xâm lược là nhân đạo của chó sói. Ở bản Noọng Nhai mấy trăm con người, hầu hết là bà già và trẻ con đã chết!
    Phía trước, một tốp người mặc quần áo màu chàm đi tới. Người đeo túi thổ cẩm, người đeo túi dệt vải bạt, cũng có người đeo ba lô kiểu của giải phóng quân Trung Hoa buộc dây vải như chiếc bánh chưng hình chữ nhật. Trần Cửu và Đào Tuyên gặp một người nói tiếng Kinh lơ lớ, tự giới thiệu là đoàn cán bộ của huyện, của tỉnh. Một người phụ nữ từ phía sau đi lên quỳ trước mặt cháu bé nịnh nó, dỗ nó, rồi bế nó. Nhưng cháu bé lại giằng ra, ôm chặt lấy ống chân Trần Cửu. Chị cán bộ đứng lên. Đào Tuyên và Trần Cửu ngồi xuống trước mặt đứa bé. Mặc dầu không hiểu được tiếng nói của nhau nhưng cháu bé vẫn ôm vòng lấy cổ chú bộ đội, không khóc nữa... tỏ ra hiểu được điệu bộ của Trần Cửu và Đào Tuyên. Chị cán bộ lại ngồi xuống giảng giải cho cháu bé. Nó chìa tay ra để chị dắt đi theo đoàn cán bộ của huyện và tỉnh.
    Đúng ba ngày, sau trận máy bay giặc Pháp ném bom giết hại hàng trăm đồng bào ở bản Noọng Nhai, Trần Cửu, Đào Tuyên và liên lạc Tùng vào rừng thăm viếng những ngôi mộ mà đồng bào Noọng Nhai đã yên nghỉ. Những bóng đèn mờ mờ chập chờn ẩn hiện như những vong hồn của những người ở thế giới bên kia trở về và sẽ theo sang tận nước Pháp hỏi tội những kẻ gây ra tội ác tày trời này. Tội ác này sẽ đeo đẳng suốt đời họ và con cháu họ ở ngay tại nước Pháp.
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này