1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đối thoại.

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi phaohoa, 06/05/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Đối thoại.

    Mọi ngày vẫn vào đây dạo qua chỗ này một chút, chỗ kia một chút, nghe ngóng, tò mò xem những người ở Mỹ ( cái nơi tôi đang sống ) nói gì, làm gì, nghĩ gì. Tâm trạng giống như một người Việt Nam tóc mách vô lý vậy. Hôm nay lại vớ được một quyển sách, cũng gần gần với tâm trạng đó, đọc khá thú vị. Tôi đã không thể không xông vào đây, xin phép mod netwalker để giới thiệu với các bạn quyển sách này .

    Cuốn sách có tiêu đề:

    Nếu đi hết biển_tác giả Trần Văn Thuỷ.
    Chương trình nghiên cứu của University of Massachusetts Boston.

    Một. Mấy lời rào đón.

    Thưa bạn đọc!
    Cho tôi được thưa "bạn", tôi quan niệm đọc của nhau là bạn được rồi. người cao niên hơn tôi, người ít tuổi hơn tôi đều được coi là bạn, bạn vong niên. Tôi thấy chữ "bạn" nó gần gũi, cổ xưa và thân thiện quá. Thật bất hạnh nếu như trên đời này ta không có bạn.
    Rồi tôi bỗng giật mình, chợt nhận ra rằng, biết đâu, trong tình cảnh hiện tại của người Việt nam ta, lỡ có người giận dữ mà rằng:" Thằng *********! Ai bạn bè với mày!" Thế là tôi chột dạ, phải cân nhắc sao cho phải.
    Tôi nghĩ tới chữ "quý vị" mà tôi đã dùng trong nhiều buổi gặp mặt với người ngoại quốc ở các nước mà tôi đã tới chiếu phim và thuyết trình. Hình như chữ " quý vị" rất sang trọng, có khoảng cách, được thông dụng ở giới thượng lưu từ đầu thế kỷ XX khi cung cách ứng xử và văn minh phương Tây tràn vào xứ An Nam nhỏ bé và yếu đuối của chúng ta. Vậy thì phải hơi dài dòng một chút:
    _Thưa quý vị và các bạn!
    Đến đây tôi mới cảm thông với các xướng ngôn viên xinh đẹp và trẻ trung của các đài truyền hình trong nước. Những năm trước đấy thường nhất loạt: "Thưa các bạn." Nghe nói có cụ 70, 80 bực mình, coi như bị xúc phạm. Cụ máng xa xả vào cái tivi vô tội: "Lũ trẻ ranh! Ai bạn bè với chúng mày!" Phải công nhận là người Việt ta khó chiều quá. Riêng tôi thì khẳng định là mình dễ tính hơn, được một cô gái kém mình 20,30 tuổi coi là bạn hoặc gọi là anh thì sướng râm ran trong người rồi.
    Những năm qua đất nước thời mở cửa, người ở xa quê về nhiều, người ngoại quốc biết tiếng Việt cũng lắm, cách thưc xưng hô trên truyền hình cũng uyển chuyển theo:" Thưa quý vị và các bạn!" Vậy là tôi rất cảm thông và hoàn toàn tán thành với cách xưng hô rất có lý trên truyền hình Việt Nam buổi giao thời. Chỉ bâng khuâng một nỗi rằng, một dân tộc tự hào có tới mấy ngàn năm lịch sử, có một nền văn hiến dài lâu như đất nước tôi mà đến cách xưng hô cũng phải lúng búng theo thời cuộc.
    Thưa quý vị và thưa bạn đọc!
    Trên tay quý vị và các bạn không phải là một cuốn sách. Chắc chắn là vậy, chứ chẳng phải vì khiêm tốn giả vờ. Nói đến sách, người ta thường chờ đợi trong đó: tri thức, văn chương, tư tưởng, học thuật.
    Từ đầu năm 2001 một số nhà nghiên cứu người Việt, người Mỹ đã động viên tôi và viết thư giới thiệu tôi với Trung tâm William Joiner để tôi có thể tham gia viết một cái gì đó. Quả thực là bởi nhiều lẽ, tôi rất ngần ngại. Sau rồi, nghĩ lại, không đi thì tiếc, cuối cùng tôi đã có mặt trên đất Mỹ dài dài. Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tới trên 20 trường đại học và thành phố thuyết trình, hội thảo và chiếu mấy bộ phim tài liệu của chúng tôi đã làm.Rồi công việc đưa đẩy, tôi lui tới nước Mỹ nhiều lần, bay trên ba chục chuyến bay trông nội địa nước Mỹ. Tôi thấy được nhiều điều và cũng vỡ ra được nhiều điều. Nếu bén gót đệ tử, cháu chắt cụ Nguyễn Tuân thì tôi có thể dám viết một cuốn sách với tựa đề: Nước Mỹ Rong Chơi. Viết được thế mới sướng. Nhưng tôi đã lỡ theo cái nghiệp, cái cách làm phim tài liệu và chỉ có cái góc nhìn rất hạn hẹp, rất mộc mạc của một người làm phim tài liệu.
    Cũng đôi lúc máu me lên, nhăm nhe định viết một cái gì đó cho có đầu, có đuôi. Nhưng khi đọc lời tựa quyển một Người Trăm Năm Cũ, Hoàng Khởi Phong viết:"...Tôi tự biết tôi là một người xa lạ ở nơi đây, mặc dù tôi đã tới đây rất sớm. Mười tám năm đã qua (giờ đây là 28 năm đã qua T.V.T ), cho dù có thêm mười tám năm nữa tôi tự biết tôi vẫn là một kẻ ở bên lề. Không nên viết về một đời sống khi hiểu được mình chỉ là một kẻ đứng bên lề..." tôi bớt đi sự hăm hở.
    Bởi vậy, đây thuần tuý chỉ là những ghi chép thô sơ từ cuộc sống, từ công việc của tôi cùng với những ý kiến đóng góp, trao đổi trong tình thân của một số quý vị mà tôi được coi là bạn.
    Vậy, nếu ai muốn tìm kiếm những điều cao siêu về tư tưởng, văn chương hoặc soi mói những điều kém cỏi về lập trường, quan điểm xin hãy bỏ qua, đừng đọc tiếp.
    Tôi không có sở trường giói thiệu mình bằng ngòi bút, không có nguyện vọng đăng đàn diễn thuyết và đặc biệt là không có khả năng tranh cãi với bất kỳ ai. Ở đây tôi chỉ xin ghi chép lại đôi điều tôi nghĩ, tôi thấy, tôi trải qua cùng việc trò chuyện với một số tri thức, nhà văn hải ngoại. Khi con người chỉ muốn trình bày cái sự nghĩ của mình mà phải rào đón là không có khả năng tranh cãi với ai, tự biết đã là hèn lắm rồi.
    Thực ra ý tưởng của cái sự viết đôi điều tản mạn này nó ám ảnh tôi từ những năm 80, khi vào dịp đó, trong bối cảnh không mấy sáng sủa, chúng tôi đã thực hiện một số phim tài liệu, trong đó có hai bộ phim được người xem trong và ngoài nước quan tâm: Hà Nội Trong Mắt Ai, 1982 Chuyện Tử Tế, 1985. Tuy nhiên những bộ phim đó mãi tới cuối năm 1987 mới được phép chính thức khởi chiếu. Đó là những năm định mệnh trong cuộc đời làm phim của tôi.
    Nghỉ ra, nhiều khi con người cảm thấy đơn côi ngay cả với chính mình. Tôi bụng bảo dạ:" Sao mày u mê đến thế nhỉ, thần kinh đến thế nhỉ? Đó là những chuyện trời ơi đất hỡi. Rỗi hơi! Mày hãy sống cho yên thân!".
    Vâng, loài người nói chung và con người nói riêng đa phần vẫn có thói quen muốn sống cho yên thân, sống cho bản thân mình. Chí phải! Tôi cũng vậy. Đấy là chưa kể những ham muốn, những khát khao trong một cảnh ngộ mà chất Người thì ít, chất Con thì nhiều. Nhưng rồi những khoảnh khắc tĩnh lặng, những đêm trắng thâu canh, hình như có một cái gì đó nó dựng mình dậy, hối thúc mình, mách bảo mình phải nghĩ một cái gì đó, bận tâm một cái gì đó, hành xử một cái gì đó. Chẳng qua chỉ là để giải toả cho chính mình, đối thoại với chính mình, hoài niệm cho chính mình.
  2. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Hai. Nếu đi hết biển...
    Nhớ lại, từ những năm ấu thơ tôi đã tha thiết lời ru:
    Con cò lặn lội bờ sông.
    Cò ơi sao nỡ quên công mẹ già?
    Hỏi rằng ai đẻ cò ra.
    Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi.
    Nhớ khi đi ngược về xuôi.
    Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò.
    Cò ơi cò bạc như vôi.
    Công cha, nghĩa mẹ cò còn nhớ không?
    à á à ơi
    ....
    Trong tâm trí thuở thiếu thời của tôi, lời ru ấy gắn với những năm tháng tản cư về quê, với luỹ tre làng, tiếng võng, với những buổi chiều nắng dát vàng trên cánh đồng lúa. Gắn liền với hình ảnh thân thương của thầy mẹ tôi theo cái cách: " Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời."
    Thế rồi gần nửa thế kỷ sau, cuộc đời đưa đẩy, khi thực hiện một bộ phim tài liệu dài với sự bảo trợ về tái chính của một quốc gia giàu có là Nhật Bản, tôi vẫn không thể quên những ký ức xa xưa, đầu đời ấy. Ở bộ phim do tôi làm nhưng Made in Japan với tựa đề Có Một Làng Quê, đoạ kết phim là như thế này:
    "Thuở tôi còn nhỏ gia đình tôi tản cư về quê. Người chăm lo, nuôi dạy anh em chúng tôi là một bà vú nuôi nhà quê mà chúng tôi vẫn trìu mên gọi là thím, thím Nhuận.
    Một buổi tối, sau những công việc vườn tược, xay lúa, giã gạo, khi gà đã lên chuồng, thím mắc võng ra hiên nằm kể chuyện cho chúng tôi. Khi ấy tôi chưa hề biết rằng bà không biết chữ, mà chỉ thấy bà thuộc lòng những chuyện thơ dài suốt đêm này qua đêm khác.
    Thế rồi một đêm, dưới vòm trời bí ẩn đầy những vì sao lấp lánh, trong trí tưởng tượng ấu trĩ của tôi bỗng nảy ra một dấu hỏi to tướng về sự hữu hạn và vô hạn. Tôi bắt đầu lục vấn thím tôi:
    _Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?
    _Làng ta gọi là làng An Phú. Đi hết làng ta thì đến làng An Lễ.
    _Đi hết làng An Lễ thì đến làng nào?
    _Đi hết làng An Lễ thì đến làng An Phong.
    _Rồi đi đến đâu nữa?
    _Hết làng An Phong thì đến làng An Nhân, An Đạo.
    _Đi hết làng An Đạo thì đến đâu?
    _Đi hết làng An Đạo thì ra đến biển.
    Bà tự tin giảng giải cho tôi. Tôi vô cùng khâm phục sự hiểu biết rộng lớn của bà. Bỗng tôi nhỏm dậy hỏi thím:
    _Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?
    Trong đêm tối, thím tôi im lặng. Từ ngày có trí khôn chưa bao giờ tôi thấy thím tôi buồn đến thế. Thím buồn bã trả lời:
    _Đi hết biển đến đâu thì thím cũng không biết.
    Tôi dần lớn khôn và thím tôi âm thầm qua đời khi tôi ở nước ngoài. Bà không có con, phần mộ của bà thực là ảm đạm. Một lần thắp hương bên mộ thím, tôi xót xa thì thầnm với thím rằng:
    _Thím ơi! Cháu thương thím, vì cho đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ. Cháu sẽ dành dụm để xây cho thím một ngôi mộ đàng hoàng. Thím cho phép cháu đề lên bia mộ mấy hàng như thế này:
    Nơi đây yên nghỉ thím tôi
    Bà già nhà quê mù chữ
    Người thầy đầu tiên của tôi

    Người Nhật bỏ tiền ra cho tôi làm phim, hơn thế nữa, muốn làm thế nào thì làm. Tôi đã nói về "cái tôi" là một điều khó, rất khó.
    Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, nhiều năm xa quê, trở lại không còn thấy những tên làng như ngày xưa nữa. Tôi buồn lắm. Sử chép rằng ngày xưa, vào năm Tự Đức thứ 10 (1829) khi quan Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ cùng cụ tổ lập ấp của chúng tôi là cụ Trần Trung Khánh quai đê, lấn biển, mở mang bờ cõi, lập nên tổng Ninh Nhất, đặt tên làng gồm cửu An: An Lạc, An Phú, An Lễ, An Phong, An Nhân, An Nghĩa, An Đạo...người xưa đặt nền móng đạo lý và kỳ vọng tương lai cho con cháu ngay từ tên gọi của làng quê. Thế mà bây giờ con cháu văn minh, cách tân cho gọi nôm na là xóm 1, xóm 2, xóm 3... như cách gọi trong trại lính. Những tên xưa dần mai một trong ký ức của những bậc già cả. Tiếc lắm.
    Quê tôi người đi đạo, đi lương xấp xỉ bằng nhau. Sau 1954 người ta đi Nam cũng nhiều và sau 1975 người ta đi tiếp sang Mỹ cũng lắm. Dễ hiểu thôi, nới đó là miền biển của tình Nam Định thuộc giáo phận Bùi Chu, chỉ qua con sông Ninh Cơ là đến giáo phận Phát Diệm.
    Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên mộ thím tôi"... Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình..." Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi, có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ " qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi, đi mãi" mà cuối cùng không thể "trở về quê mình, làng mình" được.
    Tôi đã nhầm khi tưởng rằng điều tâm huyết của tôi trong bộ phim nọ đúng với mọi người. Ở đây, người ta đi hết biển thì chỉ tới nước Mỹ. Và tại nước Mỹ, cộng đồng người Việt là một thế giới muôn hình muôn vẻ, với bao nhiêu vấn đề cần suy ngẫm, luận bàn, không giấy mực nào tả xiết.
  3. netwalker

    netwalker Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    3.785
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn Pháo Hoa đã mở một chủ đề thú vị.
    Nếu có một bộ phim tài liệu về cộng đồng Việt Nam hải ngoại kể cũng là một đề tài thú vị đấy nhỉ. Ví dụ ai là người Việt đầu tiên xuất ngoại, cộng đồng người Việt hải ngoại đầu tiên là ở đâu ( chắc là ở mấy hòn đảo có các vị vua Việt Nam bị Pháp đưa đi đày hay những người phu, người lính ????). Sự khác biệt, sinh hoạt của cộng đồng Việt ở các nước như Pháp, Mỹ, Úc, Nga, Đức và Đông Âu ra sao, v...v.
    Chắc chắn sẽ là một đề tài thú vị, tuy nhiên để làm một bộ phim tài liệu hoành tráng như vậy, bao trùm rrộng lớn và có chiều sâu cũng đòi hỏi công phu va tốn kém lắm.
    Hy vọng có một ngày sẽ có bộ phim như vậy.
  4. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Câu chuyện về cộng đồng người Việt Nam đầu tiên sang Pháp, sang Thái Lan..... sẽ tiếp tục trong phần 9 của cuốn sách.
    Còn ý tưởng về một bộ phim người Việt Nam ở hải ngoại, chắc chắn đó cũng là một ước muốn không chỉ của người Việt Nam ở nước ngoài, mà đó còn là ước vọng đau đáu của không ít các đạo diễn trong nước, làm cái điều như tác giả Trần Văn Thủy trên đây đã làm:" Nhưng rồi những khoảnh khắc tĩnh lặng, những đêm trắng thâu canh, hình như có một cái gì đó nó dựng mình dậy, hối thúc mình, mách bảo mình phải nghĩ một cái gì đó, bận tâm một cái gì đó, hành xử một cái gì đó......" Làm thì đơn giản, nhưng để làm cho ra trò thì không dễ chút nào.
    Thử nghĩ xem nhé. Nếu để làm một bộ phim mang tính lịch sử có tính chất hoành tráng quy mô lớn như netwalker mong ước, thì liệu chúng ta có đủ khả năng hay không?
    Còn chuyển thành một câu chuyện sinh hoạt bình thường của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung chung thì, theo thiển ý của tôi, nếu làm hay hơn được " Người Bắc Kinh ở NewYork thì hãy làm. Chắc net chưa xem phim này đâu nhỉ.
    Còn nữa, thú thực khi trích đăng cuốn sách này lên tặng các bạn đọc, tôi cứ lo ngay ngáy, nhỡ ra sơ sểnh thế nào mình lại bị treo nick thì khổ. Mà ví dụ có ý gì thì đã đành, chứ nếu chả có ý gì bị treo oan thì xấu hổ lắm. Bệnh này chắc là bệnh cố hữu của người Việt Nam nói chung: làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau.
    Chúc tất cả mọi người vui.
  5. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Ba. Một bức thư.
    Tại nơi đây, nước Mỹ, tôi muốn viết lại câu chuyện riêng tư như thế này. Câu chuyện có lẽ cũng không có gì đặc biệt, nhưng nó quan hệ đến quá khứ, hiện tại và cả tương lai trong cách nhìn nhận của tôi.
    Tôi có một bức thư mà các con tôi khi đọc, chúng bảo rằng:"Bố ơi, đây là kịch bản của một bộ phim truyện hay." Tôi vốn ít quan tâm đến phim truyện, đến sự hư cấu và đóng diễn. Tôi vốn ít có thời gian quan tâm đến những chuyện thật trong cuộc đời, mà bức thư tôi có trên tay là một truyện thật, chuyện thật của một thằng bạn thuở học trò.
    Lại phải kể lan man là vào niên khoá 1953-1954 chúng tôi học lớp Đệ thất B3 trường Nguyễn Khuyến, tiền thân của nó là trường Thành Chung Nam Định ngày xưa. Hình như trong đời mỗi con người, tuổi học trò thường là tuổi để lại những dấu ấn sâu đậm nhất, lung linh nhất. Tôi nhớ trong lớp có những đứa hát rất hay như Lưu Linh, Đào Thuý Lan, Nguyễn Thị Phương Khanh. Những tình khúc như Chiều, Thiên Thai, Sơn Nữ Ca, Thu, Đêm Đông.....Nhớ lắm.
    Tôi ngồi cạnh một thằng bạn thân, học giỏi, tính tình điềm đạm tên là Nguyễn Hữu Đính. Nhà Đính buôn gạo. ngôi nhà to rong965, xây theo kiểu cổ nhưng có ban công, trên đề tên hiệu buôn là "Linh Lợi", nét chữ mềm mại, ở số nhà 49 phố Bến Thóc, trước nhà có một cây phượng vĩ rất to.
    Câu chuyện về Đính lại liên quan đến một thằng bạn khác trong lớp, tôi quên họ nhưng nhớ tên. Đó là Viễn. Gia đình Viễn ở quê và hoàn cảnh cũng túng bấn. Sức học của Viễn cũng chỉ trung bình nhưng ở cái tuổi 13, Viễn đã đọc và hầu như thuộc lầu toàn bộ tiểu thuyết Tàu có được lúc bấy giờ: Thuyết Đường, Chinh Đông, Chinh Tây, Tây Du, Tam Quốc, Thuỷ Hử, Hồng Lâu Mộng.....
    Nhà tôi cũng chẳng rộng lắm, nhưng thầy mẹ tôi vốn chiều bạn bè của con cái nên Viễn tá túc ở nhà tôi. Thời buổi ấy không hẳn vì "thóc cao, gạo kém" mà vì thương bạn, Đính thường lấy trộm gạo ở nhà mang đến góp phần cho tôi nuôi Viễn. Mỗi lnầ đưa cho tôi túi gạo ở nhà sau giờ tan học, Đính chẳng nói năng gì nhiều mà chỉ dặn rằng:" Nhớ đừng để thằng Viễn nó buồn."
    Thế rồi sau 1954 bạn bè tan tác, một số vào Nam, một số về quê hoặc di chuyển đi tỉnh khác. Vào một đêm, lẽ ra đã lên giường đi ngủ, Đính gõ cửa nhà tôi. Đính vẫn không nói gì nhiều, sau một chút lưỡng lự, Đính chỉ bảo:" Thuỷ ơi, gia đình tớ đi. Đừng quên nhau nhé, tớ sẽ viết thư."
    Từ đêm ấy chúng tôi không gặp nhau. Đính cùng gia đình vào Nam và để lại cho tôi một cái ảnh màu nâu cỡ 6x9, chụp nghiêng, có ánh sang ven trên khuôn mặt hơi ngước nhìn lên. Hồi đó sự liên lạc Bắc Nam chỉ được phép qua một cái carte in sẵn có đôi dòng vắn tắt thông báo sức khoẻ. Và cũng chỉ được đôi lần như vậy, tôi và Đính hoàn toàn mất liên lạc với nhau, tình bạn thân thương chỉ còn trong trí nhớ.
    Kế đến là những năm tháng chiến tranh aác liệt. tôi được theo học một lớp đào tạo phóng viên quay phim và được điều dộng vào quay phim ở chiến trường miền Nam. ba năm lặn lội trong bom đạn, với cái máy quay phim trên tay, nhiều lần cận kề với cái chết, tôi cứ lơ mơ hình dung ra ở phía bên kia, thằng bạn thân năm xưa đang cầm súng chĩa về phía tôi. Ơn Chúa, điều đó đã không xảy ra.
    Tôi vào Sài Gòn năm 1978, rồi 1981, cất công tìm kiếm mà không thấy tin tức bạn tôi ở đâu. Những năm sau, nhiều lần tôi ra nước ngoài vì công việc nghề nghiệp, dự liên hoan phim, hội thảo. Lúc nào và ở đâu tôi cũng có ý thức và bằng mọi cách tìm bạn tôi. Mỗi lần báo chí hoặc truyền hình trong nước phỏng vấn, tôi không quên con cà con kê rằng:" Niên khoá 1953-1954 tôi cùng nhiều bạn bè học với nhau lớp Đệ thất B3 trường Nguyễn Khuyến Nam Định....."cốt đánh tiếng để xem có thấy tăm hơi thằng bạn của mình ở đâu không. Nhưng vẫn bặt vô âm tín.
    Tôi đã về Nam Định nhiều lần, đến ngôi nhà cũ của Đính, lân la dò hỏi nhưng chẳng ai biết gì. ngôi nhà đã thay đổi chủ tới 3,4 lần. Tình cảnh giống như Từ Thức về làng. Tôi nghĩ rằng thế là hết, chắc nó chết rồi, số trời không thể cho tôi quá nhiều.
    Thế rồi may hơn khôn, một dịp rất ngẫu nhiên, một người giúp tôi phát hiện ra người anh em gì đó của Đính còn sinh sống tại Sài Gòn. Tôi vội vã viết một bức thư. Chỉ mấy ngày sau tôi nhận được thư trả lời:
    Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 11 năm 2000
    Kính gửi ông Trần Văn Thủy.
    Thưa ông, tôi đã hân hạnh nhận được thư của ông và xin phép được tự giới thiệu: Nguyễn Hữu Thái, tôi là em trai của ông Nguyễn Hữu Đính. Anh em tôi đã sống tại hiệu bán gạo "Linh Lợi", số 49 phố Bến Thóc, Thành Phố Nam Định vào những năm 1950-1954.
    Ngày xưa anh Đính tôi chơi rất thân với ông (anh Thủy) và ông Sơn( anh Sơn DURAS). Các anh thường xem ciné tại rạp Văn hoa (phố Paul Bert) Majestic (phố Hàng Thao).....
    Đọc lá thư ông, tôi thực sự xúc động. Lá thư có nội dung sâu sắc, được viết bởi tấm lòng tha thiết và chân thực về những cảm nghĩ của ông đối với những nổi trôi, đớn đau của kiếp người Việt Nam và những hoài niệm về thành phố Nam Định đáng yêu ngày xưa: Những hoa cỏ, bến sông, những phố cũ, hè xưa và những người bạn trong những năm tháng đẹp nhất của đời người nay đã cách xa.
    Tôi còn nhớ rất rõ cái đêm hay anh Thuỷ -Đính chia ly, ông có tặng anh tôi một quyển lưu bút rất hay mà ngày nay anh Đính vẫn lưu giữ cẩn thận. Và đêm chia ly ấy anh tôi khi về nhà đã khóc!
    Anh Đính tôi hiện đang sống tại Montréal. Tôi tin chắc anh tôi sẽ quá đỗi vui mừng khi gặp lại người bạn thân yêu thời niên thiếu.
    Tôi cũng muốn vui lây với sự đoàn tụ quá đỗi bất ngờ này, và xin kính chuyển tới ông địa chỉ của anh Đính.
    Từ Hà Nội, tôi viết thư sang Canada cho bạn tôi và chỉ một thời gian sau tôi đã nhận được hồi âm. Nguyên văn cái bức thư dài 16 trang viết tay ấy là như thế này:
    (còn tiếp)
  6. netwalker

    netwalker Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/04/2003
    Bài viết:
    3.785
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện này càng ngày càng hay, càng cuốn hút đây.
    Câu chuyện tình bạn đẹp nhỉ.
    Để làm bộ phim về Người Việt Nam hải ngoại chắc chắn là phải vượt qua nhiều rào cản rồi, không chỉ từ trong nước mà cả ngoài nước. Hy vọng có một ngày, thế hệ sau cởi mở hơn thế hệ trước, xoá đi những hận thù để có thể cho con cháu vẽ lên bức tranh sự thật.
    Tôi có nghe nói về bộ phim Người Bắc Kinh ở New York nhưng chưa bao giờ có cơ hội được xem cả. Hình như đây chỉ là phim truyền hình dài tập thì phải, gây xôn xao ở Trung Quốc và là chương trình đông khán giả nhất. Mặc dù đã cho người Trung Hoa biết được bức tranh thật của thiên đường nước Mỹ là như thế nào, không như người ta tưởng tưởng mà là hình ảnh cuộc sống vất vả mưu sinh nhưng không ngờ con số người Trung Hoa đi Mỹ và muốn đi Mỹ lại tăng lên ( ngược lại với suy đoán của chính phủ).
    Và theo như một cuộc khảo sát gần đây với sinh viên Trung quốc, Mỹ vẫn là điểm đến ưa thích nhất để du học và định cư.
    Đón đọc những phần tiếp theo.
  7. cman

    cman Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/09/2003
    Bài viết:
    263
    Đã được thích:
    0
    Hình tác giả Trần Văn Thủy

    [​IMG]
  8. Bunny

    Bunny Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/09/2001
    Bài viết:
    1.075
    Đã được thích:
    0
    Cman co the chi tac gia la ai trong buc hinh do duoc ko?
    Bunny muon biet mat tac gia. Cam on ban
  9. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Cái bác Trần Văn Thủy này đọc những gì bác viết thì tôi lại tưởng tượng ra một ông già hom hem và nhiều triết lý cơ. Đến khi được xem ảnh thì vỡ mộng. Trông bác cứ như một thầy giáo dậy thể dục cấp III. Bunny đã nhận ra bác ý chưa?
    Trích bài của nét:
    "Để làm bộ phim về Người Việt Nam hải ngoại chắc chắn là phải vượt qua nhiều rào cản rồi, không chỉ từ trong nước mà cả ngoài nước. Hy vọng có một ngày, thế hệ sau cởi mở hơn thế hệ trước, xoá đi những hận thù để có thể cho con cháu vẽ lên bức tranh sự thật."
    -----Thế chúng ta mới phải đối thoại nhỉ.
    Còn chuyện phim Người Bắc Kinh ở NewYork thì để nói sau nhé.
    tiếp tục bức thư của ông Nguyễn Hữu Đính gửi ông Trần Văn Thủy.
    (trong bức thư này thỉnh thoảng tôi có chen ngang vài câu bình luận, các bạn có đọc thì thông cảm mà bỏ qua cho, số là vì công việc ngồi chép từ sách vào máy rất dễ chán, tôi thì vốn lười, hơn nữa chép một lúc tôi lại thấy mỏi tay, nên đành lấy việc chen ngang những cảm xúc của mình vào giữa câu chuyện để làm trò tiêu khiển, các bạn đọc chắc khó chịu lắm, lần sau tôi hứa sẽ không thế nữa đâu nhá.)
  10. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Montréal ngày 7 tháng 12 năm 20000.
    Thủy thân quý,
    Mình vừa nhận được thư của cậu em từ Việt Nam gửi qua, trong đó kèm thư và địa chỉ của Thủy. Thật là vui mừng và ngạc nhiên hết sức!
    Thế là người bạn thân đầu đời sau 45 năm mất tin tức, bây giờ mới tìm lại được!
    Sau khi vào Nam, đôi khi coi cuốn album, thấy hình Thủy, mình nhớ lại những ngày hai đứa gần nhà nhau, hàng ngày qua lại chuyện trò. Và mình cũng nhớ Thuỷ có bà chị tên Muội, tụi mình đã mạo danh chị Muội viết thư chọc phá ông nhạc sỹ Hoàng Giáp.
    Vào Nam, tuy có những bạn khác, nhất là khi lớn lên, ra đời, mình thấy những người bạn này không giống như tình bạn của mình với Thủy, một tình bạn ngây thơ, trong sạch.
    Có một lần ở bên Pháp mình ngồi xem cuốn phim "Chuyện Tử Tế" thấy đề người làm phim là Trần Văn Thủy. Mình nói với bà xã:" Có lẽ người làm phim này là bạn cũ của anh."
    Mình coi đi coi lại cuốn phim này nhiều lần. Mình rất thích. Bởi vì cuốn phim có chiều sâu, nó nói lên một cái gì đấy mà mọi người vẫn chờ đợi. Mình nghĩ bụng: ở thời điểm này, dám nói như vậy cho mọi người nghe, quả thật là gan dạ, phải nói là dũng cảm mới đúng.
    Một hôm đi chợ Á Đông ở Quận 13 Paris, mình gặp một sinh viên từ Việt Nam mới qua, mình hỏi cậu sinh viên này về nhà làm phim Trần Văn Thủy. Cậu sinh viên cho biết nhà làm phim Trần Văn Thủy còn rất trẻ. Mình nghĩ người làm phim này không phải là Thuỷ. Vì lúc đó mình và Thủy đã trên 50 rồi, còn trẻ cái con khỉ gì nữa! Rồi mình lại nghĩ miên man bởi cái câu:" Sinh Bắc tử Nam", với những trận mưa bom như thế, chắc gì Thủy còn sống?
    Ấy vậy mà vẫn còn sống. Vẫn có tin tức. Bốn mươi lăm năm qua, gần nửa thế kỷ rồi đó, kinh khủng thật. Có điều làm mình hơi buồn là: năm nay mình đã 63, sống giỏi lắm là 10 năm nữa. Không biết trước khi nhắm mắt có còn được gặp lại Thủy hay không? Vì vậy mình đề nghị thế này: Nếu Thủy có dịp đi công tác ở Mỹ hoặc Canada thì ghé Montréal thăm mình, còn mình, nếu có dịp về Việt Nam, sẽ ra Hà Nội thăm Thuỷ.
    Từ ngày qua đây đến giờ, mình về Việt Nam 3 lần, cả 3 lần đề do bà mẹ ốm nặng, lần cuối cùng về chịu tang cụ. Cả 3 lần về đều trong tình cảnh buồn phiền, nên không đi chơi đâu, chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn. Bà cụ mình mất vào tháng 1 năm 2000, thọ 91 tuổi.
    Bây giờ mình kể cho Thủy nghe quãng đời của mình từ khi xa Thủy:
    Mình rời Nam Định năm 1955 vào một buổi sáng tinh mơ, lúc trời còn mờ tối. Gia đình 6 người, đi làm 3 tốp, mỗi tốp 2 người. khi đi không mang theo hành trang gì cả, như đi Hà Nội thăm bà con vậy. Nhà cửa vẫn bật đèn sáng, mùng mền vẫn để nguyên.
    Ở Hà Nội một ngày, ngày hôm sau gia đình mình đáp tàu hoả đi Hải Phòng, cũng đi làm 3 tốp, coi như không quen biết nhau. Ra đến Hải Phòng, mình ở đó 1 tuần, sau đó đáp tàu thuỷ vào Nam.
    Vào Nam, mình học Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ trường Nguyễn Trãi Sài Gòn, Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất trường Chu Văn An Sài Gòn. Cùng học ở Sài Gòn có những bạn cũ của tụi mình như Lê Triều Vinh, Lâm Hữu Trãi, Trần Đình Chi, Nguyễn Thị Phương Khanh, Nguyễn Thị Vinh.
    Sau này Lê Triều Vinh tốt nghiệp đại học môn Toán, làm Giáo sư Toán, Lâm Hữu Trãi tốt nghiệp Quốc gia hành chính làm Trưởng ty. Trần Đình Chi dạy học. Nguyễn Thị Phương Khanh làm y tá. Nguyễn Thị Vinh làm công chức.
    Còn cô Băng Tâm trước dạy Anh văn tụi mình, sau khi vào Sài Gòn, cô đi dạy học trở lại và tự tử năm 59 vì gia cảnh cô có điều buồn chán.
    Sau khi đậu Tú tài phần II, mình ghi tên vào học y khoa. Học đến năm thứ 2 thì bị nám phổi. Ông thầy dạy mình, khuyên mình nên chọn ngành khác, vì học y khoa rất cực, phải thức đêm ở bệnh viện, sợ không đủ sức khoẻ. Hồi ấy, năm 1961-1962 không có thuốc tốt như bây giờ nên có nhiều người bị nám phổi, chuyển bệnh lao và bị chết. Do đó mình nghe theo lời thầy, bỏ ngành y khoa ( đây là thất bại lần thứ nhất, sẽ kể cho Thủy nghe những thất bại kế tiếp ).
    Rời bỏ trường Y khoa làm mình đau khổ và thất thần mất 1 năm. Năm sau, một ngày buồn chán ghé trường Luật thăm mấy thằng bạn, tụi nó rủ học Luật, mình cũng ghi tên học Luật. Học đến năm thứ ba thì đọc báo, thấy có kỳ thi tuyển Lục sự toà án, mình nộp đơn thi, may mắn đậu, mình được tuyển về làm việc tại tỉnh Bến Tre.
    Làm tại toà án Bến Tre được 2 năm thì phải nhập ngũ. Lúc ấy chiến tranh leo thang, tất cả thanh niên phải gia nhập quân đội. Học trường Sĩ quan Thủ Đức 9 tháng, ra trường, vì nhờ có chứng chỉ Hành chính, Tài chính khi học trường Luật, nên được đổi về Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia Vũng Tàu, phụ trách về hành chính, tài chính của Trung tâm.
    Làm việc tại đây đến năm 1970 thì gặp bà xã và năm 1972 thì cưới bà này, lúc đó mình đã 35 tuổi.
    Sở dĩ mình lập gia đình trễ vì mình có ý định sống độc thân suốt đời. Lý do có ý định này là vì mình sống trong một gia đình mà ông cụ và bà cụ mình rất xung khắc với nhau. Sự xung khắc gần như không thể hàn gắn được và cả hai cùng không muốn mỗi người một nơi vì sợ tương lai của 6 đứa con. (may mà còn xung khắc _lời bàn của phaohoa). Thế là cả hai cùng sống bên nhau, nhưng ít khi nói chuyện với nhau, cả hai sống như hai cái bóng.
    Hình ảnh này diễn ra cả mấy chục năm làm mình sợ đời sống lứa đôi. Thêm vào đó, khi làm ở Toà án Bến Tre, ông Chánh án cho mình phụ trách hồ sơ ly thân, ly hôn. Hàng tuần có những cặp vợ chồng, con cái khóc lóc trước toà vì cảnh chia ly. Điều ấy làm mình càng thêm chán ngán.
    Do đó mình quyết định sống độc thân. Mình học làm bếp, học làm bánh, học cắt may. Nghĩa là làm tất cả những việc của người đàn bà, để sau này không cần người đàn bà phụ giúp.(giống net nhờ, may mà đã có vợ_phaohoa )
    Bà mẹ mình có một tiệm buôn lớn ở quận 4 Sài Gòn. Bạn bè của cụ rất đông, bao nhiêu người mai mối. Ba cô em gái mình học trường Trưng Vương, bạn bè ra vào tấp nập, mình phớt lờ tất cả.
    Có lần bà mẹ gọi mình vào phòng, cụ nói:" Con bây giờ đã lớn rồi, phải lập gia đình đi cho mẹ yên lòng!" Mình trả lời:" Con quyết định sống độc thân rồi mẹ ạ!" Mình thấy tự nhiên mặt cụ sa sầm xuống, rồi giọt nước mắt từ từ chảy ra. Điều này làm cho mình rất ân hận. Cho đến bây giờ vẫn còn ân hận.
    Thế rồi cuộc chiến đấu nội tâm của mình, đến năm mình 35 tuổi, mình phải thua cuộc Thủy ạ! Mình phải thua luật trời đất!
    Để mình kể cho Thuỷ nghe! Hồi làm ở Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia Vũng Tàu, mình bị bệnh, nằm nhà thương. những ngày cuối tuần mấy đứa bạn cùng phòng có vợ con, bồ bịch tới thăm tíu tít. Còn mình thì ông cụ, bà cụ bận buôn bán, mấy đứa em bận học không xuống thăm được, mình nằm trơ thân cụ một mình. Buồn quá.
    Sau khi khỏi bệnh, trên chuyến xe đò về Sài Gòn, ngồi băng ghế phía trước là một cặp vợ chồng với một đứa con nhỏ. Suốt lộ trình từ Vũng Tàu về Sài gòn, cặp vợ chồng và đứa nhỏ vui đùa rất hạnh phúc. Điều này làm chủ nghĩa sống độc thân của mình bị lung lay.
    Một hôm mình chuẩn bị đi công tác với ông Chỉ huy trưởng của mình. Trong khi ngồi ở phòng khách chờ ông để đi cùng xe, cô con gái ông Chỉ huy trưởng ra gặp mình và hỏi:
    _Chú đi đâu thế?
    _Chú đi công tác Sài Gòn với ba cháu.
    _Chú về thăm thím phải không?
    _Không, chú đâu có thím.
    _Chú nói thật không?
    _Thật!
    _Vậy thì cháu giới thiệu cô bạn thân của cháu cho chú.
    Cô con gái ông Chỉ huy trưởng (tên là Lệ Tâm) cho mình cái hẹn chiều chủ nhật tuần tới ở quán cà phê Mây Hồng, bãi trước Vũng Tàu để giới thiệu cô bạn tên Hồng cho mình.
    Nhưng tuần sau đó mình đi công tác ở Sài Gòn, lu bu quá nên quên béng đi mất. Thứ hai trở lại sở làm, Tâm phôn cho mình trách quá: Chú làm cháu và cô bạn chờ chú cả tiếng đồng hồ ở bãi trước Vũng Tàu, mà không thấy chú đâu.
    Mình xin lỗi và xin cái hẹn chủ nhật tuần sau. Đúng ngày hẹn, hôm ấy mình bị cấm trại không ra được, mấy thằng bạn rủ nhậu nhẹt, quên không phôn, thế là hai cô bé lại chờ cả tiếng đồng hồ nữa. Lại trách móc. Lần này, mình xin cái hẹn lần thứ ba và hứa sẽ đến đúng hẹn.
    Đến giờ hẹn, mình tới, Tâm giới thiệu cô bạn Hồng cho mình. Đó là một cô gái lai Pháp, sinh tại Nam Định, khá đẹp và có vẻ hiền. Mình nói " có vẻ hiền" vì sau hai lần hẹn, mình cho leo cây, mình tưởng lần này sẽ bị trách móc, nhưng không. Cô bé vẫn vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra cả. Mình nghĩ thầm, người con gái này đẹp, hiền, có thể lấy làm vợ được. Thế là mình quyết định lấy Hồng. Quyết định một cách tình cờ, dễ dàng, như khi mình quyết định đi học Luật vậy. (anh hùng không qua nổi cửa ải mỹ nhân, tiếc_phaohoa)
    Hai năm sau mình làm đám cưới với Hồng, ngày 24 tháng 12 năm 1972. Ngày 4 tháng 11 năm 1973, Hồng cho mình đứa con đầu lòng (Hồng Ngọc). Lúc ấy Hồng dạy học ở Vũng Tàu, còn mình lương bổng cũng đỡ. Hai vợ chồng đời sống dễ chịu về vật chất cũng như tinh thần.
    Thế rồi biến cố 30-4-1975 xảy tới. (tèn tén ten, bắt đầu hay rồi đây_phaohoa)Trước đó, mình biết trước là chế độ miền Nam sẽ sụp đổ.Mình đã chuẩn bị đưa vợ con về Sài Gòn. Mình cũng về Sài Gòn ngày 1-4-1975 lấy cớ đi tu nghiệp nhưng thật ra mình đã xin được vé máy bay cho cả gia đình đi Pháp. Nhưng ngày 10-4-1975, bà xã mình xin về Vũng Tàu để hốt mấy bát họ. Mình có dặn bà xã chỉ ở Vũng tàu 1,2 ngày rồi phải về Sài Gòn ngay, nhưng bà xã không nghe, ở nấn ná thêm mấy ngày. Lúc trở về, chiến tranh xảy ra khắp nơi, kẹt đường, bà xã không về Sài Gòn được nữa. Tới giờ lên máy bay, mình không nỡ đi một mình, để vợ con ở lại. Lúc đó bà xã mình đang có mang đứa thứ hai (5 tháng).
    Thế là mình quyết định ở lại. Khi đoàn xe tăng cách mạng vào thành phố, mình thấy có nhiều người lính chế độ cũ chạy vào mấy đường hẻm tự sát. Có khi một người, có khi hai người, có khi mấy người chạm đầu vào nhau rồi mở chốt lựu đạn.
    Mình lúc đó cũng mất tinh thần, lo tù tội, nên ý định tự tử lởn vởn trong đầu. Chiều 30-4-1975, mình đến mấy người bạn bán thuốc Tây, mình nói dối là bị mất ngủ để xin thuốc ngủ. Mình xin được tổng cộng 40 viên (chỉ cần uống 20 viên là không cứu được ). Mình quyết định tự tử vào đêm 1-5-1975. Mình viết cho vợ con một lá thư dài để trình bày lý do ra đi của mình.
    Con người ta lúc sắp chết kỳ lạ lắm Thủy ạ. Nhìn cảnh vật xung quanh, nhìn những người qua lại ngoài đường, mình có cảm tưởng là tất cả ở trong một thế giới nào khác, chứ không phải là thế giới của mình nữa. Và cũng kỳ lạ thay, mỗi khi cầm thuốc ngủ định đưa lên miệng là hình ảnh vợ con cứ hiện ra trước mắt mình. Rồi mình lại nghe như văng vẳng có tiếng khóc của con mình ở đâu đây. Rồi mình lại nhớ mỗi khi đi làm về, đứa con chạy đến ôm chân mình mừng rỡ. Thế rồi mình tự hỏi: Tại sao mình ra đi? Tại sao mình trốn tránh trách nhiệm? Tại sao mình trao hết gánh nặng lên vai Hồng?
    Nghĩ đến đó, mình từ từ ngồi dậy, lấy lá thư xé nát bỏ vào cầu tiêu cùng với 40 viên thuốc ngủ, giật nước cho trôi đi (tự tử lần thứ nhất không thành).
    Ngày 12-5-1975, mình trình diện học tập cải tạo. Những gì trong trại cải tạo mình xin miễn kể ra đây. Chỉ biết mình qua 4 trại cải tạo: Hóc Môn, Long Khánh, đảo Phú Quốc, Hàm Tân.
    Có lần ở đảo Phú Quốc, mình buồn quá và tuyệt vọng nên có ý định tự tử lần thứ hai. Mình còn nhớ, đêm hôm đó trời sáng trăng mờ mờ. Nửa đêm, mình tháo sợi dây dù ở cái võng của mình ra, khe khẽ cầm sợi dây dù đi về phía cầu tiêu, cạnh cầu tiêu phía hàng rào là căn nhà đang xây cất dở dang, chỉ mới làm cái khung bằng sắt. Buổi chiều mình đã đi qua đi lại chỗ này mấy lần, ý định là đêm nay mình sẽ leo lên cái thang, buộc một đầu dây vào cổ và một đầu dây vào đà sắt.
    Nhưng sống chết hình như có số cả Thủy ạ. Đêm hôm đó, sau khi mình cầm sợi dây dù, lẳng lặng đi về phía cầu tiêu, đến chân thang, mình bình tĩnh bước từng bước một lên bực thang, miệng lẩm bẩm đọc mấy câu kinh Phật, khi leo lên đến lưng chừng cái thang thì trên chòi canh cạnh hàng rào, một vệ binh quát to:
    _Anh kia! Làm cái gì thế?
    Mình vội tụt xuống và trở lại chỗ nằm cùa mình rồi lại nghĩ miên man đến vợ con như lần trước. Sáng hôm sau, định cắt vụn dây dù nhưng không có dao, bèn cuộn tròn hai sợi dây dù cho xuống hầm cầu tiêu.
    Mình đi cải tạo được hơn 3 năm thì được về, vì mình tuy là quân đội nhưng biệt phái sang cơ quan dân sự không đánh đấm gì cả. Hơn nữa dân biệt phái cấp bậc chỉ lên đến cỡ trung uý là cùng. Thành ra về tội mình cũng nhẹ và về cấp bậc mình cũng nhẹ.
    Mình ra khỏi trại cải tạo cuối năm 1978. Ông cụ mình mất đầu năm 1979.
    Ra khỏi trại cải tạo, không kiếm được việc làm, mình tính chuyện vượt biên. Vuợt biên 5 lần không thoát, mất hết cả vàng bạc, nhưng cũng may là thoát chết 2 lần.
    Lần đầu ngồi chờ ở bãi đáp (bãi sau Vũng Tàu) trong những lùm cây dại, để chờ tàu nhỏ đón ra tàu lớn. Lúc đó nửa đêm, trời mưa lâm râm. Mọi người đều quỳ gối trên cát đọc kinh, đạo Phật đọc kinh Phật, đạo Chúa đọc kinh Chúa. Hai đứa con của mình khóc ré lên. Mọi người sợ quá, bảo vợ chồng mình phải cho chúng uống thuốc ho để chúng nó ngủ. Uống một muỗng không ngủ. Uống 2, 3 muỗng vẫn không ngủ. Uống đến gần nửa chai thì chúng không khóc nữa, mà chúng cứ cười rú lên! (tôi đọc đến đoạn này cũng cười rú lên luôn_phaohoa). Mọi người sợ công an phát hiện nên đuổi gia đình mình về, không cho đi nữa. Thế là vợ chồng, con cái lại dắt díu nhau trốn theo đường mòn để tránh những trạm gác của công an. Vậy là mất toi 16 cây vàng.
    Ngày hôm sau thì được tin thuyền nhỏ chỉ chở được khoảng 40 người mà thôi, mà số khách lại lên tới 70. Không ai chịu nhường ai, cả 70 người leo lên chiếc thuyền nhỏ. Thuyền ra tới ngoài khơi, gặp sóng lớn lật úp chết gần hết, chỉ còn sống sót vài người. Trong số người chết có Hùng, em ruột bà xã mình. Hùng là sinh viên đẹp trai, người cao và là tay bơi nổi tiếng của thị xã Vũng Tàu. Khi hành khách lên hết tàu nhỏ, bà chủ tàu thu vàng của khách cho vào ba-lô đưa cho Hùng đeo lên vai. Khi tàu chìm, mấy người tham vàng đã dìm chết Hùng để lấy ba-lô vàng đó. Bà chủ tàu và ba đứa con bị chết cùng với hành khách.
    Mình kể cho Thủy nghe vụ thoát chết lần thứ hai. Cuộc vượt biên này do bạn của bà chị họ mình tổ chức. Mỗi người 4 cây, phút chót chủ tàu tăng thêm mỗi người 1 cây nữa. Mình bực quá không đi nữa. Chuyến tàu đó khởi hành như đã định, cho đến nay 20 năm rồi vẫn không thấy một lá thư nào của người trên tàu gửi về trong đó có chồng bà chị họ của mình. Bà chị họ đau khổ hoá điên, bà hiện vẫn còn nằm tại nhà thương điên Ottawa cách chỗ mình ở 200km.
    Thủy thấy đấy, mình cũng cao số, 4 lần chạm trán với tử thần, mà tử thần không dắt đi.

Chia sẻ trang này