1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đối thoại.

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi phaohoa, 06/05/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Cùng chưa tìm thấy câu trả lời thì có lẽ chỉ nên mời nhau chén nước trà thôi là đủ nhỉ, không cần nghiêng...........ngó đâu.
    Thú thực là đợt vừa rồi tôi rất bận, nên không có lúc nào ngơi nghỉ ra để chép cái gì nữa. Tôi cũng thiết nghĩ, những phần sau TVT viết theo một mạch thống nhất với phần đầu, nên trích dẫn nhiều phần mà cùng một tư tưởng thì cũng thừa. Nhưng tôi cũng không ngỡ là các bạn lại thích đọc TVT đến thế. Thôi thì hôm nay tranh thủ được nghỉ, tôi post tặng các bạn chương cuối của cuốn sách. Chương này chỉ nói về tình yêu thôi.
    "Thời gian của chúng ta còn bao nhiêu nữa để ta có thể yêu người bạn đời của mình? Ta còn đủ thời gian hay không? Hay ta chẳng còn bao nhiêu? Tôi luôn tự hỏi: Mình cần bao nhiêu thời gian để yêu người mình yêu?"
    (Chritopher Jenkins. Tôi và Em)
    Tuyết và Chris.
    Cách đây 15 năm, năm 1989 tại Roma, với camera tôi đã hỏi chuyện vợ chồng anh chị Quan Vinh và Laura, anh người Việt, chị người Ý. Anh Vinh rất bằng lòng với phẩm hạnh của Laura, hai người tâm đầu ý hợp và có thể nói không có một điều gì đáng bận tâm trong quan hệ vợ chồng. Khi Laura ở trong bếp, tôi nói với anh Vinh: " Laura thì tuyệt vời rồi, mừng cho hạnh phúc của anh chị. Nhưng chẳng lẽ không có một sự khác biệt về nguồn gốc khiến anh bâng khuâng à?". Anh Vinh: " Chả có điều gì cả, chả có...À, à, nhưng có đấy, đấy là những lúc mình nghe cải lương. Ôi, mấy cái câu vọng cổ nó làm mình nao lòng, rơi nước mắt thì Laura cứ nhìn trân trân không ra làm sao cả. Nghe vọng cổ mà mặt cứ thế thì ai mà chịu nổi?" Tôi bảo anh Vinh vào bếp thay Laura. Tôi nghe Laura ca ngợi chồng mình hết lời: " Anh ấy là một người tuyệt vời, nói tiếng Ý như người Ý, thương vợ, chăm lo gia đình, tôi không đổi anh ý để lấy bất kỳ ai!". Tôi bảo: " Tôi còn mê anh ấy nữa là chị. Thế anh ấy quá tuyệt vời như vậy, nhưng có khi nào, một chút thôi, một khoảnh khắc thôi, anh ấy làm chị buồn?". Laura: " Không đâu, anh ấy tế nhị lắm, người đàn ông Việt Nam chu đáo hơn hẳn so với người Ý. Không đâu, không đâu.... Ừ, à, mà có, có lúc anh ấy cũng làm tôi buồn đấy. Đấy là lúc đêm khuya, đang ngủ, anh ấy nói mê, nói mê gì mà chỉ toàn nói tiếng Việt. Tôi ngồi nhỏm dậy, cố lắng nghe anh ấy nói gì mà chịu chết không tài nào hiểu được. Buồn chết đi được, tại sao anh ấy không nói mê bằng tiếng Ý? Anh ấy nói cái gì, nói với ai, với cô nào trong giấc mơ, tôi muốn biết, tôi buồn."
    Những năm qua tôi đã gặp và thân quen khá nhiều cặp vợ chồng người Việt với người nước ngoài, họ đều có những mẩu chuyện vui na ná như vậy. Và vừa rồi nhân dịp tôi tới Đại học Berkele để nói chuyện phim ảnh, bạn bè có mời tôi tới nhà chị Khánh Tuyết để dự cuộc gặp mặt. Buổi gặp mặt rất đông vui, người Việt, người Mỹ. Chị Tuyết và bạn bè mất công chủ yếu là để đón tiếp tôi, một người từ xa tới. Có lẽ do từ xa tới nên tôi đã để ý ngay đến những tranh ảnh, đồ đàng, kỷ vật trong ngôi nhà cổ của chị. Phải nói ngay nó như một cái bảo tàng của gia đình, của dòng họ. Tôi được biết đến ở Việt Nam, bố chị vốn là một tri thức có tên tuổi từ đầu thế kỷ. Tôi thấy trên bàn thờ của Chris, chồng chị, có bát nhang, tượng Phật, và nhiều tượng cổ. Dòng họ Anglo-Saxon của Chris đã mười đời định cư ở Mỹ, từ năm 1635. Năm 1660, ông cố nội Chris, là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng thành phố Falmouth, Massachusetts, miền Đông nước Mỹ. Còn Chris, tên đầy đủ của anh ta là Christopher Newell Hall Jenkins, cả một đời làm công việc thiện nguyện về y tế cộng đồng. Anh làm ở Mỹ, ở các nơi và làm nhiều ở Việt Nam. Tôi còn thấy trên bàn thờ của Chris có một bức trướng trang trọng màu đỏ do Bộ Y tế Việt Nam phúng vào dịp Chris qua đời.
    Tôi ở lại nhà chị Tuyết đêm ấy, khi khách khứa đã ra về, tôi và chị nói chuyện đến khuya và câu chyện còn được tiếp tục vào buổi sáng ngày hôm sau. Đó là câu chuyện vào đời bằng con đường thiện nguyện của chị và câu chuyện tình giữa chị và Chris. Hai người đến với nhau vì họ đi chung một con đường là tự nguyện làm công việc từ thiện, là cùng một nỗi đam mê phụng sự những con người nghèo khổ, bất hạnh. Tôi không thể nhớ được hết những gì chị Tuyết kể. Trước khi chia tay, tôi năn nỉ Tuyết: " Chị phải giúp tôi, bớt chút thì giờ ghi lại những mẩu chuyện mà chị đã kể. Tôi thích chuyện của chị và rất ngưỡng mộ Chris. Hãy giúp tôi, vì nhiều khi trong đời, chúng ta chỉ được gặp nhau có một lần thôi mà." Rồi qua hơn hai tháng, từ Berkely chị Tuyết đã gửi về Boston cho tôi một bức thư, một chuyện kể như sau:
    Anh Thủy kính mến,
    Lâu lắm rồi tôi mới có thể viết lại được. Chuyện chắc cũng không có gì là đặc sắc, nhưng cũng là chuyện một đời người. Nhờ anh thúc đẩy, nên những mơ ước tiềm tàng ấp ủ trong tôi, nay có thể đôi chút giãi bầy.
    Năm xưa có bà bạn đồng nghiệp lớn tuổi hơn tôi nhiều, người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, mà tổ tiên chạy qua Mỹ trong cơn "đói khoai lang" đã cho tôi một tựa sách về chuyện đời mình "Vietnam Interwoven" (Việt Nam những mảnh đời dệt lại với nhau). tôi vẫn chưa viết được từ bấy đến giờ. Cũng nhiều năm qua rồi. Một phần vì cuộc sống bôn ba theo thói quen, một phần vì chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm công việc của một nhà văn. Dù rằng ba tôi năm xưa vừa là một bác sỹ thú y bất đắc dĩ, vừa là một nhà thơ, nhà văn.
    .....Tháng Chín năm 1966, sau hai tháng tham dự cuộc Hội thảo và Trại hè Công tác Quốc tế ở Tokyo và quần đảo Nam Hae Do, Nam Triều Tiên, tôi trở về Đà Lạt để bắt đầu các sinh hoạt thiện chí trở lại.
    Một buổi sáng đang ngồi ở bàn viết tại trụ sở Thanh Niên Thiện Chí, chi nhánh Đà Lạt, Chris chậm rãi bước vào. Với cung cách rất từ tốn, Chris tự giới thiệu bằng tiếng Việt mà Chris vừa mới học được trong khoá hè khi còn là một thành viên của Hội Thiện nguyện Volunteers in Asia (VIA) Chris cho biết tên, họ và vai trò tình nguyện của Hội Thanh Niên Thiện Chí Quốc Tế (International Voluntary Services). Chris được vài người bạn Mỹ làm việc tình nguyện ở Đà Lạt cho biết là nếu anh muốn làm việc với thanh niên và sinh viên thì anh nên gặp tôi. Lúc ấy tôi đang giữ vai trò Trưởng ban Ngoại vụ của Thanh Niên Thiện Chí / Đà Lạt.
    Từ ngày ấy, Chris thường xuyên nhập cuộc trong cuộc sống linh hoạt của tôi và một số bạn bè thân. Năm ấy tôi cũng lại bỏ học sau khi xong lớp Dự bị, Khoá I, Chính Trị Kinh Doanh. Nhưng tôi vẫn giữ căn phòng trọ thật đơn sơ, nghèo nàn ở tầng giữa tại số 7 Trần Bình Trọng, ngang với phòng trọ của Ng. Q. Tuyến và Tr. T. Thức. Căn phòng nhỏ hẹp có cửa sổ mở rộng qua một thung lũng đầy những liếp rau xanh. Phía bên kia thung lũng là ngôi biệt thự nơi Chris ở trọ cùng với một số nam nữ thanh niên thiện chí quốc tế. Tầng trên lầu là nhà trọ của gia đình chị Th, người Huế, bạn thân của anh Tr.C. Sơn. Thỉnh thoảng, anh Tr.C.Sơn hay ghé qua chơi, và bọn chúng tôi được chị Th mời lên nghe anh hát. những bài hát in bằng "ronéo" trong thời gian anh "trốn đi lính" ở Đà Lạt. Trong mớ "kho tàng" cua chúng tôi có vài bài anh Tr.C.Sơn đã tặng cho Chris vào những năm 1966-1967.
    Thỉnh thoảng Chris ghé qua chơi và chuyện trò cùng hai bạn Tuyến và Thức. Đôi khi tôi cũng tham dự, và sau này Chris vẫn thường nhắc đến vài kỷ niệm khó quên như nướng khô mực trên ngọn nến và bàn chuyện triết lý hiện sinh của J.P. Sartre.
    Rồi tháng ngày trôi qua, vào những buổi sáng mai, từ một cửa sổ nhỏ ở gian bếp ngó lên mặt đường căn nhà trọ nằm ven triền đồi tôi nhìn thấy Chris lái xe Vespa qua ngang. Chỉ mái tóc vàng bồng bềnh trong gió lộng; và tôi lại cố nhủ thầm một cách ngây ngô. Rồi như chuyện chú chồn bé nhỏ nọ nhắn với Hoàng Tử Tí Hon (The Little Price/Le Petit Prince, tác giả Antoine de Saint Exepury) khi các hạt thóc trổ vàng là lúc chú chồn sẽ liên tưởng đến mái tóc vàng của Hoàng Tử Tí Hon. Thuở đó, trong thời loạn lạc, tôi tránh những quan hệ mật thiết- nhất là với thanh niên Mỹ- và đôi ba lần tôi không dám so sánh mình với chú chồn bé nhỏ nọ để được một hoàng tử tí hon nào đó "thuần hoá" (tame) mình.
    Trước năm 1967 khi tôi vào làm công tác xã hội tình nguyện tại nhà thương DamPao, Chris thường theo nhóm bạn bè chúng tôi đi làm trại công tác ở các làng Thượng. Cũng rất nhiều lần, Chris theo chúng tôi đi ăn cơm bình dân của "Dì Hai" sau rạp hát Hoà Bình. Lúc nào Chris cũng mang theo một sổ tay nhỏ trong túi áo sơ mi; luôn chăm chú lắng nghe và ghi chú những từ ngữ hay các thành ngữ mới.
    Vào thời điểm đó, cao trào chống Mỹ/ chiến tranh Mỹ ở nhiều tầng lớp dân chúng nhất là hàng ngũ sinh viên hoạt động đang xảy ra khắp nơi. Mọi liên hệ với Chris phải thật dè dặt, dù rằng lúc bấy giờ trong số nữ sinh viên ở Viện Đại Học Đà Lạt chỉ có tôi là người duy nhất đã từng sống ở Pháp và Anh ở lứa tuổi 15-16. (Có lẽ tôi ít ngại ngừng khi giao thiệp với người phương Tây). Nhưng trong lối cư xử của Chris với những bạn bè quanh tôi, chúng tôi càng thấy rõ bản chất của Chris không chỉ cô đọng lại trong vốn liếng văn hoá thừa tự Mỹ. Anh đã khôn lớn theo những năm tháng du học ở Anh, Pháp, và những chuyến du lịch sang Ý và vài xứ Á Châu. Có thể nói anh không Mỹ chút nào, lại rất "quốc tế". Vì vậy, bạn bè của anh ngày càng thêm quý mến anh, vì sự nhạy cảm và những quan tâm về cuộc chiến đang đày đọa người dân Việt Nam.
    (còn tiếp)
  2. boxwe

    boxwe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/11/2003
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Spam có một dòng mà được 18 người vote cho 5*. Không được đọc hết 1 quyển sách hay thế này khác gì ngắm một cô gái đẹp đeo mạng.
    Tặng pháo hoa
    và alleycat cùng cman
    Được boxwe sửa chữa / chuyển vào 18:04 ngày 25/06/2004
  3. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Thuở đó tôi thường chong đèn ghi nhật ký đều đặn. Thuở đó tôi vẫn mê say mở rộng kiến thức mình không phải miệt mài trên ghế nhà trường mà qua sách báo, kể cả bằng ngoại ngữ Pháp, Anh, và nghe ngóng từ bạn bè khắp mọi nẻo đường đất nước. Nhiều lần các bạn thích trêu trọc ghép tôi và Chris giống như đôi tình nhân tri thức nổi tiếng thế giới, Jean Paul Sartre và Simonne De Bouvoir. Nào phải tôi là tri thức gì đâu! Tôi cứ phải bỏ ghế nhà trường từ cấp trung học, rồi bây giờ sau khi học xong lớp Dự bị, Khoá I, Chính trị Kinh Doanh, Đại Học Đà Lạt. Sự an ninh nghề nghiệp từ học đường như không còn giúp tôi tìm được ngõ thoát cho tương lai của mình. Trong ngõ cùng của đất nước với cuộc chiến ngày càng khốc liệt.
    Vùng cao nguyên Đà Lạt có nhiều thôn xóm người Thượng/ sắc tộc K''Ho, K''Jill. Những núi đồi hùng vĩ, con sông DamPao thơ mộng chảy quanh co dọc các làng DamPao và DaNung; người miền núi chất phác, hiền lành, khiến tôi như bị thu hút đi về các thôn xóm hẻo lánh, làm công tác xã hội để học làm người. Cái khổ ải, cái nghèo khó mà tôi đã gặp như ngày càng trĩu nặng trên vai. Một cách chịu đựng nén cơn giận dữ thật âm thầm. Thế thôi.
    Không có ai hoá trang làm chú hoàng tử tí hon để cho tôi được biến thành chú chồn bé nhỏ nọ, thầm mong được "thuần hoá", tôi cũng chỉ có thể xem Chris như một người bạn rất thân. Cũng chưa có một lần nào tôi nói với Chris rằng có những buổi sớm mai, đứng ở cửa sổ trong gian bếp nghèo nàn của căn nhà trọ, tôi bất chợt gặp mình ngó mông lên đường chờ đợi mái tóc vàng bồng bềnh trong gió lộng của Chris.
    Rồi tôi vẫn tiếp tục những công tác ở hai làng Thượng DamPao và DaNung, cách sân bay Tùng Nghĩa vài chục cây số. Thỉnh thoảng tôi mới về Đà Lạt. Tại nhà thương DamPao có một bà y tá Mỹ, Mary Nan McPh., đã về hưu, sang tình nguyện sáu tháng tại nhà thương DamPao. Sau nhiều lần chuyện trò, bà ngỏ ý muốn giúp tôi sang du học ở Mỹ. Cuối năm 1967, tôi chuẩn bị đi du học. Tết năm ấy-Tết Mậu Thân- là cái tết cuối cùng cho tôi được dịp về nhà "ăn tết" với gia đình, không còn ngông nghêu ở các làng Thượng.
    Một người bạn, ng. T.T.Ch., cùng đoàn thể Thanh Niên Thiện Chí/Huế, khá thân với cả hai Chris và tôi có nhã ý mời cả hai ra "ăn Tết" ở Huế. Chỉ một mình Chris có thể ra Huế. Riêng phần tôi phải nán lại ở nhà thương DamPao kết thúc các công việc. Chưa kịp về Sài Gòn thì nhà thương DamPao được báo động; tất cả nhân viên phải di chuyển ra Đà Lạt. "********* sẽ có một cuộc tấn công lớn". Toàn thể nhân viên chưa kịp nhận thức thực hư ra sao đành theo nhau bay ra Đà Lạt bằng trực thăng. Trong số này có ba người, Faith Ph., chị nữ điều dưỡng Mỹ, H., một thanh niên phụ tá điều dưỡng, người Việt gốc Hoa và tôi cùng lái xe trở lại nhà thương. Trên đường đi, khi qua làng DamPao, tôi nhình thấy nhiều mái tranh đã cháy rụi trong vụ càn quét ********* của "Chiến dịch Phượng Hoàng" cách đó mấy hôm. Trước thềm một mái nhà tranh cận dường nay chỉ còn mớ tro tàn, còn một xác người đã cháy đen như một tượng đồng, với đôi cánh tay vung thẳng lên trời. Người chết như muốn gào thét đòi qyuền sống từ thượng đế.
    Về đến nhà thương, chúng tôi được báo cáo rằng một số học sinh y tá không kịp quay về làng mình, kéo nhau ra đào hầm núp ở bờ sông. Hầm bị sụp làm một số em bị chết ngạt. Khóc than sao cho vừa! Chúng tôi tìm thấy và trấn an một số ít bệnh nhân còn kẹt lại. Vài nhân viên là dân làng DaNung tình nguyện mang họ về nhà mình để tiếp tục lo cho họ. Không một ai dám ở lại nhà thương, sợ bị ********* gán cho mình là theo phe Quốc Gia/Mỹ.
    Tôi không thể chần chừ được nữa. Ngay khi trở lại Đà Lạt, khi có chuyến bay đầu tiên, tôi bay về Sài Gòn ngay. Làm thế nào để sống sót được trong cái chiến tranh khốc liệt này; dù thế nào trong tôi từng giờ từng phút còn thở được, tôi còn nợ sự sống mình với những người đã chết. Chết oan ức như cái chết của Ng.T.Kh., một người bạn từ lúc tôi lên mười, tuổi vừa đôi mươi. Cha của Kh. đi tập kết ra Bắc, nhưng Kh. bị bắt lính. Vừa ra trận lần đầu, anh bị thương ở bụng. Anh được mang về chữa trị ở Sài Gòn. Vài ngày sau anh khoẻ lại; nào ngờ sau khi ăn được một bát phở thì anh chết. Chết như con người không hề có quyền sống. "Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người" (Trịnh Công Sơn).
    Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, cả thành phố Sài Gòn và các thành phố khắp miền Nam Việt Nam, mọi người nhộn nhịp đón Xuân qua hàng ngàn chuỗi dây pháo và bánh pháo đại. Bao nhiêu năm trời không được phép đốt pháo. Bây giờ thì tha hồ! Đốt cho bõ công mong ngóng hoà bình. Đốt cho hết tang thương. Đốt cho quên hết niềm đau thắt nhìn cảnh "máu chảy ruột mềm". Đốt cho tiếng pháo át tiếng súng. Ngờ đâu đó là một chiến dịch vĩ đại thời cơ hay trùng hợp của Cộng Sản; đêm giao thừa, tiếng pháo át tiếng súng khắp trên bốn mươi thành phố miền Nam đưa chân muôn vạn người lính Cộng Sản rờm rợp về "giải phóng" miền Nam.
    Tờ mờ sáng Mồng Một, Dì Ba X., người chị họ của mẹ tôi hơ hãi chạy vội sang thông tin, "khắp nơi ********* về tràn ngập cả thành phố!" Dì Ba cũng cho biết thêm, ở các khi phố bên chợ Nguyễn Tri Phương gần nhà Cậu Tư Nh., em Dì Ba, "mấy người ********* trai trẻ đến và tự nhiên vào nhà mình xin cơm ăn. Những người trai trẻ này rất hiền lành, không có một thái độ dữ dằn nào".
    Ba tuần kế tiếp đó, các khu phố quanh nhà mẹ tôi bị giới nghiêm. May nhằm mấy ngày Tết, nên nhà nào cũng trữ dược một mớ bánh tét/bánh chưng, dưa món, lạp xưởng, bánh mứt, dưa hấu, cam, quít, bưởi...H, em trai tôi và tôi phải đi xin giấy phép đặc biệt đi lại hợp pháp để chúng tôi có thể tham gia vài công tác tình nguyện ở các trại tị nạn.
    Vài anh em Thanh Niên Thiện Chí/Đà Lạt và tôi tình nguyện đảm trách trại tị nạn tại trường Lê Văn Duyệt. Trường ốc chỉ có đủ phòng học, cầu xí và sân chơi cho vừa đủ số 300 học sinh; nhưng chúng tôi phải tiếp thu khoảng 1,500 người vừa bé thơ, người lớn và người già. Chúng tôi phải cầu viện ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức tôn giáo và các hội đoàn bạn. Trong lúc chờ đoàn Hướng Đạo đào thêm các cầu xí bên ngoài, với đôi bàn tay không và tròn mấy ngày liền, tôi đã hốt phân dây đầy các cầu xí. (Về sau, trong những năm tháng đối diện với sự đày ải ở xứ người của mình, đôi ba lần khi chạm trán cái gọi là "chụp mũ" của những cá nhân/phe phái chánh trị thiếu nghiêm túc, tôi dạy mình càng bao dung theo tuổi đời của mình. Một đôi khi tôi phản ứng, nửa đùa nửa thật, "Gọi tôi là Việt Cợng hay có chồng Mỹ biết nói tiếng Việt phải "xịa" thì tôi cũng đã làm tròn trách nhiệm của một công dân Việt Nam xứng đáng; hốt *** cho dân tôi hồi Tết Mậu Thân." Cho họ được một ngày sống an lạc. Một sự phục vụ rất khiêm tốn. Thế thôi!
    (còn tiếp)
  4. phaohoa

    phaohoa Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/06/2003
    Bài viết:
    1.326
    Đã được thích:
    1
    Bình loạn tí.
    Bác Trần Văn Thuỷ mà đọc được những giòng này chắc là sẽ vui lắm đấy ạ. Khuyến cáo bác ý không nên gỡ hết cái mạng che mặt ra, mà phải gỡ từ từ tránh cho bà con khỏi bị vỡ tim.
    Bạn tặng hoa hồng và bia mà chia cho 3 người, vậy tôi lấy bia, còn hoa hồng thì nhường cho cman và alleykat nhé. Chẹp, tham quá, không lẽ uống xong bia lại lấy nốt chỗ hoa hồng còn lại.D]
    Được phaohoa sửa chữa / chuyển vào 03:48 ngày 27/06/2004
  5. boxwe

    boxwe Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/11/2003
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Như vậy là bạn sẽ gửi hết tác phẩm lên đây phải không? Vừa đọc vừa thưởng thức chắc sẽ ngấm vào nhiều. Đọc xong quyển này sẽ trao đổi với pháo hoa về mấy câu hỏi bạn đặt ra ngày 17-5.
    Được boxwe sửa chữa / chuyển vào 10:33 ngày 29/06/2004
    u?c netwalker s?a vo 13:18 ngy 29/06/2004
  6. cman

    cman Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/09/2003
    Bài viết:
    263
    Đã được thích:
    0
    chào các bạn
    nhận đuợc bài viết này đọc thấy hay hay nên post lên các bạn đọc cho vui nhé
    seaman
    ________________________________________
    Bài này được post trong mục writing contest của Vietbao, nhận thấy tác giả Chung Mốc có lối viết khá khôi hài, khi nhận xét về người Việt ở nước ngoài về thăm quê và cả người trong nước, post lại đây bà con đọc cho vui. Dù tác giả là một nhà giáo, nhưng nhận xét của một cá nhân bao giờ cũng có tính chủ quan, không chính xác; có cảm giác tác giả viết với ẩn ý hài hước, không chủ ý bôi bác hay phê phán ai (ông chọc cả người trong nước với những câu nói "nói chung" "sự cố" "có mặt bằng","cái máy kích", "TA lại cộc cằn thô lỗ...").
    Tác giả Chung Mốc hiện đang cư trú tại Thủ Đức, Việt Nam, gửi bài qua một thân hữu chuyển đến Việt Báo. Trước 1975, tại miền Nam, ông là một nhà giáo, một huynh trưởng sáng giá. Bài viết của ông, như tựa đề, viết theo cách nhìn của bà con quê nhà nhìn những Việt kiều Mỹ khi họ về thăm lại quê quán.
    Tháng Năm, nóng toé khói.
    Ai đã từng đi xa quê hương đều ước mong có dịp trở về, hoài niệm làm người ta xao xuyến đến cháy lòng. Tìm về từ vật chất đến tinh thần, để thấy những cái tưởng mất đi vĩnh viễn nay lại tìm gặp, cái xưa tầm thường nay trở nên quí giá.
    Tôi may mắn thường có dịp đón tiếp thân nhân cùng bạn bè về thăm nhà, nhận thấy song song với nỗi vui mừng khi tái ngộ, còn có vài điều tưởng giữa chúng ta, TA và TÂY tự điều chỉnh, để ngày xum họp niềm vui thêm trọn vẹn.
    Tôi nhận thấy có mấy dạng Việt Kiều:
    - Người giàu (Có lẽ là giàu thật) quan niệm đi 5 về 10, xênh xang áo gấm về làng, họ hàng cũng được thơm lây. Hàng xóm có lòng đố kỵ cho là nổ: Hồi xưa nghèo không có đôi dép mà đi, giờ thì đi đâu cũng kè kè chai nước lọc, vô nhà ai cũng không dám uống nước dù là nước trà; nước giếng, nước mưa thì chê hôi. Họ đâu còn nhớ tới những ngày kinh tế mới, những ngày đi đào kinh thuỷ lợi nghiêng nón múc một ít nước đục ngàu mà uống. Bây giờ cứ đòi vào nhà hàng máy lạnh sang thiệt là sang, để ăn uống cho an toàn khỏi sợ đau bụng, nhưng nếu họ chịu quá bộ ra chỗ đang rửa chén tô, nơi nhà bếp đang lặt rau, làm cá băm thịt, thì tưởng chưa có nơi nào mất vệ sinh hơn thế nữa!
    Tôi lấy làm ngạc nhiên và hãnh diện khi người mình mới qua tới xứ người, người lâu thì vài ba chục năm, người mới thì chỉ năm hay mười năm, mà nay ai cũng là bác sĩ kỹ sư, chủ hãng chủ tiệm, tiếng Tây tiếng Mỹ phun phèo phèo, mà hình như không có ai làm thợ hết cả (?).
    Nếu quả thực như thế thì Mỹ trắng Mỹ đen quá kém, nay họ lại phải xin đi làm công cho người mình nhiều quá, chứ như ở VN mà mấy anh Campuchia qua đây lập nghiệp, không chịu làm cu ly khuân vác từ đời cha tới đời con, thì cũng còn khuya mới ngóc đầu lên nổi.
    Có người qua Mỹ đã lâu nhưng còn e ngại vì tài chánh eo hẹp chưa muốn về thăm quê, vì ngoài tiền vé máy bay ra, còn tiền quà cáp, xe cộ tiêu xài. Nhưng họ đâu biết rằng có tiền cho thân nhân đã quí, nhưng gặp lại người thân sau bao nhiêu năm xa cách còn quí hơn nhiều lắm.
    Vẫn biết rằng trong đám thân nhân "yêu vấu" kia thế nào cũng có người nói xấu sau lưng: "Việt Kiều về quê mà Trùm Sò thế thì về làm quái gì". Cũng may số người này không nhiều.
    - Người nghèo (Có thể là nghèo giả) than van quá trời vì sợ người nhà vòi tiền, mà có người vòi tiền thật, mè nheo đủ thứ. Họ không chờ cho đến khi gặp mặt mà thư, điện tới tấp khiến mẹ cha, anh em con cái phát chán, vì người ta biết tiền gửi về sẽ bị tiêu pha một cách lãng nhách, bởi những người chuyên vô công rỗi nghề, từ sáng tới tối xách xe chạy vòng vòng.
    Thái độ và cử chỉ bên TÂY thì lịch sự nhã nhặn, cưng chiều vợ con hết mức (theo kiểu nịnh nghề bà lắm nạc) khiến phe TA ở quê nhà xốn con mắt lắm. Nhưng khốn nỗi TA lại cộc cằn thô lỗ, gia trưởng y như xưa, y như cách đây hàng thế kỷ. Hôm nay nhà có cơm khách, khách hỏi:
    -Còn các cháu đâu, không ra dùng cơm luôn thể?
    -Các bác cứ xơi tự nhiên, các cháu đã có rồi.
    Các bác đang xơi, các cháu thập thò ở cửa, Bố quát:
    -Xuống bếp ăn với mẹ!
    Đứa con giơ tay lên trời:
    -Xin thề là dưới bếp hết cả nước lẫn cái rồi bố ạ!!!
    Bên TÂY gặp nhau ôm hôn chùn chụt, bên TA mà làm thế có ngày chả còn răng ăn cháo. Hôm anh tôi về, thấy mấy trự Việt Kiều gặp người đi đón ở phi trường, lợi dụng cơ hội ôm hôn tùm lum, ảnh nói có nhiều người làm trò khỉ quá.
    Rồi sau đó ít hôm ảnh lại nói sao Việt Kiều về cứ phải chứng tỏ mình là Việt Kiều cho oai, lúc nào cũng thấy đeo cái túi mề gà trước bụng, đàn ông lại còn mang quần có dây đeo vai cứ như mấy anh bồi nhà hàng. Họ nói chuyện với nhau hay với con cái cứ xổ tiếng Mỹ làm người nhà phải nghệt mặt ra. Mà làm như thế nghĩ cũng chả ích lợi gì, chỉ tổ cho nhà hàng chém thẳng tay.
    Việt Kiều thường phê bình người trong nước đổ đốn, không chịu làm gì cả chỉ ăn nhậu. Nói của đáng tội, cái đó cũng có nhưng vì họ chưa có cơ hội tiếp xúc với những Giám Đốc trẻ không rượu bia thuốc lá; có trách nhiệm, năng lực và lòng tự trọng; những người thợ quần quật với công việc nặng nề; những nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên những thay đổi và ấm no hơn những ngày cũ.
    Việt kiều lớn đã thế còn Việt Kiều con, tụi nhỏ về đây gặp khí hậu, thời tiết khác lạ, ăn ngủ trái múi giờ dễ sinh ra dị ứng ốm đau, làm ông bà cha mẹ lo sốt vó.
    Thái độ tụi nó cũng kỳ dị lắm, hình như nó không thích được nâng niu âu yếm, đụng vào người là nó co rúm lại, mà người mình có thương thì mới rờ rẫm bóp mông, bóp đít khen nó mập, trắng hồng coi dễ thương hết sức. Ban đầu tôi tưởng tụi nó chê mình ở bẩn, nhưng sau này mới biết là làm vậy không nên, nếu là ở Mỹ có thể bị kết tội child abuse gì đó.
    Tụi nhỏ nói tiếng Việt không rành, nó ú ớ bảo là đau bụng, đưa thuốc cho uống cả tiếng sau mới nói là nó "wrong", nó bị đau cổ họng cơ. Có nhiều đứa lý sự và phá trời thần, trẻ con VN mà nói tay đôi với người lớn thế thì có mà nát đít, còn trẻ Việt Kiều nó được tự do tranh luận, nếu nó nhận thấy người lớn nói sai. Về VN mà nó làm cứ như ở nhà nó, cái máy quay phim, dàn máy hát ở quê nhà quí lắm, dành dụm biết bao lâu mới mua được, nhưng con cháu Việt Kiều về xài rồi nó quăng vất tứ tung, chọc ghẹo nhau chạy tới chạy lui làm đổ dàn am-pli, cả nhà thấy xót quá mà không ai dám nói gì!
    Nói sang cái ăn mới ngộ, đãi Việt Kiều ở nhà hàng, TA ép TÂY ăn thịt.
    TÂY than thở: "Tại sao lại ép chúng tôi những thứ mà hàng ngày phải ăn mấy chục năm nay?"
    Không lẽ kêu măng luộc, rau đay cua rốc, cà pháo mắm tôm, rau muống xào đập tỏi v v... Những thứ đó quê tôi có đầy ra, bước ra đàng sau vườn loáng một cái có cả rổ, bây giờ thường để cho heo ăn mà thôi, ai nỡ lòng nào đem ra đãi Việt Kiều.
    Việt Kiều con thì khác hẳn, vào bàn nó ngồi im như tượng, mặt buồn như Đức Mẹ Sầu Bi ngồi dưới chân thánh giá, hỏi ăn gì thì chỉ lắc đầu. Thấy mấy ông kêu đồ nhậu rắn rùa, chim chuột. .. đặc sản, nó chỉ con thạch sùng (thằn lằn) trên tường mà hỏi: "Con đó có ăn không ?"
    Người lớn thích ăn tiết canh, mua con heo con vịt về cắt tiết hay thọc huyết, nhìn thấy cảnh đó nó kinh hãi ôm nhau khóc thét lên.
    Còn về thịt cầy, nó dặn là đừng bao giờ đánh lừa nó ăn một miếng, bởi vì ăn thịt chó, tim sẽ đau đớn như phạm tội vậy.
    Về tới SG thả tụi nó vào khu siêu thị thì như cá gặp nước, tụi nó hoạt bát hẳn lên, nói líu lo vì trong đó có bán đồ ăn khoái khẩu của nó.
    Ở quê tôi còn có một thứ mà mỗi nhà có Việt Kiều về thăm thì phải lo trước, đó là cái bàn cầu ngồi theo lối Mỹ, nhà cầu kiểu cũ trẻ con ngồi không quen cứ ngã bổ chửng ra. Nhớ hồi cách đây hơn 10 năm, cầu cá dồ chưa bị cấm, có ông Việt Kiều đang ngồi thì bị cầu xập, ông đứng giữa đìa khóc ầm lên kêu Trời kêu Phật, kêu cả thánh quan thầy.
    Một cái đáng sợ nữa cho Việt Kiều là muỗi. Xưa kia muỗi chỉ có mùa, bây giờ nhờ kinh tế thị trường nên có quanh năm, nó lại theo trào lưu khủng bố của thế giới nên không kêu vo ve nữa mà chuyên âm thầm đánh du kích, cắn xong một phát là chỗ đó ngứa không chịu nổi. Đối với người trong nước không hiểu vì đã chịu muỗi chích hoài nên cơ thể quen nọc ngứa, hay là tại vì thịt Việt Kiều thơm (tắm bằng xà bông Dove), hay tại muỗi vẫn còn thù dai đối với Đế Quốc, mà cho dù là ban ngày sáng sủa đàn muỗi không cắn ai, lại cứ xà quần bên Việt Kiều như đàn trực thăng sắp đổ quân vậy.
    Đối với Việt Kiều nhí thì thật là thê thảm, cho dù bôi thuốc chống muỗi rồi đó, nhưng dính mũi nào là làm độc mũi đó, có khi mưng mủ xưng to như trái chùm ruột. Tôi có đứa cháu kiên nhẫn ngồi đếm được 108 mụn trên một cái chân nhỏ bé!!!
    Còn trục trặc ngôn ngữ Việt giữa người trong và ngoài nước nữa chứ. Có nhiều Việt Kiều nghe không hiểu được những từ ngữ "mới". Hồi sau 75 tôi có dịp tiếp xúc với cán bộ hay người miền Bắc mới vô, nghe họ nói tôi buồn cười lắm mà không dám cười, sau đó nhái chơi, rồi dần dần nó ngấm vào giọng nói lúc nào không hay, bây giờ có những chữ mà loay hoay mãi không nhớ ra chữ cũ để thay thế.
    Thí dụ: Hôm nay tôi tranh thủ đến thăm anh (cố gắng). TV hôm nay bị sự cố kỹ thuật (trục trặc). Nhưng đến câu "Họ có mặt bằng cho thuê" thì tôi đành chịu không tìm ra chữ nào để thay.
    Có anh về nước cầm máy chụp hình hay quay phim thì thấy cái gì hơi lạ là bấm máy liên hồi, thấy người ta nói đi xe khách chất lượng cao (hi quality); xe tham quan (tourist); cửa hàng chuyên bán ổn áp (survolter) là cười khinh khỉnh, nhưng chúng tôi thấy họ nói pha tiếng Mỹ lại càng kỳ quái hơn: Đem cái xe tới tiệm để estimate, anh thợ sửa xe dốt nát đâu biết tiếng Tây tiếng U gì đâu, nghe vậy bèn tháo tung chiếc xe ra; bảo tun-ấp thì nghe giống như "ốc" nên lấy đồ nghề ra xiết tất cả những con ốc lại. Đàn bà con gái gì mà nói giữa chốn đông người "Tôi không có khe" (care); "Vẫn còn ở chỗ cũ đấy, chứ tôi đâu có mu (move)".
    Cười, bởi vì khe và mu là những chữ dùng để chỉ cơ quan sinh dục của đàn bà.
    Có lần được tháp tùng về thăm quê cũ của mẹ tôi ngoài Bắc, gặp đứa em họ đang phụ trách một đoàn thể trong xứ đạo, nó hỏi xin cái máy kích. Tôi hỏi cần đẩy hay kéo cái gì, nó giải thích thì giời ơi! đó là cái am-pli và cặp loa để phát thanh, ở ngoài Bắc gọi là cái máy kích âm!!!
    Bây giờ họ còn hay nói tắt. Hỏi gia đình thế nào? Trả lời dạo này gia đình chúng em VẤT lắm (vất vả); Món này ăn ngon CỰC (cực kỳ); Thợ xây quát phu hồ: "Lấy cho tao bao XI (xi măng)!!!
    Chữ "bị" ở thế thụ động (passive voice) lại được nói: "Ông ta hơi bị giỏi đấy" ; Món này ăn hơi bị ngon v v... Ban đầu tôi tưởng chỉ là cách dùng chữ cho khôi hài, không ngờ có những nhà văn lớn dùng trong văn chương nghiêm túc nữa đấy. Thật quái đản!!!
    Hôm xem lậu cuốn băng Thuý Nga, thấy ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói xỏ người ở nước ngoài hay nói chữ là, thay vì nói "Rất đẹp" thì lại nói "Rất là đẹp". Tôi thì tiếng Anh dốt nát, đành dịch ra là "Very is beautiful"!
    Ngày xưa còn đi học mà làm luận văn xài chữ: thì, là, mà, bị v v... lung tung như kiểu này chắc thầy vã cho rách mép.
    Ở VN bây giờ từ quan cho tới anh cùng đinh khố rách đều nghiện chữ "Nói chung" cũng như mấy anh Việt Kiều hay dùng chữ "You know" vậy.
    Hỏi thăm gia đình khoẻ không thì được trả lời: "Nói chung cũng tốt. Mẹ tôi còn đang nằm bệnh viện còn vợ tôi thì mới chết tuần rồi".
    Hãy nghe đài BBC phỏng vấn mấy quan chức, hay đọc trong bản báo cáo của mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi ngành không bao giờ thiếu chữ "Nói chung":
    -Tình hình chỗ nào cũng vậy, nói chung là tốt, nhưng trong đó còn có một vài bộ phận yếu kém tồn tại. ...
    Tôi tới thăm gia đình người bạn mới từ nước ngoài về, bố bảo con gọi mẹ ra đây. Thằng con chạy vào trong hét toáng lên: "Mommy, dady muốn momy bây giờ". Hồi lâu sau nó lại chạy ra bảo: "Mommy đang rửa he".
    Tôi ngạc nhiên ngẫm nghĩ mãi mới hiểu là má nó đang gội đầu (hair).
    Tháng rồi có mấy đứa cháu từ Úc về chơi, tôi dẫn đi ăn nghêu ở Ngã Sáu, trong dĩa nghêu luộc chín há vỏ ra, có con thịt rớt ra ngoài chỉ còn cái vỏ không, đứa bé cầm cái vỏ ngắm nghía một hồi rồi tặc lưỡi: "Không có ai".
    Ôi ngôn ngữ Việt của Việt Ta và Việt Tây sao mà rắc rối, biến hoá làm vậy!
    Ngày vui qua mau rồi cũng đến ngày tiễn đưa người nhà ra phi trường. Người còn ở VN khoái tiễn đưa lắm, lý do là lúc đó người đi rất ngậm ngùi, còn bao nhiêu tiền trong túi cũng móc ra cho hết, thương lắm cơ.
    Việt Kiều con ra tới phi trường thì mừng lắm, chúng nhảy cỡn lên múa máy tay chân rồi la to:
    -Thoát khỏi Việt Nam rồi! Thoát Việt Nam rồi!
    Vậy thì tôi còn mong gì khi chúng lớn lên, học hành thành tài rồi về giúp đỡ quê hương?
    Thủ Đức, 2004
    Chung Mốc
  7. cman

    cman Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/09/2003
    Bài viết:
    263
    Đã được thích:
    0
    TA và TÂY - part 2
    Nhân đọc bài viết của tác giả Chung Mốc, được gửi ra từ một người bạn ở quê nhà ...nói lên những nhận xét về Việt Kiều trở về thăm quê hương cũng như những nhận xét về người trong nước, đặc biệt là những từ mới được du nhập vào ngôn ngữ bình dân Việt Nam sau ngày Nam Bắc thống nhất . Đọc xong bài viết ấy, Tiều Phu cảm thấy muốn được chia xẻ phần nào những cảm nghĩ cũng như nhận xét ...cố gắng tối đa để đưa ra một cái nhìn khách quan ..vì Tiều Phu cũng là một người ra đi từ Việt Nam , một phó thường dân Nam Bộ ....và giờ đây theo vần nước nổi trôi, thời cuộc đẩy đưa đến định cư ở xứ Kangaroo xa tận tít mù khơi này ... để rồi có khi cảm thấy rất thấm thía hai câu thơ của ai đó ...
    "Thương người một nẻo hai quê
    Nẻo đi thì nhớ, nẻo về thì thương..."
    Tháng Bảy , lạnh tái tê :
    Là một người xa quê đã khá lâu, khi lặn lội băng sông vượt suối để leo lên chiếc tầu vượt biển ...ngày trở về kể như không mảy may hy vọng ...Thế mà quả báo thăng trầm của kiếp người .. sự xoay vần của thế giới và nhất là sự sụp đổ của ý thức hệ CS ở Đông Âu đã kéo theo không biết bao nhiều sự đổi thay của cục diện kinh tế lẫn chính trị khắp năm châu, trong đó Việt Nam ta cũng ít nhiều đi theo giòng nước của Liên sô trong chính sách Cởi trói ...trong nước gọi là Cởi Mở ...sau này biến thiên tùm lum gọi là Kinh Tế Thị Trường ...mà đã gọi là kinh tế thị trường thì điều tất yếu là phải có ít nhiều từ do bán buôn với nhau, Việt Nam bắt đầu mở cửa cho phép Kiều bào ở nước ngoài về thăm...Ngày trước khi ra đi như một kẻ trốn chạy . Nhà nước gọi dân tỵ nạn là những kẻ phản bội tổ quốc ...thế nhưng bây giờ trở về thi ôi thôi ! cái nhãn hiệu ấy được ...cởi bỏ để thay vào là Việt Kiều Yêu Nước.. đem đô la và tài sản trí tuệ về xây đắp tổ quốc..vân vân và vân vân...( sic !..)
    Từ năm 1989 đến nay tính ra hàng năm đã có hơn mấy trăm nghìn Việt Kiều, to nhỏ đủ cỡ khăn gói về thăm quê hương ...Những ngày đầu khi bước chân xuống máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất...ai cũng có cảm giác lành lạnh ..mặc dù bên ngòai nóng như hơ ..khi vào cửa Hải Quan khám xét , nhìn khuôn mặt những công an..vốn tái mét..nay lại lạnh như đồng....đố ai không thấy ớn đã gà ...Vì thế hầu hết Việt Kiều nào khi băng qua cửa ai nấy trong những năm đầu tiên đều cũng phải xài ngón ...
    ...Của đi thay người ....mặc dù chẳng làm một điều gi sai trái cả ...!!!
    Tôi là một trong số những Việt kiều đã trở về thăm quê hương, được có đip đi tham quan trên ba miền đất nước ...sự vui mừng vì được trở về thăm gia đình thân nhân...kèm theo những cảm giác buồn vui lẫn lộn khi chứng kiến những sinh hoạt và đời sống của TA ....bên cạnh đó cũng thấy khá nhiều điều TÂY mà tác giả Chung Mốcđã đề cập ...Nay tôi cũng xin mạo muội góp đôi lời ...với chút nhỏ nhoi hy vọng là TA và TâY cùng nhau tìm ra một mẫu số chung. ..để gọi là góp thêm niềm thông cảm ..khỏi phải phân chia rẽ lối ... đôi khi đưa đến sự ngăn cách không cần thiết , vì người trong nước hay Việt kiều cũng là TA mà thôi ... tôi cam đoan với quý vị rằng...dù có sống lâu đến trăm năm ở đất lạ quê người, TA vẫn mãi mãi là TA mà thôi
    1.Tác giả Chung Mốc phân biệt , cả thẩy có 2 dạng Việt Kiều ,
    Người giầu và người nghèo ...
    A. Việt Kiều Giầu ( có lẽ giầu thật) :...

    Theo Chung Mốc, dạng người Giầu khi trở về thăm quê hương hay xênh xang áo gấm về làng...không chịu hòa đồng ăn chung mâm, uống chung chén nước mới khi vào nhà ai, họ đã quên đi nguồn gốc ngày trước .....vân .vân...
    Vâng không hiểu ở các quốc gia khác thế nào chứ ở Úc này tôi thấy không ít người khi đặt chân lên miền đất hứa tiếng Anh tiếng U không biết một chữ , nhưng nhờ sự cố gắng chăm chỉ làm việc và học tập nên chỉ sau 10 hoặc 20 năm họ đã trở nên khá giả có của ăn của để , và của cho thuê , có thể nói là bằng hay khá hơn người trung bình của dân bản xứ ... không phải vì người mình thông minh hay ho gì hơn dân bản xứ nhưng có lẽ nhờ sự kiên nhẫn chịu khó và tiết kiệm không tiêu pha phung phí ...đức tính này có lẽ bắt nguồn từ nền văn hóa An Cư Lạc Nghiệp , tích có phòng thân...tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít người ỷ lại vào chính sách trợ cấp xã hội đầy tình nhân bản và tự trọng của chính phủ Tây Phương nên không ít người sau 10 , 15 , thậm chí đến 20 năm sinh sống ở đây vẫn thong dong hàng tuần lãnh trợ cấp thất nghiệp của chính phủ và bên cạnh đó vãn hàng ngày đi làm lãnh lương lậu còn mọi chi phí khác cũng được chính phủ chước giảm..vì thế chỉ trong thời gian ngắn họ cũng trở nên khá giả ..mua nhà để ở và còn có nhà để cho thuê ... ui chao ơi ...nếu chẳng may ông Chung Mốc gặp phải loại người này thì coi chừng bị văng miểng...họ nổ còn hơn pháo đại !!!...
    Một thành phần không nhỏ khác , ban đầu chăm chỉ làm ăn..cắm cúi vợ chồng nên một thời gian ngắn cũng trở nên khá giả theo đà tiến triển của xã hội con người.. .khi cơm no áo ấm rồi .... ai cũng nghĩ đến chuyện cơm ngon mặc áo đẹp..khi đã có 2 thứ ấy rồi đâm ra nghĩ đến chuyện hưởng thụ .. Ái chà mà hưởng thụ ở xứ này thì có nhiều kiểu ..một trong những kiểu hưởng thụ là đi vào các câu lạc bộ máy kéo ....ban đầu chơi cho vui ...gọi là giải trí sau những giờ bù đầu vào máy may , máy vắt sổ thâu đêm suốt sáng....ngồi vào chiếc máy đánh Bạc ..đủ mầu sắc rực rỡ ...lại có người đem bia đến tận tay cho uống..thì chao ơi .muốn gì nữa nè... vài cái bấm lúc ban đầu cho vui đến khi thắng được giải vài chục đồng, vài trăm đồng có khi đến vài ngàn đồng..chỉ trong một vài tiếng đồng hồ .hỏi ai không khoái chi được nè !! .Thế lòng tham của con người nổi dậy ..hễ rảnh rồi thì tìm cách đến chơi câu lạc bộ ...niềm vui kéo theo vần nỗi sầu ... ai chẳng ham khi thắng giải .và cứ thế càng kéo càng thua , càng thua họ lại càng tìm cách gỡ gạc...từ việc mươn tien, thâm vốn..không đủ trả lương thợ gia công cho đến khi cầm cố xe hơi nhà cửa ..và cứ thế cuốn theo giòng máy kéo .. sự đam mê để leo đến tột đinh...ngày trước khá giả bây giờ ngả nón chào thua ..từ khởi điểm này ..họ không ngần ngại lao đầu vào con đường mua bán hay làm người vận chuyển ma túy ăn tiền công , miễn làm sao để kiếm tiền ...trước là trả nợ .sau là thoát khỏi cảnh nghèo .chắc bà con ta cũng không quên trong những tháng năm gần đây, nhiều Việt Kiều , nhất là từ Úc về Việt Nam bán buôn vận chuyển ma túy bị công an bắt ở phi trường Tân Sơn Nhất , thậm chí đau đớn hơn là dùng trẻ em để vận chuyển ma túy ..kết quả ai cũng đã thấy rồi .
    Nếu Chung Mốc mà chẳng may có dịp nói chuyện với dạng người này ở quê nhà thi không bị điếc cũng bị ù tai vì họ nổ dữ lắm ..coi tiền đô la rẻ như bèo vậy ..
    Còn chuyện mấy ông bà Việt Kiều đi đâu cũng kè kè chai nước lọc..vào nhà ai mời cũng không dám uống..nói trắng ra cũng tội nghiệp cho họ, có người kênh kiệu thiệt nhưng phần lớn họ không mạnh dạn bưng ly nốc cho đã khát như những khi còn ở quê nhà ngày xưa ...lý đo khá đơn giản là có thể , hệ thông đề kháng cơ thể của họ sau những năm tháng sống và sinh hoạt ở một môi trường xa lạ , có thể nói là tiêu chuẩn vệ sinh cao hon ở quê nhà . , hệ thông đề kháng để chống lại các loại vi trùng lạ xâm nhập trở nên yếu hơn , hệ thông đề kháng của người trong nước rất nhiều , đó cũng là điều dễ hiểu mà thôi ....vì thế Việt kiều đi đâu cũng kè kè chai nước lọc cũng nên thông cảm cho họ nhất là những tuần lễ đầu tiên khi vừa trở về thăm quê . nếu có trẻ em đi theo thì các Việt Kiều này lại càng phải áy náy hơn , cẩn thận hơn trong cách ăn uống , vì thế đừng ngạc nhiên khi họ chỉ muốn đi vào các nhà hàng có máy lạnh...mặc dù ai cũng thừa biết rằng , ở phia dưới bếp của các nhà hàng sang trọng kia cũng chẳng khá gì hơn vệ sinh vỉa hè đường phố ..những "khuất mắt , ít áy náy.." thế thôi ..
    Vậy tôi đề nghị người trong nước nên hiểu đùm để rộng lòng thông cảm , trước lạ sau quen...cứ để họ tự nhiên ..uống hay không tùy họ không nên lấy cớ đó mà trách móc họ làm chi ...nước lọc hay nước trà thi cũng là đồ nước uống như nhau ... cứ để tự nhiên như TâY ( thật) không nên coi đó là một sự xúc phạm..văn hóa hay phong tục...
    B. Ông này Bà nọ :
    Còn chuyện tác giả Chung Mốc nhận xét mấy ông bà Việt Kiều mới khi về thăm Việt Nam thường hay khoe khoang ông này bà nọ, tôi thấy điều này đúng lắm..đúng đến hơn phân nửa ...lần đầu tiên tôi về thăm nhà Má và các anh chị tôi đều không ngớt lời khen ngợi con ông Ba đâu ngờ làm đến chức Sĩ quan Bưu Điện hay Ký sự Bưu điện...chỉ trong vòng 2 năm sau khi đặt chân đến Úc ( thực chất bên nay chỉ là một nhân viên vác thư và lựa thư ), mặc dù ngày xưa là đứa phá làng phá xóm , học chưa hết lớp 12 , con trai chị Bảy ở cuối ngõ làm đến chức Giám Đốc hãng Uỉ (thực chất là một người thất nghiệp đi ủi ăn gia công )...rồi có đứa chưa phân biệt được sự khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Việt lại làm đến chức Giám Đốc hãng Neo ( tiệm làm móng tay cho người bản xứ , trong tiệm vỏn vẹn có 2 vợ chồng lấy công làm lời )...nghe xong tôi lùng bùng lỗ tai chẳng biết nói gì hơn là mỉm môi cười .. mỉm môi cười mà lỗ rún rung rung !!!...
    Tôi đề nghị ông Chung Mốc không nên mừng cho mấy mạng Việt Kiều nổ kia và cũng chẳng nên buồn cho Mỹ trắng Mỹ đen làm chi ...miễn nổ sao đừng văng miểng làm dơ áo quần hàng xóm đang phơi là được rồi . Lớp người này, may thay theo thời gian Việt Kiều về thăm quê nhiều hơn., họ đã lặng lẽ chui vào bóng tối khá nhiều , vì không có gì dấu mãi được dưới ánh mặt trời .....
    Tôi đề nghị người bên nhà nên rộng lương, xí xóa và thông cảm .. đúng ra là tội nghiệp cho những ông bà Việt Kiều kiểu này ..thực ra họ đang cười mà nước mắt rưng rưng đó ông ạ ...
    C. Việt Kiều áy náy :
    Vâng...Số này theo tôi nghĩ không nhiều lắm..tỉ lệ rất nhỏ nhoi trong tổng số Việt kiều ở hải ngoại .
    Có người cũng rất là Trùm Sò thếy đồng tiền xu to hơn bánh xe bò ...vì thế rất ngần ngại khi nghĩ đến về gặp lại thân nhân vì như thế là đồng nghĩa với hư hao tổn phí ..vì thế đành lòng hy sinh tình nghĩa để giữ trọn đống đô la ....
    Quay trở về với việc tác giả Chung Mốc để cập đến đám thân nhân "Yêu Vấu "
    Cũng vì dư âm của những ông này bà nọ họ no đủ quá làm cho gia đinh họ ở Việt Nam cứ mong ước họ trở về thăm để may ra mỗi người cũng kiếm được vài nghìn đô la gọi là chút quà biếu xén...mừng ngày đoàn viên...
    Tôi biết có người từng tâm sự với tôi là Về thăm Việt Nam họ không sợ vietcong những họ sợ gia đình và thân nhân...oái ăm thay , bên nhà cứ ngỡ rằng ở xứ người đúng là làm chơi ăn thiệt , không làm cũng có ăn...nhưng có một điều đơn giản nhất mà một số người bên kia không chịu hiểu là Nếu xứ người ta là làm chơi ăn thiệt thì đâu có giầu , đâu có đủ tiền để đem đi viện trợ cho các nước nghèo , mà trong đó Việt Nam ta cũng thuộc vào danh sách các nước đang cần được xóa nợ và viện trợ để cải thiện đời sống dân sinh....
    Ai cũng đã biết đời sống ở các nước Tây Phương , nặng về phần vật chất , tiêu thụ , đồng lương đi làm kiếm được ngoài việc phải đóng thuế khá cao , đó là điều tốt đẹp mà bất cứ ai cũng hiểu là chính phủ phần lớn dùng số thuế đó để kiến tạo xây đắp các phương tiện phục vụ lại đời sống người dân , số tiền kiệm được sau khi trừ thuế coi cũng khá lắm ..nhưng bên cạnh đo phải trả nhiều loại chi phí từ tiền trả góp nhà, xe,tiền điện, điện thoại, bảo hiểm các loại và các phương tiện sinh hoạt khác...nếu không biết cách chi tieu thì cũng chẳng đi vào đâu ...thực phẩm ở các nước Tây Phương khá rẻ nếu so với đồng lương.. những tiền trả góp hàng tháng để mua nhà không phải là nhỏ..muốn để dành được 10 ngàn đồng trong sổ băng tiết kiệm thì mấy ông Việt Kiều kia phải nài lưng kiếm cho được 50 ngàn đô la .số tiền bằng mức lương trung bình của một năm làm việc của một người bình thường hạng trung...vì sau khi trừ thuế má và các khoản chi tiêu ..nhưng nếu Việt kiều kia mà mang nợ ngân hàng vay tiền mua nhà thì để dành được 10 ngàn đô không phải là chuyện một hai năm mà làm được ...
    Vậy tôi thiết nghĩ bà con thân nhân ở quê nhà cũng nên xem xét từng trường hợp một, coi xem người nhà hay con cháu của mình làm ăn ra sao trước khi ra tay phán xét là Trùm Sò hay không Trùm Sò ..để cho hai đằng thông cảm mà vui vẻ với nhau ..ngày ra đi không có những dèm chê hay sợ hãi ..một đi không trở lại .

    D. Thái độ đối xử của TA và TâY:
    Tác giả Chung Mốc đã quá vội khen mấy ông bà Việt Kiều là lich sự nhã nhặn mà vội chê trách người trong nước là cộc cằn thô lỗ . tôi thấy hơi sớm đó ông ơi ..
    Ai cũng biết , nền văn hóa của các nước Tây Phương khác với ta, trong lãnh vực đối xử với phụ nữ , phụ nữ được tôn trọng rất đúng mức và có khi quá mức cần thiết ...vì thế đằng sau những vụ ly hôn vì cơm không lành canh không ngọt là một chuỗi ngày cay đắng cho các đấng Nam nhi ...luật pháp rõ ràng là binh vực cho phái yếu ...vì thế không phải tự nhiên mà các đấng nam nhi bỗng dưng tôn trọng các phụ nữ , mà là do thói quen phong tục đấy ông ạ.. chứ chẳng tử tế gì đâu ông ơi ..Tuy là Tây nhưng hàng năm cũng có rất nhiều cuộc bạo hành trong gia đình, 99% là chồng đánh vợ, nói tóm lại là đàn ông ăn hiếp đàn bà ..sau đó thì tòa án ra án lệnh cấm lão đàn ông vũ phu kia không được đến gần người đàn bà bị đánh trong vòng bán kính 200 met...và dĩ nhiên ông chồng đâu có được phép về ngủ trong căn nhà của chính tay ông ta tạo dựng nên..
    .
    Để khách quan hơn, tôi thấy rằng sự tử tế của đàn ông dành cho phụ nữ không phải tự nhiên mà đến, mà là do một quá trình giáo dục từ thủơ nhỏ cho đến khi trưởng thành , đi làm việc ngoài xã hội ..nhưng đôi khi chẳng phải tốt lành gì đâu mà lý do khác là luật pháp sẽ phán xét nặng nề nếu thô bạo với phụ nữ đó mà thôi ..
    Còn đàn ông Việt Nam ta trong nước..cũng vậy phong tục tập quán từ xưa bên Tầu truyền sang, Nữ sanh ngoại Tộc...con gái là con của người khác , phụ nữ phần lớn bị mất vế bình quyền với đàn ông trên một số lớn lãnh vực, từ chuyện bạn bè khách sáo đến chơi trong nhà , phụ nữ thương bị dồn vào bếp ( có khi tự nguyện) để làm các công việc phục vụ như nấu ăn pha trà đem lên cho các đấng Nam Nhi ngồi chễm chệ( có khi vênh váo) ở phòng khách mà tán hươu tán vượn , coi như chuyện kia không phải của mình vậy.
    Phụ nữ và trẻ con ở quê nhà bị thiệt thòi nhiều thứ, từ việc ăn uống cho đến việc tham gia vào các công việc cần sự thảo luận bàn bạc của gia đinh..có khi thấy sai cũng chẳng dám can vào - một điều rất khác biệt với nền văn hóa Tây Phương...
    Để dung hòa với 2 thái cực, chúng ta cũng nên tự rút ra bài học..tôn trọng và thương yêu che chở phụ nữ , trẻ em vi họ là những người được cấu tạo thân xác yếu đuối hơn phái nam , cần được che cho và khuyến khich, không nên dùng quyền uy sức mạnh để lấn áp , và các nàng phụ nữ Việt kiều cũng không nên tưởng mình là trên hết , được đằng chân lên đằng đầu ..coi Trời như vung....coi chừng cuối đời ....đem về lạnh lẽo giá băng..
    (còn tiếp)
    Được alleykat sửa chữa / chuyển vào 23:47 ngày 23/11/2004
  8. cman

    cman Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/09/2003
    Bài viết:
    263
    Đã được thích:
    0
    TA và TÂY - part 2 (continued)
    E . Việt Kiều gap nhau ôm hôn :
    Quả thật số này không nhiều lắm, thái độ bắt chước Tây Phương một cách quá lố lăng đã làm khó chịu không biết bao nhiêu người chung quanh, thật ra người Tây Phương nếu thân thiết lâu ngày gặp nhau họ đâu có ôm hôn trắng trợn gì đâu , một hai cái choàng tay nhau đưa hai má gần nhau là một cách biểu lộ tình cảm thân mật.. chứ đâu có đặt cái môi chì môi thiếc vào má của người bên kia đâu nè trời .. mấy ông Việt Kiều quá lố kia chỉ thừa nước đục thả dê đó mà thôi ông ạ ..trước hết có lẽ ở nước ngòai họ chưa bao giờ được làm như vậy , sau nữa có lẽ họ đang thèm dê !..Ông nhận xét vậy là đúng lắm.. Còn đi đâu cũng đeo cái mề gà, tôi biết có một anh chàng chuyên bán khoai tây chiên cho các du khách ở bờ biển ( Úc) khi nào cũng mang cái mề gà để đựng tiền lẻ và cũng để tiền lời trong việc thối tiền cho khách mua hàng ..lại có một số Việt kiều qua đây không chịu đi học trở lại đành phải đi làm công trong các hãng xưởng lao động quần quật , cuối tuần cũng chịu khó đi bán chợ trời ...vì thế đeo cái mề gà chăc có lẽ cũng vì thói quen nghề nghiệp mà thôi ..còn vụ mặc quần có giây đeo cũng là một cách bắt chước trớ trêu , có lẽ họ cũng bị méo mó nghề nghiệp đó mà thôi ông ạ .vì vậy ông cũng nên thông cảm cho những người như thế , biết đâu họ là những anh chàng bồi bàn siêng năng và yêu nghề nghiệp...cho đến khi không còn làm việc nữa vẫn còn thích mặc theo y như lúc đang làm việc...ở Việt Nam có bài hát cũng tên " Còn một chút gì để nhớ "...vậy ông thông cảm rồi nhé...
    F.Việt Kiều Con Nít :
    Tác giả Chung Mốc dẫn chung nhiều vi dụ rất dí dỏm và thực tế . Các gia đình khi vượt biển đến xứ người lập nghiệp, nếu có con cái sinh đẻ và lớn lên ở Việt Nam thi rất rành rẽ tiếng Viet , có người ví như người Việt Nam ta ăn cơm vậy làm sao mà quên chuyện ăn cơm được...Nhưng cũng có nhiều và rất nhiều gia đình có con em sinh ra bên xứ người , cha mẹ đều đi làm , các cháu được đem gửi nhà trẻ hay nhờ người giám hộ trông nom..vì vậy tiếng Việt chỉ được học và nghe nói rất hạn chế trong khỏang thời gian cha me đi làm về đến nhà vào buổi tối mà thôi . Khi đi học con em Việt Kiều chỉ học và nói tiếng bản xứ , giao thiệp với bè bạn và láng giềng cũng y như vậy thì chuyện trẻ em Việt kiều khi theo cha me về thăm quê không nói hay dùng những tiếng rất nực cười là chuyện bình thường thôi ....chuyện giao dục con trẻ cũng khác xa so với trẻ em ở quê nhà, nhất là trong lãnh vực quyền tụ do phát biểu và quyền được mọi người lắng nghe ....theo thiển ý của tôi thì đó là một cách để trẻ em phát triển trí tuệ suy luận và đôi đáp..., nhưng trẻ em Việt Nam thì hình như hơi bị thiệt thòi về mặt này ..mà tác dụng về sau có khi không được hay lắm ..lấy thí dụ như trong một câu chuyện sau đây tôi được nghe kể lại trong một bữa ăn cơm khách.. khi hai người đàn ông đang vừa ăn vừa nói chuyện với nhau, có một đứa con nít la lên ..Ba oi ba ..khi ấy người cha của đứa trẻ quát lên..Im...im ngay ! đồ con nít đi chỗ khác chơi ! ..Đây là chỗ người lớn nói chuyện...lập tức đứa bé theo lệnh im phăng phắc..đi ra ngoài ..Sau bữa cơm xong. người cha kêu đứa bé lại mà la rầy Lần sau con không được xen vào khi người lớn đang nói chuyện...đứa bé mếu máo nói rằng..con đâu có dám hỗn láo với Ba tại vì con thấy khi ấy Ba đang gắp nhầm một con sâu trong đĩa rau và sắp đưa vào miệng nhai ..con muốn kêu lên cho Ba biết đó mà thôi ..........
    Bên cạnh đó nền văn hóa và phong tục củaTây Phương thì cũng có khi đi qua mức cần thiết, như cha mẹ không được quyền đánh hay là mắng con ..coi chừng bị thưa cảnh sát và vác chiếu hầu tòa..v.v. . vì thế trẻ em ở các nước Tây Phương có được sự tự tin phát biểu rất sớm và không hề sợ hãi mỗi khi phát biểu lên sự suy nghĩ cũng như nhận xét của mình trước những người lớn.
    Cái tốt đẹp và quý nhất của trẻ em Việt Nam trong nước là sự giáo dục kính trọng người lớn tuổi, vâng lời cha me và thầy cô , điều này tốt và vượt trội hơn hẳn về mặt đạo đức so với các nước Tây Phương.
    Hệ lụy của vấn để là các Việt Kiều trẻ em khi về thăm quê đã trở thành những chuyện cười ...cũng có khi cười mà chẳng vui tí nào như tác giả Chung Mốc đã nêu lên...
    G. Ngôn ngữ tạp lục :
    Nhân việc tác giả Chung Mốc đề cập đến sự thêm thắt và thay đổi cách dùng ngôn ngữ Việt hiện ở quê nhà, tôi xin mạn phép ghi lai đôi giòng, qua sự mắt thấy tai nghe và đọc từ những bài báo ở quê nhà ....
    Từ ngày đất nước hết chiến tranh...hai miền Nam Bắc thông thương đi lại một số danh từ cũng theo đó mà di cư vào Nam , có khi phát triển thành bất bình thường trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam...cho đến nay mặc dù tôi đã có dịp về thăm nhà nhiều lần những có khi vẫn chưa hiểu ngay một số danh từ người trong nước hay dùng đến..như mới lần gọi xe taxi hay cyclo ..có người bảo là từ Ngã 7 đến Chợ Bến Thành , anh cho xin 5 đồng cứng ! ...tôi hỏi có phải năm ngàn không thì người tài xế bảo là 50 ngàn..5000 đồng Việt Nam ở đây gọi là 5 đồng mềm.., các từ như Vô Tư, Thoải Mái, Khuyến Mãi , Cực Kỳ được dùng một cách vô tội vạ ..đi ngang tiệm hớt tóc đường Trương Định, tôi nhìn thấy trước tiệm treo hàng chữ "Uốn Đuôi Siêu Thẳng ".. tôi hỏi thăm người bạn mới hiểu được đó là tiệm uốn tóc quăn thành tóc thẳng...ôi chao sao mà xài đao to búa lớn thế kia . đi mát xa gọi là thư giãn thì cũng nghe tạm được...chứ khi thấy một người con gái đẹp, dể thương đi ngang qua mà kêu lên là Cô ấy Đẹp Cực Kỳ thi có quá đáng không ...chữ Cực Kì thường được dùng trong những trường hợp rất hiếm hoi, để diễn tả một tính chất rất đặc biệt, ít khi xẩy ra , đằng này ở quê nhà bây giờ chữ Cực Kì hầu như từ đứa bé đến người lớn ai cũng xài đến mới ngậy ..Cực Kì đẹp, cực kì ngon, Cực Kì trắng, Cực Kì đen, Cực Kì tốt...vân vân...Một số từ mới được du nhập vào trong ngôn ngữ từ bình dân cho đến người trí thức ở quê nhà là cách dùng chữ đảo ngược, từ một trạng thái tốt ( được) chuyển sang một trạng thái xấu (bị) thí dụ như khen một cô gái đẹp, thông minh và có nước da trắng trẻo dễ thương thì người trong nước gọi là ?oCô gái ấy hơi bị đẹp đấy ! cô ấy hơi bị thông minh và hoi bị trắng..làm người nghe cảm thấy khó chịu một cách lạ lùng...Hãy nghe mẩu đối thoại trong một bàn tiệc nhậu nhẹt sau đây :
    -ông A : Để tôi đi mua thêm rượu nhé...
    ông B trả lời : Thôi ....Tôi Lương văn Can ( xin can ) ông đấy ! nãy giờ uống nhiều quá rồi ..
    ông C : ông B nói đúng đấy ! Vậy ta Cam-pu-chia ( chia nhau ) với nhau cho hết chai này rồi về ngủ để ngày mai đi làm ..., tôi thấy ông A hơi say rồi đấy !.
    ông A trả lời : Hà văn Lâu ( còn lâu) tôi mới say ..vậy thì chúng ta Trần Tiến ( uống tiếp) cho hết chai này đi .
    Họ đã dùng những danh từ riêng của một số nhân vật như Lương Văn Can ( vị anh hùng chống Phap, cốt chỉ để xài tiếng Can , dùng Campuchia cốt chỉ để xài tiếng chia nhau, dùng Hà Văn Lâu ( vị đại sứ củaViệt Nam ở Liên Hiệp Quốc để chỉ xài tiếng " lâu " và Trần Tiến ( nhạc sĩ nói tiếng ở Việt Nam bây giờ) để xài tiếng tiến lên ...vân vân..
    Thô tục hơn ta hãy nghe mẩu đối thọai giữa 2 bà hàng xóm với nhau , bà A muốn nhờ bà B đi chợ , nếu có thuận tiện mua gìùm chai nước mắm:
    -Bà A : Hôm nay chị đi chợ , nếu chị có đê tiện , thì mua giùm tôi chai nước mắm nghe.....tui bận quá không đi được..
    Khi bà A khen bà B hôm nay trong có vẻ xinh xắn : Chà , chị B hôm nay trông có vẻ vệ sinh đó nghe ..( ý muốn nói chị B hôm nay trong có về xinh đẹp , lại thêm một hình thức biến thái từ xinh thành sinh , nhưng nghe có vẻ không thẩm mỹ chút nào ..) đây không phải là một hình thức nhục mạ hay chê bai mà chỉ là một nhật xét về tình trạng chung trong nước, một hinh thức phá sản ngôn ngữ Việt ..có thể bắt nguồn từ sự bất mãn ca nhân hay cộng đồng...dù muốn hay không cũng đã lan tràn từ giới bình dân đến người trí thức ..lan tràn trong tận hang cùng ngõ hẻm của đất nước....không hiểu tương lai trong các sách giáo khoa thư dùng để dạy trẻ em ở các trường học, thầy cô giáo phải giải thích như thế nào với học sinh về những câu văn ngớ ngẩn như thế này ..Đó là một thực tế phũ phàng ở Viet nam ta bây giờ ..xin các vị chức sắc có lương tâm và trách nhiem hãy làm ơn quan tâm xem xét để kịp thời chấn chỉnh...hay ít nhất cũng đừng để bị tiêm nhiễm vào học đường nơi mà con em chúng ta sẽ được dạy dỗ về ngôn ngữ và văn hóa Việt...
    Còn các ông bà Việt kiều về thăm quê hương cũng có những điều trớ trêu, có người đi lâu quá, quên những danh từ Việt Nam cũng có ..nhưng phần lớn có lẽ do thói quen với đời sống bên này mỗi ngày ngôn ngữ nào cũng có những chữ rất hay , có điều biết xài đúng lúc hay không mà thôi .
    Việt Kiều về thăm quê thường xài những tiếng ngọai quốc chêm vào trong câu nói tiếng Việt cũng là điều dễ hiểu và thông cảm được..nhưng khi tiếp chuyện với người trong nước.. các Việt Kiều này không nên dùng những tiếng pha trộn tùm lum như vậy, trước hết là không được lịch sự , sau nữa phải chẳng vì cũng muốn khoe khoang ta đây là người biết nhiều ngôn ngữ .....
    Khi cácViệt kiều nói chuyện với nhau , sự pha trộn ngôn ngữ như thế còn có thể tạm chấp nhận được....vì khi sống ở nước ngòai , mỗi lần đồng hương gặp nhau cũng thế mà thôi, họ chẳng phải khoe khoang hay khoác lác gì đâu ông ơi - thói quen cả .. thí dụ như đi chợ mua sắm thi nói là đi shop, không quan tâm đến thì thường nói là tui không khe (care), tốt thi ít ai chiu xài chữ tốt hay đẹp mà có khi quen miệng nói là ok hoac good quá ha . Nhưng cái vụ mấy ông Việt kiều kia đem xe gắn may đi sửa mà chêm tiếng Anh vào thì không ai nghe cho lọt lỗ tai ...chắc họ muốn bị chém giá cắt cổ đó mà thôi . giá Việt Kiều cứ thoải mái chém đi ông sủa xe kia ơi ..đâu phải khi nào cũng gặp khách Việt Kiều đâu nè..chém cho đáng đời ...vi chêm tiếng Anh vào khi không phải nói phải chốn...
    Vậy tôi đề nghị các ông Việt Kiều nếu có về thăm quê thì hãy chịu khó nói ít và nói chậm một chút..tại sao vậy ? Nói ít để có thì giờ nghe người trong nước nói mà suy nghĩ để hiểu ...chậm nói để có thời giờ tìm đúng tiếng Việt Nam mà nói cho người trong nước hiểu ý của mình ( không thôi bị chém giá cắt cổ ráng chịu đừng có than..), không nên chêm tiếng Tây tiếng U vào làm chi .. trước là lịch sự , sau là khỏi bị tính giá cắt cổ nếu đi mua hàng , nhất là ở chợ An Đông và chợ Bến Thanh....nếu có leo lên taxi hay cyclo thi nên biết giá mềm giá cứng..,để khỏi thắc mắc khi tính tiền cước phí ..
    Còn các ông bà TA trong nước..nếu có gặp mấy ông Việt kiều TâY thi cũng ráng thông cảm một chút, nếu thấy bên kia ú ớ không hiểu hết thì nên giải thích , dù sao chúng ta cũng là đồng hương.. đồng khối đồng bào ..chang qua thời thế đổi thay nên mới có Viet Nam ********* Việt Kiều ..để bay giờ dân ta lưu lạc khắp nơi, thế hệ sản sinh ra muôn ngàn giòng lai ...những vẫn chung cõi nguồn dân tộc ....
    Tác giả Chung Mốc chắc hơi bi quan khi kết luận về Việt Kiều con khi chứng kiến chúng vui mừng vì được thóat khỏi VietNam..,nói theo nguyên lý của Triết Học , đó không có nghĩa là bản chất , chẳng qua là một hiện tượng nhất thời ....khi Việt kiều con lớn lên, có sự suy nghĩ chính chắn, học hành đỗ đạt và đi làm việc...khoảng thời gian từ luc sinh cho đến khi trường thành đi làm việc ngoài xã hội là thời gian chúng tiếp thụ văn hóa nơi đang sống một cách tự nhiên và thoải mái ..vì thế khi đem chúng qua một nền văn hóa môi trường khác, dĩ nhiên các Việt Kiều con sẽ ngỡ ngàng..không như người lớn chúng ta ...Tôi đã chứng kiến và tin tưởng rằng các con em Việt Kiều mặc dù sinh ra ở nước ngòai , học vấn và làm việc với nước ngòai nhưng đến một giai đoạn nào đó , tự dưng do bản chất và truyền thống , văn hóa cội nguồn..qua ảnh hưởng của cộng đồng người Viet và gia đinh thân nhân...chúng sẽ nhận ra dù sao mình cũng là người Viet Nam...mình sẽ hãnh diện là người Viet Nam và sẽ cố gắng làm một điều gì đó để giúp đỡ cho đất nước , nơi cha ông mình đã sinh ra lớn lên và cưu mang mình đến ngày hôm nay ..điều đó đang xảy ra hàng ngày và là một thự tế ..rất nhiều cô cậu Việt Kiều con sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm, bấy giờ lại quay sang học tiếng Việt, mặc những chiếc áo dài Viet Nam truyền thống xinh đẹp tuyệt vời trong các dịp lễ hội của cộng đồng người Viet Nam nơi hải ngoại .
    Vậy ông Chung Mốc nên lạc quan và tin tưởng về những Việt Kiều con ...khuyến khích chúng nói tiếng Viet nhiều hơn nữa dù đôi khi nói ra ít ai hiểu và rất là nực cười ( như ông đã nêu thí dụ)..vì đó là những hột giống sẽ ươm chồi nảy lộc tiếp sức cho quê hương Việt Nam chúng ta mai sau ...
    Kết thúc :
    Những điều mà tác giả Chung Mốc nêu lên rất thực tế và ít nhất cũng nói lên được những điểm dị biệt và tập tục sau những tháng năm đàn con lưu lạc trở về thăm quê mẹ , người ở nhà ngỡ ngàng..người ra đi tưởng chừng như ly biệt vẫn có ngày hồi hương....Thế hệ của lớp sau sẽ học hỏi được những điều hay học của thế hệ trước...những dị biệt chỉ là tạm thời mà thôi . bên cạnh đó có rất nhiều hy vọng ở tương lai, cũng giống như dân tộc Do Thái sau 2000 năm lưu lạc vẫn không quên cội nguồn dân tộc đã , đang và sẽ đem những gì quý báu nơi xứ người về xây dựng tổ quốc dân tộc đem lại sự phồn vinh và hạnh phúc cho con dân Việt Nam vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi đau khổ ...phân ly
    Thân ái chào ông và xin cũng được hát chung với ông bài Nối Vòng Tay Lớn .....
    Tiều Phu ..một chiều cuối Đông...Sydney 07 thang 7 nam 2004
    Tieuphu01@hotmail.com
    Được cman sửa chữa / chuyển vào 07:42 ngày 16/07/2004
  9. osakasea

    osakasea Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/06/2003
    Bài viết:
    102
    Đã được thích:
    0
    Chuyện kể năm 2000.
    Bui Ngoc Tan
    Có những điều hắn tưởng không bao giờ quên. Thế rồi hắn quên. Dù lúc xảy ra sự việc, hắn tự bảo: Mình sẽ nhớ suốt đời. Làm sao quên được những điều đáng nhớ như thế. Đó là những niềm vui hiếm hoi. Là những sự đau khổ đến tê dại. Không. Không thể nào quên được. Thế mà hắn quên. Thỉnh thoảng hắn muốn ôn lại quá khứ. Hắn không sao nhớ được. Kinh nhất là những đau khổ tột cùng mà cũng quên luôn. Tất cả không hằn được một đường vào nếp nhăn đại não. Có lẽ những nếp nhăn ấy đã bị lấp đầy rồi. Nên nó nhoè. Nó mang máng. Não hắn cứ bi những nhát búa dội vào đều đặn, liên tục. Nó lỳ.
    Thế mà hắn vốn là người có trí nhớ tốt. Hắn buồn rầu hiểu rằng đầu óc hắn hỏng mất rồi. Nghĩa là chính hắn hỏng mất rồi.
    Có người viết rằng con người ta có thể quên cả ngày sinh tháng đẻ của mình, quên cả cái hôn đầu tiên. Ngày sinh tháng đẻ hắn, hắn không quên. Hắn sinh ngày 3-7- 1934. Đó là ngày ta hay tây, hắn không biết. Mẹ hắn bảo hình như là ngày ta. Nếu vậy hắn sinh vào khoảng tháng 8 dương. Còn năm ta là năm Tuất. Năm con chó.
    Cái hôn đầu tiên hắn cũng quên. Làm sao nhớ được. Nghĩ về năm tháng tuổi trẻ và đi ngược lên nữa về tuổi ấu thơ, hắn chỉ thấy một dòng thời gian tươi đẹp đến thắt lòng.
    Tóm lại hắn quên nhiều thứ. Nhưng hắn không bao giờ quên cái ngày hắn được ra tù. Đó là một buổi sáng xuân. Chính xác hơn là ngày 3 tháng 4 dương lịch.
    Năm đó cũng mưa dầm ghê gớm. Mưa bụi, thứ mưa mịn màng trắng rừng, trắng núi, mịt mở nổi trôi, bồng bềnh tiền sử. Chỉ có những hạt bụi rất nhỏ bay lượn, nhưng tất cả sũng nước. Đụng đến cái gì cũng ẩm kinh người. Đôi giày vải đi rừng của hắn chỉ ba ngày không nhìn đến đã mọc nấm. Thứ mưa trắng những đồi trẩu trên đường bọn hắn đi từ trại đến chỗ làm và ngược lại. Những cây trẩu lá non mềm nhiễm xạ mùa xuân, chỉ một đêm là đồng loạt trổ bạt ngàn những chùm nụ nhỏ hồng hồng.
    Nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, hắn hiểu rằng sắp đến mùa chim tu hú kêu đây. Sắp đến mùa hoa gạo nở đỏ rực đây. Hắn nhớ đến một khoảng trời xuân nào đó trong quá khứ. Những luống đỗ mềm trên đất tơi và ẩm. Những vạt cỏ chăng đầy mạng nhện, trĩu những hạt nước. Cành xoan ngoài cửa sổ. Dây tã trắng vợ hắn phơi trong nắng mới. Đó là cuộc sống ở thế giới bên kia. Hắn đi làm cùng anh em tù, mệt mỏi, buồn bã và không nghĩ tới ngày về. Họ là những tù không án. Họ đi tập trung cải tạo. Người một lệnh, người hai lệnh, người ba lệnh. Nhiều người tới sáu, bảy lệnh. Mỗi lệnh ba năm. Theo pháp luật họ chưa tới mức phải xử, chưa tới mức phải truy tố, ra toà. Họ chỉ bị tập trung cải tạo, nghĩa là nhẹ hơn án tù nhiều lắm. Nhưng chưa ai tù một lệnh (ba năm) mà được trở về. Chưa hết bọp này đã được gí thêm bọp khác. Cái án cao-su. Cái án tù mù. Cha mẹ ơi, đừng đợi. Em ơi, dù mùa xuân về, dù mùa xuân đi, em ơi đừng đợi Anh còn chờ dê đực đẻ con như ông Tô Vũ ngày xưa. Một anh tù đã làm bài hát về mình như vậy.
    Được osakasea sửa chữa / chuyển vào 03:29 ngày 17/07/2004
  10. osakasea

    osakasea Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/06/2003
    Bài viết:
    102
    Đã được thích:
    0
    Chuyện kể năm 2000. Bùi Ngọc Tấn.
    Ngày về của anh tù tập trung cải tạo nào ai biết được. Năm năm sống trong tù, hắn thấy nhiều người thuộc diện được tha, nhưng chỉ vài người tập trung cải tạo và đó là những sự kiện xôn xao cả trại. Còn toàn là tù nặng, tù có án. Năm năm tù hắn không dám kêu lâu, vì ở đây toàn những người kỳ cựu, những xê-ri AM, BM...
    Một lính đánh nghẽo bị kết án tù sáu tháng vào trại, được một người tù già bĩu môi:
    - Không bằng thời gian tao đi đái, đi ỉa trong tù.
    Thời gian của bọn tù tập trung cải tạo được tính bằng lệnh. Họ hỏi nhau:
    - Mấy lệnh rồi?
    Hắn đã lê chân hết nhà tù này đến nhà tù khác. Hắn mụ mi đi. Nhưng sao mùa xuân vẫn hấp dẫn người ta thế. Hắn lẩm nhẩm một đoạn thơ cứ luẩn quẩn trong óc hắn mấy hôm nay, khi những cây trẩu đồng loạt trổ bông.
    Tôi đã quên tên tôi dưới mặt trời
    Quên tuổi tôi
    Cắm sâu lưỡi dao năm tháng
    Thời gian băng hà sọ não tôi
    Cuộc đời trước hoang đường tiền sử
    Từ thế giới này đã mất thói quen dùng lửa
    Tôi hoá đá dần nỗi nhớ về thế giới bên kia...
    Trong gần hai ngàn ngày tù dài dằng dặc thành một khúc đông cứng giữa cái sền sệt, đặc quánh của năm tháng cuộc đời hắn, ngoài ngày được tha, hắn côn nhớ rõ cả ngày trước đó, cái ngày cuối cùng hắn ở trong tù.
    Chiều hôm trước khi được tha, hắn còn bị lôi thôi. Hắn bị trực trại khám nội vụ
    Nội vụ của hắn khá tươm. Nghĩa là đủ mọi thứ. Nó chứng tỏ công lao, sự chăm sóc của vợ hắn. Rất nhiều người khác - đạc biệt là đám tù trẻ - không có được một tài sản như hàn. Một cái hòm gỗ thông sơn xám, nẹp sắt, nguyên là hòm đựng đạn mà một bạn đọc cho vợ hắn để vợ hắn gửi vào cho hắn. Hòm có khoá, một cái khoá Trung Quốc. Khi được gọi ra gặp mặt vợ, trông thấy cái hòm để cạnh chỗ vợ ngồi, mắt hắn sáng lên. Hắn chỉ sợ người ta không cho nhận cái hòm ấy. Cái hòm, đó là một thứ tổng kho, là sự giàu có, đầy đủ tiện nghi trong tù, lại là sự quan tâm của gia đình. Điều đó nâng cao vị trí của hắn ở trong tù, vị trí của hắn trước các bạn tù. Không gì đau khổ và bị xem thường bằng những người quanh năm không được gia đình lên gặp mặt như Nguyên Văn Dự, như Lê Bá Di chẳng hạn. Cái cảm giác bị bỏ rơi và không có một chút gì đáng giá trước mặt người khác thật là cụ thể. Anh chỉ là thứ tù hạng bét. Vả lại những người tù kỳ cựu, cơ chỉ đều có hòm. Điều đó còn nói rằng anh ta đã xác định được, đã chuẩn bị đầy đủ để sống lâu dài trong tù, khi anh ta không có án mà chỉ có lệnh tập trung cải tạo.
    Tất cả những gì giá trị, hắn đều cho vào hòm. Mà những cái đáng giá nhất trong tù là thức ăn: muối vừng, ruốc thịt, đường, kẹo bánh, chè, thuốc lá. Chuột hết nhằm. Bọn đểu hết ăn cắp. Hắn đã bị mất hai gói kẹo mà hắn chắt chiu, chỉ khi nào mệt lắm, đói lắm mới dám ngậm, mút một chiếc. Đi làm về hắn thấy cái túi lòi ra phía cửa sổ, cái chiếu xộc xệch, hắn giật mình, lao vội đến, thò tay vào trong túi. Hai gói kẹo không còn nữa. Hắn chết lặng, lường hết được tổn thất. Một nhà buôn mất sạch gia tài cũng không đau khổ bằng hắn.
    Khi vợ hắn lên tiếp tế, cái hòm ấy đầy ắp những xôi, bánh mì và thức ăn mặn. Nhưng đã bốn, năm tháng nay vợ hắn không lên. Chỉ còn lại một ít đường. Bù lại hắn có một túi ni-lông to cơm khô. Vừa cơm vừa cháy. Cơm độn ngô vàng vàng, trắng trắng.
    Hắn dành dụm được bằng nhiều cách. Nhét được cái gì vào bụng trong lúc đi làm, đến bữa hắn lại bớt một ít ra phơi. Có nắm cơm khô, yên tâm. Cái lệ là: Chủ nhật không đi làm, bị cắt bữa sáng. Nhịn thông từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, dạ dày nhớ bữa. Đói. Bình thường đã đói, lại cắt bữa. Hoa cả mắt. Sáng chủ nhật, hắn bốc một nắm cơm khô cho vào cái ca, bung lên. Thế là có thể cầm cự được đến bữa trưa. Nếu chiều thứ bảy tạt được nắm rau cải hay củ su hào, lại có thêm quả ớt xanh nữa thì cứ gọi là đại tiệc. Cay cay, mặn mặn, mát mát, bùi bùi, nóng bỏng môi, xụp xoạp vã mồ hôi. Phở Hói, phở Tư Lùn Hà Nội cũng chẳng thú bằng.
    Cái ca của hắn bằng nhôm đúc, nửa lít, lợi hại lắm. Cái ca theo hắn vào xà lim ngay từ ngày đầu tiên. Hắn kiếm được một cái đinh gỉ cùn trong khi đi đổ bô, đem về xà lim mài nhọn, sáng loáng và khắc vào đít ca, chung quanh ca bao nhiêu chữ số. Đại loại như: 8-12-1968 (ý hắn muốn kỷ niệm tròn một tháng bị bắt), 3-7 (ý nói ngày sinh của hắn và ngày hắn cùng vợ hắn yêu nhau lần đầu tiên), 8-3-69 (ý hắn nói đã hết lệnh tạm giam bốn tháng đầu tiên, hắn hy vọng sẽ được tha)v. . v. . Cái ca dày có thể làm cối giã. Hắn đã giã cành rau sắng nấu canh (lá là thịt, cành là xương, ngọt nước lắm), giã lạc giống ăn cắp được trong khi gieo ở Đồng Mít, cho nước, muối vào, đun lên xăm xắp làm thức ăn mặn, kéo dài cuộc sống được một tuần.
    Lỷ Xìn Cắm, dân lò bát Móng Cái, người Hoa mãi võ đã từng thí võ ở Hà Nội, tù trước hắn hai lệnh, suốt mùa hè cởi trần, lưng cánh phản nâu cháy, thích cái ca lắm:
    - Ca này của A Tuấn tốt lắm đấy.
    Xìn Cắm ngắm nghía cái ca rồi hỏi:
    - Không có năp à?
    - Không.
    Thế rồi một hôm hắn thấy Xìn Cắm chân khuỳnh khuỳnh chữ bát đi lại chỗ hắn, mặt mũi râu tóc bạc trắng như Hemingway cầm trong tay cái nắp ca bằng sắt tráng men mất núm. Xìn Cắm bảo hắn:
    - A Tuấn đưa ca đây.
    Xìn Cắm cầm ca, ấp cái nắp vào, vừa khít. Đưa trả lại hắn cái ca có nắp, Xìn Cắm nở nụ cười trẻ thơ, nụ cười Hemingway, rồi lại khuỳnh khuỳnh chữ bát về chỗ mình nằm. Thật là một người đôn hậu và tuyệt diệu.
    Nhược điểm của cái nắp là sứt núm. Dễ thôi, cuộn giấy lại nút vào là xong. Cương, toán lâm sản, mượn cái ca đi rừng. Khi trả lại, ca đã dược quấn mấy vòng dây điện bọc nhựa, để cách nhiệt, cầm đỡ nóng. Thật là hoàn chỉnh. Cái ca có nắp càng thêm lợi hại. Gọn, xếp được ba khúc sắn nục nạc. Một ngón tay đỡ nắp, rồi dốc ngược, quay đít ca lên trên, vung vẩy đi thì trông hệt cái ca rỗng. Cứ thế mà qua mắt quản giáo, trực trại, mang sắn vào buồng giam.
    Nội vụ của hắn còn có cái cặp ***g. Một cái cặp ***g ác chiến. Cặp ***g trong tù giống xe đạp của cán bộ công nhân viên thời đó. Vừa là phương tiện đi làm, kiếm sống, vừa là tài sản. Có cái cặp ***g đi làm tha hồ sột sệt . Đốt đống lửa lên, ninh lá sắn non, luộc mấy cái ngồng cải, nếu tốt số tạt được một con cải bắp nữa thì bành
    Có cái cặp ***g, nhiều khi không tạt được gì cũng bành. Bạn tù kiếm được củ khoai, nắm rau sắng, túi hạt gắm, chục con nhái, cần sột sệt mà không có gì dể nấu, thì cặp ***g của mình đây, cứ lấy mà dùng. Tất nhiên người chủ cạp ***g sẽ là khách mời trong danh dự (miếng ăn thật quí, nhưng hắn vốn rất trọng danh dự).
    Ngoài việc sột sệt cho mình và cho thuê dịch vụ như cách nói hiện nay, cái cặp ***g còn để đựng nước, một thứ luôn luôn thiếu. Và cuối cùng, khi bí lắm thì chác. Cả một tài sản đấy. Được nhiều thứ lắm. Chỉ những anh có máu mặt, anh em toán lâm sản, toán chăn nuôi, toán nhà bếp mới đủ lực chác cặp ***g.
    Cái cặp ***g của hắn lại là ngăn dưới cái cặp ***g Liên Xô. Có nắp, có quai xách. To, cao thành, dày. Rang không sợ cháy. Nấu xong bị nhọ, lấy cát đánh bóng loáng, không sợ mòn thủng. Đúng là loại Pơgiô đờ luých! Đờ luých mante!
    Hắn còn có cả một cái bi-đông nhựa. Tất nhiên bi-đông nhôm nhiều công dụng hơn. Cấu búp chè xanh, nhét đầy bi-đông nhôm, cho nước vào, cời than ở đống lửa ra, đặt bi-đông lên. Chóng sôi lắm. Quản giáo cứ tưởng mình đun nước trắng thôi. Chè búp nấu nước uống ngon hơn chè già nhiều. Nước xanh ngắt. Anh em Cầu Giát, Ba Làng cũng gọi là "nạc chạt". Chất lừ đấy. Ngon hơn bất kỳ thứ chè xanh nào.
    Nhưng bi đông nhựa cũng có công dụng. Nhất là loại bi-đông nhựa trắng mờ, sần sần như của hắn. Kín kín hở hở rất hay. Hắn đã yểm lạc ở đấy, bồng về. Lần ấy toán gieo lạc. Mỗi người ra lồ xúc một bát men lạc giống rồi đi theo từng luống. Hắn mặc hai quần dài. Quần dài bên trong được chít hai ống vào cổ chân. Chít chặt. Tím cả chân. Thế rồi vừa gieo vừa thót bụng, đổ lạc vào bụng.
    Lạc tuồn qua bụng, qua đùi, xuống cái quần bên trong đã bị chít, giống như cách dân mình lấy gạo trong kho của Nhật năm đói 1945 mà hắn đã viết trong một tập sách.
    Lần ấy, anh nào cũng kiếm được một hai ki-lô lạc giống. Nhưng tất cả đều bị thu khi về đến cổng trại.
    Ai cũng bị khám. Khám cẩn thận, tỉ mỉ. Nắn cả người. Có lẽ anh em đánh hăng quá. Hoặc có ai bẩm . Giắt vào người: mất. Buộc vào khoeo chân: mất. Cho vào ống điếu: mất. Nhiều lạc quá. Đến nỗi ông Quân phải bảo nhà bếp lấy thêm lồ ra đựng lạc.
    Hắn yểm lạc trong bi-đông nhựa, khoác tòn ten bên vai. Nhìn kỹ thì thấy bóng hột lạc nâu nâu qua lần nhựa mờ đấy. Nhưng các ông ấy không thể ngờ hắn lại có thể yểm một cách hớ hênh như thế. Các ông ấy không chú ý tới cái bi-đông nhựa, mà lại lục cặp ***g. lục bị của hắn, rồi nắn người hắn.
    Hắn thoát. Mang được vào trại một bi-đông lạc giống, hột nào hột ấy tròn căng.
    Sau lần ấy anh em khợp lạc ngay tại chỗ làm. Không nghĩ đến chuyện bồng về nữa. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ông quản giáo cho ngâm lạc giống vào nước phân loãng. Đành chịu.
    Nội vụ của hắn còn có bộ đồ trà. Nói cho đúng cái ca con pha trà là của già Đô. Hắn chỉ có hai cái chén mắt trâu.
    Khác với anh em trong tù toàn đắp chăn sợi, rét thì hai người đắp chung hai chăn, hắn có cái chăn bông to sù. Có lẽ đó là cái chăn bông duy nhất ở trại trung ương. Vợ hắn sợ hắn rét. Cũng phải kể thêm cái áo bông của hắn. Hai ki-lô! Gấp lại to gần bằng cái chăn bông. Thứ áo bông Trung Quốc chính hiệu. Cổ lông. Lần ngoài ka-ki xanh. Bông chần ngay vào lượt vải lót Anh Văn, anh ruột hắn, đi học thủy điện ở Vũ Hán, Trung Quốc, cho hắn. Dạo còn làm báo hắn đã mặc. Hắn gọi là áo ngự hàn. Mặc vào gió mùa đông bắc chỉ có khóc. Những ngày đại hàn chi cực, đi cơ sở lấy tin xong, trở về cơ quan đứng giữa đám phóng viên tím tái vì rét, hắn kéo phía sau áo bông lên bảo Bình:
    - Kiếm cái quạt quạt hộ vào lưng với. Nóng quá. Rôm đốt. Ngứa hết cả người.
    Cái áo bông vào xà lim với hắn một ngày. Chả là hắn bị bắt vào đầu mùa rét. Khi hắn từ xà lim chuyển sang BD cái áo bông được cả B mến.
    Cứ chín giờ tối, kẻng cấm, đi nằm, cái áo bông ấy biến thành của công. Mỗi ca hai tiếng, hai người thức gác, họ mượn cái áo bông của hắn. Ngồi thu lu giữa sàn xi-măng lạnh lẽo, cửa gióng sắt trống hốc, gió thốc vào, khoác cái áo bông của hắn ấm hẳn lên. Cứ thế ca trước chuyền cho ca sau.
    Khi lên các trại trung ương, mặc cái áo to rộng ấy, yểm thứ gì vào người cũng dễ. Hắn còn nghĩ được cả cách yểm cải bắp vào áo bông. Chọn cái cải bắp chặt, xinh, to bằng đầu người, xắt đôi ra, đút mỗi nửa vừa khít một tay áo bông. Rồi khoác lên vai (khoác chứ đừng mặc), đi qua trạm gác ngon lành.
    Chẳng ai đi tù lỉnh kỉnh như hắn.
    Khi nhìn thấy ông trực trại đi vào, theo sau là Chắt, một người tù chuyên làm việc khoá cửa, mở cửa các buồng giam, mọi người dừng tất cả các công việc. Lúc ấy cả toán vừa đi làm về. Hắn cất cặp ***g nước, phơi xong bộ quần áo ướt và nằm ngửa trên giường mệt nhọc. Hắn nhìn lên mái nhà, mắt trống không. Cạnh hắn, già Đô với bộ râu rễ tre dài tới ngực, lốm đốm hoa râm, người nhỏ thó, đang ngồi xổm soạn những ca, những ống bương đựng nước, những gói, những quần áo ướt mới giặt.
    Anh em trong buồng giam, người đang phơi quần áo, người quay vào vách, về phía đặt nội vụ, soạn những thứ tạt được hoặc kiếm được trong lúc đi làm, chí ít cũng là vài lít nước múc ở ngoài suối. Người nhanh hơn đã nằm duỗi dài trên sàn. Tiếng lục cục của những phản gỗ kênh, tiếng giũ quần áo ướt, tiếng một anh thử cái nõ điếu mới khoét chóp chóp và cả vài tiếng rì rầm.
    Họ đến.
    Tất cả im lặng. Những người đã nằm, ngồi nhỏm dậy. Hơn trăm con mắt nhìn người công an áo vàng và Chắt, người tù số một của trại, nghĩa là người tù ?othơm" nhất trại.
    Hai người đi về phía hắn. Già Đô giấu vội ca rau, làm đổ cả bi-đông nước. Hắn và già Đô cùng quê nên bao giờ cũng nằm cạnh nhau và bao giờ cũng nằm tầng trên, chỗ sát cửa sổ, gần cửa ra vào. Nằm ở những chỗ như vậy, thoáng sạch hơn, lại xa nhà mét Có chuyển buồng bao giờ hắn cũng nhanh chân nhảy lên chiếm chỗ trước cho mình và cho già Đô. Rất nhanh hắn đã kịp ấn con dao mảnh, rộng bằng ngón tay và chiều dài cũng như vậy, xuống cái khe giữa vách và sạp gỗ. Nó rơi xuống tầng sàn dưới không một tiếng động kim loại, bởi vì chỗ ấy cũng lủng củng những nội vụ của Voòng Kỷ Mình, một anh tù tập trung cải tạo, đã ở đến lệnh thứ tư.
    Ông trực trại và Chắt nhảy phắt lên tầng trên.
    - Vừa giấu cái gì đấy?
    Ông ta quát to, nhưng giọng không nhiệt tình.
    Hắn lễ phép:
    Thưa ông, không.
    Mặt hắn tỉnh bơ. Hăn nói dối thần tình. Vào tù hắn đã học được hai điều: ăn cắp và nói dối. Không ăn cắp vẫn sống được đấy. Nhưng khổ. Và buồn nữa.
    Nếu không có cái lo lắng hồi hộp của việc ăn cắp và bồng của ăn cắp được về trại, thì buồn lắm, buồn không chịu nổi. Sung sướng biết bao khi mình vẫn lấy cắp và mang được về trại tất cả, vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các ông quản giáo. Ăn cắp với hắn còn có nghĩa phản kháng, tuy sự phản kháng đó hơi nguy hiểm. Nó dẫn tới kỷ luật, cùm xà lim, ăn cháo loãng.
    Và nếu ăn cắp, nếu vi phạm nội qui, họ không bắt được quả tang thì chối. Chối phắt. Con dao, đó là sự vi phạm nội qui nặng đấy, dù chỉ lâ một mảnh sắt tây được mài sắc, dể cắt một cây rau cải nhổ trộm được, hay gọt vỏ một mẩu sắn chạy nhựa xanh lè vớ được trong rừng, chuột, sóc ăn nham nhở.
    Ông quản giáo đứng trên tầng trên, đầu gần chạm cái giá dài làm bằng những cây nứa, một kiểu xích-đông chạy suốt phòng giam, trên ấy anh em tù để một phần nội vụ.
    Chắt làm nhiệm vụ của mình. Chắt bắt đầu lục, giở tung nội vụ của hắn. ông quản giáo đứng nhìn, mặt nghiêm khắc. Không biết ông quản giáo có nhớ hắn không. Chứ hắn thì nhớ ông. Bởi thế nên hắn rất sợ ông. Với ông mọi việc đều có thể xảy ra.
    Được osakasea sửa chữa / chuyển vào 03:32 ngày 17/07/2004

Chia sẻ trang này