1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

'Đừng để công chúng thiệt thòi về thẩm mỹ âm nhạc'

Chủ đề trong 'Âm nhạc' bởi wanted, 10/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. wanted

    wanted Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    7
    Đã được thích:
    0
    'Đừng để công chúng thiệt thòi về thẩm mỹ âm nhạc'

    Tham gia hội đồng nghệ thuật Sao Mai-Điểm Hẹn, từng được gọi là "Mr. Khó" nhưng Bảo Phúc đã chứng minh anh là một lựa chọn chính xác. Nhạc sĩ đã trao đổi về một số vấn đề gai góc trong đời sống ca nhạc hiện nay: Đào tạo ca sĩ trẻ ở VN và thị hiếu của công chúng âm nhạc.

    - Không gian ca nhạc trong nước đang bùng phát "ngôi sao", cùng đó là các nhận xét trái chiều về những dòng nhạc và khuynh hướng biểu diễn. Theo nhạc sĩ, mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

    - Sau lớp ca sĩ trẻ có nghề như Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Mỹ Tâm, đến nay vẫn chưa có một gương mặt nào tiếp nối họ, về mặt thực tài. Nghệ sĩ biểu diễn muốn phát triển đường dài phải có nội lực thực sự. Hiện nay, ở phía Nam, xuất phát từ cái nhìn "sinh lợi", ca sĩ trẻ không trau chuốt cho chất giọng. Không học hành vẫn có thể trở thành ca sĩ. Kỹ thuật được sử dụng tràn lan đánh bóng cho chất giọng kém cỏi. Vì thế, ca sĩ trẻ tại TP HCM đa phần là những người có tiếng mà không có miếng... võ phòng thân!

    Ở Hà Nội, vấn đề học thuật được coi trọng hơn. Những gương mặt trẻ luôn ý thức tìm lối đi riêng, tiêu biểu trước kia có Trần Thu Hà và bây giờ là Khánh Linh. Những nỗ lực ấy khiến họ vượt qua chính mình rất nhanh. Nhưng lại tiếc rằng, ngoài Bắc cho đến lúc này vẫn thiếu vắng công nghệ lăng-xê.

    - Đã đến lúc nhạc nhẹ Việt Nam phải phân định các dòng nhạc rõ ràng. Trong những ca sĩ vào đến vòng 3, anh "chia" họ theo từng dòng nhạc như thế nào?

    - Sở trường của các bạn dễ thấy thôi. Tùng Dương và Ngọc Khuê nên theo dân gian hiện đại. Kasim mạnh ở rock và hip-hop. Thuỳ Linh rất khá ở rock. Mỹ Dung theo khuynh hướng trữ tình. Phương Anh nổi bật ở tự sự. Nhìn chung, người Việt chuộng tính đa năng, nên hoạt động âm nhạc ở ta cũng ưu tiên ca sĩ ôm đồm nhiều dòng nhạc. Nhưng các bạn ca sĩ trẻ đừng quên rằng, muốn thành danh, phải khẳng định ở một dòng trước đã, rồi mới tính chuyện "đánh lan" qua các dòng khác. Ca sĩ trung thành với dòng nhạc đã chọn là rất tốt. Nhưng bản lĩnh để pha chế, biến hoá cũng là một khả năng không dễ tìm.

    - Cùng làm việc và đỡ đầu nhiều lứa ca sĩ, anh nhận thấy đâu là điểm yếu nhất của ca sĩ ta?

    - Ca sĩ thường nghĩ có thanh, sắc là có tất cả. Lại thêm các phương tiện hỗ trợ như kỹ thuật phòng thu khiến họ không phải tốn nhiều sức lực, dễ dàng được công chúng hoan nghênh. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải đam mê. Thiếu đam mê, có tài mấy cũng sớm lệch lạc khi chọn đường hướng phát triển. Đó là chưa kể sự chi phối của tiền bạc. Biết từ chối cái gì không thích, chấp nhận những gì phù hợp với mình, nghe đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Nếu có festival nhạc trẻ trong khu vực Đông Nam Á thôi, cũng khó tìm ra nhân tố thực tài ở ta để góp mặt nếu khuynh hướng nghệ thuật vẫn duy trì như hiện nay.

    - Làm công tác biên tập, đo lường thị hiếu công chúng để đưa sản phẩm âm nhạc đến với họ, anh suy nghĩ gì về công việc sáng tác của các nhạc sĩ trẻ hiện nay?

    - Viết cho ra không khí cuộc sống đương đại là một đòi hỏi quan trọng. Tôi rất thích những ý tưởng lạ của Lê Minh Sơn. Thật hãnh diện có một nhạc sĩ trẻ như vậy. Trong lĩnh vực biên tập nhạc có nhiều vấn đề để bàn. Khuynh hướng sinh lợi khiến người biên tập làm xuống cấp sản phẩm. Sự mới mẻ, sự phát triển trong công tác biên tập đang vắng bóng. Đây là một khâu ít được quan tâm nhưng lại thiết yếu, bởi chính nó đẻ ra thẩm mỹ nhạc cho các thế hệ sau.

    Chúng ta đang quên mất cái chúng ta từng có, từng được công nhận. Chẳng hạn,10 năm trước, nhạc Trịnh Công Sơn rất giá trị, thế mà 4 năm trở lại đây đã trở nên xa lạ. Những ai nghe Trịnh đã như thuộc lớp người cổ hủ, khan hiếm. Khâu biên tập thiếu cân bằng, nhà sản xuất chỉ muốn có những sản phẩm dễ bán nên dần dần, công chúng cũng lệch lạc dần gu nghe nhạc. Chúng ta có thể thiệt thòi về tiền bạc, đừng để những người cùng thời và lớp sau thiệt thòi về thẩm mỹ âm nhạc.


    - Anh nghĩ gì về thị hiếu thưởng thức của công chúng nhạc trẻ?

    - Khi số đông ca sĩ trẻ thích bắt chước nước ngoài ở khâu biểu diễn (phần ngọn) mà bỏ bẵng việc quan trọng hơn là học người ta phương pháp học tập, rèn luyện (phần gốc), ắt kéo theo lối ăn mặc, tóc tai kỳ quái mà không hề ý thức được thế là xấu hay đẹp. Yếu tố "nhìn", việc "nghe" của công chúng hiện nay cũng bị làm hỏng đi nhiều. Khuynh hướng mix nhạc nặng nề, ồn ào, dồn đủ thứ để làm đầy bài hát khiến tương lai không xa, tai nhạc của giới trẻ hôm nay sẽ bị hỏng. Các chuyên gia âm thanh khi đến Việt Nam đều lắc đầu vì cách làm dối làm ẩu. Tôi rất sợ những điều sai cứ được xài rộng rãi, được nhân rộng và biến thành khuynh hướng. Cho đến một lúc, muốn phá dỡ chúng sẽ hết sức khó khăn.

Chia sẻ trang này