1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi quydede, 03/07/2007.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện của người lính già

    Từ Hải Phòng, qua phà Bính, rẽ về tay trái khoảng mươi cây số sẽ gặp một vùng đất có dáng dấp trung du: những cụm đồi nối nhau thoai thoải, cao dần về hướng đông bắc.
    Làng xóm nằm ven đồi, thượng gia hạ điền: trên đồi là nhà, có vườn, dưới chân là ruộng. Len lỏi vào các xóm làng chen chúc ấy, thỉnh thoảng có thể gặp dấu vết những căn hầm lớn khoét sâu vào sườn đồi.
    Có hầm đã sập, nhưng cũng có hầm còn khá nguyên vẹn, gỡ đi vài lớp rêu phong xanh rì có chỗ còn có thể nhận ra cả dấu xẻng công binh xén sâu vào lớp đất bazan đỏ sậm: chính nơi đây một thời từng là căn cứ địa, là sở chỉ huy của một đơn vị thường được những người ít nhiều có liên quan nhắc đến một cách tò mò và thán phục: đơn vị ?onhững con tàu không số?. Còn những người trong cuộc thì biết rõ tên tuổi của nó: Lữ đoàn Hải quân 125.
    Người thủy thủ già ở lại
    Những người lính của cái lữ đoàn bí mật huyền thoại một thời đó, những sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, những thuyền trưởng, thủy thủ, báo vụ viên, thợ máy... ngày ấy từ khắp đất nước tập hợp về đây, nay đều đã đi xa.
    Người đã hy sinh, mãi mãi biệt tích trên biển Đông, người đã chuyển ngành, người đã về hưu... Duy còn một người vẫn ở lại đây. Một người lính thủy già, quê tận Cà Ná, tít tận miền Phan Thiết trong cực Nam Trung bộ xa xôi: anh Đặng Văn Thanh.
    Thường vẫn vậy trong những trường hợp này: có một mối tình sâu đậm nào đó đã giữ chân người lính bôn ba lại nơi làng quê hẻo lánh này. Trường hợp Đặng Văn Thanh chính là như vậy. Sau những chuyến mạo hiểm trên biển lớn, anh thường trở về nơi này, chỉ huy sở của các con tàu không số, báo cáo công tác hay nghỉ ngơi lấy sức dăm ngày.
    Chính trong một căn hầm chỉ huy khoét sâu vào lòng đồi nay đã sạt lở gần hết, anh đã gặp một chị hội trưởng phụ nữ xã có đôi mắt lá răm sắc dài. Hỏi thăm mới biết đó là một người vợ liệt sĩ. Họ quen nhau, ân cần và kín đáo chăm sóc cho nhau. Chị thấy bồn chồn lo lắng mỗi lần anh từ giã ra đi, lao ra biển khơi mịt mùng. Chị hao gầy đi những ngày chờ đợi.
    Và như sống lại, tươi tắn, tinh khôi, đôi mắt lá răm cố giấu một niềm hạnh phúc không kìm nổi mỗi lần anh trở về... Cho đến ngày cuối chiến tranh, họ trở thành vợ chồng...
    Bây giờ thì người thủy thủ già đã thật sự trở thành một bác nông dân chính cống. Nhà anh chị nằm ven sườn đồi. Trước sân là cái giàn mướp sai quả, giàn mướp không phải đan bằng tre mà là một tấm lưới cũ giăng giữa mấy cây cột chống bằng sắt gỉ. Phía ngoài sân là chiếc giếng rất sâu, gàu được kéo bằng ròng rọc hẳn lấy được về từ một chiếc tàu cũ nào đó. Cạnh đấy là ao cá, anh Thanh bảo mỗi mùa thu được hàng 5-6 tạ cá mè...
    Chúng tôi ngồi với nhau giữa sân, trên chiếc nong lớn, quanh mâm rượu có một chai cuốc lủi to bự và mấy con cá khô nướng làm mồi chị Thanh đã chu đáo dọn sẵn cho chúng tôi. Anh Thanh nói:
    - ...Sau hiệp định Genève 1954, tôi không đi tập kết mà được lệnh ở lại nằm vùng hoạt động. Rồi tôi được giao nhiệm vụ giả đi đánh cá, điều tra kỹ vùng Mũi Đèn và về khu ủy báo cáo cụ thể tình hình sông nước, bến bãi, tình hình địch bố phòng tuần tra trên đất trên biển ra sao, tình hình dân. Làm xong thì có liên lạc đến, dẫn lên rừng, về chỗ anh Lê, anh Hiền. Đồng chí liên lạc dặn trước khi đi phải sắm sẵn nilông, võng dù, hănggô.
    Tôi cũng nghĩ chắc lên rừng thì phải có đủ những thứ đó chứ không ngờ... Lên đến nơi, ở trạm giao liên vài ngày thì một buổi chiều thấy anh Lê và anh Hiền ra, tay xách mấy chai rượu cần và một hănggô cơm nếp. Hai anh ở lại suốt đêm ấy rỉ rả nói chuyện. Anh Hiền bảo:
    - Anh Thanh mấy năm nay vất vả, sức yếu lắm rồi, mắt mờ, tóc rụng hết. Nay khu ủy quyết định Thanh phải ra Bắc nghỉ một thời gian, chữa bệnh, học hành, rồi sẽ trở về phục vụ. Thanh cứ đi, đừng suy nghĩ gì. Cách mạng miền Nam còn dài. Cứ đi, rồi sẽ trở về, trên có cho ít súng đạn, tìm cách mang về cho anh em trong này càng tốt...
    Khu ủy giao cho Thanh cái phong bì này, phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không để rơi vào tay giặc, dù hi sinh cũng phải bảo đảm thủ tiêu trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao tận tay một người là đồng chí Võ Nguyên Giáp.
    Hai nhiệm vụ từ đại tướng Võ Nguyên Giáp
    Tôi đi đường Trường Sơn gần tám tháng mới ra tới miền Bắc, tới Quảng Bình thì có xe con đón thẳng về Hà Nội. Lúc ở 105 Quán Thánh, lúc ở Ban Thống nhất trung ương, loanh quanh luẩn quẩn chẳng biết làm gì, không được ra đường, chỉ ăn uống bồi dưỡng, thỉnh thoảng xe đưa đi khám bệnh rồi đưa về, lại loay hoay một mình trong phòng.
    Đó là khoảng cuối năm 1961... Cho đến một bữa chiều, tôi đang ở Ban Thống nhất thì có người đưa xe đến đón bảo đi có việc. Xe chạy quanh co một lúc thì đến một ngôi nhà, sau này tôi mới biết là số nhà 36 Lý Nam Đế. Người dẫn đường đưa tôi lên tầng hai, vào một căn phòng rộng, có một chiếc bàn lớn và bốn cái ghế bành.
    Trên bàn bày sẵn bánh kẹo, bia, nước ngọt. Một người mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm bảo: ?oĐồng chí ngồi nghỉ, chờ một lúc?.
    Vài phút sau cửa phòng mở, một người bước vào, chắc đậm, quần kaki, áo lụa ba túi. Tôi đứng dậy nhưng không biết là ai. Người mặc quân phục - sau này tôi biết là sĩ quan tham mưu - nói:
    - Báo cáo thủ trưởng, đây là đồng chí Đặng Văn Thanh, vừa ở Khu 6 ra.
    Rồi anh quay lại phía tôi:
    - Đây là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Thanh chào đại tướng đi...
    Tôi sững sờ.
    Đại tướng bước lại bắt tay tôi, rồi ôm lấy cả hai vai tôi:
    - Đồng chí Thanh ngồi xuống đi. Nào, đã lâu lắm tôi không được nghe giọng nói Phan Thiết. Nào ngồi xuống. Và nói chuyện cho chúng tôi nghe đi.
    Đại tướng tự tay bóc thuốc và rót nước cho tôi:
    - Đồng chí Thanh đi đường mất mấy tháng? Sức khỏe bây giờ thế nào? Đã đi khám bệnh chưa?... Anh Lê, anh Hiền có khỏe không?
    Tôi đứng dậy:
    - Thưa đại tướng, có cái phong bì này anh Hiền dặn tôi chỉ được đưa tận tay đại tướng...
    Ông cầm phong bì nhưng đặt xuống bàn.
    - Bây giờ đồng chí Thanh kể chuyện cho chúng tôi nghe đã. Tình hình trong ấy thế nào? Bà con ta sống thế nào? Địch hoạt động thế nào? Nhất là nói kỹ tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Nói thật cụ thể.
    Người sĩ quan tham mưu dẹp mấy cái cốc và trải ra trên mặt bàn một tấm bản đồ lớn. Đại tướng đưa cho tôi một cây bút chì vót nhọn:
    - Đây, đồng chí báo cáo đi, chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ...
    Tôi cầm cây bút, đứng sững trước tấm bản đồ rất lâu. Người sĩ quan tham mưu nhắc:
    - Đồng chí Thanh bình tĩnh nói đi.
    Tôi quay nhìn đại tướng, lắp bắp mãi mới nói được mấy tiếng:
    - Báo cáo... Báo cáo đại tướng... Tôi... tôi không biết chữ...
    Căn phòng bỗng lặng ngắt.
    Các anh biết không, lúc đó tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Đại tướng cũng đứng lặng hồi lâu. Rồi ông nói với người sĩ quan tham mưu, giọng trầm xuống hẳn:
    - Anh em ta trong ấy vậy đó...
    Ông cầm lấy cây bút chì từ tay tôi, kéo tôi lại cạnh ông:
    - Bây giờ thế này nhé, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ tình hình từng nơi. Đây này, cái vạch màu đỏ này là đường số 1. Đây là Phan Rang. Đây là Phan Thiết. Còn chỗ này, cái mũi nhọn này, Thanh nhìn rõ không, là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng. Đây là Cà Ná...
    Như vậy đấy, đêm ấy đại tướng ở lại với tôi rất khuya. Và, các anh biết không, tôi đã kể lại với đại tướng không phải chỉ tình hình các vùng tôi từng biết, từng sống, từng hoạt động. Tôi đã kể với đại tướng tất cả cuộc đời tôi. Từ ngày là thằng bé mồ côi cha mẹ, 8 tuổi đã làm nghề lặn cá ở biển Cà Ná...
    Đại tướng ngồi nghe, thỉnh thoảng mới nhắc một câu:
    - Thanh uống nước đi đã.
    ... Cho đến khi người cán bộ tham mưu rời quyển sổ ghi chép đứng dậy nói:
    - Báo cáo thủ trưởng, đã 1 giờ sáng...
    Đại tướng cũng đứng dậy. Ông nói:
    - Cám ơn, cám ơn đồng chí Thanh...
    Lần này ông không bắt tay tôi mà ôm chặt cả hai vai tôi. Ông nói:
    - Bây giờ đồng chí Thanh có hai nhiệm vụ, tôi giao nhé, phải làm kỳ được. Một: chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Tóc rụng hết cả rồi đây này... Hai: phải đi học. Học chữ và học chuyên môn. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo cho tôi biết... Thôi, về đi. Đêm nay ngủ thật ngon...
    Vậy là anh Đặng Văn Thanh đi học. Lớp học chỉ một thầy một trò. Sau ba tháng biết đọc biết viết thì được chuyển sang học hàng hải, la bàn..
    Một nhiệm vụ mới đang chờ đợi anh.
  2. Raisomoon

    Raisomoon Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    19/12/2005
    Bài viết:
    1.942
    Đã được thích:
    1
    Đọc đoạn anh Thanh gặp Cụ Giáp mà rớt nước mắt. Đúng là chiến thắng của của chúng ta vẫn còn rất nhiều bí ẩn, ngay cả với những người Việt trẻ như tôi.
  3. AK47NA

    AK47NA Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/07/2006
    Bài viết:
    81
    Đã được thích:
    0
    Câu chuyện thật cảm động. Cụ Giáp quả là một vị tướng lỗi lạc, phong cách làm việc, phong cách sống, tình cảm với đồng chí thật chân thành, thu phục nhân tâm. Cơ quan tôi có một bác, ngày xưa là thợ điện cho Cụ Giáp, mỗi khi nhắc đến Cụ Giáp, trong mắt bác ấy toát lên vẻ kính phục.... Quân đội mình có những vị tướng như Cụ Giáp quả thật may mắn......
  4. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Những con tàu không số
    Xong cái đận học hành ấy, xe lại chở anh Đặng Văn Thanh về 83 Lý Nam Đế. Anh Thanh kể: ?oNằm chờ ở Lý Nam Đế khoảng một tuần, một hôm anh Đoàn Hồng Phước cho gọi tôi lên cùng 12 người nữa, tất cả đều là đảng viên, toàn người Khu 5, Khu 8 và Khu 9, đều lớn tuổi hơn tôi.
    Tàu không số
    Anh Phước nói:
    - Đã đến lúc chuẩn bị lên đường. 13 đồng chí thành một đội, một chi bộ. Đồng chí Thanh là chính trị viên, bí thư chi bộ. Đồng chí Thêm là thuyền trưởng. Đồng chí Năm là máy trưởng.
    Ngày hôm sau có một đồng chí người gầy, cao, về sau tôi mới biết là đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, chủ nhiệm Ban Thống nhất trung ương, đến liên hoan chia tay, rồi chúng tôi được chở xuống Đồ Sơn, vào thẳng khu vực cấm ở Pagodon và được nhận tàu.
    Người ta gọi đơn vị chúng tôi là ?ođơn vị tàu không số?. Đó là một cách gọi để nhấn mạnh tính chất bí mật của đơn vị này, công tác này. Thật ra thì các tàu đều có số hiệu chính thức riêng của mình, ghi rõ trong sổ sách mật của đơn vị nhưng không ghi trên thân tàu. Còn trên thân tàu thì ghi số hiệu giả, thường xuyên thay đổi. Chúng tôi mang theo đầy đủ các loại sơn, đến mỗi vùng biển lại sơn lại số hiệu giống như các con tàu đánh cá ở những vùng biển ấy.
    Riêng về mục tàu bè của chúng tôi cũng là cả một câu chuyện lịch sử khá dài. Chiếc đầu tiên chở được 15 tấn vũ khí vào Nam chính là chiếc ghe lưới Bạc Liêu do đồng chí Bông Văn Dĩa mang ra trong chuyến dò tìm đường ra Bắc báo cáo. Chiếc ấy đồng chí Dĩa để lại ở Quảng Bình, đã hư nát nhiều.
    Bấy giờ còn một chiếc ghe lưới tương tự như vậy nữa do các anh ở Trà Vinh đem ra. Ta quyết định sửa chữa lại để đi những chuyến mở đường đầu tiên. Hải quân đi thuê sửa chữa thì dễ lộ nên ta phải nhờ đồn công an vũ trang Quảng Bình đứng ra thuê công trường gỗ Quảng Bình sửa chữa phần vỏ và Nhà máy cơ khí 6-1 Đồng Hới làm phần máy.
    Chắc anh em công nhân công trường gỗ Quảng Bình và Nhà máy cơ khí 6-1 Đồng Hới trong khi làm công việc này cũng nghĩ là công an vũ trang cần một số ghe lưới kiểu miền Nam để tuần tra vùng biển giới tuyến, không hề ngờ đến con đường đi và mục đích thật của nó.
    Trong khi đó xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng được lệnh gấp rút đóng bốn tàu gỗ lớn hơn, trọng tải trên 30 tấn, có buồm kết hợp với máy đẩy, đặc biệt máy đẩy phải là loại máy đẩy của Mỹ chứ không dùng loại của xã hội chủ nghĩa.
    Vỏ tàu toàn gỗ tốt: sến, trai, dền dền, chịu đựng được sóng to giữa biển lớn; còn máy đẩy thì anh em đi sục tìm khắp nơi, thậm chí có cả chỉ thị của thủ tướng chính phủ huy động tất cả cơ sở, cuối cùng mới tìm được một máy Grey Marin của Mỹ 220 sức ngựa, lắp cho một chiếc. Ba chiếc còn lại đành phải lắp máy Suda của Tiệp Khắc, có dáng dấp hơi giống máy các nước phương Tây sản xuất.
    Chiếc tàu gỗ thứ nhất do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy xuất phát từ bến Đồ Sơn ngày 8-4-1962, đến bến Đầm Chim, Cà Mau ngày 18-4-1962.
    Như vậy tàu chúng tôi được nhận là chiếc tàu gỗ thứ hai.
    Chúng tôi 13 anh em đến Pagodon Đồ Sơn, xuống xem tàu rồi lên bờ nghỉ ngơi, tiếp tục ăn uống bồi dưỡng, không phải làm gì cả. Đêm đến mới bắt đầu chuyển hàng xuống tàu, nhưng không phải chúng tôi chuyển mà toàn là cán bộ, khoảng hơn chục người, cấp đại tá, có cả tướng. Chuyển suốt một đêm mới được hơn nửa tàu.
    Mờ sáng tàu phải chạy vào núp kín trong một gành đá, tối hôm sau mới trở lại bến, lại tiếp tục chuyển. Ngày hôm sau nữa, đúng 8g tối chúng tôi xuất phát.
    Ra khơi mùa biển động
    Cái nghề này là vậy, chúng tôi ra đi bao giờ cũng đúng giữa mùa gió đông bắc, như vậy thuận gió thuận nước, lại biển động sóng lớn, việc tuần tra của địch trên biển có phần sơ hở hơn.
    Chúng tôi nhằm hướng đảo Hải Nam chạy thẳng ra, càng ra khơi sóng càng to, gió càng lớn. Anh em chúng tôi toàn là dân chài, làm ăn trên biển đã dạn dày, vậy mà lần này say sóng nhừ tử gần hết, mửa mật xanh mật vàng, có anh còn mửa ra cả máu.
    Ra khỏi đảo Hải Nam 100 hải lý thì máy hỏng. Loay hoay sửa mãi, được một lúc lại hỏng. Tàu rất khẳm, chúng tôi họp cấp ủy, bàn đi tính lại mãi, cuối cùng quyết định quay trở lại... Mất tất cả 22 ngày lênh đênh mới trở lại được Đồ Sơn. Anh em rất buồn. Trên xuống động viên và rút kinh nghiệm, sửa chữa máy móc.
    Rồi chúng tôi lại ra đi. Vẫn sóng to gió lớn đến nỗi không nấu được cơm, chúng tôi phải ăn bánh đa thay cơm. Hai ngày hai đêm, vừa qua khỏi vĩ tuyến 17 thì máy vô tuyến điện bị hỏng. Chúng tôi họp bàn quyết định không trở lại nữa, cứ vượt sóng mà đi. Sóng lớn phủ hai bên, tàu chúng tôi trông như một chiếc tàu ngầm...
    Ngày thứ tư thấy Nha Trang. Đến đêm sau thì thấy có một ngọn đèn pha, cách chừng 8 hải lý. Anh em bảo là đèn pha Kê Gà, nhưng tôi quan sát kỹ, khẳng định là pha Vũng Tàu. Pha Vũng Tàu chớp ba, từ ngày ở nhà tôi đã thuộc. Vậy là phải nhanh chóng chuyển hướng ngay...
    Đến 11g trưa thì chúng tôi bắt được bờ, một dải xanh mờ nhạt ở chân trời phía tây. 2g chiều, một thủy thủ quê Bến Tre nhận ra được cửa Gành Vàng, tức là trên Rạch Gốc chừng 10 hải lý. Mừng quá, chúng tôi cứ bắt bờ xuôi dần xuống. Tới ngang Rạch Gốc thì kéo cờ ám hiệu: một cờ đen, một cờ trắng, hình vuông, theo kiểu cờ ghe đánh cá của đồng bào. Một lúc sau có ba ghe máy cũng kiểu cờ đen trắng từ trong bờ chạy ra. Tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu, reo to:
    - Ta đây rồi! Ta đây rồi!
    Ba chiếc ghe máy dẫn tàu chúng tôi vào cửa, theo những đường lạch quanh co và luồn thẳng vào rạch có vòm đước kín bưng. Tôi chưa kịp bước lên bờ thì một người thấp đậm, béo khỏe, mặt tròn chạy thẳng xuống tàu ôm chầm lấy tôi:
    - Hoan hô! Hoan hô!
    Đấy là lần đầu tiên tôi gặp đồng chí Bông Văn Dĩa.
    Nguyên tắc bí mật
    Đồng chí Bông Văn Dĩa lúc này đã về phụ trách bến, cùng với đồng chí Tư Mau. Dần dà tôi mới hiểu ra: các anh đã tổ chức cả một hệ thống bến đón liên hoàn từ mạn Trà Vinh, Sóc Trăng xuống đến tận mũi Cà Mau, chặt chẽ, qui mô do một đơn vị lớn lấy tên là Đoàn 962 phụ trách.
    Anh Dĩa kéo chúng tôi lên bờ, khui bia, rượu Rồng Xanh liên hoan mừng thắng lợi, sò huyết Cà Mau ngon nổi tiếng cứ luộc từng thúng mà ăn.
    Chúng tôi nghỉ lại bến gần một tháng. Bến được tổ chức rất qui củ, có khu nghỉ riêng cho thủy thủ, có bệnh xá, kho vũ khí, kho lương thực, có bảo vệ vòng trong vòng ngoài vững vàng. Lúc này địch mở chiến dịch ?oTình thương? lùng ráp vũng Đất Mũi. Khu ủy tăng cường một tiểu đoàn xuống, đánh một số trận, giữ vững khu căn cứ. Tiểu đoàn này được lệnh phải bảo vệ chiếc tàu của chúng tôi bằng bất cứ giá nào, nhất quyết không cho địch đến gần và phát hiện.
    Chúng tôi sống rất thoải mái, chỉ có hai điều hạn chế: thiếu nước ngọt (chúng tôi là thủy thủ từ miền Bắc vào được ưu tiên phát mỗi ngày 10 lít nước ngọt, còn anh em tại chỗ chỉ được 1 lít). Và nguyên tắc bí mật rất nghiêm. Tuyệt đối không ai được bước chân ra khỏi khu căn cứ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi người chỉ được biết công việc của mình, chỉ ở trong khu vực của mình, không được lân la sang các khu vực khác.
    Bấy giờ cả một vùng rừng khá rộng từ Rạch Gốc đến Đất Mũi ở cuối chót Năm Căn thực tế thành một khu cấm địa hết sức nghiêm ngặt, là một khu vực bến đón và kho vũ khí bí mật lớn của ta. Hình như kẻ địch có đánh hơi, nghi ngờ, nhưng không tài nào mon men đến được.
    Dân trong vùng này thưa và toàn là cơ sở lâu năm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Nghe nói đôi khi có người ở bên ngoài vô tình đi lọt vào vùng này liền bị lưới canh phòng bí mật của anh em giữ lại và từ đó bắt buộc phải ở lại đây, phân công phục vụ trong một bộ phận nào đấy cho đến hết chiến tranh.
    Cuộc sống trong khu căn cứ này nghiêm ngặt là thế, nhưng cũng không phải là khô khan đâu. Vẫn rất sôi nổi và vui. Thậm chí còn có cả chuyện yêu đương, cưới vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái nữa. Một thế giới kỳ lạ trong rừng đước âm u, bí hiểm...?.
    Anh Thanh còn đi nhiều chuyến nữa, vào Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa? không phải bằng tàu gỗ mà bằng những con tàu sắt trọng tải 100 tấn. Trên những con tàu không số ấy, cậu bé mồ côi thất học ngày nào đã trở thành anh hùng quân đội.
    Cũng như anh, ở Trà Vinh có một người cũng được tuyên dương anh hùng. Cuộc chiến đấu trên biển của thuyền trưởng Hồ Đức Thắng sách đã ghi; nhưng sử sách nào sẽ ghi lại cuộc chiến đấu âm thầm của người vợ, chiến đấu trong đơn độc và tủi nhục?
  5. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Phía sau người anh hùng

    Ở Trà Vinh có một thuyền trưởng từng chiến đấu trên biển Đông đã được tuyên dương anh hùng quân đội, nay cũng đã nghỉ hưu: anh Ba Thắng, tức Hồ Đức Thắng. Theo chỉ dẫn của các đồng chí ở đoàn 962, tức đơn vị hải quân nay đóng ở Trà Nóc, Cần Thơ, chúng tôi tìm đến anh Ba Thắng.
    Cuộc chiến đấu trên biển của người anh hùng
    Anh Ba Thắng thuộc lớp người đầu tiên mở đường biển Đông.
    Hồi 1960-1961, khi ở Bà Rịa bác Năm Đông và má Mười Rìu xuôi ngược tổ chức bến bí mật trong lòng giặc, ở Cà Mau anh Hai Địa và anh Tư Mau rong ruổi đi nghiên cứu hàng trăm hòn đảo từ Trường Sa qua Kiên Hải đến Thổ Chu, từ Ninh Thuận Đặng Văn Thanh lội bộ vượt Trường Sơn ra Hà Nội... thì Tỉnh ủy Trà Vinh cũng gửi một thuyền vượt biển bí mật ra bắt liên lạc với trung ương.
    Thuyền Trà Vinh có sáu người, lấy tên theo một khẩu hiệu, một quyết tâm lớn: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. Ba Thắng chính là người thứ năm trong số này.
    Thuyền Trà Vinh vượt biển ra Bắc, gặp bão, trôi dạt sang tận Macau, rồi được trả về Hà Nội qua cửa khẩu Bằng Tường. Cũng như nhiều anh em khác từ chiến trường ra, Ba Thắng được cho đi học, bắt đầu từ i tờ, rồi học hàng hải, cuối cùng tập trung về đoàn tàu không số bắt đầu tham gia cuộc chiến đấu lớn trên biển.
    Ba Thắng đã đi trước sau trên 20 chuyến, hầu hết các bến bí mật ở miền Nam thời ấy anh đều đặt chân đến: Rạch Gốc, Gành Hào, Bồ Đề, Hố Bỏ Gùi, Vàm Lũng, Kinh Năm... Gay go, nguy hiểm nhất là các bến ở miền Trung: Lộ Diêu, Phổ An, Phổ Quang, Sa Kỳ, Hòn Hèo, Hòn Khói, Vũng Rô... Sử dụng đủ các loại tàu: tàu gỗ do xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng cung cấp, tàu sắt Quảng Châu, tàu cao tốc những năm về sau này.
    Khi con đường vận chuyển trên biển bị lộ, bọn Mỹ đã triển khai một bộ phận hải quân và máy bay thuộc hạm đội 7 phối hợp với hải quân ngụy ráo riết ngăn chặn, tàu ta không thể đi theo địa văn, tức là đi tương đối gần bờ, lấy các rặng núi trong đất liền làm chuẩn để định hướng nữa, mà phải đi vòng ra rất xa, sang tận sát quần đảo Philippines, vòng xuống đến vùng Palawan sát hải phận Indonesia, từ đó men theo eo biển Malacca ngược lên vịnh Thái Lan, và bất ngờ dùng tốc độ cao đâm thẳng vào vùng mũi Cà Mau...
    Đã có hàng chục trận phải đánh nhau với tàu địch trên biển, cho nổ tàu phi tang, nhảy xuống biển mà bơi, hoặc cho tàu đâm thẳng luôn vào bờ, vừa đánh địch vừa đốt tàu, rồi tìm đường về căn cứ...
    Suốt đêm chúng tôi mới đến và sáng hôm sau anh Ba Thắng kể cho chúng tôi nghe tất cả những chuyện ấy. Rồi anh dẫn chúng tôi ra bến, chính cái bến ngày xưa tàu ta từng bí mật đổ vũ khí vào.
    Buổi tối chúng tôi trở về nhà anh Ba Thắng. Chị Ba nấu cháo gà đãi chúng tôi. Và trong khi chúng tôi ngồi uống rượu, chị lui cui dọn dẹp, cho heo ăn, đập xơ dừa một lúc rồi chị đi nghỉ sớm.
    Anh Ba Thắng rủ chúng tôi bắc ghế ra sân ngồi hóng mát. Đêm ở đây yên tĩnh đến có cảm giác như ta đã tách hẳn ra khỏi thế giới tất tả chung quanh. Sự yên tĩnh cho ta cái thanh thản trầm lắng và dễ khiến con người trở nên suy tư.
    Anh Ba Thắng đột ngột nói:
    - Suốt ngày hôm nay tôi đã kể các anh nghe cuộc chiến đấu trên biển của chúng tôi. Bây giờ tôi sẽ kể với các anh một cuộc chiến đấu khác, chắc không ghi trong bất cứ sổ sách nào đâu...
    Cuộc chiến đấu không có tiếng súng
    ... Hồi 1961, lệnh rút sáu anh em chúng tôi để vượt biển ra Bắc là lệnh trực tiếp của tỉnh ủy, hết sức bí mật, ngay trong tỉnh ủy cũng chỉ có một, hai đồng chí thường vụ trực tiếp lo công việc này biết, còn huyện ủy, xã ủy, chi bộ địa phương đều hoàn toàn không hay biết. Chỉ nghe nói là mấy anh em tôi được rút đi thoát ly, còn đi đâu, làm gì không ai rõ. Vợ tôi lúc đó đã là đảng viên trong chi ủy mà tôi cũng không dám hé răng tâm sự chút gì...
    Tôi ra Bắc, rồi đi tàu bí mật trở về khắp các bến, như tôi đã kể các anh nghe. Đến chuyến thứ năm mới được trở về đúng bến Trà Vinh này. Tới bến cất hàng, giấu tàu xong xuôi, chúng tôi rút vào rừng nghỉ một tuần.
    Ngày tôi ra đi vợ chồng tôi mới có một mặt con. Vợ tôi là chi ủy viên, hoạt động bí mật trong ấp chiến lược, nhớ và lo lắm. Nhưng tuyệt đối không hề dám nghĩ tới chuyện thư từ liên lạc, đừng nói gì đến về thăm, gặp mặt...
    Đến chuyến thứ chín, cuối năm 1964, tôi lại được trở về bến Trà Vinh. Lần này đồng chí phụ trách bến gọi tôi lên, hỏi:
    - Có muốn gặp vợ không?
    Tôi chắc anh ấy thử mình nên trả lời:
    - Không dám nghĩ tới chuyện đó đâu. Tùy tổ chức thôi.
    Ai dè các anh thương, lần này quyết bố trí cho vợ chồng tôi gặp nhau thật.
    Công phu lắm. Phải phái một chị giao liên hợp pháp về tận làng tôi, nói với vợ tôi là trên rút đi công tác đặc biệt, công tác gì không được biết. Vợ tôi phải giả đi buôn ở Cần Thơ. Giao liên dẫn đi vòng vo mấy ngày, chuyển từ giao liên này qua giao liên khác mấy lần, cuối cùng mới đến bến.
    Anh em rất chu đáo. Điều kiện ở bến khó khăn vậy mà các anh vẫn bố trí cho vợ chồng tôi một ?ocăn lều hạnh phúc? trong một khu rừng kín. Ở với nhau được hai ngày... Rồi vợ tôi lại vòng lên Cần Thơ, mua một ít hàng linh tinh trước khi trở về nhà. Còn tôi vài ngày sau xuống tàu...
    Từ đó cho đến hết chiến tranh tôi còn đi nhiều chuyến, nhưng toàn đi Cà Mau và Khu 5, không còn chuyến nào được trở lại Trà Vinh. Cũng không hề nhận được tin tức gì của vợ con nữa...
    Tôi thiệt là cái thằng vô tâm các anh ạ. Nhớ thương vợ con thì luôn canh cánh bên lòng, nhưng không hề đoán nghĩ được những gì sẽ xảy ra với vợ tôi sau lần chúng tôi gặp nhau trong rừng đó...
    Mãi đến sau 1975 giải phóng miền Nam rồi tôi về thăm nhà mới biết: thì ra lần ấy gặp nhau trở về vợ tôi có thai. Cơ sự bỗng trở nên hết sức phức tạp. Việc tôi ra Bắc, rồi đi tàu biển chở vũ khí về, địa phương, huyện, xã, tỉnh, chi bộ, bà con làng xóm tuyệt đối không ai biết. Việc tôi có trở về bến Trà Vinh càng không ai biết.
    Đối với mọi người, kể cả các đồng chí trong đảng bộ địa phương, cả với cha mẹ tôi, vợ tôi là vợ của một chiến sĩ quân giải phóng đang đánh Mỹ ở đâu đó. Vậy mà bây giờ, đùng một cái, người đàn bà ấy lại có chửa! Với ai? Chỉ có thể là chửa hoang!
    Lúc đầu vợ tôi còn lúng túng che giấu, hi vọng một cách hão huyền biết đâu bất ngờ tôi có thể công khai trở về. Nhưng rồi bụng càng ngày càng to, không thể che giấu được nữa. Cha mẹ tôi khinh bỉ và đau khổ. Chi bộ gọi lên kiểm điểm. Nói với chi bộ thế nào bây giờ? Cuối cùng cô ấy khai liều: lâu nay đi buôn ở Cần Thơ, lỡ có dan díu với một người ra cơ sự này!
    Cha mẹ la chửi, chi bộ lên án đành cắn răng chịu đựng. Chi bộ quyết định kỷ luật: khai trừ, đuổi ra khỏi Đảng, đình chỉ công tác. Các anh có hiểu được một người đảng viên sống trong lòng địch mà bỗng mất hết đảng, mất hết cả gia đình, xóm giềng, lủi thủi một mình ôm cái bụng chửa, rồi sinh con, nuôi con một mình chống lại với tất cả... là thế nào không? Vợ tôi sinh được một đứa con gái, giọt máu của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi không cho nó lấy họ tôi.
    Vậy đó, kéo dài hơn 10 năm trời. Cho đến ngày giải phóng miền Nam. Và tôi trở về...
    Anh Ba Thắng ngừng lời. Tất cả chúng tôi đều im lặng.
    Chúng tôi tìm về bến Trà Vinh để gặp một người anh hùng và nghe những sự tích anh hùng của anh trên biển Đông, những trận chiến đấu độc đảm, dữ dội, ác liệt của anh giữa trùng khơi sóng gió. Nhưng hóa ra lại gặp một con người khác, một sự tích khác. Một sự tích không hề có súng nổ, có sóng to, gió lớn biển khơi, thậm chí một sự tích gần như không lời.
    Một người đàn bà âm thầm chịu đựng tất cả, hoàn toàn cô đơn, dằng dặc hơn 10 năm trời, để khư khư cắn răng giữ kín một điều ngày ấy vô cùng thiêng liêng: bí mật của con đường biển Đông.
    Đặng Văn Thanh và chú Năm Sao từng kiên gan chịu đựng trên con tàu mắc cạn, sẵn sàng hi sinh nổ tung tan xác cùng con tàu, phi tang tất cả cũng là để gìn giữ cho được điều bí mật sinh tử ấy. Họ đã trụ vững suốt một ngày.
    Đặng Văn Thanh trở thành anh hùng quân đội.
    Còn chị Ba ở tận cuối Trà Vinh, chị đã trụ vững hơn 10 năm. Và trong cô đơn tuyệt đối.
    Sử sách nào sẽ ghi lại sự tích này?
    Một vùng cát trắng, lơ thơ bông cỏ lông chông khô cháy. Người đàn bà ấy đi trên cát, nắm tay một đứa bé. Chị Ba Thắng và đứa con gái bé bỏng của chị. Lủi thủi, cam chịu hai mẹ con... Có ai ngờ chủ nghĩa anh hùng có khi lại có diện mạo lầm lũi như thế đó...
    Những con tàu không số tăng dần theo năm tháng. Năm 1964, 1965 mỗi tuần đều có những chuyến ra khơi. Từ biển Bắc, hàng ngàn tấn súng đạn theo những chuyến đi mạo hiểm ấy đã đến với các bến đợi ở miền Trung, miền Nam.
    Con đường chiến lược có nguy cơ bị rò rỉ ngay từ điểm xuất phát. Và nỗi lo rình rập mỗi ngày?
  6. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Bí mật một con đường
    Việc lớp chiến sĩ nghĩa vụ quân sự này có mặt ở Lữ đoàn 125 khoảng năm 1964 là một dấu hiệu cho thấy đến lúc này tuyến vận chuyển bí mật trên biển Bắc - Nam đã phát triển khá lớn: số anh em từ các tỉnh trong Nam vượt biển ra và anh em miền Nam tập kết lấy từ các đơn vị trong và ngoài quân đội về không còn đủ nữa.
    Đơn vị đã phải tuyển thêm ngày càng đông những chiến sĩ hải quân quê miền Bắc. Tất nhiên chọn lựa rất kỹ: những người gan dạ, vững chắc, tin cậy nhất. Nguyễn Long An nói:
    - Lúc tôi về đơn vị, con đường trên biển của ta có thể nói đã khá tấp nập. Tôi xin nói vài con số: Năm 1962 tổng số tàu đi là năm chiếc, chở được cho miền Nam 810 tấn vũ khí. Năm 1963 tổng số tàu đi 22 chiếc, chở được 1.318 tấn. Năm 1964 tổng số tàu đi 49 chiếc, chở được 2.971 tấn và 113 khách. Riêng hai tháng đầu năm 1965 tổng số tàu đi tám chiếc, chở 408 tấn và 23 khách.
    Tức là đến cuối năm 1964 đầu 1965, gần như tuần nào cũng có tàu xuất phát từ Đồ Sơn, Hòn Gai, Hạ Long, Bái Tử Long, Móng Cái, Tiên Yên, nhằm vào các bến Khu 5 và Nam bộ: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá. Hệ thống bến đi và bến đến cũng đều mở rất rộng.
    Ngoài súng đạn, tàu còn chở cả ?okhách?. Khách đây là những đồng chí cán bộ thường ở cấp khá cao, cần đi công tác khẩn vào miền Nam hoặc từ các chiến trường miền Nam ra trung ương báo cáo, họp hành. Đi đường Trường Sơn phải mất hai, ba tháng trời. Đi tàu biển của chúng tôi nhiều nhất chỉ mất một tuần...
    Mật độ tàu đi lại dày đặc như vậy thì nguy cơ lộ bí mật con đường chiến lược đặc biệt này cũng ngày càng lớn. Có thể nói là mối lo nơm nớp từng ngày. Mà bí mật thì có thể rò rỉ từ những kẽ hở rất nhỏ, rất khó lường.
    Một bí mật cao hơn tất cả
    Có một chuyện thế này: tàu chúng tôi khi đi vào chở vũ khí rất nặng nên tàu khẳm, đi tương đối đằm. Khi trở ra lại đi tàu không, tàu nhẹ quá, gặp sóng to gió lớn rất chông chênh. Cho nên khi trở ra chúng tôi thường chất đủ thứ linh tinh lên tàu cốt cho nặng: đất đá, than củi, bất cứ thứ gì...
    Một lần vô tình anh em chở ra cả một tàu toàn cây dừa nước. Dừa nước Nam bộ thiếu gì. Chở về đến căn cứ của đoàn ở phía trên bến Bính, Hải Phòng rồi đổ bừa xuống đấy... Và quên bẵng đi...
    Không ngờ dừa nước là thứ cây rất khỏe. Chỉ một thời gian sau cả một vùng bờ sông phía sau căn cứ bến Bính đã thành một bãi dừa nước rậm rạp, bạt ngàn. Vậy mà chúng tôi bận bịu bao nhiêu công việc chẳng ai để ý.
    Cho đến một hôm, có một anh công nhân quê Nam bộ tập kết làm việc ở một nhà máy gì đó bên Hải Phòng, một buổi chiều chắc là nhớ nhà, nhớ quê hương, đi lang thang một mình dọc bờ sông, tình cờ thấy mấy trái dừa nước trôi bập bềnh trên mặt sông.
    Anh nhặt lấy, đêm về chợt nghĩ: ở miền Bắc rất hiếm dừa nước. Mấy trái dừa nước này đúng là dừa Nam bộ rồi. Ai mang nó ra đây? Tại sao lại trôi dạt tận bờ sông này?...
    Mấy hôm sau anh tẩn mẩn mò đi ngược bờ sông và khám phá bãi dừa nước của chúng tôi. Anh lân la tìm gặp anh em chúng tôi, hỏi: ?oCó phải các anh đã vào tận Nam bộ mang giống dừa này ra đây không??.
    Thật là nguy to! Tin tức ấy được báo cáo ngay lên Bộ tư lệnh Hải quân, rồi lên tận trung ương. Đoàn chúng tôi bị chỉnh một trận ra trò, được lệnh phá sạch ngay hết bãi dừa nước nọ và phải tổ chức bí mật theo dõi ráo riết anh công nhân nặng lòng nhớ quê hương kia...
    Cũng may, theo dõi rất lâu không thấy có động tĩnh gì khác, chắc anh công nhân ấy rồi cũng vô tình quên đi chuyện mấy trái dừa nước, hoặc anh là người có ý tứ, đã biết giữ kín sự khám phá và mối nghi ngờ của mình, không tiết lộ thêm với ai khác... Những ngày ấy khắc nghiệt như thế đó, một tình cảm quê hương thật đẹp thế cũng lại rất có thể trở thành nguy hiểm cho cả một sự nghiệp lớn ta từng biết bao công phu xây dựng, gìn giữ...
    Còn một khía cạnh khác nữa cũng rất tế nhị, phức tạp. Ngày ấy tất cả chúng tôi đều còn rất trẻ, hầu hết chưa có gia đình riêng, chuyện yêu đương không thể tránh hết được. Không thể cấm đoán nhưng quả thật mọi mối quen biết của chúng tôi đều bị giám sát rất khắt khe. Chúng tôi biết và hiểu yêu cầu khắc nghiệt của công tác này đòi hỏi phải như vậy.
    Một lần cơ quan bảo vệ báo cáo một thủy thủ trong một chuyến đi phép đã gặp và yêu một chị y tá ở Bệnh viện Việt Trung trên Hà Nội tên là Phúc. Và hình như chị Phúc có biết về công việc của lữ đoàn. Cán bộ bảo vệ đi điều tra, không xác minh được điều gì rõ rệt. Nhưng cậu thủy thủ nọ biết mối lo của đoàn liền lẳng lặng cắt đứt và trốn biệt người yêu.
    Chị Phúc cuống quít bổ đi tìm khắp nơi, đau khổ vì đây là mối tình đầu của chị... Về sau cậu thủy thủ ấy hi sinh, mất tích trên vịnh Thái Lan. Chắc chị Phúc mãi mãi không bao giờ biết gì nữa về người lính thủy đẹp trai đã đến một lần với chị rồi vĩnh viễn biệt tăm ấy...
    Có trăm nghìn câu chuyện như vậy, trăm nghìn hi sinh thầm lặng, vô danh như vậy, ngày ấy.Ngày ấy, đối với mỗi chúng tôi, bí mật của con đường là thiêng liêng, là cao hơn tất cả.
    Phương châm công tác trên biển của chúng tôi là: bí mật, bất ngờ, tránh chạm địch đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ, khi cuối cùng không tránh được thì chiến đấu đến cùng, không để địch lấy tàu, lấy hàng, lấy tài liệu, không để địch bắt sống.
    Về sau có sửa lại: ?oTrong trường hợp bị địch bắt, giữ vững khí tiết của người cộng sản, đấu tranh để tìm mọi cách tiếp tục nhiệm vụ?. Rồi sau lại bổ sung: ?oTrong trường hợp lạc đến các nước Đông Nam Á, bị bắt thì đấu tranh tìm mọi cách gặp sứ quán ta để trở về tiếp tục nhiệm vụ?.
    Như vậy nghĩa là một mặt hết sức kiên trì giữ đến cùng bí mật của con đường, song mặt khác chúng tôi cũng đã nghĩ đến khả năng một ngày nào đó không thể tránh phải chạm địch, đối mặt với chúng. Mật độ hoạt động ngày càng lớn, càng dày, cái ngày ấy càng đến gần.
    Và cuối cùng ngày ấy đã đến thật: ngày 16-2-1965. Ngày hôm đó bùng nổ vụ Vũng Rô.
    Vũng Rô, vùng đất hiểm yếu ấy nằm gần bên thành phố Nha Trang, cũng gần bên Cam Ranh - căn cứ hải quân của Mỹ ngụy. Trước khi xảy ra sự kiện ngày 16-2-1965, bất ngờ và táo bạo, những con tàu không số đã chọn Vũng Rô làm nơi cập bến, chuyển lên bờ hàng trăm tấn súng đạn. Câu chuyện bắt đầu từ giữa năm 1964?
  7. vinhvinh

    vinhvinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/09/2003
    Bài viết:
    957
    Đã được thích:
    2
    Xúc động thật ! Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người anh hùng vô danh , những con tàu ma không số .
    Vài tháng trước tớ có đi xe máy dọc Tây Nguyên , khi về chạy qua Phú Yên cũng tầm 9h tối , bọn tớ chạy vào Vũng Rô , rồi thẳng vào mũi Đại Lãnh cực Đông tổ quốc , một bên là đèo Cả hoang vu ( tối tớ cắm trại ngủ lại vẫn nghe tiếng vượn hót và sán ra là tiếng gà rừng gáy ). Ngồi trên bãi cát , trông ra mặt biển tớ luôn nghĩ : hồi xưa đã có những chuyến hàng từ Hải Phòng chạy vào đây , và họ đã hi sinh âm thầm bí mật. Cái ngọn Hải Đăng hiện nay là mốc toạ độ biển và đánh dấu điểm cực đông thềm lục địa hồi xưa đã là một mốc quan trọng để các chiến sĩ tàu không số xác định toạ độ. Buổi tối hôm đó , tớ một mình bơi ra biển giữa sóng gào (hôm đó có giông) để được thử cảm giác của các chiến sĩ năm nào , rồi khi bơi vào lại men theo một lạch nước ngọt mà hồi xưa có lẽ họ đã múc uống . Sáng hôm sau dậy sớm lên ngọn Hải Đăng ngắm bình minh và tất nhiên là cả một phút mặc niệm cho các chiến sĩ đã hi sinh . Mấy người bạn đi cùng thật tiếc chả hiểu mô tê gì về tuyến đường Hồ Chí Minh và cuộc chiến đấu thầm lặng cả, họ chỉ đơn giản là đi du lịch bụi và ngắm cảnh.
  8. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Vũng Rô - bến đậu trong lòng địch

    Câu chuyện của Nguyễn Long An đưa chúng tôi trở về với một vùng đất hiểm yếu và ác liệt vào bậc nhất trong mấy cuộc chiến tranh đã qua: vùng Vũng Rô.
    Điều bất ngờ ở nơi nguy hiểm nhất
    Con đường thiên lý số 1 và đường xe lửa xuyên Việt Bắc - Nam, đến chặng cuối tỉnh Phú Yên đầu tỉnh Khánh Hòa thì gặp một rặng núi lớn, một cánh tay vạm vỡ của dãy Trường Sơn vươn ra biển Đông, chắn ngang.
    Đường xe lửa phải chui qua một hầm dài. Còn đường thiên lý trên bộ thì quanh co leo lên một ngọn đèo cao ngất, hiểm trở: đèo Cả - một trong những ngọn đèo cao nhất ở nước ta và là ngọn đèo cao cuối cùng trên quốc lộ 1 Bắc - Nam. Bên này là núi lớn, tiếp liền với rừng già, nối lên tận Trường Sơn. Bên kia là biển sâu hoắm.
    Ngay giữa đỉnh đèo nhìn xuống theo hướng đông, thăm thẳm dưới hàng trăm thước sâu là một vịnh biển tuyệt vời: gần như hình tròn, rộng và sâu, ba mặt vách đá dựng đứng, mặt thứ tư nhìn ra biển lại có hai hòn đảo nhỏ như hai tấm bình phong che chắn: một cảng biển tuyệt vời cho những con tàu đại dương hàng vạn tấn... Đó chính là Vũng Rô.
    Không biết ai là người đầu tiên đã táo bạo nghĩ đến việc dùng Vũng Rô làm bến đón các con tàu không số của chúng ta. Thật hết sức mạo hiểm: quá gần một thành phố lớn là Nha Trang, cũng quá gần Cam Ranh là căn cứ hải quân lớn nhất miền Nam của Mỹ ngụy.
    Con đường chiến lược số 1 thì chạy ngay trên đỉnh đèo Cả, chỉ cách vài trăm mét, xe quân sự của địch qua lại suốt ngày đêm như mắc cửi. Lại cũng quá gần khu du kích Hòa Hiệp phía bắc và chiến khu Hòn Hèo, Hòn Khói phía nam, là vùng địch rất chăm chú theo dõi và thường xuyên càn quét đánh phá...
    Nhưng trong chiến tranh thường vẫn vậy: nơi nguy hiểm nhất cũng có thể là nơi bất ngờ. Nghệ thuật chiến tranh, đặc biệt trên con đường biển Đông gian nan này, là biết và dám đi vào kẽ hở bất ngờ ấy, dám mạo hiểm để giành thắng lợi...
    Nguyễn Long An kể:
    - ... Vậy là đến giữa năm 1964, ta quyết định phương án táo bạo ấy: lấy Vũng Rô làm một bến lớn cho Khu 5. Chuyến đầu tiên do anh Hồ Đắc Thạnh, thuyền trưởng hải quân, quê ở Qui Nhơn, chỉ huy. Tàu đi xa ra ngoài biển quốc tế. Đến đúng tọa độ, chờ sẩm tối, đột ngột chuyển hướng, dùng tốc độ cao đâm thẳng vào đúng Vũng Rô, 11 giờ đêm phải đến bến.
    Hòa Hiệp là vùng du kích mạnh của ta. Lực lượng du kích và bộ đội địa phương ta do một đồng chí thường vụ tỉnh ủy - anh Sáu Suyền - chỉ huy nhanh chóng băng qua dãy núi dưới chân hòn Vọng Phu và mỏm Đá Bia, đến chực sẵn ở bến.
    Tàu vừa đến bến, toàn bộ lực lượng được tổ chức rất chặt chẽ, lập tức ùa xuống, bốc dỡ, một bộ phận ngay trong đêm vượt đường số 1 chuyển thẳng lên các dãy núi có rừng rậm ăn liền với căn cứ của ta ở phía tây trên dãy Trường Sơn. Số hàng còn lại không chuyển kịp trong đêm thì cất giấu trong các hang đá gần bến.
    Rừng ở đây thưa, toàn cây gai lúp xúp nhưng lại nhiều hang đá... Tàu dỡ xong hàng tức tốc quay ra ngay, vừa sáng lại đã ra đến vùng biển quốc tế...
    Chuyến đầu thắng lợi, phấn khởi lắm. Đi tiếp chuyến thứ hai, thứ ba, thứ tư...
    Một lần liều lĩnh...
    ... Tôi về lữ đoàn, được phân công làm chiến sĩ cơ điện, tháng 12-1964 đi chuyến đầu tiên, tàu số 43 vào Cà Mau. Lần đầu còn rất lúng túng, nhờ các anh đi trước dìu dắt. Đi về mất một tháng, an toàn.
    Bấy giờ đã gần tết, lại có lệnh chuẩn bị đi tiếp. Từ Đồ Sơn vào Cà Mau. Chuẩn bị sắp xong thì chiều 30 tết bỗng có lệnh điều sang tàu khác, số 401, tập kết ở Hòn Gai, do anh Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, anh Phan Văn Bảng làm chính trị viên, chuẩn bị đổ bộ vào Khu 5, Vũng Rô.
    Đúng đêm mồng 1 Tết Ất Tỵ, tức ngày 2-2-1965, chúng tôi rời bến. Đi vào ngày tết là lúc địch sơ hở. Chuyến này, thấy tình hình địch có vẻ hơi khác thường: ban ngày, cứ 5-6 tiếng một lần lại có một máy bay địch bay dọc theo thân tàu, lúc cao lúc thấp. Đêm, lại thấy tàu thủy địch kèm, chiếc phía trước, chiếc phía sau. Nhưng chúng tôi đi trên vùng biển quốc tế nên cứ bình thản, treo cờ như tàu buôn. Sau này chúng tôi mới biết lúc đó địch đã đánh hơi và nghi ngờ. Chúng đã bắt đầu theo dõi...
    Tối 15-2, chúng tôi đến điểm chuyển hướng... Chạy ra một lúc, anh Thêm khẳng định đã đúng nam Tuy Hòa, cách bờ 40 hải lý. Chúng tôi vào sát bờ, cứ men theo những chấm đèn điện dọc bờ mà đi. Biển ở đây có cái lợi là nước sâu, tàu ta cứ chạy men bờ, chen vào giữa các tàu đánh cá của dân.
    Qua khỏi Tuy Hòa, thấy rõ đỉnh núi Vọng Phu và hòn Đá Bia: đêm ấy là 14 âm lịch, trăng rất sáng. Anh Thêm là thuyền trưởng lão luyện. Vòng qua mỏm Vọng Phu chúng tôi vào sát bờ hơn và lọt vào đúng Vũng Rô. Nhưng do phải chạy vòng vo lúc tối nên đến bến có chậm, đã gần 3g sáng.
    Lập tức bốc dỡ, cất hàng. Nhưng tàu gần 100 tấn. Không tài nào bốc kịp trước trời sáng.
    Xử trí thế nào đây?
    Thường khi gặp tình huống này, an toàn nhất là cất được một phần hàng, còn lại cứ để đấy, đến trước 4g, chậm nhất là 5g sáng, quay tàu chạy ra vùng biển quốc tế, tối sẩm lại quay vào cất nốt.
    Nhưng đêm ấy chúng tôi lại không chọn cách đó: chúng tôi quyết định cứ cất cho hết hàng đến sáng bạch, rồi ngụy trang, giấu tàu ngay tại bến, ở lại bến suốt ngày sau.
    Vì sao lúc bấy giờ chúng tôi lại chọn phương án mạo hiểm ấy?
    Có lẽ vì rất nhiều nguyên nhân. Từ năm 1962, mở đầu con đường này đến nay, chưa chuyến nào bị lộ. Về căn bản, địch chưa hay biết gì.
    Riêng cảng Vũng Rô, mấy chuyến liền đều trót lọt, an toàn.
    Tình hình ấy rõ ràng khiến chúng tôi sinh chủ quan.
    Lúc bấy giờ chúng tôi chưa thể biết được điều này: bọn địch tuy chưa nắm được quả tang việc vận chuyển bí mật trên biển của ta, nhưng dần dà chúng đã chú ý một hiện tượng có phần khác thường: du kích các vùng ven biển Khu 5 ngày càng đánh mạnh, được trang bị một số vũ khí khá hiện đại: súng AK, súng cối cá nhân, đại liên, có khi cả trọng liên 12 li 7, cả súng bắn tăng B40. Đạn thì ê hề.
    Số súng đạn này chính là anh chị em du kích ven biển của ta trong khi vận chuyển lên trên cho bộ đội chủ lực đã ranh ma ?ochôm? bớt một phần. Bọn địch đã có đặt câu hỏi: phải chăng có một con đường đưa vũ khí bí mật từ miền Bắc vào, đổ bộ lên các bến ven biển khu vực này? Chúng đang chăm chú theo dõi...
    Chúng tôi quyết định ở lại bến hôm ấy có lẽ cũng có phần vì các bến miền Nam đối với chúng tôi ngày đó bao giờ cũng có sức hấp dẫn rất mạnh. Tình cảm của anh chị em du kích, cán bộ, đồng bào mà những lần trước chúng tôi chỉ thoáng gặp vài giờ trong đêm, không kịp nhìn mặt, không kịp cả nắm tay, tình cảm đó đối với chúng tôi thắm thiết vô cùng. Một giọng nói miền Nam thì thào trong gió biển đêm. Một khuôn mặt thoáng mờ dưới ánh trăng khuya... Và cả không khí chiến trường ngày ấy có gì đó thật thiêng liêng... Ở lại được một ngày trên mảnh đất cháy bỏng và yêu thương này, giữa những con người này, hạnh phúc biết bao.
    Anh Thêm, anh Bảng và nhiều thủy thủ trong đoàn đều là người quê Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Có người vợ con chỉ ở cách bến năm, mười cây số. Không có chuyện lén về thăm nhà đâu, nhưng được ở lại một ngày, hít thở một chút không khí quê hương đang chiến đấu, ước ao thầm kín mà cháy bỏng đó dễ gì cầm lại được. Một chút liều lĩnh, đã sao...
    Vậy đó. Ban chỉ huy tàu quyết định ở lại. Và chúng tôi đều đồng tình. Tự mình cố dẹp đi mọi lo ngại...
  9. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    Có một bài hát rát "rock" của binh chủng hải quân mà mình nghe từ hồi những năm 80 thế này:
    "... Sóng xóa hết đấu vết, biển vẫn co đường mòn... "
    Thằng em mình có ông già là anh hùng tàu không số. Tàu ổng vào đến Nam Trung bộ thì bị máy bay hải quân Mỹ theo dõi, bám chặt rồi tàu tuần duyên Ngụy tấn công. Cuộc chiến rõ ràng không cân sức, sau một hồi cầm cự, quân ta bị thương, hy sinh gần hết. Ổng già thằng bạn quyết định lợi dụng trời bắt đầu tối ra lệnh cho anh em bỏ tàu (phá hủy tàu) và bơi vào bờ. Vào đến bờ thì còn lại Ổng và 3 người nữa, trong đó có 1 bị thương nhẹ.
    Tất cả trú ẩn trên bờ và tìm cách đi ngược lên Trường sơn để ra Bắc. Buồn cười nhất là mấy cô TNXP, bộ đội binh trạm thấy bộ dạng tiều tụy, rách rưới của các ổng thì coi kinh vì nghĩ bọn này là B quay (một nhóm vài người tụ họp lần theo binh trạm xin ăn ngược ra Bắc). Họ có biết đâu nhiệm vụ của cácổng là tuyệt mật, trong người không hề co một tờ giấy để chứng minh, càng không hề được xưng tên, phiên hiệu đơn vị...
    Sau trận này ổng được đi học LX về tàu chiến, năm 1976 (?) được phong anh hùng, lúc về hưu thì hàm phó đô đốc.
    Ổng tên là Hoa, có thằng con trai cũng có tên con gái (là thằng em tui).
  10. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Bùng nổ sự kiện Vũng Rô

    Chúng tôi dỡ hết hàng thì trời đã sáng bạch. Nhanh chóng chuyển hàng vào các hang đá. Và giấu tàu.
    Mỏm đá lạ trên vách núi
    Vũng Rô ba bề vách đá dựng đứng. Trên những vách sừng sững ấy, thỉnh thoảng có những chòm cây mọc bám vào đá, lơ lửng giữa không trung hay sát mặt nước.
    Chúng tôi cho tàu áp sát vào một vách đá đen gồ ghề và chặt những cành cây lớn phủ kín. Từ trên nhìn xuống chẳng khác gì một mỏm đá hơi nhô ra, có một chòm cây lá mọc từ vách đá che phủ.
    6g sáng...
    Trên đỉnh đèo Cả, ngay từ mũi tàu ta nhìn lên, cách vài trăm mét là một đồn địch lù lù. Nhìn ra phía biển, cách 500m là một đồn địch khác: đồn Mũi Điệng.
    Thật tình lúc này rất lo nhưng lại tự an ủi: càng ở ngay trước mũi chúng càng bất ngờ. Chúng không thể nghĩ ta dám vào tận đây đâu.
    7g sáng, có ba chiếc trực thăng từ phía nam bay ra...
    Trong chiến tranh, những sự kiện vang dội nhất lắm khi lại bắt đầu từ một ngẫu nhiên không đâu. Ngày hôm ấy một ngẫu nhiên như vậy đã xảy đến, mãi về sau này, sau năm 1975 giải phóng miền Nam rồi, qua tài liệu của địch chúng tôi mới biết.
    Ngày 15-2-1965, tức là đúng cái ngày chúng tôi đến điểm chuyển hàng trên vùng biển quốc tế ngang Phú Yên, Khánh Hòa, trên chiến trường Khu 5 đã diễn ra một trận đánh lớn đặc sắc: trung đoàn 2, sư đoàn 3 quân giải phóng Khu 5 chặn đánh tiêu diệt hoàn toàn hai tiểu đoàn địch tại đèo Nhông thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
    Gần chục xe tăng của địch bị bắn cháy tan tành. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 quân ta sử dụng súng chống tăng B41. Số súng này do chính các tàu ta đưa vào Khu 5 trong những chuyến trước.
    Thương binh địch ngổn ngang trên trận địa đèo Nhông. Chúng phải dùng trực thăng chở về các bệnh viện ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Bệnh viện Quy Nhơn cũng chật cứng rồi, chúng lại phải chuyển về Nha Trang.
    Chính trên một chiếc trực thăng UH1B tải thương đó, bay dọc đường số 1 ven biển từ Quy Nhơn về Nha Trang, lúc qua đèo Cả khoảng 12g trưa, viên phi công đã tình cờ nhận thấy ?omột mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô? mà những ngày trước chưa hề thấy. Hắn liền báo về bộ chỉ huy quân đoàn 2 ngụy ở Nha Trang.
    Phải nói công tác tham mưu của bọn này rất chặt chẽ, tỉ mỉ. Ngày nào cũng có hai lượt máy bay trinh sát bay chụp ảnh suốt dọc vùng ven biển. Đối chiếu các không ảnh chụp những ngày trước, chúng thấy quả là ?omỏm đá lạ trên vách núi phía tây Vũng Rô? mới xuất hiện từ sáng nay.
    Bấy giờ là khoảng 1g chiều. Một máy bay trinh sát từ phía Nha Trang ra, quần mấy vòng trên Vũng Rô rồi bắn một quả mù đúng vào chỗ ta giấu tàu. Lập tức hai chiếc khu trục AD6 lao tới, bổ nhào, ném một loạt bom xăng trúng tàu. Tất cả lớp lá ngụy trang của ta bốc cháy rừng rực. Tan khói, toàn bộ hình tàu lộ ra rõ mồn một.
    Từ đó đến sẩm tối, hàng chục tốp khu trục liên tiếp đến ném bom. Tới 5g chiều thì tàu chìm hoàn toàn.
    Cuộc đụng độ không cân sức
    Trước đó, khoảng 4g chiều, tôi được lệnh cùng đồng chí máy trưởng tìm mọi cách xuống tàu để đánh bộc phá. Trong tàu đã đặt sẵn một khối bộc phá 500kg, đảm bảo giật nổ tung tàu, phi tang. Khối bộc phá này bố trí ở khoang máy.
    Chúng tôi vượt qua bom đạn mù mịt, tiếp cận được tàu nhưng không vào được khoang máy. Tàu bị trúng bom nghiêng hẳn về một bên, cửa khoang máy chúi xuống phía đáy vịnh, bị sức ép mạnh của nước, chúng tôi lặn xuống nhiều lần không cách nào mở ra được.
    Tối, máy bay địch lại đến thả pháo sáng. Mặc pháo sáng, chúng tôi trở lại tàu, lặn xuống, cố lấy hết số súng đạn còn lại trong tàu.
    Mờ sáng hôm sau địch lại đến ném bom.
    Tối 17-2, quân khu phái xuống một tiểu đội công binh, dùng 1 tấn bộc phá quyết phá tan tàu, thủ tiêu tung tích. Nhưng giật nổ bộc phá xong, chúng tôi trở lại xem thấy tàu chỉ vỡ đôi.
    Chiều 17-2 có hiện tượng mới: một chiếc tàu LSM405 của địch có hai tàu chiến PC04 và DCE2 yểm trợ từ phía biển tiến vào, đồng thời trực thăng đổ hai tiểu đoàn bộ binh chiếm các đỉnh cao quanh vịnh. Chúng dùng bộ binh từ các điểm cao đánh xuống, kết hợp tàu thủy đổ bộ, cả máy bay liên tục ném bom yểm hộ. Về sau này chúng tôi mới biết thêm: một tên tướng ngụy từ Sài Gòn bay ra trực tiếp chỉ huy trận này.
    Lực lượng ta lúc này chỉ có một trung đội du kích Hòa Hiệp, hai tiểu đội bộ đội địa phương huyện và 18 thủy thủ, trong đó thuyền trưởng Thêm đã bị thương. Chúng tôi chia nhau đánh chặn không cho địch đến gần chỗ tàu và các hang đá còn giấu một số hàng từ các chuyến trước chở vào chưa kịp chuyển đi hết.
    Suốt các ngày 17, 18 và 19 địch cố đổ bộ lên bờ mấy lần đều bị ta đánh bật lại. Đến chiều 19, một đại đội địch mới đặt chân được lên bờ. Ta vẫn tiếp tục bám đánh, ngày từng tổ đánh chặn, đêm tập kích bọn địch trú quân trên các đồi trọc. Cứ như vậy suốt các ngày 20, 21, 22 và 23.
    Sáng 24, địch lại đổ thêm quân, triển khai từ đường số 1 và các điểm cao phía nam, phía bắc đánh xuống, siết vòng vây chúng tôi lại.
    Nhận định lực lượng đã quá chênh lệch, đêm 24 chúng tôi dùng mìn phá nổ hết các hang đá chứa hàng và tổ chức thoát khỏi vòng vây.
    Giai đoạn mới sau Vũng Rô
    Anh Trần Phong, nguyên tham mưu trưởng Lữ đoàn 125, nói với chúng tôi:
    - Vụ Vũng Rô là sự kiện lớn trong lịch sử con đường biển Đông. Nó chấm dứt một giai đoạn hoàn toàn bí mật của con đường này. Nhưng đương nhiên nó không kết thúc con đường, không dập tắt được quyết tâm lớn của chúng ta dùng biển Đông làm con đường quan trọng vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam đang ngày càng đánh lớn hơn. Nó chỉ mở ra một giai đoạn mới của quyết tâm đó. Gian nan hơn, ác liệt hơn, mặt đối mặt thi gan với kẻ thù trên mặt biển mênh mông.
    Chúng tôi ráo riết theo dõi động tĩnh của địch.
    Tháng 4-1965, tức chỉ gần hai tháng sau vụ Vũng Rô, chúng đã bắt đầu triển khai một chiến dịch mang tên Market time, phân công rõ ràng: hải quân ngụy tuần tiễu ven bờ, hải quân Mỹ, tức một bộ phận quan trọng hạm đội 7, ngăn chặn ngoài khơi. Một lực lượng đặc nhiệm của quân đội ngụy được tổ chức lấy tên là lực lượng 115, gồm bảy tàu khu trục hộ vệ, hai tàu quét mìn, hai tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn, năm máy bay trinh sát.
    Hải quân Mỹ thì đưa vào công việc này 54 tàu hiện đại. Đến tháng 9-1965, chúng lại tăng thêm năm tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu tuần tiễu trên sông, chín tàu tuần tiễu ven bờ. Toàn bộ vùng ven biển miền Nam được tổ chức lại thành chín khu vực chiến đấu và năm trung tâm giám sát lớn...
    Còn ta? Ta tạm dừng một thời gian để rút kinh nghiệm; ráo riết tổ chức, huấn luyện lại lực lượng; tăng thêm 12 tàu cao tốc. Cần có tàu cao tốc là vì chiến thuật thay đổi: tàu đi đến những vùng biển rất xa, đánh lạc hướng địch, rồi bất ngờ dùng tốc độ rất cao lao thẳng vào bờ, thời gian tàu đi trên vùng biển thuộc miền Nam do địch kiểm soát sẽ rất ngắn, vào bờ cất hàng xong, lại dùng tốc độ cao vượt qua thật nhanh vùng biển địch kiểm soát, lao ra vùng biển quốc tế an toàn.
    Đó chính là để hạn chế khả năng chạm địch, buộc phải đánh địch trên biển hết sức bất lợi. Hạn chế chứ không loại trừ hoàn toàn được. Bởi Mỹ dùng máy bay trinh sát ngày đêm kiểm soát vùng trời rất rộng, tàu ta rời bến miền Bắc là nó có thể phát hiện được rồi và sẽ theo dõi ta suốt hành trình dài, chờ khi ta vào hải phận miền Nam là vây đánh...
    Nghĩa là sau Vũng Rô, tiếp tục đi trên con đường biển Đông sẽ là một trò chơi ú tim lớn, ta hết sức cố gắng lừa địch, tránh địch, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận đánh địch trên biển khi không còn khả năng nào khác.
    Tháng 10-1965, tiếp tục mở lại con đường.
    Một thời kỳ mới của con đường biển Đông đã bắt đầu...
    Trò chơi ú tim trên biển Đông ngày càng quyết liệt. Từ 1966-1972, hầu như không chuyến đi nào của tàu không số là hoàn toàn yên ổn, trót lọt...
    Nhưng cuộc chiến đấu thì không dừng lại. Vũng Rô hiểm yếu bị phát hiện thì những bãi cát dài trống trải ven biển miền Trung lại được tìm làm bến đậu. Mấy mươi năm sau, nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm về một bến đậu như vậy ở tỉnh Quảng Ngãi. Cũng từ đây ông nghe thấy không chỉ tiếng gầm của súng đạn...

Chia sẻ trang này