1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi quydede, 03/07/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Một câu chuyện tình

    Ngày 8-3-1965, tức là chưa đầy một tháng sau vụ Vũng Rô, sư đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng phía bắc tỉnh Quảng Nam, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam.
    Ít lâu sau, một sư đoàn thứ hai đổ tiếp vào Chu Lai phía nam tỉnh Quảng Nam. Rồi sư đoàn không vận số 1 nổi tiếng của Mỹ đổ vào Bình Định. Rồi các sư đoàn, lữ đoàn Nam Triều Tiên khét tiếng gian ác tràn vào suốt dọc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
    Chiến trường Khu 5 trở thành một trong những chiến trường ác liệt nhất của toàn bộ cuộc chiến tranh. Khu 5 khao khát đòi súng. Nhưng vận chuyển đường biển bí mật cho Khu 5 cũng là khó khăn nhất, thậm chí có thể nói là mối lo trăn trở nhất của những người chỉ huy, và là nỗi lo sợ ngay ngáy của những cán bộ thủy thủ được giao nhiệm vụ đi làm công việc mạo hiểm này.
    Vậy tiếp tế cho Khu 5 bằng cách nào? Chỉ còn một cách: vào bãi ngang.
    Bãi ngang tức là những bãi cát dài ven biển dọc suốt miền Trung. Vô cùng trống trải, nhưng vì rất dài, hàng mấy trăm cây số, chỗ nào cũng phẳng lì tăm tắp, nên địch cũng chẳng biết tập trung vào chỗ nào mà đề phòng, ngăn chặn. Chúng ta chơi trò ú tim với địch trên suốt mấy trăm cây số bãi ngang này vậy!
    Chúng tôi lần tìm về một bãi ngang như vậy: bãi ngang Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
    Một bà cụ ở Phổ An bảo chúng tôi:
    - Có, có một lần tàu mình vào đây, tại bãi ngang này. Anh em mình phá tàu và đánh nhau với tụi ngụy. Rồi bà con bọn tui nuôi giấu mấy ngày liền, trước khi bắt được liên lạc đưa anh em lên núi... Tui còn nhớ một anh chỉ huy người Nam bộ tên là Tư Thắng... Không biết bây giờ còn sống không?...
    Tư Thắng còn sống. Ở Lữ đoàn 125 chúng tôi đã tìm hỏi được địa chỉ của anh: Tư Thắng, tức Nguyễn Đức Thắng, hiện ở Trà Nóc, Cần Thơ. Cả chị Sáu Thùy nữa, vợ anh. Câu chuyện tình yêu của họ cũng từng nổi tiếng một thời trong các đơn vị của con đường bí mật biển Đông.
    Cú sét đánh
    Tháng 9-1963 tôi (Tư Thắng) đi chuyến đầu tiên, làm thuyền phó, thuyền trưởng là anh Châu người Khu 5, vào bến Kiến Vàng, Cà Mau. Chuyến thứ hai đi tàu sắt, cũng vào Kiến Vàng. Chuyến thứ ba định đi bến Khâu Băng, Bến Tre nhưng bị lệch hướng, cuối cùng vào bến Trà Vinh, cũng trót lọt. Chuyến thứ tư đi tàu số 43, lại vào Kiến Vàng...
    Anh Tư Thắng liếc nhìn chị Thùy, hơi cười, còn chị Sáu Thùy thì lườm anh. Rồi chị ý tứ đứng dậy bỏ đi đâu đó.
    - Chính chuyến này mới sinh sự đây các anh ạ. Không biết sao mà lần này chúng tôi gặp bão nhiều thế. Trên đường vào sáu trận bão liên tiếp. Nhưng rồi cũng vào tới nơi trót lọt. Ngày ấy đi trên biển gian nan, vất vả, hiểm nguy, nhưng người thủy thủ đã vô đến bến thì sướng như tiên. Đến bến, chúng tôi được coi như những anh hùng, như con cưng.
    Bấy giờ ở bến có một số chị em cấp dưỡng, y tá, trong đó có Sáu Thùy, tức là nhà tôi bây giờ đây. Tôi để ý thấy Sáu Thùy chăm sóc tôi có phần nhiều hơn những anh em khác, cách thức chăm sóc, ánh mắt cũng khác, lời ăn tiếng nói cũng khác.
    Con gái miền Tây rất lạ các anh ạ, không biết các anh có nhận xét thấy không, rất mộc mạc, thùy mị, nhưng cũng ráo riết, dữ dội. Hay là chiến tranh khiến con người như vậy, tôi cũng không hiểu hết được. Sự bất trắc, cái chết gần kề khiến mọi sự bỗng trở nên đau đớn hơn, mong manh hơn mà cũng lại da diết, quyết liệt hơn chăng? Ngay từ lần gặp mặt thứ hai, tức là bữa cơm thứ hai ở bến, tôi đã thấy cô ấy gần như muốn bộc lộ tất cả với tôi, không cần che giấu gì nữa...
    Còn tôi, tôi nghe nhà văn các anh bảo có cái gọi là ?ocú sét đánh?. Tôi đã bị một cú sét đánh như vậy. Tôi yêu từ đầu nhưng cố kìm mình lại bằng cách bông đùa. Tôi nghĩ tôi đã đi vào cuộc chiến đấu này là cuộc chiến đấu cảm tử rồi, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, đem cột cuộc đời người ta vào mình làm gì, càng yêu thương người ta bao nhiêu thì càng phải cắn răng lại mà rứt ra bấy nhiêu... Nói thế chứ không dễ đâu.
    Năm ấy, 1964, tôi 30, Sáu Thùy 20, tính thật đúng ra là mới 19, con gái miền Tây sông nước, 19, nói thật các anh, ngon lành hừng hực. Tôi cố tự nén mình bằng cách nằm lì dưới tàu, đến giờ ăn cũng không lên. Nhưng như thế càng nguy vì cô ấy cho là tôi ốm, lại mang cơm nước thuốc men xuống tàu, và ở đấy chỉ có hai chúng tôi... Nhùng nhằng như vậy cho đến ngày tàu quyết định rời bến ra Bắc.
    Tôi nghĩ, vừa mừng vừa đau đớn: Thôi, như vậy là thoát, như vậy là hết! Ngày hôm đó mọi công việc đã chuẩn bị xong, công việc cuối cùng là ngụy trang tàu cũng đã làm xong thì 6 giờ tối, mở đài Hà Nội bỗng nghe tin bão khẩn cấp. Thế là đành ở lại. Một tuần. Rồi lại bão nữa. Rồi tiếp bão nữa. Không biết sao năm đó bão nhiều thế. Hay là cái số chúng tôi nó vậy?... Tàu phải nằm lại bến suốt một tháng. Và kéo dài một tháng trời thì sự chống chọi trong tôi đuối dần, không còn sức nữa.
    Sáu Thùy cũng vậy. Con gái miền Tây ghê gớm, đánh giặc dữ dằn mà yêu thương cũng dữ dội. Chúng tôi đã đến với nhau không cưỡng lại nổi. Thực tế đã nên vợ nên chồng. Tôi cũng không biết nếu không phải là trong chiến tranh, trong hoàn cảnh khác yên ổn, hòa bình, thì chúng tôi có thế không? Cũng có khi chính là cuộc chiến đấu sinh tử, đầy bất trắc mất còn đã làm cho tình yêu càng mãnh liệt cũng nên...
    Hết bão, tôi trở ra Bắc, mang theo lý lịch của Sáu Thùy để báo cáo đơn vị xin cho chúng tôi chính thức xây dựng với nhau. Ngày ấy đối với chúng tôi là phải như thế. Chúng tôi là một đơn vị đặc biệt, những người lính đặc biệt, phải được quản lý đặc biệt. Mọi ngóc ngách trong đời sống riêng tư đều phải được đoàn thể kiểm soát chặt chẽ. Tôi mang lý lịch Sáu Thùy ra báo cáo, tổ chức đồng ý ngay.
    Biển Đông cách biệt
    Tưởng mọi việc êm xuôi, nhưng rồi hết trục trặc này đến trục trặc khác, lần nào cũng gần đến phút cuối cùng mới nảy ra trục trặc, tôi lỡ hết chuyến này tới chuyến khác, không còn có dịp nào trở lại Kiến Vàng, Cà Mau nữa. Rồi vụ Vũng Rô, rồi bãi ngang ác nghiệt Khu 5... Thỉnh thoảng có chuyến tàu khác vào Kiến Vàng hay có tàu từ Kiến Vàng ra Bắc, chúng tôi vẫn thư từ cho nhau.
    Thư từ thống thiết nhưng cách biệt cả một biển Đông sóng gió! Anh em thủy thủ bọn tôi nhiều thằng nghịch như quỉ sứ, có lần tàu từ Kiến Vàng ra, Sáu Thùy gửi cho tôi thư kèm một gói quà, dọc đường bọn quỷ sứ nắn xem thử, thấy mềm mềm, chúng nó giở ra coi thử. Thì thấy... bà ấy gửi ra cho tôi... mấy cái đồ lót phụ nữ kín đáo nhất của mình!... Phụ nữ miền Tây, các anh coi, có ghê gớm không! Đã yêu thì như đám cháy lớn, muốn đốt cháy hết cả biển Đông không chơi...
    Khoảng cuối năm 1967 đầu 1968, bẵng đi một thời gian khá dài địch đánh phá căng thẳng, tàu ta không vào được bến Kiến Vàng. Thư từ giữa hai chúng tôi cũng đứt đoạn. Sáu Thùy nóng ruột như điên như dại. Cô ấy nảy ra một ý định ghê gớm: đi tìm tôi.
    Các anh nghĩ coi: đang giữa cuộc chiến tranh mênh mông, chiến trường miền Nam đang lúc ác liệt nhất, miền Bắc lúc này cũng đang thời kỳ chiến tranh phá hoại, bom đạn mịt mù, vậy mà một người đàn bà, một người con gái ở tận cuối mũi Cà Mau, ở nơi chót vót tận cùng đất nước, một mình lên đường, thân gái dặm trường, băng qua tất cả, khói lửa, đạn bom, cái chết, dư luận, cả ?okỷ luật? nữa, không cần gì hết, quyết đi tìm một người đàn ông, một người con trai ở đâu đó tít tận đầu kia đất nước cũng đang cháy lửa chiến tranh.
    Một cuộc đi vô cùng liều lĩnh, vô cùng phiêu lưu, hầu như chẳng có chút lôgic nào cả. Nếu có thì chỉ có một thứ lôgic: lôgic kỳ lạ của tình yêu... Không biết các anh nghĩ thế nào, chứ riêng tôi thì tôi vẫn nghĩ có khi chính vì có những cái lôgic kỳ lạ như vậy mà chúng ta đã đi qua được cuộc chiến tranh chống Mỹ khủng khiếp đấy...
    Chị Sáu Thùy lại đã lặng lẽ trở lại ngồi bên cạnh chúng tôi từ bao giờ, im lặng, trầm tĩnh nghe câu chuyện huyền thoại về chính mình, về tình yêu của mình, do chồng đang kể lại. Trầm tĩnh, bình lặng, như là đang nghe kể về một ai đó khác, về một huyền thoại nào đó khác. Huyền thoại về tình yêu của người con gái VN trong chiến tranh.
    Chúng tôi trân trọng quay lại nhìn khuôn mặt chị: khuôn mặt một người phụ nữ miền Tây Nam bộ, đã luống tuổi nhưng vẫn còn giữ nét duyên dáng đậm đà của con gái miền Tây, một khuôn mặt hầu như chẳng có gì đặc biệt, khác biệt, như trăm ngàn khuôn mặt các cô gái miền sông nước ta vẫn gặp hằng ngày ở đây, phúc hậu, hiền lành, đằm thắm, thậm chí có cả một chút cam chịu nữa, duy chỉ có ở đuôi mắt, nhìn kỹ lắm mới nhận ra, một nét rắn rỏi và đắm đuối kín đáo và da diết...
    Anh Tư Thắng:
    - Các anh tính có ghê không: cuối 1967 bả quyết lên đường đi tìm tôi. Đi tìm ở đâu?... Đi ra Bắc!...
    Hàng năm ròng đi tìm anh, chị Sáu Thùy chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, cứ từng chặng một, để lần tìm ra Bắc. Cho đến tháng 2-1968, một tin cơ mật lộ ra: một con tàu không số vào gần bến Cà Mau thì bị nổ tung, tất cả đều hi sinh. Đinh ninh có anh trong chuyến đi ấy, chị Sáu Thùy lên gặp cấp ủy, đầu bịt khăn trắng xin được để tang chồng?
    Nhưng lúc này tàu của anh Tư Thắng liên tục chạm địch khi đi vào bãi ngang Khu 5. Năm 1967 phải đánh giáp lá cà trên biển, năm 1968 bị địch chặn đánh bằng cả tàu chiến, trực thăng và xe tăng... Mãi đến đầu năm 1972, phương thức vận chuyển mới đã đưa đến một bất ngờ?
  2. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Cuộc chiến đấu đưa họ lại gần nhau

    Vẫn ở cái hiên ấy của nhà anh Tư Thắng. Vẫn giọng nói hiền lành, đều đều của anh:
    - ... Đúng là sau tám năm dài chúng tôi mới tìm được nhau. Nói là ?ochúng tôi tìm lại nhau? thì cũng được. Nhưng có lẽ đúng hơn phải nói: chính sự diễn biến kỳ lạ trên con đường biển Đông đã đưa chúng tôi lại đến với nhau.
    Số là thế này... Sau chuyến đi bãi ngang Đức Phổ, Quảng Ngãi thả hàng đánh nhau phá tàu, lội ngược Trường Sơn trở ra Bắc, tôi còn tiếp tục đi một số chuyến nữa, về Khu 5 và Nam bộ. Nhưng các anh biết đấy, ngày càng khó khăn.
    Cho đến nỗi chúng tôi thường lựa chính những lúc có sóng to bão lớn trên biển Đông mà đi, những lúc đó địch mới sơ hở. Tàu ta do xưởng 3 Hải Phòng đóng là tàu cỡ chịu sóng cấp 5, vậy mà có lần chúng tôi đi cấp 12. Tàu vượt sóng, khắp thân tàu kêu răng rắc, có lần sập cả hầm hàng xuống... Quyết tâm đến vậy đó, nhưng thực tế vẫn ngày càng bế tắc...
    Tôi nhớ đâu đến khoảng đầu năm 1970 thì một số anh em chúng tôi nghe phong thanh trong Nam, phía cuối Cà Mau, ngoài đơn vị 962 tức là hệ thống bến do anh Bông Văn Dĩa phụ trách, đã có bộ phận tách ra thành lập một đơn vị khác, lấy tên là 371 do anh Tư Mau phụ trách...
    Tàu không số ?ora công khai?
    Đầu năm 1972, tôi bỗng bất ngờ nhận được lệnh điều về chỗ anh Tư Mau. Bấy giờ là ở Đá Bạc, Quảng Ninh. Anh Tư Mau phổ biến nhiệm vụ: đoàn 371 tiếp tục công cuộc vận chuyển vũ khí trên biển Đông nhưng bằng một phương thức hoàn toàn khác, trước nay chưa bao giờ dùng: phương thức hoạt động hợp pháp.
    Tức là tất cả chúng tôi sẽ ?ora công khai?, sống công khai giữa xã hội miền Nam, trong vùng địch, với giấy tờ giả, tất nhiên, và sẽ chở vũ khí từ Bắc vào Nam trên những chiếc tàu cũng chạy công khai, với sổ sách, hồ sơ giả!
    Những anh em chúng tôi được chọn về đây đều quê Nam bộ, phần lớn rút từ miền Nam ra Bắc để tham gia công tác ở lữ 125 từ đầu những năm 1960, cũng có đôi người như tôi là dân tập kết. Nhưng dẫu là tập kết hay rút ra hồi 60 thì chúng tôi đều đã có một thời gian khá dài sống ở miền Bắc, lại ở bộ đội, quen một lối sống hoàn toàn xa và khác với lối sống trong vùng địch chiếm, trong xã hội miền Nam.
    Không ai trong chúng tôi từng có kinh nghiệm hoạt động hợp pháp bí mật trong lòng địch. Từ tác phong, cách đi đứng, cư xử, xưng hô, ăn nói, chào hỏi, cả đến chơi bời nữa..., tất cả đều sẽ phải thay đổi, phải học lại hết.
    Chúng tôi sẽ dùng những tàu đánh cá hoàn toàn giống như tàu đánh cá của đồng bào miền Nam lúc bấy giờ, loại nhỏ, tối đa là 50 tấn, trang bị hoàn toàn như tàu đánh cá thật, chỉ có một chỗ khác: đáy tàu có hai lớp, giữa hai lớp ấy chèn đầy súng đạn của hậu phương lớn miền Bắc gửi cho chiến trường miền Nam.
    Tháng 7-1972 anh Bảy Cứng đi thử chuyến đầu tiên. Trên hải phận miền Bắc, đi ban đêm để tránh máy bay địch phát hiện nghi ngờ. Vào hải phận miền Nam thì phải ra vẻ thật thong dong đúng y như tàu đánh cá bình thường của dân. Đợi đến đêm, bất ngờ đâm vào bến Đầm Cùng. Thành công!
    Tôi đi tiếp chuyến thứ hai, có Tư Kỷ làm máy trưởng, Hai Hoàng, Tám Ca và sáu anh em nữa. Chúng tôi xuất phát từ Đá Bạc, vòng qua cảng Dinh Cơ thuộc đảo Hải Nam, Trung Quốc. Lúc này B52 đang đánh Hải Phòng ráo riết nên ta phải xuống hàng ở Hải Nam. 1 giờ sáng thì gặp anh Tư Mau. Chiếc anh Tư Mau đi trước, tôi theo sau, cách chỉ năm ba trăm mét.
    Gần tới Vũng Tàu thì gặp một tàu lớn của địch bám theo. Anh Tư Mau chủ động vòng tàu lại, gặp nó, trình giấy tờ đầy đủ. Nó không bắt, nhưng cũng không cho đi, bảo cứ chờ đấy đã. Anh Tư bảo chúng tôi: phải rất bình tĩnh. Nó chưa cho đi, ta cứ dừng lại thả lưới, coi như không có chuyện gì. Đêm, chúng tôi cho tàu ngủ lại.
    Sáng, thấy tàu địch đã hơi lảng ra xa, chúng tôi làm ra vẻ thả một mẻ lưới. Tàu địch vẫn bám theo, mãi đến ngang Sài Gòn, nó mới chịu bỏ. Chúng tôi tiếp tục chạy đến ngang Trà Vinh, lại gặp một chiếc FCM của địch chặn lại xét hỏi. Anh Tư kẹp một xấp tiền vào cuốn sổ tàu đưa cho nó. Nó gật gù, trả lại cuốn sổ tàu và cho đi. Chúng tôi về tới sông Ông Đốc. Đây là một bến cá lớn, tàu thuyền của đồng bào và cả tàu địch rất nhiều. Chúng tôi cứ tự nhiên vào thả neo.
    6 giờ tối chúng tôi nhổ neo, chạy về Đầm Cùng (căn cứ của 371). Chúng tôi cùng anh em bến bốc hàng, từ 8 giờ tối đến 3 giờ sáng, tất cả được 30 tấn. Cũng chính tại đây, Đầm Cùng, tôi đã gặp lại nhà tôi, Sáu Thùy. Cũng là nhờ anh Tư Mau cả đấy. Con người ấy tình nghĩa vô cùng...
    Hạnh phúc ở Đầm Cùng
    ...Phương thức hoạt động của đoàn 371 như vậy là một phương thức rất đặc biệt, cho nên tổ chức phải rất chặt chẽ. Nguyên tắc là giữa 125, 962 và 371 phải cách biệt, không được biết đến nhau. Các bến cũng phải chia ra, bến của 962 riêng, bến của 371 riêng, tuyệt đối không dính dáng đến nhau về tổ chức, không được dùng chung bến.
    Tôi về 371, mọi liên quan đến 962 cũng đều phải cắt hết. Còn Sáu Thùy thì éo le vậy, lại ở 962.
    Khi tôi về Đầm Cùng, tức là miệt rừng U Minh Thượng phía tây mũi Cà Mau thì cô ấy lại đang ở bến Rạch Gốc chỗ anh Hai Dĩa, tức miệt rừng U Minh Hạ bên phía đông mũi Cà Mau. Mà không hề biết tin nhau...
    Nhưng có một người biết: đó là anh Tư Mau. Chỉ có anh Tư Mau mới được quyền đôi khi qua lại quan hệ công tác với chỗ anh Hai Dĩa. Anh Tư đã gặp Sáu Thùy ở đấy.
    Một hôm, tôi vừa đi một chuyến chở hàng về thì anh Tư gọi lên. Anh hỏi:
    - Tao hỏi thật chuyện này nhé, mày với Sáu Thùy bây giờ thế nào? Còn gắn bó với nó không? Hay mất liên lạc từ đó đến giờ, tám năm rồi, đã gặp cô nào khác ngoài Hà Nội hay Hải Phòng?...
    Tôi nói thật với anh Tư rằng quả thật tôi chẳng còn mấy hi vọng gặp lại Sáu Thùy nữa. Thời gian xa cách, quả có lúc gặp người này người khác ở ngoài Bắc, cũng toàn là những người tốt cả, có lúc tôi đã có ý định hay là gửi gắm cuộc đời mình ở đâu đó... Nhưng rồi không được, không sao được. Biết chuyện gặp lại Sáu Thùy gần như vô vọng, bây giờ làm nhiệm vụ đặc biệt kiểu này càng vô vọng hơn, nhưng quên thì dẫu cố lắm vẫn không quên nổi...
    Anh Tư cười:
    - Hay là tao điều nó về đây, muốn không?
    - Nhưng cô ấy bây giờ ở đâu?
    - Bên chỗ anh Hai Dĩa...
    Anh Tư Mau đích thân sang bàn với anh Hai Dĩa. Sáu Thùy được lệnh rời 962 đi nhận công tác khác. Lúc đầu Sáu Thùy không chịu đi. Vì cô nghĩ chỉ có ở chỗ 962 may ra mới còn có ngày gặp lại tôi. Anh Hai Dĩa phải làm dữ lắm, cuối cùng cô ấy mới chịu. Chịu mà buồn lắm.
    Anh Tư Mau về báo lại với tôi. Tôi mừng quá. Và ngóng chờ.
    Cho đến một bữa, tháng 9-1972, khoảng 4 giờ chiều, tôi đang ở trong đồng thì có liên lạc chạy vô báo có cô Sáu Thùy đến tìm. Tôi vội chèo xuồng ra. Thì thấy cô ấy đang đứng trong lùm chuối chỗ anh Tư Mau nhìn ra. Anh Tư Mau không hề nói trước với cô ấy tôi ở đây, đến đây sẽ gặp tôi. Tôi vứt mái chèo, nhảy phóc lên bờ, chạy lên. Nhưng tôi chợt dừng lại. Tám năm. Tôi đã già đi nhiều. Đen cháy. Râu ria xồm xoàm. Liệu cô ấy có còn nhận ra?
    ... Nhưng mà cô ấy nhận ra ngay.
    Con gái miền Tây ghê gớm lắm nghe các anh, dám ôm hôn bừa vậy giữa đồng trống, người ta đầy bốn chung quanh...
    Đêm đó chúng tôi ở với nhau. Hai ngày sau anh Tư Mau và anh Năm Rẫy bấy giờ là chỉ huy phó tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Đoàn 962 gửi cho 1.000 đồng tiền ngụy. Bên này các anh cho 1.500 đồng.
    Các anh bố trí cho vợ chồng chúng tôi một căn nhà hạnh phúc. Đó là căn lều của bộ phận cơ yếu, trong một lùm chuối. Chúng tôi sống với nhau được 15 ngày. Rồi tôi đưa Thùy về cơ quan của cô ấy tức bộ phận y tế ở hố Rạch Già. Còn tôi thì trở về bến của tôi ở hố ***g Đèn.
    Thỉnh thoảng một, hai tuần Thùy lại xin phép sang thăm tôi, một mình chèo xuồng, gặp nước xuôi phải chèo từ sáng sớm, chiều mới đến nơi. Gặp nước ngược thì nửa đêm mới đến. Mà có ở với nhau được nhiều đâu, một đêm, nửa đêm. Rồi cô ấy lại một mình chèo về. Mà biệt kích lội rừng thì nhan nhản. Mỗi lần tiễn cô ấy ra về, tôi lại thấp thỏm suốt ngày, chỉ sợ bất thần nghe một loạt súng nổ ở đâu đó, trên các kênh rạch chằng chịt trong rừng...
    Ít lâu sau cô ấy có thai. Và chúng tôi có đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Nam. Hôm cô ấy sinh, tôi băng rừng đi thăm, rồi lại lội bộ băng rừng suốt ba tiếng đồng hồ trở về để kịp đi một chuyến công tác khẩn.
    Trong câu chuyện của mình, anh Tư Thắng nhắc đến nhiều người, nhiều hi sinh thầm lặng mà không kể ra thì anh không thể yên lòng. Như câu chuyện về cô bác sĩ trẻ ấy. Anh Thắng chỉ biết chị tên là Thùy Trâm người Hà Nội, chị chỉ huy bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, chị giấu đi một nỗi đau riêng và trụ bám ?ogan lì đến kỳ lạ, kỳ quặc suốt chục năm trời trên vùng đất hẹp bị đánh nát như băm ấy?, cho đến ngày chị hi sinh...
    Có cố gắng đến mấy thì mãi mãi vẫn còn những người anh hùng vô danh thôi! Người trong cuộc chiến đấu ngày ấy còn nói vậy thì người hôm nay biết tìm họ ở đâu?
    Cuộc sống đã quên và đang tiếp tục lãng quên... Bởi thế câu chuyện về một hòn đảo mang tên một người anh hùng là một câu chuyện hiếm hoi lạ lùng... Anh Tư Thắng bảo, bây giờ may ra chỉ còn một người sống sót để kể lại.
  3. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Sự tích đảo Phan Vinh
    Vẫn là mặt biển xanh mênh mông, phẳng lì ấy. Nhìn kỹ lắm, mãi mới nhận ra, trên sợi chỉ tít tắp chân trời, một vệt nhỏ nhô lên khỏi mặt nước mong manh như một vệt móng tay.
    Chong mắt nhìn thật kỹ nữa, hóa ra cái vệt móng tay mong manh trên đường chân trời ấy là một hòn đảo. Một hòn đảo san hô, nhỏ xíu giữa đại dương mênh mông, một hòn đảo đang hình thành, chưa hình thành xong, lúc triều lên thì biến mất dưới mặt nước, lúc triều thấp lại nhô lên... Một chút Tổ quốc ở nơi xa xôi. Một đảo nhỏ, trong số những đảo nhỏ nhất của quần đảo Trường Sa.
    Hòn đảo bé tẹo ấy có tên là đảo Phan Vinh. Trên tấm hải đồ lưu giữ ở phòng tham mưu lữ đoàn hải quân 125 có ghi tên đảo ấy.
    Trong số hàng nghìn, hay bao nhiêu nghìn hòn đảo lớn nhỏ ở nước ta, có lẽ đây là hòn đảo duy nhất mang tên họ một con người. Theo chỗ chúng tôi dò tìm, hỏi han kỹ nhiều nơi, không có một quyết định nào của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt tên như vậy cho hòn đảo này cả.
    Thì ra trong đời sống hiện đại của chúng ta, các truyền thuyết vẫn tiếp tục ra đời và tồn tại. Và cũng như tự ngàn xưa, truyền thuyết là do nhân dân vô danh sáng tạo ra. Các truyền thuyết bao giờ cũng khuyết danh. Tên Phan Vinh được đặt cho hòn đảo nhỏ trong dải Trường Sa phảng phất một không khí truyền thuyết.
    Tác giả của nó là những người lính bí mật trên con đường biển Đông. Một người nào đó, trên một chuyến đi biển xa nào đó, có thể là một chuyến đi bến Rạch Gốc, Kiến Vàng, Sông Đốc, Gành Hào Cà Mau, nhưng lại phải đi vòng vo đến tận sát Philippines, Sumatra, Singapore, Malaysia... đã ghé qua hòn đảo nhỏ chơ vơ hoang vắng này. Và nhớ bạn, anh lấy tên người bạn đã hi sinh mà gọi thành tên đảo...
    Rồi người ta truyền nhau, người này truyền người kia, và cái cách gọi tình cờ nhưng sâu lắng của người lính biển nọ cứ đi vào lòng người, in sâu ở đấy, ngày càng sâu, không gì xóa đi được nữa.
    Nhưng trong số những chiến sĩ biển Đông đã hi sinh trong cuộc chiến đấu bí mật trên con đường mòn kỳ lạ này thời chống Mỹ, còn có hàng trăm người khác mà có lẽ sự nghiệp và hành vi anh hùng chẳng hề thua kém, sao chỉ có tên một người đã trở thành tên một hòn đảo của Tổ quốc? Hẳn con người này phải có điều gì để được đọng lại sâu hơn cả, đậm hơn cả, sắc hơn cả trong tâm trí mọi người...
    Người hôm nay còn có thể nói với chúng ta về Phan Vinh - theo lời chỉ dẫn của anh Tư Thắng - là Nguyễn Long An, chúng tôi đã tìm gặp được anh ở Hải Phòng...
    Nguyễn Long An kể:
    Một chân dung phác thảo
    Đúng như các anh nói, ở đơn vị chúng tôi trong cuộc chiến đấu biển Đông thời ấy không thiếu gì những người anh hùng. Nhưng nếu được phép chỉ chọn một người mà tất cả chúng tôi cảm phục nhất, tôn trọng nhất, lại yêu quí gần gũi nhất thì tôi chắc ai cũng sẽ chọn anh Phan Vinh.
    Anh ấy dũng cảm vô song, tất nhiên rồi, tài năng nữa, tất nhiên rồi, nhưng có lẽ điều này đối với tất cả chúng tôi còn ấn tượng đậm hơn: đó là một con người vô cùng hào hiệp, một cách hết sức tự nhiên, như là trời sinh ra vốn vậy, không hề cố tình, cố gắng, sắp đặt, suy tính. Tôi không biết diễn đạt thế nào nữa. Thôi, chỉ xin nói thế này: gặp một người chỉ huy như vậy, lập tức thấy mình có thể giao phó cả sinh mệnh của mình cho anh ấy không chút phân vân. Gặp một người bạn như vậy có thể yên tâm suốt đời...
    Cũng có thể nói anh Phan Vinh có một tính cách đặc biệt mạnh mẽ, rõ rệt: bao giờ cũng hết mình. Chơi thì chơi hết mình, làm việc hết mình, đối với bạn hết mình, chiến đấu hết mình, mà trong công tác lại hết sức nghiêm khắc, lại đẹp trai, thông minh.
    Anh ấy quê Điện Bàn, Quảng Nam. Tham gia công tác từ năm 16 tuổi, làm liên lạc cho huyện ủy... Năm tôi được gặp anh, anh khoảng 30. Tôi có một may mắn lớn: vào lính, được gặp ngay một người chỉ huy là anh. Tôi thuộc lớp chiến sĩ quê miền Bắc, tức là lớp lính nghĩa vụ quân sự đầu tiên được bổ sung về 125.
    Lớp chúng tôi có học hành khá, nhưng kinh nghiệm từng trải thì hoàn toàn chưa có chút gì. Chuyến đầu tiên tôi đi tàu 43, làm báo vụ, vào Cà Mau. Máy bay, tàu chiến địch bám riết, hoang mang thì tôi không đến nỗi hoang mang, nhưng rất lúng túng. Nhờ các anh đi trước chỉ vẽ ân cần.
    Chuyến thứ hai của tôi chính là chuyến Vũng Rô.
    Rồi đến chuyến tàu 235 do anh Phan Vinh chỉ huy đi bến Hòn Hèo, Hòn Khói, Khánh Hòa, đúng dịp tổng tấn công Mậu Thân.
    Bước vào trận đánh lớn
    Anh Phan Vinh là người được giao điều khiển chiếc tàu cao tốc đầu tiên do Trung Quốc viện trợ. Thủy thủ đoàn được thành lập gồm 21 người tuyển chọn từ các đơn vị về. Kéo sang Trung Quốc học một thời gian, anh Vinh học rất xuất sắc, cán bộ hải quân Trung Quốc cũng phải phục. Xong lại kéo về VN, cải dạng tàu thành tàu đánh cá gần giống như tàu đánh cá của Nhật, sơn trắng.
    Đơn vị còn được bổ sung thêm ba đồng chí ở lữ 126 tức đặc công nước, chúng tôi học cả kỹ thuật đặc công đánh nhau dưới nước, và cả kỹ thuật bộ binh đánh nhau trên bờ. Đặc biệt, tôi chú ý trong suốt thời gian chuẩn bị, anh Vinh có ý thức tạo cho thủy thủ đoàn 21 người chúng tôi gắn bó với nhau như một gia đình, mà anh Vinh là người anh lớn.
    Sau này tôi mới hiểu điều ấy cần thiết cho chúng tôi biết chừng nào; khi lâm vào hoàn cảnh chiến đấu quyết liệt, mất còn, chúng tôi đã thành một tập thể thật sự ruột thịt.
    Đúng Tết Mậu Thân chúng tôi nhận nhiệm vụ, và cho cơ động tàu sang một bến của Trung Quốc gần biên giới ta, cho tàu ta cập lẫn với một số tàu cao tốc của Trung Quốc để đánh lạc hướng máy bay trinh sát Mỹ.
    Ngày 10-2-1968 chúng tôi lên đường. Nhưng đến cách bờ biển Khánh Hòa khoảng trên 10 hải lý, nhận được điện từ chỉ huy sở ở Thủy Nguyên báo đã lộ, phải quay về bến Hải Khẩu, Trung Quốc.
    Ngày 27-2 lại lên đường.
    Theo dõi tình hình địch, chúng tôi nhận thấy lần này chúng hành động có khác. Máy bay trinh sát chúng bay rất cao, ngày bốn hay năm lần, từ phía Philippines hay Guam sang và quay trở lại. Tàu chiến Mỹ không bám theo ta liên tục mà cứ độ tám tiếng đồng hồ mới đảo qua một lần trước mũi tàu ta, nhưng không chạy gần.
    22 giờ đêm 27-2 anh Vinh quyết định từ ngoài khơi xa cho tàu mở tốc lực đâm thẳng vào hải phận miền Nam. 23 giờ thì bắt được đảo Hòn Tre. Thấy rõ tám tàu địch giăng thành hai tuyến trong và ngoài. Nhìn thấy cả đèn điện thành phố Nha Trang sáng trưng. Anh Vinh cho tàu lách qua hàng tàu địch ngăn chặn, đâm vào bến. Rất đúng bến Hòn Hèo. Mười hai giờ khuya, chúng tôi bắt đầu thả hàng. Thả được tất cả 30 tấn, phần lớn là súng và đạn B40, B41. Tất cả anh em trên tàu đều lao vào thả hàng, cố gắng thả cho được thật nhiều.
    Lúc này anh Vinh nói:
    - Ta len vào đến đây, tàu địch đã giăng hai lớp sau lưng rồi, phải nói thật điều này: khả năng tàu ta thoát ra khơi được rất ít. Chắc đến 90% là phải chiến đấu. Có thể hi sinh lớn, nhưng lúc này chiến trường đang tổng tấn công, cần súng đạn hơn bao giờ hết. Ta thả được càng nhiều hàng cho anh em trong này càng quí...
    Đến 1g sáng thả hàng xong. Chúng tôi điện báo kết quả về sở chỉ huy lữ đoàn và nhận ngay được điện của anh Phúc chính ủy:
    ?oLữ đoàn biểu dương các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Chờ các đồng chí trở ra an toàn thắng lợi?.
    Một lát sau lại nhận được điện lữ đoàn thông báo tàu anh Tư Thắng ở Quảng Ngãi và tàu anh Ba Râu ở Trà Vinh đang bị địch đánh.
    Anh Phan Vinh bảo:
    - Ta cũng sẵn sàng đi thôi.
    Chúng tôi bắt đầu quay tàu ra. Biển ở đây luồng lạch rất ác, có một rạch sâu bề ngang đúng 40m, chỉ cần lệch một chút là tàu cưỡi lên bãi san hô ngay. Hai chiếc tàu địch đã án ngữ ngay giữa luồng.
    Anh Vinh hét lệnh chiến đấu. Vừa nổ súng vừa tiến. Chuyến này tôi đứng máy số một. Nghe lệnh anh Vinh, tôi vừa đẩy cần ly hợp tiến thì nghe toàn tàu rung lên dữ dội. Địch tập trung bắn ngay vào khoang máy quyết liệt. Trên boong, ta cũng nổ tất cả các cỡ súng... Mười phút, máy tàu ta tê liệt. Anh Trương Văn Mùi, máy trưởng, đứng cạnh tôi, bị trúng một viên đạn vào ngực, hi sinh ngay, ngã vào cần gạt, khiến tàu dạt luôn vào bờ.
    Các tàu địch áp lại, lúc này có đến hàng chục chiếc. Đánh nhau suốt một tiếng đồng hồ.
    Lúc luyện tập ở nhà, anh Vinh đã dự kiến mấy phương án: thả hàng xong là cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rồi, nếu sau đó lộ, bắt buộc phải chiến đấu, không ra khơi được thì cho tàu lao vào quân cảng của địch ở Nha Trang, cho nổ tàu phá tung cảng. Hoặc không vào được cảng thì đâm thẳng tàu ta vào một tàu địch to nhất, nổ tàu, phá tan tàu địch và hi sinh...
    Nhưng bây giờ những phương án ấy không còn thực hiện được nữa: máy tàu đã bị tê liệt, tàu không còn cơ động được. Chỉ còn một phương án cuối cùng: phá tàu, rút lên bờ chiến đấu.
  4. quydede

    quydede Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/04/2006
    Bài viết:
    594
    Đã được thích:
    0
    Cuộc chiến đấu cuối cùng của người anh hùng

    Lúc này ở dưới khoang máy chỉ còn tôi (Nguyễn Long An) và anh Thứ, người Hải Dương, cũng là thợ máy. Sau một tiếng đồng hồ chiến đấu, bây giờ nghe súng đã lặng đi.
    Thứ đã bị thương ở tay, tôi băng cho Thứ, nghe xương cánh tay anh lạo xạo. Tôi cũng bị thương ở chân, cũng chưa kịp sờ kỹ xem vết thương cụ thể thế nào, nhìn xuống chỉ thấy máu bê bết, cứ tạm buộc túm ở đùi.
    Phá tàu
    Tôi bảo Thứ:
    - Nếu anh em đã hi sinh hết, thì nhiệm vụ phá tàu chỉ còn anh với tôi. Chúng ta đã thề trên tàu còn một người còn hơi thở thì quyết không để tàu sa vào tay địch.
    Bộc phá đặt ở khoang mũi và khoang lái. Thứ giữ tay cho tôi đu người xuống khoang mũi, ở đấy có một khối bộc phá 800 kilô. Tôi quyết định bấm kíp hẹn giờ 1 tiếng. Tính như vậy lúc lên boong tìm thấy anh em nào bị thương, sống sót, có thể đưa anh em ra khỏi tàu trước khi tàu nổ.
    Kíp hẹn giờ, chiếc đồng hồ nhỏ xíu, tôi bấm rồi, rất lạ, bốn bề ầm ĩ - lúc này không nghe súng ta bắn nữa nhưng địch vẫn bắn - vậy mà tôi nghe rõ tiếng tích tắc... Vừa xong thì thấy anh Vinh từ trên đài chỉ huy xuống. Anh Vinh bị thương, băng trắng toát cả đầu.
    Anh bảo anh em ta chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nên tổn thất nhiều. Tôi báo cáo đã bấm kíp nổ khối bộc phá 800 kilô. Anh bảo: ?oĐược?. Rồi tự tay anh đi đặt tiếp 12 kíp nổ nữa. Anh bảo: ?oCho chắc chắn?. Anh Vinh rất lạ, tình hình đến nước này mà tôi thấy anh vẫn bình tĩnh như không. Anh đi thu dọn gọn gàng mọi thứ, đốt hết giấy tờ, tài liệu.
    Rồi tất cả chúng tôi lên boong và lần lượt rời tàu. Lúc này bọn địch đã hơi dãn ra xa. Chắc chúng sợ ta cho nổ tàu thì chúng cũng tiêu. Chúng tôi lợi dụng tình hình đó dìu nhau bơi vào bờ. Vừa chạm chân đến chỗ cạn thì khối bộc phá đầu tiên nổ. Tan khói, quay lại nhìn kỹ, thấy đuôi tàu vẫn nổi.
    Tôi nằm chờ đến 30 phút nữa, thật ra lúc này rất lo, nếu khối bộc phá còn lại bị tịt ngòi thì tôi phải làm cách sao đây bơi trở ra tàu, dùng ngòi nổ khác quyết phá cho nổ kỳ hết. Ba mươi phút sau thì khối bộc phá cuối cùng nổ. Toàn bộ tàu hoàn toàn biến mất. Anh em chúng tôi lên bờ.

    Giữa vòng vây của địch

    Đến 6 giờ sáng thì nghe ầm ầm, rồi chỉ một lúc đầy trời trực thăng. Chúng bắt đầu đổ quân. Bây giờ đang mùa khô, cả đảo chỉ độc một loại cây gai lúp xúp, lá rụng hết, còn trơ gai cằn cỗi. Mới tảng sáng trời đã nắng chói chang. Chúng tôi phải bứt cỏ che bớt lưỡi lê súng cho đỡ sáng và bố trí phòng ngự vòng tròn. Ước lượng địch khoảng hơn 2 tiểu đoàn, toàn bọn Nam Triều Tiên.
    Lúc đầu tôi nghĩ thế trận của anh em chúng tôi như thế này là chỉ còn một nước tử chiến và tất sẽ hi sinh hết: chúng tôi chỉ một nhúm người ở giữa, địch vây kín bốn bề. Chúng tôi chiếm được đỉnh đồi, có ưu thế hơn, nên có thể kéo dài cầm cự, nhưng cũng chỉ là kéo dài thôi chứ không hi vọng gì thoát được vòng vây.
    Nhưng một lát sau thì bỗng phát hiện một tình huống bất ngờ: bên trái chúng tôi, cách không xa, chợt nghe tiếng AK nổ. Đúng là anh Phan Vinh rồi. Tiếng súng sắc gọn, dứt khoát, từng loạt rất ngắn, có khi chỉ điểm xạ từng viên một, đanh, ác, quyết liệt. Anh Phan Vinh đánh giặc từ năm 13 tuổi, trưởng thành từ vùng địch hậu nổi tiếng Điện Bàn, Quảng Nam.
    Nhạy cảm quân sự của anh rất tinh, sắc. Nghe tiếng súng từ sáng đến giờ, tuy không nhìn thấy nhưng anh đã nhận định bộ phận anh em chúng tôi do anh Nhi (thuyền phó) chỉ huy đang trụ trên đỉnh đồi. Vậy anh và anh Thứ, cả hai đều đã bị thương nhưng vẫn còn sức chiến đấu, sẽ tạo thành một mũi bên sườn phối hợp cùng chúng tôi và thế trận sẽ trở nên khác hẳn.
    Nhờ có hai mũi hỗ trợ nhau như vậy chúng tôi trụ suốt được một ngày. Đêm, lợi dụng pháo sáng, chúng tôi tìm cách luồn qua vòng vây địch. Bọn địch đóng rất dày, hầm hố đào chằng chịt, chỉ cách nhau 5-7m một hố... Đến khoảng 10 giờ đêm thì chúng tôi chuyển sang được một đồi khác, cách chừng 100m.
    Chúng tôi cứ lần về hướng tây mà đi, di chuyển hết sức chậm vì tất cả đều bị thương, địch thì lùng sục ráo riết. Tuyệt không còn gì ăn. Mấy ngày đầu đói ghê gớm nhưng rồi cũng lạ, cái ăn tự nó dần dần không đòi hỏi nữa, chỉ có cái khát hành hạ. Phải tự uống nước giải của chính mình... Đến ngày thứ bảy, thật ra chúng tôi mới di chuyển được 600 hay 700m, lại chạm địch, đánh nhau một trận. Rồi lui được lên một ngọn đồi có đá.
    Bấy giờ cậu Khung, Mai Văn Khung, người quê Thái Bình, chiến sĩ hàng hải, khát quá không chịu nổi nữa, tự đái ra mà uống, nhưng rặn mãi cũng không còn giọt nào. Khung xin mò xuống suối tìm nước. Nghe có tiếng nước róc rách thật, càng kích thích cái khát dữ dội. Khung vừa đi được khoảng 30m thì nghe súng nổ. Chạm địch rồi! Tôi ôm súng lao xuống cố cứu Khung. Tôi bắn liền mấy loạt, ném cả lựu đạn nữa, nhưng khi bò xuống đến nơi thì không còn thấy dấu vết gì nữa. Khung đã bị địch bắt!
    Bọn địch bắt được Khung, đoán được hướng đi của ta nên lại ráo riết tổ chức tấn công truy đuổi. Anh Nhi bảo:
    - Tình thế này ta ở lại đây là sẽ bị hủy diệt hết. Bây giờ giao đồng chí An làm đoàn trưởng dẫn anh em tiếp tục đi tìm liên lạc với địa phương. Còn tôi ở lại đây, bám tình hình và nếu địch đuổi theo thì sẽ cố đánh chặn.
    Chúng tôi đành chia tay anh Nhi ra đi. Tôi lục lọi khắp các túi, tất cả ?ogia tài? chỉ còn mấy viên vitamin B1 đưa lại cho anh Nhi...
    Chúng tôi lại lần mò đi, quanh quẩn suốt ba ngày đêm. Hòn Hèo là bán đảo, nên loay hoay thế nào một đêm lại ra sát mép biển và lần qua một hòn đảo nhỏ khác.
    Ngày thứ 10 chúng tôi nằm giữa một bãi cát chơi vơi, thế nào lại đúng một ổ kiến đỏ. May quá, tôi đã nghe các anh lớn phổ biến kinh nghiệm cứ bắt luôn kiến mà ăn, nhai rau ráu, không ngờ tỉnh ra. Đêm lại mò xuống mép biển bắt được mấy con ốc, đập ra ăn sống...
    Ngày thứ 11 vẫn không thấy tăm hơi anh em địa phương. Thỉnh thoảng nghe súng nổ đâu đó, không xa. Tôi bảo:
    - Chỗ nào địch nổ súng, tức là ở đó có lực lượng ta. Ta cứ hướng súng nổ mà đi, nhất định sẽ tìm ra.
    Anh em đồng ý. Chúng tôi đi, đến khoảng 3 hay 4 giờ chiều thì thấy một bóng người ngoài mép biển, ở khu vực về sau này mới biết là xã Ninh Diêm.
    Tôi cho anh em dừng lại, bố trí sẵn sàng yểm trợ, còn tôi một mình mò xuống. Tôi bảo Tuyến, chiến sĩ hàng hải, và Mai, chiến sĩ điện công: nếu là địch, chúng bắt tôi thì cứ bắn bừa vào. Diệt được địch cho anh em thoát, tôi có hi sinh còn hơn bị bắt.
    Xuống đến gần, thấy rõ một người đàn ông mặc quần áo bà ba. Anh ta hoảng hốt bỏ chạy. Tôi phải ra oai, kéo cò, dọa. Rồi hô ám hiệu. Anh ta trả lời đúng. Hỏi ra, anh ta thuộc lực lượng an ninh huyện.
    Tôi gọi tất cả anh em xuống. Anh ta cho chúng tôi mỗi người mấy quả ổi. Anh em các bộ phận của huyện đóng bí mật rải rác ở vùng núi Hòn Hèo, Hòn Khói này cũng rất đói, toàn phải ăn rau rừng. Anh này đang đi tìm hái ổi rừng ăn trừ bữa thì gặp chúng tôi. Anh em chúng tôi nhịn đói cả chục ngày rồi, bây giờ ăn ổi vào té re gần chết...
    Chúng tôi về chỗ cơ quan an ninh huyện, rồi từ đó bắt được liên lạc với bộ phận bến do anh Kiến phụ trách. Mới biết 12 ngày nay các đồng chí ở bến cũng tỏa đi tìm chúng tôi mà không gặp.
    Tôi cùng các đồng chí ở bến trở lại những ngọn đồi mấy hôm trước để tìm các đồng chí còn thiếu. Trở lại chỗ anh Nhi thấy súng ống bị đập phá tan tành nhưng không tìm được anh Nhi. Đi một đoạn xa nữa thì tìm thấy xác anh Phan Vinh và anh Thứ.
    Quanh chỗ anh Vinh nằm rất nhiều dấu vết bông băng đỏ thấm máu khô và súng đạn của bọn Nam Triều Tiêu vỡ nát. Còn anh Vinh, nhìn tư thế, có thể đoán ra anh đã đánh đến viên đạn cuối cùng, và anh đã rút chốt quả lựu đạn cuối cùng để bọn giặc xô lại định bắt sống thì thả cần nổ lựu đạn, diệt địch và hi sinh...
    Chúng tôi chôn cất các anh ngay tại chỗ. Núi đá, nhưng chúng tôi cố đào thật sâu. Và trên mỗi nấm mộ cắm một tấm bia nhỏ ghi tên tuổi quê quán từng người. Những anh em miền Nam thì ghi quê hương thật. Còn anh em miền Bắc thì ghi quê hương kết nghĩa...
    Chỗ anh Vinh nằm, trên đồi cao, nhìn thẳng ra biển Đông...
    ***
    Nguyễn Long An nói: ?oTrận ấy chúng tôi hi sinh 12 đồng chí, mất tích một và bị địch bắt một?.
    Có một câu hỏi: ?oCó đắt quá không? Một sự hi sinh quá lớn như vậy, để thả được chừng 30 tấn súng đạn xuống biển, rồi về sau anh em ở bến mò vớt lên chừng được một nửa, mươi, mươi lăm tấn??.
    Các anh ạ, những câu hỏi như vậy chỉ đặt ra sau chiến tranh khi mọi sự đã yên bình, và chúng ta có thể ngồi với nhau bình tĩnh, thong thả, bên mâm rượu thế này... Còn ngày ấy đối với chúng ta, đối với chúng tôi, tôi nhớ không có câu hỏi ấy. Đối với anh Phan Vinh không có câu hỏi ấy...
  5. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    [​IMG]
    [​IMG]
  6. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    [​IMG]
    [​IMG]
    Sau vụ này Hải Quân Mỹ và VNCH tá hỏa ra là VC liều lĩnh tiếp tế ngay nách mình, họ đã kiểm soát hết sức gắt gao các tàu đánh cá, tàu vận tải ngoài khơi ....
  7. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    Một số tàu của ta bị địch phát hiện
    [​IMG]
    [​IMG]
  8. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    [​IMG]
    [​IMG]
  9. longtt88

    longtt88 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/11/2004
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    5
    PTL: Đường mòn trên biển Đông (Tập 1) - Khởi đầu của huyền thoại



    PTL: Đường mòn trên biển Đông (Tập 2) - Những con tàu không số

Chia sẻ trang này