1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Duyên Đầu

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Caydangh, 10/03/2011.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Caydangh

    Caydangh Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    06/02/2011
    Bài viết:
    183
    Đã được thích:
    18
    Duyên Đầu
    Truyện ngắn của Caydangh .

    Không một gợn mây, Không một ngọn gió, nắng như đổ lửa, những hàng cây đứng im nghiêng mình nhìn bầu trời xanh thăm thẳm. Mặt đường, cảnh vật lay động như được nhìn qua làn nước mỏng. Tôi quốc bộ một mình trên con đường mòn đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn tới dãy núi xanh xa mờ. Sau khi bò lên đến đỉnh dốc thứ ba, tôi ngồi nghỉ cho đỡ mệt thì ông Mặt trời đỏ như mâm xôi gấc cũng ngồi nghỉ trên đỉnh núi phía Tây. Dòng suối đang thì thầm rủ rê những chiếc lá rừng về xuôi. Bầy cá lòng tong cứ trố mắt nhìn người lạ, chúng không thể hiểu được nỗi bâng khuâng lo lắng của một chàng sinh viên vừa ra trường đến làm giáo viên ở một trường trung học cách xa quê hương đồng bằng của mình.
    Tâm trạng bỡ ngỡ lo lắng trong tôi như những chiếc lá trên mặt nước mau chóng trôi đi theo dòng suối bởi sự niềm nở đón tiếp của các cán bộ trường. Bầu không khí vui vẻ, thân thiện đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để chống chọi với cái nóng như nung của những buổi trưa hè oi ả và những đêm đông giá lạnh nước đóng băng trong thung lũng đá. Những ngày lên lớp, tôi hăng say truyền đạt những kiến thức khoa học đã tích lũy được từ trong những năm ở đại học. Những đêm văn nghệ, những trận bóng đá thêm sôi động hơn nhờ có sự đóng góp của tiếng đàn ghi ta “ réo rắt tơ lòng” và những pha dẫn bóng “ dẻo, lắt léo mê hồn” của một chàng giáo viên mới, trẻ.
    Chưa có phòng để thực hành, tôi đề nghị lên khoa và được trả lời: “Nhà xưởng còn thiếu lắm, cậu bố trí thí nghiệm ngoài vỉa hè lớp học cũng được!”- Vị trưởng khoa nói và như đoán được tâm trạng qua sự ngạc nhiên của tôi, ông cười khì khì: “Cậu cố gắng tìm cách nhé. Còn dụng cụ, hoá chất thì tìm trong kho xem”. Sáng tạo bắt nguyồn từ lòng say mê công việc. Lí thuyết suông thì có khác gì người đi một chân. Tôi suy nghĩ rất nhiều và đã tìm ra cách giải quyết. Vào các buổi trống giờ hoặc chủ nhật tôi cho các em học sinh chuyển bớt bàn ra ngoài sân, nối một số bàn khác lại để đặt dụng cụ làm thí nghiệm.
    Rừng là vàng. Nhưng trong rừng lại tiềm ẩn biết bao mối hiểm nguy. Sau những cơn lũ lớn, con đường độc đạo dẫn vào thung lũng nơi trường học thường bị những khối đá lớn như những cái bàn học lấp đầy đầu dốc. Rau và thực phẩm không vận chuyển vào được. Canh miến dong riềng thay cho rau có khi cả tháng. Những thời điểm này lại hay có những ca bệnh hiểm nghèo phải đi cấp cứu vào ban đêm như: Đau ruột thừa, sốt rét ác tính, thiên đầu thống…Đoàn viên thanh niên chúng tôi phải thay phiên nhau soi đèn, phát cây bụi mở đường vòng qua dốc đá khiêng bệnh nhân chạy vượt hơn hai chục cây số đến bệnh viện.
    Vào một buổi trưa, nhóm khảo sát tìm địa điểm thực tập ngoài trời chúng tôi đang đi giữa rừng nứa thì cơn dông ập tới. Gió, mưa, sấm, chớp ầm ầm. Nhóm phải ẩn vào một hang đá. Mưa tạnh. Nứa xung quanh đổ rạp làm mất hết những vết đánh dấu đường lúc tới. Loanh quanh đến tối mà vẫn chưa tìm được đường về, chúng tôi phải ngủ qua đêm trên những chiếc võng dù trên những cây cao để phòng thú dữ. Sáng hôm sau, chúng tôi lần theo khe suối cạn để tìm đường mòn, khát thì cắt dây leo hứng lấy nước uống hoặc phát ngang gốc nứa rồi dùng tay nứa nhỏ hút nước để vắt không theo vào miệng được, đói thì đào củ hoặc hái trái cây rừng để ăn. Vì ăn không quen nên tôi bị ói ra cả mật. Tới trưa chúng tôi tìm được một con đường mòn giữa trảng cỏ tranh, nắng như thiêu, không khí trong thung lũng nóng hầm hập làm mọi người mệt lả. Đang đi tự dưng thấy người ớn lạnh, nổi da gà, tôi vội bứt một nắm lá tre vò nhàu, hít thật sâu và ngồi nghỉ một lát cho hết say nắng rồi lại đi tiếp. Đến một ngôi nhà sàn, chủ nhà tốt bụng “chiêu đãi” chúng tôi món bắp ninh được tách ra từ trong một ống bương to và dài. Lúc thường chắc ăn không nổi nhưng vì đói quá nên mọi người cảm thấy ngon hơn cả sơn hào hải vị!
    Một buổi sáng khác, khi đang đi kiểm tra việc phát tuyến điều tra, tôi nghe:“Thày ơi, Dũng bị trúng ong đất!” “Tổ hay lẻ?”- tôi hét hỏi. “Lẻ”- tiếng trả lời. “Gọi tất cả những người khỏe mạnh lại đây mau lên!”- tôi ra lệnh. Hai chục thày trò thay phiên nhau khiêng võng bệnh nhân chạy vượt hơn ba chục cây số đường rừng tới bệnh viện. Bác sĩ bảo may mà đến kịp và chỉ trúng có ba phát ong lẻ. Dũng tỉnh lại nói là bị trúng đến phát thứ ba thì không biết gì nữa. Tục truyền rằng nếu thấy ai bị trúng tổ ong đất thì hãy bắn một phát tên độc vào người đó để “lấy độc trị độc” thì may ra còn cứu được.
    Đường rừng có nhiều khúc cua, đường đời của tôi cũng có những bước ngoặt bất ngờ. Cứ sau mỗi cuộc liên hoan ăn mừng “chuyến đò sang sông đã an toàn” và “hành khách” đã toả đi trăm ngả tôi lại thấy buồn mênh mang và thường hay thơ thẩn một mình trên sườn đồi sau nhà khu tập thể độc thân khi trời nghiêng nắng xế đầu non. Thế rồi một hôm từ khúc cua dưới chân đồi, xuất hiện một dáng hình thắt đáy lưng ong đang cố gắng kéo chiếc xe củi lên dốc. Tôi chạy lại đẩy giúp. Đến đỉnh dốc xe dừng lại. Dưới vành nó trắng che nghiêng là đôi má ửng hồng như cách tầm xuân, đôi mắt to đen lánh như hạt nhãn được viền bởi hai hàng mi cong dài đen như kẻ chì. “Cám ơn anh! Anh đứng trên tổ kiến lửa rồi kìa!- Cô gái cuống quít kéo tôi ra, lấy cành lá xua kiến, ánh mắt đầy vẻ thương mến.- Anh không thấy đau à?” Tôi trả lời khẽ:“Có”. “ Sao anh không chạy?” “ Tôi …cũng không biết nữa!” Đôi mắt lúng liếng, làn môi đỏ hình trái tim của cô mỉm cười, cô nói: “Tên em là Sinh. Nhà em ở bên kia đồi. Khi nào rảnh mời anh qua chơi”. Bóng người con gái đã khuất sau đồi mà tôi vẫn còn đứng ngẩn ngơ, lòng bổi hổi bồi hồi. Trong những năm tháng là sinh viên và giáo viên vừa qua cũng đôi ba lần trái tim tôi cũng xao xuyến khi nhận được những mối duyên thầm. Nhưng như mặt nước đang yên lặng hơi bị gợn sóng khi chạm chiếc lá nhẹ rơi, tôi cố quyên đi để tập trung cho việc học tập và giảng dạy. Các bạn nữ thường nói móc tôi chỉ giỏi nói chuyện trên trời dưới đất, còn mỗi một từ “yêu” thì chưa biết nói. Tình yêu ơi , mi trốn chạy được đến bao giờ! Lần này không hiểu sao tôi càng cố quên thì lại càng nhớ. Dáng hình thon thả trong chiếc áo dài màu tím hoa cà những khi em đang trên đường đi dạy học, thăm học trò ở các bản làng cứ in đậm trong tâm trí của tôi. Để rồi đêm trăng hẹn hò với bao nỗi chờ mong đã đến. Chỉ đôi ba câu tâm sự mà lòng đã hiểu được lòng. Tôi chân thành hỏi: “Dạy các em nhỏ ở vùng cao chắc vất vả lắm phải không em?” Đôi mắt long lanh như những vì sao rơi trên sóng nước ngước nhìn tôi, em nói:“ Vất vả nhưng vui lắm!...Có đoàn điện ảnh trung ương về tuyển người. Em đạt. Họ gọi nhưng em không đi,” Tôi thì thầm theo tiếng lá rơi ngập ngừng “ Anh muốn cùng em chia sẻ nỗi nhọc nhằn.” Em nhỏ nhẹ: “ Em cũng đã thương anh bởi vóc dáng phong sương, dạn dày mưa nắng, những điệu đàn với tiếng hát đưa duyên trong những đêm văn nghệ và thầm mong có được đêm nay!...”
    Hương vị của tình yêu làm cho tôi ngất ngây. Người em rung lên nhè nhẹ, hơi thở dồn dập. Hai ngọn đồi bên kia suối được thấm đẫm ánh trăng hình như to hơn và cao hơn ngày thường! Đàn cá vật đẻ tung bọt nước trắng xoá lấp lánh lên bờ cỏ rối…
    Tình yêu đã giúp cho những bài giảng của tôi thêm sinh động, truyền cảm hơn. Đôi chân tôi lướt trên sân cỏ nhanh hơn khi có em trong đội cổ động viên. Và những lúc đệm đàn cho các cô “ ca sĩ ” trên sân khấu tôi không dám liếc ngang nữa mà chỉ nhìn xuống một chỗ trong hội trường, nơi có ánh mắt thân thương đang khích lệ và…canh chừng tôi.
    Nước dưới suối có khi đầy khi cạn. Trăng trên trời có lúc tỏ lúc mờ. Nhưng tình yêu của chúng tôi luôn đong đầy theo năm tháng. Tôi thường được nghe những lời khen: “ Giỏi!”, “ Phục cậu sát đất!”, “ Bao nhiêu người cưa mà không đổ!”…Những lúc như vậy tôi chỉ mỉm cười và cảm thấy tự hào, nhưng lại nghĩ: “ Mình có biết cưa kéo gì đâu, kì thiệt! Hèn chi mãi đến nay mà các nhà văn, nhà thơ vẫn chưa thống nhất được định nghĩa tình yêu!”
    Sinh ra ở vùng đồng bằng sông nước nhưng tôi lại có duyên nợ với núi rừng. Tình yêu càng bồi đắp thêm cho tôi tình thương yêu con người, cảnh vật bao nhiêu thì càng làm tăng thêm nỗi trăn trở trong tôi bấy nhiêu. Những cảnh “ bụng đói cật rét” của thày và trò trong những ngày bị cô lập giữa rừng do mưa lũ, những cảnh“ lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng xuống” – “nước mắt chan cơm” khi mất người thân do tai nạn, bệnh tật, sốt rét, thú dữ, thiên tai, địch hoạ càng khắc sâu hơn trong tâm trí của tôi. Các loài lại không tồn tại độc lập với nhau. Nếu sự phụ thuộc của loài này vào loài kia là để cần cho quá trình tiến hóa của sinh thể thì quá trình tiến hoá sẽ phải có giới hạn; và tuổi thọ của mỗi loài được xác định bởi vai trò của nó trong đời sống của Trái đất. Câu: “ Cha mẹ sinh con trời sinh tính” thật là thâm thúy vô cùng! Cùng lớn lên từ một dòng sữa mẹ, cùng ngồi ghế của một nhà trường, nhưng người này thì trở thành từ thiện, người kia lại thành kẻ gian ác. Đâu là nguyên nhân sâu xa của nghịch lí này? Nếu câu hỏi này được làm sáng tỏ thì “ con lắc cuộc đời ngày càng nghiêng ít đi về nước mắt mà ngày càng nghiêng về hạnh phúc nhiều lên!”
  2. Caydangh

    Caydangh Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    06/02/2011
    Bài viết:
    183
    Đã được thích:
    18
    Từ lâu, các nhà tâm lí và các nhà văn, thơ đã đưa ra nhiều định nghĩa về tình yêu nhưng vẫn chưa được chấp nhận.Bởi vậy, một nhà thơ đã than rằng:
    "Không ai định nghĩa được tình yêu
    Có gì đâu một buổi chiều
    Gặp gỡ cô em bên đồi vắng
    Rồi nhớ,rồi thương, rồi mến, rồi yêu!"
    Trong thực tế có những người cách nhau gang tất lại cảm thấy xa xôi,nhưng cách nhau vạn lí thiên hà lại gợi nhớ gây thương!

Chia sẻ trang này