1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

é? thi d?i h?c mụn van kh?i C , D

Chủ đề trong 'Đề thi - Đáp án' bởi TuanLong, 25/03/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. TuanLong

    TuanLong Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    31/01/2001
    Bài viết:
    362
    Đã được thích:
    0
    é? thi d?i h?c mụn van kh?i C , D

    Đề thi tuyển sinh môn văn học
    Khối : D, C.

    Dành cho thí sinh thi theo chương trình chưa phân ban
    (Thời gian làm bài 180 phút)

    Câu I: Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân)

    Câu II: Phân tích tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng trong đoạn thơ sau đây:

    Cô đơn thay là cảnh thân tù!

    Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực

    Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức

    ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!

    Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều,

    Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh

    Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh

    Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

    (Tâm tư trong tù - Tố Hữu)


    Hướng dẫn giải
    Câu I: Giá trị nhân đạo của truyện ngắn "Vợ nhặt" (Kim Lân)

    Yêu cầu về nội dung

    Lưu ý chung: Đề bài yêu cầu phân tích toàn diện tác phẩm mà tập trung vào ý nghĩa tư tưởng cơ bản nhất là giá trị nhân đạo. Tuy nhiên, để làm rõ giá trị này không thể không phân tích các chi tiết và thủ pháp nghệ thuật, đặc điểm của tác phẩm (Như các tình huống truyện, miêu tả tâm lý nhân vật, ngôn ngữ...).

    1. Thí sinh có thể mở đầu theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải giới thiệu chung về truyện ngắn Vợ nhặt và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

    2. Truyện đã diễn tả, với tất cả niềm xót xa thông cảm của tác giả về tình cảnh bi thảm của quần chúng lao động trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

    a. Cái đói bao trùm khắp nơi và tràn đến cái xóm nghèo của dân ngụ cư.

    Chú ý các chi tiết nghệ thuật truyện: Những gia đình từ Nam Định, Thái Bình lũ lượt đội chiếu, dắt díu, bồng bế nhau lên, xám lại như những bóng ma. Buổi sáng nào cũng có vài người chết nằm còng queo bên đường, mùi gây gây của xác chết. Toàn bộ câu truyện của Tràng diễn ra trên cái cảnh nạn đói và chết chóc ấy: Cảnh xóm ngụ cư vào buổi chiều Tràng đưa người vợ theo về, tiếng khóc hờ trong đêm, mùi đốt đống rấm...

    b. Tình cảnh của gia đình Tràng.

    - Tràng: nghèo, không lấy nổi vợ.

    - Vợ Tràng: Vì đói mà phải theo không về làm vợ, không có cưới cheo gì.

    - Tình cảnh xót xa của bữa cơm đón nàng dâu mới (nồi cháo loãng và bát chè cám).

    3. Truyện đã làm sáng lên trên cái nền đen tối ảm đạm ấy là sức sống, khát vọng về mái ấm gia đình và sự nương tựa, che chở cho nhau của những người lao động nghèo khổ và niềm tin hy vọng của họ.

    a. Tình huống Tràng có vợ, "nhặt" được vợ và ý nghĩa của nó.

    - Thái độ của Tràng từ lúc chỉ coi là chuyện "tầm phào" đến lúc xem đó là chuyện nghiêm chỉnh của đời mình (Dẫn và phân tích những lời nói, hành động của Tràng khi mới gặp người đàn bà và trong cảnh đưa chị ta về nhà).

    b. ánh sáng của hơi ấm hạnh phúc gia đình giữa khung cảnh của nạn chết chóc:

    - Cảnh gia đình Tràng, căn nhà, mảnh vườn trong buổi sáng hôm sau.

    - Sự biến đổi trong tâm trạng của Tràng, người vợ Tràng.

    - ý nghĩa và thái độ của bà cụ Tứ, nỗi xót xa, thương cảm và niềm hy vọng của người mẹ.

    - Niềm hy vọng của họ về sự đổi thay số phận hướng về cuộc cách mạng.

    4. Đánh giá chung về giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

    - Một tư tưởng nhân đạo hướng về quần chúng lao động, khẳng định phẩm chất và sức sống bền bỉ, tự nhiên của quần chúng.

    - Niềm tin của tác giả đặt vào cái thiện, vào những khát vọng bình dị và chân chính của con người vẫn muốn sống, vẫn khao khát tình thương và sự gắn bó, nương tựa vào nhau đã cho họ niềm tin để sống.

    - Chủ nghĩa nhân đạo ở tác phẩm dựa trên sự hiểu biết sâu sắc, gắn bó với đời sống của người nông dân, tác giả không tô vẽ, lý tưởng hoá các nhân vật của mình.

    Câu II:

    1/ Tâm tư trong tù là bài thơ mở đầu cho phần Xiềng xích trong tập Từ ấy của Tố Hữu. Bài thơ ghi lại những cảm xúc và diễn biến tâm trạng của tác giả - một người thanh niên cách mạng - trong những ngày đầu tiên bị giam giữ trong nhà tù thực dân Pháp, vào cuối tháng tư năm 1939.

    Dưới đây là khổ thơ thứ hai, cũng là những câu thơ đặc sắc hơn cả của bài thơ này:

    "Cô đơn thay là cảnh thân từ!

    ...

    Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về..."

    2. Bốn câu đầu của khổ này là nhắc lại bốn câu mở đầu bài thơ, nó được lặp lại như một điệp khúc để khắc đậm những ấn tượng nổi bật và bao trùm trong tâm trạng của chủ thể trữ tình: đó là nỗi cô đơn và niềm khát khao hướng về cuộc sống bên ngoài nhà tù.

    Hãy hình dung tâm trạng của tác giả: một thanh niên mới giác ngộ lý tưởng, đang say mê hoạt động với niềm vui sôi nổi, bồng bột:

    "ồ vui quá, tưng bừng trên vạn nẻo

    Bốn phương trời và sau dấu muôn chân

    Cũng như tôi tất cả tuổi đang xuân

    Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng"

    (Hi vọng)

    Thế mà nay đột ngột bị ném vào giữa bốn bức tường của một gian xà lim chật hẹp, ngăn cách hẳn với cuộc đời bên ngoài, làm sao lại không cảm thấy nỗi cô đơn choáng ngập trong lòng? "Cô đơn thay" không phải là một lời thở than tội nghiệp, mà như lời xác nhận một sự thật đắng cay, một điều hiển nhiên nay đã được thấu hiểu bằng sự trải nghiệm của chính mình, trong cảnh ngộ của bản thân. Cảm giác cô đơn ở đây lại thể hiện sự gắn bó tha thiết của người chiến sĩ với cuộc sống, với xã hội, với phong trào cách mạng. Cô đơn là vì bị ngăn cách với cuộc đời bên ngoài, vì phải xa đồng chí, đồng bào - những "Bạn đời trai trẻ dậy xuân mới" của mình. Chính vì thế mà toàn bộ tâm hồn, cảm xúc của người tù đều hướng ra bên ngoài và không phút nào bình lặng:

    "Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực

    Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức".

    - Cố nhiên trong hoàn cảnh này, phương tiện duy nhất để xúc tiếp với cuộc sống bên ngoài là thính giác, vì cuộc sống bên ngoài dội vào qua một lối duy nhất là những âm thanh vọng qua lỗ cửa nhỏ của gian xà lim. Người tù không chỉ nghe bằng thính giác bén nhạy, mà còn bằng cả tâm hồn "sôi rạo rực", bằng tấm lòng thiết tha với cuộc đời. Anh đã nghe và hình dung thấy những gì? Tiếng chim reo, tiếng gió thổi, tiếng dơi chiều đập cánh và tiếng nhạc ngựa rùng chân, tiếng guốc vọng trên hè đường; nghĩa là những âm thanh bình thường của cuộc sống thiên nhiên và xã hội, mà nếu một tâm trạng dửng dưng có thể người ta sẽ chẳng thấy gì. Còn ở đây, với thính giác bén nhạy và trí tưởng tượng mạnh mẽ cùng với tâm trạng bồn chồn rạo rực của người tù, những âm thanh ấy cũng trở nên náo nức, sôi động hơn: tiếng chim reo, tiếng gió mạnh lên triều, tiếng dơi đập cánh vội vã. Với những âm thanh ấy, sự sống của thiên nhiên trong buổi chiều cũng như hối hả, gấp gáp hơn khi được lọc qua tâm trạng của con người. Nhưng tâm hồn của người tù còn hướng đến cuộc sống xã hội, đến thế giới con người và anh đã lắng nghe, đón nhận được những âm thanh rất dễ bị chìm lấp đi trong sự xáo động của buổi chiều:

    "Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh

    Dưới dường xa nghe tiếng guốc đi về..."

    Câu thơ "Nghe lạc ngữa rùng chân bên giếng lạnh" thể hiện sự tinh tế nhạy cảm và óc tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả. Từ một âm thanh (lạc ngựa) mà hình dung ra một hình ảnh gợi cảm (ngựa rùng chân bên giếng) và thêm nữa, còn cảm nhận được bằng cảm giác về cái lạnh của buổi chiều qua động tác rùng chân của con ngựa, qua làn nước giếng lạnh.

    Đặc sắc hơn cả là câu: "Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về". Câu thơ dường như không có một chút dụng công nghệ thuật gì cả mà lại có sức lay động lớn. Nó gợi lên không khí vắng vẻ của một đường phố cạnh nhà lao - có vắng vẻ thì tiếng guốc mới vọng lên như thế. Có thể hình dung những bước chân đi qua, xa dần theo tiếng guốc nhỏ dần vọng lại. Tiếng guốc là biểu tượng của cuộc đời bình dị, của cuộc sống thường ngày trong một thành phố, có lẽ là lần đầu được vọng vào trong thơ. Nhớ lại cũng vào quãng thời gian ấy, có một hồn thơ lãng mạn khác cũng có cái "nghiêng tai kỳ diệu": Huy Cận đêm nghe những tiếng mưa rơi trên mái nhà mà:

    "Nghe đi rời rạc trong hồn

    Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi..."

    (Buồn đêm mưa)

    Còn ở đây, tâm hồn người thanh niên cách mạng rung động theo tiếng guốc đi về dưới hè đường vọng vào trong bốn bức tường xà lim lạnh lẽo. Câu thơ bình dị đã mở ra cho thấy tấm lòng khao khát hướng về cuộc sống con người và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.

    3. Qua đoạn thơ này, cũng như qua cả bài Tâm tư trong tù, chúng ta được tiếp cận với cái tôi trữ tình mới mẻ, trẻ trung, xúc cảm, nhạy bén và tràn đầy cảm hứng lãng mạn, thể hiện trong giọng thơ vừa tha thiết, vừa sôi nổi, lôi cuốn và bộc bạch chân thành. Đó cũng chín là giá trị nổi bật nhất của tập Từ ấy, giai đoạn đầu của thơ Tố Hữu, giá trị ấy mang ý nghĩa nhân bản lâu bền.


    Long

Chia sẻ trang này