1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Franz Liszt – người chạm tới tương lai

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi Thuylienlotus, 20/03/2017.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Thuylienlotus

    Thuylienlotus Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/03/2016
    Bài viết:
    24
    Đã được thích:
    13
    [​IMG]

    Franz Liszt không phải xuất thân từ dòng dõi quý tộc. Cha của Liszt, ông Adam Liszt, một người chơi nhạc nghiệp dư có tài, chỉ là một trợ lý của hoàng thân Nicolas Esterhazy. Khi mới 5 tuổi, cậu bé Franz bắt đầu học piano với cha mình và có tác phẩm đầu tiên từ năm 8 tuổi. Ấn tượng bởi buổi trình diễn đầu tiên trước công chúng của nghệ sỹ piano 9 tuổi, tại Sopron và Pozsony (nay là Bratislava, Slovakia), các vị quý tộc Hungari đã tài trợ kinh phí để Franz có thể tới Vienna học piano với Carl Czerny và Antonio Salieri, nhà soạn nhạc, pianist danh tiếng và hơn thế nữa, là học trò của Ludwig van Beethoven.

    Tiếp tục con đường học tập, Liszt tới Paris cùng gia đình vào năm 1823. Do Liszt là người nước ngoài nên Học viện âm nhạc Paris đã kiên quyết không nhận cậu bé vào học. Sau này, người ta cho rằng, đây là một trong những quyết định sai lầm nhất vì đã từ chối một nhân vật kiệt xuất của âm nhạc thế giới. May mắn, thay vì học ở Học viện âm nhạc, Liszt đã thụ giáo nhà lý luận âm nhạc Anton Reicha, người từng là học trò của anh trai Joseph Haydn, và ông Ferdinando Paer, giám đốc của của trường Theatre-Italien tại Paris.

    Với nghệ thuật trình diễn bậc thầy, buổi hoà nhạc ra mắt khán giả Paris của Lisztvào ngày 7-3-1824 đã gây xúc động mạnh mẽ, tạo cơ hội cho những buổi biểu diễn khắp các nẻo đường châu Au của Franz Liszt, trong đó đáng chú ý là buổi biểu diễn theo lời mời của đức vua George IV tại lâu đài Windsor... Tuy nhiên, Liszt vẫn không ngừng học tập để mở mang vốn hiểu biết của mình ở nhiều lĩnh vực khác. Liszt đặc biệt quan tâm đến thi ca, vì thế ông đọc rất nhiều thơ của Alphonse de Lamartine, Victor Hugo, và Heinrich Heine. Trước sự kiện vua Charles X thoái vị tháng 6-1830 và Louis-Philippe lên ngôi, Liszt phác thảo bản giao hưởng Cách mạng.

    Cuộc đời nghệ thuật của Franz Liszt chỉ thực sự bước sang một trang mới vào quãng năm 1830 và 1832, khi ông gặp ba nhân vật quan trọng.

    Vào cuối năm 1830, Liszt gặp nhà soạn nhạc Hector Berlioz lần đầu trong buổi ra mắt bản giao hưởng đầu tiên, “Symphonie fantastique” (bản giao hưởng Hoang tưởng) của Berlioz. Và dòng chảy lãng mạn từ Berlioz đã bắt đầu thấm vào Liszt. Từ sự ngưỡng mộ Berlioz, Liszt đã hoàn tất việc chuyển soạn “Symphonie fantastique” cho piano vào năm 1833 và còn chuyển soạn nhiều tác phẩm khác của nhà soạn nhạc này.

    Nhân vật thứ hai đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Liszt là nghệ sỹ violon huyền thoại Italia Niccolo Paganini. Vào tháng 3-1931, ông được nghe Nicolo Paganini chơi đàn tại Paris. Khi ấy, Liszt dấy lên khao khát cũng làm được những điều như Paganini đã làm trên cây đàn violon ngay trên các phím piano. Tiếng đàn kỳ diệu của Paganini gợi mở cho Liszt quan tâm đến nghệ thuật virtuoso. Sau này, Liszt đã hoàn tất việc chuyển soạn nhiều tác phẩm đạt đến trình độ kỹ thuật bậc thầy của Paganini về violon sang piano. Một trong số đó là La campanella, sau này luôn có trong danh mục biểu diễn của bất cứ pianist tài ba nào.

    Cũng trong thời gian này, Liszt đã diện kiến nhà soạn nhạc Ba Lan Federyk Chopin- nhà thơ của cây đàn piano. Từ “Barcaroll op.60” của Chopin đến “Le Jeaux d'eau a la Villa de Este” của Liszt, ta có thể thấy một cách rõ ràng phong cách đầy chất thơ nhưng cũng hết sức sâu sắc của Chopin đã ảnh hưởng đến các sáng tác của Liszt.

    Một thời kỳ mới đã mở ra với Liszt. Ông lưu diễn toàn châu Âu trong vòng gần 10 năm, gây những cơn sốc trong các phòng hòa nhạc với tên gọi “Vị chúa của cây đàn piano”. Qua các buổi hoà nhạc của mình , Liszt đã mở ra khái niệm recital trong âm nhạc, mới đầu được gọi là soliloquies (độc diễn). Chuyến lưu diễn đem lại cho Liszt nhiều điều: tiền bạc, danh tiếng, những mối quan hệ tốt đẹp và cả những điều tai tiếng, dèm pha. Bởi cùng đi với Liszt là nữ bá tước Marie d’Agoult, một phụ nữ đã có chồng, người ông quen qua lời giới thiệu của nhà thơ Lamartine. Cũng như mối quan hệ đầy phóng túng và lãng mạn giữa nhà văn George Sand với Chopin, Liszt và Marie d’Agoult đã không ngừng cung cấp cho các phòng khách quý tộc những đề tài chỉ trích. Bất chấp điều đó, hai người đã có 3 đứa con và một trong số đó là Cosima, người ban đầu lấy học trò danh tiếng của Liszt là Hans van Bulow nhưng rồi lại đến với Richard Wagner. Sau này, Liszt vẫn không ngừng cung cấp đề tài cho giới ngồi lê đôi mách bởi sống với một phụ nữ có chồng khác, công chúa Sayn-Wittgenstein, cũng như nhiều mối quan hệ tình ái với nhiều phụ nữ.

    Qua người thầy Carl Czerny Liszt đã từng được gặp gỡ Beethoven. Sự kiện đáng ghi nhớ ấy đã được Liszt ghi lại:
    Năm 11 tuổi, tôi được thầy giáo Czerny đưa đến gặp Beethoven. Lúc đó, Beethoven không muốn gặp tôi. Nhưng cuối cùng, nhà soạn nhạc vĩ đại cũng bị thuyết phục bởi những lời đề nghị không mệt mỏi của người học trò Czerny và kết thúc bằng tiếng kêu nôn nóng: “Vì Chúa, hãy đem thằng nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ đến với tôi”. Vào 10h sáng khi chúng tôi cùng đến căn phòng nhỏ ở Schwarzspanier mà Beethoven đang cư ngụ. Trước giây phút được gặp con người vĩ đại ấy, tôi cảm thấy bẽn lẽn, ngượng ngùng nên Czerny động viên và khuyến khích tôi. Beethoven đang làm việc bên một cái bàn dài và hẹp bên cửa sổ. Ong trông hết sức u sầu và rầu rĩ, chỉ nói vài từ ngắn gọn với Czerny và hầu như im lặng trong khi thầy Czerny đưa tôi đến bên cây đàn piano.
    Tôi bắt đầu chơi một tác phẩm ngắn của Ferdinand Ries. Khi tôi kết thúc, Beethoven hỏi tôi có thể chơi một bản fugue của Bach không. Tôi liền chọn bản Fugue C-minor từ Well-Tempered Clavier. “Cháu có thể dịch giọng bản fugue này theo một cách khác được không?”, Beethoven hỏi tôi. May thay tôi có thể làm được điều đó ngay lập tức. Sau khi kết thúc hợp âm cuối, tôi khẽ liếc nhìn lên. Nhà soạn nhạc vĩ đại nhìm chằm chằm vào tôi, gương mặt vốn dĩ u sầu sáng bừng lên sống động. Bất ngờ, ông mỉm cười và nhẹ nhàng đến bên tôi, cúi xuống, đưa đôi bàn tay lên đầu tôi và trìu mến vuốt ve: “Một con quỷ thực sự”, ông thì thầm, “một cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ thực thụ”. Đột nhiên tôi cảm thấy cần phải nói điều gì đó và táo bạo hỏi: “Cháu có thể chơi một tác phẩm nào đó của ông không?”. Beethoven mỉm cười lần nữa và gật đầu đồng ý. Tôi chơi chương đầu tiên của concerto C-major. Khi nốt nhạc cuối cùng kết thúc, Beethoven ôm tôi trong vòng tay của mình, hôn lên trán tôi và trìu mến nói: “Hãy đi đi! Cháu là một trong số những người may mắn. Cháu hãy chơi nhạc và đem lại hạnh phúc cho mọi người. Không có điều gì tốt hơn hoặc tuyệt vời hơn đâu!”.

    Năm 1848 Liszt đến Weimar. Đây là thời kỳ sáng chói trong sự nghiệp sáng tác của ông. Chính khu làng Đức cổ tạiWeimar, Liszt đã nghiền ngẫm thể loại giao hưởng thơ. Một hình thức âm nhạc mới được thiết lập và xô đổ bức tường của chủ nghĩa cổ điển. Đó là kỷ nguyên của 12 giao hưởng thơ, “Faust Symphony”, “ Symphony to Dante's Divina Commedia, và bản giao hưởng thơ số 13 “From the Cradle to the Grave” (Từ nguồn cội của sự chết) được viết vào cuối năm 1881. Tương tự như vậy, nhiều tác phẩm viết cho piano như sonata B minor, Concerto No. 1 in E Flat Major, Concerto No. 2 in A Major, 6 consolations, Dante sonata… những tác phẩm kinh điển viết cho đàn piano của thời kỳ lãng mạn. Trong thời kỳ cuối cuộc đời, Liszt sáng tác ít đi nhưng những tác phẩm này lại mang ý nghĩa tiên đoán cho sự ra đời của nhiều khuynh hướng mới, như “En Reve-nocturne”,” Nuages gris”, “Les Jeux d'Eaux la Villa d'Este”, “Bagatelle Sans Tonalite'”, “Unstern!-Sinistre”.Các nhà phê bình âm nhạc cho rằng, Liszt đã lên kế hoạch cho sự ra đời của Debussy hay Schoenberg, những người đem đến những phong cách âm nhạc mới của thiên niên kỷ sau.

    Phải nói thêm rằng, Liszt có một niềm đam mê không cưỡng nổi với việc chuyển soạn các tác phẩm của những nhà soạn nhạc mình yêu mến. Ngoài Berlioz, Paganini, Liszt còn chuyển soạn thành công 9 bản giao hưởng của Beethoven, các lied của Beethoven, Schubert… đến những khúc biến tấu trên chủ đề của các vở opera như Waltz từ "Faust" (Gounod), "Rigoletto" (Verdi), overture từ "Tannheuser" (Wagner)…

    Trong giai đoạn cuối của cuộc đời mình, Liszt còn làm được nhiều việc có ý nghĩa. Năm 1869, Liszt trở về Weimar sau 8 năm sống ở Roma và mở trường dạy piano. Hai năm sau, Liszt cũng mở Học viện âm nhạc hoàng gia Budapest.Rome, Weimar và Budapest là những điểm di chuyển cuối cùng trong đời Liszt. Liszt có trên 400 học trò, nhiều người trong số họ là những tên tuổi nổi danh như Bulow, Rosanthal, Siloti, Friadheim, d’Albert, Tausig… Có “cặp mắt xanh” trong âm nhạc, Liszt còn phát hiện và nâng đỡ cho nhiều tài năng còn chưa được công chúng biết tới như Richard Wagner, Edvard Grieg, Rimsky-Korsakov, Mily Balakirev, Aleksandr Borodin, Saint-Saens, Smetana, Faure và Claude Debussy… Tầm ảnh hưởng của Liszt đến ngày nay vẫn khiến người ta kinh ngạc. Rimsky-Korsakov, người viết tác phẩm “Scheherazade” dựa trên yếu tố từ “Trận đánh của người Phổ” của Liszt. Tác phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” của Mussorgsky viết năm 1874 rõ ràng chịu ảnh hưởng từ “Fantasy & Fugue on Bach” của Liszt năm 1856. Hoặc như Tchaikovsky, người vẫn tuyên bố là dành tình yêu cho Mozart nhưng nhiều sáng tác quan trọng của ông cũng có bóng dáng của Liszt: Overture 1812, Hamlet, Fatum, hoặc piano concerto No.1 không thể tưởng tượng nổi nếu không có Liszt. Ngay phần nổi tiếng “Hang động của vua núi” của Grieg được xem là có mối quan hệ với phần Inferno từ Dante Symphony của Liszt. Hay như âm nhạc đầy sung mãn của Wagner chỉ có kể được sự sâu sắc từ khi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của Liszt. Ngoài việc sáng tạo ra hình thức giao hưởng thơ, Liszt còn đưa ra việc phát hiện “biến đổi của chủ đề” trên cơ sở một hoặc hai chủ đề trong một hình thức phức tạp, có thể quy định nền tảng của cả tác phẩm – nguồn gốc dẫn đến hệ thống “leitmotif” trong các vở opera của Wagner.

    Lần cuối cùng ra mắt công chúng của Liszt là buổi hoà nhạc Luxembourg vào ngày 19-7. Hai ngày sau, Liszt định tới đến Bayreuth để tham dự một festival âm nhạc của con rể là Wagner. Dù bị sốt cao, ông vẫn gắng chỉ đạo 2 buổi biểu diễn của Wagner. Cơn sốt đã khiến Liszt bị viêm phổi nặng và qua đời vào lúc 11h30 đêm ngày 31-7 trong cô đơn mà không có bàn tay chăm sóc của người thân. Cosima, người con còn lại duy nhất của ông, đã tàn nhẫn bỏ cha lại để đến dự festival của chồng.

    Trong đám tang của Liszt, nhiều nhà soạn nhạc, nghệ sỹ đã có mặt, nhà soạn nhạc trẻ tuổi Anton Bruckner đã chơi bản solemnly organ cầu hồn cho một trong những tượng đài lớn của thế giới âm nhạc.

    Nguồn:www. tiasang.com.vn/-van-hoa/franz-liszt-nguoi-cham-toi-tuong-lai-2583

    Violin: Đoàn Hòa
    Piano: Phương Hạnh
    Paintings: Nguyễn Thanh Tùng
  2. Thuylienlotus

    Thuylienlotus Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/03/2016
    Bài viết:
    24
    Đã được thích:
    13

Chia sẻ trang này