1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Gate, gate, para gate, para san gate....

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi LightScented, 27/02/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. LightScented

    LightScented Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2003
    Bài viết:
    8
    Đã được thích:
    0
    Tiếng hót của con chim trong bụi gai
    Con chim lao mình vào chiếc gai to nhất, rồi cất lên tiếng hót say mê.........
    Hình ảnh ấy đã cuốn hút biết bao nhiêu người, đã huyễn hoặc biết bao nhiêu người. Người này tiếp người kia, lần lượt lao mình vào gai nhọn, mơ ước về bài ca của đời mình, chấp nhận đau đớn, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng đánh đổi...
    Hình như tất cả đều quên mất một điều : không phải đau đớn nào cũng được trả lại bằng hạnh phúc, không phải cái gai nào cũng là CÁI GAI SỐ PHẬN, không phải bài ca nào cũng là BÀI CA CUỘC ĐỜI.
    Con chim vô tư đó, sau khi phiêu lưu, sau khi đau đớn, sau khi hát ca, được chết đi, nhẹ nhàng và thanh thản, được trở thành biểu tượng của say đắm, lãng mạn. Nếu không chết đi, nó sẽ sống tiếp thế nào với một cái sẹo to trước ngực, một bộ lông xơ xác tả tơi, với thân hình run rẩy vì mất máu. Nó sẽ sống tiếp như thế nào với đồng loại, với chính bản thân nó.
    Thật tệ, đấy chính là điều vẫn xảy ra với chúng ta. Sau khi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu chúng ta không được chết đi. Nếu ngày mai là tận thế, hẳn mọi chuyện sẽ đơn giản. Nhưng không có ngày tận thế. và chúng ta vẫn sống. Vẫn phải sống, sống với những gì chúng ta đã gây ra, sống với hậu quả của những việc mình làm. Phải tiếp tục đau nhưng không còn sức lực và cũng không còn đủ cảm xúc mà ca hát, tiếp tục chảy máu dù máu chảy ra lúc này không mang lại điều gì. Và bàng hoàng tự hỏi : Sao lại thế này ???
    Mẹ ơi, con sẽ yêu, sẽ đau đớn nhưng cũng thật hạnh phúc, con sẽ dấn thân và không hối tiếc, con sẽ làm được tất cả bằng tình yêu của con. Con tin ở tình yêu, tin ở bản thân con, tin ở anh ấy. Cô gái say sưa nói, sôi nổi, tự tin.
    Đã có bao nhiêu tiếng nói say mê và tự tin như thế cất lên? đã có bao nhiêu tiếng gọi thúc giục người ta vào những đam mê, huyền ảo, đầy nguy hiểm và cạm bẫy?
    Đã có bao nhiêu người đàn bà ngồi lặng với trái tim tan nát, sụp đổ, thất vọng, bơ vơ tự hỏi : Sao không có con đường dành cho ta? Ta đã có lỗi gì? chẳng lẽ yêu cũng là có tội?
    Không có lỗi, cũng không có tội. Nhưng có sai lầm, rất nhiều sai lầm. Không phải chỉ có tội lỗi mới bị trả giá. Sai lầm cũng phải trả giá.
    Người đàn bà đau khổ và mệt mỏi, cô biết nói gì với con gái mình khi nó sắp bước vào đời, cũng tự tin như cô ngày trước, cũng ngây thơ và bị mê hoặc như thế, cũng những lời nói sôi nổi ấy?
    Và điều tệ hại nhất, nó chẳng chịu nghe cô.
    Mẹ, cuộc sống bây giờ khác rồi, và con cũng sẽ khác.
    Sẽ không có gì khác đâu, con chim vẫn hót vang trong sách vở, gai vẫn nhiều lắm, rải rác khắp đường đi, ma quỷ vẫn ở trong đầu chúng ta, xui ta dẫm vào gai, lao vào gai.
    Lao vào đó đi, hạnh phúc bao giờ chẳng phải đánh đổi bằng đau đớn!
    Lao vào đó đi, nếu không thử, thì làm sao biết được, làm sao tìm ra?

    Hạnh phúc KHÔNG NHẤT THIẾT cứ phải được đánh đổi bằng đau đớn. Hạnh phúc có thể giản đơn hơn rất nhiều.
    Nhưng hạnh phúc giản đơn không đến với tôi, tôi đã tìm rồi mà chẳng thấy?
    Bởi vì chúng ra thích những động từ mạnh, những mỹ từ bay bổng, những thán từ đầy cảm xúc, những danh từ bí hiểm, chúng ta bị hấp đãn bởi quầng sáng của ngọn đèn.
    Sao ta không ngồi lại, lặng yên và tự hỏi : Ta đang làm gì, Ta sẽ đi đến đâu? Ta có thể tìm thấy gì quanh ta?
    Con chim xanh lãng mạn không có lỗi khi sống và chết ở trong trang sách. Nhưng nó làm cho nhiều người lầm lẫn cả tin, làm cho nhiều người đau khổ và thất vọng. Và bài ca ấy, đã bị ma quỷ phổ lời vào.
  2. LightScented

    LightScented Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2003
    Bài viết:
    8
    Đã được thích:
    0
    Quán nước
    Ngồi ngang mặt đường...
    Có khó gì đâu. Vài trăm bạc lẻ trong túi, một cái quán cóc vỉa hè. Thấy cuộc đời gần lắm. Thấy mọi người thương lắm.
    Từ hồi nào tôi bắt đầu ngồi quán cóc nhỉ? Có lẽ là từ khi bước chân vào cổng trường đại học. Quán cóc của hai ông bà già trông cũng tử tế, nằm trọn cả một góc vỉa hè. Cả hai ông bà đều đẹp lão. Bà cụ mời khách rất khéo, bán hàng luôn tay, cười nói luôn mồm . Ông cụ dáng hiền lành trầm tĩnh ngồi bên cạnh phụ bà rót nước, lấy thuốc, bóc bánh. Quán khá đông khách, sinh viên trong trường ra, mấy bác xích lô đỗ xe gần đó, người lao động chờ việc ở cái vườn hoa con trước cổng trường.
    Ông bà bán nước có một đứa cháu gái, chẳng biết là cháu ngoại hay cháu nội. Bố mẹ nó đã bỏ nhau, bỏ cả nó lại với ông bà. Con bé khoảng 14, 15 tuổi, người béo, thô kệch. Nó rất hỗn, ăn nói vô lễ với ông bà. Bọn bạn bảo hình như nó bị dở hơi. Tôi không biết nó có dở hơi thật hay không, nhưng đã có lần thấy nó hét vào mặt ông bà : Chúng mày chết hết cả đi, chết đi để cho ****** yên. Ông cụ cúi mặt xuống, không nói gì. Bà cụ nhìn nó hoảng hốt, đôi mắt ầng ậng nước, lặng đi mà không khóc.
    Cái quán nước nuôi cả ba người cũng chẳng đông khách được lâu. Nguồn khách chủ yếu là sinh viên trong trường ra. Nhưng đến khi tôi học năm thứ 2 thì trường xây căng tin. Ngồi đó tiện hơn, đỡ phải đi xa, bàn ghế đàng hoàng sạch sẽ. Quán của hai ông bà vắng khách dần. Rồi nghị định 36CP, một buổi sáng có mấy chú đi xe tải đến hốt cả cái quán nhỏ đi.
    Mấy hôm sau lại thấy ông bà mở lại quán. Không còn bàn to ghế dài nữa. Chỉ có một cái thùng gỗ nhỏ, đựng ấm chén, mấy cái ghế con đóng vội bằng mấy mẩu gỗ. Có mất cũng chẳng đáng bao nhiêu.
    Quán sơ sài, ít khách. Ông bà tiều tuỵ hơn. Đứa cháu gái không thấy đến nữa, hình như nó đã bỏ ông bà đi bụi đâu đó. Thêm một hai lần bị dẹp nữa, rồi một ngày tôi đến trường không thấy quán đâu.
    Gần mười năm rồi, ông bà từ ngày đó kiếm ăn bằng gì, không biết còn sống hay đã chết ? góc vỉa hè đã có thêm nhiều người đến mở quán, rồi lại dọn đi. Gặp các cụ già chống gậy đi xin trên đường, đôi lúc tự hỏi, chẳng biết có hai ông bà trong những người ấy không.
    Từ ngày đó tôi đã ngồi thêm bao nhiêu quán cóc nữa, không thể nào nhớ nổi. Mỗi khi đến một nơi xa lạ, chỉ cần tìm đến một góc đường, ở đó thể nào cũng có một cái quán nhỏ, lặng lẽ ngồi xuống, thấy cái bàn, cái ghế, lọ kẹo, hộp thuốc cái gì cũng thân thuộc, thấy mình như được về nhà....
    (còn tiếp)
  3. LightScented

    LightScented Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2003
    Bài viết:
    8
    Đã được thích:
    0
    Quán nước là nơi thoải mái nhất. Người ta không cần phải làm bộ làm điệu với ai, không cần phải đeo những cái mặt nạ mà thường thì chúng ta vẫn sử dụng khoảng 16/24h một ngày, trừ lúc đi ngủ. Không cần cố gắng để thanh nhã lịch sự. Không cần tỏ ra hiểu nhiều biết rộng. Không cần nặn ra những câu chuyện sâu sắc tế nhị. Không cần những câu nói hài hước lắt léo. Không có những cô gái giả vờ tròn mắt ngơ ngác trước những cậu trai phải gồng mình lên cho đủ thông minh. Quán nước là nơi bụi bay lên đầu, rác rơi dưới chân. Quán nước là nơi nghỉ chân của những người hầu như không mấy khi có nhiều hơn 100k trong túi. Nam thanh nữ tú, cà vạt son môi chẳng có việc gì làm ở đây cả. Mà cũng chả thèm vào cho nó giảm đi cái giá trị dày công vun đắp từng ngày từng giờ.
    Quán nước ở đâu cũng ná ná như nhau: thuốc, nước, lọ, cốc, chén, kẹo, bánh. Những người ngồi quán cũng na ná như nhau : quần áo xuềnh xoàng, xấu xấu bẩn bẩn, thô ráp, giản đơn. Tất cả đều bình thường và tầm thường, từ ngôn ngữ cử chỉ đến những nhu cầu, ước mơ. Những người đi xe đắt tiền, mặc quần áo đắt tiền, tư duy ngoắt ngoéo, nói năng thông minh thường có những mơ ước phức tạp và hoành tráng. Những người ở đây chỉ mong chiều nay trúng 1 con lô kiếm vài chục, hay đi đường nhặt đươc tờ 10k, hay thằng con nghiện sớm cai khỏi, hay than tổ ong đừng lên giá. Một chiều tôi ngồi ở cái quán xơ xác trong một bản nhỏ ven đường Tây bắc, lân la hỏi chuyện cô chủ quán gầy gò đen đúa chẳng biết là dân tộc gì , nói tiếng Kinh bập bẹ. Cả nhà chỉ trông vào cái quán bé tí lỏng chỏng mấy quả chuối quả mận, cốc mẻ chén sứt, một ngày chắc không bán nổi 5k , cô cũng chẳng biết mong ước gì hơn là thằng con 4 tuổi ít ốm . Nhìn lại thằng con : trời chiều khí núi bốc lên xám xịt, lạnh ngắt mà nó chỉ mặc độc cái áo mỏngcộc tay, không có quần, không có dép, mặt mũi ngơ ngác nhìn mấy con gà. Tôi bèn an ủi cô rằng thằng con cô thế là vô địch khoẻ rồi, phải tôi ăn mặc thế thì đã chết toi từ lâu. Lại nghĩ bụng, ở trên này chẳng ai biết xổ số, đề đóm là gì, chẳng thèm mơ trúng số nữa.
    Nếu dân ngồi quán nước mà cũng biết lên mạng thì tôi chắc có một box mà họ chẳng dám vào, đấy chính là box Tâm sự này. Tâm sự của họ toàn chuyện con gà con chó, nói nữa ngày cũng chỉ con chó con gà, những câu nói sẽ lặp lại quá nửa. Tâm sự trên này toàn chuyện tình yêu tình báo, nói bao nhiêu cũng không hết , mà thiên biến vạn hoá đủ các cung bậc hoàn cảnh, các góc cạnh chiều kích, mà phức tạp quanh co. Chưa bao giờ tôi thấy ai nói đến tình yêu ngoài quán nước, chỉ trừ có mấy cậu sinh viên ra ràng, thích thế chứ. Cái gì đơn giản là cái đấy dễ dàng. Con virut, vi khuẩn sống cả ngàn năm trong băng tuyết rồi lại hồi sinh, Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc thảy đều chết sớm cả...
    ( còn tiếp )

    Cuộc sống không phức tạp, người ta làm cho nó trở thành phức tạp.
  4. LightScented

    LightScented Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/01/2003
    Bài viết:
    8
    Đã được thích:
    0
    Nhân chuyện tình yêu tình báo, hôm qua rỗi việc đọc tờ Tiền phong, mục 100 câu hỏi thường ngày. Hỏi : càng ngày em càng thấy trình độ văn hoá của người yêu em chênh lệch với em khá nhiều, lúc đầu mới yêu em cũng có cảm thấy như vậy, những em cứ nghĩ rằng khi đã yêu thì những thứ đó không quan trọng ....
    Khi yêu thì thế nọ , khi yêu thì thế kia. Chả biết những quy tắc đấy ở đâu ra. Một trong những câu hay nhất tôi được nghe về yêu là : Tình yêu đích thực như là bóng ma, ai cũng nói về nó, nhưng chẳng có ai thực sự thấy nó. Nhân dân thường ghê gớm hoá những gì mình không nhìn thấy, gán cho nó biết bao nhiêu những thứ siêu việt ba phần ngốc nghếch bảy phần tưởng tượng. Rồi đến khi vở mộng vì những ý tưởng siêu thực, bèn tự an ủi mình rằng : Yêu là không phải nói lời rất tiếc.
    Sao lại không tiếc chứ? Rơi một hạt cơm xuống đất cũng nên tiếc, huống chi là rơi một phần đời. Tất nhiên chẳng phải là tiếc theo kiểu ngồi gặm nhấm móng tay+nỗi buồn, nhưng cũng nên tiếc để lần sau không lặp lại sai lầm nữa. Nhan Uyên nói : Người NHÂN là người biết yêu mình. Không biết tự yêu mình, không biết tự thương xót, quý trọng bản thân, không biết tự nâng niu cuộc đời mình thì cũng không thể yêu được người khác đâu. Ta không biết tự coi trọng bản thân ta, thì cũng chẳng ai thèm tôn trọng ta hết. TY cũng như cuộc sống, cái gì cũng phải có base, có rule chứ, vứt đi hết sao được.
    In memory : Có một người bị ốm, đi đến bác sỹ. Khám chữa xong xuôi, tới khi ông ta ra về cũng không thấy bs đòi tiền công, tiền thuốc. Ông ta hơi ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi gì, cứ thế ra về. Hôm sau, ông ta thấy áy náy bèn lại nhà bs và hỏi thanh toán tiền. Đưa tiền xong ông ta hỏi : Thưa bs, sao ngài không đòi tiền sau khi chữa cho tôi?
    Bs đáp : Ồ, tôi không có thói quen đòi tiền những người lịch sự.
    Vậy làm sao ông sống được nếu không ai trả tiền?
    À, tôi không bao giờ đòi tiền ai sau khi chữa xong, vì tôi suppose họ đều là những người lịch sự. Thường thì hợ tự động thanh toán cho tôi. Nếu họ không thanh toán, tôi sẽ đợi 1 ngày, hai ngày, ba ngày. Sau ngày thứ ba, tôi sẽ tự nhủ : Ồ, đây chẳng phải là người lịch sự, và khi đó tôi sẽ đòi tiền.

    Vâng, các bạn có thể khoan dung, tha thứ, hi sinh, chịu đựng, bỏ qua nhiều thứ. Nhưng hãy biết đặt ra limit của mình, và đừng ngần ngại áp dụng nó khi cần thiết. Như khi chơi chứng khoán : chỉ chấp nhận thua đến một mức nào đó, chứ không đặt cược tất cả.
    Ôi tình yêu, thôi ta trả mi về với những thần dân của mi, không đem mi ra mổ xẻ nữa. Nước sông không phạm nước giếng. Ta và mi vốn chả có liên quan gì . Chung sống hoà bình là được.
    Lại về quán nước xưa thôi
    Cuộc sống không phức tạp, người ta làm cho nó trở thành phức tạp.

Chia sẻ trang này