1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Gia đình bé mọn - Dạ Ngân

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 14/07/2008.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Bà cụ gạt Tiệp tránh ra, khom người gay gắt:
    - Thì cô cứ đi hỏi coi khách đây ai thắc mắc? Hai đứa nhỏ sờ sờ kia, một núi đồ kia ai nỡ thắc mắc, hả? Chắc tụi tui chuyên tuồn vé chợ đen nên trên xe mới có mấy người không cần xếp hàng mà cũng có ghế trên ngồi sẵn kia kìa!
    Mụ nhân viên dứt khoát đẩy giấy tờ của hai kẻ kèo nhèo ra, ngoắc tay ra hiệu cho người khác chen lên:
    - Hoặc nà hai đứa nhỏ ngồi trên đùi, hoặc nà đi tàu đò. Đây cũng sắp hết vé rồi!
    Bà cụ giận dữ, thu lại mấy thứ giấy tờ, đứng dạt sang bên:
    - Đúng là bà trời!
    Không ai chia sẻ với bà vì ai cũng mải lo cho cái chỗ của mình trong hàng. Tiệp vỗ về:
    - Thôi, bác trở vô hàng mua vé đi trước, con chờ xe sau hoặc là xuống lại bến tàu.
    Bà cụ vung tay:
    - Thôi, giờ bác cũng hổng muốn trở vô năn nỉ bà trời đó nữa!
    - Tránh voi chả xấu mặt nào ngoại ơi - một giọng đàn ông bên hàng dân thường vọng sang.
    Bà cụ thấp giọng với Tiệp:
    - Tự dưng bác thấy con cái đồ đạc cháu lùm đùm, cũng tội. Chẳng lẽ từ đây tới chiều hổng mua được vé sao?
    Quả nhiên một cỗ xe lớn mang biển quốc doanh từ hướng thị xã lắc lư xuất hiện, lừ lừ thay vào chỗ chiếc xe vừa rời bến. Sáu mươi cây số xe là cộ, đám khách ùa xuống cau có, nhọc mệt, trong số đó Tiệp bỗng chú ý đến một người đàn ông có vẻ không giống ai ở cái xứ heo hút nầy. Anh ta khoảng bốn lăm hay bốn mươi bảy gì đó, tóc muối tiêu để dài ngổ ngáo, áo bludông màu kem sờn sờn, quần phăng suông sẫm màu, dép nhựa Lào thịnh hành và túi giả da vàng vàng đeo vai hư khoá thò từ trong ra ống điếu thuốc lào như một họng súng, tất cả nói lên đây là một con dân made in miền ngoài, có thể là Hà Nội. Trước con mắt tò mò của những người trên bến xe, người đàn ông vươn vai một cách khoan khoái, nghiêng ngó háo hức như một chú bé con với miền đất hứa rồi ung dung sãi bước vô nhà vé. Đúng lúc Thu Thi và Vĩnh Chuyên đang chơi trò cút bắt cho qua thời giờ nên đã vấp vào anh ta và cái họng điếu cày đã làm chúng sững lại như bắt gặp một thứ vũ khí lạ bên mình một vị khách từ hành tinh khác. Người ấy dừng lại phớt lên đầu chúng và đứng yên cho Vĩnh Chuyên sờ thử vào họng điếu cày.
    - Lạ quá hở? Bố không bao giờ dùng cái này, hở? Cái này có thể làm trúm lượn được đấy, lươn ở đây chắc to lắm nhỉ, có to bằng cái ống nầy không? Một chị một em phải không, dân thị xã về quê nghỉ hè, đúng không?
    Vĩnh Chuyên sờ nắn mãi cái ống điếu giống một con bọ ngựa trên tay người lạ, Thu Thi đưa mắt lỏn lẻn cười với mẹ và người đàn ông cũng hướng về phía Tiệp, gương mặt tròn tròn tươi cười cởi mở, nồng nhịêt. Một phút, Tiệp biết mình đặc sắc và ấn tượng trong mắt anh ta. Người đàn ông cúi xuống với Vĩnh Chuyên:
    - Cái thứ này chỉ để sờ, cầm lên chơi thì nó giận nó ọc nước hôi ra. Chờ ở đây rồi bác sẽ biểu diễn màn bắn thuốc lào cho xem, nhá?
    Mụ nhân viên nhà vé vừa đứng lên khỏi quầy với xâu chìa khoá tủ trên tay liền bị người đàn ông chặn lại:
    - Xin hỏi nữ đồng chí, tại sao bến xe đây không niêm yết giờ xe và giá vé các chặng, hở?
    Tiệp khái quát: đây có thể là một gã lãng tử bụi đời khó tính với giọng Nghệ Tĩnh pha Hà Nội trầm mà vẫn có vị gắt.
    Mụ nhân viên chống hai tay lên hông, trợn trừng:
    - Bác cả đâu ra mà cật vấn nung tung thế?
    Bác cả cười vang:
    - Thì ra chạy trời cũng không khỏi lắng. Tôi tưởng ở nơi góc biển chân trời nầy thì không có lắng mà chỉ có nắng thôi.
    Mụ nhân viên "nà và nàm" lì mặt:
    - Anh chưa trả nời chúng tôi, anh từ đâu đến?
    - Tôi từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên thì không việc gì đến chị. Tôi chỉ đặt vấn đề: năm nay là năm Một chín tám mốt rồi, các vị tiếp quản bến xe cũng năm sáu năm rồi mà nhà chờ trống rỗng và lộn xộn vô tổ chức như cái nhà ***g chợ vậy sao?
    - Thôi không dài dòng, ông anh nà khách quầy tôi thì chờ, đây ăn trưa đã, còn dân trơn, xin mời xếp hàng đằng kia.
    Người đàn ông nghiêm mặt:
    - Tôi là dân xếp hàng cả đời rồi, tôi không ngại gì hết. Tôi chỉ đòi quyền được thông tin trên biển báo để còn biết mà quay về trên kia trong ngày.
    Mụ nhân viên khoát tay:
    - Chúng tôi có thùng thư góp ý, kia, anh cứ việc. Còn từ giờ tới chiều, chỉ có cỗ xe ông anh vừa xuống đấy, niệu mà xếp hàng đi.
    Nói xong, mụ ta bỏ về phía chợ, bước đi như thể đang có duyệt binh vì hai cánh tay ngắn ngủn vung vẩy một cách nhịp nhàng.
    Không còn đối thủ để chiến đấu, người đàn ông "xếp hàng cả đời" xẹp xuống như một quả bóng, anh ta đảo mắt và dừng lại với Tiệp như để tìm kiếm một sự chia sẻ. Như nhiều người, trong cơn hốt hoảng dây chuyền vì thông tin từ giờ tới chiều chỉ còn một cỗ xe kia, Tiệp và bà cụ tóc ngắn xô lại chỗ để đồ. Nàng hét với con gái:
    - Thu Thi coi em với coi đồ, mẹ chuyển một ít xuống tàu đò gởi bà ngoại Hai đây rồi sẽ lên với tụi con chuyển tiếp!
    Người đàn ông đến gần:
    - Có tàu đò à? Có cần tôi giúp cô em một tay không?
    Tiệp nhìn anh ta vừa thân thiện vừa cảnh giác:
    - Tàu chỉ có một chuyến đi thị xã mai họ mới về. Ông anh muốn về lại trên kia trong ngày thì đừng có vơ vẩn ở đây lâu có thể bị trễ xe mà cũng có thể bị sởn cả bộ tóc bụi đời đó nữa.
    Người đàn ông đưa tay túm mớ tóc phủ ót của mình, le lưỡi như một đứa trẻ:
    - Cô không cần tôi giúp thật à?
    Tiệp lắc đầu nghiêm mặt xách hai túi xách chạy theo bà bác ân tình của mình. Khi quay lên chuyên nữa, nàng thấy anh ta đang bằng cả hai tay hai cái bao giúp nàng, phía sau là Thu Thi và Vĩnh Chuyên đang kéo lê một cái bao khác. Trong lúc nàng chạy lại giúp con, anh ta xách hai cái bao phăm phăm đi xuống, thả chúng ở bến tàu rồi không để nàng cảm ơn, lẳng lặng đi về phía chợ, bàn tay vuông vuông vẫy chào một cách trai lơ, tình tứ.
     
     
    __________
    Hết phần 3.
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    4
     
    Một giạ gạo trắng mới xay đựng trong vỏ bao phân urê, có thể thay được một tháng gạo sổ phân phối thường là vón cục và nát bét trong vụ hè thu. Một trái mít chín cây chưa cắt mặt, loại mít nghệ trứ danh của vườn nhà mà má của Tiệp từng lén cô Ràng dú riêng để cho mấy đứa nhỏ - tức là con Nghĩa con Tiệp và con Mỹ út - ăn "cho đã đời" vì theo bà, ăn trong sự kiểm soát của cô Ràng thì chúng không đã, đựng chung trong bao mít còn có mấy trái dừa khô lột vỏ để Tiệp nấu chè hay hầm bí rợ hay ăn trộn với món bo bo hầm mà Thu Thi và Vĩnh Chuyên sợ như sợ thuốc. "Để dân miền Tây ăn độn thì đúng là trời còn phải chịu thua mấy ông hợp tác hoá!", đó là giọng điệu "bất mãn thâm căn cố đế" của chị Hoài, nói theo cách nói chính thống của anh Năm Trường và đức ông tuyên giáo nhà Tiệp, chị cũng đã đay lại chính cái câu đó trước mặt Tuyên hôm đánh vỏ lãi đi một ngày đường suốt kinh Xáng Chủ để tiếp tế cho ba đứa em ở thị xã gạo củi và mọi thứ cây nhà lá vườn, luôn tiện cắp hai đứa con Tiệp về quê để chúng "khỏi phải ăn bo bo hầm của cán bộ"! Một bao nữa đựng nguyên buồng chuối xiêm còn xanh để Tiệp treo gần bếp lửa cho mấy đứa nhỏ ăn dần, nếu kẹt tiền chợ quá thìbổ đôi từng quả ra nạo nhuyễn, nấu với nước cốt dừa làm canh, món ăn mà hồi ở Cứ, Tiệp coi là món tủ của mình. Thế là đồ đoàn hôm ấy đã có tới ba cái bao, ngoài túi xách quần áo của ba mẹ con còn có hai chiếc giỏ đệm lớn cộ từ mắm sặc mắm lóc đến chanh hạnh rau má rau đắng bồ ngót, đủ cả, rồi có cả nửa con vịt khìa nước dừa tươi và một gói xôi vò để riêng từ bữa giỗ hôm qua để mấy mẹ con Tiệp ăn đường. Cô Ràng không cho má cụ bị nhiều để nối dài ngọn roi cảnh cáo Tiệp, chị Hoài cau mày lo lắng cho em khi thấy đống bao túi đã nằm sẵn trên vỏ lãi, riêng má, tác giả của đám đồ đoàn thì vẫn cứ chặc lưỡi: "Đi tàu đâu cách rách gì, lên trển kêu xe chở vìa nhà, tiền xe lôi với tiền mua mấy thứ nầy cái nào có lợi hơn?". Thật tình mà không thể nào lường trước được con gái bà đang dở khóc dở cười với "công trình thương con" của bà trong cái ngày bất hạnh nầy.
    Sau khi đi chè chén gì đó bên chợ về, đôi vợ chồng nhà tàu lục cục ban sáng ngạc nhiên nhìn thấy trong tàu của mình một đám hành khách ngồi sẵn như thể đang làm reo với họ. Bà chủ khoảng năm mươi tuổi, da rất hồng và tóc rất mượt, kiểu đàn bà má đỏ và gàu sòng trong câu ca dao cổ cười hăng hắc phô cả hai hàm răng vàng choé:
    - Ngộ há, biết tụi tui có đi không mà ngồi tề chỉnh quá vậy ta?
    Ông chồng có vóc dạc và bộ mặt gã Lao Ái trong Lã Bất Vi đánh đánh cây tăm xỉa răng trong miệng, e hèm:
    - Nể bà con lỡ xe lỡ cộ, thôi thì nhổ sao nhưng phải lấy giá bao tàu, mích lòng trước được lòng sau, nghen!
    Tiệp ật lưng vào thành tàu tuyệt vọng và bầm gan tím ruột nhưng thật tình nàng cũng không biết mình nên tức giận ai. Giá mà khóc rống lên được hay có thể đứng trước mũi tàu mà chửi vung lên được. Nàng nhẩm tính: tàu chỉ có khoảng mười lăm người, bổ đầu chia theo giá bao trọn chuyến tàu, chắc nàng phải cầm cả đồng hồ, cả đôi bông cưới trên tai đây may ra mới đủ phí tổn cho ba mẹ con!
    Bằng sự điềm tĩnh xứng đáng với sự dẻo dai của mình, bà bác đi cùng giục nàng đứng lên:
    - Lần nầy thế nào cũng được, hai bác cháu mình trở lên bến xe xếp hàng cho sớm đi. Không bốn vé thì ba, cùng lắm thì hai cũng được, được hết! Đi, bác lãnh coi hai đứa nhỏ cho, cháu cứ thong thả chuyển đồ, đừng có ráng quá cụp lưng thì khổ mình khổ chồng khổ con ra.
    Một núi đồ phải chuyển lên chuyển xuống ba lần trong vòng nửa ngày thật là quá sức một người nhỏ thó, buồn thảm như nàng, nhưng so với việc thần kinh bị tra tấn thì nó như lông hồng so với núi Thái Sơn. Trời bắt đầu chinh xế, trong khi hai đứa nhỏ vật nửa con vịt và gói xôi vò trên cái áo mưa ở góc nhà chờ bên xe, Tiệp và bà ngoại Hai dọc đường của chúng thay nhau giữ chỗ trong hàng, mỏi mắt ngóng mụ quầy vé "nà nàm" và cánh lơ lái cỗ xe cuối cùng đang vạ vật đâu đó bên chợ. Không gian vàng đục thứ nắng nhoi nhói mùa thu bỗng chuyển dần thành màu chì, những đám mây xam xám từ phía biển vơ vẩn bay vào, báo hiệu một trận mưa sẵn như nước mắt của chị Hoài, chỉ cần nghĩ đến nó thì nó lập tức có mặt ngay. Bà bác tóc ngắn ngước nhìn trời, đi tới đi lui, nóng nảy:

    - Bác có nhà cháu ruột ở đây, hổng đi được thì mơi mình đi sớm. Thề là bác hổng thèm xin xỏ con mẹ đó một tiếng nào hết!
    - Bác cháu mình phải tách ra - Tiệp cương quyết - Bác đi vé ưu tiên còn cháu phải mua cho được hai vé, không thì cháu sẽ chết ở đây luôn.
    Nói xong, nàng chạy sang dãy dân thường bên kia quyết yên chỗ để được mua thêm một vé ngoài cái suất của công lệnh phép. Vừa lúc đó, nàng nhìn thấy gã đàn ông "xếp hàng cả đời" từ phía chợ trở về, chểnh mảng, buồn rầu như thể anh ta vừa đánh mất cái gì và đang cắm cúi tìm lại nó. Không còn cái vẻ háo hức trẻ trung ban sáng, anh ta lầm lầm đi thẳng lại chỗ dành cho dân thường và chợt tươi tỉnh lên khi bắt gặp người phụ nữ nhiều bao và túi. Nhoẻn cười để chào lại rồi không nhịn được, Tiệp cười to lên khi thấy mái tóc xồm xộp của người ấy không còn, cái ót lởm chởm như một cậu bé không chịu ngồi yên với tông-đơ.
    - Ở dưới địa ngục người ta cũng không đối xử với tóc dài quần loe như mấy ông văn hoá thông tin xứ nầy! - Anh ta cay đắng vỗ vỗ vào ót mình - Thôi, dù sao cũng còn chút an ủi là được xếp hàng sau một phụ nữ miệt vườn mi-nhon như cô em!
    Tiệp quay lại cười khẽ:
    - Theo ông anh thì đây là tầng địa ngục thứ mấy?
    Người đó gượng vui:
    - Không dưới thì cũng ngang cái tầng của Xôn-gie-nhít-xin*.
    - Khoẻ như ông anh mà không vùng chạy được sao?
    Người đàn ông cười như mếu, nếu Vũ Trọng Phụng sống lại chắc ông cũng không biết diễn tả nụ cười nầy như thế nào:
    - Đang đi, vụt cái tiếng còi, còi hẳn hoi nhá, một tổ ba ông băng đỏ hẳn hoi ở đâu túa ra hỏi giấy túm tay như mình bị truy nã. Thế rồi áp vô gốc cây dùng kéo sởn một nhát nhanh như AQ bị người ta cách mạng cái đuôi sam đi. Sự thể đã vậy thì theo cô em, để yên cho người ta sửa sang bằng tông-đơ hay là vùng ra để giống một thằng điên, hở?
     
    _________
    * Văn hào Nga, tác giả "Tầng đầu địa ngục".
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Cả hai bất ngờ nhìn vào mắt nhau, ở đó là những tiếng nói chung về sự đau khổ, nỗi thất vọng và cả nỗi ngờ vực bên trong mỗi người. Tiệp xoay người lảng đi, nàng nghe thấy một tiếng thở dài rất sâu ở sau lưng mình, một đôi mắt cân đo sục sạo và hình như có cả khát thèm. Trước kia, khi chưa gặp Người ấy, người đàn ông đã xuyên qua đời nàng như một ánh chớp, người đã khiến nàng được sống lại thời trinh nguyên khao khát và cũng đã khiến nàng rơi xuống như một con chim khờ khạo, phải, trước khi gặp cái người đã khiến nàng nói toang lên với Tuyên chính nghĩa của một cuộc ly dị để rồi phải gục xuống quy hàng vì roi vọt của gia tộc, tổ chức và dư luận, phải, trước khi bập vào một sự kiện ghê gớm dường ấy nàng cũng đã từng xao xuyến khi thì một giọng nói, một mái tóc, một ánh mắt... Nhưng nàng đã nguội lạnh với những cơn cớ dọc đường ấy rồi. Với người đàn ông ngộ nghĩnh, đặc biệt và chắc là rất phong tình đang đứng sau lưng đây, nàng thấy tò mò vui vui mà cũng thấy sờ sợ, như đứng gần một thứ điện cao thế.
    Một cơn giông vần vũ kéo đến, bầu trời tối sầm như sắp chạng vạng, gió thốc bụi cát, lá cây và cả lá bánh trong đống rác sau khu nhà bến tung đi loạn xạ. Mụ nhân viên quầy ưu tiên và cánh lơ lái của cỗ xe cuối cùng khom mình chạy lúp xúp từ chợ sang. Dãy dân đen vừa so hàng cho ngay ngắn vừa nhớn nhác hỏi nhau sao quầy bên nầy không có người bán vé? Người đàn ông trấn an Tiệp:
    - Tôi đếm rồi, chừng nầy người thì vừa đủ, không lo. Nhưng sao dân trong nầy không biết kiếm gạch, kiếm cái gì đó xếp hàng thay mình để tản ra cho đỡ chồn chân, nhỉ?
    Tiệp ngoảnh lại ngạc nhiên như nghe chuyện từ một hành tinh khác:
    - Ngoài kia chúng tôi xếp hàng mọi nơi mọi chốn, xếp hàng từ giữa khuya nên gạch vỡ, rổ rách, nón mê, thậm chí một cái nùi giẻ cũng là vật hình thay cho con người!
    - Coi bộ dạng anh cũng cán bộ, sao không có giấy tờ đi đường để mua vé cho dễ?
    Một cái chật lưỡi ởm ờ:
    - Thì cô em cũng đâu phải nông dân hay dân buôn bán?
    Mưa láy pháy, đúng lúc đó, bà bác Hai bên dãy kia réo Tiệp, như một bà má của nàng:
    - Sao hổng chạy đi coi đậy điệm đồ, còn đứng đó?
    Người đàn ông nói nhanh:
    - Cô chạy lại với hai đứa nhỏ với đồ đạc đi, tôi giữ chỗ cho bằng cái túi xách của tôi đây nầy!
    Trời chỉ doạ chứ không mưa hẳn, xong vé cho dãy ưu tiên, mụ nhân viên ngắn ngủn đi ngay sang quầy bên nầy. Không có kèo nhèo và vặn vẹo, chuyện mua bán diễn ra câm lặng, thúc bách, cùng với sự gầm gừ của đất trời. Người bán vé không đòi giấy tờ của Tiệp, lẳng lặng đẩy ra hai vé, nhận và thối tiền, mặt mũi trông có nhẹ đi hơn ban sáng, chắc là được đẫy một giấc trưa. Người đàn ông cầm được mẩu vé số năm mươi hai, số ghế cuối cùng. Anh ta hớn hở:
    - Không phải ngồi ghế súp là may rồi. Tôi sẽ đỡ giúp cô đứa nhỏ trên lòng của tôi.
    Trong lúc níu con đứng dưới cửa sau xe để xem phụ xế chuyển các thứ không sợ ướt lên nóc mui, Tiệp nghe thấy bên trong nàng một tiếng bục nhỏ, rồi một dòng máu âm ấm đổ từ đùi xuống gót, một con rắn đỏ tươi chậm chạp ngoằn ngoèo bò trên mặt cát bến bãi, một cảm giác kinh hoàng chụp lấy khiến nàng đứng không cục cựa được. Ban đầu là Vĩnh Chuyên kêu"Máu máu!", có lẽ nó không bận bịu như cô chị nên dễ nhìn thấy "con rắn" chết tiệt ấy hơn, sau đó thì Thu Thi cũng nhìn thấy và ôm chầm lấy chân mẹ khóc ré lên:
    - Mẹ ơi,mẹ bị làm sao vậy mẹ!
    Mọi việc quanh nàng tớn tác, tối tăm, mờ mịt: gã lơ xe vừa hét gì đó vừa ném các thứ của nàng xuống đất, những người ngồi bên cửa sáo thò đầu ra chỉ trỏ thất thanh, người đàn ông số ghế năm mươi hay bay xuống đường, tiếng bà bác Hai ở phía đầu xe kêu cứu cứu toáng loáng. Hai đầu gối Tiệp run cầm cập, như hồi nào một trận B52 đổ ngay trên đầu, thần kinh đờ ra kinh sợ. Nàng chỉ nhớ là phải hạn chế cử động và chờ đợi, không rõ chờ đợi ai nhưng bắt đầu thấy mừng vì xe chưa khởi hành. Một cỗ xe lôi kéo bằng loại hon-da 67 từ bên chợ phóng sang, người đàn ông miền ngoài nhảy xuống bế xốc nàng đặt lên băng sau:
    - Mạng cô còn lớn. Băng huyết mà bệnh viện gần không sao đâu!
    Rồi anh ta xốc từng đứa nhỏ đặt lên và cả đồ đoàn, tất cả.
    Tiếng bà bác ngoại Hai:
    - Trời ơi, một thân một mình, làm sao giờ, trời!
    Gã xe lôi rồ ga cho xe vòng qua chợ, Tiệp ngoái nhìn, nàng thấy người đàn ông vừa chạy nhốn theo nhưng không kịp, anh ta đứng sững lại dần dừ, ngơ ngác, cuối cùng đã phải lao theo cỗ xe đò đang từ từ ra khỏi bến.
    Sau nầy Đính bảo là đêm đó, khi một mình lang thang trong thị xã xa lạ anh cứ ân hận mãi, rằng sao buổi chiều mưa bay gió thổi hôm ấy anh đã không ở lại với nàng. Anh linh cảm nàng là người đàn bà đơn thương độc mã qua cái vẻ gan góc mà vẫn rầu rầu, nhưng sau khi bị cánh "Nếp sống mới" của ngành văn hoá thông tin thị trấn xén phăng mái tóc trêu ngươi của anh thì anh không còn chút kiên nhẫn nào để nấn ná ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy nữa, anh sợ sự không kiên nhẫn của chính mình. Cho dù sau khi xe rời bến, bà cụ đi cùng Tiệp đập cửa xe đòi xuống để chạy vào với Tiệp, anh cũng không thôi bứt rứt cho nàng. Và mấy ngày lưu lại Định Bảo, anh đã mấy lần đứng ở dốc cầu Cái Bần qua mô tả đại khái của Thu Thi lúc anh giúp chúng chuyển đồ xuống bến tàu, anh hy vọng sẽ gặp con bé đi tựu trường, rồi anh đi dài theo con phố dọc nhánh sông Cái Bần để tìm xem trên dây phơi đâu đó có chiếc áo cổ lọ lập loè bông lựu nho nhỏ hôm đó, chiếc áo khiến nàng dễ có cảm tình, sinh động và đầy ấn tượng.
    Không một chút tông tích về nàng , anh rời Định Bảo và vẫn cảm thấy mình mắc nợ ai đó, mình mắc nợ điều gì đó ở cái nơi mà mỗi khi nghĩ đến anh lại rùng mình vì cái cảnh anh bị điệu đi như một tội nhân, cái gốc cây điệp và tiếng kéo tông-đơ, cùng với những tràng cười hô hố của những gã mẫn cán chết tiệt.
     
     
    __________
    Hết phần 4.
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    5
     
    Đường nội thị tồi tệ của Điệp Vàng làm cho sàn xe lôi ngập ngụa thứ huyết tươi như có một vòi nước từ bên trong Tiệp bung khoá không tài nào hãm nó lại được. Nàng để yên hai bàn chân trong thứ nước đỏ lòm ấy, nhớn nhác chồm ra dưới tấm mui bằng nilon của cỗ xe xem có ai quen bên đường không. Nàng đã từng thấy những cái chết trong thời chiến, từngbị mấy vết thương chỗ bắp chân vì một trái nổ nhưng chưa bao giờ nhìn thấy máu mình nhiều và tươi như vậy, nàng ngạc nhiên vì sự lãng phí và cả cái màu đỏ chói lói của nó dưới đôi mắt đang dại đi vì hoảng sợ. Nàng nghĩ đến sự chậm trễ của chiếc xe, đến sự kém cỏi của hệ thống y tế quốc doanh, vì thế nàng không khỏi nghĩ đến hai đứa con có thể thành kẻ mồ côi ngay bâygiờ, trong buổi chiều bi thảm nầy.
    Cổng bệnh viện quen thuộc la liệt bông điệp vàng dưới chân tường rào, hồi đó Tiệp đã hạ sanh Thu Thi ở đây. Gã xe lôi hầm hầm giục hai đứa nhỏ trèo xuống, làu bàu với các thứ bao và túi, lạnh lùng hét vào mặt nàng một cái giá cắt cổ rồi bỏ đi vào trong, xách ra một xô nước để dội rửa cái thứ xui xẻo từ nàng thải ra, tất cả như những giọt nước làm tràn cái cốc tủi thân trong nàng. Lúc được hai nam y tá đặt nằm trên băng ca, nàng cố gắng đưa hai tay cho hai con để chúng chạy lúp xúp theo, nhưng khi bà bác dọc đường, bà ngoại Hai ân tình của bọn nhỏ xuất hiện và cúi xuống thì nàng nhắm mắt và cắn chặt hai hàm răng lại. Từ cổng vào phòng cấp cứu khá xa, mưa đổ trên mặt nàng, mưa chan cùng với vòi nước mắt của nàng.
    - Thôi, có bác đây rồi, tới đúng chỗ rồi, coi như tai qua nạn khỏi rồi, đừng sụt sùi quá con nó sợ tụi nó, cháu!
    Tiệp nắm lấy bàn tay xương xẩu của bà lão, khó nhọc xướng cho bà một cái địa chỉ trong thị trấn và dặn Thu Thi đi cùng, may ra chị Hoài của nàng còn chần chừ để tránh mưa giông ở đó.
    Bà cụ gửi Vĩnh Chuyên và đồ đạc ở hành lang cho mấy cô y tá rồi kéo Thu Thi chạy trở ra cổng.
    Bàn sản, mùi máu, tiếng rổn rảng của dụng cụ, nỗi đau rát khi bị xát cồn, những mũi tiêm và những câu mệnh lệnh "hạ mông, mềm bụng, yên chân, cứng gối..." tất cả đâu có xa lạ nhưng cũng thật đáng nguyền rủa chỉ vì không người phụ nữ nào có thể quen được cảm giác khổ ải của những đoạn trần ai nầy.
    - Cô có bầu bộ không biết sao mà đi đứng lệ khệ vậy? - bà bác sĩ hỏi như trách - Chắc mới trễ kinh nên không biết, phải không? Ráng chịu đau để nạo sạch kẻo sót nhau, nghen!
    - Sau băng huyết tử cung yếu lắm nhớ kiêng cữ nghen! - giọng cô y tá chen vào - Chị hai con nếp tẻ đủ rồi, sao không đặt vòng để dính thai chi cho khổ vậy?
    Tiệp cắn răng, cổ họng khát khô như chạy giữa sa mạc một mình, không một lá cỏ hay một lạch nước. Nàng không thể nói rằng tôi đã vượt ra, tôi đã tháo thân nhưng rồi tôi đã quỵ xuống và đây là ý nguyện của gia tộc, đây là kết quả của những đêm làm lành, tay chân đùi vế tôi đã miễn cưỡng mặc cho Tuyên tung hoành với những bộ dạng rõ ràng là để biểu diễn sự "sáng tạo" vừa được đánh thức sau thời kỳ trục trặc vợ chồng. Nàng bấu chặt hai bàn tay vào thành inox của bàn sản, tưởng như có từng nhát cuốc bổ xuống, âm ấm, nhói buốt, cào xé, hai bắp đùi run bắn như đang bị người ta xé đôi như xé một con ếch. Hai hàm răng va vào nhau lập cập, lạnh quá, lạnh như đã chui vào tận âm ti nhưng những thứ cuốc thuổng ấy vẫn cứ đào khoét và chúng cứ ghì nàng xuống, xuống mãi, xuống đến cái nấc cuối cùng của con đường địa ngục.
    Lần vỡ kế hoạch đầu tiên ở bệnh viện tỉnh, Tuyên chở nàng đến đó sớm, trước giờ công sở, trên chiếc hon-đa 67 mua từ tiền bán chiếc lắc vàng, một trong mấy món quà cưới của nhà Tuyên được bà má của Tuyên khoe với cô Ràng trước khi hai bà đưa nhau vào Cứ để chính thức hoá cho hai đứa. Thả vợ xuống cổng, như mọi ngày, Tuyên không bày tỏ những cử chỉ thích hợp nào, Tiệp không xác định được chồng mình thuộc loại vô tâm, vô nhân tính hay thuần tuý kém cỏi khoa mồm miệng và bày tỏ, chỉ thấy anh ậm ừ rồi từ từ cho xe đi về hướng cơ quan, cái lưng dài dài dưới chiếc nón cối như một thứ đẳng cấp có tên chung là cán bộ.
    Chưa có kinh nghiệm với phòng nạo hút, nàng chỉ mang theo quần con và vải lót, một ít tiền phòng thân và tấm giấy giới thiệu chung chung - vì lý do tế nhị - của cơ quan chủ quản. Nhận chiếc váy vải thô màu cháo lòng, lốm đốm những vết bẩn không rõ gốc gác, hai đầu dây lưng rút thò ra quăn queo, nàng bước vào góc phòng thay ra guộn quần bỏ vào trong xắc và cũng như mọi người, nàng được phát htêm một chiếc dao lam rồi ngượng nghịu vén váy lên, cởi quần lót vắt lên thành giường bắt đầu cái việc sồn sột nực cười nhưng không thể cười được dù rất là muốn cười khi nhớ đến câu: "Nhà nước và nhân dân cùng làm", chắc vì cái phương châm đó nên ngành y tế đã để cho sản phụ tự dọn dẹp vệ sinh thay vì y tá phải làm giúp họ trên bàn sản. Có mấy phụ nữ vô ý để cái "đám cỏ" chết tiệt ấy rơi lả tả xuống chân và chiếc quạt trần đã giúp chúng túa đi loạn xạ trên nền gạch trước khi vi vu ra cửa và rồi sẽ vi vu những đâu nữa có trời mà biết.
    Chờ, hồi hộp, nghẹn thở, kêu ca cảm thán, cuối cùng ai cũng được gọi sang phòng "hành sự" và sau đó mâấ hút vào một phòng khác, gọi là phòng lưu, cũng không thơm tho sạch sẽ gì hơn, vừa đi vừa ôm bụng bằng cả hai tay và cứ chực quỵ xuống nếu như không có cái câu "có gan làm có gan chịu". Tiệp chùi xuống chiếc giường sắp hẹp, úp sấp trên mùi gối và chiếu cũ hàng giờ liền, như vừa thoát chết sau một vụ hành quyết. Hòi đau bụgn đứa con đầu, tron căn phòng nào đó của bệnh viện thị trấn nàng tưởng mình sắp chết nhưng cái chết ấy nhẩn nha, nó không thèm chạy đến, cuối cùng Thu Thi xổ ra, sự hồi sinh kỳ diệu đã ào đến với nàng, cuộc đời chừng như lúc đó mới thật sự bắt đầu, dạt dào rộng mở. Sau lần nạo hút đầu tiên, trái ngược với chuyện sinh nở, nó chốt trong nàng cảm giác tăm tối vô đạo và nó ám ảnh mãi khiến nàng không tươi sáng như cũ được.
    Cơn khát lúc nằm trên bàn sản vật vã nhiều hơn khi mọi người trong phòng lưu được người nhà đưa cơm ăn thức uống tới. Tiếng chân khe khẽ của những ông chồng, tiếng hỏi han, cả những tiếng động tinh tế nhất với vợ... Tiệp nghe thấy hết lúc nàng vòng tay qua trán, thẳng căng nghe ngóng cho mình. Khi tất cả những người cùng cảnh đều có người thân đến thì nàng trơ ra như một con mẹ hoang thai dơ dáy. Cô y tá đưa cốc nước và bụm thuốc đến, những người chung quanh nhìn đổ vào nàng, trông mặt mũi thì không đến nỗi là dân lang chạ và bị bỏ rơi. "Bộ chồng đi công tác sao không thấy vô thăm?" - người ta rón rén "Dà, ảnh đi công tác". "Trời sao liều vậy, sao không chờ ảnh về hãy vô đây, làm một mình vầy có gì ai xoay trở?" Nàng im lặng, nàng không biết nói gì, nàng không hiểu sao Tuyên không ghé qua dù chỗ cơ quan anh với chỗ nàng nằm chưa đầy một cây số. Nếu biết thu xếp, Thu Thi sẽ tự mở cửa vào nhà khi tan học và sẽ chốt trong như mọi khi, sẽ lấy cơm từ nồi cơm điện ra ăn còn Vĩnh Chuyên thì đã có trường mẫu giáo lo. Hồi sinh Thu Thi nàng có má và có chị Hoài, lúc đó Tuyên còn ở trong Cứ, bây giờ thì anh bận bịu gì, hay là lại bận lên lớp cho cán bộ cơ sở "Thế nào là nếp sống mới và con người mới?".
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Lần thứ hai rồi lần thứ ba, lần nào nàng cũng trèo từ chiếc hon-đa 67 của chồng xuống, một mình chiến đấu với mọi công đoạn, lại đói và khát, xế chiều lại tự đi mua thuốc rồi ra cổng vẫy xe lôi về nhà nằm rũ xuống như một tàu lá héo. Không lần nào Tuyên đi vắng, cơ quan anh cũng chưa di dời, bệnh viện tỉnh vẫn nằm trên trục đường cơ quan Tuyên giáo tỉnh với nhà của anh. Có lẽ Tiệp xốc vác, sắc sảo nên Tuyên thụ động quen rồi, không ai bày ai nhắc thì không biết đường mà ứng xử. Hay anh thuộc nhóm máu cá, xa môi trường nước của công sở một lát là anh không chịu nổi và sự tận tuỵ tuyệt đối của anh với cương vị phó phòng tuyên truyền của Ban là đáng được thông cảm và đề cao? Thời điểm đó Tiệp mới nghĩ về chồng như vậy và rồi nàng khoả lấp được trách móc ngay sau khi lóp ngóp đi chợ và đi làm được. Nàng cho qua những sự kiện Vĩnh Chuyên thì sao, quyết định về nó và sự ra đời của nó thì sao? Câu hỏi lớn ấy luôn trở đi trở lại trong đầu nàng như Tuyên là một công trình mà nàng chưa tìm hiểu xong, vì vậy mà không lý giải được.
    Thị trấn Điệp Vàng tháng Tư năm Bảy lăm còn là thị xã thứ hai của tỉnh, Tuyên từ Cứ đi ra trong đoàn quân tiếp quản và Tiệp cũng từ xã nhà về lại cơ quan cũ chỗ Tuyên sau mấy năm được phép evè quê vừa hụ hợ với địa phương vừa nuôi con nhỏ. Những đêm trăng mật muộn màng khi Thu Thi đã gần ba tuổi, trong căn phòng của khu gia binh nguỵ có lũ chuột chạy rồ rồ trên mái tôn. Ai ở phòng nào thì bàn giấy luôn ở đó, căn phòng của vợ chồng Tiệp hai bàn hai giường đơn kê hình thước thợ, đêm đêm Tuyên đập đập vào chân vợ ra hiệu nếu Thu Thi ngủ rồi thì sang đi. Chiếc giường gỗ bề ngang chín tấc, vợ chồng xoắn vào nhau như hai con rắn trong chiếc mùng lưới màu nhà binh kỷ vật kháng chiến, chiếc mùng quen thuộc nhưng cảm giác của thân xác thì vô cùng mới lạ. Hồi mới cưới, con tim nàng không chịu rung động, nó cứ lên tiếng rằng đây không phải người đàn ông của mình, đây là cuộc xô đẩy của chiến tranh của bom đạn giặc giã nước lụt bụi cây sạp xuồng. Nỗi đau **********, nỗi đau sinh học trộn với nỗi đau mất mát, không rõ là mất cái gì, nó quá hệ trọng và tức tưởi, cộng với nỗi phập phồng mình có thể chết trong cảnh không một manh quần bởi một mảnh pháo, một quả bom trộn, hay một viên đạn mồ côi. Chưa quen được cảm giác có một người thanh niên ngủ trong chiếc mùng của mình thì vợ chồng đã phải chia nhỏ theo hai nhóm của mình thì vợ chồng đã phải chia nhỏ theo hai nhóm vì yêu cầu tình thế của Tiểu ban thông tin báo chí tỉnh vốn chỉ có một nhúm người. Mãi đến khi mang thai Thu Thi nàng vẫn ít khi cảm nhận được tận cùng của sự sung sướng, nàng nghĩ trái tim mình thuộc loại có nắp, nó không chịu mở ra, vì vậy cảm xúc nở bùng như nàng vẫn hình dung.
    Chiếc giường chín tấc với chiếc chiếu lắc loại rẻ nhất, thỉnh thoảng giường bên Thu Thi giật mình khóc ré lên, nó đặc biệt hoảng sợ với những tiếng gầm rú có lẽ vì chưa đầy ba tuổi mà nó đã hứng chịu đủ âm thanh của bom pháo súng đạn, có lúc nhiều tuần liền phải ngủ ngồi trong lòng mẹ dưới hầm trú ẩn, giờ nó cũng không quen được tiếng xe máy và tiếng ôtô của thị trấn hoà bình. Chiếc giường chín tấc vợ chồng nàng đang xoắn xuýt có thể từng của một người nào đó hoặc một đôi nào đó giờ đã thành kẻ bại trận, thành quá khứ, thành lịch sử và họ đang trôi dạt đâu đó, có thể lắm vì đây là khu gia binh lính cộng hoà. Với Tiệp nó là chiếc giường của hoà bình, của thanh bình, nó là thiên đường với ý nghĩa tinh thần thiêng liêng nhất của từ nầy. Luôn luôn ngỡ ngàng với cảm giác thế là cả vợ cả chồng cả Thu Thi nữa đã sống sót, đã tái sinh, đã chung nhà, đã có mọi thứ ở phía trước. Thế là đã kết thúc hẳn, kết thúc thật, kết thúc hoàn toàn cái cuộc chiến tưởng là vô định ấy. Thế là yên ổn, trọn vẹn, mãi mãi sao? Từng đêm đứt quãng, khi phải bỏ dở để trở về giường với đứa con gái nhỏ, khi sang lại với giường chồng, Tiệp thấy mình thuần thục lên nhiều, điều quan trọng là đêm nào cũng có cảm giác trời đất thảnh thơi đang tan vào trong nàng, sự hiện hữu thanh bình thấm qua từng tế bào, từng chân tơ và kẽ tóc.
    Vĩnh Chuyên hình thành. Tuyên dỗ dành trước:
    " "Mới giải phóng, cơ quan mình chắc phải về Định Bảo, thị xã chính, chỗ nầy thành thị trấn thôi. Bây giờ thênh thang rồi, để anh phấn đấu lên rồi xin được nhà hẵng đẻ".
    Tiệp không hiểu cụ thể hai từ phấn đấu của chồng, chẳng lẽ nàng chưa từng phấn đấu để được tồn tại trong đội ngũ với một nách con nhỏ, phía Tuyên thì không có ai cản trở, đối thủ càng không, cái mốc mà Tuyên muốn đề cập là cây số mấy, thời điểm nào, bao giờ? Nhưng nàng thấy chồng có ý, đơn giản vì Tuyên có vẻ né tránh con cái và nàng cũng muốn mình được hít thở lâu hơn chút nữa không khí rỗi rãi hoà bình sau ba năm về quê ngoi ngóp làm ruộng làm vườn với má với chị mà vẫn phải đi dạy học, đi làm những việc hằm bà lằn với mấy ông du kích xã để cầm cự với thời cuộc.
    "Bên anh có người dì ruột làm nghề thuốc ở Hóc Môn Bà Điểm. Anh chưa biết mặt dì nầy nhưng nghe nói giống má anh như hai giọt nước. Em thử lên đó nói khó với dì coi sao".
    "Em đi một mình á?"
    "Thì đường đi trong miệng, với lại em lạ gì Sài Gòn. Hóc Môn trên Sài Gòn một chút chứ mấy!"
    "Nhưng anh còn chưa biết mặt dì thì em là cái thá chi?"
    "..."
    "Lẽ nào chuyện hệ trọng vậy mà anh để em đi một mình, đường xa đất lạ, cả bà dì đó cũng lạ hoắc luôn?"
    "Đang cuối thời kỳ tiếp quản, công việc ngập đầu, với lại phải có người ở nhà coi Thu Thi chớ. Mình gởi nó về vườn sẽ lộ chuyện, cô Tư với chị Hoài nhảy vô thì hết đường luôn!"
    Thì ra Tuyên đã âm thầm tính toán mọi bề. Thì ra Tuyên muốn việc trục thai nầy diễn ra ở một nơi thật xa, trong im lặng, trong bí mật, nếu không thì bên vợ bên chồng và cả những người chung cơ quan sẽ không hiểu nổi sao người ta lại có thể bỏ đi giọt máu hạnh phúc có ý nghĩa kỷ niệm một giai đoạn mới của vợ chồng và của cả đất nước?
    Xe đò Định Bảo - Xa cảng miền Tây còn nguyên phong độ kinh tế tư nhân rộn ràng hy vọng một thời kỳ mới: cỗ xe sạch đẹp, lơ lái lành nghề, đường sá phẳng phiu. Một chặng xe buýt Tiệp đã từng ngồi trong lòng cô Ràng hồi hai cô cháu vừa buôn bán vừa đi thăm nuôi ba nàng trước khi ông bị đày ra Côn Đảo và thành liệt sĩ trong xà lim cấm cố. Đặt chân xuống đầu kia của Sài Gòn, xa lạ thật nhưng năm đó Tiệp mới hai mươi ba tuổi, dạt dào sức mạnh dấn bước trong từng sự việc, trong tưởng tượng và trong khát vọng của đời mình, nàng kêu ca với Tuyên vì nàng không nghĩ mình lặn lội một mình chứ xa hơn Bà Điểm nữa nàng cũng đi được. Cửa ngõ miền Đông rất nhiều xe thổ mộ nàng chỉ từng biết qua Sơn Nam, Phi Vân và những tác giả khác, riêng Bà Điểm thì quá thân thuộc nhờ liệt nữ Nguyễn Thị Minh Khai và một vở diễn về người ven đô trên truyền hình có tài tử út Trà Ôn sắm vai, người được ngưỡng mộ từ thời ông nội nàng còn sống. Dù sao chuyến xe ngựa với chiếc chiếu cói trên sàn ván, tiếng vó ngựa lóc cóc giữa hương cau và mùi trầu cũng là một chuyến đi đáng nhớ nhất của đời nàng, thói lãng mạn mà Tuyên không mấy khi ghi nhận, thuần túy vì anh muốn nàng phải song hành với mình theo phác đồ: phó tổ thì cố mà lên trưởng - phó phòng rồi thì trưởng - vợ chồng sẽ lần lượt đi Học viện Chính trị quốc gia và rồi sẽ phó giám đốc (hay phó Ban) và lên nữa, lên mãi.
    Người dì của Tuyên giống hệt mẹ anh vì hai người là chị em sinh đôi, gò má cao, mũi dọc dừa, trắng múp míp kiểu phụ nữ cả đời ăn sung mặc sướng. Thời thế xoay vần, một gia đình thành thị sống bằng phòng mạch tư bỗng dưng có đứa cháu dâu phe chiến thắng tìm tới, họ đã đón tiếp Tiệp bằng sự nồng hậu lẫn với tò mò.
    "Nghe nói ********* tử tế, ********* cũng phá thai sao? - bà dì ngạc nhiên thực lòng - Xin lỗi, dì vẫn quen miệng gọi dân bên trong là *********. Nhưng mà tụi cháu mới có một đứa, nó ba tuổi hả, nó ba tuổi rồi thì đẻ đứa nữa là vừa. Dì đây, chắc cũng như má chồng cháu cứ đẻ năm một, đẻ tự nhiên, đẻ chừng nào hết trứng thì thôi. Cháu đã cất công lên đây thì dì cũng chích cho mũi nầy, thai yếu thì nó ra mà thai mạnh thì nó dưỡng, nha!"
    Tiệp mù mờ về y dược nhưng cũng biết mình được từ chối khéo, thậm chí còn được lên lớp khéo. Làm gì có thứ thuốc đối lập tác dụng như nước với lửa vậy.
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Ngày Vĩnh Chuyên ra đời, nàng tắm gội ngay từ khi mới đau lâm nhâm. Dạo đó, vợ chồng nàng đã được về Định Bảo, thị xã chính của tỉnh, trong cuộc "thay trời đổi đất thu xếp lại giang sơn", Tuyên về Ban tuyên huấn tỉnh, Tiệp dạt về Tổ thông tin của Ty thông tin Văn hoá, anh Trường và chị Nghĩa của nàng cũng sống cùng thị xã, cùng một nhãn mác cán bộ hạt giống nhờ là con liệt sĩ gạo cội Côn Đảo. Tiệp nhớ chiếc cầu thang dốc đứng của cơ quan nàng, nơi những cán bộ tép riu ở tạm để chờ Nhà đất gọi tên, buổi sáng trước khi sinh đứa con rạ ấy nàng bỗng thèm được có má và có chị Hoài như hồi sinh Thu Thi, nàng biết với một ông chồng ham phấn đấu như Tuyên thì vợ và những người thân không là cái đinh gì!
    Một chị văn phòng cơ quan nàng khuấy người khuấy ôtô để họ giúp nàng nhanh nhanh đến bệnh viện tỉnh. Chị giành lấy vị trí của Tuyên bên cạnh Tiệp vì "tay nầy coi bộ lừng khừng, thôi, ở nhà lát nữa hẵng vô cũng được!". Trời còn sớm, một buổi sáng mùa thu trong ngần, bệnh viện tỉnh còn nguyên vẻ ngăn nắp của cái thời bệnh viện được gọi là Nhà thương, những cô y tá mặc đầm trắng, giày cao gót và mũ y vụ gọn gàng, thơm phức. Phòng chờ không có ai ngoài Tiệp, sau khi chị văn phòng ra về để "tao thu xếp Thu Thi cho cái thằng lừng chừng đó vô". Tiệp đứng một mình bên túi xách quần áo và cái bình thuỷ được phân phối từ chế độ thai sản, một mình có nghĩa là nàng đang ra khơi mà không phao bơi không buồm gió, nếu kiệt sức thì buông chèo mặc cho số phận. Hồi chuyển dạ Thu Thi, cũng một ngày trời thu mát mẻ, khác là lúc đau thúc thì trời đã chạng vạng, má vừa quạt cho bằng cái quạt mo cau vừa lầm rầm khấn vái ông bà ông vải phù hộ cho con gái tui mẹ tròn con vuông, chị Hoài thì chạy đi mua sắm cho nàng đủ thứ bằng tiền bán gạo xáo ngoài chợ nuôi cả nhà lây lất cho qua cái thời chạy tản cư. Ngày Vĩnh Chuyên là ngày của hoà bình, ai cũng bận rộn, má bận, cô Ràng cũng bận với mảnh vườn chằng chịt hố bom và cái chân thương tật của thằng Hớn con chị Hoài và cảnh goá mới, goá một cách tức tưởi của Mỹ út, chỉ có Tuyên là không thể viện vào bận rộn để bặt tăm như vậy được. Rốt cùng nàng chỉ có một mình, cơn đau như đẩy từ phía sau tới, thanh giường sắt trong phòng chờ như mềm hẳn đi trong hai tay, nàng thấy đứa con như xoay tròn vùng vẫy một cách tuyệt vọng bên trong để được thoát ra, được mau chóng làm người, lúc đó nàng cảm thấy tóc tai mình như dựng đứng hết lên, từng tế bào rộp phồng, lúc đó nàng bỗng nhớ tới hai từ "chuyển bụng" mà má và chị Hoài hay nói tới. Nàng chuyển bụng trong căn phòng không người, cả hai lần sinh đều không có Tuyên bên cạnh. Nước ối bục như đập vỡ, nàng ôm bụng đi khum khum kêu cứu, y tá y sĩ ở đâu túa ra kè nàng sang phòng sanh, tiếng khóc của đứa trẻ nghe qua cũng biết sẽ chỉn chu và yếu đuối. Tên mẹ được viết bằng mực tàu trên bắp chân con để không bị thất lạc và mẹ được nằm riêng, theo nếp cầu kỳ sang trọng cũ của bệnh viện.
    Hơn mười một giờ, đúng giờ nghỉ của công sở Tuyên mới lò dò đi vào, Thu Thi lẵng nhẵng theo sau. Sau này nó bảo nó còn nhớ như in những cua thang gỗ của ngôi nhà, ba đi tìm chỗ mẹ nằm, đi lung tung, con sợ người lạ, sợ máu me sợ đủ thứ mà không lần nào ba bồng con lên, con mới có ba tuổi mà ba không bồng lên cho con đỡ sợ, đỡ mỏi. Con nhìn thấy mẹ trước ba, con thấy mẹ nằm thin thít trên cái giường trắng, con sợ mẹ có việc gì rồi, không thấy em đâu, con nghĩ em cũng bị gì rồi. Còn nàng, nàng nhớ mãi cái khung cửa gỗ rất cao kiểu Pháp của bệnh viện, nhớ màu ve tường trắng nhờ nhờ, nàng đã nhìn mãi vào chỗ đó mong ngóng sẽ có người đến với mình, má, cô Tư, chị Hoài, chị Nghĩa, nếu trong danh sách ấy có Tuyên thì anh cũng đã bị xếp xuống hàng thứ trong nỗi thèm một chỗ dựa. Tuyên hiện ra dềnh dàng, lững thững, như một giề lục bình phụ thuộc vào thuỷ triều, bộ mặt to nhưng tai thì quá nhỏ. Nếu ngày xưa nàng Anna bỗng chốc thấy vành tai của Karênin to quá cỡ thì nàng lại chợt thấy tai chồng mình nhỏ như tai chuột, theo nhân tướng học, nó cho thấy một sự nghiệp long đong dù người đó có hy sinh cả những mối quan hệ nhân nghĩa riêng tư cho nó, có thể lắm vì tính cách phẳng lì, nhạt nhẽo và ba phải của Tuyên.
    "Con trai, tên nó sẽ là Vĩnh Chuyên. Chín giờ sáng, anh nhớ đi, nhớ để còn làm khai sinh cho chính xác kẻo sai ngày như với Thu Thi. Ngày sinh của đứa con đầu mà còn không nhớ, thiệt tình tôi không hiểu anh là loại người gì!" (Hồi sinh con gái ở thị trấn Điệp Vàng, nàng phải khai dối là con không cha để giấu tung tích vợ cán bộ của mình với bệnh viện trong vùng kiểm soát của đối phương. Sau Bảy Lăm Tuyên đã đi vào Toà án tỉnh chính thức làm giấy khai sinh cho con nhưng anh đã không nhớ đúng ngày sinh của nó).
    Nàng nói nhưng điều tối thiểu nhất với chồng, tay vòng qua trán để tránh phải nhìn mặt Tuyên.
    "Hồi sáng tới cơ quan tính thu xếp công việc đặng xin nghỉ phép, ai dè sanh mau dữ vậy"-Tuyên lí nhí.
    Nàng muốn làm một cử chỉ tung hê, lại công việc, phấn đấu, địa vị và Học viện, lại những cua giảng thế nào là nếp sống mới con người mới. Nàng muốn đạp đỏ, nàng muốn một cuộc chiến tranh, ngay bây giờ. Nhưng hơi thở của Thu Thi  thật gần, nó ngồi chềm chệp trên giường và đang cúi sát để nhìn vào mặt mẹ, cách ngồi lo âu đầy linh cảm bất hạnh của dứa con mới ba tuổi khiến nàng dịu đi: mình sẽ cố dằn, mình sẽ không để bị hậu sản, mình phải mạnh và giỏi để ôm lấy các con, mình sẽ gan góc, xông pha như cô Ràng và sẽ có giá trị và được kính nể như cô Ràng, mình sẽ viết ra, sẽ trở thành nhà văn như chú Tư Thọ tiên đoán, nếu chú Tư không chết thì cuộc đời mình đã khác và chắc chắn từ trên cao, chú Tư Thọ sẽ phù hộ cho mình đi đúng con đường mà hai chú cháu đã cùng hy vọng.
     
    _________
    Hết phần 5.
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    6
     
    Chưa đến bảy giờ, từ ban công của trụ sở Ban Tuyên huấn tỉnh, Tiệp đứng chờ cuộc họp báo hàng tuần bắt đầu. Cái ban công xinh xinh hình chữ nhật của ngôi biệt thự hai tầng màu trắng, nguyên là cơ ngơi của Hội Việt - Mỹ, ngay sau tháng Tư năm Bảy Lăm nó được trưng dụng làm cơ quan gì đó của hệ thống quân quản, sau thì thành trụ sở một cơ quan cực kỳ quan trọng mà chủ soái là Hai Khâm, một cán bộ ấn từ Khu xuống.
    Hơn một năm nay Tiệp đã rời hẳn phác đồ của Tuyên khi đầu quân sang Hội Văn nghệ tỉnh, tức là sẽ không có con đường Học viện chính trị rồi phó giám đốc và lên, lên nữa, lên mãi để "gánh vác" sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà như chồng. Nhưng cơ quan mới vẫn là thành viên quỹ đạo dưới trướng Hai Khâm nên Sếp nhà thơ, tổng biên tập tờ tạp chí Văn nghệ thích cử nàng đi góp mặt cho cuộc họp báo thường kỳ của Ban vì "dù sao em cũng là con dâu của cái cơ quan quan trọng đó mà". Một mình, nàng ưa thích chỗ đứng đợi chờ ở cái ban công màu trắng nầy một mình, nơi tiếng xào xạc của những ngọn dừa trong khuôn viên đầy sỏi dưới vườn không bị lấn át bởi tiếng nói cười bỗ bã của những người trong hội trường, những người nói theo cách nói của Sếp nhà thơ thì "chúng ta cùng đi từ chiến hào ra", những người cầm cân nẩy mực cho một tỉnh có dân số gần bằng một nửa Mông Cổ. Từ khi Vĩnh Chuyên biết ngồi, nghĩa là nó có thể tự chơi hoặc không dễ té khi nằm võng, Tiệp đã tạo lập cho mình một thế giới nhỏ như quả trứng, nó mong manh khiêm nhường nhưng nó có sự sống độc lập, nó mang bên trong nó sứ mệnh sinh thành. Giờ Vĩnh Chuyên đã ba tuổi, nàng cũng đã có một cái tên để được chú ý trên văn đàn tỉnh lẻ, nàng đã nhảy sang một nơi có thể dễ lẩn trốn hơn và cái quả trứng ấy luôn khiến nàng muốn tách riêng khỏi cái cộng đồng chóp bu của tỉnh chỉ vì họ, những ông những bà chính giới ấy luôn có vẻ e dè khi nhìn nàng trong cái vỏ bọc ngờ ngợ như thể lập dị ấy.
    Như mọi khi, sông Hậu sau lưng nàng thỉnh thoảng ban bố lên những cơn gió chỉ có nó mới nhiều hiền hoà như vậy. Bãi và bờ, sông không chảy qua chỗ toạ lạc của khuôn viên trụ sở nhưng sự có mặt của nó ở khắp nơi và là hậu phương tinh thần bền vững của cả thị xã. Nàng còn nghe thấy tiếng xuồng ghe như một đàn kiến bám nhau trôi dài từ miệt trên xuống, sau trận lụt lịch sử năm ngoái, kẻ chèo người dong buồm lá dừa nước vừa đi vừa đổi cả tư trang, bàn ghế và tủ thừo để lấy gạo chờ cơn sốt tập đoàn hoá hợp tác hoá qua đi trong khi những người cầm chịch trên cao hô hào một thời điểm cấp bách khiến Hai Khâm liên tục thúc giục Tuyên phải báo cáo tiến độ của cuộc đại cách mạng ấy với ông ta mỗi tuần.
    Cũng như mọi khi, quay mặt vào hội trường, Tiệp lại bắt gặp Tuyên trong góc trên của gian phòng, chỗ chiếc bàn thứ hai sau lưng vị trí cố định dành cho Hai Khâm. Công việc hàng tuần của chồng nàng là chạy sang mấy cái ngành lính-lúa-lương để lấy số liệu gọi là tiến độ trong tuần để công bố - có so sánh và nhận xét - cho cuộc họp báo bắt buộc vào mỗi sáng thứ Hai, ngoài ra còn phải tập tọng viết diễn văn cho mấy ông lãnh đạo đi hỡi hỡi ở các cuộc mít-tinh và tổng kết, ngoài ra nữa còn đi cơ sở nói chuyện thời sự hoặc đứng lớp cho cán bộ cơ sở với giáo trình tủ "Thế nào là nếp sống mới con người mới". Nói chung, các công việc ấy đã khiến anh nhận ra sự ưu ái kèm cặp của Hai Khâm, là tín hiệu để anh an lòng mà phấn đấu. Đã hơn bốn năm từ khi vợ chồng nàng được sống "cuộc sống đời thường" - theo cách nói văn hoá hiện hành, nhiều lúc vắng chồng, Tiệp thường nhắm mắt để xem xem mình nhớ chồng ở hình ảnh nào, thì ra hình ảnh đầu tiên chính là lúc Tuyên quần đùi và lưng trần ngồi xổm trên chiếc ghế đay bên bàn viết ở phòng khách, bộ ngồi ưa thích của anh cả khi bên bàn ăn trong nhà bếp, cái lưng dài dài cúi gằm, bộ ngực ít khi thể dục nên khá lép và cây viết trong tay chật vật với những con chữ mắc vào nhau như khoen còng. Hoặc là hình ảnh lúc nầy, trước giờ họp báo, cái nắm của bàn tay trái áp bên thái dương, tấm lưng làm thành một chiếc lưỡi liềm với mặt bàn, cùi chỏ tay phải thô ráp như đầu nhọn chiếc bánh mì thò ra, cặm cụi và tận tuỵ và hết sức đáng thương.
    Hai Khâm từ phòng thủ lĩnh đi sang, tầm thước uyển chuyển, rạng rỡ như một con báo giữa bầy gà, ánh mắt bao quát ban bố và tận hưởng lắng nghe sự im lặng đột ngột trong phòng như một vị thầy biết đám học trò kia đang lập lại trật tự vì mình. Thỉnh thoảng, ông ta nhìn ra chỗ Tiệp đứng, một đường mắt của vua với một thần dân đặc biệt và hôm ấy, hôm Tiệp đang nhớ đây thật là một ngày đặc biệt: trưởng Ban đi giữa hai dãy ghế toàn ông và bà chóp bu để ra thẳng chỗ Tiệp, bước chân êm như đi dạo và bàn tay mềm như bún không lạnh không ấm, không thân nhiệt cũng không để lộ cảm xúc, bàn tay chính sách chìa ra:
    - Thế nào, nhà văn trẻ?
    Không có câu hỏi nào đại khái mà vẫn nhiều ban bố như vậy. Muốn trả lời sao cũng được bởi người nghe đâu có thiết câu trả lời:
    - Dạ, cháu bình thường, chú Hai!
    - Chú có đọc mấy cái gần đây của cháu, cả ở tỉnh cả ở ngoài kia. In đầy đấy!
    - Dà.
    Nội dung han hỏi dần cụ thể hơn, Tiệp chột dạ, chắc là sắp có nhắc nhở đây.
    - Cháu phải nhớ mình là con liệt sĩ, đại liệt sĩ đấy nhá. Tấm gương Lê Lai cứu bí thư tỉnh uỷ của ba cháu hồi đó là vang dội lắm đấy. Viết gì thì viết đừng quên lập trường chính trị, lập trường giai cấp, chú cháu mình cùng văn đàn đấy nhá.
    Thế là nhiều, sự ban bố công khai như vậy cũng là nhiều và sự nhắc nhở như vậy cũng có tình đồng nghiệp. Chả là ông ta luôn có thơ in trên tờ báo tỉnh và hay xuất hiện một cách trang trọng - do Sếp nhà thơ của Tiệp đích thân lên ma-két - loại thơ xây dựng hô hào kiểu "Ai ơi đừng bắc cầu tiêu/ Trên sông nước chảy là điều không nên".
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Đầu cầu thang gỗ của ngôi nhà xuất hiện một người đàn ông lạ lạ, đứng tuổi, dong dãi, gương mặt ngăm ngăm điện ảnh, áo sơ mi ngắn tay  màu trứng sáo, bước chân thong dong điệu nghệ như 1 con công biết mình đang được ngưỡng mộ. Tiệp thấy người ấy đưa tay chào Tuyên, dừng lại để bắt tay ngang ngửa với Hai Khâm, tiếp tục vẫy tay với vài vị  chóp bu khác rồi ánh mắt sóng sánh đen ấy chiếu vào Tiệp, một đường thẳng quá sẵn cho cả hai, đúng hơn, người lạ ấy đã phát giác ra ánh mắt ngỡ ngàng của Tiệp nên lập tức nghiêng nghiêng bước ra. Nhìn gần, đôi mắt ấy càng hút hồn hơn dưới đôi mắt lông mày đẹp như vẽ.
    - Cô bé nào đây ta? - mùi thuốc thơm thoảng ra dễ chịu.
    Tiệp rùng mình xao xuyến:
    - Chắc ông anh mới từ trên trời rơi xuống?
    Một tràng cười tự tin hết cỡ:
    - Ừ, rồi sao?
    Tiệp sực nhớ:
    - À, ông anh là nhà báo bự, ở cái chỗ viết người ta cũng sợ mà không viết người ta cũng sợ, đúng không?
    Một cái nhìn thán phục bạn bầy, một cuộc làm quen chóng vánh, cởi mở. Người ấy cũng dựa sườn vào ban công như Tiệp để cả hai cùng nhìn xuống sân sỏi bên dưới và chừng đang cùng lắng nghe một cái gì đó vừa xảy ra, lung linh, xao động, lạ kỳ.
    Nếu Hai Khâm là con báo lão luyện thì đây là một chú công cũng lão luyện. Chú công quay lại nheo nheo với Tiệp:
    - Cô bé còn chưa trả lời cô bé người đâu ra?
    Tiệp làm một cử chỉ tinh nghịch, không nói. Người đó tiếp tục:
    - Vậy, có phải là thành viên cố định của cái gọi là họp báo nầy không?
    - Sao nói "cái gọi là"?
    - Thì như vầy mà cũng là họp báo sao?
    - Ông anh dị ứng mà không sợ mất lòng trưởng Ban à?
    - Tuần nào cũng tiến độ cày cấy, xuống giống, thuỷ lợi, tuyển quân, thu mua lấy từ báo cáo của mấy thằng cha bàn giấy của các ngành. Phải có những thông tin bức xúc, có chất vấn của báo đài từ những sự kiện nửa chìm nửa nổi như chiến tranh biên giới, nạn vượt biên, nạn bỏ đất tháo chạy địa chấn tập đoàn, vân vân và vân vân.
    - Đó là chuyện quốc sự, ông anh có dám viết không mà đòi được thảo luận với chủ kiến? - Một câu hỏi kháy hơn là sự đồng cảm.
    Người ấy sôi nổi:
    - Dù không được viết nhưng chúng ta có quyền được biết chớ.
    - Không được động bút thì đòi hỏi làm gì? - Tiệp làm một cử chỉ chịu thua, miễn bàn.
    - Nhưng họp báo như vầy giống như mời ăn cơm nguội quá!
    Tiệp rụt đầu lắc lư, trửng giỡn, nàng chưa bao giờ vui và bắt gặp một người cùng một suy nghĩ như vậy:
    - Anh mới đút đầu về đây. Em, cái cô bé đây chịu đưng lâu rồi, ngán ngược mà cũng bão hoà rồi!
    - Vậy sao mấy tuần trước không thấy cô bé?
    - Em chỉ đi thay ông Sếp nhà thơ khi cần - Tiệp không còn hứng thú vòng vo nữa.
    - À - người ấy vỗ trán - sếp của cô bé là cái ông mặt xương trăng trắng, môi mỏng, rất hoạt khẩu, đúng không?
    - Hồi xưa, mỗi khi anh ta đọc thơ hay diễn thuyết thì con kiến cũng phải bò ra đăng ký tòng quân ra trận đó.
    - Vậy cô bé làm thơ hay văn xuôi?
    Tiệp bỗng thấy run rẩy và bứt rứt nghiêm trọng:
    - Em là vợ của báo cáo viên lính-lúa-lương làm ra thứ thực đơn cơm nguội đó đó.
    Người ấy làm một cử chỉ ngạc nhiên và thương hại:
    - Anh nói là nói toàn bộ cuộc họp báo chứ không nói ai. Người chịu trách nhiệm về sự xơ cứng, nhạt nhẽo, lãng phí nầy là Hai Khâm chứ!
    Chuông họp kéo họ vào phòng. Tiệp thấy nhiều ánh mắt chĩa về phía nàng, nhận xét, nghi ngại. Nàng lách vào góc phòng chỗ băng ghế cuối,  cái góc quen thuộc với mùi mạng nhện và *** gián, mùi bụi lưu cữu không ai quấy rầy và đã có thể lôi cuốn sách nào đó mà Biên lùng ra cho mượn để giết thời giờ. Trong khi cùng ăn thóc nhà Chu, những kẻ khác thì lôi kiếng ra tự nhổ tóc sâu như mấy cô mấy thím "đi cùng chiến hào ra" hay vén quần lên gãi sồn sột như mấy chú mấy bác hở ra là tán chuyện heo cúi và lương tháng đang ngồi ở các bàn trên, phải, trong lúc đó lại có những kẻ "ăn sách" để làm giàu cho bản thân mình, như nàng. Người đàn ông như một diễn viên ấy được Hai Khâm "bắt" lên bàn trên, anh lưỡng lự rồi cũng bước lên, miễn cưỡng ngồi ngang với chỗ Tuyên, cách Tuyên một lối đi.
    Tiệp thường nhớ lại buổi sáng ngộ nghĩnh ấy như một cô bé nhớ về buổi mai đặc biệt của mình, như các cô gái trong tiểu thuyết diễm tình nghe thấy cái gọi là tiếng sét. Mặc lính lúa lương, mặc sự cạy cục vật chất của Tuyên, mặc bộ mặt nghiêm trang thủ lĩnh và cái cổ tay múa may điệu nghệ của Hai Khâm, mặc hết, nàng dặt quyển sách đọc dở trên đùi để tận hưởng cảm giác đơn phương dịu ngọt với người đàn ông hấp dẫn như một chú công kia. Mình sẽ yêu người nầy - nàng quả quyết nghĩ - mình sẽ giữ gìn tình cảm đơn phương thầm kín nầy, mình không cần biết, không cần gì cả, không cần bờ hay bến hay một mục đích trần trụi nào cả. Rồi nàng biên minh: Tuyên đã đi tắt vào đời con gái của mình, Tuyên đã dùng lợi thế ở Cứ, Tuyên đã quỵ luỵ, Tuyên đã bủa vây lòng thương hại của mình, vậy là đã đến lúc Tuyên phải trả giá cho cuộc hôn nhân lấy được nầy, mình chưa từng yêu Tuyên, trái tim mình nhất thiết phải được biết một tình yêu đích thực là như thế nào.
     
     
    _________
    Hết phần 6.
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    7
     
    - Ba về! Mẹ ơi, ba về! Ba đi huyện về xin được đủ thứ kìa mẹ!
    Đó là một buổi chiều áp Tết dương lịch, Tiệp đang đứng trong bếp thêm những vắt than đá vào cái lò lớn để bắc nồi cám heo lên thì nghe thấy tiếng reo của hai đứa con lẫn trong tiếng loa truyền thanh ngợi ca thành tích oang oang trên cột điện ngoài đường. Tiếng của xe con sập mạnh, tiếng Tuyên hét tụi nhỏ "dang ra, dang ra đừng có lấn quấn" và cái giọng Thanh Hoá của cậu Quận lái xe:
    - Một cô một cậu, lại đằng cốp xem hàng triển lãm nào!
    Chạy ra hay là không, Tiệp chần chừ, không, không thể nào, nàng bắc ấm nước sôi trên cái bếp nhỏ xuống và đặt chảo mỡ lên, gì chớ đang mắc chiên cá thì chạy ra sao được! Mấy ngày Tuyên đi vắng nàng đã thực hiện một bước nhảy định mệnh và giờ thì trong quan niệm sòng phẳng, đường hoàng của mình, nàng thấy hai người như đã đứng ở hai bờ, xa cách và ngượng ngập.
    Cậu lái xe vô nhà trước, đôi mắt ranh mãnh, cái miện xởi lởi, một xâu cá lóc phơi khô và một gói tôm khô trên tay:
    - Phải nói chị Hai có phúc. Anh Hai Tuyên chịu khó cộ đủ thứ về, chỉ thiếu giẻ lau cho chị Hai lau chân nữa thì đủ hết.
    Tiệp cười cười bước lên đón lấy các thứ, nàng không chấp kiểu nói nịnh thành nghề của cậu nầy, còn thấy mừng vì có cậu ta nên nàng đỡ căng cứng với chồng.
    - Để chị lấy đá lạnh cho bác tài - nàng nói và đứng bên tủ lạnh với Quận, cả hai phải nép vào tránh đường cho Tuyên đi lặc lè vào với một bao cám chỉ xanh lớn tướng. Đỏ mặt tía tai vì nặng, Tuyên nhìn vợ, chành miệng cười, ngay lúc đó nàng bỗng nghĩ đến Vĩnh Chuyên và kêu thầm: Trời ơi, sao mà giống như thể chơi khăm vậy! Thấy vợ không mặn mà đáp lại, Tuyên thả bao cám xuống chiếc giường sắt trong bếp, đi thẳng ra chuồng heo ở sân sau, gần đây anh đã quá quen với tính khí thất thường của vợ: những cơn quạu quọ không đâu và những bài hát vu vơ một mình, hàng giờ liền.
    Tiệp bắt chuyện với lái xe:
    - Bộ đi tới mấy huyện hả Quận?
    Quận được trớn:
    - Mấy ông dưới đó quý anh Hai lắm. Phó Ban tương lai mà lại.
    - Quận có tôm khô như anh Hai không?
    - Chế độ đặc biệt cho sếp mà, lái xe ngửi hơi cũng được rồi!
    - Thì chị sẽ sớt ra gởi về cho vợ em phân nửa, được chưa?
     
    Lái xe vội xua tay và đánh mắt:
    - Nói vậy chớ em cũng có rồi, dù gì em cxng là người cầm lái vĩ đại mà lại!
    Tuyên trở vào, lại nhìn thẳng vợ, hào hển:
    - Phải nói mấy tay dưới huyện chu đáo thiệt. Để anh khuấy cám mới cho hai con heo nó uống sống một bữa đã đời!
    Tiệp cũng nhìn thẳng lại Tuyên, cao giọng:
    - Phải đưa hết đồ vô để Quận nó còn cất xe đặng về với vợ, gần tối rồi còn gì nữa!
    Thâm tâm nàng còn muốn hét to hơn, nhiều lời gay gắt hơn vì nàng thấy Tuyên quá lăng xăng với hai con heo nhà. Chồng nàng ít khi giỡn với con, chưa bao giờ anh ta tung Vĩnh Chuyên lên hay để nó ngồi trên vai như những người đàn ông sung sướng với con trai, trong khi đó anh rất thích săm sắm với lũ heo vì nó đem lại niềm vui thực tế. Nghe vợ, Tuyên quày quả đi ra xe cùng với Quận. Hai chị em Thu Thi khệ nệ khiêng vào một buồng chuối dà, vừa đặt xuống nền bếp đã tranh nhau chạy đi lấy dao để xí phần những quả chín bói. Tiệp hét con gái mang chổi rơm và cái hốt rác ra để thu dọn cám mú có thể dây ra xe của chú Quận.
    Trong lúc Tuyên khuấy cám mới và đánh rửa chuồng heo, Tiệp xua hai con đi tắm. Thu Thi thấy mẹ bứt rứt, nó không hiểu vì sao mẹ không có vẻ mừng cám mới gạo mới cá khô chuối buồng hành tím, nó không đoán ra được nguyên do nên nó mon men đến gần, nói dò:
    - Bao cám nầy trăm ký hả mẹ? Heo ăn được nửa tháng không mẹ?
    Tiệp xoa xoa tóc con, chia sẻ với nó nỗi vui mà nó đã vui bằng cả những phẩm chất đặc biệt của mình. Trong việc heo cúi và cám mú nầy, Tiệp nghĩ, nếu mình viết ra thì đó phải là thiên phóng sự dài kỳ có tên là "Kỹ nghệ lấy cám" bảo đảm ly kỳ không thua cái thời Vũ Trọng Phụng viết kỹ nghệ lấy Tây. Tuyên thì bận, ở cơ quan bận, về nhà cũng bận đọc báo để tóm tắt cho Hai Khâm mỗi ngày và bận viết diễn văn có khi đến sáng trắng, hai đứa nhỏ cũng bận, chúng bận ăn bận học và bận lớn, vì vậy, ngoài hai đầu lương chỉ đủ nhét kẽ răng và ngăn đá tủ lạnh đảm đương một tuần tiền chợ mỗi tháng - đêm nào nàng cũng dậy giác khuya, trèo qua người chồng để lấy đá cho vào thùng xốp để rồi không bao giờ ngủ lại bình thường được nữa - vợ chồng nàng đã quây chuồng heo ở chỗ có thể - như mọi người - và cũng như mọi người, có hôm nàng nghe thấy mùi chuồng trại trên quần áo mình, cũng như nàng đã nhiều lần nghe thấy cái mùi đó trên những người khác, ở các cơ quan khác.
    Một cuốn sổ tay dành riêng cho tên tuổi, số phôn và địa chỉ cơ quan của những người "đi cùng chiến hào ra" đang trấn ở các cửa lương thực, ghi cả ngày tháng lần trước đã chường mặt với họ kẻo thành kẻ xin xỏ dày quá, bất tiện, dễ bị từ chối. Xếp hàng trọn ngày, không hề gì, miễn có cám, cám mốc cũng được, bảng chấm công ở cơ quan đã có Hiếu Trinh hay ai đó chắn đỡ rồi, sau nầy Sếp nhà thơ thấy nó khôi hài quá nên quyết định kết thúc vai trò lịch sử của cái bảng đó. Có lần kho cám xa hàng chục cây số, Tiệp đạp xe qua trường xin cho Thu Thi nghỉ học, chiếc xe đạp dù có khoá cũng dễ bị mất cắp khi nàng chui vào xó kho vét cám. Cả buổi xếp hàng, mẹ vô kho, con nhịn đói nhịn khát ở ngoài coi xe, xế chiều, nàng để nguyên bao cám và con gái và xe đạp lên xe lôi nghễu nghện về trong nỗi mừng ngất ngây trời đất. Có lẽ đó là chuyến dã ngoại nhớ đời của Thu Thi và lần nầy, nó mừng bao cám mới còn hơn mừng ba đi vắng về, cũng như ba nó thường xuyên quý heo hơn là quý nó.
    Tiệp xếp các thứ lên bàn ăn, đậy lại bằng cái ***g bàn bằng tre. Trong khi hai đứa nhỏ giành nhau cây lược chải tóc ở phòng trên thì Tuyên vừa xối nước vừa kêu hừ hừ trong phòng tắm. Anh hay va cái gáo nhôm vào thành bể và những viên gạch chồng tạm trong phòng vệ sinh cứ kêu lụp cụp. Hồi vợ chồng nàng được Nhà đất gọi lên để cấp cho căn phố diện tịch biên nầy, gian bếp và cả phòng vệ sinh là một núi can nhựa đủ cỡ, hoá ra "cái đám vượn biên gan giời" chỉ là dân bán lẻ nước mắm. Đống ca được Tuyên hăng hái tống khứ thành những đợt quà quý báu cho bà con hai bên dưới quê trong thời buổi khan hiếm đồ nhựa, sau đó thì Tuyên dừng lại, không làm cho những viên gạch tạm bợ trong phòng thôi lụp cụp đi. Chỉ có nàng mới biết Tuyên không đóng ngọt một cây đinh hay chống được một chỗ dột trên mái trong  khi tiếng khen về anh luôn dội đến tai vợ: Tay nầy chịu khó, tận tâm, vững vàng, tương lai lắm! Có lẽ nàng chịu ảnh hưởng của cô Ràng, nàng thẩm định con người qua giá trị của người đó trong những hoàn cảnh, theo nàng, một người đàn ông không đóng nổi một cây đinh cũng có nghĩa là anh ta thuộc loại trói gà không chặt. Lai lịch và chữ trung theo quan niệm hiện hành đã gia ơn cho những người đó chứ không phải họ tạo ra thời thế hay làm vẻ vang cho thời thế.
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Mùi xà bông Cô Ba gợi cảm bay ra cùng với mùi nước mát và Tiệp nghe thấy Tuyên kỳ cọ lâu hơn ngày thường, chắc không chỉ để trút hết bụi đường mà còn để cho lúc lên giường tối nay. Một khoảnh khắc hình dung tiếp theo, như một thứ chướng ngại vừa mới lờ mờ, giờ nó đã sừng sững trước mặt rồi, xoay sở sao đây? Nàng hấp tấp bước nhanh lên phòng trong thay bộ đồ ở nhà ra, kéo vai con gái lại căn dặn:
    - Chiều nay mẹ có hẹn tới nhà dì Hiếu Trinh thử áo. Tụi con ăn cơm với ba, đừng chờ. Con nhớ dẻ cá cho em, cá ngừ không nhiều xương, mẹ sốt cà ngon lắm!
    Thị xã những ngày cuối năm dương lịch không rục rịch gì nếu không có hệ thống loa đài ra rả hát hò ngâm thơ tổng kết và những dây đèn màu nhấp nhánh trong sân Nhà Thờ Giữa trên Đường Lớn sau Nô-en. Khác chăng là gió chướng lao rao mang theo mùi nước bạc của sông Hậu ngan ngát, dào dạt chứ không như thứ nước son ung ủng trong mùa mưa dầm. Và cũng khác với mùa mưa, thời tiết khô ráo đã kích động bọn trẻ hơn, chún túa ra đường như những chú khỉ trên những chiếc xe đạp và nhanh chóng biến thứ phương tiện nghèo khó ấy thành xe đua dưới ánh đèn đường đo đỏ. Một lần Tiệp bị hai đứa con trai phát vào lưng từ phía sau, lần sau thì nhận được một cái hôn gió vút qua và lần sau nữa: "Em già ơi, mình kiếm một chỗ mùi mẫn đi em già!". Tiệp phải nhảy xuống xe đạp đứng hẳn lại để cho bọn chíp ấy đi qua hẳn.
    Thật không dễ tìm một chỗ cho trôi vài tiếng đồng hồ đẻ bọn nhỏ ngủ rồi hãy về nói chuyện với Tuyên. Hiếu Trinh còn ở chung với má và các em, bộ mặt đau khổ của Tiệp sẽ bị "bắt bài" và rồi có khi Tiệp sẽ buột miệng kể ra chuyện nàng đã lao đến với Người ấy như thế nào. Đến An Khương ư, cô bạn nhỏ còn "hoi sữa" nầy sẽ ngạc nhiên khi thấy nàng đường đột đến mà không có lý do cụ thể, vả lại nhà An Khương quá nhiều người, họ hay len lén ra vào để quan sát một "cô Việt công gộc nghe đâu viết lách không được ngoan thì người ngợm thế nào". Hay là đến chỗ Quý, chỗ Biền, hai gã bạn đó ai cũng có một người phụ nữ sẵn sàng nhìn cái mụ văn chương như cái ngữ chuyên đi rù quyến chồng người. Lại chỗ Sếp nhà thơ ư, càng không thể, vì anh ta ở một mình trong căn hộ rất kín đáo thường có cả một đội quân các cô đội mưa đội gió đến đàm đạo vấn an, nếu nàng dến thì ngọn đèn ở đầu hẻm sẽ liệt nàng vào diện đó. Hay chỗ anh Năm Trường, hay là chỗ chị Mỹ Nghĩa, không, dứt khoát không, khi nàng còn chưa đối thoại với Tiệp thì nàng sẽ không tâm sự với người thân loại chuyện nầy, nói với gia tộc thì chỉ có nước bị điệu lên đoạn đầu đài sớm.
    Tiệp đạp xe vòng vòng, thong thả, một lần nàng buộc phải đi qua cái phố của Người ấy ở, một trong những Nhà khách của tỉnh trong cơn sốt tịch biên, trưng dụng và bành trướng. Nàng thấy Người ấy từ trong Nhà khách đi ra, cái áo xanh xanh trẻ trung dưới ánh sáng đặc ân của nơi không bao giờ chịu cảnh mất điện, điếu thuốc thơm trên tay, dáng đi nghiêng nghiêng tình tứ. Hình như chú công không thấy nàng đang đạp xe chầm chậm trong vũng tối vì anh đang mải hướng về một nữ nhà báo phốp pháp vừa xuống xe trước Nhà khách. Nàng tò mò nhưng sợ Người ấy lúng túng khi phát hiện ra mình và nàng đã đạp xe đi thẳng, tự tin vào sự trinh nguyên và vô điều kiện của trái tim mình. Từ hôm nàng lao đến với người ta, lẩy bẩy bên cửa khi bị cánh bảo vệ Nhà khách cật vấn và sau đó, dù cảm giác ban đầu không suôn sẻ, Tiệp luôn thấy trên từng tế bào của mình sự khơi dậy râm ran của dâng hiến và ký kết. Hình như lúc đó, bên chiếc giường đơn mà Người ấy bảo là đang thời kỳ ly thân với vợ ở Sài Gòn, nàng có trì lại nhưng đôi chân thì ngoan ngoãn đứng lên như cả hai sắp bước vào một điệu nhảy. Rồi tất cả quay cuồng, chóng vánh, vì có thể có rất nhiều ánh mắt rình rập từ dốc cầu thang hay từ khe cửa. Nàng cựa đầu thấy chú công của mình lúi húi với chiếc khăn tắm cho riêng anh dưới mắc áo chỗ cánh cửa còn nàng thì cong người ngồi dậy rúm ró vì bị lột trần ra quá sớm so với thời điểm của một cuộc tình đúng nghĩa. Người ấy bật lại đèn, ánh nê-ông sáng sủa, gột rửa, cửa phòng cũng được mở ra ngay kẻo bị cánh Nhà khách nghi ngờ, nàng hít một hơi dài thoát hiểm. Ngay đêm đó nàng về nhà viết cho Người ấy một lá thư dày như một truyện vừa lời lẽ bồng bột và tự nguyện, tưởng rằng Người ấy đang có hạnh phúc thì nàng yên phận nhưng một khi biết anh cũng có trục trặc cũng chán ngán gia đình thì nàng không sợ gì mà không lao tới. Trong thư nàng cam đoan rằng nàng sẽ tôn thờ, sẽ xả thân để công việc của Người ấy được hanh thông, sẽ sinh cho Người ấy một đứa con trai, sẽ phụng sự cái hạnh phúc mà mình mơ ước...
    Cuối cùng, nàng không ghé vào nhà ai mà tìm thấy một bãi cỏ bên con rạch Cái Bần gần nhà, dưới bóng một cây ô môi đang thai nghén những chùm hoa lụa là sẽ nở bừng sau Tết âm lịch. Vựa củi đước gần đó bốc lên mùi vỏ cây mục thấm nước, bên nầy là quán giải khát cất chồm ra kênh, nơi sáng nào nàng cũng ghé qua thả túi đá cục xuống và nhận về mấy trăm đồng tiền kẽm. Mặt nước tôi tối buồn buồn, mấy chiếc ghe chèo yên lặng lướt qua, nhánh sông nhỏ chỉ thiếu bần và đom đóm nữa là quay về đúng cái thời nó có tên là Cái Bần.
    Nàng nhớ mùi lá cỏ và nước mương của vườn nhà. Từ hồi con Tám Tiệp đèo đẹt biết tự tay gài nút áo và chải đàu thì đã phải thuộc lòng những bài học về sự đường hoàng của thủ lĩnh Tư Ràng. Con gái con lứa nhớ sáng ra việc đầu tiên là phải cầm lược chải gỡ đàng hoàng; người lớn có gọi có bảo phải dạ thưa cho đàng hoàng, khi trả lời phải đứng ngay ngắn lại nhìn thẳng vào người hỏi để nói năng cho đàng hoàng; ăn uống phải ngồi ngay ngắn, phải cầm đũa cầm chén cho đàng hoàng... Lớn lên chút nữa thì không chây lười - đàng hoàng; dối trá - đàng hoàng; không thất tín - đàng hoàng... Không dối trá nghĩa là phải trung thực, nếu nàng nói với Tuyên rằng nàng yêu người khác thì nàng có phải là người không đàng hoàng hay không? Nhất định không, đàn bà có chồng mà đi tằng tịu với người khác thì nhất định là không đàng hoàng rồi. Thì ra, trong giáo trình của cô Ràng và người thừa nhiệm mẫn cán Hai Hoài thì Danh dự là đàng hoàng, mà đàng hoàng là thể diện, thể diệnlà tốt khoe xấu che. Nhưng nàng không thể cùng lúc lên giường với Tuyên mà vẫn thậm thụt đi dâng hiến cho người khác, đó là sự rạch ròi tối thiểu của một người đàn bà tự trọng, mà tự trọng là đàng hoàng. Vậy thì nàng sẽ bảo toàn lòng tự trọng đó và danh dự cũng từ tự trọng mà ra.
    Như đã tìm ra cách giải một phương trình hóc búa, Tiệp quả quyết đứng lên. Sau nầy khi Người ấy về ngay Sài Gòn để "bỏ của chạy lấy người", khi chuyện chú công và cô nhà báo nhiều da nhiều thịt hôm ấy lộ ra, khi nàng quá ê chề với dư luận thì nàng thường nhớ lại một cách thấm thía rằng tại sao ẩn số tinh thần của các con ít được nàng đề cập tới trong bài toán đó. Nàng quá nôn nóng, hay nàng quá tự tin vào vòng tay của mình với chúng, hay nàng quá ích kỷ và mù quáng? Nàng chỉ biết lúc đó nàng thấy cuộc đời mình thật là dài, hai mươi tám tuổi người ta mới bắt đầu, sao nàng không thể bắt đầu lại? Điều rõ rệt là từ buổi tối cập rập trong căn phòng nguy hiểm ấy nàng thấy mình bồng bềnh như thiếu nữ, ngày cũng như đêm, khi ở nhà cũng như khi ra đường, khi thao thức cũng như khi trôi vào giấc ngủ.

Chia sẻ trang này