1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Gia đình bé mọn - Dạ Ngân

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 14/07/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Nghe tiếng xe đạp của mẹ, Thu Thi mở cửa nói ngay:
    - Mẹ nói ghé dì Hiếu Trinh thử áo, sao dì tới đây đưa áo cho mẹ nè?
    Nó chạy đi mang ra cái áo của mẹ để khoe nhưng nàng nghiêm mặt:
    - Con chạy xuống bếp dọn dẹp các thứ cho vô thau ngâm rồi trở lên đây. Mẹ có chuyện quan trọng muốn nói với ba, mẹ muốn con cùng nghe luôn thể.
    Chuyện quan trọng, đó là cách Tiệp thông báo với chồng không khí mà anh không thể thờ ơ. Tuyên ngồi trên ghế salon gỗ, lưng cúi thấp, tờ báo trên đùi, cây tăm trong miệng, theo thói quen, một bàn tay cứ ẩy lên ẩy xuống kỳ cọ khô bên má khiến da mặt thuỗn ra rồi đùn lên như anh bị đau răng. Vĩnh Chuyên nằm dang chân dạng tay như một thiên thần dưới chân anh mặc cho chàng Dianốp thần tượng khi thoắt khi hiện trên màn hình thỉnh thoảng mất sóng kêu khè khè. Tiệp ngồi xuống chiếc salon thứ hai, giữa họ là chiếc bàn mi-ca nhỏ của chủ cũ, nàng chăm chú nhìn chồng. Chíeê áo thun lá vô can, chiếc quần đùi kẻ sọc cũng vô can, chỉ có cây tăm đánh qua đánh lại trong miệng và thói quen mọp lưng trên tờ báo làm nàng lộn ruột, giờ nếu Tuyên giở thói ngồi xổm lên nữa chắc nàng không thể nào bình tĩnh được.
    Thu Thi đi nhè nhẹ từ bếp lên, nó có giác quan của một đứa giỏi văn, hai bàn tay ướt nắm lấy hai mép quần, lo âu, rón rén. Những lúc Tiệp cau có thì nó vui, nó hỏi "Mẹ đang viết được phải không mẹ?" còn hôm nay thì mẹ nó khác, rất khác. Tiệp đứng dậy dứt khoát vặn nhỏ vôlum máy thu hình, bấy giờ Tiệp mới ngồi thẳng lên, niềng niểng nhìn xem hình như cô vợ thất thường của mình sắp có chuyện gì đó quan trọng thật.
    - Có chuyện gì ở cơ quan sao? - Tiệp không ngờ Tuyên lên tiếng trước - Đã nói nên ở lại bên Sở làm văn chương quộp quẹp thôi, qua bên Hội môi trường phức tạp còn mất luôn cơ hội đi học chính trị làm cán bộ khung. Mà gần đây quan hệ bạn bè của em có cả sĩ quan nguỵ đi cải tạo về như tay Biên gì gì đó. Bộ chi bộ có nhắc nhở gì sao?
    Ngày thường với kiểu lên giọng rề rề ấy Tiệp đã xù lên đốp chát và cán cân quyền hành sẽ nghiêng trở về phía nàng, chắc chắn Tuyên sẽ thu mình vào tờ báo như cũ. Nhưng hôm nay Tiệp muốn một cuộc đối thoại bình tĩnh trước mặt Thu Thi:
    - Anh Tuyên nầy, tôi biết chuyện viết lách của tôi, tính khí của tôi, sở thích của tôi, cả những mối quan hệ của tôi hay làm anh lo ngại bực mình. Tôi với anh bị chiến tranh đưa đẩy, tôi thấy không nên kéo dài cuộc hôn nhân không có tình yêu nầy! Mà đã khi nào anh nghĩ tôi âm thầm có người khác không?
    Nàng vừa thực hiện một cú nhảy và chính mình cũng vừa té lộn nhào. Không, hơn như thế nhiều, nàng thấy mình vừa bị sát thương vì chính tiếng nổ do mình gây ra. Nàng thấy chung quanh ù ù chấp chá, thấy Tuyên biến dạng, mọi cử động như ngưng lại trong một đoạn phim bị bấm nút pause còn Thu Thi thì buông cây quạt đang quạt muỗi cho em để lùi vào chồm chỗm bên chân giường phòng khách. Dù sao nầng cũng đã chạy vụt qua đống đổ nát đó và bỏ lại phía sau tám năm vợ chồng đơn điệu và đứt khúc với Tuyên.
    Hình như Tuyên đã nghe thủng và đã hiểu ra, hai tay đập đập lên đầu gối, cười gằn:
    - Cô nói thiệt hay nói giỡn?
    Tiệp không ngờ phản ứng của Tuyên ngạo mạn như vậy. Nàng hớp mấy hớp không khí:
    - Tôi nói nghiêm chỉnh. Tôi mới hai mươi tám, anh cũng mới có ba mươi, cả hai đều có thể làm lại.
    Bỗng Tuyên đứng vụt dậy, những mạch máu bắp tay vằn lên như những con rắn xanh xanh ngoằn ngoèo và anh đi đi lại lại. Kiểu đi nầy nàng đâu có lạ, khi chế một bài diễn văn cho vị nào đó anh cũng sải chân sải tay như vậy trong nhà rồi lại ngồm xổm trên ghế viết viết, nhưng hôm nay nàng thấy nó có vẻ dậm doạ ngồ ngộ. Rồi Tuyên chắp tay ra sau, cô hà, nàng nghĩ nhanh, bây giờ thì chồng nàng đang giống hệt một ông thường vụ hay bí thư mà anh đang phấn đấu để giống, cái đà nầy thì Tuyên sẽ đập bàn để thể hiện cái uy của mình đây. Nhưng anh ta không đập cũng không uy, vừa đi vừa lẩm bẩm:
    - Cô toàn bịa với tưởng tượng. Tui không nghĩ cô có người nào, cô không dám. Mà tui có lỗi gì, thiếu điều mang tiếng sợ vợ. Cô đúng là được chân lân đầu, cô tính giở trò gì đây hả?
    Tiệp cũng cười gằn như chồng, nàng thấy mình bị đánh giá thấp trong khi Tuyên không sắc sảo và thấu đáo hơn được:
    - Tôi với anh khác nhau như nước với lửa,  như chó với mèo. Nếu anh gặp người khác, anh sống bình yên hơn, chừng đó chắc anh sẽ cảm động vì tôi đã giải phóng cho anh mà còn bảo bọc con cái cho anh nữa.
    Đột nhiên Tuyên dừng phắt trước mặt vợ, vung tay nghiến ngấu:
    - Đã nói dính tới văn chương là trốn chúa lộn chồng mà. Cô với thằng nào, thằng văn thơ trời đánh nào, hả?
    Tiệp ngã bật vào lưng ghế vì chồng thật thô lỗ và thảm hại. Vĩnh Chuyên giật mình ngồi dậy mếu máo, Tiệp chợt nhận ra sự khinh suất tội lỗi của mình, nàng tôn trọng sự đường hoàng nhưng tình thế đã không còn kiểm soát được nữa. Không thể trả lời rõ ràng hơn cho Tuyên trước mặt con, Tiệp dịu giọng:
    - Thu Thi, mẹ con mình đưa em vô giường đi!
    Tuyên lao tới, toan tách nàng và hai đứa nhỏ ra:
    - Cô tư cách gì mà đụng đến tụi nhỏ? Cô còn chưa trả lời, cô với thằng nào, cô đã ngủ với người ta chưa? À ha, hồi nãy tui về mà cô còn bỏ đi gặp thằng đó chớ áo xống gì?
    Thu Thi xoay vòng bên chân mẹ:
    - Mẹ đừng bỏ em với con, mẹ ơi!
    Vĩnh Chuyên cũng ôm chặt đầu gối mẹ khóc theo. Tuyên túm chặt vai hai đứa con nhún nhún như chúng là hai con rối trong tay:
    - Khóc đi, khóc lớn lên cho thấu trời thấu đất đi tụi con!
    Tiệp đứng áp trước mặt chồng, cả hai ngùn ngụt méo vẹo một cách kỳ quặc. Nàng gằn từng tiếng:
    - Tôi cấm anh tra gạn kiểu đó trước mặt con. Anh bình tĩnh thì chúng ta giải quyết êm thấm, nếu anh làm già tôi sẽ ra khỏi nhà ngay!
    - Ra khỏi nhà để thành điếm chớ gì? Đã bảo đi với cái ngữ ăn trợn nói trạo đó là hư thân mất nết ngay mà!
    Nàng nhìn chồng hồi lâu, như một ngọn lửa lịm dần và hết nhuệ khí chứ không phải vì Tuyên dập tắt được nó. Tiệp biết cả hai đã chạm vào cõi thiêng của nhau, như là chạm vào đức tin vậy. Sự khác nhau giữa vợ chồng nàng là mãi mãi, không giới hạn. Nàng lùa hai con vào giường, bỗng dưng Tuyên lao theo quỳ sụp xuống bên thành giường. Bộ quỳ nầy khiến nàng nhớ lại hồi ở Cứ, Tuyên cũng đã quỳ như vậy để cầu xin nàng một cái gật đầu, nếu không anh ta sẽ tòng quân và có thể bỏ xác ở đâu đó.
    Nàng co người rút chân ra khỏi cánh tay Tuyên, sợ một cảnh tượng vật lộn trước mặt các con:
    - Anh ra ngoài đi. Khi nào anh bình tĩnh hơn sẽ nói chuyện tiếp.
    Tuyên làm già, chồm tới vồ lấy vợ, trông anh thật thê thảm man dại, một kẻ sắp tử thương.
    Một lần rất lâu sau, khi nàng và Thu Thi đã ra khỏi căn nhà hình ống đó, bỗng nhiên một hôm Thu Thi thỏ thẻ với mẹ rằng hôm nay ở trường bài văn của nó được điểm mười nhưng cô giáo không đọc cho cả lớp nghe như mọi lần. Mới nghe vậy, Tiệp biết ngay con mình đã viết cái gì đó về gia đình mình. Đúng như nàng linh cảm, đó là bài văn với đầu đề: Hãy ghi lại cảm xúc về một kỷ niệm sâu sắc nhất với em. Nó bảo nó đã viết lại ấn tượng cái đêm kinh hoàng ấy, đêm mẹ nó nói với ba mẹ có người khác và muốn ly dị, cô giáo đã khóc khi chấm bài, vì vậy cô đã không thể đọc cho cả lớp nghe và dĩ nhiên, nó cũng không thể tự đọc được.
    Lúc đó, lúc con nói lại không khí lớp học và bài văn, nhìn gương mặt bệu bạo của nó nàng bỗng thấy mình thật đê tiện. Nàng đã quá vì sự rạch ròi, nàng quá sợ hãi một cuộc lên giường với Tuyên, nàng không biết nén mình như những phụ nữ khác trong hoàn cảnh tương tự để tìm một thời điểm thích hợp và tốt lành, đó là một vết đen không thể phai mờ được trong lương tâm nàng. 
     
    _________
    Hết phần 7.
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    8
     
    Chiếc khăn rằn sọc trắng đỏ quan thuộc choàng hầu lúc đi đường, chiếc túi xách bằng vải kaki màu dưa cải còn lại từ thời mồ mả nhà Nhu - Diệm, một chiếc xắc nhỏ tết bằng sợi nilon kỷ vật của anh trai trong tù, tay kia là chiếc giỏ mây cau trầu, cô Tư Ràng, cô Tư quan toà của gia tộc, cô Tư quyền sinh quyền sát của đám chị em Tiệp lập tức có mặt ở thị xã, đúng như Tiệp dự đoán. Như trời chuyển thì phải có giông, có sấm thì có sét, sau đó là mưa, mưa vuốt mặt chứ chẳng chơi, có khi ngay từ cú sét đầu đã phải ngã lăn ra rồi.
    Cô Ràng đến lúc nàng và Tuyên đều có mặt ở nhà, cách cô bước vào buồn thiu trước sự tíu tít của hai đứa cháu nhỏ, cách gạt tay Tiệp để tự đặt các thứ xuống giường ngoài rồi cau mày đi dài vô trong cho biết sẽ có mưa giông lâu đấy.
    - Bữa nay Tuyên đi làm về sớm hả con? - bà cô ghê gớm cố tình lờ nàng chỉ để bắt chuyện với Tuyên khi chạm anh ở cửa sau.
    Thấy cô Ràng, Tuyên bỏ cái dao xắt rau muống xuống, quýnh quáng:
    - Trời ơi, cô đi bằng gì mà tới đây chiều tối vậy cô?
    Chưa bao giờ bà cô của Tiệp nhận được một lời mừng có tính chính sách lộ liễu như vậy. Tuyên đã từng than thở với vợ rằng anh thấy cô Ràng hay chẻ sợi tóc làm tư, hay yêu sách cầu kỳ, cô không đơn giản mộc mạc như người bên nhà anh, Tuyên không nể sợ cô như vợ mà còn thấy khó gần. Còn Tiệp, mỗi khi cô Tư mình có mặt, nàng cứ lo Tuyên sẽ thất thố lạnh lẽo hoặc đãi bôi hời hợt, cả hai biểu hiện đều không qua mắt được cô Ràng và đều rất là có lỗi với cô. Không trọng vọng chu tất thì thôi chứ đừng tưởng!
    Là "đối tượng có vấn đề", Tiệp không dám sán đến chạm vào cô như mọi khi, chỉ ấp úng:
    - Tư từ nhà anh Trường qua đây hả?
    Cô của nàng chỉ nhìn lướt qua nàng để biểu diễn sự thất vọng ghê gớm rồi quay lên vừa đi vừa nói:
    - Xuống bến xe hồi trưa, Tư ngồi xe lôi tới thẳng chỗ anh Trường bây. Chiều nay nó nài nỉ Tư ăn cơm với tụi nó một bữa nữa nhưng Tư đứng ngồi đâu có yên.
    Tư không chỉ là thứ, là thứ tự sau ba nàng mà còn là cách gọi, là một ngôi vị mà chị em nàng tôn thờ một cách tự nhiên như phàm là con người thì phải thờ cha thờ mẹ vậy. Tiệp thương má bằng tình thương ngậm ngùi xương thịt, nhưng với cô em út của ba nàng, người đã ở vậy để thay anh trai chăm chút mẹ già rồi gánh vác luôn một bầy con của ông anh nữa, bà cô Tư ấy xứng đáng được nàng yêu bằng tình cảm thần thánh, tri kỷ, tình cảm ấy thường khiến nàng mềm lòng và thức tỉnh.
    - Chiều nay Tư thích ăn gì để con đi chợ? - nàng theo sát cô mình, cảm thấy nợ cô một cái ôm hôn.
    Tiếng đằng hắng ra uy quen thuộc:
    - Tư chẳng thích ăn gì. Tư chỉ muốn tụi con đầm ấm, lúc đó húp nước mắm suông Tư cũng thấy ngon.
    Im lặng, đó là sự im lặng biểu diễn của vua chúa. Tiệp biết những lời quan trọng nhất còn chưa được bắt đầu, phải cần nhiều cái ngừng ngắn nữa không khí mới đủ đậm đặc. Cô Ràng xách giỏ trầu đi xuống, đám cháu lạilẵng nhẵng theo sau như một cái đuôi dài. Ngồi lên bộ ván bằng gỗ thông trong bếp, lùi vào cho đúng vị trí chễm trệ, vẫn không nhìn đứa cháu tội đồ, cô ngúc ngoắc ngón tay trỏ nói trống:
    - Đứa nào đưa cho Tư ngụm nước trắng.
    Tuyên nhanh nhảu:
    - Nước, nước trắng cho bà, nước cho bà, Thu Thi!
    Thu Thi chạy đi vặn vòi bình lọc đưa cho bà cô ly nước bằng cả hai tay. Cô hớp một ngụm nhỏ rồi nhổ vào lon sữa bò cô vẫn mang theo trong giỏ trầu. Cô ăn trầu từ hồi con gái, tự vấn thuốc hút phì phèo vào những đêm thanh vắng, mở mắt ra là Tiệp đã thấy cô mình ăn trầu hút thuốc và goá bụa phong sương đáo để như bây giờ. Cô chưa đầy sáu mươi, hàm răng còn rất khoẻ nên chưa phải ngoáy trầu.
    - Con Tiệp đi qua con Nghĩa một lát đi. Chở hai đứa nhỏ đi nữa. Tư muốn nghe chồng của con nói trước. Con đi đi, mình ăn cơm tối chút cũng được, có gì ăn nấy, đừng bày vẽ.
    - Má con với mấy mẹ con chị Hoài với Mỹ út sao Tư? - nàng nấn ná một chút để khỏi bị bắt bẻ là không hỏi han gì ai hết. Cô Ràng nhướng cao đôi lông mày oai vệ trên gương mặt chữ điền:
    - Khoẻ, khoẻ hết! Nghe chuyện của bây rồi không ai còn dám bịnh hoạn gì nữa. Thôi, đem hai đứa nhỏ đi đi!
    Thật ra người được Tuyên cầu cứu đầu tiên là anh Năm Trường và chính anh cũng là người chất vấn Tiệp trước hết. Là con trai một, đích tôn của ông nội, vị trí anh Trường thật đặc biệt, lâu nay trước ông anh có cái uy tự nhiên ấy Tuyên thường lóng ngóng thủ phận. Tiệp biết như vậy không có nghĩa là Tuyên không tận dụng vai trò của anh Trường khi cần. Thời may dạo nầy anh vừa được điều từ một Sư đoàn bộ binh trấn bên Cam-pu-chia về Quân khu bộ và anh đã có mặt một cách sốt sắng khi chú em rể đáng thương cầu viện.
    Hôm ấy, anh Trường đến chỗ em gái vào giác trưa, ngoại lệ, bằng chiếc xe đam cũ cũng mua từ tiền bán quà cưới, như vợ chồng Tiệp. Nàng thích thấy anh trai mặc sơ-vin hơn, anh là người cẩn thận, tươm tất, cầu toàn, nhưng đời lính đã không cho anh điều kiện để thể hiện những cung bậc thẩm mỹ của mình. Trong bộ đồ dân sự vào những dịp giỗ chạp ở quê, Tiệp thấy anh sáng choang mà gần gũi, đó là dung mạo của ba nàng trong bức ảnh bàn thờ, gương mặt thông minh, đôi lông mày gần chạm thái dương và cái miệng tươi cười ấm áp. Nhưng hôm ấy trông anh xa cách và đanh cứng trong bộ quân phục với chiếc kêt-pi chỉnh tề.
    Anh Trường đi thẳng ra sau xem qua ngăn chuồng của cô em - vợ anh cũng có nghề nuôi heo phụ hoạ như mọi người - rồi anh trở lên, nóng nảy một cách buồn rầu:
    - Sao, nghe nói cô Tám tính bỏ chồng? Bịnh đứng núi nầy trông núi nọ ở đâu ra? Cô Tám làm thiệt hay làm kiểu văn nghệ hả?
    Tiệp ngồi xuống cái ghế hôm đối thoại với Tuyên để chậm rãi nhìn anh trai. Cách vào đầu của anh cho thấy cái bệnh quân lệnh như sơn của anh, thói quen khiến cô Ràng hay lo lắng: "Trận mạc giết chóc động thủ hét hò tiêm nhiễm. Ba nó mềm mại thấu đáo hơn nhiều. Với lại không rành nhang đèn cúng bái, ôm bàn thờ sao đây?" Anh lên Cứ khi còn tuổi vị thành niên, ngay sau khi người cha chết từ, kết thúc giấc mơ thành kiến trúc sư, ông bà nội thở dài hàng đêm vì nghiệp lính của anh, còn Tiệp thì lại thấy anh mình giống như một gã thư sinh đi lạc, luôn luôn sáng trắng, thanh cảnh và hào hoa thành thị.
    Bị hỏi kiểu nàng không ngờ trước, Tiệp co chân lên ghế, cố gắng ôn tồn:
    - Nếu anh cứ cái giọng buộc tội em thì em sẽ không tâm sự gì đâu. Em chỉ báo một cách thủ tục là em sẽ chia tay với Tuyên.
    - Chia tay để đi với người khác?
    Tiệp cựa quậy trên ghế:
    - Em chấp nhận búa rìu. Sống với Tuyên thì sớm muộn gì rồi em cũng có người khác.
    Năm Trường vẫn đứng nguyên chỗ cánh cửa, ngoảnh nhìn cô em như chưa bao giờ nhìn thấy nó:
    - Còn con cái? Chẳng lẽ không chiến tranh không tai nạn mà tụi nó mồ côi?
    - Sao lại mồ côi?
    - Thì rõ ràng có ba là không có mẹ rồi!
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tiệp đứng vụt dậy. Tiệp không tưởng tượng nổi anh mình, người nhà của mình đã sớm tính rằng nàng không có quyền nuôi con. Chị Hoài hay kể, hồi nhỏ, nếu bị đòn oan con Tám Tiệp khóc không bao giờ nín, con nhỏ chỉ nín khi - được người lớn dỗ dành, người lớn làm vậy tức là người lớn thấy mình có đàn áp, có bất công, có xử ép. Lớn lên nàng hay xông vào những chỗ bất bằng, được xem là giống cô Ràng nhất, trong việc bỏ Tuyên, nàng muốn một sự công bằng: nàng sống với Tuyên là một sự phí phạm và Tuyên cũng sẽ vừa vặn, yên ổn với một người hợp với cái khung của anh ta. Nàng nói hổn hển với anh trai:
    - Anh dư biết là em với Tuyên trâu trắng trâu đen thế nào. Trong nhà nầy em làm vợ mà còn làm chồng, em làm mẹ mà còn làm cha, bộ em thích cầm quyền sao? Ai chứ người như Tuyên thì em phải được nuôi con, không thì rồi chúng nó cũng tụ về với em, em không sợ mất chúng, đừng có lấy tụi nhỏ ra mà làm áp lực với em!
    - Ai cho cô Tám cái quyền nuôi con? Gia tộc không ủng hộ, toà án cũng không ủng hộ. Suy nghĩ kỹ đi, coi chừng người ta lợi dụng, người ta chỉ nhất thời cho qua cái thời gian đặc phái ở đây thôi.
    Giá như Tiệp ít bồng bột thì nàng đã không mắc phải sai lầm như sau nầy nàng mới ngộ ra. Nhưng lúc đó Người ấy còn chưa bỏ chạy, Người ấy còn tha thiết cái cơ thể ba mươi tám ký của nàng khi có dịp và nàng đã tin rằng nàng sẽ giữ chân được người ta vì nàng có tình yêu chân chính. Nàng hcồm lên gần như hét vào mặt anh khi nghe thấy những lời xúc phạm người đàn ông thiêng liêng của mình:
    - Anh đừng có ác cảm! Chỉ có em mới biết ai tử tế ai không, anh cứ chống mắt lên mà coi em làm lại cuộc đời như thế nào!
    Năm Trường rút cái nhìn quan toà lại, như tra súng vào bao, tức tối bước ra. Ông anh quyền huynh thế phụ phóng xe đến để đứng về phía thể diện và lên án chứ không han hỏi, lắng nghe. Tiệp thấy uất ức ngút trời, bước ra theo, sủa lên như một con chó:
    - Cứ kiểu xử ép đó thì từ rày anh đừng có gặp em nữa!
    Chiếc đam rồ ga, Năm Trường tái xanh mặt mũi:
    - Thì cứ chuẩn bị tinh thần đi, chi bộ, đảng uỷ, bên vợ bên chồng, lối xóm bạn bè, chuẩn bị đi! Chuẩn bị ứng đối với cô Tư đi, nhớ chuẩn bị cho kỹ đi kẻo cứng lưỡi nghen!
    Chiếc xe đạp không chở hết hai đứa nhỏ, vâng lời bà cô, Tiệp dắt chúng đi bộ ra khỏi nhà. Không dưng mà cô Ràng muốn nàng sang nhà chị Mỹ Nghĩa, may ra ở đó nàng có thể được giác đác nhiều hơn vì dẫu sao hai chị em cũng lưa lứa nhau. Chị Nghĩa và nàng là bóng với hình, đúng là sự gắn bó định mệnh của hai ngón tay liền kề, Nghĩa nấu cơm thì Tiệp rửa chén, Nghĩa đi xúc cá thì Tiệp cầm giỏ, Nghĩa đứng chèo thì Tiệp ngồi mũi cầm dầm, Nghĩa ngủ với má thì Tiệp ngủ với cô... Lớn lên xa nhà đi học bổ túc văn hoá chung lớp, lên Cứ chung ngày chung đường, Nghĩa ở nhà in thì Tiệp ở toà báo và, Nghĩa không "một tấm tình nào để gối đầu thì Tiệp chồng con đề huề rồi lại còn kiếm thêm một mối nữa!". Quả tình hai chị em là sự bù trừ buồn cười của ông tạo: Nghĩa kim chỉ thì Tiệp tung tăng, Nghĩa cặm cụi thì Tiệp bay nhảy, Nghĩa chặt chẽ thì Tiệp lai láng, Nghĩa rù rì rủ rỉ thì Tiệp thích chỗ đông người....
    Thật ra chị Nghĩa của nàng đã từng yêu ai đó và người ta cũng đã nằm xuống như hàng triệu người trai trẻ khác, sau đó thì chị thấy ai không hôi nách thì cũng lưng dài, không lùn lé thì cũng lêu đêu. Và với những tiêu chuẩn riêng chị, chị chưa bao giờ tin cậy Tuyên như chị Hoài, thậm chí ngày xưa chị còn tỏ ra đau xót khi cô em áp út nhà mình thành hôn với một cậu lẽ ra phải cao cơ hơn nó mọi đường. Những ngày qua, Tiệp chưa sang chỗ chị, nàng ngại đôi mi cong vút hay đẫm lệ của chị Nghĩa, thuần tuý vì tình thương với hai đứa cháu bất hạnh nếu ba mẹ chúng bỏ nhau, ngược lịa, sau khi nghe tin từ phía anh Trường, chị Nghĩa cũng không đến nhà cô em, cũng thuần tuý vì chị không thích bàn tay chới với của đứa em rể mà chị không ưng ý ngay từ hồi đầu.
    Tiệp đưa hai đứa con lại chỗ bãi cỏ dưới gốc ô môi bên mép sông gần nhà. Một lần nữa Tiệp lại nhớ mương và nước trong vườn, nhớ má và nhớ chị nhớ em, thế là chuyện sẽ kinh thiên động địa ở quê, sẽ làm cho những người thân của nàng phải cúi mặt khi ra đường, sẽ biến nàng thành một con hủi ghê tởm và đáng phải biệt tăm. Nàng hình dung má lúc nầy, những buổi chạng vạng như vầy má sẽ ngồi thần người trên bờ bến hồi lâu trước khi múc nước đổ lên người trên chiếc cầu ghép bằng những miếng cau già, chắc chắn má sẽ không bài bản phân tích nặng nhẹ như cô Ràng mà chỉ run run lợn cợn cái giọng rầu rầu cố hữu "Làm đàn bà con gái là phải chịu khổ, ráng khổ chút nữa rồi cũng hết đời thôi, con!". Luôn là người ở khoảng giữa của má và cô, chị Hoài sẽ vừa khuyên lơn vừa nước mắt và nhân tiện gửi gắm tâm trạng: "Có chồng, ừ thì không vừa ý không hoà hợp thì cũng hơn là không có!". Còn Mỹ út, mười ngày sau cái tháng Tư của cái năm ghê gớm ấy, nó đã lùa mẹ con Tiệp và mẹ con chị Hoài xuống vỏ lãi đi một chuyến Điệp Vàng, nơi cả nhà chạy tản cư trong nhiều năm trước hiệp định Paris, lúc đó, trong không khí kẻ vui người buồn đó, ai cũng thầm ghen tị với Mỹ út: chồng nó là cán bộ trung đoàn, nay mai lên tướng, vợ con tha hồ lên xe xuống ngựa! Sau chuyến chợ thăm lại cái nơi cả nhà từng ăn uống bằng thứ nước kênh lều bều *** người và *** heo vào mỗi sáng, thằng Hớn con chị Hoài bị gãy xương chân vì chất nổ sót trong vườn nhà, Mỹ út nhận được tin báo tử chồng, lúc đó con gái nó mới có biết đi! Thế là một cuộc nước mắt và tang thương mới nữa đã bắt đầu, bên trong nó, kín đáo và vô cùng tế nhị là một cuộc chiến âm ỉ khác: ai cán bộ thì ở thành đường nhựa, nhà riêng, đèn điện tivi, đủ cả, còn những bà goá thì cắm mặt xuống miếng vườn đầy rắn rết, hố bom hố pháo và chất nổ không ai biết đường mà thu dọn, một cái hố tự nhiên lờ mờ nhưng khá rộng, rộng mãi ra. Rồi đây chắc cắhn chị Hoài sẽ ngồi xe đò hay phóng vỏ lãi lên ngay sau khi cô Ràng ở chỗ Tiệp về, và rồi chị sẽ khóc lóc xối xả, sẽ giận nổi gân trán vì vợ chồng Tiệp không cúng kiến không coi ngày khi dọn vô cái nhà của dân vượt biên nầy - họ không ếm cho thì cũng đại hoạ vì thất đức - rồi chị sẽ xẹp xuống rỉ rả mưa dầm thấm lâu và cuối cùng, sẽ nói tợn luôn: "Người ta kiếm tấm chồng hổng ra, mầy có, mầy còn eo sách gì nữa!"
    Bữa cơm chiều, Tuyên hể hả trò chuyện không ngớt với cô Ràng để cố tình đẩy vợ vào thế chịu phạt như một đứa con nít. Chưa bao giờ Tuyên vồn vã được nước như vậy. Rõ ràng một cuộc chạy đua, một cuộc ăn thua, Tiệp đã chủ quan khi có vẻ coi thường chồng. Tinh ý và kiêu hãnh, cô Ràng không thể không nhìn thấu tâm can cháu rể, khi thì cô cao giọng về chuyện vu vơ nào đó để Tuyên không bắt nhịp được, lúc lại im lặng rầu rầu chăm chú với miếng nhai, cô cảm thấy mình cũng đang thất thế với cháu rể chư sko chỉ vợ nó. Sách lược của Tuyên cho thấy một mánh khoé, phát hiện đó làm Tiệp sôi sục nhưng chỉ âm ỉ và ngắc ngứ.
    Theo lệnh cô Ràng, cơm nước xong, đến lượt Tuyên phải đưa hai đứa nhỏ đi chơi để cô và Tiệp ở nhà nói chuyện.
    - Thế nào bà Tư cũng hạch tội mẹ, con lo lắm! - Thu Thi ghé vào tai mẹ trước khi bước ra.
    Được đi chơi, Vĩnh Chuyên sung sướng trèo gọn lên ngồi sẵn trên bình xăng chiếc hon-đa 67, Thu Thi cầm theo chiếc gối mỏng riêng để lót cho em. Tiệp nhanh chóng quay vào, quái lạ, nàng thấy nỗi sợ bà cô vẫn y nguyên như hồi nàng còn nhỏ.
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    - Mình vô giường trong, Tư vừa nói chuyện vừa dựa lưng cho đỡ mỏi đi Tư! - Kiểu khúm núm thần dân nầy là má chúa ghét đây.
    Cô Ràng im lặng, tự xuống lại nhà dưới xách giỏ trầu rồi theo cháu gái vào chiếc giường của vợ chồng nhà nó, nguyên là hai chiếc giường đơn mang từ Điệp Vàng lên đâu lại thành một đường sống trâu ở giữa. Cô kê dưới ót, cùng lúc ba cái gối, bộ nằm tréo ngoảy âu sầu chỉ thiếu một điếu thuốc vấn trên tay. Tiệp nhớ những buổi tối êm dịu, giường của hai cô cháu vuông góc với chỗ của bà nội, dãy kia là má, chị Hoài, chị Niệm (lúc chưa lên Cứ), chị Nghĩa và em út, một đội quân giường toàn đàn bà và con nít từ khi ônội ngủ giấc ngủ không bao giờ dậy sau cái tin ba nàng chết. Một điếu thuốc to cỡ ngón tay trong kẽ ngón, cô hay dông dài với Tiệp chuyện ông bà nội rời đất vườn tổ Cao lãnh để đi dài xuống sông Hậu lập vườn là vì sông Tiền úng ụt sóng to gió lớn quá, chuyện ba của Tiệp đứng ra nhận mình là người mà giặc đang săn đuổi để chuyến xe có vị Bí thư tỉnh uỷ ấy thoát thân và nổi danh Lê Lai từ đó, chuyện vì sao chị em Tiệp phải nối gót cha, vì sao cô và má hay mâu thuẫn, vì sao cô ở vậy để cáng đsang mọi chuyện và vì sao cô gởi em Minh, con gái một của cô ra thành cho nhà nội nó... Nói chung đó là những đề tài rỉ rả, nhảy cóc nhưng thấm thía, đau buồn. Nửa khuya, khi con Tiệp ròm đã ngủ thì cô hay vần nó ra để hôn hít chằm bặp, hay ngồi dậy ăn trầu, hay dựng chị Hoài dậy chuyện vãn như một đôi bạn vong niên, Tiệp sợ cô nen ít khi ngủ sâu, vì vậy Tiệp nghe lỏm hết và luôn thấy mình được bao bọc bằng thứ ánh sáng của trăn trở, đối thoại và từng trải. Vào Cứ khi mới là thiếu nữ, Tiệp nhớ cô bằng với nhớ má và luôn ao ước: cô mình ít hcữ nhưng mình chỉ mong nữa mình cũng sắc sảo, xông pha, tinh tế và biển cả như cô thôi.
    Tiệp ngồi dưới chân cô, lưng dựa vào thành giường để chuẩn bị tư thế chịu đựng:
    - Sao, có chuyện gì nói trước Tư nghe?
    Tiệp vân vo mép gối dằn trên hai ống chân, văn chương ư, độc giả ư, ngày thường nàng tưởng nó là chuyện ngàn cân, hệ trọng, nhưng sao giờ nó vô nghĩa với bà cô và gia tộc như vậy?
    - Anh Năm Trường nói với Tư sao?
    - Con hỏi vậy là có ý gì?
    Tiệp ấp úng:
    - Tại vì con muốn biết anh Tuyên nghĩ gì, nói gì khi cầu viện anh Trường. Anh Tuyên đơn giản, thụ động, có lúc ba phải nhưng không phải là không có mánh khoé khi cần.
    Cô Ràng bật ngồi dậy, hai chân xếp bằng tròn, hai nắm tay phừng phừng, trợn trắng:
    - Bây giờ thì anh Tuyên thế nọ thế kia. Hồi đầu, con nhớ đi, hồi đầu nhìn qua hai đứa Tư đâu có vừa bụng. Nhưng có ngăn được không, hử? Lửa gần rơm, tụi con bén sâu rồi, có làm dữ thì mình nhà gái, mình thiệt! Đặng vợ mất chồng là chuyện của thế gian, giờ hai tay hai đứa con bỗng dưng con vùng vằng? Ừ thì con chán nản, con ấm ức nhưng sao lại làm um lên tui có người khác đây, chồng ơi tui có người khác đây nè! Thân bại danh liệt, con giết con, con giết cả thanh danh nhà mình rồi thì thằng Tuyên nó có muốn giết con cũng hổng ai dám cản! Nó có súng mà, con nhớ đi, nó giết con dư luận cũng không lên án, rồi nó đi tù, con cái vậy là mồ côi đủ bộ!
    Cô Ràng bỗng nín bặt, như một vai diễn trước khán giả đang chết lặng vì mình. Hai chân xếp bằng kiểu thiền quen thuộc, mấy ngón tay lần lần nắn nắn mấy ngón chân nhỏ xíu, cô hớp hớp không khí như con cá sắp bị ngộp và bắt đầu lầm rầm với ông bà nội của Tiệp, với người cha anh hùng của Tiệp lúc nầy đang ở trên cao hay là đang ở đâu đó dưới địa ngục. Hồi cả nhà được tin ba nàng chết ngoài Côn Đảo, cô cũng ngồi bẹp trên nền đất thềm nhà ngẩng lên gập xuống như vầy, ông nội ra đi để lại nỗi mồ côi cho tất cả, từng lá cây và ngọn cỏ trong vườn, cô cũng khóc la khóc lết như vầy. Cô là người đàn bà tháo vát phi thường vì vậy nết khóc của cô cũng có vẻ lợi hại, nó khiến người ta run sợ và qui phục. Tiệp bắt đầu khóc theo cô, nàng khóc cho nỗi niềm không có đàn ông của những người thân và mảnh vườn, khóc vì yêu thương bà cô trời biển và khóc cái tuổi trẻ bị đánh cắp của mình. Nàng cũng gập xuống - dù không có ngẩng lên - trong lòng bà cô, đôi vai mảnh dẻ run như lên cử, run không kềm được, hai cạnh hàm như bị khoá chặt, không nói nổi lời nào.
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Nàng nhớ một buổi sáng mùa nước ở Đồng Đưng, những bủôi sáng mang trong nó mầm mống chết chóc ở khắp nơi, từ các loại bom đạn trên cao, hoặc từ những đường đạn ngẫu hứng của đồn giặc ở bên phải bên trái, hoặc của những trái nổ của một bãi lửa dưới chân đơn giản vì những tác giả của những công trình đó đã chết, đã hy sinh rồi và không ai biết các thứ trái gài ấy nằm ở những đâu nữa. Một buổi sáng, một cô một cậu trẻ nhất cơ quan bị vây giữa lục bình ở một ngã ba toạ độ chết của vùng căn cứ Đồng Đưng, thứ giặc cỏ sinh sôi không biết mệt ở những chỗ không người. Một tràng đề-pa tròn vạnh, gọn đanh, lập tức tiếng hú của lũ thần chết ào tới bay siết trên đầu, pháo chụp pháo đào pháo trộn, đủ cả, dàn giao hưởng quay cuồng chỉ không phải của Bet-thô-ven, những cột nước làm cho chiếc xuồng nhỏ dựng đứng lên, mảnh pháo và cây cối sát thương đổ xuống như trong tâm bão. Tiệp nhảy ùm xuống kênh, không biết bơi, nhà toàn đàn bà con gái sông sâu nước chảy không ai biết bơi trừ cô Ràng, một trong những nỗi sợ của nàng trong thời chiến là phải vượt sông hoặc làm gánh nặng cho các chú các anh hoặc sẽ chết trôi mà chưa chắc thành liệt sĩ. Từ đằng lái Tuyên bò lom khom trong tiếng nổ nắm tóc Tiệp kéo lên "Cầm dầm bơi ngược lại sau lên bờ kênh may ra có công sự". Quả nhiên, cả hai tìm thấy một cái công sự không nắp dài dài như cái lỗ huyệt dưới chân một gốc trâm bầu, nước ngập tới cổ, vậy đã là may, một cái thân cây đổ hay một cái hàm ếch bên mép bờ cũng đã là một chỗ ơn cao đất dày còn hơn là ở trong bụng mẹ, lúc nầy. Tiệp mười chín tuổi, thâm niên năm năm ở Cứ, từng bị chất độc hoá học da cam bài lưng như một con rắn trên sa mạc, từng bị máy bay trinh sát đi lẻ điểm mặt trút pháo làm nát xuồng, từng bị ngộp thở suýt chết dưới hầm bí mật trong mùa lụt, từng sống sót sau trận bom B52 chung quanh không còn một cây đứng. Nhưng buổi sáng ấy, buổi sáng thê lương bởi cuộc chiến đã quá kịch liệt, không có hệ thống công sự kiên cố bên mình trong khi sông sâu nước chảy mà trận pháo bầy thì sung mãn thừa mứa. Cái chết đã nhe nanh ra, cái chết đã lùi lại, cô ơi, má ơi các chị ơi, nàng rụt sâu xuống hơn trong cái công sự với người thanh niên có thể chết cùng với mình bởi một quả pháo chụp pháo đào hay pháo trộn gì đó. Dàn đồng ca của súng đạn, đô la và giàu có chừng như bất tận, không mệt mỏi, như chúng muốn băm vằm cái ngã ba và cái cây trâm bầu trên đầu họ. Tai Tiệp ù đặc, mắt nàng long lanh cảm thán vì Tuyên đã nắm được tóc nàng kéo lên đúng lúc và đã ấn nàng xuống cái công sự như cái lỗ huyệt nầy. Nàng cười sằng sặc rồi nàng mếu máo khóc, bỗng nàng nín bặt vì nghe thấy có hai bàn tay đang áp vào, hàng nút áo bung ra tự bao giờ, hai trái ngực nàng đang săn lên run rẩy bởi đôi bàn tay ngốn ngấu trong thứ nước màu sữa đục, lạ quá, cảm giác được mơn trớn mà cũng được dày vò nâng lên hạ xuống trong mặt nước có mùi âm phủ, lạ quá. Hình như anh ta có hào hển rằng đã có ý với nàng từ lâu, ngay hồi mới đầu quân về cơ quan, đã chấm nàng và mơ được cưới nàng làm vợ... Không gian bỗng lịm đi, tai hoạ đã qua thật, nàng tót lên miệng công sự chống tay lên mép đất ngồi thở. Mùi của đất cây cỏ bị huỷ dịêt, mùi môi của người thanh niên vừa khám phá được phân nửa nàng dưới công sự, mùi của thân xác lần đầu nghe thấy nó cồn từ bên trong ra, cấp rấp, kêu gào sống sót rồi, phơi bày rồi, tận hưởng đi buông xuôi đi. Tuyên dựng nàng đứng lên: "Giờ phải đi coi chiếc xuồng rồi kiếm chỗ, tụi nó cho pháo dọn bãi, thế nào hồi nữa cũng có đổ quân nhảy giò!". Thế là có ân tình, có kỷ niệm sống chết và có cả chữ tín trong sự trao gửi tiết trinh...
    Khóc lặng bên nhau hồi lâu, cô Ràng vuốt vuốt mái tóc đứa cháu kỳ vọng của mình, dỗ dành:
    - Tư biết chớ, biết con không hạnh phúc như mong muốn của gai đình bởi con là ngôi sao của dòng họ. Nhưng con nói tuột ra hết với chồng là ngu dại chớ không phải đàng hoàng. Đàng hoàng mà khôn ngoan mới là người có mưu có trí. Phải bảo toàn cái mạng của mình, có sống thì mới nuôi được con, sau nữa là bảo toàn cái thanh danh của mình. dù gì cũng đã lỡ ra rồi, con suy nghĩ kỹ thêm đi, đã làm thì làm cho trúng, đã kén chọn thì phải chọn cho hay, coi chừng xộ rồi phải quay đầu lại thì nhục tới hai lần, chừng đó có nước tự tử luôn!
     
    _________
    Hết phần 8.
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    9
     
    Sếp nhà thơ của Tiệp là một người thất thường như mọi nhà thơ, nếu không gắn liền với cái chức Chủ tịch Hội chắc chắn anh sẽ là người khóc cười bằng chính trái tim, một người nhiều cung bậc và dễ trìu mến.
    - Sức khoẻ em lúc nầy sao?
    Một buổi sáng công sở thuần tuý, mặt bàn salon luộm thuộm tàn thuốc và cặn trà như mọi phòng khách của cơ quan văn nghệ, Sếp bảo nàng ngồi xuống để hỏi thăm. Tiệp ngồi lọt thỏm trong ghế mây, cố nặn ra một nụ cười:
    - Thì anh duyệt đi!
    Sếp cũng cười, tư lự, nghẹn ngào, chắc chắn không phải vì thương cảm cho Tiệp mà vì cớ gì đó bên trong anh, của chính anh.
    - Chuyện của e với Hai Tuyên rồi? Ráng vá lành hay rách luôn?
    Tiệp nhìn ra cửa sổ, những chùm bông giấy màu cam của ngôi biệt thự sáng nay đung đưa quá.
    - Chuyện hôm qua ở Điệp Vàng đã làm tràn cái cốc chịu đựng của em. Trái tim của Tuyên chắc cũng chia làm ba, nhưng cả ba phần tươi đỏ đều dành cho Ban với Hai Khâm hết!
    Sếp dướn người tới trước, vẻ đồng cảm bạn bầy:
    - Rận trong chăn ai người nấy biết mà!
    Tiệp nhớ buổi chiều mùa thu năm ngoái, những hạt mưa to cheo chéo trên cái bến xe đầy lá bánh và ruồi, tấm lưng và mùi thuốc lào của người đàn ông lạ, tiếng nói giòn giòn ráo rảnh của bà cụ ân tình và gương mặt đăm chiêu của chị Hoài khi ghé xuống đứa em. Hôm đó Thu Thi đã khôn lanh hơn nàng tưởng, nó kéo bà cụ đi dài theo bãi chợ để tìm ra chiếc vỏ lãi quen thay vì phóng xe lôi xuống địa chỉ nhà người bạn gái của dì, và nó đã gặp dì Hoà đang hì hục với chiếc máy đã bị nguội vì đám mưa. Tức tốc chạy vào, chị Hoài cúi xuống vừa lúc Tiệp đã xong với phòng cấp cứu, gương mặt rầu rĩ thường trực vừa xót xa vừa lo nghĩ, có lẽ chị linh cảm rằng không có cái thai thì cơ hội cơm lành canh ngọt của vợ chồng cô em chắc cũng không nhiều. Sau khi Tiệp yên chỗ trong phòng hậu sản, chị tất tả cùng Thu Thi đi mượn điện thoại của bệnh viện để gọi lên thị xã. Nhà riêng của Tiệp chưa có chế độ điện thoại - phải mấy năm phấn đấu cật lực nữa Tuyên mới đạt được "chỉ số" thang bậc đó - thế là phải liên lạc qua cơ quan. Mãi sáng hôm sau Tuyên mới nhắn xuống: "Ba ngày nữa sẽ ngồi xe cơ quan xuống đón mấy mẹ con về luôn. Yên tâm, đã hỏi qua ý kiến của bác sĩ của ban bảo vệ sức khoẻ Tỉnh uỷ trên nầy, băng huyết vì sẩy thai mà can thiệp kịp thời thì không việc gì đâu!"
    Sếp nhà thơ nói lãng đi:
    - Em vừa in truyện gì ngoài Hà Nội vậy?
    Tiệp nhìn thẳng gương mặt trắng trẻo dễ ưa của sếp, gặng lại:
    - Anh bận đến mức không có thời giờ đọc của em út nữa sao?
    Sếp gượng cười giả lả, lắc lư, đôi mắt hơi lộ như sưng lên vì ánh nhìn vô định và mỏi mệt. Anh là một người hăng hái nhưng không dùng hết thời giờ và nhiệt huyết cho thơ nên anh luôn khuấy đảo công việc: làm báo, mở trại viết, hội thảo, tổ chức cho anh em đi rông đi dài gọi là đi thực tế và, điều này mới thật gian nan, anh tìm cách lạng lách cho Hội để "anh em mình đỡ phải khúm núm xin xỏ ai!". Bằng con đường quen biết với những người "cùng đi từ chiến hào ra" bên Giao thông,anh xin được chiếc phà cũ, vay tiền nhà nước - cũng ỷ vào những người quen - và biến chúng thành Nhà hàng nổi góp với Công ty Du lịch quốc doanh, thế là Hội có quỹ đen rủng rỉnh. Thế nhưng anh đã dùng những đồng tiền làm ăn đầu tiên ấy để in thơ cho Hai Khâm và vài vị quyền cao chức trọng của tỉnh, nếu đời anh là một bi kịch và bi kịch ấy có nhiều múi thì nhất định phải có một múi mang tên Hai Khâm, vì anh phải nhắm mắt tung hô thứ thơ "Ai ơi chớ bắc cầu tiêu" chỉ vì ông ta có thể che chắn cho Hội trong việc "đi đêm" với Công ty Du lịch và vì ông ta nắm quyền sinh sát cái tờ báo mà "không có diễn đàn ấy, chính anh sẽ có tội với nền văn học nghệ thuật tương lai của tỉnh nhà và của cả khu vực!". Người tự xếp mình sau Bùi Hữu Nghĩa và Phan Văn Trị ấy, ông Sếp mình dây có nắm tay trắng nhỏ hay vugn lên đập xuống kiểu Napoléon ấy giống một nhân vật luôn tìm cách diễn hết cỡ trên sân khấu, nhiều lúc Tiệp nghe thấy tiếng xiềng xích loảng xoảng hai bên anh, một bên là những lời chỉ trích của anh em văn nghệ, một bên là oai hùm của những người mà anh phải muối mặt quỵ luỵ. Nhiều lúc Tiệp bắt gặp Sếp tần ngần, cô đơn, mắt mũi rân rấn, những giọt nước mắt đau khổ thật lòng và thế là, mặc cho búa rìu tỉnh lẻ, nàng vẫn một mực thông cảm dù luôn nhớ là phải bảo toàn khoảng cách.
    Sếp nhà thơ thu hồi rất nhanh cơn mỏi mệt lại, giọng công vụ:
    - Cái truyện của em in ở ngoài kia được chú ý đấy. Anh được mấy cú điện thoại gọi vào hỏi thăm tác giả. Vậy em biết anh em mình ngồi lại sáng nay để làm gì chưa? Nghĩa là để khen em, động viên em, nhắc nhở em giữ lấy cái tạng viết của mình. Đi, nên trở lại với những chuyến đi, em là chân xông xáo mà. Đừng đi thành đoàn mà nên đi kiểu điền dã một mình, cơm dân nước chợ, rồi em sẽ thấy mọi chuyện nhẹ hơn.
    Thế là đi. Không phải vì Sếp nhà thơ đã vỗ vai an ủi mà sự phản hồi từ Hà Nội là mưa rào với mảnh đất, khuất nẻo, nàng muốn được kê thếp giấy lên đùi ở một bờ tre hay một góc đồng nào đó.
    Từ khi gửi đi truyện ngắn vừa được Sếp nhà thơ nhắc tớ, Tiệp loay hoay trong nhà như một người lẩn thẩn. Truyện viết về một khoảnh khắc chật vật của một con người nhỏ bé đau khổ và cuộc sống bỗng ít tuyệt vọng hơn bởi hương vị của một thứ tình hơn cả lòng tốt thông thường, một sự lướt qua tri kỷ ngọt ngào khiến người ta có thể an lòng bước tiếp. Linh cảm nàng biết truyện sẽ được in nhanh và nàng bồn chồn như chờ đợi một cánh nhạn, một cuộc hồi âm mơ hồ nào đó. Trong lúc chờ đợi cái truyện được in, nàng đọc và viết cầm chừng, tưởng văn chương sẽ được ép ra như mía rồi nó sẽ cô lại từ không khí ngột ngạt trong nhà nhưng nửa khuya, sau cữ đá tủ lạnh - giờ không phải trèo qua người Tuyên khi bật dậy - nàng bật đèn trong gian bếp, đặt thếp giấy pơ-luya tái chế vàng vàng lên bàn ăn, đầu óc ù đặc và âm ỉ như than bùn rừng U Minh, rồi Tuyên thức giấc từ chiếc giường con phòng ngoài, tiếng cánh cửa bằng tôn của toa-lét sập đánh xèng và tíêng nước tiểu ồ ồ, thế là tối tăm mặt mũi như thể bị đấm vậy.
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Bữa cơm trưa thường tránh nhau được vì có khi Tuyên ăn ở đâu đó, bếp tập thể hoặc là hội nghị của các ngành. Một bữa cơm chiều, Tiệp im lặng để giữ hoà khí cho các con cho xong bữa, khi đứng lên dọn dẹp, nàng lên tiếng:
    - Ngày mai tôi đi công tác Đồng Đưng mấy ngày. Trưa anh phải về lo cơm cho hai đứa nhỏ với lo heo cúi.
    Tuyên ngồi xổm trên ghế, quần đùi và đôi đầu gối trắng nhởn gần đụng cái cằm dài, cười gằn:
    - Cô thì đú đởn chớ công tác mẹ gì!
    Tiệp gầm lên ngay:
    - Tôi cấm anh xúc phạm tới công việc của tôi!
    Tuyên tiếp tục chua cay:
    - Không đú đởn sao hết thằng nầy tới thằng khác?
    - Thằng ở đây là những ai?
    - Thì hồi đầu là thằng sếp nhà thơ, rồi thằng nhà báo chạy xịt, rồi thế nào cũng tòi ra một thằng nào đó nữa cho con!
    Tiệp nhớ hồi nàng nước mắt ngắn dài với giám đốc Sở Văn hoá Thông tin về việc xin rời nơi đó khi biết mình sẽ được qui hoạch làm cán bộ nguồn, vị giám đốc đã điện thoại trao đổi với Tuyên và ngay tối đó, Tuyên vặn vẹo: "Làm sao phải khóc lóc khi xin chuyển qua Hội Văn nghệ? Người ta tưởng em kết tay nhà thơ bên đó nên nằng nặc xin đi cho bằng được!". Nỗi hoài nghi âm ỉ nhiều năm, như sang Văn nghệ là cô vợ đã sổ ***g, vậy mà khi chuyện anh nhà báo nổ ra, một hôm Tiệp bắt gặp chiếc hon-đa 67 của chồng dưới chân cầu thang cơ quan, lát sau nàng thấy Tuyên từ phòng Sếp nhà thơ bước ra.
    Nàng làm một cử chỉ tuyệt vọng:
    - Anh không tin người ta thì đi cầu viện người ta làm gì?
    Tuyên ngắc ngứ, nín thinh vì đuối lý.
    - Thì ra thâm tâm anh coi tôi là đứa lang chạ, lăng nhăng giải trí. Tôi biết tôi có lương tâm là đủ. Anh chưa bao giờ hiểu tôi!
    Tuyên bắt đầu nổi khùng:
    - Tui mà không hiểu cô hả? Biết tới từng sợi lông thì lạ gì tâm tánh hả? Trời, cô mà cũng có lương tâm sao?
    Tiệp liếc nhìn Thu Thi, nó đã chín tuổi, nó đã có thể hiểu lờ mờ những từ của ba nó và nó sẽ ghê tởm cả hai người. Tiệp đứng chết trân, thấy rõ cuộc chíeê tranh nầy tàn khốc hơn cả cuộc chiến đã lấy đi tuổi trẻ của nàng và Tuyên. Giọng nàng rủ riệt:
    - Anh mà còn ăn nói tục tằn như vậy trước mặt các con, tôi thề là tôi sẽ đưa mấy đứa nhỏ ra khỏi nhà nầy ngay!
    Tuyên rời khỏi bàn ăn, lững thững quay lưng về phía vợ:
    - Cô đi là phải. Nhà nầy người ta phân cho tôi chớ cái hạng cán sự như cô thì là cái thá gì!
    Tiệp chịu thua, thua hoàn toàn. Một khi người đàn ông đã cụ thể như thế trong đầu thì chỉ còn lại tính toán và hận thù. Tuyên đã biếm thế yếm thành thế thủ, cũng như mọi người  đàn ông trẻ trung hãnh hỗ chung quanh, Tuyên thật sự có tất cả phía trước.
    Tiệp nhớ hồi Vĩnh Chuyên hai tuổi, hai năm trời với cái cầu thang dốc đứng từ căn phòng vừa ăn ở vừa làm việc xuống khu nước nôi công cộng của cơ quan Sở, vợ chồng nàng mới được Nhà đất gọi lên cấp nhà. Căn phố là ngôi nhà đầu tiên trong lớp nhà thứ hai dọc nhánh sông, nó bị liệt vào vị thế hẻm nhưng có còn hơn không. Trong khi nàng đi dọc căn nhà hình ống, tần ngần với chiếc mùng vải xập xệ trên chiếc giường sắt trong bếp cho thấy đám người bị cuốn vào cơn sốt vượt biển thuần tuý vì lý do sinh kế chứ không hẳn vì lý thức hệ, trong lúc nàng còn bận tẩn mẩn với trái tim thương vay khóc mướn mà Hai Tuyên không đánh giá cao thì từ gian trên có tiếng đổ vỡ ầm ầm. Thì ra Tuyên đã gạt đổ bát lư hương bằng gốm trên tủ thờ nhà họ, gạt luôn giá ảnh Thích ca trên cao - trong nhà của một cán bộ tương lai đầu tỉnh dĩ nhiên sẽ không có nhang khói và phật phiếc gì cả. Tiệp kêu lên: "Anh nhẹ tay hơn không được sao? Đáng lẽ phải thắp nhang nói chuyện với ông bà tổ tiên của chủ nhà nầy. Cái khung hình này nữa, đáng lẽ phải để dành đưa về vườn cho Tư cho má, ảnh Phật lên khung rồi là không tự tiện hạ bệ được đâu!". Tuyên nhìn vợ, có vẻ ngạc nhiên vì cái giọng "có mùi nha phiến của tôn giáo" và không nói không rằng, di dài ra khoảnh sân sau, hí hửng nói chỗ nầy làm chuồng heo ngon quá!
    Tuyên bỏ lên nhà trên. Thu Thi ôm chặt lấy chân mẹ:
    - Mẹ ơi mình kiếm chỗ khác đi! Con sợ có ngày ba đánh mẹ, mà ba có súng cất trong tủ nữa, mẹ!
    Nàng ngồi xuống dỗ dành con, hứa với nó sẽ đi nhanh về và sẽ thu xếp.
    Từ thị xã đến thị trấn Cầu Quay hơn bốn mươi cây số, Tiệp chọn xe lam thà chịu thúc đầu gối, chịu dằn thúc một chút nhưng khỏi phải xếp hàng mua vé. Thị trấn nằm trên mối đường, chợ họp lấn cả chân cầu, đậm đặc mùi cá đồng mùa tát đìa, đám rằn ri voi ri cá quấn nhanh đựng trong thùng lưỡi kẽm chào mời khách có xe con và những chùm gà nước, ốc cao, chằng nghịt buộc thành chùm để sá trên mặt đường nhựa. Tiệp tìm tới bến đò cách chân Cầu Quay một quãng, ngày xưa từ trong tận cùng kinh xáng nàng đã mơ được thấy chiếc cầu này, như thiếu nữ mơ giấc mơ đại học. Cầu là chợ, mà đặt được chân lên cầu là đã ôm lấy hoà bình, ngẫm kỹ, ấy là giấc mơ được sống chứ không chỉ là được đi học!
    Tàu đò thị trấn Cầu quay - Đồng Đưng treo biển hợp doanh - lại hợp doanh - là chiếc vỏ lãi cỡ lớn, vỏ bao phân urê kết dài lợp trên những thanh sắt uốn cong làm sườn mui. Tháng Tư nước bạc, trong nước có mùi bông lục bình bị xuồng ghe vùi dập và mùi khói đốt đồng. Không giống như vùng Điệp Vàng đồng khô và lá dừa nước của Tiệp, ở đây, nhờ mạng lưới kinh rạch do người Pháp tạo ra, người ra vào mang trong đồng đông đúc và hơi người cũng đậm mùi bưng trấp hơn. Nàng khom người đi lần qua những thanh ván ghế băng để ngang trong lòng vỏ, mỗi ghế chỉ đủ cho hai người. Nàng nhìn thấy Quý và dừng lại ngay chỗ băng ghế trước quý dù bên cạnh Quý còn trống.
    - Quý đi đâu mà có một mình?
    Mảnh dẻ như một cô gái, Quý nhìn nghiêng nghiêng, tủm tỉm:
    - Tôi cũng hỏi Tiệp như vậy.
    Tiệp cố giữ bộ mặt tự tin bình thường, nghĩ thế nào cũng đến tai Quý chuyện anh nhà báo chạy làng, chuyện nàng đòi đưa đơn bỏ Tuyên và chuyện sẩy thai như là một dấu hiệu hồi chính với chồng, mấy năm nay nó là xì-căng-đan đúp hai đúp ba trong chính giới tỉnh. Nàng đảo mắt vào sâu trong lòng vỏ để xem còn có ai quen nữa không.
    - Quý đi viết bài cho số đặc biệt kỷ niệm Ba mươi tháng Tư chứ gì?
    Quý nhìn cô bạn nhưng chưa bao giờ thật sự công khai một tình bạn, đôi mắt đa cảm đăm chiêu:
    - Tôi bỏ nghề báo rồi, mua rẻ miếng ruộng ngoại ô lên liếp lập vườn rồi!
    Chưa bao giờ nàng và Quý ngồi một cách riêng tư và gần chạm vào đầu gối nhau như vậy. Tiệp không ngạc nhiên:
    - Mình biết người như Quý thì sớm muộn gì cũng thích điền viên hay đi ẩn. Nhưng muốn nghe chính Quý nói lý do bỏ nghề.
    Quý im lặng nhìn cô bạn, rất lâu, ánh mắt một người đàn ông dành cho một người đàn bà đã từng có thời con gái trong tim mình:
    - Các sếp thường gọt hết những bài báo của tôi, không còn bình luận, không còn chủ kiến. Mấy ông đó sợ cái còi trong miệng Hai Khâm, hay là sợ mất cả ghế? Xem chừng tiếp tục nghề vườn của ông bà coi bộ thanh thản hơn.
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Cả hai cùng khẽ thở dài, cũng nhìn ngoảnh ra mặt kênh xáng. Hồi chú Tư Thọ, ba của Quý, người bạn vong niên kỳ lạ của Tiệp, người đã tiên đoán con đường văn chương của Tiệp sau nầy, phải, hồi chú Tư còn sống ông đã âm thầm mong mỏi sau nầy Tiệp và Quý sẽ thành đôi, cả hai sẽ đi chung một nghề, sẽ làm nên cái gì đó mà  ông kỳ vọng. Ông là thủ trưởng trực tiếp của Tiệp, hai chú cháu có năm năm bên nhau ở Cứ, đã chia sẻ với nhau từng thước đường kênh rạch, chia nhau từng đêm trăng sao, chia nhau từng bài hát từng bài thơ trên đài qua cái radio Nhật nhỏ như quyển vở để trên sạp xuồng, chia nhau cả những lần hụt chết, như cha con, như thầy trò, như bạn bè, như mọi người tri kỷ yêu dấu nhau. Cũng chính vì ông là thủ trưởng cơ quan Tiệp nên con trai ông phải ở một bộ phận khác, trông coi cái thư viện di động của cả Ban, sau năm Bảy lăm, Quý mới  đầu quân vào làng báo, đúng định hướng mà ba anh mong muốn lúc sinh thời. Trứoc khi ông hy sinh trong một trận giặc càn, ông lờ mờ biết rằng hình như Tuyên, cậu thanh niên duy nhất của Tiểu ban vừa "cướp" mất cô cháu gái, cô con dâu hy vọng của ông vì con trai ông ở một nơi cách trở quá. Từ bấy đến hoà bình và đến hôm nay, Tiệp nghĩ, từ bấy đến nay đã hơn mười năm, giữa Quý và nàng là sự an bài tức tưởi, mãi mãi, cái gì xa thì đã xa, cái gì không thể thì cứ là không thể dù cả hai đều lặng lẽ ngóng nhau, đọc của nhau và thỉnh thoảng nói đôi câu cần thiết nhất ở hành lang các cuộc họp hay các đợt chỉnh huấn.
    - Nếu chú Tư còn sống, thấy mọi sự ngổn ngang sa sút vầy, chú sẽ như thế nào Quý há? - Tiệp nói.
    Quý cười nhẹ:
    - Chắc ba tôi sẽ vui vẻ chấp nhận về bắt bọ xít cho vườn cam của tôi thôi!
    - Vậy bữa nay Quý đi đâu trong Đồng Đưng?
    - Tôi về làm việc với địa phương tính chuyện dời hài cốt của ba tôi về xã nhà ngoài nầy cho tiện chăm nom.
    Lại một khoảnh im lặng đau buồn. Tiệp ước, giá có thể ngửa mặt lên trời mà khóc rống được một tiếng cho thoả lúc nầy. Hồi ba nàng chết ngoài Côn Đảo nàng mới mười tuổi, má khóc, cô Tư khóc, chị Hoài khóc, nàng khóc phụ hoạ theo, không có kỷ niệm gì với ba cả vì ông thoát ly biền biệt từ lúc nàng còn chưa sinh ra. Lên Cứ lúc mới mười bốn tuổi, nếu cô Ràng là "chồng" của má ở nhà thì chú Tư Thọ là Cha tinh thần đúng nghĩa dưới mái vòm kiếm trúc bằng lý tưởng yêu nước, nàng tin vào dự cảm của chú Tư về tương lai của dân tộc và tương lai của mình. Chú Tư chết lúc nàng mười chín tuổi, nàng mồ côi cha lần thứ hai, nàng không biết làm thế nào với cái đích văn chương đã được dự báo, hai lần không cha thì tinh thần đâu mà ngụp lặn nữa. Bỗng dưng sau cái chết của chú Tư mấy ngày, người đàn bà của chú, người vợ thắm thiết của chú từ một cơ quan đoàn thể của tỉnh tìm tới chỗ Tiệp bảo chú từng có ý muốn mang theo tất cả thư từ chú viết cho Tiệp dưới dạng nhật ký để đề phòng sự truy ngược của dư luận, chú là người sạch trong nhưng không phải không có kẻ thù, không thể để hình ảnh chú bị méo mó khi chú không còn khả năng thanh minh được. Một cuộc "tịch biên" có lý, Tiệp vừa khóc vừa thu dọn mọi thứ: bộ bà ba đen chú để lại nhờ nàng phơi và cất giùm trước khi chú đi đến chỗ họp và chết luôn ở đó, chiếc võng nilon chú thường để lại cho chòi Cứ, cây đèn chai nhỏ xíu có nắp để đọc và làm việc đêm trong mùng và, những lá thư như những bài tuỳ bút chú hay viết khi đi công tác xa, những lá thư bao giờ cũng bắt đầu bằng "Con thân yêu" nắn nót từ bàn tay ngòi viết và từ sự mực thước, đức độ của một ông giáo Tây học. Dư luận như sóng ngầm, những ông bà chân đất chưa bao giờ biết trên đời có Giăng Van-Giăng và Cô-dét, người đàn bà chú hoang mang như mọi người phụ nữ trên đời trước sự đố kỵ của dư luận. Hôm bà bảo đi hoá tro các lá thư để gửi xuống cho chú Tư, Tiệp đã không đi, nàng không đang tâm trước ngọn lửa vô tình đó.
    Tiệp chủ động quay lại nói chuyện dời mộ chú Tư:
    - Quý định đưa chú Tư về dịp Ba mươi tháng Tư năm nay phải không? Thôi, chừng đó mình hãy có mặt, nhớ cho mình hay để có mặt nghen!
    Một cái chạm tay không lời. quý khẽ nắm lấy tay nàng, những điều không nói trong giây phút nầy đâu chỉ là chuyện người tốt đã vĩnh viễn mang theo cái tốt của họ về với đất với nước, hay chuyện chồng và vợ, chuyện văn chương và báo chí mà là những thứ lớn lao hơn và chính vì cảm giác côi cút đường dài ấy mà họ đã gặp nhau trong chuyến tàu nầy.
    Tiệp đột ngột cầm hành lý lên:
    - Thôi. Quý đi đường kính xáng Cầu Quay, mình xuống Kin Cạn rồi từ đó đi Đồng Đưng. Mình thích tha thẩn ở Kinh Cạn hơn, đoạn đường đó nhiều kỷ niệm hơn.
    Quý không vặn hỏi cũng không ngăn lại. Người ấy có gương mặt của người đàn bà của chú Tư nhưng tính tình thì giống chú ở chỗ hay im lặng một cách ý nhị và đúng lúc.
     
     
    _________
    Hết phần 9
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    10
     
    Từ thị trấn Cầu Quay, Tiệp đi ngược trở lại bằng xe lôi máy, xuống ngã ba Cây Gòn rồi lại đón xe đi Kinh Cạn, loại xe chở hàng cải tiến, ghế băng kê dọc, ngồi phải vòng quay qua khung sắt cho đỡ lắc lư. Đây cũng là tỉnh lộ nối thị xã với huyện nhà của Tiệp và Kinh Cạn là thị tứ chặng giữa, hồi đầu quân và Cứ ở Đồng Đưng, Tiệp và chị Nghĩa đã phải vượt con lộ sinh tử nầy vào ban đêm nhờ những chiến sĩ đường dây coi sống chết như chuyện cơm bữa, sau nữa, khi cuộc chiến ở miền Tây lâm vào thế ngàn cân treo sợi tóc thì Kinh Cạn là đầu mối ra vào của đám cán bộ nữ chạy dạt cơn lốc bình định lấn chiếm của đối phương.
    Tiệp xuống xe lúc trời gần giữa trưa, đoạn lộ  vắt ngang miệt đồng trũng như quằn xuống ở đây, phố không có vỉa hè, người đi bộ ngờ nghệch với còi xe, những cửa hiệu đầy ắp vật dụng chài lưới và nón lá, cả hai dãy phố sáng loá vì nhiều sạp nón lá hơn bất cứ thị tứ thôn quê nào. Chợ cuối buổi, chỗ khu vực chồm hổm dành cho dân trong đồng ra chỉ còn rác rến, lá rau tía, những con cua chết và những chùm bánh lá dừa ruồi bu kín cùng những xề bánh cam chảy nước đường dưới nắng tháng Tư. Tiệp không rõ mình tìm gì ở đây nhưng nàng đã gặp lại mùi sình bùn cua cáy của những người đàn bà đã từng qua mặt cảnh sát và đồn bót giặc để chờ nàng và rất nhiều nữ cán bộ khác ra vô hai vùng. Nói như Sếp nhà thơ, khi đi đứng như vầy là mình đang làm cái việc khai thác một thứ vỉa quặng ngay trong lòng mình.
    Tiệp bước lên vàm kênh Cây Gáo, đúng hơn, chiếc tàu đò nhỏ thả nàng lên đó rồi quẹo phải để đi xuống tận cái nơi hồi xưa nàng từng đứng giữa xuồng vào những chiều tối trời để ngóng xem có nhìn thấy Cầu Quay lờ mờ ngoài kia không. Cái vàm kinh từng có con đập do dân quân và du kích làm lấy để giữ cá giữ nước cho dân kháng chiến tồn tại trong Đồng Đưng, nơi chú Tư Thọ và Tiệp thường gò lưng kéo xuồng qua đây trong sự ăn ý cảm động giữa đêm hôm. Sau nầy, trên doi vàm là cái đồn tam giác của một tiểu đoàn bảo an, cửa ải mỗi khi Tiệp trà trộn trong dân chúng để ra vô hai vùng, nơi có tên lính râu ria hầm hố hay chọc họng tiểu liên vào nách đàn bà con gái nhưng chúng không dám bóp cò hay lôi họ lên đường hào, thực sự họ là nguồn cung cấp rau cá rùa rắn cho chúng giữa lùng nhùng rào gai và đổi lại, chúng cũng để cho họ yên ổn qua ngày.
    Một cây cầu khỉ ba nhịp bằng tre bó vắt qua vàm kênh thay cho chỗ con đập. Trạm y tế mái tôn vách lá có vài chiếc xuồng dưới bến, một toán phụ nữ nông dân ngồi quanh một nữ y tá mặc áo y vụ đang thuyết trình gì đó dươi stàn cây trứng cá, nghe tiếng cười Tiệp đoán là họ đang hướng dẫn để sinh đẻ có kế hoạch. Những bụi chuối xiêm rậm rạp bên mỏm doi và nhìn đâu cũng thấy cỏ ống phởn phơ, Đồng Đưng là cái túi chứa phù sa, ngày trước cây cỏ lưu niên đã hết sức che chở cho dân kháng chíên thì bây giờ, chính chúng lại làm cho tơhì hậu chiến nặng nhọc và khó khăn ra. Có tiếng ai gọi Tiệp trong cái quán nước không vách xế kia, thì ra là Quý, như Quý vẫn ngồi đây từ rất lâu để đợi nàng. Quý rời chiếc bàn con cóc khom người bước ra khỏi mái quán, tránh sang bên ra hiệu cho Tiệp thấy một người đàn ông ngồi cùng với mình trong đó:
    - Tiệp lên đò một hồi thì cái ông tên Đính đó bước xuống, cứ hỏi bà chủ đò có cô nào tre trẻ, nhon nhon, đẹp đẹp, tóc hình trái táo vầy vầy đi vô Đồng Đưng không? Tôi ngứa miệng tôi hỏi, thì ra ổng kiếm Tiệp thiệt. Bà làm gì mà có người từ Hà Nội theo dấu vậy?
    Quý đã khác hơn ban nãy, gần gũi và bỗ bã.
    Quá đỗi tò mò, Tiệp bước vào gian quán một mái thấp tè và như không tin vào mắt mình. Đã tám tháng kể từ buổi chiều mưa giông ở Điệp Vàng, mái tóc của người đàn ông đã phủ ót trở lại, chiếc túi giả da vàng vàng hư khoá sờn hơn, chiếc áo bludông màu kem thật sự ngả màu cháo lòng, chiếc quần phăng đã rách một bên gối, chiếc điếu cày cũng không thể không tróc lở và gương mặt cũng hóp đi, có phần khổ hạnh. Người đàn ông tên Đính vẫn ngồi trên ghế cóc, hai cùi tay tì lên đầu gối, yên lặng trững giỡn như thể đang tận hưởng vẻ sững sờ của cô bạn mà mình đã thất lạc vậy. Tiệp ngồi sà xuống chiếc ghế trống của Quý, vui mừng, bối rối:
    - Em không ngờ, không thể nào ngờ anh em mình gặp lại mà lại có thể gặp ở nơi khỉ ho cò gáy nầy!
    Người đàn ông để nguyên những ngón tay vuong dưới vòm mũi nhưng ánh mắt thì không nén được ngất ngây:
    - Cô em thấy tôi săn lùng có giỏi không? Như là có trời mách ấy chứ!
    Tiệp không dám nhìn lâu vào đôi mắt nâu nâu ma lực ấy. Ngoảnh nhìn ra chỗ mỏm doi, nàng thấy Quý đứng lom khom bên mép bờ chuẩn bị bước xuống một chiếc ghe tam bản đi chèo. Tiệp xin lỗi Đính rồi chạy ra chỗ đó, Quý đã đứng trên mũi ghe, ý tứ:
    - Tôi quá giang ra Kinh Đứng, Tiệp cẩn trọng, đừng để sơ sẩy nữa nghen!
    Nếu trên đời có cuộc chia tay nào giản dị, ít lời mà ray rứt nhất thì chính là cuộc chia tay của nàng và Quý trưa đó, Tiệp nghĩ và bồn chồng quay lại với người đàn ông không thể gọi là xa lạ nữa, trên kia. Chị chủ quan lêu đêu cứ phải cui cúi như thể trời đày dưới mái lá thấp, chị bưng tới hai trái dừa tươi ống hút bằng nhựa tái chế đục đục vàng vàng. Khăn rằn hai mối trên đầu, chị ta không lúc nào rời ánh mắt tò mò trẻ con khỏi hai vị khách quả là quá xa lạ với cái mỏm doi nhiều cỏ ống của chị ta.
    Giọng người đàn ông bứt rứt:
    - Tôi lần ra được Tiệp là nhờ cái truyện ngắn mới đây của Tiệp. Tôi gọi điện cho Chủ tịch Hội, thì ra tay nhà thơ đó là tác giả mà hồi xưa tôi từng viết một lá thư chúc mừng khi anh ta vừa có một chùm thơ trên đài phát thanh được giới thiệu là từ Tuyến đầu Tổ quốc gửi ra. Sau thống nhất, tay nầy ra Hà Nội đi tham quan Liên Xô, nghe nói có lùng tôi mà không gặp. Như là đuổi bắt nhau. Không hiểu sao sau chuyến bị sởn tóc năm ngoái, tôi lại muốn đi một chuyến thật kỹ trong nầy, không phải Tiệp nợ tôi như Tiệp viết mà tôi nợ Tiệp, thật không ra sao khi tôi rời mẹ con Tiệp trong tình trạng hôm đó. Tôi quá ức vì chuyện mái tóc, cuộc đời tuy chưa bao giờ hào phóng nhưng cũng chưa bao giờ xúc phạm tôi một cách thê thảm như vậy, chưa hề. Sau nầy nguôi giận thì tôi lại thấy mình tệ, quá tệ, làm sao mà tôi lại bỏ lửng Tiệp một thân một mình với hai đứa nhỏ và một núi đồ như vậy? Thật không thể tha thứ được!
    Sự bộc bạch khá là nhiều lời của người đàn ông khiến Tiệp tò mò hơn. Nàng chúm chím cười và biết trông rất dễ ưa vì ánh sáng bên trong vừa được thắp lên:
    - Ông anh còn chưa biết danh tánh kia mà!
    Người đàn ông ra hiệu cho Tiệp cùng uống nước dừa, không khí bè bạn tươi tắn, chòng chành:
    - Tôi là Đính, Nguyễn Viết Đính. Có lẽ tôi viết văn từ hồi Tiệp còn chưa đi vỡ lòng. Làm khách chỗ Hội một ngày đêm, ngồi mấy giờ tàu đò với anh bạn Quý ban nãy, tôi biết về Tiệp nhiều hơn Tiệp tưởng đấy!
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tiệp làm nghiêm nhưng trong lòng không khỏi rộn ràng. Đính tiếp tục:
    - Tôi ký với một nhà xuất bản ngoài đó một tập bút ký về vùng sâu vùng xa của miền Tây. Ban nãy tôi nói tránh với ông bạn tên Quý là đi tìm Tiệp để mời tham gia cùng. Người đó có phải là con trai của chú Tư gì đó trong một truyện ngắn trước đây của Tiệp không?
    Tiệp im lặng cảnh giác với kiểu hỏi áp sườn và khó có thể thối thoát. Nàng bắt đầu thấy rõ là mình được tìm ra không phải để mời viết vài bài ký cho một tập sách gì đó.
    - Thôi, mình cứ xưng hô thân mật cho thuận đi. Nếu em nhận lời tham gia viết thì chương trình của ông anh thế nào?
    Một bàn tay đưa ra trên mặt bàn để Tiệp nắm lấy, một cái liếc nhanh hí hửng khi thấy chị chủ quan chạy đi về phía cầu khỉ vì việc gì đó, một trái dừa ngả nghiêng khiến nước ọc ra nền đất rồi bần thần Đính bước vòng sang ôm lấy vai nàng, cả người anh như bùng nổ vì nãy giờ bị kềm nén:
    - Thế là tìm thấy em rồi. Không thể nào ăn ngon ngủ yên nếu chưa gặp được em!
    Tiệp so người, thấy sợ chứ không thấy thích dù nàng rất muốn được khóc lên:
    - Em không sao, em bình thường rồi mà!
    Hình như đã có một chút a tòng của nàng. Toàn thân nàng như được rót vào một thứ nănglượng, rạo rực, ấm áp, khiến muốn được vui tươi và hành động. Đính xoay nàng lại, để cả hai tay lên vai nàng, nói thêm:
    - Hai đứa nhỏ thế nào, anh nhớ rất rõ hình ảnh con gái em, nó là bản sao ngộ nghĩnh của em.
    Rồi không thèm nghe trả lời, Đính quay lại trả tiền nước, tự nhiên cúi xuống uống hết chỗ dừa của Tiệp và cũng hết sức tự nhiên, bá vai nàng bước lại chỗ mỏm doi. Nàng không từ chối sự đụng chạm trai gái ấy, bồng bềnh thấy mình như đang được dìu đi vào một miền phiêu du chưa biết và tình cảm bột phát ấy cũng chưa thể gọi tên.
    - Mình sẽ đi đâu đây? - nàng hỏi và muốn phì cười vì nhớ lời Tuyên: Cô thì đú đởn chớ công tác mẹ gì! Thế nào cũng tòi ra một thằng nào đó nữa cho coi!
    Đính khuỳnh tay lên hông ngắm nghía mặt kênh xáng vàng chói nắng trưa và những giề lục bình bông tím trôi từ hướng Cầu Quay xuống:
    - Chúng ta đi lang thang, không dựa vào ai hết!
    - Rồi ăn ngủ đâu? - Tiệp hình dung mình sẽ phiêu lưu như một con mẹ bất cần.
    - Thế những chiếc thuyền chở lá chở mía lên xuống kia đi đâu?
    - Họ đi đâu mà chả được!
    Đính bồn chồn như một gã trai bốc đồng hết cỡ:
    - Vậy thì mình vẫy họ, quá giang, trôi lên, trôi xuống, đi dọc hay đi ngang thì cũng là đi thực tế chứ sao!
    Tiệp chủ động vẫy một chiếc tàu đò tài nhì từ Cầu Quay vừa trờ tới:
    - Em là thổ công, anh phải theo em. Em sẽ đưa anh tới chỗ em bắt đầu thời ở Cứ rồi mình sẽ kết thúc chuyến đi chỗ nghĩa trang chú Tư Thọ ba của Quý nằm.
    Cả hai khấp khởi tìm thấy cả mấy ghế băng trống giữa lòng vỏ. Đò chuyến hai, trời đã quá trưa, hành khách thưa thớt và có vẻ ngái ngủ. Chiếc đò thật ngon đà giữa dòng kênh xương sống ít bị lục bình quấy nhiễu như những con kinh nhánh Tiệp đi ban sang, nga nghễ và rau rừa rau ngổ hoang hai bên bờ được khai thông khiến mặt kênh rộng như gấp ba lần hồi xưa. Vẻ háo hức trai trẻ của Đính với những mét kênh, những cái cây, những nếp nhà, những ngã ba ngã tư liên tiếp của mạng nhện kênh rạch Đồng Đưng khiến Tiệp có cảm giác mình đang dắt tay một người thanh niên trong giấc mơ thời thiếu nữ và cả hai đang đi ngược thời gian, ngược cả quá khứ và lịch sử để tìm lại những thứ mà mình đã để quên ở đâu đây. Nàng kể với Đính về gia đình người nông dân đã cho nàng tá túc hồi mới đi Cứ, lúc đó cơ quan còn ở chung với dân, mười bốn tuổi, cô thiếu nữ Tiệp phải bồng em nấu cơm giặt giũ cho chủ nhà để ăn những bữa cơm mạnh miệng, nỗi thèm nhớ gia đình không đáng kể bằng thèm được ăn những cây mía tím trong vườn họ, thèm mọi thứ và nàng đã cùng với chị Mười trong tổ - chị phải ở rải trong một nhà khác - đã níu tay nhau lén hai vị chủ nhà đi mua bánh lá dừa của một gia đình chuyên sống bằng nghề gói bánh, những cái bánh không nhân vừa chín tới nóng hổi hồi đó đã cứu Tiệp khỏi nỗi thèmnhớ những thứ khác, cũng có nghĩa là cứu Tiệp khỏi một cuộc đào ngũ thảm hại. Nàng kể và kể, say sưa, mọi chặng đời ở Cứ, dĩ nhiên không thể thiếu chú Tư Thọ, chị Nghĩa và Hai Tuyên. Khi chiếc tàu đò đột ngột tốp máy ghé vào thì nàng mới hay mình đã đi tới cuối bến, quá xa nơi mình định ghé vào.
    Không sao, không việc gì, Đính hăng hái trấn an và chủ động vẫy một chiếc ghe chở mía đi ngược trở lại. Hoá ra không chủ ý, hai người vẫn phải đi theo phương án đầu tiên, trôi lên trôi xuống, đi dọc và đi ngang. Tiệp thấy một sức mạnh rủ rê mãnh liệt ở người đàn ông đi cùng, anh ta đã gây cho nàng cảm giác muốn đi, muốn khám phá, muốn phiêu bồng, bên nhau, chân trời góc biển. Và nàng cũng thấy rõ thế là lần này Tuyên và nàng lại xa thêm, xa mịt mùng dù nàng chưa thấy cái bến mới là đâu cả.
     
     
    _________
    Hết phần 10

Chia sẻ trang này