1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Gia đình bé mọn - Dạ Ngân

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 14/07/2008.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    - Mẹ nói với chị Tiệp ý định của mẹ chưa? - Hoà hỏi, giọng quan trọng.
    - Mẹ chỉ nói qua tình hình anh Đính với chị Cẩm và có ý giục mình giải quyết phía mình. Nhưng anh Tuyên còn đi học mấy năm ở Sài Gòn.
    - Mẹ nói mẹ sẽ thu xếp với chị Cẩm một cái giấy tay. Mẹ ngại dư luận nếu thành một phiên toà. Hai bên thông gia là bạn của nhau, chị Cẩm với em cũng từng là bạn, khổ vậy! Cái chính là mẹ thương mấy đứa nhỏ. Chị mà gặp được chúng nó thì hay, đứa nào cũng thông minh đĩnh ngộ, đứa nào cũng gien bố, nhất la thằng đang du học ở Ba Lan. Mẹ sợ anh Đính làm lớn chuyện, nó không về thì bà cạo đầu khô cả bố mẹ nó luôn.
    Tiệp thấy tủi thân cho mình và muốn khóc:
    - Vậy con của mình thì sao? Hai đứa nó đã khổ cảnh ba một đường mẹ một nẻo mà còn chịu thêm tiếng có bà mẹ lăng nhăng bồ bịch, hoặc mẹ đi làm bé người ta. Mình có danh dự của mình, của các con mình, của gia tộc mình, Hoà hiểu không? Thời buổi bây giờ không chính danh thì không cục cựa gì được, mình và anh Đính sẽ thành kẻ phạm pháp, thành đối tượng của dư luận, thành bia miệng, mình làm sao chịu nổi?
    - Thì thế! Em cũng bảo mẹ thu xếp vậy là xưa. Không chính danh thì anh chị làm sao tổ chức đời sống mới được? Chị Cẩm có mà chịu để yên, rồi còn viết lách. Chị biết không, ông chồng em mà viết được một câu văn, một câu thôi như anh Đính thì em đã đội ông ấy lên đầu!
    Vừa lúc Tiệp thấy một đôi dép xăng-đa nhựa trong trong bên chỗ hai người ngồi, ngước lên dù chưa gặp lần nào, nàng cũng có thể biết đây là Sự, em rể Đính, người mà bà mẹ bảo nếu không ép thì Hoà đã gặp một người khá hơn. Trắng nhỏ, tay ngắn, trán bó, cằm hơi nhọn, rõ là một người khiêm nhường về mọi phương diện nhưng chắc là giàu thủ cựu:
    - Cô Tiệp đây hử? - một giọng Quảng khó chịu.
    Tiệp đứng lên cho phải lẽ:
    - Anh là Sự? Chào anh!
    Hoà ngồi yên hai tay dục dặc trong thau nước rửa rau:
    - Anh gì? Chị Tiệp cứ gọi tên như gọi em cho dễ nghe!
    - Ơ hay, Hoà, tên thế nào được? Cô Tiệp chỉ đáng tuổi em út nhà tui thôi!
    - Ăn với nói, cái ông nầy!
    - Nhưng mà tiếp cô Tiệp ở đây thì Hoà thấy có hợp với đạo lý không?
    - Đây không nói chuyện đạo lý với ông!
    - Vậy thì tôi cũng không ngồi ăn với những người vô đạo được!
    - Chị Tiệp là do mẹ gọi tới, ông muốn ám chỉ mẹ nữa hở?
    Tiệp nhìn quanh, may quá, vòi nước đã vắng người. Vừa lúc, mẹ của Đính xuất hiện, thoăt thoắt, giận giữ:
    - Thằng Sự muốn chi thì vô nhà đấu khẩu với tau, sao mi làm loạn ở đây, hử?
    Ông em rể Đính thua ngay, bỏ đi bét bét đúng với cái thân phải hàm ơn suốt đời vì lấy được con gái của một bà mẹ như mẹ Đính. Tiệp nhìn quanh, như một cô bé con  đơn độc đang cầu cứu mà không biết mình đang cầu cứu cái gì. Giá cô Ràng nhìn thấy cảnh nầy, má, chị Hoài chị Nghĩa nhìn thấy cảnh nầy, các con nhìn thấy cảnh nầy, chắc chắn họ sẽ xúm lại khóc vật khóc vã, họ khóc cho nàng, cho chính họ, vì nàng đã làm nhục họ trong màn ném đá giáo đầu nầy.
    Bà mẹ giục:
    - Thôi, hai đứa nhanh tay, mẹ lên trước trông nhà. May là mẹ từ ban công nhìn xuống, không thì thằng nớ còn kiếm chuyện dai.
    Em gái Đính đã lại hồn nhiên:
    - Yên tâm, trưa nay cái ông dở hơi đó không về đâu!
    Tiệp chần chừ rồi nói tuột ra khi thấy bà mẹ đã đi khuất:
    - Có khi nào ông Sự đi lại chỗ chị Cẩm không?
    - Ừ nhỉ - Hoà ngớ ra - Sao em không nghĩ ra nhỉ? Thôi, giờ chị đứng đây, em lên nói với mẹ rồi đưa xe đưa túi xuống. Hôm nào em sẽ vô chỗ bạn chị đưa chị ra hàng ăn bún chả hẳn hoi. Đứng đấy em xuống ngay nhá.
    Ngay lúc đó Tiệp nghĩ mình sẽ tìm cách nhận diện người đàn bà ấy, cho dù phải đi vào hang cọp, mình phải đối thoại, phải tự khám phá và sẽ quyết định, một mình.
     
     
    _________
    Hết phần 13
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    14
     
    Một buổi sáng, Sếp nhà thơ gõ cửa phòng Tiệp, xắc cốt ka ki "văn phòng di động" xanh úa xệ vai, vẻ mặt như một người vừa ra khỏi phòng khám bệnh với cái án nan y. Mệt mỏi ngồi ghé xuống chiếc ghế đay bên bàn viết của Tiệp, sếp chậm rãi quan sát căn phòng trước là chỗ làm việc của Tiệp, nay được kê thêm chiếc giường thước hai cho hai đứa nhỏ, gian trong, một cánh cửa thông vào thế giới của Hiếu Trinh, đôi khi các con Tiệp được "tản cư" vào nếu ngoài nầy mẹ có khách ngồi lâu.
    - Em sắp xếp cũng được quá chớ Tiệp. Hôm em dọn đến đây tớ giờ, anh đâu có lên coi, gì chớ anh em mình cũng phải giữ cho nhau kẻo tiếng nọ xọ tiếng kia nhiều, tinh thần đâu mà ngồi viết lách nữa, đúng không?
    Một cái răng trống bên trong khoé miệng, mắt ngân ngấn và cái giọng cười cố làm như vẫn giòn tan, nghèn nghẹn.
    - Bữa nay anh sao vậy?
    - Mấy đứa nhỏ đi học hết rồi hả Tiệp? Đừng, đừng nước nôi trà lá gì, anh em mình ra sân trước nói chuyện đi!
    Sếp đi nhiều vòng trên chiếc ban công rộng như một cái sân lửng của ngôi nhà, Tiệp biết anh rất yêu mảnh không gian quý giá nầy, anh đã mua về đây mấy chiếc ghế đá để "anh em văn nghệ mình ra đây bày tiệc, ngắm trăng", anh có vẻ thích thú vì mấy dây mướp và đám rau thơm của mẹ con Tiệp lẫn trong mấy khóm cúc tứ quý vàng rộm. Anh ngồi xuống ghế đá, thẫn thờ:
    - Ngôi nhà nầy nhiều ý nghĩa với cơ quan mình lắm nghen Tiệp. Hồi mình tiếp quản, con trai của ông đại tá chủ nhà uất quá treo cổ tự tử, em biết không? Chỗ cái quạt trần phòng Hiếu Trinh bây giờ đó, biết không?
    Tiệp cùng ngồi xuống chiếc ghế thứ hai, cẩn thận lắng nghe, nàng có biết chi tiết đó nhưng ít khi nhắc lại với các con, chúng còn quá ngây thơ với loại chuyện bên thắng bên bại, tịch biên cải tạo, thắt cổ và vượt biên.
    Sếp nhà thơ co chân ngồi xếp bằng trên ghế đá, vuốt vuốt cánh tay nhỏ nhắn của mình:
    - Anh thương cái thân phận của ngôi nhà, anh thương một linh hồn trẻ không hiểu thế nào là thời cuộc. Anh thương ngôi biệt thự rất có văn hoá này. Khi về tay anh em mình thì nó quá thích hợp, nó có cả chỗ để ngắm trăng nữa. Mười năm qua anh đã làm hết sức mình để có đời sống sinh động của một địa chỉ, một chỗ để tập hợp anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Anh cảm động vì em là một trong những người nhìn ra cái công của anh, phải không Tiệp?
    Tiệp cảm thấy cái gì đó bấn an ở Sếp:
    - Anh đang gặp chuyện gì, nói ra cho nhẹ đi!
    Nhà thơ cười gượng gạo:
    - Dù gặp chuyện gì thì em cũng phải viết cho mạnh lên, in cho dày hơn đẻ vào Hội trung ương. Trong ba cô, An Khương mô phạm, tiếng Anh giỏi, nên đi bằng con đường dịch thuật, Hiếu Trinh thì khép kín như một con ốc nặng nề, không ăn thua, chỉ có em là anh kỳ vọng.
    - Danh nghĩa hội viên hay không hội viên trung ương có quan trọng lắm không anh? - Tiệp hỏi, lo lắng cho điều trong lòng của sếp hơn là việc nàng làm thế nào để Hà Nội chú ý.
    Sếp ngoảnh nhìn, mặt mũi bơ phơ dưới nắng sớm:
    - Ậy, phải là hội viên trung ương để có một vị thế ở tỉnh. Dù gì người ta cũng nể hơn, cái khung của mình được nới ra hơn chớ!
    Tiệp chăm chú:
    - Nhất định bữa nay anh tới đây sớm không phải vì chuyện em sẽ vào Hội trung ương hay không!
    Nhà thơ im lặng, ngắc ngứ, đôi mắt đa sầu đa cảm đã lại ngân ngấn làm cho nó như bị sưng lên:
    - Anh nói để nay mai em tự mình xoay sở. Anh có cái bề bộn của anh, em biết quá rồi còn gì. Anh em mình mạnh ai nấy bơi mà không có phao để ném cho nhau đâu.
    Tiệp nhớ người con gái có đôi mi cong vút anh ấy chạm mặt nàng ở những tối Câu lạc bộ ở tầng dưới, "fan" của Sếp nhà thơ, một vẻ đẹp ướt át chân thành, vậy rồi cô gái xuất hiện thưa dần và quá cái giọng "chỉ trích bẩm sinh" của Hiếu Trinh thì "hình như cô nàng mang bụng bầu về vườn nuôi heo nái rồi, sếp mình sắp mất chức chủ tịch tới nơi rồi".
    Tiệp an ủi một cách ý tứ:
    - Em có nghe chuyện anh. Với nhà thơ thì chuyện cũng thường tình, không có gì thì mới là lạ. Nhưng nghe nói anh có thể bị thay, chú Hai Khâm không giúp gì được sao, anh in thơ cho ổng mấy tập liền kia mà?
    Sếp cười cay đắng:
    - Chẳng qua nó cũng là thứ quà biếu như bao thứ quà biếu của những người khác mà thôi. Chuyện cần phải ra tay thì người ta ra tay, cái ghế của họ mới lớn, chứ ghế của mình thì cũng do họ bày ra, họ lấy lại cho ai mà chả được, em?
    Tiệp cười buồn:
    - Cái ngữ mình thì cũng chỉ mang tiếng có bấy nhiêu. Nếu mình tha hoá thì cũng không tha hoá hơn những người khác!
    Sếp cười lớn lên, lục ục như có một thứ gì đang sôi trào mà vẫn bị nghẽn:
    - Cô em đang nguỵ biện hay khái quát đó? Nhưng cô ra Hà Nội hoạt động kiểu gì mà thư từ tố cáo bay vô như bươm ****. Ốc không mang nổi mình ốc, anh cứu cô sao đây?
    Tiệp ngồi dán vào lưng ghế, giống như một tử tù bất ngờ nghe thấy tiếng mở cửa khoá loảng xoảng trước khi bị điệu ra. Nhưng trước khi là một tử tù như hôm nay thì nàng đã được sống nhiều giây phút ngây ngất với Đính không chỉ ở chỗ mê cung cót ép của Kỳ, hay những trưa lang thang ngõ ngách Hà Nội, hay cái gác xép ọp ẹp chỗ vợ chồng ông bạn Phúc phố Sơn Tây mặc cho bà mẹ anh nơm nớp lo ngại. Sau đó, như mọi đôi tình nhân say sưa trên đời, anh và nàng đã bắt chiếc Cá xanh hầu hạ khi thì một vệ đê sông Đuống của thi sĩ Hoàng Cầm, khi thì một tán nhãn có Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng và trong một ngày se lạnh trái mùa, anh đã đánh liều đi Đồ Sơn với con cào cào đồng nát, nơi nàng phải mặc bộ đồ tắm "nhất nguyên" của một Nhà khách Công đoàn và được anh xối cho từng gáo nước ngọt trong cái nhà tắm phải lấy khăn bông tự tạo ra một cánh cửa. Nếu nàng và Đính có phải bị xét xử bằng toà án chi bộ, bị kết tội, thậm chí bị đưa đi cải tạo vì phạm Luật Hôn nhân và Gia đình thì thâm tâm hai người cũng sẽ coi mình là những con người dũng cảm cho tín điều tình yêu mà mình đã tôn thờ và chọn lựa.
    Sếp nhà thơ mở xắc cốt lôi ra một xấp phong bì loại dùng cho công sở định đưa cho Tiệp, nghĩ sao lại cất vào:
    - Thôi, em đọc làm gì ba cái thứ nầy cho khổ tâm ra. Thư của cô gì đó vợ ông Đính ấy mà. Một thư gởi cho Hội đề tên anh, một lá gởi cho Tuyên, bố thư gởi bốn địa chỉ gộc để "hành quyết" em, tất cả gom về một mối chỗ Hai Khâm rồi bên đó tống đạt sang đây để anh chuẩn bị tinh thần kiểm điểm khâu quản lý người. Xem ra cô Cẩm nầy thích chơi trò tổ chức với quyền lực!
    Tiệp bóp bóp ngón tay lóng ngóng của mình, chưa ra tới vành móng ngựa mà đã lạnh toát thế nầy ư, dũng khí và nghị lực được củng cố bằng sự lạc quan và cả lì lợm của Đính nữa nàng để đâu rồi? Sếp nhà thơ tránh nhìn cô em đồng nghiệp và đồng cảnh để tránh kiểu tra tấn dồn dù anh không có ý định đó.
    - Em có biết thư vợ Đính gửi cho chủ tịch Hội đề nghị việc gì không? Không phải đề nghị cơ quan bắt em trả chồng cho vợ mà yêu cầu trừ dần tiền lương của em gửi ra Hà Nội trả cho cô ta, vì em đã xài tiền nhuận bút cuốn bút ký gì đó của Đính, em đã ăn hết tiền rau muống của mẹ con cô ta.
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tiệp thở hắt ra, không phải nàng đã đứng trên đoạn đầu đài mà thật sự nàng đã lên dốc và nhờ vị trí bao quát nầy mà nhìn rõ mọi sự hơn. Nàng thấy mình thật không phí công, phí sức và phí cả cuộc đời để chạy lên cái dốc nầy, cuộc sống trước mắt thật rộng mở, hào phóng và đáng hít thở, mọi thứ sau lưng nàng thật rành mạch và đáng để vượt qua. Nàng buột miệng cười gằn:
    - Anh có thấy ghen tuông kiểu ấy thì rất đáng bị mất chồng không?
    Sếp nhà thơ bật cười, ánh mắt đã lại vui tươi, thân ái:
    - Em biện hộ kiểu đó thì không xong với mấy anh Thường vụ đâu!
    Tiệp bật dậy đi tới đi lui như một con thú trong chuồng.
    - Họ sẽ xuống kiểm thảo để kỷ luật em đấy. Chối hay thú nhận tuỳ em, anh tin vào sự thông minh chân thành của em!
    - Cả bốn ông Thường vụ kéo xuống vì mấy lá thư nầy sao? Trời ơi, họ rảnh rỗi tới mức đó sao?
    - Thì đây là cái cớ vàng, trị em là răn đe được cả anh, một công đôi việc, quá tiện! Ai bảo dám bỏ một ông thường vụ tương lai, lại còn viết lách gai góc nữa!
    - Chuyện viết lách thì liên quan gì tới chuyện bỏ Tuyên yêu Đính?
    - Thì ra cô em ngây thơ quá! Tại sao em dám viết văn để nổi tiếng mà nổi tiếng hơn Hai Khâm là không được. Anh lạ gì những cái án tình trong lý lịch của mấy ổng trong thời chiến. Vì vậy em đừng bao giờ khóc lóc trước mặt họ, khi người ta nhân danh đạo đức để ném đá một người đàn bà thì Chúa cũng không cứu vớt nổi linh hồn họ!
    Sếp nhà thơ ra về, Tiệp ngồi lặng một mình trên ghế đá. May mà Thu Thi và Vĩnh Chuyên không nghe thấy chuyện nầy. Dù chân dung người đàn bà ấy đã khá rõ nhưng nàng vẫn cứ cảm giác bị đuổi bắt bằng một đối thủ không sao lường hết được những ngón trò. Giá mà chị ta viết cho nàng, qua lời lẽ và tâm trạng giữa những dòng chữ, nàng sẽ biết mình nên tiến hay lùi, nàng sẽ chuồi khỏi bàn tay của Đính, lặng lẽ, êm xuôi như một con cá nhỏ. Không lam sao biết được thực chất của người đàn bà ấy, nhu cầu muôn thuở và cũng là sự ngăn cách muôn thuở giữa hai người phụ nữ có một người đàn ông chung.
    Nàng nhớ buổi tối cách đây nửa tháng, thời điểm chắc chắn nàng Mác-ta của Đính chưa biết "tiền rau muống của mấy mẹ con" đã bị vơi đi và dĩ nhiên, chị ta cũng chưa chịu khó ngồi viết những lá thư để đòi trừ lương nàng. Trưa đó, sau khi rời máy nước công cộng chỗ em gái Đính, nàng đến ăn cơm với vợ chồng người bạn "hòm thư sống" của Đính ở phố Sơn Tây, đến xế, nàng đi Bảo tàng Mỹ thuật một mình, sau đó nữa thì lánh hẳn trong công viên Núi Nùng, lắng nghe nỗi heo may và hiểu rằng Đính đã nhớ nàng như thế nào bởi thứ gió nầy. Trời sụp tối rất lâu, nàng dắt xe ra cổng chui của công viên như nhiều người, vẫn chưa yên tâm vì có thể còn hơi sớm, nàng phóng xe ra ga Hàng Cỏ để xác định ngày về và lóng nhóng xem người ta xếp hàng rồng rắn thế nào, dĩ nhiên không có những gạch vỡ nón mê, những vật hình như ở chỗ mậu dịch.
    Nàng lặng lẽ tìm ra khu chung cư và dãy nhà ấy. Những mảnh bê tông lắp ghép không kín vết, những trụ điện bằng sắt mảnh khảnh xệu xọ, những sợi dây điện võng xuống tạm bợ như dây phơi của dân công trường, những vệt rêu dài theo ống thải xù xì dẫn lộ từ trên xuống, một bể nước công cộng để trần giữa mảnh sân vuông dành cho cả bốn dãy nhà quay mặt vào đó. Tiệp tìm thấy một bàn nước chè chén của một bà cụ thụt vào gầm cầu thang của dãy nhà đối diện với căn hộ tầng hai của Đính, nàng dễ dàng nhận ra cái đầu hồi có những cây quỳnh mà Đính khoe, hôm đứa con cả đủ điểm du học nó đã nở đúng hai chục bông. Khu nhà, mảnh sân, những tiểu tiết bất cập, những cành quỳnh và bóng tối... tất cả thân thiết bùi ngùi với nàng nhưng cũng mang trong nó sức mạnh rình rập và thù địch.
    Bà cụ cỡ tuổi bà mẹ Đính, lưng đậm, áo nâu vá vai một mảnh đen, chiếc khăn nâu mỏ quạ và chiếc quần lụa đen đã bạc màu. Bà ngồi sau hàng lọ thuỷ tinh sơ sài những kẹo lạc, kẹo sìu, kẹo bột, kẹo trứng thằn lằn và thuốc lào, đóm điếu. Hốc cầu thang khô sạch nhờ được chăm sóc nhưng vẫn có cái mùi bế trệ, buồn buồn. Tiệp dựng xe chỗ trống trong tầm mắt, ngồi ghé xuống chiếc ghế cóc, nơi có thể nhìn lên cái ban công kia một cách dễ dàng, nếu Đính có nhìn xuống thì đây là một vũng tối, trừ khi anh đi xuống quán uống nước và rít thuốc lào.
    Bà cụ có con mắt thạo người, hỏi dò ngay: "Cô người đâu tới?". "Dạ cháu dân Sài Gòn ra" nàng không thể nói dối nhiều hơn. "Thế thì tìm người quen hay hẹn ai ở đây?"."Sao cụ biết cháu hẹn ai?" Bà cụ e hèm, đặt trước mặt Tiệp một tách trà nhỏ sứt quai: "Thì xem mặt mà bắt hình dong thôi. Chè có đặc với cô không?". "Tiệp xin được sang chè vào một cốc thủy tinh to và thêm nước sôi cho loãng. "Cháu ở một nhà xuất bản trong Nam ra, hẹn với một cô bạn ở đây rồi cả hai vô nhà làm việc với một nhà văn ở khu nầy". Bà cụ gật gù ra chiều đã hiểu và hất hàm về phía ban công có mấy chậu quỳnh. "À, cái ông Viết Đính trên kia chứ gì? Sao không mời người ta đến cơ quan mà tìm đến nhà riêng chi cho khổ?". "Ở khu nầy có nhiều nhà văn ở không hở cụ?" Bà cụ hấp háy, một đường mắt chê trách dành cho cô Tiệp: "Nhà văn chứ có phải nấm đâu mà nhiều được? Chỉ có mỗi một ông trên tầng hai kia thôi, tôi bỏ quê ra đây ở với con trai từ hồi khu chung cư này còn chưa có cái chuồng sắt nào, tôi biết chứ. Mà cô chưa trả lời, mời người ta đến đâu đó làm việc có hơn không?". Tiệp bắt đầu cảm thấy mình đã gặp được một bà lão thú vị. "Cụ nói vậy là sao cụ?". Một phụ nữ đứng tuổi đi bộ từ ngoài đường chính vào, ghé qua sạp nước hỏi mua mấy phong kẹo lạc. Tiệp nín thở nhìn dán vào chị ta vì chị ta có gương mặt khá đẹp, ai đứng tủôi mà còn đẹp nàng đều liên tưởng tới vợ Đính, bức ảnh hai mươi bốn năm ở nhà em gái Đính không giúp ích được gì, nàng sợ nếu đây là vợ Đính, nếu đúng là chị ta và bà cụ lỡ miệng giới thiệu nàng sắp vào để "làm việc" với Đính thì nàng sẽ phản ứng sao đây? Người đàn bà mắt đen mày sánh cũng nhìn chằm chặp lại nàng. Bà cụ buột miệng: "Cô đây trong Nam ra chờ bạn đến để vào gặp cái anh nhà văn về sách báo chi đó!". Tiệp thở phào, thế là không phải vợ Đính rồi. Người đàn bà nhếch cười vừa quay đi vừa nói trống: "Phải cọp không mà dám vào nhà sư tử?". Bà cụ chờ người kia đi khuất mới tiếp: "Chả là cách đây chưa lâu, gần trưa chứ không phải tối, cũng một cô tre trẻ ở nhà xuất bản nào đấy xa xa, Hải Phòng hay Huế hiếc gì đấy cũng đến hỏi thăm nhà và gửi xe già trông hộ. Chả là cái anh nhà văn ấy chạy xuống đây mua kẹo lên tiếp khách già mới biết khách là ai đấy chứ. Chắc là mải chuyện ngồi lâu, cô vợ về, thấy khách nữ mà chồng chưa cơm nước gì như mọi khi liền đóng cửa đập tay đập chân ầm ĩ ở phòng trong, cái chính là khách nữ, dù có đem tiền đến cho thì khách nữ cũng phiền. Trưa vắng, ngồi ở đây cũng nghe thấy, rồi cô ấy chạy xuống nhanh như bị ma đuổi, vừa thở vừa tỉ tê than thở với già thì già mới tường ấy chứ. Khổ, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, ỷ đẹp ỷ có địa vị nên hở là đập tay đập chân tru tréo, có hôm anh chồng đóng cửa để hàng xóm khỏi nghe thấy thì chị vợ lại mở toang hoác ra, đứng ngay ban công kia mà xỉa xói. Khổ, nhà văn thì tước lộc gì nhưng mà cả khu này thì chỉ có một nhà văn thôi!".
    Thật là một quặng thông tin bề bộn đối với Tiệp. Nàng nhập vai luôn: "Vậy, cháu chờ cô bạn kia đến để ngồi ăn kẹo uống nước cho cụ rồi chuồn, há cụ?". Bà cụ được đà: "Khổ, cái anh này suốt ngày bã hèm với heo cúi, ban đêm máy chữ rào rào, cũng kiểu đội con đội vợ lên đầu chị vợ mới hư thế. Mấy tháng nay mua đâu được chiếc cổ cò hay cá xanh cá vàng gì đó để đi đưa rượu cho đỡ nhọc, thấy hay đưa ra ban công cọc cạch chữa, kiểu người hay mua việc ấy mà. Thì rượu là rượu lậu, nuôi heo trên tầng, dân dây người ta cám cảnh người ta im đi cho. Mới lại thời buổi đói kém, ai cũng chạy vạy, thương nhau không hết nữa là".
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Từ chỗ chiếc ***g sắt có mấy chậu quỳnh, một bóng đèn tròn bật sáng, cánh cửa màu cánh gián mở ra, Tiệp thấy Đính thấp thoáng cùng với chiếc xe máy thời tiền sử, lưng trần, quần đùi, rõ ràng đang chuẩn bị để tu tẩm con cào cào tậu bằng tiền cất rượu. Cô con gái thiếu nữ ra theo, nhìn theo xuống chỗ bà cụ hàng nước dưới nầy, chắc anh bảo nó chạy đi mua cái gì. Tiệp sẵn sàng tư thế diện kiến đơn phương với nó, dĩ nhiên là nàng sẽ tò mò và sung sướng khi được ngắm nó mà nó không biết gì. Cô bé cắt tóc búp bê, mặt tròn trĩnh, đi dọc hành lang, lát sau đã xuất hiện rõ ràng trong tầm mắt Tiệp. Bà cụ nói ngay: "Nó đấy, con gái út của họ đấy. Cô có nhắn gì với ông nhà văn thì nhắn". Tiệp nói nhanh: "Cụ đừng nói gì cả, cháu chờ cô bạn rồi rút thôi. Đến đây mà còn nhắn ra quán nước để gặp thì cháu chạy đằng nào cho kịp?". Cô bé đang đứng trước mặt Tiệp, thật bõ cái công nàng đã bất chấp để đến đây và ngồi đây. Nó có gương mặt tròn vành và nước da chắc là tuyệt vời của mẹ nhưng tinh thần của bố khá rõ: giản dị, tình cảm, một đứa con gái để y chứ không phải để thù nghịch, Tiệp tin chắc như vậy. "Cho con một gói Tiên Lãng với nắm đóm" - nó nói và nhìn nàng tò mò, tò mò như thể có linh cảm. Cuối cùng nó buột miệng: "Cô người Nam ra?". Tiệp cười cười nhại giọng: "Cháu cũng tinh nhỉ?". Cô bé cười theo, một lúm đồng tiền bên má, Tiệp nhớ Đính bảo hồi nó bốn tuổi anh thấy nó đổ nhào từ thành xi măng vào bể nước, anh đứng trên ban công một hồi mới lao xuống vớt nó lên để nó nhớ đời, và "vết sẹo đã làm nó duyên hơn mẹ nó ấy chứ". "Mẹ có nhà không Xuyên?" - bà cụ hỏi dò, chắc là để cho cái cô "nhà xuất bản" đang ngồi đây. "Có, mẹ cháu có" - con bé tiếp tục nhìn Tiệp không chớp vì nàng cũng nhìn nó không chớp. Tiếng Đính gọi to trên ban công, đúng như Tiệp dự đoán, đèn cầu thang quá tối cộng với ngọn đèn dầu của bà cụ khiến anh không thể nhận ra nàng ngồi đây để nhìn thấy anh đang đánh trần và lúi húi.
    Đã qua cảm giác lấn cấn sờ sợ, nàng bỗng thấy ưa thích chỗ mục kích nầy. Quả nhiên từ khung cửa hiện ra người phụ nữ đầm đậm, quần đen áo bông ở nhà như mọi phụ nữ không xấu không đẹp nếu căn cứ vào áo quần của mậu dịch, mái tóc phi-dê cao cao khá tân tiến so với chung quanh, giọng Nghệ nặng như em gái Đính: "Gớm, suốt ngày thuốc lào, đây dưới quán mà lâu thế, Xuyên?" - một mũi tên hai đích, cái ông chồng thuốc lào và cô con gái mau mắn với món thuốc lào đáng ghét. "Anh Bảo đâu?" Tiệp nhớ Đính kể rằng vợ anh thuộc loại đàn bà có thể nhịn miệng cho con ăn nhưng không mấy khi ôm ấp hôn hít con như anh, nàng không khỏi liên hệ, xem ra cái nết ấy rất giống với má của nàng. Cô bé bị mẹ xô giúi từ sau lưng suýt ngã chúi vào tường. "Tao hỏi thằng Bảo đâu?" "Anh ấy đi nhà bạn rồi". "Thì mầy đi hót *** lợn đi, hôi thối thế ai chịu được!" "Để đó tôi làm cho, nó thì biết gì!" - tiếng Đính nghe còn vang hơn. Bà cụ đưa mắt cho Tiệp ý nói bắt đầu rồi đấy. Quả nhiên người đàn bà bước hẳn ra ban công, hai tay bắt lên hông, tiếng chân đá mạnh vào cái gì đó chắc là hộp đồ nghề kềm búa dao kéo của chồng: "Còn ông, vứt mẹ đống sắt vụn của ông đi, đừng có mà tối nào cũng rọc rạch làm đau đầu người ta!". Không nghe tiếng Đính, sự im lặng của anh cũng là vũ khí. Bà vợ điên tiết vì ông chồng không nghênh chiến: "Ông có nghe không đấy, cái thứ thổ tả nầy thì chỉ mấy con đĩ văn chương thơ phú của ông mới thích đặt đít lên thôi!". Đính đứng bật dậy, vứt choang cái gì đó trong hộp đồ, hai tay khuỳnh khuỳnh: "Xuyên, mầy không kéo mẹ mầy vào tao thề là mẹ mầy nát nhừ với đống sắt vụn nầy đấy!" Tiếng đứa con gái trì kéo, tiến mẹ nó tru tréo sau cánh cửa bị dập mạnh và Đính đã lại ngồi xuống lì lợm với "đống thổ tả" của mình.
    Tiệp lặng lẽ đứng lên, vẫn nhớ là phải mua cho bà cụ mấy phong kẹo lạc đem về cho An Khương. Nếu không có sự xuất hiện của nàng trong đời Đính thì chắc chắn cũng sẽ có ai đó, nhưng sao lại chính là nàng? Số phận thật là bí hiểm, sự run rủi thiên lý thật là kỳ lạ. Đính thường tự trào với bạn: "Choa là người thực hiện thống nhất Bắc Nam một cách sâu sắc nhất!". Bạn anh đế lại: "Chiến tranh, người ta đi Bê dài, ông ở nhà ôm con cho vợ đi đại học, giờ sẵn cỗ trong ấy ông nhảy vào ông xơi!". Bị điểm huyệt, Đính chống chế: "Thì cũng tính cho cô ả có bằng cấp đàng hoàng để mở mày mở mặt, ai ngờ quay ngoắt thế!".
    Bất chấp nguyên do nổi chìm thế nào, cuối cùng họ vẫn đến, những ông những bà đằng đằng sát khí ấy vẫn đến, như cơn bão đã hình thành thì chỉ còn nước ngồi đợi xem sức gió của nó thuộc cấp mấy. Một dãy xe con, mỗi vị một cỗ, những tấm lưng "đi từ chiến hào ra" bắt đầu bệ vệ, những chiếc ca-táp màu đen quan trọng và những bước chân rầm rập. Trước giờ khai mào, Tiệp đứng trên bao lơn nhìn xuống, sếp nhà thơ tay bắt mặt mừng từng vị nhưng mặt mũi, cần cổ và cả cánh tay cũng đỏ rần vì cảm giác gượng gạo, khó xử.
    Tiệp tự mở cửa phòng họp ở tầng dưới, ngồi xuống chiếc ghế cuối cùng của chiếc bàn rộng, ghế kê không thừa, như một cuộc họp tầm quốc gia quốc tế. Hai Khâm đầu bàn kia, đối diện với "bị cáo", đúng vị trí chủ trò. Trưởng Ban kiểm tra, hồi trong Cứ bà từng có tiếng là hay vấn an đêm phó Bí thư Tỉnh uỷ, quả nhiên, chỉ mấy tháng sau khi bà vợ nông dân của ông nầy chết vì một tai nạn gì đó thì bà trở thành vợ quá độ của ông cho đến khi ông mãn tan xong, từ đó cả hai dắt tay nhau bước vào ngôi vị cao hơn cho đến khi vị Bí thư đột ngột qua đời, bỏ lại bà vợ ngang sức ngang tài và sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Trưởng Ban Tổ chức, một người Tiệp cũng không lạ, người Tiệp đã nghe vợ chú Tư Thọ nhắc tới hồi bà đến chỗ Tiệp "xin lại những lá thư để hoá vàng hoc chú đem theo dưới âm phủ", sau đó, những năm hai bên ta địch sống xôi đậu giữa mạng nhện đồn bốt giặc thì ông bỗng nổi tiếng với dân Cứ bằng vụ xì-căng-đan với cô văn thư hay xuống hầm bí mật cùng và chị nầy phải bỏ ngũ vì mức án đồng đều mà đáng ra ông phải nặng hơn vì ông nhiều "giác ngộ" hơn. Giám đốc Sở Văn hoá thông tin - không hiểu sao lại có cái vị không Thường vụ nầy, chắc vì ông ta là sếp cũ, sếp ngày xưa sau chú Tư Thọ để "dùng tình thân mà giáo dục đương sự" chăng - một người không tì vết rõ, không một cái án tình giấy trắng mực đen trong lý lịch nhưng hồi ở Cứ, rất thích sống trộn với dân chứ không muốn cất chòi riêng như chú Tư Thọ và có một địa chỉ ông mặn mà nhất, đó là nhà của một phụ nữ đứng tuổi có giọng cười như bị cù nách và một ông chồng hiu hắt nghe đồn bị liệt dương: sau nầy, ông đi Học viện chính trị Hà Nội, khi về thì có một cái "đuôi" phốp pháp mắt mũi sóng sánh vào theo và ông đã "gửi" cái đuôi ấy vào cái Tổ thông tin tò vò của Tiệp, thế rồi vào một ngày mưa gió sụt sùi, cái đuôi tự nhiên quẫy đạp kịch liệt khi ngộ ra một điều: "dù bà vợ ông có quê mùa chất phác cỡ nào thì ông cũng không dám bỏ vì cái ghế của chính ông", dĩ nhiên cái đuôi ấy đã vật vã rụng rời với Tiệp - và chắc là cũng với ông - trước khi ngồi tàu ngược ra Bắc. Vị cuối cùng, Bí thư dân chánh Đảng, là chú họ của Tuyên, một cán bộ hồi kết mẫu mực vẹn toàn, chắc sẽ là "sát thủ" chính của Tiệp, người đã từng rút súng ra với con rể chỉ vì khi ông từ Baắc về thì đâu đã vào đấy mà gã con trai nầy chỉ là anh thợ hớt tóc quèn, quá quèn, không xứng với "tầm vóc" cán bộ được đào tạo chính quy là ông. Có lẽ chỉ có Hai Khâm là tròn vẹn và ông không ngượng tay khi "mổ xẻ" Tiệp vì ông có tiếng lành lặn từ trên Khu, có điều ông không bao giờ cho bà vợ xuất thân cấp dưỡng ấy ngồi xe con chung mà chỉ thấy hay đi cùng, hay ngồi gần và hay nghiêng đầu với bà phó chủ tịch Văn Xã ở những cuộc họp long trọng.
    Vậy đó, toàn những đồng chí "bị lộ và chưa bị lộ", nói theo ngôn ngữ hiện hành. Tiệp trân người chịu đựng, mắt mờ đi vì trò lấy chức đè người dù họ, kẻ thì vì chức trách, kẻ thì bị Hai Khâm lôi đi, kẻ thì có ác ý sẵn như chú họ của Tuyên chẳng hạn. Sếp nhà thơ tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần kiêm thư ký biên bản, trông anh gắng gượng khổ sở như một cái cọc đáy giữa dòng nước xiết. Tai Tiệp ù đặc vì bầu khí trong ngực căng như sắp nổ bùng, họ đã quá công phu mẫn cán với cái việc một nhà văn yêu một nhà văn, họ là những người đàn ông đã quên mình có lúc cũng là đàn ông, họ quên Tiệp là đàn bà mà không có những người đàn bà thì họ đã không vui sống vì không được chòng chành. Hai Khâm nói gì đó ngay sau phần thủ tục của chủ tịch Hội, bàn tay như bún vỗ vỗ trên xấp phong bì của nàng Mác-ta ông mới nhận lại từ tay sếp nhà thơ của Tiệp, chắc là để làm đậm như ý muốn phần giáo đầu.
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tiệp đứng vụt dậy xin nói, nàng biết là sếp nhà thơ va giám đốc Sở, thủ trưởng cũ của Tiệp cũng không chịu nổi cuộc họp quái gở nầy. Hai Khâm ra hiệu cho nàng chưa được nói, không được nói, không có gì phải nói lúc nầy cả. Nhưng nàng đã không vâng lời, đôi chân nàng không còn đầu gối nữa, nó run rẩy nhưng nó cương quyết không gấp lại nữa, nó phải giúp nàng một dáng đứng tự vệ chứ. Nàng nói về sự hi lý của trận đòn hội chợ, về những lá thư của một người chỉ có roi vọt tổ chức mà uất hận tiền bạc chứ không có nỗi đau khổ mất mát thông thường, về sự phí phạm điện nước trà thuốc của nhân dân vào những cuộc họp sát phạt vô bổ, về tư cách của những người sẽ luận tội nàng, về những lời giả dối nhất định nàng sẽ nói ra để đối phó lại cái trò giả dối buồn cười nầy. Sếp nhà thơ nhìn nàng khích lệ rồi tái dần, các vị khác bất bình rồi há hốc, duy có Hai Khâm một mực thẳng lưng trên ghế, mấy ngón tay bìn thản che dưới vòm mũi, vẻ đắc ý sâu sắc với bài toán nào đó chắc là rất cao cường trong cái đầu thủ lĩnh của ông ta.

    Tiệp ngưng nói nhưng không ngồi xuống. Hai Khâm ra hiệu cho chú họ của Tuyên, ông nầy lập tức trao cho thủ lĩnh một tờ giấy pơ luya gấp tư không có phong bì, Hai Khâm từ từ mở nó ra trong sự căng cứng của bầu không khí khủng bố.
    - Thôi thì coi như những lá thư của nữ đồng chí vợ tay Đính đó chưa phải là chứng cứ trai trên gái dưới đi. Nhưng đã có ai trong chúng ta bị gia tộc làm đơn gửi lên Tỉnh uỷ xin từ mặt mình chưa? Chắc là chưa, chưa có ai trong cái tỉnh nầy, trong cái nước nầy, trong cái thời đại nầy bị gia tộc từ bỏ theo cách nầy, chưa ai! Chúng ta giải tán, đây, thư từ mặt đây, tổ chức sẽ có cách khác. Phục thiện mới khó chớ hỗn xược thì tổ chức ngán sao?
    Những bước chân lại rầm rập ra về, xăng và xe của đám dân mà họ luôn hô hào là sẽ quan tâm đúng mức. Sếp nhà thơ ra theo để làm tròn nhiệm vụ một cái ghế nhỏ, Tiệp ngồi dán mắt vào tờ giấy pơ-luya vàng vàng và nhanh chóng nhận ra lá đơn được đánh máy hẳn hoi, co chữ quen thuộc trong bài diễn văn mà Tuyên hay đưa từ cơ quan về nhờ nàng soát lại xem văn vẻ và chính tả. Cô Ràng của Tiệp không biết chữ, cô Ràng chắc đã được đọc lá thư của vợ Đính gửi Tuyên và cô Ràng đã được Tuyên đạo diễn và làm thư ký trong chuyện nầy. Nhất định phía sau Tuyên là sự hăng hái của ông chú họ, ông bí thư Dân chánh Đảng đã dám rút súng ra với chồng của con gái mình.
    Sếp nhà thơ trở vào cười vang:
    - Bữa nay em không biết sợ chết hả Tiệp?
    Tiệp đẩy tờ giấy cho vị sếp gần gũi như một người anh trai dù có hơi trái tính. Cơn giận bỗng dưng xẹp xuống như một quả bóng xì hơi, nàng chạy lên cầu thang nằm sãi xuống giường không khóc được nhưng người ngợm rã rời như vừa được tháo từ trên giá treo cổ xuống để chờ toà án bổ sung tội danh mới. Đó là tội danh có thể làm nàng đau đớn, xấu hổ nhất, hơn cả tà dâm, ngoại tình, giựt chồng, đánh cắp hạnh phúc người khác... cái tội bị cô Ràng xử trảm, cái tội bị gia tộc ruồng bỏ, mà không có gia tộc thì không người Việt Nam nào yên ổn với lương tâm cả.
     
    _________
    Hết phần 14
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    15
     
    Cái bàn viết bằng gỗ thao lao trống hộc, muốn không phá giấc các con và không ảnh hưởng nhiều đến Hiếu Trinh ở phòng trong và ông hoạ sĩ truyền thần già ở phòng dưới, Tiệp lót dưới chiếc máy chữ mảnh khăn sọc ca-rô cũ giản đơn thời ở Cứ. Trên nóc tủ sắt văn phòng màu xanh lá trưng dụng của cơ quan, Tiệp trải tờ giấy báo trắng và đặt lên đó một chiếc lư hương nhỏ để tưởng nhớ đứa con trai út đã "tuẫn tiết" của ngài đại tá chủ cũ của ngôi biệt thự hiện đang còn ở trại cải tạo nào đó rất xa. Nàng sai Thu Thi thắp nhang vào giữa tháng, nó tự động thêm mấy nhánh cúc tứ quý vàng hái từ sân trước, vào dịp rằm tháng bảy thì đích thân nàng bày lên đó những thứ có thể từ túi tiền lúc nào cũng eo hẹp. Nàng tin linh hồn trẻ ở cõi kia vẫn thỉnh thoảng đáo qua đây thăm nhà, mong cậu ta phù hộ cho các con nàng vượt qua những sự cố trong cuộc sống đơn độc và bất trắc của chúng. Căn phòng không đủ điều kiện cho một gia đình nhưng nó cho Tiệp cảm giác ân nghĩa như nàng và các con được đứng dưới một mái hiên vững chãi chờ mưa gió qua đi, nhất định mưa và gió sẽ qua đi và ngày mai trời lại sáng.
    Văn chương với nàng giống như một thứ tín ngưỡng hơn là thứ phương tiện. Nàng không biết nó đến với nàng từ đâu, từ ngọn gió rao rao nước lớn dưới bến nhà hay từ bóng chim và tăm cá trong mảnh vườn hương hoả, từ mùi rơm của cánh đồng sau ven vườn dẫn sang chân trời bên ngoại hay từ lũ lục bình muôn thuở của con sông Cái, từ bộ gien sáng của người cha mà nàng chỉ nhớ mang máng hay từ những phẩm chất đặc biệt của cô Ràng, từ sự tương giao bí ẩn với chú Tư Thọ hay từ nỗi mồ côi hồi thơ bé, từ sự mất mát tuổi trẻ hay từ sự lựa chọn bí ẩn nào... Văn chương đã mon men rủ rê nàng từ hồi con nhỏ Tiệp cuộn tròn cuốn tập học trong tay bước đi dưới vòm cây trong vườn, rồi nó biến thành sự nghiêm cẩn thường trực khi nàng làm một bài văn trong lớp hay lúc ôm một cuốn sách bất ngờ bắt được, cuối cùng nó chiếm lĩnh toàn bộ nàng, thiết kế số phận và đẩy nàng đi, đi mãi.
    Khung cửa sổ phóng khoáng của căn phòng cho thấy những cành mận thường tạt những sợi nhuỵ trắng mảnh lên mặt bàn viết và đưa hương vào phòng những đêm thanh vắng, như một niềm an ủi kín đáo. Tiếng ho của ông hoạ sĩ già ở tầng dưới thỉnh thoảng vọng lên và nàng tin rằng O''Henry đã gửi ông đến để làm quà hộ mệnh cho các con nàng duy cây mận ngoài song cửa thì không bao giờ đánh mất chiếc lá cuối cùng của nó. "Tụi nhỏ trên đó ngủ chưa, xuống cầm lên cái nầy nè!" - ông thường đứng dưới chân cầu thang réo lên và khi thì mấy thứ trái gì đó hay một khúc cá khô, quà của đám con ông thỉnh thoảng ghé qua xem ba còn sống hay đã chết. Ông là cây cọ truyền thần chuyên ảnh trang trí cho các hội trường lớn của thị xã nên Sếp nhà thơ đã đưa ông về tá túc trong trụ sở cơ quan vì bà vợ ông không còn chịu nổi mực và màu của ông. Ai là người biết AQ với hoàn cảnh thì người đó sẽ ung dung với cái phần trời và đất trong thế giới của mình. Thi thoảng những buổi tối, khi nàng quên ngày quên lịch thì vầng trăng hiện lên, từ sông Hậu ngoài xa, ban đầu thập thò sau lá mận và rồi nó thoát ra, tròn đầy, ướt đẫm và thanh sạch như thời nàng còn chưa biết thế gian nhiều hay ít đau khổ. Những lúc ấy mấy mẹ con nàng réo nhau đứng áp hết vào song cửa, xem trăng từ từ rời xa điểm xuất phát như thế nào, lúc ấy Hiếu Trinh cũng chạy ra - dĩ nhiên lúc ấy hai người còn là bạn chí thiết - lúc ấy nếu An Khương hay ông bạn Bá Biên đến thì nhất định sẽ có một chiếc chiếu được trải ra ngoài ban công, lúc ấy giá mà có Đính... Đính quá xa, xa một cách vô vọng về địa lý và vì không có sự ủng hộ ngấm ngầm kiểu sếp nhà thơ chỗ Tiệp thì chuyện ra Nam vào Bắc là không thể, đơn giản vì không có công lệnh để đi lại, vì túi tiền muôn năm rỗng và vì chuyện đăng ký tạm trú  ở nơi anh sẽ đến. Có lẽ vì sự cách trở thăm thẳm ấy mà nàng sống mạnh mẽ hơn, trong sự chịu đựng một cách an bài như người tù giỏi thích nghi đang hướng tới tự do khi đặt tay vào từng tờ lịch mảnh mỗi ngày.
    Chiếc bàn viết thường ở vị trí cũ vào ban ngày để nàng đi đi lại lại khi ngẫm nghĩ, ban đêm, nếu nàng ngồi lì bên máy chữ thì nó được kéo vào giữa phòng, bên trên là chiếc mùng lưới chị Mỹ Nghĩa nối cho từ rất nhiều thẻo tuyn vụn chị cất được chỗ Nhà may quốc doanh của mình. Sự đơn độc của nàng nặng như một ngọn núi nhưng nó cũng cao khiết như núi, trong đêm, lúc đó nàng không hề nhớ mình đang bị cô Ràng từ bỏ, nàng quên những ánh mắt né tránh của đám bạn từ Cứ ra - trừ Quý - khi họ sắp chạm nàng ngoài chợ hay đâu đó trên đường, quên cả Hai Khâm và lệnh cấm vận của ông ta - họ không kỷ luật nàng được vì Đính đã lên ở cơ quan bắt đầu thời kỳ ly thân với vợ, cái chính là họ không bắt được "trai trên gái dưới" như họ mong muốn. Nàng thường được con gái nấu cho những món nàng ưa thích bằng phẩm chất quán xuyến đặc biệt của nó hoặc bằng cách động viên cũng của riêng nó: "Mẹ thèm tẩm quất không? Mình ráng nhịn tiền chợ vài bữa để con đi qua bến xe kêu thợ về cho mẹ, há?". Nàng thích được săn sóc khi nhọc mệt, thích được day mạnh vào hàng huyệt kiên trinh, kiên ngung, kiên tĩnh trên hai bờ vai khổ ải, thích được nằm sãi cảnh để nghe hai huyệt phế du dọc hai lá phổi được đánh thức, sau những giây phút bầm dập một cách ngọt ngào ấy cơ thể nàng như có nhiều cánh cửa bỗng dưng được nhấc lên, mọi thứ lưu thông, chan hoà, hứng khởi, nhưng nàng chỉ chịu để cho con đi rước thợ khi bị gió máy. Cũng có lúc nàng thấy văn chương thật phù phiếm và vô tăm tích, lúc đó nàng quay ra giỡn hớt và bày trò nấu nướng với con, lúc đó Thu Thi lại áp mặt vào mẹ, lo lắng: "Mẹ tắc rồi hả, mẹ?". Với nó, khi mẹ càu quạu là sẽ có một cái gì đó sắp xong, một cái gì đó sẽ lên báo hay thành sách, một cái gì đó sẽ quay trở lại với cái bếp của nó và sẽ biến thành nguồn sống của hai chị em nó, cả vật chất lẫn tinh thần. Cũng có nghĩa là mẹ nó không tàn lụi như người ta mong đợi, mẹ nó sẽ tồn tại và hanh thông, mẹ nó sẽ bước đi bằng đôi chân của chính mình đến với cái đích tên tuổi và với người mà nó gọi là ba Đính.
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Từ khung cửa sổ nàng có thể nhìn chéo xuống chân tường, một chỗ đứng lợi thế thư giãn nhưng những gì thấy được thì không hề có ý nghĩa thư giãn chút nào. Một cái tum lá nhỏ như một đụn mối, không bao giờ nàng thấy được bên trong vì cái tum không đủ cao và quanh năm nó không chào đón ai cả. Nghe đâu hồi ngôi biệt thự nầy bị tịch biên - nàng không thể hình dung tâm trạng bị mời ra khỏi ngôi nhà của mình là như thế nào - trong khi ngài đại tá bị điệu ngược ra Bắc đập đá ăn năn hối lỗi thì vợ con ông dạt ra dưới chân tường và được người hàng xóm tốt bụng cho ở nhờ khoảnh sân sau để ẩn nhẫn chờ thời. Tiệp chào hỏi bà Tá như mọi người nàng gặp khi ra vào cổng sắt ngôi nhà giờ là trụ sở cơ quan và cũng là chỗ tá túc của mẹ con nàng. Những lúc đứng nhìn từ trên cửa sổ, nàng hay nán lại để ngắm cô con gái duy nhất của bà Tá, người hay mặc áo hồng khiến nước da trắng nõn một cách kỳ lạ với nắng nôi và đau khổ, cô ngồi đó, chỗ cái cửa tum phải mọp sát xuống mới chui vào được, cô ngồi trên chiếc ghế thấp bên cạnh là giỏ đồ làm móng và khách hàng là đám phụ nữ cột đèn gốc cây của bến xe bên kia đường. Cô làm cặm cụi, hai bàn tay búp măng không khách nào có thể sánh bằng, thỉnh thoảng Tiệp nghe lối phố bảo cô gan lắm, thân gái dặm trường ra Bắc thăm nuôi ba rất đều bằng tiền sửa móng cho các ả khách như đã nói. Cô ta không biết nàng thắp nhang cho anh trai của cô, cũng như nàng không biết cô mơ gì trong cái tum lá và ước ao gì trong khi ngồi sửa móng cho những người mà nếu mọi chuyện vẫn y nguyên thì làm gì ngữ người đó chạm được vào nếp áo của cô ta! Kiến và cá, cá và kiến, cô gái kia là kiến con hay trứng cá trong cuộc lật trở khổ đau nầy?
    Một buổi sáng, trong lúc nàng đứng bên song cửa nhìn xuống cái tum lá thì bà Tá từ dãy nhà sau chạy vào, ngước lên:
    - Cô ơi, in là thằng con của cô nó chém lộn ở sau hẻm kìa!
    Tiệp lao xuống cầu thang: tại sao bà Tá biết mình đang đứng bên cửa sổ, tại sao cuộc trò chuyện nầy muộn màng và trầy trật vậy? Có nhiều tiếng đàn bà chí choé chỗ nhà bà chủ hụi, hình như hồi nãy Vĩnh Chuyên có chạy vụt vào phòng lấy đi cái gì đó. Một cảnh tượng hãi hùng, một cuộc đổ máu trong gang tấc: con trai bà chủ hụi cao lớn đang nhứ nhứ khúc cây tầm cỡ bắp tay xuống đầu Vĩnh Chuyên trong khi nó cầm chặt chiếc dao Thái cán vàng sẵn sàng lao vào hông đối thủ. Tiệp phi đến, sôi sục vì đứa con trai to lớn và khúc cây kia, lúc đó nàng cũng không quên cảm ơn trời phật, cảm ơn người đàn bà của phía bên kia đã kịp thời tìm ra nàng bên cửa sổ. Chắc gì chiếc dao nhanh hơn khúc cây, chắc gì con trai nàng còn nguyên hộp sọ để đâm đối thủ một nhát nhớ đời như nó nghĩ, nhưng nàng vẫn bắt con xin lỗi bà chủ hụi để giữ thể diện cán bộ của mình trước đám đông trong hẻm. Từ đó bà Tá và nàng nói với nhau được nhiều câu hơn mỗi khi gặp nhau bên cổng rào có những chùm bông giấy màu cam do chính tay bà trồng hồi trước. Nàng vẫn nghĩ mãi, tại sao những người đàn bà cùng đinh ở dãy nhà sau không ai chạy lên nhà gọi nàng mà chính là bà Tá? Câu trả lời đã theo họ sang Mỹ, khi ông Tá ra trại, vì vậy mà câu hỏi vẫn ở lại với nàng.
    Khung cửa sổ vẫn tiếp tục nhiệm vụ cửa sổ của nó khi chiếc tum lá biến mất trơ lại cái nền xi măng nhỏ bằng chiếc chiếu đôi. Đêm đêm nàng nghe thấy dưới chân tường tiếng gắt gỏng tuyệt vọng và cả tiếng khóc nghẹn của những khách hàng móng tay móng chân của con gái bà Tá ngày trước khi họ bị ăn quỵt, vào những đêm trăng, những cảnh đời ấy phô ra, vật vã trên nền tum xưa. Những lúc nàng đi vắng, bên chiếc bàn nầy, có thể Thu Thi đã ngồi học bài và cũng đã nhìn xuống. Nhưng không biết làm sao được, thế gian nầy không có chỗ nào là vô trùng cả.
    Đã mấy năm trôi qua từ cuộc họp mà nàng là kẻ đại nghịch trong mắt Hai Khâm. Một trong những sự yếu đuối của con người là sợ bị cộng đồng lãng quên hoặc ruồng bỏ, những người sinh sát ở tỉnh tưởng đã chôn vùi được nàng bằng cách không cho con chiên ghẻ nầy đi họp, không được đặt chân tới thềm cẳ các hội trường hay các cuộc nghiên cứu Nghị quyết, không được xuất hiện trên các cơ quan thông tin đại chính tỉnh nhà, không được lên lương... Một sự yên tĩnh chay tịnh bao bọc nàng nhưng Thu Thi thì lại cảm thấy cái căn phòng trong trụ sở và bộ mặt tu hành của mẹ như là vô định.
    - Mẹ ơi, hồi ba đi học về thì ba có người liền rồi, có cô Tàm gì đó rồi mà sao ba chưa chịu ký đơn với mẹ? Mẹ ơi, bộ mẹ với ba Đính xục xịch hai đầu hoài sao, mẹ con mình cứ tạm bợ hoài vầy sao?
    Lúc đó Thu Thi mười bốn tuổi, Tiệp nhớ dạo nàng mới dọn về ngôi nhà trụ sở nầy, Thu Thi mới hết cấp Một, nó còn để tóc búp bê, hai cái nhũ cau buồn cười dưới lớp áo nhưng đã thành một người khác sau cái mốc đó. Nó ước: "Phải chi mẹ có tiền mua cho con chiếc xe đạp mini, năm tới lên lớp sáu con ráng đạp xe đi học, đỡ mẹ ra". Tiền không là gì cả trong quan niệm của Tiệp nhưng tiền lúc đó là lương tâm của người mẹ, một người mẹ âm thầm biết lỗi vì cái đời đổ vỡ của mình đã làm liên luỵ suốt cả cuộc đời các con. Tiệp nhẩm tính: "Được rồi, con ráng coi sóc tủ lạnh với đi bỏ đá cho đều, mẹ sẽ muối mặt kết giao với bà chủ hụi phía sau, con chịu kó đi đóng hụi ngày để dành tiền đó mua xe đạp. Mà con biết đi xe thì mẹ cũng chết lo, con mà có bề gì thì mẹ nhảy xuống sông luôn!". Mười tuổi, lúc đó Thu Thi mười tuổi, nó triết lý như một bà già: "Mình có làm hại ai đâu mà lo thất đức, mẹ!".
    Cái tủ lạnh Toshiba vốn là tủ cũ mua lại từ đống đồ thức thời của ông chú họ Tuyên hồi ông mới hồi kết, nó bỗng dưng kết thúc vai trò lịch sử đúng lúc Thu Thi đã biết chập chũm ra đường bằng chiếc xe cao của mẹ. Nó không kêu than gì, chỉ gạ: "Từ rày mẹ bận, mẹ cứ lo viết đi, con quản lý tiền chợ. Chợ gần, con đi bộ được, con sẽ qua đường chỗ đèn xanh đèn đỏ, con đi chợ chiều để mua được đồ rẻ, con sẽ tiết kiệm tiền đó tiếp tục nuôi hụi ngày mua xe. Mà mẹ ơi, có bữa con đứng mua rau muống chỗ rau muống cho heo, con gặp mợ Năm Trường cũng mua rau cho heo đó mẹ. Mợ chỉ hỏi con sơ sơ, chắc hổng phải tại bà cô cấm vận mình mà tại vì mợ thấy mẹ hổng giống ai, mợ hổng biết đối xử làm sao nữa". Loại tin nầy với Tiệp đâu có lạ, cũng như hôm Thu Thi vừa đặt cặp xách xuống vừa bệu bạo:" Con vừa thấy dì Hoài ngồi xe lôi từ bến xe vượt qua chỗ mình. Chắc là lên nhà cậu Năm Trường, con thấy dì có chở gạo, chở chuối nữa, chở nhiều thứ lắm mẹ". Nàng hứa thầm là đã cố quên mọi mối quan hệ hiếu hỉ lần quần một thời gian để làm cho xong việc chính là viết văn, nuôi con và giữ gìn để chờ đợi Đính, sự chính danh sẽ lấy lại thể diện cho cả hai, cho các con và lúc đó sẽ có lại gia tộc, tất cả.
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Một hôm Thu Thi mang từ chợ về một đống vỏ bưởi, nón lá đội đầu nó như một cái nấm khi trải cái đống ấy ra trên ban công phơi nắng: "Bà bán bưởi nói nó un muỗi được, con phơi để dành un cho mẹ làm việc đêm đây". Nó lại xin vỏ dừa tươi từ những quán nước bên bến xe về để chẻ nhỏ ra phơi làm chất đốt. Mấy mẹ con có thể ăn loại rau muống dành cho heo và cá ươn chợ chiều, có thể dùng chiếc nồi áp suất quà của ba Đính để ninh nhừ xương heo hay đầu giò cổ cánh gì đó nhưng mỗi khi nhà có khách khứa đồng nghiệp từ Sài Gòn xuống, từ các tỉnh lân cận sang và cả những chú bộ đội mẹ nó quen từ những chuyến đi thực tế bên nước bạn Campuchia, những lúc gay cấn ấy thì mẹ nháy con ở nhà đưa đẩy, mẹ chạy ra chợ trời chút, thế là một vài cái áo cũ lại ra đi, những món đồ mà chị Nghĩa lén lút giúi cho bất chấp cô R và chị Hoài đang làm mặt giận.
    Cũng một hôm, Thu Thi mua về mấy con vịt xiêm mới tách bầy, hổn hển vui mừng: "Người ta nói vịt xiêm không cần ao, mình nuôi ở sân trước được đó mẹ. Ba bốn tháng nữa mình bán vịt, cộng với tiền hụi chắc là đủ mua xe cho con mẹ, há?". Thế là mỗi ngày nó và em trai tay rổ tay thau băng qua bên kia đường xúc bèo cám chỗ vuông đất nhị tì sau bến xe về cho vịt ăn. Lũ vịt lớn như bầu như bí, Thu Thi đã nhìn thấy hình dáng chiếc xe trước mặt nhưng một buổi sáng, nó mở cửa ra sân và nhìn thấy hai con vịt nằm lù lù như hai đóng than. Nó gạt nước mắt đi học, dù nhà có tang vịt thì cũng phải đi học, mẹ ở nhà ra chợ mua sả mua gừng về để ướp thịt  hai con vịt tử nạn để ăn dần nhưng khi quay về thì ba con vịt còn lại cũng đã theo chị theo em của chúng lên trời bỏ lại mấy cái xác không biết bao nhiêu gừng và sả thì đủ.
    Người ta có thể nghèo nhưng không khóc, đói cũng không dễ khóc nhưng một đứa con chưa bị đói mà khóc như Thu Thi khóc hôm đó thì người mẹ nào cũng phải nghĩ đến tư cách làm mẹ của mình. Tiệp ôm lấy con trên ghế đá, bên cạnh những con vịt thiết thân của nó và nàng đã như một mũi tên ra khỏi nỏ từ hôm đó. "Mẹ hứa với con là mẹ chỉ yêu có 1 người và mẹ sẽ đi đến cùng với người đó cho con đỡ tủi nhục. Mẹ hứa với con là người ta sẽ phải thừa nhận mẹ cho con mở mày mở mặt. Mẹ hứa với con là người ta sẽ phải cấp cho mẹ một căn nhà để mình thoát khỏi cảnh tạm bợ nầy. Chỉ cần có giỏi con ngoan để kéo em theo rồi con sẽ thấy mẹ sống chết với lời hứa của mình".
    Tiệp nghĩ tới một cánh cửa, dù là cửa ngách thì cũng là cửa, đó là chị Mỹ Nghĩa. Mấy năm nay chưa bao giờ nàng cầu xin chị mình thứ gì ngoài những lần ngửa tay áy náy với những gì chị tự nguyện sớt cho. Trong khi nàng dần dừ có thể gặp cô R ở đó nếu xộc đến chỗ chị Nghĩa thì bà chị mưa móc của nàng bỗng dưng xuất hiện. Tiếng hai đứa nhỏ dậy từ ngoài cổng rồi vang động cả cầu thang:
    - Mẹ, mẹ! Dì Nghĩa ghé kìa mẹ!
    - Dì hổng có xách gì, mà mình đâu có cần ai xách gì, hả mẹ?
    Nhiều lần chị tìm cách gởi An Khương hay Hiếu Trinh mang mùng mền, quần áo đến cho mấy mẹ con Tiệp, giờ chị mới chính thức đặt chân vào cửa phòng của Tiệp. Chị có vẻ mập ra nhờ bỏ hẳn cái nghề chữ chì của nhà in để chuyển sang nghề may mặc thương nghiệp quốc doanh, công việc của chị ưa thích hồi chị còn chưa lên Cứ. Chị Nghĩa thuộc về má từ mặt mũi tới tính nết, vì vậy chị thật ít lời lẽ mà rơm rớm nước mắt ngay khi nhìn thấy em gái và hai đứa cháu. Chưa khi nào chị khóc lớn tiếng, ngay khi cả nhà được tin ba chết ngoài Côn Đảo, khi hai chị em rời má và vườn nhà để bước vào vòng đạn bom giặc giã, chị có kiểu khóc của một bà chị lặng lẽ, đôi mắt đẹp mở to chớp chớp và lúc nào cũng có chiếc khăn rất trắng trong người. Tiệp ngồi đối diện với chị chỗ chiếc bàn sinh kế của mình, Thu Thi và Vĩnh Chuyên túm lại trong góc nhìn cảnh hai chị em kết thúc nỗi ngăn cách hàng ngàn ngày từ một tờ giấy của cô Ràng. Sự im lặng dài một cách khó chịu, cuối cùng chị lên tiếng:
    - Má bịnh, chị Hoài thì đưa thằng Hớn lên bệnh viện cưa bỏ khúc chưn. Má bịnh không nặng nhưng mà mất ngủ mấy tháng nay, tự dưng má không ngủ nghê gì hết. Chuẩn bị đi với chị vô thăm má đi cưng, cho mấy đứa nhỏ đi nữa, tụi nó có quần áo gì mơi mới không cưng?
     
    _________
    Hết phần 15
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    16
    Chuyện gì đến đã đến, cuối cùng Sếp nhà thơ cũng bị bãi chức vì "vợ nọ con kia", thay vào là một chủ tịch ngay ngắn, không dính gì với văn nghệ, một anh nhà báo từng là trưởng Phòng thông tin chỗ cũ của Tiệp bên Sở. Không còn "nền kinh tế xé rào" nhà hàng nổi đèn vàng đèn tím, tờ báo chỗ Tiệp hết nguồn sữa tươi và bắt đầu suy dinh dưỡng, cơ quan Hội sống bằng tiền nhỏ giọt của ngân sách, mỗi khi đi Ngân khố các nàng văn phòng phải cụ bị vải vóc và phong bì để lo lót chuyện rút tiền. Tiệp càng yên thân với ngày và đêm của mình nhờ sếp mới cũng là chỗ quen biết, nghĩa là được tự do nghĩ ngợi, tự do in ở đâu mặc, tự do đi đứng không công lệnh miễn là đừng có làm càn vượt biên vượt biển gì.
    Bằng tiền nhuận bút mấy cái truyện và một giải thưởng kha khá ở Sài Gòn, Tiệp lên tàu với tấm vé ngồi cứng tính ra cũng tròm trèm một tháng lương cán sự của nàng. Toa ngồi đa số là dân đen và những người lương thấp, mùi nhà tàu đậm đặc chỉ có thể đặt tên là khổ ải, chưa rời ga đã nghe thấy mùi nước tiểu từ hai đầu toa, chắc chắn ê kíp bàn giao không đủ tử tế để làm kỹ khu vực đó. Như mọi con người và mọi sinh vật trên đời, nếu không chọn được quê hương và cha mẹ thì Tiệp cũng không thể chọn được cho mình một chỗ vừa ý trên toa ngồi thời bao cấp. Xếp hàng, nín thở vì cái mùi của ai đó phía trước và của đám đông, trân mình với một "cây gậy" của một gã nào đó ép từ phía sau, nín ăn nín uống nín tiểu để nhích dần, hồi hộp khép nép với bà bán ghé hoạnh hoẹ chuyên nghiệp, thế là cầm cái vé gần cuối toa, nơi có thể nghe thấy suốt ngày suốt đêm mùi hố xí thùng trứ danh của Đường sắt Việt Nam.
    Chung băng ghế gỗ với nàng là một cậu lính trẻ mặt dài dài, người dong dỏng, nhìn áo bludông thâm kim đoán biết là sĩ quan cấp thấp từ biên giới Tây Nam đi phép.
    - Tàu này sáu mươi giờ, khá rồi, ngày xưa bảy mươi giờ ba ngày ba đêm đấy bà chị ạ. Đi tàu lần đầu hở, có mang võng không, thôi thì em lên võng, chị nguyên ghế băng rồi nhé!
    Hai con người vừa nhận "chị em" cùng đưa hành lý lên gác trần, chằng buộc cẩn thận.
    - Em cho chị đoạn dây dù, đến Thanh Hoá em xuống rồi, buộc riêng dễ cởi hơn.
    - Chị có dây nilông đây. Có người bày cho chị ba mươi sáu chước đi tàu, khi thực hành thì chỉ nhớ là phải mang dây. Võng hả, võng thì thế nào đàn ông cũng nhanh tay hơn, thôi thì nhường hộ, mình được cả một băng ghế.
    Người bày cho nàng cách đi tàu là Đính, hành khách chung thân của tuyến Hà Nội - Vinh mấy chục năm qua, xưa thì vác con về gửi ông bà, nay thì mẹ già như chuối chín cây, khổ sở cỡ nào cũng phải đi đi về về cho trọn đạo con trưởng.
    Tàu chưa qua khỏi Đồng Nai mà "mặt bằng" võng trong toa đã hoàn tất. Khách hầu hết là người Bắc về thăm quê và đám phụ nữ buôn đường dài, cả hai thành phần đều tháo vát, nhanh tay nhanh chân hơn người. Mùi khét khẳm của đám đông chật vật không khác gì mùi của những chiếc xe gia súc là mấy.
    Gã nhân viên nhà tàu ban nãy đứng ở cửa toa nhận khách và sau đó đã soi đèn pin soát lại vé, bắt đầu đi dọc toa chậm rãi, nghiêng ngó, rồi đi ngược trở lại, cũng là để nghiêng ngó. Mặt thịt, mũi lân môi dày, mụn bọc cũng dày, người ta bảo dân nhà tàu là tay trong của đám con buôn, không vậy sao trông họ no đủ thế. Khôn thì sống,lóng ngóng thì thiệt, còn Đính, Đính của nàng thì lập luận: "Nếu phải đi tàu anh sẽ chọn vé ngồi chứ không chọn vé nằm. Chuyện nằm đã có cái võng nó lo, tiết kiệm được một phần ba tiền vé. Em có thấy trên đời có việc gì mà nằm cũng ra tiền không? Ừ thì AQ, vì sao anh AQ như vậy, là vì chỉ muốn tiêu xài một cách tối thiểu để khỏi phải bán mình víêt thuê viết mướn hay bon chen giẫm đạp nhau chốn quan trường!".
    Gã nhà tàu phát hiện ra Tiệp ở cửa phòng vệ sinh. Gã ngồi khuỳnh chân ở cửa phòng nhân viên và nhìn như muốn nuốt sống nàng.
    - Muốn chỗ nằm không, đây nhường phòng cho này? Xem thử đi, giường này, gối này, cả chăn nữa!
    - Vậy phải bù bao nhiêu? - Tiệp cũng AQ và tiết kiệm không thua gì Đính nhưng nàng quả là có thêm một chỗ riêng để đối phó với đường dài bằng một quyển sách, thứ nữa là để đỡ đau đầu và để thay thiệm, hai ngày ba đêm chứ ít đâu.
    Gã môi dày ỡm ờ:
    - Thì cứ chuyển hành lý đến đi, giá cả đáng gì, cô em!
    Tiệp quay về chỗ ngồi, đi như chạy. Tại sao hắn lại chọn nàng, vì nàng mi nhon sạch sẽ, vì nàng yếu ớt, vì nàng có vẻ dễ gạ hay vì trên mặt nàng có dòng chữ "tôi thiếu đàn ông suốt đời!".
    Chú lính Thanh Hoá đã nằm rất ngoan trên võng, mọi câu chuyện làm quen của những người đi đường trong toa cũng đã chấm dứt một cách mệt mỏi cùng với tiếng xình xịch khó nhọc của bánh sắt siết trên đườngray. Tiệp nằm xuống băng ghế, đầu gối ra phía lối đi, vừa thiêm thiếp thì nghe thấy tấm lưng trên võng cạ qua cạ lại chỗ hai trái ngực như thăm dò, khiêu khích. Ngồi dậy, không ngủ được nữa, nàng ngồi ép vào trong để tránh chiếc võng. Không lâu sau gã nhà tàu xuất hiện, tay rọc rạch chiếc đèn pin. Không nói không rằng, gã ta ngồi sát xuống bên nàng, mùi đêm hôm của con đực đặc sệt, gạ gẫm. Nàng không phản ứng gì, ngồi tém sát vào thành tàu, giữa hai người lúc nầy là chỗ võng xuống của tấm lưng chú em Thanh Hoá, nhẹ nhàng nàng co chân lên, chiếc giày xăng đan cầm sẵn ở tay, nếu gã giở trò quơ hốt gì thì nàng sẽ ra đòn ngay, êm thấm, câm lặng. Chắc gã ta đánh hơi được đây không phải loại dễ xơi nên hơi thở hầm hập hạ dần rồi nán lại thêm cho đỡ tẽn tò, hồi sau mới lẳng lặng đứng lên về phòng. Rất lâu nàng mới nằm xuống được, lần nầy, đầu hướng về phía vách toa nhưng, lại bị cạ tới cạ lui không phải ngực mà một chỗ khác nguy hiểm hơn chạm vào lưng chú lính trên võng. Không được rồi, lại ngồi dậy, lần nầy thì cậu trẻ thức dậy, ngoảnh xuống:
    - Em cục cựa hoài chị không ngủ được hả?
    - Không, tại vì ghế cứng mà ngắn, tàu lại chở nặng lắc quá, khó nằm.
    - Hay chị lên võng, em nằm dưới ghế cho?
    - Không, không - Tiệp kiếm cớ - chị không quen ngủ võng. Chắc chị phải trải giấy báo trên sàn toa như mấy bà kia.
    Nàng nghĩ, nếu mình nằm trên võng thì cái lưng mình sẽ cạ vào chỗ nào của cậu ta?
    Chỗ nằm bằng giấy báo trên sàn toa giữa hai chân ghế chắc không nằm trong ba mươi sáu chước đi tàu của Đính. Gối đầu lên túi xắc đeo vai và quyển "Thao thức" của một tác giả Nga đang cơn sốt như hồi nào người ta sốt "Chuyện thường ngày ở huyện", nàng cố chợp mắt nhưng cái lưng bị nhồi lắc mạnh hơn và mùi nhà tàu cũng khủng khiếp hơn. Nằm cong lại thì có vẻ giống như một con vật bị trói thúc và đang bị chở sá đi đâu đó. Có lẽ những đêm nầy là những đêm dài nhất đời nàng, lúc đó nàng chưa trù tính được rằng cái số phận thương Bắc nhớ Nam của mình khiến nàng phải gắn bó với những con tàu mà nàng không ngớt sợ hãi mỗi khi nghĩ đến.
    Nàng nhớ các con, sao không nhớ Đính mà đã nhớ con trong khi mình rời chúng mới có mười mấy tiếng đồng hồ? Sáng qua nàng chọn ngày chủ nhật để lên Sài Gòn, thế là cả mẹ cả con đều thong thả. Thu Thi mười lăm tuổi, Vĩnh Chuyên đã có thể đi học bằng xe đạp thấp của chị - món quà của dì Mỹ Nghĩanh khi Thu Thi vào lớp bảy, hai đứa nhỏ có thể dựa vào ông hoạ sĩ già, món quà của O''Henry tận bên kia Thái Bình Dương. Nàng không đi không được nhưng đi Hà Nội không phải như những chuyến đi thực tế khác dù bằng tiền túi hay bằng sự chèo kéo bạn bè, vì vậy mà nàng bịn rịn các con không dứt. Thu Thi làm cứng: "Hai ông bà xa cách hoài, mẹ đi ra ba Đính một chuyến coi có hết suy nhược thần kinh không?". Chả là nhiều tháng nay chiều nào nàng cũng nằm lụi vì đau đầu, bã bợi cùng với hoàng hơn, phải tiêm nhiều B tổng hợp để cầm cự. Để phụ hoạ với chị, Vĩnh Chuyên hay bật to những bài hát ưa thích của mẹ trên cái radio nhỏ: "Ở hai đầu nỗi nhớ nè mẹ", nó đã có vẻ cam chịu và yên bề hẳn từ khi ba nó cưới cô Tàm nào đó. Nó thường chành cái khoé miệng rộng lỏn lẻn cười khi trêu mẹ và đã biết nói vui khi tiễn mẹ ra bến xe để lên Sài Gòn: "Mẹ nói ba Đính vô lẹ lẹ đi, ba hứa tập bơi cho, tụi bạn con biết bơi hết rồi đó nghen!". Cả Đính và nàng còn chưa biết cái đích ấy là đâu, bao lâu nữa và cuộc sống chung sẽ được thu xếp thế nào, nếu như có cái ngày đó.
    Sàn tàu nhiều người đi lại để ra vào toa-lét, duỗi thảng chân thì sợ người ta đạp phải mà co lên mãi thì không sao chợp mắt được. Tiệp lại nghĩ tiếp về các con, giá Hiếu Trinh và nàng không tuyệt giao thì nhất định chúng sẽ được bảo bọc tốt hơn. Cơ sự thật phi lý nhưng ngẫm cho cùng, ở đời có ngọn thì phải có gốc, mà gốc sao thì ngọn vậy, thế thôi.
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Không giống như cuộc gặp đầu tiên với An Khương, nàng và Hiếu Trinh quen nhau trong Trại sáng tác đầu tiên của tỉnh, khi Sếp nhà thơ còn đầy hào quang thi sĩ chiến hào, khi hai "cây bút nữ triển vọng của khu vực" như hai nữ sinh thanh tân với thời cuộc. Một bên hai con đề huề, một bên đã ngoài hai mươi lăm và chưa "bị" cầm tay lần nào, da trắng trinh nữ, vầng trán khổ hạnh, đôi mắt con nhà hay chớp chớp làm duyên và sống áo tươm tất đến mức cầu kỳ. Trong khi Tiệp mau miệng, nói lớn, cười tràn thì Hiếu Trinh nhỏ nhẻ, lý sự, nhưng họ vẫn thân nhau theo quy luật bù trừ. Một lời nói của Tiệp với Sếp nhà thơ, rằng bạn muốn được viết văn chuyên nghiệp, lẽ nào, thế là Hiếu Trinh chuyển từ Thị đoàn về cơ quan Hội. Trong ba cây bút nữ như ba viên gạch bếp lò thì An Khương như một đứa em, lại ở nhà ngoài và thuộc cơ quan khác, Hiếu Trinh luôn được Tiệp chia sẻ mọi điều, chuyện vì sao nàng lên giường một cách thụ động với anh nhà báo trung ương, chuyện nàng đã nghĩ gì khi làm lành với Tuyên bằng một cái thai không giữ được, và Hiếu Trinh đã giúp nàng một "hòm thư sống" với Đính, cũng như ở Hà Nội, Đính có một hòm thư như vậy ở nhà người bạn phố Sơn Tây. Đôi khi Tiệp thấy phong bì bị bóc ra, Hiếu Trinh đưa nó cho nàng với bộ mặt đỏ bừng của cô "trinh nữ cuối cùng của nhân loại": "Chết chết, cứ tưởng là thơ gửi cho mình, mở ra mới thấy Vợ yêu quý, kỳ cục chết đi được!" - không biết kỳ cục vì lỡ bóc thư bạn hay vì chữ "vợ" hay vì những liên tưởng gì gì khác trong những lá thư lúc nào cũng đầy ắp nhớ nhung và khát thèm của Đính.
    Đính vào, anh được người ta rủ đi "viết mướn", một tập sách thuộc loại "không ai thèm đọc" và đó là một "thoả hiệp chấp nhận được trong nhiều sự thoả hiệp để tồn tại cho xong cái thời nầy", cái chính là "người ta bao vé tàu đi về, không mất tiền túi, tội gì phải không em?". Tiệp ít khi bật đèn xanh cho Đính vào, Đính không có tiền để ở khách sạn đã đành và cho dù anh giàu có đi nữa thì cả hai cũng không có giấy kết hôn để trưng ra nếu muốn hú hí với nhau một phòng, trong khi đó nàng không biết gởi anh vào đâu trong cái thị xã nhỏ bé của mình, cũng như không thể nói dối con để đến ở với anh nếu như tìm được một địa chỉ nhờ vả được như ở chỗ ông bạn Kỳ có đứa con vàng khè hay chỗ ông Phúc phố Sơn Tây có cái gác xép không đứng thẳng lưng được. Trong ba mươi sáu chước liều của những kẻ đang yêu, đương nhiên phải có cách nào đó chứ. Từ chỗ nông trường viết thuê tận miền Đông, Đính đã phóng xuống với nàng sau khi "đem thân mình làm thằng bồi bút chính hiệu một số ngày!".
    Một hôm, nhân lúc Đính đưa Vĩnh Chuyên ra bãi sông tập bơi, Hiếu Trinh từ phòng trong đi ra, những lúc cô bạn ngồi xuống chiếc ghế mây kia thì Tiệp hay buông viết để cùng ngồi chỗ chiếc ghế còn lại bắt đầu một câu chuyện gì đó, chủ yếu là vì có người ngồi sau lưng nhìn lom lom vào mình thì viết lách quái thế nào được. Sáng ấy Hiếu Trinh có vẻ căng thẳng, chớp chớp chúm chúm, khó khăn khá lâu mới buột miệng:
    - Mình thấy Tiệp thiệt là nhầy nhụa, nhầy nhụa từ đầu tới chân!
    Tiệp trố mắt rồi hiểu ra, có thể giọng lý sự của cô nàng đang lên tiếng mà cũng có thể vì hai con của nàng phải "tản cư" vào phòng trong và chuyện đêm hôm của nàng và Đính làm cho cô gái đồng trinh bị mất ngủ.
    - Vậy Trinh tưởng người ta yêu nha là chỉ nói nhớ nói thèm trong thư, còn khi gặp nhau thì ngồi nhìn nhau rồi nói chuyện chính trị chắc?
    - Nhưng mà Tiệp phải có tự trọng có tư cách chớ?
    Tiệp cảm thấy mình bị tát qua tát lại tới tấp bằng mấy chữ tự trọng và tư cách. Nàng đứng bật dậy:
    - Trinh quan niệm thế nào là tư cách? Mình có giấu giếm với Trinh không, mình có lừa dối hai đứa nhỏ không, mình có thiếu tư cách với bạn và với cách con không? Nếu việc đó xảy ra bên gốc cây hay trên mô đất thì tư cách con người khá hơn sao? Tự trọng theo Trinh là gì,  là nhân lúc nào đó ban ngày khi Trinh và hai đứa nhỏ ra khỏi phòng là nhanh nhanh đóng cửa rồi a lê hấp lên giường lẹ lẹ để rồi lúc nào cũng nơm nớp bị bắt gặp sao? Bọn mình bền bỉ với nhau bao nhiêu năm trong tay bè bạn mà vẫn chưa đủ tư cách sao? Trinh đang nhân danh cái gì, cơ quan hay công an hộ khẩu?
    Không để cho Tiệp nói hết, Hiếu Trinh đứng bật dậy vơ lấy túi xách, như sắp bật khóc:
    - Dù Tiệp có nói gì thì mình vẫn thấy là hai người nhầy nhụa.
    Tại sao lại là nhầy nhụa chứ không phải những chữ có tình bạn hơn như liều lĩnh hay liều mạng, sao lại nhầy nhụa khi Tiệp đã đáp ứng mọi nhu cầu tò mò của bạn trong những đêm bạn cần nghe một cách cụ thể những cảm giác gối chăn sâu kín của nàng như một thứ vỡ lòng cho cô gái già đồng trinh? Đó là pảhn ứng của lý trí hay sự trống đỡ của chữ trinh già cũ, hay là sự nghẹn thở của lòng đố kỵ tăm tối?
    Tiệp có thể dàn hoà với bạn nếu sau nầy Hiếu Trinh không đến khóc với vị sếp mới của Hội - dĩ nhiên cô bạn ấy đã bỏ về nhà mẹ đẻ trước khi Đính trở ra Hà Nội. Nội dung buổi khóc đại khái là "nói thiệt với anh chớ ông anh nhà thơ của bọn em cũng dung túng quá đi. Em mà phản thì cả hai cùng chết từ lâu rồi!". May thay Sếp mới là người mộc mạc và chủ trương đoàn kết nội bộ. "Phản sao, sao lại có chuyện phản gì ở đây?". Hiếu Trinh gạt nước mắt lấy lại vẻ trang trọng thường ngày: "Không phải chuyện mạnh ai nấy bồ bịch mà là chuyện phát ngôn kìa. Gì chớ em mà tung ra thì cô nàng bị quy ********* là cái chắc!". "Sao, ********* thế nào?". Cô nàng đã lại chém tay, gằn giọng và chắc là cả chớp chớp mắt: "Thì hay nói giọng bất mãn chớ sao!". Sếp mới thở hắt ra: "Thôi, văn nghệ sĩ thì chỉ có cái võ mồm, nên căn cứ vào cái người ta viết, còn nói năng văng mạng tung trời, ai chấp!".
    Tiệp mất hẳn một người bạn gái từ đó...

Chia sẻ trang này