1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Gia đình bé mọn - Dạ Ngân

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi CuZin, 14/07/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Cái sàn tàu thổ tả thật là quá quắt. Tiệp lồm cồm ngồi dậy, trở lên băng ghế, lặng lẽ quan sát cảnh người ta xoay trở, chen chúc mê mệt bên nhau dưới ánh sáng tù mù của hai ngọn đèn trong toa. Đất nước thật là dài, Bắc và Nam thật xa cách, vết thương chia cắt như những cái sẹo đau đớn dập bầm, có ngồi tàu mới thấy đất nước đâu có rừng vàng biển bạc mà đất nước thật chật chội và gập ghềnh. Và nàng, một hạt cát hay một nắm bùn, một con kiến hay một ngọn cỏ, tại sao số phận nàng lại nhiêu khê để phải nếm trải sự nhiêu khê của đường đất và sự thống nhất không biết bao giờ mới hết gian nan?
    Trong khi ngồi lúc lắc trong thứ ánh sáng địa ngục cùng một mớ chung sinh la liệt trên sàn toa, nàng tiếp tục nhớ. Nàng nhớ một buổi sáng, một buổi sáng áp Tết Nguyên đán năm ngoái. Mỗi cái Tết đến, ngay từ khi gió chướng rao rao trên những đọt dừa trên lớp nhà sau hẻm, từ khi ngoài chợ đầy bông so đũa với cá linh Đồng Tháp Mười thì mọi thứ trong lòng nàng chùng xuống như những sợi dây đàn không thiết ngân nga gì nữa. Tết có nghĩa là các con sẽ rời khỏi tầm tay mình chút nữa, là mình sẽ nhích dần lên cái tuổi bốn mươi trễ nải, mỏi mòn, là Đính sẽ thêm một năm bối rối ở cái phòng nào đó của cơ quan theo anh mô tả thì nó giống hệt cái xà lim vào mùa đông cũng như mùa hè. Từ ngày năm con vịt tức tưởi qua đời, mẹ con nàng không thiết chăn nuôi cải thiện nữa, vì vậy Tết cũng đồng nghĩa với việc vắt giò lên cổ mua dần từng thứ  trong lúc giá cả còn rẻ để các con cũng có miếng bánh, nồi thịt như người ta.
    Sáng hai mươi bảy Tết, nàng đã nhanh tay mua được mấy miếng thịt nách để làm nồi thịt kho tàu thì ông lão hoạ sĩ réo xuống: "Tiệp đâu, có thư từ gì đây nè, lẹ lên!". Một tờ trát, giấy mời cô Lê Thị Mỹ Tiệp ra toà để giải quyết việc ly hôn với... vào... giờ chiều ngày... (nhằm hai mươi chín Tết âm lịch). Rất mong đương sự có mặt đúng giờ tại... Ký tên". Chả là mấy tuần trước, Vĩnh Chuyên bỗng tình cờ sang chỗ ba, khi chạy về nó hào hển báo tin "Ba đưa cô Tàm về nhà sắm sửa chuẩn bị Tết chung rồi mẹ". Nàng tức tốc viết cho Tuyên một lá thư ngắn "Anh còn nợ tôi một phiên toà để cả tôi và anh được yêu người khác một cách đàng hoàng. Giờ chắc anh cũng đã thấy cần thiết chứ không như hồi sắp đi Học viện, đúng không?".
    Buổi chiều, một buổi chiều cuối năm thật khúc bách và đượm buồn. Cuộc chia tay nào cũng như vậy cả, chia tay với thời gian, chia tay với một quãng đời, chia tay với một con người dù người đó không thể biến thành bạn như lý thuyết thông thường được.
    Tiệp đến trên chiếc xe đạp, cổng toà án thị xã vắng tanh, hành lang màu vàng dài hun hút. Nàng dựng xe ngay ngắn trước cổng công d,d bình thản đi vào. Tuyên đã ở sẵn đâu đó trong một căn phòng nhóng ra, thấy nàng liền bước nhanh tới lúng búng:
    - Ra cứ nói là không hợp, đừng ai nói gì thêm, khó ra nghe!
    Tiệp khẽ cười, thì chính nàng đã từng đề nghị với mỗi một lý do đó nhưng Tuyên đã lên án, đã chầy chống, đã xuyên tạc, đã cố ý không chịu hiểu để treo nàng suốt năm năm qua. Hoá ra Tuyên "đổi mới" một cách luống cuống như vậy là vì trong lý lịch và trong lương tâm đã có hai cán án chạy làng với một cô ở cơ quan đến nỗi cô nầy phải xin đi chỗ khác và, nghe đâu cô thứ hai lại là "quân thứ dữ" học chung trên Học viện, giờ thì không "bỏ của chạy lấy người" nữa mà là một cô Tàm "trẻ mà hay tô mặt như tô tường" - theo cách nói ác cảm của Thu Thi. Đã từ rất lâu khi ai bảo với nàng rằng Tuyên hiền lành, Tuyên mực thước, Tuyên gương mẫu đạo đức thì Tiệp chỉ mỉm cười, nhưng tại sao dư luận lại cứ làm trầy xước và sóng gió cuộc chia tay của nước và lửa nầy?
    "Phiên toà" mở ngay trong văn phòng của một vị thẩm phán. Tiệp không thấy biển tên trên bàn, cũng không được giới thiệu, người đàn ông trạc tuổi Tuyên nầy vừa làm chủ toạ vừa làm thư ký giữa chiếc buya-rô hồ sơ giấy má ngập dầu. Tuyên ngồi vuông góc với chủ toạ, một chỗ khá thân tình với cán cân công lý, Tiệp ngồi trên chiếc ghế sát tường đối diện với chiếc bàn, đúng vị trí đương sự hơn. Nàng ngoảnh nhìn ra cửa sổ, nơi có một cây mận cụt ngọn bên hông toà án, chắc là người ta muốn giết nó đi vì bông và trái của nó làm phiền cái sân công sở quá. Khoảnh sân xi măng vắng lặng, cô quanh, mọi người đã thôi đến công sở từ mấy hôm nay, những cái rễ già của nó trồi lênlàm nứt toạc mấy kẽ bê tông, tù túng và dữ dội.
    Lời khai hai bên được hỏi qua loa, khi chủ toạ dịu dàng hỏi Tuyên về nguyện vọng với hai con thì Tiệp biết anh ta là chỗ quen biết của Tuyên, nếu không quen thì cũng phải quen vì Tuyên sắp là phó Ban của Hai Khâm, chiếc ghế này thật tít mít so với chỗ của tay thẩm phán ở cái toà án quèn nầy. Nếu không có sự quen biết và nể nang thì không thể có một phiên toà đại khái vào một buổi chiều quá ư cập rập và vắng vẻ áp năm.  Hình như lúc đó Tiệp ngộ ra: Tuyên đã thật sự thấm nhuần cung cách của các yếu nhân: làm to mọi chuyện nhưng khi hành động thì hành động cỡ như phiên toà buổi chiều nầy thôi.
    Thế là xong, xong rồi sao? Tiệp đứng lên, chủ toạ nói với theo:
    - Anh chị ra ngoài đóng án phí!
    Một cô gái từ đâu chờ sẵn bên chiếc bàn mới kéo từ phòng nào đó ra kê bên hành lang ra hiệu cho hai người đến bên. Tuyên lí nhí:
    - Để đóng luôn, đóng luôn cho!
    Tiếng thẩm phán sau lưng:
    - Nếu anh hay chị có chống án thì hạn mười lăm ngày, không thì sau đó đến nhận quyết định mỗi người một bản.
    Tiệp lấy xe ra về, dắt bộ một doạn dài. Nàng nhớ mãi và biết rằng mình sẽ nhớ rất lâu, nhớ mãi hình ảnh cây mận cụt và mảnh sân bê tông rất buồn chiều hôm ấy.
     
    ___________
    Hết phần 16
  2. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    17
     
    Sau khi đám con buôn đường dài trong toa chuyển hết dừa khô xuống ga Nam Định - dằ khô cho dân miền Bắc kèm với thịt, dừa khô thay cho thịt, Tiệp cũng không ngồi yên chỗ nữa. Mọi thứ thuộc về miền Nam bỗng vợi xa, mù mịt và buồn bã, chỉ có Đính là rõ rệt, hiện hữu, ở ngay phía trước, người đàn ông đam mê, lãng tử và sức vóc của nàng. Sự bừng thức của thể xác thật tươi mới, thật tràn trề bởi cảm xúc và kỷ niệm, nó khiến nàng lâng lâng hình dung và thỉnh thoảng rùng mình, ngây ngất. Đính nói khi anh được vào với nàng, anh bỗng trở nên trai trẻ sinh động khi tàumới qua đèo Hải Vân, cái nắng dọc dài thấm đẫm và mọi thứ như không còn chịu đựng nổi nữa khi xe đò đi qua Trung Lương với sông Tiền. Lần đó, lần anh ướt sũng từ tóc tới chân với cái nồi áp suất làm quà để ninh xương cho hai đứa nhỏ và cái bàn ủi Liên Xô trong túi xách, lần anh "bán mình" viết mướn để đổi lấy đôi vé tàu khứ hồi ấy, anh đã phải rẽ vào bờ sông sau khi sang phà để bơi và lội cho hạ cơn thèm nhớ rồi mới xuất hiện chỗ Tiệp.
    Tiệp đứng ở cửa toa, nàng xem đầu máy hơi nước thở khói như nó bị sặc, ngắm những miếng ruộng nhỏ như những vuông sân để coi trâu mãi mãi đi trước và cái cày mãi mãi đi sau, xem cách người ta lấy những thùng phân của nhà tàu ra bán cho dân trồng rau hai bên đường và sau đó thì cứ nghĩ và đợi trong mùi sen tàn từ những vạt đầm bạt ngàn của buổi chớm đông ảm đạm.
    Ga Hàng Cỏ ngái ngủ vì mọi thứ đều bị mùa đông làm cho trễ nải thêm. Đính hiện ra ngay, anh chạy lúp xúp theo trớn tàu, hai tay giơ cao, quần bò mới, áo pull trắng trệt cổ mặc trong, bludông bò mặc ngoài, nếu thêm chiếc mũ rộng vành và người đội nó cao thêm khoảng một tấc nữa thì thật giống một gã trai lơ miền viễn tây phim cao bồi của Hollywood. Tiệp không khỏi buồn cười: bộ bò kia chắc là quà Đông Âu của con trai trưởng, tuổi đã đầu năm, ăn vận vậy hơi phô, thôi thì còn hơn là dán hồ ở đầu gối hay là hai mảnh vá lớn tướng ở sau mông. Nàng đẩy cửa lưới xuống nhô đầu ra, Đính nắm lấy tay nàng ngay, không phải là vòi rô-bi-nê mà là cả một vòi rồng những câu hỏi quýnh quáng, dồn dập.
    - Chuyền đồ xong cứ trèo qua đây anh đỡ, khỏi đi vòng ra cửa toa chen chúc!
    Tiệp cười lập cập, giờ mà nếu đã ở trong vòng tay Đính chắc nàng sẽ lả đi ngay. Sự khổ ải của yêu thương và xác thịt, sao sức mạnh của nó lại ghê gớm như vậy? Khi rời các con, nàng thấy rõ tình mẫu tử nằm sâu kín và bền chặt trong lòng còn khi có người đàn ông nầy thì từng tế bào nàng được cựa quậy, tái sinh. Tại sao lại như là mâu thuẫn và cứ luôn luôn bập bênh như vậy? Đính là một khối nam châm xa xa thì tính thế nọ tính thế kia chứ đã áp vào gần thì chỉ có một đường thẳng ấy mà bập tới. Nàng để cho Đính đỡ ra, bập bềnh bước xuống, nghẹt thở và không còn biết xấu hổ với chung quanh khi ở trong tay Đính. Mồm miệng nàng đau cứng vì thương mình và thương cho cái con người lúc nào cũng trở nên trẻ con khi có được nàng.
    Tiệp ấn sâu chiếc nón vải cho đỡ lạnh mang tai, chiếc áo dạ khoác ngoài đỏ thắm chạy những đường viền đen mua ở chợ hàng thùng khiến nàng giống như một thiếu phụ trẻ làm ăn ở nước ngoài về. Hôm đi mua, Thu Thi đã tia nó trước và bảo "cái áo nầy hợp với mẹ". Hai người hai túi xách bên nhau biến nhanh vào trong dòng người lếch thếch sau ba đêm "chiến đấu" với đường dài. Đính đi vào bãi gởi xe, trở ra với chiếc Babetta đo đỏ trong tay thay cho chiếc Cá xanh ngày trước. Run run hãnh diện vì dù sao mình cũng "lên đời", anh gạ nàng món phở.
    - Dù cho phở không còn phải xếp hàng, người ăn không còn cảnh ngồi xổm trên ghế băng, muỗng không còn bị đục thủng thì e vẫn thích thủ thỉ cà phê đã.
    Đính chép miệng tiếc:
    - Gần ga thì không có cái gì ra hồn ,phải cà phê Lâm gần đê mới ra Hà Nội em ơi!
    Cả hai tạm bằng lòng với cái quán cóc vỉa hè gần Cung Hữu Nghị. Gió lướt dài trên những ngọn cây, những chiếc lá vàng tao tác trên mặt đường, thỉnh thoảng một chiếc hon-đa 79 khoe mẽ phóng vèo qua khuấy đảo những con phố lụp sụp. Áo ba-đờ-suy sờn cũ, giày ba-ta cũng cũ và chiếc mũ phớt may mắn với biển dâu, một cụ già nhỏ bé cắm cúi đi trên vỉa hè, một hình ảnh không sao tìm thấy ở Sài Gòn hay ở miền Tây của nàng. Thịt da nàng lên tiếng với cái lạnh của mùa đông, nàng hình dung một cách cụ thể sự ấm cúng của những đôi vợ chồng may mắn và nàng rưng rưng hơn khi nghĩ Đính phải ở một mình với cơm niêu nước lọ và thương nhớ ngàn trùng.
    - Cà phê Hà Nội thật, quá thật - Tiệp nói ngay khi đã được ngồi sát vào bên Đính để nhấm nháp cảm giác mùa đông là như thế nào.
    Đính ôm chặt lấy nàng, đung đưa:
    - Chính vì cà phê không pha bắp nên càng khó ngủ, càng khốn khổ vì nhớ em.
    Nàng ấp cái tách Hải Dương bị sứt quai trong hai tay. Không như lần nàng cất công chập chờn lần trước, lần nầy nàng đi như là chuyện đương nhiên của một người vợ ra thăm chồng, nàng đã tự tin hơn với cái quyền của nhớ thương và chăm sóc. Đã sáu năm nữa trôi qua, sáu năm thì là bao nhiêu ngày và bao nhiêu đêm, chỉ thấy là nó giống như một cuộn chỉ khiến nàng cứ cúi xuống chạy theo và nó lăn về phía Đính, lăn mãi. Sống bằng những lá thư nửa tháng ra nửa tháng vào, thư bị gián đoạn vài ngày là cảm giác như là không sống nổi mặc dù khi cách trở thì những gì tốt đẹp nhất, hoàn thiện nhất về nhau như rõ rệt hơn.
    Những lúc được ngồi như vầy em chỉ ước mình được chết bất đắc kỳ tử bên nhau cho xong.
    Nàng nói điên khùng và lại muốn khóc, khóc trước mặt Đính sẽ rất khác khi khóc một mình trong bóng tối hay dưới ánh trăng trên cái sân chỗ trụ sở cơ quan. Nàng muốn được khóc to lên trước khi Đính viện dẫn để làm cho nàng nguôi rồi sẽ đưa nàng về tá túc nhà ai đó.
    - Em tưởng anh không khổ sở vì ngày Bắc đêm Nam sao? - Đính thở dài bên tai nàng.
    Tiệp ngồi thừ ra với cái vỉa hè của thành phố lúc nào cũng vướng víu trong lòng nàng, ngang với nỗi niềm khi nàng hướng về mảnh vườn hương hoả trong quê. Chặc lưỡi, Đính kéo nàng đứng lên:
    - Đi, đi tìm một chỗ để nằm với nhau một lát đã!
    Tiệp cũng thấy dứt khoát phải như vậy, nàng muốn nghe Đính dù anh có thể biện minh, nàng rất dễ xiêu lòng khi Đính viện dẫn nhưng thà được nghe còn hơn. Vả lại, nếu hai người chưa có một chỗ để được nằm với nhau trong tự do như cả hai từng mơ tưởng hàng đêm, dù là tự do giữa bốn bức tường thì giống như những người bị bỏ đói khi được cứu sống mà thếiu một ngụm nước để hồi sinh vậy.
  3. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Đính đèo nàng trở lại gần ga. Ngôi nhà ba tầng rõ ràng vóc dáng và vết tích của một nhà trọ cho dân bến tàu bến chợ lai vãng chứ không thể là Khách sạn như họ trưng biển. Sau quầy tiếp tân vắng vẻ, phích nước xếp hàng và mùi bếp than tổ ong là cô nhân viên áo len cũ xanh xanh mặc trong, áo sơ mi đóng nhãn khách sạn mặc ngoài tiếp khách với hai que đan và cuộn len trong túi áo:
    - Có giấy đăng ký không?
    Đính giả vờ lập nghiêm:
    - Chẳng lẽ đi đâu cũng phải kè kè giấy kết hôn hở cô?
    Tiệp nhớ sau lần Đính vào để "viết mướn", nàng xin được ở Nhà sáng tác Nha Trang một suất sáng tác tiêu chuẩn hội viên trung ương - một trong những gợi ý hơn nghĩa của Sếp nhà thơ mà nàng vẫn tri ân trong lòng, cùng đi còn có Đính để anh nhảy tàu ra Bắc và hai đứa nhỏ để chúng được đi du lịch biển mấy ngày rồi nàng sẽ thu xếp cho chúng tự về. Bầu đoàn thê tử đi tìm một khách sạn trước khi mớ lùng nhùng những người thân của nàng "giải tán" để nàng nhập Trại, dù cả hai đứa nhỏ gọi Đính bằng ba thì Đính và nàng vẫn phải thuê hai phòng vì không có giấy kết hôn, khi trao chìa khoá cho khách, cô nhân viên phòng đã nheo mắt: "Nói vậy chứ dư một phòng để phơi quần áo cũng tiện chứ sao!". Lúc đầu, Đính và nàng tách riêng cho tiện vì các con nàng cũng đã lớn nhưng sau khi Vĩnh Chuyên lẻn ra bãi tắm một mình thì quả thật là dư hẳn một phòng chỉ để phơi quần áo.
    Không như lần ở Nha Trang, Tiệp tham gia "đấu tranh" ngay cùng với Đính để không bị "trấn lột" tiền thuê một phòng cho việc phơi phóng:
    - Chúng tôi lấy nhau hồi miền Nam tuyến đầu Tổ quốc thì giấy đăng ký đâu mà đòi hả cô?
    Bấy giờ cô gái mới chịu rời mấy que đan ra, ánh mắt tò mò, nhại giọng:
    - Sài gòng kệ Sài gòng, đâi sai nguyên tắc, công an kiểm tra thì dzô tù như chơi!
    Dù nói vậy nhưng cô ả vẫn nhét que đan vào túi áo, lục tìm chìa khoá phòng để dưới mặt quầy. Tiệp bước hẳn vào trong, nhét vào túi cô nhân viên số tiền đích danh là tiền mua chuộc:
    - Anh chị sẽ trả phòng trong ngày! - nàng nói, mặc nhiên thú nhận quan hệ bồ bịch của mình và lại một lần nữa, nhu cầu chính danh khiến nàng đã lại muốn phừng phừng lên với Đính.
    Cả hai theo sau cô nhân viên lúc nầy đã nhún nhẩy vui với chiếc phích nước trong tay.
    Những tưởng sẽ vồ lấy ngay ngụm nước hồi sinh nhưng chưa gì đã là một gáo nước lạnh vì chuyện cái giấy, ở đâu cũng đòi giấy, tổ chức đòi giấy, các con đòi giấy, gia tộc nàng đòi giấy, bạn bè nàng thắc mắc sao chưa có giấy mà nàng ra vô Bắc Nam hoài và, và khách sạn, nhà nghỉ nào cũng đòi giấy và nếu chưa có cái giấy đó thật thì không thể nào có bộ mặt đàng hoàng dưới ánh mặt trời ở cái xứ sở nầy được.
    Nàng nằm dài thượt trên giường, thật là khốn khổ, lúc nào cũng nhớ thương thèm khát quằn quại nhưng khi gặp nhau thì hình dung và lãng mạn như bị tước mất ngay, bị trấn lột ngay vì những vấn đề hóc búa và cụ thể nầy. Nàng lắng nghe Đính dỗ dành:
    - Bỏ một người đàn bà quá khó. Anh đã ra khỏi nhà bốn năm mà thỉnh thoảng vẫn có một người bà con trong quê đến chỗ anh ở cơ quan khóc lóc can thiệp sao anh chị không lui thang, mỗi người không lui một vài nấc thì có hơn không. Làm một người đàn ông ruồng bỏ vợ cũng đâu có ít búa rìu hơn em mang tội tà dâm trước mấy tay thường vụ trong đó.
    - Nhưng sao chỉ có em hành động còn anh thì có quyền viện lý? Thằng lớn về nước rồi, thằng thứ xong đại học rồi, con gái út đạt ước mơ giảng đường rồi kia mà.
    - Lần nầy em phải gặp thằng lớn của anh đã. Mẹ nữa, mẹ ra từ hôm đích tôn của bà về. Chuyến nầy mẹ muốn em ở chỗ con Hoà với mẹ ít ngày.
    Khi Đính trưng cái biển Mẹ ra thì Tiệp xuôi lơ cay đắng như cầu thủ nhìn thấy cái thẻ đỏ.
    - Ở trong cái nhà có cái ông Sự nguyên tắc cứng khừ đó hả?
    Đính chặc lưỡi:
    - Đã sao! Có mẹ thì không ai dám ho he gì! Anh luôn mơ có em nằm bên cạnh trong căn nhà mà mẹ thì ngồi đâu đó, rất gần, cuối đời anh chỉ ao ước có bấy nhiêu.
    Rất lâu sau nàng mới ấm dần lên trong sự ve vuốt kiên nhẫn và lão luyện, như Đính đã sắp xếp trình tự của những cử động thế nầy rất kỹ, rất lâu trong đầu anh suốt cả năm qua.
    Cả hai lại tìm đến chỗ "hòm thư di động" của Đính, anh bạn nhà văn ở phố Sơn Tây. Dân Hà Nội gốc, căn hộ của Phúc nhỏ bằng lỗ mũi nhưng ưu thế mặt tiền là đặc ân của anh con trưởng dù vẫn nhà xí chung, nhà xí thùng chữ không được cái đẳng cấp bệt xổm và bể nước đôi khi lều bều phân phướng. Căn phòng duy nhất không giường không bàn, một thẻo bếp kéo ri-đô lại là khu vực tắm táp, và hai đứa con gái nhỏ lúc nào cũng nhớ là "phải ngoan trên mức bình thường" vì mẹ chúng, cô vợ tập hai của Phúc đang đi xuất khẩu lao động trong cơn nháo nhào "tự cứu mình trước khi trời cứu". Chủ nhà mày róm mình hạc chỉ cho cả hai thấy chiếc cầu thang dốc đứng ọp ẹp dẫn lên căn gác bằng gỗ thùng hàng: "Đính mầy nhớ đừng để sập gác đè chết mấy bố con tao dưới này, nghe không?". So với chỗ của ông bạn Kỳ dạo đó, nơi đây thật là thiên đường dù thiên đường ấy chịu cảnh hố xí thùng đi nữa. Không khí bố ráp của người đàn bà thích chơi trò tổ chức cũng đã được nới lỏng nhờ cái vòng kim cô của bà mẹ: "Mi mà ghen tuông điên khùng ra rứa, chính tau sẽ dắt thằng Đính ra toà, nghe thủng chưa nì!". Hà Nội, Hà Nội sục sôi những đợt sóng ngầm chạy vạy, xé rào, phát ngôn, cởi trói, hy vọng... duy các vòi nước công cộng thì vẫn tồn tại, bình chân, yên vị để đêm đêm Đính và Tiệp có cớ để đi vòng quanh cái công viên tam giác nhỏ xíu trong lúc chờ chỗ vòi nước ngơi người. Hai ba giờ sáng, phố xá vắng tanh, trong những bộ đồ mùa đông cũ mượn của vợ Phúc, Tiệp múc từng gàu nước từ cái thau nhôm vàng vàng đổ lên thùng cho Đính gánh, tiếng nước đổ vô bể giác khuya nghe buồn khôn tả, phải mươi gánh như vậy mới đủ nước hôm sau cho mấy con người trong căn hộ có chiếc gác xép luôn nhắc cả hai phải cẩn trọng, nhẹ nhàng.
  4. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Bảo, đứa con trai thứ của Đính xuất hiện chỗ bạn của bố vào một buổi sáng đài báo có gió mùa bổ sung. Trắng trẻo, thư sinh, yếu đuối, mặt dài ko có nhiều nét của Đính nhưng nó là đứa mà Đính nhắc nhớ nhiều nhất với Tiệp. Nó mặc một chiếc áo da rất đẹp, chắc cũng là của anh cả mua cho, bảnh bao và thanh tân như một quả trứng hồng hồng còn trên ổ. Đính và con trai mừng nhau, âu yếm và yếu mềm. Nó nhìn Tiệp tò mò, thời gian "duyệt" bồ của bố chỉ mất vài giây, đoạn mỉm cười vô tư:
    - Cô cho con ăn bữa bún gì đi cô. COn thèm món gì công phu một chút, nếu mình đi ăn ở ngoài thì mất vệ sinh.
    Một trong nhiều cái nút mà Đính và nàng phải vượt qua vừa được tháo tung. Tiệp như thấy mình vừa ngoi lên từ trong một cái hang, mọi chuyện có vẻ sáng sủa, nhẹ nhàng.
    - Bún riêu cua đi - Phúc cũng thở phào, nhanh nhảu - Tớ đi chợ cho.
    Đính chép miệng:
    - Ở nhà với mẹ chắc toàn thịt quay với thịt luộc, chẳng chế biến gì cả.
    Cậu con trai nũng nịu:
    - Chẳng bù cho bố suốt ngày lụp cụp lạc cạc nấu nấu nướng nướng không để ai yên!
    Đính nói với Tiệp:
    - Em biết không, đã có lúc anh phải sắm súng săn, tuần nào cũng ra ngoại thành bắn chim về cho con ăn để có đạm cho chúng đừng bị suy dinh dưỡng đấy.
    Bảo nằm chùi xuống, đầu gối lên đùi bố, mơ màng:
    - Ở trong cô chim trời cá nước, cô Tiệp nhỉ? Con đọc Sơn Nam với Đoàn Giỏi con mê quá!
    Tiệp không ngờ mình được tiếp cận một cách ngọt dịu như vậy. Đính giải thích rằng do con anh chúng hiểu anh, Bảo là đứa gần gũi anh nhất, nó đủ khôn ngoan để biết người đàn bà của số phận bố là một người dễ gần, vậy thì tội gì mà gây sự với nhau? Tiệp không đồng ý một cách dễ dàng, nàng tin vào điện sinh trường, vào lòng tử tế của những con người tử tế, vào sự run rủi mà Đính và nàng vừa phải chấp nhận và được thụ hưởng.
    Tiệp ra chợ với ba bố con Phúc, những con người ốm đói điển hình vì cái án kỷ luật yêu đương tập hai đã làm vợ chồng Phúc văng ra khỏi guồng máy biên chế từ nhiều năm nay, bài học mà Đính vẫn đem ra dẫn dụ cho Tiệp khi nói về tương lai của hai người. Đứa con gái lớn của Phúc đã biết bưng rá giúp cô khách, đứa nhỏ năm tuổi, đứa con "bị vợ trấn lột" theo kiểu nói khôi hài của Phúc xanh lẻo nưh một cái tuýp đèn vì nhớ mẹ, nỗi nhớ của những đứa nhỏ chưa biết diễn tả điều đó hoặc có thể tự do làm những việc khác cho vơi đi. Nàng mua nhưng nhưng gắp cua và những gắp rau nẹp bằng nẹp tre buộc dây lạt, không khỏi ngạc nhiên vì sự chặt chẽ, tỉ mẩn và bảo thủ của dân Hà Nội. Nàng muốn cho hai đứa con Phúc ăn trứng lộn, nhưng Phúc ngăn vội:
    - Vợ chồng mình chưa khi nào cho bọn nhỏ đi hàng. Tiệp không thấy mình còn phải đun nước sôi cho chúng đánh răng đó sao? Chung quanh không ra sao thì chí ít cũng phải bảo vệ cho con cái được an toàn một cách tối thiểu chứ.
  5. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Quả nhiên, Phúc chần riêng bún cho hai đứa con và đích thân ra vòi rửa rau để "đối phó với thứ phân bắc dã man của dân trồng rau đặt trên chiếc chiếu giữa phòng. Con trai Đính ngồi dậy vòng tay qua gối:
    - Con định tìm cách đi đây!
    Đính nhìn con, linh cảm một việc gì đó vô cùng hệ trọng:
    - Đi đâu? Sao con không bàn gì với bố cả?
    Tiệp ngồi xuống cạnh Bảo:
    - Có phải con muốn đi vì chuyện của bố mẹ không?
    Đứa con trai làm một cử chỉ phẩy phui:
    - Cô với bố đừng suy diễn lẩm cẩm thế!
    - Vậy thì vì sao con đi? - Đính hỏi dồn - Mà đi đâu?
    Đứa con gắt khẽ:
    - Đi đâu mà chả được, bố!
    - Nhưng mà vì sao phải đi?
    - Bố biết thừa, còn hỏi!
    Tiệp nhỏ nhẹ để làm dịu tình hình:
    - Vậy con tính đi đâu?
    - Con đi Nga! Con có đường dây rồi. Nga đang lỏng lẻo, dễ vào, dễ làm ăn.
    Đính bần thần:
    - Nghe anh Hoàng con định trở lại bên kia, hở?
    Bảo nhón một cọng giá cho vào mệng, vẻ bất cần:
    - Anh quay sang là cái chắc! Anh nói cả nhà muốn anh về luôn để hít bụi suốt đời à?
    Đính vẫn chưa hết bàng hoàng:
    - Người ta hít được thì mình cũng hít được!
    Đứa con ngoảnh nhìn bố, kinh ngạc:
    - Phân bắc, vòi nước công cộng, hố xí thùng, bao nhiêu đó chưa đủ lý do để tìm đường đi hay sao? Bố với bác Phúc đây chắc cũng thèm đi mà không dám đó thôi. Mỗi thế hệ đều có cách riêng của mình, nghĩ tới cảnh ba giờ khuya phải thức xếp hàng mua về thứ nước mắm quốc doanh thum thủm là con cứ rùng mình mãi.
    Đính xuôi xuôi:
    - Nhưng sao con không theo anh sang Ba Lan mà sang Nga?
    - Bên đó giờ chộn rộn lắm - Phúc góp vào.
    Thằng con dứt khoát:
    - Chộn rộn càng dễ kiếm chứ bác!
    Bữa ăn không còn ngon lành như mong muốn. Tiệp thấy Đính bứt rứt không yên, anh nhận ra mình như một người thừa trong những bài toán của các con, anh cảm nhận sự bất lực thê thảm của mình về tương lai của chúng.
    Chiếc đồng hồ quả quýt ở góc nhà của Phúc búng chuông. Cô con nhỏ của Phúc giục:
    - Đến giờ kìa, bố!
    - Giờ gì? - Đính ngạc nhiên.
    Phúc cười cười:
    - Giờ nầy ở chỗ mẹ của bọn nhỏ bên kia là giờ cơm tối, chúng mình hẹn nhau đúng giờ nầy là nghĩ đến nhau.
    Mọi người cùng cười ồ. Đính đế thêm:
    - Nghe mùi mẫn cải lương mà cũng đáng chảy nước mắt thật.
    Tiệp nói nghẹn:
    - Đi lâu mà con nhỏ vầy nhớ chắc chết luôn!
    - Biết làm sao được! - Đính chép miệng.
    Phúc vét tảng cua vụn dưới đáy nồi cho vào bát bún của hai con:
    - Cũng hết cách rồi. Sau khi cả gan làm tập hai thì không cơ quan nào dám chứa bọn mình nữa. Tình cảnh nầy vợ không xuất khẩu lao động thì chồng cũng đi ở cho bà goá!
    Đính đưa mắt cho Tiệp:
    - Thấy chưa, em cứ đòi anh cái giấy, không tính kỹ coi chừng bị hất ra đường rồi đi lao động xuất khẩu! Viết văn là chơi trò nguy hiểm, muốn được yên cái thân để ngồi viết thì phải tính kế bảo an cho cái đầu!
    Phúc đứng lên đi lại góc bếp bưng lại thau nước có chiếc khăn mặt cũ lều bều cho mọi người rửa tay:
    - Chỉ sợ không có gan viết chứ đây không sợ bị nguy hiểm.
    Đính chống chế:
    - Muốn có gan thì cũng phải toàn mạng mới giữ được lá gan chứ.
    Phúc đi đi lại lại mà không nhớ tìm gì hay lấy gì.
    - Cậu tưởng nhà văn nếu có bị đi tù vì lỡ mồm hay lỡ viết thì thiệt à?
    - Tớ chả dại! - Đính nói nhát gừng.
    Phúc cười khì:
    - Đây cũng chả dại. Có điều là phải tập ăn ít uống ít thở ít đi cho đỡ phải bon chen, chụp giựt, cấu xé nhau vì cơm thừa canh cặn của thiên hạ.
    Bảo rụt rè:
    - Bác gái đang ở bên Đức, có gì bi quan. Biết đâu tình thế thay đổi, còn giàu lên nữa ấy chứ.
  6. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    tình thế thay đổi, còn giàu lên nữa ấy chứ.
    Câu chuyện những con người bất đắc chí tiếp tục xoay quanh chuyện hậu chiến, bao cấp, hợp tác, xếp hàng, chia tách, phe cánh, in ấn, nhuận bút, tư cách, lương tri... đủ cả. Tiệp vừa dọn dẹp xong thì Xuyên, cô con gái út của Đính phóng xe đạp tới, dắt xe lên hè nhưng không bước vào, một cô gái đang ở vào giai đoạn rạng rỡ nhất. Như mọi đứa con gái ở vị thế con riêng, nó nhìn lướt qua Tiệp, cân đo, tò mò, hơi lạnh để giữ thế rồi nhìn bố:
    - Bà nội bảo lát nữa cô Tiệp đến chỗ cô Hoà để gặp anh Hoàng. Bà nói anh Bảo đèo cô, bố đừng có mà đèo nhá.
    Phúc khấp khởi:
    - Sao cháu không hỏi bà thế là đèn vàng hay đèn xanh đấy?
    Tiệp bước ra với cô con gái:
    - Con có nhớ cái cô ngồi ở quán cóc chỗ chung cư nhà con hồi đó không? Con lớn nhanh như thổi vậy.
    Xuyên cười cười nhìn lãng đi, cái lúm đồng tiền tươi mơn mởn:
    - Sau nầy bố có nói. Hôm đó con cũng ngờ ngợ lắm. Con về nhá - Nó lên xe, ngoảnh lại tinh nghịch với bố - Cont ìm ra hang ổ của bố rồi nhé!
    Đính chạy ra dứ dứ nắm đấm theo con, âu yếm:
    - Mầy hở ra với mẹ mầy là chết đấy!
    Như mọi gia tộc bảo tòn một cách khắc khổ dòng họ mình qua con trưởng, cậu cả Hoàng của Đính quả là độc tôn, lừng lẫy trong lòng bà mẹ của anh và cả trong lòng anh. Em gái Đính đã từng nói với Tiệp: "Chị biết không, con gái nhà em nó so bì, chỉ cần anh Hoàng nhai phải sạn là cả họ giật mình. Hôm thằng Hoàng đi thi Bách khoa về, em hỏi cháu tính thử xem cháu được chừng bao nhiêu điểm, nó nói ngay: ba môn, cháu chắc là hai mươi chín điểm. Quả thật, nó thừa điểm đi du học đấy. Có mấy đứa con như vậy mà bố mẹ bỏ nhau, nghĩ tới là đau cả ruột chị ạ!". Mỗi lần nghĩ đến các con Đính và gia tộc của Đính thì Tiệp lại thấy mình như không còn gân cốt gì, chỉ muốn quỵ xuống và buông xuôi. Có nên đòi hỏi ở những con người tử tế và hiểu biết ấy sự ủng hộ một cách thật rạch ròi, minh bạch hơn không? Còn các con mình và cô Ràng, và cả gia tộc mình thì sao? Tại sao lại cứ phải bầu không khí của gia tộc thì con người ta mới vững vàng, bằng không thì ngắc ngoải như bị đầu độc vậy? Tiệp nhớ nỗi khắc khoải của Thu Thi sau khi ba có vợ mà mẹ vẫn bị dì Hiếu Trinh gọi là nhầy nhụa; nhớ đôi mắn rân rấn không biết nói gì hơn thế nữa của bà chị Mỹ Nghĩa và cô em Mỹ út; nhớ chị Hoài gập xúông như có một cú đòn vào giữa xương sống khi người ta đẩy thằng con chị từ phòng mổ ra với cái thân một chân rưỡi và đoạn chân bị cắt lìa thì nằm trong một chiếc xô của một cậu y tá, lúc đó Tiệp thấy cái niềm riêng mà mình cho là to tát, bất hạnh quả không có gờ ram nào so với nỗi đau của chị Hoài; nàng nhớ ánh mắt buồn bã ngỡ ngàng của anh Năm Trường sau bao nhiêu năm hai anh em không gặp nhau từ cái lệnh của cô Ràng; nàng nhớ má, má bệnh, má thất thần trong đôi mắt bao nhiêu đêm không ngủ, khi bà đỡ hơn thì một lần bà nhìn chăm chăm vào Tiệp rất lâu, lâu như hồi bà sinh ra nàng tới giờ bà chưa gặp lại con và bà đã ngoảnh đi trên chiếc gối trắng của bệnh viện: "Đời con rồi bề nào cũng khổ, con ơi!". Còn một bức tường nữa mà nàng phải vượt qua trên con đường mã hồi với gia tộc, đó là cô Ràng, nàng vẫn còn lảng tránh bức tường đó vì nàng cần một sự chính danh với Đính, nàng cần đi đến đó với Đính, dứt khoát phải đi cùng với Đính cho dù cả hai có phải quỳ sụp xuống để xin được tha thứ, được hoà nhập và được mến yêu.
    Dù có tự tin đến thế nào thì cuộc diện kiến giữa Tiệp và cậu cả Hoàng cũng vô cùng quan trọng đối với Đính. Tiệp nói với Bảo:
    - Cô đi riêng bằng xe đạp của bác Phúc tiện hơn. Con đèo thì cô thong dong nhưng lỡ mẹ con biết được, mẹ lại làm khổ con.
    Bảo im lặng, vẻ tán đồng. Hai cô cháu lên xe trong sự hồi hộp của Đính.
    Bà mẹ Đính đích thân ra mở cửa khi nghe tiếng Bảo bên ngoài căn hộ của cô con gái. Bà ôm nhẹ lấy Tiệp, cảm động, ân cần, nói ngay:
    - Vợ chồng cân Hoà đi vắng, con nì! Bảo để mình cô Tiệp ở nhà với anh Hoàng, con đưa bà ra phố Thuốc Bắc, hỉ? Tiệp vào đi, hai cô cháu chuyện vãn. Hoàng mô, cô Tiệp nì Hoàng!
    Tiệp biết bà đã thu xếp cho chồng của Hoà không ở nhà và bà cũng không muốn mình là người thứ ba trong cuộc trò chuyện tay đôi giữa con cả của Đính và cô nhân tình của con trai mình, bà như một vị tướng bày bố xong, thuộc hạ đánh chác ra sao, tuỳ!
    Tiệp nhô người vào phòng khách, Hoàng cũng từ trong bước ra, vạm vỡ và bệ vệ quá sớm so với tuổi, gương mặt tròn tròn của mẹ và có vẻ hơi bột chứ không vâm váp đặc Nghệ như bố. Hoàng lễ phép:
    - Cô đi tàu có vất vả lắm không?
    Tiệp trả lời qua qua, thận trọng ngồi xuống một trong hai chiếc salon gỗ đối diện nhau. Cậu cả cũng ngồi xuống chiếc ghế lẻ, hai bàn tay thon mềm chắc cũng rất giống mẹ vuốt vuốt hai bên tay ghế. Hai bên cùng nhìn nhau, dịu dàng.
    - Cô đi đây rồi các em thế nào, cô?
    - Cô ở tập thể cơ quan, cũng khá an ninh. Với lại tụi nó cũng tự quản được, con gái cô mười lăm tuổi rồi.
    Hoàng nhìn ngoảnh đi, buồn rầu, chắc nó nghĩ tới anh em chúng nó và cả hai đứa nhỏ cùng cảnh trong kia.
  7. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Tiệp chủ động:
    - Nghe nói con định quay sang bên kia, con không ở lại làm việc trong nước?
    Hoàng duỗi chân, hai bàn chân cũng không có nét gì của bố, mềm và trắng muốt, thong dong, sang trọng. Cậu cả suy nghĩ hồi lâu:
    - Nhưng cô đừng lộ ra với bà nhé. Con mới về bà chưa hết mừng, nghe con đi tiếp bà ốm ra đấy!
    - Nhưng tại sao các con cứ muốn ra đi? - Tiệp hỏi bằng cái giọng chia sẻ và trách nhiệm. Cậu cả cau mày:
    - Làm Việt kiều mà yêu nước không hay hơn sao cô?
    Tiệp trầm ngâm giây lâu:
    - Hồi sáng cô có hỏi Bảo, các con đi có phải vì buồn chuyện của bố mẹ không?
    Hoàng nói ngay, kiên quyết:
    - Không! Bọn cháu đều có học cả, bọn cháu suy nghĩ chuyện đi trên tinh thần công dân chứ không đưa chuyện riêng tư vào. Buồn cũng đâu cứu vãn được gì. Giá mà hai ông bà chịu đựng được nhau vẫn hơn.
    Tiệp biết là chuyện gia đình nên kết thúc ở đó. Nàng hỏi sang chuyện Đông Âu, chuyện Giáo hoàng và đạo giáo ở Ba Lan, chuyện học hành và buôn chui bán chạy bên đó, cuộc trò chuyện trở nên thú vị và thoải mái hơn lên. Thế nhưng lúc nàng không ngờ nhất thì con cả của Đính nhỏ giọng:
    - Cô còn ở Hà Nội lâu không? Chắc cô chưa chạm mẹ con lần nào? Con chỉ nhắc bố và cô cẩn thận, mẹ con rất dễ bị kích động và bất trắc, cô hiểu ý con không?
    Nói xong, bằng một cử chỉ quyết đoán của một cậu trưởng được tôn vinh và gánh vác, Hoàng đứng dậy:
    - Để con dắt xe xuống cho cô. Con cũgn phải về kẻo mẹ con mong đây.
    Quả là nhiều thông điệp trong từng cử chỉ và từng câu nói của cậu cả. Tiệp thấy bất an, thật sự nàng không biết mình nên buồn hay nên vui qua cuộc gặp chênh vênh nầy. Nàng nói ra tâm trạng ấy với Đính. Như mọi lần, Đính trấn an:
    - Yêu cầu của chúng ta là hai bề con không lên án, không hỗn xược là được rồi!
    Phúc cùng ngồi xuống bên ấm trà, nói góp:
    - Chờ cho ai cũng bỏ phiếu thuận thì ra Văn Điển luôn!
    Khi bàn đến phản ứng của bà mẹ Đính trước việc đích tôn của bà lại tìm cách sang lại Ba Lan và có thể xin định cư luôn bên đó, Phúc bàn thêm:
    - Thế nào cụ cũng treo các vị một thời gian nữa. Hồi đầu thì viện lý Hoàng nó buồn nó không về, giờ thì nó lại đi, cụ còn đau khổ lâu!
    Tiệp không nói thêm gì. Nàng thấy Đính rối bời vì chuyện hai con trai sắp rủ nhau đi, vì htế nhắc anh chuyện một tờ giấy của toà án lúc nầy bỗng trở thành quá sức, phi nhân, như bắt một người bệnh phải lao động vậy.
    Như đã mơ ước, thỉnh thoảng Đính đưa Tiệp về nhà cô em sau khi "tha" nàng đi cùng khắp những chỗ quen biết và những di tích mà anh muốn nàng nhận ra một Hà Nội bị vùi lấp dưới vẻ ô trọc lộ thiên hiện thời. Ông em rể Đính quả là một người "lép vế bẩm sinh" trước một bà mẹ trời biển uy quyền và cô vợ, cô Hoà, một người mở miệng thì chị Cẩm chị Tiệp gì cũng đáng thương, thằng Hoàng thằng Bảo con Xuyên hay con Thu Thi thằng Vĩnh Chuyên - dù chưa biết mặt - cũng đáng thươgn nốt. Những bữa ăn nếu không có tay Sự ấy thì không khí trơn tru hơn và những buổi tối mới thật sự giấc mơ như Đính từng ao ước: trong chiếc mùng nhỏ chiếm ngay chỗ của bộ salon, nàng nằm trên tay Đính mơ màng lắng nghe anh và bà mẹ - đang nằm trên chiếc giường nhỏ trong phòng - rì rầm hết chuyện nầy đến chuyện nọ trong quê, nàng thấy như mình được ru bằng một kiểu hát đối gì đó khi rôm rả khi du dương lạ lùng. Không khí nầy nàng từng được thụ hưởng từ thời thơ ấu khi cô Ràng và chị Hoài làm thành đôi bạn vong niên chứ không phải là hai cô cháu trong tiếng lục bình rì rầm và tiếng biền lá rùng rùng thân thuộc. Bây giờ bên cạnh nàng, đang ôm ấp nàng là người đàn ông tiền định mà càng lúc nàng càng thấy mình được ru ngủ, trói buộc bằng không khí cộng đồng ghê gớm của cái gia tộc đòi hỏi nàng phải biết hy sinh nhiều nữa: hy sinh thêm để cho mẹ anh vui vì bà sẽ có thể đổ bệnh vì hai thằng cháu nội đều chạy ra nước ngoài, hy sinh để cho con cái anh lớn hơn lên và hiểu biết hơn lên chút nữa, hy sinh để nàng Mác-ta nhận thức được tình thế và yên ổn dần, nghĩa là chịu khuất phục hẳn khi đã về hưu...
    Chuyến Hà Nội lần thứ hai của Tiệp kết thúc với sự kiện nàng phải đi bệnh viện vì trễ kinh.
    - Lẽ nào mình không có cơ hội để đẻ với nhau một đứa con? - nàng nói với Đính trong cái đêm cả hai buộc phải có một quyết định sáng suốt.
    - Mình có cả thảy năm đứa - Đính lập luận - Mình có công việc rất cần sự thảnh thơi và cả sự trong sạch của văn chương.
    - Vậy sự chung sống trong tương lai là gì? Chỉ là để cho văn chương thôi sao? Văn chương là một thứ trò chơi, một trò chơi vô tăm tích!
    - Nếu có con, chúng ta sẽ lúi húi như cái anh bạn Phúc nhà nầy, lúi húi hết đời rồi có khi còn cắn đắn nhau vì sinh kế với con cái!
    - Tình yêu mà không sinh nở thì có phải chỉ là sự ích kỷ của ******** không?
    - Không! Tình yêu của chúng mình, hoàn cảnh và công việc viết lách của chúng mình cần được nuôi dưỡng bằng những vi lượng chứ không bằng sự ràng buộc của đứa con.
    Tiệp thấy cuộc đời mình thật trái khoáy. Đẻ con một cách buông thả với người không yêu còn với người yêu thì phải giữ gìn, gần như là bị cấm đoán. Nhưng có cần một đứa con để làm một sợi dây không, hình như cả nàng và Đính đều không cần sợi dây ấy.
    Bệnh viện khu vực Hàng Bún giống những khoa sinh đẻ kế hoạch mà Tiệp từng biết ở thị xã tỉnh nhà, duy có khác là mỗi sản phụ đến nạo hút phải nộp một chai nước tiểu loại 750 đầy bảo là để thử. Lúc đầu nàng không hiểu sao người ta cần đến chừng ấy nước tiểu để làm cái việc thử, thì ra, khi các bà đã xong việc, đã thoát khỏi bác sĩ và y tá thì các bà mới kháo nhỏ với nhau: "Họ bắt mình nộp để nước tiểu thì bán cho dân trồng rau còn chai thì bán lại cho bọn sản xuất rượu lậu!".
    Phải, nếu không có chi tiết cái chai nước tiểu thì chuyến đi của Tiệp không đến nỗi nào dù cậu cả Hoàng có vẻ nước đôi hơn cậu thứ.
     
    _______
    Hết phần 17
  8. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    18
     
    Đặt hành lý và những túi quà xuống, Tiệp thấy mình sau khi bùng cháy, va đập, lộn nhào, đủ cả trên không trung, giờ đã được đặt chân trở lại trên mặt đất với căn phòng có lá mậnh và có nhiều trăng trong trụ sở. Cảm giác yên bình bao phủ, gánh nặng đường dài tiêu tán hết, hai bàn tay sẽ lại là hai đứa con, thật là trong hai mươi bốn giờ mỗi ngày của người đàn bà thì những đứa con chiếm hết bao nhiêu giờ, tỷ trọng thời gian ấy có hay không có, hay là không thể có? Một ánh chớp loé lên trong đầu: Tại sao cứ phải chính danh, đén cùng, tại sao không là người tình của nhau để thỉnh thoảng được va đập bốc cháy lộn nhào rồi sẽ thấy phút giây bình yên nầy là vô cùng quý giá? Không, con tim là kẻ cung cấp máu cho toàn bộ vóc hình nên nó hay ỷ quyền, nó lên tiếng tức thì rằng làm người tình bao giờ cũng ngắn ngủi, nàng không chịu nổi với hình dung khi Đính có người tình khác và, chắc chắn Đính cũng không chịu yên khi nàng có người khác. Trên đời nầy không có người tình vĩnh viễn.
    Đảo mắt không thấy Vĩnh Chuyên, Thu Thi nằm sùm sụp trên giường, giở mền ra thấy mẹ liền lao xuống, ôm chầm lấy hai chân mẹ khóc ồ:
    - Mẹ ơi, ở nhà có một lá thư!
    Tiệp ngạc nhiên, bực mình:
    - Thư thì sao phải khóc?
    - Lá thư kỳ cục lắm mẹ ơi, không phải thư của mẹ anh Hoàng với chị Xuyên đâu mà thư của cô gì đó tên Mạo, thư nói ba Đính sở khanh, đàng điếm, đủ thứ mẹ ơi!
    - Vậy thư đâu? - Tiệp hỏi cảnh giác.
    - Con đốt rồi, con... con sợ mẹ... mẹ không chịu nổi!
    Quả là không chịu nổi. Cú sốc nầy không gượng dậy nổi. Ngón đòn quả là ác ôn, nó có thể xuyên thấu và tử thương cả mẹ lẫn con như một mũi tên dọc. Nàng giận dữ với con:
    - Lá thư động trời như vậy sao con dám đốt chớ?
    - Nhưng con biết là mẹ sẽ không chịu được đâu mà!
    - Vậy sao con khóc, liên can gì tới con mà con khóc?
    - Con không biết nữa mẹ ơi! Con thấy tan tành. Con thấy nhục nhã. Con không biết phải làm sao với ba Đính đây!
    Đúng rồi, thật là nhục nhã, đổ vỡ, tan tành. Nàng không giận con nữa, núi giận của nàng đã phủ hết sang Đính, toàn bộ con người Đính, sắt đá, ngút trời. Nàng để nguyên mặt mũi, xống áo đường trường, đỡ con lên chiếc salon mây, còn mình thì xoay mạnh cái ghế bên bàn làm việc ra, vặn hỏi:
    - Con đốt thì con phải có phận sự nói rõ với mẹ coi thư nói cái giống gì!
    Theo cách kể vắn tắt và nhảy cóc tức tưởi của cô bé mười lăm tuổi thì thư kể về "mối quan hệ nhiều năm nay" của Đính với cô ta, cô Mạo, những "kỷ niệm ăn ngủ" và một lần tình cờ cô ta đến chỗ phòng Đính ở cơ quan Hội Văn nghệ thành phố, ghé mắt vào thì thấy Đính đang có một cô khác trên giường!
    Tiệp không đủ sức nghe con kể hết được, vả lại nàng không muốn bắt con trích lại những câu chữ kia, nhất định chúng đã được lưu vào bộ nhớ trắng như tờ giấy của nó nhưng khi  phải phát ra từ miệng thì lại là một việc khác, là một cực hình. Nàng ngồi chết điếng một hồi rồi giục con gái đi kiếm em xem nó chạy chơi những đâu, nàng lặng lẽ đưa các thứ từ trong túi ra, không muốn một thứ giao tiếp nào nữa hết, câm điếc ù đặc hết, như tất cả đã đổ sụp và chôn vùi, chỉ còn lại cảm giác hận thù, ngoi lên, chiến tranh và đập phá.
    - À, mẹ ơi, ở nhà em bị chó cắn!
    Tiệp nghe thấy một cách mù mờ:
    - Chó cắn rồi sao?
    - Chó thường thôi, hàng xóm người ta cột con chó lại để theo dõi rồi.
    - Sao nữa?
    - Con sợ quá, con chạy đi cho dì An Khương với cậu Bá Biên hay, hai người đưa em đi chích ngừa rồi, mẹ!
    - Sao nhờ tới hai người?
    - Con sợ mà. Người ta dặn cữ đậu xanh, bánh đậu xanh mà mẹ mang về kìa, giấu đi, em nó lỡ ăn thì chết!
    - Sao con chưa chạy đi kiếm em? Lăng xăng ngoài đường chó nó đớp cho nữa bây giờ!
    Thu Thi không thể nào hiểu nổi sao mẹ nó gay gắt và lạnh lùng như vậy. Nó chạy đi, ngơ ngác, không biết nên giận mẹ hay giận em, hay giận cái ông có tên là ba Đính,  hay giận cái lá thư độc địa kia.
    Tiệp tắm táp qua loa, ngó nhanh cái bếp mà con gái đã cẩn thận thu xếp khi biết mẹ sắp về. Thu Thi trở lên cầu thang báo tin không thấy xe đạp của em, chắc nó đang ở đằng ba hay đi nhà bạn gì đó.
    Tiệp chỉ vào chiếc điện thoại của cơ quan đặt ở chỗ hành lang:
    - Sao không điện hỏi còn đứng đó?
    Nàng đứng im nín thở chờ nghe tin con trai. Cơn giận không vì được thông tin rõ ràng từ bên kia đầu dây mà dịu bớt. Lần đầu tiên nàng làu bàu thành lời:
    - Người ta có thèm thương yêu gì đâu mà hở ra là xách xe lại đằng đó?
    Người ta ở đây là cái cô Tâm thuần mác nội trợ nghe đâu đang tập tễnh làm mệnh phụ phu nhân bằng cách đánh váy đầm và tô trát ngay cả trong nhà, hay sai bảo lái xe của Tuyên và khi có khách đến nhà hỏi Vĩnh Chuyên là ai thì bảo cháu nó ở quê lên học!
    Nàng dặn con khi đứng cạnh góc bếp chải tóc:
    - Con nấu cơm chiều rồi điện kêu em về ăn. Hai chị em cứ ăn trước đi, đừng chờ, mẹ đi có việc chút!
    Thật ra nàng cũng chưa biết mình phải đi đâu, chỉ thấy là cần phải ra đường, tìm đến ai đó, hả hê, chòng chành, buông thả. Mạo, chắc chắn phải có cô nào đó tên Mạo thật, xa xôi thế, phong tình thế, đam mê thế, làm sao không có Mạo nào! Còn nàng, nàng giữ gìn mãi rồi, giữ gìn đủ rồi, nàng kín cổng cao tường nhiều năm rồi, nàng đã được gì, nàng gan lì, nàng ra Bắc vào Nam để bây giờ nàng được gì đây? Chẳng có gì ngoài chuyện đứa con gái bị nhục lây vì một lá thư kể chuyện ăn và ngủ. Mà không có lửa và khói thì sao có thư, ai đó còn biết rõ ràng cái địa chỉ mà mấy mẹ con nàng tá túc?
  9. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Nàng nghĩ tới Thuần. Đường lên đơn vị của Thuần buổi chiều ngược gió, mặc, càng mát mẻ tâm can, càng loà xoà tóc tai cho gợi cảm. Thuần và nàng biết nhau từ dạo nàng đi Campuchia lần đầu, tại một phân hiệu lục quân cho các lớp ngắn hạn ph ục vụ đội quân xa xôi bên đó. Cuộc giao lưu giữa bộ đội và đoàn văn nghệ sĩ các tỉnh miền Tây, trên hàng ghế đối diện với đám đông tối ấy, nàng dừng lại với một gương mặt trắng trẻo lạ kỳ cứ nhìn đóng đinh vào nàng, ánh nhìn nầy nàng đã từng được sở hữu nhiều hồi ở trong Cứ, trong các đêm Câu lạc bộ của thanh niên cơ quan Tuyên huấn tỉnh, gần hai mươi sau nàng mới gặp lại, thật sự nó đánh thức tất cả những buổi mai nàng từng có trong đời. Nàng dễ ưa, nàng biết, nàng cởi mở, chan hoà, lấp lánh, nàng biết chứ, nhưng người ấy thì khôi ngô và qúa tươi sáng, người ấy không ăn nhập gì với chiến trận, bom mìn và đất đai khô cằn của xứ sở xa xôi nầy. Hết phần gặp gỡ diễn đàn, nàng chủ động bước xuống, đi thẳng tới để cảm ơn một ánh mắt ngưỡng mộ, cảm ơn một con người đã vì con người mà tươi sáng đến mức ấy. Thế là quen nhau, thư qua thư lại như bạn bè, như hai kẻ thăng bằng rất giỏi trên sợi dây tình cảm không biết định nghĩa là gì. Từ ngày Thuần về hẳn bên nầy, họ chỉ gặp nhau ở những cuộc họp của tờ báo Hội với các cộng tác viên trong và ngoài quân đội, Thuần chưa khi nào đến chỗ Tiệp, còn những khi Tiệp đến chỗ căn phòng có cây mít bên chiếc bàn viết của một sĩ quan phân hiệu Lục quân thì Thuần luôn run rẩy và ý tứ, chắc chắn Thuần đang giữ gìn và Thuần có nghe nói về Đính nhưng chưa khi nào hỏi ra lời với Tiệp cả.
    Tiệp lọt qua cổng bảo vệ dễ dàng nhờ tấm thẻ hội viện Hội nhà văn. Thuần vừa xong bữa cơm ở nhà ăn tập thể, cây tăm trong miệng và tờ Văn nghệ trải rộng trên bàn. Tiệp vỗ mạnh vào vai gã bạn từ phía sau. Bất ngờ, Thuần đứng bật dậy, lúng túng, đỏ rần, tê điếng vì mừng vui, cây tăm lộn nhào xuống đất liền bị đôi dép hất đi như sợ cô bạn bắt quả tang một chuyện gì xấu xa lắm.
    - Sao lúc nào cũng lúng ta lúng túng vậy ông trời?
    Nàng bắt hai tay lên hông, lập tức như mọi khi, cả hai được đặt vào vị trí lâu nay của hai người: một bên chủ động, mạnh dạn, hóm hỉnh, một bên khiêm nhượng, kín đáo, vụng về, giữa cả hai là k hoảng cách tươi vui, lý tưởng. Tiệp tiếp tục tấn công:
    - Sao không nói năng gì vậy ông trời? Đớ lưỡi vì không biết vì sao mình tới đây hả, không cần biết hả?
    Thuần làm cho Tiệp nhớ những triền ngô, màu xanh xanh của vệ đê, dòng sông nho nhỏ và bầu trời rất cao của tháng mưởi ở một vùng nào đó của miền Bắt quê gã. Thuần còn chưa lấy lại được tinh thần, tiếp tục run rẩy:
    - Thì lần nào Tiệp cũng bất ngờ xuất hiện rồi biến, hỏi làm chi?
    Lại uống trà không, trà móc câu chính hiệu, ngon lắm. Lại mấy câu chuyện bời bời, viết gì in gì, đi nhiều không, từ hồi Sếp nhà thơ bị cất chức tờ báo buồn hay vui, nghe thơ Phùng Khắc Bắc không, có mấy bài thích lắm để chép cho nhé? Tiệp được mời ngồi lên chiếc võng từ cây mít với đầu nhà, thật tình bạn nhiều ý nghĩ phụng sự không chả chớt được. Lát sau nàng đứng lên, lại cái ý nghĩ: người đâu có người trong vắt lạ lùng!
    Nàng rưòi chỗ Thuần đạp xe về hướng nội ô, vượt qua đoạn bế xe chỗ trụ sở, chỉ thử nhìn xem Vĩnh Chuyên có chạy lăng quăng đâu đó không. Vẫn sự nung nấu ngông cuồng chưa bị giảm nhiệt, nàng nghĩ là phải đến nhà Quý, nàng cần ánh mắt đăm chiêu đó, cần thứ tình cảm dở dở dang dang đó và chỉ cần ngồi đối diện với nhau, nói với nhau nhiều chuyện đằm thắm dưới ánh đèn mờ của một quán cà phê nào đó là đủ. Nàng chưa được tận hưởng thứ tình cảm như sương như khói của một ai ngoài sự chiếm lĩnh chằm bặp của Người ấy hồi đó và sau thì là Đính, Đính cuồng nhiệt, ngầy ngật, thao túng và cũng không biết đâu là chừng mực như thứ gió Lào ghê gớm của quê anh.
    Mấy năm qua Quý đã hoàn thành ước nguyện vườn quýt ngoại thành, đx xây được nhà gần đường cái và nghe đâu rất hay uống rượu, khi buồn. Từ lộ giới nhìn vào, Tiệp thấy Quý đang ngồi cắt gọt gì đó giữa đám bon-sai trong sân, dáng ngồi thư thả, thanh thản thừa hưởng từ ba và mẹ, dưới ánh đèn đường, trông Quý nhỏ nhắn, cô độc quá. Phía sau Quý là người đàn bà yêu dấu của chú Tư Thọ và một bé gái áng là cháu nội đang ngước lên líu lo gì đó với bà. Tiệp sẽ không bước vào, không rủ rê một người như Quý ra quán để làm một phép thử, không, chú Tư Thọ sẽ không vừa lòng khi cả hai dung dăng một cách hời hợt, bốc đồng như vây. Nếu Tiệp xuất hiện, Quý sẽ ngạc nhiên vừa phải, sẽ dướn cái cổ thanh thanh lên nhìn, cân đo, xem xét, sẽ chậm rãi hỏi Tiệp ghé chơi hay có việc gì, cười nhẹ, việc gì mà không nói được, ngộ à ha, thôi đi, đi về đi, nhớ cẩn trọng nghen! Lại cách rầu rĩ an bài như hôm hai người kẻ trên bờ người dưới tam bản ở Đồng Đưng dạo nào.
  10. CuZin

    CuZin Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Bài viết:
    1.422
    Đã được thích:
    0
    Thật là gay cấn khi không rủ rê được ai. Tiệp nghĩ tới Biên, Bá Biên. Vợ của Bá Biên nghe đâu là loại đàn bà không có gờ ram thịt thừa nào vì ghen tuông, một con mắm đúng nghĩa. Nàng không thể chường mặt ở nhà thị ta được, ai là phụ nữ thì đều trong diện rù quến chồng thị. Tiệp tai tiếng vậy, sao có thể bị loại khỏi danh sách đó được! Nhưng mà Tiệp đã có cách, nàng ghé qua nhà bưu điện, nàng không còn sợ bị bắt gặp như hồi ra đây chờ nghe điện thoại đường dài của Đính, nàng đã là một nhà văn, một nhà văn tai tiếng, thêm một cú điện thoại hẹn hò với gã nào đó nữa thì cái tai tiếng ấy không vì thế mà ít đi. Bấm số chờ một cách hú hoạ, Biên có cửa hàng sách báo,  là một trong những người có điện thoại nhà riêng đầu tiên của thị xã. Nếu bên kia là vợ Biên mình sẽ cúp máy, gặp con trai Biên thì dễ chịu hơn. May quá, người cầm máy là Biên.
    - À, vi vu dữ hả? Về hồi nào vậy? - Biên nhất định không dùng chủ ngữ để tránh tò mò.
    - Mới về, Tiệp muốn gặp đây!
    - Bao giờ, địa điểm đi!
    - Ngay bây giờ! Cà phê nhà bưu điện!
    - Ô-kê! Có cần lấy xe máy chở đi đâu không?
    - Không cần! Cà phê gần nhà anh rồi, xe cộ lích kích làm gì!
    Biên là người bạn chu đáo một cách vô điều kiện. Có lẽ vì anh ta tốt tính bẩm sinh, có lẽ anh ta và Tiệp liên tài, có lẽ anh ta có học thật, có lẽ anh ta muốn một tình bạn cao cả trên quá khứ, lịch sử và thù hận, tất cả, mọi sự có lẽ đã làm nên một thứ tình bạn khác Thuần, khác Quý, nó vượt lên như một thứ công trình mà cả hai mê say và cố công kiến tạo.
    Đúng như Tiệp dự đoán, Biên đã ra chỗ nàng với khả năng nhanh nhất, trên chiếc hon-đa đam còn giữ được từ thời sĩ quan cộng hoà. Tiệp quen Biên qua con đường Sếp nhà thơ, không  biết Sếp "mò" ra Biên từ biển địa ngục nào và bảo nhỏ với Tiệp: "Cậu nầy tiếng Anh giỏi lắm, có thể cộng tác góc văn học dịch cho tờ báo Hội mình. Em vun phân tưới nước thường thường nghe Tiệp". Biên đi đứng và nói năng, Biên làm lụng và giao tiếp, Biên không ngại công xá và từ chối bất kỳ ai trong giới văn nghệ mỗi khi họ gặp chuyện nan giải, chỗ nào buồn thì Biên lui tới, ai thành công thì Biên đến chúc mừng. Ở Biên là sự mực thước và cởi mở đến mức Tiệp nghĩ sao người nầy lại có thời mặc áo lính, sao lại phải vào trại cải tạo cái con người chỉnh chu và tuyệt diệu nầy? Biên là người đã giúi cho Tiệp nhiều quyển sách của nhiều tác gia lớn mà Tiệp chưa được đọc, Tiệp đã mất tuổi đọc vì chiến cuộc. Sâu xa, Tiệp biết hình ảnh mình có một góc rất kín trong lòng Biên nhưng anh ta giữ gìn nó đúng mức đến nỗi Tiệp cũng chỉ có thể say sưa nhâm nhi một cách thầm lặng mối quan hệ nhiều yếu tố xã hội, thế thôi.
    - Chè bưởi đi! Tiệp đi lâu  có nhớ chè bưởi không? - Biên khởi xướng. Tiệp biết Biên muốn được chở nàng đi, đi một quãng dài, được ngồi với nhau giữa một vườn cây, kín đáo, thơ mộng, yên tĩnh.
    Tiệp nhăn nhó:
    - Còn chiếc xe đạp, sao đây?
    - Để tìm chỗ gửi cho. Gần quán nầy có nhà mình quen.
    - Rồi hồi nữa về lấy, chủ nhà họ phát hiện ông Biên chở bà nào đó đi chơi thì sao?
    Biên cười giòn:
    - Trời, mình đồng xương sắt như Tiệp mà còn sợ nầy sợ nọ sao?
    Tiệp cũng phì cười, muốn rù quến người ta thử nhảy dù một cú mà còn sợ mang tiếng! Nàng nói chống chế:
    - Không phải, chỉ sợ cho anh Biên thôi!
    - Khỏi sợ! Bà xã mình cai ghen lâu rồi!
    Tấm lưng thân thiết và không thể nói là không quyến rũ quá gần. Nếu Tiệp vòng tay qua eo người đàn ông nầy thì mọi chuyện sẽ ra sao? Nghĩ vậy, nàng chống một tay lên yên xe, ngã người thật mềm phía sau, biết những sợi tóc của mình đang cù vào gáy Biên một cách tình tứ.
    - Thị xã mình nếu làm đẹp đoạn đường nầy thì bọn mình sẽ thích đi vào cái quán ruột đó hơn. Nghĩ mai kia không còn Tiệp ở đây thì thị xã trống hẳn há?
    - Sao anh Biên nghĩ Tiệp sẽ không ở đây?
    - Vậy không định ra Hà Nội sao? Chuyện hai ông bà sao rồi?
    - Nhiêu khê lắm!
    - Nhiêu khê mà dám đi tới cùng thì mới giá trị chứ.

Chia sẻ trang này