1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giá trị của tâm hồn trong thời đại vật chất

Chủ đề trong 'Cuộc sống' bởi songhetlong, 30/04/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. songhetlong

    songhetlong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/11/2004
    Bài viết:
    16
    Đã được thích:
    0
    Giá trị của tâm hồn trong thời đại vật chất

    Bánh mì giúp cho con người ta tồn tại, không có nó thì cũng không có cái thực thể ?otôi? đang tư duy và ngồi viết nên những dòng này. Đúng, nhưng một cuộc đời chỉ có toàn bánh mì không thôi thì chưa thể gọi là một cuộc đời làm người theo đúng ý nghĩa nó vốn phải có. Cuộc sống con người còn cần đến cả hoa hồng ?" không phải cần đến sự hiện diện vật chất của hoa hồng mà cần đến ý nghĩa biểu tượng đằng sau nó.

    Cuộc sống vật chất không thể thiếu sự hỗ trợ, nâng đỡ của cuộc sống tinh thần. Đây là một chân lý cũ rích và sáo mòn nhưng không sáo rỗng và không thể bác bỏ. Một cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng thiếu vắng cái đẹp của tinh thần chẳng khác nào cuộc sống của loài gia cầm, được vỗ béo và cho ăn uống đầy đủ chờ cho đến ngày bị đem đi hành quyết. Cuộc sống loài người khác với cuộc sống loài lợn ở chỗ, đối với loài lợn, có đặt một hay một chục bông hoa hồng cạnh chậu cám thức ăn thì sau khi đã no bụng, giá trị của những bông hồng đối với loài lợn vẫn chỉ là giá trị vật-chất-dùng-làm-thức-ăn-để-thoả-mãn-cơn-đói kế tiếp. Con người thì lại khác. Sau khi nhu cầu dạ dày đã được thoả mãn, hoặc thậm chí chỉ phần nào được thoả mãn, con người sẵn sàng từ bỏ thức ăn hoặc thay thế một phần thức ăn bằng hoa hồng.

    Chính vì vậy, vẻ đẹp của tâm hồn con người, cũng giống như vẻ đẹp của bông hồng, trong nhiều thế kỷ nay vẫn được đề cao và ca tụng. Tiếc rằng, trong thời đại của văn hóa tiêu dùng, khi lợi ích thiết thực, cụ thể của các ngành khoa học ứng dụng đang áp đảo các giá trị nhân văn và nghệ thuật, con người dường như ngày càng có xu hướng thay thế cái đẹp mong manh, trừu tượng, và khó nắm bắt của tâm hồn bằng những cái đẹp cụ thể, có thể trực tiếp nhìn thấy, sờ mó, hay cân đong đo đếm được.

    Ở tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đất nước đang mở cửa và con người Việt Nam đang được tiếp cận nhiều hơn với các nền văn hóa khác trong khu vực và thế giới thì áp lực thương mại có xu hướng ?omì-ăn-liền hóa? tất cả những giá trị văn hóa và tinh thần, khiến những giá trị tinh túy và thâm thúy của nền văn hóa Việt Nam nói riêng và của người Á Đông nói chung, đang bị khước từ để chạy theo những gì hào nhoáng và lấp lánh của phim ảnh Hollywood, của nền văn hóa vật chất, thực dụng phương Tây. Văn hóa đại chúng của Mỹ và phương Tây vốn là một nền văn hóa tiêu dùng, mang tính phổ quát cao, không khó tính, và không đòi hỏi ở người xem hay người tiêu dùng một tiêu chuẩn kiến thức sâu sắc nào ngoài một hầu bao rủng rỉnh tiền, và một dục vọng vật chất và xác thịt không bao giờ có thể thoả mãn được.

    Trong những năm gần đây, những thay đổi trong lòng xã hội Việt nam, đặc biệt là thế hệ trẻ phản ánh thực tại đáng buồn này. Tiêu chuẩn đánh giá một cá nhân trong xã hội Việt Nam ngày nay càng có khuynh hướng dựa trên những tiêu chuẩn vật chất bề ngoài dễ nhận thấy nhất, từ nghề nghiệp (làm cho công ty trong nước hay nước ngoài), địa vị (là nhân viên xoàng hay là giám đốc, trưởng phòng, v.v.), bằng cấp (thạc sĩ hay tiến sĩ, bằng được cấp trong nước hay ngoài nước), cho đến vật dụng cá nhân như thoại di dộng đời mới nhất, phương tiện đi lại (xe hơi hay một loại xe 2 bánh nào đó hiện đại hơn, mắc tiền hơn xe Dream), quần áo, đồng hồ, trang sức, nơi giải trí thường lui tới (bình dân hay dành cho người rủng rỉnh tiền) v.v. Tất cả đều thể hiện một điều: sự cám dỗ không gì cưỡng lại được của đồng tiền đã trở thành một tiêu chuẩn hàng đầu để đo đạc và đánh giá giá trị của một con người. Vậy còn giá trị tâm hồn con người ở vị trí nào trong cán cân thẩm định đó? Còn những phẩm chất cao đẹp của cuộc sống nội tâm như như lòng thương người, lòng vị tha, đức hiếu thảo với cha mẹ, thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng, hoà thuận trong gia đình và giúp đỡ hàng xóm láng giềng? Còn khái niệm "sống để học làm người"? Dĩ nhiên những giá trị vốn một thời được phổ biến (thậm chí có thể nói là được áp đặt) trên khắp xã hội Việt Nam không thể dễ dàng biến mất một sớm một chiều, nhưng sự hiện diện của chúng đang ngày càng trở nên xa lạ, hiếm hoi, và khó hiểu đối với con người của thời đại văn minh vật chất.

    Một điều khác cũng không kém phần đáng buồn là trong khi tiếp nhận những giá trị của văn hóa đại chúng nước ngoài, một bộ phận không nhỏ người Việt và thanh niên Việt Nam ngày nay hoàn toàn thờ ơ và bỏ qua những giá trị văn hóa tinh thần, vốn tinh túy và có chiều sâu tâm hồn của phương Tây như nhạc cổ điển, hội hoạ, triết học, tôn giáo, và cả những hành vi ứng xử thể hiện sự văn minh và lý tưởng bình đẳng nhân loại của họ. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì tất cả những giá trị thâm thúy và tinh tế của nhân loại đều đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể tiếp thu và lãnh hội được. Trong khi đó thời gian và công sức lại là kẻ thù của nền văn minh đương đại và của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ hiện nay. Những hàng tiêu dùng được sản xuất hàng loạt và ồ ạt trên thị trường, những tiến bộ trong lĩnh vực thông tin liên lạc viễn thông, như điện thoại di động, internet, e-mail, khiến người ta ngày càng mất dần thói quen kiên nhẫn và chờ đợi. Ngày trước người ta có thể kiên nhẫn chờ đợi hàng tháng trời trước khi cầm được trên tay lá thư của gia đình, người thân, hay người yêu. Ngày nay thông tin liên lạc giữa hai người sống cách nhau nửa vòng trái đất cũng chỉ mất vài giây. Ngày trước một thanh niên có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, để theo đuổi một cô gái trước khi được diễm phúc cầm tay, và nếu may mắn hơn thì được trao nụ hôn đầu tiên cho người mình yêu. Ngày nay, cả hai nhu cầu trên đều có thể được thoả mãn một cách dễ dàng, nhanh chóng, và chớp nhoáng ?" thậm chí còn nhiều hơn thế nữa ?" mà không cần phải mất đến hàng tháng hay hàng năm, và cũng không cần phải tốn nhiều công sức. Tất cả chỉ cần đến tiền, càng nhiều tiền thì những nhu cầu sinh học và vật chất của cá nhân càng dễ dàng được thoả mãn. Chính vì lý do này mà con người ngày càng có xu hướng muốn nhu cầu cá nhân phải được thoả mãn tức thời, và cũng chính vì vậy những giá trị tinh túy Á Đông càng trở nên trầm lặng, càng ẩn mình sâu dưới lớp bụi thời gian, và càng ít được giới trẻ để ý và quan tâm.

    Sống với ai? Với người có tâm hồn hay người chạy theo vật chất?

    Có hai câu hỏi tối quan trọng mà những người chạy theo tiếng gọi của cuộc sống tiêu dùng và sự dễ dãi của vật chất quên tự đặt ra cho bản thân.

    Thứ nhất, họ cảm thấy thoả mãn hay hạnh phúc với cuộc sống của mình nhờ vào những vật dụng đắt tiền nhưng vô tri vô giác, hay nhờ vào mối quan hệ giữa họ với những con người xung quanh? Nếu trả lời rằng vật chất quyết định tất cả, vậy thử ném một cá nhân theo chủ nghĩa vật chất lên một hoang đảo và cung cấp cho anh ta mọi thứ mà anh ta mong muốn. Liệu anh ta có thể sống hạnh phúc trong tình trạng như vậy không? Nếu như anh ta còn mang tính người và vẫn còn có thể được coi là một thành viên trong cộng đồng loài người, thì câu trả lời chắc chắn phải là không. Con người là một động vật mang tính cộng đồng cao, chính mối quan hệ giữa anh ta và cộng đồng là một yếu tố quan trọng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của anh ta, và nó còn là yếu tố quan trọng giúp giữ cho trạng thái tâm lý cá nhân được ổn định và cân bằng. Một cá nhân bị cách li ra khỏi cuộc sống cộng đồng dễ phát triển những biểu hiện của sự lệch lạc về tâm lý. Nếu kéo dài thời gian cách ly, rối loạn tâm lý sẽ dẫn đến một kết cuộc không tránh khỏi là rối loạn về nhân tính. (Ngay cả người hùng rừng xanh Tarzan của phim ảnh cũng không tồn tại độc lập mà phải dựa vào một cộng đồng các con vật biết giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau.)

    Câu hỏi thứ hai mà những người theo chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân quên tự hỏi bản thân, đó là họ muốn chung sống trong một cộng đồng gồm những cá nhân ích kỷ chỉ biết hưởng thụ cho bản thân hay muốn cuộc sống của họ được bao bọc bởi những con người có tâm hồn nhạy cảm, dễ chia xẻ và dễ cảm thông với nỗi khó khăn của đồng loại, với những con người sẵn sàng giúp đỡ và hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác? Nếu như không quá thiển cận và còn chút lương tri, chắc chắn họ sẽ chọn thích được sống giữa những con người giàu tình cảm và tâm hồn hơn là những người yêu chủ nghĩa vật chất. Cứ thử hình dung khi hai cá nhân chạy theo lối sống hưởng thụ cùng chung sống với nhau trong một môi trường thì chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng sớm thì muộn cuộc sống của họ sẽ trở thành một cuộc chiến rừng xanh giành quyền sinh tồn mà phần thắng sẽ thuộc về kẻ ích kỷ nhất và nhẫn tâm nhất.

    Ảnh hưởng của cuộc sống vật chất tác động lên cuộc sống tinh thần của người Việt Nam trong hiện tại cũng không khác gì ảnh hưởng của nó tại các nước công nghiệp hóa phương Tây. Nếu như cái giá phải trả cho sự phát triển cuộc sống vật chất và nâng cao mức tiêu dùng của người dân tại các nước công nghiệp hóa phương Tây là một cuộc sống tinh thần thiếu thốn, què quặt, và thậm chí là bệnh hoạn, thể hiện qua tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ người tự tử, và tỉ lệ người mắc các chứng bệnh về tâm lý và tâm thần cao, thì ở Việt Nam chúng ta cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Tỷ lệ tội phạm gia tăng, mối quan hệ ruột thịt trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái rạn nứt, và các tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp và không tài nào trừ bỏ được là những biểu hiện của sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình và mối quan hệ giữa các cá nhân trong cùng cộng đồng. Đó cũng chính là một trong những lý do hàng đầu được các nhà xã hội học phương Tây đưa ra để giải thích cho các căn bệnh xã hội của họ.

    Có thể nói một cách đơn giản rằng yếu tố gắn kết các cá nhân trong một xã hội lại với nhau, giúp họ đạt được sự thăng hoa trong cuộc sống tinh thần chính là sự đồng cảm, sự tôn trọng, và hiểu biết lẫn nhau. Các yếu tố địa lý, lịch sử, và ngôn ngữ là những yếu tố quan trọng làm nền tảng cho sự gắn kết này nhưng không phải là yếu tố quyết định. Sự hòa hợp và gắn bó giữa các cá nhân trong một xã hội chỉ nảy sinh khi họ nhận ra rằng mối quan hệ giữa các cá nhân trong một xã hội là mối quan hệ cộng sinh, niềm vui của cá nhân này sẽ góp phần đưa đến niềm vui của những cá nhân khác, và sự bất hạnh của một cá nhân cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh của nhiều người khác nếu như nó không sớm được chia xẻ, cảm thông, và an ủi. Khả năng góp phần vào niềm vui của những người xung quanh, khả năng nhận biết, đồng cảm, chia bớt nỗi đau của những người xung quanh, đó chính là gì nếu không phải là những biểu hiện của một con người giàu tình cảm và giàu tâm hồn? Nhận biết được và sẵn sàng san sẻ nỗi đau của người khác mà không cần họ lên tiếng, biết được điều gì nên làm và cần làm để mang đến niềm vui cho người khác mà không cần phải được yêu cầu, đó là gì nếu không phải là sự đồng cảm về tâm hồn của những con người cùng chia xẻ một số phận chung trên hành tinh này?


    Giới trẻ Việt Nam trong hiện tại và tương lai sẽ chọn con đường đi nào cho mình? Con đường đi của một tâm hồn phong phú, rộng mở, nhạy cảm, biết rung động trước vẻ đẹp của nhân loại, của thiên nhiên, biết xúc động trước nỗi đau của đồng loại, hay họ sẽ chọn con đường đi của một cuộc sống thoả mãn vật chất, khoác lên bên ngoài tâm hồn nghèo nàn và què quặt một vỏ bọc hào nhoáng của những hàng hóa tiêu dùng dễ thấy, dễ đập vào mắt thiên hạ, và dễ được coi trọng? Bông hồng của họ sẽ là những chiếc điện thoại di động đời mới đắt tiền, những bộ cánh diêm duốt, những đồ dùng hàng hiệu được sản xuất ở Paris, London, New York, những xe con 4 bánh hiệu Lexus, Mercedes, những đĩa phim đĩa nhạc DVD, v.v.?

    Dĩ nhiên trong bất cứ xã hội nào cũng sẽ có cả hai loại người, những người sống vì mình và những người sống vì người khác và vì những mục tiêu cao đẹp. Vấn đề ở đây là, nếu con người không thể đi trên một chân hay máy bay không thể bay bằng động cơ của một bên cánh, thì sự hài hòa, cân bằng, và niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống trong một xã hội cũng không thể có được chỉ nhờ vào một nhóm nhỏ những con người biết dung hoà sự đòi hỏi giữa tâm hồn và vật chất. Do vậy, nếu vẫn còn là thành viên trong xã hội và cộng đồng loài người, mỗi một người trong chúng ta có trách nhiệm xác định điểm cân bằng giữa tinh thần và vật chất, và tìm cách giữ cho cán cân tinh thần-vật chất đó được cân bằng trong bản thân mỗi cá nhân cũng như trên phạm vi toàn xã hội. Được vậy những căn bệnh xã hội do cuộc sống tâm hồn què quặt và bệnh hoạn gây ra sẽ không còn làm nhức nhối lương tâm loài người. Và động từ ?otôi sống? sẽ vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó mà không bị biến chất để trở thành ?otôi tồn tại?, như một sinh vật vô tri vô giác.

    Được songhetlong sửa chữa / chuyển vào 21:35 ngày 30/04/2005

    Được songhetlong sửa chữa / chuyển vào 21:36 ngày 30/04/2005
  2. vyhuynh

    vyhuynh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/09/2004
    Bài viết:
    3.311
    Đã được thích:
    16
    Những gì ko phải mình viết ra thì nên để nguồn.
    Âu đó cũng là 1 giá trị nhỏ của tâm hồn
  3. songhetlong

    songhetlong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/11/2004
    Bài viết:
    16
    Đã được thích:
    0
    bài này không có nguồn vì do tôi viết, đã post bên vnthuquan.net dưới nickname khác là thaymo35.
  4. sean_bxt

    sean_bxt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/04/2004
    Bài viết:
    14
    Đã được thích:
    0
    vote for the smart words of Mssssssssssssssss. Vy huynh!

Chia sẻ trang này