1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Gia vị cuộc đời

Chủ đề trong 'Ẩm thực' bởi nore, 25/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Zdreamer

    Zdreamer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2003
    Bài viết:
    2.582
    Đã được thích:
    1
    Có ai lại thích cay đắng bao giờ? Thì cười, nói, có gì đâu, cũng là sống tận với cuộc đời...
    Vì thế mà học cách ăn mướp đắng. Nhớ năm đấy, tự dưng, cái vườn nhỏ sau nhà mọc lên cây dại, trông giống như là cây dưa leo nhỏ. Mảnh vườn đâu có cải tạo gì nên bố mẹ bảo cứ để cho nó mọc, như mấy mùa trước, năm nào cũng có đu đủ ăn mà chưa phải thực tay trồng lần nào. Đất có lành thì chim mới đậu, rồi chim tha hạt nơi nào về gieo, trời đất cho thì nhận, thiệt thòi gì đâu...
    Cứ thế mà dàn mướp đắng chẳng mấy chốc đã che kín cái mảnh vườn nhỏ, rồi ra hoa, đậu quả. Lúc đó, nghe mẹ nói mướp đắng là sợ...
    Mà người nào không quen thì ngửi mùi mướp đắng không ưa. Mùi hăng hăng, sộc vào mũi. Lấy dao bổ dọc làm đôi rồi lách đầu dao nhỏ, khéo lắm, chỉ rọc một cái là lôi được cả ruột và hạt ra. Bố chiều đi làm về sớm, chịu khó cho vào cối, giã, rồi lọc bằng tấm xô làm nước tắm cho con gái và đứa cháu nội. Bố bảo: Tắm bằng nước mướp đắng, sẽ không bị mụn, da mát lắm...
    ...Bố bảo: Thử ăn mướp đắng xem, vị đắng đó là vị đắng có duyên, riết rồi thành nghiện con ạ. Bữa đầu tiên, bố trình diễn bằng món mướp đắng xào trứng. Xúc trứng thì nhiều mà mướp đắng con chỉ dám nhâm nhấm, thương cái lưỡi làm sao. Bữa sau, mẹ bảo, thôi, để xào cùng tim, cật. Vị đặm đặm ngấm vào, làm giảm đi vị đắng nhưng không làm mất hẳn đi cái duyên ngầm ấy...
    Cứ thế mà thành quen. Rồi mới biết làm thêm nhiều món ăn từ mướp đắng. Mướp đắng nhồi thịt hấp hay đem nấu canh, đều ngon cả. Đợt anh mấy ở Nam về, mới dạy ăn món khổ qua-chà bông, nghĩa là thái lát mỏng mướp đắng ra, rồi ăn cùng ruốc thịt, ăn sống nhé, vừa mát, vừa ngon miệng, lại không sợ béo.
    Dàn mướp đắng quả vẫn còn trĩu trịt, mẹ bảo chị dâu lựa ra những quả đã chuẩn bị già, rồi rửa sạch, để ráo, sau đó đem thái mỏng. Phơi lát mướp đắng cho khô, đem sao lên, hạ thổ rồi cất đi làm thành món trà uống dần. Trà mướp đắng có vị thơm ngọt dịu, lúc đầu uống thì có đắng tí chút, sau chỉ còn lại vị ngọt ngấm dần nơi cuống họng, vừa có tác dụng mát gan, giải nhiệt, vừa không tốn kém...
    Mảnh vườn mỗi năm một loài cây lạ chim tha về, năm nào, cũng lên xanh tốt như có người chăm bón. Mấy bữa vừa rồi, xây lại, bố đem chặt cả cây roi xanh đang mùa hoa, cây khế mới ra một lượt quả,...chỉ để lại vài loài cỏ nhỏ. Dàn mướp đắng năm nào cũng đã lụi. Thi thoảng những ngày hè nóng nực thế này, lại nhớ những chiều muộn, chậu nước tắm bằng mướp đắng thơm ngai ngái bố đã chuẩn bị cho, bao nhiêu là thương...Mới hay, trong đắng cay cũng lắm ngọt ngào...
  2. nore

    nore Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/01/2002
    Bài viết:
    1.060
    Đã được thích:
    0
    À, hóa ra trong cái topic nhỏ bé này, chỉ với độ mươi bài thôi mà cũng đã có đủ các vị : chua, cay, mặn, ngọt, đắng? Mà chưa có vị mặn!!! Thế thì Nore bổ xung cho đủ bộ nhé.
    Có lẽ đối với mỗi người, vị mặn quá quen thuộc, với Nore cũng vậy, quen thuộc đến mức khi muốn ngẫm nghĩ một chút, khi muốn viết về nó một chút cũng thấy chẳng có gì để phải mất công nhiều.
    Có một loại gia vị làm mặn duy nhất : đó là muối. Muối biển hay muổi mỏ thì cũng là muối. Nhưng nhiều nhất, tinh khiết nhất, ngon nhất vẫn là muối biển.
    Còn nhớ, hồi nhỏ xíu, Nore có một cái ?othèm? khác với những đứa trẻ khác, đó không phải là thèm kẹo, thèm bánh, thèm kem mút? mà là thèm ăn muối trắng! Nore thường bốc trộm muối trắng của mẹ và ăn ngon lành (mẹ Nore thì cứ cho rằng đó là một cái tật ko tốt nên thường cấm!). Mỗi lần theo mẹ đi chợ, đi qua hàng bán muối, người ta đựng muối trong một cái thúng và vun ngọn rõ cao, thế nào Nore cũng giơ tay để nhúm một nhúm nhỏ và nhấm nháp suốt buổi chợ, coi như lấy làm mãn nguyện lắm! Mãi về sau cũng vậy, chỉ khi đã lớn đùng rồi thì tự nhiên nỗi ?othèm? này hết, cũng không lý giải được tại sao!
    Vị mặn quan trọng trong mỗi món ăn vô cùng. Các cụ bảo ?onhạt như nước ốc?, món nào mà bị chê như vậy thì đúng là nem công, chả phượng gì cũng chẳng thể ngon.
    Từ những món đơn giản tưởng như chả cần mắm muối gì, ấy vậy mà có hạt muối, lại trở nên đậm đà hẳn, ví như rau muống luộc chẳng hạn, khi luộc rau, cho 1 dúm muối gọi là vào, rau vừa xanh, vị vừa đậm. Con như những kho thịt, kho cá, om gà? hay muối dưa, muối cà?thì khỏi phải bàn, không thể thiếu muối được!
    Nêm vừa mắm muối, đó là một bí quyết của người nội trợ. Có nhiều người nấu quen lệ, không cần nếm mà các thức vẫn vừa ăn! Điều này quan trọng lắm, vì nhạt thì còn dễ chữa chữ mặn thì?Có một cách chữa khi món ăn bị mặn thế này: Cho vào nồi canh, nồi thức ăn vài ba miếng khoai tây rồi đun một lúc cho khoai tây ngấm bớt chất mặn, lấy khoai ra bỏ đi.
    Khỏi cần phải nói thêm về ?otầm quan trọng? của muối, cứ nghe câu ca dao này thì đủ biết, nó cần thiết đến thế nào:
    Tay bưng chén muối, đĩa gừng
    Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau
    Hay:
    Muối đã mặn, ngàn đời vẫn mặn
    Gừng đã cay muôn thuở còn cay?
    ***************************
    Quê ngoại của Nore gần biển. Nghề chính của người dân ở đây, ngoài nghề chài lưới là công việc làm nại, nghĩa là làm muối. Nại được gọi chỉ những ô vuông dùng để trang nước biển vào để phơi cho đến khi thành muối. Mỗi nhà vài chục ô vuông, mỗi vuông độ mươi mét vuông. Nhà dì Nore cũng được phân như vậy, người ta phân theo lao động chính, nhà ai càng đông người lớn, càng được nhiều, gần giống kiểu chia ruộng. Một dòng kênh nhỏ được khơi từ ngoài biển chạy về, con kênh này khá dài, nước mặn màu hồng nhạt nhưng rất trong. Người ta lầy nước từ đây đưa lên nại. Người dân làm muối khá vất vả. Sáng sớm dậy từ tờ mờ sáng, khoảng 5 giờ ra nại. Trang nước, sửa soạn đâu vào đấy, chờ nắng lên. Gần trưa, quá chiều lại ra đảo muối. Người nào người nấy nhễ nhại mồ hôi. Hôm nào nắng to thì phấn khởi lắm vì muối được nắng, nghĩa là thu hoạch được nhiều. Gọi là nhiều, cả nhà 3 người làm cật lực cũng chỉ được 50~60K. Hôm nào trời âm u, không có nắng thì phải kiếm việc khác làm hoặc tranh thủ sửa ô nào bị xói?
    Có chứng kiến sự hình thành của hạt muối, mới thấy nó thật quí giá biết bao!
  3. blueoceanvn

    blueoceanvn Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/03/2002
    Bài viết:
    631
    Đã được thích:
    0
    Thêm chút vị của đời đi...
    Nhạt... Có ai viết cho nghe chút về vị nhạt đi !
  4. Zdreamer

    Zdreamer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2003
    Bài viết:
    2.582
    Đã được thích:
    1
    Nếu mà gọi nhạt là một thứ gia vị thì nghe ra có vẻ hơi...vô duyên. Một món ăn mà ai cũng phải lắc đầu: "Nhạt thế", "Chẳng có vị gì cả",...có vẻ như sẽ bị kiềng ra trong lần sau hoặc bị người tiếp theo lắc đầu từ chối. Thế nhưng, nhạt đấy mà vẫn có cái hay của nhạt...
    Ai cũng nói: "Nhạt như nước ốc" thế nhưng ai đã ăn ốc xong cũng muốn xin cô chủ một bát nước hôi hổi nóng rồi húp xì xụp. Có ai nghĩ rằng, nếu không có bát nước nhạt ấy, thì làm sao tiếc được cái vị đậm, cay, xót họng của nước chấm, mà kéo dài thêm cơn thèm? Nói khác đi, chính nhờ cái vị nhạt của bát nước đó, mà cái ngon, cái khéo của bát nước chấm cô hàng được người thưởng thức ghi nhớ, lần sau phải nhớ đúng hàng đó, chỗ đó mà tìm đến...
    Có một thứ nhạt nằm trong tất cả các bữa ăn mà chúng ta không nhận thấy - đó chính là món rau sống. Rau sống mà nhạt à? Mỗi thứ rau đã mang một vị riêng của nó rồi, làm sao mà nhạt được? Ấy thế mà, rau sống chính là đại diện của vị nhạt, vì có mấy khi người ta chấm rau sống vào nước chấm. Thể nào có bạn cũng phản đối tôi, rau sống thì phải có nước chấm chứ. Ví như lá mơ, diếp cá là phải có mắm tôm, lá sung là phải nhằm tương Bần,...Điều đó chẳng sai, nhưng các bạn nghĩ lại mà xem, lá rau sống còn tươi, loè xoè như vậy, chấm vào bát nước chấm sẽ dễ dàng làm dây bẩn xung quanh. Đó là chưa kể, có người còn quen tay vẩy vẩy cái đũa để nước chấm đi bớt, vậy là, những người xung quanh...nếm đủ. Thế nên, tôi mới nghĩ rằng, rau sống, sinh ra là để làm vị nhạt. Cái đặm, cái ngon của miếng thịt, cá, của món ăn đã đầy đủ gia vị, đệm thêm vài ngọn rau sống, còn mong gì hơn nữa...
    Cũng có lúc tôi nghĩ, nhạt làm sao mà được gọi là vị? Đã là vị thì phải có cay, chua, mặn, ngọt, hăng, sốc,...này kia, mà nghĩ đi nghĩ lại, đúng là vẫn phải dành cho nhạt một chỗ trong cái gọi là gia vị. Nếu không có nhạt, thì sẽ chẳng bao giờ bạn hiểu được giá trị đích thực của muối, của gừng, của hành, của xả,...như thể, nếu không có màn trời đen thẳm thì chẳng bao giờ biết được các vì sao lại sáng đến thế vậy.
    Còn bạn, bạn nghĩ thế nào?
  5. Zdreamer

    Zdreamer Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    01/06/2003
    Bài viết:
    2.582
    Đã được thích:
    1
    Tự nhiên ngồi hắt xì, nhớ ra cái vị hăng hăng sống mũi. Gió mùa đông bắc mà. Hà Nội rét còn mấy độ, lại vừa chạy từ Hà Giang về, cái lạnh 1 độ còn chạy theo âm ỉ đến tận bờ Hồ Gươm.
    Nhiều loại rau có vị hăng, mà không có vị hăng, món ăn sẽ mất ngon nhiều lắm. Nhớ, cái lần mấy anh chàng đối tác từ Malay sang, nhất quyết đòi dẫn đi ăn bằng được món Chả cá Lã Vọng. Ừ thì dẫn đi. Chiếc chảo bé tí xíu dính đầy nhọ nồi đặt giữa bàn, từng miếng thịt cá đã lọc xương dần rợm vàng. Rồi cho vào những cọng hành chẻ đã ngâm dấm cho bớt hăng, thêm chút lạc rang giòn giòn, thơm ngậy, vậy là xì xụp.
    Cũng nhớ lắm cái vị hăng của đĩa dưa muối còn xanh bữa cơm Thác Bà. Có ai đó chê dưa chưa chua. Có người thì lại thích cái loại dưa ngồng, vừa đắng, vừa hăng, nói ăn thế mới ra vị mùa đông xứ Bắc. Miếng dưa vừa nhai nhè nhẹ, vị hăng đã xộc lên mũi, muốn như gọi nước mắt trào ra.
    Thế mà nhớ mẹ, nhớ bữa cơm nhà, nhớ bà. Mỗi một lần cầm bát cơm, cắn miếng cà lại nhớ mãi câu chuyện bà kể hồi còn sống. Giờ bà đã mất rồi, nhanh quá...
    Cũng nhớ, cái đêm Đồng Văn, ngụm vodka còn đang bỏng trên môi, nghe mọi người mời ăn miếng bánh chưng ngày Tết sớm. Nói là lấy cớ không thích, nhưng chính xác ra là nhận thấy nó thiếu vị. Bánh chưng thiếu dưa hành, chẳng khác chi thịt lợn quay thiếu củ kiệu, không tài nào mà ngon được. Những củ hành ngày Tết, vớt từ vại ra, rồi chịu khó ngồi bóc những lớp lá có nhựa đã bị thâm bên ngoài, tráng qua bát nước sôi để nguội, để ráo rồi bày lên mâm, trông như những viên ngọc sáng lóng lánh. Không có cái vị hăng cay mà dịu ngọt, đầm đậm ấy, làm sao mà bánh chưng biết là mình dẻo quánh và ngậy đến vậy?
    Cứ thế, mà ngày tháng trôi qua, những cái Tết cũng trôi qua. Có lúc nào ngồi lại, giật mình, có khi chỉ vì một cái hắt xì hơi mà tự dưng nhớ thế, thèm thế cái vị hăng hăng của củ hành muối. Hành hăng thế, mũi cay thế, nước mắt có chảy không?
  6. hoaxuanca_Trinh

    hoaxuanca_Trinh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/01/2005
    Bài viết:
    150
    Đã được thích:
    0
    Có 1 người bạn đã đọc cho tôi nghe câu ca dao này:
    "Muối chua, chanh mặn, đường cay
    Nhánh gừng thì đắng từ ngày xa nhau..."​
    Vị của cuộc đời, chao ôi...!
    Ráng chiều vàng cõi xa xăm
    Dường như gió bấc căm căm đợi mùa...​

Chia sẻ trang này