1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giải trí (vui - nhộn - lạ - hài hước)

Chủ đề trong 'Trường PTTH Lê Hồng Phong TpHCM' bởi TrQ, 20/04/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Angst

    Angst Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/10/2006
    Bài viết:
    2.445
    Đã được thích:
    0
    Hôm qua đọc được bài này, cười phát khóc. Giọng không khác gì giọng bạn Mộng Dép, dù chắc chắn không có nhiều người hâm mộ bằng.


    Thời niên thiếu của một nữ...tặc

    Đăng ngày: 16:35 29-11-2010


    Trước kia có bộ phim Thời niên thiếu của một nữ hoàng.

    Gia phả nhà tui không ai có gốc mơ, gốc rễ với hoàng tộc cả nên tui phải viết “Thời niên thiếu của một nữ…tặc”.

    Ngược thời gian khoảng 32 năm về trước, tui không biết được sinh ra ở đâu. Chỉ nhớ rằng, ký ức chỉ còn lưu lại hình ảnh ngày đi học mẫu giáo. Chỉ có vài ngày thôi. Hồi đó làm gì có vụ bảo mẫu đánh té tát, giẫm chân voi lên người. Nghèo đói, cô giáo như cành củi, khô queo làm gì nổi đám học sinh.

    Em bé nào cũng được cha mẹ dùng kim băng đính một khăn tay lên áo để vệ sinh miệng, mũi. Nói thiệt, dùng cái khăn tay đó nhiều khi còn mất vệ sinh hơn. Không biết có phải do thói quen từ nhỏ không mà đến nay tui vẫn dùng dây nơ trên áo lau miệng khi đãng trí.

    Bốn năm cấp 1 tui học ở một ngôi trường không có cửa, không biết cây chổi quét nhà hình dạng ra sao. Cứ đến phiên trực nhật tui đi sớm, hái cây dại làm chổi quét. Bụi bay mịt mù từ chỗ này qua chỗ khác, sạch nền, dơ bàn ghế nhưng vẫn cắm cúi quét.

    Ngày đó làm gì có đồng hồ để xem giờ. Trước cửa nhà có một hàng dài tảng đá, theo kinh nghiệm ba tui truyền lại, nắng chiếu đến cục đá thứ 1 là đến giờ đi học. Đến tận hôm nay tui vẫn không thể lý giải vì sao trong những ngày mưa tui vẫn không bao giờ đi học trễ.

    Bạn thân nhất của tui thời đó là 4 chị em gái sống ở trên đồi gần nhà tui. Ngày xưa thì ai cũng nghèo nhưng tui chưa thấy ai giành hết phần nghèo như nhà nó. Quanh năm suốt tháng, bạn chỉ mặc có một bộ đồ. Tiền học đóng rất ít nhưng lúc nào cũng trễ hạn. Bữa cơm món cà pháo dầm muối trường kỳ kháng chiến.

    Mỗi tối thứ Bảy, Chủ Nhật chị em nhà tui và nhà bạn rồng rắn kéo nhau lên nhà hàng xóm xem cải lương. Nói cho có vậy thôi chứ có xem gì được đâu. Người lớn nói chuyện om sòm, con nít kêu la, tui thì chìm mê man vào giấc ngủ trước khi nhân vật chính xuất hiện trên TiVi. Tỉnh dậy, cõng thằng em trai vẫn chưa tỉnh mò mẫm trên con đường làng tối âm u, đom đóm lập loè về nhà. Ba tui trước khi thăng đường đã cẩn thận đặt một cây đèn dầu dưới hiên nhà để tụi tui biết đường đừng sa xuống hồ.

    Năm này qua năm khác tui vẫn nhiệt tình đi xem tivi và vẫn nhiệt tình ngủ ở nhà hàng xóm nên chẳng nhớ nổi vở cải lương nào.
    Không biết có phải do thiếu ăn không mà thứ gì mọc trên cây tụi tui cũng ăn. Mỗi cây chuối ra có một buồng, vậy mà nỡ nào tui bẻ bắp chuối xuống chỉ để hút chất nhựa ngọt ở bên trong.

    Thật ra không khó hiểu vì sao tui quyết tâm làm tuyệt tự dòng họ chuối. Mỗi lần tụi tui phạm thượng, ba tui xách dao đi ra vườn sau khi ra lệnh mấy anh em leo lên phản nằm sấp xuống. Sau này khi có người yêu, chưa bao giờ tui có cảm giác chờ đợi nghẹt thở hay hồi hộp như quãng thời gian chờ papa làm xong cái việc chặt cành lá chuối, gọt lá, đem chiến lợi phẩm vào nhà xử đám tù binh đang run rẩy trên tấm phản. Sau mỗi trận đòn, mông đít anh em tui hằn từng vết thương. Khốn khổ thay, bọn chuối vẫn mọc tươi tốt, lá xanh mơn mởn như khêu khích. Dù cho tui thẳng tay hạ sát một cách lén lút, dân số nó vẫn đều đặn nhân lên.

    Đỡ buồn miệng rau muống già ra trái li ti tui cũng không tha, bóc ra xơi luôn. Nhai nát lá xoài non, trái bàng, trái điệp cũng không thoát khỏi miệng háu ăn của tui.

    Tuy còn nhỏ nhưng tui đã bị bóc lột sức lao động từ rất sớm. Nấu cơm bằng lá dừa, gom củi, rửa chén, trồng cây, bán chuối.

    Gặp lá dừa khô cháy phừng phừng rát cả mặt, cơm 03 lớp, trên khô giữa nhão, dưới khét. Ông nội tui chữa cháy bằng cách lật nguyên cái nồi, nấu tiếp nên chỉ còn 02 lớp, cháy trên dưới, nhão giữa. Người già lúc nào cũng có kinh nghiệm cải thiện tình hình dù không thể đánh giá kết quả tốt hơn hay tệ hơn.

    Gom củi thì ít, chơi thì nhiều. Nhớ một lần ba tui bắt kéo một tàu dừa khô về nhà, trên đường tui than trách cho số phận hẩm hiu do sinh ra trong gia đình nghèo. Ngày đó mà có máy quay phim, chụp hình chắc papa sẽ bị dư luận ném đá lủng đầu.


    Mùa mưa đến trồng đậu xanh, bắp, vừa rải vừa giơ chân gạt đất lấp. Làm hoài không thấy hết đậu giống, tui quăng cho một chỗ một đống. Mấy tháng sau, giữa những hàng đậu thẳng tắp xuất hiện một lùm đậu. Tui hiểu vì sao.

    Thu hoạch bắp, hái, phơi khô, bóc hạt rát cả tay. Đêm nào mấy cha con cũng hì hục gảy bắp.

    Một lần ba tui sai hai chị em ôm rổ chuối ra chợ bán. Nghĩ mà xem, mới học lớp ba, ai thấy mà không thương chứ. Cũng may papa lo cho danh tiếng tương lai của tui nên chỉ kêu đi bán chuối. Chứ ngày đó bắt tui đi bán cá hay bán heo thì ngày hôm nay có ai nói "con nhỏ bán cá", "con mụ bán thịt heo" tui cũng thấy nhột nhột.

    Thích nhất là mùa mãng cầu. Ba tui cho mỗi đứa một mớ vùi trong đống lúa. Mỗi đứa giấu giấu giếm giếm. Lâu lâu, rình không có ai, lôi mấy quả nhỏ chạy qua chỗ khác đổi quả to hơn. Thiệt tình, tham từ nhỏ.

    Ngày Nhà giáo Việt Nam papa hái một mớ hoa muồng trâu và trái đu đủ chín cho tui tặng cô giáo. Tung tăng trên đường tình cờ ngửi bó hoa, thấy thúi quắc nên quăng vô bụi cây gần đó. Hai chị em mỗi người một quai nylon xách chung trái đu đủ. Tới nhà cô, trái đu đủ nặng ký nát bét do vừa đi vừa đá, chưa kể bị kéo lê. Ăn ké nửa trái rồi về. Khi đi nặng tay khi về nặng bụng.

    Mấy đứa con trai chung lớp của tui không được nam tính và ga la(ng như mấy thằng nhóc trong truyện Nguyễn Nhật Ánh.

    Chúng không đánh nhau để thị oai với tụi tui mà chúng ra oai với nhau bằng cách đánh tụi tui. Cái này gọi là ác có hệ thống và bạo lực học đường.

    Chiều nào mấy đứa con gái cũng chạy trối chết, chui qua hàng rào nhà người ta, băng đường tắt chạy về nhà.

    Thỉnh thoảng papa lên trường mắng vốn cô giáo hoặc lọc cọc đạp xe đến nhà ba mẹ nó méc. Theo lời đứa bạn kể, ba thằng ác ôn đó treo nó lên xà nhà quật một trận. Tui cũng hả dạ phần nào dù khoảng thời gian hạnh phúc đó rất ngắn ngủi vì ngay buổi chiều nó tiếp tục rượt đuổi tụi tui có phần hăng máu hơn.


    Khoảng chục năm trước thằng này tham gia một vụ phân phối tài sản do giết người cướp của mà có nên đã đi bóc lịch trong tù. Ớn nhất là thời gian trước đó nó vẫn còn hỏi thăm chị em tui. Nói ra không phải để dằn mặt, ai mà đối xử không tốt với tui thường có kết cục không mấy tốt đẹp.

    Tất nhiên trong đám trời đánh đó vẫn xuất hiện vài anh hùng cứu mỹ nhân. Trong đó dĩ nhiên có “tình yêu” của tui. Còn nhỏ tui đã biết phân biệt thế nào là Lục Vân Tiên và bọn cướp đường Phong Lai. Không uổng công ba mẹ nuôi ăn học.

    Không làm gì được kẻ mạnh hơn tui quay sang tấn công kẻ dưới cơ.

    Tiêu biểu nhất là lần tui hun nóng cây đinh dí vào vật quý giá nhất của thằng đàn ông trong thân hình baby đang trần truồng của em trai út.

    Nó hét lên đau đớn. Không biết việc đó có ảnh hưởng đến tâm lý nó không mà ngày nay thằng em tui ngày càng khó bảo. Cứ thế suy ngược lại những đứa con trai khó bảo ngày nay chắc chắn sẽ có một hoặc hai bà chị độc ác như tui.

    Cũng có thể vài lần đưa nôi ru ngủ mà mắt nó cứ thao láo nhìn tui, không kềm chế tui rung lắc nôi ầm ầm. Phần nào ảnh hưởng đến bộ não của nó. Gặp thời này chắc dư luận khuyến mãi cho tui vài cục đá.

    Thằng em kế thì được tui nhẹ tay hơn do nó chung vai sát cánh chinh chiến với chị em tui trong một thời gian dài. Không những nặng tình chị em mà còn thấm đượm tình đồng chí nữa.

    Còn có biết bao nhiêu chuyện vui buồn. Ai trả tiền tui kể tiếp cho mà nghe.

    Một thời ngây thơ, một thời máu lửa.
  2. vutoanthang

    vutoanthang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/04/2011
    Bài viết:
    4
    Đã được thích:
    0
    kakka

Chia sẻ trang này