1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giang sơn cẩm tú

Chủ đề trong '1981 - Hội Gà Sài Gòn' bởi vietgreat, 01/08/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Giang sơn cẩm tú

    Về U Minh, đi du lịch vườn dâu

    Huyện U Minh nằm cách thành phố Cà Mau hơn 50 km, ở đây không những nổi tiếng về vùng đất có khu rừng chàm lớn nhất nước, với nhiều hệ sinh thái động thực vật quý hiếm mà còn có nhiều địa danh khác rất hấp dẫn du khách đến tham quan, đó là vườn dâu Cái Tàu ở xã Nguyễn Phích nổi tiếng gần một thế kỷ qua.

    Nếu du khách chọn phương tiện bằng xe gắn máy theo hướng tỉnh lộ Cà Mau - U Minh đến xã Khánh An, chạy theo con đường nhựa dọc theo sông Cái Tàu, chỉ cần một giờ, du khách đến với Nguyễn Phích - xứ sở của những vườn dâu bạt ngàn. Đến đây, điều mà các bạn không thể ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức mộc mạc của những xóm làng rợp bóng mát của những tán lá dâu và rất nhiều loại cây ăn quả khác, tha hồ cho các bạn thưởng thức những loại cây trái của miền quê. Hầu hết những vườn cây trái ở đây,vườn nhà nào cũng trồng vài chục gốc dâu là loại trái cây đặc sản dùng để đãi khách.

    Nếu du khách cho rằng đây là nơi đẹp nhất, thanh bình và yên tĩnh nhất thì mọi thứ ở đây sẽ hấp dẫn vô cùng. Để thưởng thức hết vẻ đẹp của những vườn dâu ở Nguyễn Phích, bạn nên dùng phương tiện bằng xuồng ba lá để du ngoạn vào những con rạch nhỏ...Nơi mà con nước Cái Tàu đỏ thắm chở nặng phù sa vun đắp cho những vườn dâu tươi tốt. Bạn sẽ hết sức thú vị trước những cây dâu đã gắn bó gần cả trăm năm với Cái Tàu và nó trở thành một thứ trái cây không thể thiếu trong sinh hoạt của mỗi gia đình. Có rất nhiều bài thơ, bài ca đã được các nhà thơ và nghệ sĩ viết về hình ảnh đẹp và thơ mộng của vườn dâu Cái Tàu. đây là một niềm tự hào về nét văn hóa đặc sắc của vùng đất U Minh.

    Về với U Minh để tham quan vườn cây ăn trái, nhất là thưởng thức hương vị ngọt ngào của quả dâu chín mọng, sẽ làm cho tâm hồn du khách mát dượi và sảng khoái. Và ở Cà Mau, chỉ riêng U Minh mới có được những cảm giác đó.
  2. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Hồ Thác Bà
    Hồ Thác Bà thuộc hai huyện Lục Yên và Yên Bình, đó là một trong ba hồ nước nhân tạo rộng nhất Việt Nam được hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà - Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Hồ rộng gần 20 nghìn ha với hơn một nghìn hòn đảo cùng các dãy núi tạo nên phong cảnh hữu tình.
    Đi trên hồ Thác Bà chúng ta cảm thấy không khí trong lành giữa mặt nước mênh mông lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng tưởng như vô tận. Không chỉ là thắng cảnh, hồ còn góp phần rất lớn vào việc bảo vệ và cải tạo môi trường làm cho mùa hè nhiệt độ giảm từ 1 đến 2oC tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 đến 2.000 mm tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tốt. Công trình thủy điện Thác Bà đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn khởi công xây dựng năm 1961 và hoàn thành năm 1971. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam trải qua chiến tranh và thiên tai, nhà máy vẫn vững vàng. Trên thị trấn Thác Bà ngày nay còn uy nghi tượng đài lưu danh những người tận tụy ngày đêm xây dựng nhà máy. Các dãy núi đá vôi đã tạo ra một hệ thống hang động rất đẹp trên hồ. Động Thủy Tiên, nằm trong lòng núi đá dài khoảng 100 m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng tạo ra muôn hình vạn trạng trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ hấp dẫn. Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá. Đi sâu vào trong động du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những tượng đá tự nhiên kỳ lạ. Các nhũ đá rủ xuống cùng với những giọt nước long lanh với bầu không khí mát lạnh lan tỏa khiến mọi người sảng khoái. Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà, có thể đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ chìm trong sương với vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Huyện Lục Yên là vùng đá quý nổi tiếng với những bức tranh bằng đá quý, khu vực hồ thuộc huyện lại có nhiều di tích lịch sử đền Đại Cại, hang Ma-mút, chùa São, núi Vua Áo Đen... Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những dấu vết của người Việt cổ. Khu vực làng ven hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9-10 âm lịch khi tiết trời sang thu, mùa thu hoạch lúa nếp đến, mùi thơm lan tỏa khắp bản làng. Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy múa với trang phục rất độc đáo. Du khách sẽ cảm nhận được chất trữ tình trong những điệu dân ca, dân vũ đậm chất núi rừng. Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian độc đáo...
    Hồ Thác Bà thật sự có tiềm năng du lịch lớn song nhiều năm qua vẫn chưa khai thác được nhiều. Muốn đánh thức tiềm năng ấy phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông. Bí thư Tỉnh ủy Vũ Tiến Chiến cho biết: Tỉnh đang đầu tư cho du lịch và dịch vụ, trước mắt tập trung vào khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà, khu du lịch văn hóa ở Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái.
    Hiện nay Sở Thương mại - Du lịch Yên Bái đã làm xong Đề án xây dựng Trung tâm du lịch hồ Thác Bà có diện tích 206 ha gồm: Khu tháp viễn thông và thể thao mạo hiểm; khu đón tiếp, bến bãi đỗ xe và quảng trường; khu khách sạn - thương mại - dịch vụ; khu công viên văn hóa, vui chơi giải trí; khu du lịch sinh thái; khu thể thao sân gôn; khu vườn thú tự nhiên; đường giao thông, đường cáp treo và các phương tiện đi lại trên hồ.
    Trong lúc này, một con đường lớn nối với các tuyến giao thông chính đang được mở tới khu Trung tâm du lịch hồ Thác Bà. Tỉnh Yên Bái đã mở cửa mời gọi đầu tư. Hy vọng rằng Khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà sẽ sớm đi vào hoạt động và trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
  3. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Miếu Hai Bà Trưng bên sông Hồng
    Miếu Đồng Nhân (còn gọi là miếu Hai Bà Trưng) có từ thế kỷ XII, ở cạnh sông Hồng. Theo truyền thuyết, sau khi Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng Hát Giang, khí anh linh kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi đến thời Lý mới tới vùng Thăng Long. Một đêm đầu tháng hai, pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị, trước bãi Đồng Nhân. Các làng quanh đấy thấy vậy tranh nhau ra khấn để vớt tượng về thờ nhưng chỉ dân làng Đồng Nhân vớt được.
    Biết chuyện, vua Lý Anh Tông sai dân dựng miếu thờ Hai Bà ở ngay bến sông làng Đồng Nhân, lại phát đôi ngà trang trí cho hai voi thờ. Dân làng được cấp 36 mẫu tự điền, được miễn phu phen, tạp dịch để lo việc thờ cúng. Những năm trời đại hạn, các vua Lý đến miếu Hai Bà để cầu đảo, thường ứng nghiệm. Đến năm Gia Long thứ XVIII (1819), đất phía Bắc làng Đồng Nhân bị xói lở, dân làng dời miếu tới làng Hoa Viên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, dựng trên nền tập võ của triều Lê. Khi người Pháp xây dựng Viện Pasteur, lại một lần nữa miếu di chuyển vào giữa làng và tồn tại đến ngày nay ở phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.
    Tại đây, đền thờ Hai Bà được xây dựng với quy mô khá lớn theo kiểu ?oNội công ngoại quốc?. Tòa tiền tế 7 gian thờ hai voi gỗ sơn đen; tòa bái đường đặt ngai thờ và một tấm khảm thể hiện Hai Bà cưỡi voi đánh giặc. Trong hậu cung đặt tượng Hai Bà cùng 6 tượng nữ tướng hai bên...
    Dù ngôi miếu cổ đã dời đến nơi mới và được xây dựng khang trang nhưng dân bãi Đồng Nhân vẫn nhớ công đức Hai Bà nên vẫn lập miếu thờ. Đó là miếu Hai Bà, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
    Miếu nằm sát ven đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên khu đất rộng 400m2. Miếu gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế 3 gian, hậu cung 1 gian được xây kiểu tường hồi bít đốc. Cổng xây gạch, ở giữa là hai trụ biểu, mỗi trụ kích thước 50 x 50 cm, trên đầu là 4 con phượng, các đuôi phượng chụm vào nhau vươn lên thành hình quả dành, đầu phượng hướng ra bốn phía. Giữa hai trụ biểu xây mái kiểu chồng diêm, các góc mái uốn cong, phần chữ nhật ở giữa 2 mái đắp nổi 4 chữ Hán ?oHùng liệt tinh anh? (hồn thiêng anh hùng lẫm liệt).
    Trong đền còn giữ được một số đồ tế khí, hương án, kiệu long đình, long ngai chạm nổi hình rồng; một đạo sắc phong năm Chính Hòa thứ nhất (1680) với các dòng chữ ?oLĩnh Nam liệt khái, thạch hóa chân dung?. ở gian chính của miếu treo bức hoành ?oTử vân đài? (đài mây tía) và một số câu đối ca ngợi công đức Hai Bà:
    Thế thượng anh linh kham viết mẫu
    Nhân gian cảm ứng thị như sinh
    (Anh linh trên đời đáng gọi bằng mẹ
    Linh ứng trong dân mãi vẫn còn)
    Trải qua thời gian và lụt lội, miếu Hai Bà bên sông Hồng rơi vào tình trạng đổ nát. Nhằm giữ dấu tích một địa danh lịch sử, năm 1994 miếu đã được Bộ VH-TT xếp hạng; năm 2000 thành phố chi tiền tôn tạo lại tiền tế và hậu cung toàn bằng gỗ tốt. Kiến trúc mới xinh xắn và giữ nguyên dáng vẻ cũ, hòa nhập với cảnh quan. Cổng miếu mang đậm dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XIX vẫn được giữ nguyên. Trong ngày khánh thành, các bà ở các đoàn lễ đã cúng vào miếu tượng Hai Bà hoành phi, câu đối, án thờ...
    Di tích miếu Hai Bà đã được hồi sinh. Tại đây cứ 5 năm một lần, vào sáng ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch, đoàn rước gồm hai voi thờ, kiệu nước từ đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân), trước khi xuống sông lấy nước rước về bao sái tượng, lại vào làm lễ bái yết ở miếu Hai Bà làm cho không khí ngày hội trên sông càng thêm nhộn nhịp.
  4. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Khu du lịch sinh thái Nà Hang
    Nà Hang không chỉ có những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên hiếm nơi có được, mà còn phong phú bởi nét văn hóa độc đáo của gần 66.000 người dân thuộc 15 dân tộc, trong đó chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh... chung sống tự bao đời. Ông Hoàng Văn Thinh, Chủ tịch UBND huyện Nà Hang cho biết như vậy.Nằm ở vùng cao phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, trên vòng cung sông Ngâm, với hơn 83% diện tích tự nhiên là rừng, Nà Hang luôn có sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái đa dạng.
    Cả một kho tàng văn hoá độc đáo
    Nà Hang có chín mươi chín ngọn núi, có những cánh rừng nguyên sinh và những con suối. Dòng sông, thác nước tuyệt đẹp là của quý mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng. Dòng sông Ngâm, sông Năng, những đỉnh núi cao Khuổi Tong, Loong Noòng, Bản Luốc, Pịa, Pắc Tạ... đã từng đi vào thơ, vào nhạc, gắn với các câu chuyện huyền thoại đậm tính nhân văn. Khu bảo tồn đặc dụng Tác Kẻ - Bản Bung, rộng gần 42 km2, ôm gọn trong lòng cả 5 xã: Côn Lôn, Khau Tinh, Sơn Phú, Vĩnh Yên, Thanh Tương, với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm. Đặc biệt là loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. Bản làng nơi đây với những nếp nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ, những lễ hội ***g Tông, mừng lúa mới, lễ cấp sắc... vẫn duy trì. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.
    Có rất nhiều nhà khoa học khi đặt chân đến Nà Hang nghiên cứu về các loài động, thực vật đã thốt lên: Nà Hang như một nàng công chúa đẹp còn giấu kín. Cần phải làm cho mọi người biết và đưa nhau đến chiêm ngưỡng. Ông Thinh tâm sự: ?oChúng tôi nghĩ ngay đến việc cần phải xây dựng xứ sở này thành một khu du lịch sinh thái. Vừa tôn tạo, nâng cấp, bảo vệ được tài nguyên, cảnh quan môi trường khu vực, vừa tạo ra một nguồn thu nhập từ ngành công nghiệp không khói?. ý tưởng này đã được lãnh đạo Nà Hang tâm đắc. ?oĐề án quy hoạch và phát triển khu du lịch sinh thái Nà Hang? thập niên của thế kỷ này đã ra đời. Theo đó, đến năm 2010 thị trấn Nà Hang sẽ phát triển thành thị xã công nghiệp gắn với tuyến du lịch sinh thái: Thác Pắc Ban (Quang Tốc); khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ; Bản Bung - Đà Vị - hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn).
    Triển vọng nối liền các khu du lịch
    Từ thị xã Tuyên Quang theo đường ôtô, đến Nà Hang rồi đi tiếp 4 km là tới khu du lịch Pắc Ban. Du khách có thể tắm mình trong dòng thác bạc, mơ màng nghe kể chuyện về sự tích cái tên ?oQuang Tốc? (nai rơi). Hay có thể vào rừng thăm khu bảo tồn thiên nhiên, tận mắt nhìn những loài chim lạ, xem gà lôi, trĩ sao, phượng hoàng. Hoặc có thể dùng thuyền đi câu cá; tham gia cắm trại, trượt nước. Sau đó, nghỉ ngơi thư giãn trong những căn nhà sàn mini vừa độc đáo vừa dân dã. Đến đây, bạn được thưởng thức những món ăn riêng của núi rừng: cơm lam chấm muối vừng, măng rừng chấm mẻ, canh rau đắng, đặc biệt là rượu ngô được làm bằng men là cây rừng, càng uống càng say lòng; hay thưởng thức món cá đặc sản nổi tiếng: dầm xanh, anh vũ. Bạn có thể đến thăm các làng văn hoá của đồng bào Tày, Dao, Mông, ngắm nhìn các bà, các chị cán bông, xe sợi, dệt thổ cẩm.
    Tối đến, bên bếp lửa nhà sàn, bạn sẽ được nghe những làn điệu dân ca truyền thống như hát then, hát lượn, sli. Giọng ca của các thiếu nữ mượt mà, tha thiết những câu hát giao duyên tình tứ, cho dù đã rời khỏi Nà Hang vẫn còn lắng đọng không thể nào quên. Khi về, trong túi hành lý của bạn rất có thể là vài lít mật ong rừng, bầu rượu ngô Nà Hang, chè shan hay những kỷ vật đan lát bằng mây tre...
    Ông Chủ tịch tỉnh cho biết, từ khi thành lập khu du lịch Pắc Ban đến nay, dù chưa đầu tư nhiều, nhưng lượng khách tham quan tương đối lớn và ngày càng tăng rõ rệt. Nay mai khi các tuyến đường tránh ngập được xây dựng, nâng cấp, nối khu du lịch Nà Hang với khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Cạn) và các hạng mục công trình của khu du lịch được xây dựng hoàn chỉnh bao gồm: nhà nghỉ, khu vui chơi, khu trượt nước, bãi cắm trại, khu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, làng văn hoá, những con đường nguyên sinh... thì phác thảo phát triển khu du lịch sinh thái Nà Hang trở thành hiện thực. Chắc chắn sẽ đem đến cho Nà Hang một nguồn thu không nhỏ. Đồng thời sẽ tạo ra việc làm thu hút một lượng lớn lao động cho dịch vụ du lịch. Nếu được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, với những mô hình sinh hoạt hấp dẫn, chắc chắn Nà Hang sẽ là điểm du lịch lý tưởng của miền non cao này. Không xa nữa, công trình thuỷ điện Nà Hang hoàn thành, sẽ có điều kiện khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
  5. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Tây Sơn có thác Hầm Hô
    Thắng cảnh Hầm Hô đẹp nổi tiếng ở Bình Định với cảnh suối, rừng hùng vĩ. Nơi đây còn là căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân Cần Vương hồi cuối thể kỷ 19.
    Hầm Hô là thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Bình Ðịnh, cách thành phố Quy Nhơn chừng 45 km về phía tây. Ðường đến Hầm Hô không mấy khó khăn. Từ Quy Nhơn đi xe ô-tô hay xe máy theo quốc lộ 19, đến thị trấn Phú Phong độ 40 km, từ đây có đường mòn dẫn vào thác.
    Suối Hầm Hô nằm ở thượng lưu sông Ðá Hàng, một chi lưu của sông Côn chảy ra Phú Phong. Vào mùa nắng ráo, suối Hầm Hô phơi cạn lòng, chỉ còn vài lạch nước trong vắt, đá trải hàng hàng, lớp lớp chồng lên nhau đủ hình đủ dạng. Có nơi, lòng suối đá mọc lên lởm chởm, gập ghềnh... Hai bên bờ đá còn dựng thành hàng như bức tường thành vừa cao vừa hùng hiểm. Có nơi thì đá núi mọc tua tủa như rừng gươm. Cảnh tượng vừa kỳ quái vừa lạ mắt. Lác đác đó đây vài cổ thụ hình dung cổ quái, đượm vẻ trầm mặc u buồn vì tuổi đời chồng chất, đứng nghiêng mình bên dòng suối. Những bụi sim có lá mịn như nhung, những khóm phong lan từ kẽ đá buông mình, đu đưa theo làn gió hoặc chơi vơi trên làn nước lung linh. Thỉnh thoảng vài ngọn gió từ đâu đưa lại phảng phất mùi hương của các loài hoa rừng ngào ngạt. Nếu du khách đến đây vào dịp xuân về, phong cảnh Hầm Hô còn đẹp bội phần. Hầm Hô không những có suối, có thác, mà còn có rừng mai tỏa mùi thơm dìu dịu. Nếu có dịp nghỉ đêm ở lại Hầm Hô, nhất là vào những đêm thu, cảnh sắc Hầm Hô như đắm chìm trong cõi huyền ảo, mông lung. Còn vào mùa lũ, Hầm Hô nhận nước từ Ðá Hàng đổ về dềnh lên lai láng và đục ngầu phù sa, đổ ào ào xuống các hang vực sâu thẳm, tung bọt trắng xóa. Ðây mới chính là Hầm Hô. Một bậc đá cao hơn 10 mét, tứ bề vách đá bủa vây, che khuất cả một cái hầm kín đáo.
    Hầm Hô có lắm cá, từ loại cá đá, cá niềng, cá trắng cho đến cá chép, cá ngựa, cá trôi... Mùa mưa, cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Ðá Hàng để sinh đẻ. Dĩ nhiên, cá phải vượt qua thác Hầm Hô. Tại đây, mùa cá vượt thành đàn, vì vậy mà thác Hầm Hô còn gọi là thác Cá Bay. Tục truyền xưa kia, hàng năm cá tề tựu về đây để vượt thác. Con nào vượt được thì hóa rồng, nên thác này còn gọi là thác Vũ Môn.
    Một nhà thơ đất Tây Sơn đã cảm tác:
    Cổ Bàn non nước còn thiêng mãi
    Có thuở Hầm Hô cá hóa rồng
    Những người địa phương nhân cơ hội này chăng lưới hay hứng những giỏ tre để bắt lấy cá. Mùa mưa, cá ở đây rất béo và nhiều vô kể, giúp cho những bữa rau đạm bạc thêm nhiều hương vị đậm đà, khoái khẩu.
    Hầm Hô không những là một thắng cảnh đẹp tuyệt vời mà còn là căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần Vương Bình Ðịnh vào cuối thế kỷ 19.
    Vào những tháng hè oi bức, Hầm Hô là nơi thu hút đông đảo thanh niên và học sinh về vui chơi, cắm trại, tận hưởng không khí trong lành của miền núi. Tiếc thay, Hầm Hô chưa được ngành du lịch địa phương đầu tư khai thác để sớm trở thành điểm tham quan hấp dẫn của Bình Ðịnh.
  6. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Thác Mơ
    Thác Mơ nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cách Hà Nội gần 400 km và tỉnh Tuyên Quang 40km đường rừng. Đường vào thác Mơ tương đối thuận tiện. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ào ào. Càng đến gần thác, khí hậu càng lạnh. Tới thác, du khách dường như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thác ẩn dưới chân ngọn núi mà dưới đó là một hồ nước trong veo. Du khách sẽ lên một con xuồng nhỏ để tới thác. Ngồi trên xuồng, du khách được dịp thư giãn, thoả sức ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên "núi ôm mây, mây ấp núi".
    Một khối nước bạc khổng lồ sẽ hiện ra trước mắt du khách. Thác gồm có 3 tầng, muốn lên tầng thác thứ 2, du khách phải leo khoảng hơn 10m thang dây. Tại chân tầng thác thứ 2 có một hồ nước nhỏ, trong vắt. Lên tầng này, du khách được đắm mình trong khung cảnh kỳ vĩ với những hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Tại tầng thác này nước chảy êm ả hơn, luồn qua những kẽ đá, trên những khối đá to rêu phủ xanh rì trông như những tấm thảm nhung. Bám tiếp thang dây, du khách sẽ tới đỉnh tầng thứ 3 của thác. Nước từ trên cao đổ xuống ào ào như một màng nước khổng lồ. Hơi nước toát ra lành lạnh đã xua tan mệt mỏi, tạo cho du khách niềm cảm hứng mới khi đứng trên đỉnh ngọn thác hùng vĩ này để chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Nà Hang với 99 ngọn núi trùng điệp bao quanh. Nếu thích, xin mời đu khách tiếp tục tản bộ vào khu rừng nguyên sinh để khám phá những điều kỳ diệu ở nơi đây. Tiếng thác nước ào ào, tiếng chim kêu vượn hú, ánh nắng bàng bạc xụyên qua tán lá rừng rậm rạp khiến cho du khách như được sống lại thời tiền sử. Đến với Thác Mơ bạn có thể thoả sức ngắm nhìn những chùm hoa phong lan khoe sắc trên những thân cây đại thụ hay những trái vả chín đỏ lơ lửng ngang tầm mắt. Thác Mơ cũng là nơi bắt nguồn của con sông Gân chảy quanh thị xã Tuyên Quang. Ban đêm bầu không khí của núi rừng và tiếng kêu của muôn loài như muốn thúc giục du khách hãy khám phá. Có lẽ cũng chỉ còn duy nhất khu du lịch Thác Mơ mới các những căn nhà sàn của bà con dân tộc tự tay xây dựng để đón chào du khách.
    Thác Mơ, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng của Tuyên Quang đang chờ đón du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm
  7. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Cõi đá
    Mùi rượu ngô gay gắt của những quán nhỏ ven đường như muốn níu kéo chúng tôi lại và dù đã vượt qua rất xa, vẫn có cảm giác nó ở quanh mình. Phải chăng hơi rượu đã thấm đẫm vào không gian, đánh bạt đi lam sơn, chướng khí của miền "đất dữ" để tiếp thêm sức mạnh cho người khách bộ hành?
    Nếu được đứng trên triền núi ngắm những buổi hoàng hôn mênh mông nắng vàng hay đêm nằm run rẩy trong cái tịch mịch của rừng đá, mới thấy hết được ý nghĩa của cuộc sống nơi hoang vu, khi con người trở nên quá bé nhỏ trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, rượu ngô là thứ đồ uống chính của đồng bào dân tộc. Ăn có thể thiếu, mặc có thể không đủ nhưng rượu ngô luôn phải đầy bình. Rượu ngô uống cùng ớt ngâm, rượu ngô hoà vào bát cơm gạo hẩm, lùa vội hai miếng cho qua bữa... Thế nhưng, không phải lúc nào người H''Mông ở Đồng Văn cũng có cơm ăn. Sống trên đá, nguồn nước không có, họ chỉ có thể trồng ngô thôi chứ lấy đâu ra gạo. Ngô, cũng chỉ chế biến được thành món bánh "mèn mén" mà thôi. Người dân nơi đây có câu "Sống trên đá, chết vùi trong đá". Thế giới của người H''Mông ở Hà Giang thật đơn sơ, nó chỉ là đá, là rừng và nhiều sinh khí nhất là những nương ngô xanh rờn. Một quả núi lớn được chia theo từng hộ dân để canh tác. Đá núi mấp mô, nhọn hoắt, đâm thủng chân người, vậy mà họ vẫn đào được hố, được hốc rồi tra hạt, tỉa bắp. Bò kéo cày, có khi chỉ đi được vài bước chân đã phải quay đầu, vì "nương" nhỏ quá, đá xanh rắn qua. Đúng là dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
    Sống trên độ cao 1200m so với mặt nước biển, nguồn nước sinh hoạt của người H''Mông dựa hoàn toàn vào "thiện ý" của ông trời. Năm nào ông cho mưa nhiều thì người dân bớt khổ, chứ năm nào nắng to thì dù "có sức người, sỏi đá cũng thành ngô". Đồng Văn không hề có suối và nước mạch như các vùng núi khác, đá xanh Hà Giang lại nổi tiếng cứng hơn cả đá trắng Ninh Bình nên cũng không thể nào khoan giếng để trữ nước được. Sau mỗi cơn mưa, nước ở lại trong các hốc đá tai mèo và người dân phải đập đá để tạo ra dòng chảy về một hốc đá lớn với trữ lượng khoảng 100 lít. Những nhà ở xa hốc nước cũng phải mất cả ngày trời mới mang được can nước về, mà cũng vơi đi rất nhiều, vì họ phải uống trên đường đi. Nhà nào khá giả còn có ngựa thồ nước, chứ nhà nghèo chỉ biết dùng chính sức khoẻ của mình mà "cõng" nước về. "Nước chảy đá mòn", thế nhưng những giọt mồ hôi của người H''Mông nhỏ xuống không đủ thấm vào lòng đá, không làm cho đá mòn đi mà trái lại, dường như nó còn mài sắc thêm những cạnh đá để cào nát đôi chân trần của những người quanh năm sống cảnh "bán mặt cho đá, bán lưng cho trời".
    Vùng đá tai mèo đã tạo cho người dân nơi đây tính cách thậtdữ dội, nhưng cũng vô cùng chân thật. Dù khó, dù khổ đến mấy nhưng hiếm khi nụ cười tắt trên đôi môi họ. Một bữa ăn, một đêm ngủ trong căn nhà trống trải tường đá toả hơi lạnh buốt, một buổi len lỏi trên những con đường trải đá tới nương ngô nằm ở lưng chừng núi cũng đủ cho bạn quyến luyến vùng "đất dữ" này. Mọi người dân nơi đây ngay từ lúc sinh ra đã được đá tôi luyện, đá chính là cuộc sống của họ, còn đá thì còn họ, sức sống của họ là sức sống của đá. Những sinh linh tồn tại một cách hoang dã trong thế giới của đá là hình ảnh đẹp nhất của ý chí con người quyết chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn.
  8. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Khu tắm khoáng Hua Pe
    Từ đâu đó trong lòng núi, những dòng nước nóng quanh năm chảy ra, đổ vào suối Nậm Pe, Hua Pe. Người ta bảo rằng, suối nước nóng ở Lai Châu thì có nhiều, nhưng để uống được thì chỉ có nước khoáng ở Hua Pe.
    Khu tắm nước khoáng Hua Pe nằm trên địa phận xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (Lai Châu). Từ cầu Mường Thanh, đi chừng 5 km theo đường về Đồn biên phòng Pa Thơm, sẽ đến nơi đây.
    Vừa qua, Viện Y học - lao động - vệ sinh và môi trường, sau khi làm các xét nghiệm đã đưa ra kết luận: ?oMẫu nước ở đây có các chỉ tiêu phân tích đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh về hoá học cho nước uống và sinh hoạt?. Ông Hoàng Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Nước khoáng Hua Pe, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, kể rằng: "Suối nước nóng Hua Pe được biết đến từ khá lâu. Nhiều người từ khắp nơi đã về nghỉ ngơi, tắm chữa bệnh. Những năm gần đây, huyện Điện Biên cũng đã có ý định xây dựng khu tắm nước nóng ngay tại đầu nguồn. Phương án này gặp phải nhiều trở ngại. Sau đó, với sự hỗ trợ của tỉnh Lai Châu và huyện Điện Biên, ông Hoàng Xuyên đã huy động được 7 người đăng ký tham gia góp vốn. Công việc xây dựng tiến hành khẩn trương tại Hua Pe. Một đường ống kẽm có đường kính 40 mm dẫn nước về, một bể chứa nước có dung tích hơn 100 m3, cùng hai bể bơi lớn, mấy chục bể bơi đôi cùng các công trình dịch vụ khác đã hoàn thành.
    Hua Pe được khai trương vào dịp kỷ niệm 47 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5). Những vị khách quốc tế đầu tiên cũng đã đến đây. Và ngày càng có nhiều đoàn khách trong nước về tắm nước khoáng Hua Pe, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương.
  9. Gaubong1985

    Gaubong1985 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Bài viết:
    59
    Đã được thích:
    0
    Sao chủ đề này có mỗi pác Vietgreat độc diễn dzậy
  10. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Điểm hẹn ở đảo Đuôi Rồng
    10 năm trước, Bạch Long Vĩ chỉ là một hòn đảo cát hoang tàn. 3km2 mặt đất quanh năm gió lùa như bão mà mưa thì hiếm hoi; trên đảo chỉ có cây xương rồng và cỏ lông chông chịu nổi sự khắc nghiệt ấy của đất trời. Nay Bạch Long Vĩ không còn quá xa, khoảng cách 80 hải lý với đất liền như ngắn lại, mồ hôi và hơi thở con người đã làm xanh lên cây cỏ, biến Bạch Long Vĩ thành một hòn đảo đầy sức sống.
    Bạch Long Vĩ hôm nay chẳng khác gì một thị trấn khá sầm uất trên đất liền. Đường bêtông thẳng tắp, các khu nhà đánh số hẳn hoi, người ta còn đang đề nghị đặt tên phố cho những con đường trên đảo. Sau khu dân cư, những cánh rừng được trồng đang lên tiếng, phi lao reo vi vu trong gió để nâng vời vợi những cánh diều. Bò gặm cỏ giữa một cánh đồng bao la, và lưng trời bỗng hiện lên một ngọn đèn biển lấp lánh giữa trời xanh thăm thẳm. Tháp đèn gợi cho những du khách đang tìm đến đây hình ảnh một gác chuông nhà thờ vẫn binh boong ngân nga mỗi buổi chiều tà; và khung cảnh lại nhắc nhớ đến những làng quê tuổi ấu thơ hơn là trên một hòn đảo trồi lên từ nghìn nghìn cơn sóng.
    Lúc chiều buông, gái trai từng đôi đi về phía biển gần kề trước mặt, chỉ cách một bờ kè chắn sóng. Bờ kè như đôi tay khổng lồ vươn ra đại dương, ôm lấy những con tàu từ muôn phương về đây tìm bến đậu. Khi đêm về biển rực sáng ánh đèn ngư phủ, triệu triệu mắt cả rực lên dưới nghìn nghìn lớp sóng. Đảo Đuôi Rồng đang trở thành nơi hò hẹn của khách lãng du...

Chia sẻ trang này