1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giang sơn cẩm tú

Chủ đề trong '1981 - Hội Gà Sài Gòn' bởi vietgreat, 01/08/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Bảy mầu Cổ Thạch
    Cổ Thạch là khu du lịch có nhiều nét độc đáo ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Nơi đây nổi tiếng với ngôi chùa Hang cổ, bên cạnh thiên nhiên hoang dã với những bãi đá bảy mầu tuyệt đẹp.
    Người dân Tuy Phong, Bình Thuận gọi đây là bãi sỏi bảy mầu. Những viên sỏi trơn nhẵn quả là có nhiều mầu khác nhau: từ trắng muốt đến đen tuyền, vàng nhạt đến xám, nâu, rồi tím sẫm... Nước biển ở đây xanh trong chứ không lẫn nhiều phù sa như biển ở Mũi Né và cảnh quan từ trên chùa Cổ Thạch nhìn xuống thật là tuyệt vời.
    Chùa Cổ Thạch
    Núi Cổ Thạch chỉ cao khoảng hơn 60m, nổi tiếng nhờ chùa Cổ Thạch, còn gọi là chùa Hang do Thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế xây dựng từ năm 1835. Đây cũng là một di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Thuận.
    Chùa Hang là một hệ thống gồm nhiều hang thờ được xây dựng dựa vào những tảng đá khổng lồ trên núi. Bàn thờ Phật đôi khi được đặt giữa hai tảng đá lớn châu đầu vào nhau, hoặc có những điện thờ khi bước vào thắp nhang phải đi vòng qua những ngách đá quanh co. Trước các điện thờ, đôi khi là một khoảng sân nhỏ trồng cây kiểng xanh tươi có các chú tiểu đang quét lá hay lau chùi các bức tượng. Kể từ vị thiền sư khai sơn đến nay, chùa Hang đã qua 4 đời hòa thượng trụ trì: hòa thượng Thiện Minh (1840); hòa thượng Từ Hóa (1939-1945); Ngộ Tú Đại sư (1945-1946); và từ 1946 đến nay là hòa thượng Minh Đức. Bài vị của những vị trụ trì này đều được thờ trong các hang động, nơi đây cũng gìn giữ được nhiều cổ vật như hoành phi, câu đối, chuông trống... còn tồn tại qua nhiều cơn binh lửa, tính đến nay đã cả trăm năm.
    Trong thời chiến tranh, chùa Hang đã là nơi ẩn nấp của các chiến sĩ, bộ đội... Nhà chùa đã dành riêng một nơi để thờ cúng vong hồn các liệt sĩ. Sau khi thắp nhang ở hang thờ liệt sĩ, bạn chỉ bước xuống vài bậc đá là đến một cái sân nhỏ thông sang hang Gió. Gió biển thổi ***g lộng mát rượi qua những khe đá, làm dịu hẳn sức nóng của một vùng đất đá khô cằn. Từ đây nhìn ra biển, bạn có thể thấy bãi sỏi bảy mầu uốn cong theo bờ biển xanh. Có lúc, bãi sỏi bị đứt đoạn bởi những khối đá lớn ven biển, qua nhiều năm tháng, sóng biển đã bào mòn những tảng đá, tạo nên nhiều hình dạng kỳ lạ chẳng hạn như ở bãi cá sấu.
    Khu du lịch Cổ Thạch
    Cách chùa Hang không xa, gần phía biển là khách sạn Cổ Thạch. Khách sạn có nhà hàng và những hành lang được thiết kế bằng gỗ nom đơn giản và trang nhã, nhìn thẳng ra biển. Cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã với những bãi đá nhấp nhô nhiều mầu lẫn trong sóng biển nơi đây thật mới mẻ nếu như khách du lịch mới chỉ biết Bình Thuận trong các khu resort ở Mũi Né với những bồn hoa, đồi cỏ, những cây cầu nhỏ bắc qua con suối xây bằng đá và cảnh vật được chăm sóc chu đáo...
    Từ sân khách sạn Cổ Thạch nhìn ra biển, bạn sẽ thấy mũi La-gan, một dải đất dài mầu xanh nhô ra biển, phía dưới chân là bãi đá cá sấu với những hòn đá như sấu đang bò đi. Trên cao là những khối đá tượng hình người được đặt tên là mẹ dìu con, thạch tượng... xen lẫn với những kiến trúc mái cong và tượng Phật.
    Vào mùa trăng sáng, nếu bạn muốn nhìn thấy trăng hãy ở lại Cổ Thạch một đêm. Bạn có thể thuê lều và đốt lửa trại với giá khá mềm: 50.000 đồng/lần, và bên đống lửa, thưởng thức món mực một nắng vốn là đặc sản của vùng này, cùng với một loại sò mầu sắc mà người dân địa phương gọi là dòm, rất mềm và ngọt.
    Mặc dù cảnh sắc thiên nhiên kỳ lạ cùng với ngôi chùa cổ lẫn trong đá núi có từ hơn 100 năm luôn thu hút đông đảo khách hành hương, Cổ Thạch vẫn chưa phải là một khu du lịch được chăm sóc chu đáo. Bảy mầu của đá Cổ Thạch sẽ đẹp hơn nhiều, nếu con người biết lưu tâm và trân trọng.
  2. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Chùa ve chai
    Gọi là chùa Ve chai vì ở đây có con rồng dài 49m, vây được đắp bằng các mảnh vỡ của 50 nghìn vỏ chai bia. Tên chính thức của ngôi chùa là Linh Phước, cách thành phố Đà Lạt khoảng 8 km. Ngoài kiến trúc độc đáo, nơi đây còn có một đại hồng chung được coi là lớn nhất Việt Nam.
    Linh Phước tự tọa lạc trên một khu đất nằm bên phải quốc lộ 20 - đường từ Đà Lạt đi Cầu Đất, thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11. Chùa do một số tăng ni, phật tử từ Thừa Thiên - Huế đến xây dựng từ năm 1949, nhưng chỉ bắt đầu được nhiều người biết đến kể từ năm 1990. Khi đại đức Thích Tâm Vị cho trùng tu lại toàn bộ kiến trúc và xây dựng thêm nhiều công trình mới.
    Công trình đầu tiên gây được ấn tượng với khách hành hương là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49 m quanh tượng đài Phật Di Lạc. Vây rồng được làm bằng mảnh vỡ của 50.000 vỏ chai bia, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lạc ngự trên đỉnh.
    Đến với Linh Phước tự, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn những kiến trúc được xây dựng công phu. Trước hết phải kể đến chánh điện và Tiền đàn bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chánh điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn". Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, phía trước được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía trước là bức Cửu long môn uốn mình chầu Phật.
    Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Phía sau Tổ đường có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.
    Trước Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng, cao 36 m (được xem là bảo tháp cao nhất Đà Lạt hiện nay) đây là nơi thờ Phật, tôn trí xá lợi và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999) được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chuông cao 4,3 m, đường kính 2,3 m và nặng tới 8,5 tấn. Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của Phật tử, du khách từ Bắc chí Nam. Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh?
    Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát tạo dáng rất hài hòa cân đối. Ở Linh Phước tự hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ kiến trúc của ngôi chùa, được chạm khắc, bài trí rất công phu trên các hàng cột, trên mái chùa cong?
  3. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Lăng miếu Hà Tiên
    Hà Tiên, vùng đất tận cùng Tổ quốc là nơi có nhiều danh thắng văn hóa lâu đời. Du khách đến đây không thể không ghé thăm nhiều đền, chùa, miếu cổ... đã ra đời cách đây gần 300 năm.
    Hà Tiên gắn liền với thi ca, nổi tiếng với Tao đàn Chiêu anh các, ra đời cách đây 300 năm, sau Tao đàn Nhị thập bát tú của vua Lê Thánh Tông (năm 1495). Chiêu anh các do Mạc Thiên Tích, lúc bấy giờ là đô đốc trấn Hà Tiên, sáng lập vào thế kỷ 18 (năm 1736), có 32 thi sĩ. Tao đàn tồn tại trên 40 năm, xuất bản được 6 thi tập, trong đó nổi tiếng có Hà Tiên thập cảnh toàn tập tả 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên.
    Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
    Non non nước nước gẫm nên xinh
    Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
    Nam Phố, Lưu Khê một mạch xanh
    Tiên Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
    Châu Nam, Kim Dự cá chim quanh
    Bình San, Thạch Động là rừng cột
    Sừng sững muôn năm vẫn để dành
    Con đường dẫn vào khu vực núi Bình San có hai hồ chứa nước ngọt có cách đây trên 200 năm.Từ xưa cho đến nay, hồ là nguồn nước dự trữ cho sinh hoạt của người dân Hà Tiên trong mùa khô hạn.
    Cạnh chân núi là đền thờ Mạc Lệnh Công (di tích lịch sử được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng). Năm 1818, đời vua Gia Long thứ 17, trấn thủ Mạc Công Du, cháu 4 đời của Mạc Cửu, thừa lệnh vua thiết lập đền thờ Trung Nghĩa Từ, lúc ban sơ đền được xây bằng gỗ lợp lá. Năm 1846 (Thiệu Trị thứ 6) quan tỉnh sở tại xin vua chuyển đền thờ ra phía tây chân núi và đổi tên là Tam Mạc Công Từ. Đến năm Thành Thái thứ 9 (1897), hội Lạc Thiên vận động nhân dân đóng góp tiền công trùng tu lại đền và khánh thành vào ngày 22-1-1902 rồi giữ nguyên đến nay.
    Chốn tôn nghiêm này phụng từ ba vị công thần, với phần giữa chính điện là Khai trấn Thượng trụ Quốc đại tướng quân, Vũ Nghị Công Trung Đăng thần Mạc Cửu (giỗ ngày 27-5 âm lịch hằng năm), bên tả là Đạt nghĩa Tống binh Đại Đô đốc Quốc lão, Quận công Mạc Thiên Tích (giỗ ngày 5-10 âm lịch). Bên hữu là Tham tướng coi cơ đạt Tân trụ, Quốc cẩm y vệ Đô đốc trưởng cơ Lý chính hầu Mạc Tử Sanh. Tại khu vực này còn có tấm bia ghi danh những bậc tiền bối sáng lập nên đất Hà Tiên, và bia ghi danh những người có công xây dựng đền thờ, lăng tẩm các vị công thần. Sân trước chính điện còn có một tấm bản đồ chỉ các vị trí các ngôi mộ trên núi Bình San. Ngoài những tường rào bằng đá rêu phong dày được xây dựng cách đây gần 250 năm, còn có một con đường lên xuống lăng Mạc Cửu với hơn 500 bậc thang. Trước lăng Mạc Cửu là sân rộng với những tượng kỳ lân, voi được tạc bằng đá cổ rất công phu, trấn giữ quanh mộ. Nơi đây từng là nơi Mạc Thiên Tích cùng các thi sĩ ngắm trăng làm thơ. Còn du khách có thể ngắm cảnh đẹp Hà Tiên bốn phía. Xa xa là Thạch Động, thôn Vân, biển Đông Hồ, núi Cô Tô.
    Hà Tiên còn nổi tiếng với chùa Phù Dung, còn gọi là "Tiêu Tự", được xem là ngôi chùa cổ nhất Hà Tiên. Trong quá trình tìm hiểu nền nhà Chiêu anh các của Mạc Thiện Tích, người ta phát hiện có hai ngôi chùa Phù Dung: ngôi chùa cổ ngày nay chỉ còn lại nền chùa, và cái tháp nằm ở hướng Tây Nam núi Phù Dung. Còn ngôi chùa mới ở đầu bắc núi Bình San (gọi là Tiêu Tự) chùa có trước năm 1820 - 1833. Những tường thành được xây bằng vật liệu phức hợp (vôi cát trộn với ô đước và đường ngào), xây cất vào thế kỷ 18 (tường cao 5m, dày 1 m, nét cổ kính rêu phong. Còn tháp cổ hình bát giác, có bia đá còn nguyên vẹn khắc dòng chữ Hán: "Lâm tế tam thập lục Thế ấn đàm Lão hòa thượng chi tháp". Kế đó là di chỉ chùa, nền chùa xưa còn nguyên những phiến đá làm chân tán cột gỗ nền dài 12m, rộng 9m. Năm 1969, nhiều vật dụng được đào lên từ lớp đất đá sâu: những lư đồng, lọ sành sứ, chum đựng gạo, đôn ngồi bằng đá... tất cả còn được cất giữ tại chùa Phù Dung. Chùa ngày nay được xây trên nền nhà Chiêu anh các cũ, ở phía trước và bên hông đều có 7 bậc thang. Đến chùa Phù Dung, du khách như bước vào một bảo tàng cổ, những gì còn lại của dòng họ Mạc, đã khai sáng Hà Tiên.
    Đi tiếp về hướng biên giới Tây Nam, sẽ gặp Thạch Động nằm bên thôn Vân, cũng là thắng cảnh xưa nay hấp dẫn du khách. Con đường nhựa chạy thẳng lên Thạch Động cách thị xã khoảng ba cây số. Bước lên 10 bậc thang đá vào trong động, du khách gặp một ngôi chùa nằm trong lòng núi, bên trong có nhiều tượng Phật lớn nhỏ. Lần theo các bậc đá lên trên lại gặp một bàn thờ Phật lớn, trong hang ***g lộng gió mát lạnh. Luồn ra phía sau động, du khách sẽ choáng ngợp với cảnh vách đá cheo leo và toàn cảnh thôn Vân, cửa khẩu Xà Xía, xa xa là mũi Nai. Trong hang Thạch Động, nay còn những thạch nhũ hình thù lạ mắt.
  4. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Cảnh đẹp Phú Ninh
    Khu du lịch Phú Ninh là điểm du lịch hấp dẫn, cách thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) 7km về phía tây. Ở đây có cảnh đẹp của hồ nước, của hệ động thực vật phong phú đa dạng, hệ thống nhà nghỉ - nhà hàng tiện nghi phục vụ du khách.
    Cách thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam) 7 km về phía tây là khu du lịch Phú Ninh. Đây là vùng sinh thái đa dạng có tổng diện tích trên 23,4 nghìn ha, trong đó diện tích mặt hồ là 3.433 ha cùng 30 đảo nhỏ và bán đảo xinh đẹp. Bao quanh lòng hồ là những núi non, hồ, suối thơ mộng, những rừng phi lao, bạch đàn, thông ca-ri-bê tươi tốt với mầu xanh bất tận. Nơi đây có hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, không khí trong lành, giúp du khách thảnh thơi.
    26 năm về trước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh. Sau 9 năm lao động bền bỉ, sáng tạo và được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, ngày 27-3-1986 công trình đã hoàn thành, đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, hạn chế lũ lụt hằng năm ở thị xã Tam Kỳ và một số địa phương lân cận. Ngoài ra, nguồn thủy năng của nhà máy thủy điện Phú Ninh đạt hằng năm từ 1,5 triệu kWh đến 3 triệu kWh; mỗi năm còn thu hoạch hơn 80 tấn cá các loại. Đặc biệt tại lòng hồ Phú Ninh còn có mỏ nước khoáng nóng tự nhiên với nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng chữa bệnh, kích thích tiêu hóa, sảng khoái tinh thần, giúp điều trị một số bệnh về cơ khớp, gan, mật và không thua bất kỳ loại nước khoáng nổi tiếng nào đang có mặt trên thị trường.
    Ngay trong mùa nóng bức nhất, không khí ở khu hồ thường xuyên mát dịu, thu hút những đàn chim từ mọi miền bay về trú ngụ cùng với thảm thực vật phong phú, tươi tốt. Thấp thoáng trên những hòn đảo rợp bóng cây là những nhà nghỉ đẹp hài hòa cùng cảnh trí thiên nhiên. Những chuyến du thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ đưa du khách đi thăm cảnh hồ, các đảo, điểm nước khoáng nóng... Ở Phú Ninh, đẹp và ấn tượng nhất là khu du lịch cách cổng chính vào hồ chừng 5 km rẽ trái theo con đường đồi dốc thoai thoải rợp bóng cây xanh. Nơi đây có khu nhà nghỉ tiện nghi, nhà hàng ăn uống giải khát, đội thuyền du lịch sinh thái và thuyền đạp nước phục vụ du khách; những điểm câu cá tuyệt vời...
  5. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Kỳ lạ Bản Đôn
    Khách du lịch đến Buôn Ma Thuột - thủ phủ của Đắc Lắc - một trong những địa chỉ không thể không đi là các khu du lịch sinh thái. Khác hẳn với loại hình du lịch sinh thái ở vùng đồng bằng, những khu rừng hấp dẫn khách du lịch không chỉ ở sự đa dạng sinh thái trong từng bước đi mà còn ở các truyền thuyết nhiều vô kể. Hấp dẫn nhất trong lịch trình này là Bản Đôn - xứ sở của voi rừng và nghệ thuật thuần dưỡng voi rừng của người xưa.
    Trước khi tới đây, tôi vẫn lấy làm lạ bởi cái tên Bản Đôn. Theo đúng thuật ngữ Folklore, lẽ ra phải gọi là Buôn Đôn mới đúng. Lý do của cái tên này cũng cực kỳ thú vị, xin được nhắc ở phần sau.
    Cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 50 km là khu du lịch Bản Đôn. Sau khi vượt qua hàng loạt cánh rừng thưa bụi mù đất đỏ, những mái nhà sàn hiện ra. Nằm gọn trong một thung lũng, cái bản bé nhỏ này chỉ có chừng vài ba chục nóc nhà. Nếu không có công nghệ của kinh tế xanh ùa vào, có lẽ khó ai biết được những gì đang ẩn chứa ở thung lũng xanh này.
    Đừng vội đánh giá những gì mà Bản Đôn đón ta với những nhà sàn phục vụ ăn uống kiêm nhà nghỉ, các quầy hàng Souvenir và mọi cách thức thường có trong một tour du lịch. Đó chỉ là nét bề ngoài của bất kỳ địa chỉ kinh doanh du lịch lữ hành nào.
    Hãy theo chân người hướng dẫn viên bước vào một tour nho nhỏ. Xin lưu ý các bạn rằng mọi hướng dẫn viên ở Bản Đôn nói riêng và Buôn Ma Thuột nói chung đều là người Bắc. Phần lớn họ đến đây từ Nam Định, Thái Bình, Hải Dương. Có thể lập nghiệp theo gia đình, có thể giải ngũ rồi ở lại, và cũng có thể sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên ra quyết bám trụ xứ đất đỏ này. Dũng, anh chàng hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi vừa là lính giải ngũ ở lại, vừa là sinh viên đại học mới ra trường. Nếu theo tướng số mà đoán, chắc rằng Dũng sẽ bám trụ tốt thậm chí thành đạt, thành danh ở xứ sở này. Là người Bắc nhưng cứ theo cái cách kể lể chi tiết từng "âm ti củ tỷ" của xứ này có thể nghĩ anh là người Bản Đôn. Trong căn nhà dài của người Ê đê, Dũng kể cho chúng tôi nghe cái lý do hết sức giản dị là tại sao không gọi là Buôn Đôn mà lại là Bản Đôn. Bản đó là tên gọi quen thuộc của người Lào. Những người Lào từ thời xa xưa lắm đuổi theo các đoàn voi đến tận vùng sông lạ này. Họ đã hoà trộn cùng người bản xứ ở đây tạo nên Bản Đôn - quê hương thứ hai của mình. Bản Đôn qua bao thăng trầm của lịch sử đã trở thành một địa danh nổi tiếng của việc săn bắt voi và thuần dưỡng voi rừng. Nổi tiếng đến độ cả vùng sông này đã có thời tấp nập thuyền bè của Lào, Xiêm tìm đến để mua voi con sau khi thuần dưỡng. Nổi tiếng đến độ người đứng đầu Bản Đôn, đứng đầu nghề này đã được phong tặng là Vua voi, được ban bào kiếm của vua Xiêm, tặng áo của vua Lào, châu báu của vua Việt và con cháu nối tiếp nhau làm thủ lĩnh cả vùng, đời này sang đời khác.
    Trong căn nhà Dài giữa Bản Đôn vẫn còn lưu giữ những dụng cụ săn bắt voi trải bao đời cùng hình ảnh của những người thợ săn voi tài giỏi và các truyền thuyết vừa xúc động vừa ghê sợ về sự yêu ghét cuả loài voi.
    Cách đó không xa bạn có thể ghé vào thăm căn nhà sàn của vua săn bắt voi. Thanh gươm cũ mà vua Xiêm La tặng con người này vấn còn được lưu giữ tại nơi thờ ông. Chính người này chứ không ai khác đã bắt và thuần dưỡng hai Bạch Tượng - một giống voi được coi như thần quyền, vương quyền của Thái Lan và Lào - với đầy truyền thuyết. Sau khi thắp nén hương thơm để tưởng nhớ ông, chớ quên mua vài thang thuốc do chính con cháu ông bán. Thứ thuốc này làm bằng rễ của một loại cây chỉ một mình những người săn voi biết, nghe bảo dùng để chữa trị bệnh đau xương, mỏi khớp rất tốt.
    Xưa trộn trong nay, cũ hoà với mới chính là nét hấp dẫn nhất với khách du lịch khi tới Bản Đôn. Ngay giữa những ngày hôm nay người Bản Đôn vẫn sử dụng tiếng Lào trong giao tiếp, đặc biệt là khi giao dịch buôn bán, ngay cả giữa trẻ nhỏ với nhau - đó là nét kỳ thú đòi hỏi phải có sự quan tâm nghiên cứu đúng mức của các nhà dân tộc học.
    Tại Bản Đôn, khách du lịch có thể lựa chọn cho mình những tour thích hợp. Bạn có thể cưỡi voi đi thăm mả voi, thăm rừng quốc gia YorĐôn, thăm buôn S''tiêng nổi tiếng về hàng thổ cẩm rồi xuôi dòng SrêPok trở về. Cũng có thể, vì ít thời gian bạn hãy chọn cho mình lộ trình qua cầu treo, vượt suối sang khu nhà sinh thái, ăn xôi nướng và gà nướng, để rồi nằm nghỉ giữa muôn ngàn tiếng chim muông, suối, thác và gió reo.
    Một tour nhanh nhất cũng sẽ chiếm của bạn cả ngày trời, và trước khi lên xe trở về thành phố bạn nhớ cho những chú voi ở đây một vài cây mía bởi sự phục vụ hết lòng của chúng. Chiều chạng vạng cũng là lúc bạn ra khỏi rừng, và có thể tiễn bạn sẽ là một trận mưa như thác lũ cuốn phăng mọi rác rưởi trên con đường bạn đi, chỉ để lại một Bản Đôn tươi mới và đẹp đẽ cùng bao điều kỳ lạ...
  6. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Đầm cầu hai
    Nằm bên đường quốc lộ 1, chạy dài từ Cầu Hai đến chân đèo Phú Gia thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ðầm Cầu Hai như món quà của thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho con người.
    Chúng tôi xuống thuyền ở bến đò Cầu Hai, lênh đênh du ngoạn ngắm nhìn cảnh núi non, đầm phá, thuyền bè... Ðã hơn 8 giờ sáng, dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè mà nước Ðầm Cầu Hai vẫn trong vắt, mát lạnh. Ðến giữa đầm, bạn có cảm giác xung quanh mình là biển nước mênh mông bởi Ðầm Cầu Hai rộng tới gần 10.000 hecta.
    Thuyền đi khoảng 30 phút, là đến vùng đất cổ mà cách đây hơn 300 năm (năm 1961) Chúa Nguyễn Phúc Chu nhân lên núi Túy Vân này thấy phong cảnh bốn phía là non nước, mây trời, cỏ cây và ruộng đồng xanh ngát đã cho lập trên đỉnh núi ngôi chùa nguy nga mang tên Túy Vân Tự. Hôm nay đây, mái chùa vẫn cổ kính, rêu phong, chuông chùa vẫn ngân nga vang vọng trong không gian tĩnh mịch, trầm lắng. Kiến trúc cổ kính, cảnh vật xung quanh lại vừa đẹp vừa thơ nên ngôi chùa Túy Vân được tôn vinh là một trong số hai mươi thắng tích đẹp nhất của Kinh đô Huế.
    Từ đỉnh núi Túy Vân, nhìn xuống toàn Ðầm Cầu Hai như "***g gương in trời". Nhìn về phía đông, đường chân trời biển Ðông kéo dài tới vô tận... Nhìn về phía tây, núi Bạch Mã như chú kỵ mã đang xòe bờm trắng xóa, tung vó phi nước đại và đại ngàn Trường Sơn xanh đến mơ màng. Còn nếu vượt qua đỉnh Hòn Rẫm sẽ gặp Vụng Chân Mây, nơi đang khởi công xây dựng cảng nước sâu lớn nhất miền Trung, góp phần hình thành một khu công nghiệp - dịch vụ - du lịch mới...
    Vài năm gần đây, Ðầm Cầu Hai đã đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Những người dân chài sống ven Ðầm Cầu Hai đã đầu tư vốn xây dựng 163 hecta hồ nuôi tôm xuất khẩu. Với diện tích chỉ bằng khoảng 1/60 diện tích Ðầm Cầu Hai nhưng những ngư dân vùng này đã thu được 14,7 tấn tôm giá trị 4,3 tỷ đồng (1995). Trong tương lai, Ðầm Cầu Hai sẽ tiếp tục được khai thác mạnh hơn và sẽ trở thành một vùng kinh tế trù phú.
  7. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Rừng tràm Gáo Giồng
    Khu du lịch sinh thái này nằm cách trung tâm huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, khoảng 17 km đường bộ và 30 phút đường sông. Nơi đây có 36 ha sân chim với 15 loài chim, cùng hàng trăm loài động thực vật và thuỷ sản.
    Gáo Giồng chia thành 4 khu với 70 km kênh phân lô, 20 km đê bao khép kín. Hàng năm, khu rừng tràm này thu hoạch 30 tấn cá lóc, trê, rô, sặc rằn, lăng, linh, cá trốt, trị giá hàng tỷ đồng
    Nơi đây còn là môi trường lý tưởng cho những đàn chim các loại sinh sống. Mùa nước là thời gian hội tụ của chim cồng cộc, le le, vịt trời, trích, bìm bịp. Mùa khô có diệc mốc, diệc lửa, vạc, nhan điển, cò ngà, cò đỏ, cò trâu. Đặc biệt rừng có loài nhan điển rất quý hiếm.
    Các loài rau đồng vượt nước như bông điên điển, bông súng, rau dừa, rau mát tạo khung cảnh hấp dẫn khách thập phương. Vào mùa khô, nơi đây có thể tổ chức cắm trại dưới những tán tràm 12 năm tuổi, đi xem các sân chim hoặc câu cá.
    Tại khu du lịch Gáo Giồng, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của vùng Đồng Tháp Mười như cá lóc nướng gói với đọt sen, lá sâu nhái chấm với mắm me, rắn nướng mọi, cá linh nấu canh chua bông điên điển, mắm kho chấm với rau dừa, rau mát, bông súng và nhấm nháp rượu mật ong tràm tinh khiết.
    Những năm qua, đã có nhiều đoàn khách trong nước, nước ngoài đến Gáo Giồng tham quan, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh và thư giãn trên chiếc xuồng ba lá êm nhẹ lướt trên những con kênh dưới tán rừng tràm mát rượi.
  8. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Du ngoạn ở thác Voi
    Cách thành phố Đà Lạt khoảng 22 km về hướng tây nam có một thác nước hình một đàn voi đang tắm, tiếng nước đổ ào ào như đàn voi rừng gầm rú. Đây là nơi lý tưởng cho sinh hoạt dã ngoại mùa hè. Thấp thoáng dưới bóng thông xanh là một mái chùa trầm mặc, mặt hướng ra ngọn thác, lưng tựa vào núi.
    Đi thêm vài bước nữa, thác Voi hoành tráng đã hiện ra trước mắt. Thác không kiêu hãnh như thác Dambri, không trữ tình như thác Pongour, không lãng mạn như thác Cam Ly hoặc thơ mộng như Prenn nhưng nó có vóc dáng riêng thật hoang sơ, trong một khung cảnh thiên nhiên thật gần gũi.
    Đến đầu vực, tiếng thác đổ càng mạnh hơn, nhìn bao quát cả ngọn thác, dòng nước ngày đêm tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Với độ cao khoảng 35 m, chiều rộng hơn 40 m, những thảm cỏ xanh mướt mọc trên từng mỏm đá lô nhô đủ hình dạng, được thiên nhiên sắp xếp thật khéo léo tựa như một đàn voi quây quần bên nhau. Có những tảng đá như chú voi con ngẩng đầu lắng nghe tiếng hót của muôn loài chim rừng. Sau làn bụi nước, phong cảnh lúc ẩn lúc hiện, đẹp như mơ.
    Những chiếc cầu xinh xắn, thơ mộng bắc ngang qua vực đá chông chênh, từng khối đá trở thành điểm tựa cho bạn giữ thăng bằng, càng vào sâu bên trong càng hấp dẫn, cuốn hút du khách lạ thường. Vượt qua hơn nửa chặng đường sẽ có nhiều ngã rẽ, du khách có thể tự đi theo ý thích, tìm nơi nghỉ chân giây lát rồi tiếp tục cuộc thám hiểm. Người thì say mê chiêm ngưỡng dòng thác, kẻ thì len lỏi vào từng hang động ẩn sâu trong vách đá cheo leo.
    Dưới chân thác là dòng suối uốn lượn chảy quanh những mô đá. Vừa hùng vỹ, vững chãi vừa dịu dàng quyến rũ, dòng thác này ẩn chứa nhiều huyền thoại. Nơi đây du khách có thể cắm trại dã ngoại ngày hè. Khi hoàng hôn buông xuống có thể đốt củi cùng sinh hoạt tập thể bên ánh lửa bập bùng, cất lên những bài ca bất hủ giữa đại ngàn để rồi trời về khuya lúc nào không ai hay biết.
  9. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Đảo Ngọc giữa biển Đông
    Côn Đảo gồm 16 hòn đảo nằm sừng sững ở vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, tạo nên thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của biển bạc, rừng vàng.
    Tàu Côn Đảo 09 nhổ neo lúc 17h ở cảng Cát Lở - Vũng Tàu, vượt qua 97 hải lý, đến 5h sáng hôm sau tàu cập bến Đầm - Côn Đảo nằm gọn trong vịnh Tây Nam, khá sâu và kín gió, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão.
    Trước ngày 1-5-1975, Côn Đảo là địa ngục trần gian, không có dân cư, chỉ có tù nhân và cai ngục. Sau ngày giải phóng, Côn Đảo là một đơn vị hành chính của Nhà nước Việt Nam. Côn Đảo - còn gọi là đảo Phú Hải - là hòn đảo lớn hình con gấu, nằm quay lưng vào đất liền, chân hướng ra Biển Đông với diện tích 51,52 cây số vuông và 15 hòn đảo lớn nhỏ bao bọc xung quanh như Hòn Tre, Hòn Ngọc, Hòn Bà, Hòn Trác...
    Nay Côn Đảo có địa bàn dân cư gồm 9 tổ tự quản với gần 960 hộ, trên 4500 nhân khẩu. Côn Đảo có khu di tích nhà tù, khu nghĩa trang Hàng Dương, khu công sở... Dãy biệt thự trước đây dành cho các sĩ quan và công chức cấp cao trên đảo, nay đã được đầu tư cải tạo thành khu biệt thự phục vụ khách du lịch. Sang đầu thế kỷ XXI, đời sống văn hóa xã hội của người Côn Đảo đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2002, có 8/9 khu dân cư đạt danh hiệu ?okhu dân cư tự quản văn hóa?, 100% hộ dân đạt danh hiệu ?ogia đình văn hóa?, 100% hộ dân có điện sinh hoạt và dùng nước sạch. Toàn huyện chỉ có 1,8% hộ nghèo.
    Vườn quốc gia Côn Đảo được Nhà nước phê duyệt công nhận từ năm 1993, bao gồm 15043 ha diện tích tự nhiên trên 14 hòn đảo, trong đó có 6043 ha rừng, 9000 ha mặt nước biển. Theo điều tra sơ bộ, vườn có 650 loài động thực vật cao, 160 loài cá biển, 84 loài rong biển. Hệ rừng sinh thái Côn Đảo là hình ảnh thu nhỏ của rừng Việt Nam. Đây chính là tiềm năng du lịch với nhiều loại hình kết hợp, tham quan nghỉ dưỡng rất lý thú và hấp dẫn.
    Đến với Côn Đảo, du khách không chỉ đến với khu di tích nhà tù cách mạng mà còn đến với môi trường sinh thái sạch. Côn Đảo không có tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút... Tại thị trấn Côn Đảo chỉ có những quán bán đặc sản biển chứ không có đặc sản thú rừng, mặc dù thú rừng ở đây rất nhiều. Người dân Côn Đảo có ý thức bảo vệ môi trường rất cao.
    Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt, tuyệt nhiên không có nạn săn bắn thú rừng mà chỉ có những bãi tắm tuyệt đẹp, cát trắng mịn, nước trong vắt... với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Sau gần 30 năm được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Côn Đảo đã vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng nơi đây thành ?ohòn đảo ngọc? ở phía Đông Nam của Tổ quốc. Giờ đây đường sá ở Côn Đảo đã được nhựa hóa từ Bến Đầm về, từ sân bay Cỏ ống tới, giao thông thật thoáng đãng.
    Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết: Năm 2002, bằng ngân sách địa phương, huyện đã đầu tư 2.708 triệu đồng nâng cấp đường nội thị, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh đô thị và công viên cây xanh, do vậy đã thu hút được du khách đến thăm Côn Đảo đông hơn. Đặc biệt, từ khi cảng Bến Đầm đưa vào phục vụ, lượng hành khách và hàng hóa ra đảo ngày một tăng. Riêng trong quí I-2003 đã vận chuyển được gần 5000 lượt hành khách. Tàu Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10 liên tục vận chuyển hành khách ra vào đảo.
    Trước ngày giải phóng, sân bay Cỏ ống có thể tiếp nhận cả máy bay C130, nay đường băng xuống cấp, sân bay thành sân phơi lúa. Chỉ có máy bay lên thẳng từ TP HCM và Vũng Tàu với tuần 3 chuyến nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách đến thăm Côn Đảo. Vì vậy việc nâng cấp sân bay Cỏ ống và mở đường bay TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo là vấn đề cấp bách hiện nay.
    Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng cục Hàng không dân dụng và Bộ Quốc phòng nghiên cứu dự án nâng cấp sân bay Cỏ ống trên cơ sở Quyết định số 535/TTg ngày 15-7-1997. Vậy mà 6 năm đã trôi qua, người dân Côn Đảo cứ chờ từng ngày những chuyến bay của Hàng không Việt Nam đáp xuống sân bay Cỏ ống. Hy vọng một ngày gần đây, những cánh bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam sẽ giúp cho Côn Đảo cất cánh ở thế kỷ XXI.
  10. vietgreat

    vietgreat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/09/2005
    Bài viết:
    1.440
    Đã được thích:
    0
    Đi thăm Hòa Bình
    Sức hấp dẫn du khách của Hoà Bình, một vùng đất đa dân tộc, là giá trị nhân văn đa dạng, phong phú của cộng đồng cư dân gồm 6 dân tộc chính (Mường, Kinh, Thái, Dao, Tày, H''mông) với hơn 30 sắc tộc.
    Hòa Bình có 9 huyện là Ðà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạch Thủy, Yên Thủy và thị xã Hoà Bình.
    Sáu kiểu nhà ở, sáu kiểu làng bản, sáu loại y sắc phục, sáu ngôn ngữ, sáu nền văn học dân gian, sáu hệ thống lễ hội sẽ được chi tiết hóa thêm bởi 30 sắc tộc.
    Du khách sẽ được thưởng thức món ăn dân tộc, đặc sản cơm lam, thịt nướng rượu cần và xem các tiết mục cồng, chiêng, trống đồng, hát ví Mường, hát khắp Thái, hòa nhập vào đêm Hội xòe, ngủ nhà sàn dân tộc, mua hàng dệt thổ cẩm và các lâm thổ sản quý...
    Những bản Thái cổ, bản láp của đồng bào Dao... Ðịa hình đồi núi trùng điệp với các động Thác Bờ, hang Rết, động Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm leo núi, đổ bộ, săn bắn, tắm suối.
    Sức người và thiên nhiên đã tạo cho Hòa Bình một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ và ven hồ có đầy đủ vịnh, đảo và bán đảo mà ở đó động thực vật quý hiếm được bảo tồn; thấp thoáng các bản Mường, bản Dao,bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.
    Nói đến tài nguyên thiên nhiên của Hoà Bình không thể quên nhắc đến những bãi tắm đẹp bên hồ sông Ðà và suối nước khoáng Kim Bôi đích thực là chén thuốc vàng phục hồi sức khoẻ cho du khách.

Chia sẻ trang này