1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giới thiệu du lịch, đặc sản Quảng Ngãi

Chủ đề trong 'Quảng Ngãi' bởi thienansongtra, 07/01/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Chạch lấu nướng và chạch lấu nấu lá dang ​
    Chạch lấu là loại cá nước ngọt. Ở các dòng sông thuộc các huyện vùng cao tỉnh ta, như: Sông Liêng, sông Re, sông Rin, sông Xà Lò, sông Trà Bồng, sông Ngang (thượng nguồn của sông Trà Câu)? đều có loại cá này và đây cũng là một trong những loại cá ngon, không thua kém gì cá chình, cá niêng?

    Cá chạch lấu có lối sống và sinh hoạt khá riêng biệt, không giống như các loại cá khác. Cá chạch lấu thường sống cô độc, lặng lẽ một mình ở tận đáy những vực nước sâu, nước đứng, chứ không chảy xiết. Cá chạch lấu có thân hình dẹp, miệng nhọn tựa mũi tên, trên sống lưng có rất nhiều gai nhọn, rất sắc. Cá chạch lấu có nhiều cỡ khác nhau. Có con to cỡ bằng 3 ngón tay, chiều dài gần 2 gang tay người lớn. Cũng như cá chình, chạch lấu cũng được chia làm 2 loại, dù hình dạng của nó giống nhau, đó là chạch lấu mun và chạch lấu hoa. Chạch lấu mun là những con cá có màu đen, còn chạch lấu hoa là những con cá có màu sáng và đôi chỗ trên da của nó có vài vùng màu xanh đậm hơn, giống như một thứ hoa văn của tạo hoá. Cá chạch lấu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau; nhưng có hai món "độc chiêu" từ loại cá này, là món nướng và món nấu lá dang. Cách chế biến hai món này đều khá đơn giản, không phải cầu kỳ lắm. Với món nướng, bạn đem cá móc bỏ ruột, rửa sạch, để nguyên con để lên bếp than và trở đều cho đến khi cá chín, ăn với muối sống giã nhuyễn với ớt xanh. Cách nướng thứ hai là bạn đưa cá lên bếp than nóng hơ cho thật ráo nước, sau đó đem cá lùi vào tro nóng (gọi là nướng trui) cho đến chín và cũng ăn với muối ớt. Đối với món nướng, dù kiểu nào cũng xin lưu ý với bạn là không được cắt cá ra thành từng khúc, dù cá to cũng phải để nguyên mà nướng. Không hiểu sao, loại cá này khi cắt ra thành từng khúc đem nướng thì mùi vị lại mất ngon. Hai kiểu nướng nói trên, mỗi kiểu có một vị ngon khác nhau. Kiểu nướng trên than lửa, cá được rám vàng, chảy mỡ. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của cá; vị béo, giòn của mỡ và da cá. Còn kiểu nướng trui, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được cá có vị vừa béo, vừa ngọt thanh; còn phần thịt của con cá ở phía trong vừa bùi, vừa thơm. Ăn cá chạch lấu nướng là phải ăn trong khi cá còn nóng hổi mới thưởng thức được vị ngon của nó; còn ăn khi cá đã nguội, thì trở nên mất ngon và cá chạch lấu trở thành bình thường như bao loài cá khác. Đối với món chạch lấu nấu lá dang, bạn đem cá rửa sạch, cắt thành từng khúc, phi thơm dầu ăn, bỏ cá vào đảo đều và đổ nước vào nấu cho đến khi cá chín. Khi kiểm tra thấy cá chín, bạn bỏ lá dang vào cho nước sôi vài dạo, giã ớt xanh bỏ vào cùng với gia vị là muối sống và bột ngọt. Thế là bạn đã có được một nồi canh cá chạch lấu nấu với lá dang. Chế biến thì đơn giản như vậy, nhưng khi ăn thì bạn mới cảm nhận được cái ngon của món này. Lúc này, cơ quan vị giác của bạn sẽ tiếp nhận được nhiều hương vị thơm ngon tổng hợp và cũng rất đặc trưng của cá chạch lấu. Cùng với vị ngọt, mềm của cá, đã cho bạn cảm giác ngon; nhưng chưa phải, chính nồi nước mới là thứ ngon nhất trong nồi canh cá chạch lấu nấu lá dang. Ở đó, có hương thơm nồng và thoáng chút vị cay của ớt xanh; ở đó có vị béo của dầu, vị chua của nước từ lá dang ngấm ra? Thỉnh thoảng bạn dùng đũa gắp vài lá dang bỏ vào miệng nhai thì đầu lưỡi của bạn sẽ cảm nhận thêm vị chát từ loại rau rừng độc đáo này, sau khi bản thân nó đã góp hết vị chua vào nồi canh cá. Chắc chắn khi ấy, bạn vừa nhai lá dang, vừa húp nồi nước này đến căng bụng mà vẫn không biết chán.

    Trong xu hướng ẩm thực hiện nay, có rất nhiều người đang tìm về lối ẩm thực bình dân, ăn những món ăn truyền thống, những món ăn mang tính đặc trưng của từng địa phương? do đó mà những món ăn đặc sản cần phải được khai thác mạnh hơn nữa, để vừa thưởng thức, vừa bổ sung ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn vào kho tàng ẩm thực của dân tộc. Tin rằng các món được chế biến từ cá chạch lấu sẽ có giá trị đặc biệt đối với khách thập phương.
  2. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Lang thang và lang thang nhưng tình cờ thấy cái link này. Nếu ai muốn tìm hiểu thật kỷ về Quảng Ngãi thì các bạn có thể vào đây.
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A3ng_Ng%C3%A3i

  3. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Một ''''thương hiệu'''' trong bạn, trong tôi​
    Nếu như người K''dong ở Sơn Tây nổi tiếng với cây cau, người Kor ở Trà Bồng và Tây Trà với cây quế truyền thống, thì người H''re ở huyện miền núi Minh Long từ lâu cũng sống gắn bó với cây chè. Có dịp về với buôn làng dân tộc H''re Minh Long, nghe nhạc chinh ba, vinh vụt, uống bát nước chè xanh đậm đà hương vị và thấm đẫm tình đất và người ở đây, sẽ cảm nhận và yêu hơn vùng quê có cây chè xanh nổi tiếng này.

    Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, từ lâu, cây chè đã thích nghi và phát triển rất tốt trên đất Minh Long. Ngày xưa và ngay cả bây giờ, cây chè ở đây phát triển xanh tốt tự nhiên mà hầu như không cần nhiều phân, thuốc. Nhiều người khẳng định rằng, chè xanh Minh Long thật sự là chè sạch trăm phần trăm. Tìm hiểu về lịch sử cây chè ở Minh Long, các cụ già người H''re cho biết, cây chè du nhập vào vùng đất này đã ngót trên trăm năm. Và cũng gần với khoảng thời gian như thế, trồng chè đã trở thành một nghề ở huyện miền núi này.

    Gắn với nghề trồng chè là giao thương hàng hoá - một hình thức làm ăn mới mẻ so với kinh tế tự cung tự cấp truyền thống của người H''re ở Minh Long. Trồng chè, hái chè mang đi bán, trao đổi lấy những vật dụng cần thiết dần trở nên phổ biến. Trong lời những câu hát dân gian ngày xưa nói về giao lưu hàng hoá giữa miền ngược với miền xuôi còn lưu lại, sản vật truyền thống ở huyện miền núi Minh Long gửi xuống đồng bằng ngoài mây, mít và các loại lâm, thổ sản khác thì không thể thiếu chè xanh. Bà Đinh Thị Trang - người dân tộc H''re có truyền thống trồng chè lâu đời ở huyện Minh Long cho biết: Cây chè đã giúp người dân đổi được ché, chinh, trâu - những hiện vật rất có giá trị trong đời sống của người H''re. Chính vì thế, trên khắp núi rừng và bên vườn nhà người dân ngày xưa đều trồng chè. Chè Minh Long được khắp các vùng, miền trong tỉnh tin dùng.

    Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ chống xâm lược trước đây, từ bó chè xanh, đồng bào H''re Minh Long đổi thành gạo, thành thuốc men, góp phần cho kháng chiến. Và bát nước chè xanh đậm đà, thơm thảo như tấm lòng của các bà, các mẹ, các chị em gái dân tộc H''re đã tiếp sức cho những đoàn quân Bộ đội ***** tiến lên phía trước đánh đuổi quân thù, giành độc lập tự do cho dân tộc. Trải qua thời gian, nghề trồng chè đã khẳng định được vị thế kinh tế. Và hơn thế nữa, mời uống nước chè xanh khi khách đến thăm nhà đã là nếp sinh hoạt thân quen, trở thành nét đẹp văn hoá chẳng những với người H''re ở Minh Long mà còn với nhiều người dân ở các vùng miền trong tỉnh.

    Những năm trước, với mong muốn biến chè Minh Long trở thành một trong những nhãn hiệu chè nổi tiếng trên thị trường, đã có nhiều dự án đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để chế biến chè, nhưng hầu hết đều thất bại. Nếu như mọi nỗ lực nhằm chế biến chè Minh Long thành những sản phẩm chè công nghiệp đều thất bại, thì bó chè xanh mộc mạc truyền thống vẫn cứ tồn tại mạnh mẽ và ngày càng có nhiều người dân khắp nơi ưa dùng. Vài năm gần đây, với xu thế hội nhập và phát triển, tài nguyên đất đai ở huyện Minh Long đứng trước nhiều cơ hội lựa chọn, với nhiều loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, diện tích cây chè giảm xuống. Mặc dù vậy, với giá bán chè trên thị trường luôn ổn định, thời điểm hiện nay 1 ha chè cho thu nhập bình quân trên 12 triệu đồng mỗi năm, nên người dân vẫn sống gắn bó với cây chè truyền thống. Điều đáng nói là cây chè cho thu nhập đều đặn quanh năm. Đây là nguồn thu nhập rất cần thiết để người dân trang trải cuộc sống gia đình. Chị Đinh Thị Lơ - người dân tộc H''re ở thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp trồng 1 ha chè, từ vườn chè này, gia đình chị thu nhập bình quân mỗi ngày từ 30.000 - 50.000 đồng. Chị Đinh Thị Lơ cho biết: "Có cây chè để bán, mua được muối, mắm, nuôi con ăn học, đỡ lắm". Chính vì vậy mà nhà chị và nhiều người dân ở đây vẫn trung thành với cây chè.

    Bát nước nấu từ bó chè xanh mộc mạc, đơn sơ, nhưng hàm chứa trong đó sự tinh khiết của đất, trời và tấm lòng của người dân H''re ở huyện miền núi Minh Long. Có lẽ vì thế mà chẳng cần phải tốn nhiều công sức để chế biến gì thêm, vậy mà cái "thương hiệu" chè xanh Minh Long đã ăn đậm trong bạn, trong tôi từ lâu rồi.
    Được hoaphan sửa chữa / chuyển vào 13:38 ngày 18/03/2007
  4. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Bánh mứt Phổ Khánh ​
    Cứ mỗi độ xuân về, tết đến - bắt đầu từ giữa tháng Chạp - làng quê Phổ Khánh (Đức Phổ) lại rộn rã tiếng chày đóng bánh mứt lách cách đến tận đêm khuya. Xin được giải thích ngay rằng: Bánh mứt ở đây là danh từ riêng để chỉ một loại bánh có tên là bánh mứt, chứ không phải bánh, mứt nói chung. Bởi thế có người hay gọi vui là "bánh túp-lô" bởi nó trông giống như viên đá túp-lô hay như viên gạch thẻ vậy!

    Đối với người nông dân xã Phổ Khánh, từ bao đời nay thì chiếc bánh mứt không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày tết. Nhà khá giả, đông người thì mỗi cái tết đóng cả thiên bánh (tức một nghìn chiếc), trung bình thì vài trăm. Nhà nghèo mấy thì cũng tìm mọi cách đóng cho được vài ba chục bánh mứt để cúng tổ tiên, ông bà.
    Làm bánh mứt không khó, nhưng đòi hỏi sự tinh tế và tốn khá nhiều thời gian chuẩn bị. Nguyên liệu chủ yếu để đóng bánh mứt là gạo nếp. Phải chọn loại nếp ngon mùa tháng 3, đem chấy cho ngả sang màu vàng, bốc mùi thơm, cho vào cối đá xay thành bột mịn lúc hạt gạo nếp còn nóng. Những năm gần đây nhờ có máy móc hiện đại nên công đoạn xay này đỡ tốn thời gian hơn nhiều, bột cũng mịn hơn. Nhân bánh được làm từ đậu phụng, mè, cũng rang cho vàng, pha bát nước gừng rồi sên với đường hạ. Bột nếp sau khi lấy sương một đêm cho dịu thì trộn với đường cát trắng đã sên, thêm một ít bột quế, vani cho thêm mùi thơm. Khuôn bánh mứt được làm bằng gỗ tốt để chịu lực đóng của chày và sử dụng được nhiều năm. Khi nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn sàng thì cho bột vào khuôn. Một lớp bột nếp, đến một lớp nhân, tiếp một lớp bột nếp phía trên. Dùng chày đóng cho bột ép lại thành chiếc bánh mứt hình khối chữ nhật, kích cỡ như bao thuốc lá. Bánh đóng xong đem sấy trên than hồng cho cứng, sau đó phong lại bằng giấy màu cho đẹp. Những chiếc bánh mứt được làm xong trước ngày 23 tháng Chạp để kịp cúng đưa ông Táo về trời, rồi cúng tất niên, cúng giao thừa. Sáng mùng 1 tết, những chiếc bánh mứt xinh xắn đủ màu sắc được gia chủ trang trọng xếp lên bàn thờ tổ tiên như thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu để đối với các bậc tiền nhân.
    Trong quả bánh mà gia chủ đem ra mời khách trong những ngày tết, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay vài chiếc bánh mứt. Nhắp chén trà, ăn miếng bánh mứt giòn tan, vị ngọt đậm đà pha chút beo béo hoà quyện mùi hương thơm thoang thoảng cùng với câu chuyện vui đầu xuân mới thấy chiếc bánh mứt thật sự ngon và khác biệt. Điều khá thú vị nữa là sau những ngày tết, khi các loại bánh khác đều hết thì chiếc bánh mứt vẫn được người dân để dành mãi đến tháng Hai, tháng Ba, thậm chí đến Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng Năm. Nông dân ra đồng dặm lúa, thu hoạch mì, lang, đem theo chiếc bánh mứt ăn lót dạ giữa buổi vừa tiện, vừa xua đi cái mệt nhọc của công việc đồng áng.
    Trải qua thời gian, với bao biến cố của lịch sử, chiếc bánh mứt đơn sơ, mộc mạc, mang đậm hồn quê vẫn được người dân xã Phổ Khánh giữ gìn như một nét văn hoá riêng trong ngày tết.
  5. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Hương vị của rừng ​
    Rượu đoát được làm từ nước tiết ra của cây đoát rừng theo cách chế biến dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, là thức uống đặc sản, rất thơm, ngon và bổ dưỡng, chỉ có ở vùng núi cao Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Nếu may mắn trong đời được một lần thưởng thức cái hương vị độc đáo này, chắc rằng sẽ đọng lại những cảm xúc khó phai.

    Đoát là loại cây to, cao, mọc hoang dã trong rừng. Từ lâu cây đoát đã gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc Kor ở hai huyện miền núi Trà Bồng và Tây Trà. Lá đoát dùng để lợp nhà, làm chòi canh rẫy rất tiện lợi, nhưng đặc biệt hơn, từ cây đoát, đồng bào còn biết khai thác, chế biến thành rượu đoát - một thứ nước uống rất ngon, bổ dưỡng và là một đặc sản của núi rừng. Gắn bó với con người như vậy, nên mặc dù mọc hoang dã trong rừng, tưởng như vô chủ, nhưng thực ra cây đoát vẫn được sở hữu theo cách rất đặc trưng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Dấu hiệu nhận biết cây đoát có chủ là cắm một cái que nhỏ vào gốc cây đoát.

    Mùa cây đoát ra hoa là mùa đồng bào dân tộc Kor đi khai thác rượu đoát. Cây đoát ra hoa vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Đây cũng là thời điểm mà bà con đang phát rẫy làm nương, tranh thủ giờ nghỉ trưa đi tìm cây đoát. Hoa cây đoát giống như buồng hoa cây cau. Đến mùa ra hoa, cây đoát thường ra nhiều buồng hoa - cây nhiều 5 đến 7 buồng; cây ít cũng 3 buồng. Cây đoát càng cao, to, càng ra nhiều buồng hoa và vì thế sẽ lấy được nhiều rượu. Lấy được rượu đoát cũng là công việc lắm công phu, phải trèo đèo vượt suối vì cây đoát thường mọc ở nơi hiểm trở; đối với cây to, cao phải làm giàn. Người đi lấy rượu đoát phải đối phó với nhiều loại kiến, ong đến hút nước ngọt tiết ra từ cây đoát.

    Cách lấy rượu đoát truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Kor là cắt bỏ phần hoa, chừa lại phần cuống hoa dài khoảng 2 gang tay người lớn. Dùng dao đục lỗ vào cuống hoa, rải vôi quanh lỗ vừa đục và dùng bịch ni lông bịt kín để ủ. Sau ba ngày ủ như thế, có thể cắt lấy nước từ phần cuống hoa này. Điều đặc biệt là cây đoát tiết ra rất nhiều nước, có thể lấy được hai lần (vào sáng sớm và chiều tối) trong một ngày và kéo dài được nhiều ngày như vậy. Bình quân mỗi ngày, một cây đoát có thể cho khoảng 10 lít rượu, có cây cho trên 20 lít. Ngày xưa, bà con đồng bào dân tộc dùng ống lồ ô để hứng nước tiết ra từ cây đoát. Tuỳ theo lượng nước thu được nhiều hay ít, dùng ống lồ ô dài, ngắn khác nhau để chứa.

    Lấy rượu đoát có hai cách. Cách thứ nhất là khi cây đoát trổ hoa và làm như vừa nói ở trên. Đây là cách khai thác theo mùa, rất phổ biến, vừa lấy được nhiều rượu ngon, vừa bảo vệ được cây đoát để mùa năm sau còn tiếp tục khai thác. Cách thứ hai là không đợi đến mùa ra hoa, người ta đục thẳng vào thân cây đoát để lấy nước; cách này ít làm, vì nước không ngon, hơn nữa nếu đục thẳng vào thân, cây đoát sẽ chết.
    Rượu đoát ngon không chỉ vì hương vị, mà ngon còn vì tính cấu kết cộng đồng. Rượu đoát lấy về, không cất dùng riêng cho gia đình, mà đồng bào Kor mang ra mời bà con dân làng cùng chia sẻ cái ngon, cái ngọt của "Mẹ rừng" ban tặng. Chủ nhà rót rượu từ ống lồ ô ra bát, mời người già uống trước rồi đến lượt người trẻ, mọi người trong làng cùng uống với nhau vui vẻ. Tuỳ theo sở thích của mỗi người, mà có thể chọn cách uống - theo cách nói của người Kor là uống ngon, hoặc uống ngọt. Đối với người lớn, thường chọn cách uống ngon (tức là để nước đoát lên men - như một loại rượu nhẹ); đối với phụ nữ, trẻ em thì uống ngọt (nước đoát mới lấy). Hương vị rượu đoát gần giống với rượu cần, nhưng thơm ngon và rất bổ dưỡng, đã uống một lần thì khó quên.
    Cây đoát, rượu đoát có ở vùng Trà Bồng, Tây Trà, nhưng nhiều và phổ biến nhất là ở khu vực các xã Trà Xinh, Trà Thọ. Rượu đoát ngon, quý, hiếm và là đặc sản của núi rừng. Vài năm gần đây, hương vị độc đáo của nó đã được nhiều người dưới xuôi biết đến, lên tìm mua, nhưng đặc sản của rừng không có nhiều để bán. Vậy nên, có dịp về với buôn làng đồng bào miền núi, nếu may mắn gặp mùa đoát ra hoa, được thưởng thức cái hương vị đặc sản của "Mẹ rừng", chúng ta sẽ càng thêm quý, thêm yêu và trân trọng hơn về nguồn tài nguyên rừng, về những con người đôn hậu, luôn biết sống gắn bó với rừng.
  6. levantam20_11

    levantam20_11 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/11/2004
    Bài viết:
    539
    Đã được thích:
    0
    Hôm nay vào đọc trang web tỉnh thầy có đăng bài này giờ post lên đây .
    Nước mía chè hai
    Cây mía có từ rất lâu trên đất nước ta, là nguồn thực phẩm tạo vị ngọt cho đời. Trình độ khoa học ngày càng phát triển, kéo theo sự thay đổi công nghệ chế biến đường từ cây mía. Tuy vậy, trải qua hàng trăm năm tồn tại, việc chế biến đường kiểu thủ công với chòi mía, bộ che ép, lò nấu đường... đặc biệt hơn cả có lẽ là vị ngọt và mùi thơm của nước mía chè hai đã gắn liền với đời sống cư dân vùng trồng mía.

    Mía cây thu hoạch về cho vào che ép lấy nước rồi đưa vào lò nấu. Nước mía lúc đó theo cách gọi dân gian là nước chè. Lò nấu đường thường có bốn chảo, nếu tính theo ngược chiều kim đồng hồ đầu tiên là chảo luộc chè (chảo cửa lò), kế tiếp là chảo chè hai, rồi đến chảo lù (ngay cửa lù thông khói), cuối cùng là chảo mật. Người ta đun sôi nước mía trong chảo luộc, cho vào vài vá vôi tôi bột khô, vớt sạch bọt rồi múc lên thùng lóng chè hai. Đây là công đoạn lắng tạp chất theo cách lắng tự nhiên (lần lắng chính); vôi có tác dụng lớn trong quá trình này. Sau đó người ta mở nỏ thùng cho nước chè đã được lắng trong chảy xuống chảo chè hai và tiếp tục nấu để hơi nước bay đi, độ đường dần dần đậm đặc, gọi là nước chè hai già. Nước chè hai già được chuyển sang chảo lù, chảo mật và tiếp tục cô đặc độ đường; đồng thời nhường chảo chè hai cho lần luộc chè tiếp theo. Khi nước mía được cô đến độ mật, thợ nấu đường múc nó vào thùng lóng mật để lắng tạp chất lần cuối (lần lắng phụ); đợi ngày hôm sau tiếp tục khâu nấu thành đường rồi cho vào muỗng, vại, chén...
    Mùa ép mía thủ công chính ở Quảng Ngãi kéo dài từ đầu tháng giêng đến cuối tháng tư âm lịch; là mùa gió nồm thổi ngọt mang theo mùi thơm mía đường toả ra từ lò nấu, bay xa hàng cây số. Mùi thơm này chủ yếu ở công đoạn nấu chè hai thành mật. Nó không phải là mùi của mía hay của đường, mà nó là mùi của hỗn hợp nước mía và vôi được nấu sôi, cô đặc. Khó có thể diễn tả mùi thơm đó như thế nào; chỉ có những ai đã từng biết đến thì sẽ dễ dàng cảm nhận.
    Trời tháng ba tuy nắng chưa gay gắt lắm, nhưng đủ làm cho khách đường xa thấm mệt; hoặc những ai đang lao động trên đồng cũng phải có phút nghỉ ngơi. Nếu bạn ghé vào chòi mía nghỉ mát và trò chuyện với người dân quê, bao giờ bạn cũng được mời uống nước chè hai. Dụng cụ uống không phải là bát sứ sang trọng, mà là vỏ quả bòng tây hoặc vỏ sọ dừa phơi khô. Mùi thơm thơm, nồng nồng của vôi, vị ngọt vừa vừa thanh thanh của nước mía nấu sôi, khiến bạn cứ muốn uống thêm. Nếu bạn không biết chừng uống nhiều sẽ bị say nước chè hai, kiểu say làm người ngây ngây; không sao cả, hãy nằm nghỉ chốc lát sẽ khoẻ lại. Bọn trẻ nhỏ đi học về, trưa nắng, bụng đói vẫn hay vào chòi mía xin nước chè hai uống, có đứa uống nhiều đến say bỏ cả cơm trưa.
    Người dân sinh sống ở những nơi có dựng chòi ép mía thì nước chè hai như đã thấm vào máu thịt họ. Còn khách phương xa nếu có lần đến tham quan cách sản xuất đường thủ công và uống nước chè hai thì hương vị này sẽ vấn vương lòng khách. Để rồi ở bất cứ đâu, lúc giữa buổi sáng, ban trưa hay xế chiều, khi ngọn gió đồng đem đến cho bạn mùi hương cây trái, thì mùi nước mía chè hai dễ cảm nhận nhất. Và còn chưa kể đến những chuyện tình đôi lứa thơm hương mía mãi lưu luyến lòng người đi xa, khiến họ không thể nào quên nhau được!
    Công nghiệp sản xuất đường ngày càng phát triển, nghề sản xuất đường thủ công ở Quảng Ngãi giảm dần, tới mức hầu như không còn nữa. Những bộ che ép được chuyển vùng sản xuất rồi thành phế phẩm. Chảo nấu đường được các gia đình sử dụng vào việc khác. Kỹ thuật sản xuất đường nhà máy khá cao, lấy được gần hết lượng đường trong cây mía, thành phẩm hơn hẳn đường thủ công cổ truyền. Cây mía cũng được quy hoạch thành vùng chuyên canh. Nghề trồng mía có nhiều thay đổi. Giá cả đường có lúc lên, lúc xuống. Công nghệ sản xuất đường nước ta phải cạnh tranh với thế giới để giữ thị trường tiêu thụ. Nghề làm đường thủ công từ xưa của ông cha không thể tồn tại được. Thế nhưng mùa ép mía ở nông thôn, hương chè hai có mùi thơm đặc biệt, vị chè hai ngọt ngọt, thanh thanh, sao cứ đọng mãi trong đời những ai đã từng biết nó như hương vị quê nhà!
    Theo Quangngai.gov.vn
    Tới lể 30-4 và 1-5 có người thân về quê bắt đêm vào cái gì ngon ngon hay hay mới được.

  7. minhthanh79

    minhthanh79 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    25/12/2001
    Bài viết:
    670
    Đã được thích:
    0
    Tuyệt vời Quảng Ngãi.
    Nhân dịp 30-04 vừa rồi, tui được một người bạn mời về thăm Quảng Ngãi, đây không phải là lần đầu tiên về Quảng Ngãi nhưng lần này tui thấy khác hẵn. Những lần trước tui chỉ được ghé QNg tý chút nhân dịp đi công tác chứ chưa được đi chơi với QNg, lần này sẽ được đi tham quan QNg thực sự.
    Sau chuyến đi thăm Núi Ấn, Sông Trà, biển Mỹ Khê, sáng hôm sau bọn này được lên tàu ra Đảo Lý Sơn. Do về cảng muộn nên được đi bằng tàu gỗ, sau khoảng 2h lênh đênh trên biển thì tới Lý Sơn. Người Lý Sơn chân tình & mến khách tuyệt vời. Anh Tr đón cả đoàn ngay tại cảng Lý Sơn. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng: nhà trọ, xe đưa đón... Sau khi ăn trưa, một chiếc xe tải nhỏ được điều đến và... chưa bao giờ tui được đi du lịch bằng kiểu này: cho ghế nhựa lên thùng xe tải và alê hấp, GO. Chùa Hang, đình làng, bãi Đen... xe cứ bon bon qua những đồng ngô, đồng hành (mùa này người ta không trồng tỏi). Đến khi ăn tối chúng tôi lại được gặp một số đoàn khác và giao lưu là không thể thiếu.
    Sau một đêm sống trên đảo với món ốc cừ vừa giòn vừa ngon, vơi rượu cần được mang từ Tây Nguyên xuống, chúng tôi vào đất liền bằng tàu cao tốc. Trên bến tàu Lý Sơn là một biển người, tui tưởng tượng như ngày xưa quân Mỹ Nguỵ rút khỏi Việt Nam ấy, người đâu mà đông quá trời. Thế rồi cả bọn cũng lên được tàu sau một hồi chạy tới chạy lui. Hơn một tiếng sau là đặt chân đến cảng Sa Kỳ rồi, vui nhưng mà mệt quá chừng.
    Cám ơn Quảng Ngãi, cám ơn các bạn Quảng Ngãi đã cho chúng tôi một chuyến đi nhiều kỷ niệm. Hẹn gặp lại.
    Được minhthanh79 sửa chữa / chuyển vào 09:36 ngày 05/05/2007
  8. guruvietnam

    guruvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/04/2007
    Bài viết:
    449
    Đã được thích:
    0
    Đặc sản Quảng Ngãi giữa lòng Sài Gòn,chắc nhiều anh chị và một số bạn đã biết nhưng cũng post lên cho ai chưa biết thì đến thưởng thức nhé.
    QUÁN DON
    a. 132 Hồ Bá Kiện Q.10 Đi từ CMT8 rẽ Tô Hiến Thành, chạy qua nhà thờ rẽ phải (đường đi ra công viên Lê Thị Riêng) Quán bình dân, nhỏ bé. Con Don là một loài hến nhỏ tí, chỉ có ở bãi bồi sông Trà khúc, Quảng Ngãi
    b. 61A Bình Giã Q.Tân Bình . Đi CMT8 qua Ngã Tư 7 Hiền khoảng 1,5km .Đường nằm phía bên tay phải. Con đường có rất nhiều quán nghêu sò ốc hến , Quán Don ở cuối đường
  9. guruvietnam

    guruvietnam Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/04/2007
    Bài viết:
    449
    Đã được thích:
    0
    Đặc sản Sa Huỳnh thời hội nhập
    Ai từng đi dọc bãi biển Sa Huỳnh, nâng cốc nghe tiếng sóng, dang tay đón gió biển, ngắm biển trời giao hoà, thưởng thức tôm, cua, cá? thì vẫn chưa phải đã khám phá hết những nét riêng chỉ có ở nơi đây. Trong những năm gần đây, Sa Huỳnh thêm nổi danh với các loại đặc sản xuất xứ từ muôn nẻo của đại dương, được ngư dân sưu tầm đưa về đây buôn bán. Đặc sản này phục vụ cho khách ta có, Tây có. Đó là các loại cá ngựa khô, cá ngựa tươi, hải long (đánh bắt tại vùng biển nước sâu).
    Ngoài ra còn có các loại đẳng biển, bào ngư, ốc kèn? Tại đại lý Kim Mỹ Hoà nằm ở trung tâm Sa Huỳnh, chủ đại lý giới thiệu với mấy ông khách người Hà Nội sưu tầm "hàng độc", loại cá ngựa vàng In-đô-nê-sia dài khoảng 30cm, được chào hàng với giá 1 triệu đồng, loại nhỏ giá hơn 700 ngàn đồng. Đó là những món hàng khách Tây ví như viagra thiên nhiên, vì vậy dù giá cao nhưng luôn đắt đỏ và khan hiếm. Khách ta thì đối với người chịu chơi mới dám bỏ tiền mua một cặp về ngâm rượu uống để mong bổ ngang, bổ dọc mà vùng vẫy. Giá cá ngựa sống hiện nay là 1,2 triệu đồng/kg (khoảng 40 con), cá khô là 3 triệu đồng/kg. Trước đây người tiêu dùng chỉ xài cá khô, nhưng rồi lo cá dởm đã bị dân bợm nhậu vớt trong hũ rượu sau khi đánh chén no say ra bán lại, trong khi việc phân biệt cá đã ngâm rượu rất khó. Vì vậy cá ngựa sống có vẻ được khách hàng tin, chuộng hơn.
    Đứng kế sau cá ngựa là đẳng biển. Tiêu chuẩn phải là đẳng kim loại đầu nhỏ như đầu đũa, đuôi to hơn đầu. Nếu ham đẳng kim có thân hình to, trông đẹp mắt thì không giá trị. Vì đẳng kim cực độc, theo tài liệu nghiên cứu thì gấp 40 lần rắn hổ mang trên bờ. Một thời dân biển lão luyện thấy nó phải lè lưỡi lắc đầu ?olạy ông đừng chui vào lưới? rồi kéo ga chạy. Nhưng bây giờ thì ngược lại, nó phải lè lưỡi nằm trong hũ rượu. Khoảng sáu con đẳng kim cộng với vài con sao biển, cá ngựa, hũ rượu đã có giá 800.000-1,2 triệu đồng. Dân sành hàng kháo nhau tác dụng chống nhức mỏi như thần. Vì vậy hai món này đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng số một, thị trường chạy ngược ra các tỉnh phía Bắc. Tại Sa Huỳnh có trên 30 cửa hàng bán đặc sản này, tiêu thụ vài chục kilôgam cá ngựa một ngày.
    Món ốc kèn tưởng chừng chỉ để luộc chấm muối tiêu, nhưng đây là hàng có giá trị, được dân quen dùng truyền miệng "chống được bệnh đau lưng, nhức mỏi", giá 500 ngàn đồng đối với loại ốc kèn nặng 1 kg trở lên. Ngoài các khoái khẩu về rượu còn phải kể đến các gian hàng mực khô, cá lịch, cá bò da, cá chỉ vàng, cá cơm tẩm, ruốc khô, mắm Sa Huỳnh? được sản xuất tại các trại chế biến thuỷ sản Sa Huỳnh, với mẫu mã bắt mắt và chất lượng ngon, tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ, tạo sự đa dạng các mặt hàng thuỷ sản ở đầu ra.
    Đại lý Kim Mỹ Hoà là một trong những đại lý đầu tiên mở bán thành công các mặt hàng này. Sau đó do nhu cầu khách đến Sa Huỳnh săn hàng này tăng lên nên kéo theo hàng loạt đại lý khác nằm ở dọc đường ra đời. Xe khách dừng nghỉ ở Sa Huỳnh dễ bắt gặp hàng chục người bán hàng rong chào bán sản phẩm này, nhưng mua tại các đại lý có uy tín vẫn được khách hàng lựa chọn.
    Trong cuộc sống hiện tại, khi cái no, cái ấm đã tạm đủ thì nhu cầu tìm hàng hiếm, bổ lục phủ ngũ tạng cũng là đòi hỏi không kém phần dồn dập. Vì vậy, những sản phẩm bình dân này đã nhanh chóng trở thành đặc sản có giá trị trong con mắt người tiêu dùng. Địa danh Sa Huỳnh ngoài biển trời giao hoà, còn cuốn hút khách xa gần bởi món quà nức tiếng từ biển cả.
    Lê Văn Chương

    Quảng Ngãi mình nhiều món đăc sản nghe giá trị chưa !
    Được Guruvietnam sửa chữa / chuyển vào 17:38 ngày 06/05/2007
  10. tast

    tast Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/11/2005
    Bài viết:
    1.365
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bạn đã có lời khen
    Hôm trước cũng đọc một bài báo về đảo Lý Sơn, nghe nói giờ cũng đã có tour du lịch ra đó rồi.
    Nhớ hồi lâu cũng có đi một lần rồi, ra đó còn hoang sơ rất thích, có điều hồi đó đi tàu mệt quá, say ơi là say. Mai mốt có dịp về QN sẽ đi lại, giờ có tàu cao tốc rồi.
    ---------------
    [​IMG]
    Du khách đến đảo Lý Sơn
    TTO - Ngày 28-4, hàng trăm du khách từ các thành phố: Đà Nẵng, TP.HCM, Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi? đã đến tham quan huyện đảo Lý Sơn nhân dịp khai trương tuyến du lịch Quảng Ngãi - Lý Sơn.
    Chỉ mất 45 phút bằng phương tiện tàu cao tốc, từ cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), du khách có thể đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn. Tại huyện đảo, du khách có thể thuê xe máy với giá rẻ đi tham quan vòng quanh đảo các danh lam thắng cảnh, di lích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Quần thể đình làng An Hải, Chùa Hang và những cảnh đẹp khác như: Chùa Đục, hòn Tai, hòn Vung, đảo Mù Cu, chinh phục đỉnh núi Giếng Tiền?
    Sau khi đi tham quan, du khách xem lễ hội đua thuyền truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản biển, mua tỏi thơm đặc biệt, ốc đẹp Lý Sơn? làm quà lưu niệm cho bạn bè, người thân.
    - Báo Tuổi Trẻ -

Chia sẻ trang này