1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giới thiệu du lịch, đặc sản Quảng Ngãi

Chủ đề trong 'Quảng Ngãi' bởi thienansongtra, 07/01/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Cá thài bai sông Trà​
    Cá thài bai nhỏ xíu, chỉ bằng đầu đũa, thân hình giống hệt con cá bống. Giống "cá kim" này có hai loại, một loại có mầu trắng tinh từ đầu đến đuôi, loại kia toàn thân cũng là mầu trắng, chỉ khác phía trên sống lưng có một vệt đỏ sẫm. Cả hai loại đều sinh sôi nhiều ở cuối sông Trà (thuộc vùng Khuê Nam - xã Tịnh Khê, Sơn Tịnh) và chỉ rộ vào những tháng của mùa xuân, tức từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Còn các mùa khác trong năm không thấy xuất hiện. Chúng đi thành từng đàn, ngày đi đêm nghỉ, tìm tới chỗ có cồn cát, nước nông và trong để ngủ. Vào mùa xuân, nước sông Trà xanh như ngọc. Dùng thuyền nhỏ lướt nhẹ hoặc đứng ẩn nấp kín đáo chỗ nào đó trên bờ, rồi dõi mắt xuống dòng nước trong xanh, ta sẽ bắt gặp những đàn cá thài bai chuyển động. Ðàn cá đẹp tựa như dải lụa trắng, đỏ mịn màng. Biết rõ đặc tính và "đường đi nước bước" của loài cá này, nhà chài đã dẫn dụ bằng cách be cát lại thành tuyến dài, rồi đặt chiếc đó thật dày (làm bằng nan tre, mỏng và chắc) ở ngay đầu con nước. Anh em nhà cá mắc bẫy nối đuôi nhau chui hết vào trong đó, nhiều khi đầy nghẹt, phải đợi trút cá ra thúng, mủng, rồi lại đơm tiếp.
    Cá thài bai thuộc loại đặc sản quý hiếm. Mỗi cân cá dao động khoảng từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng đắt hơn cá bống (sông Trà). Tuy đắt nhưng đối với những người được ăn một hay nhiều lần thì chẳng bao giờ so đo, mặc cả về giá cả, hễ ngoài chợ có bán là mua ngay về để cả nhà hoặc anh em bè bạn cùng được thưởng thức. Người xứ Quảng thường chế biến cá thài bai thành ba món: hấp, chiên và ram. Trong đó, món chiên là quen thuộc, phổ biến, được nhiều người ưa chuộng. Sau khi rửa thật sạch, ướp mắm muối và các loại gia vị, rồi bắc chảo mỡ lên bếp, phi hành cho thơm, cho cá vào để lửa cháy riu riu, khoảng 10 phút là cá vừa ngấm. Nhắc xuống, bày cá vào đĩa lớn, đi kèm đĩa rau sống sạch, đủ loại, cùng xấp bánh tráng mỏng để cuốn. Cá thài bai ram ăn cùng bánh tráng dày nướng chín, giòn là hợp nhất. Ðối với cánh mày râu, có thêm chút rượu Bàu Ðá (Bình Ðịnh) thì thật rôm rả. Cá thài bai vừa mềm vừa ngon. Mùi vị của nó thơm, quyến rũ lạ, khó có thể diễn tả hết bằng lời. Ai có dịp về Quảng Ngãi được thưởng thức một lần thì khó có thể quên được món ăn dân dã thú vị, đầy tình cảm của người dân xứ Quảng.
  2. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Món này thì ...... thèm chết luôn được
    Cá bống sông Trà​
    Có những món ăn đơn giản đến mức không thể nào đơn giản hơn được nữa, ấy vậy mà nó trở thành đặc sản của một địa phương. Dù đi đâu, xa quê bao lâu người ta vẫn nhớ đến. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi) là trường hợp như thế.
    Dòng sông Trà bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, đổ ra biển với chiều dài trên dưới 39km, cá tôm không nhiều về chủng loại cũng như số lượng nhưng con nào ăn cũng ngon, đặc biệt là cá bống. Cá bống ngon nhất vào mùa hè, ngư dân ở đây thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ ra bắt gọn những chú cá trong ống. Buổi sáng, cá đem về còn giãy đành đạch, tươi rói; bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp chụm lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Nếu cá đã kho hai ba "lửa" thì ăn rất "đã" với vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm thơm dai dai của thịt cá, ăn mãi mà không chán.
    Người ta thường bảo: "Cá bống kho tiêu, cá thiều nấu ngọt". Cá bống kho tiêu là món ăn đặc biệt của vùng sông nước Trà Giang. Ngon nhất phải nói đến loại cá bống cát ở sông Trà gọi là "Trà Giang sa ngư". Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, từ loại cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão, không ngon bằng thịt cá bống cát.
    Muốn bắt cá bống, người ta dùng những ống tre cưa từng đoạn dài khoảng năm tấc tây, có chừa đốt ở giữa đoạn, để trống hai đầu ống cho cá chui vào ở. Mùa thả ống bắt đầu vào khoảng tháng tám âm lịch khi các guồng xe nước đã dọn xong để tránh mùa mưa lũ - cũng là lúc cá bống bắt đầu mùa chửa, đẻ. Nước sông Trà lúc bấy giờ cạn, chỉ ngập đến lưng quần. Chỗ sinh đẻ thích hợp cho cá bống là đoạn nước cạn đứng nước và trong veo vẻo. Người ta chọn lạch sông vừa tầm ống, đem ống ra cắm từng hàng ngang nhau, thẳng góc với dòng nước và cách đáy sông khoảng ba tấc tây. ống này cách ống kia chừng 2m. Cứ sau 24 giờ, người ta đi bắt cá một lần gọi là đi trút ống. Người đi trút ống mang theo sau lưng chiếc "vịt" đan bằng nan tre để đựng cá. Ðể bắt cá cho chắc ăn, đưa hai tay nhè nhẹ bịt lấy hai đầu ống rồi nâng lên khỏi mặt nước và trút nhanh vào chiếc "vịt". Xong, lại cắm ống trở về vị trí cũ. Những cử động của người đi trút ống hết sức nhẹ nhàng, khéo tay để tránh gây tiếng động khiến cho cá nằm trong các ống khác chạy trốn mất. Người ta còn dùng cả lưới ngao để bắt cá. Ðồ kéo ngao gồm có một tấm lưới đan bằng gai hay tơ, dài độ 7m, cao 1m, hai đầu có sào chắn lưới. Một đầu sào vót nhọn để cắm xuống sông khi chăng lưới đón cá. Mỗi dây ngao làm bằng vỏ ngao biển kết lại thành dây dài từ 30 đến 40 m.
    Cá bống đem về nhà đánh vảy, chặt hết vây và lấy hết ruột. Xong đem cá bỏ vào chiếc rổ tre có trộn ít muối hột, chà đi xát lại nhiều lần cho sạch hết vảy. Ðoạn, rửa cá thật sạch mới đem bỏ vào chiếc tô lớn và ướp nước mắm ngon để độ mươi phút. Bây giờ mới đổ cá vào chiếc "trách đất" đã tráng một lớp mỡ hay dầu ăn đã khử rồi đổ thêm nước mắm ngon vào trách sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín. Cuối cùng, mới dùng đũa tre trộn cá cho thật đều, nhớ trộn cho khéo tay để cá khỏi bị nát, rồi rắc tiêu bột và nước màu lên mặt. Ðậy nắp trách cho thật kín để um hơi cho nước màu và tiêu ngấm dần vào cá. Ðộ chừng năm phút sau mới đưa trách cá xuống lò nhưng nắp vẫn đậy kỹ cho đến bữa cơm mới đem ra dùng. Lúc mở nắp trách, mùi vị thơm nứt mũi, dù bụng ta có no cũng khó mà chối từ./.
  3. hailua_quangngai

    hailua_quangngai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/07/2006
    Bài viết:
    20
    Đã được thích:
    0
    Bắp sông Trà - Quảng Ngãi[center][/center]
    Cây bắp (ngô), vốn có gốc gác từ Mexico, không hiểu vì sao khi du nhập vào nước ta đã được mang ngay hai cái tên, như kiểu một tên "chữ" và một tên "nôm". ở miền bắc, bà con gọi là ngô, còn từ miền trung trở vào, lại gọi là bắp. Ắt hẳn, giống ngô đầu tiên du nhập vào nước ta đến từ ngả Trung Hoa. Có thể ban đầu lượng hạt ngô giống nhập vào rất ít. Nhưng dần dà, người Việt đã chấp nhận giống lương thực mới này, có lẽ vì nó dễ trồng, dễ bảo quản, ăn lại ngon.
    Thành phố Quảng Ngãi, cả TP chỉ có một đại lộ thì ngay trên vỉa hè của cái đại lộ hoành tráng ấy, lơ mơ cũng đếm được vài chục cái "lò" quạt ngô nướng thơm thơm mỗi chiều mỗi tối. Nhất là vào những chiều đông khi gió bấc chợt hun hút khiến những trã than đỏ hồng lên, tàn lửa bay bay như hoa cà hoa cải, khách qua đường cứ muốn sà vào những quán ngô - nướng ấy. Để nhấm nháp sự ấm áp, ăn mơ màng cái không khí chưa định rõ là quê hay phố. Người bán bắp nướng nhanh tay quạt, chọn cho ta những bắp ngô bánh tẻ, không quá non mà cũng chưa tới mức già, những hạt bắp đều tăm tắp như những chiếc răng sữa. Với khách dễ tính, người bán ngô nướng sẽ phết một lớp dầu đã phi hành lên bắp ngô cho thơm. Nhưng với khách quen, khách hơi kén chọn, người quạt than nướng bắp không cần phải gia giảm thêm gì vào cái bắp ngô nõn nà kia.
    Vâng, bắp nướng bán cho khách phải là bắp nếp, một giống bắp truyền thống và có chất lượng cao, ăn dẻo thơm như ăn xôi. Và cứ để nguyên như thế, đừng làm mất cái hương chất tự nhiên của những hạt ngô nướng. Ăn bắp nướng, muốn ăn nhanh, muốn làm một cú "fast - food" cũng không được. Cứ phải từ tốn, nhẩn nha, để răng ta chạm nhẹ nhàng vào "răng" bắp, để mùi thơm dịu nhẹ của cái bắp nướng lan tỏa bao bọc ta. Trong một phút thư giãn, người ăn bắp nướng chợt chìm vào những bãi ngô xanh mướt nơi quê nhà, nghe gió reo khẽ dọc theo những luống bắp mẹ bồng con, cảm được cả mùi thơm nhẹ hơn không khí của những chùm râu ngô như những vệt màu nâu đỏ.
  4. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Ốc gạo quê tôi ​
    Đó là tên của loài ốc đặc biệt nổi tiếng của con sông Trà, quê hương tôi. Chẳng biết người dân xứ Quảng đặt cho loài ốc này cái tên ấy từ khi nào? Nhưng khi đọc lên, nó gợi trong người nghe một ấn tượng đẹp về loài ốc có dáng hình vừa bé nhỏ, mảnh mai, xinh xắn, gần gũi. Mỗi con ốc gạo chỉ to bằng nửa đầu ngón tay út của đám con trẻ lên ba là cùng. Cái vỏ bao bọc bề ngoài của ốc gạo thường có màu vàng nhạt, trông tròn tròn tựa như con ốc nhồi.
    Ốc gạo sinh tồn ở nước lợ, nơi giao nhau giữa nước ngọt và nước mặn, tức là cuối nguồn con sông Trà, thuộc hai nhánh cửa Sa Kỳ và cửa Nghĩa Hà của huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa. Ở đỗi Tịnh Long, bờ bên này, Nghĩa Hoà, bờ bên kia trở lên thuộc dòng nước ngọt. Vào mùa đội quân chuyên đi nhũi ốc, don, lịch... trên dòng sông Trà thỉnh thoảng thấy có mặt đôi, ba chú ốc gạo trong mỗi mẻ xúc. Vào tháng 3, tháng 4 (âm lịch), tháng cuối xuân đầu hè này, sông nước Trà Giang trong xanh, lặng tờ, các loài cá, don, ốc... đổ về, thi đua sinh sôi và lớn với tốc độ chóng mặt. Đấy cũng là mùa ?olàm ăn? của những hộ dân sống trên đôi bờ sông, chuyên mưu sinh bằng nghề chài cá, nhũi don, ốc nói chung, ốc gạo nói riêng. Muốn tóm được những chú ốc gạo nhỏ xíu mà quý, ngon kia, họ phải lặn xuống dưới tận đáy sông, sâu khoảng hai, ba mét nước, dầm mình một hồi lâu, dùng cào xúc đưa, nâng từng mẻ, người ở trên ghe, thuyền có nhiệm vụ chọn lọc, phân loại ra. Có ngày làm trúng mánh, mỗi người cũng kiếm được ba, bốn trăm ngàn đồng từ việc bán ốc gạo. Ốc gạo cũng như các loại ốc khác đem bán ở các chợ nơi đây đều được tính bằng đơn vị lon. Vì ốc gạo thuộc hàng ?osiêu sao?, nên giá cả bao giờ cũng đắt hơn các loại ốc khác tới ba, bốn lần. Cách nấu ốc gạo cũng đơn giản, dễ dàng. Đun nồi nước thật sôi, rồi đổ ốc gạo vào đánh, trộn đều, chừng 15 phút sau, ốc chín vừa, vớt, múc ra để ráo. Bắc tiếp cái chảo đã có sẵn dầu phụng, cùng các loại ớt to xắn mỏng, chút tiêu, hành ngò, nước mắm để sôi, chín tới, cho ốc vào trộn đều, tất cả đều thấm thía mùi vị của dầu, mắm, tiêu, ớt... Thế là xong, xúc cả ốc và nước tiết ra vào tô bát. Còn nóng, ốc gạo bốc lên một mùi thơm mà ngửi nhẹ qua khứu giác đã cảm nhận được sức hút, sự quyến rũ, hấp dẫn đặc biệt từ đó. Để nguội nguội một chút, chuẩn bị sẵn một số cái gai chanh bên cạnh tô ốc gạo, dùng gai ấy mà lể miệng từng chú ốc gạo ra. Cái ngon, thơm vừa lạ vừa quen của loài ốc gạo trên dòng sông Trà đã khiến cho không ít người đâm ?oghiền?. Đoán biết đất Quảng có loại ốc gạo sông Trà hảo hạng, nức danh, các bạn hàng các tỉnh lân cận (Quảng Nam, Bình Định) tìm tới thu mua với giá cao hơn người trong tỉnh. Như vậy con ốc này lại có dịp bay xa, mang theo hương vị ngon... làm ngất ngây hồn xứ người. Nếu không ngon, không hấp dẫn thì sao họ lại ra, vào đất Quảng mua ngày càng đông thế chứ?
  5. thuxaqn

    thuxaqn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/11/2005
    Bài viết:
    587
    Đã được thích:
    0
    Có một bạn đi tìm hiểu thông tin về Don quê mình, tự nhiên làm mình suy nghĩ. Đã từng ăn những tô Don ngon nhất. Đã từng ra sông mò từng con Don một (mò bằng tay), và sau đó là một trận la mắng của mẹ (đó là nhẹ, nặng thì một đít đầy lằng roi). Nhưng cuối cùng vẫn là những tô Don ngon tuyệt. Tôi cứ nghĩ biết về Don như vậy là đã quá đủ, nhưng thật sự thì không, vẫn còn những điều về tô Don, những điều mà tôi ngày ngày chứng kiến và vẫn xem là một chuyện bình thường. Don ngon nhất là được ăn vào những ngày bão, ngày thiệt lạnh. Được húp một miếng Don nóng, cắn một trái ớt kim thơm nồng, rồi hít hà. Chà không thể nào có gì tuyệt hơn! Nhưng chắc là mọi người không ai quan tâm là trong những ngày lạnh cóng đó, để có được những con Don quả là một chuyện không đơn giản!
    (đây là đoạn trích trên internet mà tôi đọc được)
    NHỮNG CON SÊN CẦN MẪN​
    Bị đánh thức đột ngột bởi tiếng ồn bên ngoài, tôi nhìn đồng hồ, mới gần hai giờ sáng. Tại cái thời điểm mà những tưởng mọi người vẫn còn đang đắm chìm trong giấc ngủ thì ở làng này, tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi nhau vào việc đã vang vọng khắp các ngã đường. Trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt của những ngày cuối đông, tôi bắt gặp trên một lối mòn dẫn ra bến sông khoảng trên dưới 20 thanh niên, trai tráng mang trên vai nào dầm, nào nhũi, nào thau, rỗ cào...( những ngư cụ dùng để bắt don, hến của người dân địa phương) nối đuôi nhau tiến vào ngày mới trên con đường mưu sinh vất vả.
    Xuyên qua bóng đêm dày đặc, những người con của vùng sông nước mạnh mẽ xé tan tấm màn sương của góc trời đên ấy để bước tiếp những bước vững vàng. Nghe tôi hỏi về nghề của mình, các anh, các chú vui vẻ trả lời tôi đầy tự tin như thể đó là cái tất yếu mà ?othượng đế? đã đặt sẵn cho họ ngay từ lúc mới chào đời.
    Nghề lặn hụp sông nước được coi là nghề chính ở hầu hết các làng chài lớn nhỏ trên đất nước Việt Nam, nhưng nghề khai thác don duy chỉ có ở một vài nơi trong tỉnh Quảng Ngãi- theo người dân ở đây thì don ở Vĩnh Thọ- Nghĩa Phú nhiều và ngon hơn hẳn.
    Là động vật thân mềm thuộc họ sò, hến (con hai mảnh) thường sống ở các cửa sông có mực nước sâu và vùi thân trong cát. Có kích thước nhỏ (chỉ nhỉnh hơn đầu chiếc đũa con), mình dẹp, thon dài, thịt mềm, ngọt và thơm, dễ chế biến nên don đã thành đặc sản của vùng Nghĩa Phú. Đã từ lâu, người dân xứ Quảng quen với vị ngọt tự nhiên của nước don, cái dai dai mềm mềm của con don cuộn trong bánh tráng, cái the the, nồng nồng, ngai ngái của ớt tươi trong tô don nóng. Cái hương vị đậm đà đã đi vào lòng người là không thể nào quên.
    Do đặc điểm sống ở vùng nước sâu trên 1,5m nên việc đánh bắt loài sinh vật này gặp rất nhiều khó khăn, ngư dân đành phải đi theo con nước, phải thức dậy lúc 2- 3 giờ sáng cũng là chuyện rất đổi bình thường. Ngư dân nghề cá có thể đứng tên ghe, thuyền dùng câu, lưới để bắt cá, nhưng người ta không thể làm điều đó khi khai thác don. Với nghề don, họ ?ophải trực tiếp ngâm mình trong nước, kéo theo cái cào nặng lắm! Ngày nắng ấm thì đỡ, vào mùa đông gặp những ngày mưa, nước sông lạnh nhiều khi không dám xuống nước, nhưng rồi nghĩ đến niềm vui của các con lúc được mặc áo mới cũng đành nhắm mắt nhảy bừa, mà nước cứ chạm tới đâu thì mình lại run tới đó?- anh Đặng Tầng, một ngư dân làm nghề đánh bắt don ở xã Nghĩa Phú nói với giọng xót xa.
    Mỗi ngày ngâm mình trong nước gần 10 giờ liền, thanh niên có sức khoẻ đã đành, những người sức yếu có lúc lạnh cóng chân không thể bước nổi, rồi còn ?ogió nó cứ thốc vào người liên hồi, nhiều khi không dám rời làn nước để quay về?. Khổ là vậy, nhưng gặp lúc don được giá thì ai cũng vui vẻ chuẩn bị dụng cụ cho chuyến đi ngày hôm sau. Khi don nhiều, giá thấp nỗi buồn là lo lắng lại hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Tuỳ vào mùa, con nước và giá don mà thu nhập của một chuyến đi (một người) có thể xê dịnh từ 30.000- 70.000 đồng, xem ra cũng đủ trang trải trong ngày.
    Nhờ một cô bé đưa đường, tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh của những chiếc thuyền nhỏ không người lái đang dập dềnh trên sóng, chốc chốc một vài cái đầu nhô lên, hụp xuống như thể giỡn đùa trong làn nước ấy. Một chú trèo lên chiếc thuyền con của mình nói vọng sang- ?ocô thử ngâm chân dưới nước một lát xem?- rồi chú cười vang khi thấy tôi rút vội đôi chân lên khỏi mặt nước lạnh ngắt. ?oThử đặt mình vào trường hợp của những người dân ở đây cô mới hiểu hết được, chứ cứ ngồi mà nghe kể không thôi thì chẳng biết được gì đâu?- một vài ngư dân ngẩng mặt lên nói. Tôi cảm thấy thấm thía sau câu nói đó. Nếu chỉ ở trong phòng nghe kể hay chỉ xem qua sách báo mà không được nhìn thấy tận mắt những cảnh này thì có lẽ tôi không bao giờ tin có một nơi như vậy.
    Nhìn con người và cảnh vật nơi đây khiến tôi liên tưởng đến những con sên biển cần mẫn, chậm chạp dò dẫm đi tìm nguồn sống...
    (theo http://www.quangngai.gov.vn/quangngai/tiengviet/bangtin/2006/8372/)
  6. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Bánh ít lá gai Lý Sơn
    Là người dân đất đảo Lý Sơn, ai mà không thuộc, không nhớ hai câu ca dao thân quen này:Muốn ăn bánh ít lá gai,/ Có chồng ngoài đảo cho dài đường đi.Bánh ít lá gai là loại bánh được mọi người dân nơi đây đặc biệt ưa chuộng. Vì đặc biệt ưa chuộng nên các chị, các mẹ ở đất đảo này rất có kinh nghiệm và sở trường để làm ra thứ sản phẩm bánh ít thơm ngon, mà các nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi quê ta chưa có nơi nào ?ođịch? lại.
    Cách làm loại bánh này chẳng xa lạ gì với nhiều chị em phụ nữ, nhất là vùng nông thôn. Ngâm nếp cho mềm, xay thành bột rồi cho vào túi vải lọc (gọi là đăng bột) thật ráo nước. Dùng lá gai luộc chín, vớt lấy lá xắt nhỏ bỏ vào cối đá giã nát nhừ, cho bột nếp đã đăng vào cùng với đường (có thể đường trắng hoặc đường mía cũng được) quết thật nhuyễn, ngắt thành từng viên bột đều nhau, to cỡ chừng bằng ngón chân cái, dát mỏng, bỏ nhân vào giữa rồi túm lại tròn vo. Để làm nhân bánh ít, người đất đảo hay ngào dừa hoặc đậu xanh với đường, cho bánh khỏi chảy nước. Muốn bánh ít có hình đẹp, xinh xắn như hình chóp nón thì cách gói bánh cần phải công phu và điêu luyện hơn. Dùng lá chuối tươi phơi nắng hoặc hơ lửa cho khỏi gãy, rồi xếp thành hai lớp lá để gói bánh. Để lúc bánh chín, bóc lá không dính tay, người ta bôi chút dầu phụng vào khi gói bánh. Cách nấu bánh ở đây cũng đặc biệt, lạ mắt, người ta sắp bánh lên rế đan bằng tre, rồi cho vào nồi chưng cất thuỷ.
    Bánh ít lá gai có mùi thơm đậm đà của bột nếp, của lá gai, vị ngọt, vị béo của đường, nhân dừa, đậu xanh, hương của lá chuối, dầu phụng hoà quyện với nhau thành một thứ hương vị độc đáo và hấp dẫn khó quên. Bánh ít để lâu tối đa được một tuần lễ. Hai, ba ngày sau khi nấu chín là thời điểm ăn bánh ngon nhất, có đầy đủ mùi vị nhất. Ngoài quen thuộc trong những bữa ăn chơi, ăn xế, ăn nửa buổi... khi trồng, thu hoạch tỏi, hành, lúc đánh cá tận khơi xa, sản phẩm bánh này còn không thể thiếu trong mâm hoa quả, bánh trái dâng lên cúng, khấn ông bà, tổ tiên, các bậc tiền hiền nhân những ngày giỗ, cúng, lễ hội... trọng đại trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của bà con nhân dân hòn đảo này. Sự nổi tiếng của bánh ít lá gai Lý Sơn đã lan vào tận trong đất liền từ lâu rồi. Có lần nghe tôi sắp đi chơi ngoài đảo, mẹ tôi không quên dặn rằng: Ra đó, con nhớ mua cho mẹ ít chục bánh ít lá gai và một vài ký tỏi đấy.
  7. hailua_quangngai

    hailua_quangngai Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/07/2006
    Bài viết:
    20
    Đã được thích:
    0
    Cua huỳnh đế Sa Huỳnh Quảng Ngãi
    Cua huỳnh đế to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, thoạt nhìn giống con bọ khổng lồ, đầu hơi chúi xuống, có khá nhiều râu vểnh lên, lưng có gai, càng và que ngắn, khi luộc chín mai cua mầu đỏ hồng rất đẹp. Cua huỳnh đế có quanh năm nhưng vào độ tháng chạp âm lịch là thời điểm cua ngon nhất. Lúc này, cua cái và đực đều đầy gạch, cua cái có thêm trứng, ăn rất ngon. Người xứ biển ở đây cho biết, phần gạch của cua huỳnh đế là chất bổ dưỡng nhất, ăn không độc (nhất là với người bụng yếu) như gạch của cua thường hay ghẹ. Sớ thịt cua huỳnh đế chắc, ngọt, dai và thơm; vỏ cua giòn, mềm, dùng răng cắn bể được.
    Cua huỳnh đế thường được nướng hoặc hấp chấm với muối tiêu chanh, nhưng ngon nhất vẫn là nấu cháo. Cua rửa sạch, sau đó cho vào tô hấp cách thủy để giữ chất ngọt. Cua chín, tách mai, dùng muỗng nạo phần gạch để riêng, lấy phần thịt từ thân, càng, que rồi ướp gia vị (hành, tiêu, ớt, tỏi). Sau đó phi mỡ hành cho thơm rồi cho thịt cua vào xào qua khoảng ba phút. Khi nồi cháo vừa chín, bỏ thịt cua vào, nêm lại, chờ cháo sôi nhắc xuống cho hành lá, tiêu vào. Cháo cua huỳnh đế ngon bởi lớp mỡ hành vàng nhẹ, mầu hồng gạch cua và những sớ thịt cua trắng phau.
    Theo Sài Gòn Giải Phóng
  8. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Nấm cỏ tranh với trứng vịt ​
    Trong những sản vật ở thôn quê, núi đồi, người dân Quảng Ngãi của ta khéo nghĩ, khéo làm ra các món ăn dân dã mà ngon lạ. Nấm cỏ tranh tráng với trứng vịt là một trong những món ăn như thế. Đối với mọi vùng thôn quê, cây cỏ tranh rất đỗi quen thuộc. Thân và lá của nó dùng để che, lợp nhà, làm thức ăn cho trâu, bò, ngựa. Cỏ tranh phát triển nhiều, nhanh vào mùa mưa. Gặp mưa, đất ẩm ướt, dưới nhiều gốc cỏ tranh sinh thêm những cây nấm, trên đỉnh đầu có tán nhỏ, gọi là nấm cỏ tranh (nó thuộc dòng họ với nấm rơm).
    So với cây nấm rơm thì cây nấm cỏ tranh bé nhỏ, mảnh mai và dai chắc hơn. Mùa mưa, đến tiết trời rét căm căm, những cơn mưa nối dài, rả rích, không ngớt, đám trẻ con của làng quê xứ Quảng hay đội áo mưa, rủ nhau đi tìm nhổ nấm cỏ tranh đem về cho mẹ, cho bà. Đám cỏ tranh nào có mùi ngai ngái, nồng nồng là chỗ ấy có nhiều nấm xuất hiện. Phải đưa tay nhổ nâng niu, nhẹ nhàng từng cây, kẻo nó đứt, dập đi thì mất ngon.
    Theo kinh nghiệm của các cụ, nấm cỏ tranh tráng cùng trứng vịt là ngon, bổ nhất. Món nấm cỏ tranh tráng với trứng vịt, làm loáng một cái là đâu vào đó. Nấm cắt bỏ gốc, dùng dao cạo sạch đất dính, đem ngâm nước ấm, cào nhẹ cho sạch đất, để ráo nước, dùng dao tước, chẻ cây nấm thành ba, thành tư, càng nhỏ càng tốt. Phi dầu phụng sôi vừa, cho trứng vịt đã đánh nổi bọt cùng với nấm và chút ít gia vị, hành, tiêu, nước mắm vào trộn đều. Chỉ cần năm phút là đã đạt yêu cầu, chất lượng rồi. Nấm cỏ tranh tráng với trứng vịt có một mùi thơm mà ai cũng cảm thấy nó thật hấp dẫn, quyến rũ. Khi thưởng thức, ta bắt gặp vị bùi, vị béo, vị ngọt của từng miếng nấm cỏ tranh - trứng vịt thấm dạt dào nơi đầu lưỡi. Thích thú số một là sợi dai dai của từng cộng nấm bên trong phần trứng mềm mềm.
    Xưa nay, người nhà quê ở Quảng Ngãi luôn dùng nấm cỏ tranh tráng với trứng vịt làm món tẩm bổ cho người ốm, người già yếu. Không những bổ dưỡng, món ăn dân dã này còn được coi như một bài thuốc nam có giá trị giúp cơ thể sảng khoái, thanh nhiệt, lợi tiểu. Còn trong bữa cơm thường của gia đình mà có hiện diện món nấm cỏ tranh tráng trứng vịt, thì lo tăng thêm gạo khi bắc cơm là cái chắc.
  9. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Thương con cá bống sông Trà ​
    Trà Khúc, con sông dài nhất Quảng Ngãi có nhiều loài cá ngon sinh sống. Phía thượng nguồn có cá Niêng. Vùng hạ lưu có cá Thài bai, cá hanh, cá đối... đặc biệt là cá bống.Món cá bống kho tiêu từ lâu đã trở thành đặc sản của đất này. Ca dao Quảng Ngãi có những câu thật ý nhị: "Phải đâu chàng nói mà xiêu. Tại con cá bống tại niêu nước chè". Nhưng không phải loại cá bống nào kho tiêu cũng trở thành... đặc sản. Cá bống găm con to thịt dai hay cá bống kèn (bống nhọn) kho tiêu không thật ngon. Chỉ có cá bống cát mình tròn, đầu nhỏ, có màu vàng nhật đến vàng ươm kho tiêu là ngon nhất.
    Chẳng biết có phải do bùn cát, nguồn nước và các dạng phiêu sinh vật ở sông Trà hay không mà cá bống ở đây thịt rất thơm và nếu kho tiêu đúng cách có vị rất riêng không lẫn với cá sống nơi khác được.
    Ngày trước cá bống sông Trà là món ăn dân dã. Chị em trong thời gian "ở cữ" thường ăn cơm gạo trắng với món này cho chắc ruột.
    Thời cơ chế thị trường, khi cào cào, châu chấu, rắn rết lên hương, trở thành món nhậu được ưa chuộng thì cá bống sông Trà cũng thoát khỏi thân phận hẩm hiu để có mặt ở các quán ăn, nhà hàng, siêu thị. Món cá bống kho tiêu đựng trong các hủ nhựa có trọng lượng 250g, 500g theo các chuyến bay, ô tô, tàu lữa đến với mọi miền mang theo chút hương vị đậm đà của sông nước miền Ấn - Trà.
    Cá bống kho tiêu được nhiều nơi, nhiều người ưa chuộng là niềm vui đối với những gia đình chuyên làm nghề khai thác cá bống trên sông Trà và cả những cơ sở "ăn nên làm ra" nhờ bán món đặc sản cá bống. Thế nhưng, sau niềm vui là nỗi lo nguồn cá bống mỗi ngày một cạn kiệt.
    Nước sông Trà từ ngày có đập Thạch Nham rất cạn về mùa nắng, nhất là đoạn có cá bống ngon từ Tịnh Hà đến Tịnh Long (huyện Sơn tịnh). Nguồn nước lại bị ô nhiễm do chất thải của các nhà máy và tình trạng khai thác quá mức đã làm cho cá bống sông Trà dần dần trở thành của hiếm. Cá bống cát 1 kg còn sống có khi đến hơn 80.000 đồng nhưng không phải dễ mua.
    Chính vì do nguồn cá bống cát sông Trà ngày càng ít không đủ cho thị trường tiêu thụ nên một số người có "sáng kiến" lấy cá bống Quảng Nam thay cho cá bống sông Trà Quảng Ngãi.
    Dân chuyên làm cá bống (chủ yếu ở huyện Sơn Tịnh) rủ nhau ra Quảng Nam thuê ghe của dân địa phương sống ven các dòng sông và hồ Phú Ninh để khai thác cá bống mang về Quảng Ngãi bán cho các cơ sở, quán ăn, nhà hàng chế biến món cá bống kho tiêu. Người dân Quảng Nam vốn không quen khai thác cá bống nên họ cũng chẳng cạnh tranh hoặc ì xèo để làm gì. Thế là một số nơi như quán ăn VN trên đường Hùng Vương, quán C.G ở đường Quang Trung - Thành phố Quảng Ngãi bán món cá bống kho tiêu có bao bì, nhãn hiệu là cá bống sông Trà nhưng thực chất là cá bống Quảng Ngãi trộn lẫn với cá bống Quảng Nam hoặc chỉ toàn là cá bống Quảng Nam. Đây cũng là một kiểu "hồn Trương Ba da Hàng Thịt" rất khó biết, chỉ những ai nghiện món cá bống kho tiêu mới phát hiện được.
    Chị bạn tôi là người biết làm món cá bống kho tiêu đúng cách. Nghĩa là, cá bống kho phải cong hình lưng tôm, có vị mặn của mắm, vị cay của tiêu, mùi thơm dịu của thịt cá chứ tuyệt nhiên không có vị ngọt của đường hay bột ngọt đã vỡ lòng cho tôi về điều này: Con cá bống cát sông Trà thân mập tròn, thịt thơm, cá màu vàng đẹp khác với cá bống Quảng Nam mình rỗ hoa hoặc xám đen, thân lép, thịt bở không dai nên kho tiêu kiểu gì cũng không ngon bằng cá bống sông Trà. Người sành điệu chỉ cần ăn một miếng là biết, còn không thì... cá bống nào mà chả là cá bống!
    Cá bống khai thác ở các sông, hồ Quảng Nam đem về Quảng Ngãi bán giá rất bèo, chỉ 30.000 - 40.000đ/kg. Các quán cơm, cơ sở chế biến đem kho tiêu trộn lẫn với cá bống sông Trà hoặc kho riêng rồi vào bao bì có sẵn bán cho người tiêu dùng. Người khai thác kiếm được chút ít, người bán thì lãi to bởi một hủ cá bống kho tiêu 250g thường được bán với giá từ 45.000 - 50.000đ, chỉ tội cho người tiêu dùng, nhất là người Quảng Ngãi xa quê muốn thưởng thức một chút hương vị quê nhà và thương cho con cá bống sông Trà vì ai nên nỗi...
  10. HoaPhan

    HoaPhan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    1.047
    Đã được thích:
    0
    Nghề làm nước mắm ở Kỳ Tân, An Chuẩn ​
    Ở Quảng Ngãi có khá nhiều làng nghề làm nước mắm, nhưng phát triển sôi nổi và nhộn nhịp nhất hiện nay vẫn là các làng Kỳ Tân, An Chuẩn (xã Đức Lợi, Mộ Đức) và Thạch Bi (Đức Phổ). Nghề làm nước mắm ở làng Kỳ Tân, An Chuẩn đã gắn bó từ bao đời đối với người dân nơi đây (một miền quê - một bên là sông, một bên là biển). Đến nay hỏi những người cao tuổi ở hai làng này về ông tổ nghề của mình, họ không còn nhớ rõ. Chỉ biết nó có từ rất lâu và được truyền từ đời này sang đời khác.
    Nguyên liệu làm nước mắm chính là loại cá cơm được thu hoạch từ tháng giêng đến tháng 3 hàng năm (mùa gió nồm). Đây là thời điểm cá cơm làm mắm có hương vị thơm ngon nhất. Riêng mắm nục được làm từ tháng ba đến tháng tư, đây là thời gian vụ cá nổi rộ lên, lúc này muối mắm nục sẽ có hương vị mặn mà. Ngoài hai loại cá làm mắm kể trên, người dân ở đây còn làm mắm ngừ, mắm mực, mắm kình, mắm nhum, mắm tôm...
    Để làm mắm cần phải có các dụng cụ, đó là thùng tô-nô được làm bằng gỗ mít, loại thùng này được đóng tại xóm Thùng (xóm A, thôn An Mô) có sức chứa từ 1 tấn cá trở lên, đáy thùng có vỏ hớt sàng lọc nước, lu, ghè, chậu đựng, gáo múc, xiên gậy đảo cá, mủng để lường... đặc biệt thùng tô-nô đóng bằng gỗ mít vừa chắc, vừa có mùi thơm, nên giữ được mùi đặc trưng của mắm.
    Quy trình làm nước mắm được tiến hành theo công thức: Hai cá một muối hoặc ba hay bốn cá một muối (tuỳ theo loại cá to hay nhỏ), tức là lấy mủng lường theo công thức trên. Quy trình chế biến được tiến hành theo 3 giai đoạn:
    Giai đoạn 1: Dựa vào công thức, người thợ làm mắm lấy mủng lường và đổ vào thùng tô-nô, mỗi lần đổ được trộn đều cá và muối, cứ như thế cho đến khi đầy. Cá ướp muối để trong thời gian 6 tháng, 8 tháng hoặc 1 năm. Trên bề mặt của nước trong thùng lúc này đã tạo nên một lớp váng meo màu xanh, để càng lâu lớp váng này càng dày. Đúng thời gian, người thợ cho rút lấy nước bổi (nước đầu tiên) đó chính là nước mắm cốt. Nước mắm này còn gọi là mắm kéo lù, mà người ta quen gọi đó là mắm nhỉ. Riêng xác cá trong thùng người ta đem ra phơi nắng (được gọi là giang).
    Giai đoạn 2: Giang ngoài nắng trong vòng 6 đến 8 tháng, sau đó người ta đổ nước muối vào thùng tô-nô. Nước muối được pha chế theo công thức một muối hai nước lạnh, đổ đến cách áp lợi thùng 1 tấc rồi khuấy đều (khuấy nhiều lần) rồi rút ra theo vòi, người thợ gọi đây là mắm nhì. Loại mắm nhì này tiếp tục đem phơi nắng từ 3 đến 6 tháng.
    Giai đoạn 3: Người thợ lấy mắm cốt được cất trong giai đoạn 1 (mắm kéo lù, mắm nhỉ) đem pha chế với nước mắm nhì được cất trong giai đoạn 2 để cho ra mắm nhất trong giai đoạn 3. Công thức pha chế này theo tỷ lệ: 5 lít mắm nhì cộng với 1 lít mắm cốt (mắm nhỉ) thành mắm nhất. Nước mắm nhất có độ đạm từ 18 đến 20. Loại mắm này chính là mắm mà ta thường dùng hàng ngày còn gọi là mắm nước.
    Còn về mắm cái cũng chế biến theo kỹ thuật trên nhưng đơn giản hơn. Muối mắm từ 6 tháng đến 1 năm thì mắm chín có thể dùng được. Song điều cần thiết là mắm cái phải được đảo trộn rất nhiều lần, khi rút mắm không cần phải dùng vỉ. Mặt khác, để có mắm cái thơm ngon người thợ còn có những bí quyết nghề nghiệp riêng.
    Nghề làm nước mắm ở Kỳ Tân, An Chuẩn những năm gần đây rất nhộn nhịp. Mức tiêu thụ hàng tháng lên đến gần 50 tấn cá tươi (còn gọi là chượp). Ngoài nguồn nguyên liệu được đánh bắt tại chỗ còn phải mua thêm ở các nơi như: Tịnh Kỳ, Mỹ Á, Sa Huỳnh, Ninh Thuận, Bình Thuận... mới đủ để sản xuất.
    ở Kỳ Tân, An Chuẩn đến nay đã có 21 cơ sở sản xuất nước mắm, mỗi cơ sở có ít nhất từ 5 đến 7 lao động. Hàng năm sau khi trừ các khoản chi phí mỗi cơ sở còn thu lãi từ 30 đến 50 triệu đồng. Những thương hiệu nước mắm như: Hồng Uùt, Bảy Hiền, Xuân Lan, Phát Hải... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngoài ra, còn hàng trăm lao động nữ trước đây dùng xe đạp, nay dùng xe honda vận chuyển mắm từ Kỳ Tân, An Chuẩn đến bán ở các chợ, các làng quê (kể cả miền núi) trong tỉnh; đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho không ít gia đình ở đây. Hiện nay ngoài những cơ sở sản xuất nước mắm hiện có, Kỳ Tân, An Chuẩn còn phát triển thêm 300 hộ sản xuất theo quy mô gia đình. Đây chính là động lực thúc đẩy để phát triển kinh tế địa phương trong những năm đến.

Chia sẻ trang này